Hội Thảo : Nhìn Lại QLVNCH 30 Năm Sau

Những bài viết về anh hùng chống giặc Tàu xâm lăng của dân tộc Việt Nam
Post Reply
CayQueo
Posts: 221
Joined: Sun Nov 28, 2004 6:34 pm
Contact:

Hội Thảo : Nhìn Lại QLVNCH 30 Năm Sau

Post by CayQueo »

Sunday, April 02, 2006



HỘI THẢO VỀ QLVNCH TẠI VIETNAM CENTER Ở LUBBOCK



THÀNH QỦA VÀ SAI LẦM: NHÌN LẠI QLVNCH 30 NĂM SAU
*

CÁC HỌC GIẢ, GIỚI NGHIÊN CỨU TRẺ, CỰU QUÂN NHÂN VIỆT MỸ ĐÃ TÁI THẨM ĐỊNH QUÂN LỰC MIỀN NAM RA SAO ?

* VIETNAM CENTER: KHO TÀNG VÔ GIÁ VỀ CHIẾN TRANH VN

* NGUYỄN KỲ PHONG (Đặc biệt của Ngày Nay)

LTS – Ông Nguyễn Kỳ Phong*, nhà nghiên cứu về chiến tranh Việt Nam, hiện cư ngụ trên vùng Hoa Thịnh Đốn, đã có mặt tại cuộc Hội thảo hàng năm về chiến tranh Việt Nam do Vietnam Center thuộc Đại học Texas Tech tại Lubbock, Texas tổ chức trong hai ngày 17-18 tháng 3 qua, với chủ đề năm nay về QLVNCH, đã có bài tường trình đặc biệt cho Ngày Nay dưới đây.

* * *

LUBBOCK, TX (NN) – Lần đầu tiên, hơn ba mươi năm sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, một trung tâm nghiên cứu đã tổ chức hội thảo về vai trò của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (QLVNCH) trong cuộc chiến. Nhiều trung tâm nghiên cứu và đại học ở Hoa Kỳ trong quá khứ đã tổ chức nhiều hội thảo về chiến tranh Việt Nam, nhưng chỉ về chiến tranh Việt Nam như là chủ đề chính, chứ không bàn sâu về vai trò của QLVNCH. Với đề tài ARVN: Reflections and Reassessments After 30 Years (QLVNCH: Hồi Tưởng và Tái Thẩm Định Sau 30 năm), The Vietnam Center (Trung Tâm [nghiên cứu về] Việt Nam) của đại học Texas Tech tổ chức hai ngày hội thảo cho chủ đề riêng biệt về vai trò của QLVNCH.

Theo những gì được biết, ý kiến tổ chức buổi hội thảo có chủ đề dành riêng cho QLVNCH đến từ nhận định của Trung Tâm theo đó nói về chiến tranh Việt Nam mà không nhắc đến vai trò của QLVNCH thì tất cả những bàn luận trở thành vô nghĩa.
QLVNCH nhìn từ nhiều khía cạnh
Trong hai ngày hội thảo, có tất cả 29 diễn giả gồm 17 người Mỹ và 12 Việt. Đề tài thảo luận rất bao quát: từ cuộc hành quân Lam Sơn 719 đánh qua Hạ Lào vào tháng 2-1971, cho đến trận phản công của QLVNCH trong trận “Mùa Hè Đỏ Lửa” vào năm 1972; từ trận đánh giữa tiểu đoàn 4 TQLC và hai trung đoàn Việt Cộng ở Bình Giả năm 1964, cho đến trận hải chiến giữa Hải Quân VNCH và Trung Cộng ở quần đảo Hoàng Sa năm 1974. Một vài đề tài hơi đi xa chủ đề (Thiếu Thốn; Cuộc Đời Dang Dỡ; Chống Mỹ: Những Phong Trào Biểu Tình của Thương Phế Binh, 1970-1971; hay là, TQLC Hoa Kỳ và Những Cố Gắng Trong Kế Hoạch Chống Du Kích và Bình Định ở Việt Nam), nhưng tựu trung, tất cả những bài thuyết trình đều đi sát đề tài và thu hút được sự chú ý của thính giả. Đặc sắc nhất là khi anh Nguyễn Văn Kiệt (cựu hạ sĩ quan của Liên Đoàn Người Nhái) kể lại chuyện anh và một sĩ quan lực lượng đặc biệt Hải Quân Hoa Kỳ (SEALs) đi vào lòng đất địch để cứu một trung tá phi công bị bắn rơi ở trên bờ sông Thạch Hãn. Trước chuyến giải cứu thành công của anh Kiệt, Hoa Kỳ đã bị thiệt hại 6 phi công và 9 phi cơ để cứu người trung tá này. Dù với khả năng Anh ngữ trung bình, anh Kiệt đã làm cho thính giả vổ tay vang vội vì sự chân thật trong câu chuyện anh kể. Quan khách đã đứng lên vổ tay nhiệt liệt khi anh kết thúc câu chuyện thật lý thú, đầy hồi hộp đó. Chuyện giải cứu này trước đây đã được viết ra ba quyển sách, và đã quây thành phim với tựa đề The Rescue of Bat-21 (Cuộc Giải Cứu [phi công có bí hiệu] Bat-21).

