QUÁN BIÊN THUỲ

User avatar
khieulong
Posts: 6756
Joined: Wed Dec 01, 2004 9:09 pm
Been thanked: 1 time

Post by khieulong »

Chiếc khu-trục-cơ AD6 hạ cánh nhẹ-nhàng trên phi-đạo. Phúc thận-trọng cho phi-cơ di-chuyển trên sân bay để tránh những miểng pháo vương-vãi khắp nơi…Về đến ụ đậu của biệt-đội, không thấy Thịnh ra đón phi-cơ, Phúc tắt máy rồi nhìn lên trời. Anh thấy chiếc AC119K của Tinh-Long bay ở cao độ thấp, xối-xả nhả đạn xuống phía ngoài vòng-đai phi-trường, dọc theo chiều phi-đạo “ 07-25”, từ hướng Hóc-Môn vòng về khu Gò-Vấp, cùng với hai chiếc khu-trục A1 của phi-tuần Phượng-Hoàng, đang nhào lộn trên không như những con diều-hâu vồ mồi, thay phiên nhau trút bom xuống…Đạn phòng-không tưới lên tới-tấp…Nghe tiếng bom đạn ầm-ì vọng lại, và những cột lửa cuồn cuộn bốc lên, Phúc thấy bồn-chồn trong dạ, linh-tính như báo cho Phúc biết là sẽ có chuyện gì khủng-khiếp lắm xẩy ra…Anh mệt mỏi đưa mắt nhìn một lượt khung-cảnh điêu-tàn, đổ-nát xung quanh…Ngổn-ngang đó đây, những chiếc phi-cơ trúng đạn sụm xuống, những mái “hangar” lủng nóc, những hố đạn cầy nền xi-măng bắn lên tung tóe…Bên kia dẫy nhà của cư-xá có nhiều đám khói tản mác bay lên…Một chiếc xe xăng phóng tới đậu sát phi-cơ của Phúc. Người tài-xế để nguyên máy nổ. Thịnh từ trên xe nhẩy xuống, kéo hai “con chốc” chặn bánh phi-cơ, rồi leo lên cánh chiếc AD6, ôm lấy vai Phúc nói như khóc:
- Đêm qua nằm ngoài này bị tụi nó pháo rát qúa, tôi và thằng “Nghiệp rỗ” phải chạy về ụ-cát của biệt-đội để nấp. Vừa thấy phi-cơ đáp, tôi theo xe xăng của nó chạy ra đây…Đại-Úy ơi! Ông biết gì không. Tôi vừa nghe trên “máy” của xe xăng, có tin báo về phòng hành-quân chiến-cuộc là phi-cơ của Thiếu-Tá Phùng mới bị bắn rơi gần đài Radar Phú-Lâm. Không thấy phi-công nhẩy dù…Hiện giờ thì tụi nó đang tấn-công phía vòng đai phi-trường…
Trong một thoáng, Phúc cảm thấy như có một luồng lãnh-khí từ cõi âm nổi lên, thổi luồn từ chân lên tới đầu mình…Gương mặt anh co rúm lại…Anh ngồi bất-động, không có phản-ứng gì sau câu nói của Thịnh…Rồi như một cái máy, anh ngửa mặt nhìn lên trời. Miệng Phúc há hốc, mắt trợn-trừng như không tin những gì đang xẩy ra… Bên cạnh anh, người trung-sỹ phi-đạo cũng đứng chết trân trên cánh phi-cơ, một tay nắm chặt thành tầu, một tay bấu lấy vai anh…cùng nhìn chiếc AC119K vừa hứng trọn luồng đạn thù-nghịch của địch. Một tia sáng lóe lên bên hông…Cánh phi-cơ bị gẫy gập rời khỏi thân tầu, lạng xuống như một con diều đứt giây. Có bóng người bắn ra…Chiếc phi-cơ bốc cháy, chao-đảo trên không, rồi bùng lên và rụng xuống như một qủa cầu lửa…Phúc bàng-hoàng trước sự-kiện xẩy ra qúa bất-ngờ, qúa nhanh, qúa hùng-tráng, và qúa tàn-khốc…rồi vụt biến mất như một kẽ nứt giữa hai vùng không-gian khác chiều âm, dương vừa được khép lại…Phúc gục đầu xuống, hai vai anh rung lên từng nhịp như những nhịp đạn đại-bác 20 ly nhả về phía quân-thù…Thịnh lay vai Phúc cuống-quýt gọi:
- Đại-Úy…Đại-Úy…Ông có sao không?
Phúc ngẩng mặt, mắt đỏ hoe, nhìn Thịnh lắc đầu. Anh mím môi, chống tay đu mình ra khỏi phòng lái. Phúc nắm tay Thịnh như để gởi lời cám-ơn tới người bạn cùng đơn-vị qua sự quan-tâm, chăm-sóc của anh đối với mình…Rồi Phúc xốc lại chiếc áo bay, chụm hai chân, đứng thẳng người, theo lễ-nghi quân-cách, cắn chặt vành môi đến bật máu, quắc mắt nhìn lên khoảng không-gian hun-hút xa thẳm…đưa tay chào vĩnh-biệt những chiến-hữu vừa mới đây đã cùng anh chia-sẻ những giây phút nhọc-nhằn, nguy-hiểm nhất của một đời người…

Trên bầu trời vần-vũ đám mây tang của một ngày vừa thức giấc…Những chiếc khu-trục cơ còn lại đang gầm thét, vùng vẫy bay lượn, như để tiễn đưa những con đại-bàng đã rời đàn, xoải cánh bay về vùng trời miên-viễn, nơi cõi vĩnh-hằng cao diệu-vợi…

Phúc nhẩy xuống đất, nhìn chiếc xe “jeep” của Phùng nằm chơ-vơ trên tấm vỉ sắt “psp” cạnh phi-đạo; anh chợt nghĩ đến vợ con của Phùng, và những gia-đình của phi-hành-đoàn trên chiếc AC119 vừa bốc cháy…mà thấy lòng mình hụt-hẫng, xót-xa…Anh quay qua thấy Nghiệp, người trưởng-xa nhiên-liệu, sắc mặt nhợt-nhạt, đang đứng nhìn anh trân-trối…Rồi bất thần, Nghiệp chụp lấy tay anh lắc mạnh, nghẹn-ngào nói:
- Khủng-khiếp qúa Đại-Úy ơi! Suốt cuộc đời lính của tôi, chưa bao giờ tôi chứng-kiến một cảnh nào kinh-hoàng, dữ-dội, bi-thương, và hùng-tráng như lần này… Rồi không dằn được cơn xúc-động, Nghiệp gào lên: “- Các anh đã chết để cho mọi người được sống…” và qụy xuống, ôm chân Phúc khóc tức tưởi…

Phúc đứng lặng người trước luồng tình-cảm qúa mãnh-liệt đang cuồn-cuộn dâng lên trong lòng người lính trẻ. Anh mím môi, cắn chặt răng để ngăn dòng nước mắt đang chực trào ra…Phúc đưa tay nâng Nghiệp dậy, và bóp mạnh vai anh như cảm-thông với những xúc-động chân-thành phát xuất tận đáy lòng của người bạn cùng chung mầu cờ sắc áo với mình. Nghiệp ngẩng mặt, lấy tay áo chùi nước mắt, rồi kéo Phúc lại gần chiếc AD6, chỉ cho anh những vết đạn lỗ-chỗ trên thân tầu:
- Đại-Úy coi, tôi đếm được 20 lỗ đạn, có mấy lỗ to hơn bàn tay…Mạng của ông lớn lắm đó…
Phúc vỗ vai Nghiệp, giọng trầm xuống, phảng-phất âm-điệu se buồn:
- Nhằm nhò gì, chỉ là chuyện nhỏ thôi…Mày lo đổ xăng đi, đợi tụi nó lắp bom đạn xong tao sẽ lên tiếp…
Nghiệp hốt-hoảng tròn mắt nhìn Phúc nói:
- Không được đâu Đại-Úy ơi. Phòng-hành-quân-chiến-cuộc mới ra lệnh chỉ đổ xăng cho những phi-cơ nào còn khả-dụng để bay xuống Cần-Thơ thôi. Chiếc này bị lủng đạn nhiều qúa, chưa bay ngay được đâu. Với lại Tổng-Thống, và Thủ-Tướng vừa lên đài-phát-thanh kêu gọi quân-đội ngưng bắn, để đón “người anh em bên kia”…
Phúc nắm vai Nghiệp lắc mạnh:
- Mày vừa nói gì vậy.
- Chúng mình bị cha “Minh” bán đứng cho giặc rồi ông ơi. Đại-Úy lên xe đi, tôi đưa ông về biệt-đội…Rồi còn về thăm bà-xã nữa chứ. Bả gặp ông giờ này chắc là sẽ mừng lắm đó…Hồi đêm, đạn pháo-kích trúng khu cư-xá của nữ quân-nhân, không biết…có ai bị gì không.
Ngồi trên chiếc xe-xăng, Phúc điếng người hỏi Nghiệp:
- Vợ con tao ở gần đó. Khu cư-xá của phi-đoàn C7 có sao không?
Nghiệp nhìn Phúc, cười như mếu:
- Chắc là không sao đâu Đại-Úy.
Phúc nổi nóng hét lên:
- Đ.M. mày có ở đó đâu mà biết là không sao.
Rồi thấy mình lớn tiếng với Nghiệp một cách vô-lý, Phúc nắm cánh tay Nghiệp lắc mạnh như để thầm xin lổi…Nghiệp vẫn mỉm cười như mếu. Giọng nói gói-ghém âm-điệu nhẫn-nhục, chịu-đựng:
- Chắc là không sao đâu Đại-Úy.
Trong một thoáng, Phúc chợt thấy lòng rúng động; anh quay qua nhìn Nghiệp, ánh mắt như bị phủ mờ đi bởi tâm-tình u-uẩn của người hạ-sỹ-quan nhiên-liệu đang dàn trải, bung ra như một tấm màng nhện quấn lấy mình…Trong cuộc chiến tàn-khốc này, có lẽ chỉ có những con người thường-xuyên cận kề với những giây phút hiểm-nghèo, mới bắt được và chia xẻ với nhau những luồng tình-cảm vô-hình lãng-đãng vây quanh họ…Phúc cắn nhẹ vành môi, giọng nói như chìm vào một cõi mênh-mông xa vắng:
- Tao cũng hy-vọng là không sao…Mày có biết gia-đình của Thiếu-Tá Phùng, và các gia-đình của phi-hành-đoàn Tinh-Long hiện giờ đang ở đâu không? Tao nghe nói “bà xã” của Trung-Úy Hiền vừa mới sanh…
Nghiệp mím môi, chớp cặp mắt đỏ hoe nhìn Phúc lắc đầu…

