Chiến Sĩ QLVNCH

User avatar
ThienThu
Posts: 757
Joined: Thu Oct 30, 2008 5:38 am

Post by ThienThu »

Image

TIỂU ĐOÀN 5 NHẢY DÙ, 1972:
TRẤN THỦ BÌNH LONG - THƯỢNG KỲ QUẢNG TRỊ


Chân thành cổ chất đầy xương máu
Anh hùng ôm nỗi hận thiên thu.
Đ-C-V.
Xin cùng tôi thắp nén hương lòng tưởng niệm các anh hùng tử sĩ của Tiểu đoàn 5 Nhảy dù QLVNCH trên chiến trường
An Lộc-Quảng Trị 1972. Tưởng nhớ đích thân “Minh Hiếu”

Việt-Long (GĐMĐ/D.C.)

Lời tác giả: Bài này được trình bày như một bút ký chiến tranh của một chiến binh Nhảy dù, QLVNCH, xoay quanh những trải nghiệm cá nhân cùng những dữ kiện được tổng hợp, gạn lọc và tóm lược từ lời thuật của một số sĩ quan thực sự tham chiến. Thêm vào đó, chiếm một phần không nhỏ để trình bày bối cảnh của trang chiến sử, là phần tóm lược một tài liệu liên quan và một số hình ảnh trên website chính thức của Sư đoàn Nhảy Dù QLVNCH, nhaydu.com. Hầu hết những tài liệu trên website này do hai cựu sĩ quan Nhảy Dù dày công thu thập và tổng hợp, biên soạn một cách nghiêm chỉnh và trung thực, đại uý Võ Trung Tín, Tiểu đoàn truyền tin, và đại uý Nguyễn Lưu Viên, Tiểu đoàn 3 Nhảy dù. Mong hai “đích thân” nhận nơi đây lời cám ơn chân thành của tác giả, người đang làm phụ công việc của hai anh, là ghi nhận để lưu giữ và phổ biến những dữ liệu chân thực của cuộc chiến đấu của Đoàn quân Mũ đỏ QLVNCH.

Tái chiếm Quảng Trị : Hành Quân Lam Sơn 72 28/6/1972 là ngày N của kế hoạch phản công tái chiếm Quảng Trị do trung tướng Ngô Quang Trưởng, Tư lệnh QĐI, dày công thiết kế, sau khi ông tổ chức xong một Trung tâm phối hợp hoả lực có khả năng điều động và phối hợp toàn bộ hoả lực yểm trợ của các đơn vị Hoa kỳ và Việt Nam. <>Lực lượng tham chiến gồm có SÐND làm nỗ lực chính, SÐTQLC tấn công cánh phải, Thiết Ðoàn7KB tăng phái, LÐ1BÐQ và SÐIBB trừ bị và bảo vệ hậu tuyến. SÐIBB bung rộng sang vùng tây Huế, tái chiếm các căn cứ trong khu vực thung lũng Ashau. Trung Ðoàn 57BB hành quân bảo vệ địa bàn Quảng Nam . SĐ3BB trấn ngự chung quanh Đà Nẳng. Thành phần trừ bị gồm Trung Ðoàn 4/2BB, Trung Ðoàn 51 và Thiết Ðoàn 17KB.

Sư Đoàn Nhảy Dù khởi động chiến dịch Lôi Phong:
Ngày N-2 và N-1: không tập toàn diện bằng tất cả hỏa lực của Việt Nam và đồng minh: B52, hải pháo, hoà lực không quân chiến thuật của Việt Nam và hạm đội 7, toàn thể pháo binh của ba sư đoàn tham chiến, nhắm vào các vị trí tập trung quân, kho tàng cơ giới và vị trí pháo binh địch. Thêm vào đó là một kế hoạch nghi binh bằng một lực lượng Nhảy Dù chuẩn bị nhảy xuống Cam Lộ, cùng lúc TQLC đổ bộ vào cửa Việt để cắt đường tiếp vận của đối phương. Kế hoạch này nhằm đánh lạc hướng chú tâm phòng thủ của địch. Ngày N. Lấy QL1 làm trục tiến quân, hai đơn vị Tổng Trừ Bị của QLVNCH tiến song song: SÐND bên trái, SÐ/TQLC bên phải, TĐ7KB tăng phái,. Hằng vạn quân rải từ bờ biển đến tận chân dãy Trường Sơn. Mục tiêu: cổ thành Quảng Trị. Theo kế hoạch, SĐND sẽ được trực thăng vận qua sông Mỹ Chánh rồi dàn quân tấn công về hướng Bắc. Nhưng 5.00 giờ chiều ngày N-1, Trung Tướng Dư Quốc Đống, tư lệnh SĐND, bất ngờ thay đổi lệnh hành quân .

3.00 giờ sáng ngày N, 28/6, 3 Tiểu Ðoàn Nhảy Dù thuộc quyền BCH/Lữ Đoàn 3 âm thầm vượt sông Mỹ Chánh. TÐ2ND do Thiếu Tá Nguyễn Ðình Ngọc chỉ huy đi cánh trái, TÐ1ND do tân Tiểu Đoàn Trưởng là Thiếu Tá Lê Hồng chỉ huy đi giữa và TÐ3ND do Thiếu Tá Trần Văn Sơn làm Tiểu Ðoàn Trưởng đi cánh phải. Tất cả súng phòng không của CSBV ở bên kia bờ sông sẵn sàng chĩa mũi lên trời dàn chào các “Thiên Thần Sát Địch” bằng lửa địa ngục của quỷ. Nhưng bất ngờ, hằng ngàn quân mũ đỏ nổ súng tấn công ngay các vị trí chỉ huy và phòng ngự của VC. TÐ2ND đánh thẳng vào BCH Trung Ðoàn 203 chiến xa của VC. TÐ1ND xung trận tiêu diệt hết các vị trí phòng không, tịch thu 14 súng phòng không 12.7 ly và 37 ly, 2 đại bác 57 ly phòng không, bắt sống 5 tù binh.

TÐ3ND đi cánh phải chiếm vùng Lương Ðiền, Tân Tường, Trường Vinh đến tận phía Nam sông Ô-Khê để bảo vệ bãi đáp cho 2 TÐ9ND và TÐ11ND. Sau đó TÐ3ND tiến về phía Bắc quét sạch các chốt địch dọc theo Quốc Lộ I (Ðại Lộ Kinh Hoàng) rồi hướng mũi dùi qua phía Ðông tái chiếm Quận Hải Lăng

Lữ Đoàn I Nhảy Dù xung trận: Sáng ngày 2/7/1972, Trung Tá Lê Văn Ngọc tân LÐT/LÐIND chỉ huy 3 Tiểu Đoàn Nhảy Dù gồm:
TÐ9ND (Trung Tá Trần Hửu Phú TÐT), TÐ11ND (Thiếu Tá Lê Văn Mễ) và TĐ7ND (Thiếu Tá Trần Đăng Khôi TĐT) giữ trách nhiệm lùng quét địch trên trục phía Tây dưới chân dãy Trường Sơn, từ phía Bắc sông Mỹ Chánh qua sông Nhung đến La Vang, quét dọc theo bờ sông Thạch Hản rồi vào thị xã Quảng Trị.

TÐ9ND và TÐ11ND được trực thăng vận đổ xuống phía Bắc Sông Nhung, tiến song song diệt từng dãy chốt liên hoàn trên những dãy đồi trọc không một bóng cây, dưới ánh nắng cháy da của mùa hè đỏ lửa.
TÐ9ND chia quân thành 2 cánh tiến đánh vùng Tân Lê Phước Môn, tất cả 4 ÐÐT đều bị thương vì pháo địch. Ðại Úy Ngưu ÐÐT94 tử thương tại Tân Téo. TÐ11ND là trục chính của cuộc tiến quân, từ Hải Lâm chia làm 2 cánh tiến chiếm mục tiêu nhà thờ La Vang, “Song kiếm trấn ải” (hai con số 1 song song) dàn quân phục kích một đoàn chiến xa BTR85 và PT76 chuyển quân của địch ngược chiều trên QL1. Sau 2 giờ quần thảo, chiến xa địch quay đầu bỏ chạy, hoảng loạn khi qua cầu. dồn đè lên nhau lật xuống sông. Tiểu Đoàn 7 Nhảy Dù do Thiếu Tá Trần Đăng Khôi làm TĐT được trực thăng vận xuống khu vực nhà thờ La Vang, lập tức tấn công bắn cháy 2 chiến xa T54 bố trí trước sân nhà thờ, làm chủ tình thế sau 3 giờ kịch chiến. Trưa 7/7, TÐ3ND tấn công vào quận đường Hải Lăng sau 5 ngày bứng chốt. ÐÐ33ND xung phong, địch tháo chạy về hướng Bắc, quận đường Hải Lăng về tay ta lúc 4.00 giờ chiều. <>Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù giã từ An Lộc, hẹn với Cổ Thành:

Ba Tiều đoàn Nhảy dù 5,6,8 thuộc BCH/Lữ đoàn 3 dưới quyền Đại tá Lê Quang Lưỡng tăng cường cho mặt trận Bình Long-An lộc, sát vai cùng nhiều đơn vị bạn quần thảo với trên 3 sư đoàn cộng quân từ trung tuần tháng 4 đến cuối tháng 6/1972. Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù dưới quyền Trung Tá Nguyễn Chí Hiếu,“Minh Hiếu”, từ An Lộc trở về căn cứ Ngô Xuân Soạn ở Tam Hiệp lúc gần cuối tháng 6. Tôi, lúc đó là trung uý Nguyễn Tiến Việt, “Đại Cồ Việt”, lên làm đại đội trưởng đại đội 51 trong An Lộc từ khi đại uý Trương đăng Sỹ “Sỹ Biên” bị thương, di tản. Lúc lên đường hành quân, đại đội 51 chất đầy 5 chiếc GMC, anh Sỹ và truyền tin đi xe Jeep. Cả tiểu đoàn hùng binh mũ đỏ, quân phục láng o, súng sạch đẹp như ngày khám xét, ngồi chật 30 xe quân vận, chưa nói đến xe tăng và pháo binh cùng cả một lữ đoàn hành quân bộ, khí thế đổ thành nghiêng nước. Một lần xuống xe lúc nửa đường tới Chơn Thành, một đợt tấn công, bóng dáng nhỏ thó của thiếu tá tiểu đoàn phó Lê Hồng đứng sừng sững trên mặt đường nhựa trong làn mưa đạn địch phất bản đồ thúc xung phong, hai đại đội 53,54 tung 200 quân hàng ngang tràn qua mặt đường như sóng vỡ bờ, diệt liên hoàn chốt gần 100 VC đóng sát quốc lộ 13, đếm trên 40 xác cộng quân và vô số vũ khí. Trực thăng võ trang UH-1B còn đuổi tàn quân VC tuốt trong rừng sâu, rocket, đại liên bắn xoẹt đùng tắc tắc như trống múa lân. Sau đó là trận phản phục kích bắc Chơn Thành trên QL13, rồi gần ba tháng trường đánh trộn trấu vùi dập với địch quân quanh An Lộc và trong thành phố. Đổ trực thăng xuống chân đồi Gió hôm 17 tháng 4, sáng hôm sau TĐ5ND nhắm hướng tây hành quân vào An Lộc. Địch phục kích chặn đánh trong rừng cao su, bị đẩy lui lập tức. Tiểu đoàn chia đôi đóng thế ỷ dốc trên hai đồi cách thành phố chừng 2 km hướng đông nam. Đêm xuống hai trung đoàn địch tấn công. Trung uý cố vấn Cover gọi smart bomb 500 pound thả một trái một sát tuyến đại đội 51, dập tắt ngầm đợt xung phong của tiểu đoàn địch. Sáng ra đếm 30 xác sát tuyến và vô số súng ống. Vừa thu dọn rút về hướng tiểu đoàn, qua con suối giữa, thì địch gom một đại đội quay lại bất ngờ quật một mũi vu hồi. Khá khen cho địch quân thiện chiến, nhưng các con xung phong đông như kiến vào vị trí trống, lãnh M79 tơi bời, chạy ra không kịp. Lực lượng chính xung phong vào tuyến tiểu đoàn. “Minh Hiếu”, “Chí Bệu” (trưởng ban 3) đứng thẳng trên nóc hầm điều chỉnh air show. Phản lực và Cobra Mỹ luân phiên từng pass một đánh bom và rocket theo hướng thẳng góc với nhau block hai mặt tiểu đoàn, nhuyễn chưa từng thấy. Quân ta đứng nhìn VC chạy bom xuống suối, thì Cobra tọc tọc xịt rocket xoẹt đùng dọc lòng suối cạn. Quân ta ôm súng há mỏ sau cây cao su nhìn VC sinh Bắc tử Nam không đếm kịp.

Địch tung xác đầy rừng, nhưng tiểu đoàn chưa lấy được bao nhiêu súng thì đã vội rút chạy marathon vào An Lộc, bỏ cả nồi niêu xoong chảo: B-52 trên đường bay tới đánh mục tiêu. Đến cạnh nam thành phố nhìn sang Xa Cam, chưa kịp đào hầm hố thì VC pháo kích, tấn công. Quân ta của hai đại đội 53,54 bám gốc cao su chống trả, may sao cối 82 pháo trật, ta lấn ra và tung quân phản xung phong truy kích. Đại uý Dũng 54, “Dũng Sĩ” hy sinh ngay trận này.

