Những Mảnh Đời Rách Nát

User avatar
phu_de
Posts: 2917
Joined: Sun Nov 28, 2004 10:57 pm
Has thanked: 7 times

Post by phu_de »

Chúng tôi quên hẳn thời gian, chuyện trò như thuở ngày xưa còn đi học. Mẹ tôi mỉm cười, kín đáo bỏ vào nhà trong để hai chúng tôi trò chuyện.
- À, hôm nào anh lên thăm bác gái và xin địa chỉ bác trai để viết thư thăm Hoài Nhân nữa. Nó là học trò cưng của anh mà.
- Nhân nó nhắc đến anh hoài, sang năm nó ra trường và sẽ về thăm Việt Nam đấy.
Một thời gian sau, mẹ tôi bước ra giục tôi rửa ráy và mời Mai ăn cơm trưa luôn thể. Bà nói:
- Chẳng mấy khi bác mời cháu ở lại ăn cơm trưa với mẹ con bác cho vui.
- Dạ, cho con khi khác, con phải về kẻo mạ con trông cơm nữa.
Khi Mai đã về rồi, mẹ tôi góp ý:
- Mẹ trông con Mai nó không quên con được nên nó xinh đẹp như vậy, giàu có như vậy mà chẳng chịu lập gia đình với ai. Con thấy không?
Tôi đang suy nghĩ mông lung, không nghe câu hỏi của mẹ tôi. Bà phải hỏi lại:
- Con nghĩ thế nào?
- Con nghĩ kỹ lắm rồi mẹ ạ. Lập gia đình với Mai chỉ làm khổ Mai thôi mẹ ạ. Để Mai lập gia đình với người khác, lành lặng hơn, Mai mới có hạnh phúc. Còn con, con còn gì để cho Mai. Thân thể con không còn nguyên vẹn, hình thù biến dạng, mặc cảm này khó tẩy rửa hết được. Người ta sẽ nhìn Mai như thế nào khi đi bên cạnh con, một người què quặt.
Biết là không thể nào lay chuyển ý chí của tôi, mẹ tôi cười an ủi:
- Tùy con định liệu vậy.
Một buổi chiều chủ nhật, như đã hẹn, tôi thuê xe đến nhà của Mai trên đường 3 tháng2. Một căn nhà rộng lớn vừa là nhà ở vừa là một cửa hàng bán đồ điện tử, gian hàng thật lớn ngoài sức tưởng tượng của tôi. Tôi có đi ngang ngôi nhà này nhiều lần khi còn đi bán báo dạo, nhưng nó không to đẹp như ngày hôm nay. Trông thấy tôi, Mai đon đả chạy ra tiếp đón. Mẹ Mai đang xem tivi ở phòng trong, nghe tiếng con gái phát biểu ồn ào phía ngoài, cũng chạy ra xem. Ôi, mừng mừng tủi tủi. Bao xúc cảm hiện lên trên gương mặt của mỗi người. Bà cụ có vẻ gầy và già hơn trước, tóc đã bạc trắng có lẽ vì tuổi già và nhớ chồng con. Sau vài câu thăm hỏi qua loa, bà liền hỏi một câu để dò lòng tôi:
- Sao con chưa chịu lập gia đình cho mẹ con có cháu nội?
- Dạ, con đâu còn lành lặn như một thanh niên bình thường mà nghĩ đến chuyện gia đình. Con chỉ sợ không mang lại hạnh phúc mà còn làm khổ cho người vợ sau này thôi.
Không chú ý tới lời giải thích của tôi, bà bâng quơ nói một câu như bắt cho tôi một cái thang để leo:
- Chẳng hiểu sao, con Mai nó cũng chẳng chịu lập gia đình. Năm nay bốn mươi mấy rồi chứ còn trẻ trung gì đâu. Bao nhiêu là người, là chỗ đàng hoàng mà nó đều gạt ra ngoài cả.
Trước tấm thịnh tình của bà, tôi chỉ biết im lặng. Một sự im lặng kính nễ sự chung tình, chung thủy của một người phụ nữ có một không hai này, vừa giàu có vừa xinh đẹp đã cố tình dành trọn cuôc đời cho tôi. Hai tuần lễ sau, tôi nhận được hai cánh thư từ Mỹ gởi về, một của ba Mai và một của Hoài Nhân, em Mai. Đại ý cả hai đều nhất trí tán thành việc hôn nhân của tôi và Mai, nhất là thư của Hoài Nhân có gởi kèm tặng tôi bức chân dung mẹ Mai, đằng sau ảnh có ghi:

Mẹ đứng trông con trong nắng chiều vòi vọi.
Vợ thương chồng, ngồi lật lịch giữa đêm khuya.
Nhà trống giờ đây buồn khắc khoải.
Còn gì đâu, ngoài nỗi nhớ thương nhau!

Hoài Nhân viết: "Em gởi cho anh tấm hình của Mạ, trong cuộc đời anh cũng đã một lần gọi bà là Mạ rồi, phải không Anh? Năm nay thì bà đã già lắm rồi. Hết khóc vì nhớ ba, nay thì lại khóc nỗi nhớ con, thì làm sao trẻ được? Lần em về, những lúc hai Mạ con nói chuyện với nhau, khi nhắc đến tên Anh, bà chỉ chép miệng thở dài và nói: Không biết nó sống chết ra sao trong nớ (nhắc lại lúc bà còn ở ngoài Trung, tôi đã vào Sài Gòn)".
Cuộc đời tưởng êm xuôi, hạnh phúc đang mơn trớn trở về. Ai ngờ bất hạnh lại phủ xuống đời tôi. Trời đất sụp đổ khi mẹ tôi qua đời. Trong một đêm kinh hoàng, bà lăn lộn với cơn ho, tôi vội vàng kêu xích lô chở bà vào Bệnh Viện Gia Định. Cũng may tôi mang theo sẵn tiền nên được người ta đưa ngay mẹ tôi vào phòng cấp cứu. Nhưng hỡi ơi, cơn bệnh quá trầm trọng, bà tắt thở vài giờ sau đó. Phổi bà quá nhiều nước. Bệnh này có thể chữa được nếu được điều trị sớm nhưng tôi nghèo quá chỉ có thể mua thuốc cho bà uống cầm chừng. Phải làm gì đây? Nổi đau xót chưa làm tôi tĩnh táo để định đoạt mọi việc. Tôi chắp hai bàn tay, nhìn lên trời cầu nguyện: "Lạy Chúa, xin đừng bỏ con bơ vơ trên cõi đời này. Xin Chúa thương xót linh hồn mẹ con".
Cầu nguyện xong, tôi cảm thấy tâm hồn thư thái và tự trấn an: "Chết! Con đường này ai cũng phải một lần đi qua. Một ngày nào đó tôi cũng phải chết, tôi phải cố sống sao hữu ích cho đời. Hãy nhìn thẳng vào tương lai trước mắt mà đi".

Trong lúc lòng đầy phiền muộn, tôi đi gọi điện thoại cho Mai. Hay tin đột ngột, Mai khóc nức nở bên kia đầu dây. Lần này chính tôi lại an ủi Mai mới lạ. Mai yêu thương mẹ tôi không kém gì tôi thương yêu mẹ tôi. Những ngày sau, tất cả đều tập trung cho sự tiễn đưa linh cữu mẹ tôi về nơi an nghỉ cuối cùng. Tôi mua được miếng đất nhỏ trong nghĩa trang gần cầu Bình Triệu.
Điều làm tôi xúc động có lẽ là nhiều hội đoàn thiện nguyện xã hội, các vị đại diện tôn giáo, các trẻ em mồ côi, câm điếc, khiếm thị, đã đến đưa linh cữu mẹ tôi về nơi chín suối, nhất là mười hai đứa "con" của tôi đều có mặt đông đủ đưa tiễn bà "nội" của chúng trong niềm thương tiếc vô biên. Tôi trả hiếu cho mẹ tôi bằng cái diễm phúc ấy vì tôi chỉ sống bằng trái tim. Tôi xin anh Bảy cho tôi nghỉ vài ngày để lo phần mộ cho mẹ tôi. Tôi chỉ đủ tiền mua cho bà một tấm bia, còn phần mộ sẽ chờ dịp khác.


Tối nay, khi đứng trước đám học trò "mồ côi" của mình, tôi đọc cho chúng nghe bài Mồ côi của nhà thơ Thanh Tịnh diễn tả chung tâm trạng của thầy lẫn trò:

Năm xưa tôi còn bé,
Mẹ tôi đã qua đời.
Lần đầu tiên tôi hiểu
Thân phận trẻ mồ côi.

Quanh tôi ai cũng khóc,
Yên lặng tôi sầu thôi.
Để dòng nước mắt chảy,
Là bớt khổ đi rồi.

Từ nay thôi hết thấy,
Trên trán mẹ hôn con.
Những khi con phải đòn
Đau lòng mẹ biết mấy?
Kìa nhà ai sung sướng,
Mẹ con vỗ về nhau.
Tìm mẹ con không thấy,
Khi buồn biết trốn đâu?

Hoàng hôn phủ trên mộ,
Chuông chùa nhẹ rơi rơi.
Tôi thấy tôi mất mẹ,
Là mất cả bầu trời.


Ai nấy đều bùi ngùi thương cảm, cả đám đều khóc vì đó cũng là hoàn cảnh nghiệt ngã của từng đứa nơi đây.
Buổi học chấm dứt không ai học thêm được một chữ nào. Tôi nhìn chúng lòng thật ngổn ngang. Trước kia chúng được mẹ tôi chăm sóc, nay đứa nào sẽ thay thế bà chăm sóc những đứa nhỏ hơn. Rồi cũng giải quyết được. Mấy đứa "con" của tôi, đứa lớn nhất gần 15 tuổi tên Dũng, đứa nhỏ nhất 3 tuổi rưỡi tên Mi. Tôi có tám đứa con trai và bốn con gái. Dũng rất dễ thương, từ ngày mẹ tôi mất nó thay tôi chăm sóc các "em" của nó.
Mỗi ngày tôi đưa cho nó tiền chợ, tự nó quyết định mua đồ ăn thức uống trong ngày. Cũng đỡ là ban ngày chúng chia nhau đi lượm bao ny lông, bán báo, bán vé số ở các chợ, tiền thu được sau khi giữ lại phần vốn chúng đưa cho tôi cất, tôi dùng số tiền đó đưa cho Dũng chi tiêu trong "gia đình". Mi vì nhỏ nhất nên được giao nhiệm vụ giữ nhà. Tôi cũng bớt một gánh nặng. Ngày trước khi mẹ tôi còn sống, Dũng điều động các "em" giúp mẹ tôi lau dọn nhà cửa và nấu cơm. Tôi chỉ có nhiệm vụ phụ thêm tiền chợ và mua sách vở cho chúng học hành. Đời sống cũng tạm thời ổn định.


