Y Học Thường Thức

User avatar
dodom
Posts: 2723
Joined: Fri Nov 28, 2008 8:38 pm

Post by dodom »

TÁO BÓN (Constipation)

Bác sĩ Nguyễn Văn Đức
Đời lắm nỗi bất công, kẻ thơ thới đi cầu, người nhó nhăn táo bón. Mỗi năm, có hơn 2 triệu rưỡi người ở Mỹ đi thăm bác sĩ vì táo bón.

Bón không những khó chịu, còn có thể làm nứt hậu môn gây đau, khiến bệnh trĩ nặng hơn, trực tràng sa xuống (rectal prolapse), phân vón chặt trong trực tràng gây đau bụng, buồn nôn, ói mửa, bí tiểu.

Chúng ta hay nghĩ cứ phải đi cầu đều mỗi ngày mới là bình thường, nên nhiều vị tưởng mình táo bón. Thực ra, thói quen đi cầu của người lớn chúng ta khác nhau nhiều lắm, từ vài lần mỗi ngày, đến vài lần mỗi tuần.

Theo định nghĩa, ta bị táo nếu có hai (hoặc hơn) những triệu chứng sau đây:

• Đi cầu ít hơn 3 lần mỗi tuần
• Khi đi cầu, phân hay cứng, ra thành cục nhỏ
• Khi đi cầu, hay phải rặn dữ phân mới chịu ra
• Khi đi cầu, hay phải dùng tay giúp phân ra
• Khi đi cầu, hay có cảm giác phân kẹt không ra
• Hay có cảm giác đi cầu không hết khi đã xong việc

Như vậy, nếu bạn đi cầu có 3 lần mỗi tuần thôi, song vẫn dễ dàng và thoải mái lắm, bạn... chưa bị táo bón.

Nguyên nhân táo bón kinh niên

Càng lớn tuổi chúng ta càng dễ bón. Các vị cao niên thường ít ăn rau trái cùng những thực phẩm giúp chống bón, không uống đủ nước, ít vận động hơn người trẻ, uống nhiều loại thuốc có thể gây bón.

Rất nhiều nguyên nhân khác nữa gây bón:

• Bất thường về cấu trúc của đường tiêu hóa: bướu (như ung thư ruột già), trực tràng lồng vào nhau hoặc bị sa, thòng ( rectal intussusception or prolapse, rectocele ).

• Bất thường cơ năng ( functional abnormality ): bệnh ruột quá nhạy cảm ( irritable bowel syndrome ).

• Bệnh nội tiết: bệnh tiểu đường, bệnh suy tuyến giáp trạng ( hypothyroidism ), bệnh cao hoặc thấp chất calcium trong máu ( hypercalcemia, hypocalcemia ).

• Bệnh thần kinh: aganglionosis, intestinal pseudo-obstruction, multiple sclerosis, Parkinson’s disease.

• Mang thai.

• Thuốc dùng: rất nhiều thuốc có thể gây bón: anticholinergics, antidepressants (chống sầu buồn), antiparkinsonian agents (chữa bệnh run Parkinson), calcium-channel blochers (chữa cao áp huyết), iron supplements (thuốc chứa chất sắt), opiates (thuốc chứa chất nha phiến), v.v..

Trong những trường hợp táo bón không tìm thấy nguyên nhân rõ rệt, có lẽ bón gây do ruột già chuyển động chậm slow colonic transition ) hoặc sàn vùng chậu không làm việc đàng hoàng ( pelvic floor dysfunction , các bắp thịt vùng chậu và hậu môn không nới lỏng lúc chúng ta rặn khi đi cầu).

Kể bệnh và khám bệnh

Để giúp bác sĩ tìm ra nguyên nhân gây chứng bón khiến bạn buồn phiền, khi tâm sự với bác sĩ, bạn cho bác sĩ biết ba điểm quan trọng:

• Chứng bón mới đến thăm bạn đây hay ở với bạn đã lâu?
• Thực sự, bạn bảo bạn bị bón, bạn muốn nói: bạn ít khi đi cầu, phân bạn cứng, hay bạn phải rặn đỏ cả mặt khi đi cầu, hoặc bạn đi không hết phân, v.v.?
• Mỗi tuần, bạn thử nhớ, bạn đi cầu tổng cộng mấy lần?

Thế còn thuốc dùng, bạn có nhớ mang tất cả theo cho bác sĩ xem không. Kể cả những thứ mua không cần toa, như các thuốc chảy mũi, nghẹt mũi Dimetapp, Benadryl, Tavist , v.v.? Chúng có tính anticholernergic , hay gây bón. Và nhiều thuốc khác nữa. Tốt nhất, đi khám bệnh vì bất cứ triệu chứng gì, bạn đều đem theo thuốc cho bác sĩ xem.

