Tình Thầy Trò

Tin tức về Thầy Cô năm xưa và nay!!!

Moderator: CNN

User avatar
muanuadem
Posts: 461
Joined: Sun Apr 19, 2009 6:47 pm

Re: Tình Thầy Trò

Post by muanuadem »

Ý nghĩa câu ca dao về tình nghĩa thầy trò
Nguyễn Kiến Thiết

Image
Học trò miền Nam trước 1975 (file photo)

Trong kho tàng ca dao tục ngữ Việt Nam có nhiều câu mà mỗi người trong chúng ta đều thuộc nằm lòng từ thuở còn nằm nôi cho tới lúc đã trưởng thành. Riêng tôi, câu ca dao sau đây đã thấm vào lòng tôi từ thuở ấu thơ, là một trong những lời ru ngọt ngào, trầm ấm và có sức biểu cảm lạ lùng:

Muốn sang thì bắc cầu kiều
Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy!


Thật ra, câu ca dao trên là một cặp lục bát, ngay cả bản “chánh gốc” của nó cũng có nhiều cách hiểu khác nhau, càng đi sâu càng rắc rối, nói chi đến những “dị bản”. Mời các bạn cùng chúng tôi thử phân tích, tìm hiểu ý nghĩa câu ca dao dẫn trên.

*Trước hết là câu lục: “Muốn sang thì bắc cầu kiều”.

“Kiều” là từ Hán-Việt. Có bốn chữ kiều trong hơn mười chữ có liên quan tới câu ca dao: kiều 乔= cao; kiều 喬 = cao; kiều 峤 = (văn) núi cao và nhọn; kiều 娇 = đẹp, duyên dáng; kiều 橋 = cây cầu. Có người dựa vào tiếng Việt cổ giải thích: “kiều” có nghĩa là cao, “cầu kiều” có nghĩa là cây cầu cao.


“Sang” theo nghĩa nôm trong Đại Từ Điển Tiếng Việt, có hai nghĩa:

.“Sang”: Đến một chỗ khác gần với nơi xuất phát.

.“Sang”: Có địa vị và danh vọng, được mọi người kính trọng.

Theo Đặng Thiêm, báo Ngôn Ngữ & Đời Sống số 3/2009, trong một hội thảo địa phương về Ngày Nhà Giáo, người thuyết trình giải rằng: “Sang” là sang trọng, đỗ đạt hiển vinh; “Cầu kiều” là cầu đẹp. Có như thế mới xứng với sang. Ông còn cho biết có một “đáp án” của một bài văn kiểm tra cũng yêu cầu giải thích theo hướng ấy (?).

Ngoài ra, Việt Nam Tân Từ Điển của Thanh Nghị đã chép câu ca dao trên như sau:

Muốn sang thì bắc phù kiều / Muốn con hay chữ phải yêu mến thầy (Âm B, tr.70).

Dị bản của PGS TS Phạm Văn Tình cũng đồng ý bắc “phù kiều”.

Trong quan niệm cầu kiều là cầu đẹp, bởi lẽ kiều ở đây là kiều diễm, cầu nổi (phù kiều) nên có người lấy điển tích thời Tam Quốc để cắt nghĩa câu ca dao trên. Đó là cây cầu đẹp như cầu vồng trên lưng chừng trời do Tào Tháo xây. Sau đó, Khổng Minh cố tình đổi việc xây hai cây cầu thành rước hai nàng Kiều (Đại Kiều là vợ của Tôn Sách, vua Đông Ngô; Tiểu Kiều là vợ Châu Do, danh tướng, nhà quân sự tài ba của Tôn Sách và Tôn Quyền) để khích Châu Do liên minh với quân Khổng Minh dùng hỏa công đốt quân Tào Tháo tại Xích Bích.

Có người dựa vào ngôn ngữ học để giải thích. Trong tiếng Việt, sự kết hợp giữa một từ Việt và một từ Hán, và ngược lại rất phổ biến. Nó làm cho nghĩa của từ khái quát hơn. Chẳng hạn như: xương cốt, binh lính, mưu mẹo, v.v… Cầu kiều là cầu nói chung vẫn không ra ngoài thông lệ đó.