Ba đại đội 50, 52, 53 tổn thất nặng trong rừng cao su Xa Cam Xa Cát trong vòng nửa tháng. Tiểu đoàn phó Lê Hồng đã trúng thương trong trận đoạn chiến ở QL13 trên đường tới Tàu Ô. Năm đại đội trưởng, thì Dũng Sĩ 54 hy sinh, Từ Khánh Sinh 50, “Sỹ biên” 51 và Hồ Tường 52 bị thương, đều bị ở Xa Cam Xa Cát. ĐĐT53 Hải Thần cũng cùng số phận. 50, 52, 53 gom lại chưa bằng một đại đội lúc nhập trận, phải ở cạnh BCH tiểu đoàn làm trừ bị cuối. Bồ Tát Quán Thế Âm, phải, chỉ có Ngài, đã ban phép lạ cho tôi đứng đội trời tới phút chót, sau hơn chục lần rách áo, thủng quần, đạn bứt quai nón sắt, mà chỉ xây sát chưa đủ báo cáo chiến thương, trong khi đồng đội ngã như rạ ở xung quanh. Đại đội 51 của tôi và 54 của trung uý Nguyễn Vũ Dương chỉ còn mỗi đơn vị từ 40 đến 60 quân khiển dụng, dựa nhau đội pháo đạp mìn đánh giặc, giải toả và giữ vững phòng tuyến nhà thương An Lộc ở phía tây, đối diện ty công chánh và toà nhà cải huấn kiên cố cách đó chừng 500 mét, bẻ gãy nhiều đợt tấn công của địch. Sau lúc trình diện đại tá Lê quang Lưỡng trong compound của tướng Nhựt, tôi và Dương dẫn đại đội đội pháo chạy qua ty cảnh sát và nhiều dãy phố đổ nát còn dính đầy máu vì pháo kích, vượt qua bộ tư lệnh chiến trường, nhắm tới nhà thương và ty công chánh. Tôi được chọn vị trí, bèn chọn phòng thủ chính diện hướng tây, làm tấm khiên thép cho bộ tư lệnh của tướng Lê Văn Hưng. Compound chỉ huy chiến trường của vị tướng anh hùng chỉ cách một con phố nhỏ phía sau. Dương thủ vị trí trừ bị bên trái. Một đêm 700 trái 105mm và 155mm toàn đạn delay từ hướng Cần Lê phóng về, ù ù vèo vèo sát mái tôn bệnh viện bên tôi tưởng chừng tốc mái, nhưng rớt qua nổ chìm sập nhà tơi bời bên Dương, Dương bị đè vẹo xương sống, không chịu knock-out, quỷ thần đếm chưa tới 10 đã lồm cồm bò dậy chỉ huy, giữ vững vị trí và tải thương anh em ra phía sau. Cộng quân mở hai đợt tấn công đêm, dùng chiến thuật đặc công. Chúng chưa biết đang đụng phải Nhảy dù mới vào trám tuyến, từng nắm tẩy các công trường cộng quân quá rõ. Anh em tôi thắp sáng đêm không ngủ bằng lửa đỏ của 12 thùng lựu đạn, bò ra sát đường ném qua, không nổ một tiếng súng, giết vô số địch bên kia đường, khu vực ty công chánh, chỉ tức là không thể qua lấy súng. Không tên nào lọt qua tới bên Dương 54. Gần sáng, C-130 bao vùng bắn spector và stinger. Từng phát từng phát, tóc tóc bùng bùng, lửa toé pháo bông đẹp như mơ. Cộng quân định dở trò một đợt gần sáng, phải bung hàng chạy tán loạn, làm mồi cho cây đại liên M60 thiện xạ của hạ sĩ Sơn và cây M79 bách phát bách trúng của trung sĩ Đổng, tới lúc đó mới khai hoả. Đang vui nhộn um sùm thì spector tóc bùng một phát cuối trúng ngay cái container chứa nước đặt trên bệ cao phía cạnh bắc của nhà thương, ngay phòng tuyến của chuẩn uý Ngưỡng. Hên quá, một em bị thương nhẹ. Xạ thủ Mỹ từ cao độ 12,000 feet báo là thấy chiến xa địch nằm ở đó! Có đêm được lệnh chờ đánh xe tăng địch. Đại đội xé lẻ đóng chốt rộng và sâu, theo binh thư Sư đoàn Dù vừa huấn luyện. Ba toán chống tăng phục kích chân chim từ ngã tư trở vô. XM-202 bắn được 4 hoả tiễn liền nhau, cho lên tháp nước, nằm im chờ nổ liền 4 phát mà không bắn cháy được nó là phải đu dây phóng xuống. Sáu tổ hoả lực sẵn sàng bọc lưng cho khinh binh vác M72 đuổi bắn vào đuôi xe tăng. Nhưng chưa tới 11 giờ đêm, C-130 lên vùng, dập tóc tóc bùng bùng tưng bừng trong rừng cao su phía tây, minigun réo như bò rống tới gần sáng. Các bạn bộ binh nói có thấy lửa bùng như xe tăng cháy trong rừng. Sáng rõ, SA-7 từ mặt phía bắc phóng lên. Làn khói leo cao leo cao mãi. Hồi hộp sợ máy bay rớt, quân ta ngóng cổ nhìn theo, thấy cục lửa bám vào hông chiếc C-130. Nó bay vòng lại, xả mimigun “bò rống” xuống điểm phát pháo, rồi mang cả đốm lửa bay về. Hên quá!

Hai bên đối diện cầm cự suồt gần hai tháng qua con đường nhựa rộng chừng năm mét. Địch đánh kiểu gì cũng bể gáo với Nhảy dù. Tôi chưa là một đại đội trưởng đủ kinh nghiệm và tự tin để dám tung hơn 50 sinh mạng anh em tấn công một lực lượng địch có trừ bị mạnh, có ưu thế về hoả lực vá địa thế. Bên ta không có yểm trợ hoả lực pháo binh. Cả mặt trận An Lộc lúc đó chỉ có được đúng hai cây súng cối 81 ly, đạn dược hạn chế tối đa, nhưng hoả lực không yểm rất mạnh, giúp đỡ rất lớn cho việc phòng thủ. Tất cả các căn cứ hoả lực pháo binh từ An Lộc sang hướng tây đều lọt vào tay địch, chúng sử dụng để pháo bên ta suốt ngày đêm. Vậy mà mọi cuộc tấn công của địch đều bị quân Dù bẻ gãy. Trung đoàn địch đóng bộ chỉ huy trong trại cải huấn, điều động bổ sung quân số cho tuyến trước mặt tôi, nhưng mon men đánh vô bao nhiêu là bị anh em mũ đỏ chúng tôi tôi hốt gọn bấy nhiêu. Nhưng bên tôi bung ra cũng không được vì toà nhà trại cải huấn kiên cố với tường cao, hoả lực yểm trợ trực tiếp cho quân địch bằng súng không giựt và B-41 trực xạ từ trên cao xuống khu vực nhà đổ trống trải của ty công chánh, có lúc quân ta đã nhào qua chiếm được nhưng không thể giữ được tới một ngày, phải rút về để tránh tổn thất vô ích. Skyraider đánh bom nhà cải huấn bị trúng SA-7, phi công VN thiệt giỏi, còn xả bom và ngóc đầu máy bay lên, nhảy dù ra, rớt qua phía bộ binh ta ở hướng nam. Đại đội bộ binh tăng cường cho tôi, có được đâu hơn 20 quân, tôi nhờ đóng giữ sườn cánh phải, hướng bắc, ít khi phải nổ súng. Ông trung uý đại đội trưởng hơn tôi 10 tuổi, dong dỏng cao, có bộ râu đẹp, lúc nào cũng lạc quan và hài hước, thích nói chuyện về phụ nữ, có hôm anh làm cả hầm chỉ huy cười ầm ỹ giữa lúc đạn pháo kích bay ào ào qua mái tôn... Đại đội 51 của tôi cũng bị tổn thất trung bình. Ngoài giao chiến, bắn sẻ, đại bác và súng cối mỗi ngày pháo kích lai rai hằng trăm trái, không cách gì thoát nổi. Trên hai tháng trời, tôi mất nhiều em út thân yêu. Nhớ nhất là binh nhứt Hiền, người Quảng Trị, phụ xạ thủ đại liên, từng bắn lui cả một đại đội địch đang lấp ló xung phong lúc Lữ đoàn đoạn chiến ở QL13 để lên trực thăng vào An Lộc, tôi dành cây M60 bắn tiếp, để chú kéo M72 thảy tung một khẩu đội 75 li không giựt đang mon men đặt súng cách 200 mét để trực xạ trung đội tôi đang nằm lại chống cự quân truy kích, bao chót cho cả Lữ đoàn. Sau khi phản lực đánh tung lên trời đại đội địch trong đội hình tấn công từ bên kia đường QL13, chúng tôi mới khiêng được xác trung uý Kiều Nại vừa chết vì pháo cối ngay đó, còn nóng hổi, về tới căn cứ hoả lực. Trong An Lộc Hiền còn bắn sẻ hạ 7 tên địch phía bên ty công chánh. Rối em bỏ mình vì một viên bắn sẻ.. .. .An lộc an bình, Lữ đoàn Dù chúng tôi với ba tiểu đoàn 5,6,8 kéo ra, thay phiên nhau bứng chốt dọc QL13 tới căn cứ Tân Khai để về Sài Gòn... Đánh nhau trong rừng cao su rất “sòng phẳng”. Bên nào thiện chiến hơn là thắng, dù trong điều kiện yểm trợ tiếp vận chênh lệch. Trong số ba tiểu đoàn mũ đỏ này chỉ có Tiểu đoàn 6 Nhảy dù là gần đủ quân số, vừa từ Tân khai đánh ngược lên bắt tay với Lữ đoàn. Hai tiểu đoàn 5 và 8 chỉ còn chừng ¼ quân số. .. Nhưng chốt kiềng dọc đường đều bị nhổ sạch, hoặc địch buộc phải rút vào sâu tránh quân Dù, chờ Dù đi qua lại ra chặn đường trở lại...

Tướng Hollingsworth ra lệnh cho trực thăng Mỹ phải bốc hết lữ đoàn trong ngày, ở cạnh phía nam căn cứ Tân Khai. Tiểu đoàn trưởng TĐ5ND, “Minh Hiếu”, chấp thuận ý kiến của tôi đề nghị bốc quân ngay trên quốc lộ, tránh được hoả tiễn 107 ly và 122 ly bắn qua đầu sang hết cánh rừng phía đông… Đoàn xe Tiểu đoàn 5 chạy chậm hẳn lại khi vào cổng xã Tam Hiệp. Hai bên đường đầy những đồng bào và cả xứ đạo với ban nhạc kèn trống nghênh đón. Đại đội tôi chỉ còn 3 xe ngồi còn trống gần một nửa. Tôi không ngăn được dòng nước mắt tuôn trào. Tiếng hoan hô và quân nhạc đón chào như văng vẳng bên tai. Hình ảnh đồng bào hân hoan nhoà nhạt như lẫn vào những hình bóng chập chờn các anh em huynh đệ như thủ túc đã không còn quay lại nơi chốn thân yêu này để về trại gia binh tiều đoàn với vợ con được nữa. Ngoài mặt trận không hề biết lo buồn, suy nghĩ, nay lễ tuyên dương đang tưng bừng giữa sân cờ Tiểu đoàn, tim tôi rướm máu. Anh em binh sĩ cũng đồng tâm trạng, lòng cứ hướng về phía những chiếc khăn tang mới của các quả phụ cô nhi tử sĩ dựa nhau khóc ngất dưới hàng phượng vĩ quanh sân cờ. Chồng và cha họ không bao giờ còn trở về trại gia binh ấm êm hạnh phúc kia… Rồi hình ảnh mặt trận đầy chặt trong giấc ngủ chập chờn chờ sáng tung cánh về Sài Gòn với gia đình, lúc đó Sài Gòn chưa biết tiểu đoàn đã về hậu cứ.
*********
Lệnh Sư đoàn cho nghỉ ngơi bổ sung quân số 1 tuần lễ trước khi đi Quảng Trị. Nghỉ phép 4 ngày chưa hết thì hậu cứ phóng người về Sài Gòn triệu tập hết sĩ quan chúng tôi lên doanh trại. Tiểu đoàn nhận lệnh không vận ra Huế vào đúng 4 ngày sau đêm từ An Lộc trở về. Hầu hết quân nhân cơ hữu ở bên ngoài trại gia binh vẫn chưa trở về. Anh Sỹ bình phục, về nắm lại 51. Tôi qua làm đại đội trưởng 54, đem đại đội ra phi trường chỉ có gần 30 quân, toàn hạ sĩ quan và binh sĩ của ĐĐ54 ở trong trại gia binh. Tiểu đoàn chuẩn bị lên phi cơ với khoảng 25% quân số, gồm bộ chỉ huy tiểu đoàn và các bộ chỉ huy của 5 đại đội cơ hữu, cộng thêm 52 tân binh bổ sung tại phi trường Tân Sơn Nhứt. Nhưng đó lại là lúc tôi phải luyến tiếc bàn giao đại đội 54 cho trung uý Dương vừa ra phi trường trình diện hành quân; trước đó ai cũng tưởng sau gần ba tháng An lộc anh chàng này phải trốn ở nhà với vợ thêm ít hôm rồi mới lên đường ra trận. Té ra anh chàng cũng ghiền đánh giặc không kém gì tôi. Tôi trở về 51 với đại uý Sỹ. ĐĐ51 dưới quyền tôi sau hai tháng trong An Lộc chỉ còn hai sĩ quan khiển dụng: tôi với thiếu uý Vũ Văn Hợi (các trung đội trưởng Trung, Ngưỡng, Lượm đều bị thương, trung uý Tuyết tử trận) tuy quân số lúc kéo từ An Lộc ra đánh chốt dọc QL13 về tới Tân Khai vẫn còn được đâu khoảng 52 quân, nhiều nhất trong cả tiểu đoàn. Đại uý Trương Đăng Sỹ là đại đội trưởng duy nhất trong hàng ngũ chỉ huy kỳ cựu của tiểu đoàn mà còn sống sót sau An Lộc và trở lại hành quân. “Sỹ Biên” cùng đại đội 51 là element de choc của “Minh Hiếu” trong nhiều năm nay, tôi là cánh tay mặt của anh, nên anh lấy tôi về cho kỳ được. Ra mặt trận Huế- Quảng Trị, tiểu đoàn trú đóng tại một căn cứ cũ khoảng một tuần lể. Thành phần quân nhân cơ hữu đi phép về lần lượt ra hành quân từ lúc đó đến lúc di hành đi Cổ thành thì đã được 90% quân số. Đó là tinh thần của nhảy dù: không bỏ đồng đội lúc gian nguy. Hai sĩ quan bổ sung ĐĐ51 là một chuẩn uý địa phương quân và một trung uý từ không quân đưa sang. Anh trung uý cao nghều, đeo cặp kính cận dày cộp, không biết về sau số phận ra sao trong cơn bão lửa. Tôi ngồi suốt ngày trên nóc một căn hầm cao, trong nắng gắt, bên cạnh là hai chiếc bi đông nước, gói thuốc lá Bastos de Luxe, máy truyền tin PRC 25, dùng ống dòm theo dõi các trung đội trưởng tân đáo thực tập điều động hành quân vùng làng mạc và đồi trọc, đánh trận giả với nhau, thao dượt tác chiến trong làng mạc đông dân và thành phố. Tiểu đoàn huấn luyện và thực tập bắn các loại hỏa tiển TOW, M72, XM202 chống chiến xa.

