Góc nhỏ của anh 3 Giang

Tung cánh chim tìm về mái trường xưa. Mong tìm bạn học cũ, nay ở đâu xin nhắn đôi lời!!!

Moderator: CNN

User avatar
linhgia
Posts: 1308
Joined: Fri Dec 03, 2004 9:30 am

Post by linhgia »

34 năm sau và họ là ai ?





Lão Gà Tre



Ba mươi bốn năm (34) so với chiều dài lịch sử của một triều đại thời xưa thì ngắn, nhưng với một đời người thì dài lắm, nhất là đối với những ai quan tâm đến thời cuộc, đến vận mệnh khổ đau của dân tộc Việt Nam thì nó lại càng dài hơn.


Ba mươi bốn năm trôi qua quả thật như một giấc mơ hãi hùng! Máu, nước mắt, khổ lụy, nghiệt ngã vẫn còn đây! Những cuộc vượt thoát vô tiền khoáng hậu của người Việt trốn chạy cộng sản – mà cả thế giới đều biết – vẫn còn ghi đậm trong lịch sử nhân loại. Riêng đối với người Việt tị nạn, làm sao có thể quên được những ngày tháng hãi hùng ấy. Có lẽ nó sẽ nằm sâu, nằm mãi trong tiềm thức của mỗi chúng ta.


Ba mươi bốn năm rồi mà người đi vẫn đi, không còn đi được bằng cách vượt biển, vượt biên thì cũng tìm cơ hội khác để đi: ODP (đoàn tụ), lấy vợ, lấy chồng, du học, chạy chọt làm sao để rời xa cái gọi là “thiên đường xã hội chủ nghĩa” . Chính ngay những người theo cộng sản cả đời, những người được hưởng ơn mưa móc như núi, nhưng nếu có cơ hội ra đi là họ đi ngay để trốn khỏi cái “thiên đường” quái đản ấy.


Chừng đó thôi cũng đủ để chứng minh một cách hùng hồn rằng con người không thể sống dưới chế độ cộng sản. Khổ thay, Việt Nam là một trong bốn nước cộng sản còn lại mà loay hoay mãi vẫn không thể nào thoát khỏi cái thiên đường mù đầy oan nghiệt ấy! Nếu miền Nam Việt Nam không bị bán đứng vào tay cộng sản vào 1975, thì chắc chắn, sau sự sụp đổ của khối cộng sản Ðông Âu và Nga Sô, toàn cõi Việt Nam bây giờ đã là một xứ tự do, giàu mạnh như bao nhiêu quốc gia văn minh khác. Ít ra cũng bằng Nam Hàn với nền văn minh nhân bản như ngày nay.


Khỏi cần phải tố cáo hay chê bai chế độ; khỏi cần luận tội tập đoàn cộng sản lãnh đạo đất nước đã tàn phá quê hương như thế nào sau 34 năm thống nhất hai miền Nam-Bắc; khỏi cần so sánh với các nước láng giềng và các quốc gia khác trên thế giới – cũng bằng ấy thời gian đã vươn lên như đi hia bảy dặm – mà cứ nhìn vào xã hội tan nát, luân thường đạo lý tiêu tan, thị trường cung cầu quái dị, con người chạy theo vật chất một cách điên cuồng là biết ngay.


Khỏi cần phải nghe những luận điệu vì cảm tính của một số người về thăm quê hương rồi trở lại hồ hỡi ca ngợi: “Ðất nước ngày nay khá rồi, thôn quê đã có điện nước, người dân có quyền đi lại và có quyền chửi luôn cán bộ cộng sản”. Thế sao? Chỉ có ba bóng đèn thắp sáng trong vài túp lều thô sơ, nghèo khổ, lạc hậu; chỉ có vài người vụt miệng chửi đổng cán bộ là đã có tự do, là đất nước khá rồi hay sao? Trong khi đó đa số các quốc gia tự do trên thế giới đã và đang tiến vào một đời sống sung túc và văn minh nhất của con người lại không đem ra so sánh!


Ðúng! Việt Nam đã có tự do, nhưng đó là thứ tự do của giai cấp cai trị được “tự do” ăn trên ngồi trước, “tự do” trấn lột quần chúng để thụ hưởng những xa hoa, phù phiếm trên nỗi thống khổ của toàn dân, vốn đã quá khổ trong một thế kỷ qua vì chiến tranh bom đạn. Phải, Tự là “tự” họ quyết định sự sống của người khác bằng họng súng và Do là “do” họ tạo nên những thủ đoạn đê hèn để áp đảo người dân, tước đoạt mọi thứ quyền tự do căn bản của con người.


Ðúng! Có tiến bộ, nhưng là thứ tiến bộ lừa đảo, mưu mô xảo quyệt cướp giựt để đàn áp mọi sự chống đối của người dân – khao khát hít thở không khí tự do – đã và đang đứng lên đòi tự do tôn giáo, tự do được sống làm người.


Nói tới chính trị là phải chứng minh bằng dữ kiện, bằng đường lối cai trị của một chế độ đang điều hành guồng máy quốc gia. Chế độ ấy như thế nào thì chúng ta đã thừa biết, khỏi cần nhắc lại làm gì cho tốn giấy tốn mực. Nếu họ thật tâm lo lắng cho quyền lợi của quê hương đất nước, cho người dân được hưởng những quyền tối thiểu của con người thì 34 năm qua đất nước đã khá lên rồi. Nếu họ có thật tâm xây dựng đất nước thì tại sao chúng ta phải bỏ nước ra đi, phải tiếp tục ra đi cho đến ngày nay, và phải chấp nhận sống chết trong đường tơ kẽ tóc để tìm tự do? Vì thế, những luận điệu nông cạn thiếu suy nghĩ ấy chỉ là mớ lý luận có lợi cho cục tuyên vận của CSVN.



Vậy, họ là ai?


Họ là những thành phần ích kỷ, chỉ biết sống cho mình, miễn sao có một đời sống sung túc trên xứ người là đã thỏa mãn. Còn quê nhà, bà con làng xóm có sống như thời kỳ “đồ đá” thì cũng mặc. Miễn sao lâu lâu ta về thăm cái xứ lạc hậu ấy để thí cho một vài đồng đô, vừa được tiếng, vừa được những người thọ ơn ca tụng cho thỏa cái tự ái vị kỷ của mình.




Họ là ai?


Họ là thành phần cán bộ được cộng sản cấy theo đoàn người tỵ nạn, nằm vùng khắp mọi nơi, đóng vai quốc gia trá hình, chờ cơ hội là bò dậy tấn công vào hàng ngũ người Việt Quốc Gia, vốn đã chia rẽ trầm trọng do bản chất vị kỷ, phi chính trị của những người sinh hoạt ngoài công cộng.


Họ có mặt sinh hoạt nội gian, nội gián trong mọi tổ chức, đảng phái chính trị. Mục tiêu chính của họ là phá nát các tổ chức chính trị chống cộng, bày mưu, chước kế đâm bên này, thọc bên kia, gây mâu thuẫn nội bộ, tung những nguồn tin giật gân ra ngoài làm cho quần chúng mất niềm tin... Mục tiêu của họ chỉ có thế thôi. Khi đã thành công vì phá được các tổ chức chính trị đi đến tình trạng gần như bị tê liệt thì họ đi đâu và làm gì? Dĩ nhiên là họ đã lặn thật kỹ, viện cớ chán ngán thế sự, lui về ngồi rung đùi đếm tiền và hưởng nhàn, ôm theo một đống tiền, gọi là công tác phí trọn đời.



