WORLD CUP 2010 SOUTH AFRICA

User avatar
saohom
Posts: 2213
Joined: Wed Aug 26, 2009 11:30 pm

Post by saohom »

Thắng thuyết phục Slovakia, Paraguay tràn đầy cơ hội đi tiếp

Bằng thực lực và kinh nghiệm trội hơn, đại diện Nam Mỹ vượt qua Slovakia không mấy khó khăn.
Hai bàn thắng của Vera và Riveros giúp Paraguay có 3 điểm quan trọng và một tấm vé của bảng F vào vòng 1/8 gần như đã trong túi họ.

Image
Cristian Riveros (phải) chia vui với đồng đội sau bàn ấn định kết quả 2-0.
Paraguay đã 7 lần tham dự các vòng chung kết World Cup trong khi con số này của Slovakia chỉ là một kể từ khi họ trở thành một quốc gia độc lập vào năm 1993 (tách ra từ Tiệp Khắc cũ). Một khoảng cách rõ ràng về kinh nghiệm. Và diễn biến của trận đấu đã chứng minh thêm một điều, Paraguay hơn hẳn Slovakia về đẳng cấp và trình độ. Cả trận các cầu thủ Paraguay thi đấu khá nhàn nhã nhưng vẫn chứng tỏ được sự kết dính, nhịp nhàng, ăn ý trong lối chơi và hai bàn thắng xem ra còn là quá ít so với ưu thế vượt trội mà Paraguay tạo ra. Còn Slovakia thể hiện một bộ mặt kém cỏi, thiếu sức sống và không hơn nhiều so với trận gặp New Zealand dù họ mới là đội cần phải thắng. Những niềm hy vọng của Slovakia như chân sút Vittek, nhạc trưởng Hamsik hay người con trai Vladimir Weiss của HLV trưởng đều cho thấy tầm vóc của họ còn quá bé nhỏ ở một sân chơi lớn như World Cup.

Sau trận đầu tiên, cả hai đội Slovakia và Paraguay cùng chỉ có một điểm, một bàn thắng, một bàn thua. Vì thế trận đấu này có ý nghĩa rất quan trọng với cả hai, đặc biệt là Slovakia bởi nếu không thắng, giấc mơ giành quyền đi tiếp sẽ gần như chấm dứt do ở trận cuối họ phải gặp các nhà ĐKVĐ thế giới Italy. Chính vì thế, HLV Vladimir Weiss đã có tới 3 sự thay đổi khi Pekarik, Salata, Kozak có mặt ngay từ đầu thay cho Cech, Zabavnik và Jendrisek nhằm cải thiện khả năng tấn công. Bên phía Paraguay, họ đón nhận tin vui khi chân sút quan trọng Roque Santa Cruz đã bình phục chấn thương để ra sân thi đấu. HLV Gerardo Martino thể hiện rõ quyết tâm giành chiến thắng khi sử dụng sơ đồ 4-3-3. Thi đấu cùng với Santa Cruz trên hàng công là Valdez và Barrios.

Ngay sau tiếng còi khai cuộc của trọng tài Eddy Maillet, Paraguay đã dâng cao đội hình và liên tục tấn công. Họ nhanh chóng tạo ra cơ hội nguy hiểm. Cú sút từ sát vạch 16m50 của Santa Cruz đã chạm vào chân một cầu thủ đối phương, khiến độ hiểm hóc tăng lên nhưng thủ thành Jan Mucha đã xuất sắc tung người đẩy bóng ra, cứu thua cho đội nhà. Sức công phá của đội bóng Nam Mỹ đã vấp phải sự kháng cự mãnh liệt của tuyến phòng ngự Slovakia do trung vệ khoác áo Liverpool, Martin Skrtel chỉ huy. Hiếm hoi họ mới tạo được cơ hội có thể thành bàn nhưng không thể tận dụng thành công

Phút 17 Morel thực hiện quả đá phạt bên cánh trái và nếu nhanh hơn một vài nhịp, Da Silva đã có thể chạm được vào bóng khi trước mặt anh khung thành đã rộng mở. Ngay sau đó, Riveros đã có pha sút như trái phá, nhưng bóng lại đi đúng vào người Mucha. Nhưng điều gì đến cũng phải đến. Đội chơi hay hơn, nhiệt tình hơn xứng đáng ghi được bàn thắng. Barrios chọc khe thuận lợi cho số 14 Vera thoát xuống và thực hiện ngay cú vẩy má ngoài kỹ thuật, đưa trái bóng nằm gọn trong lưới. Bi dẫn trước, Slovakia buộc phải chơi mạo hiểm hơn hòng gỡ hoà nhưng họ không thể gây được nhiều khó khăn cho hàng thủ được tổ chức tốt của Paraguay. Đội trưởng Marek Hamsik, cầu thủ dẫn dắt lối chơi và rất được kỳ vọng, vẫn chưa thể hiện được gì nhiều, không đáp ứng được sự trông đợi của ban huấn luyện và người hâm mộ. Anh hoàn toàn mất hút trên sân, làm cho hàng tiền vệ gồm tới 5 người của Slovakia luôn tỏ ra thua thiệt so với đối phương.
Image
Các cầu thủ Paraguay mừng bàn mở tỷ số.


Trong khi đó hàng công của Paraguay vẫn thi đấu sắc sảo. Phút 40, tận dụng sai lầm của Salata, Vera nhanh chóng đưa bóng xuống cho Santa Cruz. Tiền đạo đang khoác áo Man City (đồng đội của Vladimir Weiss bên phía Slovakia) có rất nhiều phương án dứt điểm khi trước mặt chỉ còn thủ thành Mucha, song anh lại chọn giải pháp tệ nhất: sút gần vị trí của Mucha và thủ thành của Slovakia dễ dàng dùng chân cản phá. Sau giờ nghỉ, La Albirroja (biệt danh của Paraguay) chơi chậm lại, chắc chắn bên phần sân nhà nhằm mục tiêu bảo vệ tỷ số. Nhờ thế Slovakia mới có nhiều khoảng trống để triển khai các đợt lên bóng nhưng một khi Hamsik vẫn chưa đạt được phong độ cao nhất, thì cách đá của đại diện châu Âu vẫn chẳng thể gây khó dễ cho cầu môn Paraguay.

Không tấn công nhiều nhưng về độ nguy hiểm, Paraguay vượt trội đối thủ. Phút 70, Santa Cruz căng ngang thuận lợi vào trong và cầu thủ mở tỷ số, Enrique Vera bay người đánh đầu sạt cột dọc trong gang tấc. Phía ngoài sân, HLV Vladimir Weiss tiến hành vài sự điều chỉnh khi lần lượt đưa Holosko rồi Miroslav Stoch (từng khoác áo Chelsea) vào sân. Nhưng cái hình ảnh mờ nhạt mà Slovakia thể hiện từ đầu trận không có dấu hiệu cải thiện. Đến phút 85, số phận của trận đấu được định đoạt với bàn thứ hai của Paraguay. Từ cú đẩy bóng của người đồng đội Da Silva, tiền vệ sẽ thi đấu ở Premier League mùa sau cho CLB Sunderland, Cristian Riveros dùng chân trái thực hiện cú đá căng, xuyên qua khe giữa 3 cầu thủ Slovakia và thủ môn Mucha chẳng thể làm gì hơn khi tầm nhìn bị che khuất.

Khoảng thời gian còn lại, Slovakia dồn lên gấp gáp để tìm kiếm bàn danh dự và lẽ ra, họ đã được toại nguyện nếu Justo Villar không xuất sắc cản phá cú sút xa của Robert Vittek vào những giây cuối cùng. Bằng thắng lợi thuyết phục 2-0, Paraguay đã có được 4 điểm và cánh cửa đi tiếp đã rộng mở bởi khả năng thầy trò Martino giành trọn vẹn 3 điểm ở trận cuối trước New Zealand rất lớn. Với Slovakia, kỳ World Cup đầu tiên họ được quyền tham dự có lẽ sẽ sớm kết thúc ngay vòng bảng.

Đội hình thi đấu:

Slovakia: 1-Jan Mucha; 2-Peter Pekarik, 3-Martin Skrtel, 16-Jan Durica, 6-Zdeno Strba, 7-Vladimir Weiss, 8-Jan Kozak, 21-Kornel Salata (15-Miroslav Stoch 83'), 17-Marek Hamsik, 11-Robert Vittek, 9-Stanislav Sestak (13-Filip Holosko 70').

