Huynh Đệ Chi Binh

Post Reply
User avatar
phu_de
Posts: 2917
Joined: Sun Nov 28, 2004 10:57 pm
Has thanked: 7 times

Huynh Đệ Chi Binh

Post by phu_de »

Tình huynh đệ chi binh
Monday, December 03, 2007


Image





Một câu chuyện thương tâm trong tình Huynh Ðệ Chi Binh được một độc giả của nhật báo Người Việt, cựu Trung Úy Bùi Ruẫn K.23 Ðà Lạt gửi đến một bài viết cho biết:

Trung Úy Hoàng Xuân Toàn thuộc khóa 3/68 Trừ Bị Thủ Ðức, trưởng bệnh xá Sơn Hòa tỉnh Tuy Hòa, sau ngày 30 Tháng Tư 1975 anh bị bắt đi cải tạo tại Tổng Trại 5 Tuy Hòa, đã 32 năm thờ phụng một bạn đồng ngũ trong một trường hợp thương cảm hiếm có theo bài viết của cựu Trung Úy Ruẫn như sau:

“Một hôm nhân ngày công tác lao động trong khu đồi núi, anh (Trung Úy Toàn) phát hiện một xác người mặc quân phục, ba lô cháy dở dang, Pông sô bị cháy và 2 tấm thẻ bài tên Ngô Bá Luật. Xác người đã bị rữa nát chỉ còn lại nhúm xương, nhưng không có xương sọ. Anh Toàn đã thu góp lại bao nhiêu hay bấy nhiêu, gói lại trong một bao ni lông mang về cất giấu đợi ngày Chủ Nhật được nghỉ sẽ mang trở ra khu đồi, đào lỗ gần một cây lớn (để sau này dễ tìm) và chôn xuống đó. Khoảng 2 tháng sau anh Toàn lại thấy một xương sọ người gần đấy, anh cho là của Ngô Bá Luật và cũng như lần trước, anh mang về chờ ngày chủ nhật mang ra chỗ đã chôn nhúm xương trước.

Sau đó hai năm anh Toàn được CS tha về, cuộc sống quá khó khăn cho một nhân công xây cất, nhưng anh cũng xin chủ cho làm một tấm mộ bia và anh đem dựng nơi anh đã chôn xương cốt Ngô Bá Luật. Và với một bàn thờ nhỏ treo 2 tấm thẻ bài, anh Toàn lập ở nơi mình cư ngụ một bàn thờ và anh đã nhang đèn trong nhiều năm trời cho đến ngày anh vượt biên và được định cư tại Hoa Kỳ, ở san Diego.


Tạm ổn định được cuộc sống, anh Toàn đã bỏ ra nhiều công sức tiền bạc đăng báo, rao tìm trên nhiều đài phát thanh để tìm thân nhân Ngô Bá Luật, nhưng không có được hồi âm nào cho đến một lần được chương trình Huynh Ðệ Chi Binh của đài truyền hình SBTN mới được Ban Ðại Diện Khóa 3/68 Thủ Ðức và các cựu quân nhân bạn xác định được trường hợp cố Ðại Úy Ngô Bá Luật, là đại đội trưởng của Tiểu Ðoàn 3/44 SÐ 23 BB qua một cựu quân nhân là cựu Ðại Úy Triệu vốn là tiểu đoàn phó Trung Ðoàn 3/44 SÐ 23 BB. Sau những liên lạc giữa các cựu quân nhân với nhau cựu Ðại Úy Triệu và Ban Ðại Diện Khóa đã tìm và liên lạc được với gia đình cố Ðại Úy Nguyễn Bá Luật hiện còn mẹ già 94 tuổi cùng vợ anh Luật, vẫn còn ở vậy nuôi con là Ngô Bá Long nay đã ngoài 30 tuổi, hiện đang làm nghề sửa Cell phone tại ngã ba Dầu Dây, cách Long Khánh khoảng 10 cây số. Gia đình cố Ðại Úy Ngô Bá Luật hiện sống khó khăn tại khu nghèo khổ Bầu Cá thuộc tỉnh Ðồng Nai cách ngã ba Dầu Dây khoảng 6 cây số.


