Đời Sống Quanh Ta

muoiot
Posts: 100
Joined: Sat Sep 19, 2009 6:52 pm

Re: Đời Sống Quanh Ta

Post by muoiot »

Sài Gòn: Trà đá đây…
Hà Thanh Vân

Image
Nếu có ai hỏi thích món gì nhất ở Sài Gòn, chắc tôi sẽ thốt lên là: Trà đá
Nói đến Sài Gòn người ta hay nghĩ đến một thiên đường ẩm thực. Thiên đường ẩm thực ấy sẽ thiếu mất một phần quan trọng nếu không có thứ đồ uống giản dị và quen thuộc: Trà đá.

Sài Gòn có món trà đá

Sài Gòn với tôi là gì nhỉ, là nơi tôi thích nhất, là nơi tôi cảm thấy thoải mái nhất như một lần đã từng nói với bạn bè. Khi còn rất trẻ, tôi hay nghĩ rằng tình yêu là tất cả, là trên hết, là vĩnh viễn không đổi thay. Nhưng năm tháng qua đi, qua nhiều buồn vui của cuộc sống, mới hiểu ra rằng những sự thích đôi khi mới là bất biến, không thay đổi.

Không phải lòng Sài Gòn như rất nhiều người, nhưng thật tình là khó mà xa Sài Gòn được kể từ khi tôi đặt chân đến nơi này lần đầu tiên. Sài Gòn trong trí nhớ của một cô bé con từ miền Tây lên là những hiệu sách thật lớn, là những bùng binh rộng, những con đường tấp nập đèn xanh đèn đỏ, là cái sở thú thần tiên của tuổi nhỏ khác xa với cái nhìn của một người lớn như bây giờ, là những rạp chiếu phim…

Lớn lên một chút, tôi nhớ những ngày đi học. Nhớ ngày xưa ở gần trường Trưng Vương, cứ bâng khuâng hoài vì bài hát “Trưng Vương khung cửa mùa thu”, nhớ con đường Nguyễn Bỉnh Khiêm có hai hàng cây cao vút. Nhưng nhớ nhất là mái trường đại học yêu dấu của tôi, nơi là trường Văn Khoa ngày xưa. Có quán cà phê Văn Khoa ngay cạnh trường mà bạn bè hay tụ tập. Vị ngọt đắng của ly kem cà phê đến bây giờ nhắm mắt lại tôi vẫn như hình dung ra.

Tôi đã dự rất nhiều cuộc hội thảo bàn về văn hóa Nam Bộ, văn hóa của người Sài Gòn. Những ngôn từ bác học, những cứ liệu lịch sử đầy sức thuyết phục, nhưng xem ra không thể nào bằng những lần tự cảm nhận, tự chiêm nghiệm, những lần chạm được vào những lớp, những tầng văn hóa của nơi này.

Nhớ một lần trong một hội thảo về văn hóa Sài Gòn, một người đã đứng lên hỏi: Sài Gòn có món gì là đặc sản. Tôi đã buột miệng thốt lên: Trà đá. Mọi người đều cười ồ, nhưng rồi ai cũng thấy… đúng. Vì Sài Gòn có món gì là đặc trưng đâu nhỉ, khi mà ở nơi này, người ta có thể tìm thấy nhiều món của rất nhiều miền. Còn những món tưởng là rặt Sài Gòn, thì khi truy nguyên nguồn gốc, lại hóa ra không phải. Nhưng trà đá thì đích thị là của Sài Gòn, sinh ra ở Sài Gòn.
Image
Ngược dòng thời gian

Sài Gòn là nơi đầu tiên mà người Pháp biến thành thuộc địa. Văn minh, văn hóa Pháp du nhập đầu tiên là vào chính mảnh đất này. Quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa với phương Tây đã khiến cho Sài Gòn hình thành những đồ ăn, thức uống đặc biệt, giao thoa giữa Đông và Tây, chẳng hạn như bánh mì, cà phê, trà đá… mang những nét đặc trưng Sài Gòn. Việc người Pháp phát triển việc trồng trà ở những vùng như Phú Thọ, Bảo Lộc, Pleiku… không chỉ đặt nền móng để sau này Việt Nam trở thành một trong những nước xuất khẩu trà lớn nhất thế giới, mà còn là góp phần tạo nên một đặc sản cho Sài Gòn là trà đá.

Việc nhập và sử dụng những đồ gia dụng và thiết bị tiện nghi hiện đại trong gia đình đã khiến cho người Sài Gòn sáng tạo ra món trà đá. Thật khó xác định là trà đá xuất hiện chính xác trong khoảng thời gian nào, nhưng ở Sài Gòn trước năm 1975, trà đá đã rất thông dụng. Thời tiết Sài Gòn đủ nóng nhưng cũng đủ ôn hòa để người ta có thể uống trà đá quanh năm suốt tháng.

Nếu ly cà phê đen hay ly cà phê sữa là món đồ uống không thể thiếu của những buổi sáng Sài Gòn trước khi bắt đầu một ngày làm việc mới thì ly trà đá trong veo, vàng nhạt, mát lạnh là cứu tinh cho những bữa ăn, giúp thực khách thêm ngon miệng. Sau năm 1975, trà đá du nhập ra miền Bắc và lập tức được hoan nghênh nhiệt liệt, bất chấp việc bên cạnh mùa hè nóng nực thì miền Bắc còn có mùa đông lạnh lẽo, dường như không hợp với trà đá.

Có một thời gian, hình ảnh những người bán hàng rong tại các bến xe, ga tàu phía Nam trên tay cầm những bịch nylon đựng trà đá, cất tiếng rao lanh lảnh: Trà đá đây, trà đá đây, thật sự đã để lại những ấn tượng sâu sắc cho những du khách lần đầu vào miền Nam. Theo thời gian và cùng với mức sống tăng lên, trà đá dần trở thành quen thuộc với người Hà Nội và cho đến nay thì trở nên phổ biến khắp cả nước. Trà đá cũng dần có sự thay đổi về chất lượng. Ngày trước thường trà pha là thứ trà vụn rẻ tiền, đá là đá cây chặt nhỏ ra, làm từ nước… lã. Ngày nay trà pha tuy vẫn là loại bình dân nhưng chất lượng đã tốt hơn và đá là làm từ nước tinh khiết, bảo đảm hạp vệ sinh.

Văn hóa… trà đá của Sài Gòn

Khi còn nhỏ, tôi ra Hà Nội chơi và Hà Nội không có món lẩu, cũng không có trà đá. Giờ thì Hà Nội đã có các món lẩu và trà đá khắp nơi. Nhưng trà đá Hà Nội vẫn không như trà đá Sài Gòn. Trà đá Hà Nội ít đá hơn, nhiều trà hơn. Uống vào không thấy mát lạnh, chỉ thấy vị trà. Dù vậy ra Hà Nội nhiều lần tôi vẫn không bỏ được thói quen kêu một ly trà đá trong những lúc đi ăn, dù là ăn món gì chăng nữa.
Image
Trà đá miễn phí ở Sài Gòn (ảnh: VNE)

Và bên cạnh một ly cà phê, ly sinh tố, bao giờ tôi cũng phải gọi thêm một ly trà đá. Để thấy có chút vị Sài Gòn giữa lòng Hà Nội. Và để nhớ câu thơ của Phan Thị Vàng Anh khi tự nhận mình và người yêu là “hai ly trà đá Sài Gòn” ở giữa lòng Hà Nội. Và cũng để đôi lần thấy bực bội khi nghe giọng Hà Nội chối từ: Ở đây không có trà đá đâu nhé.

Trà đá Sài Gòn là một đồ uống vô cùng đặc biệt. Nó có thể dùng với bất cứ món ăn nào, từ mặn đến ngọt và dùng chung với mọi đồ uống. Một tô hủ tiếu Nam Vang nóng hổi buổi sáng, một đĩa cơm tấm sườn bì chả đúng kiểu Sài Gòn, một đĩa gỏi gà xé lưỡi hay một ổ bánh mì thịt nguội… đều có thể “đi” với ly trà đá. Các tiệm chè Sài Gòn dù là của người Việt hay người Hoa đều mặc định dọn ly trà đá ra kèm với ly chè.
Image
Trà đá miễn phí ở Sài Gòn (ảnh: VNE)

Các quán nhậu Sài Gòn cạnh chai rượu đế bao giờ cũng kèm theo một ca trà đá to bự để làm dịu vị rượu cay xé họng. Và điều đặc biệt chắc chỉ Sài Gòn mới có là khi vào những quán cà phê, bên cạnh ly nước hay ly cà phê, bao giờ khách cũng được nhân viên quán liên tục châm rót thêm trà đá. Ngồi ở quán vài tiếng đồng hồ, tán gẫu cả buổi với bạn bè, số ly trà uống nhiều khi lên đến con số hàng chục. Sự xởi lởi, phóng khoáng này khó có thể tìm thấy ở nhiều địa phương khác.

