Giới Trẻ ở VN Nghĩ Gì ...

Những đề tài nóng của Thời Sự. Các bài viết lượm nhặt trên Net ở nơi đây chỉ dùng để tham khảo không phải là chính kiến riêng của nhóm phụ trách.

Moderators: CayQueo, phu_de

Post Reply
dacung
Posts: 409
Joined: Tue Dec 13, 2005 6:26 am
Location: USA
Contact:

Giới Trẻ ở VN Nghĩ Gì ...

Post by dacung »

Vì sao Việt Nam vẫn còn là một nước chậm phát triển ? (phần 5)

2008.01.02
Trà Mi, phóng viên đài RFA

Trà Mi xin chào mừng quý vị và các bạn đang đến với chuyên mục "Diễn đàn bạn trẻ", nhịp cầu thảo luận-giao lưu của thanh niên trong và ngoài nứơc, phát thanh sáng Thứ Tư hàng tuần.

Đầu tiên Trà Mi xin được gửi lời Chúc Mừng Năm Mới đến tất cả quý thính giả và cầu chúc bạn nghe đài khắp nơi một Năm 2008 nhiều thành đạt và may mắn. Và xin đừng quên giờ hẹn với Diễn Đàn vào mỗi buổi sáng Thứ Tư, quý vị nhé.

Đáng lẽ đầu năm Diễn Đàn chúng ta nên bàn về một đề tài nào đó vui vẻ nhẹ nhàng hơn, nhưng mà xin quý vị thứ lỗi vì loạt hội luận của giới trẻ xoay quanh chủ đề "Vì sao Việt Nam vẫn còn là một nước chậm phát triển trên bản đồ thế giới" vẫn chưa đến hồi kết. Với phần tranh luận của các bạn tham gia càng lúc càng sôi nổi, hào hứng, cho nên Trà Mi xin mạn phép được tiếp nối chủ đề này để quý vị và các bạn tiện theo dõi.

Trước khi tiếp tục chương trình, Trà Mi xin phép nhắc lại nội dung cuộc nói chuyện tuần trước. Các vị khách mời của chúng ta đã trao đổi những điều ghi nhận được về sự trì trệ của nền chính trị Việt Nam khiến đất nước chậm phát triển, trong số này có các mặt hạn chế về giáo dục và tự do tư tưởng của người dân. Cuộc hội ngộ ngày hôm nay, các bạn trẻ sẽ tiếp tục thảo luận về khía cạnh tự do thông tin và tự do báo chí với sự góp mặt của Quang và Thanh ở Hà Nội, Thiên và Nam tại Sài Gòn, cùng với Hộ từ Canada.

Thanh : À, Thanh có ý kiến thế này. Thứ nhất là mình có một phần nào đó đồng ý với ý kiến của các bạn. Tự do ngôn luận ở Việt Nam không được tốt cho lắm, không được ổn cho lắm, mình thừa nhận điều đấy. Nhưng, theo mình, điều đấy không hoàn toàn là do việc áp đặt hay là cái độc tài của các nhà lãnh đạo đảng cộng sản, mà theo mình thì đó là do trình độ dân trí của ngưòi dân chưa được nâng cao mà thôi.

Tức là thật ra không phải là người dân không muốn nói, không phải là người dân sợ (nên) không muốn nói, mà chẳng qua là họ chưa nhận thức được vấn đề đấy đến mức độ để họ được phép lên tiếng và họ có quyền lên tiếng như thế nào.

Mà vừa rồi đó, cũng chính nhờ ngôn luận, nhờ báo chí mà đã phanh phui ra được rất nhiều những vụ tham nhũng tiêu cực gì đấy, thì khi điều đấy (được nói) lên thì người dân mới biết. Và thêm nữa là cuộc sống nghèo khó, người ta chỉ quan tâm đến việc kiếm tiền nên có thể là do cái nhận thức của người dân nó chưa được ấy thôi, chứ còn về cái sự độc đoán áp đặt từ trên xuống dưới mình nghĩ chỉ là một phần thôi.

Hộ : Nhưng mà nếu nói vậy thì bạn Thanh, bạn biết như vậy thì bạn lên tiếng thử coi như thế nào?

Thanh : Người dân ít có đủ nhận thức để họ lên tiếng. Có thể là cái hiểu biết của họ chưa được cao.

Trà Mi : Hộ đặt ra vấn đề là những người đủ hiểu biết, thí dụ như bây giờ Thanh đủ hiểu biết, Thanh nhận thức ra được vấn đề thì Thanh thử nói dùm những người chưa hiểu biết và chưa nhận thức được xem sao...

Kỳ Nam : Em có ý kiến phản biện Thanh. Thanh cho rằng cái nhận thức của người dân vì chưa cao nên người ta không nhận thức được vấn đề về xã hội, về dân chủ, chứ không phải là do bị đàn áp, bị áp đặt, thì theo mình thì như vầy. Bầu không khí xã hội nó tạo cho người dân khả năng và sự đánh giá.

Tôi nói một vấn đề rất đơn giản. Hồi xưa anh ở dưới quê, anh đi xe đạp, anh không biết đi xe Honda, anh không biết đi xe hơi, nhưng khi anh lên thành phố hoặc anh ra nước ngoài thì anh buộc phải đi xe hơi để anh hội nhập với cuộc sống. Vậy thì người dân cũng vậy.

Người ta đang ở mức nhận thức thấp, nhưng khi vô bầu không khí xã hội buộc người ta phải gắn liền với điều kiện sống và điều kiện tồn tại của mỗi người dân, thì tự người dân sẽ ý thức được cái sự lựa chọn nào và cái điều gì đem lại cuộc sống tốt cho người ta.

Điều đó là điều tối thiểu của mỗi con người. Chưa đặt người ta vô hoàn cảnh đó thì tại sao lại áp đặt người ta là chưa có nhận thức? Người ta không được vô hoàn cảnh để người ta được quyền sống và được lựa chọn thì làm sao mà người ta có thể lên tiếng để thay đổi bất cứ điều gì.

Trà Mi : Ý kiến của Nam có nghĩa là nếu như nói rằng nhận thức của người dân thấp thì cái đó là do hoàn cảnh, do điều kiện xã hội và điều kiện chính trị gây nên. Kỳ Nam : Chính xác là như vậy chứ không thể đổ lỗi người dân không có nhận thức. Tại vì không tạo cho người ta cái bầu không khí đó thì làm sao người ta có thể nhận thức ra được, và giáo dục cho họ biết rằng điều đó ảnh hưởng đến chính cuộc sống và sự tồn tại của chính họ, gia đình và tương lai con cái họ, thì họ sẽ đóng góp nhận thức bằng chính sự lựa chọn của họ.

Trà Mi : Thanh có đồng ý hay không?

Thiên : Lúc nảy bạn Thanh có nói là ở phía trên đảng không có áp đặt. Mình lưu ý bạn là tất cả các cơ quan ngôn luận trong nước mình đều là cơ quan ngôn luận của đảng và nhà nước, thành ra chuyện bạn nói đảng áp đặt hay không áp đặt, ngay cả chuyện tất cả các báo chí đều là cơ quan ngôn luận của đảng và nhà nước thì điều đó đã nói ra được là chúng ta không được tự do ngôn luận. Những phanh phui về giáo dục hay tham nhũng gì đó thì họ chỉ đánh theo phong trào.