* * *

Về phần Mai, sự qua lại giữa chúng tôi ngày càng thường hơn. Những chiều cuối tuần, Mai thường đến ăn cơm chung với "gia đình" chúng tôi, thỉnh thoảng thuê xe chở các cháu đi ra Vũng Tàu hay lên Thủ Đức cắm trại chơi một ngày. Các cháu thì một mực lễ phép, vâng dạ "cô Mai". Tình cảm của Mai dành cho tôi vẫn mực nồng nàn nhưng không đi hơn, và tôi cũng vậy. Nhiều khi tôi thấy Mai muốn đặt thẳng vấn đề với tôi nhưng là thân gái, Mai ngại ngùng rồi nói những chuyện bâng quơ cốt ý để cho tôi hiểu chẳng hạn như "Mạ cứ bảo em không thể ở vậy sống một mình được", hay có lần vì sự cố buộc Mai phải đi khám bác sĩ (phụ khoa), bác sĩ phát hiện Mai bị vô sinh. "Ý hướng lập gia đình của em từ ấy cũng không còn tha thiết nữa", Mai nhìn tôi buồn bã.

Hôm nhận được một số tiền của bác sĩ Phan Minh Hiển từ bên Pháp gởi cho, tôi nhờ Mai mua cho tôi một chiếc đồng hồ treo tường để kỷ niệm và cũng để nhắc nhở với tôi: thì giờ là vàng bạc. Số tiền còn lại, tôi nhờ Mai mua giùm tất cả sách vở cần thiết cho bầy con mồ côi. Việc này khiến Mai càng nễ phục tôi hơn. Tôi không như người khác trong cơn thiếu thốn chỉ mơ ước, ham mê những thứ phục vụ riêng cho cá nhân mình, như thuốc lá, cà phê hay rượu bia... Tôi có cái nhìn khác về cuộc đời. Đời tôi đã khổ nhiều rồi, tôi không muốn thấy người khác khổ hơn tôi. Tôi hướng tất cả cho tha nhân, kể ra cũng khó vì cũng là con người ai không muốn thụ hưởng một vài tiện nghi vật chất, trong khi chính tôi cũng thiếu thốn rất nhiều và hơn nữa còn bị mất mát thật lớn.

Có đến gần nhau mới thấy nhau rõ hơn. Từ đó Mai nhìn tôi như một thần tượng, quí trọng tôi hơn cả tình yêu đôi lứa đời thường. Có lần Mai đề nghị bỏ tiền ra xây mộ cho mẹ tôi, nhưng tôi khéo léo từ chối, Mai cũng không đề cập tới nữa. Thỉnh thoảng Mai khéo léo đưa tiền cho Dũng mua sắm thức ăn cho các em bằng cách đề nghị sẽ đến nhà tôi ăn cơm. Những bữa ăn như vậy, gia đình thật đầm ấm. Rồi đến kỳ lãnh lương, tôi kêu thợ đến xây dựng cho mẹ tôi một mộ bia thật tươm tất, có lộng cả hình bà nữa. Nhân lúc thấy tôi vui vẻ sau bữa cơm chiều, mấy đứa con đều ra ngoài hẻm chơi đùa với các em cùng xóm, Mai hỏi:
- Gặp lại anh khá lâu rồi nhưng em vẫn không biết anh có hoài vọng gì ở tương lai?
Mắt nhìn xa xăm, tôi nói vào khoảng hư vô:
- Anh ước ao, mơ mộng thì nhiều lắm, nhưng không phải cho bản thân anh mà cho những trẻ em mồ côi, những kẻ tật nguyền, những người kém may mắn. Nếu xoa dịu được phần nào nỗi đau thường ngày của họ, anh rất vui sướng và hạnh phúc.
Câu trả lời không đi thẳng vào "vấn đề" này càng làm Mai nóng nảy.
- Em muốn hỏi trong tương lai anh có nghĩ gì về chuyện lập gia đình không?
- Lập gia đình à? - tôi nhìn Mai ngượng ngùng. Anh không còn nghĩ tới. Từ khi xa em, tình yêu anh dành cho em vẫn còn nguyên vẹn. Nhưng anh không dám mơ tưởng đến nữa. Thân anh què quặt, phải nhìn vào thực tế.
Thấy nét mặt của Mai không mấy hài lòng, tôi đánh trống lãng:
- Thôi mình quên chuyện đó đi. Có một điều anh muốn nói với em là tình yêu anh dành cho em đã biến thành một tình yêu khác. Đó là các em mồ côi, anh rất vui sướng khi thấy chúng có nơi ăn chốn ở, được học hành. Anh xem chúng là con của mình, khi một đứa bị đau, anh tận tình chăm sóc nó và cùứ nghĩ đó là con của hai đứa mình, thế là hạnh phúc lắm rồi.
Nghe xong, Mai cảm động nói:
- Lòng nhân nơi con người quí hơn lòng từ thiện, nhưng ở anh có cả hai. Em càng quí anh hơn.
- Thật ra anh cũng không xứng đáng gì. Vì không thể yêu em bằng tình yêu bình thường, anh hướng về tình yêu tha nhân. Trong thời gian xa vắng em, anh dành trọn tình yêu cho các em nhỏ này.
Nghe tôi nói vậy, Mai nhìn tôi mạnh dạn:
- Em rất vui sướng cùng anh, chúng ta chung lưng đấu sức hàn gắn, kết vá những nỗi đau của những trẻ em mồ côi bất hạnh đầy rẫy trên mảnh đất thân yêu này và những người cơ cực khốn cùng khác.
Tôi nhìn Mai xúc động, Mai cũng có một trái tim lớn như tôi. Tôi sung sướng ôm Mai vào lòng, hôn lên má một nụ hôn thật nồng nàn. Tôi ngây ngất một hồi rồi mỉm cười nhìn Mai lập lại một câu danh ngôn bất hủ của một nhà văn Pháp:
- Yêu là cùng nhau đi trên con đường và cùng nhau nhìn về một hướng.
Mai vui sướng nhìn tôi, đọc khe khẻ mấy câu thơ đã thuộc từ lúc còn đi học:
- Trái tim ngừng trong một lúc vô biên. Thời gian hết, đất trời không có nữa... Em lúc ấy nhìn anh như lệ ứa. Êm ái như trong gió có mùi hương. Trong mắt anh, em tưởng thấy thiên đường. Ôi hạnh phúc! Em gục đầu nhắm mắt...


* * *


Hai tháng sau, đám cưới của chúng tôi được tổ chức thật tưng bừng, trong không khí nửa Á, nửa Âu. Ba và em Mai bên kia nửa quả địa cầu cũng vội vàng tranh thủ bay về vui mừng cho cuộc hôn nhân "độc nhất vô nhị" này. Có thể nói là một "thiên tình sử" vì cuộc tình kéo dài từ thời học trò cho đến lúc tôi và Mai đã trên 40 tuổi, cái tuổi mà người ta gọi là "tứ thập như bất hoặt". Đúng là một phần tư thế kỷ còn gì? Số người tham dự gồm đủ thành phần trong xã hội. Đây là một cơ hội cho các em mồ côi, những người tàn tật bạn tôi được mặc quần áo đẹp nhất (tôi và Mai sắm cho) vì từ lâu rồi tất cả chưa bao giờ được ăn mặc đẹp như thế này, nằm mơ cũng không thể thấy được.

