QUÁN BIÊN THUỲ

User avatar
thuyduong
Posts: 447
Joined: Fri Dec 04, 2009 6:41 pm

Post by thuyduong »

TRƯỜNG SĨ QUAN HẢI QUÂN VÀ TÔI

TRẦN VĂN SƠN


Image
Trung tâm huấn luyện Sĩ Quan Hải quân ở Nha Trang thời VNCH
Nhà văn Điệp Mỹ Linh tái bản cuốn tài liệu “Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa Ra Khơi, 1975” và nhờ tôi hai việc: (1) đọc lại bản gốc và góp thêm ý kiến (2) viết về trường Sĩ quan Hải Quân thuộc Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân Nha Trang (TTHL/HQ/NT) qua kinh nghiệm cá nhân trong thời gian tôi phục vu tại đó.

Cảm phục bà Điệp Mỹ Linh có công ghi lại thành sách cuộc di tản của Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa (HQ/VNCH) vào những ngày cuối cùng của miền nam Việt Nam nên tôi nhận lời. Qua cuốn Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa Ra Khơi, 1975 nhà văn Điệp Mỹ Linh cũng viết một cách sơ lược về tổ chức Hải Quân và các đại đơn vị trong đó có TTHL/HQ/NT.

Bà Điệp Mỹ Linh cho biết 30 năm trước, Trung Tướng Vĩnh Lộc đã gợi ý và khuyến khích bà viết về cuộc di tản của Hải Quân Việt Nam. Bà đã tiếp xúc và đề nghị nhà văn Hải Quân Phan Lạc Tiếp và nhà thơ Hải Quân Hữu Phương viết thì phải lẽ hơn. Nhưng mới di tản còn lo việc ổn định gia đình không vị nào có thì giờ để viết.

Nguyên là vợ của Trung Tá Hồ Quang Minh, bà Điệp Mỹ Linh đã theo chồng qua nhiều đơn vị tác chiến trong thời gian cuộc chiến trên sông rạch tại miền Nam sôi động. Bà từng thấy rõ sự hy sinh của người lính và bà đã yêu thương người lính Cộng Hòa một cách đậm đà, trong đó có những người lính áo trắng.

TTHL/HQ/NT là một đại đơn vị nên trong cuốn Hải Sử Tuyển Tập do Ủy Ban Hải Sử thuộc Tổng Hội Hải Quân & Hàng Hải soạn và ấn hành năm 2004 đã có một chương đầy đủ về lịch sử của đơn vị. Trong cuốn Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa Ra Khơi, 1975 này cũng có một chương dành cho TTHL/HQ/NT nên tôi không đi vào những chi tiết có tính tài liệu. Những gì tôi viết ở đây là những cảm nhận cá nhân qua 13 năm phục vụ tại đó. Như là chút gia vị thêm vào một món ăn nhà văn Điệp Mỹ Linh đã nấu sẵn mà Hội Đồng Hải Sử đã dùng khá nhiều khi soạn thảo cuốn Hải Sử Tuyển Tập.

Sau đây là câu chuyện 13 năm phục vụ tại trường Sĩ quan Hải Quân quân lực Việt Nam Cộng Hòa trong 16 năm quân ngũ của tôi.

Tôi kể lại những gì tôi còn ghi trong ký ức để cùng nhau nhớ lại một thời đã qua. Cấp bậc của các sĩ quan tôi dùng là cấp bậc của thời điểm đó. Khi nhắc lại tôi dùng tên các sĩ quan để bớt chữ và gọn gàng. Xin bạn đọc đừng hiểu là thiếu kính trọng. Và tôi không dùng nhóm chữ “người viết bài này” để thay chữ tôi như một số tác giả hay dùng.

Tôi rất mong quý độc giả đọc những dòng này trong tinh thần khoan dung. Có thể nhiều điều tôi ghi lại không giống với nhận xét của các bậc đàn anh cũng như đối với các sĩ quan tôi đã góp phần đào tạo tại quân trường .

“Mười ba năm” liên tục tại một đơn vị trong 16 năm quân ngũ! Đến đơn vị năm 1958 với cấp bậc Thiếu úy, rời đơn vị khi giải ngũ năm 1971 với cấp bậc Trung Tá. Tôi không biết có vị sĩ quan nào trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa có một lý lịch phục vụ như vậy?

Đổ Tú Tài phần thứ nhất ở Huế năm 1954, tôi vào Sài Gòn vừa học cán sự Vô tuyến điện, vừa tự luyện thi Tú Tài phần hai. Xong phần hai giữa năm 1955, có thông cáo của Hải Quân Việt Nam tuyển mộ sinh viên theo học hai ngành sĩ quan tại trường Sĩ quan Hải Quân Pháp tại Brest: một ngành Pont (chữ Pháp có nghĩa là cái sàn tàu, chuyên về lái tàu) và một ngành Machine (chữ Pháp có nghĩa là máy móc, cơ khí, chuyên học về các loại máy tàu). Tôi ghi tên thi vào ngành cơ khí. Brest là thành phố biển ở cực tây tỉnh Finistere trông ra Đại Tây Dương.

Chương trình học gồm 3 năm: hai năm lý thuyết và một năm thực tập trên một chiến hạm đi vòng quanh thế giới để các sĩ quan Hải Quân tương lai có cơ hội làm quen với thế giới quanh mình.

Khóa tôi, Khóa 4/Brest, xong phần lý thuyết cuối năm 1957 mãn khóa với cấp Thiếu úy và văn bằng Kỹ Sư Cơ Khí Hải Quân do Bộ Hải Quân Pháp cấp. Lúc này quan hệ giữa Hải Quân Pháp và Hải Quân Việt Nam bắt đầu “cơm không lành canh không ngọt”, Hải Quân Pháp bỏ chương trình thực tập trả chúng tôi về nước. Chúng tôi gồm Hùng, Ninh, Đẩu ngành Pont, Ích và tôi ngành Cơ khí về nước trên chuyến bay DC 6 bốn cánh quạt bay từ Paris xuống Nice, qua Teheran, Bombay rồi Sài gòn.

Tôi được đổi xuống Hải Vận Hạm Hát Giang HQ 400. Sau đó tôi được thuyên chuyển qua Hộ Tống Hạm Đống Đa HQ 03 do Trung úy Phan Phi Long làm Hạm phó. Hạm trưởng, Thiếu Tá Lâm Ngươn Tánh lúc đó là Chỉ huy trưởng Hải Lực không thường trực chiến hạm. Khi đi công tác Trung úy Phan Phi Long chỉ huy chiến hạm. Thời gian phục vụ Hộ Tống Hạm Đống Đa có hai công tác đáng nhớ. Thứ nhất là mang lương thực chăn màn cho tù nhân tại Côn Đảo, thứ hai là tiếp tế cho một đơn vị quân lực Việt Nam Cộng Hòa đồn trú bảo vệ đài khí tượng Hoàng Sa.

Cuối năm 1957, HQ 03 được chuẩn bị đi Subic Bay, một căn cứ lớn của Hải Quân Hoa Kỳ tại Philippines sửa chữa đại kỳ. Bộ chỉ huy chiến hạm thay đổi gần hết. Đại úy Nguyễn Thanh Châu Hạm trưởng, Trung úy Nguyễn Phổ Hạm phó, Thiếu úy Trịnh Hòa Hiệp Sĩ quan đệ tam, tôi Cơ khí trưởng.

Gia nhập gia đình Hải Quân điều làm tôi ngạc nhiên là các danh từ Hải Quân Việt Nam dùng. Các sĩ quan nhận binh chủng Hải Quân từ người Pháp đa số học trường Pháp, không nhuần nhuyễn ngôn ngữ Việt nên khi cần danh từ Việt để thay thế danh từ Pháp trong Hải Quân quý vị sĩ quan này tự phát huy sáng kiến tạo ra một số danh từ không sát nghĩa. Ngành pont họ gọi là Ngành chỉ huy. Tướng một sao Hải Quân gọi là Phó Đề Đốc, tướng Hải Quân 2 sao gọi là Đề Đốc.

Trong Hải Quân Hoa Kỳ ngành Pont gọi là Line Officer, các sĩ quan chuyên môn khác gọi là Limited Duty Officers (sĩ quan các ngành chuyên nghiệp). Khi dịch chữ Pont của Pháp hay chữ Line Officers của Mỹ ra Sĩ quan Hải Quân Ngành Chỉ Huy các sĩ quan có nhiệm vụ xây dựng Hải Quân Việt Nam trong bước đầu trong những năm 1954, 1956 đã tạo ra một sự hiểu nhầm. Có nhiều sĩ quan ngành Pont của Hải Quân Việt Nam tưởng rằng ngành Pont mới biết chỉ huy. Cái bệnh này lây đến thượng tầng Bộ Tư Lệnh Hải Quân đến độ có lúc nhiều sĩ quan tại Bộ Tư Lệnh Hải Quân Việt Nam nghĩ rằng chỉ có các sĩ quan ngành Pont mới có quyền chỉ huy các đơn vị hải quân kể cả các đơn vị chuyên môn.

Tướng Hải Quân một hay hai sao gọi là Phó Đề Đốc và Đề Đốc lại càng khó nhịn cười hơn. Đô Đốc là tướng Hải Quân điều đó đã rõ trong binh sử Việt Nam. Nhưng Đề Đốc là một chức quan bộ binh. (Ông bác ruột của mẹ tôi là một Đề Đốc, một quan chức bộ binh của triều đình Huế. Thuở nhỏ chúng tôi vẫn gọi ông một cách cung kính là “Ôn Đề”). Không thông thạo ngôn ngữ Việt được dùng trong binh chủng xưa, các sĩ quan Hải Quân Việt Nam đầu đàn thấy chữ Đề Đốc giống với Đô Đốc nên lấy chữ Phó Đề Đốc và Đề Đốc làm cấp bậc cho các tướng Hải Quân một sao và hai sao. Có chữ để dùng còn hơn không có cho nên không ai quan tâm. Và lên Bộ Tổng Tham Mưu cũng cứ thế mà dùng!

Đầu năm 1958 khi HQ 03 sửa chữa đại kỳ xong chuẩn bị về nước, tôi nhận được công điện thuyên chuyển ra TTHL/HQ/NT.

Tôi đến TTHL/ HQ khoảng một năm sau khi Hải Quân Pháp giao TTHL/HQ/NT cho Hải Quân Việt Nam để rút về nước sau một thời gian gần 100 năm đô hộ Việt Nam, kết thúc bằng Hiệp Định Geneva năm 1954 sau một cuộc chiến dài 9 năm đẩm máu.

Tôi tưởng ra Nha Trang vài năm rồi đi đơn vị khác. Không ngờ tôi ở đó liền 13 năm, cho đến năm 1971 tôi đắc cử dân biểu quốc hội, đại diện Thị xã Nha Trang và giải ngủ với cấp bậc Trung Tá, tham gia việc huấn luyện 15 khóa Sĩ quan Hải Quân từ khóa 8 đến khóa 22, với tổng số 2.079 sĩ quan. Các khóa sĩ quan thay đổi sĩ số và thời gian huấn luyện tùy theo nhu cầu quốc phòng. Ít nhất là Khóa 9 gồm 38 sinh viên sĩ quan thời gian huấn luyện 2 năm. Nhiều nhất là Khóa 19 gồm 272 sinh viên và thời gian huấn luyện 12 tháng.

Thiếu Tá Đặng Cao Thăng, Chỉ huy trưởng bổ nhiệm tôi vào khối giảng viên của trường Sĩ quan Hải Quân. Lúc đó khóa 8 đang thụ huấn. Từ khóa 1 đến khóa 7 Sinh viên Sĩ quan học bằng chữ Pháp, giảng viên là Sĩ quan Hải Quân Pháp. Kể từ khóa 8 tất cả giảng viên đều là sĩ quan Hải Quân Việt Nam và Bộ Tư Lệnh Hải Quân (BTL/HQ) quyết định dùng tiếng Việt làm chuyển ngữ theo lệnh tổng thống Ngô Đình Diệm.

Hải Quân là một binh chủng chuyên môn nên khối giáng viên chúng tôi hết sức chật vật khi tìm danh từ để dịch tài liệu giáo khoa của Hải Quân Pháp. Trung úy Đặng Đình Hiệp là người đã đóng góp nhiều công sức trong việc phiên dịch này. Chúng tôi đã nhờ rất nhiều vào cuốn “Danh Từ Khoa Học” của ông Hoàng Xuân Hãn. Trung úy Lê Phụng từng nói đùa “không có cuốn danh từ khoa học này thì tụi mình cùi”. Và cùi thật vì chẳng lẽ thiếu danh từ cứ chêm bằng tiếng Pháp. Tuy nhiên cuốn Danh Từ Khoa Học không đủ các danh từ chuyên nghiệp nên chúng tôi phải tạo thêm ra, vừa sọan bài vừa đánh đu với chữ nghĩa.

Việc thi tuyển Sinh viên Sĩ quan khóa 8 đã tạo một sự hấp dẫn hiếm có cho binh chủng Hải Quân. Các sĩ quan Hải Quân trong ban giám khảo như Đại úy Đặng Cao Thăng, Đại úy Nguyễn Xuân Sơn, Trung úy Đặng Đình Hiệp, Lê Triệu Đẩu, Nguyễn Tiến Ích, Lê Phụng với bộ quân phục trắng lạ mắt, đặc biệt Trung úy Lê Phụng có dáng dấp một giáo sư đại học, nghiêm chỉnh mà không tỏ ra nghiêm khắc đã là những thỏi nam châm thu hút sinh viên thanh niên đất Thần kinh yêu mộng hải hồ, và các nữ sinh Huế biết yêu màu áo trắng.

Thời gian ông Phụng làm Hiệu trưởng trường Sĩ quan Hải Quân ông đã khuyến khích truyền thống “đàn anh dạy dỗ đàn em” (tiếng Pháp: brimade) của trường Sĩ quan Hải Quân Brest. Đây là một truyền thống có mục đích lột cái vỏ dân sự và sự tự ái của các tân Sinh viên. Nhập trường, các tân Sinh viên phải hoàn toàn tuân phục khóa đàn anh, bắt chạy, bắt quỳ, bắt nói những câu nói vô nghĩa. Nhưng nếu chỉ có thế thì không sao. Có khóa đàn anh lạm dụng quyền bắt đàn em làm những việc có hại cho sức khỏe như bắt đồ ăn hư thối, nằm trong thùng rỗng hai đầu rồi đá lăn tròn, hay bắt đàn em mang bao lô nặng quá tải chạy ngoài sức chịu đựng, quấy phá không cho ngủ trong nhiều đêm liên tiếp… Dưới triều Trung úy Phụng ông thường làm ngơ trước các lạm dụng.

Sau khi ông Phụng rời quân trường cuối năm 1966, “brimade” đã thành truyền thống của trường Sĩ Quan Hải Quân. Sự lạm dụng vẫn tiếp tục và đã làm thiệt mạng một Sinh viên Sĩ quan (Vũ Thế Tiệp, Khóa 17).

Sau tai nạn này BTL/HQ chỉ thị quân trường kiểm soát chặt chẽ trò chơi có tính huấn luyện này để không bị lạm dụng.

Tháng 8/1965 Việt cộng từ Đồng Bò sau lưng trường pháo kích vào khu Sinh viên Sĩ quan làm thiệt mạng 3 Sinh viên khóa 14.

Ngoài ông Phụng, Đại úy Đỗ Kiểm cũng ảnh hưởng nhiều đến các sĩ quan tại quân trường. Châm ngôn của ông Kiểm là “an officer and a gentleman”, nghĩa là một sĩ quan Hải Quân còn là một người tao nhã thuộc tầng lớp thượng lưu. Châm ngôn này ảnh hưởng tốt đến các sĩ quan tương lai. Đóng vai một “gentleman” dù có khi gượng gạo cũng tốt hơn là một kẻ chân trần. Châm ngôn của ông Kiểm đã giúp cho nhiều sĩ quan Hải Quân tòng học tại trường Sĩ quan Hải Quân Nha Trang chinh phục được nhiều thiếu nữ đẹp, có tài thuộc các gia đình phong lưu tại Nha Trang. Gia đình nào lại không thích một chàng rễ “gentleman” nhất là các gentlemen làm trắng xóa thành phố Nha Trang trong những ngày cuối tuần.

Nguyên tắc thuyên chuyển sĩ quan của BTL/HQ là sau một thời gian phục vụ tại Sài gòn các sĩ quan phải ra phục vụ các đơn vị xa Sài gòn và nhiều sĩ quan các Khóa Nha Trang, cũng như các Khóa Brest đã ra phục vụ tại TTHL/HQ/NT. Nhờ đó tôi có dịp làm việc chung với hầu hết sĩ quan của Hải Quân.

Tôi nhận thấy mỗi vị có một cung cách, một tác phong, có tình đồng đội và tương kính lẫn nhau. Có người sau này trở thành tướng lãnh như các Phó Đề Đốc Đinh Mạnh Hùng, Đặng Cao Thăng,Vũ Đình Đào, Hoàng Cơ Minh, Nguyễn Hữu Chí. Ông Chí là một nhà thơ, thi sĩ Hữu Phương, rất hiền lành.

Các vị Chỉ huy Trưởng mỗi người một tư cách lãnh đạo,và sau thời gian ở dưới quyền chỉ huy của các ông tôi đều mến phục và quý trọng các ông.

Thiếu Tá Đặng Cao Thăng bình dân theo lối một “gentleman” sĩ quan ai cũng nể. Đại Tá Đinh Mạnh Hùng hòa nhã, ít nói, thân thiện một cách kín đáo. Gần ông sĩ quan cảm thấy dễ chịu.

Đại Tá Khương Hữu Bá xuề xòa, nhưng khi cần nghiêm khắc ông cũng nghiêm khắc. Kỳ thi ra trường Khóa 19 tháng 2/1970, tỉ số hỏng khá cao, ông cho mời tôi – lúc đó giữ nhiệm vụ Văn Hóa Vụ trưởng phụ trách việc huấn luyện – vào trình diện phạt tôi 15 ngày trọng cấm vì “không làm tròn nhiệm vụ để sinh viên hỏng quá nhiều”. Mới nghe tôi tưởng ông nói chơi, nhưng nhận ra ngay không phải chuyện đùa. Chưa bao giờ bị phạt tôi tự hỏi không biết ông sẽ giam tôi ở đâu, trong quân trường hay gởi ra quân lao Nha Trang … Tôi không biết rằng sĩ quan bị phát trọng cấm không bị giam mà chỉ ghi vào quân bạ. Hồ sơ này ảnh hưởng đến việc thăng thưởng và việc chọn đi du học.

Điều lạ là tôi bị phạt, nhưng không mất chức Văn Hóa Vụ trưởng và cũng không thấy phòng nhân viên BTL/HQ ghi vào quân bạ. Không biết ông Bá dọa tôi, hay khi trình về Sài gòn BTL/HQ thấy vô lý nên không phê chuẩn hình phạt.

Sau này, sau ngày 30/4/1975 , có một lần tôi lên Chicago, nơi gia đình ông Bá định cư, định đến thăm chỉ huy trưởng cũ và nhân thể hỏi để biết sự thật thì ông bà Bá tránh lạnh đã dời về Houston.

Thiếu Tá Nguyễn Đức Vân là vị chỉ huy trưởng đáng nhớ nhất. Ngoài sự tận tụy với TTHL/HQ ông có một thú vui là ham mê phong thủy. Ông tin tử vi, ngày giờ tốt xấu, thích nghiên cứu thế đất. Trong văn phòng làm việc rộng thênh thang ông gắn mốt tấm bản đồ nổi vùng tỉnh Khánh Hòa và các hải đảo chung quanh, Hòn Tre, Hòn Tằm, đảo Vĩnh Nguyên … . Ông thường đứng trước tấm bản đồ nổi ngắm nghía như đang tìm tòi chiêm nghiệm một cái gì.

Thiếu tá Vương Hữu Thiều làm Chỉ huy Trưởng trong thời gian chính quyền tổng thống Ngô Đình Điệm đang thịnh. Trong đơn vị chỉ có Tuyên úy Công giáo, chưa có tuyên úy các tôn giáo khác. Nhưng đến ngày Phật Đản các quân nhân theo đạo Phật (do tôi đại diện) vẫn trang trí đơn vị với nhiều giây đèn điện kéo từ đỉnh cột cờ xuống. Cột cờ của TTHL/HQ/NT rất cao nên đèn giăng sáng rực một vùng trông rất đẹp mắt. Nó là một thông lệ tại TTHL/HQ/NT trong ba ngày lễ lớn trong năm là Tết Nguyên Đán, ngày Phật Đản và ngày Chúa Giáng Sinh không ai thắc mắc cả.

Vào đầu thập niên 1960 quan hệ giữa ông Diệm và Phật Giáo căng thẳng. Và việc treo cờ hay kéo đèn tại các đơn vị quân đội trong ngày Phật Đản trở thành “taboo”. Tại TTHL/HQ/NT vào ngày Phật Đản năm 1962 tôi vẫn yêu cầu ban điện kéo bốn giây đèn rực rỡ trước sân cờ. Ông Thiều không an tâm, nhưng thay vì ra lệnh cho tôi tắt đèn, ông tự tay tắt dao điện.

Cách hành xử “gặp thời thế, thế thời phải thế” của Thiếu Tá Thiều thật là tế nhị. Tôi buồn ông nhưng tôi cũng thầm cám ơn ông đã không dùng quyền chỉ huy trưởng ra lệnh cho tôi.

Hồi Thiếu Tá Bùi Hữu Thư làm Chỉ huy Trưởng, tại quân trấn Nha Trang có dịch chia đất quân sự cho các sĩ quan, dẫn đầu là Không quân. Thấy Không quân chia khu đất sát bờ biển hai bên con đường dẫn vào phi trường dân sự và xây các biệt thự nguy nga, ông Thư quyết định chia khu đất nằm trước cư xá Hạ sĩ quan cạnh căn cứ Hải Quân Nha Trang cho sĩ quan quân trường. Chia xong, các sĩ quan đang vay tiền cất nhà thì BTL/HQ không chấp thuận chia đất. Một phen mừng hụt.

Ông Thư là người có ý thực hiện một một số cải tổ tại TTHL/HQ/NT, đặc biệt là cải thiện có kết quả chế độ ẫm thực cho Sinh viên Sĩ quan. Rất tiếc ông không kịp thực hiện các cải tổ khác. Ông chỉ làm Chỉ huy trưởng TTHL/HQ/NT trong 5 tháng (2/1966- 7/1966).

Ông Thư và tôi còn có chút duyên nợ khác. Lúc ông làm Tham Mưu Phó Quân Huấn BTL/HQ là lúc tăng gia quân số Hải Quân theo chương trình Việt Nam hóa. Ngoài việc tăng số Sinh viên Sĩ quan các khóa, TTHL/HQ/NT còn đảm nhận dạy căn bản điện và Anh ngữ cho các khóa sinh ngành điện tử và Radar (do Phòng Quân Huấn BTL/HQ tuyển mộ gởi ra) trước khi gởi họ sang học trường điện tử của Hải Quân Hoa Kỳ tại Treasure Island ở California. Các thượng sĩ phụ trách huấn luyện cho tôi biết các khóa này hầu hết người Việt gốc Hoa và đa số không nói được tiếng Việt nên việc huấn luyên rất khó khăn. Tôi điện thoại ông Thư than phiền và yêu cầu đổi thành phần khóa sinh để tiện cho việc huấn luyện. Ông Thư cho biết việc này “đụng chạm” lắm và khuyên tôi không nên xen vào.

Đại úy Dư Trí Hùng, dáng đi nghiêm trang và rất nghiêm chỉnh trong công vụ. Nhưng ngoài giờ làm việc ông là một Chỉ huy Trưởng dễ vui đùa với sĩ quan cấp dưới. Ông là sĩ quan xuất sắt nhất trong 4 khóa Sĩ Quan Hải Quân Brest, nhưng không được may mắn trong thời gian phục vụ HQ/VN.

Ở quân trường lâu năm tiếp xúc với mọi tầng lớp sinh viên đủ mọi thành phần trong xã hội từ nhiều địa phương khác nhau tôi thấy Sinh viên Sĩ quan Hải Quân thật đa dạng đa tài. Cả một xã hội nhỏ với mọi tài năng. Sinh viên sĩ quan Phạm Bách Phi Khóa 16 là một họa sĩ từng vẽ bức tranh “Hội Nghị Diên Hồng ” được điêu khắc gia Nguyễn Sao thực hiện phù điêu (bas relief) gắn nơi khung cửa Thư viện. Sau này trong Hải Quân xuất hiện những nhà thể thao nổi danh toàn quốc trong lĩnh vực bóng bàn, săn bắn dưới biển, các thi sĩ, nhạc sĩ, văn sĩ như :

Nguyễn MinhThơ, Tôn Thất Phú Sĩ, Nguyễn Thìn (nhạc sĩ Trường Sa), Võ Bảy (nhà văn Võ Thất), Phan Lạc Tiếp, Trần Văn Tâm (nhà văn Trần Quán Niệm) …

Các khóa đầu tiên trên dưới 50 Sinh viên tôi nhớ hầu hết tác phong tính tình cũng như khả năng học tập của mỗi Sinh viên. Sau này do nhu cầu Việt Nam hóa chiến tranh, Hải Quân cần tăng quân số từ 11.000 lên 42.000 trong vòng 3 năm, số Sinh viên mỗi khóa có khi lên đến gần 300, tôi không thể nhớ mặt nhớ tên tất cả, ngoại trừ ba thành phần: học thật giỏi, thật kém và nhảy rào. Có một thành phần đặc biệt là lén chép bài khi làm bài thi. Thành phần này không phải đều học kém. Có những Sinh viên rất giỏi, nhưng muốn đổ cao đã không ngần ngại dùng tài liệu khi làm bài hay vào thi vấn đáp.

Tại quân trường tôi còn gặp lại vài bạn cùng lớp trung học tại trường Quốc học Huế hồi 1948-1955. Bạn Tôn Thất Sanh, bạn Tôn Thất Kỳ khóa 8, bạn Nguyễn Đình Điều khóa 9. Chúng tôi cùng tốt nghiệp trung học một năm. Bạn Điều vào đại học Sài gòn học Toán; bạn Kỳ vào Không quân học bay. Sau ba bốn năm lận đận các bạn Sanh, Kỳ, Điều thi vào trường Sĩ quan Hải Quân. Trong thời gian đó tôi vào trường Sĩ quan Hải Quân Pháp rồi trở về quân trường tham gia ban giảng huấn. Trong quân trường quan hệ có tế nhị, nhưng tình bạn trung học chúng tôi không hề thay đổi, lúc đó cũng như cho đến hôm nay.

Một số sĩ quan Hải Quân ra trường sau khi lăn lộn trên các đơn vị và chiến trường miền Nam và du học bổ túc tại Hoa Kỳ trở lại tham gia ban giảng huấn quân trường trong đó có bạn Điều. Và chúng tôi lại có dịp làm việc bên nhau.