Thanh : Thanh xin có ý kiến.

Trà Mi : Xin mời Thanh phát biểu ý kiến.

Thiên : Bạn Thanh ơi, trong cái chuyện vừa rồi đây là Trung Quốc thành lập Tam Sa đó, nhưng sau đó phía trên trung ương điện xuống là ngày hôm sau bạn có thấy tờ báo nào nói về Trường Sa, Hoàng Sa nữa đâu. Đó là mình lấy một ví dụ điển hình, đó là sự áp đặt ở phía trên xuống đối với các tờ báo, các cơ quan ngôn luận ở trong nước Việt Nam.

Còn cái chuyện nói là người dân họ không ý thức được, vậy thì vấn đề này ở chỗ là sự giáo dục ở Việt Nam. Họ giáo dục cho con người Việt Nam ngày càng lú lẫn đi, không được tự do tìm hiểu. Họ áp bức về tư tưởng. Điều này mình nghĩ là bạn Thanh cũng sẽ đồng ý với mình trong chuyện mà ở Việt Nam mình đảng cộng sản đã áp đặt về tư tưởng lên người dân Việt Nam mình.

Trà Mi : Ý kiến của Thanh thì sao?

Thanh : Em có ý kiến thế này. Tức là trước hết Thanh muốn đặt ra với anh Hộ, là Thanh không phải là nói rằng tự do báo chí ngôn luận của Việt Nam là hoàn toàn không được sự quản lý hay áp đặt từ phía đảng cộng sản, mình thừa nhận là có một số lãnh vực nào đó thì buộc phải tuân theo những cái tư tưởng quản lý từ trên xuống dưới.

Điều đó thì hầu hết ở đất nước nào cũng có, không riêng gì Việt Nam. Và mình thừa nhận điều đấy. Ngôn luận tự do nhưng đương nhiên nó vẫn tự do trong khuôn khổ mà cái nước đó cho phép. Tuy nhiên, ý kiến của mình thế này, không phải là mình hoàn toàn phủ nhận cái vấn đề áp đặt, nhưng nó không hoàn toàn như vậy, bởi vì thực tế theo ý mình chính ra là có thể là tầng lớp trí thức hoặc có thể là tầng lớp trung lưu, hoặc là dân chúng nói chung chưa đủ trình độ nhận thức, hoặc là sự nhận thức của người ta chưa được nâng cao. Người ta chưa được chứ không phải là người ta không muốn được.

Kỳ Nam : Tại sao người ta chưa được?

Trà Mi : Câu hỏi của Nam đặt ra với Thanh là tại sao chưa được?

Thanh : À, mình đang nói tiếp thế này, từ từ đã. (Nhiều người cùng cười)

Trà Mi : Thanh thừa nhận có sự áp đặt, nhưng Thanh lại bảo là do người dân chưa tự nhận thức được, có phải là do cái sự áp đặt đó là một trong những nguyên nhân khiến cho người ta không dám nhận thức và không đủ điều kiện để nhận thức hay không?

Thanh : Không. Không phải. Tức là cái sự áp đặt đối với một số lãnh vực tư tưởng thì đối vói hầu hết nhà nước là như vậy. Nhưng mình đang nói vấn đề là trình độ nhận thức của người dân, tức là anh áp đặt nhưng mà nếu trong báo chí trên ngôn luận và nhiều tờ báo vẫn nếu ra vấn đề đó.

Và hiện nay rất nhiều nhà báo cũng tác nghiệp theo cái kiểu như nước ngoài tức là đi tìm kiếm thông tin theo những cách riêng biệt của họ để họ tìm ra những thông tin tiêu cực, trì trệ của đất nước chẳng hạn, thì khi họ đưa điều đó lên báo chí thì cũng rất được người dân ủng hộ và cũng đã được giải quyết.

Quang : Cái tự do thông tin báo chí ở Việt Nam là bị áp đặt: mình chia sẻ với bạn Thanh ở cái quan điểm là người dân ở Việt Nam hiểu biết không nhiều và ngưòi ta không có nhu cầu lên tiếng.

Nhưng mà ở đây có một cái chuyện mà khi mình nghe Thanh nói thì mình nhớ lại. Gần đây không biết các bạn có nghe vụ Đại Tướng Võ Nguyên Giáp góp ý về việc phá nhà quốc hội cũ đi mà năm lần bảy lượt gửi thư không được và không báo nào dám đăng cả. Vậy thì Đại Tướng Võ Nguyên Giáp là ai, chúng ta đều biết rồi. Và đến Đại Tướng Võ Nguyên Giáp mà muốn nói thì cũng không được nói, thì ở đây là cái gì? Đó có lẽ là một câu hỏi lớn cho báo chí ở Việt Nam.

Trà Mi : Cảm ơn ý kiến của Quang. Như vậy thì sau những ý kiến tranh cãi và phân tích sâu thì chúng ta cũng đã thấy là sự thiếu tự do thông tin cũng là một trong những nguyên nhân kèm hãm không chỉ là sự phát triển về dân trí mà còn kềm hãm sự phát triển chung của toàn xã hội, cũng như sự tiến bộ - sự phát triển của quốc gia.

Thiên : À, lúc nãy mình có nói đó là cái chuyện về Hoàng Sa - Trường Sa, tất cả những tờ báo, từ trên trung ương gọi xuống không được đăng tải về chuyện ấy nữa.

Hộ : Nhân tiện nói tới vụ Hoàng Sa - Trường Sa, tại Việt Nam người dân rất là phẫn uất trong khi chính quyền Việt Nam mình lại không cho dân biểu tình trước Toà Tổng Lãnh Sự Trung Quốc ở Sài Gòn. Chính quyền Việt Nam mình đúng ra là phải đại diện cho người dân Việt Nam phải lên tiêng liền chứ còn tại sao lại phải câm nín chờ người dân Việt ở khắp nơi trên thế giới xuống đường biểu tình.

Quang : Nhưng mà nói thế thì, nói đi thì nói lại, anh Hộ ở Canada, anh đã bao giờ tham dự những cuộc biểu tình chống Việt Nam theo ý là phủ nhận tất cả những gì Việt Nam làm. Bất cứ Việt Nam làm cái gì là phủ nhận, không cần biết đó là đúng hay sai. Bất cứ cái gì do chính quyền Việt Nam do đảng cộng sản lãnh đạo là người ta biểu tình phản đối, có không ạ? Có thể anh Hộ chưa tham gia, nhưng em biết là có rất nhiều người và có những tổ chức, cái số người đó, không những là có mà là có không ít nữa, và người ta đã thành lập ra cái gọi là tổ chức khủng bố, hay là ...

Hộ : À, bạn muốn nói tổ chức Việt Tân chứ gì?