Trước khi lên đường về lại Hoa Kỳ, ba Mai muốn gặp riêng tôi và Mai. Ông đi thẳng vào vấn đề:
- Bây giờ ba muốn biết ý hướng làm ăn, kinh doanh của hai con. Nếu được ba sẽ giup đỡ.
Tôi còn rụt rè chưa dám nói ý định của mình vì sợ ông không hợp ý hay phật lòng, Mai dành lời:
- Thưa ba, ảnh sẽ phụ bán hàng điện tử với con là đủ rồi. Nhưng có một chuyện chúng con cũng muốn nhờ ba phụ giúp cho một tay mới mong thành tựu được nhưng sợ nói ra ba không tán thành.
Ông cười dễ dãi và nói:
- Tụi con cứ thật lòng. Nhưng mọi việc phải hợp đạo lý ở đời mới bền được các con ạ.
Nghe tới đạo lý, tôi liền vui vẻ trình bày:
- Thưa ba, chúng con có một ý nguyện muốn giúp những trẻ em mồ côi, không nhà, không cửa, những người tứ cố vô thân, bị hất ra ngoài lề xã hội bằng ý định xây một căn nhà tình thương.
Ngẫm nghĩ một hồi, ông mới chợt hiểu ra:
- Hèn chi trong đám cưới, ngoài những khách bình thường ba còn thấy đủ mọi thành phần: trẻ mồ côi, người già cả, kẻ tàn tật...
Ông mỉm cười nói tiếp:
- Thật tình trong lòng ba cũng có ý định giúp người nghèo khó từ lâu, nhưng ở Hoa Kỳ ba chỉ có thể cúng chùa tạ ơn Trời Phật đã độ cho gia đình mình. Bây giờ nghe hai con có ý định tốt như vậy, ba rất hoan nghênh và vui sướng cộng tác với hai con. Phải nói là "tư tưởng lớn thường gặp nhau" là vậy. Mọi chuyện ba đặt tin tưởng ở hai con, ba chỉ có khả năng vận động bên ngoài và ủng hộ về mặt tài chánh mà thôi.
Sau khi đưa tiễn chồng và con trai về lại Hoa Kỳ, trong bữa cơm chiều mẹ Mai thuật lại cho con gái và con rể nghe những lời tâm sự của chồng:
- Anh thật hài lòng và mãn nguyện vì có được thằng rể ngoài sức mình mong muốn. Nó không những là một người có nhân cách mà còn đôn hậu, đạo đức và nhất là có lòng yêu thương người khác hơn bản thân mình. Điều đó khó có lắm. Cuộc đời này rồi cũng qua đi thôi em ạ, chẳng còn gì và cũng chẳng mang theo được gì. Hãy giúp các con mình ra sức giúp đời, giúp xã hội trong cơn khốn khó với khả năng mình. Ấy chính là lúc mình thật sự được hạnh phúc. Em ở nhà cũng nên gắng sức phụ họa với các con được phần nào hay phần ấy.
Bà rất mừng vì tất cả đều trùng hợp, lòng thành tâm nguyện như nhau. Nét nhân hậu thể hiện ngay trên gương mặt của bà. Không phải vì lời khuyên của chồng mà trong cuộc sống thường nhật, bà cũng thường hay làm việc thiện, giúp đỡ người nghèo. Và, kể từ nay bà còn có thêm lý do để giúp những người tàn tật, đặc biệt là thương phế binh, những người như con rể mình đã hy sinh một phần thân thể cho hạnh phúc và sự bình an của chính gia đình bà và những người khác.
Về phần tôi, tôi đi đi về về giữa hai nhà cũ và mới, nhưng trên thực tế tôi đã dọn về nhà của Mai và để lại căn nhà cũ cho các "con" tôi ở. Tôi cũng xin nghỉ làm ở gara anh Bảy và giới thiệu một anh phế binh khác thay tôi vào chỗ rửa xe. "Thằng con" lớn của tôi, Dũng, bây giờ trông lớn hẳn, có lẽ sớm lăn lóc với đời, nó có vẻ "già đời" hơn những bạn đồng lứa. Nhiều lúc tôi phải ngạc nhiên về những dự tính và chọn lựa của nó cho các em. Dũng kiếm được một việc làm ở lò bánh mì, nó đi làm từ sáng sớm trưa về nhà ngủ rồi buổi tối thay tôi dạy kèm các em nhỏ. Mấy đứa "con gái" lớn cũng ngoan, bây giờ nét đẹp tự nhiên đã trở lại trên gương mặt. Chúng không muốn đi lượm bao ny lông hay bán vé số dạo nữa, tôi đã giới thiệu chúng đi học may ở một vài cơ sở tư nhân để có một nghề. Cũng may là lúc này hàng gia công nhiều nên chúng cũng có một đồng lương nho nhỏ gọi là, tôi cũng đỡ lo. Lúc này thành phố đang phát triển một cách cuồng vọng, những thú vui vật chất và xác thịt cám dỗ trẻ vị thanh niên rất nhiều, tôi rất lo nhưng nhờ có "anh hai" Dũng, các em rất sợ và nghe lời anh vì không thể giấu giếm hay qua mặt được.
Tôi dành gần như toàn bộ thì giờ cho những dự tính của mình, nào là nghiên cứu mặt bằng, địa điểm xây dựng, giá cả đất đai, vật liệu xây dựng, lương nhân công, v.v... Với công trình đơn giản nhưng đầy đủ tiện nghi do các kiến trúc sư là bạn bè thiết kế giúp đỡ: khu nhà sẽ lợp ngói đỏ, chung quanh có hàng rào và được trồng cây để gây bóng mát, bên trong có nhà ăn, nhà ngủ, nhà vệ sinh, phòng tắm, nhà bếp, khu giải trí có tivi, đầu máy chiếu phim ảnh, phòng đọc sách. Đặc biệt là một dãy phòng học, mỗi phòng được trang bị tủ bàn ghế sẽ do các anh em phế binh đóng cho các em học tập. Thêm vào đó là một khu vườn trồng trái cây, một ước mơ mà tôi ôm ấp lúc còn là một đứa trẻ ở Quảng Ngãi. Gia đình các anh em phế binh sẵn sàng tham gia vào lực lượng xây cất, các chị vợ hứa sẽ đến ủng hộ nấu cơm trưa. Còn Mai thì phụ trách liên lạc với các nhà thầu cung cấp vật liệu và đã được nhiều giá phải chăng.
Theo dự trù, mặt bằng là một miếng đất rộng cạnh bờ sông ở cầu Bình Triệu. Trước đây là một hãng cưa xuất khẩu nhỏ nhưng hết nguyên vật liệu đã đóng cửa từ lâu. Chúng tôi cũng sợ người ngoại quốc, nhất là Hoa kiều, vào Việt Nam mua đất rất nhiều, nhưng nơi đây xa các vùng thị tứ và trục lộ giao thông và hơn nữa xưởng cưa này nằm trên một bãi lầy nên giá đất cũng tương đối rẻ vì ít ai để ý. Gọi là rẻ nhưng rất đắt đối với chúng tôi, người ta tính giá đất bằng vàng. Về điểm này, gia đình Mai tận tình giúp đỡ và lo các thủ tục giấy tờ.
Nhìn các bản thảo, công trình xây cất bày la liệt trên bàn, lòng tôi tràn ngập niềm vui. Tôi âu yếm nhìn Mai:
- Em học sư phạm nên anh xây trường cho em dạy học đó.
Mai cũng lém lĩnh đối lại ngay:
- Anh học chính trị kinh doanh nên lập dịch vụ tình thương chứ gì?
- Ờ, anh kinh doanh tình thương đấy.
Cả hai cùng cười sung sướng.


* * *


Cuộc đời tôi đến đó tưởng như đang trên thiên đường hạnh phúc ở trần gian, nhưng có ai học được chữ ngờ. Tai ương vẫn rình rập để vồ dập tôi. Không biết ai đã tố cáo tôi là thành phần cựu sĩ quan "ngụy" trốn học tập vào Sài Gòn, đang có "âm mưu liên lạc với các phần tử phản động nước ngoài lập cơ sở chống lại nhà nước xã hội chủ nghĩa".
Một buổi chiều thật bình thường, hai chiếc xe chở đầy công an đậu trước cửa nhà của Mai trên đường 3 tháng 2, chận các cửa ra vào. Một tốp đứng chận ngoài cửa, một tốp khác vào xét hỏi khách đến mua hàng điện tử, mẹ của Mai và hai vợ chồng tôi, tốp còn lại đi thẳng vào nhà trong và đi lên lầu lục soát tất cả đồ đạc, tịch thu toàn bộ hồ sơ xây cất và thư từ của tôi, trong đó có các thư do ba của Mai, bác sĩ Phan Minh Hiển và các hội đoàn từ thiện hải ngoại gởi cho tôi.
Sau bốn tháng bị biệt giam tại một địa điểm gần Tân Sơn Nhứt, tôi được thả ra và phải trình diện công an phường mỗi tuần một lần. Thỉnh thoảng đội công an chính trị PA18 đến chở tôi đến bộ tổng tham mưu cũ ở đường Huỳnh Hữu Bạt để thẩm vấn. Thật là mỏi mệt, những cuộc thẩm vấn chỉ xoay quanh vấn đề tại sao tôi được cộng đồng người Việt hải ngoại giúp đỡ và tại sao tôi có ý định xây dựng một ngôi nhà tình thương. Chế độ này không tin rằng trên đời này có lòng nhân đạo, họ nghi ngờ tất cả. Đối với họ giúp người nghèo khổ trong nước là có mục đích chính trị. Nếu không xuất phát từ chính quyền cộng sản, tất cả hoạt động từ thiện tư nhân trong nước đều là phản động. Lý luận thật đơn giản.
Tôi thật buồn phiền. Buồn phiền vì đã làm phiền gia đình vợ tôi, mà còn làm phiền cả bạn bè, thân hữu cùng chia sẻ giấc mơ với tôi, trong đó có các ân nhân tại hải ngoại.
Một hôm đang đạp xe thơ thẩn đi trên đường, tôi vô ý quên cột chặt chiếc chân giả nên lúc xe đổ dốc xuống cầu Tân Định, chiếc chân giả sút dây làm tôi lảo đảo. Tôi lật đật thò tay xuống chụp chiếc chân giả thì chiếc xe bị mất thăng bằng làm tôi bị té xuống đường, chiếc xích lô đằng sau lố trớn thắng không kịp cán bừa lên người tôi cùng hai hành khách ngồi trên đó, kéo tôi đi năm mười thước rồi mới dừng lại vào lề xi măng bên đường. Mọi người đều té xuống đất nhưng riêng tôi thì bị nặng hơn cả.

Tiếng người hai bên đường và hai hành khách trên xe xích lô la lên ơi ới. Chiếc chân gỗ của tôi văng ra giữa đường. Vết thương nơi chân phải bị cưa ra máu trở lại, khúc xương từ lâu đã lành giờ làm tôi đau nhức trở lại. Hai bàn tay của tôi trầy trụa, đất cát trên đường ghim vào da rát quá. Cũng may là tôi còn tỉnh táo, dân chúng hai bên đường và hai hành khách trên xe đỡ tôi dậy và chửi mắng anh đạp xích lô, đòi kêu công an lại. Một em nhỏ lượm khúc chân gỗ mang lại cho tôi, thật là cảm động.
Tội nghiệp anh đạp xích lô, đùi anh cũng bị chảy máu, mặt mày sợ sệt, chiếc xe của anh cũng méo mó quẹo càng, bánh xe bị cong như hình số 8. Thấy anh vội vàng chạy đến, tôi liền khoác tay nói không sao và cố gắng chống tay từ từ đứng dậy. Chính anh xích lô sau đó dìu tôi lên xe chở về nhà cùng chiếc xe đạp và Mai đã đưa tôi đi cấp cứu tại Bệnh Viện 115 gần nhà.
Từ đó tôi ngừng mọi hoạt động và im lặng, số phận không mỉm cười với những người cùng khổ. Tôi cần một thời gian nghỉ ngơi để suy nghĩ về mình và về thân phận những từ dưới vực sâu muốn vươn lên vùng ánh sáng. Thiên đàng không có thật trong chế độ này.
Một giấc mơ bị tan vỡ!

Viết lại theo lời thuật của Huyền Trang,
phế binh Dù, cụt chân phải.

User avatar
phu_de
Posts: 2917
Joined: Sun Nov 28, 2004 10:57 pm
Has thanked: 7 times

Post by phu_de »

Những Mảnh Đời Rách Nát
Nguyễn Văn Huy - Phan Minh Hiển



Chương 14: Sáng tác văn nghệ của anh em thương phế binh


1. Thơ ...

Tưởng nhớ

Ngàn thu cách biệt sầu mong nhớ
Tưởng đến ngôi sao sáng rực trời.
Nào ai biết được tượng vong kiến?
Khát vọng dân hiền ngẫn chờ mong.

Sao Mai lấp lánh muôn ngàn vọng,
Mờ nhạt hùng khí của ngàn xưa.
Sao Hôm chiếu sáng tận non cao,
Chiếu đến thuở nào người tiếp khí.

Ngàn thu vĩnh biệt ngàn nhung nhớ,
Nhớ thuở ban đầu vàng cánh mai.
Rửa lon, súc rượu ồn tiếng reo
Hùng chí nam nhi ra chiến trường.

Sao rơi cánh rụng vùng núi thấp
Khan tang vội chít ngày đưa tiễn
Tưởng nhớ người xưa trên bàn thờ
Đàn con tiếp nối trước bơ vơ.

Diệp Tử
---------------------------------------------

Mùa xuân chết

Bao năm khắp nẻo non sông,
Tôi là sương gió long đong suốt đời.
Mùa xuân khói lửa ngất trời,
Hồn thiêng sông núi vọng về âm ba.
Bao năm áo trận nhạt màu,
Giờ chỉ còn lại thân tàn ngồi đây.
Bao năm dài tám ngàn ngày,
Mộng mơ phủ kín sông dài núi cao.
Những mong chờ đón thanh bình,
Gối đầu ác mộng, thức dậy giữa khuya.

