Chuyện Tù Cải Tạo Cộng Sản

User avatar
phu_de
Posts: 2917
Joined: Sun Nov 28, 2004 10:57 pm
Has thanked: 7 times

Post by phu_de »

TRẠI NAM HÀ ( HÀ NAM NINH ):

Đoạn đường chúng tôi được chuyển từ Phú Sơn vể Nam Hà khá xa. Phải đi qua Hà nội về Phủ Lý ( Nam Định ) rồi đổ về hướng tây qua vùng Thanh liêm , Chi nê ( Lạc Thủy ) rồi đến vùng Kim Bôi .

Tôi nhớ đã nghe một bài hát của Phạm Duy

Ai về sau dãy núi Kim Bôi..
Nhắn rằng tim tôi chưa phai mờ
Hình dung một chiếc thắt lưng xanh
Một chiếc khăn màu trắng trắng
Một chiếc vòng sáng lóng lánh
Với nụ cười nàng quá xinh..

Phạm Duy đã nhớ người em gái ở sau dãy núi Kim Bôi , còn tôi thì không bao giờ quên được những ngày khốn nạn nhất cũng như hào hùng nhất ở trại Nam Hà.

Đây là vùng núi đá vôi. Nắng thì tăng nhiệt độ còn lạnh thì tê cóng. Không khí nồng nực mùi vôi . Những người nào có buồng phổi yếu là vi trùng bịnh suyễn xâm nhập ngay.

Trại Nam Hà gồm có 4 phân trại : A,B,C và Mễ. Trại A là nơi đặt bộ chỉ huy của Liên trại , có trại trưởng tên Xuyên , cấp bực Trung tá. Trại được xây dựng từ thời Pháp có tên là trại Đầm Đùn, bây giờ được củng cố xây dựng thêm . Các dãy nhà đều xây bằng gạch, mái ngói , có cửa ra vào cho mỗi khu hai nhà . Các nhà hình chữ U, ở giữa là một sân rộng để tập họp đi lao động. Cuối sân là nhà văn hóa ( thư viện ), một góc là nhà bếp và góc đối diện là bịnh xá. Có cổng ra vào khu tù nhân bằng gạch có chòi gác ở trên cao. Bên dưới là nhà trực trại và một cái kẽng báo thức làm bằng vỏ bom Mỹ cũ. Kế bên đó là khu nhà ở của công an. Ở đây chúng tôi gọi bọn chúng là CHÈO.

Khi chúng tôi về đây thì trại đã khá đông người . Đa số từ các trại phía bắc chuyển về , một số chuyển về các trại Thanh phong , Thanh cẩm ( Thanh Hóa ) và một số được đưa về đây. Riêng trại Nam hà A cao điểm đã phải chứa hơn ngàn người . Mỗi nhà nhốt tù được chia ra làm 2 tầng . Tầng dưới là những bệ ciment, tầng trên có khung sắt và lót ván. Giữa là một lối đi dẫn vào nhà vệ sinh. Nhưng vì nhân số quá đông nên phải dùng lối đi ở giữa lót ván và ngũ trên đó.

Ở đây công an quản lý tù nhân rất chặt chẽ và rất chuyên nghiệp. Chúng dùng bản nội qui như những sợi dây trói siết chặt mọi người. Lao động ban ngày có tính cách khổ nhục và đày ải nhiều hơn. Buổi chiều sau giờ điểm danh , chúng khóa chặt cửa từ bên ngoài. Công an là thành phần bảo vệ chế độ và thực hiện những chủ trương, đường lối của đảng cộng sản mà không cần phải suy luận hay phán đoán gì cả. Người ta còn có một nhận xét đúng đắn nhất là : chế độ cộng sản là chế độ công an trị. Bên ngoài dân chúng cũng thế. Ở trại Nam hà có những tên chèo gian manh và độc ác nhất như tên Thịnh và Lực. Chúng làm khổ rất nhiều người nhiều khi những vi phạm nhỏ nhặt như là lấy rau, liên hệ với các buồng khác cũng bị chúng đem ra đánh đập rất dã man. Từ những năm 1978,1979 tình trạng ăn uống thiếu thốn, lao động khổ sai nên đã có nhiều người không chịu nỗi và những nấm mộ bên triền đồi đá vôi ngày càng có nhiều người đến “đăng ký”. Lao động của chúng tôi ở đây thường là đập đá, lấy đá từ các triền núi về để xây nhà tù cho thêm kiên cố, rãi đường bị những cơn mưa lũ phá hại hằng năm. Xuống khu đầm lầy trồng lúa. Thường thì phài dùng hai người để kéo cáy thay trâu, tôi chưa thấy ai chụp được “ bức tranh vân cẩu, vẽ người tang thương” này. Đào mương lấy đất đắp thành những bờ cao để trồng rau. Mỗi mùa mưa lũ cuốn đi và san bằng tất cả, chúng lại bắt tù đào đắp trở lại như “ con dã tràng xe cát biển đông” vậy. Dụng ý của chúng thì ai cũng thấy rõ, miệng thì chúng bảo cố gắng lao động để tạo ra của cải vật chất để cải thiện đời sống .. nhưng đời sống ngày càng suy sụp trầm trọng.