Quang : Đảng Việt Tân gửi những người chống phá về nước. Gần đây các bạn thấy là có 6 người của tổ chức klhủng bố đó mang súng vào Việt Nam. Tôi nghĩ đó cũng là một trong những động lực ngăn cản sự phát triển của Việt Nam, tại vì để có thể phát triển được thì chúng ta phải, chính quyền Việt Nam, phải toàn tâm toàn ý.

Hộ : Không có một người nào mang truyền đơn nói về dân chủ, đòi cải cách mà gọi người ta về tội khủng bố. Bạn có còn biết cái ma le của công an cộng sản nó còn chụp cho những người từ bên Mỹ về mang một cây súng bỏ trong một trong 4 hành lý với 13 viên đạn, nhưng không đưa ra bằng chứng cụ thể tại sao cây súng đó lọt vô túi đó. Nhưng tổ chức Việt Tân nếu trong trường hợp nói tổ chức này là tổ chức khủng bố thì Mỹ là cái quốc gia chống khủng bố trên toàn cầu thì không thể nào... Kỳ Nam : Bạn nghĩ một khẩu súng với 13 viên đạn là khủng bố được à?(cười). Mình chỉ buồn cười là khi ra ý kiến khủng bố chỉ có một bằng chứng là cái khẩu súng ngắn với 13 viên đạn mà khủng bố được thì mình thấy rất là buồn cười về câu chuyện đó.

Hộ : Đúng. Nhưng mà bạn còn phải biết cái chế độ mà mạnh là không bao giờ người ta sợ ai hết. Người ta dám đương đầu với những thử thách, những khó khăn, đương đầu với những cuộc biểu tình của quần chúng.

Bạn thấy tình trạng người dân oan xuống đường biểu tình có bao giờ lãnh đạo cấp trên xuống tiếp họ đâu, trong khi đó biết bao nhiêu người đã từng đổ xương máu trước đây, những bà mẹ chiến sĩ, những người đó mà còn bị đàn áp vậy thì hỏi bạn người dân bình thường thì sự đàn áp của đảng cộng sản Việt Nam đối với họ như thế nào? Cái đó tôi đưa ra thì bạn đã có câu trả lời rồi.

Trà Mi : Xin mời ý kiến của Thiên.

Thiên : Vấn đề lúc nãy bạn nói đảng Việt Tân gì đó thì em không quan tâm vì em không biết rành về cái đảng này. Nhưng mới đây có đọc báo thì em mới tìm hiểu rõ. Nhưng mà chuyện khủng bố, em nghĩ từ trước tới giờ chưa có ai khủng bố bằng mấy tờ truyền đơn cả.

Lịch sử cũng đã chứng minh điều đó. Không ai khủng bố bằng tờ truyền đơn. Không lẽ cầm tờ giấy lại cho là khủng bố? Khủng bố phải ghê gớm hơn nhiều lắm, phải cầm bom lao vào....(nhiều người cùng cười) hay cầm lựu đạn ném chứ cầm truyền đơn thì không thể khép vào tội khủng bố.

Trà Mi : Xin ngắt lời Thiên ở đây. Một tờ giấy nó không phải là vũ khí khủng bố, nhưng mà nó là một công cụ ảnh hưởng tới tư tưởng người ta, tức là xui khiến, xúi giục người ta. Thiên : Vậy thì không phải là khủng bố. Không ai khủng bố bằng mấy tờ truyền đơn.

Trà Mi : Với ý kiến của bạn Thiên vừa nêu lên, các bạn trẻ của chúng ta đang bước sang tranh luận về một đề tài mà lâu nay vẫn thường được nhà nước đổ lỗi là một trong những nguyên nhân kềm hãm sự phát triển của Việt Nam, đó là do có nhiều thế lực thù địch chống phá. Giới trẻ nghĩ gì về luận điểm này? Mời quý vị đón theo dõi phần trao đổi tiếp theo trên Diễn Đàn, sáng Thứ Tư tuần sau.

Trà Mi xin chia tay quý vị và các bạn với lời chúc mừng đầu năm: bình an và hạnh phúc.

Tiếng Việt

--------------------------------------------------------------------------------

© 2008 Radio Free Asia

dacung
Posts: 409
Joined: Tue Dec 13, 2005 6:26 am
Location: USA
Contact:

Post by dacung »

Vì sao VN vẫn còn là một nước chậm phát triển? (phần 6)

2008.01.09
Trà Mi, phóng viên đài RFA

Trong cuộc gặp gỡ tuần trước, các bạn trẻ tham gia thảo luận đề tài "Vì sao Việt Nam vẫn còn là một nước nghèo trên bản đồ thế giới?" đã bước sang tranh luận về một nguyên nhân được nhà nước cho là làm kèm hãm sự phát triển của quốc gia, đó là do có nhiều thế lực thù địch chống phá.

Tiếp tục ghi nhận ý kiến của người trẻ trong và ngoài nước xoay quanh luận điểm này, Diễn Đàn hôm nay có thêm sự góp mặt của 3 thanh niên từ Mỹ và Pháp, là Vinh và Đức định cư tại California, Trung du học sinh tại Pháp, cùng với Quang tại Hà Nội và Hộ từ Canada.

Vinh: Tôi là Vinh.

Đức: Dạ, tôi là Minh Đức ở California.

Trung: Dạ, mình tên là Trung ạ, đang ở Pháp và ở Lyon. Thực ra nghe Đài cũng lâu rồi, biết chị, thực ra cũng góp thêm ý kiên với các bạn vậy thôi.


Các thế lực thù địch?

Trà Mi: Cảm ơn Trung nhiều. Bây giờ trên đường dây Trà Mi xin giới thiệu lại là ngoài 3 người bạn mới góp mặt ngày hôm nay thì còn có anh Hộ ở Canada, Quang ở Hà Nội. Nếu các bạn đã nghe chương trình kỳ trước thì cũng đã biết là hai người bạn này đã tham gia từ đầu chương trình.

Và tuần trước chúng ta cũng đã bàn luận về nguyên nhân thứ 3 khiến cho Việt Nam là một nước chậm phát triển trên thế giới.thì các bạn đang nói tới một lý do được rất nhiều người nghe tới ở Việt Nam, đó là do Việt Nam có nhiều thế lực thù địch làm ngăn cản sự phát triển. Giờ Trà Mi xin mời các bạn cùng góp ý thêm để chúng ta cùng phân tích lý do này.

Nói về cái nguyên nhân vì có nhiều thế lực thù địch cho nên kềm hãm sự phát triển của Việt Nam đó thì ý kiến của các bạn như thế nào? Mời các bạn góp ý.

Vinh: Người Cộng sản Việt Nam khi nói tới các thế lực thù địch làm giảm sự phát triển của đất nước, đó là một sự tuyên truyền không đúng. Lý do rất là rõ. Nhìn cuộc cải cách ruộng đất năm 45 và nhìn cuộc đánh tư sản năm 78-79, thì bao nhiêu đó cũng thấy được sự trì trệ của đất nước vì đâu mà ra. Nói chung, nó hoàn toàn là do sự lãnh đạo của đảng cả.