Paraguay: 1-Justo Villar, 6-Carlos Bonet, 21-Antolin Alcaraz, 14-Paulo Da Silva, 3-Claudio Morel, 13-Enrique Vera (8-Edgar Barreto 87'), 15-Victor Caceres, 16-Cristian Riveros, 9-Roque Santa Cruz, 18-Nelson Valdez (17-Aureliano Torres 68'), 19-Lucas Barrios (7-Oscar Cardozo 82')

Bàn thắng: Vera 27'; Riveros 86'

Bảo Phương

User avatar
VuPhong
Posts: 2910
Joined: Wed Dec 01, 2004 4:28 pm

Post by VuPhong »

Bồ Đào Nha trút mưa bàn thắng lên Triều Tiên

Hiệp hai thi đấu tưng bừng đem lại cho Cristiano Ronaldo và đồng đội trận thắng đậm nhất từ đầu giải của World Cup 2010: 7-0.

Image
Chiến thắng đậm giúp Bồ Đào Nha (đỏ) lạc quan nghĩ đến tấm vé vào vòng sau, còn Triều Tiên phải sớm đặt vé về nước.
Sân Green Point hôm nay không lúc nào ngớt mưa. Cơn mưa nặng hạt trong hiệp một khiến sân trơn bóng ướt, nhưng không thể làm giảm nhuệ khí chiến đấu của cả hai đội vốn đã bị đặt vào thế phải thắng nếu muốn nuôi hy vọng đi tiếp. Triều Tiên trong phần lớn thời gian đã phòng ngự kiên cường nhưng chỉ một thoáng sơ sểnh đã khiến họ phải trả giá bằng một bàn thua từ Raul Meireles.

Sau giờ nghỉ giữa hai hiệp trời dần tạnh ráo nhưng lại có một "cơn mưa" khác ập đến. Đó là loạt bàn thắng mà các cầu thủ Bồ Đào Nha thi nhau trút vào khung thành Triều Tiên. 2-0 rồi 3-0, 4-0... và nó chỉ chịu dừng lại khi mành lưới của đội bóng đến từ châu Á tung lên đủ bảy lần. Trong "cơn mưa" ấy Ronaldo cũng được giải hạn sau hơn 16 tháng không ghi lấy nổi một bàn cho đội tuyển quốc gia.

Trận đấu có tỷ số đậm nhất từ đầu giải chia hai đội sang làm hai ngả khác biệt. Bồ Đào Nha trở thành đội bóng có khả năng nhất ở bảng G theo chân Brazil vào vòng tiếp sau. Họ đang được bốn điểm và hiệu số rất cao (+7). Trong khi đó Triều Tiên đã phải sớm nói lời chia tay sân chơi lớn nhất thế giới do không có được điểm nào sau hai trận. Trận cuối cùng với Bờ Biển Ngà - đang có một điểm - hầu như chỉ mang tính thủ tục đối với Jong Tae-Se và đồng đội.

Ở trận ra quân Bồ Đào Nha để hòa không bàn thắng với Bờ Biển Ngà, trong khi Triều Tiên thất bại sít sao 1-2 trước Brazil. Đó là lý do vì sao HLV Carlos Queios khẳng định rằng trận đấu tại Green Point tối nay sẽ mang tính chất "được ăn cả ngả về không".

So với trận đầu tiên, Bồ Đào Nha có đến bốn điều chỉnh nhân sự chủ yếu tập trung vào khâu tấn công với sự xuất hiện của Tiago, Simao và Hugo Almeida. Trong khi đó không có bất cứ sự khác biệt nào so với trận trước nhưng mục tiêu thi đấu của Triều Tiên lại đổi thay hoàn toàn. Họ cũng như Bồ Đào Nha rất cần chiến thắng. Chính bởi vậy thay vì phòng ngự tập trung như đã thể hiện rất tốt ở trận gặp Brazil, Triều Tiên tỏ ra mạnh dạn và sẵn sàng dâng cao với số lượng đông. Quãng đầu trận bởi vậy diễn ra khá mở với cơ hội thuộc về cả hai bên.
Image
Triều Tiên (trắng) không đủ khả năng kháng cự lại sức mạnh tấn công của Bồ Đào Nha.
Ricardo Carvalho sớm có hai cơ hội ngon ăn khi băng lên tham gia tấn công. Đầu tiên là tình huống anh dứt điểm với đúng phẩm chất của một hậu vệ đưa bóng lên trời từ khoảng 11 mét. Không lâu sau, phút thứ 7, ngôi sao của Bồ Đào Nha bật cao đánh đầu khá hợp lý sau một tình huống đá phạt góc nhưng không đánh bại được cột dọc. Triều Tiên sau đó đáp trả bằng cú dứt điểm uy lực của Cha Jong-hyok từ khoảng 25 mét. Bóng đi chệch cột nhưng đủ khiến thủ thành Eduardo giật mình. Phút 18 Hong Yong-jo mạnh dạn dứt điểm từ góc hẹp buộc Eduardo phải đẩy bóng ra. Cơ hội tìm đến với Pak Nam-chol nhưng cú đánh đầu hơi cứng của anh làm lỡ một cơ hội đáng kể.

Mạnh dạn tấn công nhưng Triều Tiền cũng không lơi là nhiệm phòng vệ. Ngay cả khi dồn lên họ vẫn để ba cầu thủ ở lại phía sau. Các tình huống đeo bám, cài người và cắt phá của đám đông cầu thủ áo trắng luôn tỏ ra hợp lý dù ở cách xa hay ngay trong khu cấm địa. Cá nhân Ronaldo được "săn sóc" khá chu đáo nên hầu như không thể phát huy được khả năng.

Nhưng trong một thế trận giằng co như vậy chỉ cần một tình huống đột biến là đủ tạo nên bước ngoặt. Và giá trị của đẳng cấp đã phát huy đúng lúc giúp Bồ Đào Nha có được điều quan trọng đó. Phút 29 Simao quan sát nhanh trước khi tung ra đường chọc khe cắt đứt phòng tuyến của Triều Tiên, vừa nhịp với những bước xuyên phá của Raul Meireles vào cấm địa. Trong thế đối diện với tiền vệ của Bồ Đào Nha ra chân nhanh đưa bóng qua người thủ thành Myong-Guk Ri mở tỷ số (xem clip).

Phút 34 sai sót trong hàng thủ Triều Tiên đem đến cho Meireles cơ hội nhân đội cách biệt, nhưng lần này anh dứt điểm chệch đích dù cự ly gần.

Một bàn là cách biệt quá mong manh đối với Bồ Đào Nha, đồng thời không đủ làm Triều Tiên sớm nản chí. Hai đội vì vậy khởi đầu hiệp hai vẫn khá cởi mở. Bồ Đào Nha sớm có cơ hội tuyệt vời từ cú dứt điểm của Tiago ở khoảng cách chừng 20 mét, nhưng thủ thành Ri Myong-guk xuất sắc đẩy qua xà. Đáp lại gần như ngay sau đó, Hong Yong-jo kết thúc pha lên bóng khá bắt mắt của đồng đội bóng cú dứt điểm chìm từ ngoài cấm địa nhưng không đủ lực để có thể đánh bại thủ thành Eduardo.

Quá mải mê tấn công Triều Tiên đã không còn giữ được sự bền chắc trong khâu phòng ngự và điều này khiến họ phải nhận bàn thua thứ hai phút 53. Sau khi nhận đường chuyền dài, Meireles và Almeida bật bóng với nhau trước khi đẩy xuống cho Simao vừa băng vào dứt điểm qua khe giữa hai chân thủ thành Ri Myong-guk (xem clip).

* Tiếp tục cập nhật chi tiết

Đội hình thi đấu

BỒ ĐÀO NHA: Eduardo, Alves, Carvalho, Miguel, Coentrao, Mendes, Raul Meireles (Veloso, 70), Tiago, Ronaldo, Simao (Duda, 74), Almeida (Liedson, 77).

Bàn thắng: Raul Meireles 29, Simao 53, Almeida 56, Tiago 60 & 89, Liedson 81, Ronaldo 87.

TRIỀU TIÊN: Myong-Guk Ri, Cha Jong-Hyok (Nam Song-Chol, 75), Ri Jun-Il, Ri Kwang-Chon, Pak Chol-Jin, Pak Nam-Chol (K-I Kim, 58), Ji Yun-Na, Mun In-Gu (Kim Yong-Jun, 58), Ahn Yong-Hak, Jong Tae-Se, Hong Yong-Jo.

