Đại Hội Cựu Học sinh Trường Bưởi -Chu Văn An

Sinh hoạt bên các trường bạn có gì lạ?
Post Reply
User avatar
khieulong
Posts: 6756
Joined: Wed Dec 01, 2004 9:09 pm
Been thanked: 1 time

Đại Hội Cựu Học sinh Trường Bưởi -Chu Văn An

Post by khieulong »

Ðại hội cựu học sinh Bưởi - Chu Văn An
Tuesday, May 17, 2005

Image Quang cảnh đại hội cựu học sinh Bưởi - Chu văn An ngày 15 tháng Năm, 2005 tại Little Sài gòn, Nam California. (Hình: Nguyên Huy)


Chiều hôm Chủ Nhật 15 tháng 5 vừa qua, đại hội cựu học sinh Bưởi - Chu Văn An đã diễn ra tại trụ sở Hội Việt Nam Tương Tế trên đường Westminster, thành phố Westminster với sự tham gia khoảng 70 anh chị em cựu học sinh Bưởi - Chu Văn An. Ðây là một con số, theo ban tổ chức: “Ðông nhất kể từ ngày hội được thành lập trên 10 năm nay.” Hai cựu giáo sư của trường cũng có mặt là giáo sư hiệu trưởng từ niên khóa 1965 là Dương Minh Kính và giáo sư Hà tường Cát. Một nữ sinh duy nhất là chị Nguyễn Ðức Khoát.

Mục đích của đại hội kỳ này là để ban chấp hành đương nhiệm báo cáo hoạt động đã qua và ngỏ lời từ giã đồng môn vì đã hết nhiệm kỳ 2002-2005. Ðồng thời đại hội sẽ bầu ra một ban chấp hành mới cho nhiệm kỳ 3 năm tới.

Trong những phút đầu tiên của đại hội, ban tổ chức đã xin “điểm danh” các cựu học sinh ra trường trong các niên khóa. Cuộc điểm danh cho thấy có đến hơn 2/3 số người tham dự là cựu học sinh ra trường vào các niên khóa từ 1954 (năm trường di cư từ Bắc vào Nam) cho đến 1960. Chỉ có bốn người thuộc các niên khóa sau cùng trước ngày 30.4.75. Ngoài ra còn có hai cựu học sinh CVA từ xa tới là chiêm tinh gia Vũ Tiến Phúc, từ Canada tới và dược sĩ Bùi Khiết từ San Diego lên.

Giáo sư Lê Chính Long, một cựu học sinh CVA ra trường niên khóa 1958, làm MC cho đại hội và dược sĩ Nguyễn Ðức Năng, chủ tịch hội sau khi ngỏ lời chào mừng đồng môn và “điểm danh” xong đã nhắc nhở anh chị em rằng: “chúng ta nên luôn luôn giữ tình đồng môn đã có bấy lâu nay cho dù là chúng ta có những điểm bất đồng trong việc quản trị, để đại hội có thể đạt được kết quả tốt đẹp.”

Tiếp đó tổng kiểm soát là CVA Nguyễn Huy Hiền lên báo cáo những hoạt động của hội trong ba năm qua. Theo ông Nguyễn Huy Hiền thì vào thời gian này, với những cuộc họp mặt Xuân Quí Mùi, Giáp Thân và Ất Dậu mà số người tham dự từ 300 cho đến 500 người, hội đã thắt chặt được tình đồng môn của các cựu học sinh Bưởi - Chu Văn An. Nhưng đáng kể nhất phải nhắc tới là cuộc Hội Ngộ Toàn Cầu cựu học sinh Chu Văn An vào ngày 31 tháng 7 năm ngoái có tới gần 700 cựu học sinh Chu Văn An từ khắp nơi trên thế giới về tham dự đã là một điểm son cho hội. Bên cạnh đó thì hội cũng đã ra mắt đều đặn được các Ðặc San Chu Văn An để nhắc nhở lại trường cũ, thầy xưa và nêu cao tinh thần bất khuất của danh sĩ Chu Văn An trong lịch sử dân tộc, một tấm gương muôn đời cho bất kỳ thời đại nào, nhất là trong hiện tại, đất nước và dân tộc đang phải chịu cảnh áp bức, bóc lột của nhà cầm quyền Cộng Sản. Cũng chính vì lý do để nêu cao tinh thần bất khuất của danh sĩ Chu Văn An đời nhà Trần nên hội đã hoàn tất được việc phỏng vẽ lại chân dung của danh sĩ, đồng thời thực hiện lại lá hiệu kỳ Chu Văn An nền xanh lá cây với ngọn lửa đỏ ở giữa, cũng như những huy hiệu của hiệu đoàn cho các cựu học sinh CVA muốn có kỷ niệm trường cũ, bạn xưa.