*Kế đến là câu bát:“Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”

Câu nầy lại có nhiều dị ngôn, dị bản nên cũng dị nghĩa. Cụ thể là :

.Muốn cho hay chữ thì yêu lấy thầy. Đối tượng để khuyên răn, dạy bảo là người học trò.

.Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy. Nghĩa rộng hơn, đối tượng để khuyên răn gồm học trò và cha mẹ học trò. Từ “phải” có vẻ nặng nề, ra lịnh.

.Muốn con hay chữ thì yêu kính thầy. Nghĩa cũng hẹp, chỉ nói lên lòng yêu kính thầy.

.Muốn con hay chữ thì yêu lòng thầy. Nghĩa cũng hẹp, sau nầy dễ bị hiểu lầm là làm vừa lòng, nịnh thầy bằng cách đi Tết thầy thật “cao lễ” mới “dễ thương” với nhiều quà biếu hậu hĩnh, kể cả tiền bạc.


_________

.Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy. “Yêu lấy thầy” ở đây có nghĩa rất rộng. Yêu thầy có nghĩa là yêu mến, kính trọng, làm theo lời dạy bảo của thầy. Từ “lấy” ở đây theo cách nói dân gian có nghĩa tự mình, chính mình, bằng sức của mình. Ví như: Học lấy một nghề; Làm lấy một việc; Ăn lấy một miếng… Đừng lẫn lộn với lấy chồng, lấy vợ mà phải lòng ông thầy rồi lấy ông thầy làm chồng! Ngày xưa “cậu trò” lại càng không thể lấy “ông thầy” làm chồng được!

Theo thiển ý, nên nói, nên viết câu ca dao như sau:

Muốn sang thì bắc cầu kiều
Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy!


Từ đó nên hiểu câu ca dao theo cách hiểu thông thường: Muốn (đi) sang (đi qua) thì bắc cầu kiều / Muốn con hay chữ (giỏi) thì yêu (quý trọng, kính trọng) lấy thầy.

“Cầu kiều” ở đây chỉ là cầu nói chung. Có thể là từ ghép Hán-Việt, hoặc thuần Việt (như cầu kỳ, chợ búa, chùa chiền), có thể là cây cầu cao và chắc chắn cho đò dọc, đò ngang vẫn qua lại được.

Cặp ca dao lục bát nói trên theo thiển ý, nên giải thích như sau: Muốn qua sông, sang sông thì phải chịu khó bắc cầu. Cây cầu phải chắc, không lắc lẻo gập ghình để đi khỏi trợt té. Muốn cho con hay chữ, học hành giỏi giang thì cha mẹ học trò và bản thân người học trò phải yêu quý, kính trọng thầy và biết ơn thầy.

Thật ra, hai câu ca dao trên chính là hai câu cuối của một bài ca dao/hát ru miền Bắc gồm bốn câu thơ lục bát, mà hai câu đầu là:

Bồng bồng! Mẹ bế con sang,
Đò dọc quan cấm, đò ngang không chèo.


Toàn bài, chính là lời ru ca dao đa thanh (bồng bồng), đa nghĩa, giàu hình ảnh (bế con, đò dọc, đò ngang, cầu kiều). Đó cũng là lời ca dao yêu thương, ngậm ngùi, giọng giãi bày, uất ức làm rung động lòng người!

Viết đến đây, bên tai tôi còn văng vẳng điệu hát Ầu ơ/ hát Đưa em tình nghĩa mà má tôi đã rót vào tai tôi từ thuở còn nằm nôi theo nhịp võng đưa:

Ầu… ơ! Ví dầu cầu ván đóng đinh
Cầu tre lắc lẻo gập ghình khó đi.
Khó đi, mẹ dắt con đi
Con đi trường học, mẹ đi trường đời!


