Nhận xét của sử gia Larry Berman về cuộc chiến

Những bài viết về anh hùng chống giặc Tàu xâm lăng của dân tộc Việt Nam
Post Reply
dacung
Posts: 409
Joined: Tue Dec 13, 2005 6:26 am
Location: USA
Contact:

Nhận xét của sử gia Larry Berman về cuộc chiến

Post by dacung »

Nhận xét của sử gia Larry Berman về cuộc chiến Việt Nam
2006.05.07
Nguyễn Khanh, phóng viên đài RFA

Chúng ta nên nhìn cuộc chiến Việt Nam như thế nào? Câu hỏi này vẫn được nhiều người đặt ra, cho dù tiếng súng đã ngừng nổ cách đây đã 31 năm. Không chỉ với người Việt ở hai miền Nam-Bắc, ngay cả các nhà phân tích chính trị cũng như quân sự Hoa Kỳ cũng không đồng ý với nhau về cách nhìn cuộc chiến từng gây chia rẽ trong nhân dân Mỹ.

Image
Sử gia Larry Berman, tác giả nhiều quyển sách viết về cuộc chiến Việt Nam. Photo courtesy ps.ucdavis.edu

Có người cho rằng dù chiến thắng ở chiến trường nhưng cuộc chiến cuối cùng thất bại vì lý do chính trị; cũng có người nói ngay từ những năm đầu tiên sau khi đưa quân vào miền Nam Việt Nam, Washington đã biết không thể nào đạt được chiến thắng.

Bất đồng thể hiện ngay cả trong những bài viết phê bình các quyển sách nói về cuộc chiến đã được xuất bản, điển hình là quyển “Vietnam: A History” –mà chúng tôi tạm dịch là “Việt Nam, Một Thiên Lịch Sử”- do nhà báo nổi tiếng Stanley Karnow viết đã từng gây sôi nổi khắp nơi, khi dư luận chia ra làm 2 phe rõ rệt: một nói rằng quyển sách trình bày sự thật về cuộc chiến và về tinh thần chiến đấu mà người dân Việt Nam thể hiện khi chống lại sự xâm lăng của các đạo quân hùng hậu đến từ nước ngoài;

Nhưng cũng có người cho rằng quyển sách được nhà báo từng đoạt giải thưởng Pulitzer viết không mang tính công bằng, vì đã dựa vào các tài liệu của miền Bắc quá nhiều, do đó có nhiều sai lạc khi nói đến vai trò của miền Nam.

Nên nhìn cuộc chiến Việt Nam như thế nào cho đúng đắn? Ðã đến lúc nên trả lại chỗ đứng cho lịch sử hay chưa? Ðó là câu hỏi mà Ban Việt Ngữ chúng tôi xin được đặt ra với vị khách mời tuần này. Vị khách là sử gia Larry Berman, tác giả nhiều quyển sách viết về cuộc chiến Việt Nam, quyển mới nhất mang tựa đề “Không Hòa Bình, Chẳng Danh Dự: Nixon, Kissinger Và Sự Phản Bội Ở Việt Nam”. Tiến Sĩ Larry Berman hiện đang giảng dậy môn chính trị học ở Ðại Học UCDavis, bang California.

Như thường lệ, buổi nói chuyện do Nguyễn Khanh thực hiện, được chúng tôi gửi đến quý thính giả trong khuôn khổ Tạp Chí Vấn Ðề Thời Sự Hàng Tuần, và sau đây là một số điểm đáng chú ý trong buổi nói chuyện của Ban Việt Ngữ với Giáo Sư Berman về cuộc chiến Việt Nam.

Nguyễn Khanh: Cám ơn Giáo Sư đã dành thì giờ nói chuyện với chúng tôi.

Giáo Sư Berman: Không có chi.

Nguyễn Khanh: Ðã 3 thập kỷ trôi qua nhưng mọi người vẫn chưa quên được cuộc chiến Việt Nam, vẫn tiếp tục nói đến cuộc chiến này…

Giáo Sư Berman: Theo tôi nghĩ, có nhiều lý do khiến người ta vẫn tiếp tục nói về cuộc chiến Việt Nam. Lý do mà tôi coi là rõ rệt nhất để mọi người nói đến cuộc chiến là vì cuộc chiến kết thúc với kết quả người Mỹ thua trận, người Việt sống ở miền Nam phải trải qua một tấn thảm kịch, và với những người thắng trận miền Bắc, cuộc chiến kết thúc với kết quả họ chiến thắng, đạt được mục tiêu thống nhất mà họ theo đuổi nhiều năm trời, nhưng đồng thời cũng là cuộc thống nhất mà tôi gọi là đầy mơ hồ.