Trại Nam hà A là nơi nhốt nhiều người già nhất từ bên hành chánh cấp trung ương như cựu thủ tướng Nguyễn văn Lộc, các thượng nghị sĩ và dân biểu như các ông Hoàng xuân Tửu , Nguyễn văn Ngưu , Vũ văn Quí. Thành phần quân đội thí có các vị cấp tướng, tá , kể cả thành phần “ tạp lục” như binh nhì ( phục quốc ) đến cán bộ xã ấp. Chúng tôi thấy có cựu Th/tướng Huỳnh văn Cao , Đ/tá Nguyễn văn Thọ , Lữ đoàn trưởng LĐ3 Dù bị bắt ngày 25/2/1971 tại căn cứ 31 Hạ Lào. Riêng Binh chủng TQLC tôi thấy có các Đ/tá Nguyễn thành Trí, Nguyễn năng Bảo, Nguyễn thế Lương, Hoàng tích Thông, Tr/tá Lê bá Bình, Th/tá Trương công Thông, Lê văn Hiền, Lâm tài Thạnh..

Thỉnh thoảng cũng có những phái đoàn ngoại quốc đến thăm viếng để tìm hiểu đời sống của các quân cán chính VNCH trong các nơi gọi là “ Tập trung cải tạo” . Thường vào những ngày đó, chúng tôi được dồn vào các khu canh tác của trại B để “ém quân”, khi nào phái đoàn đi rồi mới được về trại . Chúng chừa mỗi nhà hai người cho ăn mặc sạch sẽ, có vẽ khỏe mạnh để làm “ cò mồi” . Những người nằm ở bịnh xá thì trên đầu giường có để họp sửa , thuốc men..Sau khi phái đoàn đi rồi thì tất cả “đồ chưng bày” đều được thu dọn lại và mọi việc “ vũ như cẩn”. Có lần Th/tướng Huỳnh văn Cao được chọn ở lại tiếp phái đoàn . Không biết ông được hỏi và trả lời như thế nào mà sau khi phái đoàn ra về thì ông cũng được đưa vào nhà kỷ luật , ban đêm đưa vào trại B cùm, ban ngày về trại A lao động trong vòng 2 tuần lễ . Đó chỉ là cảnh cáo thôi. Còn nếu tuyên bố “ thoải mái” thì cũng được “ cùm thoải mái” và bị đánh đập rất dã man.

Tình trạng sức khỏe của anh em càng ngày càng xuống cấp trầm trọng , số người được “ thuyển chuyển về vùng 5” mỗi ngày một đông. Như vậy là đúng chính sách và chủ trương của bọn đầu nậu Hà nội rồi , nhưng dư luận quốc tế đã bắt đầu theo dõi những kế hoạch giết người một cách có hệ thống của bọn chúng , hơn nữa chúng cũng không thể cắt đứt những quan hệ của những người bà con ruột thịt giữa hai miền , nên cuối cùng bộ nội vụ VC phải ra lịnh cho các trại cho phép thân nhân được tiếp tế cho những người thân của họ. Những đợt thăm nuôi đã lần lần vực dậy và cứu sống được nhiều người. Có những cảnh thương tâm cũng đã xảy ra . Tôi xin kể lại một trường hợp của Ông Phạm thư Đường, trước đây ông là chánh văn phòng cho ông Ngô đình Nhu. Lúc đó đội lao động của ông từ trại C về trại A . Một đoàn người lôi thôi lếch thếch trên con đường lên dốc ngang qua nhà thăm nuôi. Vợ con ông Đường nhận ra ông, ông cũng nhận được vợ dầu chỉ liếc mắt nhìn nhau , âm thầm đổ lệ nghẹn ngào. Chúng tôi cũng chạnh nghĩ đến thân phận mình. Lòng cãm thấy bùi ngùi và căm giận. Chính sách gì mà hận thù , đày đọa con người cho đến chết mà trên đầu môi chót lưỡi thì “ khoan hồng , nhân đạo”, “đánh người chạy đi, không ai đánh người chạy lại”..Cái chế độ chỉ dạy con người luôn luôn lừa dối nhau. Không ai tin được những điều nói thật vì nói sự thật bao giờ cũng là sự lừa dối kèm theo những âm mưu thủ đoạn hại người..

