EURO 2008

User avatar
VuPhong
Posts: 2910
Joined: Wed Dec 01, 2004 4:28 pm

Post by VuPhong »

Image

“Tên phản bội” và “trùm hủy diệt Arshavin”
đã đặt dấu chấm hết cho “cơn lốc màu da cam”


Trương Thị Hàm Yên

Cali Today News – Rồi, cuộc sống bóng đá ngày càng tưng bừng trên thế giới, và càng tưng bừng hơn ở góc nhỏ Silicon Valley, nơi mà một cộng đồng thật đông đảo người Việt sinh sống. Mới sáng sớm, mà bạn bè đã hú nhau, gọi nhau thật rộn ràng: Tụi tớ đến quán cà phê…, ra đây xem Hoà Lan gặp Nga nhé…

Sáng thứ bảy, muốn ngủ muộn cũng không được, vì những cú điện thoại sớm như thế…

Euro 2008 đã đến bên giường ngủ của chúng tôi…

2.

Không chỉ có chúng tôi, mà nhiều, thật ra nhiều người cũng bị Euro 2008 gõ cửa để thức sớm như chúng tôi vào sáng thứ bảy. Một không khí xôn xao chi lạ.

Người ta nói những cái tên lạ hoắc, khó nghe, khó nhớ, và những con số lung tung như tỷ số trận này trận nọ từ vòng loại, cả những chuyện bên lề sân cỏ,… của các ngôi sao từ Bắc Aâu như Hòa Lan, của các ngôi sao của nước Nga đang quằn quại trong cơn thay da đổi thịt để trở thành một quốc gia dân chủ, sau bao thập niên chìm đắm dưới bóng cờ máu độc tài,…

Họ kể về những chuyện như chuyện sẩy thai của vợ anh chàng cầu thủ Hòa Lan, như Khalid Boulahrouz – một hậu vệ của đội Hòa Lan, và giải thích vì sao đội Hòa Lan đeo một miếng vãi đen,… Từ đó, những “tín đồ Túc Cầu Giáo da vàng” trong quán cà phê sáng nay bàn đến những chuyện “đèo heo hút gió” khác…. Gần 2 giờ đồng hồ cà phê, thuốc lá trước trận đấu, tôi ngồi nghe những điều thật lạ mà lâu lâu mới có một lần tại San Jose, một thành phố có cộng đồng người Việt đông đảo nhất tại hải ngoại, và còn giữ không khí bóng đá thật nhiệt tình,…

3.
Và cái gì đến cuối cùng cũng phải đến: Đó là trận đấu tứ kết giữa Hòa Lan và Nga.
Có lẽ ai cũng đứng về phía đội Hòa Lan vì quá khứ của đội này và phong độ hiện nay. Trong quá khứ, đất nước của huyền thoại bóng đá Johan Cruyff đã từng chinh phục chức vô địch châu Aâu vào năm 1988, và từng làm mưa làm gió trên sân cỏ châu Aâu và thế giới với lối chơi huyền thoại của trường phái bóng đá tổng lực. Trong trang sách túc cầu thế giới, tên tuổi của những cầu thủ Hoà Lan còn đầy rẫ, và từng làm mưa làm gió trên sân cỏ châu Aâu và thế giới với lối chơi huyền thoại của trường phái bóng đá tổng lực. Trong trang sách túc cầu thế giới, tên tuổi của những cầu thủ Hoà Lan còn đầy rẩy, và đậm nét. Đó là một làng cầu mạnh của châu Aâu. Trong giải này, những cầu thủ Da Cam đã giáng những đòn chí tử đối với đội Ý – đương kim vô địch thế giới (3-0) và Pháp – Á khoa thế giới với tỷ số 4-1, rồi hạ tiếp Romania 2-0. Với một thành tích lẫy lừng như thế ở vòng đấu bảng, có ai nghĩ là đội Hòa Lan sẽ gục ngã trước đội Nga trong vòng tứ kết? Có ai nghĩ là một ứng cử viên nặng ký nhất của chức vô địch – Hòa Lan – lại ngã gục trước một đội Nga khá xoàng trong lịch sử và trong giải này không?
Từ sau Liên Xô sụp đổ, Nga là một đội bóng xoàng, và chưa bao giờ vào sâu được một giải quốc tế lớn nào. Và trong giải này, ở vòng đấu bảng, Nga thua Tây Ban Nha 4-1, thắng Hy Lạp 1-0, và thắng Thụy Điển 2-0. Quả thật Nga là một đội bóng không mấy nổi bậc.
Chính vì thế, dư luận cá cược đều cho rằng Nga sẽ bị phơi áo, thế nhưng, chuyện bất ngờ trong bóng đá một lần nữa đã xảy ra: Hòa Lan phơi áo trước đội Nga. Tuy thần thoại Hy Lạp không nói tới ông thần bất ngờ trên đỉnh núi Olympia, nhưng có lẽ đó là ông thần định mệnh của sân cỏ. Nơi nào có sân cỏ, thì thần bất ngờ thường xuyên thăm viếng, và hôm nay, một lần nữa, ông thần bất ngờ đã xuất hiện trong trận Hòa Lan và Nga.
Hòa Lan thua và xách vali về nước, như trước đó một ngày đội Croatia cũng rơi vào số phận như thế.
Hết keo này, bày keo khác. Đội Hòa Lan đã để lại trong lòng những tín đồ túc cầu giáo trên thế giới một cảm giác ngọt lịm và chia tay… Hẹn nhau ở Mundial 2010, hỡi đoàn quân màu da cam!

4.
“Tên phản bội” chính là người thay đổi số mệnh của đội Nga và đội Hòa Lan. Như nhật báo Cali Today đã nói đến ngày hôm qua, huấn luyện viên Guus Hiddink chính là cầu thủ “số 12” của đội Nga trong trận gặp Hòa Lan. Guus Hiddink từng là tuyển thủ của Hoà Lan, và cũng từng là huấn luyện viên đội Hòa Lan, nên ông biết rõ đội Hòa Lan nhất. Chính vì vậy, mà dư luận còn gọi ông là là “tên phản bội” (a traitor), hay là “cầu thủ thứ 12” của đội Nga. Ông cho biết rằng ông muốn trở thành “kẻ phản bội” thật sự khi mục tiêu ông đạt được là đưa đội Nga vào bán kết, đặt dấu chấm hết cho đội Hoà Lan với tỷ số 3-1.
Ngoài ra, một đặc điểm khác nữa rất đáng được chú ý là thành tích kiệt xuất hơn bình thường mà ông ta đã chứng tỏ trên cầu trường thế giới. Ông có thể tạo những chiến tích lẫy lừng từ một đội bóng bình thường. Ông đã từng dẫn dắt đội Nam Hàn vượt qua những tên tuổi khổng lồ của thế giới vào bán kết World Cup 2002, đưa đội Uùc vào vòng knock-out trong giải World Cup 2006, và bây giờ đưa đội Nga lần đầu tiên vào bán kết Euro 2008,… và chưa biết Nga có còn khả năng đi xa hơn không?
Qua trường hợp của huấn luyện viên Guus Hiddink, người ta thấy chỗ đứng và vai trò của huấn luyện viên trong một đội bóng. Huấn luyện viên giỏi có thể đưa một đội bóng trung bình làm nên kỳ tích, và chính Ryland James, một ký giả của AFP, cũng thừa nhận là huấn luyện viên Guus Hiddink có “truyền thống giúp đỡ các đội bóng quốc tế có thể thi đấu hơn sức của chính mình rất nhiều” (his habit of helping internationals punch well above the weight). Ông bà ta nói đúng là không có thầy (giỏi) thì đố mày làm nên.

5.
Trận đấu chắc ai cũng thấy là đội Hòa Lan bị dẫn trước 0-1 vào phút 56 khi Pavlyuchenko tạo ra sự chênh lệch tỷ số bất lợi cho Hòa Lan. Mãi đến phút 86, Hòa Lan mới gỡ hòa 1-1 do công của Van Nistelrooy. Bàn thắng này là bàn thắng quốc tế thứ 33 của Van Nistelrooy, và với bàn thắng này, anh đi vào lịch sử huyền thoại như Johan Cruyff ngày nào.
Bàn gỡ hòa của Van Nistelrooy đưa hai đội vào hiệp phụ, mà ở phần hiệp phụ, Hòa Lan bị ngã gục hai lần do công của Torbinsky vào phút 112, và Arshavin vào phút 116. Với hai bàn thắng này, Nga đã kết thúc Cơn Lốc Màu Da Cam đầy dũng mãnh và được xem là một ứng cử viên đầy thuyết phục của chức vô địch.
Một nhân vật được nói đến nhiều trong trận này chính là Arshavin. Anh được xem là “kiến trúc sư” trong chiến công chấm dứt con đường phía trước của đội Hoà Lan như ký giả Ryland James nói trên nhận xét: “Russia's Andrei Arshavin was the architect as they dumped Netherlands out of Euro 2008 after extra time.”
Arshavin còn được xem là “trùm hủy diệt Arshavin” (destroyer-in-chief Arshavin) như cách nói trong bài viết Russia claim historic win as Dutch make Euro 2008 exit.
Ngoài ra, Victor 06 còn miêu tả destroyer-in-chief Arshavin như sau: “Anh ấy ẩn hiện như bóng ma vượt qua các hàng phòng ngự như thể rằng anh ấy được làm từ không khí. Anh ta tỏ ra nhanh nhẹn, có kỹ thuật cao, và thật là tuyệt vời” (He ghosts past defences like he's made of air. He's fast, skilful and sooooo good).
Khán giả tự hỏi: Nga lấy đâu ra một cầu thủ siêu hạng và ít được biết tới như thế? Người ta ít nói đến anh ta trước giải này, vì anh đã từng bị treo giò ở hai lần giải Euro 2008 trước đây, và đây là giải Euro đầu tiên mà anh ta xuất hiện.
Và với những mỹ từ như “nhà kiến trúc trận hạ gục Hòa Lan”, “trùm hủy diệt Arshavin”, “bóng ma hàng phòng ngự”,… chắc sẽ có nhiều câu lạc bộ ở Aâu châu tranh giành mua anh với cái giá khổng lồ…
Bóng đá Aâu châu trong cơn khát tài năng sẽ đổ tiền cao như nuí để ký hợp đồng với tên tuổi này.