Phía người Việt tham dự cuộc hội thảo có nhiều thành phần khác nhau: với những viên chức chánh phủ như cựu đại sứ Bùi Diễm, ông Nguyễn Ngọc Bích; phía quân nhân có cựu trung tướng Lữ Lan, đại tá Mai Viết Triết (một trong những sĩ quan đầu tiên của Liên Đoàn 77 Quan Sát Địa Hình, tiền thân của Lực Lượng Đặc Biệt và Phòng 7 về sau), thiếu tá TQLC Trần Ngọc Toàn, (một sĩ quan đã tham dự trận Bình Giả năm 1964), hải quân đại tá Đỗ Kiểm ... và một số cựu sĩ quan khác của QLVNCH. Tương tự, phía dân sự cũng có một tập hợp của nhiều thành phần và kiến thức chuyên môn khác biệt: từ một dân sự chưa một ngày ăn cơm cháy nhà binh như tác giả bài viết này, cho đến những sinh viên ban tiến sĩ thật tre, như hai cô Julie Phạm (29 tuổi, đại học Berkeley), Nguyễn T. Liên-Hằng (34 tuổi, đại học Harvard); hay là hai thanh niên tuổi dưới ba mươi, Hoàng Tuấn (đại học Notre Dame) và Nguyễn Minh Triết (đại học Ottawa); hay ông Nguyễn Văn Tín (em trai cố thiếu tướng Nguyễn Văn Hiếu) tuổi đã ngoài 60.

Phía Hoa Kỳ, phái đoàn tham dự cũng có một sắc thái tương tự - dân sự, khoa bảng, và cựu chiến sĩ. Người mở đầu cuộc hội thảo là tiến sĩ Lewis Sorley, một cựu sĩ quan đã tham dự chiến tranh Việt Nam từ ngày đầu cuộc chiến. Sau khi trở lại Mỹ, TS Sorley chuyển sang làm việc cho CIA và là một nhân viên cao cấp của cơ quan tình báo này. Ông Sorley, lúc còn sĩ quan cấp tá, là bạn cùng khóa ở trường Tham Mưu Trung Cấp Lục Quân Hoa Kỳ (Fort Leavenworth, Kansas) với đại tá Hà Mai Việt. Ra trường võ bị West Point năm 1965, bạn cùng khóa với ông là những đại tướng như Norman Schwarzkopf, John Foss, John Shaud, hay trung tướng Dave Palmer, một cố vấn cho trường võ bị Đà Lạt trong đầu thập niên 1970. Tiến sĩ Sorley còn là tác giả của The Abrams Tapes, một tác phẩm công phu viết về cơ cấu quân đội Hoa Kỳ ở Việt Nam. Những người khác như trung tá James Willbanks, một sĩ quan đã tử thủ trận An Lộc chung với sư đoàn 5 Bộ Binh trong trận Mùa Hè Đỏ Lửa, và hiện nay là trưởng khoa quân sử của trường Tham Mưu Trung Cấp Lục Quân Hoa Kỳ; Đại tá Darrell Whitcomb, một trong những phi công bay yểm trợ và chỉ điểm cho cuộc giải cứu Bat-21; một sĩ quan cố vấn khác, ông Bill Laurie, đã làm cho thính giả Việt Nam thích thú khi anh ta tuyên bố - bằng tiếng Việt, giọng miền Nam - là anh ta đã ngồi nhậu với lính VNCH ở rất nhiều quán cóc trên bốn vùng chiến thuật! Ngoài ra, phía dân sự có nhiều nhân vật thật khoa bảng tham dự: một giáo sư chưa đầy 34, nhưng với văn bằng tiến sĩ từ đại học Harvard và Cambridge (London). Ông ta lên viết về cơ cấu của Kế Hoạch Phụng Hoàng. Hiện nay ông là giáo sư thực thụ của trường tham mưu trung cấp TQLC Hoa Kỳ. Một tiến sĩ khác, Anrew Wiest, cũng trong khoảng tuổi hơn ba mươi, thuyết trình về hai khuôn mặt trái ngược của hai quân nhân VNCH trong cuộc chiến: một người hùng là trung tá Trần Ngọc Huệ, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 2/trung đoàn 2/sư đoàn 1Bộ Binh, người đã dẫn tiểu đoàn nhảy trực thăng vào chiếm Tchepone ở Hạ Lào năm 1971, rồi từ đó phải đánh bằng đường bộ để triệt thoái ngược về biên giới Việt Nam với tiểu đoàn chỉ còn lại 26 người. Người sĩ quan kia, trung tá Phạm Văn Đỉnh, người đã đem nguyên trung đoàn 56 (sư đoàn 3 Bộ Binh) đầu hàng cộng sản Bắc Việt vào trận Mùa Hè Đỏ Lửa năm 1972, khi trung đoàn 56 bị ba sư đoàn CSVN bao vây, rồi sau đó lên đài phát thanh của cộng sản kêu gọi những quân nhân ở những trung đoàn còn lại đầu hàng. Người thuyết trình này hiện nay là trưởng một trung tâm nghiên cứu về chiến tranh Việt Nam ở đại học Mississippi. Chúng ta cũng không thể không nhắc đến ông giám đốc Trung Tâm Việt Nam của đại học Texas Tech, người đã đứng ra tổ chức cuộc hội thảo: Tiến sĩ James R. Reckner là cựu sĩ quan cố vấn cho một giang đoàn xung phong của Hải Quân Việt Nam (Giang Đoàn 26 Xung Phong) hoạt động dọc theo Kinh Vĩnh Tế. Rất lý thú khi ngồi nghe ông kể lại cuộc đời chinh chiến của ông trên những kinh rạch, sông ngòi, ở miền Nam, hay xa hơn về phía biên giới Miên như Tân Châu, Hồng Ngự ở Châu Đốc.