Ðược tin về chồng mình chị Luật đã khóc sướt mướt kể lại rằng đã có ít nhất là 6 lần bị kẻ xấu lường gạt về tin tức của chồng. Cháu Long nay đã có gia đình, khi nghe tin này cháu đã đi thăm mộ cha và cháu đã kể lại cho Ban Ðại Diện biết hiện mộ cha cháu đã được xây cất bằng gạch khá chắc chắn; do Trung Úy Toàn, Ðại Úy Triệu và các anh em niên đệ khóa đã lo cho”.

Trong cuộc chiến vừa qua, những người trai đất Việt theo tiếng gọi của non sông đã vui vẻ xếp bút nghiên theo việc đao cung để mong bảo vệ được miền nam trong tự do no ấm trong đó có những người thân yêu của mình. Bao nhiêu người đã chết, được “lên lon trong hai hàng nến trong”. Bao nhiêu người đã chết, xác không toàn trên chiến địa. Bao nhiêu người đã mất tích, xác thân phiêu lạc như trường hợp cố Ðại Úy Ngô Bá Luật. Sống trong những cái chết ấy, người lính VNCH đã phát sinh một tình thương yêu đùm bọc nhau vô cùng mãnh liệt. Tình Huynh Ðệ Chi Binh là có thật, không phải chỉ là đầu môi chót lưỡi của những người hậu phương đang được sự bao bọc của những chiến binh ấy.

Nay 32 năm chinh chiến đã qua, tình ấy vẫn không phai nhạt mà trường hợp vừa kể trên là một chứng tích không thể phản biện. Cũng có những lúc tình Huynh Ðệ Chi Binh sứt mẻ vì những tranh chấp đường lối chống Cộng ở hải ngoại mà không một người cựu binh VNCH nào không ôm ấp trong lòng. Thiết nghĩ, những câu chuyện như trên sẽ là những cầu nối vững chắc cho những phân hóa trong tập thể những người lính VNCH một thời cùng sống chết bên nhau và nay cùng đang kề vai nhau tiếp tục đoạn đường đi chưa đến.

--------------------------------


Phỏng vấn Trung uý Hoàng Xuân Toàn
về câu chuyện tìm kiếm tung tích nắm xương tàn của
cố Đại Úy Ngô Bá Luật, cựu SVSQ/Khóa 23/TVBQGVN. - SBTN

Phần 1
Phần2

User avatar
phu_de
Posts: 2917
Joined: Sun Nov 28, 2004 10:57 pm
Has thanked: 7 times

Post by phu_de »

Image

“TÔI BIẾT THẾ NÀO ANH CŨNG ĐẾN!”
HUY PHƯƠNG



“Trong một trận chiến xẩy ra vào thời Đệ I Thế Chiến, một chiến binh bị thương nặng không rút theo đơn vị mình về lại phòng tuyến được, phải nằm lại một vùng đất không người đầy bom đạn. Một đồng đội của anh, vì tình chiến hữu, muốn xin phép viên chỉ huy rời hầm chiến đấu để phóng người ra chỗ nguy hiểm dìu bạn mình về, nhưng người chỉ huy từ chối lời thỉnh cầu đó vì lý do họ đang ở trong một tình trạng rất nguy hiểm mà người lính trẻ đi cứu bạn có thể mất mạng. Thừa lúc cấp chỉ huy không để ý, người lính rời chỗ ẩn nấp, chạy băng qua phòng tuyến không người, đến nơi người bạn bị thương. Mặc dầu dưới hỏa lực dầy đặc, anh cũng đã đến nơi người bạn bị thương nằm và tìm cách dìu bạn về phòng tuyến của mình. Trên đường trở lại, anh kéo người bạn bị thương đằng sau anh và đã bị trúng một phát đạn vào người. Dùng hết sức lực trong nỗi đau đớn tận cùng, anh vừa bò vừa kéo theo người bạn về phòng tuyến mình. Khi cả hai cùng rơi xuống giao thông hào, anh quay lại định nói với bạn điều gì đó và kinh hãi nhận ra bạn mình đã chết từ lúc nào.

Viên chỉ huy giận dữ nói: -“Tôi đã bảo anh đừng liều mạng làm một việc điên rồ như vậy, anh thấy không? Giờ anh bị thương mà bạn anh cũng đã chết. Anh đã làm một việc vô ích!”.

Người lính trẻ bị thương thều thào đáp: -“Thưa Trung Úy, việc ấy đáng làm lắm chứ! Khi tôi đến thì anh ta chưa chết và anh đã nói với tôi:- Jim, tôi biết thế nào anh cũng đến!