Tù có ăn thì chèo cũng được cho ăn. Bây giờ ra ngoài lao động chỉ cần cho vệ binh , quản giáo một gói mì hay một điếu thuốc có cán thì muốn làm gì thì làm , tụm năm tụm ba bàn những tin tức từ thăm nuôi đưa vào hoặc từ chiếc radio lén lút có được trong tù. Tin mừng thì nhiều mà tin buồn cũng không thiếu. Bọn cán bộ, kể cả trực trại , an ninh cho các tù hình sự mang thịt cá, rau cải vào bán, những chợ trời được lập ra..Chúng tranh nhau khai thác tiền bạc của tù. Đời sống sinh hoạt trong trại cũng dễ chịu. Phong trào hát nhạc vàng, nhạc chính huấn và tù khúc vang lên trong các buồng hằng đêm . Có những nhóm bàn luận chính trị, thời cuộc, những nhóm kể chuyện kim dung . Không khí ban đêm thật là sôi động tạm quên đi những ngày tháng lưu đày khốn khổ.

Vào khoảng giữa năm 1980, vào một buổi chiều Chúa nhật , các đội đều được nghỉ ở nhà, Tr/tá Huề ( thuộc Bộ TTM ) đi qua buồng kế bên thì bị tên chèo Lực bắt và dẫn lên nhà trực trại rồi đánh anh Huề trước mắt mọi người. Anh em thấy vậy bèn đồng thanh la lên và hô đả đảo CS. Tên chèo Lực bắt buộc phải trả anh Huề về đội. Hắn rất tức giận và hậm hực vô cùng. Thật ra hành động chống đối này không phải lần đầu mà đã nhiều lần anh em phản ứng lại thái độ xử dụng bạo lực của bọn chúng. Một phần trại thường xuyên có những phái đoàn ngoại quốc đến thăm viếng và điều tra và đã có nhiều tù nhân chấp nhận hình phạt và nhà kỷ luật để nói lên những chính sách hà khắc và dối trá của VC như Th/tướng Huỳnh văn Cao, Y sỉ Tr/tá Ngô văn Nhâm..Một phần tên Liên trại trưởng là Tr/tá Xuyên sắp đến tuổi về hưu nên nó không muốn gây căng thẳng với tù nhân và tên trưởng trại A là Tr/U Huy thì lại lo buôn bán làm ăn với tù nên cũng không muốn nhiều rắc rối. Tuy nhiên bản thân của chèo Xuyên và chèo Huy cũng không phải là những quyết định tiên quyết mà bọn chúng còn có chi bộ đảng nữa. Cho nên chúng phải đưa ra những biện pháp mạnh bạo như ta thấy hành động đối với Đội 20 và nội vụ cái radio đưa đến cái chết của Th/tá Cảnh sát Trần Hàn mà tôi sẽ kể trong những trang tiếp.

Sáng hôm sau, khi tập họp ở giữa sân để đi lao động các đội rỉ tai nhau là không xuất trại. Ở trại A không có một Ban Tham Mưu để thống nhất hành động như ở trại B mà ở đây rất đồng lòng với nhau. Hăng hái nhất là Đội 20 đồng thanh la lên là không lao động và yêu cầu tên trại trưởng là Tr/U Huy giải quyết vụ đánh người của chèo Lực ngày hôm qua. Tên Huy bảo cứ đi lao động rồi giải quyết sau .. Lúc đó anh Mai, đội trưởng 16 gồm đa số anh em ở cấp bực Đ/tá, đứng dậy định báo cáo xuất trại. Tôi đang ở đội 29 thấy vậy bèn la lên : Ngồi xuống, ngồi xuống ! Tên chèo Chi, quản giáo đội 20 đã ghi tên tôi . Đội 20 gồm những anh em trẻ bị bắt từ những hành động chống đối trực diện mà chúng gọi là “âm mưu lật đổ chính quyền” như là Đặng hửu Nam, Lưu việt Cương, Lý thành Hổ . Tôi còn nhớ tên một vài người như là Hồng Trọng, Dương khái Quân ( Quân đội ),Bình , Kỉnh ( Tuyên úy Phật giáo ), Tín ( Tuyên úy Tin lành ), Nguyễn văn Hồng ( Tr/U Pháo binh ), Trần văn Khương ( giáo sư nhân văn tại Trường Vỏ bị Đà lạt ),..