6.
Bóng đá và cuộc đời nhiều lúc giống nhau. Có khi, một trận lên tiên, và cũng có khi một trận xuống vũng bùn.
Cho đến nay, huấn luyện viên Guus Hiddink và “trùm hủy diệt Arshavin” sẽ lên giá thật cao trên “thương trường bóng đá quốc tế”, trong lúc đó, cũng có những ngôi sao cũ thi đấu kém phong độ cũng đành phải ra đi…
Phía sau một cầu trường là một cái chợ khổng lồ và người ta săn tìm những cái “deals” mới để bóng đá luôn luôn còn giữ sự thu hút của con người…

7.
Lâu rồi, tôi không có xem một trận đấu bóng đá nào, nay mới là trận cầu tôi được xem sau nhiều năm…
Thế nhưng, như một con nghiện đã từng cai… bây giờ trở lại. Tôi từng mê bóng đá quên ăn, quên ngủ, và sau nhiều năm “cai bóng đá” để lo “chuyện cơm, áo, gạo, tiền”, bây giờ trở lại, cảm thấy cơn ghiền như bắt đầu nổi dậy, cuốn hút, cảm thấy nôn nao và thèm thèm,…
Cũng như thuốc lá, cơn nghiện bóng đá thật khó bỏ…

Trương Thị Hàm Yên

User avatar
macco
Posts: 3543
Joined: Mon Jan 17, 2005 8:04 am

Post by macco »

Hạ Italy ở loạt luân lưu, Tây Ban Nha gặp lại Nga tại bán kết Hàng thủ siêu đẳng chỉ giúp ĐKVĐ thế giới cầm cự đến hết hai hiệp phụ, chứ không đủ để họ át vía đối thủ như 88 năm qua. Thắng 4-2 ở loạt sút 11 mét, Tây Ban Nha viết lại lịch sử trước Italy và lọt vào vòng bốn đội Euro 2008, nơi "Gấu Nga" đang đợi ngày tái ngộ.


Đã lâu lắm rồi Tây Ban Nha mới lại có bước khởi đầu ấn tượng đến vậy ở vòng bảng một giải đấu lớn. Họ thắng cả 3 trận và đi tiếp với tư cách là một ứng viên nặng ký cho ngôi vô địch Euro 2008. Nhưng khi biết đối thủ ở tứ kết sẽ là Italy, niềm lạc quan trong giới mộ điệu xứ bò tót nhanh chóng bị nỗi âu lo xâm chiếm. Trong lịch sử 88 năm tồn tại của tuyển Tây Ban Nha, Italy chính là đối thủ "kỵ jeu" và đáng ghét nhất. Sau thắng lợi 2-0 ở Thế vận hội 1920, "Cơn bão đỏ" vẫn chưa một lần biết đến vị ngọt chiến thắng trước ông hàng xóm Địa Trung Hải tại các giải đấu chính thức. Chính vì cái dớp đen đủi kéo dài quá lâu ấy, nên dù Italy vừa trải qua một vòng bảng bết bát mà ở đó họ may mắn thoát hiểm trong trận cuối, không ít người hâm mộ Tây Ban Nha vẫn bi quan về cơ hội đi tiếp vào bán kết của đội bóng con cưng.

Ngoài truyền thống đối đầu với Italy chẳng mấy vẻ vang, sự tự ti của phía Tây Ban Nha còn xuất phát từ cái dớp chưa một lần đi quá tứ kết các giải đấu lớn sau lần vô địch Euro 1964 tổ chức trên sân nhà. Thực tế trận đấu cho thấy lo ngại của giới CĐV xứ bò tót là hoàn toàn có cơ sở khi đội quân của HLV Aragones bế tắc đến cùng cực trước một Italy chơi phòng ngự kỷ luật. Nỗi lo ấy càng được nhân lên khi càng về cuối, phía Italy càng lộ rõ ý đồ đưa trận đấu đến chỗ giải quyết thắng thua bằng loạt "đấu súng" - nỗi ám ảnh lớn của Tây Ban Nha sau 3 lần họ thất bại trên chấm 11 mét tại tứ kết các kỳ World Cup 1986, Euro 1996 và World Cup 2002. Nhưng bằng bản lĩnh và chút may mắn, các chàng trai xứ sở đấu bò hôm qua chẳng những không bị át vía trước bóng ma từ lịch sử đối đầu với Italy mà còn vượt qua cái vận đen đủi trong loạt đá luân lưu, để ghi tên họ vào vòng bán kết Euro 2008.
Image
Tây Ban Nha cuối cùng đã làm được điều họ khao khát - đánh bại Italy sau 88 năm và xóa cái "dớp" không qua được vòng tứ kết các giải đấu lớn từ 44 năm qua. Ảnh: Getty Images.
Trong loạt sút penalty, trừ lần Guiza không thắng được Buffon ở loạt sút thứ tư, Tây Ban Nha đã thực hiện thành công cả 4 quả luân lưu còn lại bằng những cú sút lạnh lùng quyết đoán của Villa, Carzola, Senna rồi Fabregas. Tuy nhiên, những cú sút thành công ấy cũng sẽ trở nên vô nghĩa nếu "Đàn bò tót" không có Casillas xuất sắc đứng giữa khung gỗ. Trong một ngày thi đấu xuất thần, thủ môn đội trưởng này đã phán đoán chuẩn xác, đổ người từ chối các pha dứt điểm sấm sét của De Rossi ở loạt sút thứ hai rồi Di Natale ở loạt sút thứ tư, góp phần quyết định giúp đội nhà làm nên thắng lợi lịch sử, đồng thời tiễn chân Italy về nước. Khi Fabregas thực hiện thành công quả luân lưu cuối cùng, các cầu thủ Tây Ban Nha đã ùa ra sân ăn mừng, nhảy nhót trong niềm vui sướng đến tột độ. Đám đông CĐV của họ trên khán đài thì hô vang những tiếng "Tây Ban Nha - vô địch" (Espana - Campeones) với vẻ hạnh phúc, mãn nguyện và tự hào ra mặt.

Ngược lại, sau vài nghi thức xã giao, thày trò HLV Donadoni cúi đầu lặng lẽ đi vào đường hầm sân Ernst Happoel. Trên khán đài tràn ngập những khuôn mặt thẫn thờ, những cái ôm đầu thất vọng, những ánh mắt nuối tiếc. Đây đó xuất hiện những giọt lệ tuôn dài trên má nhiều tifosi nữ xinh đẹp. Cách đây 2 năm, trong một đêm hoa đăng ở Berlin, Italy ngạo nghễ bước lên đỉnh thế giới sau khi đánh bại Pháp trong loạt "đấu súng" quyết định đội ẵm chức vô địch World Cup 2006. Còn hôm qua, cũng trong loạt đấu súng, họ đã thất bại và phải nói lời chia tay Euro 2008 ngay từ tứ kết. Chẳng những tan vỡ giấc mộng lên ngôi ở 2 giải đấu liên tiếp như người Pháp các năm 1998 và 2000, các nhà ĐKVĐ thế giới còn không hoàn thành mục tiêu mà họ đề ra trước ngày lên đường sang Áo - Thụy Sỹ: tối thiểu cũng phải vào đến trận tranh ngôi quán quân.