Ánh Quang
--------------------------------------------------
Uẩn khúc

Ai ra đi không mang nỗi nhớ?
Uất nghẹn này ghi khắc lòng sâu.
Ai hay hát bài ca cứu quốc,
Ngựa sa trường không dễ gục đâu.
Ai thường uẩn khúc ngày quê hương,
Nỗi hận này quyết phải gột phai.
Ôi cảnh đời giận tím tim gan,
Kiếp tôi đòi gắn chặt nhân gian.
Nơi chốn xa xăm người có biết,
Ở đây nước mắt khó lau khô.
Chờ mãi ngày mai không thấy tới,
Đành cuốn theo những ngày tháng năm.

Trường Hận
------------------------------------------------

Bạc cuộc đời

Một mai tóc xỏa bờ vai mỏng,
Em là gái tuổi còn ngây thơ.
Gặp anh chiến sĩ ngàn biên ải,
Xứng đôi hai kẻ sắc cầm duyên.

Khả ái, lai nhi khí tương phùng,
Hỉ xả, í ái ngộ loan phụng.
Tương thân tương ái xây tổ ấm,
Góp sức cơ đồ lại giang sơn.

Nào ngờ chinh chiến lại bùng lên,
Lòng lang dạ thú quân cướp nước.
Sát khí ám lạnh vây quanh mình,
Giết hại toàn dân lắm lắm thay.

Tang thương chết chóc tràn ngập lối,
Nàng son sắc trở thành góa phụ.
Khăn sô tang trắng khóc thương chồng,
Lệ sầu đổ xuống đầu con trẻ.

Ê a khóc mẹ, mất cha rồi,
Mộ anh xanh cỏ, con thơ ngây.
Cô đơn thất thểu xác không hồn,
Đà Nẵng chút tình thương tưởng tiếc.

Anh hùng áo trận gục sa trường,
Ngàn đời sau vẫn nhớ tên anh.

Kiếp Bạc
------------------------------------------------

Nợ đời

Cơm cha áo mẹ ơn thầy,
Cả đời mắc nợ trả ngày nào xong?
Nợ bà ủ ấm đêm đông,
Trưa hè oi ả quạt nồng bà ru!

Nợ ông hoa quả ngàn thu,
Bao hương khoe sắc vi vu đất trời.
Nợ anh bao chuyện trên đời,
Nợ chị biết mấy những lời khuyên răn.

Em còn nợ bạn bè quen,
Vẩy tay hẹn gặp dù rằng gian truân.
Em còn nợ cả thế nhân,
Làm sao trả hết nghĩa ân trên đời?

Thân Côi
------------------------------------------------

Vết chân tròn

Anh lần bước vết chân tròn nghiêng bóng,
Ánh hoàng hôn chệnh choạng dáng anh về.
Vài tia nắng rớt rơi buồn thấp thỏm,
Còn lại đây nạng gỗ vết chân tròn.

Lãng Tử
------------------------------------------------
2. Nhạc …


Ơn này xin nhớ

Này các bạn ơi, hãy lắng nghe tôi kể câu chuyện này:
Rằng có một người đang trên đường khai phá,
đi tìm sự sống cho con người, bị vùi dập trong nỗi khổ đau.

Đào Nguyên Hương

Điệu 2/4.
Hòa âm guitar: Am, F, Am, F, Dm, Am, F, C, F, E7, F, F, AM
Am, DM, G, E7, F, G, Am, F, AM, F, DM, Am, F, C, E7, Am

1. Trong những lúc gian nan,
Anh đến gần bên kề vai chia sớt,
Anh đến bên tôi địu dàng an ủi.
Anh đến bên tôi trong tin yêu rực sáng,
Anh khẽ bảo rằng:
"Trên hành trình ta phải dũng mãnh bước đi".

Vùng dậy bước đi hiên ngang
Trong cuộc sống phế nhân đọa đày.
Một lòng vững tin kiên trung
Trên bước đường đùm bọc anh em.

Trên bước sống xông pha, ta
Kết chặt nhau cùng chung tâm huyết
Khai phá cho ra, đi tìm cái sống
Ta đến với nhau trong chí cao vùng vẫy
Duy nhất ước nguyền ta phải được thành công.

2. Trong những lúc thương đau,
Anh đến gần bên tận tình ưu ái,
Anh đến bên tôi nhiệt thành cứu giúp.
Anh đến với tôi trong con tim rực cháy,
Anh khẽ bảo rằng:
Trong cuộc đời ta phải dâng hiến hy sinh.

Vùng dậy trái tim thương yêu
Tuôn nhựa sống thiết tha dâng tặng
Tràn ngập đến cho anh em
Trong cơn hoạn nạn dập vùi khổ đau.

Trên bước sống xông pha, ta
Kết chặt nhau cùng chung tâm huyết
Khai phá cho ra, đi tìm cái sống
Ta đến với nhau trong chí cao vùng vẫy
Duy nhất ước nguyền ta phải được thành nhân.

Đào Nguyên Hương

------------------------------------------------
3. Vọng cổ …

Buồn trong kỷ niệm

(sáng tác tại Tổng Y Viện Cộng Hòa, KBC 4600, ngày 15-12-1965)


Tao đàn:
Ông xanh sao lại khéo cơ cầu
Tạo chi cuộc thế lắm biển dâu
Bạn bè ly tán vì tranh chiến
Thảm cảnh tương tàn nhục non sông.


Nói lối:
Thây Lý đã vùi sâu lòng đất Quảng
Máu ngỡ đỏ loang quận Đức Hòa
Cầu Tràm thuở ấy vùi bao bạn Chợ Trạm chôn rồi xác Thắng, Nu.


Vọng cổ:
Thế nhân ơi! Tôi biết tìm đâu ra bóng ngày qua trong dĩ vãng. Khi mảnh tâm tư giờ đây đã chết nghẹn ý đau... buồn. Bão tố, cuồng phong đã lịm kín linh hồn. Bốn bức tường vôi lạnh lùng nơi y viện, nào khác cỗ quan tài tang lịm kẻ phế nhân. Rảo mắt nhìn gian phòng rồi nhìn lại xác thân. Ôi, còn đâu nữa mảnh hình hài, nửa thân mình trả nợ cho ai kia? Nửa mảnh còn đây như gói trọn cả tâm tình mai mỉa.
Trong kỷ niệm, tôi đã khóc thương cho đám bằng hữu bạc phần vắn số. Thì nay tôi lại khóc cho một đời trai bị vùi chôn trong suối lệ muôn... đời. Hiện tại quá chua cay, dang dở cảnh khóc cười. Ngược bước không gian trở về nơi dĩ vãng, tôi thấy lòng mình càng tê tái xót xa. Kỷ niệm năm nào muôn thuở khó phôi pha dù năm tháng cố chất chồng màu quên lãng. Chiến cuộc sao bạo tàn cay đắng nỡ cướp nơi thân này phần thể xác thân yêu.


Nói lối:
Thế nhân hỡi, đừng mỉa mai đời trai thời chinh chiến
Trắng công danh và trắng cả chuyện ân tình
Trót gởi đời mình cho kiếp chiến chinh
Trong khói lửa mảnh hình hài không trọn ven...


Vọng cổ:
Tôi sẽ lịm kín thương yêu vào buồng tim nứt rạn và chôn lấp quảng ngày qua vào tận đáy tâm hồn. Kiếp sống ngày nay là số kiếp đoạn... trường. Bao ước vọng héo tàn theo thể xác, lối hồi hương lạc mất kể từ đây. Oán hận ai chăng? Không, tôi chỉ tiếc sao tấm thân này không được nát giữa sa trường đạn lửa để tôi mãi yên thân nơi lòng đất lạnh và khỏi phải đau đớn trong những đêm đông giá buốt lạnh lùng.
Còn đâu dư ảnh ngày qua với những chén men cay đậm đà tình tri kỷ. Những hình ảnh cuồng loạn vui tươi đã ghi lại lòng tôi niềm nuối tiếc khôn... cùng. Tôi ngỡ buổi trùng hoan sẽ cạn chén tương phùng. Nào hay đâu chưa tàn cơn binh lửa, thể xác này đã chuốc lấy tang thương. Còn ai để thủ vai loạn tướng Sầm Hưng, đoạn thủ cấp cho Phạm Công về dâng nạp . Cũng như vĩnh viển tôi không còn diễn xuất được những vở bản ca sâu sắc trữ tình.
Thế nhân ơi! Trong giây phút lạnh lùng tẻ ngắt, đừng bao giờ nhắc đến tên Trương. Một thể xác đã tàn phế bi thương, một kiếp sống đầy ê chề tẻ... nhạt. Đám bằng hữu năm xưa, nay kẻ còn người mất. Cuộc sinh thừa đầy chua chát đắng cay. Biết bao giờ rủ sạch nợ trần ai, hay mãi mãi kéo lê kiếp đời vô vọng. Chịu đau đớn dày vò trong kiếp sống, để buồn thương xé vụn cả tâm hồn.


Nói lối:
Thân cát bụi mong trả về cho cát bụi
Đời gió sương hãy trả lại cho kiếp gió sương
Ra đi lạc lối hồi hương
Ngày về vô vọng đau buồn chứa chang.


Chép lại theo trí nhớ của thương phế binh
Phan Ngọc Trương

User avatar
phu_de
Posts: 2917
Joined: Sun Nov 28, 2004 10:57 pm
Has thanked: 7 times

Post by phu_de »

Những Mảnh Đời Rách Nát
Nguyễn Văn Huy - Phan Minh Hiển


Chương 15: Thay lời kết


Thưa quí vị ân nhân,
Thưa quí vị trong giới truyền thông,

Chương trình cứu trợ thương phế binh Việt Ham Cộng Hòa, phát động từ cuối 1993 đến nay đã đạt nhiều thành quả tốt. Ngoài mục đích vật chất là giúp các anh em thương phế binh bị cụt chân tay có một phương tiện di chuyển dễ dàng hơn trong việc sinh sống, chương trình còn có mục đích tinh thần là mang lại nhân phẩm cho người bất hạnh.

Ước muốn giúp đỡ các anh em phế binh tại Việt Nam trong hoàn cảnh khó khăn tại Việt Nam đã đến với tôi từ rất lâu, nhưng mãi đến gần đây tôi mới có điều kiện thực hiện ước nguyện đó. Đời sống và danh dự của các anh em phế binh trong nước không ngừng ray rứt tâm tư của tôi khi mỗi ngày tôi cảm thấy mình đã được cuộc sống dành cho quá nhiều may mắn. Tâm trạng này, theo tôi, cũng là tâm trạng của rất nhiều người Việt Nam khác hiện đang định cư tại hải ngoại. Không ai có thể yêu quê hương đất nước mà không yêu chính đồng bào ruột thịt của mình, nhất là những người đang bị thua thiệt trong cuộc sống. Cũng như trong một gia đình, đứa con bị tàn tật càng phải được dành cho nhiều thương yêu và đùm bọc hơn nữa. Những anh em này đã hy sinh một phần thân thể của mình để bảo vệ miền Nam thân yêu cho gia đình tôi, và nhất là bản thân tôi, cũng như cho nhiều người khác có cuộc sống yên ấm trong suốt cuộc chiến vừa qua. Đền ơn đáp nghĩa những ân nhân này là bổn phận và là trách nhiệm của bất cứ ai may mắn thoát ra nguyên vẹn sau một cuộc chiến đẫm máu như cuộc chiến tranh Việt Nam.


