Hồi Ký 30 Năm: Lưỡng Quốc Nhất Nghiệp

Post Reply
User avatar
phu_de
Posts: 2917
Joined: Sun Nov 28, 2004 10:57 pm
Has thanked: 7 times

Hồi Ký 30 Năm: Lưỡng Quốc Nhất Nghiệp

Post by phu_de »

Image

Hồi Ký 30 Năm: Lưỡng Quốc Nhất Nghiệp
Nguyễn Xuân Nghĩa


Đây là câu chuyện 30 năm của hai đời chiến sĩ: một người là sĩ quan ưu tú trong một quốc gia bị bức tử, một người là thanh niên muốn nối chí cha nhưng đất nước không còn và trở thành sĩ quan ưu tú trong một quốc gia khác. Hình trên bìa sách: Cố Thiếu tá không quân VNCH Phạm văn Hoà tự “Hoà Điện” và người con, tác giả Phạm Xuân Quang.
. . .
"Đối với một người đã từng sống và chiến đấu với quân lực Việt Nam Cộng Hòa và chứng kiến sự nghiệp phục vụ xuất sắc của Quang trong binh chủng Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ thì đây là một cuốn sách đặc biệt cảm động. Mọi người Mỹ phải đọc câu chuyện này để cảm nhận rõ ràng hơn những quyền tự do mình đang hưởng."
Tướng Thủy quân Lục chiến Anthony Zini
(Nguyên Tư lệnh Lực lượng Trung ương Hoa Kỳ
(CENTCOM - trải trên một vùng rộng lớn từ Trung Á qua Trung Đông)

Điểm Sách “A Sense of Duty”
A Sense of Duty – My Father, My American Journey –
Tác gia:û Quang X. Phạm
Do Ballantine Books của nhà Random House xuất bản, 261 trang, giá bán $24.95