Họ là ai?


Thà rằng tỏ rõ thái độ đầu hàng như một ông tướng, ông nhạc sĩ “nhớn” đã quay về với đảng và nhà nước, ăn năn sám hối để được hưởng “lộc” cuối đời. Dù xú danh muôn thuở, người đời nguyền rủa, nhưng ít ra họ đã biểu lộ thái độ chính trị dứt khoát theo cộng để người ta phân biệt lằn ranh biên giới rõ ràng giữa họ và chúng ta. Còn hơn những tên nằm vùng sống với nhiều mặt nạ khác nhau để quậy phá các tổ chức chính trị, hội đoàn, cộng đồng; thậm chí trong giới cầm bút cũng không thiếu những tên tự xưng là người cầm bút, nhưng bất xứng, lại háo danh, hám lợi. Chính họ là một thứ bồi bút không hơn không kém, viết lách theo đơn đặt hàng, núp bóng trong tổ chức Văn Bút, để “cố đấm ăn xôi” một cách quyết liệt với mục đích xé nát tổ chức nhằm xóa bỏ dấu tích còn lại của người Việt quốc gia trên diễn đàn quốc tế. Họ cố đấm dù không ăn được xôi đến độ một cách phi lý, phi văn hóa mà bất cứ ai có chút suy nghĩ cũng phải nghi ngờ chắc chắn đàng sau họ phải có một sức đẩy nào đó. Họ chính là “những kẻ vô lại may mắn” như nhà văn Phạm Ngũ Yên đã đặt tên trong một loạt bài tố cáo đích danh những tên vô lại này trước công luận vào năm 2008.



Họ là ai?


Họ cũng là những người vượt biển vượt biên ra đi tìm tự do, nhưng sống “với vật chất và vì vật chất” nên theo thời gian, thời thế thế thời phải thế. Họ đã quay lưng, cúi đầu phục vụ trực tiếp, hay gián tiếp cho cục tuyên vận CSVN, sẵn sàng đâm vào vết thương lòng của tập thể người Việt tỵ nạn để kiếm lợi.



Họ là ai?


Họ là những nhà “làm chính trị” theo kiểu lập dị, với mớ lý luận thiên tả, ưa bềnh bồng, không định hướng như con thuyền không bến. Họ sống bên này với thế giới tự do văn minh, phủ phê vật chất nhưng luôn luôn mơ mộng ở một “thiên đường” khác: thiên đường của hoang tưởng, thiên đường của không tưởng. Nhưng nếu họ được sống thực trong cái “thiên đường” ấy, chắc chắn là họ phải lên cơn điên và trở thành người điên sớm nhất. Tiếc thay, khi va chạm với thực tế trong cái xã hội tha hóa ấy thì hối hận cũng đã muộn màng!



Họ là ai?


Họ là thành phần làm chính trị theo kiểu salon, thích đọc diễn văn “xa đấm, gần đâm”. Nghĩa là ở xa thì hô hào “Ðấm” đá, những ở gần thì “Ðâm” đầu bỏ chạy. Họ cứ tưởng sẽ hòa hợp được với cộng sản bằng một mớ kiến thức về kỹ thuật mà họ học được từ hải ngoại. Về nước họ sẽ được trọng dụng và đảng cộng sản sẽ nghe theo họ. Ðúng là hoang tưởng!



Họ là ai?


Họ là những thương gia, với quan niệm “chỉ làm thương mại, không làm chính trị”. Giấc mơ của họ là giấc mơ của những “đại gia” thời mới, đượỳc nhà nước ca tụng và tâng bốc trên tận mây xanh. Trước khi đặt vấn đề đầu tiên là “tiền đâu”; dĩ nhiên là họ phải chạy theo giai cấp thống trị, làm theo lệnh của bạo quyền để kiếm lợi. Vì vậy, với thành phần chỉ biết mua bán để kiếm lợi thì trách họ làm gì cho bận tâm. Với họ. quê hương dân tộc không bằng một quả chanh, khi vắt hết nước là liệng vỏ ngay. Gần đây, nhiều “đại gia” đổ tiền về làm ăn vì được đảng nâng bi ca tụng hết mình, nhưng chỉ một thời gian sau thì những đại gia này đều bị trấn lột sạch sành sanh... kêu Trời không thấu! Cái giá “không làm chính trị, chỉ biết làm ăn” họ đã phải trả một cách cay đắng.




Lời kết:


May thay, dân tộc Việt trường tồn qua mấy ngàn năm nay cũng nhờ vào hồn thiêng tổ tiên phù trợ, nên thành phần “Họ Là Ai” nói trên chỉ là thiểu số ung nhọt, sâu mọt trong đại gia đình dân tộc Việt mà thời nào cũng có trong lịch sử. Còn đại đa số những người bỏ nước ra đi tìm tự do thật sự từ năm 1975 đến nay, vẫn một lòng, một chí hướng, đó là giải thể chế độ cộng sản để đưa đất nước tiến lên trong tự do dân chủ. Ngày nào còn bóng dáng cộng sản là còn đấu tranh đòi quyền sống cho đồng bào ruột thịt đang chịu đựng trăm đắng ngàn cay ở quê nhà.


Ba mươi bốn năm rồi, mặc dù những hiện tượng chia rẽ trong hàng ngũ của chúng ta đã xảy ra vì địch và vì chính chúng ta tạo nên cũng có, nhưng những chiến sĩ can trường đã và đang âm thầm hay công khai đấu đầu với CSVN ở khắp mọi nơi vẫn kiên trì, bất khuất, vẫn một lòng với đại cuộc đấu tranh chống cộng. Ở quốc nội, các vị chân tu của các tôn giáo, các nhà đấu tranh cho dân chủ vẫn không sờn lòng đứng lên đòi quyền sống, quyền hành đạo, quyền được phát biểu tư tưởng, mặc dù bị bắt bớ giam cầm dã man trong suốt 34 năm qua. Ở hải ngoại, vẫn những chiến sĩ xung trận ngăn chặn mọi sự xâm nhập của CSVN trên mọi chiến tuyến. Xin cầu chúc “chân cứng đá mềm” tới những tấm lòng bất khuất mà thời nào họ cũng đứng lên trong dòng sinh mệnh của dân tộc Việt.


Là những người may mắn thoát khỏi nanh vuốt của tập đoàn cộng sản, chúng ta không thể nào ngồi yên để hưởng thụ, mà đã đến lúc phải góp sức vào công cuộc chung, tiếp tay với những anh hùng đang xả thân vì nước bằng cách vận động, góp tinh thần – dù chỉ là lời nói – cho quí vị lãnh đạo tinh thần, những nhà đấu tranh cho dân chủ ở trong nước đang ngày đêm gian khổ, sống chết trước sự đàn áp dã man của bạo quyền cộng sản.