Doãn Mạnh

User avatar
VuPhong
Posts: 2910
Joined: Wed Dec 01, 2004 4:28 pm

Post by VuPhong »

Scandal cho nước Pháp:
Cầu thủ bị đuổi, HLV đòi từ chức


24 giờ trước khi đội Pháp ra sân trận cuối cùng vòng bảng

Nguyễn Văn Khanh (từ Johannesburg)
1. Không khí nặng nề tới mức không ai nói với ai câu nào. Trong phòng báo chí FIFA ở Johannesburg, hầu như chẳng nhà báo nào để ý tới màn hình đang trực tiếp trận Brazil gặp Bờ Biển Ngà. Ngay chính những nhà báo Nam Phi cũng bảo “không còn hứng thú xem trận banh của đội tuyển tài ba nhất Phi Châu”. Các nhà báo Pháp cũng như những phóng viên của các quốc gia nói tiếng Pháp thì khỏi nói, mỗi người cầm một lý nước ngồi yên một góc, mắt nhìn lên trần nhà không muốn nói chuyện với bất cứ ai. Ngay cả cô thư ký Elise thường cười nói, bây giờ cũng chỉ giơ tay chào thay cho những lời thăm hỏi.

Tất cả chỉ vì những gì đang xảy ra với hội tuyển Pháp, vô địch thế giới 1998.
Image
HLV đội Pháp Raymond Domenech (trái) trong cuộc họp báo về việc các cầu thủ
‘nổi loạn’ chống lại quyết định đuổi cầu thủ Nicolas Anelka về nước.
(Hình: FRANCK FIFE/AFP/Getty Images)

2. Chuyện xảy ra chỉ một ngày sau khi Liên Ðoàn Bóng Ðá Pháp (FFF) quyết định đuổi cầu thủ Nicolas Anelka vì anh này đã có những lời khiếm nhã với ông huấn luyện viên Raymond Domenech trong lúc nghỉ giải lao và Pháp đang bị Mexico dẫn trước 2 quả. Trích lời kể của một người có mặt trong phòng thay áo, nhật báo thể thao uy tín nhất của nước Pháp là tờ L'equipe cho hay ông Domenech bảo Anelka “đừng chạy quá vị trí đã được trao phó”.

Tức khắc anh cầu thủ nổi tiếng này nổi cơn giận dữ, dùng những chữ rất nặng nề để sỉ vả ông huấn luyện viên, chẳng hạn như “biết đ... gì mà nói” hoặc “đồ con của con điếm”. Theo tờ báo, ông Domenech vẫn điềm tĩnh, bảo “nếu như vậy thì tôi không thể đưa anh ra sân được nữa” và sau đó FFF quyết định đưa anh cầu thủ cứng đầu này ra sân bay về nước.

Theo FFF, quyết định được đưa ra sau khi ông Chủ Tịch Jean-Pierre Escalettes của liên đoàn gặp riêng Anelka yêu cầu anh xin lỗi ông huấn luyện viên nhưng anh ta nhất quyết không nghe theo.

3. Chuyện đương nhiên không ngừng ở đó. Theo chương trình đã định, sáng Chủ Nhật tất cả các cầu thủ ra sân tập dượt nhẹ, và hàng trăm khán giả Pháp đứng đợi chung quanh hàng rào sân để chờ chụp hình, xin chữ ký các cầu thủ họ ái mộ. Họ chỉ thấy xe buýt chở cầu thủ đến và chừng nửa tiếng sau đó xe buýt chở cầu thủ về.

Các nhà báo săn tin tại chỗ biết ngay chuyện gì xảy ra: thủ quân Patrice Evra và ông phụ tá đặc trách huấn luyện thể lực Robert Duverne cãi nhau tới chỗ xô xát, đích thân ông Domenech phải nhảy vào giữa ngăn cản. Vài phút sau đó, ông trưởng đoàn Jean-Louis Valetin xuất hiện trước báo chí, với giọng thật giận dữ cho biết cầu thủ nổi loạn, “Họ không muốn tập dượt. Rõ ràng đây là một scandal cho nước Pháp, cho những người trẻ của Pháp đến đây chờ xem các thần tượng của họ tập dượt. Tôi quyết định từ chức. Tôi không còn liên quan gì đến FFF cả. Tôi chẳng còn gì phải làm ở đây nữa, tôi về lại Paris”.

Trước khi chuyện xảy ra, Evra là người cho báo chí biết trong hội có “kẻ phản bội” muốn phá hoại đội tuyển, ám chỉ người đã tiết lộ chuyện trong phòng nghỉ giải lao cho tờ L'Equipe. Chính điều này khiến những nhà báo có mặt nghĩ ngay kẻ phản bội mà các cầu thủ nói đến chính là ông trưởng đoàn. Khi bị chất vấn về điều này, ông Valetin nghẹn ngào bảo “không, không, không”, như muốn tự bào chữa cho mình.

Phe cầu thủ cũng có phản ứng. Trước khi lên xe, Evra đưa một tờ giấy cho phát ngôn viên của hội tuyển. Anh này cầm, liếc sơ qua và trao lại cho ông huấn luyện viên Domenech. Với giọng vừa mệt mỏi vừa chán ảnh, ông Domenech đọc cho các nhà báo nghe bản tuyên bố của các cầu thủ, trong đó có đoạn xác nhận “chuyện đáng tiếc xảy ra lúc nghỉ giải lao trong trận gặp Mexico”, nhưng đáng tiếc hơn nữa là chuyện nội bộ “lại được nói cho công chúng biết”. Bản tuyên bố cũng nói rõ tất cả các cầu thủ đồng lòng “phản đối quyết định sa thải Nicolas Anelka”.

4. Chuyện cũng chẳng chấm dứt tại đó. Các nhà báo được tin nói ngay sau khi thua Mexico và trên chuyến bay về lại Johannesburg, hai cầu thủ Franck Ribery và Yoann Gourcuff đã đánh nhau chỉ vì Gourcuff lên tiếng chê bai ông huấn luyện viên sai lầm khi để anh ngồi hàng phòng hờ và đưa cầu thủ “chẳng làm nên trò trống gì ra sân”. Cầu thủ ông Domenech chọn thay cho Gourcuff chính là Franck Ribery.

Sáng Chủ Nhật, Ribery đã phải lên tiếng đính chính tin đồn đó, cho biết “đó chỉ là lời đồn nhảm, không hề có chuyện tôi và Yoann đánh nhau trên phi cơ”.

5. Những điều xảy ra sẽ ảnh hưởng thế nào với trận banh sinh tử của hội tuyển Pháp vào ngày mai? Mặc dù chính Ribery nhìn nhận trận thua Mexico “khiến mọi người xuống tinh thần”, nhưng bản tuyên bố của các cầu Pháp cho biết tất cả sẽ ra sân đá trận vòng bảng cuối cùng với hội chủ nhà Nam Phi “bằng tất cả quyết tâm của từng cá nhân và của toàn đội”.

Ở trận này, Pháp chỉ có một lối thoát duy nhất để vào vòng 16: phải thắng thật đậm Nam Phi -ít nhất 4 bàn- và cầu mong trận Mexico-Uruguay không kết thúc với kết quả huề.

User avatar
VuPhong
Posts: 2910
Joined: Wed Dec 01, 2004 4:28 pm

Post by VuPhong »

Brazil dễ dàng đoạt vé vào vòng 16 đội Không gặp nhiều khó khăn trước lối chơi kỹ thuật của Bờ Biển Ngà, thầy trò HLV Dunga giành chiến thắng thuyết phục 3-1 trong cuộc chạm trán tối chủ nhật, trở thành đội thứ hai sau Hà Lan được vào vòng loại trực tiếp 1/8.

Sở hữu dàn cầu thủ nhiều ngôi sao nên Bờ Biển Ngà nhập cuộc rất tự tin. Tuy vậy sự chênh lệch so với Brazil đã không cho phép họ cụ thể hóa mục tiêu kiếm điểm thành hiện thực.

Không thể áp đảo trong hiệp một, đoàn quân của HLV Carlos Dunga thể hiện sức mạnh qua các pha xử lý tình huống. Bằng chứng, trung phong Luis Fabiano chỉ cần cơ hội duy nhất để lập công, đẩy Bờ Biển Ngà vào thế rượt đuổi.