Từ giã Nghiệp, Phúc phóng xe như bay về khu cư-xá C7. Tới nơi, anh đứng lặng người trước khung-cảnh hoang-tàn đổ-nát…như một bãi chiến-trường. Một trái 122 ly chưa nổ nằm ngay cạnh căn hầm trú-ẩn. Anh dựng xe nhớn-nhác nhìn quanh, rồi chạy xuống hầm. Một cảnh-tượng bừa-bãi, ngổn-ngang trước mắt. Vài chiếc ghế bố nằm nghiêng-ngả trong góc hầm…Phúc biến sắc, tim đập mạnh khi thấy bó tã của con có vết chân của ai dẫm lên lấm đầy đất. Anh cúi xuống nhặt lấy rồi vội-vã lên khỏi hầm. Một người bạn của Đạt từ trong phi-đoàn chạy tới đưa cho Phúc một tờ giấy nói:
- Anh Phúc, thằng Đạt nhờ em đưa tờ giấy này cho anh. Nó chở cháu với chị ra ngoài đêm hôm qua rồi. Thật là hú viá. Nhờ chị cầu-nguyện ơn trên che-chở, nên trái 122 ly rớt ngay cửa hầm mà không nổ.
Phúc nhìn trái hỏa-tiễn nằm im-lìm trên mặt đất như một con cá mập bị mắc cạn mà thấy lạnh gáy. Anh mở tờ giấy ra đọc: “Anh hai, em đưa chị và cháu về nhà ba má. Ở trong này nguy-hiểm qúa. Em có gọi qua biệt-đội nhưng anh đã đi bay. Hẹn gặp anh sau. Không sao đâu. Mọi người đều bình-an, vô-sự. Chị đang cầu xin ‘Đức Mẹ’ và ‘Đức Quan-Thế-Âm Bồ-Tát’ che-chở cho anh đó. - Đạt.” Phúc gấp tờ giấy ấp vào ngực, mà tưởng như mình đang ôm Dạ-Thảo và bé Hạnh-Thương trong vòng tay…Anh qùy xuống đất, ngửa mặt lên trời, rồi chắp tay thầm cảm-ơn Trời, Phật, Chúa, Đức Mẹ đã che-chở cho vợ con anh được bình-yên vô-sự…

Phúc loạng-choạng đứng dậy, ngoảnh mặt nhìn căn hầm một lần chót, rồi lên xe phóng về phía liên-đoàn-phòng-thủ kiếm Thọ. Anh tính nhờ Thọ chở ra ngoài căn-cứ tìm vợ con. Không thấy Thọ, Phúc vòng qua phi-đạo để về biệt-đội. Dọc đường anh gặp mấy chiếc khu-trục đang di-chuyển ra sân bay…Dẫn đầu là chiếc của Thiếu-Tá Huynh. Huynh thấy Phúc thì cho phi-cơ ngừng lại, thò tay ra ngoắc...Phúc dựng xe bên cạnh tường của căn nhà vòm, rồi leo lên cánh chiếc AD6 đang nổ máy. Sức gió thổi ngược chiều cuốn tung mái tóc rối bù, anh bám chặt lấy thành tầu, ghé sát tai nghe Huynh hét lên như át cả tiếng động-cơ:
- Tổng-Thống ra lệnh quân-đội buông súng đầu hàng giặc rồi. Tuị mình bay xuống Bình-Thủy. Xuống đó tao sẽ xin một chiếc C47 về đón gia-đình những ai còn kẹt lại sau. Bây giờ mày lên chiếc AD5 của thằng Sang và thằng Hiển, ngồi “blue room” xuống Bình-Thủy. OK.
Nghe Huynh nói, Phúc thấy lòng mình chai lại, anh theo đà nhẩy xuống khỏi cánh máy bay, ra xe lấy chìa khóa, rồi chạy lại leo lên chiếc AD5 của Sang và Hiển…Cánh cửa khung-phòng “blue room” phía sau của chiếc AD5 vừa bật lên, Phúc leo vào, anh bỗng khựng lại vì bên trong chất đầy người. Anh liếc qua thấy có Sơn, Liêu, “Hai-còi”, Lộc, Cơ, Thuận…và nhiều người khác nữa…Phúc còn đang ngập-ngừng thì “Hai-còi” thò tay nắm vai áo kéo anh lộn nhào vào bên trong, rồi đóng cửa lại…Tiếng động-cơ gầm rú dữ-dội, chiếc AD5 rung lên như bị xúc-động mạnh trước giờ ly-biệt, rồi chồm lên lăn bánh trên mảnh phi-đạo thân yêu, và bốc mình rời khỏi mặt đất, mang theo những con người ra đi để làm lại lịch-sử…

Phúc thấy hai tai mình ù đi, đầu óc choáng-váng vì âm-thanh chát-chúa của động-cơ…Anh mệt mỏi thả người dựa lưng vào Hai. Phúc bỗng cảm thấy một bàn tay ấm-áp bóp nhẹ vai mình như để truyền thêm nguồn sinh-lực cho người phi-công đang kiệt sức…Rồi bên tai Phúc có tiếng thì-thầm của Hai: “Tao nghe tin Thiếu-Tá Phùng, và bọn thằng Thành, thằng Hiền bị rớt rồi. Mừng cho mày về được an-toàn.” Phúc im-lặng không trả lời…Một giòng nước mắt nóng hổi lăn dài trên má anh…như lăn theo cả những căm-hờn, oan-khuất của người lính chiến bị bức-tử…Những người lính chiến hiên-ngang, từng coi giặc-cộng như loài cỏ rác, cuối cùng đã thua cuộc chỉ vì bị “phản-bội”, cùng với những mưu-đồ chính-trị xảo-quyệt và bẩn thỉu trói tay, cản bước…Bao nhiêu năm vẫy-vùng trên bầu trời cao rộng, bao nhiêu lần đi, về từ cõi tử-sinh cùng với các chiến-hữu, và con tầu thân-yêu…chưa lần nào anh để ý đến cái khoang trống sau chiếc ghế bay…Để đến bây giờ, những người “Hiệp-Sỹ-Không-Gian” bị bắt buộc phải xếp cánh, đã phải nằm ép mình trên cái sàn tầu lạnh ngắt như một chiếc “quan-tài bay” vô tri-giác này…

Phúc cảm thấy toàn thân mình đau nhừ, đôi môi khô rát, cuống họng đắng chát…sau những giờ phút căng-thẳng, dồn-dập suốt một ngày một đêm không chợp mắt…Anh muốn duỗi thẳng chân, nhưng chân anh đụng phải người con gái ngồi trước mặt, anh vội co chân về…Người con gái đưa mắt nhìn anh, nở một nụ cười như mếu…Phi-cơ đang lấy cao-độ bình-phi. Tiếng động-cơ ầm-ỳ như một thanh-âm huyền-hoặc quái-dị, “thôi-miên” đưa Phúc vào một “chiều thời-gian” của mộng-mị chập-chờn.…Anh nghĩ đến bố mẹ, đến những người thân, đến Dạ-Thảo, đến bé Hạnh-Thương, đến bạn bè…Trong cơn mê mơ-hồ thảng-thốt, qua khung cửa kính trên trần phi-cơ, Phúc thấy những cụm mây trời hiền-hòa lững-lờ trôi theo con tầu…Và thấp-thoáng trong những đám mây trắng bồng-bềnh giật-dờ trên không, anh bỗng thấy Phùng, Hiền, Thành, Tuấn, cùng các cơ-phi xạ-thủ của chiếc AC119K vừa bốc cháy giữa vòm trời lửa đạn của quê-hương, lần-lượt hiện ra trong những bộ phi-bào bê-bết máu, nét mặt tươi-cười, giơ tay vẫy chào tiễn-biệt…Văng-vẳng bên tai, anh nghe tiếng của những người bạn cùng quân-chủng nói với theo: “Chúc các bạn ra đi được an-toàn...Đã có chúng tôi ở lại cản đường quân giặc. Nhớ đi lo chu-toàn đại-cuộc…”

Trần Ngọc Nguyên Vũ(Tháng Tư oan-nghiệt.)

Chú-Thích: (1) Thượng -Sỹ Chín, biệt-danh “Chín Dơi”, là người đã nhẩy dù ra khỏi chiếc AC119K/P.Đ 821 bị bắn rơi sáng ngày 29 tháng Tư năm 1975. Vì nhẩy ra từ cao-độ thấp nên đã bị thương. Hiện nay chưa ai biết anh và gia-đình đang ở đâu.
(2) “Mầu Tím Hoa Sim” của Hữu-Loan: “Đôi giầy đinh bết bùn đất hành-quân…”
(3) Thơ Kiên-Giang
(4) “Gởi em…Cô gái Bình-Long”. Bài thơ của một “Biệt-Kích 81” đã hy-sinh ngoài chiến-địa. Một người bạn anh đã tìm được bài thơ này trên thân thể bê-bết máu của anh.
(5) Thơ Hà-Huyền-Chi.
(6) “Gởi em…Cô gái Bình-Long”. Thơ của một “Biệt-Kích 81”.

Ghi-chú của tác-giả: “Huyền Sử Ca
Những Người Lính Chiến Không Quân!” không phải là một “hồi-ký”, mà là một “truyện ngắn” được sáng-tác dựa trên những sự-kiện có thật đã xẩy ra trong ngày 28 và 29 tháng Tư năm 1975 tại căn-cứ Không-Quân Tân-Sơn-Nhất. Người viết đã gọt giũa và thêm bớt một vài chi-tiết ngoài đời để cho cốt truyện thêm phần mạch-lạc và thông-xuốt. Chủ-đích của người viết là để tôn-vinh những người KQ đã hy-sinh trong giờ phút cuối cùng của cuộc chiến, và nói lên cái hào-khí, bất-khuất của những người lính chiến Việt Nam Cộng-Hòa trong một hoàn-cảnh vô cùng khắc-nghiệt của lịch-sử. Ngoài một vài tên tuổi ghi trong truyện mà người viết đã liên-lạc được, còn một số những tên tuổi khác, người viết chưa được hân-hạnh nói chuyện hoặc gặp gỡ, tác gỉa xin gởi đến qúy-vị, và gia-đình lòng ngưỡng-mộ và xin chân-thành cám ơn qúy-vị. Riêng về phần chiếc phi-cơ AC119K bị bắn rơi sáng ngày 29/4/75, ngoài các phi-công và hai nhân-viên vũ-khí, điện-ttử được nêu tên, còn một số cơ-phi, vô-tuyến, xạ-thủ khác chưa được xác nhận tên họ, người viết cũng xin qúy-vị nếu ai biết được danh-sách phi-hành-đoàn của chiếc phi-cơ này thì xin cho tác-giả biết để bổ-khuyết.
Xin trân trọng.

Trần Ngọc Nguyên Vũ

User avatar
khieulong
Posts: 6756
Joined: Wed Dec 01, 2004 9:09 pm
Been thanked: 1 time

Post by khieulong »

Người lính vẫn sống sau trận lửa..

Phan Nhật Nam
Kết thúc với Tháng Tư,
Sự Chết hiện thực sắc nét, có hình khối, với âm động, mùi vị riêng biệt của Sài Gòn. Với Sài Gòn. Cảnh Chết bắt đầu trùm chiếc cánh tối tăm hung hiểm lúc 6 giờ 15 chiều ngày 28 tháng 4, khi chuỗi bom dưới cánh những chiếc A37...


