Tiếng ca gửi người tiền tuyến

Post Reply
User avatar
phu_de
Posts: 2917
Joined: Sun Nov 28, 2004 10:57 pm
Has thanked: 7 times

Tiếng ca gửi người tiền tuyến

Post by phu_de »

Image

TIẾNG CA GỬI NGƯỜI TIỀN TUYẾN



Nguyên Huy


Khi trung tâm băng nhạc Asia tổ chức show diễn “Anh không chết đâu anh” thì vé đã bán hết ngay từ nhiều tuần trước. Và đến khi trung tâm hoàn tất phần “edit” phát hành cuốn DVD này thì cũng nhanh chóng bán được khá nhiều mặc dù những nơi sang băng lậu cũng đã bán ngang ngửa với Asia!

Ðiều đó nói lên cái gì nhỉ khi mà trong vài năm trở lại đây trung tâm Asia đã như nổi trội với những cuốn DVD “Hành trình tìm tự do”, “Người lính”... Phải chăng những người chiến binh xưa nay đang có cuộc sống tương đối ổn định ở hải ngoại sẵn sàng tìm về “Ðường xưa lối cũ” hay người Việt hải ngoại rất thương mến những người đã một thời chinh chiến điêu linh.

Ðường xưa lối cũ của người chiến binh Việt Nam Cộng Hòa không chỉ là những trận đánh hào hùng, những tình chiến hữu nơi trận tuyến, những gian khổ trong cuộc trường chinh ngăn chặn Cộng Sản Bắc Việt, những thua lỗ phải gánh chịu... mà còn là những khoảnh khắc yên bình, được ve vuốt bởi thứ tình hậu phương cho dù ai cũng biết là giả tạo hay cường điệu hóa. Ðó là chương trình Dạ Lan hằng đêm của Ðài Quân Ðội hay những chương trình “Tiếng ca gửi người tiền tuyến” với những nức nở của Thanh Thúy hay êm ả của Ngọc Minh.

Không ai muốn nói nhưng cũng hiểu rằng những chương trình ấy đã là niềm an ủi xót xa cho người lính ngoài trận tiền. Người lính nào mà chẳng có người mẹ già lo lắng, trông mong từng giây, từng phút cho đứa con đang trước hòn tên mũi đạn. Người lính nào mà không có một bóng hình để thương để nhớ. Nhớ “giờ này chắc hẳn trời đang nắng, em rời thư viện đi rong chơi...” như người lính nhà thơ Tô Thùy Yên thương tưởng và Nhật Trường Trần Thiện Thanh viết bằng những dòng nhạc chìm hồn trong “Chiều trên Phá Tam Giang”. Có không ít những người lính đã ôm chiếc đài bán dẫn nhỏ xíu trên chiếc ghế bố nhà binh, hay trong chiếc lều cá nhân nơi ven rừng, bờ suối trong một thời gian dài để nuốt vào tủi hận thời chinh chiến điêu linh qua những tiếng ca gửi người tiền tuyến. Ðể mãi mãi còn hằn sâu, để cho đến nay, người lính già sau bao nhiêu nổi trôi của thời cuộc, dạt trôi trên những bến bờ tự do khi nghe lại, lại nhớ về những tình cảm dạt dào xưa cũ.

Ai cũng muốn nói lên tiếng lòng mình một thời son sắt nhưng không được hưởng những sắt son, vẫn những tưởng thời gian rồi nhạt nhòa bôi xóa mà ngờ đâu, trung tâm Asia đã lặn lội trở về dựng lại một thời đã qua, một thời đáng nhớ, một thời để nhớ không phải chỉ cho người chiến binh Việt Nam Cộng Hòa mà cho cả người Việt từng được hưởng một thời bình yên, một thời tự do làm ăn, sung túc.

Ngay cả tuổi trẻ cũng tìm về, để nghe, để biết cha anh mình từng chiến đấu, từng yêu thương nhớ mong như thế nào, phải hy sinh ra sao trong thời xuân sắc. Nên, những DVD của trung tâm Asia lại như những món quà trân quý cho nhau, cho người lính, cho vợ con người lính.

Trở lại với những người lính, xin hãy nghe người lính Trần Hoài Thư viết về tiếng hát hậu phương trong truyện ngắn “Quán biên thùy” in trong tuyển tập truyện ngắn của ông “Ra biển gọi thầm” mà trang Cựu Chiến Binh xin mạn phép tác giả cho trích đăng lại một số đoạn trong truyện ngắn này.