Trà Mi: Đó là ý kiến của anh Vinh. Mời các anh khác góp ý kiến thêm.

Đức: Đức xin góp ý kiến thế này. Nói về vấn đề thế lực thù địch thì tôi nghĩ không có thế lực thù địch nào hết, nhưng mà đảng cộng sản mình sự thật là họ không tin người dân cho nên lúc nào họ cũng sợ, hồi hộp. Còn giới trí thức yêu nước, họ không có sợ vấn đề đó tại vì người ta không có tội ác. Còn đảng cộng sản Việt Nam họ gây quá nhiều tội ác cho dân tộc Việt Nam cho nên lúc nào họ cũng hội họp, họ sợ, cho nên họ cứ nghĩ đó là thế lực thù địch.

Image
Chính sách đổi mới kinh tế bắt đầu từ năm 1986 chỉ mang lại sự giàu có cho một bộ phận nhỏ, phần đông dân chúng vẫn còn lam lũ, khổ cực. AFP PHOTO.

Những vấn đề của lịch sử

Quang: Xin ngắt lời anh một chút. Cái quan điểm tội ác là gì ạ? Đồng ý là Việt Nam trải qua rất nhiều cuộc chiến tranh, trong chiến tranh thì mọi điều có thể xảy ra. Anh có ý gì khi anh nói tội ác ở đây?

Đức: Bây giờ tôi là khách quan tại vì chúng tôi sinh sau năm 1975 nhưng mà lịch sử ghi lại, ví dụ các bạn thấy như năm 1945 người ta đánh về ruông đất đó, bây giờ sách sử ghi lại rất nhiều, phải nói là rất là dã man, man rợ.

Trà Mi: Tức là anh muốn nhắc tới cuộc cải cách ruộng đất ở Miền Bắc?

Đức: Dạ đúng rồi. Rất là man rợ. Tôi rất là khách quan tại vì tôi học về lịch sử thôi. Rồi chúng ta thấy dân Sài Gòn rất là trí thức, dân Miền Nam rất trí thức, nhưng họ (cộng sản) vô bắt đầu năm 75, các bạn thấy không, họ đánh tư sản nữa, rồi những trại tù cải tạo khủng khiếp, rồi con cái của những nguời ở Miền Nam thì không được đi học vì lý lịch.

Những hình thức mà họ đưa ra làm cho đất nước chúng ta kiệt quệ, cả hàng triệu người bỏ nước ra đi. Rồi đến khi người ta ra đi, người ta chết trên biển, ở những hòn đảo, họ lại áp lực những nước kia phá bỏ bia tưởng niệm người chết. Như vậy chúng ta thấy những tội ác của họ rồi.

Trà Mi: Các anh nghĩ sao nếu như có những lực lượng thù địch...

Quang: Dạ, tôi là Quang từ Hà Nội ạ.

Trà Mi: Dạ, xin mời anh Quang.

Quang: Tôi có thể nói về những thế lực cản trở sự phát triển của Việt Nam hiện nay. Chắc là các anh cũng biết có những người luôn luôn chống lại những cái gì chính quyền Việt Nam làm, không cần biết nó đúng hay sai, mà cứ của chính quyền Việt Nam làm là phải chống.

Đã đành rằng chính quyền Việt Nam làm có việc đúng có việc sai, bất cứ chính quyền nào cũng thế thôi, không phải tất cả những cái người ta làm đều là đúng cả nhưng bất cứ cái gì chính quyền Việt Nam làm cũng chống lại thì phải chăng đó là bộ phận đang chống lại sự phát triển của Việt Nam?

Trà Mi: Xin mời ý kiến phản hồi của các anh.

Trung: Mình là Trung. Mình có hai ý kiến nhỏ. Báo chí nói là thế lực thù địch, trước tiên các bạn biết là báo chí ở Việt Nam mình đã được kiểm soát nghe, rồi theo cái ý của báo chí nữa là cái từ "thù địch" này nè, là báo chí không có ghi rõ thế lực là thế lực nào? Mình không biết luôn. Thực ra bản thân mình nghe, mình nói là chính phủ Việt Nam vẫn làm chưa đúng đâu. Những bạn nào đã hiểu thì đã hiểu.

Trà Mi: Cảm ơn ý kiến của Trung.

Quang: Vấn đề mà các bạn vừa mới nêu ra, thứ nhất là đã đành rằng cái quyết định như anh gì đó vừa nói là cải tạo công thương nghiệp Miền Nam là một quyết định sai trong quá khứ của đảng cộng sản, nhưng mà cái quyết định sai đấy được làm dựa trên cái tâm người ta muốn làm cho mọi người cùng khá nhưng mà cái cách làm chưa được hiệu quả thì có gây sự khó khăn cho một bộ phận đồng bào ta ở Miền Nam.

Vinh: Cho Vinh phản hồi lại ý kiến của anh Quang.

Quang: Xin để em nói hết đã. Đó không thể gọi là tội ác được. Vì tất nhiên là có một bộ phận đồng bào bị khó khăn nhưng việc làm đó đã rất là có ích đối vói một bộ phận khác của dân tộc. Đó là câu trả lời của tôi trong vấn đề của bạn.

Trà Mi: Xin mời anh Vinh .

Vinh: Tôi xin nói thế này. Nếu đó là sự sai lầm thì tại sao không khắc phục liền, mà tại sao nó còn giữ cho tới bây giờ, thì cái đó đúng là sự sai lầm hay là sự cố ý?

Trung: Cho Trung thêm ý kiến nữa.

Trà Mi: Vâng. Mời anh Trung .

Trung: Lý do tại sao mà Charles de Gaulle sau hai nhiệm kỳ mà ông ta làm (tổng thống) ông ta chấp nhận từ chức? Thêm ví dụ thứ hai, là ông Jacques Chirac cái vụ scandal trong thời ổng tại chức đã bị phanh phui rồi nhưng hiện giờ đã 5 lần ông phải ra toà rồi. Cái đó mình muốn nói ở đây là "Ủa, tại sao mình không thấy những hình ảnh đó nơi quốc gia Việt Nam của mình vậy?" Điều đó rất là uổng. Thành ra ai có tội nên được xét xử và xét xử một cách công bằng.

Hộ: Để mình góp ý với các bạn như thế này. Thứ nhứt là cái tội ác ở đây đảng cộng sản đã gây ra không phải chỉ cho người Miền Nam sau này thôi mà nó đã gây ra từ trước năm 1954 rồi ở tại Miền Bắc. Rồi tới năm 1956 thì vấn đề Nhân Văn - Giai Phẩm. Năm 1968 bao nhiêu đồng bào ở tại Huế bị chết, đó là thường dân của Miên Nam Việt Nam trong những ngày Tết bị chết chỉ vì cuộc tổng công kích năm 1968, thì cái đó có phải là tội ác không? Sau năm 1975 rồi kinh tế mới, rồi thuỷ lợi, vượt biên, vượt biển.