Nhưng sự đời không phải lúc nào cũng chỉ có mầu hồng. Khoảng năm 1968, BTL/HQ Hải Quân bổ nhiệm một sĩ quan khóa 8 làm Chỉ huy phó TTHL/HQ/NT. Ông không thâm niên tuổi lính hơn tôi, nhưng do công trạng chiến trường thăng cấp sớm ông thâm niên cấp bậc hơn tôi. Biến cố Mậu Thân tàn phá Huế, gia đình ông anh tôi vào Nha Trang tạm trú. Tôi cho làm thêm một căn gác tại khu cư xá Hải Quân trên đường Lê Văn Duyệt để gia đình anh tôi có chỗ tá túc. Vì bận rộn tôi không báo cáo xin phép ông Chỉ huy trưởng kịp lúc. Ông trưởng chưa kịp trách tôi thì ông phó đã mời tôi vào phòng “Chỉ huy phó” trách cứ tôi với lời lẽ không được nhã nhặn lắm. Lỗi mình thì đành vậy. Nhưng mỗi lần nghĩ đến phong cách giáo dục của xã hội Á Đông tôi nghĩ phải chi ông Phó báo cáo với ông trưởng để ông trưởng “la” tôi thì đẹp biết mấy!

Tại quân trường có nhiều Sinh viên Sĩ quan thuộc gia đình có thế lực trong chính quyền, trong quân đội hay trong Hải Quân, nhưng trường Sĩ quan Hải Quân không bị mang tiếng dung dưỡng. Các Sinh viên này, trong đó có một người cháu gọi tổng thống Nguyễn Văn Thiệu bằng chú ruột, đều biết giữ gìn kỷ luật và học hành nghiêm túc.

Có không khí lành mạnh này nhờ ông Lê Phụng. Làm Hiệu trưởng trường Sĩ quan Hải Quân ông Phụng thường tuyên bố: “Ở đây không có ‘con ông cháu cha’. Anh nào có gốc mạnh mà vô kỷ luật hay không chịu học tôi sẽ tống ra khỏi trường làm thủy thủ”. Ở một quân trường khác tuyên bố kiểu “động chạm” như vậy có thể sẽ được thuyên chuyển qua đơn vị khác. Nhưng ông Phụng người nhỏ thó thư sinh, độc thân, và khí thế giang hồ từ miền biển Đại Tây Dương chưa nhụt ông không ngại phục vụ tại bất cứ nơi nào trên đất nước. Hơn nữa trường Sĩ quan Hải Quân đang cần ông. Ông Phụng ở đó cho đến lúc trường Võ Bị Đà Lạt theo chương trình 4 năm của trường Sĩ quan bộ binh West Point của Hoa Kỳ và -3 năm đầu - đào tạo căn bản văn hoá trình độ Cử nhân Khoa học cho sĩ quan cả ba binh chủng Hải, Lục, Không quân, Bộ Tổng Tham Mưu mới chuyển ông lên trường Võ Bị Đà Lạt. Lúc này các ông Đặng Đình Hiệp, Nguyễn Tiến Ích đều được rút lên Đà Lạt tham gia ban giảng huấn trên đó. Tôi vẫn chôn chân tại trường Sĩ quan Hải Quân và thừa hưởng cái gia tài tốt của ông Lê Phụng để lại.

Thời gian Hải Quân tăng quân số ban Quân huấn lo việc huấn luyện Sĩ quan Hải Quân được tổ chức thành hai bộ phận: Quân Sự Vụ lo về kỹ luật, đời sống, lãnh đạo, tác phong … Văn Hóa Vụ lo về đào tạo văn hóa và hành trang nghề nghiệp. Tôi giữ chức vụ Văn Hóa Vụ trưởng trong một thời gian dài cho đến năm 1971 khi giải ngũ.

Từ năm 1967, tại TTHL/HQ/NT có ban cố vấn. Các sĩ quan trong ban cố vấn đều xuất thân từ trường sĩ quan Hải Quân Hoa Kỳ ở Annapolis. Tôi không thấy họ đề nghị một chương trình gì đặc biệt. Chương trình hai năm, 18 tháng và sau này do nhu cầu giảm xuống 12 tháng đều do Văn Hoá Vụ chúng tôi soạn thảo. Hằng tuần ông sĩ quan phụ trách cố vấn trường Sĩ Quan Hải Quân đến văn phòng Văn Hóa Vụ nhận chương trình các giờ dạy Anh Ngữ. Chương trình thay đổi hằng tuần. Chưa bao giờ có sự đụng chạm giữa chúng tôi và cố vấn Hoa Kỳ . Công việc chính của ban cố vấn là liên lạc sắp xếp chương trình thực tập cho các tân sĩ quan Hải Quân khi ra trường.

Có nhiều việc tại quân trường khó quên. Mỗi khóa học Sinh viên Sĩ quan có 3 giai đoạn và có 3 kỳ thi. Mỗi kỳ thi BTL/HQ Hải Quân chỉ định một Ban giám khảo. Thời kỳ chuẩn bị 4 tháng, học về văn hóa gồm chính yếu gồm các môn Toán , Điện Lý thuyết, Thiên Văn Học, Cơ bản quân sự. Chương trình Toán là một phần của chương trình Toán học Đại cương. Thi đậu chính thức trở thành Sinh viên Sĩ quan Hải Quân năm thứ nhất cầu vai mang chữ alpha, hưởng lương Trung sĩ. Thi đổ năm thứ nhất được gắn lon chuẩn úy để tiếp tục học năm cuối cùng. Thi mãn khóa đậu ra Thiếu úy Hải Quân. Hai năm sau tự động thăng Trung úy.

Kỳ thi lên alpha của Khóa 13 Trung Tá Trần Văn Phấn làm chánh chủ khảo. Đề thi do tôi soạn và quay roneo sẵn để phát cho Sinh viên (hồi đó computers và printers chưa thông dụng). Hôm thi toán Trung Tá Phấn và các sĩ quan giám thị và tôi đều có mặt trong phòng thi. Trong khi các Sinh viên đang cắm cúi làm bài, một Sinh viên đứng lên trình với ông chánh chủ khảo: “Thưa Trung Tá đề thi bị lộ”. Ông Phấn hỏi sao anh biết. Sinh viên thưa, đêm hôm qua tôi thấy nhiều Sinh viên xúm nhau lại tìm cách giải đúng các bài toán này. Ông Phấn ra lệnh thu đề thi, và chỉ thị tôi ra đề Toán khác. Tôi trở về văn phòng soạn đề mới trình ông. Ông cho viết đề thi mới lên bảng đen, phát lại giấy thi và cuộc thi tiếp tục. Sau đó ông Đỗ Kiểm, Giám đốc Quân Huấn, phụ trách điều tra và tìm ra thủ phạm lộ đề là ông Thượng sĩ quay (roneo) đề thi. Tôi không nhớ ông thượng sĩ bị phạt như thế nào.

Từ năm 1957 khi người Pháp giao lại TTHL/HQ/NT cho Hải Quân Việt Nam đến năm 1975, có tất cả 10 vị Chỉ huy trưởng. Tôi làm việc với 8 vị, ngoại trừ Thiếu Tá Chung Tấn Cang, Chỉ huy trưỏng đầu tiên và Đại Tá Nguyễn Thanh Châu, Chỉ huy trưởng sau cùng.

Không được làm việc với ông Cang nhưng tôi có dịp tiếp cận ông qua những lần ông làm Tư lệnh Hải Quân ra thanh tra thường niên. Ông là người Tư lệnh duy nhất khi thanh tra đặt những câu hỏi có ý nghĩa và đi vào trọng tâm công tác của đơn vị.

Trong thời gian ở Quốc Hội, là ủy viên trong Ủy Ban Quốc Phòng có một lần tôi tháp tùng tướng Trần Văn Đôn, dân biểu Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Hạ Nghị viện đến thăm Quân Trấn Sài gòn – Gia định do Đô đốc Cang làm Tổng Trấn để nghe thuyết trình về việc bố phòng bảo vệ thủ đô. Đích thân ông Cang thuyết trình và trả lời các câu hỏi. Ông đi vào vấn đề một cách cụ thể không hoa hòe hoa sói, không tô điểm như các cuộc thuyết trình khác. Sau cuộc thăm viếng ông Đôn nhận xét – và các ủy viên trong Ủy ban Quốc phòng đều đồng ý – người dân thủ đô có thể yên tâm với một vị Tổng Trấn như vậy.

Trung Tá Lâm Ngươn Tánh khi làm Tư Lệnh Hải Quân khác một chút. Ông nghiêm trang và quan trọng hóa những việc nhỏ nhặt làm cho không khí thanh tra rất căng thẳng. Thí dụ, ông vào các phòng nhỏ trong các phòng lớn để xem có đánh số phòng ốc đúng tiêu chuẩn của Hoa Kỳ không và dùng ngón tay quẹt trên khung cửa sổ để xem còn bụi không.

Thấm thoắt 13 năm qua mau. Năm 1971 tôi ứng cử Dân biểu thị xã Nha Trang và đắc cử. Theo luật tôi giải ngũ. Trong thời gian làm thủ tục giải ngũ, tiến trình thăng thưởng của quân đội vẫn tiến hành, và tôi nhận được Quyết định thăng cấp Trung Tá do Thứ trưởng bộ Quốc Phòng Châu Kim Nhân ký trước ngày có Quyết định giải ngũ. Tôi chưa có vinh dự mang lon Trung Tá Hải Quân trên vai dù chỉ một ngày.

Nhìn lại sự vắn số của Việt Nam Cộng Hòa và Hải Quân Việt Nam tôi thấy sinh ra trong thời chiến, thanh niên bên giới tuyến nào cũng phải nhập ngũ, tôi thật sự có may mắn phục vụ Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa mà phần lớn thời gian (13/16 năm) phục vụ tại TTHL/HQ/NT. Tại đó tôi đã gặp được những người Thầy tốt, Bạn tốt và những người Học Trò tuyệt vời hậu sinh khả úy.

Tôi nghiệm ra hai điều. Tinh thần binh chủng, tinh thần đồng đội, tinh thần đồng khóa, tinh thần đồng giáo, ngay cả tinh thần đồng đảng (khác với tinh thần đảng phái) là yếu tố và chất keo cần thiết nối kết con người với nhau. Nhờ tinh thần đó con người có thể cùng nhau làm việc, yêu thương nâng đỡ nhau suốt cả cuộc đời, ngay cả hy sinh cho nhau. Tinh thần đó tạo ra sức mạnh của từng tập thể. Và nếu sức mạnh của từng tập thể đó không dùng để đánh nhau, giết nhau tranh giành lợi lộc cho phe nhóm mình mà hợp quần lại với nhau trong một tập thể lớn hơn là quốc gia dân tộc thì quốc gia sẽ là một tảng xi măng cốt sắt không có sức mạnh nào phá vỡ được. Trong điều kiện đó chúng ta sợ gì xâm lăng bất cứ từ phương nào tới và lo gì đất nước Việt Nam không mở mày mở mặt với bốn biển năm châu.

Điều thứ hai, trong một lĩnh vực nhỏ hơn, là Hải Quân đối với tương lai của đất nước Việt Nam. Trường Sĩ quan Hải Quân trông ra Thái Bình Dương không khỏi nhắc nhỡ người sĩ quan Hải Quân thấy sự quan trọng của Hải lực và cũng không khỏi giật mình khi nhớ rằng một dân tộc sống gần biển như Việt Nam, có một bờ biển dài hằng mấy ngàn cây số mà không có một lịch sử mạo hiểm trên biển cả.

Cần khuyến khích tinh thần mạo hiểm và yêu biển nơi giới trẻ Việt Nam và đầu tư những gì cần thiết để xây dựng một hải lực hùng mạnh. Là nước nhỏ chúng ta không có khả năng tranh giành sự kiểm soát Thái Bình Dương với Hoa Kỳ và Trung quốc. Nhưng chúng ta phải phóng tầm sức mạnh hải lực ra vùng Biển Đông để trước mắt là bảo vệ bờ cõi trong đó có việc thu hồi quần đảo Hoàng Sa, bảo vệ Trường Sa và kho dầu thiên nhiên dưới đáy biển nằm trong thềm lục địa nối dài hợp pháp của chúng ta.

Đối với Việt Nam, Bộ Binh bảo vệ Đất, Không Quân bảo vệ vùng Trời, nhưng Hải Lực là yếu tố then chốt của an ninh quốc gia và nước mạnh dân gìàu.


TRẦN VĂN SƠN

Feb. 27, 2011

TuanAnh
Posts: 329
Joined: Sat Jan 30, 2010 3:44 am

Post by TuanAnh »

Chuyện Một Thời Khói Lửa Chiến Chinh!

Image
Di ảnh Cố Đại Úy Nguyễn Văn Đương
Trung Tá Bùi Đức Lạc Kể Về Cái Chết Của “Người Anh Hùng Mũ Đỏ Tên Đương”

Trung Tá Bùi Đức Lạc kể: “Lúc Nguyễn Văn Đương chết, tôi đang bay trên trời ngay trên đầu Nguyễn Văn Đương, nên tôi biết rất rõ, tại sao Nguyễn Văn Đương chết và chết như thế nào! Nguyễn Văn Đương là Pháo Đội Trưởng Pháo đội B3 Nhẩy Dù.

Trong căn cứ của anh, hiện có một pháo thủ là anh Đào Văn Thương, có thể đang có mặt tại đây, sau này là Mục Sư Đào Văn Thương. Những người trong căn cứ 31 hiện giờ không còn ai ở đây, nhưng các pháo thủ có mặt trong trận Hạ Lào, thì có Thiếu Tá Đào Kim Trọng (Pháo Đội Trưởng Pháo Đội A.3 Dù), Thiếu Tá Lý Kim Điền (Pháo Đội Trưởng Pháo Đội C1 Dù), Nguyễn Kim Việt (Pháo Đội Phó Nhảy Dù) và Pháo Đội Trưởng Pháo Đội C3 là Đại Úy Bành Kim Trí. Tiểu Đoàn 3 Pháo Binh có một Pháo Đội 155 ly của Đại Úy Trương Như Hy, đóng tại căn cứ 30.

Ngày mà chúng tôi nhận được tin Trung Tướng Đỗ Cao Trí chết tức là ngày 21-2, ngày mà căn cứ chúng tôi bị pháo khoảng 2.000 trái đạn. Đạn dược trong trận Hạ Lào, tụi Việt cộng rất là dư thừa, nhưng mình rất là khan hiếm nó ngược lại như vậy, và các súng tối tân của nó cũng trên mình hết, tức là các súng 130 ly và hỏa tiễn.

Ở miền Nam chúng ta chỉ bị pháo hỏa tiễn 122 ly, cùng lắm là 2 nòng mà thôi. Nhưng sang Hạ Lào, chúng dùng 6 nòng, bắn một lúc 6 trái và nó bắn không bao giờ dưới 6 tràng, tức là không bao giờ dưới 60 trái; đạn dược của nó dư dả như vậy, nên căn cứ 31 của chúng tôi bị pháo khoảng 2.000 trái đủ các loại đạn. Nhưng thật sự, chúng ta ở trong Pháo Binh biết, nếu mà 2.000 trái mà trúng căn cứ, thì chắc chúng tôi thành bụi hết rồi.

Nó pháo 2.000 trái chỉ trúng căn cứ tối đa là 10 trái; cũng may như thế mà giờ đây tôi có dịp trình bày với quý vị. Không có ngày nào nó pháo dưới 1.000 trái, nhưng đa số ra ngoài căn cứ hết. Hôm 21, khi nó tấn công căn cứ 31, thì chúng tôi bị pháo như thế và căn cứ 30 cũng bị pháo tương tự. Ngày 24, là ngày căn cứ 31 bị thất thủ, tôi và Đại Tá Lưỡng, không biết ai xin, nhưng khi máy bay trực thăng đáp xuống thì hai chúng tôi phải lên máy bay đi.

Chúng tôi đang bay quan sát cho Tiểu Đoàn 8 Nhảy Dù, lúc đó Tiểu Đoàn 8 và một Thiết Đoàn đang đụng độ với sư đoàn 320 Việt cộng. Ở bên các cánh quân khác như Lữ Đoàn 3, chỉ bị một sư đoàn tấn công, còn riêng Lữ Đoàn 1, ba Tiểu Đoàn Dù bị ba sư đoàn tấn công ngày đêm, không có lúc nào mà không có đơn xin tác xạ trên hệ thống tác xạ hết, thành ra trong trận Hạ Lào, anh em chúng tôi không bao giờ có một giấc ngủ trọn vẹn 10 phút, kể cả ngày lẫn đêm. Chúng tôi đang bay quan sát trên không phận của Tiểu Đoàn 8, thì căn cứ 31 bị tấn công rất mạnh, tấn công giữa ban ngày.

Tất cả những trận đánh tại căn cứ 31 đều diễn ra ban ngày hết. Ban đêm chỉ là đặc công đánh nhỏ mà thôi. Khi nó tấn công thì từ chỗ tôi đang bay, nhìn qua căn cứ 31, chỗ Đương đang đụng trận, thì thấy những chiến xa của Việt cộng lờ mờ không thấy rõ, tôi ước lượng khoảng 10 chiến xa. Lúc đó Nguyễn Văn Đương gọi cho tôi nói ‘Nó đông lắm anh ơi!’. Tôi hỏi: ‘Tình trạng bây giờ như thế nào?’.

Đương cho biết: ‘Lủng tuyến rồi anh ơi!’. Tôi nhìn đồng hồ khoảng 2 giờ 50 chiều. Vào khoảng 3 giờ thiếu 10, Nguyễn Văn Đương gọi nói: ‘Em chỉ còn hai cây súng bắn được thôi’, và sau đó Đương nói, ‘Em chỉ còn một cây súng bắn được thôi. Tức là 5 cây hư, chỉ còn độc nhất một cây’. Khoảng 4 giờ, Đương cho tôi biết là, ‘Chiến xa địch đang nằm trên đầu em’.

Lúc đó Đương đang ở dưới hầm và qua máy liên hợp, tôi nghe Đương nói với một nhân viên của anh: ‘Băng cho tao, máu ra nhiều quá rồi’. Lúc bấy giờ tôi mới biết tay phải của Nguyễn Văn Đương đã bị rớt rồi và chân Đương cũng bị trúng đạn, nhưng Đương vẫn bình tĩnh nói với tôi: ‘Em lên đạn bằng cái kiểu ngày xưa đó, tức là súng Col của Đương, Đương phải dùng tay phải tỳ vô cái dây nịt bụng mà lên đạn, không thể lên đạn bằng hai tay được nữa.

Khoảng 4 giờ hay 4 giờ 05 thì Đương nói: ‘11 ơi, em không liên lạc với 11 nữa, vĩnh biệt 11!’ và rồi tôi không nghe gì nữa.

Tôi nghĩ lúc đó Đương đã vĩnh biệt tất cả đồng đội. Trước khi chết, Đương cho tôi biết, anh chỉ còn có hai viên đạn cuối cùng trên nòng súng mà thôi! Và đó là cái chết của Nguyễn Văn Đương trên mặt trận Hạ Lào. Sau đó khoảng 5 phút, Đại Tá Nguyễn Văn Thọ, Lữ Đoàn Trưởng Lữ Đoàn 3 gọi cho tôi nói: ‘11 làm ơn bắn ngay trên đầu tao đi’. Trên máy bay tôi cho lệnh tất cả các pháo đội sử dụng đạn nổ CVT, dù sao tôi cũng sợ bắn đạn thường rơi vào hầm hố của quân mình, nên tôi dùng đạn CVT.

Khai hỏa vào khoảng 4 giờ 15, thì tất cả 4 pháo đội đồng khai hỏa bắn vào căn cứ 31 và bắn giết cả bạn lẫn thù, lần đầu tiên trong đời pháo thủ của tôi! Khi tôi vừa ra lệnh bắn, thì Đại Tá Lưỡng và tôi cùng cả phi hành đoàn đều bật khóc. Đó là cái chết của Đại Úy Nguyễn Văn Đương và Đại Tá Nguyễn Văn Thọ, Lữ Đoàn Trưởng Lữ Đoàn 3 Nhảy Dù tại mặt trận Hạ Lào!

18/03/2016
Bùi Đức Lạc

User avatar
phu_de
Posts: 2917
Joined: Sun Nov 28, 2004 10:57 pm
Has thanked: 7 times

Thị Trưởng Trí Tạ gây quỹ giúp bà quả phụ ?

Post by phu_de »

Thị Trưởng Trí Tạ gây quỹ giúp bà quả phụ ‘Anh Hùng Tên Đương’



Kính gởi quý đồng hương và các cựu quân nhân quân lực Việt Nam Cộng Hòa

Tôi là Tạ Đức Trí, Thị trưởng thành phố Westminster, California, Hoa Kỳ

Là con một gia đình đến Mỹ với danh nghĩa tị nạn chính trị và là con rể của một cựu Trung tá Thủy Quân Lục Chiến, Quân lực VNCH từng bị tù cộng sản sau 1975, tôi đã rất xúc động sau khi đọc được loạt bài về gia đình bà quả phụ cố Đại úy Quân Lực VNCH Nguyễn Văn Đương, nhân vật chính trong ca khúc “Anh Không Chết Đâu Anh' của cố nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, đăng trên báo Người Việt vào các ngày 11, 15 và 16 Tháng Ba, 2016.

Trước hoàn cảnh khó khăn, bi thảm của gia đình 'người anh hùng Mũ Đỏ tên Đương' gần như bị lãng quên hơn 40 năm qua, cũng như ước mong của bà Trần Thị Mai được một lần đi đến Hạ Lào, nơi Đại úy Đương hy sinh trong cuộc 'Hành Quân Lam Sơn 719,' đã thôi thúc tôi lập ra trang mạng gây quỹ này.

Việc gây quỹ nhắm đến hai mục đích chính.

Một là giúp anh Nguyễn Viết Xa, người con trai út của cố Đại úy Đương, hiện đang hành nghề xe ôm ở Sài Gòn, có chút vốn liếng mở một tiệm tạp hóa bán ở nhà để vừa có thu nhập mà vừa được ở gần để chăm sóc mẹ, như mong ước của anh.

Thứ hai là giúp bà Trần Thị Mai có đủ tài chánh trang trải cho chuyến đi đến Hạ Lào, mà theo lời bà là 'muốn chứng kiến nơi ấy và biết đâu sẽ còn tìm được xương cốt' của anh hùng Nguyễn Văn Đương.

Tôi tin rằng, với lòng hảo tâm và sự tiếp tay của quý đồng hương, quý cựu quân nhân quân lực Việt Nam Cộng Hòa, chúng ta sẽ đạt được mục đích cao cả này, như một nghĩa cử đền ơn người anh hùng đã bỏ mình nơi chiến địa bảo vệ cho một miền Nam Việt Nam tự do, cho đến ngày 30 Tháng Tư, 1975.

Trân Trọng
Tạ Đức Trí
Thị trưởng Thành phố Westminster

Thăm bà quả phụ 'Người anh hùng Mũ Đỏ tên Đương'
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/t ... 2&zoneid=1


Con trai ‘người anh hùng tên Ðương’ chạy xe ôm ở Sài Gòn
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/t ... 5&zoneid=1

Bà quả phụ 'anh hùng tên Đương' cảm ơn độc giả Người Việt
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/t ... 3&zoneid=1


Xin bấm vào link nầy để yểm trợ:


User avatar
khieulong
Posts: 6757
Joined: Wed Dec 01, 2004 9:09 pm
Been thanked: 1 time

Post by khieulong »

Image

Một lần chào cuối cùng của đời quân ngũ!
Trương Quang Chung

Sau 30.4.1975, người Việt tản mát trên khắp thế giới để tỵ nạn cộng sản. Trên Sách Vở, Báo Chí, Hồi Ký, Bút Ký, trên Ðài Truyền Thanh, Truyền Hình, trong các Ðại Nhạc Hội, những lúc Hội Họp các Ðoàn Thể chính trị hay các Tổ Chức khác, trong lúc ngồi nói chuyện quá khứ với nhau, đôi lúc cũng nhắc đến cái chết của những vị Tướng lãnh hay các Sĩ Quan cao cấp khác trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Những cái chết đó phải được vinh danh một cách trang trọng xứng đáng, phải được ghi vào Lịch Sử để con cháu chúng ta sau này biết đến sự tuẫn tiết của cha anh họ.

Với tinh thần đó, tôi muốn viết lên sự tuẫn tiết của Trung Sĩ I Nguyễn Thoảng cùng vợ con ngày 29.3.1975 tại Ðà Nẵng.

***

Tám giờ sáng ngày 28.3.1975, Tiểu Ðoàn tôi được lệnh rút về tuyến “vàng” phòng thủ, giữ phía Tây Nam của Bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn I và bảo vệ Pháo Ðội 105 ly của Sư Ðoàn 3. Mở bản đồ thì biết đó là Trục Lộ 14C từ Quận Ðiện Bàn đi Ðại Lộc, Thượng Ðức thuộc Tỉnh Quảng Nam. Tiểu Ðoàn chịu trách nhiệm từ Tháp Bằng An đến Phong Thử (khoảng 2 km). Tiểu Ðoàn di chuyển đến địa điểm lúc 10 giờ sáng, đã thấy vài khẩu đại bác 105 ly đã có sẵn ở các ruộng khô cách Tỉnh Lộ 14C khoảng 50 mét.

Sau khi liên lạc với vị Pháo Ðội Trưởng để bàn hoạch phương thức bảo vệ Pháo Ðội, tôi ra lệnh, giao nhiệm vụ, chỉ định vị trí cho từng Ðại Ðội. Bộ Chỉ Huy của Tiểu Ðoàn ở gần Pháo Ðội. Khoảng 12 giờ trưa hôm đó, vị Ðại Úy Pháo Ðội Trưởng báo cho tôi biết là họ được lệnh rút lui sau. Tôi không thắc mắc vì Pháo Binh luôn luôn ở sau để yểm trợ. Tuy nhiên, tôi ra lệnh cho Ðại Úy Quý, Trưởng Ban 3 của tôi gọi về Tiểu Khu hỏi xem chúng tôi có theo họ để bảo vệ súng không?

Hai giờ 30 chiều hôm đó Sĩ Quan Ban 3 của tôi báo cho tôi biết là Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu đã thông báo là dời về Non Nước.

Lúc này, tôi có phần bi quan vì theo dõi tin tức qua máy trên các tầng số của các Ðơn Vị ở Vùng I mà chúng tôi có trong đặc lệnh truyền tin.

Bốn giờ chiều, tôi hoàn toàn không liên lạc được với Liên Ðoàn 911 do Trung Tá Lê Văn Thành Chỉ Huy mà Tiểu Ðoàn tôi trực thuộc. Tiểu khu cũng biệt vô âm tín.

