Gánh Đời Nghiệt Ngã Giữa Hai Lằn Đạn...

Truyện dài, truyện ngắn, tùy bút ...
tinhhoaihuong
Posts: 74
Joined: Fri Aug 13, 2010 9:04 pm

Gánh Đời Nghiệt Ngã Giữa Hai Lằn Đạn - Ch 11

Post by tinhhoaihuong »

Gánh Đời Nghiệt Ngã Giữa Hai Lằn Đạn
Phần Thứ Nhì
Chương 11

Lính Biên Phòng và Em Hậu Phương




Một buổi sáng cuối mùa xuân dìu dịu, tiết trời êm ả dưới làn nước lấp lánh ngàn tia nắng mặt trời khá ấm áp. Chung quanh núi non hùng vĩ, con thác nho nhỏ len lỏi trên khe núi cao, chạy dài xuống triền dốc tắm nắng xa xa. Lũy tre làng bao bọc vườn quê có những sợi khói lẻ loi uốn lượn trên mấy nóc nhà tranh còn ướt đẫm sương mù. Lác đác giữa cánh đồng khô mấy mục đồng lững thững trên lưng trâu. Bầy cò trắng bay lên đáp xuống bên bờ đê. Gà gáy te te sau bụi chuối, vườn môn. Chó buồn gâu gâu sủa bâng quơ từng tiếng rời rạc. Thôn xóm tiêu điều vắng lặng và buồn tênh. Ngày thật sự rạng rồi, tách bóng đêm kinh hoảng u tối đối lập với nền trời sáng chói nắng, thắm hồng trên đầu cây ngọn cỏ, khắp nơi nơi.
Tiếng máy phát thanh ủy lạo đồng bào cùng chiến sĩ được chị em trong Đoàn 5 cất lên từng hồi, giao hòa theo đôi cánh bình minh run rẩy, vang vọng lên tận đỉnh đèo, ngân nga đến ngàn non. Trong buổi họp, sau khi anh Vị đọc bản tin tức xong, thì anh Cương ra lệnh: mỗi người phải làm ít nhất vài bài văn, thơ, truyện ngắn, tùy bút, vui cười, quan điểm, nhận định, vân vân... Anh trưởng phòng Phước duyệt xong, sẽ in thành tuần báo, nguyệt san, để phát cho anh em chiến sĩ, gửi đồng bào, tự phát thanh trên haut parler, để ủy lạo tinh thần anh em; hậu phương tỏ lòng biết ơn chiến sĩ tiền tuyến đang xông pha ngoài trận điạ. Nhất là để an ủi, chia sẻ khổ nạn cùng đồng bào.
Ôi! Một con bé chết nhát còn thò lò mũi xanh, tóc thề thuở xưa mướt mát nay tả tơi héo úa vàng phai bụi nắng nên tóc rụng gần hết!!! Tuổi con bé chớm lớn nhưng tinh thần sa sút trầm trọng, giống cột thủy ngân tuột đáy chôn dưới tuyết. Một con bé run hơn cầy sấy giữa binh đao rổn rảng, điếc ù tai, nhức nhối, thốn tim, trí óc luôn dày vò. Con bé thường bị Trúc quệt hai tay vô má lêu lêu mắc cỡ, vì con nhỏ kém sút hẳn đàn anh, đàn chị đầy dũng lược can trường (họ quyết liệt chiến đấu, rất tài hoa ở chiến địa đại loạn). Con bé tép riu nầy xớ rớ xin làm tà lọt bưng bô còn thút thít, run run quệt nước mắt vô hai ống tay áo hít mũi hic hic hic..., con bé thua sút hẳn họ về mọi phương diện. Mà, trưởng phòng bắt phải cầm cây bút viết kịch đời thiên bẩm, nặng hơn ngàn cân, để: ủy lạo, yểm trợ chiến sĩ! Thật là trò hề quá tháu cáy, lạnh buốt xương sống! Múa rìu qua mắt thợ. Quả là lố lăng lố bịch! Quê không chịu thấu. Hoài nghĩ:
- “Mình chuyên về “báo”: báo danh, báo an, báo hại, báo cô, báo đời, báo oán, báo gia, báo mộng, báo tịch, báo ứng, báo tử... Chuyên “trị” về “làm”: Làm chứng, làm thinh, làm biếng, làm tàng, làm bộ, làm tịch, làm nũng, làm le, làm dóc, làm lơ, làm liều, làm lậu, làm loạn, làm reo, làm cao, làm cỏ, làm duyên, làm giá, làm loạn, làm tới… Chớ biết chi hơn mà “làm báo"!