Về mặt tài chánh, CVA Nguyễn Huy Hiền cho biết là quỹ của hội vào năm 2002 là $317 thì nay hiện có là trên $4,900. Ông Hiền cho biết: “Ðó là cái tài vận dụng của Hội Trưởng Nguyễn Ðức Năng và anh em trong Ban Chấp Hành Hội.”

Kết thúc phần báo cáo, CVA Nguyễn Huy Hiền cũng nhắc đến dư luận cho rằng “có những tranh chấp trong nội bộ cựu học sinh CVA thì thực ra là “không hề có.” Nhưng theo chủ tịch Nguyễn Ðức Năng: “Bất cứ một sinh hoạt dân chủ nào cũng phải có những ý kiến bất đồng. Chuyện đó không thể coi là chuyện tranh chấp được mà phải coi là những xây dựng để thống nhất hành động với nhau, phục vụ cho cái chung.”

Trong dịp này, cựu giáo sư hiệu trưởng Dương Minh Kính cũng ngỏ lời cùng anh chị em cựu học sinh CVA. Ông tỏ ý rất vui mừng được sinh hoạt cùng anh em vì chính ông cũng từng là một học sinh của trường, rồi ra trường và trở lại dạy cho trường. Ông hứa sẽ sẵn sàng tiếp tay với anh chị em để nối kết thật vững chắc cái tình Chu Văn An.

Sau đó các cơ chế điều hành hội đã lên trình diện chấm dứt nhiệm vụ trước Ðại Hội.

Ðại Hội tiếp tục chương trình đi vào cuộc bầu cử các tân cơ chế của hội gồm Ban Chấp Hành, Hội Ðồng Quản Trị, và Tổng Kiểm Soát. Sau những thủ tục bầu cử thường lệ, người được tín nhiệm chức chủ tịch Ban Chấp Hành là dược sĩ Nguyễn Ðức Năng, phó ngoại vụ là giáo sư Lê Chính Long, phó nội vụ luật sư Charlie Mạnh, Tổng Thư Ký là CVA Cao Sinh Cường, Thủ Quỹ là CVA Phạm Chí Khải. Hội Ðồng Quản Trị gồm các CVA Lê Quí An, Ðỗ Trọng Ðức, Nguyễn Ðức Khoát, Nguyễn Ngọc Liên và Phan Tấn Phú. Tổng Kiểm Soát, CVA Nguyễn Huy Hiền được tái tín nhiệm.

Cũng xin nhắc lại rằng trường Chu Văn An là một trung học lớn của VNCH trước năm 1975, hậu thân của trường Bưởi của thời thực dân Pháp. Học sinh của Bưởi có tinh thần yêu nước mãnh liệt, từng có các cuộc bãi khóa phản đối chế độ thực dân đàn áp các phong trào cách mạng của dân tộc VN. Cũng thế, sau này học sinh Chu Văn An, khi trường di cư vào Nam, đã là đầu tàu trong các cuộc biểu tình chống phái đoàn CS trong Ủy Hội Quốc Tế, rượt đuổi phái đoàn của tướng Văn Tiến Dũng tại các khách sạn Majestic và Galieni vào năm 1955. Học sinh của trường khi ra trường và hoàn tất các bậc đại học, khá đông đã trở thành những nhà lãnh đạo trong hành chánh và chỉ huy cao cấp trong quân đội VNCH và nay ở hải ngoại cũng là những nhân vật hoạt động tích cực trong cộng đồng người Việt hải ngại.