Người đọc: NGUYỄN XUÂN NGHĨA
Hai người trong cùng một nghiệp – nghiệp binh đao – nhưng ở hai phương trời khác biệt.
Cả hai đều là phi công, một người là sĩ quan Không quân Việt Nam Cộng Hòa, một người là sĩ quan phi công Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ. Một người vừa bước vào cõi ngục tù cải tạo thì một người bắt đầu cuộc đời tỵ nạn. Một người ra khỏi trại tù sau gần 13 năm “học tập” thì một người hoàn tất việc học ở một đại học danh tiếng của Mỹ. Và nhập ngũ.
Hai người là hai cha con.
Nhờ người con - tác giả Phạm Xuân Quang - mà chúng ta được biết về những chuyện đó, và rất nhiều chuyện cảm động khác, qua một cuốn hồi ký đang được truyền thông Mỹ ngợi khen và giới thiệu.
Năm 1975, Phạm Xuân Quang cùng mẹ và ba chị em được cha đưa lên máy bay thoát khỏi Việt Nam. Năm đó, Quang chưa đầy 11 tuổi – anh sinh tháng Chín năm 1964. Năm đó, người cha cố nán ở lại để hoàn tất nhiệm vụ trong những giờ cuối và bị bắt đi tập trung học tập cải tạo. Vì cứng đầu hay không chiïu ăn năn hối cải để “học tập tốt”, ông bị tù đầy khá lâu, gần 4.500 ngày. Trong khi đó, Quang cũng phải học tập một nếp sống khác, trong một vùng heo hút nghèo nàn của tiểu bang California, thị trấn Oxnard. Và không thể quên được người cha anh hùng.
Gia đình anh đã chật vật xoay trở để hội nhập vào cuộc sống mới trong khi vẫn ngoái về quê hương nghe ngóng tin tức người cha. Từ khi chập chững nói tiếng Anh bằng tay cho đến ngày tốt nghiệp Đại học UCLA, Phạm Xuân Quang không ngớt thắc mắc vì sao miềm Nam thất trận, vì sao Hoa Kỳ đã bỏ rơi một đồng minh như vậy. Đồng thời, trưởng thành trong xã hội Mỹ và trở thành một công dân Hoa Kỳ năm 1984, anh cũng ý thức được lòng rộng lượng của nước Mỹ và nhiệm vụ công dân của mình. Năm sau, Quang tình nguyện nhập ngũ và chọn binh chủng Thủy quân Lục chiến. Nuôi chí phụ thân, anh cố tranh đấu để trở thành phi công lái trực thăng.
Năm Quang tốt nghiệp sĩ quan Thủy quân Lục chiến, 1987, thì cũng là lúc người cha bước ra khỏi trại tù cải tạo vào một nhà tù lớn hơn. Và trong khi Quang thi hành nhiệm vụ tại Iraq – Chiến dịch Desert Storm, 1991 - thì người cha còn lang thang vất vưởng ở quê nhà. Hai người chỉ đoàn tụ năm sau, tại phi trường Los Angeles. Hai ngày sau, Quang lên đường, hoặc đúng hơn, ra biển, trên chiến hạm USS Tarawa, để vẫy vùng trên các đại dương, từ San Diego vượt biển Thái bình qua Ấn Độ dương trở lại vùng Vịnh và vào Somalia...
Hai cha con có được một khoảng thời gian gần gũi tại miền Nam California, khi Quang bỏ mộng hải hồ để được gần cha và làm sĩ quan tùy viên cho vị Chỉ huy trưởng Không đoàn Ba Thủy quân Lục chiến. Đây là lúc anh cùng thân phụ gặp gỡ các bằng hữu cũ của cha, với nhiều kỷ niệm cười ra nước mắt.
Đầu năm 1995, Quang giải ngũ chuyển qua hoạt dộng kinh doanh và có dịp trở lại Việt Nam, 20 năm sau vụ xẩy đàn tan nghé. Nhưng rồi anh cũng quay trở lại Thủy quân Lục chiến và hoàn thành ước mơ phi công của mình suốt bốn năm sau đó, tại căn cứ El Toro ở miền Nam California.
Như mọi chuyện hợp tan trong đời, cuối năm 2000, thân phụ anh, nguyên Thiếu tá Không quân Phạm Văn Hòa, hỗn danh “Hòa Điên”, đã tạ thế sau một cơn bạo bệnh….
Cuốn “A Sence of Duty” – xin tạm dịch là “Một Ý thức Trách Nhiệm” – là một hồi ký đặc biệt ở nhiều khía cạnh.
Đây là cuốn hồi ký viết bằng Anh ngữ của một người Mỹ gốc Việt, cựu sĩ quan Thủy quân Lục chiến Mỹ. Hồi ký là sự hồi tưởng được ghi lại trên giấy, những hồi tưởng của Phạm Xuân Quang là một sự đan lượn không dứt giữa hai cõi Mỹ-Việt, giữa chuyện của cha vào một thời đã qua và đời của con trong hiện tại trước mắt, với 32 tấm hình khá độc đáo.
Cuốn hồi ký hơn 260 trang được chia thành 24 chương thì gần phân nửa dành cho tuổi niên thiếu của tác giả, với kỷ niệm Việt Nam khi còn sống dưới mái ấm gia đình tại căn cứ Không quân Tân Sơn Nhất và bị quăng vào Hoa Kỳ, miễn cưỡng trở thành người Mỹ gốc Á. Chín chương đầu là lời nói hay câu viết của một cậu bé Việt Nam, con trai của một sĩ quan Không quân anh hùng và ngang tàng, với những câu hỏi đầy ngỡ ngàng chua chát về lý do bại trận.
Mải mê theo dõi truyện kể và chuyện đời với những kinh nghiệm mà người tỵ nạn không thể quên được, độc giả bất ngờ thấy mình được dẫn qua một thế giới khác, từ chương 10 trở đi. Đó là thế giới của một thiếu niên Mỹ còn day dứt với ký ức Việt Nam trong khi ngỡ ngàng hội nhập dần vào xã hội mới và có va chạm với những phản ứng kỳ thị. Chính những phản ứng đó khiến cậu bé phải phấn đấu gấp đôi, từ trường học đến thao trường và hè phố.
Từ chương 15, và trải qua sáu chương sách, người đọc sẽ tò mò thích thú với những phát giác của một thanh niên Mỹ đầy nhiệt tình yêu nước và tòng quân nhập ngũ vì lý tưởng tự do. Chúng ta được biết đời sống quân ngũ Hoa Kỳ là như thế nào, với những mô tả và ngôn ngữ hoàn toàn Mỹ, hoàn toàn “lính tráng Mỹ”. Đây là phần lý thú nhất của cuốn sách vì mở ra một không gian hoàn toàn mới lạ cho độc giả Việt Nam, kể cả đoạn tham chiến tại vùng Vịnh để giải cứu Kuweit trong chương 18 - được tác giả đề là Trả Nợ – Payback.
Vị tướng Thủy quân Lục chiến Anthony Zinni, nguyên Tư lệnh Lực lượng Trung ương Hoa Kỳ (CENTCOM – trải lên một vùng rộng lớn từ Trung Á qua Trung Đông), đã bình về cuốn sách: “Đối với một người đã từng sống và chiến đấu với quân lực Việt Nam Cộng Hòa và chứng kiến sự nghiệp phục vụ xuất sắc của Quang trong binh chủng Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ thì đây là một cuốn sách đặc biệt cảm động. Mọi người Mỹ phải đọc câu chuyện này để cảm nhận rõ ràng hơn những quyền tự do mình đang hưởng.” Xuyên qua đó, người đọc cũng hiểu tôn chỉ “semper fidelis” (luôn luôn chung thủy) và khẩu hiệu đầy kiêu hãnh của binh chủng: “The few, the Proud, the Marines”. Bà mẹ đáng kính của tác giả đã có một nhận xét rất phụ nữ – đơn giản mà chính xác – về Thủy quân Lục chiến Mỹ: “Thời chiến tranh, mình không hề thấy Thủy quân Lục chiến Mỹ ở Sàigon. Họ chiến đấu đâu đó ở mạn Bắc.”
Bốn chương sau cùng của cuốn hồi ký là phần cảm động nhất, khi nói về những năm cuối của người cha và những đổi thay trong cuộc đời của tác giả. Nhờ đó, người đọc cũng biết vì sao anh phải viết cuốn hồi ký này. Nghiệp binh đao của hai cha con, tại hai quốc gia khác nhau, xuất phát từ sự thôi thúc của ý thức nghĩa vụ, cho tự do. Giấc mơ của cha bị tắt lịm thì người con đã hào hùng nối lại nghiệp ấy.
Đặc điểm nổi bật của toàn cuốn sách là Phạm Xuân Quang viết có duyên, đầy tính tự châm biếm của người Mỹ. Nhưng, ngay trong phút ngộ nghĩnh và lời diễn tả dí dỏm, độc giả chợt thấy lòng mình chùng lại vì Quang nhắc đến người cha, luôn luôn nhắc đến người cha. Ông hiện hữu âm thầm, có khi rực sáng, có khi oai hùng, có lúc ngậm ngùi, trong ngần ấy trang của cuốn hồi ký. Đó là về nội dung và bút pháp của Pham Xuân Quang.
*
Trong một buổi ra mắt cuốn sách tại miền Nam California, được tổ chức lịch sự và chu đáo theo tiêu chuẩn Hoa Kỳ vào đầu tháng Tư vừa qua, tác giả có cho biết là mình đã viết hơn 500 trang, nhà xuất bản biên tập lại mất phân nửa. Có thể là họ đã gạn lọc để chú trọng vào độc giả Hoa Kỳ. Nếu đúng vậy, Phạm Xuân Quang có thể đã viết mà phải bỏ nhiều điều lý thú và bổ ích cho độc giả người Việt. Những ai muốn phiên dịch cuốn này ra Việt ngữ – điều rất đáng khuyến khích – nên hỏi tác giả để giữ lại hay lấy lại những phần đã lược bỏ.
Cũng tại buổi ra mắt, tác giả cho biết một chuyện lý thú khác.
Bản thảo đã bị nhiều nhà từ chối, khi nhà Random House đồng ý xuất bản thì lại vấp vào một vấn đề. Trên hình bìa, họ thiết trí một bản đồ Việt Nam với tên “Thành phố Hồ Chí Minh” thay vì Sàigòn. Làm sao tác giả chấp nhận được điều ấy! Thà ôm bản thảo về còn hơn. Cuối cùng, nhà xuất bản đành nhượng bộ và ta nhìn thấy tên Sàigòn ẩn hiện với chân dung của hai cha con!
Tựa đề cuốn sách - “Một Ý thức Trách nhiệm” - có thể gây ấn tượng là tác giả sách động người đọc về tinh thần trách nhiệm, tinh thần phục vụ hoặc lý tưởng tự do. Hoàn toàn không! Phạm Xuân Quang không trưng khẩu hiệu mà cũng chẳng tuyên truyền. Anh cứ bình thản kể chuyện đời mình, của hai cha con và một gia đình tỵ nạn, và duyên dáng nói về thời quân ngũ. Từ đó mình mới suy ra cái hồn tiềm ẩn bên trong: phải làm một việc gì đó cho xứng đáng với lý tưởng tự do. Nổi bật nhất là tình đồng đội, lòng tự tin và tính chuyên nghiệp của binh lính Thủy quân Lục chiến, một binh chủng tinh nhuệ và ưu tú hạng nhất của Hoa Kỳ.
Nhưng, cũng trong các chương viết về thời nhập ngũ, Phạm Xuân Quang còn làm bật sáng một khía cạnh éo le: gốc Việt tòng quân khi Mỹ chưa quên thảm kịch Việt Nam. Các bạn đồng ngũ và huấn luyện viên nghĩ sao? Bạn hay thù đây! Đoạn viết về khóa huấn luyện “mưu sinh thoát hiểm” (SERE) là phát giác bất ngờ cho độc giả. Và bàng bạc bên dưới, tác giả cho thấy tinh thần kỳ thị vẫn có, khi mình là thiếu số gốc Á, mà lại là gốc Việt Nam và lên lon khá mau.
Khi day dứt trăn trở vì số phận của phụ thân, tác giả cũng gián tiếp nêu lên nhiều nhận xét tinh tế và xác đáng về truyền thông, chính trị và những lầm lẫn của Hoa Kỳ tại Việt Nam. Anh đã có đọc rất nhiều sách và tham khảo nhiều tài liệu để viết về giai đoạn này. Khi kể lại những vấp váp đến nực cười của một cậu bé đang phải Mỹ hóa, Quang gián tiếp nói đến nhiều vấn đề xã hội của Hoa Kỳ và ngợi ca sự rộng lượng của người Mỹ. Khi viết về các cuộc gặp gỡ của thân phụ với chiến hữu cũ, đoàn người từ cải tạo qua Mỹ trong diện HO, tác giả làm ta bật cười và xót xa về sự phấn đấu của họ sau khi đã phấn đấu để tồn tại ở trong tù.
Hai đoạn viết rất ngắn về ông Nguyễn Cao Kỳ và Thiếu tướng Nguyện Ngọc Loan - những thượng cấp ngày xưa của “Hòa Điên” - cho thấy tác giả là người tinh tế và cực kỳ thông minh trong sự phán đoán. Tuyệt! Một đằng là mầm sống đang vươn - Đại úy Thủy quân Lục chiến Mỹ - một đằng là bạn đồng ngũ của một người cha thần tượng, nay bị bẻ gãy kiếm và sống trong cô đơn, những cuộc gặp gỡ ấy, chúng ta đều có thấy ở ngoài đời. Nhưng khi được mô tả với sự ý nhị và cảm thương như vậy, người đọc thầm nghĩ rằng tác giả là người nhân hậu và có hiếu.
Thiếu tá Phạm Văn Hòa không cần viết hồi ký, sinh tiền hẳn là ông cũng không muốn viết. Nhưng cuốn sách của Phạm Xuân Quang thực ra cũng là hồi ký của ông vì hình bóng và sự nghiệp của ông vẫn sáng chói trên con đường mới của người con. Đây là hồi ký của hai người, một người là sĩ quan ưu tú trong một quốc gia bị bức tử, một người là thanh niên muốn nối chí cha nhưng đất nước không còn và trở thành sĩ quan ưu tú trong một quốc gia khác. Hai mảnh đời như hai mặt giấy trên một nếp gấp: ý thức trách nhiệm.