Còn nữa. Bạn có đau bụng, đau vùng hậu môn khi đi cầu, bạn có xuống cân, chảy máu trực tràng ( rectal bleeding ) không? Trong lúc đi cầu, bạn có phải ngồi ở một vị trí nào đặc biệt để cố đi? Bạn có phải dùng tay ấn phía trước hậu môn, hoặc đưa tay vào âm đạo đè vào trực tràng ở phía sau để giúp phân ra không? (nếu vậy, bạn có thể bị thòng trực tràng, rectocele). Nếu cứ có cảm giác đầy đầy trong trực tràng, xin bạn cho biết luôn, để ta cùng nghĩ đến các bệnh sa trực tràng ( rectal prolapse ), trực tràng lồng vào nhau ( rectal intussusception ), và thòng trực tràng (rectocele). Những lúc bạn không đi cầu, phân bạn nó có tự ý rò ra không ( fecal incontinence ).

Trong lúc bạn kể bệnh, bác sĩ kín đáo để ý xem nét mặt bạn thế nào, có lộ những nét căng thẳng, buồn sầu chăng. Người căng thẳng, buồn sầu hay bị bón, và có khi đang dùng thuốc tâm thần khiến họ bón thêm. Rồi đến lúc thăm khám cho bạn, bác sĩ sẽ khám tổng quát trước, xem bạn có bệnh toàn diện nào ảnh hưởng cả đến sự hoạt động của bộ máy tiêu hóa bạn, chẳng hạn như các bệnh suy tuyến giáp trạng, bệnh run Parkinson, v.v.. Bác sĩ ngắm xem bạn có gầy còm, xanh xao không, vì bệnh ung thư ruột già có thể gây bón, còn làm ta xuống cân, mất máu. Khi khám hậu môn của bạn, bác sĩ sẽ để ý xem hậu môn bạn có vết nứt nào ( anal fissures ) hoặc có trĩ ( hemorrhoids ) khiến bạn đau, và đâm ngại đi cầu. Bác sĩ nhờ bạn rặn thử, như lúc đi cầu, để xem trực tràng của bạn có sa xuống không.

Sau đó, bác sĩ sẽ đưa ngón tay vào hậu môn bạn để thăm khám tiếp. Bạn chịu khó chút. Dùng ngón tay thăm như vậy, bác sĩ có thể khám phá bạn có vết nứt hậu môn, trĩ, mạch lươn (fistulas), đồng thời thẩm định xem cơ vòng hậu môn của bạn có còn làm việc đàng hoàng không. Bác sĩ lại nhờ bạn rặn như đi cầu lần nữa, để xem bên trong, trực tràng có thòng xuống bất thường lúc bạn rặn không, và cùng lúc, nếu cơ vòng hậu môn, lẽ ra nó phải dãn ra để phân bạn thoát ra dễ dàng, mà không, nó lại siết lại, thì đúng là nó không muốn làm việc rồi. Với ngón tay trong hậu môn bạn, bác sĩ cũng xem bạn có bị bướu trong trực tràng, có bị vón phân ( fecal impaction ), có khi thành một cục to như trái banh tennis, khiến bạn đã bón càng thêm bón, hoặc ngược lại, khiến phân cứ hay nhỉ ra, nhỉ ra những lúc bạn không đi cầu, khiến bạn thấy phiền quá.

Với những vị lớn tuổi mới bị bón đây, ta cẩn thận và nghĩ xa hơn chút, vì sợ ung thư ruột già là nguyên nhân làm bón. Nếu cùng với bón, có cả chảy máu trực tràng hoặc thiếu máu do thiếu chất sắt, ta nên nhờ bác sĩ chuyên khoa đường tiêu hóa soi toàn thể ruột già ( colonoscopy ) cho chắc ăn, kẻo có ung thư nó nằm đâu đó. Còn không (không chảy máu trực tràng, không thiếu máu do thiếu chất sắt), soi ruột không gấp, ta chụp phim ruột già, vì phim chụp có thể cho thấy ruột già hoặc trực tràng có to bự bất thường hay chăng ( megacolon or megarectum ).

Chữa trị

Bón ít khi gây do những nguyên nhân nguy hiểm, nên nếu việc thăm khám không cho thấy có gì lạ lắm, chúng ta có thể bắt tay ngay vào việc chữa trị, chưa cần phải thử máu hoặc làm những trắc nghiệm phức tạp.

Chữa bón gồm 4 bước, từ nhẹ nhàng đến nặng tay.