Có như thế thì chúng ta mới không phụ lòng những anh hùng liệt sĩ đã nằm xuống cho chính chúng ta được sống. Có như thế thì mới không hổ thẹn với chính lương tâm mình mỗi khi nhìn lại chặng đường lưu lạc gian khổ suốt ba mươi bốn năm qua: “Ta đã làm được gì cho quê hương dân tộc”? Có như thế mới làm gương cho thế hệ trẻ trong việc gìn giữ nguồn gốc và tinh thần trách nhiệm đối với sự sinh tồn của dân tộc. Một Brian Doan, một Madison Nguyễn, một John Nguyễn... cũng chỉ là một thiểu số nhỏ bé, bé hơn cả những hòn sỏi khi ném xuống mặt hồ yên lặng, vẫn chưa đủ sức làm gợn sóng lăn tăn. Thế nhưng, mặt khác của vấn đề là sự tỉnh thức của chúng ta, của tập thể người Việt không cộng sản, đó là đoàn kết và cố gắng chăm sóc cho thế hệ nối tiếp gìn giữ truyền thống giáo dục gia đình.


Nhân mùa quốc nạn, xin được thắp nén hương lòng gửi đến hồn thiêng của các anh linh tử sĩ, đồng bào vượt biển, vượt biên đã anh dũng nằm xuống cho đất mẹ sớm nở hoa tự do. Ðồng thời cũng xin được nguyện cầu bình an cho những anh hùng dân tộc đang ngày đêm chiến đấu một mất một còn với CSVN trên mọi mặt trận.


Lão Gà Tre
band4 3G McKeno

User avatar
linhgia
Posts: 1308
Joined: Fri Dec 03, 2004 9:30 am

Post by linhgia »

Tâm bút của Trần Trung Đạo


Đối với người Việt Tự Do, ngày 30 tháng 4 mang nhiều ý nghĩa. Trên bình diện lịch sử ngày 30 tháng 4 là một ngày đen.

Ngày những chiếc tăng T54 do Liên-Xô chế tạo nghiền nát đường phố Sài Gòn thân yêu rợp bóng me xanh. Ngày những chiếc trực thăng cất cánh từ sân thượng của những cao ốc. Ngày có những tiếng loa phóng thanh ra lịnh các cấp chính quyền miền Nam tập trung, trình diện vang lên trên đường pho. Ngày với những tiếng hát cao the thé của những nữ văn công miền Bắc vọng ra từ đài phát thanh vừa rơi vào tay Cộng Sản.

Ngày những Nguyễn Khoa Nam, Lê Nguyên Vỹ, Lê Văn Hưng, Hồ Ngọc Cẩn, Nguyễn Văn Long và bao nhiêu người con yêu khác của mẹ VN đã dò theo bước chân của Trần Bình Trọng, Hoàng Diệu, Phan Thanh Giản, Nguyễn Tri Phương mà lần lượt ra đi.

Trong bình diện xã hội, 30 tháng 4 là ngày điêu tàn tang tóc. Mẹ mất cha, anh xa em, vợ lạc chồng, những đứa trẻ mồ côi lạc loài trên đường phố, nước mắt ai rơi trên bờ biển, tiếng khóc thét của em bé vừa sinh ra trên những chuyến hải hành vội vã trong đói khát, lo âu, tuyệt vọng

Trong bình diện đấu tranh 30 tháng 4 là ngày quốc kháng. Ngày khởi điểm cho một mặt trận mới vì nhân quyền, tự do và dân chủ. Dù gọi 30 tháng 4 là ngày quốc hận, quốc nạn, quốc kháng hay là ngày gì đi nữa, thì trong tâm tư của mỗi người miền Nam sống trong ngày tháng đó vẫn là một tâm tư hãi hùng, lo sợ, bàng hoàng và đau xót.

Tất cả hình ảnh đó dường như đang xảy ra trong phút giây chúng ta đang thở. Tiếng súng như vẫn còn nghe. Ngọn lửa như vẫn còn đang nóng.

Thế nhưng đã là 29 năm. Đứa bé nằm trên bụng mẹ ngậm núm vú lạnh tanh không còn một giọt sữa mà không biết mẹ mình đã chết từ lâu, trong một bức ảnh đăng trong một tờ báo Mỹ, nay đã gần 30 tuổi. Và chúng ta, những người VN may mắn còn sống sót, vẫn như em bé kia, đang ngậm nỗi buồn nơi đất khách.

Dù tự an ủi bằng bao nhiêu bài thơ, bài hát chuyên chở niềm tin và hy vọng, bao nhiêu tuyên ngôn, tuyên cáo khẳng định lập trường, thì giấc mơ VN về một buổi sáng đẹp trời cho dân tộc vẫn còn là một giấc mơ thôi.

Hai mươi chín năm qua đi. Thế giới đã đổi thay nhanh chóng. Cuộc vận hành của lịch sử văn minh con người không chạy bằng những chuyến tàu điện nhưng đã chuyển sang thời kỳ của những máy bay siêu tốc. Tín hiệu Morse đã được chính thức thành lịch sử. Ông Denis Tito đã mua vé đi du lich trong quỹ đạo trái đất và trở về bình an. Ông Nelson Mandela đã ra khỏi tù và đưa đất nước ông vững tiến trên con đường dân chủ. Anh Ismail Darramy cụt hai tay của xứ Sierra Leon đã cười tươi vì được quyền bỏ phiếu. Nh ững đồ dùng chúng ta đang xử dụng trong nhà từ chiếc máy vi tính, chiếc microwave, DVD v.v. đều không có ba mươi năm trước, hay nếu có, cũng chỉ trong phòng thí nghiệm. Nói chung, tiến bộ và văn minh nhân loại đã bước một bước rất dài.

Nhìn lại đất nước VN, trong mọi lãnh vực, sau 29 năm chẳng những không bước thêm một bước nào; trái lại, về kinh tế, chính trị, đã lùi xa hơn vào quá khứ, và văn hóa đạo đức thì đang trở về gần với thời sơ khai nô lệ, nghĩa là thời kỳ mọi của cải đều có thể mua bán, trao đổi, kể cả mua bán, trao đổi chính con người. Và do đó, vấn nạn lớn nhất mà dân tộc VN đang phải đối diện hiện nay là lạc hậu về kinh tế chính trị và lạc hậu về văn hóa tư tưởng.

Khi nhận xét rằng VN lạc hậu kinh tế, không ít độc giả trong nước chưa có dịp tiếp xúc và so sánh giữa tiến bộ của thế giới và thay đổi tại VN, có thể không đồng ý với tôi. VN có cao ốc mới, khách sạn mới, cầu mới, đường mới, xe mới, nhà mới, số lưong du khách ngày càng tăng. Vâng, không ai chối cãi điều đó. Thế nhưng, trong một nền kinh tế thế giới đang toàn cầu hóa, mức độ phát triển của một quốc gia được xác định không phải bằng các chỉ tiêu riêng của từng quốc gia nhưng bằng sự so sánh với các quốc gia trong cùng khu vực, cũng như trong tương quan kinh tế thế giới. So sánh với đà phát triển của nhân loại, hai mươi chín năm, nền kinh tế VN như người bộ hành già nua đang đếm từng bước thầm trên xa lộ tân th9 Di. Hãy nhìn bầy kiến cõng những hạt gạo nhỏ li ti kia, nếu chúng cõng liên tục ba mươi năm cũng có thể tạo nên một cao ốc đừng nói chi con người. Câu khẩu hiệu "Với sức người sỏi đá cũng thành cơm" không phải nói lên sự cố gắng nhưng phản ảnh sự lạc hậu về kỹ thuật, và cũng tố cáo bản chất bất nhân, tàn nhẫn của một giai cấp thống trị đối với nhân dân VN.