Buồn đấy, thất vọng đấy, nhưng khi tỉnh táo nhìn lại, các tifosi hẳn phải thấy thất bại của tuyển Italy là cái chết đã được dự báo từ trước. Vẫn với thành phần nòng cốt trong đội hình chiến thắng của Lippi năm 2006 nhưng được dẫn dắt bởi Donadoni, một HLV thiếu cá tính và rất kém trong năng lực cầm quân, họ không giữ được hình ảnh của một đạo quân bất khả chiến bại trên đất Đức thuở nào. Việc hoàn tất vòng loại ở vị trí nhất bảng, trên cả cựu thù Pháp đã tạo ra những ảo tưởng nơi giới mộ điệu về sức mạnh thực sự cũng như cơ hội đăng quang của Italy tại Euro 2008. Nhưng sau vòng bảng, nơi đội quân dưới trướng HLV Donadoni thua tan tác Hà Lan, hòa hút chết với Romania và chỉ thắng được mỗi Pháp đã sa sút toàn diện, các nhà ĐKVĐ thế giới nhanh chóng cho thấy họ là một tập thể thiếu kết dính, bế tắc và nghèo nàn cả về lực lượng lượng lẫn các ý đồ chiến thuật - những phẩm chất thiết yếu nhất ở một đội bóng lớn, một ứng viên vô địch. Đối đầu với Tây Ban Nha hôm qua, những mặt hạn chế ấy đã hiện rõ mồn một.
Image
Vắng Pirlo, khả năng tấn công của Italy (áo trắng) gần như bị triệt tiêu. Họ chỉ trụ vững trước Tây Ban Nha nhờ sức mạnh hàng thủ. Ảnh: AFP.
Vắng bộ đôi tiền vệ trụ cột Pirlo, Gattuso, Donadoni trao cơ hội đá chính cho Aquilani và Ambrossini, đồng thời giữ nguyên sơ đồ 4- 3-1-2 cũng như các vị trí còn lại từng đá chính trong trận thắng Pháp. Tuy nhiên, những giải pháp lắp ghép khiên cưỡng khiến "cỗ máy Italy" vận hành không được trơn tru như mong đợi. Các nhà ĐKVĐ thế giới chỉ chơi chắc chắn, thận trọng, nhờ lập ra những bức tường dày đặc trước vòng cấm và thỉng thoảng mới tung ra vài đợt phản công chủ yếu bằng những pha tập kích đường không đánh vào vị trí của Puyol, trung vệ có khả năng không chiến kém bên phía hàng thủ Tây Ban Nha. Tuy nhiên, do vắng Pirlo - cầu thủ chơi sáng tạo và là chuyên gia thực hiện những đường chuyền vượt tuyến có độ chuẩn xác cao, các pha phản công của Italy mất hẳn tính đột biến và không đem lại hiệu quả cụ thể. Tình huống đáng chú ý nhất mà họ tạo ra trong hiệp một chỉ là quả lật từ cánh trái của Ambrossini cho Perrotta băng vào đánh đầu ở phút 17, nhưng bóng đi không đủ hiểm để khuất phục Casillas.

Ở phần sân đối diện, do tính chất sống còn của trận đấu, Tây Ban Nha, dù vượt trội về kỹ thuật cá nhân, thời lượng kiểm soát bóng (70%) cũng như sự chủ động về mặt thế trận, vẫn thận trọng đá thấp. Tuy nhiên, sau nửa hiệp đầu bắt nhịp và phần nào nhìn thấy mặt hạn chế của Italy khi vắng Pirlo, "Đàn bò tót" mới thực sự nhập cuộc. Bằng những pha đảo cánh liên tục giữa Silva và Iniesta, còn cặp tiền đạo Villa - Torres thì rất chịu khó làm tường cho các đợt tấn công, Tây Ban Nha chơi rất biến hóa và nhờ đó, không ít lần làm chao đảo khung thành của Italy. Trong thế trận ấy, nhờ kỹ thuật, tốc độ và một chút tinh ranh, Silva với kèo trái cực dẻo trở thành mối hiểm họa thường trực cho hàng thủ Italy với những pha đi bóng lắt léo từ cánh phải, vặn sườn Grosso trước khi uy hiếp cầu môn của Buffon. Đã có 3 pha dứt điểm như vậy được tiền vệ nhỏ con của Valencia thực hiện, nhưng bóng vẫn chưa một lần tìm đến đích hoặc vì thiếu chính xác, hoặc vì Buffon xuất sắc chọn vị trí cản phá, hoặc các hậu vệ Italy kịp thời can thiệp.

Kịch bản nửa cuối hiệp một được lặp lại khi hiệp hai bắt đầu. Tây Ban Nha tiếp tục ép sân bằng kỹ thuật, tốc độ. Nhưng cũng như trước đó, hàng thủ Italy chơi kỷ luật, chặt chẽ và bọc lót tốt được chỉ huy bởi Chiellini đã lần lượt hóa giải các pha sóng gió trước cầu môn của Buffon. Tấn công nhiều nhưng không hiệu quả, Tây Ban Nha suýt nữa trả giá đắt ở phút 61 khi đối thủ bất thần phản công. Chỉ nhờ Casillas phản xạ tuyệt vời, họ mới tránh khỏi bàn thua từ cú sút bồi như búa bổ của cầu thủ vào thay người Camonaresi, sau tình huống Toni nỗ lực không chiến. Thế bế tắc buộc hai đội phải điều chỉnh nhân sự từ giữa hiệp hai. Bên phía Tây Ban Nha, cặp Xavi - Iniesta được thay cùng lúc bằng Cazorla và Fabregas. Ở phía đối diện, Di Natale cũng được tung vào sân. Nhưng những điều chỉnh này vẫn không đem lại hiệu quả như mong muốn của các HLV Aragones và Donadoni. Tất cả những gì hai đội làm được trước khi kết thúc 90 phút thi đấu chính thức chỉ là cú sút xa cực mạnh từ ngoài vòng cấm của Senna, khiến thủ thành Buffon phải nhờ đến sự trợ giúp của cột dọc mới đẩy lùi nguy hiểm khỏi cầu môn nhà.
Image
Thủ thành Casillas xuất sắc từ chối 2 quả luân lưu, đưa Tây Ban Nha vào bán kết. Ảnh: Reuters.
Thế bế tắc vẫn không được khai thông, dù họ có thêm cả hai hiệp phụ để thể hiện các đòn miếng phối hợp, cũng như tung nốt những quân bài cuối cùng vào sân (Del Piero vào thay Aquilani). Tỷ số 0-0 sau 120 phút thi đấu buộc hai đội phải kéo nhau đến loạt đấu súng để phân định kẻ ở người về. Và với phong độ xuất sắc của Casillas cũng như bản lĩnh của những người tham gia đá luân lưu, Tây Ban Nha đã giành phần thắng 4-2 xứng đáng, để đi tiếp vào bán kết. Tại đây, thày trò HLV Aragones sẽ gặp lại Nga, đội từng bị họ đè bẹp 4-1 trong ngày khởi đầu vòng bảng.

Đội hình thi đấu:

Tây Ban Nha (4-4-2): Casillas - Ramos, Marchena, Puyol, Capdevilla - Iniesta (Cazorla, 60'), Senna, Xavi (Fabregas, 60'), Silva - Villa, Torres (Guiza, 85').

Italy (4-3-1-2): Buffon - Zambrotta, Panucci, Chiellini, Grosso - Aquilani (Del Piero, 108'), De Rossi, Ambrossini - Perrotta (Camonaresi, 58') - Cassano (Di Natale, 75'), Toni.

Loạt đá luân lưu (hòa 0-0 sau 120 phút thi đấu)
Tây Ban Nha 4-2 Italy
David Villa Grosso
Cazorla De Rossi (hỏng)
Senna Camonaresi
Guiza (hỏng) Di Natale (hỏng)
Fabregas


Minh Kha

User avatar
khieulong
Posts: 6756
Joined: Wed Dec 01, 2004 9:09 pm
Been thanked: 1 time

Post by khieulong »

'Đức sẽ dễ dàng đả bại Thổ Nhĩ Kỳ' Không biết có phải vì hằn thù chuyện bị Thổ Nhĩ Kỳ hất cẳng khỏi tứ kết không mà "bệnh nhân người Croatia" - Ivan Klasnic - lại có nhận định chủ quan đến vậy về kết quả của một trong hai trận bán kết sắp tới.


Quá đau. Đó có lẽ là cảm giác chung của người Croatia sau thất bại trong trận tranh suất dự vòng bốn đội cuối cùng ở Euro 2008.

Trận tứ kết đó, đoàn quân của HLV trẻ Slaven Bilic chơi hay hơn hẳn và có được bàn mở tỷ số nhờ công Ivan Klasnic ở những phút cuối hiệp phụ thứ hai. Tuy nhiên, thoáng bất cẩn ngay sau đó khiến họ phải trả giá bằng bàn gỡ hòa 1-1, trước khi thất bại trên chấm 11 mét vì mất tinh thần.

Nhìn lại thất bại ấy, người Croatia đều cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là do đối thủ của họ quá may mắn. "Nếu Thổ Nhĩ Kỳ cứ tiếp tục đà may mắn như thế này, chúng ta rồi sẽ lại được chứng kiến một hiện tượng như Hy Lạp tại kỳ Euro trước mà thôi", Ivan Klasnic hậm hực nói.
Image
Klasnic (trái) là tấm gương sáng tại Euro. Anh từng phải ghép thận và có lúc tưởng như phải rời xa sân cỏ để bảo toàn tính mạng. Trước khi cùng Croatia rời giải anh đã hai lần lập công. Ảnh: AP.
Tại bán kết, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ gặp Đức. Sự chênh lệch về đẳng cấp và danh tiếng là khá rõ. Tuy nhiên, qua những biểu hiện ở chặng đường vừa qua (ngược dòng thắng CH Czech 3-2 ở vòng bảng và đánh bại Croatia ở tứ kết), với nhiều người, đội bóng của HLV Fatih Terim thực sự là một ẩn số đáng để dè chừng.