NGUYỄN XUÂN NGHĨA

Coi thêm link ở Đây

User avatar
linhgia
Posts: 1308
Joined: Fri Dec 03, 2004 9:30 am

Re: Hồi Ký 30 Năm: Lưỡng Quốc Nhất Nghiệp

Post by linhgia »

30 Năm Sau:
Kẻ Chiến Thắng Xin Qui Hàng.

[02/07/2005 - Vietnam Review]

Đỗ Thái Nhiên, 01.07.2005

Có thể nói được rằng: mỗi người có một kiểu nhìn riêng đối với Dịch Học. Mỗi người có ngôn ngữ, cú pháp riêng để diễn tả Dịch Học. Thế nhưng, mọi người đều dễ dàng đồng ý với nhau: cuối con đường đi tìm nội dung cốt lõi của Dịch Học, con người sẽ bắt gặp hai chữ: “PHẢN PHỤC”. Phản phục là qui luật xác định: mọi hiện tượng trên đại vũ trụ đều ẩn tàng trong nó một mầm mống chống lại chính hiện tượng đó.

Trong thái dương có thiếu âm và trong thái âm có thiếu dương. Thiếu âm, thiếu dương là các mầm mống phản phục của thái dương và thái âm. Từ rất xa xưa, ca dao Việt Nam đã khám phá ra hiện tượng phản phục:

“Cười người chớ có cười lâu,
Cười người hôm trước, hôm sau người cười”
(Ca dao Việt Nam)

“Người cười” là mầm phản phục của hịên tượng “cười người”. Câu hỏi đặt ra:Làm thế nào để con người có thể xác định được mối quan hệ tất yếu giữa lực phản phục và những chuyển mình của lịch sử? Chúng ta hãy đi tìm giải đáp cho câu hỏi vừa nêu bằng cách khảo sát bản chất chính trị của biến cố 30/4/1975 và các mầm mống phản phục của nó.

Như chúng ta đã biết, biến cố 30/4/1975 hiển nhiên là một hồ sơ tràn ngập tội ác. Nổi bật là những tội ác sau đây:

_ Lợi dụng tình hình chính trị tại Hoa Kỳ gặp khó khăn, CSViệt Nam phản bội hiệp ước Ba Lê 1973, mang quân xâm chiếm toàn lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa.
_ CSViệt Nam trả thù quân, dân VNCH bằng cách tống giam hàng trăm ngàn người trong những trại tù khổ sai dưới tên gọi “học tập cải tạo”. Trong toàn bộ lịch sử của loài người, đây là một cuộc tắm máu độc ác nhất, âm thầm nhất, nham hiểm nhất .
_ CSViệt Nam cướp đoạt tài sản, nhà cửa của người dân đàng sau tấm bình phong “đánh tư sản mại bản”.
_ CSViệt Nam đẩy hàng trăm ngàn người dân Việt Nam xuống đáy biển qua chương trình vượt biên “bán chính thức”. Những nạn nhân của chương trình này phải nộp vàng cho CSViệt Nam để được CS tống xuất ra biển trên những chiếc ghe thiếu hẳn những phương tiện an toàn tối thiểu.
_ Hàng triệu người Việt Nam khác do không chịu nổi chế độ hà khắc của CS, đã âm thầm băng rừng, vượt biển đi tìm tự do. Khoảng 40% số người này đã phải trả giá cho hai chữ “tự do” bằng chính sinh mệnh của họ.
_ CSViệt Nam xem người dân như những kẻ nô lệ của đảng CS. Đảng đã và đang rộn rịp bán nô lệ cho bất kỳ quốc gia nào cần nô lệ. Nô lệ của CSVN được gọi dưới mỹ danh “những người tham gia chương trình xuất khẩu lao động” hoặc “những người thành hôn với người nước ngoài”, đặc biệt là “nước Đài Loan”.
_ Kinh tế thị trường với tất cả kỹ thuật kinh tế và pháp lý tinh vi của nó chắc chắn sẽ đẩy xí nghiệp quốc doanh và đảng CSVN rơi vào tử huyệt. Vì vậy CSVN chỉ giả vờ khoác áo kinh tế thị trường đủ để lấy lòng giới kinh tế tài chính quốc tế. Trong thực tế, tại Việt Nam, ngày nay đảng CS và tay chân vẫn nắm chặt mọi ưu quyền kinh tế, vẫn cứng rắn bảo vệ guồng máy cầm quyền cực kỳ tham ô, cực kỳ phản văn hóa. Đây là lý do giải thích tại sao Việt Nam bị các quốc gia lân bang bỏ rơi rất xa trên con đường tiến bộ. Đây còn là tội ác kinh tế, văn hóa mà CSViệt Nam đã gây ra trên đất nước Việt Nam.

Tất cả những tội ác kể trên đã tạo ra trong tâm khảm của mỗi người dân Việt Nam niềm phẫn uất và ý chí phản kháng hướng về đảng CSViệt Nam. Đó là cội nguồn của lực phản phục tiềm ẩn bên trong mối quan hệ giữa người dân và nhà cầm quyền CSViệt Nam. Chừng nào lực phản phục kia bừng nở thành HOA TỰ DO DÂN CHỦ? Câu trả lời xin được giải bày thông qua ba tình huống bang giao quốc tế sau đây:

I.- BANG GIAO VIET- HOA.

Việt ở đây là Việt Cộng. Hoa ở đây là Trung Cộng. Đối với Việt Cộng, quyền thống trị của đảng CSVN là mục tiêu tối thượng. Nhóm chữ “quyền lợi dân tộc” chỉ được CSViệt Nam xử dụng như một khẩu hiệu tuyên truyền trống rỗng và nhàm chán. Đầu thập niên 1990, sau khi Liên Xô và hệ thống CS thế giới tan vỡ, với ý đồ bám chặt quyền thống trị xã hội Việt Nam, nhóm lãnh đạọ CSVN đã đề nghị Trung Cộng đứng ra làm lãnh tu tối cao của các quốc gia CS còn sống sót , bao gồm: Trung quốc, Việt Nam, Cuba, Bắc Hàn. Trung Cộng lạnh lùng giữ im lặng trước đề nghị nồng nhiệt của CSVN. Những năm kế tiếp, vẫn với ý muốn chấp nhận quì gối trước Trung Cộng để được yên thân ngồi trên ngai vàng Việt Nam, CSVN đã liên tục phục vụ “Thiên triều” bằng các hành động sau đây:

_ 1999 VC ký thỏa ước nhượng một phần lãnh thổ Việt Nam cho Trung Cộng.
_ 2000 VC ký thỏa ước nhượng một phần lãnh hải cho Trung Cộng.
_ Ngay sau vụ nhóm Bin Laden tấn công vào Trung Tâm Thương Mại Quốc Tế Nữu Ước và Ngũ Giác Đài tại Hoa Thịnh Đốn ngày 11/09/2001, VC đã cùng Trung Cộng tổ chức biểu tình gọi là “liên hoan ăn mừng chiến thắng”.
_ Ngày 12 tháng 9/ 2004, VC ban hành pháp lệnh cho phép người Trung quốc với tư cách du khách (kể cả nhân viên tình báo giả dạng du khách) được quyền tự do di chuyển đến bất cứ nơi nào trên lãnh thổ Việt Nam.
_ Ngoài ra, tuân lệnh Trung quốc, VC xây dựng rất nhiều cầu cống (đặc biệt là 11 cây cầu băng qua sông Hồng), phi trường, xa lộ Trường Sơn... Tất cả những phương tiện giao thông vừa kể nhằm giúp cho quân đội Trung quốc dễ dàng tràn về phương Nam Việt Nam trong trường hợp cần thiết.