Bước đầu, bạn nên thường xuyên vận động (như đi bộ 30-45 phút mỗi ngày), uống nước cho đủ (6-8 ly nước mỗi ngày), và hàng ngày, bỏ ra 15-20 phút để nhẩn nha đi cầu. Hãy lắng nghe và đáp ứng những tín hiệu đòi đi cầu của bộ tiêu hóa, những tín hiệu này mạnh nhất sau khi ta ăn, nhất là sau bữa sáng. Nếu ta phe lờ, tín hiệu muốn đi cầu từ bộ tiêu hóa sẽ yếu dần rồi hết hẳn, nó thôi, không nhắc ta nữa.

Bạn nên ăn nhiều rau, trái cây, bran cerial, whole wheat bread, v.v., những thực phẩm chứa nhiều chất sợi (fiber) giúp ta đi cầu đều hơn. Mỗi ngày bạn cần khoảng 20-35 g chất sợi để chống bón. Bạn đang dùng thuốc gì nghi có thể gây bón ư, ta giảm lượng thuốc, hoặc đổi sang một thuốc khác không gây bón.

Nếu bạn không ăn đủ rau trái, bran cerial, whole wheat bread, v.v., để có đủ 20-35 g chất sợi mỗi ngày, ta sang bước thứ hai. Bác sĩ sẽ khuyên bạn dùng các thuốc cung ứng chất sợi ( polycarbophyl, psyllium, methylcellulose ) để đi cầu đều hơn. Còn phân của bạn quá cứng ư, bạn có thể dùng thuốc làm mềm phân ( stool softener ), như thuốc Colace .

Với những biện pháp trên, mà cái ruột của bạn vẫn ỳ ra, ta phải sang đến bước thứ ba, tuần 2-3 lần, dùng thêm các thuốc xổ có tác dụng thẩm thấu (osmotic laxatives) chứa chất muối magnesium ( magnesium citrate, magnesium hydroxide ), sodium phosphates, hoặc các chất đường không hấp thụ (nonabsorbable sugars) như lactulose, sorbitol . Các thuốc này tương đối lành, tuy nhiên, ta không nên dùng chúng cho những vị bị suy thận ( renal insufficiency ), hoặc phải ăn một thực phẩm lạt, ít chất muối sodium.

Bước thứ tư là bước cuối trong sự chữa trị bằng thuốc, gồm những thuốc xổ có tác dụng kích thích (stimulant laxatives), như các thuốc bisacodyl, senna , v.v., dùng cho những cái ruột già cứng đầu, không chịu làm việc gì cả. Đã đến bước này, mà cũng chẳng ăn thua, thì đúng là ta gặp phải cái ruột già ngoan cố.

Với những cái ruột già ngoan cố, ta cần tìm xem những nguyên nhân sâu xa bên trong gây bón. Những thử máu thường được làm, trường hợp chứng bón của bạn cứng đầu, không chịu thua những cách ta đã thử kể trên: TSH, calcium, glucose, creatinine, complete blood count (đếm máu toàn diện, hay được viết tắt CBC), để truy tìm các bệnh suy tuyến giáp trạng, cao hoặc thấp calcium trong máu, suy thận, những bệnh hay gây bón. Còn làm CBC (đếm máu toàn diện) để xem bạn có thiếu máu không, nếu có, ta nên nghĩ đến ung thư ruột già, một bệnh chúa hay gây thiếu máu.

Nếu mọi tìm hiểu với thử máu đều bình thường, và chứng bón của bạn nó vẫn quá lắm, không có mòi thuyên giảm, đây là lúc bạn cần được chuyển đến bác sĩ chuyên khoa đường tiêu hóa, để bác sĩ chuyên khoa soi đường tiêu hóa phía dưới của bạn ( sigmoidoscopy ) xem có gì lạ, và nếu cần sẽ làm những trắc nghiệm đặc biệt như đo lường sự chuyển động của ruột già ( measurement of colon transit ), đo áp suất vùng hậu môn-trực tràng ( anorectal manometry ), chụp phim lúc đang đi cầu ( defecography ), v.v.. Sự chữa trị sau đó sẽ tùy vào kết quả của những trắc nghiệm đặc biệt này. Thỉnh thoảng, có chứng bón, hết thuốc chữa, vì trị liệu nào cũng vô phương, cách trị cuối cùng là đành cắt hẳn ruột già ( colectomy ).

Ôi, bón khiến nhiều người chúng ta đau khổ, mặt mày tư lự. Cũng may, thường nó không do nguyên nhân nguy hiểm. Bạn tăng cường vận động, uống cho đủ nước, ăn nhiều rau trái cùng những thực phẩm giúp chống bón, tránh những thuốc có thể gây bón, tập thói quen đi cầu đều mỗi ngày (nghe theo tiếng gọi của bộ tiêu hóa, đi ngay lúc nó muốn), thường bón sẽ bớt.