-“Tôi biết thế nào anh cũng đến!” Câu nói ngắn gọn nhưng đầy ý nghĩa. Tình chiến hữu đẹp đẽ biết bao! Người lính tên Jim đã bất tuân lệnh cấp chỉ huy để lăn mình đi cứu bạn. Anh biết bạn mình đang chờ và sự chờ đợi ấy sẽ kinh khủng như thế nào khi người lính bị thương ấy biết mình đang bị bỏ rơi giữa một “vùng đất không người”. Jim có thể hy sinh tính mạng của mình để chứng tỏ cho một chiến hữu biết không hề bị đồng đội bỏ rơi”.

Đây câu chuyện của ông Robert L. Funseth, Thứ Trưởng Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, thương thuyết gia của chính phủ Hoa kỳ trong việc giúp hàng nghìn cựu tù nhân chính trị được đến định cư tại Hoa Kỳ, trong bài nói chuyện với gia đình tù nhân chính trị Việt Nam vào tối ngày 28 tháng 7 năm 1990 tại Virginia, tại bữa cơm “Đồng Tâm và Hội Ngộ” chào đón những người tù “cải tạo” đầu tiên đặt chân đến Mỹ. Từ câu chuyện của người lính tên Jim, ông Funseth đã tỏ sự hối tiếc do sự chậm trễ của chính phủ Hoa Kỳ trong việc thương thảo khó khăn với chính phủ CSVN đã kéo dài 8 năm, nhiều tù nhân đã chết trong trại tập trung của Cộng Sản hoặc sau khi ra tù. Nhưng với những việc làm của ông, ông Funseth tin rằng, trước khi gục ngã, nhiều người tù “cải tạo” đã tin rằng họ đã không bị bỏ rơi, và chương trình nhân đạo này đã dìu dược bao nhiêu người tuyệt vọng giữa “vùng đất không người” về được một nơi chốn an toàn.

Thật ra điều kinh khủng ở trong các trại tù không phải là bị bỏ đói, lao động khổ sai hay bị hành hạ mà chính là thấy tháng ngày vô vọng, và nỗi đau đớn thấy mình bị bỏ quên, mất hết lòng tin về những chiến hữu hay những đồng minh đã kề vai sát cánh cùng nhau ngày trước. Chúng ta cũng biết chính sách của nhà tù Cộng Sản là cô lập người tù với thế giới bên ngoài để họ không còn trông mong, hy vọng gì nữa. Bà Ginetta Sagan, một tù nhân của Phát Xít Đức đã nói rằng chế độ lao tù Cộng Sản đối với tù binh miền Nam không khác gì Phát Xít. Khi phỏng vấn hằng nghìn cựu tù nhân “cải tạo” để làm một bản tường trình về chế độ lao tù Cộng Sản, bà đã kinh hãi nhận ra rằng nỗi khổ của những người tù trong các trại tập trung này không phải là bị đối xử khắc nghiệt mà vì hoàn toàn bị cô lập, cắt đứt với thế giới bên ngoài, để họ không còn hy vọng, không còn niềm tin gì nữa.

Hiện nay nỗi khổ đau của hàng chục nghìn thương phế binh VNCH không phải chỉ do sự đói nghèo, tủi nhục mà do cái cảm tưởng mình đã bị bỏ quên. Biết bao nhiêu tướng lãnh, cấp chỉ huy và đồng đội ngày trước đã làm được gì cho những người bất hạnh ở lại để họ có thể nói như người lính bị thương kẹt lại giữ chiến trường, nói với người bạn tên Jim trong câu chuyện trên: “Tôi biết thế nào anh cũng đến!”

Cũng nhờ trong chúng ta có những người đã có lòng và biết nói lời “Cám ơn anh, người thương binh VNCH” mà có những người bạn thương binh của chúng ta, trước khi qua đời đã có đôi chút hạnh phúc khi nghĩ rằng mình chưa bị bỏ quên.

Hải ngoại hiện nay không quên những người dân thấp cổ bé miệng đang bị bóc lột và đàn áp đến tận cùng ở quê nhà, những người đang cần đến tự do, dân chủ và nhân quyền. Chúng ta cầu mong sao, một này nào đó, những người này có thể nói một lời như trong câu chuyện người lính trẻ cứu bạn- “Tôi biết thế nào anh cũng đến!”