User avatar
khieulong
Posts: 6756
Joined: Wed Dec 01, 2004 9:09 pm
Been thanked: 1 time

Post by khieulong »

Giáo sư Bùi Đình Tấn, cựu hiệu trưởng Chu Văn An không còn nữa!
HOUSTON (NN) – Những năm gần đây, tôi có thói quen thắp một nén hương khi nghe tin một người thân mới qua đời. Sáng ngày 16 tháng 7/05, tôi thắp một nén hương trên bàn thờ cho người thầy cũ của tôi, giáo sư Bùi Đình Tấn, cựu hiệu trưởng trường trung học Chu Văn An Saigon. Ngày đầu năm nay, biết ông sắp về với những người muôn năm cũ, tôi đã viết những dòng cảm nghĩ về ông, một người thầy tận tụy với nghề nghiệp, giản dị, có kiến thức và luôn giữ được nhân cách nhà giáo trong suốt cuộc đời ngắn ngủi ở cõi nhân gian.

Thời niên thiếu

Người thầy đã giữ được “cái đạo của người quân tử” ấy được sanh ra và lớn lên trong những năm gắn liền với lịch sử. Theo lời ông kể, ông sinh năm Mùi, một năm nhuần, năm 1919 tây lịch (có lẽ ông hơi lầm năm nhuần là năm Ngọ?), bằng lái xe ghi năm sanh 1920. Ông sanh sau ngày thế chiến thứ nhất chấm dứt. Năm 1919 đánh dấu hiệp ước Versailles được ký tại Paris giữa bốn cường quốc Anh, Pháp, Ý và Hoa Kỳ định đoạt tương lai của thế giới.
Tháng 9 năm 1934, ông đỗ vào trường Bưởi, tiền thân của trường Chu Văn An. Trường Bưởi nơi đã đào tạo ra con người và sự nghiệp của ông, trước có tên là Collège du Protectorat (trường Trung học Bảo Hộ) sau đổi thành Lycée du Protectorat, lấy tên tục làng Bưởi tức làng Thụy Khuê. Trường ở nơi phong cảnh ngoạn mục, cạnh Hồ Tây. Đó là cái hồ lớn nổi tiếng thường đi đôi với hồ nhỏ hơn là hồ Hoàn Kiếm mỗi khi người ta nói tới cái đẹp của Hà Nội. Hồ Tây còn được gọi là Hồ Lãng Bạc với huyền thoại “con nghé vàng ở bên Tầu, nghe tiếng mẹ gọi đã lồng lên làm dứt đứt giây thừng ngũ sắc buộc nó để chạy thẳng một hơi về Nam với mẹ, nó đạp lũng đất ra thành hai cái hồ, hồ lớn là Hồ Tây, hồ nhỏ ngay cạnh là hồ Trúc Bạch, cách nhau bởi con đường Cổ Ngư”.
Trường ở nơi phong cảnh đẹp và đồng thời nổi tiếng đào tạo nhân tài với những giáo sư và đàn anh mà ông từng kính mến như giáo sư thạc sĩ toán Hoàng Xuân Hãn về dậy năm 1936 và bác sĩ Nguyễn Xuân Chữ người đã tham gia vào các phong trào cách mạng yêu nước.
Không khí cách mạng lịch sử đương thời trong những năm ông trưởng thành từ những năm kháng chiến chống Pháp thời thế chiến thứ nhất từ 1914 đến 1918 tới cuộc ném bom Quảng Châu 1924 rồi Nguyễn Thái Học và 12 đồng chi lên máy chém ở Yên Báy năm 1930 qua đến cuộc khởi nghĩa của Việt Nam Quang Phục Hội năm 1940 đã ảnh hưởng đến sự lựa chọn nghề nghiệp của ông.