Trên đây chỉ là một số sự việc trong muôn ngàn sự việc khác cho thấy VC đã phục vụ Trung Cộng bằng tất cả thái độ mẫn cán. Thay vì ban thưởng cho VC, Trung quốc laị lầm lì, công khai và triền miên đánh phá Việt Nam:
_ Từ nhiều năm qua, Trung quốc không ngừng đẩy hàng lậu ồ ạt đè bẹp thị trường Việt Nam, làm cho kinh tế Việt Nam vô phương phát triển.
_ Hải quân Trung quốc thường xuyên bắn giết ngư phủ Việt Nam nhằm độc chiếm vịnh Bắc Bộ.
_ Trung quốc cho người xâm nhập Việt Nam để thu mua móng chân trâu, đuôi trâu với thâm ý giết chết nông nghiệp Việt Nam.
_ Một số sông ngòi quan trọng của Việt Nam (đặc biệt là sông Cửu Long) có thượng nguồn từ Trung quốc. Lợi dụng vị thế địa hình vừa kể, Trung quốc không một chút ngần ngại phạm tội ác gây ô nhiễm trầm trọng môi trường sinh sống của người Việt.

Nói chung, Trung quốc không từ bỏ bất kỳ âm mưu hiểm ác nào có tác dụng đẩy đất nước và con người Việt Nam rơi vào hố diệt vong. Sự thể này cho chúng ta thấy: Trung quốc quyết tâm tạo mọi loại sức ép để biến VN thực sự thành một tỉnh của Trung quốc. Sống bên dưới các loại sức ép kia, CSViệt Nam thừa biết hai điều:

_ Một là Trung quốc mãi mãi ghi nhớ Việt cộng là một tên tôi tớ phản bội. Phản bội Tàu để chạy theo Nga. Chiến tranh Hoa Việt tháng 2/1979 là vết nhơ không thể tẩy xóa được trong lịch sử bang giao VC và TC.
_ Hai là, để trả hận thù cũ, một khi Việt Nam nằm gọn trong vòng tay đô hộ của Bắc xâm, Trung Cộng sẽ không dành đất sống cho VC. Đó là hai lý do giải thích tại sao ngày nay CSViệt Nam lại phải nỗ lực tìm đường từ giã Bắc Kinh. Sau khi chia tay với Bắc Kinh, CSViệt Nam sẽ đi về đâu? Câu trả lời nằm trên mối bang giao Mỹ-Hoa.

II.- BANG GIAO MY- HOA.

Đầu thập niên 1970 do nhu cầu tách rời Trung quốc ra khỏi Liên Xô, Hoa Kỳ đã tích cực giúp Trung quốc phát triển năng lực quân sự lẫn kinh tế. Đầu thập niên 1990, Liên Xô và hệ thống CS thế giới tan rã. Bang giao Mỹ Hoa trở nên ngày một xấu đi, điển hình là các sự việc sau đây:

_ Tháng 12 năm 1998, Trung quốc ký một hiệp ước hợp tác quân sự với Taliban.Trong đó có điều khoản: Taliban cam kết chuyển giao cho Trung quốc những đầu đạn hỏa tiễn do Hoa Kỳ bắn vào các căn cứ huấn luyện của Hồi Giáo cực đoan. Những đầu đạn này vì lý do kỹ thuật đã không phát nổ. Trung Quốc cần những đầu đạn kia để đánh cắp bí mật quân sự của Mỹ.
_ Ngày 08/03/1999 Hoa Kỳ chính thức phản đối Trung quốc về việc Trung quốc đã gài địêp viên Wen Lee Ho vào làm việc tại căn cứ nguyên tử Los Alamos của Hoa Kỳ.
_ Trước biến cố ngày 11 tháng 9 năm 2001 không bao lâu, Trung quốc ra lệnh cho cơ quan tuyên huấn của quân đội Trung quốc dịch tác phẩm “Chiến tranh không hạn chế” từ tiếng Hoa ra tiếng Ả Rập. Bản dịch này nhằm giúp Bin Laden huấn luyện quân khủng bố một cách tinh vi và hữu hiệu hơn. Tác giả của tác phẩm kia là Kiều Vương và Vương Tương Toại, họ là quân nhân của quân đội Trung quốc.
_ Do phát triển kinh tế bừa bãi, thiếu tính toán, guồng máy kinh tế khổng lồ của Trung quốc ngày nay đang phải đối đầu với những khó khăn cực kỳ to lớn: thiếu nước, thiếu nhiên liệu, thiếu điện, lực lượng lao động già nua do chính sách mỗi gia đình một con được áp dụng từ 1979... Nhằm đương đầu với khối khó khăn vừa kể, Trung quốc một mặt xâm lấn các quốc gia lân bang, mặt khác sẵn sàng thực hiện bất kỳ hành động tàn ác nào, miễn là hành động đó đáp ứng được hy vọng cứu nguy nền kinh tế Trung Quốc. Đó là lý do giải thích tại sao Trung quốc bảo trợ và buôn bán vũ khí sinh hóa, nguyên tử với Bắc hàn, Iran cùng các quốc gia và tổ chức khủng bố chống Mỹ trên đất Mỹ và trên toàn thế giới. Các hành động vừa nêu chẳng những giúp Trung quốc thâu lợi nhuận mà còn tạo điều kiện để Trung quốc quấy nhiễu Hoa Kỳ. Quấy nhiễu như vậy gây tác dụng cầm chân Hoa Kỳ ngõ hầu Trung quốc có thể một mình một ngựa tiến chiếm ngôi vị bá chủ hoàn cầu.

Đối đầu với một Trung quốc ngang ngược và nham hiểm, Hoa Kỳ không thể không nghĩ đến một chính sách ngoại giao riêng dành cho Trung Quốc. Sự kiện Hoa Kỳ đón tiếp thủ tướng CSViệt Nam Phan Văn Khải là chỉ dấu rõ ràng nhất cho thấy những toan tính mới của Mỹ hướng về Hoa .

III.- BANG GIAO MỸ - VIỆT.

Sau một thời gian đương đầu với khủng bố, Hoa Kỳ nhận biết rằng các chế độ độc tài áp bức chính là cha đẻ của nạn khủng bố quốc tế, và rằng chỉ có chế độ dân chủ chân chính mới có khả năng giải trừ được tận gốc rễ các tệ nạn: độc tài, tham ô, buôn lậu, khủng bố...Vì vậy, trong bài diễn văn nhậm chức nhiệm kỳ II, Tổng Thống George W Bush khẳng định: “Sự tồn tại của nền tự do tại Hoa Kỳ ngày càng lệ thuộc vào kết quả tự do tại các quốc gia khác. Hy vọng tốt nhất cho nền hòa bình trong thế giới của chúng ta là sự phát triển tự do trên toàn cầu”.

Nhằm khẳng định quyết tâm dân chủ hóa toàn cầu, Tổng Thống George W Bush đưa ra hai thông điệp:
_ Thứ nhất: Nói với các nhà cầm quyền độc tài áp bức: “ Những lãnh tụ của các chính quyền có thói quen cai trị lâu năm cần biết rằng: để phục vụ nhân dân, quý vị phải học đặt niềm tin nơi nhân dân của quý vị. Hãy bắt đầu con đường tiến bộ và công bằng thì Hoa Kỳ sẽ đi bên cạnh quý vị.”
_ Thứ hai: nói với những người đấu tranh cho tự do, dân chủ: “ Những người cách mạng dân chủ gặp phải cảnh bắt bớ, đàn áp, tù đày hoặc lưu vong, xin quý bạn có thể hiểu rằng: Hoa Kỳ nhìn thấy quý bạn là ai: là những lãnh tụ tương lai trên quốc gia tự do của quý bạn.”

