Ái HỮu Petrus Ký Nam Cali Họp Mặt

Sinh hoạt bên các trường bạn có gì lạ?
Post Reply
User avatar
dodom
Posts: 2723
Joined: Fri Nov 28, 2008 8:38 pm

Ái HỮu Petrus Ký Nam Cali Họp Mặt

Post by dodom »

Ái Hữu Petrus Ký Nam California họp mặt, ra mắt đặc san 2009
Monday, March 09, 2009

Image
Cựu học sinh các trường bạn chuẩn bị chương trình văn nghệ tại buổi họp mặt Hội Ái Hữu Petrus Ký Nam California.

Image
Cựu học sinh các trường bạn chuẩn bị một tiết mục văn nghệ ngay bên ngoài nhà hàng Seafood Palace 1.

Image
Bàn tiếp tân với nhiều đặc san Petrus Ký 2009.
Bài và hình: Ðỗ Dzũng/Người Việt


STANTON, California (NV)- Cựu học sinh trung học Petrus Ký đã có một buổi gặp gỡ đầu Xuân để gặp bạn bè và thầy cũ đồng thời ra mắt đặc san mà nội dung đều là đóng góp của những người cầm bút “cây nhà lá vườn” tại nhà hàng Seafood Palace 1, Stanton, trưa Chủ Nhật vừa qua.

Theo ông Võ Quang Ðạt, hội trưởng Hội Ái Hữu Petrus Ký Nam California, đây là lần họp mặt thứ 21 và là lần thứ năm ra mắt đặc san của thầy trò Petrus Ký, một trong những trường học hàng đầu không những trước đây mà còn là hiện nay tại Sài Gòn.

Cũng như mỗi lần họp mặt, cả thầy lẫn trò đều có dịp gặp lại nhau sau bao năm xa cách, nhất là đối với những người từng là học sinh sau này thành thầy của Petrus Ký.

Giáo Sư Dương Ngọc Sum, từng học và dạy tại trường, nói: “Buổi gặp gỡ này đúng là dịp để nói về những kỷ niệm giữa học sinh và thầy, đồng thời ôn lại kỷ niệm cũ. Gặp nhau như vậy rất quý.”

Giáo Sư Vũ Trọng Thu chia sẻ: “Tôi rất vui khi tham dự hôm nay, vì được gặp lại nhiều học trò. Trước đây tôi ở Houston, mới về hưu và chuyển sang đây sống. Ðây là lần thứ hai tôi tham dự. Gặp lại đồng nghiệp và các em vui quá.”

Giáo Sư Thu từng dạy ở Petrus Ký từ năm 1966 đến năm 1975.

“Tôi vẫn đến dự buổi họp mặt hằng năm này. Ðây là cơ hội đoàn tụ đồng nghiệp và học trò. Ðây là buổi gặp gỡ lớn nhất trong năm của chúng tôi,” Giáo Sư Lê Xuân Khoa, từng dạy Petrus Ký trong ba năm, chia sẻ thêm.

Ngoài sự gặp nhau giữa thầy và trò, đặc san Petrus Ký 2009 với chủ đề “Bạn Cũ Trường Xưa” cũng làm các cựu học sinh Petrus Ký nhớ lại nhiều kỷ niệm cũ.

Cầm cuốn đặc san trên tay, ông Nguyễn Tấn Pháp, tổng thư ký của đặc san, nói: “Cuốn đặc san này làm tôi nhớ lại ngày xưa. Hồi đó, tôi muốn mang đặc san qua các trường có nữ sinh như Trưng Vương, Gia Long... bán lắm, nhưng không ai cho. Mà có cho cũng không dám, vì lúc đó mới lớn, còn nhút nhát lắm. Vậy mà bây giờ đứng đây giới thiệu đặc san cho mọi người.”

Ông Pháp cho biết thêm đặc san này là thành quả của cả hai hội ái hữu Petrus Ký Bắc và Nam California cùng với thầy cô và bạn bè trên khắp thế giới. Riêng phần kỹ thuật do Hội Ái Hữu Petrus Ký Nam California phụ trách.

“Với chủ đề ‘Bạn Cũ Trường Xưa,’ chúng tôi cố gắng thể hiện tình bạn cũ và mái trường xưa. Ngoài ra, chúng tôi cũng muốn diễn tả lòng biết ơn đối với thầy cô đã cho chúng tôi kiến thức và cha mẹ đã nhọc nhằn làm việc để chúng tôi cắp sách đến trường. Rồi các bạn hữu đã cùng chúng tôi đi qua những năm tháng dưới mái trường Petrus Ký,” ông Pháp giải thích thêm.