Ngày 5/7/1972, TĐ5ND di chuyển bằng đường bộ đến La Vang Tả rồi tiến về hướng Tây. Sau khi B52 trải thảm dọc bờ sông, TĐ5ND tung quân vào lục soát đến tận bờ sông Thạch Hản, thấy rất nhiều xác cộng quân, tịch thu 2 khẩu phòng không 37 ly.
Ngày 9/7/1972, bàn giao khu vực lại cho TĐ7ND, TĐ5ND di chuyển về hướng Đông, băng ngang QL1, hôm sau dừng quân tại khu vực thôn An Thái cách Cổ thành khoảng 3 km về hướng Đông Nam. Tại đây BCH/TĐ lập sa bàn chuẩn bị kế hoạch điều quân tấn công Cổ Thành.

Ngày 10/7/1972, “Minh Hiếu” ban lệnh hành quân. Di chuyển vòng xa lên hướng đông bắc qua nhiều làng mạc nhiều cây cối để tiếp cận Cổ Thành với yếu tố bất ngờ, TĐ5ND vây bọc diệt gọn những chốt lẻ tẻ nằm trong các làng canh giữ đường về thành cổ, không một tên nào chạy thoát về báo tin quân Dù đánh mặt đông bắc. Tôi dẫn quân đi, vừa đánh vừa nhai cơm sấy thịt hộp trong nỗi hân hoan như một viên tiểu tướng của vua Quang Trung vừa thần tốc diệt được chốt Hà hồi, Ngọc Hồi, chuẩn bị gươm giáo ngựa voi giết hết những tên Tôn Sĩ Nghị của giặc xâm lăng phương bắc mang tội tàn sát hằng ngàn đồng bào Huế trong Tết Mậu thân chưa xa. <>Ngày 11/7/1972, bay qua đầu là TÐ1TQLC được trực thăng vận đổ xuống thị xã Quảng Trị 2 km về hướng đông bắc để chận đường tiếp vận của địch cho Cổ Thành, và có thể cũng để bảo mật cho đường tiến sát của quân Dù. Hai trực thăng chuyển quân CH53 của Mỹ bị hỏa tiển SA-7 bắn rơi, 30 quân nhân TQLC và phi hành đoàn tử trận.
2 giờ sáng 14/7/1972, le Quatorze de Juillet, TĐ5ND xuất phát, tiến về cổ thành. Pháo 130 mm của địch nổ lác đác cầm chừng về hướng quân ta. 51&52 “từng bước từng bước thầm” tiến qua cánh đồng 2 km quanh những ngôi mộ cao như đồi nhỏ, nhắm hướng làng Tri Bưu sát cạnh đông bắc cổ thành Đinh Công Tráng. Pháo thủ phòng không VC đang ngồi hút thuốc rê ngóng lên trời chờ phi cơ ta tới. Đại đội 52 hí hửng lặng lẽ dàn quân, Hồ Từơng tung 2 trung đội xung phong, bợ ngay mấy cây phòng không và súng cối ngon ơ, chiếm được bìa làng không tốn một giọt máu. Đại đội 51 tiến vô theo, vượt qua 52 kiểu chân rết, bắt đầu đánh chốt. Tới đêm đó tôi mới tiến được gần 100 mét. Anh Sỹ hỏi thăm liên tục. Chưa quen địa thế, quân ta ăn đậm pháo, nhưng pháo trật chỉ trong vài chục một trăm mét qua hướng nam, ta chỉ tổn thất nhẹ, phải nghỉ đêm chờ phi pháo diệt địch. Sỹ Biên thức suốt đêm điều chỉnh phi pháo. Sáng hôm sau, tôi xin lệnh anh giao cho tôi dẫn quân bung ra phía trước thật nhanh để tránh cối 61 ly cấp tập bảo vệ chốt, anh cứ lo theo dõi để đánh phi pháo ở xa và phản pháo các vị trí cố. Tôi hô hào anh em “bám thắt lưng địch mà đánh” để tránh pháo, chính là huấn lệnh chiến trường của VC mà tôi bắt được trên xác cộng quân ở An lộc, mà chúng không bao giờ làm được. Chốt địch trong làng thường đóng rải ngoài sân, trong nhà; nằm quan sát thấy rõ cách bố trí, ta kín đáo dàn quân, mở tối đa hoả lực, VC chưa thò đầu khỏi hầm là xung phong liền, như vậy mới vượt mau khỏi vùng hoả tập dự phòng và địch không kịp kéo hoả lực cối về sát tuyến. Chiến thuật chốt kiềng của VC đã bể từ lâu. Xông xáo tới xế trưa, tôi chỉ có hai ba em bị thương. Cách đánh thật hiệu quả, thấy nguy hiểm nhưng lại ít tổn thất. Ai ai cũng hăng hái. Cộng quân vừa nhác thấy bóng áo hoa dù thấp thoáng là đã bị xung phong tràn ngập, tên nào sống sót chỉ kịp bương về hướng cổ thành. Đánh như quân Quang Trung diệt Tôn Sĩ Nghị, anh em ơi! Dân ta đã chạy giặc hết. Quân ta quan sát không thấy hầm chốt ngoài sân thì bắn M72, M79 vào cửa sổ những ngôi nhà chỉ cách nhau mảnh vườn, nhảy tới tung lựu đạn rồi ria M16 từ đất lên nóc. VC trốn núp trong nhà chịu không nổi, bỏ chạy tán loạn, quân ta cứ thế chiếm từng nhà, từng vườn. Đạn pháo lọt tọt rớt phía sau, rõ ràng nó bắn không kịp. Đại đội 52 của Hồ Tường bên cánh trái kêu oai oái. Thiếu uý Hợi đánh giặc rất hăng, tay trái móc lựu đạn, tay phải bắn M16 kẹp hông, nhảy ngang, ria sủi đất chém ngang miệng hầm (ông này là thiện xạ của khoá 24 Đà lạt, với tôi thân hơn anh em ruột), miệng chỉ huy hô hào như sấm, lăn bò và phóng qua rào lẹ hơn cả khinh binh. Trung đội của anh đeo sát bên tôi không nhường nửa bước. Lính Dù Tiểu đoàn 5 xung trận như xi-nê. Anh em tôi đánh giặc đẹp tuyệt vời, nhất là trong thế chủ động tấn công, sở trường của đoàn quân bách chiến. Nhưng… Một đợt xung phong nữa, một trái lựu đạn từ hầm VC trong mảnh vườn lọt giữa hai trung đội, ngang hông trái, nhắm ngay tôi thảy qua. Vừa nhác thấy cái gì lạ trên không thì nghe khinh binh hét vang “lựu đạn, trung uý!”. Bay đại vô một góc tường, mới được nửa ngực, liền cảm thấy chân trái tung lên cao, lật ngửa cả thân người, tưởng đâu nguyên cẳng trái đã đi chơi chỗ khác. Lính tôi chĩa M16 xả liên thanh hội đồng, nhào tới tông xuống hầm cái kẻ khờ khạo đáng thương kia hai trái lựu đạn, lấy 2 cây AK xong mới cõng tôi ra sau. Dọc đường tôi chợt thấy thiếu tá Bùi Quyền “Tố Quyên”, đã nghe danh từ lâu, vừa bổ sung làm tiểu đoàn phó, tay cầm combiné nhảy từ hầm này qua hầm khác giữa trận pháo dữ, điều động hai đại đội 51, 52. Lòng tôi đầy ấm ức, y như lúc cây fender đứt giây Mi giữa đoạn solo nóng bỏng trên sân khấu hội quán trường Võ Bị vào đêm có người yêu ở Nha Địa Dư vô coi. Anh Sỹ cầm tay tôi, không dấu được vẻ lo âu. Tôi nói uổng quá không cùng anh zô Cổ thành rồi lên Ti Vi được nữa rồi. “Sỹ biên” biểu tôi “thôi mày lo về dưỡng thương rồi ra sớm với tao”. Tôi chợt mỉm cười nhớ lại hồi trận Hạ Lào, anh Sỹ cũng cầm tay tôi dưới giao thông hào trong tiếng Cobra vần vũ, nói “thôi mày zìa zới con zợ mày cho rồi, bày đặt xin ở lại! Bị thương zô gân tay đêm lạnh chịu không nổi đâu em!” Tới lúc đó quân Cộng từ bên kia sông Thạch hãn đã gấp rút ồ ạt bổ sung, đi ngờ ngờ giữa ban ngày, bắt đầu phản kích dữ dội với hoả lực yểm trợ tối đa. Quân ta đã hết yếu tố bất ngờ để tốc chiến tốc thắng. Tôi rời mặt trận, đúng lúc anh em tôi bắt đầu đổ đầy máu xương trên đoạn đường tiến vào cổ thành Đinh Công Tráng, nơi quân Dù đã giữ cả thị xã Quảng Trị vững như bàn thạch trong trận Mậu thân choáng váng. Ngày 17/7/1972 ba tiểu đoàn Dù đã vây kín ba phía tây, nam, đông của cổ thành. Góc chính bắc qua sông Thạch hãn vẫn là đường tiếp vận của địch. Hướng đông bắc thì TĐ5ND dưới quyền “Minh Hiếu”, “Tố Quyên”, đánh rát qua nhà thờ Tri Bưu nhắm bức tường thành. “Minh Hiếu” ban lệnh tái chiếm thành Đinh Công Tráng với một toán tiền thám cảm tử xâm nhập vào thành trong đêm 18 tháng 7, quan sát và lập đầu cầu cho tiểu đoàn tung lực lượng tấn công, trong 2 ngày phải chiếm và cố thủ được ít nhất phân nửa chu vi bờ thành và nội thành.
Một toán "thám sát cảm tử" tình nguyện được thành lập, tuyển chọn ưu tiên các quân nhân gốc người Quảng Trị. Trong số đâu chừng hơn 20 người, 8 anh em được chọn đều thuộc đại đội 51. Hạ sĩ nhứt Trần Tâm làm trưởng toán, hai hiệu thính viên rất chăm chỉ của đại đội là hạ sĩ Hậu, người Nam, và hạ sĩ nhứt Lịch, người Quảng Trị, đều tình nguyện, binh nhứt Hồ Khang đòi mang lá quốc kỳ, thêm nữa là hạ sĩ Hồ Con, và ba binh sĩ khác. (Danh sách này dựa theo lời kể của đại uý Trương Đăng Sỹ). Giờ G đêm 18. Từ điểm xuất phát đến mục tiêu cách hơn 200 mét, toán quân dũng cảm tiến vào đêm tối, mong lách chốt nhập thành. Gần sáng, Hậu thì thầm báo cáo đang lội qua hào nước sâu. 5 phút sau, đột nhiên cả tiểu đoàn chợt thấy lá cờ vụt nhô lên tung bay trên nền trời mờ tối, trên nền ánh hoả châu lập loè phía xa. Rồi lại giựt mình nghe tiếng Hồ Khang hô vang trong cái tĩnh lặng rợn người đúng vào khi chiến địa chợt im tiếng súng: “Việt Nam Cộng Hoà muôn năm – Nhảy dù cố gắng- Nhảy dù chiến thắng|” Hậu hét luôn trong máy báo cáo với đại uý Sỹ : “Quốc kỳ dựng rồi, đích thân ơi!” Lập tức lửa đạn vang ầm vĩnh viển cắt đứt tiếng Hậu. Đạn lửa thượng liên xanh lè hội tụ dập vùi toán anh hùng mũ đỏ, giữa những tảng lửa B40, B41 nổ tập trung vào giữa chân cờ. Tiểu đội cảm tử quân hoàn toàn mất liên lạc. Hai đại đội 51, 52 rùng rùng xuất phát. Pháo binh Dù bắn hằng trăm trái vào thành, yểm trợ và che chở cho lực lượng bạn. Ôi ván bài lộ tẩy quá sớm mất rồi các em ơi. Trần Tâm, Hồ Khang, Hồ Con, Hậu và Lịch vình viễn nằm lại trên mặt thành, chung quanh lá cờ tổ quốc. Ba em còn lại trúng thương lăn xuống chân thành, được quân bạn cứu sống. Quân ta đến nơi, không sao vượt được bức tường thành kiên cố có hoả lực bảo vệ vững chắc. Ngày 21/7 lực lượng TĐ5ND được lịnh dãn lui để không quân Mỹ đánh bom lớn phá thành. Địch phản công hàng hàng lớp lớp, toàn tân binh mặc kaki còn mới. 51 và 52 bị hai tiểu đoàn địch tấn công, cắt hậu, chơi sang toàn trực xạ không giựt 82 ly. Quân Dù phải tử chiến và cứu ứng nhau, sử dụng phi pháo tối đa, phối hợp thọc mũi phản kích vào sườn quân địch để hoá giải sức tấn công, mới thoát khỏi vòng vây. Ba ngày sau, 25/7, lực lượng đặc nhiệm nhảy dù bất ngờ phản kích. Tiểu đoàn phó TĐ5ND “Tố Quyên” trực tiếp điều động, được tăng cường Đại Đội 111/ND của Trung Úy Đinh Viết Trinh “Ba búa” đánh từ hướng Tây Bắc, đỡ đòn cánh trái. Sườn cánh phải, hướng Bắc Cổ Thành, có hai đại đội 81 biệt cách tăng cường, đều sa lầy trong biển chốt. Đại Đội 2/Trinh sát ND của Đại Úy “Út Bạch Lan” cũng vướng chốt địch bố trí chiều sâu. Địch quyết chiến, tăng cường đông như nêm, chốt dày như vỏ dừa, liều thân kháng cự. Út Bạch Lan trúng B40 “ép-phê một băng” qua cửa mả, may sao đạn trúng lớp áo giáp mà không nổ. ĐĐ2/TSND của đại ca Út bị hóc nặng, không theo kịp đà tiến nỗ lực chính, theo lời thuật của “Sỹ Biên”. Ngày 26, nỗ lực chính là hai ĐĐ51, 52 cũng tràn tới bờ hào, vì nỗi uất ức mất nguyên toán cảm tử. Phải lui lại đào hầm hố tránh hoả lực từ mặt thành cao nã xuống, điều chỉnh phi pháo, chờ bom phá thành, đánh đêm. Tố Quyên thuật tiếp: “54 lo bảo vệ khu vực đông bắc Tri Bưu và tải thương, 51 và 52 nhào vào Cổ thành sau khi smart bomb của Mỹ đục một mảng tường lớn ở góc phía đông bắc để lấp đoạn hào sâu ở đây và do đó mà con cái trúng miểng” (Email này từ San Jose anh Quyền gửi tôi hôm mùng 9 tháng 9 năm 2009, quá sơ lược, vì anh đang gom góp tài liệu, ký ức và nhân chứng sống để viết lại đầy đủ).