Mục tiêu quan trọng hàng đầu của chương trình dân chủ hóa toàn cầu do Hoa Kỳ phát động chính là Trung Quốc. Muốn vậy, Hiệp Chủng Quốc phải ưu tiên vô hiệu hóa những mưu toan quấy phá an ninh quốc tế của Trung quốc. Từ kế hoạch vô hiệu hóa vừa kể, Hoa Kỳ chọn CSViệt Nam như một đồng minh thân cận, kiểu Pakistan. Nếu Pakistan có chung biên giới với Iran và Afghanistan thì Việt Nam có chung biên giới với Trung quốc. Đó là lý do giải thích tại sao ngày 3 tháng 2 năm 2005, từ San Francisco trong một bài thuyết trình in sẵn, ông Michael W Marine, đương kim Đại Sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, long trọng xác nhận: “ Hoa Kỳ tôn trọng chủ quyền, sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam và kiên quyết chống lại bất cứ nỗ lực nào nhằm chia rẽ hay gây rối biên giới của Việt Nam. Trái lại, chúng ta có lợi ích chung trong việc bảo đảm an ninh khu vực và trên thế giới. Mối quan hệ hợp tác trên lãnh vực quốc phòng hiện nay của chúng ta là những bước đi đầu tiên nhằm tìm ra một phương cách phù hợp để cả hai nước có thể cùng nhau đối phó với những thách thức an ninh trong thế kỷ 21.”

Để củng cố lòng tin tưởng của người Mỹ và người Việt đối với chính sách ngoại giao mới trong bang giao Việt Mỹ, Đại Sứ Michael W Marine nhấn mạnh: “ Mặc dầu cả hai quốc gia chúng ta đã có lịch sử không thuận hợp, song một sự kiện rõ ràng là cả Việt Nam lẫn Hoa Kỳ hiện không có dị biệt nào về mặt chiến lược.”

Không còn nghi ngờ gì nữa, CSViệt Nam cần chạy trốn hiểm họa Bắc thuộc lần thứ tư. Hoa Kỳ cần một đồng minh cản bước tiến của Trung quốc. Hai cái “cần” vừa kể cộng lại với nhau tạo thành bang giao Việt Mỹ 2005. Sự có mặt của Thủ Tướng Phan Văn Khải tại Hoa Kỳ vào tháng 6 năm 2005 là dấu hiệu mở đầu công cuộc đổi chủ của CSViệt Nam. Từ chủ Tầu, VC chạy qua chủ Mỹ. Ngày 30 tháng 4 năm 1975, lợi dụng bàn cờ chính trị quốc tế, VC tự nhận mình là kẻ chiến thắng và gọi Mỹ là kẻ chiến bại. Ba mươi năm sau: 30/4/2005 cũng chính bàn cờ chính trị quốc tế đã buộc CSViệt Nam phải quy phục Hoa Kỳ. Quyết định quy hàng của CSViệt Nam đã đẩy chế độ độc tài này đối diện với hai giai đoạn lịch sử:

_ Giai đoạn I: còn gọi là giai đoạn trăng mật giữa Mỹ và VC. Trong giai đoạn này, có thể Hoa Ky đáp ứng một số yêu sách của CSViệt Nam về kinh tế cũng như về nhu cầu tăng cường sức mạnh quân sự.
_ Giai đoạn II: đây là giai đoạn CSViệt Nam phải đồng loạt nhận lãnh hai loại áp lực:
+ Áp lực từ phía chính phủ Mỹ: muốn thi hành hữu hiệu vai trò lá chắn đối với Trung quốc, CSViệt Nam phải là một nhà cầm quỳên không tham ô, luật pháp phải tinh vi và khoa học. Nói ngắn và gọn, CSViệt Nam phải dân chủ hóa theo đúng chủ trương đã được xác định trong bài diễn văn nhậm chức tổng thống nhiệm kỳ II của ông George W Bush.
+ Áp lực từ phía nhân dân Hoa Kỳ( đặc biệt là người Mỹ gốc Việt): tại Hoa Kỳ dầu là Dân Chủ hay Cộng Hòa, không thể có nhà cầm quyền nào dám coi thường lá phiếu của người dân bằng cách dùng đồng tiền thuế của người dân để nuôi dưỡng dài hạn một chế độ độc tài và tham ô kiểu CSViệt Nam. Vì vậy bang giao Việt Mỹ hiểu theo nghĩa Việt Nam là Pakistan tại Đông Nam Á, chắc chắn sẽ bị cử tri Hoa Kỳ gây áp lực nặng nề, nhằm buộc Mỹ phải dân chủ hóa Việt Nam, với tốc độ làm chóng mặt chế độ độc tài. Sỡ dĩ vị trí của người Mỹ gốc Việt trên địa bàn áp lực chính trị tại Mỹ được bài viết này nhấn mạnh là vì đó là một thực tế chính tri mà Hà Nội không thể chối bỏ. Ngày 17/04/2005 trên báo Thanh Niên của CSViệt Nam chính Lê văn Bàng thứ trưởng bộ ngoại giao của Hà Nội đã phải xác nhận:” Vai trò của cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ trong mối quan hệ giữa Hoa Thịnh Đốn và Hà Nội là rất quan trọng.”

Dưới cả hai loại áp lực kể trên, CSViệt Nam không thể không quy hàng thể chế tự do dân chủ. Đó là chân ý nghĩa của bài viết: 30 năm sau, kẻ chiến thắng xin quy hàng. Đó còn là sức mạnh hiển nhiên của lực phản phục được diễn tả bằng những chuyển mình của lịch sử.



Đỗ Thái Nhiên.

User avatar
linhgia
Posts: 1308
Joined: Fri Dec 03, 2004 9:30 am

Re: Hồi Ký 30 Năm: Lưỡng Quốc Nhất Nghiệp

Post by linhgia »

Bài Phỏng Vấn Giáo Sư Nguyễn Văn Canh
về
Chuyến đi của Phan Văn Khải

KẾT QỦA CHUYẾN THĂM MỸ CỦA PHAN VĂN KHẢI.

Bài phỏng vấn G.S Nguyễn văn Canh của ông Trần ngọc Thăng thuộc Chương Trình Phát Thanh của RadioNVQG tại Nam California. Bài này sẽ được phát thanh vào tối ngày 6 tháng 6, 05. Có sửa lại

1) Hỏi : Sau khi có cuộc gặp gỡ giữa ông Bush và Phan văn Khải, hai bên có ra Thông Cáo Chung. Giáo sư có thể nào cho thính giả của Đài biết là Thông Cáo ấy nói gì?
Đáp: Thông Cáo Chung mà hai bên tuyên bố vào ngày 21 tháng 6, 05 gồm có:
Bush đề cập đến kinh tế; gia nhập WTO; các vấn đề an ninh, chiến tranh chống khủng bố; các vấn đề nhân đạo: HIV/AIDS; vấn đề tự do tôn giáo; MIA-POWs, và việc mời Bush đến Việtnam
Phan văn Khải: thì nói đến mối liên hệ Mỹ-VC, đưa lên một tầm cao hơn. Khải nói rằng hai bên ghi nhận có những tiến bộ đáng kể trong quá khứ và trù liệu các bước phát triển trong tương lai. Lý do là vì quyền lợi giữa Mỹ-VC và vì có diễn biến mới trong vùng và trên thế giới, cần củng cố quan hệ này. Hai bên thiết lập một mối quan hệ thân hữu, cộng tác có tính cách xây dựng, và hợp tác lâu dài, vững chắc, bình đẳng hai bên, cùng có lợi
Khải đề cao TT Bush ủng hộ mạnh mẽ VC vào WTO.
Khải nói tới hai bên còn có khác biệt vì điều kiện mỗi quốc gia, vì lịch sử và văn hoá. Cam kết thương thảo để giảm bớt các dị biệt ấy.
Trên bình diện quốc tế, hai bên nói tới các diễn biến mới tại Á Châu và Vùng Thái Bình Dương; cần kiện toàn sự hữu hiệu của Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á. Và T.T. Bush đã nhận lời mời thăm Việt nam nhân dịp APEC họp vào 2006.