Phải chăng lời của điệu hát Ầu ơ/ca dao miền Nam và lời bài hát ru/ca dao miền Bắc đã có sự “giao lưu” văn hóa với nhau? Ở vùng miền nào cũng có những con sông, có những dòng sông. Có dòng sông hiền hòa, êm ả. Có dòng sông nước chảy xiết. Nhưng dòng sông nào cũng là biểu tượng của sự cách ngăn, trắc trở. Muốn đi học, đi chợ, đi làm đều phải qua sông.

Trong bài hát Ầu ơ, muốn qua sông phải “quá giang” chiếc cầu tre lắc lẻo. Cầu tre là đường đi học. Đứa con sợ khó, sợ khổ, sợ té không thể tự mình đi học, tự mình đi qua chiếc cầu khỉ gập ghình được. Người mẹ sẽ dắt con đi. Mẹ và con cùng đi qua cầu. Con thì đi trường học, mẹ cũng đi học… trường đời. Mà đường đời chắc gì bằng phẳng? Còn trường đời thì thiên hình vạn trạng, còn khó gấp ngàn lần việc học của con. Mẹ nắm chắc tay con, dìu con qua cầu. Mẹ con ta phải học hoài, học mãi…

Trong bài hát ru/ca dao miền Bắc, mẹ bồng con đến bờ sông vắng. Cùng con, mẹ than đời mẹ qua bao trải nghiệm đắng cay. Muốn qua sông lại không có cầu. Cũng không có đò dọc, đò ngang (Phải chăng quan lại nham hiểm ngăn sông, cốt cho dân ngu tối để dễ bề đè đầu cỡi cổ?). Không thể làm xiếc đu dây (*), cũng không thể cỡi bè để băng qua dòng nước chảy xiết. Vì vậy chỉ còn cách bắc cầu. Cầu phải cao, phải chắc để qua sông an toàn, để bước vào con đường học tập vững vàng. Ước mơ suốt đời của mẹ không gì khác hơn là đưa con qua bờ bên kia, vượt thoát dòng sông minh mông đói nghèo dốt nát!

User avatar
VuPhong
Posts: 2910
Joined: Wed Dec 01, 2004 4:28 pm

Re: Tình Thầy Trò

Post by VuPhong »

Thăm thầy Trịnh văn Tuấn
Các Bạn thân mến

Vào năm 2020 tôi đã định nếu có về Việt Nam sẽ đi thăm thầy Trịnh Văn Tuấn, nhưng cơn đại dịch quái ác cô vít 19 đã làm thiệt hại và cản trở biết bao cuộc hành trình của chúng ta, mãi đến năm nay, tôi với bà xã hẹn với cô Chi em vợ, chồng là Tuấn (Ventura CA) Cùng với hai con gái nhỏ sẽ về Sài Gòn thăm quê hương đất nước ột chuyến.
Theo thời khóa biểu và với chủ đích vừa đi thăm viếng vừa du lịch, chúng tôi những người ở Mỹ về và những người ở Việt Nam tổng cộng 14 người đã đi tới Phan Rang, Nha Trang, Đà Nẵng Hội An.

Chúng tôi thăm viếng họ hàng, mồ mã ông bà, cùng những đồng bào sắc tộc nghèo nàn ở các hội thánh vùng sâu và xa
Về đến Sài Gòn trong lúc các bà, các cô phái nữ nghỉ ngơi, tôi được Thuận, người em vợ rất rành đường Saigon và Tuấn người Cali lấy xe chở tôi đi thăm thầy Trịnh Văn Tuấn.