Kho tàng để nghiên cứu về chiến tranh VN
Trong chuyến đi tham dự hội thảo, tham dự viên được mời tận vào phòng sách tham khảo và nghiên cứu của trung tâm. Và phải thành thật mà nói, đây là một kho tàng cho những người nghiên cứu về cuộc chiến Việt Nam – không nhất thiết chỉ về quân sự hay quân sử, mà tất cả mọi phương diện về Việt Nam như một quốc gia. Nguồn gốc trung tâm bắt đầu vào năm 1989, khi đại tướng Westmoreland (tư lệnh MACV, rồi sau đó tư lệnh Lục Quân), đô đốc Elmo Zumwalt (tư lệnh Hải Quân ở Việt Nam, rồi tư lệnh Hải Quân Hoa Kỳ), thứ trưởng William Bundy, đại sứ Bùi Diễm, cùng tiến sĩ Reckner ngồi xuống quyết định xây dựng một trung tâm tàng trữ thư liệu về Việt Nam. Hơn hai năm sau, trung tâm được sự cộng tác quan trọng của tác giả Douglas Pike, khi ông này dọn nguyên thư viện cá nhân của ông từ viện đại học Berkeley ở California về. Ông Pike là một học giả về Việt Nam và chiến tranh Việt Nam, thư viện riêng của ông gồm có hơn bảy triệu trang tài liệu; 15 ngàn quyển sách; và ba ngàn phim ảnh đủ loại. Phải nói đây là một thư viện nghiên cứu thứ thiệt! Từ những bộ sách như Công Báo Việt Nam (do Việt Tấn Xã in, tiếng nói chánh thức của chính phủ VNCH) đến những bộ sách về liên hệ Việt-Pháp của thập niên 1800, cho đến những báo cáo tối mật đã được giải mật của CIA, bộ Ngoại Giao, cho đến những tường trình về quân sự, hồ sơ về trường sĩ quan trừ bị Thủ Đức ... tất cả thật chi tiết, tất cả có thể cho người đọc một quá khứ thật rõ ràng về VNCH nói riêng và về Viêt Nam nói chung. Người viết bài này có dịp cầm trên tay một tài liệu nói về những khóa đầu tiên của trường sĩ quan Thủ Đức. Trong đó nhiều chi tiết thật lý thú. Thí dụ, nhìn vào Khóa 1 Nam Định, chúng ta thấy tên người sĩ quan thủ khoa là thiếu tướng Nguyễn Duy Hinh; khóa có 255 khóa sinh, nhưng chỉ có 218 người ra trường với cấp bậc thiếu úy, số còn lại là chuẩn úy vì điểm đậu dưới tiêu chuẩn. Ngoài những chi tiết đó, chúng ta còn biết các sĩ quan có tên ra trường hạng thứ mấy trong khóa đó. Chẳng hạng như chuẩn tướng không quân Đặng Đình Linh đậu hạng 208 (trên 218 sinh viên); đại tá cựu thẩm phán quân sự Nguyễn Cao Quyền hạng 19; trung tướng TQLC Lê Nguyên Khang hạng 75; tướng KQ Phan Phụng Tiên hạng 31. ... Trong khi đó, Khóa 1 Thủ Đức có tất cả 311 sinh viên thụ huấn, 278 ra thiếu úy; 24 ra chuẩn úy; và 9 ra trung sĩ vì điểm quá thấp. Nhìn sơ qua, thấy thủ khoa là cựu đại tá Cảnh Sát Phạm Kim Quy, thấy trung tướng Nguyễn Đức Thắng ra trường hạng 5 và chọn binh chủng Pháo Binh, hay, tướng Đồng Văn Khuyên là á khoa của khóa 1 Thủ Đức. Và những khóa khác lại cho nhiều lý thú hơn: khóa 3 có đại tá Hoàng Đức Ninh (anh của ông Hoàng Đức Nhã) ra trường hạng 208 trên 712 sinh viên; tướng Nguyễn Khoa Nam hạng 83; tác giả viết sử Phạm Kim Vinh hạng 256. Ở Khóa 5 thì có tác giả đại tá Phạm Bá Hoa, hạng 648 trên 879; đại tá TQLC Cổ Tấn Tinh Châu, hạng 381; và đại tá Hà Mai Việt, hạng 86.... Đại khái, những tài liệu ghi lại những chi tiết như vậy. Người viết bài – một người tự thú nhận là mê sách – thật là hăm hở, thật là thích thú với hàng trăm kệ sách đầy tài liệu trước mặt mình. Sự thích thú của người viết đã làm cho ông Reckner nói đùa với hai phụ tá là tiến sĩ Steve Maxner và ông Trần Công Khanh là, “Nên chú ý tên này, nó lục loại nhiều quá. Xét người hắm trước khi ra về. Hắn có thể “chôm” những tài liệu quí giá của chúng ta!” Thật là một cuộc thăm viếng không uổng công.