Sau khi Fabiano và Elano lần lượt nâng cách biệt lên cao hơn, Bờ Biển Ngà mới thi đấu bùng nổ trong hiệp hai. Và bàn gỡ của tiền đạo Didier Drogba là kết quả xứng đáng sau nhiều nỗ lực lên bóng.
Image
Fabiano chia vui với đồng đội trong trận thắng quyết định của Brazil.
Xuất phát với sơ đồ chiến thuật và lực lượng giống như trận thắng 2-1 trước Bắc Triều Tiên ở ngày ra quân, Brazil chủ động chơi chậm trong khoảng thời gian nhập cuộc. Trái lại, như muốn khẳng định sự tự tin, Bờ Biển Ngà không ngần ngại dâng cao.

Bên cạnh tốc độ, kỹ thuật và thể lực, đại diện của lục địa đen còn có ưu điểm về khả năng tranh bóng. Thế chủ động trong 20 phút đầu không nghiêng về Brazil. Tuy vậy kinh nghiệm xử lý tình huống hãm thành là yếu tố đủ làm nên sự khác biệt.

Trong thế trận cân bằng, Brazil bất ngờ vượt lên ở phút 25. Kaka và Robinho bật tường trung lộ sáng sủa, trước khi bóng được chọc xuống cho Fabiano. Ở vị trí không thuận lợi với góc sút hẹp từ cự ly khoảng 10 m, tiền đạo của CLB Sevilla (Tây Ban Nha) sút căng vào nóc lưới, mở tỷ số trận đấu.

Có bàn dẫn trước, Brazil coi như hoàn thành một nửa nhiệm vụ. Bị dội "gáo nước lạnh" trong khi đang bừng bừng khí thế, Bờ Biển Ngà không còn giữ được tâm lý tốt như đầu trận. Dẫu vậy, các cầu thủ dày dạn kinh nghiệm như Yaya Toure, Drogba và Kolo Toure vẫn cố duy trì thế trận cân bằng.

Qua giờ nghỉ giải lao, hai đội tiếp tục chơi cống hiến, và Brazil một lần nữa tận dụng được cơ hội. Phút 51, Fabiano vượt qua một loạt hậu vệ bằng nỗ lực không chiến, sút vôlê bật tay thủ môn vào lưới. Các góc quay chậm cho thấy tiền đạo 29 tuổi có hai lần để bóng chạm tay nhưng trọng tài vẫn quyết định công nhận bàn thắng nâng tỷ số thành 2-0 cho Brazil. (Xem clip).

Bị dẫn trước hai bàn là áp lực nặng nề đối với Bờ Biển Ngà. Sau bàn thua có phần "oan", các học trò của HLV Sven Goran Eriksson thi đấu sa sút. Tranh thủ cơ hội, Brazil kiếm được bàn thứ ba để ấn định số phận trận đấu. Trong tình huống Brazil ghi bàn ở phút 61, Kaka đi bóng ở biên trái rồi tạt chìm vào vòng cấm. Tiền vệ Elano băng vào đặt lòng dễ dàng để bóng đi vào góc lưới. Tỷ số là 3-0.
Image
Giống Fabiano, Elano đã có 2 bàn kể từ đầu giải.
Không thể vượt qua đối thủ về chuyên môn, Bờ Biển Ngà đã cho thấy hình ảnh không đẹp khi chơi thô bạo trong khoảng thời gian cuối trận. Các cầu thủ áo xanh trắng thường "kê chân" trong tình huống tranh bóng, dẫn đến chấn thương khá nặng của tiền vệ Elano. Nhiều cầu thủ Brazil khác cũng trở thành nạn nhân, gồm Robinho, Kaka, Fabiano và cả hậu vệ Bastos.

Ức chế với lối chơi thô bạo của đối phương, nhiều cầu thủ Brazil phản ứng lại. Kaka là người không gặp may khi bị phạt liên tục hai thẻ vàng vì lỗi nhận định của trọng tài, trong đó có một tình huống đóng kịch của cầu thủ đối phương (ôm mặt ngã vật ra sân dù chỉ bị Kaka đập nhẹ tay vào ngực).

Không chỉ được lợi một người, Bờ Biển Ngà còn kiếm được bàn gỡ danh dự ở phút 79. Yaya Toure chuyền bóng tinh tế để Drogba phá bẫy việt vị giữa vòng vây của ba hậu vệ, đánh đầu tung lưới thủ môn Julio Cesar.

Có 6 điểm sau 2 trận đầu, Brazil đã có suất vào vòng 16 đội. Trái lại, Bờ Biển Ngà đang đứng trước nguy cơ bị loại khi mới có một điểm.

Fabiano nhân đôi cách biệt.

Elano nâng tỷ số lên 3-0.

Drogba gỡ bàn danh dự cho Bờ Biển Ngà.

Đội hình thi đấu:

Brazil: Julio César; Maicon, Lúcio, Juan, Michel Bastos; Gilberto Silva, Felipe Melo, Elano (Daniel Alves, 67'); Kaká; Robinho (Ramires, 90'), Luis Fabiano.

Bờ Biển Ngà: Boubacar Barry; Guy Demel, Kolo Touré, Didier Zokora, Siaka Tiene; Emanuel Eboue (Romaric, 72'), Yaya Touré, Ismael Tioté; Aruna Dindane (Gervinho, 54')), Salomón Kalou (Kader Keita, 68'), Didier Drogba.

Bàn thắng: Fabiano 25', 51', Elano 62' - Drogba 79'

Thùy Dương

User avatar
VuPhong
Posts: 2910
Joined: Wed Dec 01, 2004 4:28 pm

Post by VuPhong »

Tây Ban Nha lấy lại thể diện bằng thắng lợi trước Honduras Ép sân hoàn toàn trước đối thủ kém hơn về mọi mặt và tạo ra vô số cơ hội nguy hiểm, Tây Ban Nha tìm lại cảm hứng chiến thắng bằng kết quả 2-0 trước Honduras nhờ cú đúp của tiền đạo David Villa.

Một chiến thắng ở thời điểm hiện tại có lẽ đã là quá đủ để nhiều người hâm mộ đội bóng xứ sở bò tót hài lòng, đặc biệt là sau trận thua "mất mặt" trước Thụy Sỹ trong ngày đầu ra quân. Thế nhưng, đâu đó trong cách chơi của nhà ĐKVĐ châu Âu vẫn còn vết gợn khi khả năng dứt điểm của các tiền đạo là quá tồi, hơn 20 cú sút mà phần lớn đều là những cơ hội ngon ăn nhưng chỉ một phần mười trong số đó được chuyển hóa thành bàn thắng. Tiền đạo thi đấu nổi bật nhất trận này với cú đúp, David Villa, thậm chí cũng là người bỏ lỡ cơ hội ngon ăn nhất khi sút hỏng quả penalty.
Image
David Villa chói sáng với cú đúp bàn thắng. Ảnh: AP.


Trước một đối thủ quá yếu như Honduras, không có gì nghi ngờ về khả năng kiểm soát thế trận của Tây Ban Nha với Xavi điều bóng tốt ở tuyến giữa, Navas cùng Ramos làm chủ hành lang cánh phải trong khi Villa trận này chơi dạt sang biên trái nhường vị trí tiền đạo cắm cho Torres. Ở bên kia chiến tuyến, Honduras chấp nhận vị thế của kẻ yếu khi lùi hầu hết về phần sân nhà để tập trung phòng ngự và chỉ cắm một mình Suazo, cái tên nổi tiếng nhất trong đội hình ở phía trên.

Cách bố trí đội hình kiểu này đã thực sự phát huy được khả năng của David Villa khi anh liên tục có những pha đi bóng lắt léo từ biên trái loại bỏ hàng hậu vệ trước khi thực hiện những cú cứa lòng hoặc chuyền vào nguy hiểm. Một trong những tình huống đó đã giúp mang lại bàn thắng mở tỷ số cho Tây Ban Nha. Phút thứ 17, tiền đạo này đột phá dũng mãnh từ hành lang cánh trái qua hàng loạt hậu vệ đối phương, cú dứt điểm dù hơi với sau đó nhưng vẫn là quá khó để cho thủ thành Valladares của Honduras một cơ hội để cản phá.