Tôi thật có phước vì được hai người đi hộ tống nên khỏi bận tâm tron.g việc lái xe, hoặc tìm địa chỉ, Thuận trước đây có làm việc trong một tòa nhà ở rất gần địa chỉ của thầy Tuấn. Thầy ở trên lầu 9 của một cao ốc đường Hồng Bàng Sài Gòn.
Xe của Thuận vừa rẽ vào gara đậu xe, lòng tôi đã rộn ràng với những cảm giác khó tả

Rồi thang máy, rồi gõ cửa nhà thầy sao tôi hồi hộp quá
Đằng sau cánh cửa mở ra là một phụ nữ. tôi cũng hơi mừng, vì ít nhất cũng đã gặp được người nhà của thầy.
Thưa cô, tôi là học trò của thầy Trịnh Văn Tuấn
Tiếng một người đàn ông nói:
Học trò của ba
Người đó là con trai út của thầy
Rồi một người đàn ông gầy ốm bước tới tôi nhận ra ngay khuôn mặt đẹp trai ngày trước tuy có hơi gầy

Thưa thầy
Tôi bắt tay thầy và cố nén xúc động
Chúng tôi ngồi xuống ghế
Tôi muốn nói với thầy thật nhiều, nhưng lời nói dường như vướng trong cổ họng
Tôi cố gắng lắng nghe lời thầy vì thầy nói rất nhỏ
Một lát sau câu chuyện hàn huyên, sau bao nhiêu năm tháng, biết bao nhiêu việc đã xảy ra, vật đổi sao dời, thầy lôi ra từ một ngăn kéo một gói giấy gói rất kỹ lưỡng
Bên trong có hàng mấy chục tờ giấy vuông vức có tên tuổi từng học sinh một phía trên góc trái của tờ giấy có dán những tấm hình chân dung cỡ 4x6 kiểu như hình trong thẻ căn cước. Khi tay thầy dở qua các tờ giấy tôi ngước nhìn thấy những tên tuổi khiến tôi hết sức xúc động Đỗ Việt Ánh, Vũ Bảo Ân, rồi đến Hoá, Hồng, Hợp.

Thầy rút phiếu lý lịch ra đưa cho tôi hai tay tôi cầm tờ giấy có tên mình mà thật rung động
Chúa ơi Bao nhiêu năm trôi qua trải qua chiến tranh trải qua các thời kỳ thầy vẫn còn giữ được những kỷ vật quý giá này
Giây phút ấy cậu học trò Trương Văn Hợp sống lại những cảm giác thầy cũ trường xưa và những đứa bé của tuổi thơ ngày ấy

Lên xe ra về vẫn còn dư âm luyến tiếc với người thầy kính mến
Chợt nhớ đến mấy câu thơ trong bài thơ Ông đồ
Tôi không có Ý bình luận gì cả chỉ tiếc rẻ thời gian qua mau quá:
Ông đồ vẫn ngồi đó
Qua đường không ai hay
Lá vàng bay trên giấy
Ngoài trời mưa bụi bay

Kính mến
Trương văn Hợp
HNC 58-65
August 2023
From fb Trung Học Hồ Ngọc Cẩn Gia Định
Image

Image

User avatar
bichphuong
Posts: 574
Joined: Mon Apr 25, 2016 12:10 am
Been thanked: 1 time

Re: Tình Thầy Trò

Post by bichphuong »

Bài Học Về Thương Yêu
Đối với học sinh trường Nam như chúng tôi, hình ảnh của các Cô trong thời gian mới vào trung học là cuộc tiếp xúc đầu tiên với người phái nữ trong quan hệ xã hội đầy ấn tượng, sau hình ảnh thân quen của Mẹ và chị em gái trong gia đình, một tổng hợp của các cảm tưởng hổn độn trong đó có sự tôn kính, sợ sệt, lo âu và cả khiêu khích

Thời gian học trung học cũng là giai đoạn quan trọng đánh dấu khoảng thời gian trưởng thành của chúng ta, từ thể xác đến tâm hồn, tiếng nói vỡ đi, khi vào lớp đệ thất thì rất ư là "ngáo", rỏ ràng là trẻ con vô cùng, đến hết năm đệ nhất thi Tú Tài II thì cũng rất thơ ngây nhưng lại vô số tội. Vào khoảng năm đệ tứ, đệ tam thì thật là vất vả, không phải đơn thuần chuyện học hành mà vì những phân vân của lớp tuổi dậy thì, lúc mà những quả bom hormone nổ lung tung trong chúng ta, mụn trứng cá tha hồ bám vào da mặt một cách đáng ghét, và quan trọng hơn hết là trong chúng ta cảm thấy nao nao với người khác phái, bắt đầu chép lén lút những câu như :

Làm sao định nghĩa được tình yêu
Nó đến với ta một buổi chiều
Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt
Bằng mây nhè nhẹ gió hiu hiu .