Hoài bắt đầu viết nhật ký từ năm 1957, 1958. Kể từ nay, Hoài sẽ cố gắng viết rất trung thực tất cả câu chuyện có thật, không thêm bớt, ghi lại rõ ràng với lòng gắng bó keo sơn từng chi tiết hiện hữu. Ghi về sự góp mặt từng người, từng nhân vật mình quen, biết, lẫn không quen hầu đưa vào đời sống. Không văn chương bóng bẩy thêm thắt hoa hoè, để trân trọng nâng niu giữ gìn làm báu vật, lưu kỷ niệm duy nhất đời mình. Dù Hoài thật bối rối, lo âu khi anh Phước bảo viết bài. Hoài đã đặt nhiều câu hỏi với các anh chị trong mấy buổi họp, và đăng trong các tuần báo rõ như sau:
1.- Về việc hư cấu trong từng câu chuyện, thì xin thú thật là em chịu thua. Không có khả năng đó. -Chuyện đời Lính- có sống mới biết cuộc đời lính chiến gian truân vất vả cay đắng nhọc nhằn khổ cực ra sao. Không sống không biết, thì làm sao em dám hư cấu hì?
2.- Có thể vì thế đa số bạn trong Phòng 5 ưa viết truyện tình, làm thơ tình. Chuyện tình dễ dàng tả ân tả oán, muốn cho nhân vật đó sống, thì sống, mà không thích thì cho nó "ngũm", (hư cấu là thế đấy phải không anh?) ít "đụng chạm" tới ai, dù ai đó khó tính nhất, cũng có chút bao dung và thứ tha. Phải không nào? Thưa anh Phước! Theo thiển ý của em, thì có sao nói vậy, (người ơi!). Mình không biết cách hư cấu thiệt. Nên, những chuyện Hoài viết trong chiến tranh hừng hực bốc lửa ít nhiều gì cũng bị coi là... “khuynh tả” với người nầy; “khuynh hữu” với người kia.
3.- Em muốn ghi lại sự kiện lịch sử chính xác. Bởi những điều đó không thể một mình ên tự ý ta thêm bớt, hay thêu dệt, hư cấu. Ta không thể tạo dựng nên dữ kiện, mà chỉ ghi lại đúng đắn những sự kiện mắt thấy tai nghe, trong một chu vi hạn hẹp. Thế thôi. Cũng như tự mình không bao giờ có thể làm nên lịch sử. Vâng! Chỉ tường tận nắm rõ năm bảy khía cạnh của vấn đề, ghi lại diễn tiến nào đó. Trong từng câu chuyện, hầu như 90% chuyện có thật. Em cũng biết, làm như thế thì dễ mất lòng, dễ xa nhau, dễ chửi nhau, dễ thù nhau. Cho nên, chi bằng cứ lấy tên của ta ra mà tự xỉ vả mình, khỏi sợ ai buồn. Nếu như chuyện thật sờ sờ ra đó, mà viết bố lếu bố láo, thì coi như bôi lọ nhau rồi, còn gì văn chương trung chỉnh chữ với nghĩa ha. Em chỉ viết lại sự thực. Thấy thì viết là thấy. Nghe thì nói là nghe. Biết sao thì viết vậy.
4.- Hoài tài hèn sức mọn, không bao giờ dám mơ mình là nhà văn, nhà thơ cả. Càng không dám tự hào cầm cây bút chiến viết văn nghị luận - Vì; Rất cảm kích và chân thành cảm ơn anh chị em, qúy độc giả, bạn hữu, đã ưu ái nâng đỡ khích lệ em nên viết văn. - Dạ xin vâng! Hoài sẽ hết sức cố gắng ngỏ hầu: “Tôi ước mong được học hỏi cùng quý vi, hầu: Trau dồi tư tưởng. Mở rộng kiến thức. Nâng cao tâm hồn. Trao nhau niềm thành tín cậy trông và biết ơn”. Nếu có sai sót, kính mong quý vị niệm tình dung thứ và chỉ giáo thêm. Hoài biết ơn. Bởi vì trong vấn đề đi làm việc, hoặc viết lách nầy, thật sự em rất đơn độc (hoàn toàn không được sự hưởng ứng của gia đình thân nhân, dù chỉ lĩnh hội ý kiến 10%).