Mặc dù vậy, trước khi nếm trải cảm giác vui mừng, người hâm mộ đội tuyển Tây Ban Nha vẫn phải trải qua 17 phút đầu tiên giống như trận đấu đầu tiên đội bóng này gặp Thụy Sỹ. Nhập cuộc nhanh và dễ dàng chiếm lĩnh thế trận nhưng hết Villa, Torres rồi Ramos đều dứt điểm không thành công. Phút thứ 16, thậm chí suýt chút nữa nhà ĐKVĐ châu Âu còn phải trả giá khi thủ thành Casillas có pha bắt bóng lập bập từ quả treo vào của cầu thủ đối phương.
Image
Torres tiếp tục thi đấu mờ nhạt trong trận đấu này. Ảnh: AP.
Có bàn thắng dẫn trước, tưởng như đội bóng xứ sở bò tót sẽ cởi bỏ được tâm lý đè nặng và dội "mưa bàn thắng" giống như Bồ Đào Nha làm được trước Triều Tiên ít giờ trước. Thế nhưng, dù làm rất tốt ở khâu phát triển bóng nhưng những pha phối hợp hay dứt điểm ở tình huống cuối cùng vẫn chưa cho thấy hình ảnh thật sự của nhà ĐKVĐ châu Âu. Torres có lẽ chính là cái tên tiêu biểu nhất cho việc bế tắc trong khâu dứt điểm. Cầu thủ này chơi mờ nhạt trong suốt hiệp thi đấu đầu tiên và không thể ghi tên mình vào bảng tỷ số dù có hai cơ hội ngon ăn ở phút thứ 33 và 34. Từ quả tạt vào thuận lợi bên cánh phải của Ramos, tiền đạo đang chơi cho Liverpool bật cao đánh đầu đập đất nhưng bóng lại đi chệch khung thành ở khoảng cách chỉ chừng chưa đầy 2 mét. Một phút sau, cú dứt điểm ngay trong vòng 16m50 của anh cũng đi vọt xà ngang một cách khó hiểu.

Bước vào hiệp thi đấu thứ hai, Villa chơi bó hẹp vào giữa, ngay phía sau Torres trong khi Navas và Ramos tiếp tục cho thấy được sự ăn ý của mình khi liên tục có những đường kiến tạo như đặt vào trong cho các tiền đạo dứt điểm. Không phải chờ đợi quá lâu, phút thứ 51, Villa tiếp tục ghi tên mình vào bảng tỷ số khi thực hiện cú sút căng sát khu cấm địa trước khi đập chân một hậu vệ Honduras đổi hướng đi vào lưới trong sự bất lực của thủ thành Valladares. Đây cũng là bàn thắng thứ 40 trong màu áo đội tuyển quốc gia của David Villa.
Image
Chiến thắng của Tây Ban Nha là chưa thực sự hoàn hảo. Ảnh: AP.
Chỉ 10 phút sau, "El Guaje" thậm chí đã có cơ hội lập cú hat-trick khi thực hiện quả đá phạt 11 mét sau pha phạm lỗi của Izaguirre với Navas trong vòng cấm. Nhưng với tinh thần thoải mái, tiền đạo mang áo số 7 lại sút ra ngoài dù đã đánh lừa được thủ thành đối phương.

Thi đấu rất tốt trong vai trò kiến tạo trong trận đấu này, nhưng Xavi vẫn được rút ra nghỉ ngay ở phút thứ 66 để dưỡng sức. Cầu thủ vào sân thay người, Fabregas nhanh chóng kiếm tìm được cơ hội cho riêng mình ngay ở tình huống chạm bóng đầu tiên. Phút 66, tiền vệ đang chơi cho Arsenal phá bẫy việt vị thông minh rồi khéo léo lừa qua thủ môn đối phương nhưng cú dứt điểm vào lưới trống sau đó lại bị một hậu vệ Honduras kịp thời lao về cản phá.

Bỏ lỡ quá nhiều cơ hội ngon ăn, những phút cuối Tây Ban Nha bắt đầu chơi chậm lại để bảo toàn lực lượng. Trong khi đó, Honduras vẫn không thể tận dụng được những phút trùng xuống của đối thủ để tìm kiếm bàn thắng danh dự.

Có được ba điểm trọn vẹn sau trận đấu này, nhà ĐKVĐ châu Âu vươn lên đứng thứ nhì bảng H sau Chile với ba điểm ít hơn. Ở trận đấu cuối, Tây Ban Nha cần có một chiến thắng trước chính đối thủ đến từ Nam Mỹ này để chắc chắn có một chiếc vé lọt vào vòng sau.

Đội hình thi đấu:

Tây Ban Nha: Casillas, Pique, Puyol, Capdevila, Sergio Ramos (Arbeloa, 76'), Xavi (Fabregas, 65'), Alonso, Busquets, G Jesus Navas, Villa, Torres (Mata, 70').

Honduras: Valladares, Chavez, Figueroa, Izaguirre, Mendoza, Wilson Palacios, Espinoza (Georgie Welcome, 45'), Turcios (Nunez, 63'), Guevara, Suazo (Jerry Palacios, 84'), Martinez.

Bàn thắng: David Villa 17', 51'.

Bảo Linh

User avatar
macco
Posts: 3543
Joined: Mon Jan 17, 2005 8:04 am

Post by macco »

Pháp - Nam Phi, chiến đấu và chờ đợi Ngay cả khi giành chiến thắng tối nay, một trong hai đội bóng cũng không có nhiều cơ hội đi tiếp do chênh lệch về hiệu số với Mexico và Uruguay.

Có cùng một điểm sau hai trận đầu vòng bảng, Pháp và Nam Phi đều hiểu cuộc so tài trực tiếp hôm nay có thể sẽ là trận đấu cuối cùng của họ tại World Cup 2010. Nếu trận đấu giữa Mexico và Uruguay kết thúc với tỷ số hòa, cả hai đội bóng thuộc châu Mỹ sẽ dắt tay nhau vào vòng 1/8.
Image
Pháp cũng như Nam Phi cần có phép màu để giành vé vào vòng sau.
Cơ hội đi tiếp không còn nhiều nên danh dự và lòng tự tôn có ý nghĩa hơn bất kỳ lúc nào. Với tư cách chủ nhà, các cầu thủ Nam Phi muốn đem lại hương vị chiến thắng cho giới hâm mộ, trong khi Pháp không mong rơi vào tình trạng thảm hại như ở World Cup 2002 (chỉ được 1 điểm sau vòng bảng).

Sau trận hòa Uruguay 0-0 và thất bại 0-2 trước Mexico, nhiều nhà quan sát đánh giá Pháp giống như một đội bóng thiếu trầm trọng ý tưởng tấn công. Trong các trận khởi động cho World Cup, HLV Raymond Domenech đã thử nghiệm các phương án chiến thuật khác nhau, nhưng tất cả đều không đem lại hiệu quả. Một bình luận viên nhận xét, có lẽ Domenech phù hợp với nhiệm vụ đôn đốc cầu thủ thi đấu hơn là tạo ra một bước ngoặt về chiến thuật.

Bức xúc về vấn đề này, tiền đạo Nicolas Anelka đi quá đà khi thóa mạ HLV và Liên đoàn bóng đá Pháp lập tức trục xuất anh khỏi đội tuyển. Tình hình tiếp tục trở nên căng thẳng khi các cầu thủ còn lại bỏ buổi tập hôm chủ nhật để ủng hộ Anelka, dẫn đến quyết định từ chức của trưởng đoàn đội tuyển Pháp, Jean-Louis Valentin.

Nội tình đội tuyển rối loạn nên có thể hiểu tại sao giới hâm mộ Pháp không đặt nhiều niềm tin vào khả năng chiến thắng trong trận cuối vòng bảng. Không ít tờ báo và hãng cá cước tại châu Âu đưa ra dự đoán: Nam Phi sẽ kiếm được 3 điểm.

Trong khi đó, ở bên kia chiến tuyến, đội chủ nhà đang có tinh thần chuẩn bị khá tốt với tuyên bố "muốn rời giải trong tư thế ngẩng cao đầu" của HLV Carlos Alberto Parreira. Sau trận hòa 1-1 Mexico, thất bại 0-3 trước Uruguay đã làm "muối mặt" Nam Phi. Chiến thắng trước Pháp sẽ giúp họ lấy lại danh dự, niềm tự hào dân tộc và uy tín trước hàng triệu CĐV nhà.
Image
Nam Phi của HLV Parreira có địa lợi nhưng thiếu chiều sâu sức mạnh.
Theo thống kê, đây là lần thứ hai Pháp rơi vào vòng bảng World Cup với ba đối thủ Uruguay, Mexico và đội chủ nhà. Ở lần đầu (năm 1966), chú gà trống Gaulois không được vào vòng tiếp theo.