Ngày nay ở nhiều hàng quán, chủ quán đã có những thử nghiệm mới, cho thực khách uống nước lọc có vị lá dứa, nước đậu rang, nước gạo lứt… thơm và thanh lọc cơ thể, hay sang hơn, cho thực khách uống nước nấu từ lá trà tươi, trà túi lọc… nhưng xem ra những thử nghiệm này vẫn thất bại trước trà đá. Món trà sữa du nhập từ Đài Loan bây giờ có mặt khắp nơi, nhưng giá cao và dĩ nhiên cũng không thể thay thế được trà đá. Ngoài ra còn có các loại nước đóng chai có tên gọi như trà xanh, trà chanh, trà đào… nhưng trà đá vẫn chiếm vị trí độc tôn. Có lẽ vì vị ngọt của trà sữa hay những hóa chất giả mùi trà trong những chai nước như của… Dr. Thanh vẫn không làm người ta mát lòng mát dạ như trà đá.
Image
Trong chuyến kinh lý Việt Nam và ghé qua Sài Gòn vào Tháng Mười Một 2017, Thủ tướng Canada Justin Trudeau ngồi quán cà phê vỉa hè và… thưởng thức trà đá Sài Gòn (ảnh: Zing)

Trà đá Sài Gòn cũng giống tính cách người Sài Gòn. Ly trà đá trong veo, nhạt màu mà uống vào mát lạnh, uống vào đỡ ngay cơn khát. Dễ làm như trà đá Sài Gòn nhưng không phải ai cũng quen với vị trà đá đó. Trà đá Sài Gòn thường là loại trà giá cả bình dân, pha loãng và bỏ đá vào, có khi phải gọi chính xác là nước lọc có vị trà. Đặc biệt là phải bỏ rất nhiều đá, chứ không chỉ vài cục đá như ly trà đá Hà Nội. Dễ uống và dễ pha, già trẻ lớn bé đều uống được, dùng được với mọi đồ ăn thức uống, từ nơi bình dân đến nơi sang trọng đều có mặt, ly trà đá Sài Gòn quả là một đặc sản ẩm thực “vô địch”, không món gì theo kịp!

Bây giờ thì không còn những người bán hàng rong trà đá ở những ga tàu, bến xe nữa, thay vào đó, trà đá trở thành một món quà mà người Sài Gòn hào sảng, nhân hậu dành tặng cho nhau. Trên đường phố Sài Gòn, đặc biệt là vào mùa nắng nóng, có thể bắt gặp những bình trà đá miễn phí bên lề đường, liên tục được châm rót thêm cho đầy và hình ảnh những người dân lao động dừng lại uống ly trà đá, thậm chí mở bình nước cá nhân rót trà vào, đã trở nên hết sức thân thuộc, gần gũi.

Nếu có ai hỏi thích món gì nhất ở Sài Gòn, chắc tôi sẽ thốt lên là: Trà đá. Trà đá, chẳng phải chỉ là một món đồ uống đặc trưng, mà còn chính là một phần không thể thiếu của văn hóa Sài Gòn từ ngày xưa cho đến ngày nay.

nguyenthanh
Posts: 859
Joined: Fri Jan 06, 2012 5:40 pm

Re: Đời Sống Quanh Ta

Post by nguyenthanh »

Những hình ảnh dĩ vãng của một Sài Gòn thời mông muội
Tidoo Nguyễn
25 tháng 6, 2023

Image
Sài Gòn, thập niên 1980 (ảnh: Christopher Pillitz/Getty Images)

Ngôn ngữ cũng như con người có sinh có tử. Có những chữ mới được sinh ra theo thời, có những chữ mãi mãi chỉ còn trong ký ức vì thời thế thay đổi. Giai đoạn sau 1975 đã sinh ra những con chữ, khái niệm, thậm chí là thành ngữ mà bây giờ chỉ còn nằm trong ký ức của những thế hệ 7X đổ về trước.

Giữa cuộc sống xô bồ hối hả của thời đại ngày nay đã cuốn đi những ký ức chứa đựng không chỉ tình thương mà còn đong đầy những con chữ, khái niệm, thành ngữ của những năm sau 1975.

Thời đại công nghệ số, viễn thông, internet ra đời, nhiều từ ngữ, khái niệm mới cũng góp phần “ra tay” đè bẹp, dìm các câu chữ của ngày xưa ấy, ngày của những năm cả miền Nam đều thiếu ăn thiếu mặc.

Người ta hiếm có khoảng lặng để ngồi với nhau ôn lại những kỷ niệm cũ. May chăng là những dịp tình cờ gặp gỡ người xưa trong phút chốc, và tình cờ nhắc lại ngày tháng xa xôi với những tình huống cười ra nước mắt mà trong đó có những câu chữ của thời ấy theo dòng thời gian. Dòng ký ức bắt đầu từ khi “bộ đội” vào Sài Gòn.

Người ta kháo với nhau rằng khi “bộ đội” từ trong rừng tràn về Sài Gòn hồi Tháng Tư 1975 đã mang theo vi khuẩn, mầm mống gây bệnh ghẻ trong bộ đồ dính đầy bụi bặm và trong cơ thể thiếu nước vì trốn lâu ngày trong rừng của họ. Họ là nguồn lây lan bệnh ghẻ. Thời đó, ghẻ là căn bệnh tràn lan ở miền Nam, nhất là những đứa trẻ được sinh ra trong thập niên 70. Từ đó mọi người có nhu cầu sử dụng xà bông để diệt ghẻ.

Vì thời đó thuốc men khan hiếm, nên xà bông 72 phần dầu có in chữ “72%” trên bề mặt cục xà bông màu vàng nâu trở thành nhu yếu phẩm, được cấp phát theo phiếu ở cửa hàng hợp tác xã.

Ở miền Nam, người ta không gọi là cửa hàng mậu dịch như “miền Bắc XHCN” mà gọi là cửa hàng hợp tác xã. Nơi đây, nhà nước cộng sản cung cấp các loại hàng nhu yếu phẩm có giới hạn như là gạo cũ theo sổ mua gạo, và các nhu yếu phẩm khác theo phiếu như là nước mắm tĩn trong cái tĩn bằng sành phết vôi trắng; dầu hôi để đốt đèn dầu; vải tám với chất liệu sợi thô, mau bị mục rách; muối hột luôn lẫn với cát.

Thời ấy một món nhu yếu phẩm thường có nhiều công dụng. Người ta làm gì có kem đánh răng để xài nên muối hột không chỉ để nêm mà còn dùng để vệ sinh răng miệng.

Còn với vải tám, khi quần áo may bằng loại vải này đã rách thì người ta xé một miếng nhỏ dài một gang tay, bề ngang chừng một lóng tay rồi se nhỏ lại làm tim đèn. Không hiểu sao chỉ có loại vải này mới làm tim đèn được vì các loại khác dùng làm tim đèn thì sẽ bị chảy nhựa.
Image
Ảnh minh họa Alice Young/Unsplash: Trái cây là thứ cứu đói thời thập niên 70-80 nhưng có khi chưa kịp chín đã bị vặt sạch

Mỗi lần đi mua nhu yếu phẩm ở cửa hàng hợp tác xã thì người trong gia đình thường đi bộ xếp hàng từ sáng sớm vì cửa hàng hợp tác xã thường cũng gần nhà. Còn chiếc xe đạp thì dành cho thành viên trong gia đình đi xa để kiếm ăn.

Kiếm ăn thì được hiểu từ nghĩa bóng đến nghĩa đen, tức là người đó sẽ dùng xe đạp đi làm thuê làm mướn để kiếm tiền mà cũng có thể chở thêm một đứa trẻ giả vờ đi thăm họ hàng vào giờ ăn để ăn chực. Khi hai thành viên đi ăn chực thì cả nhà bớt được hai phần ăn trong một bữa ăn của ngày hôm đó.

Mà đâu phải chiếc xe đạp nào cũng ngon lành, thời ấy, những chiếc xe đạp hay bị trật con chó. Bên trong líp xe đạp có một bộ phận nhỏ được làm bằng kim loại áp vào bánh răng để tạo lực truyền động. Bộ phận này thời đó gọi là “con chó”.

Khi bánh răng quá mòn mà người ta không có tiền thay thì “con chó” sẽ không còn khít với các răng nữa nên khi người ta đạp thì vòng líp tuột luốt hay còn gọi là trật con chó. Ngày nay người ta không gọi bộ phận đó là “con chó” mà gọi nó là cái lẫy.