Kết quả ngày hôm đó anh em được lịnh về buồng và không đi lao động. Chắc chắn chúng đã họp chi bộ đảng và quyết định đưa Đội 20 trong đó có cả tôi vào trại Nam hà B.

Trại B cũng có những phong trào đấu tranh rất mạnh , nhưng nó có vẽ “ yên ấm” hơn. Từ ngày đội 20 vào đây mang theo cái không khí đấu tranh hừng hực từ trại A. Mỗi đàn áp dù nhỏ cũng gây ra phản ứng của toàn trại khiến tên trại trưởng trại B đã đề nghị đưa đội 20 ra kiên giam tại trại Mễ.

Hôm đó sau khi cho các đội xuất trại thì đội tôi được lịnh về buồng lấy tư trang ra sân khám xét. Có khoảng 30 tên công an vũ trang đầy đủ, có cả chèo Xuyên . Hai xe bít bùng chờ sẳn. Chúng tôi hai người một bị còng lên xe và chuyển ra trại Mễ.

Trại Mễ là nơi để chữa những bịnh “ bất trị” , nghĩa là hết thuốc chữa rồi , nhưng thật ra có thuốc đâu mà chữa . Những chiến hửu TQLC có mặt ở đây cũng khá đông như Tr/tá Đoàn Thức , Tham mưu trưởng LĐ369/TQLC , bị bịnh sơ gan cổ trướng, sắp đến thời kỳ sau cùng rồi nên chúng đưa ra trại Mễ , rồi cho về nhà ở Phú Nhuận, Sài gòn và 2 tháng sau thì anh mất. Tr/tá Nguyễn văn Cát , Trung tâm trưởng TTHQ thuộc SĐ/TQLC đã chết ở đây. Riêng Th/tá Đặng văn Học và Đ/U Nguyễn kim Thân cũng được đưa về đây vì kiệt sức nhưng may mắn thoát chết.

Phía bên trong gồm có những nhà gạch xây rất kiên cố để nhốt những thành phần chống đối. Trại này cũng có một số tù hình sự sắp mản án được xử dụng cho nhà bếp và những tạp dịch trong trại giam. Chúng tôi xuống xe từng hai người một và được đưa thẳng vào các nhà kiên giam. Đó là những căn phòng nhỏ, hai bên có bệ ciment để nằm, giữa có một lối đi nhỏ khoảng 3 tấc , cuối phòng có một hố tiêu. Cửa bằng gỗ dày có then gài từ bên ngoài, trên cửa có một lỗ thông hơi có đan song sắt cao khoảng 3 tấc. Ở tù VC đã khổ mà kiên giam còn khổ hơn gấp bội. Tôi đã từng đi qua những nhục hình này rồi nên những cái “ lẻ tẻ” này có thể chấp nhận được. Tôi bị cùm bằng hai khoen sắt hình móng ngựa gắn chặt trên một thanh sắt dài thông ra bên ngoài và được khóa lại ở đó. Cùm như thế này chỉ có ngồi hoặc năm chứ không thể đứng hay đi lại được. Tôi bị cùm suốt 3 tháng không mở. Đại tiểu tiện tại chỗ. Thức ăn chỉ toàn khoai lang luộc, sắn lát phơi khô, bo bo,..Giờ ăn bất thường để hành hạ bằng cái đói. Mỗi phòng kiên giam chúng cho thêm một người để phụ giúp cho hai người kia và phải nằm ở lối đi ở giữa. Được đi tắm mỗi tháng một lần nhưng 8 tháng sau tôi mới được đi tắm. Phòng kiên giam xây tường dầy và kín nên về muà đông thì cái lạnh buốt xương còn mùa hè thì như cái lò hỏa diệm sơn. Nhiều tên chèo thay phiên nhau coi phòng kiên giam nhưng có tên chèo tên Đảng là gian ác nhất. Hắn dùng mọi cơ hội để hành hạ tù nhân. Những ngày ăn tươi, hắn bảo nhà bếp chỉ phát mở và cho uống nước lạnh để tù bị tiêu chảy . Chính tên này cùng với một chèo cái y tá đã chích thuốc cho anh An chết. Anh Nguyễn văn An là Th/tá LLĐB đã trốn trại ở trại Nam Hà B bị bắt lại và đã đưa ra trại Mễ. Anh đã tuyên bố là nếu ra khỏi đây anh sẽ tìm cách trốn đi vì không chấp nhận sống chung với VC.