Tôi gọi về Trung Tâm Hành Quân của Quân Ðoàn I cũng như của Sư Ðoàn 3, họ quá bận rộn với nhiều Ðơn Vị nên khó chen vào được.

Tôi mời các Ðại Ðội Trưởng và Sĩ Quan Tham Mưu đến cho biết tình hình và bàn kế hoạch. Bây giờ tôi không còn ai Chỉ Huy nữa nên tôi quyết định rút Tiểu Ðoàn về Hội An để vào Tiểu Khu xem sự việc đồng thời đó là con đường tương đối an toàn và gần nhất để ra Ðà Nẵng.

Ðơn Vị ra Quốc Lộ 1 thì dân, lính họ chạy về Ðà Nẵng quá sức tưởng tượng. Họ đang chạy giặc. Tình hình quá bi đát, một thoáng suy nghĩ trong đầu, tôi ra lệnh tất cả dừng lại ở trong Làng cách Quốc Lộ 100 mét, chờ lệnh tôi vì tôi sợ Lính ra đây thấy cảnh đó thì bỏ Ðơn Vị về lo cho gia đình.

Tôi tiến sát Quốc Lộ 1 để xem tình hình thì gặp Trung Tá Nguyễn Tối Lạc, Quận Trưởng Ðức Dục. Ông ta cho biết tất cả các Chi Khu của Quảng Nam đều bỏ cả rồi, Tiểu Khu thì về Ðà Nẵng không liên lạc được. Ông ta còn cho biết thêm là Thiếu Tướng Nguyễn Duy Hinh, Tư Lệnh Sư Ðoàn 3 vừa cho lệnh ông là trực thuộc Ðại Tá Vũ Ngọc Hướng, Trung Ðoàn Trưởng Trung Ðoàn 2 thuộc Sư Ðoàn 3.

Ðại Tá Hướng chỉ huy luôn các Tiểu Ðoàn của Tiểu Khu Quảng Nam nữa. Trung Tá Lạc chỉ còn một người mang máy truyền tin, một người Lính bảo vệ thôi. Tôi đang đứng với Trung Tá Lạc thì một chiếc chiến xa M-48 từ trong đi ra thấy có Ðại Tá Hướng ngồi trên pháo tháp.

Ông ta thấy tôi liền cho xe dừng lại. Tôi là thuộc quyền của ông lúc ông ta còn là Tiểu Khu Phó Quảng Nam và hỏi tôi:

- Tiểu Ðoàn của mày đâu mà mày đứng đây?

Tôi trả lời:

- Tiểu Ðoàn tôi còn nằm trong Làng này, Ðại Tá.

Tay tôi chỉ vào trong Làng gần đó.

- Có còn đủ không?

- Còn nguyên, chưa đụng trận nào lớn cả, mà chỉ gặp du kích thôi. Bảo đảm Ðại Tá, chắc Ðại Tá biết Tiểu Ðoàn này rồi mà.

- Tao hiểu, mày đã nhận lệnh của Thiếu Tướng Hinh chưa?

- Tôi chưa nhận lệnh trực tiếp của Thiếu Tướng nhưng đã nghe Trung Tá Lạc nói rồi.

- Tốt, bây giờ Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu không còn ai nữa, mày trực thuộc Trung Ðoàn tao, mày có tầng số của tao chưa?

- Có đầy đủ ở đặc lệnh truyền tin rồi Ðại Tá. Bây giờ Ðại Tá cho lệnh thế nào?
- Theo lệnh Thiếu Tướng, mày cho Tiểu Ðoàn về Hội An phòng thủ với Trung Ðoàn. Ðến nơi, mày vào gặp tao tại Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu để nhận lệnh chi tiết.

Tôi từ giã Ðại Tá Hướng trở lui Tiểu Ðoàn trình bày cuộc nói chuyện và lệnh của Ðại Tá Hướng cũng như Trung Tá Lạc cho các Sĩ Quan nghe. Sau một hồi thảo luận, cuối cùng tôi nói: Bây giờ chúng ta về Hội An như ý định của chúng ta đã nói. Trên vấn đề quân sự, chúng ta đặt dưới quyền của Ðại Tá Hướng,nếu hữu sự, chúng ta có Lực lượng quân sự cùng chiến đấu. Về đó tùy tình hình ta xử trí sau.

Tại Hội An chúng ta có các điểm lợi sau:

- Về địa thế chúng ta đã rõ như trong vòng bàn tay.

- Có kho vũ khí, đạn dược, lương thực, thuốc men của Trung Tâm Tiếp Vận Quảng Nam của Tiểu Khu, chúng ta xử dụng nếu chiến đấu nhiều ngày.

- Nếu, có Lính chết hay Bị Thương thì có Bệnh Viện Hội An có phương tiện cấp cứu, có Bác sĩ Trung Ðoàn 2 và Y tá.

Liên Tỉnh lộ 13C từ Ðà Nẵng đi Hội An tương đối an toàn để chúng ta về Ðà Nẵng.

Tôi đã trình bày những điểm lợi hại cho các Sĩ Quan rõ, tôi nói tiếp:

- Nếu phải bỏ Ðà Nẵng như ở Huế và Vùng II thì tôi sẽ vào trình diện Quân Ðoàn để được giúp đỡ vì Tiểu Ðoàn mình còn nguyên chưa bị tổn thất thì thế nào Quân Ðoàn cũng lo cho mình vào Sài Gòn để tiếp tục chiến đấu. Nếu tận cùng mình dùng quân số đông để áp đảo Hải Quân, yêu cầu được chở vào Nam chiến đấu.

Bây giờ đã 6 giờ chiều, mặc dù còn ánh nắng mặt trời, dân chúng cũng như Binh Sĩ chạy về Ðà Nẵng quá nhiều nên di chuyển Ðơn Vị lớn như thế rất khó khăn, dễ bị thất lạc. Tôi ra lệnh cho các Ðại Ðội Trưởng, Trung Ðội Trưởng phải bám sát Binh Sĩ của mình đừng cho thất lạc. Nếu thất lạc, họ phải đến điểm tập trung là Ty Công Chánh Hội An. Ðó là điểm tập trung của Tiểu Ðoàn, đừng vào Tiểu Khu. Tôi căn dặn thật kỹ các Ðại Ðội phải ban hành lệnh đếm từng người Lính để họ nắm rõ điểm tập họp.

Sáu giờ 30, Tiểu Ðoàn bắt đầu hướng về Hội An. Lính Sư Ðoàn 2 Bộ Binh Tiểu Khu Quảng Ngãi, Quảng Tín kéo về như kiến cỏ. Họ không còn người Chỉ Huy nên hoàn toàn vô trật tự, vô kỷ luật, chỉ cần một hành động vô ý thức làm chạm tự ái, họ có thể bắn mình một cách dễ dàng.

Tôi đến được Hội An lúc 11 giờ đêm. Tại điểm tập trung, hai Ðại Ðội đầu đã có mặt. Tôi ra lệnh phòng thủ và đợi Tiểu Ðoàn đến cho đầy đủ. Tôi vào Tiểu Khu để gặp Ðại Tá Hướng nhận lệnh.

Mười hai giờ, Tiểu Ðoàn đã đến đầy đủ. Ðại Úy Quý Ban 3 Tiểu Ðoàn, cho tôi biết quân số lúc đó là 470 người. Các Sĩ Quan có đủ, có 20 thường dân là thân nhân của các Quân Nhân của Tiểu Ðoàn theo họ (họ hy vọng nếu có vào Sài Gòn thì họ cùng Tiểu Ðoàn vào Nam được dễ dàng hơn) vì lúc ở Ðiện Bàn, các gia đình này ở đó nên họ biết có Tiểu Ðoàn về nên đem theo luôn.

Có 50 Quân Nhân các Ðơn Vị khác thuộc Tiểu Khu Quảng Nam đã thất lạc Ðơn Vị nay muốn theo chúng tôi. Tôi nói với 50 Quân Nhân này, tôi chấp thuận cho họ ở với Tiểu Ðoàn với điều kiện phải tuyệt đối tuân hành lệnh của các Sĩ Quan Tiểu Ðoàn, nếu bất tuân, tôi ra lệnh bắn bỏ, nhất là lúc đụng trận. Tôi sẽ cho họ về Ðơn Vị gốc khi tôi gặp Ðơn Vị đó. Tất cả họ đồng ý và tôi phân chia cho các Ðại Ðội tác chiến ngay.

Riêng 20 thường dân (trong số này, tôi đã biết họ vì trước đây tôi có đến nhà họ lúc thuận tiện), Tôi ra lệnh cho Trung Sĩ I Thoảng chịu trách nhiệm vì Trung Sĩ I Thoảng là Hạ Sĩ Quan Ban 5 của Tiểu Ðoàn (Trung Úy Trưởng Ban 5 vắng) đồng thời tôi giới thiệu Trung Sĩ I Thoảng cho họ biết và nói: ‘’Bà con là thân nhân của Quân Nhân các cấp trong Tiểu Ðoàn tôi, tôi có nhiệm vụ bảo vệ bà con như bảo vệ Lính tôi vậy. Nếu đụng trận bà con nghe lệnh của Trung Sĩ I Thoảng để được an toàn, đừng chạy lộn xộn mà chết, Tiểu Ðoàn đến đâu, tôi đem bà con theo đó’’. Họ hiểu ý tôi nên rất hoan hỉ.

Thành Phố Hội An bây giờ trống vắng, 99% đều bỏ ra Ðà Nẵng lánh nạn. Tiểu Ðoàn rời Ty Công Chánh Quảng Nam để đến vị trí phòng thủ theo lệnh Ðại Tá Hướng. Ðó là hướng Bắc Hội An trên đường ra Ðà Nẵng. Trước khi đi, tôi còn để lại một Tiểu Ðội, một máy truyền tin do một Trung Sĩ của Ban 2 Chỉ Huy để đón nhận những người đến muộn.

Tại vị trí phòng thủ mới, tôi quá mỏi mệt, tinh thần căng thẳng. Tôi đang ngồi suy nghĩ thì Hạ Sĩ I Minh bưng đến một tô cháo và một ly cà phê sữa đang nóng và nói:

- Mấy ngày nay Thiếu Tá ít ăn, ít ngủ, chỉ uống nước không, lo suy nghĩ nhiều, em thấy Thiếu Tá ốm đó nghe. Thiếu Tá ăn tô cháo hầm bồ câu và uống ly cà phê để có sức đánh giặc chứ. Tôi đang lo lắng, định bảo dẹp đi, nhưng thấy thuộc cấp của mình thương mình, lo cho mình như thế nên không đành và nói:

- Mấy ông kia ăn chưa? Bồ câu đâu mày có?

- Thưa Thiếu Tá, lúc nãy ở Ty Công Chánh có chuồng bồ câu có lẽ của ông Trưởng Ty đã bỏ đi rồi, nên em bắt 4 con, em biết Ðại Bàng sẽ rầy, nhưng giờ này có khỏe mới giết được việt cộng chứ Ðại Bàng.

- Thôi được, để đó, đừng mắc võng nữa nghe. Từ sáng đến giờ, tôi chỉ uống nước không ăn gì ngoài một tô mì gói có đập vào hai hột gà cũng do Hạ Sĩ I Minh làm mà thôi. Cảm thấy đói, hớp mấy miếng cà phê, ăn được gần nửa tô cháo thì nghe tiếng trực thăng, tôi nhìn ra thì thấy từ hướng Quân Ðoàn I có hai chiếc máy bay bay vào khá cao. Tôi bảo Trung Úy Bình, Sĩ Quan Truyền Tin mở máy qua tần số Quân Ðoàn liên lạc xem sao. Không liên lạc được mặc dù Bình đã có tất cả đặc lệnh truyền tin trong tay, đã liên lạc nhiều tần số và nhiều giới chức có thể đi bằng máy bay nhưng vô hiệu. Tôi biết chắc đó là máy bay Quân Ðoàn, nhưng không biết giới chức nào mà thôi. Lúc này, tôi hoàn toàn thất vọng. Tôi ra lệnh Ðại Úy Quý, Trưởng Ban 3 gọi các Ðại Ðội Trưởng về họp đồng thời thu hết Tiểu Ðội ở Ty Công Chánh trở về Tiểu Ðoàn. Tôi còn ra lệnh Ðại Úy Hà Thúc Thuyên đi với một máy, vài Lính bảo vệ đến Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu xem Ðại Tá Hướng thế nào mà không liên lạc được.

Bây giờ là 2 giờ sáng ngày 29.3.1975. Ðại Úy Thuyên báo Trung Ðoàn 2 đã âm thầm ra hướng biển để về Ðà Nẵng. Tiểu Ðội ở Ty Công Chánh đã đến Tiểu Ðoàn mang theo 9 người Lính đến muộn. Tôi cho về lại Ðại Ðội của họ cả. Như thế giờ này Tiểu Ðoàn có 479 Quân Nhân tham chiến chưa kể 50 Quân Nhân các Ðơn Vị khác đi theo. Sau một hồi bàn thảo của Sĩ Quan Tham Mưu và các Ðại Ðội Trưởng, tất cả quyết định rút về Ðà Nẵng, vào trình diện Quân Ðoàn.

Tôi hoàn toàn đồng ý và trình bày:

- Bây giờ còn sớm, chưa tới 3 giờ, chúng ta đến Chùa Non Nước sẽ gặp Ðơn Vị phòng thủ Quân Ðoàn ở đó trời chưa sáng, họ không nhận diện được ta có thể ngộ nhận và bắn lầm. Tôi quyết định 4 giờ sáng chúng ta xuất phát theo đội hình Ðại Ðội 1 đi dẫn đầu, Ðại Ðội 3 bên trái, Ðại Ðội 4 bên phải, Ðại Úy Thuyên Tiểu Ðoàn Phó đi với Ðại Ðội này vì có Trung Ðoàn 2 đi ra biển, nếu gặp tiện việc liên lạc hàng ngang tránh ngộ nhận. Ðại Ðội 2 đi sau, Bộ Chỉ Huy Tiểu Ðoàn đi giữa, gia đình đi sau Bộ Chỉ Huy Tiểu Ðoàn. Trên đường đi nếu chạm địch, chúng ta phải yểm trợ nhau đưa nhau về Ðà Nẵng. Tất cả, nếu không ai có ý kiến gì khác thì về Ðơn Vị chuẩn bị lên đường khi có lệnh.

Ðúng 4 giờ sáng ngày 29.3.1975, Tiểu Ðoàn bắt đầu di chuyển thứ tự theo lệnh như đã phân nhiệm. Trên đường đi, chúng tôi không gặp một sự kháng cự nào, chỉ gặp vài du kích bắn lẻ tẻ,vô sự, các Ðại Ðội phản ứng nhưng vẫn tiến quân. Gần 9 giờ sáng, Ðại Ðội đầu do Trung Úy Thành Chỉ Huy báo cáo đã đến Non Nước, gặp Ðơn Vị bạn, đã nhận diện và nói chuyện vời nhau. Trung Úy Thành nói chuyện đã gặp một Ðại Úy Thủy Quân Lục Chiến đang ngồi trên chiến xa nói là họ được lệnh không cho một Quân Nhân nào vào Ðà Nẵng mà mang súng, muốn vào phải bỏ súng ở đây. Tôi nghe cũng ngạc nhiên. Lính mà không cho mang súng thì đánh giặc bằng gì, ôm mà cắn hả? Lệnh gì kỳ cục vậy.

Tôi nói cho Trung Úy Thành ra lệnh cho Binh Sĩ đứng tại chỗ, cấm phản ứng để tôi lên tiếp xúc. Tôi ra lệnh cho Ðại Úy Quý là các Ðại Ðội thu hẹp gần Tiểu Ðoàn, bố trí tại chỗ chờ lệnh và nói Ðại Úy Thuyên đến gặp tôi. Trên con đường đến gặp Ðại Úy Thủy Quân Lục Chiến, tôi suy nghĩ: Tình hình an ninh Ðà Nẵng rất xấu, đã có việt cộng cải trang thành lính xâm nhập rồi, nên mới có lệnh đó.

Tôi gặp vị Ðại Úy Thủy Quân Lục Chiến và trình bày sự việc để xin được vào Ðà Nẵng. Ông ta dứt khoát và bảo đó là lệnh, tôi không thể sai được. Tôi cũng biết lệnh của Quân Ðội, tôi nói tình lý cho Ðại Úy Thủy Quân Lục Chiến và gần như năng nỉ. Ông ta mềm lòng và nói để hỏi lại cấp trên.

Tôi tìm hiểu Thiếu Tá Ðịnh là cấp trên của ông ta vì Thiếu Tá Ðịnh học chung một Khóa Bộ Binh cao cấp với tôi năm 1973 ngủ chung một phòng, cùng người Huế, nên chúng tôi cũng thân nhau. Tôi cũng nói cho ông ta biết là tôi cũng là bạn thân với Thiếu Tá Ðịnh, Tiểu Ðoàn Trưởng Thủy Quân Lục Chiến, vị Ðại Úy này xác nhận là Thiếu Tá Ðịnh là Tiểu Ðoàn Trưởng của ông ta. Ông ta nói chuyện với Thiếu Tá Ðịnh sau đó trao máy cho tôi để nói chuyện. Thiếu Tá Ðịnh cho tôi biết Quân Ðoàn đã đi hết, đã bỏ ngõ, Thủy Quân Lục Chiến cũng đang tự tìm cách về Sài Gòn chưa biết tính sao đây. Thế là hết! Tôi trả máy cho Ðại Úy Thủy Quân Lục Chiến.

Tôi ra lệnh Ðại Úy Quý gọi tất cả Sĩ Quan đến gặp tôi. Bây giờ là 9 giờ 30 sáng ngày 29.3.1975 tại Chùa Non Nước, Ðà Nẵng. Vị Ðại Úy Thủy Quân Lục Chiến cũng báo cho tôi biết là tôi được tự do vào Ðà Nẵng. Tôi chỉ nói cám ơn. Chiến xa nổ máy quay đầu chạy lui về Ðà Nẵng có tùng thiết Thủy Quân Lục Chiến theo. Thiếu Tá Ðịnh Thủy Quân Lục Chiến cũng cho tôi biết không còn phương tiện vào Sài Gòn nữa, chính Ðơn Vị ông ta cũng phải tự lo liệu lấy. Không ai Chỉ Huy nữa. Hải Quân ở Tiên Sa cũng nhổ neo hết rồi.

Tất cả Sĩ Quan có mặt. Tôi trình bày tình hình Quân Ðoàn, Hải Quân do Thiếu Tá Ðịnh cho biết chính ông ta cũng không biết xử trí thế nào. Tôi nói:

- Tôi đã cùng Quân Nhân các cấp trong Tiểu Ðoàn chiến đấu bên nhau bấy lâu nay, nhất là sau Tết cho đến bây giờ, tình hình chiến sự sôi động, gian lao khổ cực cùng anh em. Tôi đã đoán được tình hình, cố gắng đưa Tiểu Ðoàn về đây để được cùng nhau vào Sài Gòn tiếp tục chiến đấu, nhưng bây giờ sự việc xảy ra ngoài ý muốn của chúng ta, tôi rất đau khổ về sự việc này.

Tôi cũng kể về sự tiếp xúc của tôi và Thiếu Tá Ðịnh Thủy Quân Lục Chiến, sự suy luận của tôi, sự hiểu biết về tình hình của tôi cho tất cả nghe và nói tiếp:

- Không nên tập trung cả Ðại Ðội, sợ bị tấn công bất thường, chỉ từng Trung Ðội giải thích cho họ hiểu, thông cảm tìm cách vào Sài Gòn hoặc về gia đình tùy ý. Quyền Chỉ Huy bây giờ tùy nghi các anh lo liệu. Nếu ai về nhà thì vũ khí nên phá hủy đừng để lọt vào tay việt cộng. Các bạn tự do thi hành theo ý mình, điều cần nhất là phải an ủi, giải thích cho Lính hiểu tâm trạng của chúng ta bây giờ.

Có nhiều người lưỡng lự chưa muốn đi. Lúc này tôi như cái xác không hồn, ngồi xuống đất, dựa vào cổng trụ cửa ngõ của một nhà bên đường xem phản ứng của Quân Nhân các cấp của Tiểu Ðoàn như thế nào. Các Sĩ Quan đã đến chia xẻ sự đau khổ của tôi, mỗi người một ý.

Mười giờ 30 sáng ngày 29.3.1975. Tôi vẫn ngồi yên tại chỗ. Trung Ðội Tình Báo của Ban 2 vẫn đứng quanh tôi để bảo vệ như những lúc hành quân.

Trung Sĩ I Nguyễn Thoảng đến đứng trước mặt tôi nghiêm đưa tay chào một cách trịnh trọng rồi nói:

- Chắc em không vào Sài Gòn đâu Thiếu Tá. Cả Quân Ðoàn không một trận đánh nào mà đã bỏ đi cả, em thấy chán quá rồi. Em chúc Thiếu Tá nhiều may mắn, cố gắng vào cho được Sài Gòn.

Cái xác không hồn của tôi vẫn ngồi dựa vào trụ vôi, không chào lại, không bắt tay từ giã,tôi nói:

- Tao bây giờ không biết tính sao, tao cố gắng đưa Ðơn Vị về tới đây để cùng vào Nam song không ngờ như thế này, tao rất thương anh em nhưng bây giờ ngoài tầm tay tao rồi.

Vợ Trung Sĩ I Thoảng và 2 con, một đứa 6 tuổi, một đứa 4 tuổi cùng đi với Tiểu Ðoàn từ hôm qua. Chị ta bước tới trước mặt tôi và nói:

- Em chúc Thiếu Tá lên đường bình an vào cho được Sài Gòn nghe Thiếu Tá, chứ việt cộng đến cỡ Thiếu Tá nó giết chứ không tha đâu.

Tôi đứng dậy xoa đầu hai đứa nhỏ đang đứng bên mẹ, có lẽ phản ứng lịch sự đối với đàn bà chứ tôi đã có đến nhà chị ta mấy lần rồi, nên cũng thường thôi. Tôi nói:

- Tôi cũng không biết có đi được không, đến đâu hay đó, Thoảng thì chắc nó không giết đâu vì nó cấp bậc nhỏ mà là chiến tranh chính trị ăn thua gì. Cố gắng lo cho hai đứa nhỏ.

- Cám ơn Thiếu Tá, chúc Thiếu Tá thượng lộ bình an. Thoảng tiến lên một bước, đưa tay chào tôi lần nữa.

Tôi cũng không chào lại, đưa tay bắt và nói:

-Thôi mày về đi, tùy tình hình địa phương mà sống chắc không can gì đâu. Anh ta đến chào Ðại Úy Hà Thúc Thuyên Tiểu Ðoàn Phó, Ðại Úy Lê Ngọc Nhựt Trưởng Ban 2 Tiểu Ðoàn và Ðại Úy Huỳnh Văn Quý Ban 3 Tiểu Ðoàn rồi từ giã ra đi. Ðến lúc này chỉ còn những Sĩ Quan đó và khoảng 20 Lính của Trung Ðội Tình Báo mà thôi. Còn tôi lại ngồi xuống đất dựa vào trụ vôi. Ðại Úy Thuyên đến nói:

- Thôi mình cứ về Ðà Nẵng rồi hãy tính. Tôi đang chán nản chưa có quyết định nào dứt khoát thì bỗng nghe một tiếng nổ lớn phía sau nhà tôi đang ngồi. Lính tôi phản ứng ngồi xuống trong thế sẵn sàng tác chiến.

Tôi nói:
- Minh, mày ra xem cái gì đó? Minh đi với hai người lính nữa, sau hơn 5 phút chạy lui, trả lời:

- Thiếu Tá ơi! Ông Trung Sĩ I Thoảng tự tử bằng lựu đạn với vợ con ông ta rồi.

Tôi quá bàng hoàng và xúc động, tự nhiên tôi bật khóc. Tôi đã đứng trước hàng trăm cái chết, sự rên la đau đớn, sự nhắn gởi trối trăn của thuộc cấp sắp chết mặc dầu tôi rất xúc động, tôi cũng có trái tim biết đau khổ nhưng tôi tự kềm chế không bao giờ khóc, nhiều lắm là đỏ con mắt. Tôi cố gắng kềm chế không để cho thuộc cấp biết sự mềm yếu về tình cảnh của tôi. Thế mà hôm nay không hiểu sao tôi lại bật khóc, có lẽ đây là lần khóc đầu tiên và cũng là lần khóc cuối cùng trong 13 năm quân ngũ của tôi đối với thuộc cấp. Tôi hỏi:

- Nó chết ở đâu.

- Ông chết ở nhà kia.

Theo tay chỉ của Minh thì sau căn nhà tôi đang đứng cách một cái nữa. Tôi đi theo Minh, 6 người Lính bảo vệ tôi cũng đi theo. Căn nhà tôn nhỏ xây vách chung quanh. Một cảnh tượng hãi hùng hiện ra trước mắt tôi. Bốn thi hài không toàn vẹn, một xách áo quần, mền còn để lại trong một góc của căn nhà, máu đang chảy, thịt tung tóe dính cả vào tường. Tôi không nói gì, quan sát và đứng nghiêm chào vĩnh biệt 4 anh hùng rồi ra đi. Các Binh Sĩ theo tôi cũng bắt chước chào rồi đi ra đường.

Bây giờ là 11 giờ ngày 29.3.1975. Một Trung Sĩ I cấp bậc quá nhỏ so với tôi, một thuộc cấp mà trước đây tôi đã từng có lúc gọi bằng “thằng”, một phần vì anh ta nhỏ tuổi hơn tôi, phần khác vì gọi như thế cho thân mật, có những lỗi lầm mà tôi đã rầy la đôi khi còn nặng lời nữa, thế mà hôm nay tôi phải gọi là Ông, Ông Thoảng với lòng tôn kính vì đây là một Vị Anh Hùng hơn tôi rất nhiều, ít nhất là lòng can đảm, sự thể hiện bất khuất không thể sống chung với cộng sản. Hôm nay tôi viết để vinh danh một Quân Nhân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa cho con cháu sau này biết đến. Xin nghiêng mình tôn vinh một Vị Anh Hùng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Hai giờ chiều ngày 29.3.1975, việt cộng đã treo cờ ở Tòa Thị Chính Ðà Nẵng.