User avatar
TheLang
Posts: 1960
Joined: Thu Oct 30, 2008 5:43 am

Post by TheLang »

Image

Gan nhiễm mỡ

Bác Sĩ Nguyễn Ý Ðức
Gan là cơ quan nội tạng lớn nhất trong cơ thể với trọng lượng khoảng 1.4 kg.

Nằm ở phía trên bên phải của bụng, ngay dưới xương lồng ngực, gan có hai thùy. Thùy phải lớn và gồm có ba mảnh ghép với nhau. Thùy trái nhỏ hơn, nằm lên phần dạ dày tiếp cận với thực quản.

Về cấu tạo, gan có khoảng từ 50,000 tới 100,000 tiểu thùy nhỏ với một tĩnh mạch ở giữa. Từ tĩnh mạch tỏa ra cả trăm tế bào gan đan xen với hệ thống ống dẫn mật và mạch máu nhỏ xíu. Gan có mầu đỏ tươi tương tự như gan súc vật bày bán ở cửa hàng thịt.

Với khoảng 300 tỷ tế bào, gan có khả năng tự tái tạo và duy trì được chức năng dù chẳng may vì một lý do nào đó đã mất đi 90% khối lượng. Nhưng nếu cả trăm phần trăm tế bào gan bị hư hao vì bệnh tật thì con người chỉ sống nếu được ghép một miếng gan.

Gan tiếp nhận máu qua tĩnh mạch cửa và động mạch gan. Mỗi phút các mạch máu này chuyển qua gan khoảng 1.5 lít máu. Máu trong động mạch gan chứa nhiều oxy còn máu ở tĩnh mạch cửa chuyển tải các chất phế thải của sự tiêu hóa.

Gan được ví như một nhà máy chế biến hóa học cực kỳ tinh vi với cả trăm nhiệm vụ quan trọng khác nhau.

1. Gan là kho tiếp nhận đường glucose hấp thụ từ ruột non rồi tích trữ dưới dạng glycogen. Sau mỗi bữa ăn, khi đường huyết lên cao thì insulin từ tụy tạng sẽ thúc đẩy gan biến hóa glucose thành glycogen. Vài giờ sau đó, khi đường huyết xuống thấp, gan lại chuyển glycogen ra glucose, đưa vào máu và cung cấp cho các bộ phận có nhu cầu.

2. Ngoài vai trò kể trên, gan còn biến hóa đường và chất béo thành chất đạm và cũng làm chất đạm và chất béo biến thành glucose.

3. Gan chế tạo khoảng 0.5-0.9 lít mật mỗi ngày. Mật là chất lỏng mầu vàng-xanh, vị đắng với thành phần cấu tạo quan trọng nhất là muối mật, cần thiết cho sự tiêu hóa chất béo trong thức ăn.

4. Gan loại bỏ các chất độc hại như rượu, một vài loại dược phẩm như acetaminophen.

5. Gan tổng hợp ure, một phế chất trong sự chuyển hóa chất đạm và loại ra ngoài qua thận.

6. Gan hủy hoại các hồng huyết cầu hư hao, già nua cũng như tiêu diệt các vi khuẩn lẫn trong thực phẩm ở ruột.

7. Gan tích trữ các sinh tố A, B, D, E và K.

8. Gan tạo ra các chất đạm trong máu như albumin, globulin và yếu tố đông máu.


Gan nhiễm mỡ


Mới nghe gan nhiễm mỡ, nhiều bà con cũng giựt mình e ngại. E ngại vì gan có mỡ thì làm sao mà sống được.

Thực tế ra thì trong gan cũng như các bộ phận khác của cơ thể, chỗ nào cũng có mỡ. Mỡ là thành phần cấu tạo của các tế bào. Chỉ khi nào mỡ trong gan quá 5% trọng lượng gan và lấn át, chiếm chỗ của các tế bào gan lành mạnh. thì mới có vấn đề. Khi đó thì gan sẽ có mầu vàng béo, lớn hơn và nặng hơn bình thường.

Cắt một lát mỏng ở gan không bệnh rồi quan sát qua kính hiển vi, ta thấy máu tràn ngập khoảng trống giữa các tế bào gan. Thành tế bào gan sẽ lấy đi các chất độc hại, vi khuẩn, chất béo khiến cho máu trở nên sạch sẽ. Do đó gan giữ vai trò của một cái lọc. Nếu bây giờ trong tế bào gan và khoảng trống lại đầy những chất béo thì việc lọc và các chức năng khác của gan sẽ suy giảm đưa tới hậu quả xấu cho cơ thể. Các chất béo này đa số thuộc nhóm triglycerit.