Đội 20 gồm 26 người và 4 người của trại B là các anh : Đ/U Phạm tấn Mới, Đ/U Nguyễn văn Sanh, Tr/tá Nguyễn văn Trọng ( KQ ) và Th/tá Nguyễn văn An. Tất cả 30 người, trong hai năm kiên giam đã chết hết 6 người là các anh: Nguyễn văn An, Nguyễn văn Hồng , Nguyễn văn Sanh, Nguyễn văn Trọng , anh Quân và một người nữa mà tôi đã quên tên.

Đến năm thứ hai vì số người chết đã lên cao, hơn nữa lúc này chèo Xuyên đã về hưu, tên chèo mới tên Hán đã thay thế , hắn đã cho khoảng mười người về lại trại A và đúng hai năm sau vào khoảng tháng 10/1982 số còn lại trong đó có tôi cũng về lại trại Nam hà A. Đa số anh em không đi nổi , phải khiêng hoặc nhờ người khác dìu vào. Sức khỏe của tôi cũng đã đến mức báo động nhưng tôi vẫn còn sống . Đa số anh em đã được chuyển về Nam từ tháng 8/1980 , chỉ còn “ tam đại cao thủ TQLC” là các Đ/tá Nguyễn thành Trí, Nguyễn năng Bảo và Nguyễn thế Lương. Tôi nghĩ như vậy là sống rồi. Chắc chắn các Mũ Xanh không bỏ mình cô đơn đâu.

Về đây tôi cũng được nghe kể lại câu chuyện thương tâm về cái chết của Th/tá Cảnh sát TRẦN HÀN, Chỉ huy trưởng Cảnh sát tỉnh Quảng Tín. Câu chuyện được Tr/tá Hoàng Mão ( Khóa 20 Vỏ bị Đà lạt ) là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 2/SĐ1BB kể lại sau này khi anh và gia đình đang định cư tại thành phố Anaheim, California và tiện đây tôi cũng xin được ghi lại như là một trong những biến động của trại Nam hà :

“ Cũng như nhiều ngàn anh em khác, năm 1976 tôi bị đưa ra bắc trên tàu sông Hương, lúc đầu thì tôi ở Yên bái ( Hoàng liên sơn ), một thời gian sau chuyển lên Văn bàng , Dương Quì. Đây là vùng núi non trùng điệp, không có đường cho xe hơi mà chỉ có những con đường lên dốc dành cho ngựa thồ và người đi bộ. Trên đỉnh núi thì có người Mèo, lưng chừng ở giữa triền núi là người Lô Lô và ở dưới chân núi là người Thổ và những xóm nhà lèo tèo của người Việt bị “ chỉ định cư trú” từ năm 1954. Họ là những thành phần thuộc “ chế độ cũ” thời Pháp và những “ tư sản dân tộc”, trước ngày 20/7/1954 họ là những công thương nghiệp giàu có ở Hà nội và các thành phố lớn, họ không di cư vào nam hoặc không đi lọt vào nam mà ở lại . Tài sản đã dâng hết cho nhà nước và VC đã cho họ một mảnh đất để khai thác ở vùng thâm sơn cùng cốc này. Đến tháng 8/1978 chúng tôi được chuyển về Nam, đến trại Nam hà A . Từ quân đội đưa qua công an. Thời gian này te tua thê thảm nhất . Nhiều người đã chết và bọn chúng phải cho gia đình ra thăm nuôi. Trại Nam hà có 4 phân trại A,B,C và Mễ . Ngày nào cũng có người thăm nuôi. Có người nhận được cả hơn 100 kg quà và tiền bạc. Nhất là những gia đình có thân nhân ở ngoại quốc.