"Chúng tôi sẽ tập trung tấn công để ghi bàn và giành chiến thắng. Hy vọng kết quả trong lượt đấu cuối ở bảng A sẽ ủng hộ Pháp", HLV Domenech nói.

HLV Parreira của Nam Phi cũng hưởng ứng ý tưởng tấn công: "Tôi không nghĩ Nam Phi có thể đặt hy vọng vào lối chơi phòng ngự, tận dụng sai lầm của đối phương để phản công. Nếu muốn có mặt ở vòng tiếp theo, chúng tôi cần sự mạo hiểm".

* Những đội bằng điểm nhau trong cùng bảng được xác định vị trí nhờ các chỉ số phụ sau (theo thứ tự ưu tiên): 1. Hiệu số bàn thắng thua trong tất cả các trận vòng bảng; 2. Tổng số bàn thắng; 3. Điểm số giành được trong các trận đối đầu trực tiếp giữa các đội cùng điểm; 4. Hiệu số bàn thắng thua trong các trận đối đầu trực tiếp; 5. Tổng số bàn thắng trong các trận đối đầu trực tiếp; 6. Bốc thăm.

Đội hình xuất phát dự kiến:

Pháp: Lloris; Sagna, Gallas, Abidal, Evra; Valbuena, Diaby, Toulalan, Ribery; Henry, Gignac

Nam Phi: Josephs; Gaxa, Mokoena, Khumalo, Masilela; Sibaya, Pienaar, Tshabalala, Modise; Mphela, Parker

Dự đoán của Castrol Index, hệ thống tính điểm được FIFA công nhận tại World Cup 2010: Pháp thắng (36%) - Hòa (36%) - Nam Phi thắng (28%).

Nguyễn Tuấn

User avatar
dauden
Posts: 575
Joined: Mon Aug 24, 2009 6:09 pm

Post by dauden »

Hàn Quốc qua vòng bảng sau màn rượt đuổi tỷ số nghẹt thở

Tỷ số hòa 2-2 với Nigeria, trong bối cảnh Hy Lạp bại trận trước Argentina,
đã giúp Hàn Quốc tiếp tục phất cao ngọn cờ bóng đá châu Á tại World Cup 2010 với tấm vé đi tiếp vào vòng 1/8, gặp Uruguay.

Image
Lee Jung-Soo mừng bàn gỡ hòa 1-1 cho Hàn Quốc.
Có nhiều điểm đáng chú ý ở trận cầu được đánh giá hấp dẫn, sôi nổi nhất tại bảng B. Sau cuộc rượt đuổi tỷ số khá ngoạn mục, Hàn Quốc đã có được một điểm quý giá để cùng với Argentina, đội giành chiến thắng 2-0 trước Hy Lạp ở trận cùng giờ, ghi tên vào vòng 1/8. Nigeria ghi bàn thắng sớm ở ngay phút thứ 12 với một cú dứt điểm khá nhanh của Uche. Nhưng bằng hai tình huống cố định ở cuối hiệp một và đầu hiệp hai, Hàn Quốc đã giành lại được lợi thế dẫn bàn từ tay đối thủ. Sau đó Yakubu gỡ hòa cho "Đại bàng xanh" từ chấm 11 m, nhưng kết quả này không đủ để họ cản bước Hàn Quốc nhận suất đi tiếp. Nigeria trở thành đại diện thứ ba của châu Phi sớm chia tay World Cup 2010, sau Cameroon và Nam Phi.

Xen kẽ trong trận cầu hấp dẫn với nhiều cơ hội ghi bàn rõ nét này là tình huống bỏ lỡ một cách khó hiểu của tiền đạo Yakubu. Từ đường căng ngang dọn cỗ bên cánh trái của Ayila, tất cả hậu vệ lẫn thủ môn của Hàn Quốc đã bị đánh bại và bóng tìm đúng đến vị trí của Yakubu. Đứng ở chính giữa khung thành trống trải với khoảng cách chỉ chừng 3 m, tiền đạo của Everton lại đệm bóng đi chệch cột dọc theo kiểu sút ra ngoài còn khó hơn đưa bóng vào cầu môn

Nếu Yakubu thành công với pha bóng này, có thể Nigeria đã làm nên bất ngờ trong một trận đấu mà họ vẫn còn khá nhiều cơ hội để đi tiếp nếu thắng đậm Hàn Quốc đồng thời Hy Lạp bại trận trước Argentina trong trận đấu cùng giờ. Đội bóng châu Phi không ngần ngại đẩy cao đội hình ngay sau tiếng còi khai cuộc với tâm thế của kẻ không còn gì để mất. Tuy nhiên tinh thần đó suýt chút nữa đã bị dội một gáo nước lạnh khi Chung-Yong có cú dứt điểm chệch cột dọc trong thế đối mặt với thủ môn Enyeama ở ngay phút thứ 2.

Sau pha bóng hút chết này, Nigeria vẫn tiếp tục gây áp lực lên đối thủ bằng một lối chơi bóng nhanh và đầy sức mạnh. Cũng giống như những trận đấu trước, các phương án tấn công của đội bóng châu Phi chỉ chủ yếu dựa vào các pha lên bóng từ hai biên. Nhưng sự khác biệt ở chỗ HLV Lars Lagerback chỉ đạo các học trò sử dụng khá nhiều những đường bóng sệt. Thay đổi này đã có tác dụng khi Nigeria ghi bàn thắng mở tỷ số ở ngay phút thứ 11.

Sau nỗ lực đi bóng đầy quyết tâm bên cánh phải, Chidi Odiah tung ra đường chuyền quyết định vào trong vòng cấm. Với một pha băng vào cắt mặt và dứt điểm ngay, Uche đã khiến cho lưới Jung Sung-ryong rung lên

Những phút sau đó trận đấu diễn ra với một thế trận khá mở khi hai đội đều có những cơ hội để dứt điểm về phía khung thành của nhau. Trong đó đáng chú ý nhất là tình huống ở phút thứ 36 khi hai pha dứt điểm liên tiếp của Uche đều không thể chuyển hóa được thành bàn thắng. Sự nuối tiếc của Nigeria càng lớn hơn bởi chỉ sau đó hai phút, Hàn Quốc có bàn gỡ sau một pha dàn xếp đá phạt khá hoàn hảo. Từ bên cánh trái, Ki Sung-Yong tung ra một đường treo bóng chính xác đến từng cm khi loại bỏ hoàn toàn hàng thủ của đối phương để Lee Jung-Soo dễ dàng có bàn thắng bằng cú đánh đầu trong thế khá thoải mái, đưa trận đấu trở lại cân bằng về tỷ số

Trên đà hưng phấn, "hổ Đông Á" khiến cho đại diện của châu Phi phải choáng váng ngay sau khi hiệp hai trở lại được 3 phút. Từ một điểm đá phạt cách khung thành của đối phương chừng 20m, Park Chu-Young tung ra một cú dứt điểm hoàn hảo khiến cho thủ thành Enyeama, người đã chơi xuất sắc trong hai trận đấu với Argentina và Hy Lạp đã bị đánh lừa và không thể cản phá thành công

Lợi thế dẫn bàn khiến cho Hàn Quốc bỗng nhiên chơi trùng xuống và để cho Nigeria dần kiểm soát thế trận. Với việc Yakubu được tung vào sân, sức nặng trong những đường lên bóng của "đại bàng xanh" đã được cải thiện đáng kể. Tuy vậy cũng phải kể đến những sai lầm của hàng thủ Hàn Quốc, Nigeria mới có được những cơ hội rõ ràng.

Pha bóng đáng tiếc nhất cho đội quân của HLV Lagerback đến ở phút thứ 65 khi Yakubu đã có một tình huống "đá ra ngoài còn khó hơn đá vào trong”. Dù sau đó 4 phút, tiền đạo của Everton đã chuộc lỗi bằng quả 11m thành công (xem clip) sau tình huống Kim Nam-Il phạm lỗi với Obasi trong vòng cấm nhưng chắc chắn, pha bóng quá vô duyên này sẽ là tình huống bỏ lỡ hài hước nhất World Cup 2010.

Bị gỡ hòa sau những sai lầm của hàng thủ, Hàn Quốc buộc phải chấn chỉnh lại hàng thủ và gia tăng sức ép trở lại, có khá nhiều những cơ hội được tạo ra nhưng các chân sút châu Á vẫn tỏ ra khá vô duyên trong những cú dứt điểm của mình. Không những vậy, họ còn suýt dính đòn hồi mã thương sau khi Martins có cú dứt điểm chệch cột dọc trong thế đối mặt với Jung Sung-ryong ở cuối trận.