Năm 1940, ông đậu Tú Tài I. Năm 1942, ông đậu Tú Tài II, là năm đánh dấu Hoa Kỳ chính thức tham dự vào thế chiến thứ hai. Ông đã có thể trở thành một bác sĩ và người thầy y khoa của tôi giống như những người bạn đồng môn đã nổi tiếng trong nền y học nước nhà như các GS Trần Ngọc Ninh, Đào Đức Hoành và Ngô Gia Hy khi ông trúng tuyển vào dự bị Y khoa PCB cùng năm 1942. Ông bỏ sang đại học Luật khoa, đậu cử nhân Luật, chọn con đường giáo dục sau khi trúng tuyển vào kỳ thi giáo sư trung học năm 1945 và vào dậy trường Chu Văn An cùng năm sau khi chánh quyền Pháp bị Nhật lật đổ. Ông tiếp tục dạy cho đến khi trường Chu Văn An di chuyển vào Saigon. Những học sinh già ở Hà Nội vào thời kỳ này vẫn còn nhớ đến ông giáo sư Sử Địa đẹp trai và gọi ông là “Anh Tấn” theo đúng lối xưng hô của cách mạng !
Ông và các đồng nghiệp mang không khí và truyền thống huynh đệ của trường Bưởi và tinh thần Chu Văn An vào Nam năm 1954. Ở Saigon, trường CVA mới đầu học nhờ ở khu lưu trú học sinh trước đây của trường Petrus Ký sau về Ngã Sáu Chợ Lớn. Trường sở mới nhưng thiếu phong cảnh đẹp như ở Hà Nội, cạnh trường là cư xá sinh viên Minh Mạng, bệnh viện Hồng Bàng và nhà thờ Ngã Sáu, nhưng trường vẫn đươc tiếng là nơi đào tạo nhân tài. Trường được phát triển và duy trì nhờ công của các giáo sư Chu Văn An, trong đó có sự đóng góp lớn của ông, làm giám học năm 1959 rồi hiệu trưởng năm 1965 sau thầy hiệu trưởng Trần Văn Việt và trước giáo sư Dương Minh Kính.
Ông là người thầy tận tụy và gương mẫu, theo tân học nhưng vẫn giữ tư cách nhà Nho. Tuy dậy môn Sử Địa nhưng ở trường ông luôn làm gương cho học trò giữ đúng tinh thần Nho giáo: “Quân quân, thần thần, phụ phụ, tử tử”. Ông là một người thầy yêu nghề mặc dù môn học của ông phụ trách không quan trọng trong chương trình giáo dục thi cử từ chương chính vì vậy mà ông được các học trò qua nhiều thế hệ kính trọng. Người tầm thước, ăn mặc giản dị nhưng lúc nào cũng nghiêm chỉnh. Ông ít la mắng học trò nhưng học trò kính trọng ông nhờ cặp mắt uy nghiêm cùng dáng điệu nghiêm nghị và một nhân cách không chối cãi. Ông yêu học trò nên học trò đều yêu ông. Ông xứng đáng là một nhà giáo họ Khổng ở vào giữa thế kỷ 20 của những anh học trò Chu Văn An thông minh ngỗ nghịch; một thầy họ Khổng được ông Nguyễn Hiến Lê mô tả: “Đối với người quân tử, lời nói không thể cẩu thả và môn sinh ngưỡng mộ tư cách và tính tình của ông, ôn hòa mà nghiêm trang, oai vệ mà không dữ dằn, lời nói xác đáng và thâm thúy”.