Có nhiều loại gan nhiễm mỡ:

1. Nhiễm mỡ không do rượu

Bệnh rất phổ biến tại các quốc gia phát triển và chiếm 24% các bệnh về gan tại Hoa Kỳ. Bệnh có thể chỉ là tăng chất mỡ trong gan, không gây ra triệu chứng gì hoặc vừa tăng mỡ vừa bị viêm tế bào gan rồi đưa tới xơ gan.

Nguyên nhân chưa được biết rõ nhưng sau đây là một số rủi ro gây bệnh:

-Hội chứng chuyển hóa với chẩn đoán tiểu đường loại 2, mập phì, cao cholesterol/ triglycerid trong máu. Bệnh thường thấy ở phụ nữ từ 40-60 tuổi nhưng cũng có thể xảy ra ở mọi giới mọi tuổi.

Ngoài ra, gan nhiễm mỡ cũng xảy ra vì các rủi ro khác như:

-Suy dinh dưỡng, thiếu chất đạm.

-Một số dược phẩm như amiodarone, tamoxifen, methotrexate, valproic acid, tetracycline, thuốc chống virus zidovudine.

-Phẫu thuật dạ dày để giảm cân.

-Ðộc chất, thuốc diệt sâu bọ.

-Bệnh Wilson trong đó khoáng chất đồng tích tụ trong gan.

Bệnh âm thầm diễn tiến, đôi khi không có dấu hiệu rõ rệt. Một số than phiền đau ngầm ngầm nơi bụng trên, mệt mỏi, kém ăn. Khám bệnh, bác sĩ thấy gan hơi to.

Xét nghiệm máu thấy men gan lên cao và sinh thiết gan cho hay trong tế bào gan có những túi chất béo nhỏ li ti.

Ðiều trị căn bản nhắm vào việc loại bỏ các rủi ro gây bệnh cũng như duy trì mức độ đường huyết và cholesterol bình thường, giảm cân, không dùng các chất độc hại

2. Nhiễm mỡ do rượu

Mỗi ngày tiêu thụ trên 60 g rượu trong thời gian 10 năm là đủ gây ra bệnh gan nhiễm mỡ. Phụ nữ dễ bị bệnh này hơn nam giới dù chỉ dùng 1/3 số lượng rượu kể trên. Lý do là quý bà ít có loại men gan bảo vệ với sự hấp thụ chất rượu ở dạ dày. Bệnh cũng thường xảy ra cho người trong cùng huyết tộc, nhiễm viêm gam C, tiêu thụ nhiều chất béo không bão hòa động vật hoặc có quá nhiều chất sắt tích tụ ở gan.

Sau khi tiêu thụ, rượu được dạ dày và ruột non hấp thụ rồi hầu hết được oxy hóa, tạo ra các chất có khả năng cung cấp năng lượng cho cơ thể. Vì lẽ đó, các acid béo từ thức ăn không được dùng đến khiến cho triglycerid tích tụ trong gan và tăng chất béo trong máu.

Dấu hiệu bệnh không có gì đặc biệt: đau âm ỉ phía gan, mệt mỏi, tâm trí rối loạn, kém ăn, vàng da, gan to. Trường hợp trầm trọng sẽ có viêm tế bào gan, xơ hóa và xơ cứng gan.

Bệnh có thể chẩn đoán với gan lớn qua siêu âm, xét nghiệm tế bào gan thấy nhiễm mỡ trong tế bào gan.

Không có thuốc đặc trị cho bệnh gan nhiễm mỡ vì tiêu thụ quá nhiều rượu. Chỉ cần ngưng rượu khoảng dăm tuần lễ là tình trạng nhiễm mỡ được cải thiện liền. Sau đó, dinh dưỡng đầy đủ đúng cách, dùng thêm một số vitamin như các sinh tố nhóm B, khoáng chất vì người nghiện rượu thường thiếu các chất này.

User avatar
TheLang
Posts: 1960
Joined: Thu Oct 30, 2008 5:43 am

Post by TheLang »

Phương pháp lấy sạn thận mà không cần mổ Ba tài liệu về sạn thận, sạn mật và tẩy gan rất có gía trị. Ngoài ra có một phương pháp lấy sạn cổ điển ở VN thường dùng cũng có hiệu qủa mà tôi vẫn thường áp dụng cho những bệnh nhân như sau :

- Mua 1 qủa dứa, gọt vỏ, cắt phần đầu làm nắp đậy, khoét một lỗ sâu 3cm, đổ vào lỗ một muổng nhỏ (muỗng cà phê) bột phèn chua, rồi đậy nắp lại, bỏ qủa dứa vào lò nướng cho chin vàng, lấy ra, vắt lấy nước cốt, được chừng 2 ly.
Image Tối đi ngủ uống 1 ly, mục đích làm cho sạn thận và bàng quang mềm ra như trứng gà non.