Ý tưởng này đã hướng dẫn tôi thành lập hội "Aide aux mutilés de guerre du Vietnam" (Hội cứu trợ những nạn nhân chiến tranh Việt Nam) hồi tháng 2 năm 1994. Với khả năng hạn hẹp của mình, tôi tự hứa sẽ gửi bằng mọi cách 100 xe lăn trong vòng hai năm cho những phế binh bị cụt hai chân tại Việt Nam. Và, chỉ sau khi thực hiện được tham vọng này, lương tâm tôi mới bớt ray rứt mỗi khi nhắc đến quê hương tổ quốc.
Sau khi trao đổi với bạn bè và thân hữu, nhiều người nói tôi là quá lý tưởng hoặc quá liều lĩnh. Lấy tiền đâu ra để làm chuyện này, biết ai là phế binh thiệt, ai là phế binh giả, ai là phế Việt Nam Cộng Hòa, ai là phế binh cộng sản, v.v... Đối với tôi, bất cứ người tàn phế nào cũng cần được giúp đỡ, nhưng trong khả năng và điều kiện hiện có tôi chỉ có thể lập kế hoạch giúp những anh em phế binh Việt Nam Cộng Hòa trước, kế mới đến những thường dân bị thương tật vì chiến tranh. Theo con số tôi biết được, hiện có hơn 40.000 phế binh Việt Nam Cộng Hòa đang còn sống trong nước, giúp được hết những anh em này đã là chuyện đội đá vá trời rồi, do đó không thể lo toan cho những hoàn cảnh khác.


Những tháng đầu tiên (tháng 12-1993 và tháng 1-1994), sau khi gởi tặng bốn xe lăn cho anh em phế binh bị cụt hai chân trong nước, tôi nhận được nhiều thư cảm ơn và xin giúp đỡ khác. Lời lẽ thống thiết trong các lá thư càng dục tôi tiến hành chương trình trên một qui mô rộng lớn hơn nữa vì một mình không thể cáng đáng hết. Cơ hội đã đến khi Nguyễn Văn Huy, một người bạn thân, có ý định phỏng vấn và giới thiệu chương trình cứu trợ phế binh Việt Nam Cộng Hòa trên báo Thông Luận (Paris), số tháng 5-1994. Sau đó, chính Nguyễn Văn Huy đã giới thiệu chương trình cứu trợ này đến các cơ quan truyền thông đại chúng Việt ngữ khác tại hải ngoại, từ đó chương trình được sự hưởng ứng mạnh mẽ của rất nhiều ân nhân ở khắp nơi trên thế giới, trong đó có cả cộng đồng người Việt tại Colombie, Châu Mỹ la-tinh. Kết quả đầy khích lệ này đã có được là nhờ sự tiếp tay đắc lực của rất nhiều hội đoàn thiện nguyện của người Việt tị nạn trên khắp thế giới, đặc biệt là tại Pháp, Bỉ, Canada, Hoa Kỳ và Úc. Tại mỗi nơi các hội đoàn này tự động tổ chức các buổi sinh hoạt gây quỹ để tài trợ chương trình cứu trợ thương phế binh tại quê nhà với những kết quả đầy khích lệ. Tôi xin được chia sẻ nỗi vui này với tất cả những người thiện tâm.
Vì là một chương trình nhân đạo nên chính quyền cộng sản, tuy có làm khó dễ một số thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa, cũng không thể cản trở sự giúp đỡ này. Chính phong trào này đã gây sôi nổi ngay trong nội bộ chính quyền cộng sản tại quốc nội. Từ tháng 7-1994, chính quyền cộng sản đã tung ra một chương trình qui mô nhằm giúp đỡ những người đã vì họ mà hy sinh: gia đình thương binh, liệt sĩ, các bà mẹ cách mạng có con hy sinh trong cuộc chiến. Có những người bị bỏ quên từ hơn 30 năm qua từ thời chống Pháp, hoặc gần 20 năm qua sau 1975, bổng nhiên được chính quyền lập danh sách tặng nhà cửa, tiền bạc hay quà cáp. Các ủy ban nhân dân thành phố, đoàn thanh niên cộng sản, hội phụ nữ... đã dùng báo chí trong nước làm ồn ào chương trình và tổ chức nhiều đoàn người đích thân mang xe lăn, nạng chống và tiền bạc đến tặng cho hơn 60.000 gia đình thương binh liệt sĩ của họ. Chương trình này không có gì đáng trách, nhưng sự giúp đỡ chỉ trong vòng đai thân nhân của đảng và chính quyền cộng sản. Những "căn nhà tình nghĩa", tiền bạc và quà cáp chỉ được tặng cho những người thuộc diện gia đình cách mạng hoặc có nhiều thành tích trong cuộc chiến tranh vừa qua. Những anh em bộ đội khác, bị cụt chân tay, vì là thành phần "nghĩa vụ" thấp cổ bé miệng không có vây cánh, không được nhắc tới; họ tiếp tục sống lây lất trong cảnh lầm than thiếu thốn như những anh em phế binh miền Nam cũ. Nhiều gia đình thương binh liệt sĩ còn bị chính những người trong chính quyền, những "đồng chí" cũ, tống tiền để hồ sơ mau được chiếu cố.


Có nhiều trường hợp, qua những lá thư chúng tôi nhận được, chính những anh em phế binh Việt Nam Cộng Hòa đã cưu mang những anh em phế binh từ chiến trường Kampuchea trở về. Họ đã đồng cam cộng khổ, chia sẻ với nhau từng niềm vui, nỗi nhục của kiếp ăn xin. Đây là những tấm gương cao cả. Trong sự đau khổ họ đã vượt lên trên sự thù hận để chia sẻ chỗ đứng bạc bẽo trong một chế độ mạnh được yếu thua. Hòa giải và hòa hợp không còn là những mỹ từ đầu môi chóp lưỡi, chính những anh em phế binh cũ đã thực hiện tinh thần hòa giải ngay trong cuộc sống, cho dù là cuộc sống nghèo hèn, với những anh em phế binh mới. Cũng xin nói thêm, trong cuộc chạy đua marathon bằng xe lăn tổ chức tại Sài Gòn hồi cuối 1994, những anh em phế binh miền Nam không thắng vì tuổi già sức yếu (đa số đã trên 40 tuổi), không tranh sức nỗi với anh em phế binh về từ Kampuchea, trẻ và khỏe mạnh hơn. Nhưng đây là một thể hiện độc đáo về tình anh em tìm lại.


Có người hỏi tôi có giúp bộ đội cộng sản tàn phế hay không? Trước khi trả lời, tôi xin thưa là dư luận trong nước rất thông cảm thảm trạng của những người tàn phế. Trong bối cảnh một xã hội tha hóa mà sự lường gạt, chụp giựt, mạnh được yếu thua là phong cách sinh hoạt, làm sao những người bị cụt chân cụt tay, có người bị cụt cả chân lẫn tay còn thêm mù cả hai mắt, có đủ điều kiện để tranh tìm miếng sống? Do đó chỗ đứng của đại đa số anh em phế binh là hành khất và, danh dự hơn, bán nhang, bán vé số dạo. Người trong nước không phân biệt ai là phế binh thời trước, ai là phế binh thời sau khi nhìn những thân xác què cụt đang bò lết trên khắp nẽo chợ xin ăn. Giúp thương phế binh là một vấn đề nhân đạo, đã là nhân đạo thì không còn màu sắc chính trị.

Trên thực tế, cho đến nay, trong hơn 10.000 đơn xin trợ cấp mà chúng tôi nhận được, chưa hồ sơ nào có xuất xứ từ quá khứ từ thành phần bộ đội cộng sản. Theo chỗ tôi biết, một là họ không biết có sự cứu trợ từ hải ngoại, hai có lẽ là do mặc cảm. Dù có xuất thân từ phía nào, đời sống của những anh em này đều tăm tối và tủi nhục.

Nhiều người chỉ trích tôi là ngây ngô, du học lâu năm không biết sự tráo trở của người cộng sản, họ là những người có tâm địa ma giáo, tráo trở... Tôi xin thưa, thà cho lầm một phế binh giả mạo còn hơn để một phế binh thật mòn mỏi đợi chờ hay chết tức tưởi vì không tiền chữa trị, chúng ta không có quyền bức tử các thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa lần thứ hai.

Thật ra cũng có thể có một số hồ sơ giả mạo để xin tiền trợ cấp nhưng, theo chỗ tôi biết, cho đến giờ này chúng tôi chưa gặp. Hơn nữa, những đại diện của chúng tôi trong nước, đa số là những nạn nhân của cộng sản, khi xét duyệt và gởi sang đây hồ sơ những người cần được cứu trợ, chúng tôi tin rằng đó là những hồ sơ đáng tin cậy. Mỗi hồ sơ thường có đính kèm đầy đủ chứng từ, chứng thương và hình ảnh mới nhất của người thương binh.


Tại hải ngoại, một ân nhân muốn giúp một phế binh thường xin chúng tôi gởi trước cho họ hồ sơ và lý lịch người đó (với tất cả hình ảnh, giấy chứng thương và chứng từ) sau đó mới quyết định giúp. Có người còn mang cả hồ sơ về trong nước quan sát tận mắt rồi mới giúp, và sự giúp đỡ này thường cao hơn số tiền mà chúng tôi dự trù. Về việc trao tặng xe lăn, chính đại diện của chúng tôi trong nước, sau khi đã nhận tiền trợ cấp từ hải ngoại, đặt mua xe lăn sản xuất trong nội địa rồi đích thân mang đến tận tay người nhận, do đó khó có thể có sự "thất thoát" hay nhầm lẫn, vì người này có quyền rút lại quyết định trao tặng nếu phút chót thấy không đúng đối tượng. Về hồ sơ xin cấp tiền, chúng tôi gửi bưu phiếu đích danh người phế binh cần sự giúp đỡ, những ai mạo nhận không thể lãnh thay. Nói chung, việc xét duyệt và cấp phát có những điều kiện bắt buộc của nó, khó có thể có sự gian lận. Đây là một vấn đề kỹ thuật.


* * *

Đời sống của những anh em phế binh như thế nào? Tôi xin mạn phép đưa ra một vài hình ảnh.