Hai mươi chín năm qua, nếu không có nhiều tỉ đô-la hàng năm gởi về từ những người một thời đã bị chế độ nguyền rủa, trù ẻo để bị chết trôi, chết chìm trên biển Đông thì nền kinh tế VN còn tệ hại đến mức nào. Hai triệu người Việt hải ngoại gởi tiền về để giúp đỡ gia đình, bà con, thân thuộc, trại mồ côi, trại cui bởi vì họ là những người đã được nuôi dưỡng bằng những lời ru đậm đà tình thương của mẹ, bằng những câu ca dao chan chứa tình đồng bào "Lá lành đùm lá rách", "Chị ngã em nâng". Nếu họ được giáo dục bằng hận thù giai cấp, bằng sắt máu đấu tranh như những người Cộng Sản thì nền kinh tế VN ngày nay có thể vẫn còn đứng đầu bảng xếp hạng các quốc gia nghèo đói hàng năm của Liên Hiệp Quốc.

Khi nhắc đến những đổi thay kinh tế tại VN, một yếu tố quan trọng khác cũng cần lưu ý là những cái mới đó thuộc về ai. Hãy bước ra đường hỏi người lái chiếc xe Nhật đắt tiền kia ông là ai, bà là ai. Hãy bước vào một cao ốc hỏi ông chủ khách sạn năm sao nguy nga tráng lệ kia, trong điều kiện xã hội chủ nghĩa thì tiền ở đâu ông có để xây một khách sạn nhiều tầng như thế. Hãy bước vào nhà ông Chủ Tịch Huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên hỏi rằng với đồng lương của cán bộ cấp thấp như ông, thì mấy chiếc xe tải và đàn bò mấy chục con của ông từ đâu tới. Hãy bước vào trụ sở Hội Đồng Bộ Trưởng để hỏi các ông bà ủy Viên Trung Ương Đảng, Bộ Trưởng, với cấp số lương Bộ Trưởng mà Chủ Tịch Quốc Hội Cộng Sản Nguyễn Văn An than thở "Lãnh đạo VN là những người nghèo nhất" thì làm sao các ông, các bà có dư hàng trăm ngàn đô-la để lo cho con sang Mỹ học. Sẽ không ai trả lời. Đơn giản bởi vì chẳng một kẻ cướp nào muốn thừa nhận mình là cướp, nhất là cướp từ những người cù ng khổ nhất trong xã hội. Tương tự, hãy đi bờ sông Thu Bồn, sông Trà Khúc và hỏi những người đang đào hến, họ đã đào như thế bao nhiêu năm rồi. Hãy bước vào chợ Bến Thành hỏi những đứa bé đang lượm từng con cá ươn trong buổi chợ chiều, cha mẹ em đâu, nhà cửa em đâu, trường học em đâu. Hãy lên bịnh viện Chợ Rẫy hỏi những bà mẹ đang sắp hàng chờ bán máu, trong hai mươi chín năm qua, bà đã bao nhiêu lần bán máu. Hãy bước ra đường hỏi người phu đang cong chiếc lưng hốt từng đống rác, bao nhiêu chiếc chổi đời đã quét xuống lưng ông.

Hãy vào những con hẻm tối hỏi các em thanh niên nam nữ tuổi hai mươi đang bán á-phiện, ma túy, làm điếm trên những công viên tăm tối hay đang tự giết đời mình bằng những cuộc đua xe bạt mạng trên đường phố, hoài bão của các em về cuộc sống hôm qua, hôm nay và mai sau rồi sẽ ra sao. Họ có thể cũng không trả lời; không phải họ không muốn nói, nhưng như một Mục Sư làm công tác thiện nguyện tại VN đã viết: "Tuổi trẻ VN ngày nay không biết định nghĩa của hai chữ hoài bão là gì". Một dân tộc mà thế hệ hai mươi không có một hoài bão cho đời mình, dân tộc đó sẽ đi về đâu ? Một dân tộc với 65 phần trăm tuổi trẻ nhưng không có một cơ hội để tiến thân, sống trong hoang phí, sống như những tử tù đang chờ chết thì tương lai của họ sẽvề đâu ? Muốn biết đất nước về đâu, hãy nhìn thẳng vào đôi mắt sâu chứa đầy nỗi lo âu, chiếc lưng đầy vết sẹo, bàn tay còn hàng trăm dấu chích cua họ để qua đó đọc được cả quá khứ lẫn tương lai của một đất nước. Đất nước của họ không phải là bài ca anh hùng đánh thắng bao nhiêu đế quốc nhưng là một địa ngục đày đọa kiếp con người mấy chục năm qua.

Số lượng du khách đến VN ngày một đông. Vâng. Hãy hỏi một người du khách, phải chăng bà đến đây vì lòng kính phục VN như một nhà thơ phản chiến Thụy Điển, đã từng viết trong thời kỳ chiến tranh: "Tôi mơ sáng mai thức dậy biến thành người VN", hay chỉ vì VN là một nơi hưởng thụ rẻ nhất Á Châu. Hãy hỏi ông du khách phải chăng ông đến VN để tìm hiểu một dân tộc có hơn bốn ngàn năm văn hiến hay là vì trên quê hương tôi giá trị đồng đô-la còn hấp dẫn hơn nhân cach con người. Hai chữ đầu tiên trên những tờ quảng cáo du lịch VN bao giờ cũng bắt đầu hai chữ

Hấp dẫn và rẻ tiền chứ không phải nhân phẩm và lịch sử.

Đúng thế. Phóng viên ký tên Tương Lai của báo tuổi trẻ trong bài viết "Nỗi Đau Từ Những Con Số", đăng vào sáng ngày mùng Một Tết vừa qua, mô tả số phận của 65 ngàn phụ nữ VN đang sống với những ông chồng già Đài Loan, bất đồng ngôn ngữ, tuổi tác, học vấn. Họ bỏ gia đình và quê hương đi làm tôi mọi cho ngoại nhân, chỉ vì một vài trăm đô-la. Ngoại trừ VN, có lẽ không có nơi nào trên thế giới, chính phủ lại cho phép mua bán đàn bà, con gái một cách công khai như thế. Ngoại trừ VN, có lẽ không một quốc gia nào có một bà Bộ Trưởng Lao Động Xã Hội và Thương Binh Nguyễn Thị Hằng miệng cười như hoa nở khi đặt bút ký hợp đồng xuất cảng lao động ra nước ngoài, thực chất là xuất cảng mồ hôi, máu, nước mắt và cả thể diện quốc gia.