5.- Hoài xin nhấn mạnh: {Khi tôi sao chép lại một tài liệu, hoặc in một mẫu tin lên báo chí, thì người làm công việc đó chỉ muốn chia xẻ, hoặc giới thiệu với độc giả những gì mình thu thập được từ nơi nầy, nơi khác, mà mình cảm thấy cần thông báo cho bằng hữu, tùy nghi theo từng nhận định cảm quan cá nhân. “Bạn hay tôi” không phải là người tạo ra những mẫu tin thời sự nóng bỏng đó. Do vậy “họ” không có trách nhiệm về việc đúng hoặc sai nội dung tin tức (mà họ đã copy hoặc in lên diễn đàn). Thế nên nếu có vị nào thắc mắc, muốn tìm hiểu thêm thì xin đi ngược về nguồn: để trao đổỉ với người có đầy đủ tài liệu về bản gốc, có tư cách, thẩm định, và trách nhiệm; chắc chắn bạn sẽ được giải đáp thoả đáng}.
* * *
Sau nhiều lần đoàn tâm lý chiến phát thanh và rải truyền đơn, dán bích chương, ủy lạo chiến sĩ Cộng Hòa Việt Nam; qua những bài ca mang đầy hương sắc ân tình hoài nhớ. Pha trộn nhạc vui buồn trong lúc phát thanh đã tác động mạnh mẽ, gợi lên nỗi buồn bẩm sinh trong lòng người lính cơ cực thời chinh chiến. Hoài lại đắm mình trong cô đơn. Vì sao? Có phải vì con thác nhỏ len lỏi trên khe núi cao nầy dội lại lòng mình tiếng thác nước chảy muôn trùng, bên đồi thông xưa năm nào, xa cũ lắm?
Các cô rủ nhau vào chợ mua cái nầy, cái nọ. Bao mẹ già dày dạn nắng mưa khuya chiều. Mẹ quê có nhiều kinh nghiệm chiến tranh xảy ra liên miên trong cuộc đời vũ bão. Họ chán ngán lắc đầu, tắc lưỡi ái ngại thương thương mấy cô lính mới tò te non đời lí lí lắc lắc nho nhỏ xinh xinh, đẹp đẹp. Những bà mẹ quê bàng hoàng nhìn cô gái nhí nhảnh mà lòng già đầy kinh hãi: như vừa thấy kẻ lạ từ hành tinh quái gở nào rơi xuống trần gian. Nơi khỉ ho cò gáy nầy hầu như chưa xuất hiện lính nữ non đời lon ton xách giỏ đi chợ, có đôi lúc các con nhỏ tung tăng bên nhau sao?! Làm con gái không đi lính được sao!? Ờ! Thời xưa "liền bà con cấy" xa xưa chỉ ở trong phòng the trướng rũ, cửa kín song cài. Chứ có mô mà "xông pha bụi trần" rứa... Con gái thời buổi loạn ly chừ... chi mà lạ!? Ố ồ! Thế ra các cụ bà quên tiệt đất nước mình có hai bà Trưng Trắc, Trưng Nhị lẫm liệt. Bà Triệu oai dũng khi: “giặc đến nhà, đàn bà cũng phải đánh” rồi he!?
Các cụ vội vội vàng vàng gói ít xôi đậu, xôi bắp, họ đùm trong tàu lá khô. Có cụ gói cho bọn “nữ tì thời chinh chiến” nải chuối, bọc kẹo. Có cụ cho củ khoai lang nóng đùm trong tàu mo cau cứng. Họ dúi vào tay con bé Hoài nhỏ xí nhất đàn. Các cụ già đời mỗi người một câu, ngập ngừng nhắn nhủ:
- “Dầu ai ỷ thế cậy tài. Con giữ lòng thục nữ, dùi mài trong gương”.
- Ăn đi con!
- Ăn kẽo đói.
- À không... mời con.
- À, à... ăn cho vui.