Tuổi già và bệnh tật

Ông di cư và định cư hai lần trong đời, lần thứ hai năm 1975 ông qua Mỹ định cư ở Houston tiểu bang Texas. Trong 30 năm, sống cuộc đời mới với nghề mới, không còn dạy học nhưng ông vẫn bình dị, được cả đồng nghiệp và học trò cũ kính trọng. Là một nhà giáo gương mẫu, thầy tôi còn là một bệnh nhân kiểu mẫu. Trong hơn 20 năm, mỗi lần ông đến với “người chăm sóc sức khoẻ” cho ông, chữ ông đã dùng khi ông cầm tay tôi quyến luyến trong những ngày hấp hối trên giường bệnh, ông đều mang theo tập hồ sơ bệnh lý tỉ mỉ chính tay ông ghi lại. Những con số áp huyết, cân nặng, nhiệt độ, các triệu chứng, các tên thuốc, liều thuốc, ngày tháng đi khám bác sĩ đều được ông cẩn thận ghi lại. Hồi nhỏ tôi được học chữ và nhân cách từ người thầy giờ đây tôi lại học được nhiều điều từ người bệnh nhân Bùi Đình Tấn.
Hơn mười năm trước, một buổi chiều, tôi đưa ông vào bệnh viện sau chẩn đoán xuất huyết ruột; hồng huyết cầu xuống thấp. Bệnh ung thư ruột già. Ông được bác sĩ giải phẫu chăm sóc chu đáo. Đối diện với những phương pháp chữa trị ung thư: cắt, đốt, cho “uống thuốc độc” (những danh từ biến đổi từ giải phẫu, xạ trị, hóa trị của thầy tôi Gs Y khoa Đào Đức Hoành), ông chọn phương pháp giải phẫu. Và chấp nhận. Một thái độ bình thản, thái độ của một người già đứng trước bệnh tử. Trong mười năm, ông giữ tập hồ sơ bệnh lý của riêng ông, dầy cộm, ghi nhận tất cả kết quả thử nghiệm, tim động đồ, hình phổi, CAT Scan, kết quả soi đường ruột, những ngày đi khám bác sĩ chuyên môn. Ông cẩn thận ghi lại cả hồ sơ của bà.
Trong mười năm căn bệnh của ông ổn định. Hai năm trước, ông có những triệu chứng bất thường. Các tế bào ung thư tiềm ẩn bắt đầu sống lại, ăn dần đến các cơ quan khác. Các tế bào ung thư như những con cua bò đến gan, đến phổi, đến xương. Ông chấp nhận những hình phạt mới, những chữa trị mới, 25 lần xạ trị, những tia xạ đốt bỏng lồng ngực. Ông vẫn không chấp nhận hóa trị, “cơ thể ốm yếu không chịu được thuốc độc”. Một ngày khi tôi ký giấy phép xe đậu dành riêng cho người tàn tật là ngày tôi biết bệnh ông bắt đầu trầm trọng. Một người luôn luôn tự trọng, không hề yêu cầu bác sĩ một điều gì trái với điều khoản nhà nước ấn định, phải ép mình xin một đặc ân, tôi biết sức khoẻ của thầy tôi đã đi đến một khúc quanh. Gặp lại ông sau Tết Ất Dậu vừa qua, sau lần tôi viết một bài về ông, ông vẫn ngồi chờ đợi người học trò cũ với một nhân dáng chững chạc và một tinh thần minh mẫn nhưng cơ thể ông đã yếu dần, chân bắt đầu sưng và những cơn ho đến thường xuyên. Gặp lại ông trong ngày Phật đản ở chùa Phật Quang, tôi thấy ông bắt đầu chống gậy, nói chuyện yếu, ăn mặc lịch sự nhưng ông đã mất đi cái hãnh diện của một người đàn ông cả đời luôn luôn bao bọc vợ con và gia đình.
