Một Thoáng hương Xưa

Tin tức về Thầy Cô năm xưa và nay!!!

Moderator: CNN

Post Reply
nvd
Posts: 28
Joined: Thu Dec 02, 2004 10:29 pm

Một Thoáng hương Xưa

Post by nvd »

Một Thoáng Hương Xưa Đầu niên khóa 1963-1964 tôi được đổi từ trung học Phan Thanh Giản - Cần Thơ về dạy tại trung học Hồ Ngọc Cẩn - Gia Định. Trong suốt 11 năm gỏ đầu thiếu niên tại đây, 4 vị Giám Học đã kế tiếp nhau điều hành chương trình học và lập thời khóa biểu cho giáo sư. Các vị thì "mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười". Vị nào cũng làm nhiệm vụ một cách mẫu mực, nghiêm chỉnh, lấy công tâm để đối xử với tất cả mọi người. Thời xa xôi đó, phần đông các giáo sư đều đi dạy thêm ở tư thục, và tôi cũng không thoát khỏi qui luật trên. Tôi dạy thêm ở Viện Văn Hóa Pháp và Lycée Fraternité của dòng Jesuites tại Chợ Lớn. Cái khó của quí vị giám học là sắp xếp sao cho các thời khóa biểu công-tư thục đừng "đụng đầu" nhau. Riêng đối với cụ Bằng, vị Giám Học cuối cùng của trường Hồ Ngọc Cẩn, tôi có những tương giao sâu đậm, xin kể lại cho các bạn nghe gọi là tưởng niệm một vị giáo chức - giám học tuy thầm lặng nhưng đầy lòng vị tha.

Thời vàng son đó, tôi có hai niềm vui lớn. Niềm vui thứ nhất là được học trò ngoan, chăm chỉ, hiếu học. Nếu thỉnh thoảng một vài cậu lí lắc "ló mòi" thì đã có các cụ Tổng Giám Thị "múa roi Mai Hoa" liền và các cậu lại xếp hàng trật tự như buổi chào cờ hàng tuần vào sáng thứ hai ở sân trường vậy. Niềm vui thứ hai là trong suốt 6 năm liền tôi hầu như mỗi năm đều nghỉ "hộ sản"2 tháng, mà lại nghỉ vào giữa niên học nữa chứ ! Có năm, các nữ giáo sư đua nhau nghỉ "hộ sản" cùng một lượt, mà mỗi vị lại đãm trách một môn khác nhau, báo hại các vị giám học tíu tít bù đầu lo sửa đổi thời khóa biểu, còn chị (Đoàn Thị) Nguyên lại lóc cóc đánh máy với 10 ngón tay búp măng xinh xắn, có khi chị cũng nghỉ hộ sản luôn ! Rồi bẳng đi vài năm, tôi làm người "anh hùng thấm mệt".

Có lần tôi gặp cụ Bằng ở sân trước, cụ vui vẻ hỏi :
"Thế bà Trí năm nay có định nghỉ hộ sản không ?"
"Thưa không, để nghỉ xả hơi vài năm, thưa ông giám học"
Cụ cười nói :
"Vậy là chương trình của ban Tùng Lâm còn tiếp tục chứ !".

Tôi thường trông thấy cụ đi qua lại sân trước, tay thường cầm một tờ giấy đánh máy. Cụ dáng người mảnh khảnh gầy, lưng hơi khòm, răng hô, đeo kiếng thật dầy, gọng sừng. Cụ lúc nào cũng áo sơ mi trắng, quần tây nâu hoặc xám sậm. Thỉnh thoảng có dịp lớn, cụ tô điểm thêm chiếc "cà ra quách" ở cổ. Cụ ít nói, nhưng lúc nào cũng nhỏ nhẹ, tươi cười.