Trung tâm Việt Nam của đại học Texas Tech, trong quá khứ đã bị nhiều phản đối, chỉ trích và phê bình có khuynh hướng thân Cộng. Nhất là sau khi họ cho xuất bản quyễn hồi ký của bác sĩ cộng sản Đặng Thùy Trâm. Dĩ nhiên chúng ta thấy tác phẩm đó có một cái nhìn cá nhân rất lệch lạc, đầy truyên truyền của một bác sĩ đã bị nhồi sọ từ lúc thiếu thời. Cũng như trung tâm đã thường liên lạc và hướng dẫn những phái đoàn viên chức cao cấp của cộng sản Việt Nam qua thăm viếng, như các ông Nguyễn Mạnh Cầm, Trần Bạch Đằng, tướng Nguyễn Đình Ước, Phan Huy Lê, Lê Văn Bằng... Nhưng theo ông giám đốc Reckner, trung tâm của ông đã bị mọi bên chỉ trích: phía phản chiến, thiên ta, thì nói ông quá thân thiện với các quân nhân VNCH, thiên vị cho phía miền Nam; trong khi một vài chiến sĩ VNCH và Hoa Kỳ thì đặt vấn đề tại sao trung tâm lại thân thiện với nhiều viên chức cộng sản! Câu trả lời của trung tâm — cũng như của chính tiến sĩ Reckner — trung tâm chỉ là một nơi dự trữ những tàn tích, thư liệu, tang chứng về Việt Nam, về VNCH và CSVN. Trung tâm chỉ là một trung gian chứ không phải là nơi thẩm định những tác động hay hậu quả chính trị, hậu quả cuộc chiến đã xảy ra; trung tâm không phê phán mà chỉ trưng bày những sự kiện. Rồi từ những sự kiện và thư liệu đó, các nhà nghiên cứu, học giả, độc giả, tự mình đi đến những kết luận riêng cho chính họ. Với một nhận xét như vậy, người viết bài này không có gì để phản đối.(20-3-2006)



--------------------------------------------------------------------------------


* Ông Nguyễn Kỳ Phong, sanh năm 1956, tị nạn cộng sản ở Mỹ từ năm 1975, là tác gỉa hai dịch thuật, Hành Quân Lam Sơn 719 (nguyên tác Anh Ngữ, Operation Lamson 719, của thiếu tướng Nguyễn Duy Hinh), va, Những Ngày Cuối của Việt Nam Cộng Hòa (nguyên tác, The Final Collapse, của đại tướng Cao Văn Viên). Đã xuất bản một tác phẩm nghiên cứu về quân sử, Người Mỹ và Chiến Tranh Việt Nam. Một tác phẩm mới với tựa là, Vũng Lầy của Tòa Bạch Ốc, sẽ được ra mắt vào tháng 4 năm nay.


Hoặc quí Anh Chị bấm vào link dưới đây để xem bài trên :


Hội Thảo 30 Năm Nhìn Lại QLVNCH

Post Reply