Huy Phương

User avatar
phu_de
Posts: 2917
Joined: Sun Nov 28, 2004 10:57 pm
Has thanked: 7 times

Post by phu_de »

Nguyễn_Sydney wrote:ÁNH MẮT



Nguyễn Phạm Thỵ Hảo
(Na Uy)

Tôi và cô em gái đang háo hức thu xếp hành trang để làm một chuyến du lịch qua xứ Chùa Tháp thì chợt có tiếng chuông điện thoại reo. Tôi nói:
- Chắc là chị Ðiềm gọi. Ðể chị ra nói chuyện với chị ấy.
Nói xong tôi đứng dậy vươn vai vì nãy giờ ngồi lâu cũng thấy mỏi. Chị Ðiềm là chị cả của ông xã tôi. Chị về VN trước tôi 2 tuần. Chúng tôi đã hẹn nhau đi Campuchea chung, và nhờ đứa cháu chồng của chị ấy đặt vé giùm. Thuận, em gái tôi sẽ đi cùng với chúng tôi.
Nhưng người gọi điện thoại không phải là chị Ðiềm mà chính là ”Xếp” của tôi từ Na-Uy. Nghe tiếng tôi ở đầu dây, anh vui mừng nói:
- Hên quá, hôm nay lại từ bi ở nhà chứ không đi chơi rong à! Chừng nào thì em đi Campuchea?
- Ba ngày nữa mới đi, ngày mốt lên Sàigòn ngủ để sáng dậy đi cho sớm. Nhưng nhỏ Thuận nói phải sắp xếp đồ đạc từ bữa nay kẻo bị chụp rụp rồi quên nọ quên kia mất công.
- Nó nói đúng đó. Nhưng mà sáng mai lên Sàigòn đi, anh có chuyện cần nhờ.
- Nhờ gì nữa đây? Hảo nó hẹn em với Thuận trưa mai tới nhà nó ăn bún riêu cua đó.
- Thôi dẹp cái vụ bún riêu đi, bữa khác ăn. Thằng Hân nó nhờ em đi kiếm mấy người thương binh, em cho mượn tiền tặng cho họ mỗi người 5 chục. Thấy em không đủ thì giờ nên anh chỉ nhận 2 địa chỉ.
Anh Phạm Bá Hân là một người bạn học hồi xưa của nhà tôi. Anh ấy đang hoạt động trong một Hội Cựu Quân Nhân Việt Nam Cộng Hòa nơi xứ Cờ Hoa. Tôi nổi tính tò mò:
- Mấy người đó là bạn của anh Hân hả anh?
- Không! Ðó là số tiền của Hội Thương Phế Binh tặng cho họ. Thằng Hân chỉ có nhiệm vụ chuyển giao số tiền đó đến tay họ thôi. Khi gặp em hãy nói với họ như vậy. Tên và địa chỉ người nhận anh viết trong email đó, mở ra đọc rồi kêu Hải in ra, đem đi để tìm cho dễ.
Việc gì chứ đi tìm gặp những người thương binh của những ngày tháng cũ thì tôi không thể, và cũng không muốn từ chối chút nào. Họ đã hy sinh một phần thân thể của mình trên một chiến trường cay đắng. Nghe ra thì có vẻ như sự hy sinh đó là vô ích khi cuối cùng rồi đất nước cũng rơi vào tay Cộng Sản. Nhưng những người dân sống yên bình trong thị thành, những người như tôi vào thời gian đó được cắp sách tới trường, được học hỏi thế nào là hai chữ Dân Chủ, sống một cuộc sống vô tư, hít thở không khí tự do thì phải nói là đã chịu ơn họ rất nhiều. Nhứt là một người con của một cựu quân nhân trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa như tôi thì cảm giác gần gũi đó lại càng mãnh liệt hơn nữa. Vì thế, tôi nhận lời với một xúc cảm khó tả và trong lòng lan man một nỗi đau buồn.