Tuy nhiên, tiền đạo ngôi sao của Croatia lại mạnh dạn nhận định: "Người Đức sẽ dễ dàng giành chiến thắng vì Thổ Nhĩ Kỳ không thể cứ tiếp tục may mắn mãi thế được".

Tại vòng bảng, Croatia nằm chung bảng với Đức. Họ thắng "cỗ xe tăng" 2-1 khá thuyết phục và vào tứ kết với tư cách là đội nhất bảng B.

Hà Uyên

User avatar
macco
Posts: 3543
Joined: Mon Jan 17, 2005 8:04 am

Post by macco »

Hàng nghìn CĐV Tây Ban Nha hứa cạo đầu nếu đội nhà vô địch Theo nhật báo thể thao Marca, tính đến tối thứ ba (24/6) đã có khoảng 10.000 người ký vào bản cam kết cạo trọc đầu nếu đội tuyển xứ đấu bò lên ngôi tại Euro năm nay.


Marca (của Tây Ban Nha) cũng chính là đơn vị đứng ra tổ chức sự kiện đặc biệt lần này.
Image
Một CĐV Tây Ban Nha. Ảnh: AP.


"Đội tuyển cần mọi sự ủng hộ đến từ người hâm mộ", đăng cùng lời kêu gọi là tấm hình một nhóm CĐV đầu trọc mặc trang phục thi đấu màu vàng đỏ biểu trưng của đội tuyển Tây Ban Nha. "Nếu các bạn cũng tin vào chiến thắng cuối cùng của đội tuyển chúng ta thì hãy cạo trọc đầu như họ".

Hưởng ứng lời kêu gọi đó, chỉ tính đến tối qua đã có khoảng 10.000 người hâm mộ xứ đấu bò đăng nhập vào trang tin phiên bản điện tử của Marca và sử dụng chữ ký điện tử để ký cam kết.

"Tôi - một CĐV trung thành - nguyện cam đoan với Marca, các CĐV và đội tuyển quốc gia sẽ cạo trọc mái đầu hiện tại nếu đội tuyển Tây Ban Nha của chúng ta vô địch Euro 2008", một phần trong nội dung bản cam kết ghi rõ.

Trong lịch sử, Tây Ban Nha vốn được biết đến là đội tuyển mạnh tại châu Âu nhưng mới chỉ một lần duy nhất đăng quang ở Euro năm 1964, trên sân nhà. Tại giải năm nay, họ thi đấu khá ổn, thắng ba trận ở vòng bảng và mới hạ gục Italy trên chấm 11 mét để giành quyền vào chơi bán kết, gặp Nga tối 26/6.

Hà Uyên

User avatar
macco
Posts: 3543
Joined: Mon Jan 17, 2005 8:04 am

Post by macco »

Những bóng hồng tươi thắm của Euro 2008

Trên đường phố, quảng trường hay các SVĐ. Nơi đâu cũng xuất hiện những "bóng hồng" rực rỡ tại giải vô địch châu Âu đang diễn ra ở Áo - Thụy Sĩ.

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Thùy Dương tổng hợp

User avatar
macco
Posts: 3543
Joined: Mon Jan 17, 2005 8:04 am

Post by macco »

UEFA đánh giá cao ưu thế của Nga tại bán kết Những chuyên gia hàng đầu của UEFA cho rằng “ngựa ô” của Euro 2008 - tuyển Nga - có nhiều lợi thế hơn so với các đối thủ tại vòng bán kết bởi giải VĐQG của họ mới đi được nửa chặng đường, và các cầu thủ đang vô cùng sung sức.

Image
Hộ công Andrei Arshavin của Nga (số 10) đã chạy như không biết mệt ở trận gặp Hà Lan. Ảnh: AP.
Andy Roxburgh - người đứng đầu hội đồng kỹ thuật của UEFA tại Euro 2008 đánh giá rằng các cầu thủ Đức, Thổ Nhĩ Kỳ và Tây Ban Nha có lẽ đang cảm thấy vô cùng mỏi mệt cả về thể lực và tinh thần sau khi phải thi đấu 4 trận liên tiếp trong thời gian ngắn, nhất là khi vừa bước ra khỏi một mùa giải khốc liệt ở cấp CLB. Các cầu thủ Nga thì ngược lại, càng đá càng hay và thể lực thì cực kỳ sung mãn, một phần là bởi giải VĐQG của họ mới chỉ đá được 11 vòng (từ tháng 3).

“Các giải đấu lớn như World Cup hay Euro luôn diễn ra sau khi kết thúc các mùa bóng dài và khó khăn. Tôi nhớ khi còn là HLV Scoland tham dự Euro 1992, tôi cũng đã gặp vấn đề lớn khi phải tìm cách để các cầu thủ kịp hồi phục. Nhưng điều đáng ngạc nhiên là các cầu thủ cần sự hồi phục về tinh thần hơn là về thể lực. Một khi tinh thần đã mệt mỏi thì chắc chắn sẽ gặp thất bại”.

Roxburgh nói thêm: “Việc các cầu thủ Nga đang ở giữa mùa giải giúp họ chiếm được lợi thế, và cái cách họ chơi bóng tốc độ trong trận gặp Hà Lan đã chứng minh điều này”. Nga đã ghi hai bàn thắng trong thời gian hiệp phụ để chung cuộc giành chiến thắng với tỷ số 3-1 trước Hà Lan. Tại bán kết, Nga gặp Tây Ban Nha, đội cũng phải căng sức ra đá 120 phút và chỉ vuợt qua Italy sau loạt sút penalty.

Tại giải đấu năm nay, Nga thua 1-4 trước chính Tây Ban Nha ở trận đầu ra quân, nhưng sau đó đã lần lượt vượt qua Hy Lạp 1-0, thắng Thụy Điển 2-0 và đánh bại Hà Lan 3-1. Đối thủ càng về sau càng mạnh nhưng Nga lại ghi được nhiều bàn thắng hơn. “Họ dường như càng đá càng khỏe. Cũng không thể phủ nhận họ đã chơi rất hay, và HLV Hiddink xứng đáng nhận những lời ca ngợi bởi ông ấy luôn biết rõ mình đang làm gì. Nga có một số cầu thủ tốt, một HLV tuyệt vời nhưng rõ ràng là tình trạng sung mãn về thể lực có ảnh hưởng rất lớn đến đội bóng này”.

Chỉ có một người trong số 23 cầu thủ của Nga dự Euro 2008 đang thi đấu ở nước ngoài. Giải VĐQG Nga khởi đầu hồi tháng 3, nghỉ từ giữa tháng 5 và chỉ bắt đầu trở lại vào đầu tháng 7 để các cầu thủ tập trung cho đội tuyển. Đó là một lợi thế lớn về cả mặt thể lực lẫn trạng thái hưng phấn.

Nhưng Hiddink lại cho rằng đội ông cũng gặp bất lợi khi các học trò không được thi đấu ở những giải hàng đầu thế giới: “Các cầu thủ Nga không được ra sân mỗi tuần trong những trận đấu khó khăn và đòi hỏi tốc độ. Họ có thể phạm sai lầm mà không bị trừng phạt, và đó là điều vô cùng nghiêm trọng ở đây”.

Anh Dũng (theo UEFA)

User avatar
macco
Posts: 3543
Joined: Mon Jan 17, 2005 8:04 am

Post by macco »


Đức Thắng Thổ NHĩ Kỳ 3-2
Kết liễu kẻ phá bĩnh Thổ Nhĩ Kỳ, Đức vào chung kết Euro
Nhập trận yếu, dính bàn trước rồi bị gỡ 2-2 khi trận đấu chỉ còn vài phút, tối qua, "xe tăng Đức" thực sự phải trải qua bài thử cực nhọc đến từ hiện tượng đặc biệt tại Euro năm nay. Tuy nhiên, tính hiệu quả cùng bản lĩnh đậm bản sắc Đức một lần nữa lại giúp họ viết tiếp giấc mơ, bằng chiến thắng 3-2.

Hai năm trước, World Cup 2006 mang lại cho người Đức những giây phút diệu kỳ. Thứ bóng đá tấn công hiệu quả và quyến rũ khi đó đưa thày trò HLV Juergen Klinsmann vào đến bán kết. Không thể đặt chân được tới cái đích cuối cùng là trận chung kết ở Berlin, nhưng với nhiều người Đức quãng thời gian đó dẫu sao cũng đáng để gọi là "Cổ tích mùa hè". Năm nay, ánh nắng từ một mùa hè cổ tích lại như chiếu sáng cho con đường vinh quang của đội Đức, thời Joachim Loew.