Trương Quang Chung

(Hoài Việt)

User avatar
khieulong
Posts: 6757
Joined: Wed Dec 01, 2004 9:09 pm
Been thanked: 1 time

Post by khieulong »

Sau 4 ngày số tiền đã lên đến $30.000.00 USD
và số tiền sẽ còn nhiều hơn nữa nếu tiếp tục vì số share trên facebook đã lên đến 1,500

Giúp Bà Quả Phụ "Mũ Đỏ Tên Đương"
$29,530
Raised by 469 people in 4 days


WESTMINSTER (NV) - Chưa đầy 2 ngày sau khi Thị Trưởng Tạ Ðức Trí phổ biến lời kêu gọi đóng góp giúp bà quả phụ “Người Anh Hùng Mũ Ðỏ Tên Ðương,” đã có 287 người và tập thể hưởng ứng, góp số tiền lên đến $17,600 (tính đến 6:30 chiều ngày 21 Tháng Ba).
Khởi thủy, số tiền dự định của ông thị trưởng thành phố Westminster khá “khiêm nhượng,” chỉ $3,000. Thế nhưng, đóng góp của đồng hương nhanh hơn rất nhiều, Thị Trưởng Tạ Ðức Trí đã phải liên tục nâng con số dự tính, thành $6,000, rồi $9,000, $12,000... và đến chiều ngày 21 Tháng Ba là $20,000.
Image
Trang mạng Gofundme.com, nơi Thị Trưởng Tạ Ðức Trí gây quỹ. (Hình: Người Việt)


Một trong những người đầu tiên đóng góp vào khuya ngày 19 Tháng Ba là ca sĩ Thanh Mai. Theo lời người trong gia đình ca sĩ Thanh Mai, thì bà “đã khóc” khi đọc bài báo về gia đình bà quả phụ Nguyễn Văn Ðương, đăng trên Người Việt.
Có rất nhiều người tham gia đóng góp, không để lại tên, thay vào đó bày tỏ hai điều: Tri ân sự hy sinh của cố Ðại Úy Nguyễn Văn Ðương cùng những khó khăn mà gia đình ông chịu đựng từ 1975 đến nay; và cảm ơn Thị Trưởng Tạ Ðức Trí đứng ra kêu gọi gây quỹ.
Có một nhóm thân hữu, không để lại danh tánh, nhưng qua liên lạc với Người Việt, thì được biết là những độc giã từ Arizona. Người đại diện nhóm nói, nhiều người trẻ không biết đến trường hợp cố Ðại Úy Nguyễn Văn Ðương, nhưng vẫn sẵn lòng đóng góp, “tấm lòng quý hơn số tiền.”
Trong ngày 21 Tháng Ba, một cựu trung tá Không Quân VNCH, ông Trần Dật, đến tận tòa soạn, trao $500 tiền mặt để hiến vào quỹ. Ðồng thời, trao tấm ngân phiếu $500 do Hòa Thượng Chơn Thành trao tặng.
Sự đóng góp của đồng hương như cơn mưa rào xả xuống đồng ruộng khô hạn. Khi bài báo của tác giả Việt Hùng/Người Việt đăng về cảnh sống khó khăn của gia đình bà Nguyễn Văn Ðương, hàng trăm độc giả email vào tòa soạn, xin địa chỉ liên lạc để giúp đỡ.
Một độc giả của Người Việt cho biết người thân của mình ở Sài Gòn sẽ đến khám bệnh và săn sóc y tế cho bà Nguyễn Văn Ðương, nhũ danh Trần Thị Mai.
Ðộc giả có thể theo dõi diễn tiến gây quỹ qua đường link www.gofundme.com/63uy9wgs. Kết quả gây quỹ sẽ được kiểm toán do công ty cố vấn tài chánh D.T. Tôn, văn phòng tại Little Saigon, đảm trách theo lời mời của Thị Trưởng Tạ Ðức Trí.
Bà Nguyễn Văn Ðương nay đã 76 tuổi, mù một mắt do nhà sập, con mắt thứ hai cũng đã yếu nhiều. Bà có bốn người con, 3 trai, 1 gái. Hai con trai đầu đã chết trong thời gian đi cạo mủ cao su tại Cambodia. Người con trai út đang hành nghề lái xe ôm tại Sài Gòn.

Cố Ðại Úy Nguyễn Văn Ðương thuộc Tiểu Ðoàn 3 Pháo Binh Nhảy Dù, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, mất năm 1971 trong cuộc Hành Quân Lam Sơn 719 tại Hạ Lào. Khi cả pháo đội của ông bị trúng đạn, đường tiếp viện bị cắt, biết không thể thoát, ông ra lệnh mọi người tuyến dưới rút lui, còn cá nhân ở lại với một chân bị thương rất nặng, sau đó tuẫn tiết bằng khẩu súng tự bắn vào đầu. Câu chuyện về cố Ðại Úy Nguyễn Văn Ðương trở thành huyền thoại sau khi nhạc sĩ Trần Thiện Thanh viết thành ca khúc “Anh Không Chết Ðâu Anh,” trở thành bài hát quen thuộc của rất nhiều người.

__._,_.___

User avatar
thuyduong
Posts: 447
Joined: Fri Dec 04, 2009 6:41 pm

Post by thuyduong »

Image

Tiểu Đoàn 9 - Trận chiến sau cùng
Mũ Xanh Đoàn Văn Tịnh

Lời tác giả:

Sau 20 năm ngày tàn chiến cuộc, tôi mới có dịp viết về Tiểu đoàn để tưởng nhớ nhũng người bạn và em út cùng đơn vị đã nằm xuống...

Sự đóng góp xương máu cùng sự sống của các bạn cho một vùng quê hương qúa đỗi bất hạnh, có lẽ là niềm đau xót trong suốt cuộc đời còn lại của tôi.

Thực tế, những câu đàm thoại giữa các đơn vị đều ngụy hóa. Nhưng tại đây đã đưoơc chuyển sang bạch văn với mục đích để độc giả có thể đọc và hiểu dễ dàng.

Chiều ngày 27 tháng 3 năm 1975,

Thiếu tá Lâm-tài-Thạnh, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 9/TQLC và tôi Trưởng ban 3 Tiểu đoàn được gọi về dự buổi họp bất thường tại BCH-Lữ Đoàn 369, bản doanh đặt tại huyện Đại Lộc, Quảng-Nam.

Vẫn như thường lệ mỗi khi về BCH/LĐ để họp hành quân, chúng tôi chào hỏi, tay bắt mặt mừng với Trung tá Nguyễn xuân Phúc, Lữ Đoàn trưởng và Trung tá Đỗ Hữu Tùng, Lữ Đoàn phó.

Từ ngày 16 tháng 3 năm 1975, Tiểu đoàn 9 TQLC được lệnh của Lữ đoàn 369 từ giã chiến trường Quảng-Trị, bàn giao nhiệm vụ và tuyến đóng quân cho các đơn vị Bộ Binh và Địa Phương Quân, theo Lữ đoàn di chuyển vào Quảng-Nam. Tới Quảng-Nam, Tiểu đoàn 9 TQLC chia làm hai cánh. Cánh A gồm Đại đội 4, Đại đội 2 phòng thủ dài trên dãy núi Sơn Gà do Tiểu Đoàn trưởng chỉ huy.

Cánh B gồm Đại đội 3, Đại đội 1 phân tán trên những dãy núi chạy dài xuống núi Đất và bên kia bờ sông Vu-Gia cách Tiểu đoàn chừng cây số, thay thế vị trí cho những đơn vị Nhảy Dù đã di chuyển vào Nam.

Lữ Đoàn có nhiệm vụ chính là đánh chiếm lại đỉnh núi 1062 mà trước đó các đơn vị Biệt Động Quân, Nhảy Dù đã thay nhau giao tranh ác liệt, đẩm máu với quân Bắc Việt.

***

Ngày 16 tháng 3 năm 1975.


Trong suốt cuộc đời chiến trận, đơn vị di chuyển từ nơi này đến nơi khác vẫn là những chuyện bình thường. Tuy nhiên lần này nhìn vào sự chuẩn bị quá vội vàng của Bộ Chỉ huy Lữ Đoàn 369/TQLC, từ việc bàn giao lại nhiệm vụ hành quân, phòng thủ cho đơn vị bạn nơi vùng tuyến đầu Quảng-Trị, cũng như lệnh cho các Tiểu Đoàn tác chiến, Pháo binh TQLC, cùng các đơn vị yểm trợ khiến chúng tôi có nhiều suy nghĩ và cảm nhận ra một điều gì đó vô cùng bất ổn và nguy hiểm:

Lúc 12 giờ khuya hôm qua, đêm 15 rạng ngày16 tháng 3 năm 1975, chúng tôi nhận lệnh từ Lữ Đoàn, cho đơn vị chuẩn bị và sẵn sàng di chuyển lúc 7 giờ sáng, nếu những đơn vị bạn không đến kịp để bàn giao thì cũng bỏ vị trí cho binh sĩ lên xe nhanh chóng đến điểm tập trung trên Quốc lộ 1 trước làng Cọp Biển, gần cầu Bến Đá.

Từ giã bãi biển Gia Đẳng nơi Tiểu Đoàn nghỉ ngơi gần một tháng trong dịp tết về, thực sự có chút chi đó vướng víu trong lòng chúng tôi. Trên bãi cát trắng trải dài và phẵng phiu vào một sáng mùa Xuân, có chút sóng vỗ và ánh nắng tươi mát ban mai chiếu lên những con Nuốt trong vắt bị sóng xô mằm phơi trên bãi cát, tỏa ra đủ sắc màu long lanh như những viên ngọc quí hoàn hảo, cảnh vật thực bình yên, xinh đẹp. Song cũng chính nơi vùng biển trời xinh đẹp này lại là vùng chiến trường đẩm máu với nhiều trận đánh khủng khiếp của Tiểu đoàn 9 TQLC vào những ngày tháng cuối 1972 và đầu năm 1973, vùng chiến trận kéo dài từ Gia Đẳng qua Chợ Cạn, đập Linh Quang đến tận Cửa Việt.

Có lẽ đây là điểm mốc thời gian cực thịnh sau hết của TĐ9/TQLC dưới thời Trung tá Nguyễn Kim Đễ với hệ thống SQ, Cán bộ cũ kể từ ngày thành lập đơn vị vào tháng 4 năm 1970 cho tới trước khi anh được bổ nhiệm về đảm trách chức vụ Trưởng Phòng 3/SĐ/TQLC.

***

Rời Vùng I chiến tuyến địa đầu đất nước về Quảng-Nam.

Vào lúc 10 giờ 30 sáng ngày 16 tháng 3 năm 1975, đoàn xe theo thứ tự gồm TĐ6/TQLC, TĐ2/TQLC, BCH/LĐ369, Pháo binh TQLC trên xe đầy cả các loại vật dụng, vợ con, gia đình, sau hết là TĐ9/TQLC. Rồi thêm một cái đuôi dài lòng thòng lôi thôi lếch thếch tội nghiệp đằng sau là dân chúng bồng bế chạy theo với hàng chục chiếc xe dân dụng, tiếng trẻ con khóc la, tiếng kêu réo gọi nhau ơi ới thất lạc, với dáng mặt thất sắc kinh hoàng.

Ra đi với nhiều âu lo thắc mắc trong lòng mọi người. SQ và binh sĩ thuộc cấp trong đơn vị đã nhiều lần hỏi tôi điều này, nhưng tôi đã không thể trả lời họ một cách rõ ràng như mọi khi. Trong tôi chỉ có linh cảm sẽ mất đất, mất tất cả Vùng I.

Vào Đại Lộc vài ngày sau đó tôi còn nhớ rõ, chiều 26 tháng 3 chúng tôi theo lệnh Lữ Đoàn tiếp nhận thêm một số đơn vị Đia Phương Quân và Bộ Binh di tản từ chiến trường Quảng-Trị về. Anh Thạnh bảo tôi giao những đơn vị này cho Thiếu tá Lộc phối trí phòng thủ ở núi Đất.

Trong suốt ngày 26, 27 tháng 3 năm 1975, chúng tôi đã nhận được rất nhiều tin tức đáng buồn về các đơn vị bạn Tiểu Đoàn 3, 4, 5, 7 /TQLC, TĐ2/PB và ĐĐ Viễn Thám, bị cắt đứt ở Thuận An.

Cố Thiếu tá Nguyễn Tri Nam, người bạn đồng khóa 22 Võ Bị đã tử trận trên đường lui quân tại bờ biển Thuận An, Thiếu tá Đinh Long Thành, K19, TĐT/TĐ4/ TQLC mất tích và một số bạn bè, thuộc cấp trong những đơn vị cũng đã vĩnh viễn từ giã chiến trường. Một số đơn vị khác đang cố gắng tránh lưới đạn pháo trong khi triệt thoái để xuống tàu trước sự tấn công dồn dập của quân Bắc Việt.

Tôi hình dung ra một vùng chiến trận tơi bời, thê thảm của những “Hùm thiêng sa cơ, thất thế”.

Một thời nào đó, chúng tôi đã tự nguyện hiến dâng tuổi trẻ và đời mình cho đất nước, nhiệt tình hăng hái nung nấu cùng nhau tìm vào nơi gió cát với ý chí “quyết chiến, quyết thắng”, nhưng trước những mất mát quá đỗi to lớn và bất ngờ trên quê hương hôm nay, tôi không sao ngăn được tiếng thở dài chua xót, cố nén giòng nước mắt đau thương đang chảy xuống với nỗi uất hận cuả một người lính trận.

“Như vậy Quảng-Trị và Huế đã mất!”

Trong buổi họp, vị Trưởng ban 3 Lữ Đoàn và Trung tá Lữ Đoàn trưởng thuyết trình về tình hình địch và bạn trong vùng trách nhiệm của Lữ Đoàn, cùng một số tình hình của các đơn vị TQLC ở Huế, bãi biển Thuận An.

Ra khỏi phòng họp, tôi hỏi anh Tùng :

- Số đạn dược mà tôi xin Lữ Đoàn thì bao giờ có?

Anh Tùng trả lời:

- Chiều nay hay ngày mai, yên tâm. Còn bây giờ thì uống tí rượu, ông Tướng vừa mới xuống thăm có cho mấy chai Napoléon đây. Mỗi người một vài ly nhỏ rồi sau đó chia tay.

Từ giã các anh, trên đường về chúng tôi ghé lại cái quán nhỏ bên đường ăn tô mì Quảng và uống ly cà phê, nhân tiện nhìn sơ tình hình sinh hoạt của dân chúng chung quanh.

Nơi đây cũng như ở Quảng-Trị, đời sống của dân chúng nghèo nàn, thiếu thốn quá nhiều.

Trong căn nhà lá nho nhỏ tạm đặt BCH/TĐ, cạnh con đường đất đỏ trên sườn núi Sơn Gà, từ đó chúng tôi có thể nhìn bao quát quận Đại Lộc và con sông Vu-Gia.

Anh Thạnh và tôi ngồi hút thuốc nói chuyện, những câu chuyện Sài gòn, Huế, Quảng trị. Trong lòng thì lo lắng, song chúng tôi cũng không biết nên làm gì.
Lữ Đoàn cho lệnh tiếp nhận đạn dược. Tôi gọi cho Thiếu tá Lộc chuẩn bị đón nhận và phân phối cho các Đại đội, báo cho biết khi xong xuôi.

Anh Lộc trả lời trên máy và hỏi:

- Chúng ta sắp làm gì Tân an?

- Có lẽ chiếm lại ngọn đồi 1062.

Anh Lộc vui vẻ tâm sự: “Ông Thiếu úy Hùng mới ra trường mà anh đưa lên cho tôi, trông tướng tá ngon lành và đẹp trai quá. Anh là người Huế, gia đình ở ngay trên đường phố Phan bội Châu, Hùng nói rằng từ ngày ra trường chưa kịp đi phép đã phải ra trình diện đơn vị ngay, bây giờ cũng không biết gia đình ra sao...”

Phải, sáng nay có một Sĩ quan về bổ sung cho Tiểu đoàn, anh tốt nghiệp khóa 27 Trường VBQGVN. Tôi bận rộn quá chỉ giữ Hùng lại ở BCH/ Tiểu đoàn có 1 tiếng đồng hồ, hỏi thăm người đàn em vài điều về trường cũ, nhờ người lính nấu cho Hùng một tô mì gói, rồi vội vàng đưa Hùng về Đại đội 3 thuộc cánh B. Tôi nghĩ sau này có thì giờ sẽ nói chuyện và hỏi thăm Hùng về gia đình và anh em nhậu với nhau vài chai bõ nhớ.

Nhưng có ai biết những bất ngờ đến với một người lính trận: gặp mặt, chia tay để rồi sau đó tôi không bao giờ có dịp gặp lại người đàn em tội nghiệp đó nữa.
Anh chưa hề biết chiến trường nơi đâu, chiến trận là gì, địch quân như thế nào, cho đến khi xuôi tay nhắm mắt. Hùng tử trận vào lúc 5 giờ chiều ngày 29 tháng 3 năm 1975 trên bờ biển Mỹ-Khê .

***

4 giờ chiều ngày 28 tháng 3 năm 1975

Người Sĩ quan phụ tá bảo tôi vào máy gặp Đại Bàng Thái Dương (danh hiệu của Trung tá Đỗ hữu Tùng), anh Thạnh theo tôi tới phòng máy.

- Thái Dương đây Tân An tôi nghe.

- Tân An đó hả, nghe tốt không ?

- Trình Đại Bàng, 5 trên.

- Lệnh cho Tiểu đoàn 9: Số đạn dược được tải đến hôm qua trang bị đầy đủ cho mỗi cá nhân, đạn XM16, đạn phóng lựu, đại liên ..., còn lại bao nhiêu chôn xuống tại chỗ; khi nào xong xuôi Tân An cho biết.

- Đáp nhận Đại Bàng.

Tôi bỏ ống liên hợp xuống và nhìn anh Thạnh, anh im lặng một lúc rồi cầm máy gọi anh Lộc:

- Lộc Ninh đây Tây Đô.

- Lộc Ninh nghe Đại Bàng.

Anh Thạnh cẩn thận dặn dò Thiếu tá Lộc những điều cần thiết, sau đó lệnh cho anh Lộc thực hiện lệnh của Đại Bàng Thái Dương.

Anh Thạnh bỏ máy xuống và hỏi tôi:

- Như vậy là sao Tân An?

Tôi cười một cách tự tin:

- Có lẽ chúng ta phải lui quân mấy cây số, chờ đánh bom xong là tái chiếm đồi 1062, Đại Bàng yên tâm, số đạn dược trang bị chúng ta đã dư dùng, đánh lên xong sau đó trở lại lấy để tái trang bị và phòng thủ, phải không?

Anh Thạnh nghe thì nghe vậy, cũng như tôi khi nói thì nói vậy, nhưng trong lòng chúng tôi có quá nhiều thắc mắc và nghi ngờ.

Anh Thạnh vô cùng lo lắng, mà tính anh ấy là như vậy.

Thiếu tá Lâm tài Thạnh nhận được lệnh chỉ định về đảm nhiệm chức Tiểu Đoàn trưởng Tiểu Đoàn 9 TQLC thay thế Trung tá Huỳnh văn Lượm, và tôi được thuyên chuyển về để đảm nhiệm chức vụ Trưởng ban 3/TĐ.

Thoạt đầu tôi do dự không muốn, vì chức vụ này tôi đã qua từ lâu rồi. Tuy nhiên sau khi suy nghĩ về lại Tiểu Đoàn của chính mình đã thành lập từ ngày đầu, tôi lại có cảm giác thích thú và tự nghĩ rằng chỉ một thời gian ngắn nữa thôi thì thế nào cũng sẽ phải có sự thay đổi.

Từ giã Lữ đoàn 258 để về lại Tiểu Đoàn 9/TQLC, lúc đó đang đóng quân ở Chợ Cạn, quận Mai Lĩnh, Quảng Trị., tuy nhiều bạn bè đã thuyên chuyển qua những đơn vị khác như Trí, Cự, Tuấn ... song tôi cũng còn tìm lại được những người đàn em dễ thương như: Phán mập, Công, Quang và Ba Gà...cùng những người thuộc cấp cũ của tôi.

Thiếu tá Thạnh còn trẻ lắm, anh xuất thân từ khóa 17 trường Bộ binh Thủ Đức, tính tình ít nói, hiền lành nhưng nghiêm-nghị.

Trong vấn đề chỉ huy đơn vị, tôi phụ giúp anh một cách hiệu quả, tâm đầu ý hợp. Thực ra đối với tôi thì các Đại đội trưởng là cấp dưới đồng thời cũng là những người đàn em rất thân thiết và dễ thương, nên vấn đề điều đông chỉ huy cũng dễ dàng êm đẹp.

Anh Thạnh thường giao cho tôi thu xếp hầu hết những công việc nội bộ của Tiểu Đoàn như điều động, hành quân hay tổ chức giải trí cho đơn vị.

Anh Thạnh không yên tâm, anh hỏi lại tôi :

- Tân An nghĩ có đúng không ?

Tôi cười :

- Không chắc, cả hai chúng tôi cùng cười vui vẻ thoải mái. Lo chi, tất cả chuyện gì rồi cũng OK thôi.

Mọi lệnh lạc của Lữ Đoàn, chúng tôi đã thi hành xong và báo cáo về Lữ Đoàn lúc 6 giờ chiều.

***

6 giờ 30 chiều ngày 28 tháng 3 năm 1975

- Tân An đây Thái Dương,

- Tân An nghe Đại bàng.

- Tôi muốn gặp Tây-Đô.

Anh Thạnh đưa tay cầm máy và ra hiệu cho tôi ngồi xuống bên cạnh.

- Tây Đô nghe Đại Bàng.

- OK, Tây Đô lật tấm bản đồ và nghe cho kỹ.

Tôi giở tấm bản đồ đẩy tới trước mặt anh Thạnh.

- Sẵn sàng rồi Đại Bàng.

- Khi có lệnh, cánh B từ chỗ đóng quân di chuyển xuống và theo chân dãy Sơn Gà tiến về sông Túy Loan, cánh A di chuyển xuống Đại Lộc gặp BCH/Lữ Đoàn và nhận lệnh tiếp. Tất cả sẵn sàng khi có lệnh sẽ thi hành. Tây Đô có gì cần hỏi không ?

- Tây Đô đáp nhận 5, không Đại Bàng.

- Tân An anh cho mời Thiếu tá Lộc xuống đây .

- Vâng. Sau đó tôi gọi anh Lộc tới họp gấp.

Tiếng nói của Trung tá Đỗ hữu Tùng lạnh lùng và sắc như dao cắt, mặt anh Thạnh thoáng vẻ lo âu vì cái lệnh hành quân kỳ lạ này. Lần đầu tiên trong đời lính tôi nghe một cái lệnh lạ lùng và khủng khiếp.

Ôi ! Sao lại rút lui, rút về đâu, không lẽ kéo xuống Đà Nẵng lập phòng tuyến ngay giữa thành phố như Tết Mậu Thân hay lại chạy ra biển vội vàng lên tàu như các Tiểu Đoàn TQLC ở Huế, lại tiếp tục bỏ Quảng Nam, Đà Nẵng?

Suốt thời gian đợi chờ thi hành lệnh chúng tôi có cảm tưởng đang chờ lên đoạn đầu đài.

Bữa cơm chiều đã sắp sẵn trên bàn gần chổ ngủ của anh Thạnh.

Các anh Thạnh, Lộc và tôi vừa ăn cơm, vừa nói chuyện, vừa ra lệnh vừa dặn dò kế hoạch chuyển quân, chúng tôi đã thu xếp xong mọi việc. Từ giã anh Thạnh và anh Lộc trở về phòng máy làm việc với Phán và Quang, hai anh này đã có mặt đang ngồi chờ tôi.

Chào nhau xong Phán hỏi :

- Có tin gì vui không anh Ba?

- Có, chuẩn bị dọt.

Phán thực dễ thương miệng luôn cười hề hề:

- Tấn công đồi 1062 phải không, anh Ba?

Tôi nhìn Phán rồi nhìn Quang, cảm thấy tội nghiệp hai người đàn em, tôi bảo họ ngồi xuống. Tôi chỉ những tấm bản đồ mà Trung úy Sơn đã dán lên tường từ mấy hôm trước, những nét bút màu xanh, đỏ, đen ...dấu hiệu cuả trục tiến quân, điểm kiểm soát, Đại đội, Trung đội, Tiểu đội, chi chít :

- Vẽ vào bản đồ cẩn thận như Sơn đã vẽ trên bảng, sau đó tôi sẽ nói chi tiết, OK.

Quang và Phán lật bản đồ vừa vẽ vừa thì thầm nho nhỏ với nhau:

- Xong rồi anh Ba!

Dặn dò xong mọi chuyện tôi thở dài nói với Phán và Quang:

- Không biết có phải vội vàng triệt thoái như những Tiểu đoàn kia không, sao tôi nghi quá.

- Sao anh Ba nói nghe thê thảm quá vậy?

- Phán và Quang nghe đây “hãy cẩn thận lo cho anh em trong đại đội, các chú phải nhớ rằng, khi họ ra lệnh lui quân theo kiểu này có nghĩa là nước đến cổ rồi. Cầu mong sao cho Tiểu Đoàn chúng ta may mắn, an toàn”.

Tôi bắt tay Quang, bắt tay Phán:

- Về đi, nhớ cẩn thận.

Cho xe đưa các anh về lại tuyến đóng quân đại đội, còn một mình tôi ngẩn ngơ nhìn lên dãy núi Sơn Ga, những dãy núi chập chùng nối tiếp nhau chạy về cuối chân trời xa, giữa bóng chiều quạnh hiu.

Tôi trở về lều nằm lên võng đu đưa và nghĩ ngợi.

Hình như có điều gì đó không ổn hay một thứ gì đó sắp mất mát, tôi mơ hồ cảm nhận như vậy và miên man trong giấc ngủ quên.

***

12 giờ 10 khuya 28 rạng 29 tháng 3 năm 1975.

Cuối cùng lệnh cũng đã tới, lúc đó 0 giờ 10 phút đêm 28 rạng ngày 29 tháng 3 năm 1975. Anh Thạnh đứng lên anh cố vươn vai hít một hơi dài để có thêm chút sức mạnh và thở dài nói với tôi:

- Tân An, anh điều động và lệnh cho Tiểu Đoàn Zulu, bảo Đại đội trưởng chỉ huy lên gặp tôi.

- OK!

Tôi gọi Thiếu tá Lộc:

- Lộc Ninh đây Tân An.

- Lộc Ninh nghe Tân An.

- Lộc Ninh cho con cái sẵn sàng chưa?

- Sẵn sàng rồi Tân An.

- Cho Zulu, và báo cáo, kế hoạch không thay đổi.

- Nhận Tân An 5.

- Sơn, cho gọi ĐĐT chỉ huy lên gặp Thiếu tá.

Cánh B dưới quyền chỉ huy của Thiếu tá Lê văn Lộc men theo chân của dãy núi Sơn Gà và vùng làng mạc bên trái của trục lộ tiến về sông Túy Loan.
Còn cánh A gồm Đại đội 4 của Trung úy Lưu minh Quang dẫn đầu, đoạn hậu có Đại đội 2 của Trung úy Lưu văn Phán, di chuyển xuống chợ Đại lộc để gặp Lữ Đoàn.

Đúng 1 giờ khuya, cánh A đến điểm hẹn. Trước mắt tôi là một bãi đất trống, trong đêm đen tôi vẫn nhìn thấy rõ lỗm ngỗm cây, dây, poncho, thùng đạn, thùng gỗ pháo binh.