Thực tại Việt Nam

Trà Mi: Cảm ơn ý kiến anh Hộ. Đó là những lỗi lầm quá khứ. Có thể là quá khứ chúng ta nên khép lại khi mà nhìn về sự phát triển của tương lai thì mình cũng nên nhìn cái hiện tại

Hộ: Không phải vậy chị Trà Mi ơi. Tôi xin nói thế này này. Khi mình làm một lỗi nào thì thường mình phải biết hối hận. Đường lối chủ trương rất là ảnh hưởng đến cả một đất nước, mà một đảng hay một chính quyền nào khi họ đưa ra chính sách làm kiệt quệ đất nước hoặc làm đau dân tộc mình thì thường thường họ biết sửa sai lầm, họ biết xin lỗi. Nhưng đàng này Đảng CSVN không biết sửa đổi, thứ hai không biết xin lỗi, mà cứ tiếp tục...

Trà Mi: Khi các bạn nêu ra những ý kiến mà lên án Đảng CSVN thì chắc là cũng có nhiều ý kiến phản biện là với những bước chuyển biến tích cực từ khi đổi mới tới giờ, rồi bây giờ chuyển sang kinh tế thị trường thì đã thấy phải chăng đó là những dấu hiệu chứng tỏ đảng đã nhận ra sai lầm và đang sửa sai lầm?

Hộ: Không phải đâu chị. Theo tôi nghĩ, hoàn toàn đảng không nhận sai lầm mà họ cứu cái đảng của họ thôi. Chúng ta thấy khi mà cộng sản Liên Xô sụp đổ thì hồi đó cộng sản Việt Nam không có con đường nào chọn thì họ bắt tay với Trung Cộng và họ mở cửa. Họ mở cửa đây là họ cứu đảng chứ không cứu dân tộc Việt Nam.

Trà Mi: Chúng ta hãy tạm quên sai lầm của quá khứ vì mục đích của cuộc thảo luận là đang nói về cái nguyên nhân được cho là cản trở sự phát triển của Việt Nam, đó là do Việt Nam có nhiều thế lực thù địch, thì xin các bạn cho ý kiến thêm về luận điểm này.

Quang: Bây giờ mình nói đến chuyện trong tương lai này. Bây giờ anh thấy là chính sách đại đoàn kết dân tộc, Đảng CSVN đang kêu gọi đồng bào ta cùng chung tay xây dựng đất nước, nhưng có một bộ phận - không ít đâu - người ta không quên được chuyện của quá khứ, người ta chống phá lại tất cả những cái đảng cộng sản làm mà điển hình ở đây là những tổ chức như Việt Tân, rồi 8406, những tổ chức đó.

Cái mà làm cho Việt Nam phát triển nhanh được những năm gần đây là tại vì Việt Nam là một đất nước rất là ổn định. Vấn đề phát triển phải là ổn định. Tại sao những tổ chức đấy, nếu mà là người ta muốn đóng góp thực sự cho sự phát triển thì đừng làm mất cái ổn định. Người ta thấy Việt Nam không ổn định nữa thì các nhà đầu tư nước ngoài người ta sẽ không vào đâu.

Trà Mi: Mời anh Vinh.

Vinh: Tại sao Quang lại nói đảng Việt Tân hoặc Khói 8406 là những nhóm người chống phá chế độ? Vinh không nghĩ đó là đúng sự thật. Quang có thể cho biết được nhóm 8406 họ làm cái gì mà gọi là chống phá chính phủ Việt Nam? Hay đảng Việt Tân làm cái gì mà gọi là chống phá Việt Nam? Vinh thấy tất cả những gì họ làm đều là tốt cho Việt Nam cả.

Trung: Đúng rồi. Vinh nói đúng rồi đó. Cái điều này mình nên bàn luận thêm một lúc nào khác nữa đó. Điều này Vinh nói rất đúng mà Quang chưa hiểu.

Vinh: Thì bây giờ Quang có thể đưa ra thí dụ thế nào gọi là chống phá nhà nước đi, Quang.

Trà Mi: Mời Quang.

Quang: Thì cái tổ chức đó là cái tổ chức mà người ta tuyên truyền những điều đi ngược lại những điều mà chính quyền Việt Nam nói. Bạn là một người cầm quyền đúng không ạ. Nếu có một ai đó cứ luôn nói ngược lại bạn, cái đó có đúng không?

Vinh: Cái đó là tranh luận đó Quang. Quang à, cái đó là tranh luận chứ không phải là chống lại. Tức là họ đưa ra ý kiến ngược lại để mà xây dựng lẫn nhau. Cái đó không thể gọi là chống lại. Việt Nam đưa ra những luận điệu đó để mà tuyên truyền, để mà bôi nhọ những nhóm người có tinh thần dân chủ, tinh thần yêu nước như 8406 hoặc là Việt Tân thôi. Thật sự Vinh chưa bao giờ thấy họ làm cái gì có hại cho đất nước cả.


Vai trò của chính quyền?

Trung: Dạ đúng rồi. Bây giờ mình xin góp ý một chút xíu. Anh Quang nói ngược lại quyền lợi gì? Những cái đó là đi đúng lòng dân đó anh. Cho nên những người như Luật sư Lê Thị Công Nhân, Luật sư Nguyễn Văn Đài chỉ dòi hỏi nhân quyền cho người dân, quyền dân chủ của người dân, đó là đúng lòng dân.

Vinh: Đó là đi đúng quyền lợi của người dân.

Hộ: Hộ xin góp ý chút xíu nghe. Anh Quang ơi, tôi là một người Việt gốc Hoa và tôi hiện diện ở tại Ottawa trước Toà Đại Sứ Trung Cộng, trước Toà Đại Sứ CSVN để phản đối vấn đề Trường Sa và Hoàng Sa.

Trung: Vậy thì mình có thể tóm ý của anh Hộ là anh Hộ không phải là người chống đối mà anh Hộ chỉ đem lại lẽ phải thôi. Chỉ mong anh Quang hiểu giùm.

Hộ: Dạ, đúng.

Trung: Thì bây giờ xin góp ý thêm thế này nghe các bạn. Mình là những người tuổi trẻ, với thời đại bây giờ mình nói cái gì cũng phải khách quan và dẫn chứng nghe. Thì cái này khi Trung Cộng họ lập ra cái Tam Sa để quản lý Trưòng Sa và Hoàng Sa (mà họ chiếm của Việt Nam), anh Quang thấy bây giờ cộng sản Việt Nam họ nói họ rất là nhiều tự do báo chí mà anh kiếm giùm tôi một tờ, một trang nào mà nói về các cuộc biểu tình của thanh niên Việt Nam (ở Hà Nội và Sài Gòn) chống Trung Cộng về vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa không anh? Như vậy họ bóp nghẹt hết mọi thông tin, họ kìm hãm thông tin, thì những tiếng nói người ta đòi dân chủ, tức là người ta muốn đưa những thông tin đó cho người dân biết để người dân mình sẵn sàng bảo vệ đất nước. Anh thấy không? Cộng sản họ chỉ bảo vệ đảng của họ thôi chứ họ không bảo vệ tổ quốc, không bảo vệ dân tộc mình.

Hộ: Mình phải thấy cộng sản Việt Nam thừa khả năng trấn áp người dân Việt Nam mình, nhưng lại nhu nhược trước sự xâm lăng của Trung Cộng.