Về trường hợp những anh em phế binh cụt hai chân, trước đây có người phải di chuyển trên hai ghế đẩu, có người phải cột hai mảnh vỏ xe hơi cũ nơi vết thương, từ sáng đến tối lê lết từ đầu đường này đến xó chợ nọ để xin ăn, tối đến trải giấy báo ở một góc nào đó trước một căn nhà để ngủ qua đêm. Họ đã chịu đói, chịu lạnh từ ngày này qua tháng nọ. Có người tìm về các nghĩa trang để ngủ. Ranh giới giữa người chết và người sống đối với họ không có gì là cách biệt, họ đã sống như những người chết trong suốt thời gian qua. Cuộc đời đã hắt hủi họ. Hai mươi hai năm qua, đối với những con người bất hạnh này, không phải là một cơn gió thoảng. Nghèo khó, đau khổ và tủi nhục đã tích tụ thành những lớp chai trong tâm khảm và trên thân thể họ. Nay đến lúc chúng ta cạy phá để nụ cười nở lại trên những vành môi khô héo, dù có muộn màng.

Bị thương tật vì chiến tranh không phải là một tội lỗi, vậy mà họ đã sống như những tội phạm trong suốt thời gian qua. Sau ngày 30-4-1975, những anh em phế binh đang còn nằm điều trị bị đuổi ra khỏi các quân y viện. Nhiều anh em đã phải dùng lại những cuộn băng rách nát để băng bó các vết thương chưa lành, có người đã chết sau đó vì thiếu thuốc trụ sinh hay vết thương bị nhiễm độc. Trước kia, nếu có ai mạo muội ân cần thăm hỏi họ, lập tức người đó sẽ bị công an hạch hỏi, tình nghi cấu kết với "tàn dư Mỹ Ngụy". Hiện nay những con người xấu số này, mỗi khi có mặt ở đâu thì bị người ta xua đuổi đến đó, có khi còn bị đánh đập hay thóa mạ tục tằng. Người ta quên rằng chính những người mà họ đang xua đuổi đó đã bỏ một phần thân thể để cho hôm nay họ được bình yên vui sống. Thử thay đổi chỗ đứng, họ là những phế binh, liệu có đủ kiên nhẫn chịu đựng những lời thóa mạ và khinh miệt đó không?

Trước sự bạc đãi của đồng loại, các anh em phế binh chỉ còn một cách là tương thân tương trợ lẫn nhau. Họ thường mỉa mai nhắc lại một câu phong dao xưa "lá lành đùm lá rách" nhưng chỉ thay một chữ thành "lá rách đùm lá rách". Chúng ta thử tưởng tượng trong cảnh trời mưa tầm tã, những anh em phế binh cùng nhau chia đĩa cơm thừa. Họ dùng bữa cơm chan hòa nước mưa cùng nước mắt, đó cũng là những bữa ăn thường ngày. Mặc cảm đã đưa họ đi khá xa, nhiều anh em sẵn sàng phản ứng lại những ai khinh họ ra mặt. Chúng ta nên thông cảm. Đó là ngón đòn tự vệ cuối cùng của những người không còn gì để mất.

Cái chết có lẽ là ám ảnh mạnh nhất đối với người phế binh. Nhiều người đã viết cho tôi nói rất muốn được chết cho nhẹ gánh đời nhưng không được, họ còn mẹ già phải nuôi, đàn con thơ cần được che chỡ. Có anh nói nếu chẳng may bị chết bất tử, gia đình cũng không có tiền để mai táng. Có người muốn tự tử bằng độc dược nhưng không đủ tiền để mua và mua cũng không ai bán... Ai rồi cũng có ngày phải chết nhưng trong xã hội Á Đông, vai trò của người đàn ông trong gia đình rất là cần thiết cho dù chỉ còn là biếu tượng. Hơn nữa các anh em phế binh này phải sống để làm chứng nhân về sự tàn ác của con người đối với đồng loại.

Có nhiều người vợ phế binh đã cật lực ngày đêm thay chồng nuôi con, đã lao lực kiệt quệ đến chết, để lại cho người chồng tàn phế một đàn con bơ vơ trước một tương lai đen tối. Có những mẹ già, không quảng nắng mưa, ngày đêm gánh gồng ra chợ mua bán nuôi con trai bị tàn tật và đàn cháu nhỏ. Nếu muốn tìm những tấm gương yêu thương và chịu đựng, thật khó ai so bì với những người đàn bà cao cả này. Cuộc sống của họ chẳng có gì là vinh quang chỉ toan là tủi nhục. Nước mắt đà chảy cho cuộc chiến vừa qua không ai đổ nhiều bằng những người mẹ này. Thêm vào đó là sự chịu đựng, họ đã chia sẻ với người con, người chồng tàn tật tất cả nỗi đau của cuộc đời. Đó là những đốm sáng trong một bức tranh đen tối.

Không! Lương tâm không cho phép chúng ta thờ ơ trước những cảnh đời đen tối đó. Không thể để những anh em phế binh này và gia đình họ tiếp tục bị đày đọa trong tủi nhục. Giúp đỡ họ, tìm cách đưa họ ra khỏi tối tăm là bổn phận của lương tâm. Nếu chúng ta đã từng biết câu "lá lành đùm lá rách" thì những "lá rách" này cần phải đùm bọc, an ủi trước hết và nâng đỡ họ sớm tìm lại danh dự trong cuộc sống. Chúng ta không thể tiếp tục để "lá rách đùm lá rách" như họ thường mỉa mai. Chúng ta không thể tiếp tục sống một cách dửng dưng như những ngày đã qua, nhất là những Việt kiều về thăm đất nước.

Tôi xin trích dẫn một đoạn trong thư vừa nhận được từ một phế binh: "Cái khổ của anh em chúng tôi không phải là đói lạnh, vì bản năng sống còn của con người giống như của muôn thú rất là mãnh liệt. Cái chua cay, tủi nhục là vợ chúng tôi phải đi ở đợ cho "giai cấp mới" không ra gì, con chúng tôi thất học, phải đi bới rác phụ giúp gia đình. Thảm trạng của chúng tôi, chúng tôi đã kêu trời trên 20 năm nay, nào có ai thấu? Nước mắt chúng tôi càng trào khi nhìn những Việt kiều đốt pháo cả trăm đô-la, và tiêu xài cả ngàn đô-la cho một đêm tiệc. Dường như các thế hệ sau này và các Việt kiều không còn muốn thấy những thân hình què chân, cụt tay, đui mù trên phố phường, làm ô nhiễm tầm nhìn của họ...".


* * *

Quí ân nhân kính mến,

Quí vị đã chia sẻ với chúng tôi chương trình cứu trợ thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa trong nước, quí vị đã dành dụm những số tiền nhỏ để làm lớn niềm vui của người bất hạnh. Quí vị đã từng đích thân về nước thăm hỏi và cứu trợ trực tiếp từng gia đình phế binh, quí vị đã nhìn tận mắt niềm vui chân thật của những con người mộc mạc, quí vị đã giúp họ những món quà quí báu. Đó là niềm vui và là niềm hãnh diện chung của người Việt Nam. Quí vị đã không quảng ngại khoảng cách, quí vị đã không hề thắc mắc về số tiền quí vị đã gởi chúng tôi khi ủng hộ chương trình. Những tấm lòng quảng đại đó không có ngôn từ và cách viết nào có thể diễn đạt đầy đủ. Tôi chỉ mượn lời của một cựu sĩ quan phế binh Việt Nam Cộng Hòa bày tỏ sự biết ơn đó:

"...Được thư quà của ân nhân, không sao cầm được nước mắt, cổ họng nghẹn ngào. Tôi quì xuống cầu xin Thượng Đế hãy trả công vô cùng cho những ai đã làm ơn cho chúng con. Những kẻ mà ở nửa vòng trái đất, không hề quen biết con. Họ đã yêu tha nhân bằng tình thương của đấng Thượng Đế ban cho họ, họ đã chia sẻ cho con mồ hơi, công sức của họ. Xin Thượng Đế hãy nhận những đau khổ của con hôm nay và mai sau, để biến thành những hạnh phúc và may mắn trả lại cho những an nhân đó".
Anh sĩ quan này, trong suốt 10 năm bị "cải tạo", đã bị liệt hai chân vì bị cùm quá lâu. Khi được thả về, anh đã lê lết khắp các thành phố tìm vợ tìm con, đã bị bắt lại và bị kết án 5 năm tù về tội "tình nghi làm gián điệp". Đến nay anh đã được tự do và đang hành nghề bán vé số dạo. Chiếc xe lăn do quí ân nhận tặng đang là nguồn hạnh phúc anh đã tìm được sau những năm tháng khổ đau mất tin vợ con. Đây chỉ là một trường hợp trong muôn vàn trường hợp. Còn nhiều trường hợp khác bi thảm hơn nữa. Nếu nói về nỗi khổ của những anh em thương phế binh, có lẽ phải cần nhiều quyển sách mới có thể diễn tả đầy đủ. Ở đây, chúng tôi chỉ muốn nói đến một chuyện mà thôi, đó là tìm cách xoa dịu những nỗi đau của những con người khốn khổ nhưng oai hùng này.


* * *


Hiện nay, dù ở bất cứ quốc gia nào trên thế giới, chúng ta đều mang ơn các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa. Đặc biệt là những anh em thương phế binh, họ là những chiến sĩ bảo vệ tự do và dân chủ cho miền Nam chẳng may bị mất một phần thân thể. Họ là những anh hùng cần được tuyên dương cho dù cuộc chiến đã tàn và bị các cấp chỉ huy hay đồng đội cũ bỏ rơi. Họ đã đối đầu với hiểm nguy trên chiến trường, đã anh dũng chiến đấu với kẻ thù, gương can đảm này cần phải vinh quang. Bất hạnh cho họ là đã dẫm phải một trái mìn hay lãnh một mảnh đạn pháo vào thân thể, tuy không chết nhưng tàn tật suốt đời: cụt chân, cụt tay, mù, điếc, điên hay bại liệt toàn thân... Giúp họ tìm lại niềm vui trong cuộc sống là trách nhiệm của những người còn may mắn như chúng ta. Nếu không đủ khả năng tài chánh quí vị cũng có thể giúp bằng cách viết thư an ủi họ, chúng tôi sẵn sàng cung cấp địa chỉ những người khát khao tình người, vì đối với họ mỗi lá thư thăm hỏi là một nguồn sinh lực mới giúp họ vượt lên mặc cảm bị bỏ rơi.

Tuy chưa biết nhau, nhưng chúng ta đã mến nhau và đang gặp nhau tại một điểm hẹn: xoa dịu nỗi đau của người khốn khó và thắp sáng tương lai đất nước. Chúng ta đang góp phần xây dựng hạnh phúc chung của dân tộc bằng hơi nóng tình người. Chúng ta phải hãnh diện và ngẩn cao đầu cùng với loài người. Tôi xin thay mặt một số anh em phế binh gởi đến quí vị đã tham gia chương trình cứu trợ lời cảm ơn chân thành, và cũng xin quí vị miễn thứ cho những người bị cụt chân, cụt tay và đui mù không thể viết thư cảm ơn và thăm hỏi, vì một lá thư gởi ra ngoại quốc trị giá bằng 4 ký gạo hay nhiều ngày ăn xin. Khi nhận một chiếc xe lăn hay một cặp nạng, người phế binh chỉ biết cảm ơn Trời Phật đã chiếu cố tới họ, vì bản thân họ chẳng có gì có thể đền đáp ơn cao cả đó của quí vị, kể cả tiền để gởi một lá thư, nhất là gia đình những anh em phế binh sống trong vùng thôn quê bị cơn bão Linda vừa qua tàn phá những mái nhà lá vốn đã xiêu vẹo.