Tại vị trí cũ của Lữ Đoàn không một bóng người, chỉ chừng nấy thôi tôi cũng đã hiểu ra tình cảnh của chúng tôi trong hiện tại.

Anh Thạnh hỏi tôi:

- Sao vậy Tân An ?

Tôi buồn bực:

- Tôi không hiểu.

- Thái Dương đây Tân An.

- Thái Dương nghe.

Trong suốt đoạn đường di chuyển, cũng như tôi, dường như anh Tùng luôn luôn cầm ống liên hợp để điều động các đơn vị để cho đơn vị trưởng rãnh rỗi giải quyết các tình huống cấp bách.

- Thái Dương ở đâu vậy, ở đây không còn ai hết?

- Đúng rồi, anh cho tiến về sông Túy Loan sẽ gặp tôi.

- Đáp nhận.

Trong những lần di chuyển quân, tôi vô cùng thận trọng, lệnh cho Trung úy Quang chia thành 3 cánh. Trung đội cánh phải tiến trong bìa làng, Trung đội cánh trái dàn rộng về phía núi để tránh những tổn thất do địch quân phục kích.
Phán gọi máy cho tôi biết:

- Trình anh Ba, sau lưng chúng ta là Bộ Binh, Địa Phương Quân tùm lum chúng ta phải làm sao?

Tôi dứt khoát:

- Cố gắng điều động Đại đội của anh vững vàng, tuyệt đối không cho bất cứ ai xen lấn vào hàng quân. Cho Trung đội đi sau giữ khoảng cách xa Đại đội hơn. Hãy tiếp tục di chuyển, để cho các đơn vị bạn theo sau mà thôi.

Dù không nhìn, chúng tôi cũng dư biết một cái đuôi vô cùng luộm thuộm của các đơn vị bạn và dân chúng bồng bế chạy theo. Song biết làm sao hơn là cố gắng giữ vững chủ lực để khi cần lâm trận.

Trong đêm tối, mũi tiến quân vẫn vững vàng.

Không biết mình tới sông Túy Loan để làm gì, nhưng trong lòng chúng tôi vẫn luôn tin tưởng vào sức mạnh tuyệt đối của một Tiểu Đoàn TQLC thiện chiến, cho nên trên đoạn đường tiến quân thỉnh thoảng gặp những ổ phục kích việt cộng, các Trung đội bên cánh dập tắt lẹ làng.

Cuối cùng chúng tôi đã tới bờ sông Túy Loan. Trời vừa sáng, có chút nắng hồng ở phương Đông, chung quanh vẫn yên tỉnh, cái yên tỉnh cần cảnh giác nguy hiểm. Tôi cho lệnh các Đại đội bố trí và cẩn thận cho các trung đội yểm trợ nhau vượt sông an toàn, chỉ có những tiếng súng nổ từ thật xa của địch, tận trong các thôn xóm với vài viên đạn bắn xẽ, chẳng nghĩa lý gì.

Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn vượt qua cầu Túy Loan, tạm chiếm trường học bên trái đường lộ và bố trí quân. Nơi đây chúng tôi vẫn không thấy bóng dáng cuả Lữ Đoàn. Anh Thạnh bảo tôi gọi Lữ Đoàn, tôi bốc máy gọi Trung tá Tùng:
- Thái Dương đây Tân An.

- Thái Dương nghe.

- Chúng tôi đến sông Túy loan rồi, Thái Dương ở đâu?

- Yên tâm, bây giờ tôi và Lữ Đoàn đang ở bên bờ sông, phía trên cầu De Lattre. Tân An nói với Tây Đô chỉnh đốn lại đơn vị và kiếm bất cứ loại xe nào, đem Tiểu Đoàn đến bờ sông Hàn tại tọa độ X.

- Thái Dương, tôi muốn hỏi.

- Tân An cứ hỏi.

- Thái Dương, chúng ta đi đâu vậy, ra tới bờ sông ai đón chúng tôi?

- Tân An yên tâm, khi ra tới đó sẽ có người đón. Chúng ta sẽ lên tàu về Cam Ranh.
- Trời ơi! Như vậy là chúng ta bỏ Đà nẵng, là mất đất phải không?

- Tân An nghe đây, bình tỉnh và làm đúng lời tôi dặn.

- Nhận rõ Đại Bàng trên 5.

Tôi nhìn anh Thạnh, chúng tôi lặng thinh, trong phút chốc kinh dị đó, tôi thấy hình như đất trời sắp vỡ vụn, hết rồi tất cả .

***

7 giờ sáng ngày 29 tháng 3 năm 1975.

Người lính mệt mỏi tuột 2 cái dây đai khỏi vai và đặt chiếc Balô trên cái bàn nhỏ của học trò, móc ra mấy hộp thịt “ba lát”, mở nắp và một bịch nylon đựng cơm, sắp vội tất cả lên bàn thầy giáo, xong đưa cho anh Thạnh và tôi mỗi người một cái muỗng sắt:

- Mời Thiếu tá và Đại uý ăn sáng.

Chúng tôi mỗi người cầm một hộp thịt và dùng muỗng xúc cơm trong bọc nylon, nuốt vội vàng qua bữa. Anh mời tôi điếu thuốc.

Anh Thạnh và tôi hội ý, anh sẽ ra bờ sông Hàn trước để gặp Lữ Đoàn, còn tôi tìm xe và điều động các Đại Đội ra sau. Anh Thạnh bắt tay tôi với vài lời dặn dò rồi lên xe đi trước.

Trời càng sáng, cảnh vật chung quanh càng rộn ràng, và mọi sự di động của người cùng xe cộ càng vôi vàng, không biết đi đâu, về đâu nhưng người ta cứ đi, cứ chạy.

Tôi bảo Hạ sĩ Hoàng hiệu thính viên cho mời ĐĐT/ĐĐ 4 và 1 lên gặp tôi.

Trung úy Quang, Trung úy Công vừa lên tới, Công chào và hỏi tôi :

- Mình đi đâu đây anh Ba?

- Ra Đà Nẵng, bây giờ Công và Quang cho đặt hai trạm gác trên đường chận tất cả các loại xe cộ và giữ lại, sau đó cho tôi biết có bao nhiêu xe, còn dân chúng cứ để người ta đi tự nhiên luôn cả các đơn vị bạn. Nhưng kiểm sóat canh gác cẩn thận, coi chừng VC lẫn lộn.

Công và Quang chào và trở lại Đại đội.

Cùng lúc đó, một cánh quân hỗn loạn vừa Bộ Binh vừa Pháo Binh từ Duy Xuyên chạy xuống. Đại đội 4 chận lại ngoài tuyến, ĐĐT chỉ huy đưa vào gặp tôi là một vị Đại tá (Tôi không nhớ tên, nhưng ông là Trung Đoàn trưởng Trung Đoàn BB đóng ở Duy Xuyên), Trung Đoàn phó là Trung tá Khai và một Thiếu tá Sĩ quan Tham mưu.

Trung tá Khai chào và hỏi:

- Anh là Đơn vị trưởng?

- Không, tôi là Trưởng ban 3.

- Tôi là Tr/tá Khai, Trung Đoàn phó, bây giờ các anh đi đâu, có thể cho chúng tôi tháp tùng được không?

Tôi nhìn các anh, gật đầu, tôi biết anh là niên trưởng của tôi:

- Vâng.

Ông Đại tá Trung Đoàn trưởng tỏ vẻ giận dữ:

- Xin lỗi anh nghe, “đ… mẹ” chúng nó bỏ hết chúng ta rồi.

- Đại tá không nhận được lệnh gì sao?

- Xin lỗi Đại uý, lũ khốn nạn chẳng có lệnh lạc gì cả.

Tôi trấn an các ông:

- Đại tá và các anh yên tâm, theo chúng tôi.

- Bằng tàu hay máy bay?

- Tôi không rõ lắm, nhưng chắc là tàu thủy.

- Cho chúng tôi tháp tùng với.

- Vâng.

Chúng tôi đã dùng đoàn xe của Trung đoàn Bộ Binh, gỡ súng PB, rờ mọt để lại bên đường, tận dụng tất cả mọi loại xe, điều động các đại đội lên xe thẳng tiến về bờ sông Hàn mang theo những người lính đơn vị bạn.

- Tây Đô đây Tân An.

- Tây Đô nghe Tân An.

- Trình Đại Bàng, tất cả Tiểu Đoàn đã sẵn sàng trên xe, cho zulu được chưa?

- Cánh B có đủ xe không?

- Trình Đại Bàng, đầy đủ tất cả.

- OK, Tân an cho lệnh di chuyển, cẩn thận vì ở ngoài này vô cùng lộn xộn và đông người cũng như xe cộ trên đường; tôi đang ở ngang ngã 3 Trung tâm huấn luyện Hòa Cầm.

- Đáp nhận 5, Đại Bàng yên tâm, tôi sẽ đi trước dẫn đường.

- Lộc Ninh đây Tân An.

- Lộc Ninh nghe đây, Tân An cho qua.

- Tôi bắt đầu di chuyển, Lộc Ninh cứ để Ba Xuyên bố trí sau đó chừng nữa giờ cho lên xe và tiếp tục di chuyển. Khi bắt đầu khởi hành Lộc Ninh cho biết, OK.

- Nhận Tân An trên 5.

Đoàn xe di chuyển vô cùng khó khăn trước cảnh hỗn loạn của dân chúng, các đơn vị của Trung tâm huấn luyện Hòa Cầm, và Thương phế binh ở Bệnh viện Duy Tân.

Gần 11 giờ trưa Cánh A mới tới được bờ sông Hàn.

Tôi và anh Thạnh gặp nhau ở đây.

Anh Thạnh bảo:

- Chẳng gặp ai hết, không ai đón, chẳng ai đưa, Tân An hãy liên lạc với Lữ Đoàn xem.

Đến giờ này tôi đã hiểu ra mọi chuyện, chúng tôi cho lệnh các Đại đội bố trí rộng bên bờ sông để tránh đạn pháo kích của địch đổ xuống từ phía Ngũ Hành Sơn, cũng như ngăn chặn địch tấn công từ phía sau. Cường độ pháo kích của địch càng lúc càng gia tăng và tương đối chính xác.

Tôi dục anh Thạnh qua sông trước để điều động Đại đội 4 tiến lên bờ bên kia, vì ở đây quá sức nguy hiểm. Có một điều may mắn là chưa ai bị thương.
Một số anh em binh sĩ của Tiểu Đoàn Yểm Trợ Thuỷ Bộ TQLC còn ở lại điều hành những chiếc xuồng máy đưa chúng tôi lần lượt qua sông. Chúng tôi tận dụng thêm tất cả thuyền máy, và luôn cả ghe thuyền trên sông để làm phương tiện vượt sông Hàn.

Tôi gọi Trung tá Tùng;

- Thái Dương đây Tân An.

- Nghe Tân An tốt, tới đâu rồi?

- Trình Đại Bàng chúng tôi tới được bên này sông Hàn.

- Tốt, anh có gặp một tiểu đội của Hà Nội (danh xưng của Thiếu tá Hợp) đón ở đó không?

- Không.

Tôi nghe tiếng nói của anh Tùng trong ống liên hợp và chiếc loa nhỏ gắn trên máy PRC25 không được rõ ràng, lẫn lộn với một loại âm thanh thực quen thuộc - hình như tiếng cánh quạt của trực thăng hay tiếng sóng biển vỗ vào mạn tàu.

- Thái Dương đang ở đâu, trên máy bay hay tàu thủy?

- Sao Tân An lại hỏi vậy?

- Vì tôi nghe có tiếng quạt đập gió hay tiếng oằm oặp của sóng.

- Không tàu cũng chẳng máy bay, đó là tiếng sóng vỗ bên bờ biển.

Tôi nghe tiếng la rất lớn cuả Trung tá Phúc:

- Cho Tân An ngay tần số của Hợp và Hợp có bổn phận đón Tiểu đoàn 9.

- OK, OK. Tân an đây Thái Dương - hảy ghi xuống tần số này và liên lạc với Hà Nội, để Hà Nội thu xếp đón Tiểu Đoàn 9 lên tàu..

- Đáp nhận Đại bàng 5.

- Chúc may mắn...

Ầm,.. bỗng tôi nghe trong máy một tiếng nổ rất lớn, cắt ngang tiếng nói của anh Tùng...và chấm dứt cuộc đối thoại.

Đó là lần nói chuyện sau hết của chúng tôi với Trung tá Đỗ hữu Tùng, (trên đọan đường di chuyển từ Đại Lộc đến bờ sông Hàn, thỉnh thoảng Trung tá Phúc cũng có lên tiếng, nhưng rất ít chắc anh qúa bận rộn).

Các anh là những cấp chỉ huy trực tiếp từ ngày đầu tôi về đơn vị (Tiểu Đoàn 5/TQLC với danh hiệu Hắc Long), và cũng là những người Niên trưởng khả kính cùng xuất thân từ trường Mẹ, Trường Võ Bị Đà lạt.

Trong suốt những năm tháng chiến trận, chúng tôi có nhiều thời gian sống gần gũi, tôi cũng đã nhiều lần là thuộc cấp của anh Tùng từ lúc làm Trung đội trưởng thì anh Tùng là Đại đội trưởng. Khi về làm Trưởng ban 3 /LĐ 258, anh Tùng là Lữ Đoàn phó.

Ngoài cuộc sống thứ tự cấp bậc, tôi và anh có nhiều dịp tâm sự về đời sống và gia đình. Nên tuy là Đơn vị trưởng, song anh xử sự với tôi như người anh, nhất là thời gian chúng tôi cùng ở LĐ-258 của Đại tá Ngô văn Định.

Tôi đã liên lạc được với Thiếu tá Trần văn Hợp danh hiệu Hà Nội, Tiểu đoàn trưởng Tiểu Đoàn 2/TQLC, xuất thân từ khóa 19 Đà Lạt.

Anh cho biết hiện anh đang ở trên Đại hạm 810 của Hải quân, chỉ huy toàn bộ TQLC đang ở trên đó, còn người hạm trưởng thì tôi không biết tên nhưng anh Hợp cho biết tần số của máy và danh xưng là Nam Hổ, tôi ghi xuống cẩn thận những chi tiếc này.

Tôi báo cho Tây Đô biết điều này và hẹn với anh Hợp chúng tôi sẽ cố chiến đấu.

Anh Hợp hỏi chúng tôi:

- Liệu được bao lâu, Tân An?

- Có thể 2, 3 ngày hay lâu hơn. Tôi trả lời một cách tin tưởng.

Anh Hợp bảo:

- Cố chiến đấu, chừng 9 giờ tối Clear bãi và pick up.

- OK, cám ơn Hà nội.

Đó là một sự hẹn hò vô cùng quan trọng trong đời tôi, nhưng tiếc thay sự hẹn hò này đã không đến và chẳng bao giờ đến cả.

Chúng tôi đã mất hẳn liên lạc với anh Hợp từ lúc 3 giờ trưa ngày 29 tháng 3 năm 1975.

Sau đó tôi qua tần số của Nam Hổ, nhưng cũng không nhận được một tín hiệu nào cả.

Sự thật, mọi chuyện đã và đang xẩy ra trước mắt, nỗi hy vọng đưa đơn vị lên được con tàu để ra khơi hay tìm một lối thoát nào đó, để đơn vị được vẹn toàn là điều vô tưởng, không thể làm được.

Tôi linh cảm rằng trong tình cảnh này, không còn ai muốn bị ràng buộc bởi cái quyền chỉ huy, lãnh đạo nữa mà có lẽ người ta đang chọn việc đào thoát cho bản thân là chính.

Tôi nghĩ vậy và lấy lại sự bình tỉnh.

Sự bình tỉnh bây giờ là một yếu tố rất cần thiết cho đơn vị. Những nóng giận, lo lắng, căm hờn trong lòng đã chìm xuống bởi vì trước sau rồi cũng chỉ một lần. Tôi đã lựa chọn con đường cho tôi, suốt hơn 7 năm quay cuồng trong chiến trận, từng phút từng giây giữa hiểm nguy chết chóc vây quanh, giờ đây chẳng cần phải nghĩ vẫn vơ cho mất thì giờ.

***

12 giờ trưa ngày 29 tháng 3 năm 1975

Đại đội 4 qua sông trước, Trung úy Quang báo cáo:

- Trình anh Ba không có một đơn vị nào đón Tiểu Đoàn mình hết.

Thực ra đến giờ phút này chúng tôi đã cảm thấy thấm thía mọi vấn đề. Tôi bảo Quang cứ tiến quân lên khỏi bờ sông chừng 500 mét và bố trí, chờ chúng tôi qua sông. Trong lúc đó, pháo của Việt cộng điều chỉnh vào vị trí bờ sông tương đối chính xác, những quả đạn pháo kích từ hướng Non Nước rót xuống liên tục. Giữa khoảng trống mênh mông này, có tránh cũng vậy mà không tránh cũng rứa thôi, chỉ làm rối loạn thêm hàng ngũ.

Anh Thạnh qua sông trước và ngồi chờ chúng tôi.

Tôi vừa lên bờ, anh nói :

- Tân An, không có ai ở đây hết. Anh hãy gọi Lộc cho biết đã tới đâu và tình hình như thế nào?

- Vâng.

Anh Lộc gọi cho biết:

- Vừa tới bờ sông với Đại đội 3 đang cho bố trí, địch quân lợi dụng vào dân chúng để tấn công vào đằng sau, chúng tôi không thể qua sông được.

- Thẩm quyền cho củng cố vị trí và phản công, không cần qua sông vội, bên này chúng đang pháo kích.

- Đáp nhận Tân An.

Lần lượt Đại đội 4, 1, 2 và BCH Tiểu Đoàn đã qua sông.

Từ bến sông vừa lên tới lộ nhựa, chúng tôi thấy ngay cảnh hỗn loạn của một số binh sĩ của Đại đội 4 đang chạy ngược trở lại, trên đầu không nón sắt, vai không balô.

Trung úy Quang cho biết phía trước địch quân pháo kích dữ dội, dân chúng cùng một số đơn vị khác đang chạy hỗn loạn.

Tôi bảo Quang :

- Chấn chỉnh ngay hàng ngũ, không được tán loạn, cho dàn phòng tuyến rộng về bên kia đường, bố trí mặt Đông và Nam.

Anh Thạnh và tôi hội ý:

1- Kể từ giờ phút này không còn trông chờ vào một sự tiếp ứng nào khác.

2- Tìm một vị trí tốt phòng ngự để bảo toàn đơn vị.

3- Thiếu tá Lộc và Trung úy Ba, lo điều động Đại đội 3

Thực sự, trên khắp đất nước từ biển đến núi và những vùng quê xa xôi hẽo lánh, cho đến miền đầm lầy tận cùng Cà Mâu, Năm Căn … gần như bước chân chúng tôi không thiếu nơi nào, nhìn vào tấm bản đồ thành phố, chúng tôi cảm thấy xa lạ bởi chiến trận thực hiếm khi xảy ra tại nơi thành thị như lần này.

Sau khi định hướng và xác định điểm đứng, chúng tôi đồng ý kéo quân lên phía Bắc của phi trường Non Nước, ở đó có nhiều khu nhà đồ sộ, cạnh bờ biển.

- Phương Dung đây Tân An.

- Phương Dung nghe anh Ba.

- Phương Dung kiểm điểm con cái xong, cho di chuyển tới điểm X, bố trí, mặt quay ra biển hướng Đông. Hãy báo cáo cho biết khi bắt đầu di chuyển.

- Đáp nhận.

Sau khi chấn chỉnh đội hình một cách nhanh chóng, Đại đội của Phán bắt đầu di chuyển, kế tiếp tới Đại đội 1 của Trung úy Công, BCH/TĐ và Đại đội 4 của Trung uý Quang bao chót. Khi tới nơi, chúng tôi mới biết đây là khu Chủng viện Thiên Chúa và những nhà nuôi trẻ em rộng lớn.

Chủng viện Sơn Trà là 1 khu kiến trúc đồ sộ, có khoảng 4, 5 dãy nhà lầu liên tục, nằm thành hình chữ nhật chung quanh có hàng rào cao, cột đúc kiên cố, căng lưới chống B40. Trong thế trận cấp bách như hiện tại, không thể nào tìm được một vị trí tốt hơn được. Phía Đông quay ra bãi biển, cách bờ nước chừng 200 mét, phía Nam là khoảng trống mênh mông tiếp giáp với phi trường Non Nước, phía Bắc là khu dân cư chài lưới, công sở đằng xa về phía Tây.
Toàn bộ khu vực là đất pha cát, việc đào hầm hố và giao thông hào tương đối dễ dàng mau lẹ với xạ trường rất lý tưởng.

Thiếu tá Thạnh đồng ý tổ chức phòng ngự trên vị trí này.

Hệ thống phòng thủ như sau :

1- Đại đội 2: Phòng thủ phía bãi tắm, quay mặt về biển Đông, quan sát tàu bè.

2- Đại đội 1 và 4 lập thành hình chữ L quay về phía Nam và Tây.


Chúng tôi dự tính: phía Nam và Tây sẽ phải đối đầu chính diện với địch.

- Chúng tôi vừa tiếp nhận một số quân nhân của Tiểu Đoàn 6/TQLC do Đại úy Hồ ngọc Hoàng dẫn đầu. Tôi sắp xếp để toán quân của anh Hoàng tạm phòng thủ về mặt Bắc.

Riêng Đại đội 3 của Trung úy Trương văn Ba (chúng tôi gọi đùa là Ba Gà) và Thiếu tá Tiểu Đoàn phó Lê văn Lộc bị kẹt bên kia sông Hàn, không thể qua được.

Trong những giây phút sau cùng anh Lộc và Ba đã cho chúng tôi biết rằng Đại đội 3 đang phòng thủ bên bờ sông thì địch tấn công và pháo kích dữ dội.
Anh Lộc bảo:

- Nằm ở đây chỉ làm bia cho chúng bắn và pháo, lưng dựa vào bờ sông kẹt qúa ...

Anh Thạnh cho lệnh:

- Lộc và Ba tự lo liệu lấy, cố gắng chiếm vị trí tốt để giảm thiểu thiệt hại cho đơn vị.

Chừng nữa giờ sau, anh Lộc đã gọi tôi:

- Tân An đây Lộc Ninh.

- Nghe thẩm quyền.

- Chúng tôi đang lui dần về phía cầu De Lattre, không thể tiến được nữa vì bị những con sông nhỏ, không qua được.

- Tân An, Tân an ...

Tôi nghe những tiếng kêu la vội vàng trên máy và từ đó mất liên lạc với cánh quân này.

(Sau này, khi các anh được địch thả ra từ Trung tâm huấn luyện Hòa Cầm, tôi gặp lại anh Lộc và Ba. Các anh đã kể lại cho tôi nghe những biến cố xảy ra trong ngày hôm đó như sau: Đại đội 3 không thể chịu nổi sức tấn công của địch vì tuyến phòng thủ tạm thời của Đại đội quá chênh vênh không thế dựa, lại nữa pháo của địch rót xuống liên tục trong khi đó binh sĩ không nơi trú ẩn tránh pháo kích, các anh đã cho lệnh rút dọc theo bờ sông về hướng Đông, phía cầu De Lattre, nhưng kẹt phải mấy con sông, một số binh sĩ đã chết đuối. Cuối cùng, Đại đội 3 đã tan hàng).

Tại Chủng viện Sơn Trà, các Đại đội đã thiết lập xong hệ thống phòng thủ. Chúng tôi cảm thấy rất vừa ý sau khi đi kiểm soát một vòng chung quanh.
Có lẽ đây là một vị trí chiến đấu lý tưởng.

Chúng tôi đã chọn sẵn sàng cho mình một trận địa để sửa soạn cho một cuộc chiến đấu cuối cùng của những người lính trận.

Là cấp chỉ huy, chúng tôi thừa biết rằng từ giây phút này tứ bề là địch, cuộc chiến đấu của chúng tôi sẽ là đơn độc, tuyến phòng thủ không đường triệt thoái, không có bất cứ một sự tiếp ứng hoặc yểm trợ hỏa lực nào của các lực lượng bạn. Chúng tôi sẽ phải chiến đấu cho đến khi bị tiêu diệt.

Có một điều chắc chắn rằng địch cũng sẽ phải trả một giá rất đắt khi chúng tôi còn hơi thở và ý chí chiến đấu.

Ban Chỉ Huy ngồi rải rác chung quanh, tôi ngồi trên bậc cấp cuối của Chủng viện, còn anh Thạnh tựa lưng vào chiếc cột đúc nghỉ ngơi.

Thói quen trong những giây phút gay go chỉ có khói thuốc làm cho tâm trí tỉnh táo và sáng suốt ra; hai chúng tôi ngồi hút thuốc liên tục.

- Thưa Đại úy, có Bác sĩ Túy xin trình diện.

Tôi quay lại nhìn người lính truyền tin, Hoàng quay mặt về phía cổng vào, tôi nhìn theo thấy BS Túy đang đứng ở đó, tôi đưa tay ra hiệu cho anh tiến về phía chúng tôi:

- Thiếu tá, có BS Túy muốn xin trình diện.

Anh Thạnh gật đầu, tôi chỉ BS Túy lại trình diện Thiếu tá Tiểu Đoàn trưởng.

Bác sĩ Túy, người Bác sĩ quân y mới thuyên chuyển về Tiểu đoàn được hơn 1 tháng, dáng anh nhỏ và hiền lành, ít nói. Anh có vẻ khép nép, chậm chạp tới trước mặt anh Thạnh đưa tay chào và trình bày hoàn cảnh của anh:

"Quê anh ở quận Duy Xuyên. Anh có người mẹ già, vợ và hai đứa con nhỏ, không biết bây giờ gia đình ra sao và lưu lạc về đâu. Anh vô cùng lo lắng và muốn xin phép chúng tôi được trở về quê tìm me, vợ và các con".

Nhìn cảnh hỗn loạn của dân chúng từ những ngày trước còn ở Đại Lộc, cũng như trên trục tiến quân cho đến hôm nay chúng tôi đã hiểu rất rõ tâm trạng vô cùng hoang mang, đau khổ của thuộc cấp. Chúng tôi rất thông cảm hoàn cảnh của họ, nhất là dối với những người có gia đình, cha mẹ, vợ con, anh chị em ở vùng này.

Không, chúng tôi không trách gì BS Túy, không trách anh thiếu tinh thần trách nhiệm, bởi vì những người đáng lẽ có trách nhiệm hơn anh, trách nhiệm to lớn hơn anh cũng đã im hơi lặng tiếng trốn chạy, bỏ lại những đại đơn vị to lớn cấp Quân đoàn, Sư đoàn, không chút tiếc thương, không xấu hổ, ngại ngùng, huống gì anh.