Trong những ngày cuối đời, ông bà là một hình ảnh điển hình của người già ở xã hội văn minh, tuổi thọ càng cao, người già sống sót các bệnh tim mạch, tai biến mạch máu não và các bệnh nhiễm trùng phải đổi lại cái giá bệnh ung thư và Alzheimer. Trong những năm chót, ông biểu lộ một tình yêu đằm thắm với bà. Căn bệnh Alzheimer với những “plaque” ăn trên vùng não bộ Hippocampus làm cho bà mất trí nhớ. Căn bệnh vẫn để cho người già đi đứng, ăn uống bình thường nhưng mất dần trí nhớ. Não bộ người bệnh Alzheimer như cái máy điện toán cũ, không nhận được những tín hiệu nhớ mới, mất đi những trí nhớ gần, người già trở về tình trạng tuổi thơ, cười hồn nhiên như em bé. Ông ái ngại và bao bọc cho bà như bao bọc một trẻ thơ. Trong khi đó ở cuối đời, căn bệnh ung thư ăn mòn khiến ông yếu dần trên giường bệnh. Căn bệnh cũng biến ông thành một đứa bé; ăn phải mớm, uống phải đút, thay tã tắm rửa như đứa bé trong khi đầu óc vẫn minh mẫn “chấp nhận cuộc đời” và “nhớ VN lắm”.
Ở cuối cuộc đời của ông, tôi với ông không còn là thầy thuốc với bệnh nhân, chúng tôi là hai con người gắn bó với nhau bởi một căn bệnh. Cái chết trở thành mọt phút mật thiết trong đời. Hình ảnh những ngày ông hấp hối trên giường bệnh cho tôi thấy rõ y sĩ không phải là thượng đế, chúng tôi chỉ là người, những người bất lực. Hình ảnh của ông trên giường bệnh mỗi lần tôi đến thăm khiến tôi nhớ đến những ngày đầu mới bước chân đến ngưỡng cửa trường Y khoa, lời các thầy dậy: “Y khoa đôi khi chữa được lành bệnh, hầu hết là chăm sóc và an ủi nhưng chúng ta không chữa được cái chết.”
Căn bệnh ung thư đưa đến tình trạng thiếu dinh dưỡng, đưa đến tình trạng mất nước. Trong tình trạng bất lực, thầy tôi chấp nhận cái chết bình thản, chết trong gia đình, chết với phẩm cách, từ chối những phương pháp chữa trị không cần thiết.
Con người sanh ra và đau khổ, nhưng chính cái đau khổ cuối đời đã cho ông chứng kiến tình thương của gia đình dành cho ông. Tôi đã học được bài học từ ông và các con ông. Săn sóc người già 90 tuổi khó hơn săn sóc một em bé sáu tháng. Săn sóc đứa trẻ mới 7 kg cũng phải thay tã, cho ăn uống, tắm rửa, trẻ không nói không đi được nhưng mọi người vui với tương lai và hy vọng. Săn sóc một người già không hề ái ngại chỉ có tình thương mới có thể làm được.
Cuối cùng rồi người khách lữ hành cũng trở về nhà. Cái chết là người bạn đồng hành đã cầm tay đưa ông đi ra khỏi cuộc đời. Người Phật tử Minh Lưu đạt được nguyện ước cuối đời gặp lại các bạn già của ông, Bs Nghiêm Xuân Quang và Bs Đinh Văn Tùng, những người đã cùng ông dựng lên ngôi chùa Phật Quang, ngôi chùa đầu tiên ở Houston, Texas.
Từ sau Tết, con đường từ phòng mạch đến nhà ông tôi đã thuộc lòng; từ đường Webster ra xa lộ 288, đi về hướng Nam, bắt qua xa lộ 610, đi về hướng Tây, ra đường Post Oak, quẹo phải West Belfort, đến Fondren quẹo trái, đến South Meadow quẹo phải, căn nhà vách màu đỏ nằm bên tay phải. Trong căn nhà có một người thầy thân ái, giản dị và từ đây căn phòng khách nhỏ sẽ vắng tiếng cười nói của những anh học trò già Chu Văn An đến thăm người thầy đáng kính vào những ngày cuối năm