Cùng với Xuân Diệu là những vấn vương của Phấn Thông Vàng, những giờ cúp cua để chờ đợi chọc ghẹo các tà áo trắng trong Lăng Ông Bà Chiểu là chuyện về sau, có lẻ chúng ta khó mà nhớ lại khi nào nghe được sự tiếp xúc đầu tiên với các danh từ rất hữu cơ, nhưng trừu tượng vào giai đọan đó, như giống đực giống cái, như khai hoa nở nhụy, dưới một cách nhìn khoa học nhưng tự nhiên, bước qua khỏi giới hạn của sự tò mò. Chúng ta cũng không nên nóng vội để nhân cách hóa lên thành con trai con gái, thành quan hệ nam nữ … Chưa đâu, vào tuổi 12, 13 của thời đệ nhất cấp thì trong thiên nhiên sự tạo giống của giống đực giống cái chúng ta biết trước được qua các bài học về nhụy đực, nhụy cái, về sự thụ tinh qua cảnh "hoa thơm bướm lượn" rất ư trữ tình, nhất là đối với các nam sinh ăn chưa đủ no ngủ chưa đủ giấc như chúng tôi ở trường Hồ Ngọc Cẩn, nghe bài giảng mà trong đầu vẫn còn nghĩ đến đi bắt cá lia thia, chơi đánh trõng, bắn bi, thảy nút phén, mọi chuyện điều đơn giản vì chưa có đòi hỏi mà cũng chẳng cần thiết, nghe sao biết vậy, qua bài học Vạn Vật nên biết thiên nhiên là như thế, thật là trong trắng ngây thơ.

Nhưng lúc đó đã có biết yêu thương gì không, có lẻ có mà chúng ta không biết. Xưa lắm rồi, có một nhân vật khá nổi tiếng là ông Erasmus Roterodamus, một nhà nhân chủng học và thần học người Hòa Lan, sinh tại Rotterdam, khoảng năm 1466 và mất tại Basel, Thụy Sĩ năm 1536 đã đưa ra câu châm ngôn: "Tình cảm quý mến giữa thầy và trò là yếu tố căn bản đầu tiên của sự học." (tạm dịch từ câu tiếng Anh: The first and most important step toward knowledge is mutual love between learner and teacher, tiếng Ý: Il reciproco amore fra chi apprende e chi insegna è il primo e più importante gradino verso la conoscenza, tiếng Pháp: L'amour réciproque entre l'élève et l'enseignant constitue la première étape essentielle à la transmission du savoir )

Trong thập niên 60, thần tượng của chúng ta lúc đó có thể chưa là Johnny Halliday, Sylvie Vartan, François Hardy hay Beatles, mà là các Thầy các Cô hiền và xinh dể gây cảm tình, như đã khơi lên trong chúng ta một ham muốn học hỏi kèm theo tình cảm thương mến khắng khít. Các Thầy thì khó quên nhưng đối với nam sinh thì lại quyến luyến và nhớ nhiều các Cô hơn.