Phải chăng, sau 29 năm, những định nghĩa của phẩm cach con người cũng theo đà tiến lên chủ nghĩa xã hội mà thay dần ý nghĩa. Nhắc chuyện đạo đức, tôi chợt nhớ lại một đêm thật khuya của mười hai năm trước, ngồi đọc phóng sự của một nhà báo Mỹ viết về cảnh các cô gái VN vừa mới lớn đang hành nghề mãi dâm trên trên đại lộ Sri Ayuthaya, thủ đô Bankok, Thái Lan. Tôi buồn không ngủ được. Các em đều trong tuổi vị thành niên. Hầu hết chỉ mười sáu, mười bảy tuổi. Lẽ ra giờ này các em phải ngồi trong lớp học, học làm người phụ nữ VN, học chuyện thêu thùa, may vá, trông con và học cả chuyện yêu đương, đẹp như trăng khi tròn khi khuyết. Thế nhưng, nghèo đói đã xô đẩy em khỏi ngôi trường mà em yêu mến. Nghiệt ngã đã xua em ra khỏi vòng tay nuông chiều của mẹ. Lạc hậu đã xô em xuống giòng sông Chao Phraya nước đục quê người. Ngày đó tôi vẫn nghĩ hoàn cảnh như thế là đau thương và bi thảm nhất, như tôi đã viết trong bài thơ:

Sau những lúc đau thương da thịt rã rời
Em có khóc một mình trong bóng tối
Mỗi giọt lệ sẽ mang màu sám hối
Tóc thu buồn như những sợi oan khiên/

Trói lấy cuộc đời em nghiệt ngã
Về đâu em mưa gió phủ đầy sông
Người con gái VN trên đại lộ Sri Ayuthaya
Đang nhắm mắt nhìn đời trôi vô tận
Lịch sử VN vinh nhục thăng trầm bao nhiêu bận
Nhưng chưa bao giờ đen tối hơn hôm nay.

Ngày đó Internet chưa thịnh hành như bây giờ, nhưng cũng đã có nhiều khuynh hướng. Có anh chị thích bài thơ, nhưng cũng co người cho rằng tôi đã bi thảm hóa tình trạng VN chỉ nhằm mục đích tuyên truyền chống chế độ. Theo anh chị đó, đất nước đã chuyển mình sang thời kỳ mới, nghèo đói dã đi dần vào quá khứ, một tương lai tươi sáng đang mở ra, hãy để cho nhà nước một cơ hội thay cũ và đổi mới, v.v.và v.v. Mười hai năm sau, điều mà trước đây tôi bị gọi là đã làm "thảm hóa" thực trạng VN lại càng thê thảm hơn nhiều. Những cô gái 16, 17 tuổi đứng trên đường Sri Ayuthaya hay trên đường phố Nam Vang ngày nào, bây giờ không còn nữa. Các em đã về đâu giữa một thành phố, mà nơi đó, theo thống kê của cơ quan AIDS Liên Hiệp Quốc, UNAIDS, 44 phần trăm gái mãi dâm mang trong người bịnh AIDS. Các em hoặc đã chết trong một trại AIDS ở Bangkok, ở Chiang Mai, hay nếu may mắn sống sót trở về được quê hương cũng chỉ để lây lất ở một góc tối nào đó trong chuỗi ngày tàn tạ của đời mình. Chỗ của em đứng ngày xưa không phải vì em chết đi mà bỏ trống. Chiếc giường tre nơi em đã nằm chờ khách không phải vì em ra đi mà bỏ trống. Nơi em đứng năm xưa đã có một bàn chân khác vừa đứng đó. Trên manh chiếu em nằm đã có người con gái khác đang nằm. Bàn chân của kẻ đến sau nhỏ nhắn hơn em. Bàn tay như hai búp măng non của kẻ đến sau hồng hào xinh xắn hơn em. Đôi mắt của kẻ đến sau đen và tròn hơn đôi mắt của em. Thân hình của kẻ đến sau không lớn hơn thân hình của những con búp-bê Barbie đang bày trên giá của tiệm bán đồ chơi.

Vâng, những kẻ đến sau chính là những Barbie VN. Nói như chị Nam Dao, chúng là những con búp-bê biết khóc tiếng người. Những kẻ đến sau chính là những cháu bé, lẽ ra giờ này đang ngồi trong trường mẫu giáo, học những bài hát tuổi thơ "Kìa con bướm vàng", "Ông trăng xuống chơi" thay vì những tiếng lóng "yum yum", "bom bom" nhục nhã. Nghe các cháu vừa cất giọng bằng tiếng Việt, tôi cảm thấy như đang có một viên thuốc đắng vừa vỡ ra trong cổ mình. Tôi chỉ mong các cháu nói dùm tiếng Thái, tiếng Miên, tiếng Lào. Tôi biết mình nghĩ thế là ích kỷ nhưng vẫn hơn là tiếng Việt. Không, các cháu nói tiếng Việt. Đau xót, nhục nhã, bất hạnh đã không còn đủ nghĩa. Lâu lắm rồi tôi mới cảm thất mất bình tĩnh như thế.

Tôi viết khá nhiều thơ về thực trạng VN, từ những bà mẹ chết trôi sông cho đến những trẻ thơ lạc loài trên vùng Kinh Tế Mới, nhưng tôi không đủ can đảm xem hết đoạn phim phóng sự về nạn bán dâm tại Campuchia, đừng nói gì đến chuyện cầm bút viết một bài thơ hay một đoản văn. Tôi sẽ viết gì ? Ngôn ngữ dù phong phú bao nhiêu cũng có giới hạn, nhưng sự tủi nhục khi nhìn một đứa bé VN 8 tuổi bán dâm đã vượt qua sức chịu đựng của tôi. Loài cầm thú còn biết chọn nơi, chọn tuổi đừng nói chi là con người. Khi bàn đến sự lạc hậu về tư tưởng tại VN, cũng có thể một số bạn trong nước cho rằng tôi xa nhà lâu năm nên không biết.

VN có tư tưởng chứ. Tư tưởng Mác Lê-Nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Đó là những ngọn hải đăng của thời đại. Nhắc đến Mác, tôi chợt nhớ câu chuyện đọc trên báo cách đây không lâu nhân ngày sinh nhật 5 tháng 5 của Các Mác. Sáng ngày đó, một bản tin nhỏ được gởi đi từ nghĩa trang High Gates, nơi có ngôi mộ cua triết gia Cộng Sản này. Bản tin không phải trích lời chúc mừng sinh nhật Các Mác của một chủ tịch nước hay một tổng bí thư đảng Cộng Sản nhưng trích lời than thở của người quản lý 166 ngàn ngôi mộ, trong đó có Các Mác, chen chúc nhau trong nghĩa địa thuộc phía đông thành phố London , Anh Quốc.

Trong bản tin, người quản lý nghĩa địa High Gates than phiền rằng ông không có một ngân khoản nào để mướn người cắt cỏ hoang trong nghĩa trang rộng 36 mẫu này. Từ sau khi Liên Xô và hệ thống Cộng Sản thế giới sụp đổ không còn ai buồn thăm viếng Mác, và đương nhiên cũng không còn ai đóng góp tiền bạc để chăm sóc mộ Mác. Nghĩa trang High Gates tiêu điều và hoang vu đến nỗi một lần đã được chọn để làm ngoại cảnh ch o một cuốn phim ma. Mặc dù nơi chôn cất của Mác là nơi dựng phim kinh dị, câu chuyện về thiên đường Cộng Sản đã nhiều lần được viết thành hài kịch, chủ nghĩa Mác đã bị các phần lớn trường đại học thế giới loại bỏ khỏi giáo trình, thành phố Leningrad đã được đổi lại tên cũ Saint Petersburg, có một nơi vẫn còn con đường mang tên Mác, còn công viên mang tên Lênin, và những bài viết đấu tranh giai cấp đầy sắc máu hận thù của Mác, Lênin, Stalin vẫn được xem là kinh điển, vẫn mỗi ngày nhuộm đỏ lên tâm hồn trong như ngọc của tuổi thơ. Nơi đó là VN.