* * *
Quí ân nhân kính mến,

Quí vị cùng chúng tôi đã đem lại một phần an ủi đến với các phế binh tại quê nhà. Chúng ta đã mang hết thiện chí và nhiệt tâm thực hiện một nguyện ước là giúp đỡ thương phế binh cụt hai chân. Chương trình đã gặp sự hưởng ứng nhiệt tình của quí vị ân nhân, chúng tôi bước thêm một bước nữa là giúp đỡ những thương binh bị cụt một chân và đui mù hai mắt và mất cả tứ chi, và sau cùng là giúp những đồng bào thiểu số mắc bệnh cùi hủi và trẻ em mồ côi tàn tật. Nói về thành quả, chúng ta đã có những thành quả tốt: hơn hai triệu quan Pháp cho năm ngàn hồ sơ (đó là thành quả của sáu hội đoàn: Hội Huynh Đệ Chi Binh và Tổng Hội Cựu Sĩ Quan Thủ Đức - Nam Định ở San José (Mỹ) hai hội ở Canada, một hội ở ĨÚc và Hội Cứu Trợ Người Tàn Phế Vì Chiến Tranh do tôi thành lập). Nhưng không vì vậy mà chúng ta tự cho phép mình được an nhiên.
Quí vị đã đến với chúng tôi từ lúc khởi đầu, chúng ta đã cùng đi một đoạn đường khá dài, nhân dịp này tôi khẩn khoảng xin quí ân nhân hãy tiếp tay đi với chúng tôi cho hết đoạn đường còn lại.
Hiện nay còn rất nhiều hồ sơ chưa được giải quyết, và hồ sơ nào cũng cấp bách. Nhiều hồ sơ gia đình tổ phụ, quả phụ, cô nhi tử sĩ hay thương binh nhẹ đang chờ được ánh sáng tình thương rọi chiếu. Cho đến nay họ chưa được sự chiếu cố qui mô nào, mặc dù sự đau đớn và khổ cực không kém các thương phế binh. Quí vị hãy vận động vòng đai thân hữu, rộng lượng đỡ đầu nhận thêm vài hồ sơ nữa tùy theo khả năng: 30 USD cho một phế binh cụt một chân, 60 USD cho một phế binh cụt hai chân.

Những số tiền vừa nói có thể là nhỏ đối với một số Việt kiều tại hải ngoại nhưng đó là những món quà lớn cho những người đang thiếu thốn trong nước. Chúng ta cố gắng dành dụm tiền tiêu xài giải trí, cúng bái nhà chùa và nhà thờ (các hình tượng thờ đâu có biết đói), vận động vòng đai thân hữu tham gia chương trình. Hồ sơ của từng phế binh sẽ được gởi thẳng đến quí vị bằng đường bưu điện nếu được yêu cầu. Khi nhận hồ sơ, quí vị có thể liên lạc hoặc gởi thẳng cho người phế binh cần được giúp đỡ. Cầu xin Đức Phật Thích Ca cùng Chúa Giê Su phù hộ gia đình quí vị.
Trước khi ngừng bút, tôi xin đưa một đề nghị cùng với quí vị là chúng ta thử suy nghĩ và trao đổi chọn ngày 1 tháng 6 mỗi năm làm Ngày Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hòa vì người cộng sản có ngày thương binh của họ. Sở dĩ tôi đề chọn ngày này vì nó dễ nhớ và là dịp trước khi nghỉ hè, những ai về nước thăm gia đình có thể mang tiền về tặng và thăm hỏi các phế binh trong nước. Tại hải ngoại, vào dịp này, các hội đoàn hay cá nhân quí vị ân nhân có thể tổ chức các buổi sinh hoạt gây quỹ một cách dễ dàng vì không trùng hợp với các dịp lễ lạc khác. Rất mong được đón nhận những ý kiến khác.

Thay lời cuối, tôi xin nhường lời cho đại diện phế binh Việt Nam Cộng Hòa cám ơn quí vị.

Phan Minh Hiển

User avatar
phu_de
Posts: 2917
Joined: Sun Nov 28, 2004 10:57 pm
Has thanked: 7 times

Post by phu_de »

Những Mảnh Đời Rách Nát
Nguyễn Văn Huy - Phan Minh Hiển



Chương 16: Đôi lời tâm sự của một phế binh

Nhân dịp Xuân Kỹ Mão, tôi viết tâm thư này gửi đến quí vị ân nhân cầu chúc muôn vạn ân báo đã chia sẻ nỗi bất hạnh của tập thể anh em thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa nói riêng và những người tàn tật vì chiến tranh Việt Nam nói chung.


Xuân đi xuân lại về. Muôn hoa đua nở đón chào mừng xuân. Hai mươi hai tiết xuân đã đi qua, đó là tuổi trưởng thành của một đời người. Đối với những người bất hạnh, tàn tật tại quê nhà, đó cũng là tuổi trưởng thành của chai đá và tủi hờn. Xuân đến hay xuân đi, đối với các anh em thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa, đó chỉ là tiếp nối những chuỗi ngày lãnh lẻo, đói rách và bạc đãi. Chúng tôi vẫn tiếp tục lê lết tấm thân tàn phế đi khắp nẻo đường buôn nhang, bán vé số hay xin ăn qua ngày. Lạnh lẽo và đói khát là hai kẻ thù luôn dằn vặt thân xác. Nhưng sự đau khổ của xác thịt không thấm gì so với sự hành hạ tinh thần của "những người anh em phía bên kia", họ xem chúng tôi là thành phần cặn bã của xã hội cần phải xóa bỏ, và sự xa lánh của đồng bào trong nước, sợ bị liên lụy với những "tàn dư của Mỹ ngụy" hay bị chụp vào đầu chiếc mũ "phản động", công việc làm ăn sẽ khó khăn hơn.


May mắn cho vài ngàn anh em thương phế binh hiện còn lây lất. Từ năm năm qua phong trào cứu trợ thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa trong nước đã mang đến cho anh em chúng tôi nhiều nguồn an ủi. Đặc biệt xuân năm nay, trong lòng chúng tôi chớm nở những nụ hoa hy vọng, niềm vui tưởng đâu vùi sâu trong quên lãng nay đang trở về rào rạt, bát ngát phấn hương. Những vành môi khô héo tưởng đâu câm nín nay đã phá vỡ lớp da bọc cứng để toát ra nụ cười hạnh phúc. Tinh thần đùm bọc của kiều bào hải ngoại đã ban cho chúng tôi nguồn sống mới. Sức mạnh thiêng liêng của tình người, ôi thật vô cùng.
Xin thay mặt các chi hội phế binh ở khắp miền Nam, từ thành phố đến thôn quê, từ vùng đồng bằng đến miền rừng sâu nước độc, từ khu xóm lao động nghèo khổ đến vùng kinh tế mới xa xôi, tôi xin chân thành cám ơn quí ân nhân Việt kiều hải ngoại đã quan tâm đến thảm cảnh của anh em thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa nói chung và của tôi nói riêng. Dù được ít hay được nhiều, chúng tôi đều cảm thấy quá sung sướng. Không phải vì được nếm lại những vị ngon ngọt của trái dưa hấu, mít, soài hay mua tặng cho con cháu một bộ đồ mặc Tết để chúng nó không mặc cảm đối với bạn bè đồng lứa, mà là, thưa quí vị ân nhân, nhận được món quà tinh thần quí giá nhất cho khoảng đời còn lại: sự hy sinh của chúng tôi không còn vô nghĩa nữa.


Quả vậy, chiếc áo trận đã bạc màu gió sương và đang ngụp lặng trong nước mắt và tủi nhục suốt 23 năm qua. Cứ tưởng chừng các thế hệ sau chiến tranh và Việt kiều về thăm nước không còn muốn thấy những người già nua tàn tật như chúng tôi làm ô nhiễm cảnh quan và cuộc sống của họ. Cô đơn trước sự lãnh đạm của mọi người, cảm tưởng bị lường gạt và bỏ rơi sau cuộc chiến có lẽ là nỗi cực hình hằng ngày chúng tôi chịu đựng. Không gì tủi nhục cho bằng phải lê lết tấm thân tàn tật van lạy mọi người để được bố thí miếng cơm manh áo, đó là chưa kể nỗi lo thường trực bị công an, dân quân hạch hỏi bắt đi lao động cải tạo vì tội vô gia cư, vô nghề nghiệp, ngủ bụi ngủ bờ.

Nhiều lúc chúng tôi muốn chết đi để trút gánh nặng trong đời, khỏi thấy tình người đen bạc. Những tấm thân què cụt này không có chỗ đứng trong xã hội hiện nay vì không còn lợi ích cho ai, chỉ làm tình làm tội vợ con. Thật là đau lòng khi phải chứng kiến cảnh vợ con đi làm thuê làm mướn cho "giai cấp giàu có mới" nuôi chồng, nuôi cha bị tật nguyền. Nếu thân thể chúng tôi được lành lặn như mọi người có lẽ chúng tôi đã có một chỗ đứng khác, chỗ đứng của những người bình thường. Con cái không được đi học đi hành như bao trẻ khác vì cha của chúng tàn tật không đủ sức lo nên phải đi lượm từng bao ny lông, giấy vụng nơi các đống rác để đổi miếng ăn. Cuộc đời này chỉ toàn tủi nhục, chết có lẽ là một giải thoát. Thời gian đã làm cho chúng tôi mất đi hy vọng.


Chúng tôi đã lầm. Xin thành thật nhận lỗi. Mặc cảm đã đóng vảy trên lớp da sần sùi tưởng đâu dạn dầy với sương gió, nào ngờ lần này những giọt tình thương đã thấm vào, không những xuyên qua cơ thể mà còn chảy vào con tim, thay đổi cả cuộc đời chúng tôi. Ánh nắng từ phương xa ngàn dặm đã rọi sáng cuộc đời tăm tối của những người bất hạnh trong nước. Phong trào cứu trợ thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa đã ngăn chặn kịp thời tuyệt vọng. Những người đang bơi trong bễ khổ trần gian, sắp bị lửa địa ngục thiêu rụi, đã nhận được những chiếc phao cấp cứu. Thật là đúng lúc. Chúng tôi đang bám vào đó với tất cả niềm tin để tìm lại cuộc sống danh dự cho những chuỗi ngày còn lại của kiếp sống bãc bẽo này.
Quí vị giàu lòng hảo tâm ơi, ơn này không sao diễn tả hết. Ngay người phế binh mù lòa cũng thấy rực rỡ ánh sáng tình thương. Những chiếc xe lăn, ôi những chiếc xe lăn thân quí đang tải đi khắp nơi tình thương của quí vị. Trong những giấc mơ điên rồ nhất, chúng tôi không bao giờ dám mơ tưởng một ngày có được chiếc xe lăn.