- Con gái mà đi lính làm chi!
- Gái thì trinh trĩnh lòng son. Sớm hôm gìn giữ, kẽo còn chút sai.
Ồ! Làm con gái... cái gì cũng bị cấm. Má nói: Con ăn nói phải từ tốn, dịu dàng, nhỏ nhẹ. Đi đứng phải đoan trang, uyển chuyển, nết na, thùy mị. Không leo trèo trên cây. Không chạy nhảy như ngưạ. Không ăn to nói lớn như hổ gầm voi rống. Không cười ha hả! Không xù mặt ra như con nhím xù lông. Ngủ không nằm ngửa tênh hênh, dù trời nóng hầm hập, mồ hôi rịn ra dưới lưng, cũng cấm. Không xoạt hai chân vô tư lự, không giăng hai tay ra giữa bộ ván mà gãi sồn sột. Con gái, không được nằm trơ trẽn tô hô ra vậy! Con không nằm cong queo như con tôm hùm. Chân không co lên tới ngực. Không nằm sấp tay ôm lấy đầu. Con chỉ nằm nghiêng, hai chân duỗi thẳng, khi mỏi mệt thì trở bên nầy, qua bên kia nhẹ nhàng thôi, không gây tiếng động ồn ào. Nghe!
Nhất là “đại kỵ” chuyện đi lính, như các cụ già vừa nói. Họ e ngại cười cười, hiền hậu ỏn ẻn móm mém hàm niếu ngậm trầu đỏ au. Dường như họ bị lỡ lời, sợ vô tình đay nghiến làm chột dạ dày vò đau lòng bọn trẻ nhỏ ưa đùa dai với khói lửa chiến tranh uà về. Bất ngờ và sửng sốt, Hoài cảm động, ngơ ngác, e dè giơ hai bàn tay run run ra cầm những gói quà trĩu nặng tình nghiã. Con bé ấp úng cúi mặt nói câu cám ơn lí nhí trong họng. Khóe mắt bờ mi nàng mòng mọng, nằng nặng, rưng rưng... Hoài dìm bộ óc xuống cơn mê, biết chìm đắm trong nỗi dày vò, phiền muộn có thật, có nhiều dao đâm qua tim. Khi tự mình tìm cây đuốc Trời thắp sáng ngọn nến riêng tư, những ngọn nến trong cuộc đời tự tay ta thắp lên, và cuộc sống vẫn là sự chấp nhận: Cho ta niềm an ủi, cố gắng vui vẻ, tăng hy vọng; dẫu quá lung linh và tê tái.
* * *
Bên phố nhỏ gần khu chợ Nghiã Hành, Hoài chán ngán ngồi trong cabin xe GMC, dõi mắt nhìn theo đàn bươm bướm vàng do dự trước giàn hoa thiên lý xanh xanh. Lòng Hoài buồn vời vợi. Hoài nghĩ về đôi bạn: anh Quan-Văn là thần tượng của Thu Hoa, Hoa thường nói với đám bạn gái:
- Đừng nghĩ tưởng Văn là một hạ sĩ quan, chắc là học hành chưa tới đâu. Mà coi thường anh. Là lầm đấy. Lắm người do hoàn cảnh riêng nên chẳng có chức tước như anh, ấy mà họ có đức tính tốt, kiến thức chính xác, hiểu biết, lịch lãm, tế nhị, khép mình trầm lặng. Anh ấy chưa chắc đã thua ai, thua triết gia nào. Cho nên, đừng ỉ ta có chút kiến thức mà kiêu căng, coi trời bằng vung. Tâm tư lại nhỏ nhen, hẹp hòi, cư xử hèn hạ ích kỷ chẳng giống ai. Đừng vì mảnh bằng, và sự sang hèn bên ngoài, lại vơ đũa cả nắm, khinh miệt người khác. Hỉ!