Thế là sáng hôm sau, hai chị em dậy thật sớm để ra đón xe đò lên Sàigòn. Chúng tôi phải đi sớm vì lo lắng sợ không tìm ra nhà trước khi trời tối. Chúng tôi dự định đến nhà ông Bùi Phương trước vì ông ở quận Tân Bình, là nơi gần nhứt. Nhưng việc đầu tiên là phải vô Cư xá Ðô thành, mượn cái xe Honda của thằng cháu kêu tôi bằng dì ruột để dùng làm chân chạy. Tuy đã được trang bị khá kỹ lưỡng bằng một cái nón rộng vành, một cặp kiếng râm to che gần hết nửa khuôn mặt và cái khẩu trang bịt kín từ dưới mắt trở xuống coi giống xã hội đen hết sức, vậy mà tôi vẫn bị mùi khói xe làm nước mắt chảy ràn rụa và lợm giọng gần như muốn ói. Sàigòn bây giờ người đông nghìn nghịt, xe cộ chen chúc nhau nhả khói mù trời và ngoài tiếng động cơ rền rĩ thì hai người ngồi chung một xe cũng khó nghe nhau nói gì nếu không hét cho thiệt lớn.
Cuối cùng rồi chị em tôi cũng đến được quận Tân Bình. Tôi mừng quá sức! Cứ nghĩ là sẽ tìm ra nhà tới nơi. Nhưng tôi đã lầm! Tới được Tân Bình là chuyện nhỏ, còn kiếm cho ra nhà mới là chuyện lớn! Cô em gái tôi đã qua mấy năm học đại học ở Sàigòn nên khá rành rẽ về đường đi nước bước. Cô ta nói vanh vách những tên đường ngày xưa bây giờ bị đổi lại thành đường gì. Vậy mà cứ loanh quanh luẩn quẩn kiếm hoài không ra. Cho chắc ăn, chúng tôi tìm mấy ông xe ôm đang ngồi chờ khách để hỏi. Họ cũng trả lời giống y như em gái tôi đã biết: Con đường mà chúng tôi muốn kiếm nằm ở cạnh đường nào! Vậy thì tại sao lại kiếm không ra? Có khi chúng tôi đã tới đúng con đường rồi nhưng lại không tìm ra số nhà! Trời đã về chiều làm chúng tôi càng thêm bồn chồn.
Mãi tới khi đã đi tới cuối con đường hẻm bên cạnh có cùng một số nhà cho cả mấy chục căn kế tiếp nhau, nhưng có thêm dấu “xẹc”, tôi bỗng hiểu ra một “chân lý”! Ðó là biết đâu căn nhà của ông Bùi Phương cũng giống như những căn nhà kia, tức là thuộc loại “nhà mới cất” trong một khu hoàn toàn mới?! Nếu không tại sao lại đẻ ra những tên đường chỉ có những số “xẹc” như những căn nhà này? Ðể giải quyết vấn đề, tôi bèn tìm một người lái xe ôm, đưa cho ông ta địa chỉ nhà rồi đề nghị ông ta đi trước dẫn đường. Thì ra những căn nhà cũng mang tên đường Hiệp Nhất nhưng thuộc loại “xẹc” lại nằm bên hông một con đường khác, tuy không xa mấy nhưng coi chẳng có sự liên hệ nào với con đường Hiệp Nhất chính cả, nếu không có ông xe ôm, thổ công của vùng này, thì không biết chị em tôi tới khi nào mới tìm ra được nhà của ông Bùi Phương?
Cũng chính vì vậy, đã đứng trước cửa nhà, chúng tôi vẫn còn e dè không biết đây có thật là nơi mà chúng tôi đã mất biết bao nhiêu là thời giờ và mồ hôi để tìm cho ra hay không! Sau khi đã hỏi hai người hàng xóm cho chắc ăn, chúng tôi mới yên tâm gõ cửa. Nhưng cái cửa này nó lùng phùng, ọp ẹp chẳng ra cửa, cũng như căn nhà gọi là nhà cho sang thôi chứ thật ra nó chỉ là một cái chái của căn nhà chính có mang địa chỉ là một tên đường khác, được vây kín lại bằng những lá tôn cũ xì. Vào mùa nắng như thế này, cứ tưởng tượng ra cái nóng hầm hập được gói trong những lá tôn đó cũng đủ có cảm tưởng như bị nướng huống hồ sống từ ngày này qua ngày khác! Có lẽ vì tiếng ồn ào từ ngoài đường nên trong nhà không ai nghe thấy tiếng gõ cửa của chúng tôi.