Dù gọi là Thông Cáo Chung, nhưng mỗi bên lại tuyên bố riêng rẽ. Những điều được thoả hiệp giữa hai bên không được đúc kết trong cùng một bản văn Đây là điều bất thường và diễn tả dầy đủ cách đối xử của Bush với Khải. Có lẽ Bush muốn rằng Khải phải tự cam kết công khai thực hiện những điều đã được nêu ra trong buổi họp. Bush không tin vào VC và không muốn dính líu hay có liên hệ gì đến điều Khải nói, vì truyền thống dối trá của lãnh đạo VC.

2) Hỏi: Khi TT Bush nói tới hai bên bàn về kinh tế, có nghĩa là Mỹ và VC bàn tới quyền lợi kinh tế thương mại của Mỹ. Vậy xin Gáo sư có thể cho biết Khải nhượng bộ gì cho Mỹ nhân chuyến viếng thăm này?
Đáp: VC mở của thị trường cho Mỹ vào đầu tư, vào làm ăn. Ta biết rằng Đảng Cộng Sản Việt nam nắm trọn quyền khai thác hay nói khác là chiếm độc quyền không cho bất cứ ai được hoạt động trong một số lãnh vục quan yếu. Đó là Ngân Hàng, Bảo Hiểm, Năng Lượng như dầu khí và điện lực, Viễn thông Các Tổng công ti quốc doanh mà Trung ương của Đảng nắm trọn. Vào đầu thập niên 1990, VC lập ra 91 đại công ti Quốc doanh loại này để khai thác. VC ký Hiệp Định Thương Mai Song Phương với Mỹ và có hiệu kực vào tháng 12 năm 2001. VC cam kết giải thể các công ti ấy và các lãnh vực độc quyền để cho tư nhân, kể cả ngoại quốc vào đầu tư, nhưng khất lần là vì cần có thời giờ chuẩn bị. Đến 2008, sẽ giải thể một tỉ lệ là 20 %, 2010 là 40% và 2020 sẽ giải thể hết. Về các Tổng Công Ti thì VC đang rêu rao cải tổ lại 25 công ti, bằng cách tuyển dụng các Tổng Giám Đốc là người ngoài Đảng có khả năng quản trị, có thể là người ngoại quốc để lo quản trị các công ti đó. Các công ti quốc doanh này là tài sản của Trung Ương Đảng. Các công ti ấy thường là thua lỗ và được cấp tín dụng từ ngân sách quốc gia. Không những Mỹ mà cả các nhà tài trợ quốc tế như Ngân Hành Thê Giới, Ngân Hàng Phát triển Á Châu, và Quĩ Tiền Tê Quốc tề, liên tục khuyến cáo, áp lực, tuy nhiên trong vòng nhiều năm qua kết quả không có bao nhiêu.

3) Hỏi: Giáo sư có nói là áp lực phải cải tổ, Giáo sư có thể nào dẫn chứng về áp lực đó?
Đáp: Thí dụ vào tháng 4 năm 2001, Quĩ Tiền Tệ Quốc Tế viện trợ cho VC 400 triệu Mỹ Kim để lo cải tổ lại một số lãnh vực trong đó có luật lệ trong thời hạn 3 năm. Viện trợ này là viện trợ cỏ điều kiện. Điều kiện ấy là cải tổ. Vào cúôi năm 2002, Quĩ này đã tháo khoán 170 triệu Mỹ Kim. Quĩ yêu cầu VC để cho một toán thanh sát viên độc lập xem xét số tiền ấy được chi tiêu như thế nào. Đặc bịêt là Quĩ được quyền xem Khối Ngoại Tệ Dự Trữ của Ngân Hàng Trung Ương được chi tiêu ra làm sao. Người ta ước đoán số tiền này là 5 tỉ MK. VC từ chối, viện cớ rằng VC có luật lệ bảo mật quốc gia, nên không cho thanh sát viên độc lập vào coi hồ sơ sổ sách. Đại Diện Qũi nói rằng bất cứ Quốc Gia nào nhận viện trợ của Qũi phải tuân thủ qui luật ấy. Và Đại diên Quĩ về sau nhượng bộ nói rằng ” Các anh tự làm bản kê khai cũng được.” VC từ chối. Vấn đề kéo dài cho đến hết hạn 3 năm , là tháng 4 năm 2004, Quĩ chấm dứt viện trợ số tiền 230 triệu còn lại.

4) Hỏi: Chuyến viếng thăm của Khải có cho thấy có nhượng bộ gì không và nếu có thì tại sao?
Đáp: VC ký một số khế ước với một số công ti Mỹ về vấn đề bảo hiểm. Thí dụ cấp giấy phép cho New York Life và ACE Life sẽ đầu tư vào Việt nam 100% vốn. Cho đến nay, công ti Bảo Việt là công ti lớn nhất của VC chiếm 40% thị trường, trong 6 tháng đầu năm nay, số thu là US$ 506 triệu. Đã có công ti Prudential của Anh, và AIA của Mỹ. Sau khi VC mở cửa thì các công ti này sẽ gia tăng vốn. VC ký với Motorola về diện thoại di động, nâng cấp màng lưới điện thoại loại này tại 8 tỉnh ở VN; ký hợp đồng với Công ti Fluor làm tham vấn về chuyên chở khí đốt từ Vịnh Thái Lan vào Miền Nam, ký hợp đồng khai thác bổ xung về dâu khí với Unical.
Sẽ thiết lập một Hội Đồng Cố Vấn hỗn hợp của các Nhà Quản Tri Cao Cấp của các công ty để giúp công việc hợp tác và đầu tư.
Về lý do tại sao? Tôi có thể giải thích như thế này. Cho đến nay VC vẫn khư khư giữ độc quyền trong các lãnh vục quốc doanh mà tôi đã đề cập. Vì thế các nhà đầu tư Mỹ chỉ đứng ngoài ngó vào, dù VC mời gọi, vận động rất tích cực. VC biết rằng chỉ có Mỹ mới có nhiều tư bản, giúp cho chúng thoát các khó khăn trong trường kỳ. Nền kinh tế bấp bênh, đã bắt đầu trì trệ , cần phải có nhiều đầu tư của ngoại quốc. Các quốc gia Đông Nam Á, như Đài Loan, Singapore, Hồng Kông, Nhật cũng đã lên tới điểm cao rồi. VC sẽ mở thi trường cho Mỹ vào đầu tư, ngoài năng lượng ra, có sản xuất thép, xi măng, tài chánh, ngân hàng. Về ngân hàng,Qui định hiện nay, VC chỉ cho ngoại quốc mua đưới 10% cố phần. Thí dụ như Standard Charter Bank của Anh chỉ mua có 8,56% hay 22 triệu MK của NCB của VC, Anzus của Úc có 10% hay 27 triệu vàn một Ngân Hàng VC. Nay mai, VC sẽ phải mở cửa rộng rãi trong lãnh vực này cho Mỹ.