Việt Nguyên
21/6/05
(TTK ban đại diện trường CVA niên khóa 1967-1968)

User avatar
khieulong
Posts: 6756
Joined: Wed Dec 01, 2004 9:09 pm
Been thanked: 1 time

Post by khieulong »

Little Saigon:Cựu học sinh Quốc Học-Đồng Khánh Huế họp mặt
Sunday, March 12, 2006






LITTLE SAIGON, Westminster - Trong năm 2005, Hội Ái hữu Cựu học sinh Quốc Học-Ðồng Khánh Huế đã cấp học bổng cho 130 sinh viên cùng 100 học sinh Cố Ðô hiện đang theo học đại học Sài Gòn, Huế, và các trường trung tiểu học địa phương.

Năm nay, Hội dự trù cấp thêm nhiều học bổng nữa cho các sinh viên, học sinh giỏi.

Theo một Thông Báo của Hội đứng tên chủ tịch Hội (Bác sĩ Võ đình Hữu) và Trưởng ban tổ chức (Bác sĩ Nguyễn hy Vọng), các đồng hương Cố Ðô Huế có thể theo dõi danh sách SVHS được học bổng, phổ biến trên trang web www.huehieuhoc.com và nhiệt tình tham dự ngày hội ngộ thường niên của Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Quốc Học-Ðồng Khánh vào ngày 19 tháng 3 tới đây tại nhà hàng Seafood World, Little Saigon, Orange County, Nam California.

Ngân khoản cấp phát số học bổng vừa nêu trên, là tiền thu được từ cuộc họp mặt tân Xuân năm ngoái, và sự đóng góp của nhiều cựu học sinh QH-ÐK thời gian kế đó.

Cuộc họp mặt vào Chủ Nhật 19-3 này, ngoài việc thăm hỏi nhau, sống lại kỷ niệm thời thư sinh áo trắng dưới hai mái trường Quốc Học-Ðồng Khánh, còn là dịp gây quỹ để tiếp tục giúp đỡ những học sinh, sinh viên học giỏi ở Cố Ðô có thêm phương tiện mua sách vở trên con đường học vấn.

Phần văn nghệ trong buổi tiệc họp mặt, do chính các cựu học sinh Quốc Học-Ðồng Khánh vùng Nam California đảm trách.

Trong cuộc họp mặt năm ngoái, nhiều cựu học sinh từ các tiểu bang xa, cũng đã về dự. (LHN)

User avatar
khieulong
Posts: 6756
Joined: Wed Dec 01, 2004 9:09 pm
Been thanked: 1 time

Post by khieulong »

Image

Hội Ái Hữu Bưởi, Chu Văn An Hội Ngộ Hè 2006 Ở Quận Cam


Hội trưởng và cựu HS Chu văn An chụp lưu niệm. Mặc suit đứng giữa là Gs Dương minh Kính, cựu Dân biểu chủ tịch ủy ban VHGD Hạ Viện VNCH, hiệu trưởng trẻ tuổi nhất của Chu văn An.




Santa Ana (VB). - Hàng trăm người từng có nhiều kỷ niệm gắn bó với ngôi trường trung học Chu văn An (Saigon) và Trường Bưởi (Hà Nội) lại hội ngộ Hè 2006 tại nhà hàng Regent West hôm Chủ Nhật 9-7, trong buổi tiệc do Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Chu Văn An tổ chức.

Họ từng là Hiệu trưởng (Gs Dương minh Kính), Thầy giáo (Gs Hoàng đình Thanh, Gs Nguyễn văn Sâm,... và học sinh thuộc nhiều thế hệ khác nhau, trong đó có nhiều niên trưởng tốt nghiệp trường Bưởi Hà Nội mươi năm trước khi có hiệp định Genève (các cụ Đặng Long, Tôn thất Cần, Đặng văn An) và một người vừa tốt nghiệp thì vừa lúc biến cố mất nước 1975.

Theo giới thiệu của MC giáo sư Lê chính Long, có nhiều người từ tiểu bang xa về dự như ông Hoàng quý Nam, Vũ thanh Sử, .v.v.

Ông hội trưởng Nguyễn đức Năng, Gs Lê chính Long, Gs Dương minh Kính đã lên sân khấu ngỏ lời chào mừng các Thầy cùng học sinh Chu Văn An đã sum vầy đông đủ để thắt chặt tình đồng môn, và hy vọng tiếp diễn hằng năm những cuộc vui hội ngộ như vầy.

Trong Lá Thư Hội Trưởng nêu ở đầu trang cuốn đặc san Xuân 06, ông Nguyễn đức Năng cho biết: "...Nhìn vào con người Chu văn An chúng ta, trong các chặng đường đã qua, biết bao đóng góp cao quí tại hải ngoại này. Không thể kể hết tên các CVA đó được, nhưng đó là những con người thực sự đã làm rạng danh Chu văn An. Chúng ta hãnh diện vì họ,và họ cũng lấy làm hãnh diện đeo trên ngực áo ngọn lửa hồng muôn thuở.