Trung: Anh nói rất là đúng.

Trà Mi: Cuộc tranh luận của các người trẻ vẫn chưa ngã ngũ, chưa biết ý kiến của bên nào sẽ thuyết phục bên đây, nhưng mà thời gian dành cho chương trình hôm nay cũng đã hết. Chúng ta sẽ tiếp tục theo dõi vào giờ này sáng Thư Tư tuần sau.

Mong quý vị đừng quên giờ hẹn nhé!

Quý vị và các bạn muốn tham gia, hoặc góp tiếng, với "Diễn đàn bạn trẻ", xin email về vietweb@rfa.org hoặc để lại lời nhắn cho chúng tôi qua hộp thư thoại (202) 530 -7775, kèm theo số phone, chúng tôi sẽ liên lạc lại. Từ Việt Nam và các nước khác gọi vào Mỹ, xin bấm số 001 trước dãy số (202) 530-7775.

Trà Mi thân ái kính chào.

Tiếng Việt

--------------------------------------------------------------------------------

© 2008 Radio Free Asia

dacung
Posts: 409
Joined: Tue Dec 13, 2005 6:26 am
Location: USA
Contact:

Post by dacung »

Vì sao VN vẫn còn là một nước chậm phát triển? (phần 7)

2008.01.17
Trà Mi, phóng viên đài RFA

Chương trình trước, khi bàn về một trong những nguyên nhân thường được đỗ lỗi kèm hãm sự phát triển của Việt Nam mà bạn Quang từ Hà Nội nêu lên là do có nhiều thế lực thù địch chống phá, các bạn trẻ tham gia Diễn Đàn đã mạnh mẽ phản đối luận điểm này và đưa ra những sự phân tích phản biện rằng chính nỗi ám ảnh lo sợ thù địch cùng với sự độc tài lãnh đạo và duy ý chí của Đảng Cộng Sản Việt Nam đã góp phần làm trì trệ bước tiến của quốc gia trên con đường hội nhập với thế giới.

Giới trẻ có đưa ra được những lý lẽ và dẫn chứng gì thuyết phục để chứng minh quan điểm của mình hay không? Mời quý vị theo dõi tiếp trong cuộc trao đổi hôm nay, với Quang ở Hà Nội, Vinh và Đức là hai bạn trẻ trưởng thành tại Mỹ, và Trung, một thanh niên từ trong nước mới sang Pháp du học được vài năm:

Quang : Quang xin có ý kiến ạ. Em thừa nhận là các anh cũng là người yêu nước nhưng các anh không thể nói là những người ở trong nước - những người cộng sản là những người không yêu nước được. Họ cũng là những người yêu nước và người ta có cách đi của người ta. Em có cách đi của em, anh có cách đi của anh. Bây giờ thì mình đang ở một dòng chảy lớn, đúng không ạ?

Và cái dòng chảy hiện nay thì đang được hướng dẫn bởi Đảng Cộng Sản Việt Nam. Mọi người yêu nước cùng đi về hướng đấy, thì nếu mà có một cái dòng chảy ngược lại, đồng ý là anh cũng yêu nước, nhưng mà cái hướng đi của anh có thể cản trở lại sự khơi dòng của cả một dòng chảy lớn thì có lẽ là anh cũng sẽ bị dòng chảy lớn nó cuốn đi thôi.

Vinh : Anh nói là mỗi người có một đường lối riêng, thế thì tại sao anh cho là đường lối của cộng sản Việt Nam là đường lối đúng, còn đường lối của nhũng người chống lại là những đường lối sai? Tôi xin hỏi lại thế nào là đúng, hoặc thế nào là sai. Nhưng chính tôi thấy là đường lối của những người chống lại đường lối của cộng sản Việt Nam là đường lối đúng, tại vì họ kêu gọi tự do dân chủ thì cái kêu gọi tự do dân chủ đâu có bao giờ sai được, tại tự do dân chủ là cái cốt yếu để nó tạo nên nền kinh tế phát triển, xã hội văn minh mà. Thế thì tại sao anh gọi đường lối đó là sai?

Trà Mi : Mời anh Quang.

Quang : Em không có nói là đường lối của những người mà đi ngược lại Đảng CSVN là sai và em cũng không có nói là đường lối của Đảng CSVN là tối ưu. Em chỉ nói là cái đường lối của những bạn ở bên ngoài thì có thể cản trở sự phát triển của dòng chảy lớn thôi.

Vinh : Tôi nói cái ý của anh Quang thế này. Đường lối đi ngược lại (cộng sản Việt Nam) biết đâu đường lối đó làm cho xã hội Việt Nam phát triển hơn những cái gì mà cộng sản làm.

Quang : Nhưng còn vấn đề là sự ổn định nữa anh. Vấn đề là bây giờ Đảng CSVN đang là người cầm quyền, những cái gì mà anh nói không thể nào thay đổi được vấn đề mà nó chỉ làm cho việc trở nên rối rắm hơn thôi và làm cho người dân người ta không được tập trung.

Trung : Ở đây anh Quang nói đúng chỗ đó đó, là hiện giờ cộng sản đang cầm quyền cho nên các bạn không thể làm gì được.

Quang : Không. Cái ý của em là thế này. Mọi người cứ tản mác ra và không ai nghe lời Đảng CSVN trong khi Đảng CSVN đang là người cầm lái.

Vinh : Nếu anh Quang nhìn lại những xã hội phát triển đó, ngay cả những nước Hàn Quốc hay là Singapore, hay là Nhật Bản, ở những đất nước đó đảng phái cứ thay đổi 4 năm một lần hay 8 năm một lần là họ thay đổi, thế tại sao họ không xáo trộn, họ không phân tán, mà họ còn phát triển rất là mạnh? Thế thì tại sao Việt Nam không thử điều đó?

Hộ : Tại vì họ muốn độc đảng thôi (cười).

Trung : Với lại vừa rồi không biết Quang còn nhớ danh sách những người tự do ứng cử vào quốc hội đó mà sau đó đã bị loại ra hết, tại sao họ bị loại ra hết? Thấy hơi uổng, tại vì họ toàn là những người giỏi không. Hơi uổng! Mình thấy hơi uổng.

Trà Mi : Tức là ý của các bạn muốn hỏi Quang rằng nếu như đã không chắc mình là ưu việt nhứt, tại sao không mở cửa đón nhận tư tưởng khác có thể là ưu việt hơn mình để có sự lựa chọn tốt nhứt cho tổ quốc.

Đức : Mình có ý kiến như thế này nghe các bạn. Như anh Quang nói thì bây giờ Đảng CSVN họ làm theo cái chính sách của họ, họ muốn gì họ muốn. Chúng ta nhớ có lần Đài BBC phỏng vấn ông gì làm giám đốc hãng Hàng Không Việt Nam [*], ổng cứ nói : Tôi muốn, tôi chưa muốn...". Cái hãng hàng không làm lợi cho đất nước mà nằm trong tay ổng, ổng muốn thì ổng muốn thôi chứ ổng không muốn thì cũng không được. Chúng ta thấy một cái đảng như vậy nó rất là bất công cho cả đất nước Việt Nam. Phải không anh Quang?