... do viên phi công phản trắc Nguyễn Thành Trung hướng dẫn rơi nhanh xuống phi đạo Tân Sơn Nhất. Đạn phòng không bắn lên, phi cơ F5 đuổi theo muộn màng, vô vọng. Cửa ngỏ tháo chạy của Sài Gòn đóng sập lại. Cuối cùng, Tân Sơn Nhất thật sự vùng vẫy, hấp hối, chìm dần trong lửa hoả ngục khi dàn đại pháo, hỏa tiễn cộng sản từ Đồng Dù, Củ Chi, ranh giới Hậu Nghĩa, Gia Định bắt đầu đỗ xuống không ngắt nhịp.. Từng trái đạn 130 ly, từng hỏa tiễn 122 ly chính xác bay đến các mục tiêu đã được phái đoàn cộng sản trong Ban Liên Hợp Quân Sự điều nghiên kỹ từ 28 tháng 1, 1973. Tân Sơn Nhất vật vã, co quắp, rã chết, sụp vỡ, hấp hối trong khói đen, lửa ngọn. Cuộc hành hình kéo dài từ 4 giờ sáng ngày 29 tiếp tục đến rạng đông. Ở căn cứ DAO (Văn phòng Tùy Viên Quân Lực Mỹ), ba ngàn người tỵ nạn chờ đợi di tản bằng C130, hoặc C141 qua Guam đưa mắt nhìn lên trời, giữa vũng lửa, đếm rõ từng viên đạn pháo rơi xuống.. Đống hành lý khổng lồ gồm quý kim, vàng, kim cương, giấy bạc “Năm Trăm Trần Hưng Đạo” của Ngân Hàng Quốc Gia Việt Nam; giấy bạc Đô-la của ngân khố Mỹ.. tất cả cùng trộn lẫn với thịt da, thân thể người thành một thứ pháo bông tan tác bay tung toé dưới ánh lửa bập bùng loang lỗ của kho xăng, đài kiểm báo, trại gia binh, nơi để máy bay.. hiện thực đầy đủ cảnh địa ngục vô vàn nơi trần thế - giữa Tân Sơn Nhất – Cửa ngỏ thoát hiểm của Sài Gòn hoàn tất đóng chặt.

Những viên tướng đã ra đi, những sĩ quan cấp tá cũng rời bỏ nhiệm sở, đơn vị, nhưng, Trung Úy Phi Công Nguyễn Văn Thành còn lại. Thành (có biệt hiệu "Thành Mọi" bởi nước da ngâm đen quá độ) ra chỗ đậu tàu, anh nỗ máy chiếc C119 Hỏa Long, đơn độc bay lên trời xanh bảo vệ, cứu viện Tân Sơn Nhất. Từ trên cao, thấy rõ những vị trí pháo của binh đội cộng sản.. Thành nghiêng cánh, chúc mũi chiếc Hỏa Long căm phẫn trút xuống tràng đạn 7.62 ly, và tất cả hỏa lực cơ hữu của hai khẩu đại bác 20 ly gắn dưới cánh.. Hóa ra cả một quốc gia chỉ còn được lần cứu viện bi hùng tuyệt vọng nầy. Phải chỉ một mình anh - Trung úy Nguyễn Văn Thành, "Thành Mọi - Thành Thiếu Sinh Quân". Thành hạ thấp hơn để đường đạn thêm phần chính xác. Thân tàu rung mạnh.. Lửa! Lửa! Lửa cháy ngang cánh trái con tàu, ngay bình xăng, sát cạnh ghế ngồi.. Thành giật mạnh chốt thoát hiểm để bung thân ra khỏi con tàu. Tất cả kẹt cứng. Anh dùng tay đẩy cửa buồng lái phóng mình ra, chiếc dù bung mạnh.. Các múi, giây dù vướng vít rối rắm. Thành bị giữ chặt bởi chiếc dù và khung cửa. Lửa bừng bừng! Lửa ào ạt.. Người phi công chìm trong lửa, gục chết giữa không gian.

Tiếng đập đục rầm rập từ những cơ sở ngoại quốc, những khối cửa sắt lay động, phá bung, những tấm kiếng tủ lớn bị đập vỡ, đồ đạt kéo lê hỗn độn, vội vàng trên mặt đường. Người mỗi lúc mỗi đông. Người dồn dập ùn ùn, la ó, chưởi thề, giành giựt. Đám đông chạy về phía Building Brink, khu Đồn Đất, nhà thương Grall, nơi có cơ sở Mỹ kiều, những văn phòng mà chủ nhân đã bỏ đi. Bất chợt, tất cả lắng lại để nghe rất rõ... Có người tự tử. Có người mới bắn chết. Ai? Lính, không biết, chỉ thấy mặc đồ lính mình. Ở đâu? Ở ngoài, chỗ tượng Thủy quân lục chiến.. Lời trao đổi đứt khúc, vội vã, mất hút giữa những tiếng thở dồn dập, bước chân cuống cuồng nôn nóng của đám đông đang hăm hở tiến tới những kho hàng, cơ sở đầy ắp vật dụng quí giá, thức ăn đắt tiền. Anh cũng nhập vào đám đông xô đẩy đó trong giờ phút vỡ toang mối nối thời - không với những động tác, việc làm bất định, bất ngờ, vô nghĩa, vô ích. Anh kiểm soát lại số phim đang còn trong máy, trong túi, đi băng qua lối ngang trong thương xá, ra ngõ quán Thanh Vị, quẹo phải, men theo hàng hiên tiệm kem Đô Chính. Súng nổ.. Súng Aka và những bóng người chạy lúp xúp vào cổng Tòa Đô Chính. Anh tiếp tục làm “nhiệm vụ”, đưa máy hình lên.. Động tác quen thuộc, thuần thục từ bao năm, anh và các bạn, những phóng viên chiến trường của báo chí miền Nam hằng thực hiện nơi những chốn sự chết, lửa đạn vây bủa. Đồng một lúc anh chợt nhói đau - Đây là lần cuối cùng. Đây là giờ cuối cùng. Hình như một nhân vật trong Doctor Zhivago cũng đã kêu lên như thế. Anh chỉ nhớ loáng thoáng bởi đang có cảm giác người cạn ly rượu hành quyết trước khi bị bịt mắt, dẫn đi bắn. Anh chạy theo đám lính cộng sản với hai thanh niên cầm cờ đỏ. Thật ra chỉ là một mẫu vải màu đỏ. Loại hàng may áo dài.

Thoáng rất ngắn, anh ngừng lại, liếc về phía khối tượng đài Thủy Quân Lục Chiến, nơi có Người Lính vừa chết. Anh cúi gập người, nôn khan. Buổi Sáng 30 tháng Tư, 1975. Chen giữa âm sắc xích xe tăng đổ nhào cửa Dinh Độc Lập có tiếng nổ khô nhỏ của viên đạn ghim vào, nằm sâu trong đầu Trung Tá Cảnh Sát Quốc Gia Nguyễn Văn Long.

Anh lên yên, nhấn mạnh bàn đạp, động tác bàn chân quay vòng không chủ đích. Xe đi dọc đường Lê Văn Duyệt, qua Chợ Đũi, nơi các bạn anh hôm qua (nay đã trở thành xưa cũ) hằng vui vầy, sống động.. Định rẽ vào Yên Đỗ về Phú Nhuận, nhưng không hiểu từ đâu thúc dục, anh đạp dài theo Lê Văn Duyệt giữa giòng âm động dồn dập như Sài Gòn đang hồi tẫm liệm với nhịp chày vồ dộng mạnh xuống trăm, ngàn quan tài của những người vừa chết. Giã từ Trần Công Hạnh, Tiểu Đoàn 2 trước trại Nguyễn Trung Hiếu với cảm giác đây là lần cuối với bạn, kèm mặc cảm có lỗi khi hỏi Hạnh có ý định buông súng bỏ đi hay không. Hạnh trả lời mệt nhọc nhưng kiên chắc: Anh hỏi tôi còn có thể đi đâu khi nguyên cả tiểu đoàn theo lệnh tôi đang tiếp tục chiến đấu! Anh vào cư xá Chí Hòa, chứng kiến lúc Chuẩn Tướng Hậu vất tung tấm bản đồ phòng thủ căn cứ với lời gầm phẫn uất: Đồ chó đẻ!! khi nghe lệnh đầu hàng của Dương Văn Minh. Viên thiếu úy quen mặt nói với anh lời quyết liệt: "Em không đầu hàng, em với trung đội sẽ ra bến tàu, tiếp tục chiến đấu." Thái, Thiếu úy Huỳnh Văn Thái tập họp trung đội, hô nghiêm, xếp hàng, ra lệnh di chuyển. Trung đội lính ra khỏi cư xá theo lối cổng Đường Tô Hiến Thành, rẽ vào Nguyễn Tri Phương, đi về phía chợ Cá Trần Quốc Toản, hướng bến tàu. Nhưng những Người Lính Nhẩy Dù của Thiếu Úy Huỳnh Văn Thái không ra đến bến Bạch Đằng, tới đến bùng binh Ngã Sáu Chợ Lớn, họ xếp thành vòng tròn, đưa súng lên trời đồng hô lớn.. Việt Nam Cộng Hoà Muôn Năm! Con chết đây cha ơi! Và những trái lựu đạn tiếp nhau bừng bực nỗ sau lời hô vĩnh quyết cùng đất nước Miền Nam.

Sau nầy, anh biết thêm, trên đường anh đi qua trưa 30 tháng Tư, 1975 - Đường Bắc Hải, ngõ nhỏ băng ra Chợ Ông Tạ, trong một căn nhà đã diễn nên hoạt cảnh uy nghi bi tráng của cả một gia đình quyết tử cùng vận nước. Thiếu Tá Đặng Sĩ Vĩnh (em của Bà Hà Thượng Nhân, Trung Tá Phạm Xuân Ninh, niên trưởng của giới báo chí quân đội Miền Nam) Khoá 1 Nam Định là sĩ quan của ngành tình báo đặc biệt, biệt phái ngoại ngạch qua ngành viễn thông, phụ trách đường giây quốc ngoại. Người con trai lớn của gia đình, Trung Úy Đặng Trần Vinh sĩ quan Phòng 2 Bộ Tổng Tham Mưu. Hai người cùng trao đổi đối thoại sau khi có lệnh đầu hàng: “Tùy con, riêng bố đã quyết như đã nói với con từ trước” Trung Úy Vinh trả lời: “Nếu bố đã quyết như thế, con và các cháu cũng đồng lòng.” Toàn gia đình uống chậm những liều thuốc độc cực mạnh đã chuẫn bị từ trước. Trung Úy Đặng Trần Vinh kết thúc bi kịch với viên đạn bắn tung phần sọ não sau khi đứng chào tấm Đại Kỳ Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ với lời hô khiến sông núi cũng quặn thắt thương đau.. Việt Nam Cộng Hòa Muôn Năm!