Sau sự sụp đổ của hệ thống Cộng Sản thế giới, giới lãnh đạo Cộng Sản VN không còn chỗ dựa về mặt lý luận nên đã Việt hóa ý thức hệ Cong Sản bằng việc thêm cụm từ tư tưởng Hồ Chí Minh sau khẩu hiệu chủ nghĩa Mác Lênin đã không còn dụ dỗ được ai. Thật sự làm gì có tư tưởng Ho Chí Minh, một người cả đời không viết được một tác phẩm lý luận hoàn chỉnh, ngoài tác phẩm Những Mẩu Chuyện Về Đời Hoạt Động Của Hồ Chủ Tịch ký dưới tên Trần Dân Tiên. Hầu hết các tác phẩm gọi là của Hồ Chí Minh được phát hành tại VN luôn bắt đầu với chữ "Về", như "Về Độc Lập Dân Tộc", "Về Chủ Nghĩa Xã Hội". Đó là những lời phát biểu trong các buổi mít-tinh được chép lại. Khi gọi những bài nói chuyện, bài viết không đầu không đuôi của Hồ Chí Minh là tư tưởng độc lập của dân tộc VN, giới lãnh đạo Cộng Sản đã chứng tỏ sự khinh mạn đối với truyền thống lịch sử dân tộc.

Ý thức độc lập tự do của dân tộc bắt đầu từ hơn bốn ngàn năm trước chứ không phải từ ngày thành lập đảng Cộng Sản Đông Dương năm 1930.

Quyền tự chủ của dân tộc VN đã được Trưng Trắc, Trưng Nhị, Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi và vô số anh hùng dân tộc khẳng định từ nhiều ngàn năm trước chứ không phải từ Hồ Chí Minh.

Giới lãnh đạo Cộng Sản VN đã cướp đoạt không những chỉ tài nguyên của cải đất nước, mà cướp đoạt cả những giá trị tinh thần đã hun đúc nên giòng giống Đại Việt. Mười lăm năm sau ngày đế quốc Cộng Sản Liên Xô sụp đổ, trên đường phố Hà Nội vẫn còn treo khẩu hiệu "Chủ Nghĩa Mác-Lênin Vô Địch Muôn Năm" để mừng ngày đại hội đảng. Thật là chuyện mỉa mai, buồn cười và ngu xuẩn vượt thời gian. Nếu Jay Leno và David Letterman có dịp thăm viếng VN, hai danh hề này sau khi trở về, sẽ làm khán giả cười nghiêng ngửa với những mẫu chuyện có thực trong đời sống tại VN.

Hiểu được điều này chúng ta sẽ thấy tại sao các thế hệ trẻ VN ngày nay không còn quan tâm đến trường học, không biết chọn một hướng đi cho đời mình. Làm sao các em có thể thấy hướng đi khi bị nhồi sọ bằng những lý thuyết viển vông mà nhân loại đã xếp vào ngăn tủ từ bao nhiêu năm trước. Làm sao các em có thể thấy tương lai, hiểu được tình người, khi cả tuổi ấu thơ đen lúc trưởng thành bị nhào nặn bằng những tư tưởng hận thù giai cấp, bóc lột, đấu tranh. Tuổi trẻ VN thà chọn lựa những trò tiêu khiển hiểm nguy, chọn lựa đời sống ngoài khuôn thước hơn là phấn đấu để vào đoàn, vào đảng.



Chúng ta đều biết đến thảm trạng tại VN nhưng ai sẽ là những người chịu trách nhiệm trước lịch sử và trước tòa án lương tâm của dân tộc VN sau này ? Đối với tuyệt đại đa số người Việt yêu chuộng tự do, câu trả lời rất dễ dàng. Thủ phạm đã gây ra những điêu linh tang tóc, nghèo nàn lạc hậu, làm mất nhân phẩm của người Viet, đầu độc các thệ trẻ VN, hủy diệt mọi mầm xanh đang cố gắng vươn lên của dân tộc, không ai khác hơn là giới lãnh đạo Đảng Cộng Sản VN. Điều đó không sai nhưng tôi vẫn cảm thấy chưa đủ. Một băng cướp ngân hàng không thể di chuyển hàng tỉ đô-la ra khỏi nhà băng nếu không có kẻ đưa đường, người dẫn lối, không có tay trong, tay ngoài, bao che, thờ ơ, dung túng. Tương tự, đảng Cộng Sản VN sau 29 năm vẫn còn tiếp tục trấn áp nhân dân VN bởi vì, ngoài nhà tù và sân bắn, họ cũng đã được dung túng, bao che, thờ ơ và thỏa hiệp. Và những người đã thờ ơ, dung túng cho Cộng Sản trong 29 năm qua không ai khác hơn là những người VN có quyền hạn tinh thần, có trách nhiệm xã hội, có kiến thức văn hóa, có lương tâm tôn giáo nhưng đã vi quyền lợi cá nhân, tổ chức, tôn giáo riêng mà làm ngơ trước đau thương của đất nước.

Tôi thật sự không tin rằng nhà nước Cộng Sản sẽ bỏ tù Hòa Thượng Thích Chơn Thiện hay Linh Mục Nguyễn Công Danh nếu hai ngài đã từ chối không chịu ra ứng cử dân biểu quốc hội bù nhìn tại VN. Tôi thật sự không tin Cộng Sản VN dám kết án Hòa Thượng Thích Trí Tịnh hay Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn đã "âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân" nếu các ngài gióng lên tiếng nói bất bình trước cảnh những em bé 8 tuổi đã phải làm những việc vô cùng thương luân bại lý tại Campuchia. Cả nhân loại đều phẫn uất khi biết một em bé VN chỉ vỏn vẹn 8 tuổi đầu phải phục vụ nhu cầu sinh lý cho nhữn g người bằng tuổi cha, bằng tuổi ông của các cháu. Ký giả Chris Hansen lên tiếng. Bộ Trưởng Ngoại Giao Mỹ lên tiếng. Bộ trưởng Tư Pháp Mỹ lên tiếng. Liên Hiệp Quốc lên tiếng. Đức Giám Mục Agustinus Agus của Nam Dương lên tiếng. Nhưng các ngài thì không.
Con biết các ngài có trọng trách đối với giáo hội mà các ngài đang lãnh đạo. Con biết mọi hành vi của các ngài có ảnh hưởng nghiêm trọng đối với tôn giáo mà các ngài đang dẫn dắt tại VN. Vâng, nhưng tôn giáo đó, giáo hội đó, tín đồ đó từ đâu mà có. Phải chăng đã bắt đầu từ những tiếng khóc, tiếng cười, trái tim, bàn tay, khối óc của một giống dân đã vượt qua bốn nghìn năm gian khổ để tạo thành dải đất thân thương hình cong chữ S hiện nay ? Phải chăng đã bắt đầu từ Cha Lạc Long, Mẹ Âu Cơ trong một đêm huyền diệu của đất trời và để lại 80 triệu người con, trong đó có các ngài, hiện diện cùng năm châu nhân loại như ngày nay ?. Trên con đường các ngài đi còn vọng lên tiếng kêu trầm thống của cả dân tộc chịu đựng khổ đau suốt 29 năm qua. Hạt gạo, hạt muối mà các ngài ăn là tích lũy của bao nhiêu hy sinh gian khổ mà dân tộc VN đã đổ xuống trong 29 năm qua.