Khác với hai năm trước, Euro 2008 là nơi mà không phải lúc nào Đức cũng chơi thuyết phục, không phải hàng thủ đã hết mắc sai lầm, không phải hàng công luôn chính xác trong các tình huống dứt điểm..., nhiều lúc "xe tăng Đức" trông thật rệu rã. Nhưng, như những gì người ta thường biết đến họ, đó vẫn là những chiến binh quả cảm, thi đấu hiệu quả và có bản lĩnh cực cao. Từng đó đôi khi đủ giúp họ làm nên những trận đấu hay đơn giản chỉ là những thời khắc quyết định dẫn đến chiến thắng. Và tối qua, tất cả những điểm mạnh và yếu ấy đều được lột tả trong trận bán kết nghẹt thở với Thổ Nhĩ Kỳ.

Cùng có mặt ở vòng bốn đội, nhưng thực tế thì giữa Đức và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tồn tại hai sắc thái khác biệt. Không có được chặng đường dễ chịu ở vòng bảng nhưng chiến thắng thuyết phục trước Bồ Đào Nha ở tứ kết cùng đẳng cấp có thừa và quân lực hùng hậu, "xe tăng Đức" dễ hiểu được đánh giá là đội cửa trên. Trong khi đó, bước vào giải với danh phận lót đường, đến được giai đoạn nước sôi lửa bỏng lại tổn bao quá nhiều trụ cột vì thẻ phạt và chấn thương, Thổ Nhĩ Kỳ tất yếu chỉ được xem như kẻ dưới.

Với nhiều người, việc đội tuyển đến từ đất nước nối giữa hai châu Á - Âu này vượt qua được vòng bảng - bằng hai chiến thắng ngược dòng trước Thụy Sĩ và CH Czech - hay sau đó là đánh bại Croatia trên chấm 11 mét ở vòng 8 đội chẳng qua chỉ là nhờ may mắn. Điều đó không sai, nhưng chẳng có gì đáng trách và cũng chưa hoàn toàn đầy đủ. Ít nhất là đối với vị HLV của đội tuyển đó - Fatih Terim.

Trước cuộc đại chiến tối qua, nhà cầm quân có biệt danh "Đại đế" này tuyên bố, ông không tin vào sự may mắn hay phép nhiệm màu, cuộc sống hoàn toàn là do con người tạo ra chứ chẳng dưng mà thánh thần nào mang đến. Đó không phải là lời "bào chữa" cho việc Thổ Nhĩ Kỳ bất ngờ giành quyền vào đến bán kết của Euro 2008. Đó đơn giản là những lời nói thật, thậm chí có thể xem là lời huấn thị mà tối qua, một lần nữa, các học trò của ông lại thể hiện được trên sân cỏ.
Image Tổn hao quá nhiều binh lực chủ chốt, Thổ Nhĩ Kỳ buộc phải ra sân với đội hình gồm nhiều cầu thủ dự bị hoặc còn non kinh nghiệm. Nhưng chính họ mới là đội chơi hay hơn hẳn so với ông lớn từng ba lần vô địch Euro, nhờ cách nhập trận mạnh dạn cùng lối chơi kỹ thuật và sự thoải mái trong tinh thần của kẻ vốn chẳng có gì để mất (vào đến bán kết đã là thành công quá lớn với họ). Ngay phút thứ 7, Kazim-Richards đã gửi được lời cảnh báo đến đối thủ bằng cú sút từ 25 mét đến thẳng vị trí của Jens Lehmann.

Chừng một phút sau, đến lượt Hamit Altintop lên tiếng đe dọa khiến thủ thành già nhất giải năm nay phải lao ra dùng chân cản phá. Chưa dừng ở đó. Phút 13, một lần nữa Kazim-Richards thể hiện sự khéo léo và khả năng chớp thời cơ cực nhanh bằng cú dứt điểm ở khoảng cách chừng 15 mét. Nếu không có xà ngang cứu đỡ, tỷ số hẳn là sớm được mở cho đội chơi hay - Thổ Nhĩ Kỳ.



Không thể cứ chỉ đứng nhìn đàn em chèn ép, Đức sau đó cũng tổ chức được một vài đợt lên bóng. Tuy nhiên, do tính hợp lý chưa cao nên nỗ lực đó chỉ đủ để họ hãm bớt sức nổ bên phía đối thủ chứ chẳng thể tránh cho khung thành đội nhà khỏi chao đảo. Và điều gì đến cũng phải đến. Phút 22, lại là Kazim-Richards ập vào dứt điểm. Do bị theo sát, cú dứt điểm của anh chỉ tìm trúng xà ngang, nhưng khi bật ra lại tìm đúng tầm chân của Boral. Không bị ai ngăn trở, anh dễ dàng đệm bóng thành bàn trong thoáng lóng ngóng và bất lực của thủ thành Lehmann, mở tỷ số cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Một khởi đầu trong mơ đối với đội được đánh giá thấp hơn. Còn với người Đức, vẻ kiêu hùng như bị giáng một đòn quá đau. Tuy nhiên, vẻ kiêu hùng vốn có ấy không chết, vì họ vốn dĩ có những cầu thủ biết cách làm nên khác biệt. Và, như ở trận đấu với Bồ Đào Nha ở tứ kết, con người đầu tiên ấy mang tên Schweinsteiger. Trong pha tấn công ngon nhất từ đầu trận của đội nhà, phút 26, tiền vệ phải của Bayern Munich khôn ngoan lẻn xuống chích mũi giày tinh tế, kết thúc pha lên bóng tốc độ và đường chuyền khôn ngoan của Podolski, quân bình tỷ số 1-1.

Con số cân bằng ấy khiến thế trận về sau cũng bớt nhiệt hơn đi. Tuy nhiên, những tình huống nguy hiểm, nhất là về khung thành đội Đức, không vì thế mà thuyên giảm. Nếu không có tài năng và sự cảnh giác của Jens Lehmann, phút 31 hoặc 38 lần lượt là Altintop và Topal đều có thể tìm ra công lý cho nỗ lực thi đấu tuyệt vời của Thổ Nhĩ Kỹ. Xen kẽ giữa hai tình huống trên là pha tấn công mát mắt hiếm hoi của "xe tăng Đức", nhưng cú kết thúc của Podolski cũng chỉ tạo nên sự tiếc nuối trên gương mặt CĐV nhà chứ chẳng đủ độ chuẩn xác để chuyển được thành bàn thắng.

Chịu cảnh khó nhọc trong hiệp đấu đầu tiên, sau giờ nghỉ tưởng như Ballack và đồng đội sẽ trình diễn một bộ mặt khác trong lối chơi. Nhưng không. Khác biệt duy nhất chỉ đến từ việc thay đổi nhân sự. Rolfes chấn thương không thể thi đấu tiếp, buộc phải nhường vị trí tiền vệ giữa lại cho Frings. Thế trận mà "xe tăng Đức" tạo được sau đó hầu như chẳng đủ để dập tắt hoàn toàn ngọn lửa nhiệt huyết ở bên kia chiến tuyến. Khung thành Lehmann luôn bị đặt trong tình trạng báo động cao độ.

Tuy nhiên, điều giúp người Đức sau đó tìm được khác biệt phát hiện được điểm yếu của đối phương để khai thác. Đó là đánh thật mạnh vào cánh phải của người Thổ. Đây cũng là nơi tập trung sức mạnh của "cỗ xe tăng Đức" với sự góp sức của Podolski và Lahm. Trong một lần lên biên như thế ở phút 51, Lahm bị phạm lỗi khá rõ ngay rìa khu cấm Thổ Nhĩ Kỳ nhưng không có quả phạt nào nào dành cho đội tuyển áo trắng.
Image Sau khoảng gần 30 phút lâm vào thế trận cò cưa, đến phút 79, thế bế tắc mới lại được khai thông. Và tất nhiên lần này lại đến từ pha lên bóng bên cánh trái của người Đức. Từ đường chuyền vào của Lahm, Klose bật cao đánh đầu vào khung thành trống do thủ thành Rustu trước đó dâng cao thiếu hợp lý, nâng tỷ số lên 2-1 cho đội bóng của HLV Joachim Loew.

Tưởng như mọi chuyện từ đây dễ chịu hơn cho người Đức, nhưng sẽ chỉ như vậy nếu hôm qua đối thủ của họ không phải là Thổ Nhĩ Kỳ. Sau khi dính bàn thua, HLV Terim gần như lập tức tung ra hai sự thay đổi người nhằm tìm lại sự sống. Về cơ bản, sự tăng viện của ông không mang lại điều gì cụ thể trên sân đó không cho thấy được quyết tâm chơi đến cùng của một trong những đội bóng ấn tượng nhất giải năm nay. Và chỉ riêng đièu đó thôi cũng đủ để họ được đền đáp. Phút 86, Thổ Nhĩ Kỳ bất ngờ kiếm được bàn gỡ 2-2, nhờ pha chích bóng cự kỳ tinh tế của Semih ở góc gần.