Trong lúc các thành viên khác đi đâu thì đi, ai ở nhà thì có gì ăn nấy, có khi nhà nghèo đông con thì không có gì để ăn. Đa số người miền Nam lúc ấy phải ăn cơm độn. Cơm độn tức là cơm nấu bằng gạo cũ độn với củ lang, củ mì cho nhiều để mọi người được no và ít tốn gạo.

Nhà nào may mắn lắm thì được ăn cơm nấu bằng gạo cũ. Đó là loại gạo chỉ cần đong đầy một lon sữa ông Thọ, khi nấu thành cơm thì nở téc béc đầy nồi, đủ ăn cho nhiều người. Vì vậy, người ta còn gọi loại gạo này là gạo nở. Thời đó tuyệt nhiên chẳng thấy ai có cơm dẻo thơm để ăn, có cơm ăn đã là may lắm rồi.

Gạo là thứ vô cùng quý hiếm thời đó vì vậy gia đình nào lỡ làm mất sổ mua gạo thì buồn lắm, từ đó phát sinh “thành ngữ”: “Buồn như mất sổ gạo”.

Mất sổ gạo thì coi như phải kiếm thứ khác mà ăn. Người ta phải ra ruộng câu cá, nhủi cá. Những đám ruộng được gặt lúa xong sẽ còn lại xăm xắp nước. Người ta dùng một cái nhủi bằng lưới màu xanh lá gắn vào một cái khung tầm dông có cán để đẩy dài trên mặt ruộng hòng bắt được cá đồng.
Image
Ảnh minh họa Webtretho: Bọn trẻ ở quê đi nhủi cá để có thêm thức ăn cho gia đình

Cho dù cả gia đình trải qua một ngày khó khăn vất vả, thì tối đến đám con nít dù đói dù no cũng đi coi truyền hình ké ở nhà người khác.

Lúc đó, cái ăn cái mặc còn không có đừng nói gì đến giải trí. Cả xóm họa hoằn lắm mới có một gia đình còn giữ cái truyền hình từ đời Bảo Đại. Hồi đó hễ cái gì quá cũ thì người ta cho là từ “đời Bảo Đại”.

Thời ấy thì làm gì có truyền hình màu mà chỉ có truyền hình trắng đen thu tín hiệu bằng chà anten xương cá gắn trên nóc nhà.

Khi thấy đài đang xem dở quá thì người ta chuyển qua đài khác bằng cách leo lên nóc nhà quay anten để thu tín hiệu. Người trên nóc nhà vừa quay anten vừa phối hợp với người rà đài bằng miệng: “Rõ chưa? Rõ chưa?” để biết được truyền hình đã bắt được hình ảnh đã rõ hay chưa.

Đám trẻ con sau khi xem truyền hình xong nếu còn vài xu thì hùn tiền lại mua một gói mì Vị Hương. Cả đám có khi gồm năm đứa nấu một tô mì Vị Hương đầy nước và cùng ăn.

Không hiểu sao, con người đã từng sống ở thời đó có ý chí rất mãnh liệt. Từ người lớn cho đến trẻ con đều ý thức được rằng phải sống, dù có thiếu ăn thiếu mặc, thiếu cả cách giải trí.

Trẻ con không cần ba mẹ nhắc nhở mà tự biết siêng học để sau này thoát nghèo, dù thời đó đám trẻ con đi học chỉ có cặp đệm. Cặp đệm là loại cặp được đan bằng lá bàng giống như người ta đan đệm trải giường.

Những con người ngày ấy hôm nay có dịp ngồi ôn lại dòng chảy ký ức trong tiếng cười và nước mắt mà không khỏi xót xa với cuộc sống bạo loạn trong bối cảnh xã hội thời nay và chắt lưỡi nói: “Ngày xưa khổ mà vui vì ai cũng khổ, cũng thương nhau. Bây giờ người ta ganh ghét nhau chỉ vì đồng tiền mà nhất là từ khi giá đất lên, cha mẹ con cái, anh em họ hàng có khi chia lìa”.

User avatar
macco
Posts: 3542
Joined: Mon Jan 17, 2005 8:04 am

Re: Đời Sống Quanh Ta

Post by macco »

Tấm vé độc đắc $1 tỷ của Powerball đã có chủ
Mai Khuê
21 tháng 7, 2023

Image
Maria Menjivar (thứ ba, từ trái) – chủ chợ nhỏ Las Palmitas, nơi vé Powerball trị giá $1 tỷ được bán ở trung tâm thành phố vào Thứ Năm, ngày 20 Tháng Bảy 2023 tại Los Angeles, CA. (ảnh: Gary Coronado/Los Angeles Times via Getty Images)
Một người ở California may mắn giành được giải độc đắc trị giá $1 tỷ của Powerball khi khớp tất cả năm số và số Powerball. Chưa hết, bảy người chơi khác ở tiểu bang vàng cũng gặp may. Họ nằm trong số 36 người chơi trên 16 tiểu bang khớp năm con số để giành được $1 triệu. Ba người chơi khác trúng $2 triệu mỗi người với Power Play – một hệ số nhân giải thưởng mà người chơi có thể mua bằng vé của họ với $1 bổ sung.

Những người trúng số sống ở các tiểu bang: California (7 người); Connecticut; Floria (4); Illinois; Idiana; Kentucky; Massachusetts (3); Maryland (2); Missouri; New Hampshire; New Jersey (2); NewYork (5); Ohio; Texas (4); Wisconsin và West Virginia.

Ba người chiến thắng giải thưởng trị giá $2 triệu sống ở Florida, Pennsylvania và Rhode Island, theo Powerball.

Những người trúng giải ở California, Florida và New Hampshire thậm chí còn may mắn hơn, họ ở ba trong số tám tiểu bang không bị tính thuế khi trúng xổ số, vì vậy, mặc dù họ vẫn không được nhận toàn bộ số tiền hàng triệu hoặc hàng tỷ đôla sau thuế liên bang, nhưng họ vẫn được nhiều hơn những người trúng số ở các bang khác.

Giải thưởng $1 triệu giảm xuống còn $760,000 sau khi bị đánh thuế ở mức 24% thuế liên bang, theo máy tính thuế của Powerball.

Và thật không may cho những người chiến thắng ở New Jersey và New York, giải thưởng đó sẽ còn ít hơn sau khi bị tính thêm ít nhất 10% thuế – cao nhất trong cả nước – được trừ thẳng vào số tiền trúng số, theo usamega.com.
Image
(ảnh: Mario Tama/Getty Images)

Không giống như người trúng giải độc đắc, những người trúng giải thưởng triệu đôla này có thể không có tùy chọn kéo dài số tiền thắng cược của họ trong một khoảng thời gian – họ phải nhận một lần. Và mặc dù có thể không phải là $1 triệu đầy đủ, nhưng việc nhận được một tấm séc trị giá hàng trăm nghìn đôla mà không có điều kiện ràng buộc nào, có thể làm thay đổi cuộc sống của nhiều người.

Người trúng số cần phải lập kế hoạch hoặc nói chuyện với cố vấn tài chính về những cách thông minh để sử dụng số tiền lớn “từ trên Trời rơi xuống” này. Ngay cả khi bạn phải nhận tiền một lần, bạn có thể biến nó thành thu nhập thụ động dài hạn với các động thái đầu tư phù hợp, chẳng hạn như đưa một số tiền vào quỹ chỉ số chi phí thấp như S&P 500.

Nếu bạn đang tìm kiếm thứ gì đó thực tế hơn, bạn có thể dùng tiền trúng số để tham gia đầu tư bất động sản.

nhuvan
Posts: 342
Joined: Sun Mar 27, 2016 8:29 pm

Re: Đời Sống Quanh Ta

Post by nhuvan »

‘Quả cầu lửa’ Trái đất, nóng chưa từng thấy!
Trang Nguyên
28 tháng 7, 2023

Image
Một người vô gia cư ở Phoenix, Arizona trong đợt nắng nóng đang hoành hành. (ảnh: Mario Tama/Getty Images)

Cơ quan khí tượng Liên Hợp Quốc và Âu châu cho biết Tháng Bảy dự kiến là tháng nóng nhất, “chưa từng thấy” của hàng nghìn năm qua.

Với ba tuần đầu Tháng Bảy, nhiệt độ trung bình ghi nhận trên toàn cầu cao hơn bất kỳ thời điểm nào.

Cư dân thành phố Phoenix, tiểu bang Arizona, nơi mà người dân thường quen với nắng nóng, nhưng những đợt sóng nhiệt khắc nghiệt gần đây đẩy họ tới sát ngưỡng sinh tồn. Do biến đổi khí hậu, kết hợp với quá trình đô thị hóa không kiểm soát, đã biến thành phố lớn thứ 5 của Mỹ thành một ốc đảo bê tông khổng lồ hấp thụ nhiệt. Thành phố ghi nhận hơn 650 người chết do nắng nóng trong hai năm qua, mức cao nhất ở Mỹ.