Trong email này Tố Quyên cũng xác nhận vài chuyện trước đó: “Tôi theo Sĩ và Hồ Tường vào Tri Bưu ngay buổi sáng khi 2 ĐĐ từ làng Quy Thiện tờ mờ sáng sang chiếm khu mả ở phía đầu làng rồi từ đó bám được đầu cầu ven làng sau đó dánh dọc lên hướng nhà thờ Tri Bưu (đó là lúc Đại Cồ Việt bị tản thương ra như đã kể: LTG) v.v.. Khi Út Bạch Lan bị một trái B40 trúng vào thành mả rồi văng qua trúng áo giáp nên ê ẩm cả ngực, tôi có gọi anh hỏi có cần tản thương không. Cả Đinh Viết Trinh khi dẫn ĐĐ 111 vào găp tôi trong Tri Bưu đã xin lệnh tôi cho ra trấn khúc làng sát ngay góc con đường Duy Tân và Lê văn Duyệt ở ngay góc đông bắc Cổ Thành. Sau đó đại tá Trần Quốc Lịch còn cho tôi thêm 2 ĐĐ của 81 Biệt cách do 2 Trung úy Châu văn Tài và Nguyễn Đắc Lực sang Tri Bưu để tìm cách đột kích vào thành. Những người này còn sống và một ở Westminster,một ở Houston , Texas . Khi đó (ngày 25: LTG) viên cố vấn Mỹ cho tôi biết là mờ sáng hôm sau sẽ có phi cơ Mỹ dùng bom lớn do tia laser điều khiển để đánh từ trong ra cho tường lở lấp cái hào ở gần sát góc đông bắc thành để quân ta có thể xông vào. Nhờ thế 51 & 52 mới vào được. Sau đó phi tuần VN (phải là A-37 của KQVN, đánh rất bạo và chính xác: LTG) đánh vào cáí cột cờ chỗ kỳ đài rất tốt… Sỹ Biên, từ Australia, cách đây mấy tháng, kể tiếp: Hai trung đội đầu của 51 vượt hào khá dễ, bám được góc thành đã vỡ, lựa thế tiến vào trong, trong khi anh kêu pháo binh Dù bắn đạn nổ và khói che phủ mục tiêu. Ta lên chiếm được mặt thành, bèn cắm cờ lần nữa, chuẩn bị xung phong. Nhưng khói vừa tan địch bắn trả dữ dội, nhất là từ hai lô cốt ở mặt tiền và giữa sân cờ còn hầm hố kiên cố. L19 bao vùng cho biết VC từ bên kia sông tràn qua như kiến. Sỹ Biên đòi phi pháo yểm trợ chặn viện và tung thêm một trung đội vào thành, nhứt quyết xả láng đánh bứt sân cờ trước khi viện binh địch ứng cứu. Một trái cối 82 nổ giữa Sỹ Biên và Hồ Tường, hai vị anh hùng bị thương đẫm máu, nhưng quyết không rời trận địa. Những ai từng xả thân cùng đồng ngũ anh em trên những chiến trường một mất một còn vì màu cờ sắc áo mới hiểu tại sao có những lúc người chiến sĩ coi cái chết nhẹ tựa lông hồng, đặt danh dự trách nhiệm lên trên hết. Nhưng, ai oán thay, ông trời cao kia chẳng chịu chiều người. Tố Quyên, từ San Jose , viết tiếp: ... phi tuần VN đánh vào cái cột cờ chỗ kỳ đài rất tốt, thì lúc đó tự nhiên có 2 phi tuần Mỹ ở đâu vào vùng. Cố vấn hỏi tôi có muốn xài không thì tôi nói cứ xài và bảo nó đánh ngay vào chỗ VN vừa đánh. Nhưng than ôi, trời nỡ hại TĐ5ND mình, khói bụi từ chỗ mới đánh vừa tỏa ra bị gió đưa về phía 2 ĐĐ 51, 52. Trời ơi thế là bom bên mình giáng xuống quân ta…. Ôi... Ai hiểu được nỗi uất hận của những người chiến binh Nhảy dù lúc ấy khi thành quả máu xương của cả đơn vị đã nằm trong tầm tay toàn đội… Đại đội 51 máu thịt của tôi chỉ còn 38 quân nhân sống sót; đại đội 52 tất cả 5 sĩ quan đều bị thương, gần 50 thương vong. TĐ5ND đã mất hết máu. Tố Quyên, Sĩ Biên, Hồ Tường, Ba búa, Út bạch Lan, Châu Văn Tài, Nguyễn Đắc Lực suy kiệt hết tâm lực, chỉ còn như những xác không hồn. Trung Tá Nguyễn Chí Hiếu lặng lẽ ôn tồn ban lệnh trở về tuyến xuất phát.

Sau đó, cùng ngày, trên hệ thống liên lạc siêu tần số cơ hữu của SĐND, sĩ quan truyền tin Võ Trung Tín nghe cuộc điện đàm ngắn giữa Trung Tướng Dư Quốc Đống, Tư Lịnh SĐND và Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, Tư Lịnh Quân Đoàn I như sau: - Trung Tướng Đống : Trưởng có thấy không, trước khi tấn công vào mục tiêu, Tổng Thống Thiệu ra lịnh tuyệt đối không cho phá hủy cổ thành, đến khi vừa vào được trong thành thì bom dội xuống trên đầu như thế nầy thì đánh giặc cái gì đây. Đánh giặc như thế nầy thì tôi không đánh nữa, Trưởng cứ cho ai vào đánh thì đánh đi.
- Trung Tướng Trưởng: Thưa Trung Tướng được rồi, để sáng ngày mai tôi bay ra Sally gặpTrung Tướng sẽ bàn định lại… Ngày 27/7/1972 , ba lữ đoàn hùng binh quân mũ đỏ đã tận sức lót đường xương máu, bàn giao chiến trường cho Sư đoàn Thuỷ Quân Lục Chiến. Những người anh hùng mũ xanh của Quân lực Việt Nam Cộng Hoà cũng hy sinh máu xương không kém, lập nên kỳ tích dựng lá cờ vàng tổ quốc trên Cổ thành Quảng Trị lần thứ ba và là lần sau cuối.

23:40H, ngày 17 tháng 11, 2009
Việt-Long, GĐMĐ/D.C

Nguyễn_Sydney
Posts: 2581
Joined: Mon Dec 06, 2004 5:03 am
Been thanked: 1 time

Post by Nguyễn_Sydney »

Bông hoa đời trên ngôi mộ hoang

Tác Giả : Thanh Thương Hoàng



Ông Nguyễn Thanh Thu là điêu khắc gia, tác giả pho tượng người chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa ....