Bây giờ về mặt vật chất thì đã khá lắm rồi , còn về mặt tinh thần thì vẫn còn đói. Đói tin tức về tình hình thời sự quốc tế và trong nước. Nhưng cái quan trọng nhất là cái thân phận của mình rồi sẽ ra sao. Tất cả đều bị bỏ quên để rồi chết lần chết mòn hay được chỉ định cư trú tại một cái xó xỉnh nào đó ở cái vùng Việt bắc lưu đày này. Anh em bỗng có ý định tìm mua một cái radio bắt được những đài ngoại quốc như VOA, BBC hay Á Châu Tự do. Lúc đó tôi ở đội 16 chung buồng với đội 15 do anh May làm đội trưởng. Anh Nguyễn văn May, cấp bực Đ/U Cảnh sát chung nhiệm sở với Th/tá Trần Hàn ở Quảng Tín. Tánh anh nhanh nhẹn , hoạt bát, hay mua bán đổi chát với đám chèo. Nếu ai cần gì như thịt cầy, rượu mơ hay cà phê thì đưa tiền cho anh May là có ngay vào ngày hôm sau. Bản thân anh cũng muốn có một cái radio để nghe nên anh đồng ý ngay. Anh liên lạc với tên chèo vẫn mua bán với anh , tên chèo đồng ý với giá tiền khá cao là 200 $( giá một chỉ vàng lúc bấy giờ là 36$) . Anh em đồng ý và bắt đầu mở cuộc quyên góp , có cả những “ nhà đại tư bản” là Đ/tá Phạm kim Qui và Đ/tá Phạm kim Lân đóng góp. Lúc giao hàng thì tên chèo bảo 3 băng nhưng đem về thì chỉ có một băng cho đài địa phương còn 2 băng kia thì không còn nghe được. Anh em thấy nản lòng nhưng tôi nghĩ là phải tìm cách sửa chữa. Tôi bèn liên lạc với Tr/tá Tôn thất Phương , phòng 7/Bộ TTM ( hiện đang ở Úc ). Anh Phương xem xét thấy khó quá nhưng với sự thôi thúc, góp ý của nhiều anh em nên sau 2 ngày anh Phương bảo sửa được nhưng phải có nhựa thông để hàn những con chip lại trong cái hệ thống bán dẫn ( transitor ). Người ta dùng nhựa thông để gắn phần gỗ ở giữa thùng đàn . Tôi đã khai bịnh và lên mượn cây đờn ở thư viện về cạo lấy chất nhựa đó. Cuối cùng anh Phương đã hoàn thành được tác phẩm quan trọng và ưng ý nhất trong cuộc đời của anh. Công việc kế tiếp là chọn người nghe và vấn đề cất dấu sau khi nghe.

_ Tôi góp ý với anh Tr/tá Nguyễn ngọc Tấn ( Khóa 14 Đà lạt ) đang làm trực buồng, đào phía sau cầu tiêu của buồng một khoảng trống , gỡ một miếng gạch block và bỏ cái hộp đựng radio vào đây. Mỗi buổi chiều trước khi vào buồng thì anh Tấn sẽ ra lấy

hộp dấu vào đóng củi mà anh em khi đi lao động lấy về để nấu ăn ngay cạnh cửa sổ của anh May . Khi nghe xong thì đưa cho anh May bỏ ra ngoài cửa sổ và sáng hôm sau anh Tấn sẽ đem bỏ vào chỗ cũ. Như vậy nếu chèo ập vào buồng thì anh May cũng kịp thời đưa cái radio ra ngoài.

_ Th/tá Trần tấn Hòa ( Nhảy Dù ), Tr/tá Ninh ( Bộ TTM ) và tôi có nhiệm vụ theo dõi tin tức vào buổi tối và buổi sáng hôm sau tôi “ họp báo” tường trình lại cho đại diện 19 đội kể cả đội nhà bếp.Tôi chỉ tường trình mà không diễn dịch, tóm gọn bản tin mà không bình luận.

Anh em rất vui mừng khi nghe được những tin tức từ bên ngoài. Tình hình thế giới và phong trào vượt biên ồ ạt được cả thế giới ủng hộ đồng thời cũng lên án chế độ hà khắc của VC. Những nước bắc Âu như Thụy điển, Phần lan, Na uy ..trước đây ủng hộ trong cuộc chiến đã nhận thấy sai lầm và đã rút lại những phần viện trợ . Nhưng quan trọng nhất là thế giới dang tay cứu vớt thuyền nhân VN và mở rộng cửa cho phép định cư nhất là tại Mỹ. Việc này đánh động đến lương tâm thế giới và Quốc hội Mỹ bắt đầu quan tâm đến những người bạn đồng minh mà mình đã bỏ rơi hiện đang bị đày đọa trong những ngục tù VC. Anh em rất vui mừng và hy vọng hết sức. Như thế mình không phải là những kẻ bị bỏ rơi. Và trong tương lai không xa chắc phải có những diễn tiến tốt lành. Đời sống trong trại rất thoải mái, lao động thì cầm chừng . Tụi chèo cũng không thể khống chế được anh em. Những hệ thống ăng tên , cò mồi hình như hoạt động rất yếu ớt.