Ngoài ra, riêng với người Mỹ, cuộc chiến vẫn được nói đến vì hình như không ai hiểu rõ được bài học thu thập được từ Việt Nam, không rõ tại sao Hoa Kỳ thất bại, không đạt được mục tiêu chính trị đã đặt ra, và thất bại này đã ảnh hưởng thế nào đến chính sách quốc gia, đến việc hoạch định chiến luợc với thế giới, đến đời sống riêng, đến lối suy nghĩ của từng công dân Mỹ.

Tôi cũng muốn trình bày thêm ở đây là như ông mới nói, đã 3, 4 thập kỷ trôi qua rồi nhưng vẫn còn những nhận thức rất sai lạc về cuộc chiến này, cho rằng người Mỹ không dốc toàn lực ra giúp Việt Nam, người Mỹ không làm tất cả những gì có thể làm để miền Nam đứng vững và tồn tại, người Mỹ không thật lòng muốn đạt được mục tiêu chính trị là giúp miền Nam trở thành 1 quốc gia độc lập, tự chủ.

Nên nhớ là Hoa Kỳ đưa vào Việt Nam tới 580,000 quân, thực hiện biết bao nhiêu cuộc dội bom, v.v… Những điều tôi vừa nói chứng tỏ sự quyết tâm của nước Mỹ đối với miền Nam Việt Nam, dù cuối cùng người Mỹ đã không đạt được những mục tiêu chính trị đã đề ra.

Nguyễn Khanh: Thế chính sách của Hoa Kỳ đã sai lầm ở chỗ nào?

Giáo Sư Berman: Có rất nhiều sai lầm trong chính sách mà Washington cho thực hiện ở Việt Nam. Cam kết giúp miền Nam sống còn, ổn định, là một lời cam kết chính đáng, một mục tiêu có chính nghĩa. Nhưng cuối cùng thì kế hoạch được thực hiện hoàn toàn sai. Việc đưa hơn nửa triệu quân vào miền Nam là một quyết định sai lầm mà sau này các nhà ngoại giao Mỹ, các nhà quân sự Mỹ mới nhận thấy.

Người Mỹ có hiểu gì văn hóa Việt không? Người Mỹ có biết phải làm gì ở Việt Nam không? Ðiều này khiến tôi liên tưởng đến cuộc chiến đang xảy ra ở Iraq. Ðồng ý 2 giai đoạn lịch sử khác nhau, nhưng so sánh chuyện đã xảy ra ở Việt Nam và chuyện đang xảy ra ở Iraq là điều không sai. Bài học lớn nhất học được từ Việt Nam là dù mục tiêu có chính đáng đi chăng nữa, cũng phải biết là mình sẽ làm gì, cần phải làm gì ở một quốc gia cách xa đất nước của mình cả bao nhiêu ngàn cây số, ở một vùng đất không gây nguy hiểm trực tiếp đến nền an ninh của mình.

Image
Hình bìa cuốn sách “Không Hòa Bình, Chẳng Danh Dự: Nixon, Kissinger Và Sự Phản Bội Ở Việt Nam”.

Nguyễn Khanh: Còn chính sách của miền Nam và của cả miền Bắc Việt Nam thì ông đánh giá ra sao?

Giáo Sư Berman: Chính sách của miền Bắc là dùng võ lực để thống nhất đất nước. Còn chính sách của miền Nam thì theo các tài liệu được ghi lại cho thấy là chính sách mà người Mỹ muốn họ thực hiện. Ðó cũng là điều sai lầm, vì khi làm điều đó, miền Nam trở thành không có một Chính Phủ đúng nghĩa, không có vị thế, vì hầu như các chính sách đều do phía Mỹ đặt ra.