Một câu chuyện thần tiên nữa tưởng như lại đến với chuyên gia ngược dòng của Euro 2008. Tuy nhiên, khi trận đấu bước vào phút đá chính cuối cùng, nụ cười trên môi những CĐV Thổ Nhĩ Kỳ vụt tắt. Pha phát động bên cánh trái rồi đich thân dứt diểm thành bàn, nâng tỷ số lên 3-2 của Philipp Lahm đã đặt dấu chấm hết cho chuyến phiêu lưu kỳ thú của người Thổ nhưng đồng thời lại để ngỏ ra cái kết có hậu cho câu chuyện cổ tích của người Đức.

Đội hình thi đấu:

Đức: Lehmann, Friedrich, Mertesacker, Metzelder, Lahm, Hitzlsperger, Rolfes (Frings 46), Schweinsteiger, Ballack, Podolski, Klose (Jansen 90).
Dự bị không được sử dụng: Enke, Adler, Fritz, Westermann, Gomez, Neuville, Trochowski, Borowski, Odonkor, Kuranyi.

Bàn thắng: Schweinsteiger 27', Klose 79', Lahm 90'.

Turkey: Rustu, Sarioglu, Topal, Zan, Balta, Aurelio, Kazim-Richards (Metin 90), Altintop, Akman (Erdinc 81), Boral (Karadeniz 84), Senturk.
Dự bị không được sử dụng: Zengin, Cetin, Emre, Gungor, Nihat.

Bàn thắng: Boral 22', Senturk 86'.


Hà Uyên

User avatar
khieulong
Posts: 6756
Joined: Wed Dec 01, 2004 9:09 pm
Been thanked: 1 time

Post by khieulong »

Nga tan giấc mơ hoa, Tây Ban Nha lần thứ ba vào chung kết

Chơi tốt hơn so với lần gặp nhau trước đó ở vòng bảng, thậm chí còn suýt vượt lên dẫn bàn, nhưng đội quân của HLV Hiddink một lần nữa không thể tránh được kết quả thua cách biệt 3 bàn trước Tây Ban Nha, và đành nhìn đối thủ đi tiếp một cách thuyết phục.


Image
Hiddink thêm một lần lỗi hẹn với trận chung kết.
Tối qua, với các bàn thắng của Xavi, Guiza và Silva đều ghi được trong hiệp hai, Tây Ban Nha đã lại vượt qua Nga tại giải vô địch châu Âu 2008. So với trận thua 1-4 trong lần gặp nhau trước đó ở vòng bảng, thất bại lần này của thày trò HLV Guus Hiddink không khác nhiều về tỷ số (cùng là cách biệt ba bàn), nhưng họ hoàn toàn có thể ra về trong danh dự vì đã gây được không ít khó khăn cho đối thủ đến từ xứ sở đấu bò.


Tạo được thế trận tương đối cân bằng trong hiệp một, Nga chỉ chịu thua kể từ khi tiền vệ Xavi bất ngờ đưa được bóng vào lưới thủ môn của Akinfeev, ở phút 50. Tình huống mang tính bước ngoặt này đã dẫn tới sự thay đổi cả về cục diện cũng như kết quả trận đấu, trước khi Tây Ban Nha có thêm hai bàn thắng nữa trong lúc các học trò của HLV Guus Hiddink buộc phải dâng cao nhằm tìm kiếm khả năng gỡ hòa.

Như vậy, đội bóng của HLV 61 tuổi người Hà Lan đã không thể gây một cơn "địa chấn" thứ hai tại giải vô địch châu Âu năm nay, sau chiến thắng 3-1 đầy ấn tượng trước Hà Lan ở tứ kết. Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa những gì mà Tây Ban Nha đã thể hiện trong trận bán kết tối qua là không thuyết phục. Ngược lại, bằng lối chơi khá đa dạng và nhuyễn với sự đồng đều ở cả ba tuyến, "Cơn bão màu đỏ" đã tự chứng minh được rằng họ xứng đáng góp mặt trong trận chung kết Euro năm nay như thế nào, khi ghi tới 7 bàn vào lưới thủ thành Akinfeev chỉ sau khoảng 180 phút (hai trận).
Image
Các CĐV của Cơn bão màu đỏ đang sống trong những ngày vui sướng xứng đáng.
Cho tới giờ, Tây Ban Nha vẫn là đội duy nhất chưa thua trận nào tại Euro 2008, ghi được nhiều bàn thắng nhất (11) và có hiệu số bàn thắng thua cao nhất (+8). Với sự "chuẩn bị" tốt đẹp đó, thày trò HLV Aragones tiến vào trận chung kết với khí thế cao, mà mục tiêu là đoạt chức vô địch châu Âu lần thứ hai. Trước đây, Tây Ban Nha từng đăng quang tại Euro 1964 (trên sân nhà, thắng Liên Xô cũ 2-1 trong trận chung kết) và giành vị trí á quân ở giải sau đó tròn 20 năm (thua chủ nhà Pháp 0-2, khi Michel Platini đang đạt thời đỉnh cao).

Quay trở lại với các diễn biến chính của trận đấu, trước giờ bóng lăn tối qua, nhân sự của Nga đã bị ảnh hưởng không nhỏ bởi án treo giò của trung vệ Kolodin và tiền vệ Torbinsky. Tuy nhiên, bằng quyết định đặt niềm tin vào Berezutsky, HLV Guus Hiddink vẫn có thể trình làng một hàng phòng ngự không đến nỗi nào, thậm chí còn tỏ ra chắc chắn hơn so với trận mở màn ở vòng bảng trước đó. Về phần đoàn quân của ông Luis Aragones, do không phải chịu tổn thất nào nên "nhà hiền triết xứ Hortaleza" đã đưa được ra đội hình tốt nhất, mà trọng điểm là bộ đôi Fernando Torres - David Villa, cặp tiền đạo đã ghi 5 bàn kể từ đầu giải.

Tối qua, các khán giả có mặt sân Ernst Happel "được" chứng kiến một cơn mưa nặng hạt. Mặc dù hệ thống thoát nước làm việc khá ổn, nhưng bóng bị trơn và điều đó làm hạn chế khả năng xử lý cũng như lối chơi kỹ thuật. Bất chấp thực tế, hai đội vẫn khởi đầu với tốc độ khá nhanh mà chẳng cần thăm dò. Ra quân bằng sơ đồ 4-4-1-1, Nga tiếp tục sử dụng lối chơi mang "âm hưởng tổng lực" của người Hà Lan, kết hợp với những đường bóng dài phản công nhanh để tận dụng tầm nhìn của Arshavin và tốc độ của Pavlyuchenko. Trong khi đó, Tây Ban Nha vẫn trung thành với cách sắp xếp 4-1-3-2, dẫu cho các phương án đã bị đối thủ "ngâm cứu" kỹ.

Ở những phút đầu tiên, Nga tỏ ra chiếm ưu thế. Nhưng ngay sau đó, bằng sự vượt trội về trình độ kỹ thuật cá nhân và tốc độ, đội bóng của Aragones liên tục giành chiến thắng trong các pha đối đầu ở giữa sân cũng như giành lại sự áp đảo. Phút thứ 6, tỷ số suýt được mở cho Tây Ban Nha khi Villa xẻ nách thông minh trong khu cấm địa. Nhưng Torres, tiền đạo của Liverpool, đã vội vàng sút vào chân Akinfeev trong tình huống đối mặt. Phút 11, thủ môn của Nga một lần nữa lại phải trổ tài cứu thua, sau cú sút từ khá xa của Villa.
Image
Một trận đấu khá vất vả cho hàng thủ Nga.
Không thể đua trình độ so với những ngôi sao đang thi đấu tại Liga và Premier League, dường như các cầu thủ Nga cũng hiểu rõ sự thật đó. Với những cường địch hiện là người của Barcelona, Real Madrid, Valencia hay Liverpool, thì ngay cả các ngôi sao mới đăng quang tại Cup UEFA cùng Zenit St Petersburg (như Arshavin) cũng khó bề đương cự lại. Trong khoảng thời gian sau khi bị "vỗ mặt", phần lớn học trò của Guus Hiddink đã chủ động lui về phần sân nhà, tạo số đông trong vòng cấm địa để bảo vệ khung thành. Và chiến thuật này đã tỏ ra khá hiệu quả khi các đợt tấn công của Tây Ban Nha cứ như va vào tường thành, bật trở lại một cách dễ dàng.

Không chỉ làm "nguội lửa" của đối phương, Nga còn khiến Tây Ban Nha đôi lúc phải giật mình bằng những tình huống phản công chớp nhoáng mà nếu may mắn, lẽ ra thày trò chiến thuật gia người Hà Lan phải được ăn mừng bàn thắng mở tỷ số. Phút 30, Pavlyuchenko bất ngờ cứa lòng trong chân phải từ cự ly khoảng 17 mét, đưa bóng bay sát cột dọc. Thủ môn Casillas đã phải bật hết tầm với trong tình huống này. Chưa hết, chỉ khoảng 3 phút sau, vẫn là Pavlyuchenko lẻn xuống giữa cặp trung vệ của Tây Ban Nha để đón đường chuyền bổng, song tiền đạo của CLB Spartak Moscow lại lần nữa sút chệch mục tiêu, trong tư thế bị kèm sát bởi hai cầu thủ đối phương.