Rồi trời đất nỗi cơn gió bụi, vật đổi sao dời, ruộng dâu hóa biển. Lúc đó tôi không còn dạy ở Hồ Ngọc Cẩn mà đã đổi về Đại Học Bách Khoa Thủ Đức. Đại Học Bách Khoa bị đóng cửa; tất cả nhân viên, từ chú giữ cổng đến giáo sư nhân viên văn phòng đều phải hàng ngày đến trình diện ở Viện Đại Học, phía sau "hồ con rùa" để lảnh mỗi tháng 20 đồng tiền mới, 7 ký gạo, 2 ký bobo. Chồng tôi lại đi cải tạo một thời gian dài. Tôi viện cớ đau, xin nghỉ việc nhưng vẫn tiếp tục dạy ở Viện Văn Hóa Pháp, sau đó Viện đóng cửa, tất cả học sinh Pháp, hay quốc tịch Pháp chuyển về trường tiểu học Colette, nằm góc đường Lê Văn Duyệt - Hồ Xuân Hương. Tôi quyết định rời quê hương.

Một ngày đầu năm 1978, tôi tình cờ gặp lại cụ Bằng ở đầu đường Lê Quang Định, cụ ngạc nhiên hỏi nhỏ :
"Bà Trí chưa đi sao ? Tôi nghe nói giáo sư trường Pháp đều được Pháp bốc đi mà !"
"Dạ đúng, nhưng danh sách 300 người đưa qua Ủy Ban Quân Quản tới nay chưa thấy trả lời, chắc tôi phải đi trước, thưa ông giám học"
Cụ thấp giọng hơn nói nhỏ :
"Tôi còn một cháu trai, em của Quế, học trò bà đó, bà cho tôi gởi cháu được không ?"
"Dạ được, khi nào có tin tức gì tôi sẽ báo cho ông giám học hay"

Tôi còn gặp cụ Bằng 3 lần nữa, cụ già hơn trước nhiều, gầy hơn, mặt hằn nét lo âu, nụ cười hiền hậu năm xưa không còn nữa. Cuộc ra đi cũng nhiều nỗi gian nan nhưng cuối cùng thuyền chúng tôi đã đến bến bờ Nam Dương chiều ngày 28 tháng 5 năm 1979.

Rồi mỗi người đi một ngã, theo lòng nhân đạo của quê hương thứ hai. Tôi bặt tin em Hợp, mặc dầu biết em cũng ở Đức. Nhờ "Bản tin Hồ Ngọc Cẩn" tôi mới biết hai cụ Bằng đã ra người thiên cổ, cụ ông đi trước, cụ bà theo sau, cách nhau chỉ trong vòng một tháng. Nhưng chắc hai cụ đều mãn nguyện vì các con đều đã được thành đạt ở xứ người.

Nguyễn Thị Trí

nvd
Posts: 28
Joined: Thu Dec 02, 2004 10:29 pm

Thầy Tạ Văn Bằng

Post by nvd »

Thầy Tạ Văn Bằng Niên khóa 1961-62, lớp Đệ Nhứt C, Thầy Bằng dạy Anh Văn ,Sinh ngữ 2. Phải nói là năm đó, tất cả các thầy chúng tôi đều hiền lành, trong đó có thấy Bằng.
Học sinh chúng tôi cũng rất chăm học, không đứa nào làm phiền Thầy Cô bao giờ, trừ giờ môn Vạn vật, Toán , Lý hóa. Nói là phá chứ thật ra chúng tôi chỉ không chú ý học cần thận các môn này, vì là môn phụ.

Thầy Bằng dạy suốt năm không nghỉ ngày nào, Thầy chấm bài rất cẩn thận. Khi trả bài chấm ,Thầy gọi từng đứa lên bàn,Thầy giải thích cặn kẽ. Tôi chưa bao giờ nghe Thầy lớn tiếng với học trò. Lúc giải thích, Thầy nói rất nhỏ nhẹ, từng điểm một, Thầy chú ý từng đứa học trò, không bỏ sót đứa nào. Đố ai tìm đuợc một khuyết điểm ở một nhà giáo như Thầy..
Mấy mươi năm dạy học mẫu mực ở trường cũng như ở ngoài đời. Tôi không biết Thấy ở Melbourne, lúc vào web HNC mới biết Thầy đã về thế giới an lạc, tôi tiếc không được cơ hội đốt cây hương tưởng niệm và cảm ơn Thầy.

Lưu Nhơn Nghĩa

Post Reply