Ðiều này được thể hiện rõ hơn qua cuộc hội đàm ở Paris, Chính Phủ miền Nam không hề được đếm xỉa tới. Nếu nhìn lại lịch sử, chúng ta cũng sẽ thấy là trước năm 1963, Chính Phủ miền Nam Việt Nam lúc đó chủ trương nhận viên trợ của Hoa Kỳ, nhận để Hoa Kỳ giúp huấn luyện quân đội, nhưng nắm quyền tự quyết. Tôi nghĩ rằng đó là chính sách tốt nhất để miền Nam Việt Nam có thể thành công.

Nguyễn Khanh: Như vậy theo ông, nhìn cuộc chiến Việt Nam như thế nào là đúng đắn nhất?

Giáo Sư Berman: Có thể các thính giả của Ðài không tán đồng ý kiến của tôi, nhưng theo tôi thì bây giờ một trong những cách đúng nhất để nhìn cuộc chiến là phải nhìn nhận đó là cuộc chiến giữa những người Việt, và nên để cho người Việt tự giải quyết với nhau. Hoa Kỳ có thể hỗ trợ cho miền Nam bằng phương tiện tài chánh, kể cả bằng cố vấn quân sự, nhưng không nên mở một cuộc chiến quy mô với sự tham dự của cả trăm ngàn binh sĩ như đã làm.

Rõ ràng đó không phải là cách khôn khéo để giải quyết cuộc chiến Việt Nam. Ðồng ý là Hà Nội cũng nhận sự trợ giúp của những lực lượng quân sự nước ngoài. Ðáng lý ra Hoa Kỳ nên giữ vai trò như đã từng làm những năm cuối thập kỷ 50 hay đầu thập kỷ 60, dười thời của ông Diệm.

Nguyễn Khanh: Có những nhà sử học hay các nhà quan sát gọi cuộc chiến Việt Nam là một cuộc nội chiến, nhưng cũng có người bảo đó là cuộc chiến ý thức hệ. Theo ông thì sao? Nội chiến hay chiến tranh ý thức hệ?

Giáo Sư Berman: Tôi cho rằng đó là một cuộc nội chiến lồng trong khung cảnh của một cuộc chiến về ý thức hệ.

Nguyễn Khanh: Và cuộc chiến này có thể tránh được không?

Giáo Sư Berman: Tôi nghĩ cuộc chiến có thể tránh được ở trong khoảng thời gian 1945-1946 cho đến khoảng thời gian 1955, 1956. Hiệp Ðịnh Geneve có điều khoản tổ chức bầu cử, và có thể tránh được chiến tranh nếu cuộc bầu cử được tổ chức. Ðồng ý là vì bầu cử không được tổ chức nên không ai biết được (nếu có bầu cử thì) chuyện gì xảy ra, nhưng không thể chối cãi được là từ năm 1956 thì chiến tranh bắt đầu bùng nổ lớn hơn.

Tôi cũng muốn thính giả của Ðài hiểu rõ một điều là đối với Hoa Kỳ, Việt Nam không hề là điều quan trọng. Việt Nam chỉ quan trọng vì ở thời chiến tranh lạnh Washington phải tìm cách ngăn chận Liên Sô, sợ nếu 1 nước bị cộng sản xâm chiếm thì nước khác cũng lâm nguy, theo lý thuyết Domino.

Thành ra đối với Bộ Ngoại Giao Mỹ, cuộc chiến Việt Nam là một cuộc nội chiến hay là một cuộc chiến ý thức hệ, hay chuyện tại sao người dân miền Nam hăng say chiến đấu hoàn toàn không có nghĩa gì cả. Lúc đó Washington chỉ nghĩ đến chuyện làm sao đừng để mất Việt Nam và đó là lý do tại sao Hoa Kỳ ồ ạt đưa quân vào miền Nam, thay vì đáng lý ra, Washington phải nghĩ đến chuyện điểm cuối cùng là phải có một chính sách đúng để đạt được các mục tiêu chính trị đã đề ra.

Nguyễn Khanh: Cuộc chiến đã kết thúc. Miền Nam và Hoa Kỳ thua trận, miền Bắc chiến thắng, đó là sự thật không thể chối cãi được. Ðến bây giờ vẫn có người nhìn vào quan hệ giữa Washington và Sài Gòn trước đây rồi bảo đừng tin vào Mỹ. Thưa ông, liệu có nên tin vào Mỹ không?