Tuy nhiên chúng tôi cũng không muốn hình ảnh của anh có thể gây nguy hiểm cho đơn vị trong giờ phút hiện tại, nên tôi nói với anh Thạnh:
- Chấp nhận đi Thiếu tá,

Anh Thạnh bảo với BS Túy :

- Tùy anh.

Nhưng BS Túy lộ vẻ sợ hải, vì có thể anh đang mang mặc cảm phạm tội qúa lớn, tội này có thể bị bắn bỏ ngay ngoài mặt trận. BS Túy cúi nhìn xuống đất.
Tôi biết rất rõ về người Tiểu Đoàn trưởng của chúng tôi. Sau dáng mặt lạnh lùng đó, anh rất hiền lành và nhân đạo, đôi khi vì giầu tình cảm khiến anh trở nên yếu đuối.

Tôi biết trong phút giây này anh Thạnh đang có quá nhiều âu lo, buồn phiền.

Tôi quay lại nói với BS Túy :

- Anh Túy cứ yên tâm đi đi, hãy cẩn thận khi ra khỏi hàng rào, ngoài đó là chỗ loạn quân, hỗn quan. Chúng tôi mong anh tìm lại được gia đình.
BS Túy chào anh Thạnh và tôi cùng giã từ những người đồng đội quân y và anh đi về phía khu làng chài lưới. Từ đó chúng tôi không bao giờ còn gặp lại người đồng đội đó nữa.

Anh Thạnh ngồi xuống bậc cấp và đưa tay nắm dây 3 chạc của tôi kéo xuống ngồi bên cạnh anh và móc gói thuốc mời tôi và nói nhỏ:

- Bây giờ trong đơn vị mình đa số là người miền Nam, họ có gia đình ở trong Nam, còn một số anh em miền Trung cũng tội nghiệp như BS Túy. Chúng ta có nên gọi họ lên đây để nói như đã nói với BS Túy không Tân An?

- Thiếu tá nói cũng đúng. Trận đánh sắp tới đây đương nhiên là một mất một còn, có thêm một số anh em hy sinh nữa cũng vậy thôi. Theo tôi cho tập họp tất cả Đại đội trưởng, Trung đội trưởng, Tiểu đội trưởng, chúng ta ra lệnh và các anh ấy về phổ biến lại.

- Đồng ý. Anh Thạnh gật đầu.

Tôi gọi Trung úy Sơn, người Sĩ quan phụ tá :

- Sơn cho gọi toàn thể các cấp từ Tiểu đội trưởng đến Đại đội trưởng lên họp khẩn cấp; giao tuyến phòng thủ cho các cấp phó, hãy cẩn thận.

Trung úy Phán tập họp các cấp cán bộ, trình diện lên tôi.

Sau khi kiểm soát lại xong xuôi tôi trình diện cho anh Thạnh.

Anh Thạnh đứng trên bậc cấp của Chủng viện, anh cúi đầu thực lâu, hai vai anh rung lên.

Cuối cùng anh ngẫng lên nhưng anh không nói được.

Sự tủi nhục và đau đớn làm anh uất nghẹn, anh cố nuốt xuống, nhưng trên đôi mắt đã tràn đầy nước mắt, anh bước thật nhanh về phía cột trụ và úp mặt lên hai bàn tay, anh lắc đầu, giọng nói đầy nước mắt :

- Tân An, tôi không nói được.

Toàn thân tôi rung động, những cảm giác chai lì của chiến trận bổng phút chốc tan biến. Đầu óc tôi thực mơ hồ và bồng bềnh, tôi nghiến chặt hàm răng, cố nuốt những giọt nước thật mặn chạy xuôi về sâu trong lòng. Tôi bước tới trước hàng hiên, ngẫng đầu lên thật cao, vì tôi biết rằng khi tôi cúi thấp xuống, tôi sẽ không dấu được những giòng nước mắt đau đớn như anh Thạnh. Hơn nữa Tiểu đoàn này là đứa con do chính chúng tôi đã cưu mang từ ngày 20 tháng 4 năm 1970, từ ngày thành lập cho đến hôm nay vừa đúng 5 năm.

Tôi hít một hơi dài và nói lớn :

- Tất cả anh em Sĩ quan, Hạ sĩ quan và Binh sĩ nghe đây, chúng tôi không còn dấu diếm bất cứ một điều gì nữa. Từ Đà Nẵng đến Quảng Trị tất cả mọi đơn vị đã tan hàng, Tiểu Đoàn 9 TQLC chúng ta là đơn vị duy nhất còn lại, và trận đánh sắp tới đây là trận tử chiến, chẳng thể lùi bước để về đâu được nữa. Do đó, nhờ các bạn về thông báo lại cho tất cả anh em binh sĩ, ai muốn tình nguyện chiến đấu hãy ở lại, còn ai muốn về với gia đình, không chiến đấu cứ yên tâm rời khỏi nơi này chúng tôi không ép buộc. Riêng bản thân chúng tôi quyết ở lại chiến đấu, sống chết với Tiểu Đoàn 9 TQLC đến phút cuối cùng.

Tôi cố nói tiếp để khỏi bị xúc động khi ngừng lại:

- Bảo anh em trung đội quân y chia riêng cho mỗi cá nhân một bịch nylon trong đó gồm thuốc đau đầu, đau bụng, thuốc sốt rét, băng cá nhân, băng keo …cùng những thứ nào các bạn thấy cần thiết cho anh em binh sĩ trong khi thoát hiểm mưu sinh.

Cuối cùng tôi hét lên:

- Hết!

Tôi định quay mặt đi nhưng Phán mập đã tiến tới trước tôi, anh đưa tay gỡ chiếc kính cận, cũng như tôi, nước mắt anh đã đong đầy trên mắt kiếng, anh chỉ nói được vài tiếng nho nhỏ:

- Anh Ba, anh Ba! và anh quay lại hàng quân đưa cao tay hô lớn:

- Tiểu đoàn 9 quyết tử thủ!

Và tất cả anh em la lớn:

- Chúng tôi quyết tâm ở lại chiến đấu.

- Thôi cho anh em trở về lo tuyến phòng thủ và sửa soạn tất cả mọi chuyện chúng tôi đã căn dặn.

BCH/Tiểu đoàn di chuyển lên lầu 1 để dễ quan sát và điều động các đơn vị chiến đấu. Ban lệnh cho mọi người ăn cơm, nước cho mau để còn sẵn sàng đối phó với đợt tấn công của địch.

***
2giờ 40 ngày 29 tháng 3 năm 1975


Từ Đại đội 1, Trung úy Công báo cáo về Tiểu Đoàn :

- Xa xa về hướng phi trường chiến xa địch xuất hiện cùng với cờ mặt trận giải phóng.

Từ Đại đội 4 Trung úy Quang cũng cho biết:

- Thiết giáp địch đang tiến về phía chúng ta.

Anh Thạnh cầm máy nghe và bảo tôi:

- Tân An lên lầu quan sát thử coi.

Tôi nắm cây XM.16 và dẫn theo một người lính truyền tin đi thẳng lên sân thượng của chủng viện rộng lớn để quan sát rõ hơn.

Đưa ống nhòm về hướng phi trường những cuộn bụi và khói kẻ thành từng hàng bốc lên cao, đoàn thiết giáp địch chừng 5, 6 chiếc giăng hàng ngang chậm chạp tiến về phía chúng tôi. Tôi cười thầm trong bụng: “Cuối cùng thì chúng mày cũng tới”.

Chưa bao giờ tôi thấy vui và tỉnh táo như lúc này.

Nhìn vòng tuyến phòng thủ từ trên cao thật vững vàng, tôi yên tâm xuống gặp anh Thạnh, anh Thạnh hỏi:

- Tân An thấy sao?

- Trình Đại Bàng chiến xa địch có treo cờ mặt trận đang tiến về phía chúng ta, không còn xa .

Anh Thạnh gọi cho các Đại đội sẵn sàng chiến đấu.

Tôi vui vẻ thấy dáng mặt nghiêm trang của anh có chút ít xúc động.

Có lẽ từ ngày về làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 9/TQLC đây là trận đánh đầu tiên của anh. Nhưng chúng tôi không ngờ đó cũng là trận chiến sau cùng của anh Thạnh trong chiến trận. Anh đứng lên, tay nắm cây súng phóng lựu M.79 đi tới đi lui trong phòng; các đại đội 4, và 1 báo cáo về tới tấp.

Tôi bảo:

- Vững tâm, thấy VC thì nhắm bắn từng đứa cho chính xác. Còn thiết giáp tới gần dưới 50 mét ống phóng hỏa tiển và đại bác lo liệu. Chúng khó có thể xông vào đây được.

Thực ra, tôi cũng như anh Thạnh, chúng tôi có cùng cảm giác và sự nghĩ ngợi. Trong những giây phút ngắn ngủi đó, biết bao ý niệm phức tạp dấy lên trong đầu về đơn vị, gia đình, người thân và người yêu, nhưng rồi cuối cùng cũng chẳng giải quyết được gì.

Cuộc chơi nào rồi cũng đến lúc kết thúc, kết thúc bất cứ bằng cách nào. Có lúc tôi và anh Thạnh nhìn nhau cùng cười, cái cười thú vị của những con người đã chai lì đang tìm ra được một lối đi, một cái cười chấp nhận.

***

3 giờ 15 ngày 29 tháng 3 năm 1975

Những loạt đạn nổ đầu tiên khai mào trận đánh, những loạt đạn địch bay qua lưới sắt đục lỗ lên tường, kẽ những vạch vô hình trong không khí, những quả đại bác phóng đi từ thiết giáp nổ ầm ầm chung quanh, như pháo tết. Ngoài tuyến phòng thủ bắt đầu chống trả.

Chung quanh tôi vang dội những tiếng reo hò trên trận tuyến, tiếng reo hò qua những chiếc loa máy truyền tin PRC-25, cùng với tiếng la hét của những người dân vô tội với vô số trẻ con đang kẹt trong chủng viện vì những trái đạn lớn rơi và nổ ngay giữa sân chủng viện.

Chính những tiếng khóc, tiếng réo gọi nhau thất thanh, chính những âm thanh này đã khiến chúng tôi nao núng.

Trên trận tuyến với khả năng chiến đấu của đơn vị, tôi nghĩ có thể giữ nổi, dù rằng không thể được lâu dài, nhưng ít ra cũng được vài ba ngày.

Từ lúc đó, đạn pháo cỡ lớn, đổ xuống sân Chủng viện dày đặc hơn. Sau những tiếng nổ long trời lở đất là tiếng la hét và khóc thét của đàn bà và trẻ con, tôi vội phóng lên sân thượng, nhìn tình hình chung quanh thầm nhủ: “không sao hết, chúng mày còn lâu mới chiếm được”.

Thỉnh thoảng hai Đại đội trưởng Công và Quang báo cáo. Cuộc chiến đấu vẫn tốt đẹp. Những đợt tấn công của bộ binh địch bị đẩy lui dễ dàng, trên bãi cát mênh mông, những xác người gục ngã và chưa có một chiến xa nào của địch xông vào được ngoại trừ vài chiếc đã bốc cháy, bốc khói đen mù mịt vì đạn M72 và đại bác của ta.

Trận đánh tiếp tục, đạn pháo binh và đạn đại bác từ chiến xa dập vào càng lúc càng dày đặc hơn, tiếng la khóc vang trời từ dưới những căn nhà đồ sộ của Chủng viện.

Người truyền tin đưa máy cho tôi và bảo:

- Anh Ba, Trung úy Phán muốn gặp.

- Phương Dung, Tân An nghe đây .

- Trình anh Ba, có 2 chiếc tàu lớn xuất hiện ngoài khơi, anh Ba có thấy không?

Tôi bảo Phán chờ, tôi đi về cuối hành lang của dãy lầu, qua khoảng trống nhìn ra biển đông mênh mông tận chân trời, trên cái mặt thảm phẳng mà xanh đó, tôi thấy có 2 chấm đen xuất hiện tận chân trời, tôi bảo người lính cho tôi cái ống nhòm, tôi nói nhỏ: “Đúng 2 chiếc tàu có lẽ đang di chuyển về hướng chúng tôi.”
- Phương Dung đây Tân An, đúng là 2 chiếc tàu lớn.

- Anh Ba có cho lệnh gì không ?

- Chờ đó!

Tôi trở lại căn phòng chỉ huy, hỏi ý kiến anh Thạnh, anh Thạnh xúc động mạnh, anh nói với tôi:

- Anh cứ nói với Phán quan sát và theo dõi kỹ lưỡng và báo cáo.

- Vâng.

Tôi lập lại với Phán ý kiến của anh Thạnh, sau đó gọi Đại đội 1, 4 cho biết tình hình, Công và Quang đều cười và trả lời dứt khoát:

- Anh Ba yên tâm lớn, mấy con chuột này chưa làm gì được đâu.

Tôi thở dài! Không biết trong giây phút này Công và Quang có hiểu gì về thế trận này không? Ôi thực buồn lòng, những người chiến hữu thuộc cấp cũng là những thằng em thân thương như ruột thịt, họ đã sống với tôi trong chiến trận từ ngày đầu mới ra trường về lập đơn vị cho đến những cuộc vui chơi thâu đêm suốt sáng sau ngày hành quân trở lại phố thị, kéo nhau đi nhảy đầm, nghe nhạc, nhậu nhẹt, chúng tôi quây quần sống với nhau qua hết buồn vui cuộc đời lính trận. Giờ này đây là sự sống và cái chết - niềm mơ ước hay nỗi tuyệt vọng, tất cả đang quay cuồng trước mắt.

Chung quanh đây chẳng còn ai, chẳng còn ai liên lạc với chúng tôi, và có lẽ cũng chẳng còn ai biết được tận miền trung xa xôi này còn có một đơn vị đang cố chiến đấu, dĩ nhiên là tìm cái sống song cũng là cuộc chiến đấu để “định nghĩa” cho người ta hiểu thế nào là trách nhiệm của người lãnh đạo chỉ huy, thế nào là trách nhiệm đối với đất nước và đối với thuộc cấp.

Tôi không hề bi quan, tôi không được bi quan, vì chẳng còn gì nữa để mà bi quan? Sau cơn mưa trời sẽ lại sáng. Nhưng trong tình cảnh này mưa sẽ chẳng bao giờ dứt, khi mà sự chiến đấu của chúng tôi còn tiếp tục - nó chỉ dứt khi con Mãnh Hổ chịu nằm yên, không còn hơi thở.

Thứ chiến đấu của người lính chiến đang làm tròn sứ mạng đối với đất nước. Họ biết một cách chắc chắn rằng không bao giờ và chẳng bao giờ có bổng lộc nào cho cá nhân họ như cấp bậc, chức vụ, thăng thưởng. Họ đang chiến đấu lần cuối cùng với đầy ý nghĩa của một đời làm lính trận....

Tôi cầm ống liên hợp gọi trên tần số mà anh Hợp đã cho:

- Nam Hổ, Nam Hổ đây Tân An.

- Hà Nội đây Tân An.

Chẳng có ai trên tần số này nữa, tại sao? Họ đã đi đâu? Về đâu? Trên mặt biển xanh, hai chiếc tàu lớn dần, cho đến lúc chúng tôi có thể nhìn thấy buồng lái và cột cờ.

Phán mập dồn dập xin lệnh, tình hình trở nên căng thẳng.

Liên tiếp mấy tiếng đồng hồ súng nổ, pháo dập, chiến xa địch tấn công, không làm cho chúng tôi lúng túng. Nhưng bây giờ nhìn thấy hai chiếc tàu này xuất hiện một cách lạ lùng mà mình vẫn không bắt liên lạc được trên máy truyền tin đã khiến đầu óc chúng tôi rối tung.

Anh Thạnh và tôi bàn tính:

- Không lẽ hai chiếc tàu đã bị địch chiếm chạy vào đây dẫn dụ mình?

- Còn nếu sự thực tàu vào đón tại sao lại không liên lạc được?

- Mà lỡ tàu vào đón thiệt và chúng tôi bỏ qua cơ hội này thì tai hại biết chừng nào!

Tôi kiên nhẩn gọi Hà Nội và Nam Hổ thêm mấy lần nữa, nhưng tuyệt nhiên không một tiếng trả lời. Càng về chiều địch quân càng tấn công dữ dội.

Anh Thạnh hỏi tôi:

- Tân An coi được chưa, ra lệnh cho Phán!

Tôi nhìn anh Thạnh và thầm nói với mình:

- “Có bao nhiêu lần như thế này trong cuộc đời chúng ta?”

Tôi nhìn ra hành lang, hai chiếc tàu lớn chỉ còn cách bờ nước chừng gần cây số, tôi nghiến chặc răng và gật đầu đồng ý với anh Thạnh:

- Phương Dung đây Tân An.

- Phương Dung nghe anh Ba.

- Cho con cái chuẩn bị, khi có lệnh sẽ rời Chủng viện và phóng nhanh ra tàu.

- Nhưng còn cái hàng rào vững chắc này thì làm sao?

- Phương Dung cho tất cả binh sĩ leo lên dằn nó xuống. Nghe rõ không?

- Đáp nhận anh Ba !

Và chiếc tàu chỉ còn cách bờ khoảng vài trăm mét, tôi gọi Phương Dung:
- Hạ ngay hàng rào và phóng ra tàu.

- Đáp nhận anh Ba, thi hành ngay.

Từ trên tầng lầu hai của Chủng viện, giữa tiếng đạn pháo của địch, lẫn tiếng reo hò của quân ta, chúng tôi còn nghe một tiếng Ầm...thực lớn, hàng rào của Chủng viện đã bị Đại đội 2 đạp sập. Sự điều động của Phán không còn hiệu quả, binh sĩ di chuyển không còn hàng ngũ, chẳng yểm trợ, thi nhau chạy nhanh về bãi nước.

- Hồng Hà đây Tân An .

- Hồng Hà nghe thẩm quyền.

- Hồng Hà, anh cho con cái xuống tàu.

- Đáp nhận thẩm quyền.

Đại úy Hồ ngọc Hoàng, người niên trưởng khóa 19 Đà lạt - Anh nhanh nhẹn đáp nhận và xua quân về biển nước. (Riêng Hồ ngọc Hoàng thời gian trước khi mất nước anh được thuyên chuyển về Tiểu đoàn 6 với chức vụ Trưởng ban 3. Nhưng tôi không có dịp để hỏi anh tại sao trong những giờ phút sau cùng này anh lại dẫn một toán quân khoảng một Đại đội của TĐ 6 đi về phía phi trường Non Nước. Bất ngờ khi đứng trên sân thượng của Chủng viện Sơn Trà để quan sát, nhìn ra xa tôi thấy một đoàn quân TQLC đang di chuyển, cố liên lạc thì được biết đây là một đon vị của TĐ6/TQLC và người chỉ huy là anh Hoàng, nên tôi gọi anh vào trám vào phòng tuyến phía Bắc, chịu sự chỉ huy của chúng tôi. Chúng tôi cũng không có dịp nói chuyện với nhau, cho đến gần 6 giờ chiều là lệnh cuối cùng mà chúng tôi cho anh. Và cũng từ đây chúng tôi không còn biết anh đã lưu lạc về đâu nữa.

Theo sự nói lại của một số binh sĩ của TĐ 6 thì Anh Hoàng đã chết trên biển khơi khi lội ra tàu. Xin cho tôi có một phút giây tưởng niệm về người Niên trưởng không may mắn này và xin lỗi Niên trưởng).

Đại đội 1, đại đội 4 liên tục gọi về Tiểu đoàn xin lệnh, tôi gọi Công và Quan nghe đầu máy :

- Cho giữ vững phòng tuyến, chờ Đại đội 2 lên tàu xong các anh sẽ có lệnh.
Vì tôi nghĩ cứ cho chạy bừa ra bãi biển thì có thể cuối cùng sự thiệt hại sẽ lớn lao vô cùng:

Thứ 1: Chắc gì những chiếc tàu này đến đón chúng tôi, có thể do địch đánh lừa.

Thứ 2: Khi mà Đại đội 1, 4 đang lâm trận nặng nề; thực vô cùng nguy hiểm khi bỏ tuyến lúc này.

Cùng lúc đó 3, 4 quả đạn lớn bay qua khoảng trống nổ ngay giữa chủng viện, anh Thạnh la lớn:

- Tân An, ra lệnh cho các Đại đội rời khỏi phòng tuyến và chúng ta đi ngay.
Chẳng còn suy nghĩ gì được nữa, tôi ra lệnh:

- Đại đội 1, 4,và Đại đội Chỉ huy bỏ tuyến, phóng nhanh về hướng con tầu.
Trong tình cảnh bối rối đó thực quá sức nguy hiểm, thực tình tôi không hề nghĩ ra có ngày hôm nay: “Chúng ta bỏ tuyến trận ngay giữa thành phố để bỏ chạy”.

Theo anh Thạnh xuống tầng dưới, ngang qua cửa sổ cuối hành lang, tôi nhìn thấy các đại đội vô cùng hỗn lọan phóng nhanh về phía 2 chiếc tàu lớn.
Tôi rất đỗi ngạc nhiên khi chiếc tàu đầu chỉ còn cách bờ chừng hơn 100 mét , tự dưng họ dừng lại và bỏ số de, trong khi trên bờ những binh sĩ TQLC đang chuẩn bị để xuống tàu, thật lạ lùng, tàu càng lúc càng rời ra xa.

Trời chiều đang xuống thấp, giữa cảnh hỗn loạn đó, tôi thấy những người lính TQLC vứt bỏ Balô, súng đạn, lội ra biển, càng lội càng xa tàu vì nó đang rời xa khỏi bờ biển.

Khi xuống tới sân Chủng Viện, tôi và anh Thạnh lạc nhau.

Trên tay tôi còn cây súng XM.16, tôi cũng chạy ra phía biển, những chiếc tàu chỉ còn là những bóng mờ trên mặt biển sẫm tối......
Last edited by thuyduong on Sun Mar 27, 2016 4:08 am, edited 2 times in total.

User avatar
thuyduong
Posts: 447
Joined: Fri Dec 04, 2009 6:41 pm

Post by thuyduong »

Tôi la lớn:

- Đừng, đừng lội theo tàu nữa. Trời ơi, chúng ta đã bị lừa.

Những người lính chạy gần tôi đứng lại ngạc nhiên hỏi:

- Đại úy nói gì? Chúng ta đã bị đánh lừa, tôi đưa tay chỉ về phía Bắc, nơi đó có khoảng 6, 7 chiếc tàu nhỏ mà chúng tôi gọi là Alpha đang đậu cách bờ nước chừng 50 mét. Tôi chỉ cho tất cả anh em còn lại tiến nhanh về bãi biển Mỹ Khê.
Nhưng khi sắp tới vị trí của mấy chiếc Alpha, thì một đơn vị Việt cộng đã phục sẵn ở đó, chúng từ dưới cát đứng lên và chỉa súng vào chúng tôi. Những toán quân phía trước dừng lại vừa nổ súng vừa la lớn: “Việt cộng, Việt cộng!”

Tôi vội vàng quay hướng về phía làng mạc cùng với toán quân còn lại phóng nhanh, vượt qua một khu làng và tiến đến một nghĩa trang (sau này chúng tôi mới biết đây là Nghĩa trang An Hải) rộng mênh mông, nhiều bụi xương rồng, gai góc và nhiều mồ mã xây, nơi đây có thể tổ chức để phòng thủ. Chúng tôi ẩn nấp trong đó, tiếp tục bố trí chiến đấu với số súng đạn còn lại ít ỏi của mình.
Đêm tối phủ xuống thực nhanh trên nghĩa trang, chẳng còn nhìn thấy nhau nữa. Hỏa châu của địch lơ lững trên cao, và những quả đạn súng cối rớt xuống nghĩa trang, chưa có dấu hiệu địch tấn công.

Thất trận, đói khát, mệt mõi và nhất là đau xót ê chề về sự tan rã của đơn vị đã làm tê liệt ý chí trong tôi...

Tôi đã ngủ quên bên một bia mộ.

Thời gian qua không biết bao lâu, tôi nghe bên tai tiếng rì rào nói chuyện, giật mình tôi la lên:

- Chưa đủ hay sao mà còn lớn tiếng dẫn đường cho Việt cộng?

Một người lính bò lại bên tôi thì thầm:

- Đại úy, Đại úy.

- Hoàng hả, chi vậy ?

- Dạ em đây, VC bò vào hỏi bọn em: ”cấp chỉ huy đâu?”, chứ không phải bọn em nói chuyện.

Tôi tỉnh hẳn người sau câu nói của Hoàng, giờ thì tôi đã hiểu rằng tôi đã mất tất cả. Chúng tôi âm thầm vượt qua hàng kẻm gai, lợi dụng những vồng rau lan cao lớn, bò về phía ánh đèn xa xa. Sự trốn chạy kỳ lạ này giống như trò chơi cút bắt của những ngày thơ ấu. Chúng tôi còn lại bốn thầy trò, mò mẫm trong đêm tối trở lại bờ sông Hàn, tới bờ sông nhìn qua bên kia thấy có ánh điện đường, tôi với hai người lính tuột áo quần lội qua sông, còn một người không biết lội ngồi lại bên bờ này giữ quần áo.

Đồng hồ trên tay chỉ 1 giờ sáng, tôi quyết định vượt sông. Khi tới gần bờ bên kia tôi lặn một hơi dài và âm thầm nhú đầu lên mặt nước, bỗng nghe tiếng la lớn của tên VC gác trên cầu:

- Ai đó? Và hắn nổ súng.

Hoàng vội vàng quá nên đã bị lộ, tôi la lớn:

- Trở lại bên kia bờ! Tôi lặn một hơi dài ra tới giữa giòng sông và lội trở lại bờ bên kia.

May mắn không ai bị gì và cũng không thất lạc nhau. Mặc áo quần xong chúng tôi rời khỏi bờ nước tìm đến một căn nhà có đèn còn sáng và gõ cửa xin vào.

Người đàn bà mở cửa, thấy chúng tôi trong quân phục TQLC, bà ta có vẻ sợ hải, tôi hiểu và trình bày ngắn gọn, người đàn bà mời vào, đóng cửa cẩn thận.
Trong nhà có thêm một cô gái chừng 16, 17 tuổi. Họ cho chúng tôi ăn uống, sau đó chúng tôi nhắm mắt trong giấc ngủ chập chờn...

***

9 giờ ngày 30 tháng 3 năm 1975


Từ trong căn nhà qua đêm ngủ đỡ ở An Hải, chúng tôi đi về hướng cầu De Lattre, với ý định trở lại vùng chiến trận hôm qua coi có ai còn nằm ở đó nữa không để yên tâm trước khi từ giã nơi này. Nhưng khi ra khỏi nhà chừng nữa cây số thì một nhóm người khoảng năm sáu đứa trên chiếc xe jeep, dừng lại vội vã trước mặt tôi và những người thuộc cấp. Chúng chỉa súng ngay vào người tôi và bảo đưa tay lên đầu.