E- mail 1
Thưa Ông, Qua một người bạn thân, tôi rất hân hạnh được quen biết ông. Trước hết, tôi xin tự giới thiệu tôi là Mark D. Kennedy, cựu quân nhân đã từng tham chiến trên chiến trường Việt Nam và Kampuchia từ năm 1970 tới 1972. Hiện tôi sống tại New York với gia đình và hành nghề phóng viên nhiếp ảnh cho nhật báo N. Qua mạng internet tôi được biết ông Nguyễn Thanh Thu là người đã từng quản lý Nghĩa trang Quân đội Việt Nam Cộng Hòa trên xa lộ Biên Hòa, hiện sống tại Los Angeles. Tôi rất muốn biết địa chỉ của ông nầy. Nếu có thể được mong ông vui lòng giúp đỡ tôi. Vô cùng biết ơn ông.
Chào ông, Mark D. Kennedy.
E- mail 2
Ông Mark quý mến, Tôi có thể tìm giúp ông địa chỉ của ông Nguyễn Thanh Thu nhưng trước hết tôi xin nói ông rõ: Ông Nguyễn Thanh Thu không phải là sĩ quan quản lý Nghĩa trang Quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Ông Nguyễn Thanh Thu là điêu khắc gia, tác giả pho tượng người chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa ngồi ôm súng an nghỉ đặt trước cổng vào Nghĩa trang Quân đội Việt Nam Cộng Hòa bên xa lộ Biên Hòa. Tôi nghĩ ít nhất ông cũng đã một lần nhìn thấy pho tượng nầy trước năm 1975. Có thể nói đây là một tác phẩm tuyệt vời. Các điêu khắc gia tên tuổi> đã nhìn nhận là một pho tượng sống, sẽ tồn tại mãi với thời gian. Nếu không trách tôi quá tò mò, ông có thể cho biết rõ lý do tìm người quản lý nghĩa trang Quân đội VNCH, để may ra giúp ích được ông một phần nào chăng! Chúc ông vui khỏe, may mắn
E- mail 3
... Rất cám ơn ông đã cho tôi biết điều tôi lầm. Vâng, quả là tôi muốn biết tin tức, đồng thời rất muốn gặp viên sĩ quan quản lý Nghĩa trang Quân-đội VNCH tại xa lộ Biên Hòa. Vì chỉ có ông này mới có thể giúp tôi biết điều tôi muốn biết. Nếu ông ta còn sống thì dù ở bất cứ nơi nào tôi cũng phải tìm gặp bằng được. Tôi đã gần như tuyệt vọng qua mấy lần về Việt Nam tìm kiếm. Không một ai biết tin tức về ông ta. Tôi nghĩ có lẽ ông ta đã chết trong trại tù cải tạo. Nếu đúng vậy quả là một sự bi thảm, một sự đau đớn không bao giờ chấm dứt trong suốt cuộc đời còn lại của tôi. Tôi có thể nói với ông đây là một việc vô cùng quan trọng, một sự bức xúc to lớn đã nung nấu trong tim tôi, trong đời sống tôi gần 30 năm qua.
Nếu ngày nào chưa giải quyết xong món nợ ân tình nầy thì chẳng bao giờ đời sống của tôi được yên ổn, mặc dầu tôi phải nói để ông biết tôi có một gia đình rất hạnh phúc đầm ấm với người vợ tốt đẹp và đứa con trai ngoan. Việc quan trọng, tối ư quan trọng đối với tôi là tôi muốn tìm địa chỉ một người chết. Vâng, một người chết. Tôi mắc món nợ lớn với người nầy. Khi còn sống anh là sĩ quan Quân đội Việt Nam Cộng Hòa mang cấp bậc Đại úy. Đại úy Lữ Sơn, bạn thân của tôi. Khi tôi về nước một thời gian, vào khoảng cuối năm 1974, nhận được tin anh tử trận trong một trận phục kích của địch. Và điều tôi biết chắc thi thể anh đã được chôn cất tại Nghĩa trang Quân đội VNCH tại xa lộ Biên Hòa với đầy đủ lễ nghi quân cách, mặc dầu lúc đó nước VNCH đang bị người ta trói lại sắp đem chôn sống.
Mong ông cố gắng tìm giúp tôi những gì có liên quan tới người bạn thân – một ân nhân đã chết – của tôi. Cám ơn ông lắm lắm. Trông tin ông
E- mail 4.
Cám ơn ông luôn hỏi thăm. Tôi rất tiếc chưa giúp được gì cho ông. Tôi đã dò hỏi nhiều nơi, kể cả một số bạn bè cựu quân nhân hiện còn trong nước, không một ai biết rõ về viên sĩ quan quản lý Nghĩa trang Quân đội VNCH. Ngay những cấp chỉ huy của viên sĩ quan nầy sau> khi đi tù cải tạo về cũng không biết ông ta hiện sống ở đâu hay đã chết. Nhưng tôi nghĩ rằng sớm muộn gì chúng ta cũng tìm ra địa chỉ người bạn đã chết của ông, vì người chết không cần nhu cầu di chuyển chỗ ở để tìm sự sống như người sống. Họ đã bám trụ vĩnh viễn miếng đất chết đó. Xin Thượng đế phù-trợ cho ông sớm thành đạt ước nguyện.
E- mail 5.
Có lẽ ông lầm hoặc ông không còn nhớ, xin lỗi ông. Qua tin tức báo chí tôi biết là sau khi tiến chiếm Sài Gòn vào năm 1975, Cộng sản đã ra lệnh giải tỏa nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi và một số nghĩa trang khác. Như vậy người chết cũng bị đuổi ra khỏi ngôi mộ của mình như những người sống bị đuổi ra khỏi nhà thành phố để đi vùng kinh tế mới. Nhưng điều tôi biết rõ cho tới hôm nay Nghĩa trang Quân đội VNCH tại xa lộ Biên Hòa chưa bị giải tỏa. Chưa bị giải tỏa không có nghĩa là người Cộng sản tôn trọng những người lính quốc gia đã chết vì cầm súng chống lại họ mà theo tôi vì họ chưa có nhu cầu sử dụng khu đất ấy.
Cách đây 5 tháng tôi đã về Sài Gòn và đã đến Nghĩa trang nầy nên tôi mới dám cả quyết với ông như vậy. Tuy nghĩa trang chưa bị giải tỏa, chưa bị san bằng nhưng quả là vô cùng hoang phế, tang thương. Tôi có cảm tưởng đó là một bãi tha ma hơn là một nghĩa trang quốc gia. Khi nghĩa trang nầy chưa bị thủ tiêu thì niềm hy vọng tìm ngôi mộ người bạn tôi chưa bị dập tắt.
E- mail 6.
Tôi rất vui báo tin ông biết tôi có một người bạn hy vọng có thể giúp ích cho ông trong việc tìm kiếm ngôi mộ người bạn sĩ quan VNCH của ông. Ông nầy tên là Lê, giám đốc chương trình “Huynh đệ chi binh”, một tổ chức từ thiện bất vụ lợi nhằm mục đích giúp đỡ các thương phế binh và gia đình tử sĩ VNCH hiện còn sống trong nước đang gặp nhiều khó khăn về vật chất. Tổ chức nầy có trụ sở tại thành phố San Jose, Bắc California và đã hoạt động trên 10 năm. Họ quyên góp được khá nhiều tiền, phẩm vật - nhất là xe lăn - gởi về Việt Nam giúp những người kể trên.
Ông Lê trước 1975 là Trung tá Quân lực VNCH. Sau 30-4-1975 ông bị kẹt ở lại và bị bắt đi tù cải tạo hơn 10 năm. Ông và gia đình đến Hoa Kỳ định cư theo chương trình HO năm 1990. Cảm thông sâu xa nỗi đau của những người bạn đồng ngũ đang sống quằn quại trên quê hương, ông Lê sáng lập tổ chức “Huynh đệ chi binh”. Qua 10 năm hoạt động, tổ chức của ông Lê đã có một uy tín lớn trong các cộng đồng người Việt khắp thế giới. Và cũng chính tổ chức của ông đã giúp đỡ hàng ngàn người chiến binh VNCH cũ thoát khỏi tình trạng vật chất ngặt nghèo, cái chết vì đói đang lơ lững nơi cổ họ.
Trong cương vị giám đốc tổ chức “Huynh đệ chi binh”, do nhu cầu công việc, ông Lê có rất nhiều tài liệu cũng như những sự kiện liên quan tới các cựu chiến binh VNCH. Do đó tôi hy vọng ông Lê sẽ giúp ông tìm kiếm ra manh mối những người có liên quan đến người bạn đã chết của ông. Xin chúc ông sớm đạt ước nguyện và một ngày nào đó tôi hy vọng gặp ông để tay bắt mặt mừng, nghe ông hân hoan loan báo tin lành... Tạm biệt ông. Thật đáng tiếc chúng ta quen biết nhau, gặp gỡ nhau trong máy điện toán bấy lâu mà lại chưa gặp nhau lấy một lần ở ngoài đời.
TB. Tôi đã phone cho ông Lê nói rõ về ý muốn của ông và dưới đây là địa chỉ E mail của ông Lê.
E- mail 7.
Kính chào ông Lê. Tôi là Mark D. Kennedy. Tôi được sự giới thiệu của bạn ông là ông Bao Nguyễn. Chắc ông Bao Nguyễn đã thông báo với ông đầy đủ về tôi. Tôi rất hân hạnh làm quen với ông. Tôi biết ông là một người đã làm nhiều việc tốt đẹp cho những bạn đồng ngũ cũ của ông hiện còn kẹt lại Việt Nam. Tôi mong muốn chúng ta trở thành bạn thân.
E- mail 8.
Tôi rất hân hạnh quen biết ông. Tôi rất vui lòng và sẵn sàng giúp đỡ ông trong việc tìm kiếm ngôi mộ Đại Uùy Lữ Sơn tại Nghĩa trang Quân đội VNCH bên xa lộ Biên Hòa. Hiện nay trong mấy cái tủ đựng hồ sơ của tôi, tôi đã lùng tìm mà chưa lần ra manh mối người quản lý nghĩa trang nầy. Tôi đang gởi E mail cho tất cả bạn bè tôi trên khắp thế giới và cả trong nước để họ giúp đỡ. Tôi có rất nhiều hy vọng. Ông có thể cho biết lý lịch Đại úy Lữ Sơn?
E- mail 9.
Tôi tha thiết mong ông và các bạn ông giúp đỡ để tôi sớm đạt được nguyện vọng to lớn của mình. Nói rõ hơn đây là một món nợ ân tình lớn cuả đời tôi. “Nó” đã ám ảnh tôi hơn 20 năm qua. “Nó” đã thúc giục tôi lao vào biển sương mù dày đặc với những hiểm nguy ngặt nghèo mà có lần (nói theo người Việt các ông) sinh mạng tôi treo trên sợi tóc. Lần trước, đứng kề bên cái chết tôi đã có vị cứu tinh là Lữ Sơn. Còn lần nầy, mấy người bạn Việt-Nam của tôi nói chính hồn ma Lữ Sơn cứu tôi đấy! Lúc sống anh đã cứu tôi và lúc chết lại cũng vẫn là anh cứu tôi. Ơn nầy chất chồng biết làm sao tôi trả cho được!
Lữ Sơn khi còn sống, những ngày bên tôi, anh ít nói về mình, ít nói về gia đình mình. Qua lời các bạn bè của Lữ Sơn thì cha anh là một sĩ quan mang cấp bậc Đại Tá ngồi trong Bộ Tổng Tham Mưu Quân lực VNCH. Và người chú ruột của anh là Tướng Tư Lệnh Vùng. Nếu như người khác, với thế lực to lớn của gia đình như vậy, Lữ Sơn có thể tự ý chọn lựa một chỗ ngồi thích hợp và yên ổn an nhàn ở Thủ đô. Nhưng anh đã quyết đi con đường của mình, đầy gai góc nhưng cũng đầy oanh liệt hào hùng đối với người trai thời loạn: ra chiến đấu ngoài chiến trường. Lữ Sơn chưa lập gia đình. Khi chết anh để lại một người yêu mới ngoài 20 tuổi. Cô gái nầy cũng là bạn chí thân của bà vợ tôi bây giờ. Tôi và Lữ Sơn tình cờ gặp hai cô gái quê hiền lành chất phác trong một cuộc hành quân lục soát tìm kiếm kẻ địch ẩn náu trong làng. Chính họ đã chỉ cho chúng tôi biết một cái hầm cất giấu vũ khí của địch. Cuộc tình của Lữ Sơn và cô gái quê thơ mộng đẹp lắm. Hai người đã hứa hôn và chờ khi đất nước hòa bình mới làm lễ cưới. Rất tiếc tới bây giờ tôi vẫn chưa biết cô ta ở đâu, sống hay chết.
Nghĩ tới những việc đã qua, dĩ vãng bỗng ào ào kéo tới làm tôi xúc động không cầm được nước mắt. Tôi không thể viết tiếp cho ông được nữa. Xin hẹn thư sau.
E- mail 10.
Ông Lê, Tôi xin lỗi đã chậm trễ trả lời thư ông, có lẽ hơn một tháng rồi phải không? Sở dĩ có sự chậm trễ trả lời này vì tôi phải thu xếp một số công việc riêng tư. Gia đình chị vợ tôi được vợ chồng tôi bảo lãnh mới đặt chân xuống đất Hoa Kỳ đầu tháng rồi. Chúng tôi rất bận rộn để lo cho gia đình họ từ chỗ ăn ở đến công việc làm và sự học hành của mấy cháu nhỏ. Tôi chắc ông thông cảm với những khó khăn và bận rộn chúng tôi vừa gặp, vì tôi biết ông cũng đã đứng bảo lãnh cho nhiều gia đình.
Bây giờ mọi sự tạm ổn định nên tôi mới có thì giờ viết thư cho ông đây. Vâng, tôi đã về Việt Nam, nói rõ hơn là Sài Gòn, tất cả 3 lần từ sau 1975. Lần thứ 3 cách đây 5 tháng. Khỏi nói ông cũng biết tôi trở lại Việt Nam với tâm trạng của một kẻ vào hang cọp. Nhưng vì ân tình thiêng liêng cao quý của người bạn nên tôi phải liều. Lần nào cũng vậy, khi vừa tới Sài Gòn còn chân ướt chân ráo, tôi đã tìm cách lên Nghĩa trang Quân đội VNCH ở xa lộ Biên Hòa ngay. Hình như có một cái gì như là sức mạnh vô hình đưa đẩy thúc giục tôi hành động. Lần thứ nhất, vào năm 1978, người lính Cộng sản gác nghĩa trang cương quyết không cho tôi vào mặc cho tôi giải thích, năn nỉ. Tất nhiên tôi nói với họ bằng tiếng Việt. Tôi xin mở ngoặc là vợ tôi đã dạy tôi nói tiếng Việt rất giỏi, có người khen “đặc giọng Nam”.
Tôi thất vọng trước sự nạt nộ đe dọa của người lính Cộng sản đành trở về khách sạn. Ông giám đốc khách sạn chỉ dẫn cho tôi cách làm đơn xin phép chính quyền địa phương. Nhưng sau mấy ngày vợ tôi chạy chọt vất vả, tôi vẫn không bước qua được cổng nghĩa trang. Tôi buồn rầu đưa vợ về thăm quê ngoại ở miền Tây. Vừa tới nơi, chưa kịp chuyện trò với ông bà già vợ, tôi đã bị chính quyền địa phương bắt giam về tội CIA. Vợ tôi phải mất một số tiền hối lộ khá lớn họ mới chịu buông tha tôi. Vợ tôi tin nhờ hồn ma của anh bạn Lữ Sơn phù hộ tôi mới sớm thoát nạn.
Bây giờ nhớ lại tôi vẫn còn rùng mình khủng khiếp với 7 ngày đêm trong một phòng giam nhỏ bé chật hẹp tăm tối hôi hám bẩn thỉu. Ngoài sự thân thể bị rệp muỗi thường trực thi nhau hút máu, hàng ngày tôi liên tục bị gọi lên “làm việc”. Họ tra vấn và bắt viết “bản tự khai”. Ngày nào cũng hỏi, ngày nào cũng viết đến phát điên. May mà chỉ có 7 ngày (tôi coi như 7 năm dài) tôi đã thoát nạn. Do đó tôi rất thông cảm và kính phục sự chịu đựng dẽo dai ghê gớm của các ông bị giam cầm trong các trại tù cải tạo hàng chục năm liền. Khi được thả tôi và vợ vội vã trở lại Sài Gòn và đáp máy bay về Mỹ ngay. Thật hú vía!
E- mail 11.
Mong ông vui lòng kể tiếp cho tôi nghe chuyến thứ hai của ông về Việt Nam. Ông tuy là một chuyên viên nhiếp ảnh mà kể lại sự việc như một nhà báo chuyên nghiệp. Tôi rất thú vị theo dõi câu chuyện ông kể. Cám ơn ông.
E- mail 12.
Cám ơn những lời khen tặng của ông. Tôi xin tiếp tục kể tiếp chuyến thứ hai về Việt Nam. Qua tin tức báo chí, truyền hình và nhất là nhiều người bạn thân cựu chiến binh của tôi sau khi đi Việt Nam về cho biết Việt Nam bây giờ đã đổi mới, đã cởi mở. Họ mở rộng cửa đón tiếp du khách. Du khách có thể ra vào thong thả không bị gây sự khó khăn phiền hà và bắt bớ giam cầm vô lý như trước nữa. Vì nôn nóng tìm mộ bạn tôi bàn với vợ quyết liều một phen nữa xem sao.
Đó là vào đầu năm 1993 chúng tôi đáp máy bay về Việt Nam. Quả là thành phố Sài Gòn có đổi khác trước nhiều. Nhà cao tầng mọc lên khắp nơi. Người Sài Gòn ra đường với những bộ quần áo đẹp đẽ, lịch sự. Xe hơi xe gắn máy xe đạp chen chúc đầy đường. Sau khi ổn định chỗ ở trong một khách sạn sang trọng nằm giữa trung tâm thành phố, vợ chồng tôi thuê một xe taxi chở lên xa lộ Biên Hòa. Lần nầy Nghĩa trang không thấy có lính gác nữa.
Nhờ sự chỉ dẫn mách bảo mánh mung của anh bồi phòng, vợ chồng tôi đi thẳng tới căn nhà của giới chức có phận sự trông coi Nghĩa trang. Người nầy lớn tuổi, vẫn ăn mặc theo lối bộ đội, trông mặt khó chịu và hơi dữ dằn. Ông ta không mấy thiện cảm khi nhìn tôi, nhất là khi tôi cho biết ý định. Vợ tôi tinh ý mở túi xách lấy gói thuốc lá hiệu ba số 5 và một phong bì căng phồng đưa ông ta. Ông ta thản nhiên tiếp nhận và mở gói thuốc lấy ra một điếu hút liền. Còn cái phong bì ông ta biết là có gì trong đó rồi nên nhét ngay vào túi quần. Sau khi hỏi một số chi tiết cho đúng thủ tục, với vẻ quan trọng, ông ta hướng dẫn chúng tôi đi vào Nghĩa trang tìm kiếm. Ông ta cũng không biết gì hơn về những ngôi mộ coi như vô chủ. Bây giờ tôi xin tạm ngưng vì đêm đã quá khuya. Tôi còn phải đi ngủ để sáng mai đi làm việc. Xin hẹn ông thư sau.
E- mail 13.
Nếu có thể được xin ông vui lòng tả sơ qua cho tôi biết hiện trạng Nghĩa trang Quân đội VNCH tại xa lộ Biên Hòa. Nhiều bạn bè thân thiết và cùng khóa với tôi nằm trong đó. Tôi có nhiều người quen về Việt Nam nhưng vì không có liên hệ gì nên họ không quan tâm tới Nghĩa trang nầy. Trước đây tôi nghe nói pho tượng người chiến sĩ quốc gia ngồi an nghỉ nơi cổng Nghĩa trang đã bị phá bỏ và ngôi mộ lớn của một vị Tướng cũng cùng chung số phận. Không biêt sự thật có đúng vậy không?
E- mail 14.
Tôi đã mất một ngày trời sục sạo lùng kiếm trong Nghĩa trang. Nghĩa trang mênh mông vắng lặng quạnh quẽ đến não lòng. Hàng ngàn ngôi mộ coi như hoang phế tàn lụi, cỏ dại mọc đầy phủ lấp. Thỉnh thoảng cũng có một vài ngôi mộ được dọn dẹp sạch sẽ, có đặt bình hoa bằng nhựa và những nén hương cháy dở. Nhiều, rất nhiều tấm bia nhỏ ghi tên tuổi số quân người chết, bị đập bể nằm chổng chơ bên lối đi, vì hầu như tất cả những ngôi mộ đều chịu chung số phận như nhau, tức là đều bị bàn tay con người cộng với tàn phá hủy hoại của thời gian không còn giữ nguyên được hình thù của một ngôi mộ nữa!
Có rất nhiều ngôi mộ chỉ còn lại mấy viên gạch vỡ. Nghe nói người ta đã vào đây đập phá những ngôi mộ lấy gạch về xây nhà ở. Còn pho tượng lớn người chiến sĩ VNCH ngồi an nghỉ nơi cổng vào Nghĩa trang thì không còn thấy nữa. Có người cho tôi biết pho tượng bị phá hủy từ lúc mới “giải phóng” kia. Tiếc thay một công trình nghệ thuật – một tuyệt tác đã bị bàn tay thù hận phá hủy!
Viên cán bộ phụ trách Nghĩa trang sau ít phút hướng dẫn vợ chồng tôi đi đã bỏ cuộc để chúng tôi “muốn đi tới chỗ nào túy ý”. Chúng tôi đã vạch cỏ từng ngôi mộ. Mãi tới lúc mặt trời sắp lặn vẫn không tìm thấy ngôi mộ Lữ Sơn. Chúng tôi quá mệt mỏi nên đành buồn rầu từ giã Nghĩa trang. “Lữ Sơn ơi, nếu hồn anh có linh thiêng hãy hướng dẫn chúng tôi tìm ra ngôi mộ anh”. Tôi thầm kêu lên như vậy khi bước lên xe taxi trở về thành phố Sài Gòn. Ngày hôm sau và ngày hôm sau nữa, vợ chồng tôi tiếp tục lên Nghĩa trang lùng kiếm. Nhưng vô vọng. Tôi có rất nhiều ảnh chụp Nghĩa trang, hàng trăm tấm. Nếu ông muốn tôi sẽ gữi tặng. Ông coi ảnh sẽ biết sự hoang phế tệ hại tới mức nào. Đúng là một bãi tha ma chứ không còn là một Nghĩa trang quốc gia.
E- mail 15.
Mấy ngày vừa qua tôi rất bận vì phải tháp-tùng phái đoàn Tổng-thống đi họp hội nghị quốc tế. Ông Tổng thống này cương quyết đòi đánh Iraq bằng được để diệt Saddam Hussein mà trước đây hơn 10 năm ông Tổng thống bố ông đã ra tay nhưng chưa tóm cổ được lão nầy. Lúc còn trai trẻ tôi đã nếm mùi chiến tranh, đã mấy lần suýt chết vì chiến tranh, bây giờ nhìn lại vẫn thấy rùng mình. Bao giờ nhân loại mới chấm dứt chém giết nhỉ? Lại sắp có bao nhiêu chàng trai lao mình vào cõi chết. Ôi chiến tranh, tôi thù ghét căm phẫn nó vô cùng. Ước gì tôi là Tổng thống!
E-mail 16.
Lần thứ ba tôi trở lại Việt Nam tôi đã bị lừa. Có một người cho tôi hay họ biết ngôi mộ Lữ Sơn nằm chỗ nào trong Nghĩa trang Quân đội. Tôi phải mất một số tiền để có được bản họa đồ chỉ dẫn. Họ nại cớ không dám đi cùng tôi vì sợ chính quyền nghi kỵ làm khó dễ. Theo đúng sự chỉ dẫn của bản họa đồ tôi đã đến ngôi mộ mà người ta bảo đó là của Lữ Sơn. Nhưng sau khi xem xét tôi chẳng thấy bằng chúng nào chứng tỏ bạn tôi nằm trong ngôi mộ đó. Mộ chưa được xây và nấm đất được gọi là mộ đó gần như bị san bằng. Cái bằng chứng duy nhất để chứng minh là tấm bia khắc tên tuổi người chết thì không có. Vợ tôi càu nhàu tôi mãi về việc nầy. Có lẽ, tôi nghĩ, mình đã đi vào con đường tuyệt vọng rồi. Bây giờ chỉ còn biết đặt ngôi mộ Lữ Sơn trong trái tim mình thôi. Có người mách bảo đi tìm kiếm thân nhân Lữ Sơn. Một gợi ý hay nhưng trời đất bao la như thế nầy, nhất là sau một cuộc biến đổi long trời lở đất, người người tứ tán muôn phương biết đâu mà tìm kiếm, nhất là với một người ngoại quốc như tôi? Đến người chết nằm một chỗ còn không tìm ra nói gì tới tìm người sống!
E- mail 17.
Ông muốn biết rõ mối ân tình nặng trĩu và to lớn của tôi đối với Đại úy Lữ Sơn? Vâng, tôi xin thành thật kể ra hết với ông đây.
Phải nói là giữa tôi và Lữ Sơn một tình bạn nẩy nở ngay từ lúc đầu khi tôi đến làm cố vấn cho đơn vị anh. Đại đội anh chỉ huy là Đại đội tiền sát. Khi hành quân tôi luôn cặp kè bên anh. Khi rãnh rỗi chúng tôi ngồi bên nhau nhậu nhẹt đến say khướt quên cả đời lính tráng nơi tiền tuyến, quên cả thần chết thường trực rình rập chung quanh. Vào thời điểm nầy hiệp định Ba Lê ký kết Mỹ sẽ rút quân về nước bỏ mặc cho VNCH chống chọi với quân Cộng sản. Với một quân số đông gấp mấy lần và với võ khí tối tân hơn, quân Cộng sản liên tiếp gây thiệt hại cho quân VNCH trên nhiều mặt trận. Người Việt Nam cho rằng tại người Mỹ bỏ rơi đồng minh nối giáo cho giặc. Anh em binh sĩ trong đơn vị của Lữ Sơn thù ghét khinh bỉ tôi ra mặt.
Chỉ còn ít ngày nữa tôi giã từ họ về Sài Gòn hồi hương nên tôi cóc cần. Một hôm toán tuần tiểu của họ bị Cộng sản phục kích làm chết một số người. Đau đớn trước sự mất mát mà họ cho là phi lý, có nội tuyến và có thể cộng với sự hiểu lầm về một cử chỉ hoặc thái độ nào đó của tôi, họ đã nổi giận nhất loạt chĩa mũi súng vào tôi quy trách nhiệm. Họ đòi đem tôi ra bắn để trả thù cho cái chết của đồng bạn! Nhìn những đôi mắt quắc lên giận dữ, rực lửa hận thù, nhìn những mũi súng đen ngòm chĩa thẳng vào ngực mình, tôi biết đã tới lúc tôi phải lên đoạn đầu đài chịu tội cho cả nước Mỹ.
Tôi không thể giải thích cho họ hiểu tôi cũng như họ chỉ là nạn nhân của bọn to đầu. Tôi không tình nguyện đến nước nầy để giết người hay để người giết. Tôi đến vì người ta bắt phải đến. Tôi giết vì nếu không giết thì sẽ bị giết. Tôi đến hay đi hoàn toàn không phải ở tôi mà ở bọn chóp bu ngồi cách xa nơi nầy cả nửa vòng trái đất!
Trước sự “hận thù đằng đằng” tôi phải cầu cứu tới Lữ Sơn, lúc ấy đang đứng bên tôi và tỏ ra vô cùng lúng túng, bối rối. Trước ánh mắt sợ hãi và cầu cứu của tôi, Lữ Sơn đã đứng ra can thiệp. Anh nói nhiều lắm, bây giờ tôi không còn nhớ hết anh đã nói những gì nhưng nội dung chính vẫn không ngoài sự ngăn cản, khuyên giải. Nhưng đám đông vẫn không chịu buông súng nghe theo. Họ la lối gào hét đòi quyết giết tôi.
Sau khi với tư cách chỉ huy ra lệnh cho họ không nghe, Lữ Sơn nói lớn: “Vậy trước khi giết chết người Mỹ nầy, các bạn hãy giết tôi đi. Người Mỹ nầy vô tội, chúng ta đừng giận cá chém thớt. Dân tộc ta chưa bao giờ có truyền thống giết hại người ơn của mình. Dân tộc ta bao giờ cũng lấy nhân nghĩa làm đầu. Vậy tôi xin chết thay cho anh ta”. Dứt lời Lữ Sơn đứng ra lấy thân mình anh che chắn cho tôi. Đám đông giao động bàn tán. Ít phút sau họ tự động giải tán. Thế là tôi thoát chết. Lữ Sơn đã đem thân mình tình nguyện chết để cứu sống tôi. Ông thấy ơn nầy to lớn quá phải không? Khi đứa con trai đầu lòng của tôi ra đời tôi đã lấy tên Lữ Sơn đặt cho nó. Vì ông hỏi nên tôi mới nói ra sự việc đau lòng nầy. Thực sự nó chẳng đẹp đẽ gì trong mối quan hệ giữa người Mỹ và người Việt vốn đã quá bi thảm tăm tối. Tôi về nước, cuối năm 1974 nhận được tin Lữ Sơn tử trận. Anh chết vì cứu người đồng đội bị thương nặng. Một băng đạn AK phá nát bộ ngực anh. Tôi đã khóc mấy ngày liền, bỏ cả ăn uống, công việc.
E- mail 18.
Sau một thời gian khá dài, đến hơn 3 tháng chúng ta không viết thư cho nhau phải không? Hôm nay tôi xin thông báo một tin vui, rất vui. Ánh sáng đã rọi qua đám sương mù dày đặc của ông. Những hy vọng tìm mộ người bạn quá cố có thể trở thành hiện thực. Tôi đã tìm được địa chỉ người em ruột của Lữ Sơn hiện định cư tại Hoa Kỳ. Ông có thể liên lạc trực tiếp với ông ta theo địa chỉ e mail ...... Chúc ông may mắn và thành công.
E- mail 19.
Tôi không biết nói gì để bộc lộ lòng trân trọng và sự biết ơn của tôi đối với ông. Tôi đã gặp ông Lữ Hà, em trai của Lữ Sơn.
Tuần vừa qua Lữ Hà đến chơi với gia đình tôi và ở lại mấy ngày. Lúc Lữ Hà đứng trước cửa nhà, tôi xúc động muốn ngất xỉu. Tôi cứ tưởng Lữ Sơn hiện diện. Hà giống hệt Sơn từ điệu bộ đi đứng cười nói. Chúng tôi đã có những buổi chuyện trò tâm tình thú vị và hầu như thức trắng mấy đêm liền. Bao nhiêu kỷ niệm về Lữ Sơn đều được nói ra hết. Tôi đang cố gắng thu xếp công việc để sớm trở lại Việt Nam lần nữa. Nhất định lần nầy tôi phải thành công vì có người em gái của Lữ Sơn hướng dẫn. Cô ta hiện sống ở một tỉnh xa xôi miền Trung nhưng tôi bắt liên lạc được rồi.
E- mail 20.
Tôi xin chúc mừng ông. Hình như lịch sử của hai dân tộc chúng ta đã lật sang trang khác nhưng cái ân tình của Lữ Sơn dành cho ông và cái thâm tình ông dành cho Lữ Sơn nhất định sẽ trường tồn, mãi mãi không phai nhạt. Giữa những bom đạn và chết chóc reo rắc đau thương hận thù triền miên trên trái đất già nua khô cằn nầy vẫn có những bông hoa nhân ái mọc lên rực rỡ ánh hào-quang. Chúc ông sớm tìm được người bạn quá cố đã nằm trong lòng đất lạnh hơn một phần tư thế kỷ giờ được đánh thức dậy để nhận một bông hoa Đời...
E- mail 21.
Ông biết không, tôi và vợ tôi đã bật khóc về những dòng chữ ông viết trong E mail. Thú thật với ông khi mới đặt chân tới đất nước ông, bắt gặp những nhỏ nhặt đời thường, tôi đã có ý nghĩ không mấy tốt đẹp về đất nước nhỏ bé xa xôi hẻo lánh ít được biết tới này.
Nhưng rồi với tấm lòng cao quý tỏa ra từ con người Việt Nam chân chính Lữ Sơn – một thanh niên xả thân chiến đấu vì lòng yêu nước, yêu dân tộc, yêu tự do. Rồi sau đó cả triệu người lao vào cõi chết để tìm tự do – một cuộc tìm tự do vĩ đại nhất trong lịch sử loài người. Tôi chưa bao giờ thấy dân tộc nào vĩ đại như vậy. Ý chí kiên cường bất khuất và máu của người Việt Nam trên đường tìm Tự Do đã tô đậm nét vàng son 5 chữ “Tự do hay là chết” lấp lánh đến muôn đời. Càng khâm phục ngưỡng mộ dân tộc ông tôi càng nôn nóng tìm kiếm bằng được mộ người bạn ân tình của tôi, Đại úy Lữ Sơn.
Nhân đây tôi cũng xin thông báo để ông biết tôi và vợ tôi đã quyết định ngày đến Việt Nam. Đó là ngày mùng Một Tết Âm lịch. Ngày mùng Một Tết là ngày quan trọng thiêng liêng nhất của Năm đối với người Việt Nam và là ngày mở đầu của mùa Xuân nên chúng tôi chọn đúng ngày này để viếng mộ Lữ Sơn. Sau khi dọn dẹp sạch sẽ cỏ rác, tôi sẽ cắm lên mộ Lữ Sơn một bông hoa Hướng Dương mà lúc sinh thời anh rất thích, rồi thắp cho anh một bó hương. Tôi sẽ quỳ xuống ôm ngôi mộ anh nói to lên rằng: “Anh Lữ Sơn! Anh là một anh hùng! Dân tộc anh là một dân tộc kiêu hùng bất khuất! Chúng tôi không bao giờ quên anh, Anh Lữ Sơn!”