Tập trung phòng ngự và cố gắng "câu giờ" đến mức có thể, Hàn Quốc đã bảo toàn được tỷ số và ghi tên vào vòng 1/8 với tư cách là đội đứng đứng thứ 2 ở bảng B.

Bàn thắng: Uche 12’, Yakubu (pen, 70’) - Lee Jung-Soo 38’, Park Chu-Young 49’

Đội hình thi đấu:

Nigeria: 1-Vincent Enyeama; 17-Chidi Odiah, 6-Danny Shittu, 2-Joseph Yobo (Uwa Echiejile 47’), 5-Rabiu Afolabi, 12-Kalu Uche, 20-Dickson Etuhu, 13-Yusuf Ayila, 8-Yakubu Aiyegbeni (Obinna 72’), 19-Chinedu Obasi, 4-Nwankwo Kanu (Martins 56’)

Hàn Quốc: 18-Jung Sung-ryong; 22-Cha Du-ri, 12-Lee Young-pyo, 4-Cho Yong-hyung, 14-Lee Jung-soo, 8-Kim Jung-woo, 16-Ki Sung-yong, 7-Park Ji-sung, 17-Lee Chung-yong, 10-Park Chu-young (Kim Dong-Jin. 90+3’), 19-Yeom Ki-hun (Kim Nam-Il 63’.

Tuệ Linh

User avatar
dauden
Posts: 575
Joined: Mon Aug 24, 2009 6:09 pm

Post by dauden »

Đánh bại Mexico, Uruguay khẳng định ngôi nhất bảng A Kịch bản "thi đấu hoà nhã để cùng nhau vào vòng 1/8" đã không xảy ra khi cả Mexico và Uruguay đều thể hiện quyết tâm giành chiến thắng bằng lối chơi tấn công.
Image
Luis Suarez (phải) mừng bàn thắng duy nhất của trận đấu.
Bằng một pha đánh đầu chính xác, Luis Suarez đã mang về bàn thắng duy nhất cho Uruguay, giúp đại diện của Nam Mỹ kết thúc vòng bảng với vị trí dẫn đầu. Trong khi đó, dù thất bại, Mexico vẫn có được tấm vé còn lại của bảng đấu vào vòng 1/8 nhờ hơn Nam Phi hiệu số bàn thắng - thua (đội chủ nhà thắng Pháp 2-1 ở trận cùng giờ).

Trận đấu không thật sự hấp dẫn nhưng cả hai đã cống hiến cho khán giả 90 phút thi đấu hết mình, không toan tính dù chỉ cần một trận hoà là cả hai sẽ dắt tay nhau đi tiếp, bất chấp kết quả trận còn lại. Chẳng đội nào chọn lối chơi phòng thủ mà vẫn giữ nguyên phong cách tấn công truyền thống. Với bộ ba xuất sắc Forlan - Suarez - Cavani trên hàng công, Uruguay tỏ ra sắc nét hơn. Chính họ đã làm nên bàn thắng duy nhất của trận đấu. Còn Mexico cần phải khắc phục sự yếu kém trong khâu dứt điểm. Ngoài ra HLV Aguirre cũng cần tin tưởng hơn vào lớp trẻ như Javier Hernandez, Carlos Vela hay Pablo Barrera thay vì những cầu thủ đã nhiều tuổi, thể lực suy giảm. Một Giovanni Dos Santos chơi năng nổ, nhiệt tình, đầy khao khát trong những trận vừa qua có lẽ là minh chứng hùng hồn nhất cho việc nên mạnh dạn sử dụng "dòng máu trẻ" ở đội tuyển.

Trận này, lão tướng Blanco, người đã ấn định kết quả 2-0 ở trận gặp Pháp bằng pha đá phạt đền thành công được vào sân ngay từ đầu và đeo băng đội trưởng trong khi Javier Hernandez, cầu thủ sút tung lưới Pháp, vẫn phải ngồi trên băng ghế dự bi. Tiền vệ đang chơi bóng ở La Liga cho Deportivo, Guardado thế chỗ của Juarez bị treo giò. Bên phía Uruguay, sự điều chỉnh duy nhất nằm ở hàng thủ khi vị trí của Godin được giao lại cho Victorino.

Diễn biến trong những phút đầu đã chứng tỏ hai đội không hề có chủ trương "cầu hoà" mà chơi sòng phẳng nhằm hướng tới thắng lợi. Vì dù sao, nếu giành được ngôi đầu, họ sẽ có thể tránh đuợc Argentina, đội tuyển nhiều khả năng sẽ đứng đầu bảng B, tại vòng 1/8. Bóng liên tục được luân chuyển về cầu môn hai bên với tốc độ khá cao. Phút thứ 5, Luis Suarez bỏ lỡ cơ hội vàng mở tỷ số cho Uruguay. Hai hậu vệ Mexico cùng mắc sai lầm khi đều phá hụt bóng, tạo điều kiện cho "Vua phá lưới" giải VĐQG Hà Lan mùa vừa rồi có dịp đối mặt với Oscar Perez nhưng anh lại dứt điểm chệch cầu môn.

Ưu thế có phần nghiêng về Uruguay. Họ tạo ra một sức ép khá mạnh từ nhiều hướng, buộc Mexico phải chú trọng nhiều hơn vào khâu phòng ngự. Tuy nhiên, nếu có cơ hội, Mexico cũng không ngần ngại dâng lên tấn công đáp trả. Phút 19, Forlan đá phạt góc đến đúng vị trí của Victorino và ở tư thế không bị ai kèm, hậu vệ này lại đánh đầu thiếu chính xác. Mexico lập tức có ngay câu trả lời đanh thép khi Guardado tung chân trái thực hiện cú sút sấm sét từ cự ly hơn 30m. Thủ thành Muslera đã chịu đầu hàng nhưng tiếc cho Uruguay, trái bóng lại tìm đến xà ngang. Kể từ tình huống này, Mexico đã chơi tốt hơn hẳn và thế trận trở nên cân bằng hơn. Tiền đạo trẻ 21 tuổi từng được đào tạo từ lò La Masia danh tiếng của Barcelona, Giovanni Dos Santos chơi khá nổi bật trên hàng công của Mexico nhờ sức trẻ và nền tảng kỹ thuật nhưng hàng thủ của Uruguay vẫn chơi hiệu quả, thường xuyên có những quyết định cản phá chính xác.

Điều duy nhất còn thiếu ở trận đấu sôi động này là bàn thắng và đến phút 42, người hâm mộ đã được toại nguyện. Trong một đợt phản công nhanh do Forlan khởi xướng, Cavani chuyền sâu vào vòng cấm từ bên cánh phải và Suarez lao xuống chọn đúng điểm rơi của trái bóng để nhẹ nhàng đánh đầu hạ Perez. Lúc này ở trận đấu cùng giờ, Nam Phi chơi hơn người và dẫn trước Pháp 2-0, hứa hẹn hiệp đấu thứ 2 sẽ còn sôi động hơn nữa và ẩn chứa rất nhiều kịch tính. Nếu Nam Phi ghi thêm hai bàn thắng và Mexico không thể lật ngược được thế cờ thì đội đi tiếp sẽ là nước chủ nhà chứ không phải Mexico.

Nhận thức được nguy cơ đó, sang hiệp 2, HLV Aguirre tung thêm một tiền đạo nữa vào sân (Pablo Barrera) và Mexico thi đấu với sơ đồ gồm tới 4 tiền đạo. Nhưng càng nhiều người ở tuyến trên, Mexico càng chơi rối hơn mà lại thiếu vắng những đường chuyền sắc sảo, khiến các tiền đạo không có nhiều việc để làm. Trong khi đó Uruguay không cần cầm bóng nhiều, không cần tấn công lắm nhưng họ chơi rất hiệu quả. Phút 55, Forlan đá phạt bên cánh phải và đội trưởng Lugano chạy chỗ để đón trái bóng, bật cao đánh đầu hiểm hóc, buộc Oscar Perez phải trổ tài cứu thua cho đội nhà.