Giáo Sư Berman: Tôi tin rằng tất cả mọi người dân nên đặt câu hỏi, thắc mắc về những hoạt động mà Chính Phủ của mình làm, đòi hỏi Chính Phủ phải giải thích. Thử nhìn lại chuyện Việt Nam xem, ông thấy Tổng Thống Lyndon Johnson nói dối dân chúng Mỹ, khiến dân chúng Hoa Kỳ tưởng vụ tầu Mỹ bị tấn công ở Vịnh Bắc Bộ là chuyện có thật để Chính Quyền có lý do đưa quân sang Việt Nam. Bây giờ chuyện rõ rành rành, qua các tài liệu được giải mật.

Cuộc chiến Iraq cũng vậy, Tổng Thống Mỹ cũng đưa ra những điểm không đúng sự thật để giải thích lý do tại sao phải mở cuộc chiến. Ông Bush bảo là Iraq chế tạo võ khí có sức hủy diệt quy mô, nhưng điều đó đâu có đúng đâu. Các nhà lãnh đạo thường đưa ra những lý do rất chính đáng, nhưng nếu những lý do này được dựa trên sự dối trá thì sẽ trở thành vô nghĩa. Trở lại với cuộc chiến Việt Nam và câu hỏi mà ông đặt ra, tôi luôn luôn nghĩ chuyện Hoa Kỳ bỏ rơi Việt Nam hồi năm 1975 là điều xấu xa nhất của lịch sử nước Mỹ.

Nguyễn Khanh: Xin cám ơn Giáo Sư Berman.

Tiếng Việt

--------------------------------------------------------------------------------

© 2006 Radio Free Asia
dacung

User avatar
phu_de
Posts: 2917
Joined: Sun Nov 28, 2004 10:57 pm
Has thanked: 7 times

Post by phu_de »

Một số điểm chính trong tài liệu về cựu TT Nixon vừa được công bố
26/06/2009


Theo tin của tờ Los Angeles Times và New York Times số ra thứ ba ngày 23 tháng sáu, nhiều băng ghi âm và hàng chục ngàn trang tài liệu từ thời chính quyền của tổng thống Nixon đã được công bố. Một trong những điều quan trọng được tiết lộ qua những tài liệu này là những gì liên quan đến Hiệp định Paris nhắm kết thúc cuộc chiến tranh Việt Nam. Lan Phương sẽ đem đến quí thính giả những điểm chính của các tài liệu vừa được công bố, mời quí thính giả theo dõi trong Câu chuyện Nước Mỹ tuần này.

Image
Tổng thống Richard Nixon và Ngoại trưởng Kissinger, hình ngày 25/11/1972


Những cuốn băng được bí mật ghi âm tại phòng bầu dục Tòa Bạch Ốc trong tháng giêng và tháng hai năm 1973 cùng với hàng chục ngàn trang tài liệu đã đưa ra ánh sáng về nhiều giây phút căng thẳng trong lịch sử Hoa Kỳ. Đó là những tài liệu liên quan đến cuộc chiến tranh Việt Nam, quyết định của Tối Cao Pháp Viện liên quan đến quyền phá thai, vụ tai tiếng Watergate đưa đến việc Tổng thống Nixon phải từ chức để khỏi bị luận tội cũng như đến hành động của Israel có thể làm dấy lên cảm nghĩ bài Do Thái tại Hoa Kỳ.

Theo những gì mới được tiết lộ trong các băng ghi âm, trong lúc tổng thống Nixon cho thương thuyết để Hoa Kỳ chấm dứt can thiệp vào Việt Nam, ông đã gặp trở ngại do Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu không muốn ký bản hòa ước đề nghị, bởi lẽ ông lo sợ rằng bản hiệp định này sẽ chỉ đặt miền nam vào một vị thế đầy tổn thương, tạo điều kiện cho miền bắc dễ thôn tính.

Nhiều cuộc đàm thoại và điện đàm xoay quanh áp lực mà chính quyền của tổng thống Nixon áp đặt lên tổng thống Nguyễn Văn Thiệu để buộc ông phải chấp nhận bản hòa ước này, từ chuyện đe dọa cắt hết viện trợ, điều mà Việt Nam Cộng Hòa rất cần để chống lại với đội quân hùng hậu xâm nhập từ miền bắc, đến những lời lẽ mà ông Nixon nói với Bộ trưởng Ngoại giao Henry Kissinger rằng để buộc Tổng thống Thiệu ký vào bản hòa ước, ông ta sẽ 'chặt đầu ông Thiệu nếu cần'.