Với những diễn biến khá bất lợi trong hiệp một, rõ ràng Tây Ban Nha đã bị đặt trước một thử thách không nhỏ. Và cái thử thách đó lại càng trở nên phức tạp hơn khi tiền đạo Villa phải rời sân từ phút 35 do bị chấn thương. Tuy nhiên, khá may cho HLV Aragones là sự lựa chọn thay thế của ông, tiền vệ Fabregas, đã chơi khá tốt trong tình huống thế vai bất ngờ này. Không chỉ vậy, Tây Ban Nha còn bất ngờ tìm được bàn mở tỷ số, khi hiệp hai mới bắt đầu được khoảng 5 phút. Xuất phát từ pha châm ngòi của Xavi, sau một tình huống xử lý khá lắt léo bên trái cấm địa đội Nga, Iniesta đã tung cú nửa chuyền nửa sút chéo qua khung thành đối phương. Nếu chỉ vào chậm trong tích tắc thôi, hẳn Xavi đã không ghi được bàn. Nhưng tiền vệ của Barcelona đã chạm được bóng đúng tầm chân, dứt điểm làm tung lưới Akinfeev từ cự ly 8 mét. Một pha dứt điểm nhanh như tên bắn.
Image
Cả hàng phòng ngự Nga đứng nhìn lỗ hổng quá lớn cho phép Xavi dễ dàng phá thế quân bình.
Sau bàn mở tỷ số, thế trận trở nên dễ dàng hơn cho Tây Ban Nha. Lý do đơn giản là vì không còn sự lựa chọn nào khác, Nga buộc phải dâng cao đội hình hòng tìm bàn gỡ khi đây cũng là lần đầu tiên kể từ trận thua 1-4 ngày mở màn bảng D, những "chú gấu" bị dẫn trước. Tận dụng lợi thế này, Tây Ban Nha liên tục sử dụng các đường bóng ở cự ly trung bình, kết hợp giãn biên, để trừng phạt việc đối phương để mất cự ly đội hình.

Ở các phút 60, 62 và 69, tiền đạo Torres liên tục có cơ hội nâng cao cách biệt cho đội bóng áo đỏ, nhưng tất cả đều bị anh bỏ lỡ một cách vô duyên. Nhận ra cầu thủ CLB Liverpool không có hưng phấn cao nhất trong tối qua, HLV Aragones tỏ ra tinh ý khi lập tức thay anh sau đó bằng Daniel Guiza, vua phá lưới tại Liga mùa giải vừa qua. Và chỉ khoảng hai phút sau khi có mặt trên sân, cầu thủ này đã lập tức chứng minh được khả năng của mình. Sau một pha bật tường, Fabregas thực hiện cú bấm bóng thông minh và điệu nghệ cho Guiza, trước khi tiền đạo CLB Mallorca đánh bại thủ môn Akinfeev bằng cú "sửa má" tinh tế, nâng tỷ số lên 2-0.
Image
Pha ghi bàn đẳng cấp của Daniel Guiza.
Dồn cả quyết tâm vào trận bán kết, nhưng rõ ràng sự vượt trội của Tây Ban Nha đã khiến Nga phải lực bất tòng tâm. Pavlyuchenko không có bóng để thể hiện khả năng dứt điểm, Arshavin thì bị cô lập, kèm sát. Sychev và Bilyaletdinov được thay vào, song tình hình xấu vẫn không thay đổi. Đội tuyển của HLV Hiddink đúng là cũng thể hiện được phần nào phẩm chất (trong hiệp một), nhưng sự bất ngờ như từng khiến Hà Lan phải bổ nhào giờ không còn là bí mật. Trong khoảng thời gian cuối trận, Nga nỗ lực dâng lên nhưng điều đó chỉ càng khiến họ dính đòn hồi mã thương của Tây Ban Nha. Phút 82, sau khi có bóng khá trống trải bên cánh trái, Fabregas đã thực hiện đường căng ngang chuẩn xác vào khu 16m50, tạo điều kiện để đồng đội Silva ấn định chiến thắng 3-0, bằng một cú sút từ khoảng cách chừng 10 mét.

Khi trận đấu chỉ còn chừng 3 phút, lẽ ra Nga đã có bàn danh dự, song thủ môn Casillas đã phản ứng xuất sắc trước pha đánh đầu của Sychev từ cự ly 6 mét.

Đội hình thi đấu:

Nga: Akinfeev, Aniukov, Vasili Berezutsky, Ignashevich, Zhirkov, Semak, Zyryanov, Semshov (Bilyaletdinov 56), Saenko (Sychev 57), Pavluchenko, Arshavin.
Dự bị không được sử dụng: Gabulov, Malafeev, Yanbaev, Alexei Berezutsky, Adamov, Ivanov, Shirokov, Bystrov.

Tây Ban Nha: Casillas, Sergio Ramos, Marchena, Puyol, Capdevila, Iniesta, Xavi (Alonso 69), Senna, Silva, Villa (Fabregas 34), Torres (Guiza 69).
Dự bị không được sử dụng: Palop, Reina, Albiol, Fernando Navarro, Santi Cazorla, Sergio Garcia, Arbeloa, Juanito, De la Red.



Thùy Dương

User avatar
khieulong
Posts: 6756
Joined: Wed Dec 01, 2004 9:09 pm
Been thanked: 1 time

Post by khieulong »

Đức - Tây Ban Nha, hai đấu sĩ ngang sức cân tài Đức nhỉnh hơn ở bản lĩnh thép và sức hủy diệt của hàng công; nhưng Tây Ban Nha lại yên tâm hơn nhờ hàng phòng ngự vững vàng và một tuyến giữa trẻ trung giàu sức sống trước khi bước vào trận chung kết Euro 2008 tối chủ nhật.

Tương tự chung kết World Cup 2006 nơi Italy và Pháp không có nhiều sự khác biệt về sơ đồ chiến thuật, dễ nhận thấy hai đội bước ra sân Ernst Happel tối chủ nhật đều chọn cách bố trí một tiền đạo duy nhất để ưu tiên lực lượng tuyến giữa 5 người. Nhưng mỗi đội lại có cách bố trí nhân sự và vận hành chiến thuật khác nhau. Tây Ban Nha dùng sơ đồ 4-1-3-2 từ đầu giải, nhưng thực chất vẫn là 4-1-4-1 với 5 tiền vệ trên sân do Villa thường xuyên dạt biên, chơi như một mũi giáp công bên cánh trái. Trong khi đó, Đức, sau khi 3 trận vòng bảng không thật sự ưng ý với sơ đồ 4-4-2 đã chuyển sang đá với 5 tiền vệ từ tứ kết và nhiều khả năng không thay đổi công thức chiến thắng này trong trận chung kết.
Image
Việc chuyển sang sơ đồ 4-2-3-1 và để Ballack (áo trắng) lên đá hộ công là điểm mấu chốt giúp Đức vượt qua tứ kết và bán kết. Ảnh: Getty Images.
Điểm khác biệt giữa Tây Ban Nha và Đức về đội hình nằm ở cách bố trí hàng tiền vệ. "Đàn bò tót" sử dụng sơ đồ 4-1-4-1 thiên về tấn công với một tiền vệ đánh chặn có thể lực dồi dào và chơi quyết liệt, rất lỳ đòn là Senna làm nhiệm vụ thu hồi bóng, bọc lót phía sau các tiền vệ có thiên hướng tấn công. Trong khi đó, "cỗ xe tăng" Đức lại chọn cách bố trí 4-2-3-1 nặng về phòng ngự. Theo đó, sự hiện diện của bộ đôi tiền vệ phòng ngự Rofles - Hitzlsperger đem lại sự chắc chắn cho hàng thủ, nơi có mắt xích yếu nhất là cặp trung vệ chơi thiếu ăn ý và hay mắc sai sót Metzelder - Matersacker, đồng thời giải phóng thủ quân Ballack khỏi gánh nặng ở giữa sân, để toàn tâm toàn ý thực hiện nhiệm vụ của một hộ công.

Chung kêt EURO 2008
20h45 Chủ Nhật, ngày 29/6
(1h45' ngày 30/6, giờ Hà Nội)
ĐỨC - TÂY BAN NHA

Tương tự hai vòng đấu trước, ngoài những yếu tố chuyên môn, người Đức còn trông chờ sự quật khởi đến từ bản lĩnh của các cầu thủ. Đây chính là điểm mạnh truyền thống giúp thày trò HLV Loew đi tới trận chung kết. Bỏ lại đằng sau một vòng bảng không thật sự thành công, nếu không muốn nói là gây thất vọng tràn trề, bản lĩnh và chí ý Đức đã giúp họ vượt qua một Bồ Đào Nha đang hừng hực khí thế. Vào bán kết, dù rất vất vả trước một Thổ Nhĩ Kỳ chơi với tinh thần không còn gì để mất, điểm mạnh truyền thống ấy lại được phát huy giúp "cỗ xe tăng" giành phần thắng bằng bàn quyết định ở phút 90, để lần thứ sáu lọt vào trận đấu cuối cùng của Euro.