Cho đến một hôm tên chèo mua giùm radio đến bảo anh May hãy đem cái radio quăng đi, đừng giữ lại không tốt đâu. Anh May về nói lại anh em. Có người tiếc bảo cứ giữ một thời gian nữa. Có người bảo cái radio đã bị lộ rồi hãy đem phi tang ngay , kẽo nguy hiểm. Vì ai cũng biết trong thế giới CS vấn đề tin tức từ bên ngoài đều bị ngăn chận bởi những bức màn sắt hay những bức màn tre. Đối với dân cũng triệt để không được bắt đài ngoại quốc mà chính quyền chỉ cho lưu hành những loại radio chỉ có một băng bắt luồng sóng của chế độ . Các nhật báo, tuần báo cùng đều phải rập khuôn một luận điệu. Chứ đừng nói gì tù. Nếu vỡ lỡ ra có thể bị bắt, bị đánh đập và đưa đến tử vong. Cuối cùng anh trực buồng Tân đã quăng cái radio vào lò lửa nhà bếp.

Mất cái radio như mất một món ăn tinh thần rất quan trọng. Ai nấy cũng đều thẩn thờ như thiếu vắng một cái gì đó trong đời sống hằng ngày. Bẳng đi một thời gian, chẳng thấy động tĩnh gì. Một số anh em ở buồng 12 như Tr/tá Yên ( Không quân ), Đ/U Hằng , buồng 15 đến nói với anh Trần Hàn nhờ anh May mua lại cái khác. Thật sự anh Hàn cũng muốn nghe tin tức hằng ngày nên anh đồng ý . Còn anh May cũng rất nễ anh Hàn vì là “ xếp cũ” của mình. Anh em lại vận động tiền bạc để mua . Chính tôi cũng bán một bộ quần áo mà vợ mới đem ra thăm nuôi .

Cái radio mới nhỏ và gọn hơn và có đủ 3 băng, nghe được đài ngoại quốc mà không sửa chữa gì cả. Được một tuần lễ sau thì tôi phải chuyển buồng 6 vào đội bóng chuyền của các anh Lê kim Lợi, Bảo Thái,..nên công việc nhận và phát tin giao cho anh Trần tấn Hòa và anh Ninh.

Được 3, 4 tháng sau thì đợt chuyển trại đầu tiên về miền Nam (8/1980) xảy ra càng làm cho anh em vui mừng và tin tưởng vào những tin tức phát đi hằng ngày. Nhưng cũng có một sự kiện quan trọng ; đó là hằng ngày đi lao động về anh em có thấy một đám công an lạ mặt đặt trên đỉnh núi Đầm Đùn một giàn máy mà sau này anh em biết được là máy trắc giác dò tìm làn sóng phát đi mà chúng nghi từ trong trại A . Nhưng cái radio chỉ là cái máy thâu mà thôi.