Cuối tuần trước, một nhóm tình nguyện viên dựng trại tại khu đông người vô gia cư sinh sống ở thủ phủ Phoenix để phát nước lạnh và các nhu yếu phẩm khác cho người dân, khi nhiệt độ tăng tới gần 100 độ F, mới từ sáng sớm.
Image
Tấm biển ghi “Nhiệt độ cao hôm nay: 115 độ” được dán ở South Mountain Park giữa đợt nắng nóng kỷ lục của thành phố vào ngày 25 Tháng Bảy 2023 tại Phoenix, Arizona. (ảnh: Mario Tama/Getty Images)

Mùa nóng ở Phoenix, thành phố có biệt danh “Thung lũng Mặt trời”, kéo dài từ Tháng Tư đến Tháng Chín. “Phoenix luôn nóng bức, nhưng đợt sóng nhiệt này là tình trạng rất khác, là thảm họa tự nhiên của Arizona,” Michelle Litwin, quản lý chương trình ứng phó với cái nóng của thành phố, nói.

Hai tuần qua, nhiệt độ cao nhất tại thủ phủ bang Arizona luôn trên trên 109 độ F. Tình trạng nắng nóng sẽ kéo dài đến hết tuần, có thể phá kỷ lục chuỗi 18 ngày ghi nhận mức nhiệt này từ năm 1974. Nhiệt độ đỉnh điểm tại Phoenix ngày 15 Tháng Bảy là 118 độ F, đánh dấu ngày nóng nhất năm ở Mỹ.

Phoenix là nơi chịu ảnh hưởng tồi tệ nhất, trong khi NWS cảnh báo đợt nắng nóng lịch sử “không có dấu hiệu chấm dứt sớm”. Những tuần tới dự kiến là khoảng thời gian rất khắc nghiệt đối với những người sống hoặc lao động ngoài trời.

Bên trong xe tải giao hàng, Gabe Castle, nhân viên Amazon, chuẩn bị thùng giữ nhiệt với 15 chai nước uống, 6 chai nước đông lạnh, 5 chai bù nước và hai khăn tắm mini. Mỗi lần dừng xe giao hàng, Castle lại dùng một chiếc khăn để trùm lên đầu và cổ. “Đây là cái ‘máy lạnh’ của tôi đó,” anh nói. “Thành phố cần bảo đảm giải quyết vấn đề kịp thời, nhưng chúng ta đã ở thế khó. Tôi thực sự hy vọng Phoenix có thể sớm tìm ra giải pháp, trước khi hành tinh này trở thành một quả cầu lửa.”

Phoenix năm 2021 thành lập Văn phòng Ứng phó Nhiệt độ cao (OHRM), là thành phố đầu tiên có cơ quan chuyên trách chống nắng nóng, đã đưa ra hàng chục chương trình với các mục tiêu tham vọng, như trồng thêm cây xanh, mở trung tâm làm mát và tăng cường điều hòa. Nhưng bất chấp các nỗ lực của OHRM, số ca tử vong liên quan đến nắng nóng tăng đáng kể trong những năm gần đây, cao nhất là 425 người chết vào năm ngoái.
Image
Mọi người đi bộ dọc theo các vòi phun nước dọc các vỉa hè và nhà hàng ở trung tâm thành phố khi đợt nắng nóng kỷ lục xảy ra trên toàn quốc vào ngày 22 Tháng Bảy 2023 tại Palm Springs, California. (ảnh: David McNew/Getty Images)

Giới chức thành phố trong năm nay đã ghi nhận 12 ca tử vong liên quan đến nắng nóng, 55 trường hợp khác đang được điều tra làm rõ nguyên nhân. 56% ngưởi tử vong trong mùa nóng năm 2022 ở Phoenix là người vô gia cư sống trên đường phố. Quận Hạt Maricopa, nơi có thành phố Phoenix, có khoảng 5,000 người sống lang thang. Các chuyên gia cho biết con số này không chỉ cho thấy hậu quả biến đổi khí hậu, mà còn phản ánh vấn đề khủng hoảng nhà ở.

“Chẳng khác nào địa ngục trần gian. Tôi là người khỏe mạnh, nhưng những ngày qua đã vượt quá giới hạn của một người có sức khỏe như tôi,” Michael Shaw, 49 tuổi, nói với Guardian.

Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) thuộc Liên Hợp Quốc và Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus của châu Âu (C3S) cho biết “rất có khả năng Tháng Bảy 2023 sẽ là tháng Bảy nóng nhất, và là tháng nóng nhất trong lịch sử” từng được ghi nhận.
Image
Người đi xe đạp dưới cái nóng đổ lửa ở Phoenix, Arizona. (ảnh: (ảnh: Mario Tama/Getty Images)

Carlo Buontempo, giám đốc C3S, cho biết nhiệt độ trong tháng này cao tới mức các nhà khoa học tin rằng nó phá vỡ các kỷ lục từng được ghi nhận từ những năm 1940.

Buontempo cho biết những dữ liệu đại diện cho khí hậu như vòng gỗ và lõi băng cho thấy nhiệt độ trong giai đoạn này có thể là “chưa từng có trong lịch sử vài nghìn năm qua”, thậm chí là khoảng 100.000 năm.

Nhiệt độ Trái Đất đã tăng khoảng gần 2 độ F so với cuối những năm 1800. Tình trạng nóng lên toàn cầu khiến các đợt nắng nóng kéo dài và thường xuyên hơn, cũng như gia tăng hiện tượng thời tiết cực đoan như bão và lũ lụt. “Thời tiết cực đoan đã ảnh hưởng đến hàng triệu người trong Tháng Bảy, và cũng là thực tế khắc nghiệt của biến đổi khí hậu cũng như điềm báo cho tương lai,” Petteri Taalas, tổng giám đốc WMO, nói.

WMO dự đoán nhiệt độ toàn cầu nhiều khả năng tăng hơn 2 độ F trong vòng 5 năm tới. Các kỷ lục về nhiệt độ đã được ghi nhận trên khắp bán cầu bắc trong tháng này, khi nhiều khu vực trải qua nhiều tuần nắng nóng nghiêm trọng.

nhuvan
Posts: 342
Joined: Sun Mar 27, 2016 8:29 pm

Re: Đời Sống Quanh Ta

Post by nhuvan »

Mẹo để biết khi nào trà hết hạn sử dụng
August 2, 2023
LOS ANGELES, California (NV) – Có bao giờ bạn phát hiện ra vẫn còn một hộp trà hay túi trà mới tinh còn trong tủ bếp mà bạn mua cách đây cả năm?

Lúc này, chúng ta sẽ tự hỏi liệu nó còn uống được không và đây chính là lời giải đáp cho bạn, theo bài viết của trang mạng mindbodygreen hôm 7 Tháng Sáu.
Image
Nếu bạn đã lỡ pha trà thảo mộc đã hết hạn sử dụng để uống thì cũng đừng quá lo lắng. (Hình: Chung Sung-Jun/Getty Images)

Đối với trà sấy khô

Cho dù là trà đen, trà thảo mộc hay trà xanh, trà khi được sấy khô cũng sẽ dần mất tác dụng theo thời gian. Nếu bạn cẩn thận với việc bảo quản khi để đậy kín trà và để ở nơi tránh ánh sáng, trà có thể sử dụng được đến hai năm.

Tuy nhiên, các loại trà thảo mộc khi tiếp xúc với không khí, độ ẩm, ánh sáng và nhiệt thì cũng sẽ dần dần hư nhanh hơn.

Một cách đơn giản để kiểm độ tươi của trà là dùng mũi để dò xem. Bạn nên tập cho mũi quen với mùi hương lá trà bằng cách hít sâu và nhiều lần lúc mới mua trà về và lúc này thì trà còn tươi.

Nếu bạn đã lỡ pha trà thảo mộc đã hết hạn sử dụng để uống thì cũng đừng quá lo lắng. Chẳng qua chỉ là tốn công sức và thời gian để pha nhưng trà lại không còn ngon nữa. Ngoài ra thì uống trà quá hạn cũng không đem lại rủi ro lớn đến sức khỏe.
Image
Cách pha trà cũng góp phần xác định là trà có dùng được lâu hay không. (Hình: Tolga Akmen/Getty Images)

Đối với trà đã pha

Trà có thể để được bao lâu sau khi đã được ủ và pha? Câu trả lời nằm ở chính lá trà, cộng với phương pháp pha và cách bảo quản.