Nếu tinh thần là yếu tố làm nâng tầm sức mạnh của người Đức thì với Tây Ban Nha, đó lại là điểm yếu khiến họ luôn rơi vào cảnh "học tài thi phận" tại các giải đấu lớn gần nửa thế kỷ vừa qua. Nhưng dường như dưới thời HLV Aragones, điểm yếu ấy đã được khắc phục đáng kể, đặc biệt là khi ông cùng các học trò vượt qua Italy - đối thủ mà tuyển Tây Ban Nha chỉ biết từ hòa đến thua suốt 88 năm qua - ở tứ kết, rồi đè bẹp Nga ở bán kết. Hiện tại, tâm lý sợ thua dường như đã không còn tồn tại trong từng thành viên đội bóng xứ đấu bò. Lần đầu tiên, người hâm mộ Tây Ban Nha mới nghe những tuyên bố đầy tự tin kiểu "Chúng tôi sẽ đánh bại Đức" (Casillas và HLV Aragones), hay "Chúng tôi không muốn lỡ hẹn với ngôi cao" của Fabregas.

Đi sâu vào từng tuyến, Tây Ban Nha đang sở hữu một hàng thủ chắc chắn. Trong khung thành, họ có một Casillas luôn chơi ổn định, có tâm lý vững vàng và phản xạ cực tốt. Phía trên thủ môn đang bắt cho Real Madrid là bộ tứ hậu vệ Sergio Ramos - Puyol - Marchena - Capdevilla thầm lặng nhưng cực kỳ hiệu quả. Ngoài điểm tựa vững chắc có tên Casillas, việc "Đàn bò tót" chỉ lọt lưới 2 bàn từ đầu giải còn xuất phát từ sự phối hợp ăn ý, nhịp nhàng giữa các hậu vệ. Hạn chế duy nhất ở hàng thủ Tây Ban Nha, có chăng, chỉ là khả năng chống bóng bổng tương đối kém của trung vệ Puyol và thủ môn Casillas. HLV Aragones sẽ phải tìm cách khắc phục khâu này cho trận chung kết, bởi mình Marchena đô con có thể sẽ không đủ để ngăn chặn các cuộc "tập kích đường không" đến từ những chuyên gia chơi đầu như Klose, Ballack, Martesacker... bên phía Đức.
Image
Thủ môn già nua, căp trung vệ thì hay mắc lỗi biến hàng thủ thành tuyến yếu nhất của Đức (áo trắng). Ảnh: Getty Images.
Ngược lại, người Đức hoàn toàn có lý do để lo âu cho hàng thủ trong trận chung kết. Cả 5 sự lựa chọn hàng đầu của HLV Loew cho mặt trận phòng ngự đều có vấn đề, điều đó lý giải vì sao Đức thủng lưới đến 6 bàn từ đầu giải đến giờ và 4 trong số đó diễn ra ở 2 trận tứ kết và bán kết với Bồ Đào Nha rồi Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khung gỗ, Lehmann già nua, phản xạ ngày càng chậm, lại không vững về tâm lý. Nhưng đó vẫn chưa phải là điểm yếu nhất, bởi cặp trung vệ Metzelder - Matersacker mới là tử huyệt của "cỗ xe tăng". To con, từng chơi cạnh nhau một thời gian dài và không chiến tốt, nhưng bộ đôi này vẫn thiếu sự ăn ý cần thiết và rất hay mắc lỗi vị trí, nhiều lần "giúp" tiền đạo đối phương trực tiếp uy hiếp cầu môn của Lehmann. Lahm và Arne Friedrich ở 2 biên có khá hơn, nhưng người đầu thì hay để hở sườn trái vì quá ham lên tham gia tấn công, người còn lại thì xoay trở rất chậm chạp trước những đối thủ nhanh nhẹn và giàu kỹ thuật.

Tuyến giữa của hai đội thì tương đối cân bằng. Việc Đức bố trí 2 cầu thủ đánh chặn làm suy giảm ít nhiều khả năng hỗ trợ tấn công, nhưng nhờ đó họ có thể che chắn tốt hơn cho hàng thủ. Gánh nặng bên phần sân đối phương, nhiệm vụ tấn công, vì thế, dồn cả vào nhạc trưởng đồng thời là hộ công Ballack cùng đôi cánh Schweinsteiger (phải) - Podolski (trái). Nếu vào ngày bộ ba này chơi đúng phong độ, Đức sẽ rất nguy hiểm, như cách họ dễ dàng hạ Bồ Đào Nha ở tứ kết. Nhưng vì một lý do nào đó, chẳng hạn như Ballack đột ngột sa sút tương tự trận gặp Thổ Nhĩ Kỳ ở bán kết, cỗ xe tăng sẽ ngay lập tức gặp trục trặc. Trong bối cảnh đó, nếu có sự trở lại kịp thời của một tiền vệ chơi công thủ toàn diện như Frings ngay sau lưng ngôi sao đội trưởng, Đức chắc chắn sẽ có nhiều giải pháp hơn để đưa bóng lên phía trên và uy hiếp cầu môn đối phương.

Bên phía Tây Ban Nha, do Villa dính chấn thương, HLV Aragones sẽ thoải mái dùng lại sơ đồ 4-1-4-1 thực thụ, với Fabregas đá từ đầu trong vai trò một tiền vệ tự do, Xavi đảm nhiệm khâu tổ chức, dẫn dắt thế trận, Silva và Iniesta khuấy đảo ở hai biên, còn Senna thì tiếp tục công việc của một "máy quét". Đây là phương án lý tưởng nhất để "Đàn bò tót" tận dụng hết tiềm năng của đội ngũ đông đảo các tiền vệ có thừa sức sáng tạo và phẩm chất kỹ thuật, đồng thời giảm thiểu tác hại đến từ sự hạn chế về thể hình thể lực. Sau những kết quả khả quan ở vòng loại và loạt trận giao hữu với Anh, Argentina, Pháp hay Italy, thắng lợi 3-0 trước tuyển Nga ở bán kết là mình chứng rõ nét cho tính hiệu quả của sơ đồ 4-1-4-1.

Trên hàng công, sự vắng mặt của Villa có thể là thiệt thòi lớn cho Tây Ban Nha, đồng thời là điềm lành cho Đức. Tuy thường xuyên đá như tiền vệ thứ năm, nhưng khả năng chọn vị trí, tốc độ di chuyển và tài "đánh hơi" cơ hội vẫn giúp tiền đạo của Valencia trở thành tay săn bàn hiệu quả nhất giải tính đến giờ, với 4 lần lập công. Vắng Villa, Torres sẽ đá chính, nhưng dường như duyên ghi bàn từng giúp anh bùng nổ trong màu áo Liverpool chưa lặp lại tại Euro 2008, nơi "Cậu bé" chỉ có một bàn từ đầu giải. Trong khi đó, dự bị của anh là Dani Guiza, dù vừa ghi bàn nhân đôi tỷ số ở trận bán kết với Nga, vẫn bị đặt dấu chấm hỏi ở khả năng thích ứng với sức ép ở những trận cầu lớn.
Image
Chấn thương của Villa (số 7) giúp Tây Ban Nha trở lại sơ đồ 4-1-4-1 và chơi rất hiệu quả, nhưng lại khiến họ mất một "sát thủ" hàng khủng ở tuyến trên. Ảnh: Getty Images
.

Ngược lại, người Đức có thể yên tâm khi người chơi cao nhất của họ vẫn là Klose. Sau khi tịt ngòi suốt 3 trận vòng bảng (phần nhiều vì phải làm "chim mồi" cho Mario Gomez), Klose bắt đầu tỏa sáng trở lại khi được trả về vai trò trung phong cắm sở trường. Với 2 bàn thắng chia đều cho hai trận tứ kết rồi bán kết, dường như, chân sút đang đá cho Bayern đã tìm lại được sự tự tin và phong độ sát thủ từng giúp anh bùng nổ ở World Cup 2002 và 2006. Khả năng chọn vị trí và chơi đầu cực tốt của Klose hứa hẹn sẽ đem lại một buổi tối làm việc vất vả cho Casillas và các trung vệ Tây Ban Nha.


Minh Kha

Toan_Paris
Posts: 198
Joined: Tue Dec 14, 2004 1:31 am

Post by Toan_Paris »

Hi Bạn Sáu Long, Từ hôm về Canada đến nay thỉnh thoảng cứ màn đau bụng trở lại , chắc có lẽ nhậu ốc leng , ốc gạo , ốc nhẩy, lẩu dê, cẳng dê, etc...nhiều quá nên mới ra nông nỗi này chăng. Thấy bạn Vũ Phong viết bài về Phò thấy cũng lạ. Tôi muốn góp ý một bài ngắn về Phò Sài Gòn, Phò Hà Nội, Phò Thái Lan , nhưng rất tiếc rằng cứ đau bụng hoài, nếu khấm khá hơn sẽ viết tiếp cho bạn hiền thư sau. Theo ý riêng bạn chúa nhật này, trận Spain-Germany. Đội nào sác xuất thắng nhiều hợn Chúc bạn ngày cuối tuần vui vẻ & thưởng thức trận chung kết đầy thú vị
Thân mến,
ToànParis

Post Reply