Một buổi sáng sớm , anh em còn đang ngũ thì một số đông công an lạ mặt và các vệ binh của trại ập vào hai buồng 15 và 16. Chúng ra lịnh cho tất cả ra ngoài và người nào được gọi tên thì vào đưa đồ đạc ra để khám xét . Chiếc radio mà anh Hòa và anh Ninh nghe đêm qua đã được bỏ vào hộp thiếc và chuyển qua bên anh May nhưng anh May chưa kịp bỏ ra ngoài cửa sổ mà vội vàng quá anh vất đại trên đường đi.Anh May là buồng trưởng nên được khám xét lúc gần chót. Trước đó anh Hồ hoàng Khánh hỏi anh Hòa cái radio để đâu thì anh Hòa bảo đang để chỗ anh May. Tới phiên anh Khánh được gọi vào để khám xét thì anh thấy nó nằm trên lối đi giữa nhà nên khi đi ngang , bằng một động tác rất nhanh và gọn anh đã hất nhẹ cái họp thiếc đựng cái radio vào đống đồ đạc đã khám xét rồi mà không có * chèo nào thấy được. Anh Khánh là Trung sỉ trong Liên đoàn người nhái, là một vỏ sư về Karaté. Năm 1973 anh được đưa qua Nhật để học 2 năm và thi đậu đệ ngũ đẳng huyền đai về không thủ đạo ( Karatedo ). Anh bị bắt năm 1978 vì những hoạt động “ phục quốc” từ bên ngoài. Cho nên mặc dầu khám rất kỹ 2 buồng 15, 16 mà chúng vẫn không tìm thấy cái radio, tuy nhiên chúng cũng tìm thấy được một “ tang vật” . Đó là tờ giấy mà khi mua chiếc radio đầu tiên, anh May đã yêu cầu chèo viết cho anh mấy chữ nói có nhờ anh sửa chữa cái radio. Sau đó thì anh May bị bắt lên điều tra thêm. Chúng dùng nhiều cực hình nhưng anh May nhất mực nói là đã giao lại cho tên chèo đó rồi. Chúng nhốt anh May vào nhà kỷ luật trong 3 ngày và cho người xác minh lại với tên chèo kia. Sau đó chúng đoan quyết là anh May còn giữ cái radio kia. Anh May chấp nhận bị đánh và không khai cho ai cả. Riêng anh Trần Hàn thấy lòng mình nặng chĩu và có phần nào hối hận mặc dù anh không nói ra. Còn cái radio thì sau đó được anh Khuyên, trực buồng 15 đem đi “ hỏa táng” an toàn. Sau đó chúng bắt thêm một số người nữa trong đó có hai anh Phạm kim Qui và Phạm kim Lâm. Riêng phần tôi, anh Hòa và anh Ninh cũng chuẩn bị tâm tư và chấp nhận chịu đòn và nhất định chối là thượng sách vì chúng đã không tìm thấy tang vật. Khoảng 10 ngày sau chúng thả anh May về, xơ xác và bầm dập hết sức. Anh em nhìn ai nấy cũng đều ái ngại . Riêng anh Trần Hàn thì có vẽ suy nghĩ lung lắm. Khuôn mặt anh có vẽ trầm tư nhưng thái độ anh vẫn trầm tĩnh . Tôi thường đến trấn an và nói với anh : Mình ráng chịu một thời gian rồi mọi việc sẽ đi qua vì nó không có bằng chứng nào để buộc tội mình cả. Nhưng anh Hàn chỉ cười nhẹ mà không nói gì. Dầu sao tôi cũng chỉ là dân “ tác chiến” nên có những suy nghĩ khác với những anh em trong ngành cảnh sát đặc biệt và an ninh tình báo. Chắc chắn anh có những suy tính vá quyết định mà tôi không thể nào biết được.

Chúng tiếp tục bắt một số người vào chiều hôm trước trong đó có anh Trần Hàn và sáng hôm sau thì chúng tôi nghe tin anh Hàn đã chết. Đa số anh em đều nghĩ là anh Hàn đã bị công an đánh chết, nhưng tôi lại có một suy nghĩ khác và tôi tin đó là sự hy sinh có tính toán của anh. Dĩ nhiên tôi không biết được những tính toán có vẽ nghề nghiệp của anh , nhưng tôi linh cãm là như vậy. Bởi vì sau đó thì không còn bắt bớ nữa và nội vụ cái radio cũng chìm xuồng luôn..

Đó là những biến động ở trại Nam Hà , đa số là ở trại A. Dĩ nhiên vẫn còn những sự kiện khác nữa mà tôi không thể ghi hết được . Hôm nay ngồi viết lại những sự kiện có thật 100% đã xảy ra trong quá khứ , một thời kỳ đen tối nhất của lịch sử Việt nam. Điều này không phải để gợi lại một niềm đau, một nổi khổ hay sự thù hận mà để nhớ lại và ghi nhận một sự chịu đựng của cả một thế hệ đã bước vào một khúc quanh cực kỳ đau đớn tủi nhục, tù đày, chết chóc mà hơn 100.000 quân cán chính VNCH đã phải gánh chịu một sự trả thù tàn bạo nhất, hèn hạ nhất mà miệng thì luôn luôn nói những điều nhân nghĩa , nhưng đó chỉ là sự lường gạt và dối trá. Bao nhiêu người đã bỏ thân trên biển đông. Bao nhiêu người đã chết trong những khu rừng âm u trên đường trốn chạy .

Viết để cho thế hệ con cháu thấy một điều bản chất của chế độ cộng sản vẫn là độc tài, độc đảng và độc ác.

30 năm rồi cái bản chất đó vẫn không thay đổi và sẽ không bao giờ thay đổi khi con quái vật của thời đại là cộng sản vẫn còn đó. Chỉ có một điều duy nhất là phải diệt nó đi.



Mùa thu Indiana , 2005.
Django
( Trích từ TUYỂN TẬP 3/TQLC từ trang 268-304 )

VietLand.net

DaHuong
Posts: 124
Joined: Sat Dec 11, 2004 6:04 am

Post by DaHuong »

:cry: :cry: :cry: :cry:


:cry:

Post Reply