Các loại trà làm từ thảo mộc có mùi thơm như bạc hà, hoa cúc hay oải hương thường sẽ để được lâu hơn những loại trà được làm thảo mộc không có mùi hương mạnh.

Lý do là vì ở các trà có mùi thơm thường sẽ có đặc tính kháng khuẩn cao, giúp kéo dài tuổi thọ của trà. Trong khi đó, các loại trà ít mùi thường dễ bị bay hơi và bị nhiễm khuẩn, chẳng hạn như trà chiết xuất từ lá tầm ma (nettle) hay lá cỏ ba lá đỏ (red clover), thì dễ hư hơn.

Cách pha trà cũng góp phần xác định là trà có dùng được lâu hay không. Nếu bạn pha trà trong bình và đậy nắp khi còn nóng, trà có thể để qua đêm và uống vào buổi sáng khi mở bình ra. Nhưng nếu trà để trong bình không đậy nắp và để qua đêm, chắc chắn khả năng trả bị hư là rất cao vào ngày hôm sau.

Tóm lại, trà có hương thơm nếu không uống hết trong một ngày thì có thể bảo quản trong tủ lạnh và dùng tiếp tục sau đó trong bốn ngày tối đa. Còn đối với trà ít mùi thơm, bạn chỉ nên dùng trong vòng 12 tiếng và bảo quản trong tủ lạnh tối đa là hai ngày.

Ngoài ra, nếu bạn ngửi thấy mùi thiu của trà thì hãy bỏ đi và pha bình mới để uống. (UPK) [qd]

User avatar
nangchieu
Posts: 2060
Joined: Sun Apr 19, 2009 6:38 pm

Re: Đời Sống Quanh Ta

Post by nangchieu »

Image

TUỔI GIÀ CÒN ĐÓ NỖI LO.
Bài viết này được ghi lại do một người cũng thuộc top thân thiết với người già hay những người cao tuổi.

Con người sinh ra ở đời, nếu có may mắn thì sẽ đi qua hết toàn bộ NHỮNG CHUYẾN XE TRONG CUỘC ĐỜI, nhưng mà phần lớn lại không được như vậy, mà lại nửa đường gãy gánh.

Nếu được kinh qua những giai đoạn này, thì người ta phải qua giai đoạn đầu lên dốc, rồi đến đỉnh điểm khi đã ở tuổi thanh niên tràn đầy nhựa sống, và rồi trên sườn dốc bên kia là chuỗi ngày xuống dốc ảm đạm, mà không có ai mong muốn.

Tuổi già là chuỗi xuống cấp do nhiều yếu tố như: sự lão hóa, bệnh tật,sinh hoạt không hợp lý, lười biếng, ít vận động,dùng thuốc bừa bãi,lạm dụng sức lực của tuổi thanh xuân,,,,. Nói gì thì nói, đây là quy luật của thiên nhiên SINH, TRỤ, HOẠI, DIỆT mà con người phải tuân theo, không thể tránh né được, mà chỉ có cách làm cho tiến trình diễn ra chậm lại, có thể kiểm soát và điều chỉnh hợp lý.

Hai trường hợp mà con người sợ nhất khi về già là: NẰM MỘT CHỖ và MẤT TRÍ NHỚ.

1). Nằm một chỗ: do một số trường hợp như: tuổi già sức yếu, các bệnh nặng,tai nạn.
Dù ở trong trường hợp nào, thì bạn cũng nên cố gắng vận động,đừng nằm yên, vì nếu bạn duy trì tình trạng bất động trong thời gian dài thì sẽ gây nên sự trì trệ, tắc nghẽn của mạch máu, sự yếu nhược của cơ bắp dẫn đến sự teo cơ,tê liệt, không thể nào phục hồi được. Ngoài ra, khi nằm bất động sẽ sinh ra hoại tử do tì đè dẫn đến lỡ loét mình mẩy, dễ bị mệt mỏi,mất ngủ, ăn uống không ngon miệng,bi quan chán nản....
Trong trường hợp bị hạn chế vận động nhiều, thì bạn cũng nên cố gắng cử động 2 bàn tay, nếu được, thì cử động cánh tay,co duỗi 2 chân, nghiêng mình sang trái,sang phải, ngồi dậy, bỏ thỏng chân, bước xuống, đi lại,,,,,,, . Tùy theo khả năng cho phép, và sự chỉ định của bác sĩ, bạn nên cố gắng hết mức có thể để giúp cho cơ thể phục hồi nhanh chóng. Điều quan trọng là bạn nên giữ tâm thái thật tốt, lạc quan,tin tưởng vào năng lực của chính bản thân mình.

2). Mất trí nhớ: đây là tiến trình lão hóa mà phần lớn người lớn tuổi phải trải qua. Sự mất trí nhớ có thể nhẹ như hay quên trong sinh hoạt hàng ngày, thường thì người ta vừa để đồ ở nơi nào đó rồi tự nhiên quên mất đi, kiếm mãi không ra, có khi cầm nó trên tay mà lại đi tìm khắp nơi, cũng có khi mình định làm một việc gì đó, nhưng khi mới vừa bước chân đi thì lại quên phứt, không biết mình tính làm gì, và rồi phải đứng lại ngẩn ngơ, suy nghĩ một hồi lâu mới nhớ ra, rồi lại bước đi mấy bước lại quên nữa.
Thật là phiền quá phải không các bạn? Đoạn trường ai có qua cầu mới hay.
Các bạn nên biết rằng cuộc sống lúc về già phụ thuộc rất nhiều vào những sinh hoạt khi còn nhỏ, chẳng hạn, nếu lúc nhỏ bạn sử dụng nhiều chất kích thích như rượu, thuốc lá, hoặc sức khỏe bạn không được tốt lắm, thì khi lớn tuổi, trí nhớ của bạn giảm sút nhanh và nhiều hơn.
Một căn bệnh mà ai cũng sợ nhất, đó là bệnh Alzheimer, là bệnh mất trí nhớ thể nặng,do nhiều tế bào não bị chết đi, và cho đến bây giờ vẫn chưa có loại thuốc hay biện pháp chữa trị nào tích cực.
Các bạn nên nhớ một số điều căn bản để kiềm chế tối đa bệnh mất trí nhớ sau đây:

a) Dinh dưỡng:
Bạn nên ăn uống đầy đủ dưỡng chất để cho bộ não và hệ thần kinh hoạt động tốt. Bạn cũng nên biết rằng giải pháp ăn gì bổ nấy áp dụng cho người già không hợp lý, vì chức năng tiêu hóa của người già rất kém, nên không thể tiêu hóa được thức ăn thuộc óc não,gan, phủ tạng động vật,,,

b) Uống đủ nước.: việc uống nước đầy đủ giúp hoạt động của các cơ quan được tốt hơn, sự tiêu hóa, hấp thụ chất dinh dưỡng, loại bỏ các chất bài tiết được thuận lợi.

c) Ngủ đủ giấc, ngủ sâu, ngủ đúng giờ: khi bạn có giấc ngủ hợp lý, thì các cơ quan mới được nghỉ ngơi và phục hồi tốt đẹp.

d) Năng vận động: sự vận động đúng mức sẽ giúp cho cơ thể có điều kiện để phát triển tốt, hạn chế tối đa sự lão hóa.

e) Tập luyện cơ thể: các bạn nên thường xuyên tập thể dục, tập Yoga, đi tản bộ,dạo mát,,,,,

f) Bạn nên hạn chế sử dụng chất kích thích mạnh như rượu bia, thuốc lá,,,. Với trà và cà phê thì bạn có thể dùng được, vì những chất này nếu sử dụng hợp lý sẽ có lợi cho sức khỏe. Bạn nên tránh dùng nó vào buổi chiều, buổi tối, trước lúc đi ngủ, hoặc hạn chế uống vào lúc sáng sớm, khi bụng đói.

g) Tập luyện bàn tay:
Bạn nên biết rằng bàn tay và bộ não có quan hệ mật thiết,khắn khít. Bộ não chỉ đạo trực tiếp những hoạt động tinh tế, khéo léo của bàn tay, vì thế, khi bạn thường xuyên vận động, tập luyện bàn tay, thì não bộ sẽ được kích hoạt đúng mức, làm cho tiến trình lão hóa chậm lại, giúp cho toàn bộ cơ thể cũng được trẻ trung hơn.
Có nhiều động tác tập luyện bàn tay như: nắm chặt rồi mở ra,dùng bàn tay trái nắm chặt từng ngón tay của bàn tay phải, đồng thời kéo mạnh ra, vừa kéo vừa xoay giống như mở nút chai, và tiếp tục làm ngược lại cho bàn tay kia,vỗ tay,dùng bàn tay trái vuốt nhẹ cánh tay phải và ngược lại,đan cả các ngón tay của hai bàn tay vào nhau,nắm chặt bàn tay trái đấm vào bàn tay phải và ngược lại,dùng lòng bàn tay này vỗ vào mu bàn tay kia,đan các ngón tay của 2 bàn tay và đưa thẳng ra trước, đưa lên khỏi đầu,dùng các ngón tay chải tóc, kích thích da đầu,xoa nóng 2 bàn tay rồi vuốt mặt, vuốt mí mắt,,,. Mỗi động tác như vậy bạn nên thực hiện khoảng chừng 10 lần, và có thể tăng thêm nếu được.