Tiếp theo Tháng Sáu,
Khi những giọt mưa đầu mùa Hè rơi xuống, từ trong thăm thẳm, xa xôi, tận cùng trí nhớ - qua âm mưa ray rứt của tháng Sáu – cũng dần thành hình lại Nỗi Đau luôn hiện mới.. Nầy đây, lần tháng Sáu 1965, ngày vỡ trận Đồng Xoài, bắt đầu từ những ngày sau 10, 11, nơi Nghĩa Trang Quân Đội Gò Vấp, với hằng trăm, lên đến số ngàn xác chết của Tiểu Đoàn 2/7 Sư Đoàn 5 Bộ Binh, Tiểu Đoàn 52 Biệt Động, và đơn vị thân thiết đầu đời, Tiểu Đoàn 7 Nhẩy Dù, mà người chết không thể kiểm kê chính xác, chỉ biết lấy tổng số cơ hữu của đơn vị xong trừ cho đám người hiện có mặt. Người sốâng sót ngồi nhìn nhau ngơ ngác, vô hồn ở sân cờ tiểu đoàn, đang là bãi hỗn mang chen chúc, gào kêu với những người vợ lính quấn dối vành khăn trắng xổ tung tưởi do những con nhỏ bấu víu khóc ngất.. Ba, ba.. ba đâu má ơi!! Anh lúc ấy chỉ là cậu thiếu úy tuổi vừa qua hai-mươi tuổi, nhìn trân vào mỗi người vợ, con của binh sĩ tử trận (chung trung đội, đại đội anh) với cảm giác có tội - Tội sống sót khi người khác phải chết - Những người (chết) vô cùng cần thiết cho những đơn vị gia đình gồm người đàn bà tơi tả, hốt hoảng và những đứa trẻ quá nhỏ chưa có đủ ý niệm về cái chết của người cha.

Rồi, 22 tháng 6, 1975 đểø chính bản thân anh có cảm giác như chết đi từng phần trong cơ thể, khi quấy xong bình sữa cho con, mang vội chiếc túi nhỏ với cảm giác tuyệt vọng: Lần đi nầy cùng đành như cơn tử biệt, bởi thấy rõ chiếc bẩy sự chết đang dần chụp xuống, chắc chắn siết cứng lại. Hh nói tiếng nhỏ thảm thiết: “Khổ quá, chắc em sống không nổi..” khi đưa anh đến nơi trình diện đi tù, Trường Lê Văn Duyệt, Gia Định. Cả hai không thể ngờ ra kết thúc oan nghiệt với mười-bốn năm sau.

Tiếp năm 1976, đúng Ngày Quân Lực, 19 tháng 6, bước xống tàu Sông Hương ở Tân Cảng, góc cầu xa lộ Sài Gòn- Biên Hoà, nhìn ra xa, thành phố xao xác ánh điện vàng đục, giòng nước sông cuồn cuộn lẫn màn đêm. Giữa cảnh sống thú vật, tệ hơn con thú với thế ngồi im không cử động, tiểu, đại tiện trên cùng một chỗ trong suốt hành trình hai ngày đêm đi ra “Miền Bắc xã hội chủ nghĩa”, so với cái chết nơi giòng nước trong xanh của biển trời phương Nam, chắc chắn ngàn con người dưới những căn hầm tàu địa ngục nầy sẽ quyết định dễ dàng nếu như họ có quyền chọn lựa, Năm 1989, anh trở về với cảm giác đau xót nguyên vẹn của lần bị lăng nhục lâu dài mười-bốn năm trước. Bước chân vào căn phòng nhà cũ với tủ sách trống vốc, lăn lóc nhàu nát cuốn tập con anh tập viết những giòng chữ đầu đời. Con mình bây giờ ở đâu?

Nhưng anh và những người bạn lính không thể để cuốn trôi, đánh sập bởi thống nhục thất trận, lưu đày biệt xứ trên quê hương - Người Lính không hề thất vọng cho dẫu đã toàn phần thất bại. Để tồn tại, tự cứu, anh phải tích chứa, lưu giữ trí nhớ, dậy nên từ tận sâu mỗi tế bào thần kinh nỗi xúc động vô vàn mãnh liệt của những tháng ngày lịch sử chuyển mình, núi rừng, đất trời miền Nam đồng vang dội chiến công: Ngày Quân Nam quyết liệt xốc tới nơi những chiến trường Quảng Trị, Bồng Sơn, Kontum, An Lộc… hiện thực một lần nghĩa vụ linh thiêng muôn thuở của Người Lính – Bảo Quốc An Dân - Sứ Mệnh không hề nói thành lời nhưng được hiện thực với chính máu xương của những con người vô danh cao thượng mà Đằng Phương, Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy năm xưa đã viết nên những giòng máu lệ ngợi ca hùng tráng,

Họ là những anh hùng không tên tuổi
Sống âm thầm trong bóng tối mênh mông
Không bao giờ được hưởng ánh quang vinh
Nhưng can đảm và tận tình giúp nước…

Phải, những Người Lính Vô Danh ấy vẫn tồn tại với mười, hai mươi, ba mươi năm dưới bom đạn cực độ, nơi những trại tùø như “Cổng Trời Quyết Tiến”, Hà Giang, Sơn La, Yên Bái, Nghĩa Lộ, Thanh Phong, Thanh Cẩm, Lam Sơn hậu thân hệ thống trại giam Lý Bá Sơ.. Những địa danh trại tù có số lượng mộ chí gấp đôi, gấp ba lần tổng số tù hiện diện, và người sống sót cũng chỉ là những xác thân khô kiệt di động chờ ngày chôn xuống huyệt. Những người lính anh gặp khắp nơi trong cuộc lữ hành với hết tuổi trẻ qua ba-mươi năm chiến tranh và tù ngục kia đã sống sót qua dài trận bão lửa thống khổ, nhục nhằn, nguy biến mà chắc rằng không một ai của bất cứ quân đội nào, thuộc bất kỳ một sắc dân nào trên thế giới có thể bền bĩ chịu đựng với mức độ kiên cường kỳ diệu đến ngần ấy. Kỳ tích thầm lặng đơn lẽ với phận của “mỗi con người - mỗi người lính” nầy hẳn chỉ được thực hiện, thúc dục nuôi dưỡng bởi “một động lực vô vàn cao thượng”. Anh có bổn phận trình bày đầy đủ, và chính xác về hành vi xã kỷ, quên mình nầy.

Nội dung vĩ đại kết nên từ hành vi xã kỷ của mỗi người lính nêu trên được thực hiện qua cảnh tượng củamột ngày Hè hùng tráng: Ngày 25 tháng 6, 1972, chiến dịch tái chiếm Quảng Trị khai diễn với các đơn vị, Biệt Động Quân, Nhảy Dù, Thủy Quân Lục Chiến, lực lượng địa phương của Tiểu Khu Quảng Trị, phối hợp với các chi đoàn chiến xa, thiết quân vận của Quân Đoàn I, được yểm trợ bởi các đơn vị pháo cơ hữu, và của vùng chiến thuật. Đoàn quân quyết tử phục hận đồng vượt tuyến xuất phát Sông Mỹ Chánh tiến theo trục chính Bắc với mục tiêu cuối cùng - Cổ Thành Đinh Công Tráng hay Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu Quảng Trị - mà quân Nam phải tạm lìa bỏ từ 29 tháng Tư do những ước tính sai lầm của những cấp chỉ huy, từ viên tổng thống tại Dinh Độc Lập, đến hàng tướng lãnh chiến trường. Sự sai lầm tai hoạ của những kẻ lãnh đạo, chỉ huy nay được chuộc lại bằng giá máu của vạn người lính xé thân nơi trận địa.

Từ Ngã Ba Long Hưng, cửa ngỏ phía Nam Quảng Trị, điểm tiến quân cao nhất của Tiểu Đoàn 7 Nhẩy Dù trong ngày 7 tháng 7, 1972, đến cổ thành đoạn đường dài khoảng một cây số, và bề ngang từ nhà ga phía cực tây đến làng công giáo Tri Bưu phía đông, khoảng cách cũng có bề rộng tương đươngï. Trên khoảng đất rộng hơn cây số vuông kia, mười-lăm ngàn người lính của những đơn vị kể trên đã thay phiên nhau bò, trườn, ẩn núp, gọi pháo, đánh bom, ném lựu đạn, đánh cận chiến ngày lẫn đêm suốt đoạn thời gian liên tục 67 ngày, để đến ngày 14 Tháng 9, 1972 những người lính Tiểu Đoàn 1, 2, 3.. 6, 8 TQLC đồng lần siết chặt mục tiêu, dựng ngọn Cờ Vàng bay lộng trên gạch đá điêu tàn, giữa tiếng đạn, khói thuốc súng của trận chiến đang hồi kết thúc..

Cờ lên!
Cờ lên!
Giữa vũng lửa
Quân, dân bật khóc nước mắt ứa
Một lần cờ bay trên thành xưa
Bao phần máu xương muôn lính đổ!
Pnn-Cờ ta bay Vàng Nắng Mới Quê HươngVới Tình Thương,
Người lính vẫn sống.

Tham dự cùng cuộc trường chinh nhọc nhằn với người lính từ bước khởi cuộc có một nhân dáng nhỏ bé, yếu đuối, âm thầm chịu đựng với nỗi chết canh cánh không rời - Người Vợ Lính. Đây là một đối tượng bị ngộ nhận, mô tả sai lạc một cách dung tục (và đáng phải phê phán) qua tất cả những chữ nghĩa, văn hóa phẩm (của Miền Nam trước 1975, mà hiện nay ở hải ngoại thì lại hứng chịu cách đối xử lạnh nhạt, coi thường). Những người đàn bà nầy, từ lúc tuổi vừa qua hai mươi, đã gánh chịu những giờ phút nguy nan khắc khoải mà không phương cách chống đở, làm nhẹ bớt đi. Họ thức dậy rất sớm vào buổi sớm mai khi đơn vị di chuyển hành quân để sửa soạn cho người chồng bữa điểm tâm kham khổ với ý nghĩ không thể được nghĩ hết, không dám nói ra lời: Biết đâu đây là lần chót!! Họ bế đứa con còn quá nhỏ không khả năng hiểu ra lần tạm biệt hay chia ly đành đoạn với người cha. Hai mẹ con thu người lại dưới ánh đèn đoàn xe GMC chở quân rời hậu cứ. Và người đàn bà vợ người lính, thật sự chỉ là cô thiếu nữ đang ở tuổi thanh xuân kia trở về khu trại gia binh để chờ đợi (một lần rất khả thể) vào một buổi nào đó viên sĩ quan chỉ huy hậu cứ sẽ đến gõ cửa nhà với câu nói khó khăn, ngắn lạnh: Chị chuẫn bị ngày mai theo xe hậu cứ lên nghĩa trang nhận anh!! Và nếu biến cố bi thảm nầy không xẩy ra (như một phép mầu ân sũng), người đàn bà dần qua hết tuổi trẻ để cùng chia sẻ với chồng một ngọn nguồn đau thương, cảnh sống nhục nhằn thống khổ - Lần Miền Nam bị bức tử cùng đành, sáng sớm ngày 30 tháng Tư, năm 1975. Vợ và những đứa con người lính bị đuổi ngay ra khỏi những căn nhà trong trại gia binh, và bị xếp hạng nên thành là “đối tượng thứ 14 trong 15 giai cấp xã hội” - Loại sau cùng thứ 15 nầy là thành phần tù hình sự can án cướp của, giết người với trường hợp gia trọng - Cách định giá đối tượng xã hội-chính trị của chế độ cộng sản ở Việt Nam. Ở Miền Nam.