Sáng vừa thức giấc, uống 1 ly còn lại, nằm nghỉ 30 phút, mục đích làm cho vỡ sạn thành bột bụi, rồi đi tiểu.

Để ý nước tiểu đục như nước vo gạo hay như nước vôi, mùi nước tiểu rất khai. Triệu chứng của sạn thận là có cơn đau thắt từ bụng lan ra sau lưng, có khi đau từ thắt lưng sang bụng, mệt mỏi, nói không ra hơi, đi lại mạnh thì đau, không ăn uống được, có lúc nghĩ là bệnh đau lưng, có lúc nghĩ là bệnh đau bụng, nhưng không đi cầu…Sau khi uống nước dứa phèn chua một ngày, những triệu chứng kể trên biến mất, không còn đau đớn, thở dễ, nói cười sang sảng như người hết bệnh…

Sở dĩ tôi chỉ dẫn những bệnh nhân bị bệnh sạn thận dùng bài thuốc này là do một người bạn ở VN bị sạn hai bên thận do kết qủa khám nghiệm thấy một bên thận có sạn to bằng nửa ngón tay cái, đã phải mổ gấp ở BV Bình Dân, anh xin cục sạn đó về làm kỷ niệm, còn sạn bên thận kia 1-2 tháng sau chờ anh hồi phục sức khỏe mới mổ tiếp.

Trong thời gian chờ đợi, thường xuyên anh bị đau phải nghỉ làm để dưỡng bệnh, nhưng triệu chứng trên lại tái phát. May mắn thay, anh gặp được một vị lương y lão thành chỉ cho bài thuốc dân gian này, anh không tin mấy, vì sợ phèn chua có độc, nhưng anh có ý định làm nước dứa phèn chua này, rồi lấy cục sạn đã mổ, ngâm vào đó xem kết qủa ra sao. Ngày hôm sau, anh cầm cục sạn, nó có vỏ mềm như vỏ trứng non trong chứa chất lỏng chứ không cứng như cục sạn hôm qua. Anh hỏi tôi :

- Dung dịch này uống vào có sao không ?

Tôi trả lời : Dân quê miền Bắc chúng tôi trước kia đều dung những cục phèn chua để khuấy lọc nước sơng dùng làm nước ăn uống hàng ngày từ đời ông bà cha mẹ đến nay có thấy hại gì đâu. Thế là anh áp dụng để chữa cục sạn thứ hai. Kết qủa là anh thấy khỏe, hết những triệu chứng đau và mệt mỏi kể trên. Cho nên đến ngày hẹn mổ với bác sĩ, anh đem theo một chai nước dứa phèn chua, và kể chuyện cho bác sĩ nghe, bác sĩ cho kiểm tra thận không thấy còn cục sạn, bác sĩ xin chai nước dứa phèn chua để ngâm thử mấy cục sạn mà bác sĩ sẵn có để thử nghiệm. Mấy hôm sau, bác sĩ cho hay, qủa thật các cục sạn đã mềm ra, bóp dễ vỡ chảy ra nước, ông côngnhận dung dịch này có kết qủa làm tan vỡ sạn thận.

Sang đến Canada, bà nhạc của tôi cũng có những triệu chứng như trên, đi BV Jean Talon khám, bác sĩ thấy có sạn to, hẹn một tuần sau mổ. Nhưng về nhà, cụ đau không đi lại được, uống thuốc giảm đau không kết qủa. Tôi đề nghị với cụ uống nước dứa phèn chua để giảm đau, còn việc đến ngày hẹn đi mổ thì cứ đi. Cụ bằng lòng.

Trái dứa ở Canada to gấp 2 lần trái dứa VN, cho nên tôi làm 2 lần. Tôi cho cụ uống 1 ly vào buổi tối, sang hôm sau uống 1 ly, khi đi tiểu, để ý thấy nước tiểu đục nhiều, sau đó cụ đi lại không đau, nói cười vui vẻ. Cụ nghi ngờ không biết sạn có hết không. Tôi nói còn nửa trái dứa nữa, cụ uống tiếp, khi đi tiểu, nước tiểu bình thường không vẩn đục. Đến ngày hẹn mổ, tôi sợ bác sĩ chỉ nhìn theo kết quả cũ thì chắc chắn cụ sẽ phải bị mổ oan uổng, nên đề nghị với bác sĩ cho khám lại trước khi mổ vì nói rằng mình đã khỏe hết đau như trước. Bác sĩ khám lại rồi cho về, hẹn sẽ thông báo kết qủa sau 1 tuần. Chúng tôi đợi 2 tuần không thấy bác sĩ cho biết kết qủa, nên đã phone hỏi bác sĩ, ông cho biết không có sạn nên không phải mổ.