Hoài nhìn Văn mang cặp kính sáng trong, (kỳ thật anh bị cận, chứ không phải anh mang kính để “dợt le” hù ai hết) coi anh tăng thêm phần trí thức đạo mạo, mũi cao miệng rộng, khuôn mặt chữ điền, cằm đôi, ngực nở vai vuông tráng kiện. Anh đi chữ bát, cầm đũa tay trái, đánh đàn tay trái, cũng khiến nhiều người ngồi bên cảm thấy cấn cái, vướng vít khó chịu đôi chút. Văn và Hoa tâm đầu ý hợp nhiều mặt, hứa hẹn yêu thương bền lâu. Hoa thông cảm lính nằm gai nếm mật khổ sở trăm bề; có đâu ra thì giờ nhàn rỗi mà quần là áo ủi thẳng nếp diễu lông nhông qua thành phố. Lính xấc bấc xang bang ngoài chiến trường, bứt rứt, ngỡ ngàng, ngơ ngác nhìn thành phố tráng lệ, bọn trẻ choai choai dé dé xíu xíu lao mình thâu đêm ăn chơi xã láng. Hai bạn trẻ trong thời chinh chiến nầy thì khác hẳn, họ thông cảm thấu hiểu nhau, muốn xây dựng tình yêu trên nền tảng hôn nhân, gia đình ràng buộc. Họ quen nhau từ lá thư “Em hậu phương”, thân gửi ra ngoài biên ải cho anh lính sơn khê nơi tiền đồn biên phòng ngàn dặm heo hút. Giấy mực học trò thuở đó lao xao hình ảnh cô em lớp Đệ Nhị hiền hiền, cúi đầu mơ mơ, tô tô vẽ vẽ chân dung anh lính miền Nam Việt Nam vui tính, hiền hoà, thanh lịch và tài hoa trên từng nét chữ con con. Sao mà dễ thương lạ! Văn ưu tư nhìn vào đáy ca nhôm trống không, lòng cảm thấy ngổn ngang trăm mối cô đơn lạ lùng. Văn đã ngồi đăm chiêu suốt buổi trên đồi vắng, anh lấy chiếc ba lô sờn cũ kê làm bàn viết, tần ngần giây lát, Văn hồi âm:
- Em bé ơi! Xin tạ lỗi cùng em qua những hình ảnh em tô son thiếp vàng trên đỉnh yêu thương riêng cho lính kiểng, lính kèn, lính “văn nghệ tù-và”. Thực chất thì anh và các anh lính biên phòng ở góc trường sơn ngàn dặm ngút ngàn xa xôi... cách trở vô vàn ở đây: thật cay đắng, nhọc nhằn, tan nát trăm bề: từ thể xác đến tâm hồn. Tình cảm vời vợi. Đời sống cộng khổ bẽ bàng rơi rớt từng khúc, từng khúc một trên suốt con đò dọc hai bờ quê hương binh biến rồi. Còn gì nữa đâu em! Còn gì nữa em ui, mà ngập ngừng run run, thắm thiết lời tự tình, ung dung ngồi trong phòng lạnh trao thư hò hẹn trăng sao với đời. Buồn tủi, hờn đau biết bao nhiêu. Em bé ha. Em hãy nghe anh tâm sự với em nè: Quan Hoài Ước Mộng
* Muôn sợi nhớ gợn lăn tăn dập dồn...
Mưa pháo tạnh ngậm ngùi cơn bão giông.
Từng uất giận xé lòng đời nghẽn đắng.
Tôi với em ngập trong mơ ước nắng!
* Niềm tin yêu sạch trong mùi biển mặn.
Nét tinh khôi gờn gợn bước phong trần.
Ba lô chinh chiến dưới đồi cỏ tranh.
Luống thời gian cuộn dòng chảy bàng hoàng.
* Lính gian khổ mơ tình em hương nồng.
Đồi nương gối đêm quan hoài giấc mộng.
Giọt buồn ăn năn vành môi nỗi đắng.
Khuya lạnh hấp hối tình lính tay trắng.
* Cánh thư ôm ấp hồng hoang thiên đường.
Thủy triều lên xuống lãng du phiêu bồng.
Thân phận tôi dứt cơn say ngường ngượng!
Giăng rộng vòng tay trao em... nhớ tưởng.