Phút 63, Mexico dùng nốt quân bài chiến lược cuối cùng, Javier Hernandez thay cho lão tướng Blanco đã quá già và không thể đua tranh thể lực cùng các hậu vệ Uruguay. Mexico rất cần bàn thắng để lấy lại tinh thần nhưng trước tiên, họ phải biết chắt chiu số cơ hội được tạo ra. Barrera đã có đường chuyền không thể thuận lợi hơn và Rodriguez lao người đánh đầu kỹ thuật, nhưng trái bóng đi chệch cột dọc khi mà Muslera đã đứng nhìn. Mexico vẫn miệt mài tấn công còn Uruguay dần lui về phần sân nhà để bảo toàn tỷ số. Vì thế, đội quân của Aguirre càng phải đối mặt với nhiều khó khăn trên con đường tiếp cận cầu môn.
Image
Với ngôi nhất bảng A, Uruguay nhiều khả năng tránh được Argentina ở vòng 2.
Trong những phút còn lại, mọi nỗ lực gỡ hoà của Mexico đều rơi vào vô vọng trong khi Uruguay suýt chút nữa gia tăng cách biệt nếu Perez không cản được cú sút xa bất ngờ của Cavani. Trận đấu kết thúc và niềm vui sướng lớn nhất thuộc về người Uruguay. Họ đã kết thúc vòng bảng với vị trí dẫn đầu và không để thủng lưới bàn nào. Nếu không phải đụng Argentina ở vòng 1/8 thì khả năng Uruguay tiếp tục lọt sâu vào giải đấu rất lớn. Còn thất bại ở trận cuối dù khiến Mexico kém vui nhưng thành tích lần thứ 5 liên tiếp vượt qua vòng bảng ở World Cup cũng rất đáng tự hào. Như HLV Aguirre đã tuyên bố trước trận đấu, có mặt ở vòng 1/8 World Cup 2010 đã là một kỳ tích của bóng đá Mexico nên họ sẽ chẳng cần quan tâm đối thủ sắp tới là ai. Với một tâm lý thoải mái như thế, Mexico hứa hẹn sẽ còn làm nên bất ngờ.

Đội hình thi đấu:

Mexico: 1-Oscar Perez; 5-Ricardo Osorio, 15-Hector Moreno (8-Israel Castro 58'), 2-Francisco Rodriguez, 3-Carlos Salcido, 18-Andres Guardado (7-Pablo Barrera 46'), 4-Rafael Marquez, 6-Gerardo Torrado, 17-Giovani Dos Santos, 9-Guillermo Franco, 10-Cuauhtemoc Blanco (14-Javier Hernandez 63')

Uruguay: 1-Fernando Muslera; 2-Diego Lugano, 6-Mauricio Victorino, 4-Jorge Fucile, 16-Maximiliano Pereira, 15-Diego Perez, 17-Egidio Arevalo, 7-Edinson Cavani, 11-Alvaro Pereira (19-Andres Scotti 76'), 9-Luis Suarez (20-Alvaro Fernandez 85'), 10-Diego Forlan.

Bàn thắng: Luis Suarez 43’

Bảo Phương

User avatar
nangchieu
Posts: 2060
Joined: Sun Apr 19, 2009 6:38 pm

Post by nangchieu »

Tuyển Anh lách khe cửa hẹp vào vòng 16 đội

Pha làm bàn duy nhất của Jermain Defoe giúp đội tuyển xứ sương mù giành chiến thắng nhọc nhằn 1-0
trước Slovenia để đi tiếp ở cương vị nhì bảng C.

Image
Cái duyên ghi bàn của Defoe (đỏ) đã cứu tuyển Anh khỏi rơi vào thảm họa.
Có được điều quan trọng nhất là chiến thắng nhưng trên thực tế lối chơi của "Sư tử Anh" vẫn thiếu tính thuyết phục như hai trận trước gặp Mỹ và Algeria, đôi khi nó còn nặng thực dụng dù đối thủ bị đánh giá thấp hơn về mọi mặt. Nếu Slovenia là kẻ khác mạnh mẽ và đẳng cấp hơn, chưa biết chừng Anh đã bị đẩy vào một tình thế mịt mù.

Ngay cả pha làm bàn quý như vàng của Defoe ở khoảng giữa hiệp một cũng không hẳn xuất phát từ sự hợp lý trong thế trận lúc đó. Đơn giản đó là khoảnh khắc tỏa sáng mang tính cá nhân và ở khía cạnh nào đó có thể xem như phần thưởng dành cho niềm tin của HLV Fabio Capello. Phần thời gian còn lại Wayne Rooney rồi Defoe thay nhau bỏ lỡ số cơ hội ít ỏi để gia tăng cách biệt. Chính điều đó đã khiến họ vừa chơi vừa phấp phỏng cho đến khi tiếng còi dứt trận vang lên.

Chiến thắng lần này giúp Anh có năm điểm sau ba trận. Họ bằng điểm và hiệu số với Mỹ (+1) nhưng phải xếp sau do thua số bàn thắng ghi được.

Niềm vui của kẻ này là nỗi buồn của người kia. Trong khi cầu thủ Anh ôm nhau mừng rỡ trên sân như vừa giành chức vô địch thì cách đó không xa cầu thủ Slovenia cúi đầu đau xót. Ở trận đấu cùng giờ, Mỹ giành chiến thắng 1-0 trước Algeria. Điều đó đồng nghĩa với việc Slovenia từ chỗ đầu bảng đã bị đẩy xuống vị trí thứ ba và phải nói lời chia tay cuộc chơi mà có lúc họ đã được nhắc đến như một trong những hiện tượng đặc biệt.

* Tiếp tục cập nhật chi tiết

Đội hình thi đấu

SLOVENIA: S Handanovic, Brecko, Suler, Cesar, Jokic, Koren, Kirm (Matavz, 79), Radosavljevic, Ljubijankic (Dedic, 62), Birsa, Novakovic.

ANH: James, G Johnson, A Cole, Terry, Upson, Gerrard, Lampard, Barry, Milner, Rooney (J Cole, 72), Defoe (Heskey, 86).

Bàn thắng: Defoe 23


Hà Uyên

User avatar
nangchieu
Posts: 2060
Joined: Sun Apr 19, 2009 6:38 pm

Post by nangchieu »

Domenech làm trò hề trước khi chia tay World Cup

Bất chấp HLV Carlos Alberto Parreira của Nam Phi nài nỉ, kéo áo..., HLV trưởng đội tuyển Pháp nhất quyết không chịu bắt tay sau trận đấu ở World Cup tối qua.

Image
Domenech (mặc complete) từ chối bắt tay Parreira (áo trắng).
Sau khi tiếng còi kết thúc vang lên, HLV Parreira theo phép lịch sự bước sang khu kỹ thuật của Pháp để bắt tay người đồng nghiệp, nhưng vấp phải phản ứng quyết liệt. Domenech vùng vằng với vẻ giận dữ ra mặt và nhất quyết không chịu bắt tay.

Parreira đã cố níu kéo để hỏi rõ nguyên nhân. Một thành viên ban huấn luyện của Pháp đã truyền đạt lại cho Parreira rằng, Domenech hành động khó hiểu như vậy vì Parreira từng nói Pháp không xứng đáng góp mặt ở vòng chung kết World Cup lần này.

Ở vòng tranh vé vớt hồi tháng 11 năm ngoái, Pháp phải nhờ đến tình huống chơi bóng bằng tay của Thierry Henry (trước khi chuyền cho Williams Gallas ghi bàn) để vượt qua Ireland.

"Sau World Cup lần này ông ấy không còn huấn luyện tuyển Pháp nữa và tôi muốn đến để chào ông ấy", Parreira phân trần. "Nhưng ông ấy nói rằng tôi đã xúc phạm đội tuyển Pháp. Ôi, cả đời này chắc tôi không thể tin vào những gì mình nghe thấy lúc đó".


Thất bại 1-2 trước chủ nhà Nam Phi khiến Pháp phải sớm nói lời chia tay giải đấu mà bốn năm trước họ về nhì. Thầy trò Domenech thậm chí chỉ có vỏn vẹn một điểm và một bàn thắng sau ba trận, đứng bét bảng.

Nhưng đó chưa phải là chuyện buồn duy nhất của nhà cầm quân người Pháp ở World Cup lần này - giải đấu cuối cùng của ông với đội tuyển Pháp theo hợp đồng. Từ trước khi chơi trận đấu cuối cùng, đội tuyển áo lam đã rơi vào tình trạng rạn nứt nghiêm trọng. Các học trò đều thiếu tôn trọng và không nghe theo sự chỉ đạo của Domenech.

Hệ quả của những chuyện đó là Nicolas Anelka bị đuổi về nước sớm, trong khi những cầu thủ còn lại đã tự ý bỏ một buổi tập.

Doãn Mạnh

Post Reply