Con trai tôi đi làm, có những bạn Canadien bị sạn thận, muốn giới thiệu họ dùng nước dứa phèn chua nhưng sợ có chuyện gì xảy ra mình mang họa, nên chỉ cho họ ra tiệm thuốc bắc mua loại thuốc thuốc bào chế sẵn của đông y cổ truyền có tên là Thạch Lâm Thông ( thạch là đá, lâm là đi tiểu, thông là cho thoát ra ngoài), một hộp 40 viên, thành phần chính của thuốc là 100% Kim tiền thảo (cỏ đồng tiền). Tối uống 5 viên, sáng uống 5 viên, nước tiểu buổi sang bị vẩn đục. Uống 2 ngày nếu nước tiểu còn vẩn đục mới cần uống hết 1 lọ. Nhiều người uống cũng có kết qủa.

Những người bị sạn mật uống 4 ngày hết một lọ, uống 1-2 lọ, đi khám lại cũng thấy mất sạn không cần phải cắt túi mật. Người bình thường như chúng ta, cứ mỗi năm uống một lần, làm sạch sạn trong thận, bàng quang, sạn mật, và nhất là chữa được bệnh viêm tuyến tiền liệt (prostate) cũng có kết qủa.

Kèm theo đây là email rất qúy về tiêu trừ Sạn do chị Phung từ Germany gửi tới. Chị Phung nguyên là Dược Sĩ Chủ Nhiệm (Manager) cho công ty Dược Pham Hochst Germany, nên tin tức về Y Khoa của chị rất đáng tin tưởng.

User avatar
macco
Posts: 3542
Joined: Mon Jan 17, 2005 8:04 am

Post by macco »

Tránh rủi ro tự dùng thuốc

Bác Sĩ Nguyễn Ý Ðức

Một bản tin vào tháng 9, 2010 cho hay: “Cách đây chục hôm, Na bị sốt, viêm họng, em được người nhà cho dùng 3 loại thuốc, trong đó có kháng sinh Ampicillin.

Image



Sau đó vài giờ, mắt em sưng húp, miệng cũng phồng rộp, rồi cả người bị sẩn mề đay. Vài hôm sau, thấy tình trạng của con không đỡ, người nhà đưa em đến bệnh viện Nhi Trung Ương để điều trị. Bác sĩ cho biết, cháu Na bị hội chứng dị ứng Lyell do phản ứng với thuốc kháng sinh...”

Trong khi đó thì tại Hoa Kỳ, cơ quan Kiểm Soát Bệnh CDC luôn luôn nhắc nhở dân chúng rằng hàng năm có cả ngàn em bé dưới 12 tuổi phải vào phòng cấp cứu sau khi được cha mẹ cho dùng các thuốc trị ho, cảm lạnh bán không cần toa bác sĩ.

Ðó là hậu quả của việc tự chữa bệnh với các loại thuốc mua tự do không cần toa bác sĩ tại tiệm tạp hóa, siêu thị, nhà thuốc tây.

Tự chữa bệnh không phải là sự việc mới xảy ra mà đã có từ ngàn xưa, khi mà nền y khoa chưa được phát triển và tiến bộ như hiện nay. Chẳng may mà bị bệnh tật thương tích, con người đã tìm cách tự chữa với các loại cây con. Ðó là bản năng tự sinh tự tồn, bảo vệ sức khỏe. Ngày nay, tự mua thuốc chữa bệnh cũng là chuyện thường thấy vì nhiều lý do:

-Số bệnh nhân ngày càng tăng mà chuyên viên y tế nhiều nơi lại thiếu.

-Chi phí khám chữa bệnh quá cao, thời giờ chờ đợi khám chữa bệnh khá lâu, thuốc men quá đắt.

-Kinh tế khủng hoảng khiến cho người dân ít đi bác sĩ khi mắc những bệnh thông thường.

-Kiến thức về sức khỏe, tự chăm sóc của người dân cũng nhiều hơn qua sách báo, truyền thông.

Cho nên, thấy đau bụng, nhức đầu cảm lạnh là ra tiệm mua mấy viên thuốc, vài chai xi rô về uống, coi xem ra sao đã. Vì nhiều người tin tưởng rằng thuốc đã được chính quyền cho phép bày bán thì chắc là phải công hiệu, an toàn như quảng cáo.

Nhưng hầu hết dược phẩm dù là cần toa hay không đều là những hóa chất được chế biến, tổng hợp trong phòng thí nghiệm mà mục đích là để thay đổi chức năng cơ thể theo chiều hướng tốt, nhưng cũng vẫn có thể có những tác dụng có khả năng gây hại. Các tác dụng này có thể là biết trước hoặc bất chợt xảy ra. Chẳng hạn thuốc đa dụng corticosteroid được cho phép dùng từ thập niên 70 mà tác hại lên nhồi máu cơ tim chỉ mới được biết vào thời điểm 2000. Ðặc biệt là các thuốc chứa 2, 3 hoạt chất khác nhau có thể gây ra tác dụng ngoài ý muốn.