h) Giữ cho tâm thái luôn lạc quan,vui vẻ, nhẹ nhàng, hạn chế và bỏ hẳn những tư tưởng bi quan, buồn rầu,chán nản,,,, nói chung là những ý tưởng tiêu cực.
Bạn nên nhớ rằng cuộc sống của bạn không còn dài như trước đây, nên bạn phải thật dũng mãnh để cho nó thật sự tốt đẹp trong chuỗi ngày còn lại.

i). Dùng sổ sách và một cây viết làm trợ lý đắc lực cho bộ não của bạn:
Đây là biện pháp hiệu quả nhất để bạn có sinh hoạt thường ngày tốt đẹp và tích cực hơn. Bạn nên cố gắng để sổ sách ở một nơi nhất định,kẻo đến khi bạn cần dùng lại không biết nó ở đâu. Bạn nên viết thường xuyên, nó cũng giúp bạn cải thiện trí nhớ tốt nhất. Bạn hãy tin tưởng đi. Không có gì cản trở ý chí mãnh liệt của bạn được.
Thương bạn nhiều lắm!


(Trung Châu)

User avatar
bichphuong
Posts: 574
Joined: Mon Apr 25, 2016 12:10 am
Been thanked: 1 time

Re: Đời Sống Quanh Ta

Post by bichphuong »

Vẻ đẹp của sự tử tế
Duy Lê
12 tháng 8, 2023


Image
(minh họa: Kelly Sikkema/Unsplash)

Sự tử tế hay lòng tốt thường bị hiểu lầm là dấu hiệu của sự yếu đuối, nhưng thực tế thì khác xa như vậy. Người ta cần có một sức mạnh tinh thần to lớn, sự kiên nhẫn và trí tuệ để trở nên tử tế thực sự.

Chỉ “tử tế” để tránh xung đột hoặc tỏ ra dịu dàng không phải là lòng tốt thực sự. Lòng tốt đích thực liên quan đến việc hiểu được tác động tiềm ẩn của các hành động của bản thân và đưa ra các lựa chọn có chủ ý để truyền bá sự tích cực.

Những hành động tử tế ngẫu nhiên, khi mọi người làm điều gì đó tử tế mà không mong đợi bất cứ điều gì được đền đáp, đã trở thành một khái niệm. Những hành động này không chỉ khiến người khác cảm thấy hài lòng mà còn mang lại cảm giác hạnh phúc, viên mãn cho người thực hiện.

Tử tế với bản thân, với người khác và với cộng đồng mà mình sống sẽ dẫn đến một cuộc sống tốt đẹp hơn, các mối quan hệ được cải thiện và sức khỏe được nâng cao, như Michael J. Chase đã nhấn mạnh trong các bài phát biểu đầy cảm hứng của ông.

Hành trình của Chase là minh chứng cho sức mạnh biến đổi của lòng tốt. Mặc dù phải đối mặt với những khó khăn trong thời thơ ấu của mình, ông đã dấn thân vào con đường tìm kiếm, đưa ông đến một nhận thức sâu sắc.

Thay vì giữ kiến thức này cho riêng mình, ông đã quyết định chia sẻ nó với những người khác, viết một cuốn sách về triết lý của lòng tốt và tác động của nó đối với những cảm xúc tích cực trên khắp thế giới.

Lòng tốt vượt xa những điều tốt đẹp đơn giản. Đức tính này còn được tìm thấy trong những hành động nhỏ như trả tiền cà phê cho một người lạ đang thiếu tiền hoặc mang một ít bánh quy tự làm cho đồng nghiệp của bạn.

Câu hỏi “tôi có tử tế không” thách thức nhiều người tìm hiểu sâu hơn về hành động và ý định của mình để thực sự hiểu được tiềm năng của lòng tốt để làm phong phú thêm cuộc sống của bản thân mỗi người.

Thể hiện lòng tốt là một việc dễ dàng và đáng trân trọng đến một cách đáng ngạc nhiên. Đây là một đức tính mà bạn không cần phải đầu tư tài chính, nhưng việc này mang lại những khoảnh khắc hạnh phúc vô giá cho mọi người xung quanh, kể cả chính mình.
Image
(ảnh: Kelli McClintock/Unsplash)

Khi một người thực hiện một hành động tử tế, họ sẽ truyền cảm hứng cho mình để tiếp tục hành động đó, tạo ra một phản ứng dây chuyền về sự tích cực và thiện chí.

Chuỗi hành động này liên tục phát triển, nuôi dưỡng ý thức mới về lòng tốt ở người khác và khuyến khích mọi người trở nên tử tế với nhau. Hình thành một xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.

Ngay cả trong những khoảnh khắc đấu tranh cá nhân, ai cũng đều cần tử tế với người khác. Đó là một công cụ mạnh mẽ để chống lại sự tiêu cực và trầm cảm.

Làm điều gì đó tử tế cho người khác không chỉ nâng cao tinh thần của họ, mà còn tạo tác dụng trở lại với khiến bản thân người thực hiện cảm thấy vui vẻ, tích cực hơn.

Vẻ đẹp của sự tử tế nằm ở những lợi ích phổ quát của nó, khi mà mọi người đều được lợi.

Tử tế là sức mạnh có khả năng định hình cuộc sống của bạn và cuộc sống của những người xung quanh. Cần có sức mạnh, sự hiểu biết và nỗ lực có ý thức để trở nên tử tế thực sự, nhưng tác động tích cực mà nó tạo ra là vô cùng lớn.

Bằng cách đón nhận sự tử tế và lan tỏa nó một cách vị tha, mỗi cá nhân sẽ cùng nhau góp phần tạo ra một thế giới hạnh phúc hơn, nhân ái hơn cho tất cả mọi người. Vì vậy, hãy lấy sự tử tế làm nguyên tắc chỉ đạo trong cuộc sống của mình, và bạn sẽ tận mắt chứng kiến sức mạnh biến đổi mà đức tính này nắm giữ.

nhuvan
Posts: 342
Joined: Sun Mar 27, 2016 8:29 pm

Re: Đời Sống Quanh Ta

Post by nhuvan »

Image

Cà phê và những câu chuyện đẹp
Thưởng thức cà phê là sở thích, là tình yêu và cũng có thể là thói quen đối với nhiều người. Một tách cà phê vào buổi sớm, một ly cà phê cho buổi xế chiều đều mang những hương vị rất riêng biệt.

Bạn biết đấy, cà phê đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của nhiều người. Những loại cà phê được nghiên cứu, chọn lọc cẩn thận. Những hương vị cà phê được pha chế theo công thức khác biệt. Và những câu chuyện về cà phê, xoay quanh cà phê luôn khiến người nghe tò mò. Cùng theo dõi bài viết dưới đây để Mộc Nguyên Coffee kể bạn nghe một vài câu chuyện về cà phê nhé!


Vòng đời của cà phê

Bạn có biết cần bao nhiêu thời gian để có thể thu hoạch được một mẻ cà phê chất lượng không? Câu trả lời là 9 tháng 10 ngày. Thật thú vị làm sao khi đó cũng là thời gian để thai nghén, hình thành một con người. Nếu so sánh với vòng đời của một con người thì cà phê cũng có đủ quá trình hình thành, trưởng thành và phát triển. Từ những bông hoa cà phê trắng thuần rồi lớn thành quả, sinh hạt. Cà phê trải qua đầy đủ thăng trầm, nắng mưa khắc nghiệt. Thế nhưng, có chịu được, trải qua được hết thảy những thử thách đó, hạt cà phê mới đạt được chất lượng chuẩn nhất.

Bên cạnh những thử thách, điều kiện khắc nghiệt mà cà phê phải chịu thì vẫn còn những yếu tố tích cực khác. Nguồn nước mát tinh khiết, đất màu mỡ và sự chăm sóc, yêu thương của người nông dân là những gì cà phê có được. Rõ ràng, hạt cà phê hội tụ đủ những yếu tố cần thiết, chịu đủ thử thách, thấm hết tinh hoa là những hạt cà phê chất lượng.