Thực lạ lùng, tôi không còn môt chút ý niệm về cái sống và sự chết. Đầu óc tôi như đang vẩn vơ trong giấc mơ, hai chân bước đi nhẹ nhàng như trên sương khói, tôi cứ tiếp tục đi, bên tai hình như tôi còn nghe tiếng la hét:

- Đứng lại, đứng lại, anh có phải đơn vị trưởng không?

Tôi mơ hồ:

- Phải rồi.

Chúng vội vàng có đứa nắm tay định làm dữ. Những người lính của tôi chận lại và xô họ ra:

- Các ông muốn gì cứ nói, đừng đụng tới ông thầy tôi ...

Cuối cùng chúng mời tôi lên xe ...

Lúc đó vào khoảng 9 giờ hơn. Tôi bị bắt.

***

Tôi muốn đi về phía bãi cát dài, nơi cuộc chiến vừa xảy ra hôm qua để một lần được nhìn lại dấu vết sau cùng của một đời chiến trận - và được nhìn ra biển Đông - nơi mà những chiến hữu của tôi đã được chọn lựa để gởi gấm thân xác - và nói với Biển rằng:

Xin cảm ơn, Biển là nơi chốn trong sạch nhất để tiếp nhận các bạn vào cõi Vĩnh Hằng - Hỡi những người con thân yêu đáng trân trọng của Tổ Quốc Việt Nam.

Mũ Xanh Đoàn Văn Tịnh

nguyenthanh
Posts: 859
Joined: Fri Jan 06, 2012 5:40 pm

Post by nguyenthanh »

Mấy đoạn đường đời. Bài viết sau đây là tự truyện về gia đình người chỉ huy phó Quân Y Viện Đoàn Mạnh Hoạch tại Phan Thiết sau biến cố 30 Tháng Tư. Tác giả bài viết là một cô giáo, người vợ tù, một mình nuôi con. Sau nhiều năm cơ cực, gia đình định cư tại Hoa Kỳ theo diện H.O. và đây là bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà.

Bây giờ ở Mỹ đang mùa Xuân. Đi đâu tôi cũng gặp hoa muôn màu muôn sắc rực rỡ, chim chóc hót líu lo, gió mát nhẹ nhàng thổi.

Hôm nay tháng tư lại về. Tôi thấy lòng mình chùng xuống khi nhớ lại những ngày sau 30-4-75. Hồi đó, khi còn ở Việt Nam, tôi đã khóc biết bao mỗi khi tháng tư về. Bây giờ hình như không còn nước mắt để khóc nữa, nhưng vết thương lòng qua bao nhiêu năm tháng vẫn chưa lành.

Tôi nhớ sư bà Huyền Không ở Phan Thiết đã từng nói với tôi: "Bao nhiêu đau khổ vây quyện đời con, nhưng dù hòan cảnh nào, con vẫn là một người vợ hiền, một người mẹ tốt nghe con."

Đời tôi, nhờ niềm tin tôn giáo, nhờ Ơn Trên che chở mà tồn tại đến ngày hôm nay. Thuở nhỏ tôi là con bé yếu đuối, đau ốm liên miên, mấy lần suýt chết đuối trên sông Hương, mấy ai ngờ có ngày oằn vai "gánh" cả một gia đình sáu người, rồi cuối cùng vượt đại dương đến Mỹ để sống những ngày cuối đời nơi đất khách quê người nhưng lại đậm tình đậm nghĩa.

1. Những ngày trước 30-4-75

Lúc đó, gia đình chúng tôi ở Phan Thiết, trong khu trại gia binh. Tình hình chiến tranh sôi sục, nhất là những ngày đầu tháng tư. Mỗi ngày tôi hồi hộp theo dõi tin tức thời sự qua đài BBC, hãi hùng với tiếng súng ầm ầm từ những cuộc giao tranh. Ông Chỉ Huy Trưởng Quân Y Viện đã lặng lẽ bỏ đi, để lại cho ông xã tôi, Chỉ Huy Phó, một mình vừa cứu thương, vừa điều khiển Quân Y Viện. Tôi hoang mang, lo sợ.

Để rảnh tay lo việc công, anh ấy cho năm mẹ con tôi di chuyển vào Sài Gòn trước ở tạm nhà người bà con. Tôi hồi hộp trông tin anh từng ngày, từng giờ mà không biết hỏi ai, chỉ biết cầu nguyện Phật Trời che chở. Tôi cứ băn khoăn lo lắng không biết rồi vợ chồng còn gặp nhau không. Thôi thì phó mặt cho số phận đẩy đưa.
Ông xã tôi là người lúc nào cũng hết lòng về công vụ. Hồi mới ra trường, anh đổi ra làm việc ở Quảng Trị. Gặp trận Hạ Lào, anh ấy mỗi ngày phải thường trực giải phẫu 24/24 để cứu thương bệnh binh. Lúc đổi về Quân Y Viện Đoàn Mạnh Hoạch, Phan Thiết, anh vẫn một lòng tận tụy với nhiệm vụ. Anh không mở phòng mạch tư kiếm thêm tiền, không lươn lẹo ăn bớt thuốc men trong Quân Y Viện. Do đó anh rất được quân nhân các cấp trong QYV thương yêu quý mến.

Sau khi tôi và các con đi rồi, biết tỉnh Bình Thuận sắp thất thủ, anh ấy lo di tản các thương binh còn nằm ở Quân Y Viện vào Vũng Tàu. Vì mặt sau của Quân Y Viện là biển, và lúc bấy giờ các tàu Hải Quân VNCH còn khá nhiều, nên việc di tản được suông sẻ. Đến lúc tỉnh Bình Thuận bị lọt vào tay Cộng quân (19-4-75) thì ông xã tôi mới theo tàu Hải Quân vào Sài Gòn.
Chúng tôi gặp lại nhau. Chỗ ở trọ không tiện chút nào. Người bà con có nuôi hai con chó. Đêm nào chúng cũng leo lên chỗ chúng tôi nằm (vì giành giường của tụi nó) gây tiếng động ầm ĩ, chẳng ai ngủ được. Chúng tôi lại đi xin ở nhờ một người bà con khác. Nhà này có ba tầng. Lúc dọn đến chúng tôi được cho ở tầng ba, còn hai tầng kia Mỹ mướn. Ngày hôm sau, chúng tôi được biết có một tàu Mỹ sắp đi Thái Lan. Nếu chúng tôi lanh trí, ngõ lời xin "quá giang" thì chắc được chấp thuận rồi. Một phần vì lòng yêu quê hương, không muốn rời bỏ quê cha đất tổ, một phần vì chưa sống với Việt Cộng và cũng chủ quan anh ấy thuộc ngành y đâu có tội lỗi gì nên ở lại. Đời mấy ai học được chữ ngờ! Cũng vì không biết chớp lấy thời cơ đó mà cuộc đời xô đẩy gia đình tôi vào hoàn cảnh oan nghiệt.


2. Thời làm vợ tù

Sau lệnh đầu hàng của vị Tổng Thống ba ngày, chúng tôi trở lại Phan Thiết và rồi tôi trở thành vợ tù.

Tôi bị rơi vào hoàn cảnh một thân một mình nuôi chồng và bốn con còn nhỏ dại, chưa được chuẩn bị để thích ứng với tình huống này! Thời trước 1975, cả hai vợ chồng sống bằng đồng lương ít ỏi của nhà nước. Lương nhà giáo quá khiêm tốn, ai cũng biết rồi. Còn anh ấy là một bác sĩ quân y thanh liêm, tận tâm với trách nhiệm, không mở phòng mạch tư kiếm thêm tiền mà dành hết thời giờ cho công vụ. Do đó, tôi đã phải tiện tặn hết mức để không mang công mắc nợ. Khi anh đi tù tôi không còn chút tiền dư bạc để. Do đó tôi rơi vào hoàn cảnh đôi vai gầy guộc, ốm yếu của tôi gánh hai gánh nặng thân tình, ngang ngữa nhau, không thể bỏ gánh nào được cả.

Từ khi Việt Cộng chiếm miền Nam, gia đình chúng tôi không còn được ở trong khu gia binh QYV Đoàn Mạnh Hoạch nữa. Tôi phải xin tá túc nhà ông TTP, cũng là sĩ quan của Quân Y Viện. Khi ông xã tôi vào tù, tôi thấy không thể ở nhà người ta mãi nên tìm cách ra ở riêng. Dốc hết tư trang ngày cưới, tôi mua một miếng đất trên động cát thuộc phường Phú Thủy, Phan Thiết. Nơi đó có sẵn một căn nhà lá lợp tôn, để ngoài giờ đi dạy ở trường cấp 2B (tôi được lưu dụng với đồng lương đủ cho chục ngày chơ!), tôi "lao động sản xuất thêm để tự cứu mình và cứu gia đình.

Các con tôi bị xô vào hoàn cảnh nghèo khó. Nhờ vậy chúng trở nên khôn trước tuổi. Con chị mới 9 tuổi đã biết đi chợ nấu ăn, giặt đồ, dỗ em. Khi nào em khóc (thằng út mới 3 tuổi) thì con chị ra chặt mía, róc, chẻ nhỏ rồi đút cho em ăn. Thằng em trai kế nó, mới 8 tuổi cũng đã biết cùng với mẹ đi xin phân heo, cuốc đất, tưới nước để trồng khoai lang, khoai mì, biết xắt lát củ khoai phơi khô để dành thăm nuôi cha nó, biết cất lại một phần khoai để ăn độn với gaọ cho đỡ đói, vì gạo tiêu chuẩn có bao giờ ăn đủ cho 5 người! Hình ảnh đáng thương nhất là con bé H. L. 5 tuổi ngồi đưa võng cho thằng em 3 tuổi, vừa đưa vừa hát à... ơi nghe đau lòng đứt ruột! Khi trái chùm ruột chín, con bé tự ý giã muối ớt, đựng chùm ruột trong chiếc rỗ nhỏ, rồi đem ra đầu hẻm nhà mình mời các bạn nhỏ trong xóm mua.

Tội nghiệp các con tôi! Các con tôi cũng đói lắm, cũng thèm nhâm nhi chùm ruột với muối ớt lắm, vậy mà... Có người mẹ nào tim không quặn thắt, ruột không đứt từng khúc từng đoạn trước những tình cảnh này!

Cuộc sống của 5 mẹ con tôi trong căn nhà lá ấy, không sao kể xiết nỗi thống khổ, vất vả và đói khát. Tôi nhớ một câu văn của Thạch Lam: "Đói như cào ruột, đói như chưa từng thấy bao giờ." Bây giờ thì tôi đã có kinh nghiệm xương máu cái nghèo, cái đói đây! Nghèo đến nỗi khi đổi tiền, tôi không đủ tiền để đổi nữa. Học trò hàng xóm tốt bụng đưa tiền nhờ đổi giùm, sau đó tặng cho chút đỉnh gọi là "để cô mua bánh cho mấy em."

Ông xã vào tù rồi, phải mất mấy tháng sau, tôi mới được giấy cho đi thăm nuôi. Đây là lần thăm nuôi đầu tiên. Thời gian thật ngắn, vui thì ít mà xót xa lại nhiều. Tôi cảm xúc viết vài dòng thơ nói lên nỗi bi ai của tôi sau khi về nhà:

Khóc hết nước mắt đêm thâu
Sáng nay tươi tỉnh em vào thăm anh.
Chân em thoăn thoắt, nhanh nhanh,
Quản chi xách nặng, thênh thênh đường dài.
Ra đi định nói bao lời,
Đến khi gặp mặt hỡi ơi nghẹn rồi!
Bàn ngăn hai đứa ai ngồi
Lù lù một đống, muốn sôi gan mình.
Nói qua quýt, chuyện loanh quanh....
"Mấy con sức khỏe?" Băn khoăn hai người...
Còi huýt: "Năm phút rồi thôi!"
Bây giờ đôi ngã, đôi nơi chia lià!


Có dạo đi thăm nuôi ông xã, tôi gởi cho anh ấy mấy đồng để mua đồ ăn thêm. Nhiều tháng sau, lúc ra thăm trở lại, hỏi anh tiền hôm đó có mua được gì không. Anh nói vẫn còn nguyên. Tội nghiệp cho cả gia đình tôi ! Ở ngoài vợ con nhịn đói để nuôi tù, ở trong nhịn đói vì không nở "nuốt cái đói khát" của vợ con! Còn nỗi chua xót, đau đớn nào cho tôi hơn nữa!!!

Ở tù được hai năm rưỡi thì anh ấy được thả về. Thôi thì hết làm thợ mộc, thợ nề, lại đi bốc, đi vác... khi áo blouse xưa không đươc dùng đến nữa. Được hơn ba tháng thì Ủy Ban Nhân Dân Phường gọi anh ấy đến để "động viên" nhắc nhở "đăng ký" đi kinh tế mới". Anh ấy không chịu, lấy lý do: trong trại cải tạo, anh đã được học tập về đường lối, chính sách của nhà nước là sẽ lưu dụng những thành phần chuyên môn, và anh đang chờ đợi. Không ngờ đó lại là cái cớ để họ bắt anh vào tù lần thứ hai, bị ghép vào tội chống nhà nước. Lần sau này anh bị đưa vào trại biệt giam. Mấy tháng sau họ mới cho thăm nuôi. Khi gặp mặt, tôi thấy anh xanh xao, u buồn. Anh dặn dò: "Lần sau nhớ mua cho anh cây lược dày để chải chí và thuốc Dep để trị ghẻ." Điều kỳ cục là trại này không cho người tù nhận những món như bánh tráng, gạo..., chỉ cho nhận những thứ ăn chơi như: kẹo, bánh, đường, đậu... Lỡ mang đi, bị buộc mang về. Ra về lòng tôi vừa xót xa...

Lão trưởng khóm nơi tôi ở nói với tôi: "Chồng cô sẽ ở tù suốt đời vì tội phản động." Tôi nghe mà bủn rủn tay chân. Thôi chết rồi, biết làm sao đây! Tiếp theo phường lại "động viên" tôi, biểu tôi đi kinh tế mới. Tôi đáp: "Tôi yếu đuối, 4 con còn quá nhỏ, tôi làm được gì nơi đó?" Cũng may, nếu nghe lời họ, bây giờ mấy mẹ con tôi biết còn sống không?

Suốt mấy năm gian khổ, khi không thể cầm cự nỗi nữa (năm 1980) tôi xin thôi việc, bỏ Phan Thiết về Long Xuyên để ở gần cha mẹ tôi. (Lúc bấy giờ ông bà đang sống cùng gia đình người anh của tôi.) Ông xã tôi lúc đó còn trong tù, tôi phó mặc cho Trời, vì tôi không còn sức lực, không còn khả năng đi thăm nuôi nữa.

Trên danh nghĩa, tôi về Long Xuyên để nhờ anh tôi giúp đỡ. Chưa đầy một tháng thì anh ấy đưa toàn gia đình đi vượt biên hết. (Sau này tôi mới biết nhiều lần ông ấy đã đi vượt biên không thoát, nên gợi ý tôi về hòng che mắt công an, phường khóm.) Cha mẹ tôi lúc đó đã già. Anh tôi đi, ông bà mất chỗ dựa, lại thêm địa phương làm khó dễ vì nhà có người vượt biên nên bị khủng hoảng tinh thần, lâu dần sinh bệnh, nhất là mẹ tôi, bà đau ốm liên miên. Cuộc sống ở đây tuy gần cha mẹ tôi, nhưng lúc nào lòng tôi cũng thấp thỏm lo âu, cứ nơm nớp sợ không biết ngày nào người ta sẽ đuổi mình ra khỏi nhà, chừng đó biết đi đâu?

Hơn một năm sau, 1981, thình lình ông xã tôi được thả về. Từ đây, anh đi chích dạo, bán thuốc lá lẻ, bán vé số, làm đủ mọi nghề cho đến ngày nộp đơn đi H.O.

3. Từ giấy ra trại tới cuộc phỏng vấn


Vì bị tù hai lần, ông xã tôi như một con chim bị đạn, cứ lo sợ không biết còn bị bắt lại nữa không. Vì thế, lúc nghe người ta kể về việc nộp hồ sơ đi Hoa Kỳ theo diện H.O., ông xã tôi vô cùng e ngại, lo sợ bị gạt, phải chờ đến khi có người bạn đi trước gởi thư về khuyên nhủ ông mới mạnh dạn làm thủ tục để ra đi.

Giấy ra trại là một vấn đề khiến gia đình tôi không yên tâm chút nào, vì trên giấy ghi rành rành "tội phản động chống chính quyền"! Chúng tôi hỏi thăm nhiều người, không ai có tờ giấy ra trại ghi như thế cả. Chúng tôi cũng được biết chính phủ Mỹ chỉ cho những thành phần quân, cán, chính chế độ cũ ở tù 3 năm trở lên mới được đi định cư ở Mỹ, còn những người chống chính quyền thì không được. Chúng tôi lại hỏi ý kiến bạn bè và được khuyên làm sẵn một tờ tường trình lý do bị tù lần hai. Vậy là có tờ report chuẩn bị cho cuộc phỏng vấn.

Rồi ngày gia đình tôi vào gặp phái đoàn Mỹ cũng tới. Tôi nhận thấy những gia đình H.O. được phỏng vấn trườc, hầu như đều đựơc giải quyết mau lẹ, không như gia đình tôi. Những đêm trước khi phỏng vấn, tôi đã cầu nguyện cho mọi việc suông sẻ. Vậy mà, khi gặp phái đoàn chúng tôi vẫn run, nhất là khi bà Mỹ nêu câu hỏi: "Tại sao anh là bác sĩ mà phải đi cải tạo cả 5 năm rưỡi?" Ông xã tôi khựng lại. Tim tôi đập thình thịch! Lát sau, bình tĩnh lại, tôi nhắc: "Anh, tờ report." chừng đó anh mới sực nhớ ra và đáp: "Xin bà đọc tờ report." Sau khi đọc xong, họ OK liền. Vậy là thoát nạn. Lúc ấy cả nhà tôi như vừa chết đi được sống lại.


4. Thời qua Mỹ

Gia đình tôi đến Hoa Kỳ năm 1992. Riêng tôi, qua năm sau mới được đi vì phải ở lại điều trị bệnh. Lúc mới qua, chồng và các con tôi đều nỗ lực làm việc và học hành. Con gái, con trai đều đổ ra shop may: con trai thỉ ủi đồ và cắt chỉ, con gái lãnh đồ may. Sau một thời gian, con tôi vào Đại học, nay thì đã tốt nghiệp và đi làm. Ông xã tôi, lúc mới qua, tự thấy lớn tuổi rồi, nếu học lại để lấy bằng thì ai thèm mướn nên cũng đành ra shop may lãnh đóng khuy nút một thời gian, sau đó vô làm ở một hãng Mỹ chuyên sản xuất nữ trang cho đến ngày nghỉ hưu.

Riêng tôi, thời gian vất vả trong những tháng năm cũ đã vắt kiệt sức lực của tôi. Tôi chỉ có thể làm những việc lặt vặt trong nhà, chứ không bươn chải nỗi như người khác được.

Đến Hoa kỳ, không ngờ chúng tôi có cơ duyên gặp lại những người bạn VN thân quen gần nửa thế kỷ, thật là vui! Có hai ông bác sĩ người Mỹ là Colman và Denatale cùng làm việc với ông xã tôi hồi ở Quảng Trị, trước mùa hè đỏ lửa, cũng tìm tới tận nhà thăm chúng tôi. Ai dám nói người Mỹ thực dụng, thiếu nghĩa tình? Vài tháng trước đây, cô con gái của ông bác sĩ Krainick từ Ohio cũng gọi phone qua hỏi thăm và nhắc lại những kỷ niệm xưa của cha mình với ông xã tôi. (Bác sĩ Krainick ngày xưa dạy ở Đại Học Y khoa Huế, là thầy của ông xã tôi, bị Việt Cộng sát hại năm Mậu Thân.) Thật là đậm đà tình người!


Đời tôi, những lúc vui buồn đều có bạn bè chia xẻ. Hôm tôi gởi bài viết của H.L., con gái tôi, kể chuyện thời đi bán vé số ở Long Xuyên bị người ta nhiếc mắng, chị LT người bạn thân ở Phan Thiết, từ Michigan gọi qua nói trong nước mắt: "Tội quá! Sao hồi đó em thiếu thốn, khổ cực thê thảm như vậy mà không chịu nói ra. Em làm chị đang ân hận là đã không giúp em!" Tôi đã câm lặng bao nhiêu năm trời để giữ gìn cái danh dự gia đình của tôi: "Đói cho sạch, rách cho thơm." "Hãy đứng trên đôi chân mình và ngững cao đầu tiến bước."

Nhìn lại những chặng đường đã qua, tôi tự thấy mình đã tận lực trong vai trò người mẹ, người vợ của một quân nhân VNCH trước và sau 30-4-75. Đời tôi sống đơn giản, không đua đòi se sua, không xúi giục chồng làm giàu bằng con đường tắt cong queo. Đó là nguyên nhân tôi nhận lãnh những cay đắng của cuộc đời, và những tủi nhục của tình đời. Tuy nhiên, hạnh phúc nào mà không trả giá bằng đau khổ? Nếm đủ cay, chua, mặn, đắng... chỉ làm cho ta cuối cùng thấy hạnh phúc thêm ngọt ngào hơn.


Cám ơn cuộc đời đã cho tôi và gia dình tôi nếm trải qua đủ mùi vị. Cám ơn nước Mỹ đã đưa gia đình tôi qua đây để đựơc sống những ngày an lành, hạnh phúc.


N. K.

nhuvan
Posts: 342
Joined: Sun Mar 27, 2016 8:29 pm

Post by nhuvan »

Image

VIỆT-NAM CỘNG-HÒA MỘT THỜI KHÓ QUÊN

Thanh-Dũng

Ngày 07/04/2016

Quốc gia Việt-Nam Cộng-Hòa, tuy chỉ góp mặt trong khoảng 20 năm ngắn ngủi, đã kịp ghi lại nhiều đóng góp khả quan, hữu ích trong dòng lịch sử Việt. Các chính phủ Việt-Nam Cộng-Hòa gầy dựng được một nền chính trị dân chủ căn bản, theo nguyên tắc tam quyền phân lập, với các cuộc bầu cử tự do được tổ chức thường xuyên. Trong các bài trước, chúng tôi đã thử điểm qua hệ thống giáo dục cầu tiến và các chương trình kinh tế độc đáo của miền Nam.


Còn không ít vẻ đẹp đáng nêu khác về văn hoá, nghệ thuật, thể thao.... khiến không khí Việt-Nam Cộng-Hòa chừng như vẫn phảng phất, dù chiến cuộc đã tàn gần 41 năm rồi. Với không ít người Việt, ở hải ngoại cũng như tại quốc nội, xã hội miền Nam là lý tưởng, là thời điểm vàng son... Nỗi lưu luyến nhẹ nhàng này có thể góp phần khơi gợi tìm hiểu, khám phá lại các giá trị đẹp, những sự thật lịch sử về miền Nam: Việt-Nam Cộng-Hòa.


Về văn hoá, buổi ban đầu có không ít va chạm giữa lớp người Tây học cũ và giới trí thức chịu ảnh hưởng của người Hoa-Kỳ sau này. Chính phủ Đệ Nhất Cộng Hòa, trong bối cảnh giao thời, đã thỏa hiệp cộng tác trao đổi văn hóa 10 năm với Pháp. Song ảnh hưởng của người Pháp mờ nhạt dần bước sang đầu thập niên 1960, lúc miền Nam bắt đầu gởi nhân sự đi huấn luyện ở Hoa-Kỳ, Úc-Đại-Lợi (Australia), Tân-Tây-Lan (New Zealand), và nhiều quốc gia đồng minh khác.


Về ẩm thực, nhiều người Sài-Gòn từng trải qua thời gian trước năm 1975, có lẽ chưa quên các tên tuổi nhà hàng Thanh Bạch có những món ăn Pháp; nhà hàng Maxim với nhạc sĩ Hoàng-Thi-Thơ, nhà hàng nổi Mỹ Cảnh trên bến Bạch Đằng; cơm gà Siu Siu; cơm bà Cả Đọi khu thương xá Tax; bò 7 món Ánh Hồng, Duyên Mai; nghêu đường Nguyễn-Tri-Phương; thạch chè Hiển-Khánh; chè đậu đỏ bánh lọt khu chùa Xá Lợi....


Sau 1975, đa số giới thức giả ở Sài-Gòn lần lượt rủ áo ra đi, mang theo họ cái thú thưởng thức ẩm thực độc đáo ngày nào. Ra ngoại quốc, thiếu thốn nguyên liệu, thêm hoàn cảnh thay đổi, khiến phẩm chất món ăn miền Nam cũng vơi đi ít nhiều.


Còn tại quốc nội, đời sống cơ cực bần hàn kéo dài hằng thập niên có thể cũng làm thay đổi thói quen ẩm thực. Vào thời xương bò hiếm hơn.... sổ gạo, người ta “linh động” dùng bột ngọt để thêm chút đậm đà cho nước phở. Tình trạng xã hội kém dinh dưỡng cũng có thể vô tình khuyến khích khẩu vị chuộng thức ăn nhiều dầu mỡ và đường, mãi rồi nên quen. Điều này giải thích vì sao nhiều người Việt xa quê lâu năm, chưa từng sống qua thời “Thiên đường Chủ nghĩa xã hội”, sau này về thăm cố hương, đôi khi cảm thấy thức ăn thường được nêm nếm hơi.... bị ngọt.


Về con người, miền Nam thời đó cũng lừng danh nhiều mỹ nhân mà tên tuổi còn được nhắc đến tận ngày nay. Thời Đệ Nhất Cộng Hoà, nhan sắc và sự thông minh của phu nhân Ngô-Đình-Nhu vang xa tầm thế giới. Vô số thiếu nữ miền Nam ngưỡng mộ bà, bắt chước kiểu chiếc áo dài cổ thuyền. Bà Nhu còn góp công lớn trong việc xóa bỏ dần các định kiến xã hội xem nhẹ vai trò phụ nữ trong đời sống - vốn đã bén rễ hằng ngàn năm.


Về nghệ thuật, sau này, có người đẹp Bình Dương, Thẩm-Thúy-Hằng. Bà đoạt giải Ảnh - Hậu tại Liên Hoan Phim Á Đông. Như Phim ảnh Đại-Hàn ngày nay, vào những năm 1960 - 1970, họ chưa có nam nữ tài tử nào vang danh châu lục như dàn ngôi sao của nền nghệ thuật thứ bảy tại miền Nam - dẫn đầu với Thẩm-Thuý-Hằng. Trong các tác phẩm điện ảnh vang bóng một thời có “Loan Mắt Nhung” hay “Chiều Kỷ Niệm”....