Quà tặng của quí vị đã thay đổi hẳn kiếp sống của anh em phế binh chúng tôi. Có thể một ngày nào đó thân thể chúng tôi cũng sẽ trở về với cát bụi, nhưng các thế hệ con cháu chúng tôi sẽ còn nhắc mãi tên tuổi quí vị ân nhân. Lớp sơn khắc ghi tên ân nhân trên xe có thể sẽ bị phai mờ theo bụi thời gian nhưng trong tâm khảm chúng tôi tên của quí ân nhân trường tồn mãi mãi. Chúng tôi nâng niu từng cặp nạng, trân trọng từng chiếc xe lăn, nhờ chúng mà những phế binh chúng tôi có thể đi lại dễ dàng, thân thể không còn lê lết trong những vũng sình trong chợ hay ngoài đường phố, nhân phẩm đã được tìm lại. Có anh phế binh mỗi đêm tâm sự với chiếc xe lăn trước đi ngủ để vơi đi nỗi cô đơn, nhọc nhằng trong ngày. Cảm ơn, chân thành cảm ơn.


Mừng biết bao khi những món quà hiện kim đến thật đúng lúc. Con em chúng tôi đang lâm bệnh không tiền cứu chữa, nhờ quí ân nhân đã được hồi sinh. Quí vị như là cha mẹ của chúng vậy vì chúng được tái sinh trong tình người. Sức mạnh vô song của tình người không sao kể siết, không biết chừng nào ơn này mới đền đáp được. Phật Tiên đã hóa thân thành người.


Đối với chúng tôi quí ân nhân là Phật là Tiên, đã ra tay cứu độ những người khốn khổ trên miền đất khó Việt Nam. Làm sao tin được trên đời này vẫn còn những người nhân từ đến thế? Không có liên hệ gia đình, không quen biết nhau mà tận tâm giúp đỡ nhau như tình ruột thịt. Chỉ Tiên và Phật mới có thể làm được việc này.


Quí vị là ai? Chúng tôi không biết. Cho dù cố gắng lắm, nặn óc mài tâm, cũng không sao biết được. Chúng ta không có liên hệ máu mủ ruột thịt, chúng ta cũng chưa lần nào gặp nhau trong đời, vậy mà quí vị đã giúp chúng tôi hơn tình ruột thịt. Chúng tôi chỉ chia sẻ cùng quí vị dòng máu Việt Nam, dòng máu đã chảy ra cho quê hương này được sống. Có lẽ quí vị đã thương yêu chúng tôi vì đã yêu thương đất nước này.


Hai chữ Việt Nam sao quá thiêng liêng. Nhà báo Nguyễn Văn Huy thường nói, yêu thương đất nước trước hết phải yêu đồng bào thương dân tộc. Lời nói tuy tầm thường nhưng đầy sức mạnh, chứa chan tình người, chúng tôi vô cùng cảm kích. Đồng bào là ai, dân tộc là ai nếu không phải những người đang bị thua thiệt trong cuộc sống, rất cần sự bao che đùm bọc của quí vị. Anh nói quí vị đang giành trên tay những người lãnh đạo đất nước hiện nay quyền chăm lo đồng bào, nghĩa cử này vừa đẹp vừa hào hùng. Thật vậy, những người trong chế độ cộng sản chỉ lo củng cố và bảo vệ chế độ cộng sản, đời sống những người khốn khó hoàn toàn bị bỏ rơi. Những người tàn tật xuất thân từ chế độ cũ như chúng tôi không những bị bỏ rơi mà còn bị hành hạ, cả về thể xác lẫn tinh thần.


Chúng ta đã thua sức mạnh của bạo lực nhưng chúng ta sẽ thắng trên mặt trận tình thương, chúng tôi tin chắc như vậy bởi vì đất nước này đang thiếu tình thương, con người nơi đây đối xử với nhau tệ bạc vô cùng. Không riêng gì chúng tôi những người đã thua trận, mà ngay cả những người đứng dưới màu cờ "giải phóng" chẳng may bị thương tật hay già cả đều bị đối xử bạc bẽo. Nhiều lúc nhìn những "bà mẹ chiến sĩ" có mấy người con trai bị hy sinh trong cuộc chiến bị chính những người đã từng hô hào "giải phóng" hất hủi họ, chúng tôi cũng tiếc thương giùm.
Nói sao cho vừa nỗi khổ của những người bị lường gạt xương máu của cả hai bên. Ác quả ác báo, món nợ này có ngày phải trả. Nỗi hận này đang dâng cao, chỉ chờ một sự đổi đời sẽ bộc phát như cơn bão bất trị, chính những người đã từng tham gia "cách mạng" chứ không phải chúng tôi sẽ có lời nói cuối cùng, chắc chắn nó sẽ không câm lặng và hiền hòa như chúng tôi, nỗi hờn bị gạt ra ngoài sự sống không bao giờ lịm tắt.
Chiến dịch đền ơn đáp nghĩa do chế độ hiện nay phát động cũng chỉ quanh quẩn nơi những người cầm quyền. Thử đi về vùng quê mà xem, những bà mẹ, những vị cha già, đàn con cháu "cách mạng" đau đớn và căm hận đến chừng nào chế độ này. Một anh bạn miền Bắc đang "tị nạn" trong nghĩa địa Phú Lâm nói cuộc nổi dậy sau này nếu có sẽ tanh mùi máu, máu của những người phản bội. Không nỗi đau nào bằng nỗi đau bị lường gạt cuộc sống và xương máu.


Riêng chúng tôi, những thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa, nỗi đau bị đày đọa cũng đã nguôi ngoa theo những tháng năm, chúng tôi chỉ muốn được sống bình thường. Chúng tôi không phải là ân nhân của quí vị để mong đền ơn đáp nghĩa như bác sĩ Phan Minh Hiển thường nói, mà ngược lại. Chính hơi ấm từ những tấm lòng vàng ở hải ngoại đã giúp chúng tôi tìm lại nhân phẩm. Con cái chúng tôi đã thấy được tương lai, chúng tôi đang sống trong hy vọng. Niềm hy vọng được hồi sinh từ những hoang tàn và đổ nát.


Có thể quí vị là một người mẹ có con hy sinh trong cuộc chiến, người vợ có chồng, người con có cha, người em có anh hay người anh có em và bạn bè từng là chiến sĩ đã tham gia cuộc chiến vừa qua, bất kể quí vị là ai, đến với anh em chúng tôi bằng tình cảm nào, chúng tôi đều ghi lòng tạc dạ.


Cầu xin Trời Phật biến nỗi đau thương của chúng con thành ân phúc đền đáp những người có lòng nhân ái cứu giúp chúng con. Họ đã kéo chúng con ra khỏi tối tăm nhục nhằn đến chốn ánh sáng bao dung và danh dự. Chúng con chỉ biết cầu nguyện, mặc dù từ lâu lắm rồi đã mất thói quen cầu nguyện, cho gia đình những người đã cứu độ đời chúng con luôn luôn an khang, thái hòa. Quí ân nhân của chúng con là những người kiên trinh, chung thủy với quê hương và dân tộc, đã không quên phế binh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, những người đã hy sinh một phần thân thể còn sống sót sau cuộc chiến.


Cầu mong Trời Phật đền đáp xứng đáng ân đức của quí ân nhân chúng con, vì họ là ngọn đuốc soi sáng quê hương này đang chìm trong bóng tối. Toàn thể những người bất hạnh, trong đó có anh em phế binh chúng con ở quê nhà, đang chờ bầu trời sáng lại sau cơn mưa. Đó là định luật của thiên nhiên, của đấng tạo hóa. Không phải ai muốn mà được. Giờ đây ngọn gió tình thương đang thổi vào đất nước này, tin rằng bầu trời Việt Nam trong sáng trở lại.


Ở hải ngoại quí ân nhân cố gắng tìm gặp những chí lớn trong hành trình tìm sức sống mới cho quê hương, cho dân tộc. Nơi quê nhà những người cùng khổ chúng tôi, giới người đông đảo nhất Việt Nam, sẽ làm hậu thuẫn. Quí ân nhân hãy can đảm đi thêm bước nữa, góp phần viết lên trang sử mới, trang sử của tự do và nhân quyền, trong đó Việt Nam sẽ là quốc gia của tình anh em tìm lại. Chúng tôi mong tìm lại danh dự, đòi lại những gì đã bị tướt đoạt: quyền được sống bình thường và bình đẳng như mọi công dân khác, quyền được sống hạnh phúc và quyền được tôn trọng.
Cách đây không lâu tôi có hân hạnh tiếp chuyện với hai người Việt từ Pháp về thăm đất nước. Cả hai đều nói bác sĩ Phan Minh Hiển là một người tuy còn trẻ, 42 tuổi, nhưng có tinh thần phục vụ xã hội rất cao. Bác sĩ Hiển đã dành phần lớn thì giờ cho những công tác xã hội hơn là lo cho bản thân, gia đình. Gương sáng này khiến anh em chúng tôi rất kính phục và tâm nguyện chúc bác sĩ thành công trong bước đi đó. Xã hội và chính trị gắn liền với nhau như trái tim và hơi thở. Cổ nhân nói: "Hổ thác lưu bì, nhân thác lưu danh". Xin kính tặng bác sĩ bài thơ:

Chờ mong

Tượng đá đứng im khóc cho đời
Dân Nam tâm trí nát tơi bời.
Cơ trời vận nước đang thay đổi
Quốc gia ngày ấy đã xa rồi.
Người xa có hiểu hãy ra tay
Cứu đời, cứu đạo bồi công sức.
Giúp người cơ khổ chút cầm hơi,
Ơn này ghi dạ mãi không thôi.


Qua lá thư này, tôi muốn quí ân nhân cùng bác sĩ Hiển hiểu rằng quí vị cùng những người cùng khổ, trong đó có những anh em phế binh, ở quê nhà là bạn đồng hành tri kỷ, tâm đầu ý hợp. Chúng ta có thể kết nghĩa và trao đổi với nhau những điều hiểu biết. Tôi tin rằng chúng ta có thể cùng nhau kết hợp thành một cánh chim mang thông điệp tự do, hạnh phúc và niềm vui, bay khắp bầu trời Việt Nam phân phát cho những người thiếu thốn.

Hơn hai mươi hai năm qua, quê hương này đang mòn mỏi chờ đợi cánh chim cứu khổ. Chỉ cần một tiếng hô vang lên muôn vạn bàn tay sẽ vung lên sang bằng bất công và áp bức.

Soạn và viết lại theo lời của Lưu Tử

Post Reply