Tất cả đều từ Dân Tộc VN mà có. Các ngài có trách nhiệm với giáo hội của các ngài thì ai sẽ có trách nhiệm với đất nước đây ? Các ngài quan tâm đến sự thịnh suy của tôn giáo các ngài, thì ai sẽ quan tâm đến sự thịnh suy của dân tộc VN đây ? Phát triển tôn giáo là trách vụ cua các bậc lãnh đạo tinh thần, vâng, nhưng trách vụ đó không nên và ngay cả không được quyền đi ngược lại quyền lợi sống còn và thiêng liêng của dân tộc VN.



Hôm nay, những tiếng kêu của những con búp-bê VN biết khóc ở Campuchia vẫn như những viên sỏi nhỏ rơi vào biển cả, không tạo nên chút sóng lương tâm nào trong lòng những vị lãnh đạo tinh thần cao cấp nhất VN. Trong lời kinh đêm nay, ngoài việc cầu nguyện các đấng thiêng liêng để ban cho các ngài cuộc sống bình an, phò trợ cho tôn giáo của các ngài không ngừng phát triển, xin các ngài dành một lời cầu nguyện cho những đứa bé 8 tuổi bất hạnh kia được có cơ hội trở về với lớp học mẫu giáo của các cháu như hàng triệu trẻ thơ khác trên thế giới. Tôi không tin đảng Cộng Sản VN có thể đồng loạt bỏ tù hàng trăm nhà văn, nhà thơ một lúc nếu họ gióng lên tiếng nói ủng hộ nhà thơ Tiêu Dao Bảo Cự, ủng hộ nhà văn Dương Thu Hương, ủng hộ nhà trí thức phản kháng Hà Sĩ Phu.

Tôi không tin rằng đảng Cộng Sản có thể bỏ tù tất cả trí thức VN vì dám lên tiếng chia xẻ quan điểm dân chủ của bác sĩ Phạm Hồng Sơn, luật sư Lê Chí Quang. Tôi không tin chế độ Cộng Sản VN bỏ tù tất cả những người cầm bút khi họ viết về cuộc sống khổ đau của hàng trăm ngàn phụ nữ VN trên đất Thái, Miên, Đài Loan, Nam Hàn. Cuộc đời họ là những tác phẩm, những vở kịch, những cuốn phim đau thương đang cần được viết lại, chiếu lại cho các thế hệ hôm nay để đọc, để xem và và cho ngàn đời sau để tránh. Im lặng là đồng lõa. Im lặng là dung túng. Nếu một nhà văn, nhà thơ không đủ can đảm nói lên sự thật, viết lên sự thật của xã hội mình đang sống thì liệu có xứng đáng để được gọi là "những phát ngôn nhân thời đại" hay không ?

Điều kiện chính trị ngày nay không giống như thời Nhân Văn Giai Phẩm. Để nhận được viện trợ của nước ngoài và được công nhận như một chính phủ trong cộng đồng thế giới, Cộng Sản VN buộc lòng phải tháo lỏng bớt chiếc dây thòng lọng trên cổ văn nghệ sĩ. Nhưng tiếc thay những nhà văn, nhà thơ sĩ khí thời nay lại cũng không nhiều như thời Nhân Văn Giai Phẩm. Một tiếng nói trung thực chưa kịp vang xa đã chìm vào im lặng. Một tác phẩm mang tinh thần cách mạng xã hội vừa ra đời đã bị thu hồi. Tác giả của chúng sau một chuyến được phép tham quan nước ngoài đã tự nguyện biến thành những con cừu non nằm yên trong một góc chuồng để được chờ chủ nhân sai bảo như xưa. Ngày 30 tháng 4, ngoài tất cả ý nghĩa mà chúng ta đã biết, với tôi, còn là ngày để mỗi chúng ta nhìn lại chính mình, ngày để mỗi chúng ta tự hỏi mình đã làm gì cho đất nước, và đang đứng đâu trong cuộc vận hành của lịch sử hôm nay.

Mỗi người VN có hoàn cảnh sống khác nhau, quá khứ khác nhau, tôn giáo khác nhau, buc xúc khác nhau và mang trên thân thể những thương tích khác nhau, nhưng chỉ có một đất nước để cùng lo gánh vác. Đất nước phải vượt qua những hố thẳm đói nghèo lạc hậu và đi lên cùng nhân loại. Không ai có quyền bắt đất nước phải đau nỗi đau của mình hay bắt đất nước phải đi ngược chiều kim lịch sử như mình đang đi lùi dần vào quá khứ.

Sức mạnh của dân tộc VN không nằm trong tay thiểu số lãnh đạo đảng Cộng Sản VN. Tương lai dân tộc không nằm trong tay thiểu số lãnh đạo đảng Cộng Sản VN. Sinh mệnh dân tộc VN do chính nhân dân VN quyết định. Và do đó, con đường chung để đến một điểm hẹn lịch sử huy hoàng cho con cháu, chính là con đường dân tộc và không có một con đường nào khác.

TRẦN TRUNG ÐẠO
band4 3G McKeno

User avatar
linhgia
Posts: 1308
Joined: Fri Dec 03, 2004 9:30 am

Post by linhgia »

Lá Thư Từ Bên Kia Thế Giới

--------------------------------------------------------------------------------

Dịch Giả: Nguyên Phong

Bác sĩ Alizabeth Kubler Ross, người tiền phong trong lãnh vực nghiên cứu về hiện tượng hồi sinh cho biết: "Con người sợ chết như con nít sợ ma, họ đã nhìn cái chết một cách sợ hãi, ghê tởm và cố gắng phủ nhận nó vì nó làm gián đoạn sự liên tục của đời sống. Nhưng nếu họ biết chấp nhận sự chết một cách bình thản, giản dị thì họ sẽ thấy chết là một sự kiện tự nhiên cũng như lúc sinh ra vậy. Bất kỳ lúc nào chung quanh chúng ta, sống và chết cũng luôn luôn tiếp diễn. Lá cây rụng để nhường chỗ cho những mầm non xuất hiện, hết mùa đông lại có mùa xuân. Một hiện tượng tự nhiên và cần thiết như thế không lẽ lại chẳng bao hàm một ý nghĩa thâm sâu nào đó? Phải chăng chính vì có sự chết mà sự sống hiện hữu, có sự xây dựng thì cũng phải có sự hủy diệt, đâu có gì tồn tại vĩnh viễn. Người ta không thể hiểu được ý nghĩa đích thực của sự sống nếu họ không chịu chấp nhận sự chết, và đã đến lúc người ta phải nghiên cứu cặn kẽ các sự kiện này chứ không thể chấp nhận những lý thuyết mơ hồ nào đó được".

Sau đây là tài liệu được trích lại từ cuốn La revue spirite:

Bác sĩ Henri Desrives là một khoa học gia hoạt động, vui vẻ và yêu nghề. Như mọi nhà trí thức khác, ông sống một cuộc đời rất thực tế và không buồn lưu ý đến những điều mà khoa học chưa giải thích được. Ông không tin rằng có một linh hồn tồn tại sau khi chết vì thể xác chỉ là sự kết hợp của các vật chất hữu cơ và trí thông minh chẳng qua chỉ là sản phẩm của các tế bào thần kinh. Khi thể xác đã hư hoại thì trí thông minh cũng không thể tồn tại. Một hôm khi bàn chuyện với các con về đề tài đời sống sau khi chết, ông hứa sẽ liên lạc với các con nếu quả thật có một đời sống bên kia cửa tử. Cậu con trai Piere Desrives, cũng là một y sĩ, đã nói: "Nếu đã chết, làm sao cha có thể liên lạc với con được?" Bác sĩ Henri suy nghĩ một lúc rồi trả lời: "Cha không tin có một đời sống hay cõi giới nào ngoài đời sống này nhưng nếu sau khi chết mà cha thấy được điều gì thì cha sẽ tìm đủ mọi cách để liên lạc với các con". Vài năm sau, bác sĩ Desrives từ trần, các con ông vì bận việc nên cũng không để ý gì đến buổi bàn luận đó nữa.

