Cựu Học Sinh Trung Học Ngô Quyền Hội Ngộ

Sinh hoạt bên các trường bạn có gì lạ?
Post Reply
User avatar
VuPhong
Posts: 2910
Joined: Wed Dec 01, 2004 4:28 pm

Cựu Học Sinh Trung Học Ngô Quyền Hội Ngộ

Post by VuPhong »

Cựu học sinh trung học Ngô Quyền, Biên Hòa họp mặt:
Hội ngộ trùng phùng toàn thế giới

Thursday, June 29, 2006

Nguyên Huy

WESTMINSTER, California - Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập trường trung học Ngô Quyền-Biên Hòa, các cựu học sinh Ngô Quyền sẽ tổ chức một cuộc Hội Ngộ Trùng Phùng đại gia đình Ngô Quyền toàn thế giới kéo dài suốt 8 ngày.

Quả là một cuộc họp mặt dài nhất trong những cuộc họp mặt, hội ngộ của những sinh hoạt hội đoàn trong cộng đồng từ trước đến nay. Tất là phải có lý do. Và, chúng tôi đã tìm gặp một số anh em trong Ban tổ chức.

Người đầu tiên là phóng viên Phạm khắc Ðàm của đài truyền hình Saigon TV. Với dáng vẻ vui thích, hăng hái anh nói: “Anh coi xem, trường Ngô Quyền là một trường trung học lớn của miền Nam VN trước đây. Nó thu nhận hầu khắp các học sinh thuộc các tỉnh miền Ðông Nam phần. Biết bao nhân tài của đất nước đã được xuất thân từ đó. Biết bao đóng góp cho nhân quần xã hội mà trung học Ngô Quyền đã cống hiến. Thế thì tại sao các cựu học sinh Ngô Quyền lại không làm nổi một cuộc hội ngộ lớn lao trong số hàng chục ngàn học sinh đã thành nhân từ ngôi trường đó. Hiện nay cho dù có tản mác khắp nơi trên thế giới nhưng với sự ổn định của cuộc sống, anh chị em cũng sẵn sàng mua một tấm vé về hội ngộ với nhau tại thủ đô của người Việt tị nạn.”

Người thứ hai là anh Tô Anh Tuấn mà chúng ta thấy lúc nào anh cũng tất bật với cửa hàng bán băng dĩa, DVD của Trung Tâm Asia. Anh Tuấn nói: “Nhân lễ Ðộc Lập năm nay, nhiều anh chị em ở các nơi có thể lấy thêm ngày nghỉ nên đã yêu cầu tổ chức một buổi Hội Ngộ có tầm vóc hơn so với những năm trước. Vả lại như anh cũng biết trường trung học Ngô Quyền ở Biên Hòa trước 1975, có thể coi là một trong những trường công lớn của miền Nam. Số học sinh của mỗi niên khóa cũng chẳng kém gì các trường công lập lớn như Chu Văn An, Petrus Ký, Gia Long, Trưng Vương... mà sao lại chỉ sinh hoạt trong âm thầm khiến cho nhiều cựu học sinh Ngô Quyền cũng không được biết để mà tham gia nữa. Nhưng cái chính để anh chị em chúng tơi tổ chức lớn năm nay là cái tình của chúng tôi, giữa thầy trò và giữa anh chị em thuộc các niên khóa khác nhau, nhưng vẫn liên lạc được mật thiết với nhau.”

Người thứ ba, tuy không ở trong Ban tổ chức, nhưng gắn bó với Ban tổ chức là nhà báo Hà Tường Cát, vốn là một giáo sư Toán và Sử Ðịa qua nhiều niên khóa. Anh Hà Tường Cát cho biết: “Ngô Quyền là một trung học lớn. Hàng giáo sư dậy ở Ngô Quyền trước năm 1975 rất đông. Hiện ở đây thì có tôi, có Nguyễn Xuân Hoàng, dậy triết, có Phạm Khắc Thành, hiệu trưởng từ 1973 đến 1975... Anh chị em học sinh thì khá nhiều, đi đâu cũng gặp. Tôi nghĩ một cuộc hội ngộ lớn nên có, vì đó cũng là lòng mong mỏi của những Ngô Quyền từ thầy đến trò.”

Ðiểm lại những lời phát biểu trên, chúng tôi dò lại tiểu sử của ngôi trường trung học của miền Nam trước 1975 này thì thấy lời phát biểu của các vị trên không xa sự thực.