Các cụ Vũ ngô Xán, Trần văn Việt, Vũ đức Thận,Bùi đình tấn, Nguyễn huy Lãng,.v.v đạo đức, đời sống cá nhân, và các công việc làm hàng ngày của các cụ đã thực sự là những tấm gương sáng đáng kính trọng."...

Trong Bản Tường Trình với cựu học sinh của hội,ông Nguyễn huy Hiền (Tổng kiểm soát) đã kể ra những sinh hoạt như các buổi hội ngộ,đại hội toàn cầu 2005,lễ kỷ niệm, các đặc san, các công tác văn hóa xã hội. Ông nói: "Hội ái hữu Bưởi-Chu văn An chủ trương tạo dựng liên đới tốt đẹp của những con người mang danh phận có tri thức và trí thức, tự trọng và tôn trọng lẫn nhau, nhận biết rõ căn tính thân ái, chị ngã em nâng và suốt đời hằng hãnh diện ba chữ Chu Văn An không có gì có thể thay thế được..."

Ban chấp hành hội ái hữu Chu văn An nhiệm kỳ 2005-2008 gồm có: Hội trưởng: Nguyễn đức Năng, 2 Phó hội trưởng: Charles Mạnh và Lê chính Long, Tổng thư Ký:Cao sinh Cường, Thủ quỹ: Phạm chí Khải. Các ủy viên Nguyễn song Thuận (văn hóa), Trần hồng Vĩnh (tổ chức), Nguyễn văn Chu (kế hoạch), Trần quang Dự (y tế).

Chủ tịch Hội Đồng Quản Trị: Đỗ trọng Đức. Các thành viên HĐQT: Lê quý An, Nguyễn đức Khoát,Nguyễn ngọc Liên, Phan tấn Phú, Nguyễn văn Thu,Nguyễn đức Năng,Phạm chí Khải, Cao sinh Cường.

Ban tham vấn: Gs Dương minh Kính, Gs Lưu trung Khảo, Nguyễn văn Sinh, Trần minh Công, Phạm trọng Phúc, các cựu hội trưởng.

Ngoài các khuôn mặt Chu văn An vừa nêu, theo lời kể của CVA Hoàng cơ Định, ngôi trường Bưởi Hà Nội và Chu văn An Saigon đã là nơi đào tạo nhiều khuôn mặt tên tuổi khác như Vũ hoàng Chương, Vũ khắc Khoan, Phạm Duy, Phạm đình Chương, Nguyên Sa, Mai Thảo, Nguyễn hiến Lê, Hà mai Anh, Nguyễn sỹ Tế, Bùi đình Tán, Cung Tiến, Nguyễn văn Phú,.v.v. Đặc biệt, hai đồng môn CVA khác am hiểu vấn đề chủ quyền VN trên quần đảo Hoàng Sa là tiến sĩ Nguyễn Nhã (ở VN) và cựu Hạm trưởng HQ-4 Vũ hữu San, nhân vật trụ cột trong trận hải chiến bảo vệ Hoàng Sa cách đây 30 năm.

Trường Chu văn An Saigon được thành lập cách đây 51 năm, sau cuộc di cư 1954. Theo lời kể của CVA nhà báo Nguyên Huy và CVA Gs Nguyễn Kỳ, lúc đầu mới di cư, học sinh được đưa vào học tạm ở trường Pétrus Ký. Duy nhất niên khóa này có một số nữ học sinh. Gs Kỳ cho hay, nhiều cựu nữ học sinh đó sau thành giáo sư đại học và bác sĩ, tiến sĩ cả, trong đó có bà Gs Nguyễn ngọc Bích.

Cuộc họp mặt Hè 2006 của các Thầy Trò trường Bưởi-Chu văn An diễn ra thân mật, có phần văn nghệ đặc sắc.

(Tin và ảnh: Nguyễn Hiền).

Post Reply