__._,_.___


************************
Tho Van group!
Pho bien va giao luu trao doi Tho Van giua cac thi si va tat ca nhung ban yeu thich tho van tren toan the gioi.
Luu Y:
+ Noi dung va y kien cac thanh vien khong phai la chu truong va lap truong cua group Tho Van.
+ Group Khong chap nhan nhung bai post ngoai chu de Tho & Van.
+ Web Link : http://groups.yahoo.com/group/ThoVan
+ Dia chi goi bai len group Tho Van: ThoVan@yahoogroups.com
+ Dia chi rut ten ra khoi group Tho Van: ThoVan-Unsubscribe@yahoogroups.com
+ Dia chi ien lac rieng voi group: GroupThoVan@gmail.com
************************




Your email settings: Individual Email|Traditional
Change settings via the Web (Yahoo! ID required)
Change settings via email: Switch delivery to Daily Digest | Switch to Fully Featured
Visit Your Group | Yahoo! Groups Terms of Use | Unsubscribe



__,_._,___

User avatar
VuPhong
Posts: 2910
Joined: Wed Dec 01, 2004 4:28 pm

Post by VuPhong »

Image

TỔ QUỐC-DANH DỰ-TRÁCH NHIỆM
TẬP THỂ CHIẾN SĨ VNCH HẢI NGOẠI

VP : 469 Ezie St. San Jose CA 95111
Tel: ( 408)578-2938 Email: rvnvets@gmail.com


Thư ngỏ của cựu chiến sĩ Hồ văn Kỳ Thoại.