QUÁN BIÊN THÙY
(Trích trong tuyển tập “Ra biển gọi thầm” của Trần Hoài Thư)

Trần Hoài Thư


Ðêm Giao Thừa, trên ngọn đồi 101 mà ai đã đặt cho cái tên là Quán Biên Thùy, cuộc vui đang tiếp tục. Ánh lửa đủ soi những gương mặt chập chờn và đỏ gay vì rượu. Những người lính già thì yên lặng. Những người lính trẻ thì phấn khích hơn bao giờ. Lần này thì họ đòi cho được Mỵ hát. Họ la: “Cô Mỵ phải hát cho chúng tôi nghe một bài. Cô Mỵ phải trổ tài.” Một người cầm cốc rượu đứng dậy nói với người đại đội trưởng: “Ðại úy phải làm sao để cô Mỵ hát cho chúng tôi nghe, nếu không đại úy phải bị phạt, uống đền.” Sau đó anh ta quay sang đám bạn hỏi: “Phải không anh em?” Cả bọn đồng đáp: “Phải.” Rồi tiếng la gào cổ võ cực độ: “Cô Mỵ hát đi, hát cho chúng tôi nghe đi cô Mỵ!”, “Cho tràng pháo tay cổ động cô Mỵ đi anh em!”, “Ðại úy, 40 cốc đang chờ đại úy!”

Người đại đội trưởng chỉ biết nhìn cô em gái như cầu cứu: “Em cứu anh với, Mỵ.”

Mỵ ngần ngại gật đầu. Người đại đội trưởng thở phào như trút được gánh nặng. Anh cảnh cáo: “Chúng ta cùng vui Giao Thừa, nhưng tôi xin anh em đừng uống nhiều. Anh em hẳn biết đơn vị chúng ta hiện ứng chiến cho sư đoàn. Sau đây tôi xin nhường lại cho cô em tôi...”

Ðám lính vỗ tay vang dội. Có người la lên: “Cô Mỵ thương lính rồi. Cô Mỵ hát bài lính chiến xa nhà đi cô Mỵ.”

Riêng Mỵ, nàng đứng yên. Chưa lúc nào nàng cảm động như lúc này. Nàng đã có mặt tại một nơi mà nàng chỉ được nghe qua báo chí, hay những lời kể lại. Bởi vì Sài Gòn của nàng bình an quá. Bởi vì đời sống của nàng chỉ biết cuối tuần, chiếc áo dài tha thướt trên vỉa hè Lê Lợi và ly nước mía ở đường Gia Long. Bởi vì mắt của nàng chỉ thấy bầu trời của Sài Gòn trên những phố lầu bình an, và rừng người yên ổn dạo chơi, không bao giờ bận tâm những gì ở xa, như ngọn đồi 101 này. Rõ ràng, Sài Gòn của nàng chưa thật sự gần gũi cùng chiến tranh. Ðêm nàng có thể về khuya và ngày vẫn yên tâm trên trang sách vở. Chiến tranh hình như chỉ xẩy ra ở một cõi nào đó. Nàng chẳng bao giờ bận tâm thắc mắc. Nàng chẳng bao giờ lo âu đến tin tức từ chiến trường. Dù miền Quảng Trị nóng bỏng với đại lộ Kinh Hoàng, dù A-sao, A-lưới đã thấy bóng những chiến xa T.54, dù An lộc, Bình Long quân ta vẫn anh dũng trước lớp lớp hàng hàng kẻ thù. Dù bao binh đoàn Bắc quân đang tiếp tục theo đường mòn Hồ Chí Minh để tiến về miền Nam. Nàng vẫn chưa biết được sự thật, và cũng vì vậy nàng mới đánh điện tín ra ông anh. nàng muốn xem cái Quán Biên Thùy mà anh nàng vẫn hằng nhắc đến nó như thế nào. Tờ điện tín đã làm cho anh nàng phải điên đầu: “Em sẽ đón Giao Thừa ở Quán Biên Thùy. Stop. Ðón em ở phi trường. Stop. Chuyến bay... Stop.” Anh nàng đã hiểu rõ được cái bướng bỉnh của cô em gái. Lúc nào nó muốn là nó làm. Nó không đợi một câu trả lời... Nó đã thật sự đặt cho anh nó vào một chuyện đã rồi.

...