5) Hỏi: Ông Bush có nói tới việc thảo luận về an ninh. Đây có phải là một loại liên minh quân sự Mỹ VC để đối phó với Trung Cộng như ngùơi ta đồn đại.
Đáp: Không hẳn như vậy vào lúc này.. Đây mới chỉ là bắt đầu, dò dẫm. Vào đầu tháng 6 vừa qua, Peter Rodman, phụ tá Bộ trưởng quốc phòng đặc trách vế an ninh quốc tế có đến Việt nam tìm kiếm một hợp tác quân sự với VC về vấn đế an ninh. Torng quá khứ, có vài ba chiếc tàu hải quân Mỹ đến thăm VN. Họ muốn có nhiếu viếng thăm khác trong tương lai. Trong chuyến đi của Khải, thì đã có chỉ dấu rõ hơn là sẽ có một loại hợp tác nào đó. Bộ Quốc Phòng Mỹ đã chấp thuận cho sĩ quan VC tham dự vào chương trình huấn luyện IMET,( International Military English Training). Đó là chương trình dạy tiếng Anh, về y khoa và kỹ thuật. VC dĩ nhiên rất sợ Trung cộng, nếu tỏ ra đi với Mỹ chặt chẽ. Nay TC dần dần trở thành cường quốc kinh tế và quân sự. Vì vậy, vấn đề này không tiến mau được. Trong ít ngày tới, Trần đức Lương sẽ đi TC, chắc chắng là giải thích mối quan hệ Mỹ VC cho Trung cộng.

6) Hỏi: Vấn đề gia nhập Tổ Chức Mậu Dịch Quôc Tế
Đáp: VC nay đã ý hức được một nhu cầu cấp bách phải vào WTO. Đứng ngoài, thì sẽ bị loại ra. Không giống như hồi 1997, Khải đã hứa với Clinton rằng sẽ ký BTA, tại Tân Tây Lan, rồi lại tuyên bố hoãn lại. Nay đã buốn bán với Mỹ, thặng dự mậu dịch với Mỹ lên tới hơn 4 tỉ MK, nghĩa là nguồn lợi do mậu dịch quốc tế là vấn đế sinh tử. Vả lại quan thày Trung cộng đang lần át về kinh tế, cạnh tranh ráo riết trên thị trường quốc tế, và nhờ vào WTO , VC sẽ có một thị trường lớn, từ đó mang lại nhiều ngoại tệ. Ù lì không được nữa, ăn gian hay trí trá cũng không được, VC đang phải chạy đua với thời gian để hội đủ một số tiêu chuẩn ngõ hầu được Hoa Kỳ hỗ trợ vào WTO. Ở trong nước, VC đang vội và sửa lại, hay làm ra vào khoảng 60 bộ luật để cho kịp chứng minh với một số quốc gia trong vòng đàm phán kỳ này, với hi vọng vào được WTO.
Về phía Mỹ, Bush tuyên bố ủng hộ VC. Tuy nhiên cũng tuỳ vào VC có thực hiện được những điều kiện cần thiết mà WTO đòi hỏi hay không. Với Mỹ, dù có BTA, nhưng VC vẫn còn bị một đạo luật khác chi phối. Đó la Vanik-Jackson, hay là điểu khoản tối huệ quốc. Mà luật này lại thuộc thẩm quyền của Quốc Hội, không phải của ông Bush. Liệu Bush châm chước được tới giới hạn nào, hay Quốc Hội có họp để tha cho VC không?

7). Hỏi: Về người Việt tị nạn, Lê văn Bằng khi sang Mỹ chuẩn bị cho chuyến đi của Khải có nói tới tiếp xúc với người tị nạn, để kêu gọi họ về xây dựng xã hội chủ nghĩa. Không thấy Khải tiếp xúc, chỉ thấy chống đối. Không thấy tay sai của VC xuất hiện và gập Khải, nhất là ở vùng Hoa Thịch Đốn. Phía Mỹ, không thấy Bush tuyên bố gì trong khi họp báo chung. Giáo sư có thể nào cho biết ý kiến?
Đáp: Trong Thông cáo chung, lúc đầu không có nói gì về người tị nạn. Tuy nhiên sau đó lại có bổ túc. Đoạn đó nói như sau: “ Tổng thống và Thủ tướng nhấn mạnh tới nỗ lực của người Mỹ gốc Việt và người Việt đang cư trú tại Hoa Kỳ trong công tác phát triển các mối liên hệ hợp tác và thân thiện giữa hai quốc gia. Thủ tướng chào đón đóng góp của họ gia tăng công tác phát triển kinh tế xã hội và có thảo luận về những nỗ lực của chính phủ (VC) khuyến khích và làm dễ dãi các cuộc thăm viếng và đầu tư của họ. Tổng thống đón nhận các nỗ lực này và nhắc lại rằng chính phủ Hoa Kỳ ủng hộ nền an ninh và vẹn toàn lãnh thổ cua Việt nam”. Đây là điều kỳ lạ, vì lẽ Phan văn Khải khi ở toà Bạch Ốc đã cầm giấy đọc từng chữ lời tuyên bố. Như vậy là các chi tiết được trình bày đã sắp sẵn từ truớc. Nay lại có đoạn này thêm vào, thì làm sao giải thích ổn thoả được? Không thấy Khải quay trở lại Toà Bạch Ốc và cũng không thấy có họp báo bổ túc. Có lẽ là phía Mỹ thêm vào theo yêu cầu của Khải. Tại sao lại có chuyện nực cười như vậy?.Phải chăng vì có sự chống đối tích cực đối với Khải ở khắp nơi, nên phía Mỹ đồng ý thêm vào để nhấn mạnh tới vai trò của người tị nạn, và mặt khác Bản Tuyên Bố bổ túc này nói tới sụ vẹn toàn lãnh thổ, một điều mà người tị nạn kịch liệt chống đối việc dâng hiến đất đai, lãnh hải của VC cho Trung cộng. Việc ông Bush có thành công thuyết phục được người tị nạn đóng góp vào việc tăng cường mối quan hệ Mỹ -VC hay không là một việc ta hãy chờ xem; ngoài ra, Khải dựa hơi Bush nhân dịp này chào đón tị nạn về đầu tư. Không biêt có ai nghe không. Ngay cả khi ông Bush đích thân kêu gọi, chưa chắc người tị nạn đã chấp thuận.

8) Hỏi: Giáo sư có nhận xét gì về chuyến đi này?
Đáp: Có một số điều tôi cần phải nói ra:

1). Để chuận bị cho Phan văn Khải đến Mỹ, VC đòi là Mỹ tiếp đãi Khải như một quốc khách. Nếu là quốc khách, phải có lễ nghi quân cách. Thục tế, Mỹ đã hạ thấp cuộc viếng thăm này xuống thành một thăm viếng bình thường, nghĩa là Khải gập Bush để thảo luận một số vấn đề. Vì thế không có một lễ nghi gì hết. Không được tiếp đãi ăn uống. Khải như vậy không được Toà Bạch Ốc mời đến, mà là một khách không quen biết từ trước, đến xin gập. Các người thuợc giới con buôn hay môi giới làm ăn sắp xếp chuyến viếng thăm, đặc biệt là Hội Đồng Thương Mại Việt Mỹ đóng một vai trò tích cực trong việc này. Tóm lại, Khải ra vào Toà Bạch Ốc không được đối đãi lọng trọng. Dù sao, Khải và lãnh đạo VC rất hài lòng được Bush bắt tay. Điều này được quảng cáo cho thế giới, và dân trong nước biết rằng Khải được tiếp đón tại toà Bạch Ốc.

2). Khải đến gập Chủ tịch Ủy Ban Ngoại Giao Thượng Viện là Nghị sĩ Richard Lugar và có sự hiện diện của một số Nghị sĩ. Thay vì Khải được mời đến Quốc Hội, đọc diễn văn như các Quốc Khách khác. Tại đây, Khải phải đích thân kêu gọi một số Nghị sĩ ủng hộ, nghĩa là đích thân một Thủ tướng của một quốc gia độc lập, có chủ quyền đi làm công việc lobbying. Trên trường quốc tế, không ai làm việc như thế.