Trung học Ngô Quyền (Xin đừng nhầm trung học Ngô Quyền ở Hải Phòng di cư vào nam đã sát nhập vào trường Nguyễn Trãi) có mặt trong nền giáo dục tại VN khá muộn, nghĩa là vào năm 1956 mới được thành lập mà vẫn chưa có trường sở phải “học nhờ” tại trường tiểu học Nguyễn Du. Nhưng nhờ vào nhiệt tâm và thiện chí của những vị giáo chức đi đầu trong việc thành lập trường như Giáo Sư Hồ Văn Tam, Phan Văn Nga, Phạm Văn Tiếng, Bùi Quang Huệ và Ðinh Văn Sái nên sang niên khóa thứ ba, Nha Trung Học đã cung cấp cho trường nhiều giáo sư cấp cử nhân và trường sở thì được quân đội hoàn trả lại ngôi trường nữ công gia chánh trước, gần ngã ba quốc lộ 15 và Quốc Lộ 1.

Giáo Sư Trần Minh Ðức hiện thuộc Luật Sư Ðoàn Thủ Ðô WDC, cho đến nay, sau trên 30 năm rời ngôi trường mình đã dậy vào những niên khóa đầu, vẫn còn nhớ nhiều kỷ niệm hết sức cảm động. Như trong một bài viết, ông có kể: “Dù chỉ dậy ở Ngô Quyền có hai năm đầu, thời gian này đã để lại trong tôi nhiều kỷ niệm khó quên. Quên sao được những học trò chân thật, hiền hậu, và trong nhiều trường hợp, thuộc những gia đình có lợi tức khiêm nhường. Quên sao được cảnh các học sinh đi học mà phần đông đi chân đất, chỉ một số nhỏ mang dép và các nữ sinh thì mặc áo bà ba. Mãi sau này mới mặc áo dài trắng khi trường có đồng phục.”

Có lẽ vì trường vào những niên khóa đầu có những cảnh nghèo như vậy, và nhất là lại “sinh sau đẻ muộn” nên tình nghĩa thầy trò, bạn đồng song với nhau mới có được những kỷ niệm trân quí. Thầy Trần Minh Ðức còn kể: “Ngay tháng đầu vào dạy ở Ngô Quyền, tôi thấy một học sinh, tôi xin được dấu tên, bị tật ở chân mà phải đi bộ xa lắm mới tới trường. Tôi hẹn em ra chợ Biên Hòa, mua tặng cho em một chiếc xe đạp để em đi học và em đã theo học được đến đại học dù cảnh nhà bần hàn, khó khăn.”

Các vị giáo sư khác cũng cho biết nhiều trò nay cũng đã thành danh nơi hải ngoại, có người làm chủ các nhà hàng lớn ở San Francisco, có người làm luật sư ở Biên Hòa, có người làm chủ báo như Lý Khánh Hồng làm chủ tờ Nhân Văn ở San Jose hay trở thành các nhà văn nổi tiếng như Tưởng Năng Tiến, Võ Hồng...

Theo nhiều nhà giáo dục vào thời gian ấy cho biết thì trung học Ngô Quyền đã như một chỗ trũng cho những đợt nước trào ra từ các trung học lớn ở Saigon. Nếu không có Ngô Quyền chắc là lớp thanh niên thời ấy sẽ phải bỏ ngang rất nhiều, vì các trung học lớn ở Saigon bấy giờ như Chu Văn An, Petrus Ký, Trưng Vương, Gia Long, Võ Trường Toản, Lê Văn Duyệt, v.v... mỗi năm chỉ thi tuyển một lần và chỉ thu nhận khoảng 5% sĩ số hàng trăm ngàn học sinh của các tỉnh quanh Saigon. Trong khi đó thì Ngô Quyền là một trung học cho học sinh thuộc các tỉnh miền Ðông Nam phần tụ về.

Năm nay Hội Ngộ Trùng Phùng của cựu học sinh Ngô Quyền chắc chắn sẽ có nhiều kỳ thú trong 8 ngày liên tiếp gặp gỡ và sinh hoạt mà cao điểm là Ðêm Dạ Tiệc Hội Ngộ trùng phùng vào lúc 5 giờ chiều Chủ Nhật 2 Tháng Bảy tuần này tại nhà hàng Seafood Place # 2 số 420 S. đường Brookhurst, Anaheim. Ðiện thoại liên lạc: Tô Anh Tuấn (714) 398-4907 hay Phạm Khắc Ðàm (714) 588-5019.

Post Reply