Con đường từ ga Thanh Hóa vào các trại tù Lam Sơn, Thanh Phong, Thanh Cẩm dài khoảng năm chục cây số đường chim bay; đây là đường thượng sơn nối vùng núi non thượng lưu sông Đà, dẫn lên mạn Lai Châu, Yên Bái, Nghiã Lộ, Điện Biên Phủ hành lang thông qua vùng Trung và Bắc Lào. Đường hiểm trở chạy quanh co giữa những rặng núi đá vôi dựng trường thành, làm thành một trở ngại thiên nhiên vô cùng lợi hại mà ngựa Mông Cổ Thế Kỷ 13 dẫu dẫm nát toàn cõi lục địa Á, Âu vẫn không thể nào xâm nhập được. Thế Kỷ 15, đạo binh xâm lược Nhà Minh đang ở đỉnh cao cường thịnh cũng không thể bén mảng vào đến những căn cứ địa Lam Sơn, Chí Linh của nghĩa quân Lê Lợi. Xe thiết giáp bọc sắt của Quân Đoàn Viễn Chinh Pháp trong chín năm 1945-1954 cũng đành thúc thủ dưới đồng bằng. Cuối cùng, biệt kích Mỹ với vũ khí tối hảo, yểm trợ tuyệt đối cũng không có cơ may đổ bộ, tấn công. Và bản thân những lính bộ đội cộng sản, trong những ngày kháng chiến vệ quốc chưa lộ mặt, dẫu đang là tuổi trẻ cũng vẫn phải ngã gục trên đoạn đường gai góc..

Anh bạn dãi dầu không bước nổi
Gục bên mũi súng bỏ quên đời!!
Tây Tiến, Quang Dũng

Nhưng, Người Đàn Bà - Người Vợ Lính, Người Mẹ Miền Nam, đã cùng đi, đến đủû với chồng, với con hằng mười năm, hai mươi năm xuyên suốt khổ nạn quê hương. Họ ra đi lúc trăng non nơi Miền Nam, xuyên qua xĩ nhục, chưởi gào do đám dân miền Bắc được “học tập căm thù bọn ngụy quân, ngụy quyền và gia đình bóc lột ăn bám của chúng”, kể cả phải hứng chịu hành hung, cướp giật trên những chuyến tàu lửa đen đủi, ám khói xuyên “miền Bắc tiên tiến xã hội chủ nghĩa”. Và cuối cùng, họ đến trại lúc trăng nhạt màu héo úa, đầu tơi tả tóc lấm bụi, chân khô nẻ gót cắt, với gói quà cứu đói dành giụm từ Miền Nam để nói cùng chồng, cùng con trong năm mười phút thăm nuôi, lời trung hậu đơn giản: “Anh yên tâm, ở nhà có em lo. Con cố gắng học tập.. Mẹ còn sống ngày nào, Mẹ không bao giờ bỏ con.”Chỉ với những hành vi, tiếng lời nhỏ bé thăm thẳm thương yêu vừa kể ra trên - Người Lính đã kiên cường xốc tới trong lửa đạn, và tồn tại sau chiến tranh, trong ngục tù, bởi họ đã vô vàn nhận lãnh: Vô Lượng Tấm Lòng Người Vợ- Người Mẹ Miền Nam.

Thủy chung, anh chỉ có một tấm lòng để nói cùng Người. Với Người Lính, như đã một lần, về một nội dung, trong suốt một đời. Ba-mươi năm bùng vỡ trận Ban Mê Thuộc.

Denver, 10 tháng Ba, 1975 –2005
Thiếu Úy Phan Nhật Nam
Tiểu Đoàn 7 Nhẩy Dù- KBC 4919.

User avatar
khieulong
Posts: 6756
Joined: Wed Dec 01, 2004 9:09 pm
Been thanked: 1 time

Post by khieulong »

Góc Kỷ Niệm Chiến Trường: “Dặm Trường Việt Nam”
Tuesday, April 19, 2005 Bút Ký Ý-YÊN



Thuở ấy... đầu xuân Ất Mão... Sau 30 năm phát động hai cuộc chiến tranh xây dựng đảng, quân xâm lăng phương Bắc đã tới bên sông La Ngà trên vùng cây trái hiền hòa Miền Ðông.

Qua 20 năm kháng chiến, quân dân Miền Nam không để một khu vực đông dân cư nào lọt vô tay Bắc Cộng; đôi khi trong thế giằng co, hễ tạm mất liền được dành lại. Mỹ và đồng minh ào ào kéo đến vào năm 1965, tưởng như ăn sống nuốt tươi cộng sản Bắc Việt, nhưng chỉ hoạt động tại Miền Nam, rồi tám năm sau lẳng lặng rút đi, để lại Quân đội Việt Nam Cộng Hòa một mình gánh chịu hết sức nặng chiến tranh tự vệ trước toàn khối cộng sản quốc tế.

Người viết có mặt tại Miền Ðông qua suốt một mùa quốc nạn. Là lính chiến, nên xin ghi lại những diễn biến về mặt quân sự. Và nếu đôi khi buộc phải nêu lên những sự kiện về tình hình chính trị, đó chỉ là một đòi hỏi trong khi viết, nhưng sẽ không đưa ra những lời chỉ trích nào đối với những nhân vật chánh yếu có liên hệ trực tiếp tới ngày 30-4-1975, nói thẳng ra là Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu và Tướng Dương Văn Minh.

Trong đêm khuya 5-4-1975, trên đỉnh Ðồi Móng Ngựa, chàng lính chiến của một tiểu đoàn bộ binh nơi chạm tuyến, nằm đu đưa trên chiếc võng hành quân mắc vô hai cây mít, chiếc radio ba băng áp sát bên tai, nghe ngóng sự đời. Ðây là tiền đồn cực bắc cuối cùng của Miền Nam đã lui hàng ngàn cây số từ kháng chiến Ðông Hà, Quảng Trị, về mãi khu vực Dốc Mơ, Gia Kiệm, hướng về phương bắc mịt mờ.

Mấy đài phát thanh nước ngoài đổi giọng phóng tin Tướng Ngô Quang Trưởng đào nhiệm, gây hoang mang cùng khắp Vùng Một giới tuyến. Tổng Thống Thiệu kêu ông vô Sài Gòn nhận lệnh “bỏ Huế”. Sau đó, ông Thiệu thay đổi ý cho giữ Huế, sau cùng lại bỏ Huế. Miền Trung di tản trong hỗn loạn kinh hoàng. Khi về gặp Tổng Thống tại Sài Gòn, Tướng Trưởng cam phận vô nằm nghỉ bệnh tại moat trailer house gần cổng chánh thuộc doanh trại Bộ Tổng Tham Mưu. Sau khi Tổng Thống Thiệu từ chức, Tướng Trưởng được tự do, nhưng trắng tay cô độc, lại mang nón sắt áo giáp túc trực tại Bộ Tổng Tham Mưu chờ lệnh chiến đấu từ một chánh quyền chuyển tiếp để tan hàng.

Một vị Tư lệnh quân đoàn khác đã phải ôm một nỗi buồn-muôn-thuở cùng Ban-Mê-Thuột. Tướng Phạm Văn Phú tâm sự với người bạn là Trung Tá Trần Thanh M., khóa 13 Ðà Lạt: Vào dịp Tết Ất Mão, Tổng Thống Thiệu ra lệnh cho ông phòng thủ Ban-Mê-Thuột, nhưng về sau lại ra phản lệnh cho ông ưu tiên phòng thủ Pleiku. Tướng mặt trận thi hành chỉ thị của nhà vua, đâu có ngờ đó là lệch lạc sai lầm về chiến lược, từ đó Ban-Mê-Thuột dễ dàng sa vô tay địch, biến cố như sức nổ dây chuyền ra tới Huế ngày 25-3-75 và liên tiếp về Miền Nam. Tướng Phú dặn Trung Tá M. chỉ nên tiết lộ sự kiện giả trá về Ban-Mê-Thuột vào thời gian thuận tiện. Ông tuẫn tiết trong Tháng Tư 1975 trước ngày mất nước.

Trong hai tháng Ba và Tư 1975, từng đoàn dân chúng lũ lượt bám sát theo các đơn vị ta trên đường triệt thoái, từ Cao Nguyên đổ xuống đồng bằng, từ Miền Trung xuôi nam. Nơi nào cộng quân kéo đến, là nơi đó người dân bỏ đi. Cảnh tượng Ðại lộ Kinh Hoàng ngoài Quảng Trị trong mùa Hạ 1972 tái diễn nhưng với mức độ khủng khiếp gấp trăm phần. Người dân thành Hạ Bì trong Tam Quốc bỏ Tào Tháo chạy theo Lưu Bị chỉ là hình ảnh mờ nhạt so với những thống khổ người dân Miền Nam phải gánh chịu trước vũ khí giết người, hỏa tiễn 122, đại pháo 130 của Liên Sô và Trung Cộng trong tay người cộng sản Việt Nam.

Trên đường tiến quân về Sài Gòn, Bắc Cộng đã chạm phải kháng tuyến Xuân Lộc. Sau 12 ngày tấn công vô vọng, quân đoàn 4 Bắc Việt đã để lại chiến địa một số tổn thất về nhân mạng và chiến cụ đủ để tổ chức và trang bị một sư đoàn mới. Nhưng Tổng Thống Thiệu, sau hai lần cho rút bỏ cao nguyên và vùng giới tuyến, thêm một lần nữa, cho di tản Xuân Lộc vào ngày 20-4-1975. Cái loa tuyên truyền “thừa thắng xông lên” của cộng sản vang rền là nhờ ăn theo những quân lệnh của Tổng Thống phủ Sài Gòn, đặc biệt là những đòn phản tuyên truyền mách nước cho Bắc Cộng của những đài nước ngoài. Còn ông Thiệu có nhận lệnh từ đâu chăng, thì không là nội dung của bài này.

Bên Cam Bốt, chánh quyền quốc gia, thân Việt Nam Cộng Hòa, cũng sụp đổ như một trùng hợp “lạ lùng” vào ngày 17 tháng Tư 1975, chỉ có 13 ngày trước giờ nguyệt thực Việt Nam Cộng Hòa. Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa do đó mất hết cơ hội mượn đất bạn tiếp tục kháng cộng, khi cần đến.


Tiếng Vọng Qua 30 Mùa Xuân

Xin dành một nửa trang bài viết để nói về thế tiến thoái lưỡng nan - có thể là nỗi dằn vặt trong lương tâm - của những vị lãnh đạo Việt Nam Cộng Hòa trước khi dinh Ðộc Lập rơi vào tay cộng sản; đó là quý vị Nguyễn Văn Thiệu, Trần Văn Hương, Dương Văn Minh, và Nguyễn Cao Kỳ. Ðây là những sự thực chưa được giải thích, do những người thân cận của các vị lãnh đạo thuật lại, xin dùng cho phần kết của bài này.