Có thể nói vui rằng, vì trải qua nhiều thăng trầm nên hạt cà phê có vị đắng chát. Thế nhưng, nếu biết thưởng thức và thưởng thức kĩ, bạn sẽ nhận ra điểm thú vị. Sau vị đắng chính là vị ngọt hậu, sau vị chát chính là vị chua nhẹ kích thích vị giác. Kết hợp cùng những công thức pha chế chuẩn vị, cà phê chính là thức uống gây thương nhớ cho nhiều người


Tình yêu và cà phê


Tình yêu và cà phê không phải là một so sánh quá mới lạ. Thế nhưng đó luôn là những câu chuyện song song dễ dàng liên tưởng. Lựa chọn tìm hiểu một người cũng như khi bắt đầu thưởng thức cà phê vậy. Thời gian để thích còn tùy thuộc vào tính cách và cuộc sống của mỗi người. Nhưng chung quy lại chính là đều cần thời gian để thật sự trải nghiệm, tập quen và dung hòa.


Cảm giác ban đầu

Uống cà phê so với yêu một người thật ra cũng không mấy khác biệt. Khi mới bắt đầu thử, bạn có thể thấy lạ, thấy đắng. Thế nhưng uống lâu bạn sẽ nhận ra vị ngọt hậu của cà phê và dần quen với hương vị đó. Thậm chí, lâu dần, bạn có thể sẽ bị “nghiện”. Yêu đương cũng vậy, khi đã lựa chọn, ai cũng tin rằng đó là duy nhất và sẽ chung thủy đến cùng. Đó là lý do vì sao dù nhiều năm trôi qua nhưng vẫn có những cặp đôi vẫn mặn nồng. Và dù nhiều năm trôi qua thì cà phê vẫn là thức uống được nhiều người chọn lựa.


Yêu cà phê là một loại cảm xúc


“Tình yêu và cà phê giống nhau, uống vội dễ say nhưng thưởng thức chầm chậm thì dễ thấm, dễ “nghiện”.

Lựa chọn yêu một người, trải qua nhiều cung bậc cảm xúc cả vui vẻ lẫn hờn giận, ghen tuông. Nhưng chung quy lại vẫn là sự thủy chung của những trái tim chung nhịp.

Nhâm nhi cà phê cũng vậy thôi. Thưởng thức nhiều loại cà phê với nhiều hương vị khác nhau. Và mỗi hương vị sẽ mang đến cho bạn những cảm xúc khác biệt. Lựa chọn vị yêu thích sẽ do bạn quyết định


“Tình đầu khó phai, vị cà phê đầu tiên cũng khó có thay thế”.


Nếu đã là một thứ ấn tượng, khó quên, người ta sẽ lưu lại rất lâu những cung bậc cảm xúc về nó. Khi yêu, sẽ thật khó khăn để 2 người yêu nhau có thể xóa nhòa nhau trong tâm trí. Đối với những người yêu thích cà phê, cảm giác cũng tương tự như vậy. Cố chấp với một hương vị yêu thích, với loại thức uống khiến mình “nghiện” là điều dễ nhận ra. Sẽ không khó khăn để bắt gặp những con người chấp nhận chạy xe một đoạn đường dài chỉ để được uống cà phê tại một quán quen. Và cũng không lạ lẫm khi nhận ra dù có nhiều loại thức uống mới lạ nhưng cà phê vẫn có chỗ đứng nhất định trong cuộc sống nhiều người.

User avatar
saohom
Posts: 2212
Joined: Wed Aug 26, 2009 11:30 pm

Re: Đời Sống Quanh Ta

Post by saohom »

Vì sao bầu trời lại có màu xanh?
Bảo Duy

Image
(minh họa: Sam Schooler/Unsplash

Bầu trời là một cảnh quan tuyệt đẹp và luôn thay đổi, làm say đắm nhân loại với màu xanh tuyệt mỹ, nhưng tại sao lại là màu xanh?

Có những lời giải thích mang tính khoa học cho hiện tượng này mà bạn có thể khám phá ngay dưới đây.

Bầu khí quyển bao quanh chúng ta bao gồm một hỗn hợp các loại khí, bao gồm nitơ, oxy và một lượng nhỏ các loại khí khác. Ánh sáng Mặt Trời, có màu trắng, được tạo thành từ tất cả các màu của quang phổ nhìn thấy được. Khi di chuyển qua bầu khí quyển của Trái Đất, nó tương tác với các khí và hạt có trong không khí.


Khi ánh sáng Mặt Trời đi vào bầu khí quyển, nó bị phân tán bởi các phân tử không khí, nhỏ hơn nhiều so với bước sóng ánh sáng. Sự tán xạ ánh sáng này được gọi là tán xạ Rayleigh. Lượng tán xạ phụ thuộc vào bước sóng của ánh sáng. Bước sóng ngắn hơn sẽ bị tán xạ nhiều hơn bước sóng dài hơn. Đây là lý do tại sao ánh sáng xanh bị tán xạ nhiều hơn ánh sáng đỏ.

Vì ánh sáng xanh lam bị tán xạ nhiều hơn, nên nó có nhiều khả năng chiếu tới mắt chúng ta từ mọi hướng, khiến bầu trời có màu xanh lam. Mặt khác, ánh sáng đỏ bị tán xạ ít hơn nên ít có khả năng đến mắt chúng ta hơn. Do đó, trong những buổi hoàng hôn và bình minh, khi Mặt Trời ở vị trí thấp hơn trên bầu trời, ánh sáng phải di chuyển một quãng đường dài hơn qua bầu khí quyển và hầu hết ánh sáng xanh bị phân tán đi. Điều này giải thích cho màu đỏ và cam vào thời điểm đó.

Lưu ý rằng màu sắc của bầu trời có khả năng thay đổi tùy thuộc vào thời gian trong ngày, mùa và vị trí trên Trái Đất. Ví dụ, vào ban ngày, bầu trời thường có màu trắng hoặc hơi vàng hơn ở gần đường chân trời, vì ánh sáng phải đi qua nhiều bầu khí quyển hơn ở góc đó. Ở các vùng cực, bầu trời lại xuất hiện màu hồng hoặc tím do sự tán xạ ánh sáng của các tinh thể băng trong khí quyển.

Tóm lại, bầu trời có màu xanh lam là do sự tán xạ ánh sáng Mặt Trời bởi các phân tử không khí trong bầu khí quyển của Trái Đất. Hiện tượng này được gọi là tán xạ Rayleigh, và nó làm cho ánh sáng xanh lam bị tán xạ nhiều hơn các màu khác. Đó là một lời giải thích khoa học hấp dẫn cho một hiện tượng tự nhiên đã thu hút trí tưởng tượng của con người trong nhiều thế kỷ qua.
Image
(ảnh: Ben Dumond/Unsplash)

Bầu trời xanh là một trong những cảnh đẹp ngoạn mục nhất mà đa số mọi người chứng kiến hàng ngày. Đó là một bức tranh phổ biến và luôn thay đổi, đóng vai trò làm nền cho cuộc sống của mỗi người. Tuy nhiên, sắc xanh mà chúng ta nhìn thấy trên bầu trời không phải lúc nào cũng giống nhau. Có nhiều sắc thái khác nhau của màu xanh mà bầu trời mang lại, mỗi sắc thái có một vẻ đẹp và đặc điểm riêng.

Bầu trời màu xanh nhạt có lẽ là sắc xanh phổ biến nhất mà nhiều người thấy. Đó là màu mà nhiều người thường dùng để miêu tả bầu trời ban ngày. Màu xanh lam này thường được miêu tả là “màu xanh da trời” và nó được gây ra bởi sự tán xạ ánh sáng Mặt Trời bởi bầu khí quyển. Ánh sáng xanh lam có bước sóng ngắn hơn các màu khác, khiến nó dễ bị tán xạ hơn, giải thích cho màu xanh nhạt của bầu trời.

Khi ngày trôi qua, sắc xanh trên bầu trời thay đổi. Vào giữa trưa, khi mặt trời ở điểm cao nhất, bầu trời thường có màu xanh đậm hơn. Màu xanh lam này được gọi là “thiên thanh” và nó được tạo nên bởi vị trí của Mặt Trời trên bầu trời, khiến nhiều ánh sáng xanh lam bị tán xạ hơn.

Vào cuối buổi chiều, khi Mặt Trời bắt đầu lặn, bầu trời thường có màu hồng hoặc cam. Hiện tượng này xảy ra do sự tán xạ ánh sáng trong bầu khí quyển, với các bước sóng ngắn hơn như màu xanh bị tán xạ nhiều hơn, trong khi các bước sóng dài hơn như màu đỏ bị tán xạ ít hơn, dẫn đến bầu trời có màu sắc ấm áp, rực rỡ và thường được gọi là “giờ vàng” hoặc “hoàng hôn”.