Một cô bé hàng xóm đang đút cơm cho đứa em nhỏ đã giúp chúng tôi bằng cách thò miệng vô cửa sổ, kêu mãi mới có một thanh niên chạy ra mở cửa cho chúng tôi vào. Tôi chào cậu ta rồi hỏi.
- Xin lỗi, chúng tôi muốn gặp ông Bùi Phương. Ông ấy sống ở đây phải không cậu?
- Dạ đúng rồi, bác và cô có chuyện chi muốn gặp cậu của con?
- À... Có hội Cựu Quân Nhân ở bên Mỹ họ nhờ tôi tới thăm ông ấy.
Tôi nói vậy và tự hỏi tại sao tôi lại không thể dùng tiếng Cựu Quân Nhân để gọi những người cựu chiến binh này chứ? Họ là anh hùng của chúng ta kia mà! Ba tiếng Thương Phế Binh nghe sao mà đau lòng, chua xót quá!
Ông Bùi Phương được đặt nằm trên một cái ghế bố đặt ở phần trong cùng của căn phòng sinh hoạt chung cho cả gia đình. Có một người đàn bà cỡ tuổi tôi hoặc trẻ hơn chút ít đang ngồi trên một cái võng ở góc nhà. Bà ta khẽ gật đầu chào, ánh mắt lộ vẻ thắc mắc khi chúng tôi được người thanh niên đưa đi qua nhưng không nói gì hết. Ðến nơi, chúng tôi cất tiếng chào và được ông Bùi Phương chào lại. Ông tỏ vẻ dửng dưng trước cuộc thăm viếng này, dường như biết bao nhiêu bất thường trong cuộc đời đã xảy đến khiến ông có thái độ thản nhiên đón chờ những việc sẽ tới! Ông nhìn chị em tôi như chờ đợi điều gì sẽ xảy đến cho mình.
Bằng giọng nói nhỏ nhẹ, ông mời chúng tôi ngồi trên hai chiếc ghế bên cạnh chiếc bàn nhỏ kê gần phía tay phải của ông, trên mặt bàn có đặt một chiếc quạt máy nhỏ đang quay vù vù nhưng đối với sức nóng khủng khiếp trong nhà thì nó chẳng thấm vào đâu.
Khi nghe chúng tôi tự giới thiệu về mình, tôi mới nhận thấy nỗi vui mừng bừng lên trong đôi mắt. Ông nói bằng giọng nghẹn ngào:
- Các anh em bên nước ngoài vẫn còn nhớ tới chúng em... Họ không quên chúng em... Em cảm động quá! Em xin cám ơn mọi người.
Phải nói là tôi thực sự xúc động khi chứng kiến một thân xác tội nghiệp như vậy! Ông gầy ốm tới độ thân người mỏng tanh không hơn gì một lớp vải mỏng phủ trên bề mặt của chiếc ghế bố. Tấm vải đó hầu như chỉ để chứng minh cho người ta biết rằng phía dưới đó là thân xác một con người. Có một cái ống để rút phân và nước tiểu nhô ra bên ngoài. Có lẽ nhận thấy ánh mắt kinh hoàng của tôi nên ông giải thích rằng toàn bộ phần xương mông của ông đã bị “bay mất” khi bị trọng thương. Ðược cái là nơi ông nằm rất sạch sẽ, không có mùi ô uế nào, chứng tỏ ông được chăm sóc rất chu đáo. Khi em gái tôi hỏi thì ông cho hay sống được tới giờ này là nhờ tình thương của người chị ruột. Bà đã nuôi nấng và săn sóc ông rất chu đáo. Hầu như chỉ có em gái tôi nói chuyện với ông, còn tôi thì chỉ có khóc vì xúc động!
Tôi đưa mắt nhìn về phía người đàn bà ngồi trên võng thì thấy bà đang cúi đầu xuống và đưa tay quẹt mắt. Có lẽ trong lòng bà cũng đang rào rạt một mối thương tâm. Tôi thầm cám ơn trong lòng với người chị đã cưu mang cho đứa em xấu số! Tuy khuôn mặt có vẻ lam lũ, khắc khổ, nhưng coi bà ta có vẻ trẻ hơn tôi đến mấy tuổi. Rồi tôi nghĩ tới thời gian kinh hoàng đó! Khi người em tàn phế bị tống cổ ra khỏi Quân Y Viện năm 75 thì người chị kia còn trong lứa tuổi thanh xuân. Hỡi ôi! Một cô gái trẻ đã can đảm quên tuổi xuân của mình để khoác lên vai gánh nặng là một người em trai hoàn toàn phải trông cậy vào sự giúp đỡ từ tất cả mọi mặt như thế này.