Người viết xin tôn vinh lòng yêu nước của quý vị lãnh đạo, thể hiện trước nguy cơ xâm chiếm của cộng sản Bắc Việt trong những ngày chót Việt Nam Cộng Hòa. Mặc dù bị đồng minh Hoa Kỳ bỏ rơi vì chính sách của họ, những nhà lãnh đạo Việt Nam, xin kể luôn vị Tướng tuẫn tiết Nguyễn Khoa Nam Tư lệnh Vùng Bốn Chiến Thuật, đã cương quyết không kêu gọi tới sự can thiệp của Pháp hay Trung Cộng, biết rằng điều này cũng khó xảy ra do sự canh chừng của Hoa Kỳ.

Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Ông Thiệu từng thăm An Lộc ngay khi trận chiến còn đang sôi động, từng chủ trương sử dụng tiền vay bốn ngân hàng Việt Nam để kháng chiến; đã lạy lục một cách vô vọng xin vay Mỹ vỏn vẹn ba tỉ MK có tính lời / interests, sẽ trả trong 10 năm, để kháng cộng; Tổng Thống Thiệu cũng từng xin quốc vương nước Saud Arabia giúp phương tiện để kháng chiến. Khi ông cho rút cao nguyên và giới tuyến, chắc ông đã thấy, ít ra lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa cũng còn bắt đầu lại từ vĩ chuyến 13 vùng Phú Yên xuôi về tới mũi Cà Mau. Có lẽ hy vọng cuối cùng về “một vùng trái độn giữa hai vĩ tuyến 13 - Phú Yên và 11 - Phan Thiết” đã đánh lừa ông? Niềm tin đó cứ nhỏ dần cho đến một giờ, ông lại ra lệnh di tản Xuân Lộc, trước khi đại sứ Mỹ cố vấn cho ông nên từ chức. Tuy nhiên, như có sự sắp xếp, ông Thiệu đã tránh được cuộc đầu hàng trong cương vị một Tổng Thống hợp biến... Khi sang Mỹ, trả lời phỏng vấn của BBC vào năm 1993, ông Thiệu cho biết, ông hoàn toàn tin tưởng vào thực thể toàn vẹn của Việt Nam Cộng Hòa theo công pháp quốc tế.

Tổng Thống kế nhiệm Trần Văn Hương. Một nhân sĩ tràn đầy tình yêu nước, vô cùng thanh sạch, quả cảm đã thề giữ Miền Nam như chính mạng sống mình; nhưng rồi cũng đã phải trao quyền cho ông Big Minh - và chỉ cho Big Minh mà thôi - là đòi hỏi tối hậu của phe Bắc Việt: Bất cứ người nào khác ngoài Big Minh sẽ phải trả giá bằng một Sài Gòn trong biển lửa. Cái viễn tượng khủng khiếp về hàng triệu dân lành phải hy sinh về tay Cộng sản, và một Sài Gòn tan nát, đã buộc TT Hương trao quyền cho Big Minh.

Cụ Hương ở lại Miền Nam, khảng khái từ chối 100 ký gạo hàng tháng do cộng sản đề nghị chu cấp, cụ nói, “bởi vì đàn em dưới quyền tôi đang bị đói rét trong tù”. Cụ Hương không đi bỏ phiếu bầu cử theo lối cộng sản, và cũng không làm chứng minh nhân dân trong chế độ cộng sản. Cụ Hương từ chối lời mời sang Pháp định cư. Cụ đã quá vãng tại Sài Gòn, theo đúng ý nguyện vẫn là công dân Việt Nam Cộng Hòa.

Ðại Tướng Dương Văn Minh, ông Big Minh đã ra thường dân từ 1965, không được dân bầu cử, không có tư cách chuyển quyền làm Tổng Thống như cụ Hương, vị Chủ tịch Quốc hội, hoặc Chủ tịch Giám sát viện. Ông chỉ là làm Tổng Thống trong hai ngày, theo đòi hỏi và lời hăm dọa “san bình địa Sài Gòn” của phe xâm lược Bắc Việt, và do một thiểu số dân biểu còn lại trong tình hình hỗn loạn vào hai ngày chót Việt Nam Cộng Hòa. Big Minh là Tổng Thống vi hiến đã đầu hàng với quân ngoại nhập Bắc Việt. Ông Minh nhanh trí viết cấp bậc của mình là “đại tướng” trên “lời đầu hàng”, nhưng đã bị viên Trung Tá Tùng của Bắc Cộng bắt sửa lại là “Tổng Thống”.

Vào giữa thập niên 1980, trước khi sang Pháp, Big Minh tâm sự với cựu Tướng Hữu Hạnh và một Bác sĩ tư, từng là quân y sĩ thuộc binh chủng Thiết Giáp Việt Nam Cộng Hòa: “Qua” bị lừa. Qua định xin thời hạn ba tháng để anh em quân nhân có thể di tản, nhưng cuối cùng thì lại phải đầu hàng. Nhưng theo qua biết, “chừng 20 năm sau, tình hình sẽ trở lại sáng sủa cho Miền Nam Việt Nam. (?)Phó TT Nguyễn Cao Kỳ. Tướng Kỳ rời chánh quyền và quân đội từ 1971. Tháng Ba 1975, ông Kỳ rời lâm ấp Khánh Dương, xin dẫn quân tái chiếm Ban Mê Thuột, nhưng không được TT Thiệu chấp thuận. Ðại sứ Martin và CIA cảnh cáo Tướng Kỳ không được làm đảo chánh để tiếp tục chiến đấu. TT Hương, sau hai lần từ chối, cuối cùng đã đồng ý cho Tướng Kỳ và Tướng Nguyễn Ðức Thắng trở lại quân ngũ; nhưng mấy giờ sau, TT Hương lại hủy bỏ lệnh bổ nhậm, bởi chính cụ cũng sắp rời chức vụ. Trong hai Tháng Ba và Tư 1975, Tướng Kỳ tự nguyện vùng các phi công, đánh phá ngăn chặn Bắc quân tiến về Sài Gòn. Ngày 28-4-1975, TT Hương, trước khi trao quyền cho Big Minh, điện thoại sang Bộ Tổng Tham Mưu khuyên Tướng Kỳ nên ra đi để hy vọng còn có dịp phục vụ sau này.


Sơn Tinh chiếm Dinh Ðộc Lập

Sau khi ra lệnh bỏ tuyến Xuân lộc, Tổng Thống Thiệu đột ngột từ chức vào lúc 20g30 ngày 21-4-1975, và hứa sẽ sát cánh cùng các chiến sĩ chiến đấu chống Cộng tới cùng. Nhưng ông Thiệu ra đi, được đích thân đại sứ Martin đưa tiễn, hai CIA gộc Timmes và Polgar tháp tùng ra tận thang phi cơ quân sự Mỹ. Lời tố cáo Việt Nam Cộng Hòa phải tan hàng do tệ nạn tham nhũng đã không còn giá trị, khi ông Thiệu được Hoa Kỳ bảo vệ cho ra đi an toàn.

Cũng thời gian này, phía CS Bắc Việt đem Tướng Trần Văn Trà thuộc MTGPMN sang Quân Ðoàn Bốn Bắc Việt, nhằm mục đích cô lập Trà khỏi quyền tư lệnh các lực lượng giải phóng Miền Nam, đề phòng một cuộc “hòa hợp hòa giải” bất ngờ với Việt Nam Cộng Hòa theo ý Trung Cộng. Bắc Việt đã gạt đàn em Mặt Trận Giải Phóng ra một bên, và tự đóng vai trò Sơn Tinh chiếm dinh Ðộc Lập. Chính Lê Ðức Thọ sau chuyến sang Liên Xô vào cuối Tháng Ba 1975 để nhận chỉ thị, khi trở về đã tiết lộ với đại sứ Mérillon của Pháp: Bắc Việt phải đề phòng một cuộc hòa giải không cần thiết tại Miền Nam.

Từ cuối năm 1960, mười lăm năm làm phận tôi đòi cho Bắc Việt, MTGPMN chỉ thu hoạch được một trái dừa tròn trịa như con số Không, mà cụ Hồ gửi tặng qua phái đoàn Thị Ðịnh năm nào.


Diễn tiến tình hình vào giờ chót Việt Nam Cộng Hòa.

Trong đêm 29-4-1975, Big Minh chỉ thị cho đại tá Chiêm cấm binh sĩ nổ súng, các băng đạn tháo ra hết, mở sẵn cổng dinh “để tôi đón tiếp những người anh em bên kia”. Một toán thuộc Liên đoàn 81 Biệt Cách Dù hai lần tới định, ngăn cản ông Minh không được đầu hàng cộng sản.

Lúc 9g45 ngày 30-4-1975: Big Minh ra lệnh cho các đơn vị Việt Nam Cộng Hòa ngưng bắn, buông súng tại chỗ để “tôi bàn giao chánh quyền cho Chánh Phủ Cộng Hòa miền Nam”. Biệt Cách Dù từ trại Trần Hưng Ðạo (Tổng Tham Mưu) tiếp tục điện thoại ngăn Minh không được đầu hàng địch.

Lúc 11g15: Toán xe tăng đầu tiên thuộc Lữ đoàn 203 tăng Bắc Việt tới cổng dinh theo đường Thống Nhứt. Một “Ve Chai” trên xe bắt lính gác khóa chặt cánh cổng dinh; anh lính chần chờ quay vô hỏi lệnh sĩ quan trực, liền bị ve chai bắn chết tại chỗ. Một ve chai khác nhảy xuống khép hai cánh cổng, lấy xích sắt vòng chặt lại. Chiếc T.54 rồ máy sấn tới xô nghiêng cánh trái cổng màu xanh, dây xích khóa bung ra; đại liên trên mấy xe tăng và lính tùng thiết đồng loạt tác xạ dữ dội vô mặt tiền dinh; chúng xuống xe, ùa vô, đến nữa sân cỏ đám lính Bắc Việt nhảy xuống, hai tên cầm cờ xanh đỏ Mặt Trận Giải Phóng (hai lá cờ cho chắc ăn), nón cối sùm sụp trên đầu, lúp xúp chạy lên thềm dinh...

Ðặt trường hợp Liên Hiệp Quốc không phải “sợ” một ai, có lòng tốt chỉ cần phải một tiểu đội mũ xanh tới, trương cờ xanh Liên Hiệp Quốc lên, ngồi phì phèo thuốc lá cà phê trên thềm dinh, thì bố bảo cả làng cộng sản cũng không dám xông vô dinh mà hô lớn, “A, ta bắt được Tổng Thống “ngụy” đây rồi!”

“Các ông chẳng còn gì để mà giao, chỉ có đầu hàng không điều kiện”, viên Trung tá Tùng thuộc đơn vị xe tăng Bắc Việt xẵng giọng với ông Minh. Hắn loay quay thảo “Lời đầu hàng” kèm theo “Bản chấp nhận đầu hàng” trên trang sổ tay, gạch xóa, nhưng chữ viết khá đẹp, lời văn gẫy gọn chứng tỏ đã được hướng dẫn rất kỹ từ trước. Ông Minh nhanh trí đòi ghi cấp “đại tướng” trên Lời Ðầu Hàng, nhưng viên chỉ huy Cộng Sản không thuận, bắt ghi đúng là “Tổng Thống” mới nghe.