Những lời lẽ này khiến cho ông Ken Hughes, một học giả chuyên nghiên cứu về Nixon tại đại học Virginia, sửng sốt. Theo ông, cuộc đàm thoại giữa tổng thống Nixon và Ngoại trưởng Kissinger đã làm vững thêm quan điểm mà ông cho rằng ông Nixon, Tổng thống Thiệu và ông Kissinger vào lúc đó đều biết rõ rằng bản hòa ước sẽ không tồn tại lâu, và nó chẳng phải là một thứ 'hòa bình trong danh dự' như lời ông Nixon mô tả, như một cách để Hoa Kỳ giữ thể diện trong việc rút chân ra khỏi cuộc chiến.


Image
Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu và Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon, hình ngày 8/6/1969


Theo lời nhà nghiên cứu Hughes thì 'những lời lẽ này cho thấy ông Nixon sẵn sàng đi tới cùng trong việc buộc tổng thống Nam Việt Nam chấp nhận điều được gọi là dàn xếp hòa bình mà ông Nixon, ông Kissinger và Tổng thống Thiệu đều biết rõ sẽ đưa đến một chiến thắng quân sự cho phe cộng sản'.

Trong một cuộc điện đàm được ghi lại giữa ông Nixon và ông Colson, chỉ 11 tiếng đồng hồ trước khi ông Nixon tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ thứ nhì, người ta còn nghe được những lời lẽ đắc ý của ông Nixon cho rằng khi hiệp định Paris được công bố, việc ông hạ lệnh tiếp tục oanh tạc miền bắc trước đó sẽ được biện minh, và phe chống đối chiến tranh tại Quốc hội Hoa Kỳ sẽ bị một đòn nặng.

Tất nhiên, cái hậu quả của hiệp định đó như thế nào thì tháng tư năm 1975 mọi người đều đã rõ.

Bên cạnh những gì liên quan đến cuộc chiến tranh Việt Nam, những tài liệu vừa được công bố cũng nhắc đến quan điểm của tổng thống Nixon trước vụ chiếc máy bay dân sự của Libya bị Israel bắn rơi vào tháng hai năm 1973, khiến 113 người trên phi cơ tử nạn. Theo lời ông Nixon, tại Hoa Kỳ đã sẵn có những cảm nghĩ bài Do Thái, và hành động của Israel chỉ khơi dậy những cảm nghĩ như thế mà thôi.

Các băng ghi âm cũng tiết lộ quan điểm của Tổng thống Nixon về phán quyết của tối Cao Pháp viện Hoa Kỳ cho phép phụ nữ được quyền phá thai rộng rãi hơn sẽ đưa đến sự 'dễ dãi' và sẽ 'làm tan nát gia đình'. Nhưng ông cũng thấy việc phá thai đôi khi cũng cần thiết như trường hợp thai nhi là hậu quả giữa hai màu da 'đen và trắng', hay một vụ cưỡng hiếp.

Ngoài ra, còn có những đoạn băng ghi âm liên quan đến vụ tai tiếng Watergate khiến sau này tổng thống Nixon buộc phải từ chức để tránh khỏi bị luận tội. Phần lớn những tài liệu liên quan đến vụ này đã được cho công bố từ lâu, phần còn lại vì không nghe được rõ nên Sở Văn Khố Quốc Gia Hoa Kỳ đã giữ lại vì không chắc là nó có chứa đựng những đề tài mật hay không.

Nhờ kỹ thuật hiện đại, ban nhân viên sở Văn Khố Hoa Kỳ mới có thể nghe rõ hơn và cho công bố thêm. Trong số những điều được ghi lại có vụ hai giới chức hàng đầu của bộ tư pháp Hoa Kỳ bị buộc phải từ chức và vụ sa thải một công tố viên đặc biệt điều tra về vụ Watergate, và vụ bàn thảo giữa tổng thống Nixon với phụ tá Charles W.Colson về chuyện khả dĩ ân xá cho một trong những người âm mưu trong vụ Watergate.



Xem thêm từ trang đài VOA

Post Reply