Bây giờ thì Mỵ đứng dậy. Dưới ánh lửa, nàng có thể nhìn những người lính già, thu mình trong chiếc áo ấm rộng thùng thình. Nàng không thể ngờ là họ lại có mặt tại nơi này. Ðáng lẽ, ở cái tuổi của họ, đêm nay họ phải có mặt bên lũ cháu nội, ngoại. Ðáng lẽ giờ này họ sẽ mặc lại chiếc áo cổ truyền để thắp những thẻ nhang trước bàn thờ gia tiên. Nàng nhìn những người lính trẻ. Có gương mặt của ruộng đồng còn in trên nét phong sương. Có người râu và tóc mọc đầy. Có người mang kính cận thị. Và nàng cũng gặp đôi mắt của Trọng. Từ đôi mắt ấy, có cả một khối buồn, khối thao thức, bâng khuâng, dằn vặt của một người trí thức. Nàng nghe anh nói, Trọng có cử nhân văn chương và hơn nữa, cái tên Quán Biên Thùy chính do chàng đặt ra. Chàng đã làm một bài thơ nói về một ngọn đồi nắng lửa, bốn bề là rừng tiếp rừng. Bài thơ đã được đại đội chuyền nhau đọc, và người đại đội trưởng quá thích cho lính dựng lên tấm bảng đề Quán Biên Thùy ngay ở cổng trại. Phải, anh Trọng ơi em phải cảm tạ anh vì anh đã làm cho em hiểu được những giọt mồ hôi của các anh, của định mệnh đang đè nặng lên đất nước chúng ta. Em ao ước được mang về những ngọn gió dịu dàng, tình tự đến cùng các anh.

Ánh lửa trước cơn gió đêm làm hình bóng những người ngồi trên sân trở nên chập chờn, có lúc sáng lên, có lúc mất đi vì gió đánh bạt. Và Mỵ ấp úng nói: “Thưa các anh, cám ơn các anh đã dành cho Mỵ nhiều cảm tình. Trong đời Mỵ, Mỵ chưa bao giờ có một đêm hạnh phúc như đêm nay. Mỵ mới hiểu rõ về nỗi hy sinh vô bờ của các anh. Giờ này, Sài Gòn của Mỵ đang làm lễ Giao Thừa. Nhưng giờ này, các anh đang ngồi đây bỏ quên những giờ phút thiêng liêng nhất...” Nàng nói đến đây, không còn cầm được nước mắt. Có phải nàng hiểu được giá trị của một nỗi an bình là kết quả của bao niêu nỗi hy sinh qua thầm lặng từ những người đã có mặt sống và chết vô danh.

Mọi người im lặng. Họ hiểu người con gái Sài Gòn đang quá chừng xúc động. Tiếng củi cháy kêu lách tách. Có bóng người lính cầm súng ở chòi canh. Những tiếng nổ rời rạc đâu đó. Ðó là tiếng súng thay tiếng pháo. Và nàng bắt đầu cất tiếng hát. Nàng đã được tiếng là người hát hay nhất của trường. Trong các buổi văn nghệ ở nhà trường, mỗi lần tên nàng được giới thiệu là cả một rừng pháo tay vang động, và không bao giờ đám bạn học lại không bắt nàng hát thêm bài thứ hai, thứ ba. Tuy nhiên những lần hát như thế, nàng ít khi bắt gặp cái hồn của âm nhạc, cái cảm thông của người hát và người nghe. Nhưng bây giờ tiếng hát là tiếng lòng đích thực. Tiếng hát cất lên như niềm cảm tạ, như nỗi tri ân, như lời vỗ về an ủi, như cả một dòng lệ đẩy đưa cái nơi hoạn nạn gian khổ từ những con người, như u uẩn nỗi lòng của người cô phụ chờ chồng trở lại. “Ai lướt đi ngoài sương gió, không dừng chân đến em bẽ bàng... Em ngồi đan áo...” Ô hay, Giao Thừa sao lại “Buồn Tàn Thu”. Nàng cũng không biết tại sao nàng lại cất lên nỗi niềm của người cô phụ. Phải rồi, Mùa Xuân vẫn còn có biết bao người cô phụ vẫn còn ngồi đan áo. Phải rồi, nhắm mắt lại, người con gái Sài Gòn còn thấy được những người ngoài sương gió, bỏ quên cuộc đời, bỏ quên tuổi trẻ, bỏ quên hiện tại, tương lai...


Trần Hoài Thư

(Trích truyện ngắn Quán Biên Thùy trong tuyển tập Ra Biển Gọi Thầm của Trần Hoài Thư)

Post Reply