Tự nhiên tôi cảm thấy xấu hổ vô cùng! Trong thời gian dầu sôi, lửa bỏng, những người lính anh hùng của Quân Ðội Việt Nam Cộng hòa, có người còn trẻ tuổi hơn tôi như người lính đang nằm trước mặt tôi kia, họ phải xả thân ngoài chiến trận, đem mạng sống của mình để bảo vệ quê hương, và không biết sự bất hạnh sẽ ụp xuống đầu họ vào lúc nào thì tôi và chúng bạn vô tư chân sáo tới trường. Chúng tôi cười đùa giỡn hớt với nhau, nắn nót viết từng trang nhật ký đầy những mộng mơ của tuổi học trò mà không quan tâm tới những gì đang xảy ra quanh mình. Quả thật bây giờ ngồi đây, trước một thể xác tả tơi, còm cõi, và một người chị tiều tụy, khô gầy, tôi cảm thấy mình thật nhỏ nhoi, vô dụng!
Em gái tôi khẽ nhắc đã tới giờ về vì còn phải tới thăm một người nữa. Tôi lấy ra 50 USD là số tiền được dặn sẽ trao cho ông Bùi Phương và bùi ngùi đặt thêm 200 ngàn đồng VN lên bàn, tặng ông thêm một chai dầu gió Singapore. Tôi lí nhí chúc ông ở lại mạnh giỏi rồi đứng lên để ra về. Ông nhìn chị em tôi bằng một cái nhìn cảm kích và biểu lộ một tia hy vọng xen lẫn nỗi buồn rầu. Ông rưng rưng nói:
- Em nhờ các chị chuyển lời cám ơn đến các ân nhân, và em cám ơn hai chị đã có lòng đến thăm em.
Tôi cúi xuống nắm lấy tay ông và nghẹn ngào nói:
- Thật ra tôi mới là người phải cám ơn anh.
Tôi chào mọi người trong nhà và bước ra cửa. Lòng nặng trĩu. Tôi nghe loáng thoáng những người hàng xóm nói với nhau:
- Mấy người lính cũ họ tốt vậy đó. Mấy chục năm mà còn đi kiếm để giúp đỡ Thương Phế Binh của họ chớ hổng có quên. Thiệt là tốt hết sức!
Tôi cũng cảm thấy vô cùng hãnh diện khi được đứng chung chiến tuyến với những người lính Cộng Hòa đầy ắp tình người.
Trời đã về chiều, tuy không khí đã dịu lại một chút nhưng cái nóng vẫn phả xuống hầm hập. Chúng tôi lên Bình Thạnh để đi tìm nhà ông Nguyễn Kim Lăng. Ðường Bùi Hữu Nghĩa không xa lạ gì. Nhưng mới trải qua kinh nghiệm tìm nhà ông Bùi Phương nên hai chị em chuẩn bị tinh thần kỹ càng. Ai ngờ trái với dự đoán của chúng tôi, chẳng bao lâu chúng tôi đã đứng trước một ngôi nhà khá khang trang với bức tường xây kiên cố. Thuận và tôi nhìn nhau, ngập ngừng mãi vì chỉ sợ lầm nhà. Sau cùng, tôi đánh bạo giơ tay nhấn chuông cửa.
Một cô bé xinh xắn khoảng chừng 14, 15 tuổi ra mở cổng. Cô chỉ thò đầu ra như e ngại những người lạ mặt sẽ xông vô nhà. Tôi hỏi đây có phải là nhà ông Nguyễn Kim Lăng không và được cô trả lời là ông Lăng chỉ ở đây để làm nghề sửa xe, còn nhà ông thì ở phía sau. Tôi vui mừng nói rằng muốn tìm gặp ông có công chuyện. Vừa lúc đó thì người mẹ của cô bé đi chợ về. Sau khi nghe con kể lại, bà ta quay sang hỏi chúng tôi muốn gặp ông ấy có chuyện gì. Ðược cho biết nguyên nhân của cuộc tìm kiếm, người đàn bà lộ vẻ vui mừng ra mặt. Bà nói bằng giọng tiếc rẻ:
- Trời đất ơi! Phải chi hai chị tới sớm một chút thì đỡ biết mấy! Ông ấy sửa xe ở trước cửa nhà tôi, mới dọn dẹp để ra chở rau cho bà vợ ngồi bán ở chợ.
- Ổng sắp về tới chưa hả chị?
- Chưa đâu! Ổng còn ngồi bán phụ với bả, chắc tới tối hù tối hì mới về tới nhà, vì còn phải phụ vợ dọn hàng về nữa chứ. Hai chị đợi không nổi đâu. Thôi ngày mai hai chị tới sớm hơn thì mới gặp. Ðể rồi tôi sẽ kể cho ông ấy mừng. Ðược đồng đội còn nhớ tới, chắc ông ấy cảm động lắm. Hoàn cảnh của vợ chồng thấy cũng tội nghiệp lắm nên tôi mới cho sửa xe trong sân nhà tôi đó. Những người Thương Phế Binh ngày xưa rất đáng cho mình giúp đỡ phải không các chị? Các chị về bên ấy làm ơn kêu gọi lòng từ tâm giúp đỡ những người như ông ấy với nhé.
Chúng tôi cảm thấy thất vọng, nhưng đành phải ra về vì không thể làm cách nào khác hơn!
Ngày hôm sau, chúng tôi lại đi sớm, mong làm xong việc để còn trở về Mỹ Tho. Ðồ đạc còn liệng bừa bãi ra nhà, mà sáng mai đã phải lên đường.
Lúc hai chị em tới thì ông Lăng không có mặt ở đó, người đàn bà mà tôi đã gặp hôm qua phải chạy ra sau nhà, là nơi ở của vợ chồng ông để báo tin. Ông Lăng khập khiễng đi ra, tay chống chiếc nạng. Vì đã được bà chủ nhà báo tin trước nên ông không tỏ vẻ ngạc nhiên. Ông lịch sự kéo ghế mời chúng tôi ngồi và hỏi han vài câu xã giao. Khi tôi nói mục đích chuyến viếng thăm, ông cúi đầu lắng nghe. Sau đó, ông cũng nhờ tôi chuyển lời cám ơn đến hội Thương Phế Binh đã có lòng nghĩ tới ông. Khi nhận số tiền 50 USD từ tay tôi, mặt ông lộ vẻ xúc động, và nơi khóe mắt của ông, hai hàng lệ rưng rưng. Tôi quên chưa kể với quý vị là ngoài cái chân mang thương tật, ông Nguyễn Kim Lăng còn bị hư mất một con mắt.
Khi chống nạng tiễn chúng tôi ra cổng, ông ngập ngừng hỏi:
- Không biết những người Mỹ họ lo cho chúng tôi đến đâu rồi hả chị?
Tôi quay mặt đi vì không nỡ nhìn thấy sự thất vọng của ông. Tôi đáp nho nhỏ mà cảm thấy chua xót trong lòng:
- Anh đừng hy vọng những chuyện đó làm gì. Chỉ là những đồng đội của các anh nghĩ về các anh thôi chứ không có người Mỹ nào đâu.
Trên đường về, tôi cứ miên man suy nghĩ về câu thắc mắc của ông Nguyễn Kim Lăng và câu trả lời của tôi và tự hỏi không biết mình có quá chủ quan khi nói như vậy hay không? Trong lòng tôi thầm cầu xin những điều tốt đẹp sẽ đến với những người Thương Binh Việt Nam Cộng Hòa. Trong cuộc chiến đã qua, họ đã đóng góp một phần máu xương trên mảnh đất đau khổ, khốn cùng này,
Và tôi chợt nhớ đến ánh mắt! Ánh mắt buồn rầu có bừng lên một tia hy vọng! Ánh mắt của ông Bùi Phương! Làm cách nào tôi có thể truyền đạt ánh mắt đó tới các đồng đội của ông đây? Hỡi Trời?!?...
Nguyễn Phạm Thỵ Hảo
(Na Uy)
Ghi chú:
Ðịa chỉ TPB Bùi Phương,
1051 Hiệp Nhất - Phường 4
Quận Tân Bình - Saigon <Người chuyển gởi thêm hình và số phone nhà cuả BP là 08-38424608 >
Cám ơn anh Năng rinh về.

Post Reply