Ở trường chúng tôi vào những năm 60-70 có phổ biến hai câu :
Image Trúc xinh trúc mọc đầu đình
Cô xinh cô đứng chỗ nào cũng xinh

Hai câu ca dao dị bản trên là do học trò Hồ Ngọc Cẩn "hiệu đính" lại để nói đến Cô Nguyễn Thoại Ngọc Anh, giáo sư Vạn Vật của nhiều lớp học sinh chúng tôi, chứng tỏ lòng ngưởng mộ của học trò với Cô, người đã dẫn dắt chúng tôi những bước đầu tiên đi vào thế giới của thiên nhiên sinh học, để có cái nhìn khác hơn về giống đực giống cái, để hiểu phần nào tại sao có trường Nam mà cũng có trường Nữ, ở Gia Định có trường Hồ Ngọc Cẩn nên phải có trường Lê Văn Duỵệt, cũng như muốn có Hồ Nuôi Cá thì nên làm Ao Rau Muống.
Image Cô Ngọc Anh từ trường Tây vào học Y Khoa PCP (Physic Chemic Biology) cùng thời với Thầy Lê Xuân Khuê, sau đó chuyển qua Đại Học Sư Phạm và ra trường khoảng năm 1959-1960. Trong khi chồng của Cô làm việc trong phi trường Tân Sơn Nhất, công việc của Thầy là kiểm soát viên phi hành từ các tháp quan sát cho đến năm 1975. Thầy Cô có cả thảy bốn người con, ba gái và một trai, mỗi người ở một nước khác nhau, người con trai cả đang sống ở Việt Nam và làm việc cho một hảng ngoại quốc ở Sài Gòn, đi Bangkok thường xuyên. Người con gái út lập gia đình ở Úc nhưng đang theo chồng công tác cho một tổ chức quốc tế ở Kampuchia, năm 2005 Thầy Cô đã qua thăm con ở Úc và nhân dịp này đã gặp lại các đồng nghiệp và học trò cũ đang sống tại xứ miệt dưới, một người con gái khác có gia đình ở Montreal, Cô và Thầy vừa mới đi thăm hồi cuối tháng sáu năm 2001, vài ngày sau đó vào tháng 7 năm 2001, khi tôi được Thầy Vũ Văn Quý nhiệt tình đưa đến thăm, lúc đó Cô Thầy còn đang sống với rể và người con gái ở Milpitas thuộc San Jose, từ tháng 8 năm 2001 Cô và Thầy đã ra sống riêng.
Image Vào thời điểm đó Cô đã 67 tuổi nhưng vẫn đi làm ở một nhà trẻ, chồng Cô, lớn hơn Cô 1 tuổi, cũng còn đi làm, có lẻ vì khi qua Mỹ năm 1995 Cô và Thầy sống 2 năm không làm việc nên sợ ở nhà. Cô bắt đầu đi làm ở Mỹ từ năm 1997 với lương ban đầu 5,5 $/giờ, vào năm 2001 thì Cô làm full time 8 tiếng với số lương gấp đôi. Ngẫm ra thì với cái nghề giáo sư Vạn Vật Cô Ngọc Anh vẫn dính dáng đến quá trình phát triển con người, lúc trẻ thì gỏ đầu mấy đứa học trò Hồ Ngọc Cẩn hay phá phách, lúc lớn tuổi thì lại chăm sóc em bé, một hình ảnh giáo dục tòan vẹn nhất. Cô kể khi đi làm về không sao quên được những em bé mà Cô vừa mới thay tả hay cho bú sữa bình, lần đầu gặp lại Cô, một trong hàng hàng lớp lớp học trò mà Cô đã dạy qua, nên Cô không thể nhớ lại người học trò cũ.

Nhưng trong Diễn Đàn Liên Trường HNC-LVD, các học trò cũ vẫn không bao giờ quên Cô, chúng ta hảy đọc lại vài trao đổi tiêu biểu :

Tôi còn nhớ hồi cô Anh mới ra trường đi dạy bị học trò lớp lớn (không biết có anh Quốc và anh Định trong đó không) chọc quá trời. Cô khóc về nhà đòi bỏ nghề. Chú của tôi, cũng là bạn của ba cô Anh, hỏi tôi chuyện gì xảy ra trong trường. Lúc đó tôi còn nhỏ có thấy chuyện gì đâu. Thế mà rốt cuộc cô dạy lâu lắm, ngay cả sau 75 cũng còn dạy chung với cô Ngoạn.
Trần Thanh Tịnh