Trà Mi : Ý kiến các bạn nãy giờ ...

Quang : Ý các anh nói thì cũng không sai và có sự hợp lý của nó, nhưng mà một đảng lãnh đạo không có nghĩa là không tốt. Các anh có thể nhìn vào như là Singapore và như là Trung Quốc, người ta cũng phát triển tốt đấy chứ, đúng không ạ?

Vinh : Anh Quang cho thí dụ là Singapore. Singapore đúng là đảng của ông Lý Quang Diệu đã lãnh đạo nước Singapore thừ năm 1959 cho tới bây giờ, nhưng không phải là độc đảng. Mỗi lần cạnh tranh, mỗi lần bầu cử thì họ cũng có rất nhiều đảng ra tranh cử.

Nhưng mà tại sao Đảng Hành Động Nhân Dân lúc nào cũng thắng? Tại vì họ sợ những đảng khác lên nắm chính quyền nên mỗi năm họ cố gắng phát triển đất nước, vì họ phát triển như thế nên người dân cứ bầu họ hoài. Nếu thực sự Singapore chỉ có một đảng đó thôi và không có đảng nào cạnh tranh khác thì chưa hẳn là Singapore đã thành công tới bây giờ. Ở một đất nước đa đảng, đảng nào giỏi thì đảng đó thắng.

Còn ở Trung Quốc là chuyện khác. Trung Quốc là một đất nước độc đảng và mới phát triển gần đây, nhưng họ phát triển chưa đúng tầm mức của họ. Tại một đất nước với 1,3 tỷ người như thế mà họ chỉ có được 10% người dân là giàu có, còn 90% người dân còn lại là những người nghèo khổ, trong đó 70% là tầng lớp cùng cực khổ, lương của họ một tháng chỉ có 65 đô thôi. Thì, Quang nghĩ thử coi.

Đúng là họ mạnh, Vinh nghĩ chuyện đó rất là bình thường. Lý do là chỉ cần 10% của dân giàu thôi là đã 103 triệu người giàu; với 103 triệu người giàu đóng thuế cho một đất nước như vậy thì đất nước họ mạnh là chuyện rất dễ. Nhưng mà dân họ có thật sự giàu hay là không, thì anh phải nhìn lại coi, nếu anh muốn đi theo đường lối của Trung Quốc, đó là một điều sai.

Trung : Tóm tắt lại là nếu bạn Quang và gia đình của bạn Quang nằm trong những người công nhân đi làm công hàng ngày đó, thì điều đó hơi đáng ngại cho gia đình của bạn. Bạn sẽ oán trách ngay.

Vinh : Tại vì sự chênh lệch giữa giàu nghéo quá nhiều đi.

Quang : Em chia sẻ với anh một số quan niệm. Nếu mà nói như thế thì có thể nhìn vào hai nước Ấn Độ và Trung Quốc thì đúng là hai nước đó là hai nước đông dân nhất thế giới và Ấn Độ thì đa đảng phải không anh? Anh có thể nhìn đấy.

Đã đành như anh nói thì Trung Quốc có sự phân biệt giàu nghèo rất là lớn, nhưng người ta cũng đang phát triển và người ta đang cố gắng cải thiện điều đó và Trung Quốc từ chỗ chiến tranh liên miên, cũng dói kém, cũng sai lầm rất nhiều, và bây giờ phát triển rất là mạnh, trở thành cường quốc thế giới. Và anh nhìn Ấn Độ, một đất nước đa đảng từ rất là lâu rồi và cũng đông dân thế, nhưng mà cái tầm của Ấn Độ thì còn rất xa đối với Trung Quốc. Đã đành như anh nói đa đảng có thể là tốt nhưng độc đảng không có nghĩa là xấu.

Trung : Mình chưa hiểu một ý, tầm của Ấn Độ còn rất xa với Trung Quốc là tầm gì vậy?

Quang : So về kinh tế đó anh.

Trung : Vậy có lẽ bạn nên kiểm tra lại phần tầm kinh tế của bạn. Ấn Độ không xa Trung Quốc đâu nghe.

Vinh : Cho Vinh đáp lại ý kiến của anh Quang như thế này nhé. Tất cả những người bạn ở đây người ta đòi hỏi tự do dân chủ, nhưng mà một xã hội đa đảng nó không phải là một vế tự nhiên mà lại đưa đất nước lên được. Anh hiểu không? Muốn một đất nước phát triển mạnh thì tự do dân chủ là một điều rất cần thiết. Nhưng mà ngoài tự do dân chủ dó còn có những yếu tố khác nữa. Ví dụ anh phải mở rộng thị trường, đưa nền kinh tế đi theo đường lối của nền kinh tế tư bản và anh phải có luật pháp công bằng, phải có những chính sách mà không phiền hà dân. Thì nếu anh có được 3 yếu tố đó hợp lại thì anh sẽ là một đất nước phát triển.

Ấn Độ đúng là họ có nền tự do dân chủ, họ có một môi trường cạnh tranh, nhưng mà vì luật pháp của họ không hợp lý, không công bằng. Chính sách của họ rất là phiền nhiễu, cho nên đất nước họ không có sự đầu tư của nước ngoài, một sự trì trệ mà Ấn Độ cần phải cải cách. Nhưng mà họ đã có được hai cái kia rồi, đó là cái chính trị là một nền tự do dân chủ và cái môi trường cạnh tranh theo kiểu tư bản, đó là một điều tốt. Nhưng mà vì cái điều thứ ba kia họ chưa làm được nên ...

Trung : Điều này bạn nói rất đúng đó. Anh Quang cứ việc lên trang web làm ăn kinh tế: www.theeonomy2008, anh Quang có thể kiểm tra thông tin mà anh Vinh vừa mới nói, rất đúng, rất chính xác.

Quang : Dạ, em xin chia sẻ ý kiến của anh Vinh.

Trà Mi : Có nghĩa là vấn đề ở đây không có nghĩa là do độc đảng hay do đa đảng mà dẫn tới sự phát triển, nhưng mà quan trọng là đảng cầm quyền phải biết hướng tất cả quyền lợi vì đất nước và người dân của họ thì đất nước của họ mới phát triển được.

Quang : Dạ, cũng không hẳn là như thế.

Vinh : Nhưng mà khi anh có được nền chính trị tự do thì tất cả cái môi trường đó sẽ nở ra hai khía cạnh khác, đó là về luật pháp công bằng hợp lý, và cái môi trường cạnh tranh lành mạnh. Đó là điều mà nó sẽ nẩy nở ra khi mà anh có nền tự do dân chủ. Còn nếu anh không có được tự do dân chủ thì hai cái kia rất là khó .

Quang : Lúc nãy anh có nhắc đến Ấn Độ, em thấy rất chia sẻ và em biết là anh có hiểu biết về Ấn Độ thì em xin hỏi anh tại sao ở Ấn Độ không phải là người ta không biết cái trở ngại đó của người ta, người ta biết nhưng mà tại sao người ta không khắc phục được cái đó. Cái trở ngại lớn nhất là gì?