Kính gửi:
Quý niên trưởng, quý chiến hữu trong Tập Thể CSVNCH HN và toàn thể quý vị Quân Dân Chánh Việt Nam Cộng Hòa.
Tôi là Hồ văn Kỳ Thoại, quê nội ở Gò Công.Trước 1975 tôi là Phó đề đốc Hải Quân Việt Nam, chức vụ cuối cùng là Tư Lệnh Hải Quân Vùng I Duyên Hải. Từ 1976 đến năm 2006 tơi làm việc liên tục cho các hội đoàn bất vụ lợi của Hoa Kỳ trong các lãnh vực tài chánh, nhân viên, điện tóan và quản trị..
Trong đại hội của Tập Thể Chiến Sĩ Việt Nam Cộng Hòa tại Westminster, California, ngày 1 tháng 10,2010, tôi được mời tham dự với tư cách một thành viên của Hội Đồng Tư Vấn, và sau đó tôi được các chiến hữu đề cử vào chức vụ Chủ Tịch Hội Đồng Đại Diện.
Qua thư ngỏ này, tôi xin được phép gửi đến quý niên trưởng và quý vị với tư cách cá nhân, trong tình chiến hữu, dù quý vị đã tham dự hoặc chưa có dịp tham dự trong Tập Thể Chiến Sĩ VNCH.
Với tư cách cá nhân , và với lời chân thành mộc mạc từ nơi tôi sinh trưởng ở miền Nam của quê hương chúng ta tôi xin được giải bày như sau.

1-Nhận trách nhiệm.

Dù các chiến hữu trong hay ngoài tổ chức, tất cả đều là anh chị em của tôi. Kỳ đại hội vừa qua cũng là lần đầu tôi đến họp với anh chị em. Tôi không hề có tham vọng sẽ nhận bất cứ chức vụ gì. Ðược đề cử với đa số tín nhiệm, việc tôi nhận lời xẩy ra trong khoảnh khắc bất ngờ đối với chính tôi. Suy nghĩ lại, yếu tố quan trọng nhất là sự nhiệt thành tin tưởng của anh chị em và riêng lòng tôi, tôi nhận lời ngồi lại với anh chị em chỉ có mục đích duy nhất là để chúng ta tiếp tục ngồi lại với nhau.Dù khác quân binh chủng tất cả chúng ta đều có một lần qùy xuống dơ tay tuyên thệ trung thanh và bảo vệ một Tổ Quốc và một lá Quốc Kỳ duy nhất

2-Chương trình làm việc.

Vì nhận trách nhiệm bất ngờ và không chuẩn bị sẵn một chương trình làm việc nên tôi chưa thể có ngay được những ý định rõ ràng trong công tác. Tôi chưa có cơ hội nghiên cứu thật kỹ về việc tu chỉnh nội quy, xây dựng lại tổ chức và hoạch định cho tương lai. Hy vọng rằng quý vị thông cảm cho hoàn cảnh của tôi.

3-Chân thành cảm tạ.

Dù bất ngờ nhận trọng trách lớn lao, nhưng tôi không quên công trình của quý niên trưởng và chiến hữu đã xây dựng nhiều năm qua, tạo nên nền móng căn bản cho tổ chức. Ðặc biệt cảm tạ quý chiến hữu đã bỏ phiếu bầu cho tôi với con số 60/62. Tôi sẽ cố làm việc trong phạm vi khả năng để đáp lại tấm lòng của các niên trưởng và quý vị. Tôi cũng luôn luôn nhớ rằng vẫn còn 2 phiếu không tín nhiệm, nếu nghĩ đến còn rất nhiều anh em không sinh hoạt với Tập Thể, quý vị không cô đơn đâu. Ðến lượt tôi thông cảm với quý vị.

4-Búa rìu dư luận.

Sau khi tham dự đại hội trở về, tôi có cơ hội đọc được tất cả các thư từ, báo chí khích lệ và khen ngợi. Trong đó có nhiều lời khen đầy tình nghĩa chân thành và cả những lời ca ngợi quá đáng. Tôi cũng đọc qua tất cả các tài liệu phê bình với lời lẽ xây dựng và đồng thời có những lời lẽ chỉ trích hết sức thậm tệ. Chỉ trích cá nhân và chỉ trích tập thể. Phê bình chuyện quá khứ trước 1975 và những chuyện trong 35 năm vừa qua.
Cũng như các bạn, tôi đọc hết và cũng có những vui buồn, lúc hoan hỷ, lúc giận dữ . Khi bình tĩnh nghĩ lại, tôi xin gửi lời cảm ơn toàn thể quý vị. Dù quý vị khen ngợi tán thưởng hay quý vị chê bai bằng những lời nặng nề thậm tệ nhưng chứng tỏ quý vị đã quan tâm. Mong rằng với thư ngỏ này, tôi xin thưa rằng, tôi đã ghi nhận tất cả. Tôi mong rằng những lời khen tặng xã giao sau này sẽ hướng vào những suy tư và đề nghị cụ thể cho chúng tôi hoàn tất nhiệm vụ. Tôi mong rằng những lời chửi bới tàn nhẫn sau này sẽ hướng về các đề nghị xây dựng để chúng tôi tránh khỏi các lỗi lầm trong quá khứ.

5-Nhận định hoàn cảnh.

Trong nhất thời, chúng tôi chưa có đủ dữ kiện để đưa ra bản nhận định về chuyện thế giới, chuyện Hoa kỳ, chuyện Việt Nam và những công tác thích ứng với hoàn cảnh. Nhưng xin đưa ra vài ý kiến cá nhân liên quan đến những vấn nạn mà quý anh em thường nhắc lại trong quá khứ đặc biệt là vấn đề lãnh đạo. Trong quân đội từ trung đội trưởng lên đến tổng tư lệnh đều là lãnh đạo. Dù chúng ta chiến đấu anh dũng bao lâu, nhưng sau cùng, vì bất cứ lý do gì thì ta cũng mất Miền Nam và đứng về phe chiến bại. Khi mất nước chúng ta đều cùng phải chia xẻ lỗi lầm. Có thể cùng nhau phân tích những sai lầm và cả những sự dốt nát của giai cấp lãnh đạo vì đó là phần quan trọng của lịch sử. Nhưng sự chửi bới không bao giờ biện minh cho hành động xây dựng. Tôi quan niệm một tinh thần can trường trong chiến bại và tôi ước mong đem tinh thần đó vào Tập Thể.

Cho đến nay dù Tập Thể chưa đáp được kỳ vọng của mọi người nhưng hiện vẫn là một tổ chức đã quy tụ được nhiều chiến hữu thuộc mọi quân binh chủng. Chúng ta đã mất nước, và không còn Miền Nam để chấn chỉnh, sửa chữa hay kiện toàn. Ngày nay nếu Tập Thể không còn nữa, dù muốn xây dựng, chấn chỉnh, sửa chữa chúng ta cũng không làm được.
Tập Thể hình thành nhờ các cơ cấu cựu chiến sĩ VNCH tại các địa phương và nhờ các Chi hội lên đến các Tổng hội đại diện các quân trường và quân binh chủng. Các anh em cựu chiến sĩ ở mọi nơi đều cao niên, đều thừa kinh nghiệm và đều có quyết tâm. Anh em sống trong lòng các cộng đồng, biết rõ nhu cầu, biết rõ khả năng và điều quan trọng hơn hết là chính anh em mới xây dựng được tình đoàn kết huynh đệ chi binh. Tương lai của Tập Thể trông cậy vào tương lai của các sinh hoạt địa phương.

Với khả năng hết sức giới hạn của thành phần lãnh đạo Tập Thể, quý anh chị em thừa biết chúng tôi không thể đáp được nguyện vọng lớn lao của mọi người. Giới hạn về khả năng, về tài chánh, về quyền hạn, về kinh nghiệm, về nhân viên, tương lai của tập thể sẽ chỉ còn trông cậy vào quý niên trưởng và anh chị em.

6-Kỳ vọng tương lai.

Từ tinh thần can trường trong chiến bại, tôi không hề chấp nhận tinh thần chủ bại. Con đường đấu tranh cho tự do, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam, không những chỉ dành riêng là mục tiêu của Tập Thể, mà hiện nay là mục tiêu chung của mọi người. Xin quý niên trưởng, quý chiến hữu và quý anh chị em cùng nhau đi trên con đường đó. Nhưng chúng ta sẽ không đưa ra những chương trình hay những lời tuyên bố đao to búa lớn. Chúng ta sẽ hết sức thận trọng với các mục tiêu thực tế và xây dựng. Hàn gắn trong anh em, thắt chặt tình đoàn kết, mở rộng sinh hoạt trong cùng lý tưởng. Chúng ta có quyền kỳ vọng một tương lai tươi sáng cho Tập Thể, cho toàn thể đồng hương tỵ nạn cộng sản tại hải ngoại.
Kính chào quý niên trưởng, quý chiến hữu và toàn thể anh chị em.

Hồ Văn Kỳ Thoại.
16.Oct.2010

User avatar
khieulong
Posts: 6756
Joined: Wed Dec 01, 2004 9:09 pm
Been thanked: 1 time

Post by khieulong »

Image


Chuyện người lính Thủy Quân Lục Chiến bên bờ Bến Hải
Kính dâng hương hồn người chiến sĩ vô danh
Trời trên đầu vẫn nắng chang chang. Dưới chân là sỏi đá khô cằn. Đất ở đây như không đủ sức mời mọc cho cây đâm rễ nên quang cảnh mang một vẻ trơ trụi, hoang sơ thế nào.

Đoàn tù vẫn lầm lũi bước. Cách từng quãng một là anh cán binh CS miền Bắc, vai mang khẩu AK-47, đầu đội mũ tai bèo, chân dép râu cũng tiếp nối từng bước như đoàn tù nhưng chắc chắn là mang trong họ một trạng thái tinh thần hoàn toàn khác. Họ là những kẻ chiến thắng, đang giải đoàn tù binh, sản phẩm của chiến bại, về Bắc. Trước là họ có dịp phô trương cái “anh hùng” của họ ở trong B, sau là biết đâu họ có thể có dịp tạt qua thăm nhà một lần sau bao nhiêu năm gia nhập bộ đội để đi “giải phóng miền Nam ruột thịt, đang oằn oại dưới ách thống trị bạo tàn của Mỹ Thiệu” và quan trọng và chắc chắn hơn hết là họ được tránh xa vùng lửa đạn có thể làm họ “đi gặp Bác Hồ” bất cứ lúc nào...

Trước đó không lâu mà tưởng chừng như ở vào thế kỷ khác, quân CS đã bất ngờ vượt vùng phi quân sự để tràn xuống tấn công miền Nam. Trở tay không kịp, các căn cứ Hoả lực ở vùng phía Nam phi quân sự bị đánh tan vỡ, quân đội VNCH đã lập tức gởi ngay quân ở trong miền Nam ra cứu viện và các đơn vị Biệt động quân gồm 3 Liên đoàn Tổng trừ bị được đưa ra và trong đó, Liên đoàn 5 BĐQ là đơn vị ra tới đầu tiên mà trong đó có tôi với tư cách Y sĩ điều trị của Liên đoàn.

Tôi là một bác sĩ, tính tới hôm ra tới Quảng trị là ngày 5/4/72 thì tôi mới ra trường chưa được 5 tháng, do đó tôi còn ở dưới quyền một đàn anh là Y sĩ trưởng của đơn vị, hiện anh đang trở về làm việc ở hậu cứ khi có tôi ra thay ở mặt trận (hai anh em chúng tôi thay phiên nhau đi hành quân mỗi người nửa tháng).

Tuy tôi không được dự các cuộc họp hành quân nhưng theo tin tức tôi thu nhặt được từ các sĩ quan trẻ trong BCH Liên đoàn thì tôi biết, chuẩn tướng Vũ Văn Giai, tư lệnh SĐ3BB là sĩ quan cao cấp nhất được trên chỉ định làm tư lệnh mặt trận và ông đã điều quân như sau: LĐ5 chịu tuyến cực Bắc của mặt trận là thị trấn Đông Hà chạy dài về phía Nam ở hướng Tây của quốc lộ 1. Kế tiếp là LĐ4 BĐQ rồi tới LĐ7 BĐQ tiếp tục phòng thủ và chiến đấu để giữ gìn phía Tây QL 1. Còn về hướng Đông là phía biển thì mặt trận chắc chắn sẽ nhẹ hơn sẽ do SĐ 3 BB, sau trận đánh mấy ngày trước đã mỏi mòn trấn giữ.

Nhưng tới trận phục kích chót của quân CS vào BCH/LĐ trong đêm 30/4/72, trên đường rút quân của đơn vị tôi sau khi thành phố Quảng Trị đã thất thủ thì đơn vị tôi chính thức cũng đã bị xoá tên trong trận chiến. Hỏi làm sao không xóa tên tại chỗ được khi một Liên đoàn BĐQ như đơn vị tôi mà có những 18 sĩ quan bị bắt làm tù binh trong đó phải kể đến: Tiểu đoàn trưởng và TĐ phó TĐ 38 BĐQ, sĩ quan trưởng ban 3 LĐ, sĩ quan trưởng ban Truyền tin LĐ, bác sĩ (tôi), đại đội trưởng trinh sát của LĐ và bao nhiêu sĩ quan cấp thấp khác ở các ban ngành của cả BCH LĐ cũng như của TĐ 38 là TĐ đi bọc hậu cho LĐ trên đường rút quân. Dĩ nhiên tôi được biết sau nầy là sau khi tập trung lại ở Huế, LĐ được đưa về để “làm máy lại,” tái tạo. bổ sung các cấp từ sĩ quan đến binh sĩ và tung vào hành quân 2 tháng sau đó. Còn chúng tôi, 18 sĩ quan xấu số, trên con đường định mệnh không biết sẽ đi về đâu, đang bị xỏ xâu vào nhau và lầm lũi bước đi về hướng Bắc.

Tôi viết hồi nãy là LĐ tôi có 18 sĩ quan bị bắt là do về tới chỗ tạm giam gặp nhau chớ còn lúc giải đi trên đường thì làm sao tôi biết được? Cá nhân tôi thì trừ một số ít sĩ quan trong đơn vị là tôi biết mặt, hầu như tất cả anh em tù binh ở Quảng trị tôi mới gặp đều như gặp lần đầu, tôi mới biết mặt họ mà họ cũng mới biết mặt tôi. “À, anh là bác sĩ mới về đó hả ? Tui có nghe mà chưa gặp, không dè mình gặp trong hoàn cảnh nầy, thiệt xui !!”
Nãy giờ tôi mãi nói về đơn vị tôi, thực sự ra, đoàn tù binh bị giải đi về hướng bắc nầy hàng mấy trăm người là ít gồm sĩ quan, hạ sĩ quan, binh sĩ của mọi binh chủng có mặt trong trận Quảng Trị hồi tháng 4/72: TQLC, BĐQ, thiết giáp, bộ binh, địa phương quân, nghĩa quân và cả dân sự là mấy anh ở các ngành gọi là “ác ôn” dưới con mắt của CS như chiêu hồi, xây dựng nông thôn ...