Posted by: Đinh Văn Hà - December 6, 2001
Tôi còn nhớ lúc tôi còn học lớp Đệ Thất, Đệ Lục A1 (1963-1964). Cô Anh là giáo sư Vạn Vật, cũng là người rất nghiêm trang, nên mặc dù còn rất xinh và trẻ mà học trò ai cũng kiêng nể. Chỉ có một điều là mỗi lần nghe đến ai nói: "Chiếc xe deux cheveaux trắng ... " là cô lại tủm tỉm cười. Hẳn là cô còn nhớ chứ hở cô Anh ??? Một kỷ niệm khó quên

Posted by: Nguyen Quang Binh - December 20, 2001
Cô Nguyễn Thoại Ngọc Anh được tất cả học trò kính và thương...
Nhưng có vài tên rắn mắt như Phan Quốc Lâm, Đào Văn Lễ , Đinh Văn Thiện ,Trần Kháng Thụy...và tôi lại hay lén gọi là CHỊ ANH... Bởi vì Cô có người em gái Ngoc Lan (?) học Văn Khoa... Ôi,cái thời đứng ngẫn trông vời áo tiểu thư, mấy tên con nít con trung học mà đã đem lòng ái mộ sinh viên...

……….
Nếu có thể được, nhờ anh thưa với Cô Anh là có đứa học trò vẫn còn nhớ đến ngôi nhà của Cô ở Thủ Đức, nơi có một chiếc đàn dương cầm bé tí...
Sau năm 75, tôi có gặp lại Cô Anh một lần, lúc đó Cô và gia đình đã dời về Hàng Xanh. Rồi thôi, để trong lòng vẫn thương nhớ những người Thầy Cô đã cho bọn trẻ hưởng được một thời hoàng kim của nền giáo dục VN (lời của Thầy Huấn, sau 75)...

Cô Anh tôi quả thật vừa kính vừa thương như CHỊ CẢ, còn có Thầy Giám Thị Tống Hoàng Dụ mà tôi trọng như CHA, chỉ tiếc là khi mình đủ lớn để hiểu thì không còn được gặp Thầỵ
Cám ơn anh Tuyên.
Bình Mù

Hoặc những trao đổi giữa Ban Liên Lạc HNC trong việc điều hành
Sat, 21 Jun 2003 14:36:58 EDT

Thành quả của Bản Tin và Quỹ Tương Trợ
Các anh thân,
Sáng nay cô Ngọc Anh có tới phòng mạch tôi, nói chuyện về BT và QTT, đồng thời có gửi tôi một số tiền để giúp cho quê nhà và cho QTT. Tôi rất xúc động và ngại ngùng khi cô đưa $350 cho các việc này, vì tôi hiểu trường hợp của gia đình cô. Tuy nhiên Cô nói là thấy các em đã bỏ công sức và thì giờ ra cho các BT cũng như giúp đỡ ở quê nhà nên ý muốn của thầy cô là như vậy. Tôi đã đại diện anh em cám ơn lòng tốt của gia đình cô.
Cô lại còn dặn là đừng nêu tên Cô lên, nhưng tôi có trả lời là tuy dù em có dấu tên cô mà chỉ viết như anh Danh đã viết là
" Trúc xinh trúc đứng đầu đình.
Cô xinh cô đứng chỗ nào cũng xinh"
thì các học sinh ai ai cũng biết là cô Ngọc Anh ngay. Do đó em không hứa là không nêu tên Cô lên, vì chúng em muốn các bạn cũng như thầy Tài ở VN đều hiểu rõ về các phần quà đó.
Cô đã cười và trả lời là tùy các em.
Vậy phần này tôi nhờ các anh Quốc, Định và anh Danh lựa lời văn mà viết trong Bản Tin cũng như trên Diễn Đàn dùm
$100 để giúp thầy Tài.
$50 cho anh Minh
$50 cho anh Quang
$50 cho anh Mịch
$100 cho QTT
Tôi sẽ gửi check sang anh Quốc ngày thứ hai. Khi nhận được anh Quốc nhớ viết thư về cô Anh.
PS. Anh Quốc, Cô vẫn nhắc đến nồi cơm điện gửi tặngThầy Cô hồi nào
Thân
Nguyễn Mạnh Dần, San Jose