Ở một số nơi trên thế giới, đặc biệt là ở các vùng cực, bầu trời lại có màu gần như tím. Hiện tượng này xảy ra do sự tán xạ ánh sáng của các tinh thể băng trong khí quyển. Các tinh thể băng khúc xạ và phân tán ánh sáng Mặt Trời theo một cách độc đáo, tạo ra sắc thái màu tím và hồng huyền ảo.

(theo Medium)

nhuvan
Posts: 342
Joined: Sun Mar 27, 2016 8:29 pm

Re: Đời Sống Quanh Ta

Post by nhuvan »

Người Việt vẫn tìm cách đi lậu vào Anh Quốc, dù đã có cái chết cảnh báo
Mai Nguyễn
9 tháng 9, 2023

Image
Cư dân địa phương thị trấn Folkestone, Kent, Vương quốc Anh tưởng niệm 39 người Việt chết thảm trong xe đông lạnh trong sự kiện chấn động thế giới năm 2019 (ảnh: Andrew Aitchison / In pictures via Getty Images)

Sau sự kiện xe thùng đông lạnh chở người vượt biên bất hợp pháp vào Anh, khiến 39 người chết, làn sóng người Việt tìm cách đi vào Anh Quốc bất hợp pháp vẫn tiếp tục diễn ra. Hầu hết những người đi như vậy, phần lớn đều là thanh niên và trung niên của các tỉnh phía Bắc Việt Nam.

Không có các con số chính xác, nhưng theo thống kê số di dân bất thường đến Anh, tính đến Tháng Ba 2023, chỉ tính người Việt Nam đi bằng thuyền nhỏ đến Anh bị phát hiện, đã lên đến 2,015 người, đứng thứ 8 trong top 10 những quốc gia có người đến Anh bất hợp pháp. Nhưng hầu hết những quốc gia có công dân vượt biển đến Anh, đều là nơi quốc gia hà khắc như Iran, Iraq, Afghanistan… hoặc có nội chiến như Eritrea, Albania… Việt Nam là quốc gia được coi là thanh bình và phát triển, thế nhưng số người tìm cách ra đi, ở lại bất hợp pháp, có con số trung bình khá ổn định hàng năm.

Chính phủ Anh đang đau đầu thảo luận các luật mới để ngăn chận người nhập cư bất hợp pháp. Nếu bị buôn người và trở thành lao động nô lệ bí mật, sẽ không có cơ sở để tìm kiếm hay giúp đỡ. Nhưng nếu đầu thú và nộp đơn xin tỵ nạn với những lý do mà chính phủ Anh phải xét duyệt, đó là một chương trình vô cùng tốn kém.


Hiện hệ thống tị nạn tiêu tốn 3.6 tỷ bảng Anh mỗi năm, nhưng chi phí dành cho những người di cư bất hợp pháp đã tăng đáng kể bắt đầu từ năm 2020. Nếu những xu hướng này tiếp tục, dự trù Bộ Nội vụ sẽ chi hơn 11 tỷ bảng Anh mỗi năm, tương đương 32 triệu bảng mỗi ngày, cho việc hỗ trợ tị nạn. Việc siết chặt mọi thứ, và có vẻ bị chỉ trích nhiều hơn, nhưng đang là điều cần thiết.

Con đường đi lậu vào Anh, gian nan hơn bất kỳ việc ra đi nào, từ Việt Nam hay từ châu Âu. Thế nhưng làn sóng này chỉ chậm lại một ít, rồi lại tiếp diễn. Anh Quốc chỉ là một điểm đến, thật ra, mỗi ngày vẫn có những người Việt Nam tìm cách đi du lịch, đi lao động, du học… rồi trốn ở lại ở nhiều quốc gia. Trả lời câu hỏi tại sao người Việt Nam vẫn cố im lặng thực hiện những chuyến hành trình nguy hiểm, thậm chí đe dọa đến tính mạng để ra đi ở khắp nơi trên khắp thế giới như vậy, Giang Nguyễn, người đứng đầu Ban biên tập của BBC nhận định “Việt Nam là một nền kinh tế đang phát triển, nhưng không phải ai cũng được hưởng lợi nhiều từ điều đó”.

Cũng theo ước tính của BBC, trong gần 10 năm qua, di cư từ Việt Nam sang Anh có nguồn gốc từ thành phố phía Bắc Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh, nhưng gần đây đã có sự gia tăng di cư bất thường từ ba tỉnh miền Trung, Nghệ An, Quảng Bình và Hà Tĩnh, tương đối nghèo hơn. Người ta ước tính rằng các mạng lưới từ Việt Nam đang buôn lậu khoảng 18.000 người mỗi năm sang châu Âu. Số đến Anh khó đếm được chính xác.

Nhưng đối với người di cư Việt Nam, Vương quốc Anh có lẽ là điểm đến phổ biến nhất ở châu Âu, Tiến sĩ Tamsin Barber, giảng viên xã hội học chính trị tại Đại học Oxford-Brookes, chuyên về di cư và dân số Anh-Việt, cho biết, bởi ở quốc gia này, họ có thể có tìm được công việc ổn định và có dư dả tiền để gửi về cho gia đình ở Việt Nam. Nhu cầu về lao động tay nghề thấp trong các nhà hàng, tiệm làm móng và ngành công nghiệp cần sa bất hợp pháp đang cần người. Vì vậy, ở Anh đã hình thành một mạng lưới rộng khắp những người Việt Nam có thể tiếp nhận những người mới đến về chỗ ở và việc làm.

Chuyện mai mối đưa đi bất hợp pháp như vậy, tiêu tốn những số tiền mà mỗi người Việt Nam bình thường phải làm cả năm 5 hoặc 10 năm vẫn không có được số dư đó. Một người trong cuộc tiết lộ rằng các kiểu ra đi, có mức giá khác nhau. Đối với những người có ít tiền hơn – thì từ $10,000 đến $15,000 (7,800 đến 11,600 bảng Anh) – cuộc hành trình này sẽ mệt mỏi hơn, chẳng hạn, bao gồm cả việc đi bộ qua rừng vào ban đêm. Còn với những người có đủ khả năng trả nhiều hơn – từ $40,000 đến $50,000 (31,000 đến 39,000 bảng Anh) – sẽ di chuyển bằng máy bay. Còn nếu thất bại? Họ lại phải kiếm đủ số tiền như vậy cho chuyến đi kế tiếp.

Người Việt đi lậu đến Anh, chịu một số tiền lớn, và hiểm nguy – thậm chí là cái chết như 39 thanh niên trên thùng xe đông lạnh năm 2019 – nhưng họ vẫn quyết tâm, vì nhìn thấy cơ hội đổi đời, và có thể giúp cho gia đình. Chuyện di chuyển bằng xe đông lạnh dường như vẫn diễn ra. Một báo cáo của Pháp mô tả những kẻ buôn lậu, rằng những người đi lậu Việt Nam được khuyến khích rằng xe tải đông lạnh giúp họ có nhiều cơ hội tránh bị phát hiện hơn. Bọn buôn người đưa cho họ mỗi người một túi nhôm để trùm đầu khi đi qua máy quét ở biên giới.

Ở Việt Nam, giới tuyên truyền của nhà nước hay mỉa mai và chụp lên những người này hình ảnh về những kẻ ham “việc nhẹ lương cao” hay thiếu suy nghĩ, thậm chí là phản bội tổ quốc. Thế nhưng ở chính quê hương của mình, những người Việt như vậy không dễ dàng tìm thấy một con đường sống và thăng tiến. Đỉnh cao của học vấn chỉ là dễ tham gia vào các chuỗi làm việc tay chân như chạy xe ôm công nghệ, làm công nhân tại các khu chế xuất. Giáo viên hay bác sĩ cũng bỏ nghề để buôn bán vì quá chán guồng máy nhà nước bế tắc và quan liêu. Đi tìm một lối khác tự do định đoạt đời mình, những người di dân bất hợp pháp Việt Nam đứng giữa hai gọng kềm: Nơi đến coi là tội phạm, còn ở quê hương thì coi như tội đồ.

Trong một hồ sơ thăm dò của toà Đại sứ Anh ở Việt Nam, với 346 người bị cưỡng bức hồi huơng, hầu hết những người trở về đều coi nước Anh là một ‘thiên đường’, từ cơ hội việc làm và thu nhập đến hệ thống chăm sóc sức khỏe và pháp lý, thậm chí là cả khi ở tù. Quả là thú vị, khi ở ngay tại đất nước tự xưng “thiên đường” được chính quyền Hà Nội quảng bá và tuyên truyền mỗi ngày, chính công dân của họ vẫn khước từ và ra đi, tìm đến một vùng đất xa lạ, được họ tự định nghĩa đó là “thiên đường” có thật.

Post Reply