Cộng Sản Bắc Việt khôn nhưng không ngoan, bởi khi họ ép ông Tổng Thống vi hiến Big Minh phải đầu hàng, là đã vô tình thừa nhận có một “thực thể quốc gia” để phải đầu hàng. Những cuộc “nội chiến” tại Cuba và Trung Hoa, làm gì có lệnh đầu hàng. Do đó, văn kiện pháp lý là Hiệp Ðịnh Ba Lê còn y nguyên tại Liên Hiệp Quốc, xác nhận Bắc Việt là bên xâm lăng, và Nam Việt là bên kháng chiến tự vệ. Những lính Bắc Việt bị dính chất da cam tại cao nguyên Miền Nam đã làm chứng cho cuộc xâm lăng của Bắc Cộng; cuộc kiểm tra dân số năm 1989 của Liên Hiệp Quốc đã phân loại những thành phần người dân tại Miền Nam trước và sau 1975, v.v...


Dinh Ðộc Lập, ngày tháng đợi chờ

Một sáng mùa Xuân 1992, trời Sài Gòn ấm áp, kẻ ngoại đạo, người lính cũ Miền Ðông mới ra tù, đạp xe quanh quẩn đi thăm thành phố thân xưa. Buổi sáng, anh ta đi gởi một tập hồ sơ tị nạn sang ODP Bangkok. Rời bưu điện, anh ta dừng xe đạp bên một con đường lớn, kêu ly nước mía. Dinh Ðộc Lập hiện ra cuối đường Lê Duẫn mới đổi lại từ tên cũ là 30-4. Nhìn kỹ, cái dinh thự xưa trông chẳng khác nào những khúc xương trắng, chính giữa là phòng khánh tiết nay để trống, vì thiếu ánh sáng nên giống như một cái miệng há ra rồi không ngậm lại được nữa.

Theo lẽ thường, vị thủ lãnh bên thắng trận sẽ chiếm ngự tòa nhà số một bên thua trận, ví dụ ông Hồ chiếm dinh thống sứ tại Hà Nội làm chủ tịch phủ, vì đó là niềm hãnh diện tự hào. Thế nhưng Cộng Sản Việt Nam đã bỏ bê cái dinh và chỉ cho sử dụng làm nơi vãng cảnh qua bao năm tháng, thu chút tiền còm. Có lời đồn đại rằng Mai Chí Thọ mê bói toán, đã chê cái dinh ở vào hãm địa, nên bỏ đi không dùng làm tòa nhà hành chánh. Nhưng CS vẫn không biến cái dinh thành một cơ sở nào khác, ví dụ những phân khoa đại học, một trung tâm thương mại kiểu mẫu.

Tòa Ðại sứ Mỹ gần đó cũng vắng hoe, để một căn buồng tối om phía lầu một làm văn phòng đại diện công ty dầu khí, ít khách khứa ra vô.

Khoảng đầu năm 1989, báo đài loan tin sẽ dựng tượng cụ Hồ trong khuôn viên dinh Ðộc Lập nhân kỷ niệm 100 năm sinh nhật cụ Hồ. Bức tượng bán thân cao 9 mét, để tượng hoa sen cao 3 mét, và cái đầu để bên cạnh cao hơn mét, đang do ông Diệp Minh Châu đẽo gọt dở dang tại một khoảng sân nhà kho bên đường Tô Hiến Thành. Chờ mãi không thấy ai rước cụ vào dinh. Dân chúng nhỏ to sầm xì, nên bảy tháng sau ngày kỷ niệm sinh nhật ông Hồ, đảng cho khiêng một tượng nhỏ thó của ông ta từ Lạng Sơn vô, đặt trước tòa đô chánh Sài Gòn xưa cho có lệ. Bức tượng bán thân cao chín mét của ông Hồ trong trại Tô Hiến Thành, đã bị lôi đi đâu mất dạng.

Vật đổi sao rời. Liên Xô đã sụp đổ, Trung Cộng không còn là người chị cả của Cộng Sản Việt Nam. Người Mỹ đã trở lại Việt-Nam. Ðảng Cộng Sản Việt Nam đã làm thân với Mỹ. Cạy cục được làm quen với Mỹ, thì đương nhiên Cộng Sản Việt Nam cũng phải làm quen với những người bạn cũ của Mỹ, ví dụ Nam Hàn, Úc Châu, Thái Lan, Tân Gia Ba, thì sao lại không với một Việt Nam Cộng Hòa, cũng là bạn của Mỹ xưa?

Nước Việt Nam Cộng Hòa thành lập từ 1955, tức là 20 năm trước Hiệp Ðịnh Ba Lê, thì chẳng thể nào bị xóa tên vì một cái hiệp định do cộng sản đơn phương vi phạm. Cộng Sản Việt Nam có quanh co giải thích đến thế nào chăng nữa, thì cuộc chiến xâm lược Miền Nam do ông Hồ chủ động, cũng tương tự như cuộc xâm lăng của Bắc Hàn xuống Nam Hàn năm 1950. Nếu không thấy rõ điều này, là ta đã hợp thức hóa ngày 30-4-1975 cho Cộng Sản Bắc Việt, và vô tình thừa nhận cái trò thống nhất bịp bợm của Cộng Sản Bắc Việt. Ý tưởng này không nhằm hỗ trợ cho việc chia đôi đất nước, nhưng để liên hệ tới một cuộc tổng tuyển cử thống nhất chính thức dưới sự giám sát của Liên Hiệp Quốc. Ít ra, người Việt yêu nước khắp nơi cũng nên nhớ rằng, mình đang là những kẻ vô gia cư trước căn nhà của mình đang bị cộng sản chiếm đoạt bằng võ lực.

Tòa đại sứ Mỹ bên đường Thống Nhứt, bỏ trống lâu năm, nay đã hoàn trả cho Caesar Mỹ, - Mỹ đi rồi Mỹ lại về. Trong khi đó, dinh Ðộc Lập vẫn chưa có chủ mới. Vào Tháng Tư năm 1991, báo chí Cộng sản đăng tin về dự án trùng tu dinh, và một Ðại tá công binh Việt Nam Cộng Hòa sẽ được mời về nhận công tác tu bổ. Chưa biết đây là sự thực hay là một trái bóng thăm dò, cũng như tuyên bố của chủ tịch thành phố Lê Thanh Hải một năm trước về việc đặt tên thành phố trở lại là Sài Gòn.


Y-YÊN “Dặm trường Việt Nam”.

User avatar
khieulong
Posts: 6756
Joined: Wed Dec 01, 2004 9:09 pm
Been thanked: 1 time

Post by khieulong »

Lá thư Illinois: Từ trào lưu dân chủ hiện nay tại các nước cộng hòa cũ trong Liên Bang Xô Viết đến vấn đề dân chủ tại Việt Nam
Thursday, April 21, 2005 Hà Quang Xương


Này Bạn,

Sự sụp đổ và tan rã của Khối Cộng Sản Liên Bang Sô Viết, mặc dù đã xẩy ra từ năm 1991, nhưng cho mãi đến nay các trào lưu về dân chủ bộc phát tại các nước cộng hòa nhỏ thuộc Liên Sô mới thực sự làm xoi mòn tận lõi tủy của đế quốc này. Khởi sự là các quốc gia tại Ðông Âu và ven bờ biển Baltics tự dưng thấy mình được độc lập không phụ thuộc vào Liên Sô nữa. Các quốc gia này sau đó đã lần lượt ngả về Tây Phương, gia nhập Minh Ước Bắc Ðại Tây Dương và Liên Hiệp Âu Châu. Những năm tiếp theo đó là một loạt các cuộc cách mạng dân chủ ôn hòa đã xẩy ra tại các nước như Ba Lan, Hung Gia Lợi, Tiệp Khắc... Ảnh hưởng của các cuộc cách mạng dân chủ này hiện nay đã lan dần đến các nước Cộng Hòa nhỏ có vị trí địa dư bao quanh nước Nga.

Như Bạn đã biết sau khi Liên Bang Sô Viết tan rã đã có cả chục nước Cộng Hòa nhỏ được độc lập nhưng vẫn bị chi phối nặng nề bởi Nga Sô. Các lãnh tụ của các quốc gia này thường được lựa chọn trước bởi Nga Sô qua các cuộc bầu cử tiền chế. Và các lãnh tụ này sau khi hết nhiệm kỳ lại cho mình cái quyền (với sự chấp thuận của Nga Sô) được chỉ định người kế vị trái với ý muốn của đại đa số quần chúng. Lề lối chính trị ấu trĩ này làm dân chúng, khát khao có một nền dân chủ thực sự, quá bất mãn. Mười tám tháng trước đây, trong một cuộc cách mạng ôn hòa mệnh danh là Cách Mạng Hồng “Rose Revolution”, dân chúng thuộc nước cộng hòa Georgia đã chọn bầu một Tổng Thống trẻ tuổi có lập trường chống lại sự chi phối của Nga Sô. Chín tháng sau đó, một cuộc cách mạng dân chủ ôn hòa khác mệnh danh là Cuộc Cách Mạng Cam “Orange Revolution”, đã xẩy ra tại Ukraine. Dân chúng tại quốc gia này đã xuống đường hủy bỏ cuộc bầu cử bịp bợm và bầu lại một Tổng Thống mới không do Nga Sô chỉ định. Hai tuần trước đây, tại cộng hòa Kyrgyzstan trong một cuộc xuống đường tương đối bạo động, dân chúng cũng đã lật đổ một Tổng Thống bù nhìn do Nga Sô chọn. Thế là chỉ trong vòng 16 tháng đã có 3 quốc gia thoát ra khỏi quỹ đạo của Nga để xây dựng một nền dân chủ thực sự cho quốc gia mình. Các quan sát viên chính trị thế giới cho rằng những cuộc cách mạng dân chủ này có những hiệu ứng dây chuyền (domino effect) rất mạnh, nó sẽ lan dần đến các nước cộng hòa nhỏ khác sát với biên giới Nga Sô và làm xoi mòn dần đế quốc này. Ðã có những dấu hiệu cho thấy dân chúng tại Turkmenista đang rục rịch xuống đường chống lại Tổng Thống độc tài Saparmurad Niyazov cũng do Nga Sô dựng lên. Và biết đâu dân chúng Nga cũng sẽ nổi dậy vì không chịu nổi chính sách phản lại dân chủ càng ngày càng trở nên độc tài, ngăn cấm tự do phát biểu và đàn áp đối lập của TT Nga Sô Vladimir Putin.

Luồng gió dân chủ đang làm đế quốc Nga rung chuyển tận gốc rễ và sẽ tiếp tục thổi mạnh vào các thành trì cộng sản còn sót lại như Trung Quốc, Việt Nam, Bắc Hàn và Cuba. Riêng tại VN nhằm chuyển hướng luồng gió đó Ðảng CSVN đã đưa ra một loạt các “cởi trói kinh tế” hầu ru ngủ quần chúng nhưng cũng không thể nào đánh lạc được sự chú tâm và ngăn chặn được khát vọng dân chủ của người dân. Trong bối cảnh của các vụ đấu đá chính trị ở thượng tầng cấu trúc Ðảng CSVN, các người tranh đấu cho dân chủ trong và ngoài nước hiện đang liên kết lại chặt chẽ hơn. Những trận đánh dân chủ cho VN đã mạnh mẽ hơn và càng ngày càng được nhiều người hưởng ứng bởi vì nó phù hợp với tâm tư nguyện vọng của đại đa số quần chúng và phù hợp với đà tiến hóa chung của nhân loại.