(*)
Thế là thư bay đi thân ái, thư bay về hân hoan mỗi lần “hai anh em” trao gửi. Văn vui vẻ mở lòng tan hoang ra đón cô em nhỏ đầy tin yêu chân thực và trìu mến. Từ thành phố Đà Nẵng nàng lên xe đò đi Quảng Ngãi; rồi từ đó lần đầu tiên Hoa cả gan bạo phổi gò lưng đạp xe đạp, lần mò lặn lội từng chặng tìm hỏi mọi cư dân về đường lộ mà đi đến Nghĩa Hành, để thăm Văn. Hoa điệu nghệ đèo sau porte bagage quà thổ sản đặc trưng lủng lẳng: Gà luộc. Cá trê nướng lá gừng ngon bá cháy. Đường phổi, đường mía, đường phèn. Ít cà phê. Vài kí cá khô, một kí tôm khô, hai kí mực khô. Hai lố thuốc Basto xanh. Một áo len màu rêu. Vài chiếc khăn mouchoir tự thêu thoang thoảng mùi nước hoa dìu dịu. Cô buồn buồn báo tin vừa thi hỏng Tú Tài I. Thu Hoa càng không quên báo thêm một tin giựt gân:
- Em sẽ đăng vào lính, để có dịp gần anh.
Lần đầu tiên vừa gặp anh, Thu Hoa lúng túng đỏ au hai gò má ngượng ngùng cúi mặt chào hỏi Văn lí nhí trong họng, và e dè bẽn lẽn khép nép đi thụt lui sau lưng anh. Văn sững sờ, cảm động đến nghèn nghẹn ngây người nghẽn ứ hơi thở nhìn Thu Hoa như trời trồng. Anh cảm thấy đầu choáng váng như nghẽn đường máu, nghẹt thở, run run hai bờ môi khô đét dính lại với nhau không có giọt nước miếng. Anh lính dày dạn phong trần gan lì nơi chiến điạ mà lại... “nhát gái” cứ ấp a ấp úng, lúng ta lúng túng vui mừng, cuống quít trào niềm vui lên tim, muốn bể óc, bể phổi. Không ngờ “em tôi” chí tình, nhân hậu. Và sao mà “nốp bần”, xinh xắn dễ thương quá! Văn ngây ngất hiu hiu ngây ngậy dại dại ngố ngố ngáo ngáo với hạnh phúc bất ngờ ập xuống chiếc đầu trọc khôg nón sắt. Hình như ông Trời ưu ái rót từ thinh không xuống cho Văn: đời lính trơn cơ cực có một giấc chiêm bao diễm ảo thiên đường lồng lộng thênh thang, thật vu vơ mà thoải mái quá chừng chừng, khiến Văn chẳng kịp hoàn hồn!!!
Văn đẫy chiếc xe đạp lên dốc đồi thưa, rồi lúng túng dựng xe bên vách nhà tiền chế, anh loay hoay xách mấy món quà lỉnh kỉnh vào doanh trại, vui vui, mừng mừng, dậy hân hoan trên đôi má Văn rám nắng. Miệng anh cười toe toét khi thấy lính bạn cùng đơn vị chồm lên khỏi nóc chòi canh, búng tay, tróc lưỡi. Trong sân họ nhìn anh, đá lông nheo kịch kịch, kêu nhỏ è è è... í í í... iu iu iu… Họ cho hai ngón tay vào miệng thổi to xíp xì… xíp xì ..., họ huýt gió, xuýt xoa tán thưởng, trầm trò khen “hai đứa mình” xứng đôi. Họ tha hồ chọc ghẹo chúng ta tơi bời hoa lá. Khi ảnh đã "cu, gù" được cô gái xinh đẹp ở thành phố lặn lội mò mẫm lên tận đỉnh đồi thần sầu tróc lỡ vết đạn bom dưới vừng mây trắng trời xanh, cỏ vàng héo uá, do chiến tranh cào quét ở chốn nầy. Gai mít khô đang đâm vào hông, đâm vào lòng bàn tay rám nắng Văn đã kẹp cứng trái mít dừa. Ấy vậy mà Văn sảng khoái cảm thấy lòng lâng lâng, anh không thấy đau, không nặng, không phiền. Lòng anh chao đảo và hẫng bay vút lên chín tầng mây, mà mơ mơ, vui vui, say say... nồng độ dấu ái hoan ca.
(*) Thơ tìnhhoàihương


_ * _




tìnhhoàihương
Kính mời độc giả xem tiếp chương sau.
Trân trọng
Attachments
ea. 33 tientuyen hau phuong.jpg
ea. 33 tientuyen hau phuong.jpg (57.8 KiB) Viewed 1910 times

Post Reply