Kỹ nghệ phim ảnh còn có Kiều-Chinh từng đoạt giải Liên Hoan Điện Ảnh Á Đông (1973), và là một trong những gương mặt Á Đông đầu tiên thành danh trên màn bạc Hollywood, Hoa-Kỳ. Trong thời phồn thịnh của phong trào nhạc trẻ, nữ danh ca Thanh-Lan nổi bật, lừng danh với các ca khúc Pháp chuyển lời Việt, và cũng từng thử tài trên màn bạc.


Giới ghiền xi-nê, phim ảnh có lẽ còn nhiều kỷ niệm đẹp với những rạp hát thời thượng dạo đó. Rạp Rex ở xéo Toà Đô Chính được kể vào hàng sang trọng nhất. Rạp Đại Nam đường Trần-Hưng-Đạo chuyên chiếu những phim mới về. Những địa chỉ đáng kể khác, có rạp Kinh Đô trên đường Lê-Văn-Duyệt; rạp Catinat đường Tự-Do, sau là phòng trà ca nhạc “Đêm Màu Hồng” nơi ban nhạc Phượng Hoàng ra mắt khán giả; rạp Khải Hoàn góc đường Võ-Tánh và Cống-Quỳnh, giá vé phải chăng; rạp Long Phụng đường Gia-Long chuyên chiếu phim... Ấn-Độ; và đặc biệt rạp Aristo đường Lê-Lai, nơi nương náu của đoàn cải lương “Tiếng Chuông Vàng Thủ Đô” di cư từ miền Bắc, với đào chánh Kim-Chung.


Về thói quen di chuyển ở miền Nam trước 1975, các loại xe gắn máy là phương tiện cá nhân được ưa chuộng. Thời cuối 1950, hình ảnh những tà áo dài nữ sinh trên chiếc xe đạp gắn máy hiệu Velo solex từng mê hoặc bao lớp thanh niên. Chiếc xe Mobylette của Pháp cũng rất phổ biến thời hậu thuộc địa, vì dễ xử dụng, với tay gas tự động, lỡ khi hết xăng bất tử, người ta vẫn có thể chuyển sang đạp bộ như xe đạp, thông dụng trong giới sinh viên, học sinh.... Lớp người trung niên, đời sống khá giả, có thể thích chạy các xe sang hơn một chút như Vespa, Lambretta của Ý-Đại-Lợi. Đến giữa thập niên 1960, bắt đầu xuất hiện hai chiếc xe Nhật-Bổn, máy mạnh chạy nhanh xe Honda Dame C50 (phụ nữ) và xe Honda 67 SS 50E (nam giới) độc chiếm thị trường nhiều năm sau đó.


Về ngôn ngữ, có thể là một trong những khía cạnh thâm trầm ý nhị nhất của thời Việt-Nam Cộng-Hòa. Thời gian gần 41 năm trôi qua, có lẽ thời gian đủ dài, để ta nhìn nhận cách xử dụng tiếng Việt của lớp người miền Nam cũ, có phần trong sáng hơn, đơn giản hơn, mà không lộn tùng phèo thành “giản đơn”. Người Việt thời Việt-Nam Cộng-Hòa định danh rõ ràng Phi Hành Đoàn, chẳng sỗ sàng “tổ lái”. Họ suy luận, suy nghĩ chứ không chờ đến lúc “động não”. Họ thoả hiệp tìm cách đồng ý / đồng lòng, để khỏi phải qua “nhất trí”. Khi gấp rút thì họ nhanh lên, không cần “khẩn trương”. Có khi họ hồi hộp vì bị dồn nén, bực tức mà vẫn không đến nỗi “bức xúc”. Họ khen ngợi điều gì nguy nga / tráng lệ, không vơ mọi sự ra “hoành tráng”. Đôi khi họ cũng thẩm vấn / điều tra, thay vì mập mờ “làm việc”. Họ trân trọng nghệ sĩ, chẳng cào bằng “nghệ nhân”. Họ viết gọn gàng lực sĩ, tránh loằng ngoằng “vận động viên”. Họ có Thủy quân lục chiến kiêu hùng, không phải chập chờn loại “lính thủy đánh bộ”....


Các nhóm chữ trong ngoặc kép trở nên phổ biến ở miền Nam từ sau sự bức tử của Việt-Nam Cộng-Hòa. Đa phần có nguồn cơn xuất phát từ kho ngữ vựng thông dụng giữa nội bộ các đảng viên Cộng sản. Sau 1975, đảng Cộng sản Việt-Nam chuyên quyền, khống chế mọi mặt đời sống, kể cả áp đặt.... đảng ngôn của nó. Dần dần, những ngôn từ này - tuy hơi.... nhẹ về số lượng, nhưng lại.... nặng mùi “Đấu tranh giai cấp” - trở thành ngôn ngữ cho cả xã hội. Đây là một trong những lý do chính yếu khiến tiếng Việt mượt mà, phong phú, thanh lịch của miền Nam cũ bị mai một, đến nay hầu như chỉ còn hiện diện tại hải ngoại.


Việt-Nam Cộng-Hòa có thể gọi là một thời khó quên - một loại vũ trụ riêng tư và tha thiết của rất nhiều người. Thời đại đó giúp tạo ra lớp người chính trực, hết lòng phụng sự quốc gia. Điều này phản chiếu qua thực tế, sau khi đại cuộc sụp đổ, phải di tản ra ngoại quốc, chẳng mấy ai đủ tài chính để tiếp tục đời sống sung túc thuở trước. Hầu hết phải bươn chải những ngày chân ướt chân ráo đến xứ người. Không ít các ông Tướng, Tá.... phải làm thợ sơn, có Nghị sĩ bán xăng, nhiều Giáo sư đi bỏ báo, cựu Công chức cắt cỏ để nuôi gia đình.... So sánh với tầng lớp tư bản đảng viên đang “lãnh đạo” nước Việt-Nam ngày nay, sự tương phản có lẽ đã khá rõ ràng.

TuanAnh
Posts: 329
Joined: Sat Jan 30, 2010 3:44 am

Post by TuanAnh »

Image


THĂM ANH Z30C.


Nguyễn Thị Thanh Dương
Xong phần rán mỡ chờ cho mỡ nguội chị Bông đổ cả tóp mỡ và mỡ nước vào lon “guigoz”, chị Bông để yên chảo trên bếp để rang thịt. Đây là món thịt ba rọi rang mặn.

Thế là xong hai món sau cùng để mang đi thăm anh Bông đang tù cải tạo.

Món mỡ nước dùng để xào nấu thì ít mà chủ yếu là món để anh Bông ăn dần. Chỉ cần chút mỡ nước với vài miếng tóp mỡ rắc vào chút muối là trở thành món mặn ngon lành dù ăn với cơm độn hay mì sợi luộc, khoai mì luộc

Thịt ba rọi ướp đủ gia vị tiêu hành muối đường rang mặn thì “cao cấp” hơn lon mỡ nước, trước đó chị Bông đã làm một lọ ruốc to rang rất kỹ để khó bị hư hỏng và một lo muối mè, muối tiêu..

Thằng Bi ngồi xem mẹ làm, nó thèm thuồng đòi ăn thịt, chị Bông đã bảo con:

- Lúc khác nhà mình ăn, thịt này để dành đi thăm bố ngày mai.…

Bí vùng vằng trách mẹ:

- Con mình không cho mà cho người ta.

Chị Bông bật cười trước câu nói của con, bố nó chỉ là “người ta” xa lạ.

Chị đành chịu thua con, lấy cho nó bát cơm với thịt ba rọi rang mặn còn nóng trên bếp dù củi lửa đã tắt.

Chị Bông sinh Bi ngày 13 tháng 8 năm 1975, bố nó không có nhà cho đến ngày hôm nay thì trách gì đứa trẻ lên 5 chẳng thân tình với người cha vắng mặt.mặc dù chị Bông đã nhiều lần kể cho nó nghe về bố, cho nó nhìn những tấm hình cũ của bố nó, nhưng trong đầu óc trẻ thơ thì những hình ảnh ấy cũng xa vời như truyện cố tích.

Ngày 22 tháng 9 năm 1975 cả miền Nam Việt Nam đổi tiền, tiền Việt Nam Cộng Hòa sẽ đổi lấy tiền do ngân hàng Việt Nam phát hành. Thằng Bí mới được một tháng chín ngày tuổi, nó còn bé bỏng qúa chị Bông không thể bế nó theo, phải nhờ một bác hàng xóm trông nó để chị đi đổi tiền.

Chị Bông sống chung với đại gia đình nhà mình, mẹ mất, nhà toàn đàn ông con trai, bố và các cậu em, còn mấy đứa em gái thì nhỏ chẳng biết gì., chẳng ai có thể trông Bí được .

Địa điểm gởi tiền là trụ sở phường gần nhà nên bà hàng xóm đã hai ba lần chạy đến tìm chị Bông và lo lắng:

- Thằng Bi cứ gào khóc tôi dỗ mãi không nín. chỉ sợ nó khóc nhiều qúa…. hết hơi chết mất. Chị về nhà cho nó bú một tí được không? …

Chị Bông vẫn đứng xếp hàng và phải năn nỉ bà hàng xóm một hơi dài :

- Bác ơi, thời gian đổi tiền nhà nước cho có hạn, tiền mình đã ít mà không đổi kịp thì coi như trắng tay lấy gì mà sống. Trẻ con càng khóc càng…nở phổi bác đừng lo, nó lạ người nên khóc chứ không đói sữa đâu., cháu cho nó bú no rồi mới đi mà.

Khi chị Bông đổi tiền xong về đến nhà thằng Bí vẫn còn thỉnh thonảg khóc tức tưởi y như đứa bé bị mẹ bỏ rơi, chị Bông ôm ấp con vào lòng một lát là nó im ngay. Bà hàng xóm phải khen:

- Gớm, thằng con chị Bông mới một tháng tuổi mà khôn lanh qúa. Đúng như chị nói thì ra nó lạ hơi mẹ nên gào khóc phản đối tôi đấy.

Chị Bông vừa nghĩ về con vừa làm tiếp công việc của mình, món thịt rang mặn cũng bỏ vào lon “Guigoz” như món mỡ nước, cái lon “Guigoz” thật tiện lợi, nắp đây kín khó đổ thức ăn ra ngoài. Ấy thế mà có lần chị đã làm. đổ khi đi thăm chồng. lần đầu tiên.

Thời gian đầu sau khi các sĩ quan đi trình diện, nhà nước cho gởi qùa bằng đường bưu điện về một địa chỉ chẳng biết ở nơi đâu ngoài số hòm thư.

Ngày hôm ấy khi ra bưu điện gởi qùa chị Bông đã khóc vì tủi thân, miền Nam thất thủ chồng chị và bao nhiêu người khác thành kẻ tù tội đáng thương, vợ con, cha mẹ, anh em của họ ở cái xã hội chủ nghĩa này bỗng bị mang bản án lý lịch đen tối như đêm ba mươi khó mà ngóc đầu lên nổi.

Sau này chị Bông được biết anh đã ở Long Khánh, rồi đổi về Thành Ông Năm, Hốc Môn thì chị Bông nhận được giấy đi thăm nuôi chồng lần đầu tiên.

Ôi, ngày vui mừng cũng là ngày nước mắt. Khi gặp anh, ngồi cùng anh nơi dãy ghế dài giữa đám đông người cũng thăm nuôi như mình chị Bông đã khóc ngon lành, qúa cảm xúc chị đã luống cuống đánh đổ cả lon “guigoz” mỡ nước, mỡ dây bẩn ra cả quần áo chồng và vợ nhưng chả ai kịp lau chùi kỹ, chỉ lau sơ sơ rồi hối hả nói chuyện tiếp vì sợ hết giờ.

Về đến nhà chị mới tiếc lon mỡ, tự trách mình vụng về làm chồng mất một món ăn

Chị Bông chỉ được thăm chồng một lần ở Thành Ông Năm thì anh lại chuyển trại về Hàm Tân Thuận Hải .

Cứ khỏang chừng một năm chị lại nhận giấy thăm nuôi chồng ở Hàm Tân Thuận Hải. Thế nên dù chưa nhận được giấy phép đi thăm nuôi lần sau chị Bông đã sắm sửa dần dần, chứ mua sắm một lúc thì tiền đâu ra, chị dặn chị Hai Pháo hàng xóm, người chuyên buôn hàng từ Tây Ninh về, khi thì mua ký đường thẻ, đường Thốt Nốt, lúc thì mua cân nếp, đậu xanh,

Mì sợi, bánh mì thì chị Bông phơi khô ở nhà và để dành sẵn nên khi nhận được giấy thăm nuôi là chị Bông đã có đủ cả chưa kể các món hàng từ bên phía nhà chồng gởi cho nên lần nào đi thăm nuôi anh Bông cũng là hai bao tải.như ngươi đi buôn lậu.thời buổi khó khăn.

Ngày mai chị Bông sẽ đi thăm chồng tại trại cải tạo Z30C, Hàm Tân Thuận Hải

Ngày mai chị Bông sẽ cho hai con đi thăm bố, đây là lần đầu tiên Bi được đi.

Tờ mờ sáng 3 mẹ con đã có mặt ở điểm hẹn tại ngã ba Hàng Xanh, nơi chuyến xe than sẽ đón khách toàn là những vợ tù cải tạo đi thăm chồng tại địa điểm Hàm Tân.

Chiếc xe than chạy đi trong sương mờ gió sớm, thằng con lớn ngồi bên cạnh còn thằng Bi ngồi trong lòng mẹ ngủ tiếp. Gió thốc qua lưng chị Bông cảm giác lạnh lùng, nhất là khi xe chạy qua những cánh rừng cao su thăm thẳm. ..

Chị Bông nhìn cảnh bên đường, thỉnh thoảng có những cục than đỏ hồng từ thùng than của xe rơi xuống lăn trên đường như những đốm mắt đỏ trên nẻo đường đi, những đốm mắt đỏ vì thương nhớ và mòn mỏi chờ mong của những người vợ tù đi thăm chồng, của những đứa con thơ ngơ ngác mong người cha trở về...

Trời sáng dần, đến Long Khánh có những vườn chôm chôm chín đỏ bên đường, xe than dừng bánh tại một vườn chôm chôm cho mọi người xuống nghỉ và mua trái cây.

Hành khách xúm xít vào vườn hái chôm chôm hay mua chôm chôm đã hái sẵn bày ngoài bàn bên lề đường.

Hai đứa con chị Bông lần đầu tiên được thấy cây chôm chôm có trái chúng nó thích qúa, thằng anh bảo thằng em:

- Đi thăm bố vui nhỉ Bi

Bi hí hửng nói với mẹ:

- Con thích đi thăm bố để hái chôm chôm mẹ ơi…

Ba mẹ con ôm ba bịch chôm chôm đầy ắp lên xe để tiếp tục cuộc hành trình.

Khi xe đến Hàm Tân tất cả hành khách xuống xe với hành lý của mình. Xe than đi tiếp đến Phan Thiết và sẽ quay lại đón khách vào buổi chiều, đưa khách trả về thành phố Sài Gòn.

Chị Bông đã đi thăm chồng vài lần tại Z30C nên có nhiều kinh nghiệm, chị đã quen con đường từ đây đi bộ vào trại nhưng sẽ gian nan cho hai đứa con, con đường đầy cát bụi , mỗi bước đi là bàn chân chìm trong cát.. Thương con qúa..

Chị trả gía kỳ kèo từng đồng một với đám xe thồ để thuê họ thồ hai bao tải qùa.

Người thồ xe buộc hai bao tải vào hai bên chiếc xe đạp và dắt xe đi theo chị Bông vào trại.

Thằng lớn vừa đi vừa thỉnh thoảng túm áo mẹ vì sợ ngã, chị Bông bế thằng Bi trên tay, mỏi cả tay nhưng chẳng nỡ để thằng bé 5 tuổi phải đi bộ, chỉ thỉnh thoảng cho nó đứng xuống để chị nghỉ tay.. ..

Cổng lán trại hiện ra như cổng thiên đường vì nơi ấy sẽ có niềm vui gặp gỡ cho bao người chờ mong, người trong tù và người đi thăm tù.…

Chị Bông nhìn cây Phượng non nơi cổng trại, cây Phượng cao mới hơn đầu người, lá xòe ra xinh đẹp xanh tươi đu đưa thật hồn nhiên trong gió. .

Sau khi trình giấy tờ nơi cổng trại mẹ con chị Bông lê lết kéo mang hai bao đồ vào lán gần ngay đó. Hai con chị Bông gặp trẻ con nhà khác thế là chúng chơi chung với nhau nhanh chóng cũng như các phụ nữ cũng nhanh chóng làm quen chuyện trò với nhau trong khi chờ đợi gặp gỡ người thân.

Chị Bông đi rảo một vòng quanh lán, lán là dãy nhà hình chữ L làm bằng tre nứa mái lợp lá, nền đất nện chắc, dĩ nhiên là công sức của những người tù cải tạo. Nơi sau lán có mấy hố xí, nơi đầu lán có cái giếng bên cạnh nhà bếp để cho thân nhân tù có thể rửa ráy và nấu nướng.

Những người giàu có hay người cầu kỳ họ mang theo nồi niêu bát đũa và những thức ăn tươi ngon để nấu tại bếp này, chốc nữa người tù của họ sẽ được ăn một món ăn ngon đặc biệt nào đó.

Người ta xầm xì vì phái đoàn thăm nuôi ông giám đốc ngân hàng Việt Nam Thương Tín, họ đi thăm nuôi mang nhiều đồ ăn thực phẩm đắt tiền, ngoài vợ con ông còn có người giúp việc đi theo để khuân đồ và nấu nướng ..

Một tiếng sau mọi người trong lán nhốn nháo mừng rỡ bảo nhau người tù đang ra, họ đổ xô ra ngoài cửa lán chờ vì từ xa đang có đoàn người đi đến, dòng người xám xịt trong buổi trưa trời quang mây tạnh.

Chị Bông gọi hai con và ba mẹ con cũng chen chân lóng ngóng bên thềm lán. Chị dặn dò con:

- Lát nữa gặp bố hai con ôm bố, chào bố nhé.

Thằng anh hứa:

- Vâng ạ.

Còn thằng em thì nghi ngại:

- Nhưng bố có quen con không?

Chị Bông phải dỗ dành:

- Bố quen và thương Bi lắm đó..

Chị Bông căng mắt ra tìm chồng trong đám đông khi họ đã dừng lại trước sân lán, ông nào cũng xơ xác như nhau từ mặt muĩ, vóc dáng đến áo quần. Khó mà hình dung ra trước kia họ là ai.

Nhiều người tù nhận ra thân nhân trước khi thân nhân nhận ra họ.

Anh Bông đang đứng trước mặt vợ con, thằng con lớn đã được đi thăm bố vài lần, quen mặt bố, nó ôm chầm lấy bố vui mừng.

Chị Bông bế Bi lên đưa cho anh Bông, nó lạ lẫm mắc cở nhưng không dám phản đối,.cả nhà kéo nhau vào lán thăm nuôi cùng với hai bao đồ.

Trong lán thăm nuôi kê một dãy bàn dài, gia đình chị Bông được bố trí ngồi ngay đầu bàn mà nơi đầu bàn có công an đứng canh nên vợ chồng trao đổi câu chuyện hết sức cẩn thận, Chị Bông không lãng phí thời gian vào đề ngay, chị nói nhỏ bên tai chồng “Họ đến nhà khuyên em đi kinh tế mới thì chồng sẽ mau về anh ạ”.

Anh Bông vội vàng đáp lại:” Không, em đừng bao giờ đi kinh tế mới mà khổ thân, hai việc chẳng có liên quan đến nhau. Vợ một thằng tù bạn anh đã đi kinh tế mới cả năm nay mà có thấy ai cho nó về đâu. ”

Thằng Bi nãy giờ vẫn ngồi im thin thít trong lòng bố. Chị Bông muốn con tự nhiên và thân thiện hơn với bố nên bảo nó::

- Bí hát cho bố nghe một bài đi.

Bí thích hát và hay hát, nghe thế nó tụt ngay ra khỏi lòng bố, đứng xuống đất và hồn nhiên nói:

- Con hát bài đêm qua em mơ gặp bác Hồ cho bố nghe mẹ nhé..

Ôi, Bi biết gì về bác Hồ mà mơ gặp “bác” ttrong khi nó chưa bao giờ ước ao mơ gặp bố nó. Vì có anh công an đứng gần nên chị Bông chẳng biết nói gì hơn. .

Bi hát xong được bố mẹ khen nó sung sướng lắm. Vợ chồng chị Bông tiếp tục nói chuyện, bao nhiêu điều muốn nói dịp này cứ tuôn ra không kịp…

Bỗng có tiếng khóc thất thanh của thằng Bi ở đâu đó: “Mẹ ơi, mẹ ơi…” thì ra hai anh em Bí đã chạy đi chỗ khác chơi mà vợ chồng chị Bông mải xúm đầu vào nhau nói chuyện không ai để ý.. Thằng anh đã về đúng chỗ cũ với bố mẹ, thằng em đang bị lạc nên khóc ầm lên như thế.

Chị Bông phải vội vàng đứng dậy đi tìm con theo tiếng khóc của nó, thằng bé đã đi sang lán thăm nuôi bên kia và quên đường trở về vì cách bài trí đều giống nhau, cũng cái bàn dài, cũng đầy người ngồi nói chuyện mà không thấy bố mẹ đâu cả..

Nó làm phí mất của bố mẹ mấy phút giây vàng ngọc.

Mười lăm phút thăm nuôi ngắn ngủi, mười lăm phút phù du đã bay vèo. Anh công an dõng dạc tuyên bố đã hết giờ, các thân nhân ra về để cải tạo viên còn thu xếp hành trang về trại.

Mọi người lại nhốn nháo đứng lên, nắm níu tay nhau, nước mắt và nụ cười lẫn lộn. Anh Bông nhân lúc lộn xộn này vội duí vào tay chị Bông một mẩu giấy cuộn tròn và nói nhỏ:” em đứa thư anh Đức về cho người nhà theo địa chỉ trong thư”

Chị Bông cũng vội cất mẩu giấy vào trong giỏ xách và hỏi lại cho chắc ăn “Anh Đức ở Phú Nhuận hả anh?”

Anh Bông chỉ kịp chớp mắt trả lời vì anh công an đã đến gần.

Anh Bông cột dây vào hai miệng bao tải và xỏ vào hai đầu cái đòn tre để chuẩn bị gánh quà về trại. Anh lại đi bộ gần hai cây số đường rừng để về trại.cũng như chị lại đi bộ hai cây số đường cát nóng để rời lán.. Giữa hai vợ chồng là con đường ngược chiều, càng đi càng xa nhau vời.vợi.

Chị Bông dắt tay hai con đứng nhìn đám tù nhân cải tạo trước khi rời lán:

- Hai con nhìn kỹ bố đi. Lâu lắm chúng ta mới được đi thăm lần nữa.

Thằng Bi chê:

- Mẹ ơi, con thấy bố và các bạn của bố ai cũng nghèo và xấu qúa.

- Tại họ đi học tập xa nhà con ạ.

Thằng anh thì hỏi một câu thực tế:

- Bao giờ bố về?

- Bao giờ bố học tập tốt thì sẽ về.

Ra đến cổng trại chị Bông nhìn cây Phượng non vẫn đang rung rinh trong nắng gío, lòng chị bỗng ngậm ngùi, hoa Phượng mai này còn được nở hoa, được tự do khoe nhan sắc với đời, Những người tù cải tạo thì đang lầm lũi bước trở lại trại tù và không biết được ngày mai, không biết được ngày về cho nên chị Bông đã không thể trả lời được câu hỏi của thằng con lớn..

Đi bộ trên con đường đầy cát lần trở về hình như chị Bông bước chậm hơn lần đến, cát níu kéo từng bước chân chị Bông. Hành lý không còn mà lòng chị mang nặng nỗi buồn.

Chuyến xe than đã đợi sẵn, chủ xe kết hợp buôn nước mắm từ Phan Thiết về Sài Gòn vì chuyến về xe rộng, hành khách không còn hành lý cồng kềnh nữa.

Chị Bông nhìn lại con đường đầy cát dẫn vào lán trại, con đường đã đưa chị gặp chồng và cũng đã đưa chị rời xa., con đường đã cho chị niềm vui nao nức và cũng đã cho chị nỗi niềm thất vọng. xót xa.

Tạm biệt anh, tạm biệt Z30C Hàm Tân Thuận Hải. Hẹn anh một ngày tao ngộ nhưng không phải tại nơi này…

Ngồi trên xe hai con chị thấm mệt lim dim ngủ. Trẻ con thật vô tư.

Chị Bông ôn lại từng phút giây gặp gỡ chồng, tất cả đến rồi đi như một giấc mơ.

Chị nhớ đến mẩu giấy nhờ chuyển của người tù tên Đức. Chị đã một lần mang thư đến nhà này rồi, chị đạp xe từ Gò Vấp lò mò tìm đúng địa chỉ, là một căn nhà to đẹp kín cổng cao tường, khi chị bấm chuông cửa một người hé cổng thò đầu ra nghe chị nói, họ cám ơn và nhận thư xong lạnh lùng khép cánh cổng lại.

Lần này anh Đức lại nhờ chuyển thư nữa, chị cũng vì bạn chồng, vì sự tin cậy chờ mong của người trong tù gởi gấm mà đến nhà này lần nữa dù thái độ khi nhận thư người thân của họ chẳng mấy mặn mà..

Không biết người trong ngôi nhà to đẹp ấy là người thân thế nào với anh Đức mà để anh thiếu thốn cứ phải gởi thư xin thêm đồ tiếp tế và dặn dò nhớ đi thăm anh...

Có lần chị Bông cũng chuyển thư cho vợ một bạn tù cùng với anh Bông, nhà này ở cư xá Lữ Gia, chị Thành vợ anh Thân cảm động khi nhận được thư chồng .

Chị Bông quen chị Thành từ đó. Thỉnh thoảng chị Thành đạp xe đến nhà chị Bông chơi., cả hai cùng tuổi, cùng cảnh nên dễ thân nhau. Trong tù hai ông thân nhau thế nào thì chị Bông và chị Thành cũng thân nhau thế đấy.

Nhà chị Thành ở cạnh nhà cha mẹ ruột, cùng làm nghề sản xuất miến. Khi anh Thân đi tù cải tạo chị Thành không làm miến nữa, ba mẹ con chị sống trong sự đùm bọc của gia đình bên ngoại.

Chiếc xe than vẫn chạy đều đều trên đường., càng lúc càng xa Z30C Hàm Tân Thuận Hải.

Chị Bông thẫn thờ nhìn con đường dài đang chạy lùi phía sau, những cục than đỏ hồng trong thùng xe than vẫn thỉnh thoảng rơi trên đường, lần này những cục than cháy đỏ ấy như những ánh mắt lưu luyến thiết tha của những người chồng người cha từ trong trại tù cải tạo Z30C Hàm Tân Thuận Hải đang lưu luyến dõi theo vợ con họ trên đường về nhà.

Nguyễn Thị Thanh Dương
( Tháng Tư 2016)

Post Reply