Ngoài hoạt chất chính, một số chất cho thêm vào thuốc trong khi sản xuất với mục đích giữ gìn, bảo quản, hoặc tạo hương vị cũng có thể ảnh hưởng tới sức khỏe. Chẳng hạn trong sirop thuốc ho chứa chất cồn có thể gây ngây ngất buồn ngủ; đường trong thuốc nước có thể khiến cho việc kiểm soát bệnh tiểu đường khó khăn hơn. Thêm vào đó, thuốc không cần toa cũng tương tác với nhau hoặc tương tác với sinh tố khoáng chất, thực phẩm nước uống.

Do đó muốn tự mua thuốc về dùng thì cũng cần hiểu biết về chúng. Chẳng nên quá đặt tin tưởng vào những lời quảng cáo, nhất là với loại quảng cáo rộng rãi tốn kém. Vì “hữu xạ tự nhiên hương,” tiếng lành đồn xa, đâu cần phải “huênh hoang” giới thiệu quá lố. Chỉ những mặt hàng “dỏm,” có tính cách lường gạt mới cần áp đảo “tuyên truyền” nhồi nhét vào tai vào mắt giới tiêu thụ. Hậu quả là nhiều chục ngàn người cả tin, đặc biệt là các cháu bé, quý lão bà, lão ông, bà mẹ mang thai phải nhập viện vì tự dùng các thuốc qua quảng cáo, mà lẽ ra họ không nên dùng và vì cho rằng vô hại.

Sau đây là mấy điều cần nhớ khi dùng thuốc, dù là thuốc do bác sĩ cho toa hoặc do mình tự mua:

1. Ðọc kỹ và hiểu rõ các chi tiết về thuốc ghi trong nhãn thuốc drug facts label như tên thuốc, công dụng, liều lượng, uống khi nào và tác dụng phụ của thuốc.

2. Dùng thuốc đúng liều lượng, thời gian và số lần uống mỗi ngày như chỉ dẫn.

3. Ðừng dùng cùng một lúc các thuốc có công dụng tương tự. Thí dụ vừa uống aspirin cho đau nhức lại uống thêm thuốc chống đau loại acetaminophen.

4. Mua thuốc đúng với dấu hiệu bệnh của mình. Chẳng hạn nếu chỉ bị sổ mũi thì đừng mua thuốc chữa cả ho và nóng sốt.

5. Hỏi người bán thuốc hoặc dược sĩ coi nếu thuốc có ảnh hưởng gì tới những bệnh mãn tính mình đang có như tiểu đường, cao huyết áp.

6. Ðừng dùng chung thuốc do bác sĩ cho toa và thuốc mình tự mua, trừ khi đã hỏi ý kiến bác sĩ

7. Ðừng dùng thuốc đã quá hạn hoặc thuốc do người khác cho.

8. Không dùng thuốc nghi ngờ là không an toàn như mất tem bảo đảm, hộp chai đựng bị hở, rách, sản phẩm đổi mầu hoặc có mùi bất thường.

9. Nếu chẳng may dùng quá liều lượng hoặc nhầm thuốc, nên thông báo cho bác sĩ hoặc phòng cấp cứu hay ngay.

10. Nên có một danh sách ghi các thuốc đang dùng, dù là do bác sĩ cho toa hoặc mua tự do. Mỗi lần đi khám bệnh, nên đưa cho bác sĩ coi để được hướng dẫn.

Cuối cùng là, nên thân thiện với các vị dược sĩ. Vai trò của họ không chỉ giới hạn trong việc bán thuốc mà còn được huấn luyện, để cố vấn cho giới tiêu thụ mỗi khi cần thuốc. Họ là người giúp ta có hiểu biết về thuốc, về công dụng, về tác dụng phụ, uống khi nào, uống bao nhiêu...

Bác Sĩ Nguyễn Ý Ðức M.D.
Texas-Hoa Kỳ

User avatar
phu_de
Posts: 2917
Joined: Sun Nov 28, 2004 10:57 pm
Has thanked: 7 times

Post by phu_de »

Dùng thuốc trị bệnh Parkinson's trở thành gay


A French father-of-two is to take GlaxoSmithKline to court on Tuesday, alleging the British firm's drug to treat Parkinson's disease turned him into a gay sex and gambling addict.


Glaxo said it did not wish to comment on the case.


Rất tiếc chưa có bản tiếng Việt, link tiếng Anh ở đây

Man claims Glaxo drug made him 'gay sex addict'



Image

Image

Post Reply