Tôi biết mình đi về hướng Bắc là vì dễ thôi, mặt trời bao giờ cũng mọc và ở suốt ngày bên tay phải tôi, có điều đi tới đâu thì mình không biết được, chỉ biết đôi chân quen mang giày dép, nay phải để trần dẩm lên sỏi đá, mỗi bước chân là hai hàng nước mắt chảy ra. Tôi không khóc đâu, nước mắt chảy là do cái đau đớn buốt lên từ lòng bàn chân bắn thẳng lên óc làm nước mắt tự động chảy thôi chớ phải nói, lòng căm giận đầy ngập trong tim thì dễ gì tôi khóc được?

Cái bụng thì cồn cào, từ hồi bị bắt tới giờ cũng đã 5, 6 ngày rồi còn gì mà tôi chỉ được có mấy nắm cơm vắt nhỏ xíu bằng bàn tay (mỗi bửa ăn là nửa vắt!), còn khát thì còn nói gì! Nắng, nóng, hoạt động (đi bộ ròng rã) mà không hề có nước uống, nhìn chung quanh mình, tôi thấy ai cũng ở vào tình trạng gọi là khát rã họng là đúng chữ nhất!

Đã vậy mà thôi đâu, trong khi hạ sĩ quan hay binh sĩ thì cứ chậm rãi đi thành hàng một, còn chúng tôi, sĩ quan đâu được như vậy. Chúng dùng sợi dây dài cột tay trái người đi trước vào tay trái người đi sau thành từng hàng dài cho tới khi nào sợi dây hết thì chúng dùng sợi dây khác nên không có con số nhất định mỗi xâu là bao nhiêu người mà chỉ do độ dài ngắn của sợi dây...

Tôi thì đi lọt vào áp chót của một sợi dây, vừa bước đi khập khiểng do đau 2 lòng bàn chân tột cùng, vừa đau đớn cho số phận của riêng mình kể gì nói cho hết.
Tuy lúc đầu lệnh của bọn cán binh là tù binh phải đi thành hàng một nhưng phải nói, do bị xâu chùm lại với nhau (với không biết có phải do lòng hai bàn chân của các sĩ quan thì “tiểu thơ” hơn anh em hạ sĩ quan và binh sĩ hay không?) mà đám tù sĩ quan đi chậm hơn đám tù đa số kia nhiều nên việc chúng tôi đi hàng xâu bên nầy song song với những anh lính của chúng tôi cách đó vài mét là thường. Có khi tên bộ đội đi gần đó mở miệng quát tháo, có khi chúng cũng mặc kệ mấy thằng tù, đi kiểu nào thì đi, miễn cứ đi là được rồi...

Từ lúc bị bắt đưa về cái nhà lá làm nơi tập trung đám tù binh mới bắt ngoài mặt trận cho tới ngày hôm nay, tôi đã bị đưa đi qua không biết bao nhiêu là cảnh vật thay đổi đủ kiểu. Chỗ gần nơi tôi bị bắt (sau nầy tôi mới biết là quận Hải lăng) thì có ruộng lúa, lúa cao ngang ngực như lúa sạ ở Đồng tháp Mười, còn giải đi thì lúc qua xóm Cửa Việt, chúng tôi đi dọc dài theo bờ biển cát êm mịn xinh đẹp với tiếng sóng vỗ rì rào. Nhưng cảnh vật khi họ dẫn chúng tôi từ phía đông QL 1 băng dần về phía núi rừng phía tây thì thay đổi hẳn, những đám rừng lúc trước giờ chỉ là những cây với những cành trơ trụi vì bom đạn làm tôi nhớ tới bài hát Sương trắng miền quê ngoại có 2 câu thơ:

Gio Linh ơi, đất thiêng chừ run rẩy
Tội lũ chim rừng không chỗ đậu vì bom...

Con đường càng đi về hướng Tây Bắc càng trơ trụi, sỏi đá khô cằn. Chỉ vài ngày đi bộ là tôi đã thấy thấm mùi đời lắm rồi nhưng ở trong tư thế không biết làm sao nên tôi cứ nhắm mắt mà bước theo những bước chân của những người bạn xấu số đồng cảnh của mình.

Tới buổi trưa hôm đó thì đoàn tù (hay đúng ra là cái xâu của tôi) đang bước chân qua một dòng nước nhỏ bề ngang chừng 1 mét. Ai cũng cố dừng lại để cúi người xuống hầu ké một ngụm nước và vì chúng tôi bị xâu lại với nhau nên sự bò xuống uống nước không thể làm cùng lúc bao nhiêu người được. Vì thế mới có sự trùng trình ở chỗ lạch nước nầy. Lúc tôi vừa uống nước xong thì có tên bộ đội nhóc đứng gần đâu đó cất tiếng:

-Chúng mầy có biết dòng nước nầy có tên gì không?
Khi không nghe ai trả lời cả (hoặc bận uống nước hoặc không bận cũng chẳng buồn trả lời làm gì) hắn ta nói tiếp, giọng oang oang đầy vẽ tự hào:
-Sông Bến Hải đấy chúng mầy ạ! Hễ chúng mầy bước qua nó là chúng mầy đã chính thức đặt chân lên miền Bắc xã hội chủ nghĩa của chúng tao rồi đấy!

Trong lúc tôi còn bàng hoàng vì đây chỉ là một lạch nước nhỏ xíu mà người ta có thể bước ngang được dễ dàng mà lại là thượng nguồn của một con sông lịch sử, con sông chia cắt hai miền Nam Bắc của nước mình từ mấy mươi năm qua bổng, hết sức bất ngờ ngoài sự tưởng tượng của tôi hay bất kỳ ai, một anh lính TQLC, chúng tôi biết anh là TQLC do tù binh vẫn còn bộ đồ lính trên người tuy lon lá đều đã bị tháo gở, anh ở trong đám binh sĩ đi gần chúng tôi, nhào lên bóp cổ tên bộ đội nhóc, vừa bóp cổ vừa gặc gặc cho cái siết cổ thêm mạnh trong khi miệng anh bật lên bao nhiêu là tiếng Đức, tiếng Đan Mạch, và đối tượng để anh chửi rủa là HCM, là “cha già kính yêu” của bọn bộ đội. Anh chửi rủa rất to tiếng trong khi nắm tay siết chung quanh cổ tên bộ đội như hai gọng kềm căm thù đã nung nấu từ hồi nào đến giờ, giờ mới có dịp phát huy.

Tên bộ đội cố hết sức dãy dụa, tuy tay còn cầm khẩu AK nhưng mọi thứ đều thành vô dụng trong lúc nầy. Rồi một tên bộ đội khác nhanh chân chạy đến, bắn ngay một phát súng vào chân anh lính TQLC, anh đau đớn nên lỏng vòng tay và tên bộ đội vùng thoát ra được, hắn không ngần ngại đá một phát vào anh lính lúc nầy đã nằm xuống đất...

Sự việc viết lại tưởng như dông dài nhưng thực ra đã diễn ra trong chớp mắt trước sự ngỡ ngàng của đám tù binh chúng tôi. Rồi đám bộ đội đã tụ tập đến chung quanh anh lính miền Nam, một tên có vẻ là cao cấp nhất trong bọn đã nói gì không rõ với lũ thuộc cấp, sau đó hắn quay sang chúng tôi, ra lệnh mở trói xâu cho 2 sĩ quan tù binh ở cuối xâu và... tôi là một trong hai sĩ quan tù binh đó. Hắn ra lệnh cho đám bộ đội kia rồi không biết lấy ở đâu ra mà ngay sau đó vài phút là một tên đã đưa đến cho chúng tôi một cây đòn dài, một tên khác thì đưa chúng tôi một cái võng rồi tên chỉ huy ra lệnh cho 2 anh em chúng tôi “cáng” anh lính đi tiếp.

Tôi thì vì phản xạ nghề nghiệp nên khi vừa được “mở xâu” là đã chạy ngay đến anh lính TQLC đang nằm dưới đất để xem xét vết thương của anh nhưng ngay lập tức, một tên bộ đội đã xua tôi đứng dậy để làm nhiệm vụ cáng anh TQLC. Tuy nhiên trong một tích tắc đó, tôi cũng đã thấy được anh lính thần sắc đã tả tơi sau mấy ngày làm tù binh cho bọn chết đói, bộ quân phục sọc ngang cố hữu của binh chủng oai hùng ngày nào giờ cũng xác xơ giống như chủ nó, và viên đạn đi vào đùi anh lính, tôi đã không nhìn kịp coi có lỗ đạn ra hay không cũng như không thử mạch nên không biết có trúng động mạch đùi không và hơn hết, không biết cái chân có còn nhúc nhích được không nữa. Tuy nhiên, tôi cũng đã xé được từ cái áo thun của chính tôi được một miếng vải để cột ngay phía trên vết thương trong khi miệng thì nói với mấy thằng bộ đội:

-Mấy anh muốn cáng anh nầy thì ít ra cũng phải để cho tôi băng bó sơ anh ấy cái chớ...
Một tên bộ đội thì nói:
-Thường ngày chúng mầy là sĩ quan quen nạt nộ lính, hôm nay cho chúng mầy cáng lính của chúng mầy để đền tội...

Trong khi tôi băng bó cho anh lính TQLC thì anh bạn tù sĩ quan của tôi (anh thuộc SĐ3BB, rất tiếc tôi không còn nhớ tên anh) đã nhanh nhẹn cột hai đầu cái võng vào cái đòn dài để hoàn thành cái cáng tức là có sau đó, chúng tôi sẽ gánh anh thương binh nằm trên đó. Nhưng khi chúng tôi mở cái võng ra cho ngay ngắn và sửa soạn để khiêng anh thương binh đặt lên thì anh đã nói:

-Tui cám ơn mấy ông lo cho tui nhưng tui làm là tui chịu, tui hổng có làm phiền tới mấy ông đâu. Mấy ông cứ đi đi, tui hổng để mấy ông khiêng tui đâu...
-Anh nói gì lạ vậy, tôi nói. Anh để chúng tôi khiêng anh đi, ít ra tới chỗ nào đó mình mới có thể có phương tiện chữa cho anh được chớ.
Nói qua nói lại gì thì nói, hai lần chúng tôi đặt anh thương binh lên võng, hai lần anh đều lăn ra khỏi cái võng. Bọn bộ đội quay quần chung quanh nóng ruột, chúng hối thúc chúng tôi liền miệng nhưng - tôi nhớ đời câu nói nầy - anh thương binh nói:
-Mấy thằng VC nầy nói cái gì sinh Bắc tử Nam, tui thì dốt thiệt nhưng quyết sinh Nam tử Nam, tui không phải như mấy ông để tụi nó dẩn ra ngoài Bắc để hành hạ rồi chết ngoài đó đâu. Đây nè, tay tui còn xâm 2 chữ “Sát Cộng”, mấy ông tưởng tui sợ chết mà chịu sống chung với tụi chó đẻ nầy hả?
Tới đó thì bọn bộ đội chịu hết nổi, tên chỉ huy bèn quát:
-Thôi hai thằng nầy về hàng trở lại đi để thằng nầy lại cho chúng tao!
Bọn bộ đội đưa 2 thằng tù sĩ quan trở về xâu trở lại rồi ra lệnh tiếp tục lên đường. Tôi còn cố nhìn lại anh thương binh TQLC đang nằm dưới đất, cổ còn cố ngểnh lên để nhìn theo chúng tôi như tiển, như đưa... Bọn cán binh CS thì bàn soạn xì xào...

Được một khoảng xa vài trăm thước, tôi nghe một tiếng súng nổ ở phía sau. Chỉ một tiếng súng nổ phá tan cái yên tỉnh của buổi trưa hè mà như đã phá nát cái định kiến cố hữu vẫn có trong lòng tôi, anh lính TQLC, tuy vì lý do thiếu văn hoá một chút nên dùng toàn những từ ngữ máy nước để chửi bọn CS nhưng đã đánh thức dậy trong tôi, đã nói vào tri thức tôi rằng, những tự hào tôi đã và đang có là một người ngang tàng không biết sợ, với cái học vấn hơn người thường một chút để tự cho mình là một người trí thức, hay nhìn xuống những người không được may mắn có cái học vấn của tôi hay các sĩ quan khác, phải đi hạ sĩ quan hay binh sĩ và cho họ là những người không đáng được kính trọng, họ chỉ là để phục vụ cho chúng tôi, các sĩ quan ăn trên ngồi trước, tất cả những suy nghĩ đó đều sai hết. Chỉ có một kết luận duy nhất, tôi là một thằng hèn, tôi đã vì sự sống của chính tôi, vì gia đình và vì... tiếc của đời, tôi đâu có dám làm như một anh lính thường ở đơn vị TQLC, không chấp nhận sinh Nam tử Bắc, thẳng tay chửi bới già Hồ để ung dung đi vào cõi chết!

Cái chết của anh là một bài học lớn cho tôi mà suổt đời, tôi đã không bao giờ dám quên. Từ đó, tôi đã không bao giờ coi lon lá nhà binh, bằng cấp bỏ trong túi hay tiền tài vật chất có trong cuộc sống là thực sự giá trị con người (có ở hoàn cảnh khốn cùng mới thấy lon lá hay ông lớn chừng nào lại dễ thành thằng hèn, thằng ăng-ten chừng nấy).

Chỉ có Danh Dự, xin dùng chữ hoa ở đây, mới xác định giá trị con người. Xin cám ơn anh, một người tôi đã không được hân hạnh biết tên biết tuổi, đã dạy cho tôi một bài học vô cùng thắm thía mà suốt đời tôi sẽ ghi nhớ trong lòng.
Nước mắt chảy dài trên má tôi, lần nầy không phải vì cái buốt đưa lên từ hai bàn chân đi đất mà là từ trái tim, khối óc chợt nhận ra cái hèn không dám chết của mình.

Nguyễn Ngọc Ấn

Post Reply