Hẹn Bạn thư sau,

Hà Quang Xương

User avatar
phu_de
Posts: 2917
Joined: Sun Nov 28, 2004 10:57 pm
Has thanked: 7 times

Người Con Gái Trên Đường Bolsa

Post by phu_de »

Người Con Gái Trên Đường Bolsa


Người con gái đứng trên đường Bolsa
Sao em chưa về trời sắp tối ?
Em đứng đây từ khi đêm chưa sáng
Lá cờ vàng cầm chặt trong tay

Người con gái Việt Nam từ khổ nhục sinh ra
Trên đất nước hận thù bao thế kỷ
Em khôn lớn dù giữa lòng đất Mỹ
Vẫn không quên mình da thịt Việt Nam

Nền cờ vàng là dải giang san
Ba gạch đỏ nối ba miền chung thủy
Là Hoàng Liên Sơn, Trường Sơn, Thất Sơn hùng vĩ
Là sông Hồng, sông Cửu, sông Hương

Hãy cầm chặt nghe em, như cha giữ biên cương
Như thuở mẹ ôm em như lòng biển cả
Như ông nội chết để giữ yên mồ mả
Như bao người ngã xuống giữ quê hương

Em vẫn ngồi đây dù mưa ướt đêm sương
Đã lâu lắm chưa bao giờ được thế
Những chị, những anh, cụ già, em bé
Cùng cất cao bài hát tự do

Người con gái đứng trên đường Bolsa
Như đang đứng giữa Sài Gòn chiến thắng
Hãy giữ lấy niềm tin, trời Việt Nam sẽ sáng
Bốn ngàn năm lịch sử vẫn còn đây.
Trần Trung Đạo



[ram]http://video.coloa.net/tambut/bolsa.mp3[/ram] Thơ: Trần Trung Đạo
Nhạc Trầm Tử Thiêng
Anh Dũng ca

User avatar
phu_de
Posts: 2917
Joined: Sun Nov 28, 2004 10:57 pm
Has thanked: 7 times

Post by phu_de »

Ta Sẽ Về Đông Hà - Gio Linh Ơi!

Ngọc Thủy
(VNN)
(tiếp theo)

Image

Vượt thêm mấy dặm đường, tôi cũng đi tới Đông Hà, nhìn ngôi chợ nằm bên chân cầu dọc sát ven sông đang đổ dài bóng nắng ban trưa, lao xao thấp thoáng những bóng dáng cần cù lam lũ gánh bưng tất tả mà thương mà xót đến quặn lòng. Xa xa trong cánh rừng sim ngút ngàn kia, có phải là những trận địa kinh hoàng đã diễn ra vào những năm xưa. Bao xác thân đã vùi chôn nơi chốn đó để ngăn chận bước quân thù xâm lấn quê hương. Những cái chết liệt oanh trong rừng sâu, trên núi thẳm, tan vào hư không như Nguyễn Du, Phan Quang Tuấn, Trần Thế Vinh, Nguyễn Cao Hùng v.v... đã làm sáng rực cả bầu trời miền Nam thân yêu. Những người chiến sĩ VNCH đã sống và chết cho tổ quốc thật quả cảm, truyền lại cho thế hệ chúng ta biết bao niềm hãnh diện tự hào.

Tôi căng mắt ra như để cố tìm những điều đã viết trong tập truyện 'Trần Thế Vinh và Phi Vụ Cuối Cùng'. Kia có phải là ngọn núi Bá Hô, căn cứ Carrol, Cồn Tiên, Mai Lộc? Và có ai chỉ hộ dùm tôi cứ điểm Phượng Hoàng nằm ở nơi đâu, nơi cánh chim trời đã rơi xuống vùng lửa địch năm xưa:

có một người tên Trần Thế Vinh
năm Bẩy Mươi Hai chết giữa trời xanh
con tàu sắt vỡ ra trăm mảnh
thân xác anh tung xuống Phượng Hoàng...

Image

Dù lần đầu đặt chân tới đây, nhưng tôi thật thiết tha yêu mến mảnh đất nghèo xa xôi nơi địa đầu heo hút này, mảnh đất đã thấm bao giòng máu đỏ can trường của những người thanh niên đất Việt đã liều mình hy sinh cho chính nghĩa Tự Do:

Đông Hà-Quảng Trị nơi vùi xác
không phải mình anh còn kẻ thù
còn bạn đồng hành cơn lỡ cuộc
Mùa Hè Rực Lửa sáng thiên thu!
n.t.

Mùa này, hoa sim đã nở tím rực đồi chưa nhỉ? Hãy cho tôi xin một vài cánh hoa để được thả bay trong gió chút lòng tưởng kính tri ân những người đã nằm xuống cho quê hương thời tao loạn cũ!

Từ ngả ba Cửa Việt chạy dài ra duyên hải, là cửa khẩu tiếp vận cho Đông Hà - Quảng Trị mà CSBV đã nỗ lực đánh chiếm để cố dành thắng lợi trong việc xâm lăng miền Nam vào các thời điểm 1972-1975.

Qua cầu Trúc Khê là thị trấn Gio Linh. Gio Linh nắng cháy, gió gào, mưa tuôn. Hình ảnh bà mẹ Gio Linh được vẽ nên từ lời nhạc Phạm Duy thật sống động quật cường:

'mẹ già cuốc đất trồng khoai
nuôi con đánh giặc đêm ngày
cho dù áo rách sờn vai
cơm ăn bát vơi bát đầy'

Bởi thôn làng quá thống khổ vì giặc Cộng về đốt phá, xâm lăng:

'nhà thì nó đốt còn đây
khuyên nhau báo thù phen này
mẹ mừng con đánh giặc hay
ra công xới vun cày cấy'


Tấm lòng của mẹ thật nồng nàn yêu nước, yêu mảnh đất quê nghèo, khoai sắn nương nhau:

'con đi dân quân, sớm tối vác súng về
mẹ già của con yêu nước có kém chi!'


Rồi bỗng một hôm, mẹ đớn đau lịm người nhận một hung tin:

'mẹ già tưới tưới nước trồng rau
nghe tin xóm làng kêu gào
quân thù đã bắt được con
mang ra giữa chợ cắt đầu'

Có ai nghe được tiếng khóc trong trái tim của người mẹ già một đời yêu nước, thương con. Tiếng khóc như lửa cháy trong lòng, đốt hết cuộc đời còn lại của mẹ. Nhưng mẹ vẫn vững vàng kiên gan trước những dã tâm hèn hạ đến bạo tàn như thế:

'nghẹn ngào không nói một câu
mang khăn gói đi lấy đầu
chiều về trên xóm buồn teo
xa xa tiếng mưa buồn theo!'

Ôi, những người mẹ Việt Nam, mãi mãi là những hình ảnh đẹp đẽ, tràn đầy sức sống của niềm tin mãnh liệt, tự hào cho đất nước:

'tay nâng nâng lên
rưng rức nước mắt đầy
mẹ nhìn đầu con
tóc trắng phất phơ bay...'

Ta yêu con ta, những đứa con Việt Nam yêu dấu ngàn đời của lòng mẹ quê hương!

Image
ngọc thủy (còn tiếp)
mùa hè 2004

.

User avatar
phu_de
Posts: 2917
Joined: Sun Nov 28, 2004 10:57 pm
Has thanked: 7 times

Post by phu_de »

Mời quý vị nghe 1 bản nhạc Chính Huấn

Ta sẽ về Đông Hà


Cục Chính Huấn

Lời Giới thiệu (CCH):

Đông Hà ơi, Gio Linh ơi, ta sẽ về với niềm tin yêu mãnh liệt.
Với đôi tay và súng thép chưa buông. Ta sẽ về đây từ tiếng
khóc nghẹn ngào, trên vũng máu người thân vừa gục xuống. Ta
về đây để giữ nhà ta, giữ ấp ta, để làng xóm bừng lên
sức sống và cháu con ta hạnh phúc reo mừng.

Kìa Cam Lộ, Triệu Phong, Mai Lĩnh. nắng vẫn đẹp và tình quê
hương tha thiết. Hãy hát vang lên chào đón một ngày về.



1.
Ta sẽ về Đông Hà
Ta sẽ về Gio Linh
Dành lại đất
quê hương xây bằng nước mắt
Dành lại đất
quê hương tháng năm mồ hôi

Ta sẽ về Cam Lô.
Ta sẽ về Triệu Phong
Bằng con tim lửa cháy
Bằng bàn tay xiết lại
trong hờn căm lòng người Gio Linh ơi

Điệp Khúc:

Đây giờ đã đến, giờ bão tố,
giờ sấm sét lên trên đầu giặc.
Giờ hờn căm quân dân ta vùng lên.
Giờ phản công
Giờ oai linh đã đến
Giờ oai linh đã đến

Từ không trung: anh hùng mây xanh
Từ đại dương: anh hùng biển khơi
Đây bộ binh: sức mạnh tuyệt vời
Ta sẽ thắng! ta sẽ thắng!

2.
Ta sẽ về Đông Hà
Ta sẽ về Gio Linh
Dành lại đất
quê hương chan hoà ánh nắng
Dành lại đất
quê hương thiết tha ngàn đời

Ta sẽ về Mai Lĩnh
Ta sẽ về Hải Lăng
Bằng con tim hẹn ước
Bằng giòng máu kiêu hùng
trong hờn căm lòng người Gio Linh ơi

ĐK:

3.
Ta sẽ về Sài Gòn
Ta sẽ về Thừa Thiên
Dành lại đất
quê hương chan hoà ánh nắng
Dành lại đất
quê hương thiết tha ngàn đời

Ta sẽ về Hà Nội
Ta chiếm lại Thăng Long
Bằng con tim hẹn ước
Bằng giòng máu kiêu hùng
trong hờn căm lòng người Thăng Long ơi

ĐK


Ta Sẽ Về Đông Hà
(xin right click để save vô máy)

User avatar
khieulong
Posts: 6756
Joined: Wed Dec 01, 2004 9:09 pm
Been thanked: 1 time

Post by khieulong »

HÌNH ẢNH NGÀY 30 THÁNG TƯ 2005 TẠI WASHINGTON D.C
Image

Image

Image

Image

[img]http://209.172.66.143/april30/img_4452.jpg[img]
Last edited by khieulong on Sun May 01, 2005 6:31 pm, edited 1 time in total.

User avatar
khieulong
Posts: 6756
Joined: Wed Dec 01, 2004 9:09 pm
Been thanked: 1 time

Post by khieulong »

Image
Image
Image
Image
Last edited by khieulong on Sun May 01, 2005 6:32 pm, edited 1 time in total.

User avatar
khieulong
Posts: 6756
Joined: Wed Dec 01, 2004 9:09 pm
Been thanked: 1 time

Post by khieulong »

Những hình ảnh đặc biệt về cuộc biểu tình vào ngày 30 tháng 04 2005 tại Sydney Úc Châu.

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Post Reply