Giáo Sư Nguyễn Thanh Liêm, từng học, dạy và làm hiệu trưởng Petrus Ký, rồi sau đó làm thứ trưởng Bộ Giáo Dục VNCH, cũng cảm ơn các học trò đã đóng góp và cho biết bản thân ông cũng thường viết bài cho đặc san Petrus Ký.

Ông nói: “Cảm ơn các em đã đóng góp cho đặc san thật phong phú. Riêng tôi, mỗi khi có dịp là tham gia liền. Ðặc san này không chỉ nói về Petrus Ký mà còn nói về quê hương Việt Nam chúng ta.”

Ðặc san Petrus Ký 2009 dày 360 trang không kể bìa bao gồm nhiều bài viết chủ yếu là văn và thơ.

Rồi ông nói qua con người và quê hương Vĩnh Long của học giả Petrus Ký cùng với lịch sử lục tỉnh miền Nam Việt Nam thời Pháp thuộc.

Buổi gặp gỡ năm nay tuy không đông bằng những năm trước, nhưng các cựu học sinh Petrus Ký vẫn tổ chức rất chu đáo nhờ có sự tham gia của Hội Liên Trường và các hội ái hữu Gia Long, Trưng Vương, Regina Pacis, nhất là trong phần trình diễn văn nghệ với các bài hát thuở học trò.

Trên sân khấu, ngoài bức tượng bán thân của học giả Petrus Ký, ban tổ chức còn treo hai tấm vải màu vàng chữ đỏ có hai hàng chữ nhắc nhở đến truyền thống của trường.

Tấm bên trái có dòng chữ “Khổng Mạnh Cương Thường Tu Khắc Cốt” và tấm bên phải viết là “Tây Âu Khoa Học Yếu Minh Tâm.”

Ðây chính là hai dòng chữ được khắc trên hai cây cột của cổng trường Petrus Ký.

Theo Giáo Sư Nguyễn Thanh Liêm, câu bên trái có nghĩa là “người nào học Petrus Ký phải cố gắng ghi trong xương tủy đạo lý của Khổng Mạnh (đó là tam cương ngũ thường).” Còn câu bên phải có nghĩa là “ghi trong tâm khảm nền khoa học của Tây Phương.”

“Tóm lại, hai câu trên có nghĩa là du nhập khoa học kỹ thuật Tây Phương cùng lúc với phát triển đạo lý Á Ðông,” giáo sư Liêm nói.

Ðể làm cho những buổi gặp gỡ tương lai được đông đảo hơn, theo ông Lê Thương, cựu chủ tịch Hội Ái Hữu Petrus Ký Nam California từ năm 2002 đến 2006, cho rằng các trường cần phải liên kết chặt chẽ hơn.

Ông Thương chia sẻ: “Năm nay không đông là hiện tượng chung của cộng đồng, do kinh tế khó khăn. Không chỉ Petrus Ký, các hội khác cũng vậy. Hy vọng trong thời gian tới các hội ái hữu phối hợp với nhau để tổ chức đông đảo hơn.”

Hội Ái Hữu Petrus Ký Nam California được thành lập năm 1978 và là một trong những hội ái hữu được ra đời rất sớm tại Orange County, dưới sự dẫn dắt của Giáo Sư Nguyễn Thanh Liêm, một số cựu giáo sư, học sinh của trường.

Trải qua nhiều nhiệm kỳ ban điều hành, hội đã có những bước phát triển về nhân sự cũng như phạm vi hoạt động.

Mọi chi tiết về hội ái hữu này có thể tìm thấy tại trang nhà www.pkynamcali.org.

Trường Petrus Ký, có khi gọi là Petrus Trương Vĩnh Ký, được khởi công xây dựng từ năm 1925 đến năm 1926 theo họa đồ của một kiến trúc sư người Pháp. Tuy nhiên, vị kiến trúc sư người Pháp này không theo khuôn mẫu của các ngôi trường tại Pháp mà theo đồ án kiến trúc vùng nhiệt đới và ảnh hưởng Ðông Nam Á. Ðó là khuôn viên rộng rãi, trần cao, mái ngói, sân trường có nhiều cây cỏ và bóng mát.

Trường khai giảng niên học đầu tiên năm 1927 dưới tên “Collège De Cochinchine,” nhưng đến năm sau được đổi tên thành Petrus Trương Vĩnh Ký để tưởng nhớ và vinh danh vị học giả gốc Vĩnh Long, được coi là nhà bác học Á Châu đầu tiên của thế kỷ XIX.

Sau năm 1975, trường bị đổi tên thành Lê Hồng Phong. (Ð.D.)

Post Reply