Là vì tự do dân chủ, là tại vì nếu chỉ có một đảng thì tôi đồng ý việc này thì tôi sẽ làm, đúng không ạ? Nhưng khi tôi đưa việc này ra thì anh Vinh không đồng ý, anh Vinh có một bộ phận rất lớn người khác người ta support anh, cho nên tôi không làm được, và điều đó làm kềm hãm sự phát triển của tôi. Điều em vừa nói trên là rút ra 1 điều là những quốc gia đang phát triển như Việt Nam thì độc đảng lãnh đạo lại là một thế mạnh, tại vì chúng ta tập trung được.

Trung : Mình khẳng định rằng mình đồng quan điểm với bạn Quang trên có sở này. Đất nước Ấn Độ có rất nhiều sắc tộc khác nhau và rất là nhiều loại tôn giáo khác nhau và trong đó họ dám đứng lên đánh nhau vì thánh chiến. Một dữ liệu thứ hai nữa là nước Malaysia hiện giờ. Malaysia chỉ giúp phát triển cho những người nào gốc Mã Lai thôi, còn người gốc Ấn Độ, người gốc Hoa kiều thì không được nắm những chức vụ lớn ở quốc gia Mã Lai.

Đó, nếu bạn Quang làm tốt như vậy, thì đây mình có một ý kiến cho chính phủ là xin hãy mời gọi càng nhiều càng nhiều những nhà trí thức mới, trẻ, là những giảng viên đại học, những người thành công trên lãnh vực kinh tế đó vô hệ thống bộ máy quốc hội, nắm được nhiều cương vị lớn, thì như vậy mình nghĩ đất nứơc Việt Nam mới phát triển mạnh.

Quang : Đất nước Việt Nam đang làm điều đó, đó anh.

Trung : Bạn Quang nói như vậy là không đúng. Mới nãy mình đã đưa ra dẫn chứng là đã 3 hay 4 người đã bị bác đơn kia kìa, không chịu cho người ta làm kia kìa. Cái tỷ lệ này phải tăng nhanh chóng lên, 15%, 25% và đến 50% và nhiều hơn nữa.

Đức : Mình xin góp ý chút xíu thế này. Cái độc đảng với cái đa đảng, cái đa đảng nó hay ở chỗ này nè. Khi mà đa đảng thì có những cuộc bầu cử có lợi nhiều hơn, có nghĩa là đảng này cố gắng để làm cho đất nước phát triển, làm cho dân tộc mình sung sướng, thành thử nó cố kỳ sau tranh cử được thắng. Cho nên đảng này dòm ngó đảng kia. Còn độc đảng thì không ai dòm ngó, những gì họ làm thì họ ém nhẹm hết, thành thử không thể nào phát triển được đất nước.

Trà Mi : Cảm ơn ý kiến của anh Đức.

Trà Mi : Nếu như các bạn không có một ý kiến nào khác tranh luận thêm về vấn đề độc đảng và đa đảng thì Trà Mi xin quay lại...

Vinh : Để cho Vinh nói thêm. Những chế độ chỉ có một mình nó cầm quyền thì thưòng thường họ muốn phô trương quyền của họ bằng cách rất là hà khắc với người dân, nhưng nếu có một đảng nào khác thì lúc đó đảng cầm quyền không dám, thì từ đó đời sống của người dân mới dễ dàng hơn. Họ không phải bị gò bó và sợ trong một cái khuôn khổ của cái đảng đó. Ví dụ ở Việt Nam với cái đảng cộng sản, có nhiều người rất là sợ, muốn nói, muốn phát biểu ý kíên không dám nói.

Người ta có một ý kiến gì đó để xây dựng cũng rất là khó. Anh thấy không, xã hội mà tự do thì tự nhiên người dân người ta có rất nhiều sáng kiến. Như anh Quang, anh ở Hà Nội đó, có những đồ nào anh dùng có nguồn gốc phát minh ra từ nước cộng sản không? Hay là tất cả từ những nước tư bản cả. Bao nhiêu đó cũng đủ cho anh thấy được là ở một đất nước không tự do thì người ta không thể nào có những sáng kiến mới.

Trung : Anh Vinh ơi, anh Quang ảnh không hiểu làm sao anh đưa ví dụ đó được.

Vinh : Tất cả những gì ở Việt Nam bây giờ, từ những lớp marketing của Việt Nam hoặc là những lớp quản trị kinh doanh, tất cả những ý kiến đó từ đâu mà về? Có những ý kiến nào đưa từ Trung Quốc qua không?

Trung : Không hề, không hề có. Điều đó anh Vinh nói đúng.

Vinh : Anh ở ngoài Bắc, tôi kể cho anh một thí dụ thôi. Ở Miền Bắc từ năm 1945 cho đến năm 1975, ở Miền Bắc có những bài nhạc nào hay không? Rồi từ năm 1975 cho đến năm 1986, ở đất nước Việt Nam có viết ra những bản nhạc nào hay, hay là tất cả những nhạc toàn là nhập cảng từ ở ngoại quốc về? Nhưng mà tại sao khi mà đất nước Việt Nam mở cửa từ năm 1986 cho đến bây giờ thì bắt đầu những năm 1990 thì nhạc Việt Nam nổi lên rất là hay, bây giờ nó lấn áp tất cả những nhạc ngoại quốc. Thì anh thấy được sự mở cửa nó có những lợi ích như thế nào cho đất nước không anh Quang?

Trà Mi : Đến đây nhạc hiệu báo hết thời lượng dành cho chương trình đã nổi lên. Trà Mi và các bạn trẻ đành nói lời chia tay tại đây. Hẹn gặp lại quý vị và các bạn vào giờ này trong buổi tái ngộ sáng Thứ Tư tuần sau.

Quý vị và các bạn muốn tham gia, hoặc góp tiếng, với "Diễn đàn bạn trẻ", xin email về vietweb@rfa.org hoặc để lại lời nhắn cho chúng tôi qua hộp thư thoại (202) 530 -7775, kèm theo số phone, chúng tôi sẽ liên lạc lại. Từ Việt Nam và các nước khác gọi vào Mỹ, xin bấm số 001 trứơc dãy số (202) 530-7775.

Trà Mi thân ái kính chào.

[*] Nguyễn Xuân Hiển, nguyên Tổng Giám Đốc Tổng Công Ty Hàng Không Việt Nam, bị thay thế bởi Phạm Ngọc Minh (nguyên Phó TGĐ phụ trách thương mại của Vietnam Airlines) ngày 13/12/2007 theo công văn số 1935/TTg-TCCB ký bởi Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng. Trước đó Nguyễn Sỹ Hưng, Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị Tổng Công Ty Hàng Không Việt Nam kiêm nhiệm chức vụ Tổng Giám Dốc kể từ ngày Nguyễn Xuân Hiển nghỉ hưu 01/01/2007.

Tiếng Việt

--------------------------------------------------------------------------------

© 2008 Radio Free Asia

Post Reply