Thời gian gần đây vì không có dịp đi Mỹ nên tôi không gặp để chào Thầy Cô trực tiếp, tuy nhiên vẫn có liên lạc với Cô, xin phép Cô chuyển những tin tức gần đây nhứt của Cô đến tất cả các học trò cũ đã học với Cô.
Milpitas ngày 19 tháng 1 năm 2004
Em D. mến
Cô đã nhận được thư của em, cám ơn những lời chúc tốt đẹp của em . Cô cũng gửi đến em lời chúc gia đình em được mọi sự như ý nguyện và hạnh phúc, thành công.
Hôm họp tất niên với học sinh Hồ Ngọc Cẩn, cô cảm thấy thời gian thật là qua nhanh như "bóng câu qua cửa sổ". Cô nhớ lại ngày nào đứng trên bục giảng nhìn những đôi mắt ngây thơ chăm chú vào bài giảng, ngày nay ngồi bên dưới nhìn lên sân khấu, những cậu học sinh bé nhỏ ngày nào giờ đây tóc đã điểm sương, đang thao thao bất tuyệt.
Công việc của em bây giờ ra sao ? Và gia đình ? Em có mấy cháu ? Các cháu học hành như thế nào ?
Đời sống bên em dể chịu không ? Bên này nhất là vùng cô ở thất nghiệp nhiều, nhiều sinh viên ra trường không tìm được việc làm. Vật giá lại gia tăng. Cuộc sống khó khăn lên.
Ít hàng thăm em. vợ em và các cháu .


Nguyễn Thoại Ngọc Anh
Milpitas ngày 3 tháng 4 năm 2005
Em D. mến
Cô đã nhận được thiệp chúc Tết của em từ lâu. Bụng tự bảo sẽ trả lời cho em. Nhưng rồi nhiều việc bận hằng ngày, vừa sức khoẻ kém, lại tuổi già quên trước, quên sau, nên Cô đã quên bẳng đi. Mãi hôm nay, ngồi tình cờ xếp lại thư từ, bắt gặp lại thư em; Cô phải vội trả lời cho em ngay. Cô nghỉ thà muộn còn hơn không, phải không em ? Cô cám ơn em rất nhiều, người học trò năm xưa còn nhớ đến Cô.

Cô mong rằng Em và gia đình được mọi sự an bình, hạnh phúc. Năm nay em đã là ông nội hay ông ngoại chưa ? Em được mấy cháu ? Các cháu chắc đã thành nhân cả rồi phải không ? Cuộc đời trôi mau quá ! Nhìn lại tấm ảnh Cô chụp chung với em và Thầy Quý, thế mà đã 4 năm rồi.

Cô đã dọn ra ở riêng rồi. Một apartement 1 phòng ngủ gần chỗ Cô đi làm độ 5 phút lái xe, gần chợ, gần shopping center, gần bến xe bus, tiện lợi. Âu cũng là may mắn.
Ít hàng Cô thăm em và gia đình em. Cô chúc em và gia đình nhiều sức khoẻ và luôn gặp những điều may mắn.

TB. Con gái Cô đã dọn nhà đi nơi khác nên địa chỉ cũ không còn dùng được nữa.
Image Đời sống như những cụm hoa chùm gởi, nhứt là đối với những người ly hương, tạm bợ nỗi trôi theo số mệnh, làn gió thỏang đưa phấn hoa đến một phương trời vô định, một trong những bài học vạn vật mà chúng ta đã bỏ quên trong một ngăn kéo nào đó của bộ nảo, nhưng không bao giờ quên đi người đã tải đến cho chúng ta những kiến thức đầu đời này.
Học Trò Hồ Ngọc Cẩn Gia Định
8-7-2006

Post Reply