3). Nói rằng đến Toà Bạch Ốc đề thương thảo, nhưng thực ra không thấy có gì là thương thảo. Khải cầm tờ giấy viết sẵn, đọc từng chữ một. Điều này có nghĩa là “ở nhà” đã có người đánh máy sẵn tờ giấy đó. Toà Bạch Ốc làm gì có thư ký hay cho mượn máy chữ cho Khải để đánh máy. Hơn nữa, cuộc tiếp kiến chỉ có chừng 30 phút, thì chấm dứt. Như thế không kịp đánh máy.

4). Một mục tiêu khác mà VC quảng bá rầm rộ là hoà giải với người tị nạn, vì họ có nhiều tiền, có chất xám. Bắt đầu bằng cuộc viếng thăm một gia đình mà VC gọi là Việt Kiều ở Seattle, một biểu tượng ưu ái với “khúc ruột xa ngàn dậm.” Nhưng thực tế, Khải đi đến đâu đều bị xua đuổi đến đó, đến nỗi ban tổ chức Mỹ do đám con buôn sắp xếp chuyến đi, và đón rước không để Khải đi ra hay vào cổng chính tại các nơi hội họp.

5). Có nột điểm mà tôi thấy hay hay nên cần nói ra là trong bữa tiệc do nhóm con buôn Mỹ là Life Mutual khoản đãi Phan văn Khải ở một Khách sạn ở Boston, Nghị sĩ Kennedy một ngừơi đã có thành tích ủng hộ VC trong suốt 30 năm qua được mời lên phát biểu. Ông ta phải lên tiếng trực tiếp nói với Khải về bài học của Mỹ quốc. Kennedy nói: “Mỹ Quốc có một lịch sử 200 năm phấn đấu để hoàn thiện nền dân chủ của chúng tôi. Chúng tôi đã học được những bài họ khó khăn về những các xấu của kỳ thị chủng tộc,kỳ thị ngừoi thiểu số và kỳ thị tôn giáo. Có lẽ bài học vĩ đại nhất là một quốc gia không thể khai thác được tiềm năng của mình khi một số công dân hay ngay cả những nhóm dân chúng bị phủ nhận cơ hội bình đẳng và bình quyền.
Tất cả người Mỹ đếu mong muốn quí quốc thực hiện tiến bộ trên lãnh vực này, kể cả thả các tù nhân chính trị và thực hiện đầy đủ lời cam kết của quí vị đã hứa vào tháng qua trong việc nới rộng tự do tôn giáo ở Việt nam.
Tôi mong đợi có những bước tiến liên tục về các vấn đề trọng đại về tiến bộ và công bằng xã hội. Chính các vấn đề này là cần thiết cho sự thay đổi tích cực ở Việt nam và giúp mối liên hệ của chúng ta có được sức mạnh..
Vào tháng 6, 1963 tại Nhà thờ Thánh St Paul, ở Frankfurt, Đức quốc, Tổng thống Kenney nói “Thay đổi lả định luật của đời sống. Và những ai chỉ nhìn vào quá khứ hay hiện tại thì chắc chắn đánh mất tương lai”.

Không biết Khải có cảm thấy ngượng ngùng khi bị NS Kennedy nói như vậy trong một bữa tiệc công khai như thế và Khải và đám chóp bu Hà nội có thấu hiểu nổi được ý nghĩa lời tuyên bố này không? Đây là những đều báo hiệu khác cho biết rằng Đảng Cộng Sản không còn có thể ù lỳ, ngồi yên, bất động, tiếp tục lừa dối mọi người như truyền thống mà VC theo đuổi?.

Theo AFP ngày 17 tháng 6, Zoellick, Thứ trưởng Ngoai Giao trong chuyến viếng thăm Hà nội hồi tháng trước đã tuyên bố: “ Lãnh đạo Việt nam ‘rất ( very very interested) muốn tăng cường mối liên hệ tổng quát’ với Hoa Kỳ. ‘Kinh tế là một trong những động lực, nhưng có cả quyền lợi an ninh rất mạnh’ (very strong), ám chỉ Mỹ hỗ trợ VN vào WTO năm nay và nhấn mạnh đến ‘thương thảo’ về có nhiều tự do hơn tại quốc gia cộng sản này”.
Đây là điều báo cho biết rằng tất cả mọi việc đã được sắp đặt trước cho buổi hội kiến với Bush vào ngày 21 tháng 6: Khải chẳng có gì để “thương thuyết”, và Khải chỉ mang tờ giấy viết sẵn từ khi còn ở Hà nội ra đọc, và chỉ được tiếp trong vòng 30 phút, để chứng minh có hình thức là được tiếp đón, rồi đi ra, không được tiếp đãi như một quốc khách, không nghi lễ. Những gì Bush tuyên bố trong buổi gập gỡ ngắn ngủi ấy chỉ là nhắc lại những cam kết trước đó của VC với các nhân viên Mỹ, như thi hành cam kết về tự do tôn giáo mà VC đã ký hồi tháng 5 với Hanford, về an ninh, kinh tế , và cởi mở về chính trị hơn (dù Bush không nói ra) v.v. . Những điều này đã được Khải ám chỉ rằng sẽ ‘thuơng thảo’ vì có khác biệt về ‘điều kiện, lịch sử, văn hoá’ là nằm trong chiều hướng đó. Câu này có ý nghĩa là vì có các lý do khác biệt ấy nên VC không thể thực hiện ngay được các điều cam kết trong buổi hội kiến. Tôi phải lưu ý rằng Khải tự mình nói ra trong buổi họp báo này, chứ không phải là cả Bush và Khải cùng nói ra, dù trong cái gọi là Thông Cáo Chung như thường thấy.
Dù sao, tôi có nhiều lý do tin rằng, chuyến đi này của Phan văn Khải trong giới hạn nào đó sẽ có tác động đến tình hình tại quốc nội, vì lẽ đích thân đến gập cựu thù ‘đế quốc’, cam kết thi hành điều đã hứa, không dễ gì nuốt lời hứa như đã xảy ra , và nhất là các lý do thúc đẩy Khải phải chấp nhận đến Hoa Kỳ trong các điều kiện như vậy.

Để kết luận, tôi có thể nói rằng nếu Hoa Kỳ vồn vã nhiều, hay đám con buôn Mỹ cũng như VC trước đây tuyên truyền, mời gọi giới đầu tư Mỹ bỏ tiền vào Việt nam một cách ồ ạt làm ăn để mau kiếm nhiều lời, hay luận cứ của một số chính khách Hoa Kỳ là tư bản Mỹ nên vào Việt nam và như thế giúp cho dân Việt giầu có thì dân chủ sẽ đi lên là hoàn toàn sai. Chỉ có áp lực, bọn lãnh đạo VC thủ cựu, ít học mới có thể học được bài học. Cái giá về tiền bạc phải trả trong thời gian 20 năm đổi mới quá cao cho dân tộc. Quốc tế đã cho VC vay từ khoảng 1993 đến nay là khoảng 34 tỉ MK, và số tiền đầu tư ngoại quốc đã lên tới có lẽ khoảng 50 tỉ MK. Ai sẽ trả món nợ không lồ này này? VC nhân danh quốc dân VN nghèo đói, kêu gọi viện trợ từ hàng chục năm nay. VC đã thành công khai thác lòng nhân đạo của các quốc gia giầu có và các định chế tài chánh quốc tế rộng lượng để viện trợ cho nhân dân Việt nam vì lòng nhân đạo ấy. Năm 1988, tôi thăm Đại Hàn, chủ tịch Ủy Ban Thông Tin Hạ viện là Chu hán Sơn cho tôi biết rằng để làm cho Đại Hàn giầu mạnh như ngày nay Đại Hàn đã vay khoảng 50 tỉ MK từ cuối thập niên 1960, đến năm đó (1988), Đại Hàn đã trả hết món nợ ấy.
Thật là xấu hổ nếo so sánh Đại Hàn với lãnh đạo Đảng CSVN./.

Post Reply