Khoảng hai năm sau, một nhóm nhân viên làm việc trong bệnh viện lập bàn cầu cơ chơi, bất ngờ cơ bút đã viết: "Xin cho gọi bác sĩ Piere Desrives đến vì tôi là cha cậu đó và tôi có mấy lời muốn nhắn nhủ với các con tôi". Được thông báo, bác sĩ Piere không tin tưởng mấy nhưng nhớ lại lời dặn của cha, ông bèn gọi các em đến tham dự buổi cơ bút này. Một người cầm giữ đầu một sợi dây, đầu kia cột vào một cây bút chì và chỉ một lát sau cây bút đã tự động chạy trên các trang giấy thành một bức thư như sau:

Các con thân mến,

Cha rất hài lòng đã gặp đủ mặt các con nơi đây. Gần một năm nay, cha có ý trông đợi để kể cho các con về những điều ở cõi bên này mà cha đã chứng kiến nhưng không có cơ hội.

Như các con đã biết, hôm đó sau khi ở bệnh viện về, cha thấy trong người mệt mõi lạ thường, cha bèn lên giường nằm và dần dần lịm đi luôn, không hay biết gì nữa. Một lúc sau cha thấy mình đang lơ lửng trong một bầu ánh sáng trong suốt như thủy tinh. Thật khó có thể tả rõ cảm tưởng của cha khi đó, nhưng không hiểu sao cha thấy trong mình dễ chịu, linh hoạt, thoải mái chứ không bị gò bó, ràng buộc như trước. Các con biết cha bị phong thấp nên đi đứng khó khăn, vậy mà lúc đó cha thấy mình có thể đi đứng, bay nhảy như hồi trai tráng. Cha có thể giơ tay giơ chân một cách thoải mái, không đau đớn gì. Đang vẫy vùng trong biển ánh sáng đó thì bất chợt cha nhìn thấy cái thân thể của cha đang nằm bất động trên giường. Cha thấy rõ mẹ và các con đang quây quần chung quanh đó và phía trên thân thể của cha có một hình thể lờ mờ trông như một lùm mây màu xám đang lơ lửng. Cả gia đình đều đang xúc động và không hiểu sao cha cứ thấy trong mình buồn bực, khó chịu. Cha lên tiếng gọi nhưng không ai trả lời, cha bước đến nắm lấy tay mẹ con nhưng mẹ con không hề hay biết và tự nhiên cha ý thức rằng mình đã chết. Cha bị xúc động mạnh, nhưng may thay lúc đó mẹ con và các con đều lên tiếng cầu nguyện, tự nhiên cha thấy mình bình tĩnh hẳn lại như được an ủi. Cái cảm giác được đắm chìm trong những lời cầu nguyện này thật vô cùng thoải mái dễ chịu không thể tả xiết. Lớp ánh sáng bao quanh cha tự nhiên trở nên sáng chói và cả một cuộc đời của cha từ lúc thơ ấu đến khi trưởng thành bỗng hiện ra rõ rệt như trên màn ảnh. Từ việc gần đến việc xa, ngay cả những chi tiết nhỏ nhặt nhất cũng đều hiện ra rõ rệt trong tâm trí của cha. Hơn bao giờ hết, cha ý thức tường tận các hành vi của mình, các điều tốt lành, hữu ích mà cha đã làm cũng như các điều xấu xa, vô ích mà cha không tránh được. Tự nhiên cha thấy sung sướng về những điều thiện đã làm và hối tiếc về những điều mà đáng lẽ ra cha không nên làm. Cả một cuốn phim đời hiện ra một cách rõ rệt cho đến khi cha thấy mệt mỏi và thiếp đi như người buồn ngủ.

Cha ở trong tình trạng vật vờ, nửa ngủ nửa thức này một lúc khá lâu cho đến khi tỉnh dậy thì thấy mình vẫn lơ lửng trong một bầu ánh sáng có màu sắc rất lạ không giống như màu ánh sáng lần trước. Cha thấy mình có thể di chuyển một cách nhanh chóng, có lẽ vì không còn xác thân nữa. Cha thấy cũng có những người đang di chuyển gần đó nhưng mỗi lần muốn đến gần họ thì cha lại có cảm giác khó chịu làm sao. Một lúc sau cha đi đến một nơi có đông người tụ họp. Những người này có rung động dễ chịu nên cha có thể bước lại hỏi thăm họ một cách dễ dàng. Một người cho biết tùy theo các rung động thích hợp mà cha có thể tiếp xúc được với những người ở cõi bên này. Sở dĩ cha không thể tiếp xúc với một số người vì họ có sự rung động khác với "tần số rung động" (frequency) của cha. Sự giải thích có tính cách khoa học này làm cha tạm hài lòng. Người nọ cho biết thêm rằng ở cõi bên này tần số rung động rất quan trọng, và tùy theo nó mà người ta sẽ lựa chọn nơi chốn mà họ sống. Cũng như loài cá ở ngoài biển, có loài sống gần mặt nước, có loài sống ở lưng chừng và có loài sống dưới đáy sâu tùy theo sức ép của nước thì ở cõi bên này, tùy theo tần số rung động mà người ta có thể tìm đến được các cảnh giới khác nhau. Sự kiện này làm cha cảm thấy vô cùng thích thú vì như vậy quả có một cõi giới bên kia cửa tử và cõi này lại có nhiều cảnh giới khác nhau nữa.

Khi xưa cha không tin những quan niệm như thiên đàng hay địa ngục nhưng hiện nay cha thấy quan niệm này có thể được giải thích một cách khoa học qua việc các tần số rung động. Những tần số rung động này như thế nào? Tại sao cha lại có những tần số rung động hợp với một số người? Người nọ giải thích rằng tùy theo tình cảm của con người mà họ có những sự rung động khác nhau; người có tình thương cao cả khác với những người tính tình nhỏ mọn, ích kỷ hay những người hung ác, không hề biết thương yêu. Đây là một điều lạ lùng mà trước nay cha không hề nghĩ đến. Cha bèn đặc câu hỏi về khả năng trí thức, phải chăng những khoa học gia như cha có những tần số rung động đặc biệt nào đó, thì người nọ trả lời rằng, khả năng trí thức hoàn toàn không có một giá trị nào ở cõi bên này cả. Điều này làm cho cha ít nhiều thất vọng. Người nọ cho biết rằng cái kiến thức chuyên môn mà cha tưởng là to tát chẳng qua chỉ là những mảnh vụn của một kho tàng kiến thức rất lớn mà bên này ai cũng có thể học hỏi được.

Người nọ nhấn mạnh rằng, điều quan trọng là con người biết làm gì với những kiến thức đó. Sử dụng nó để phục vụ hay tiêu diệt nhân loại? Sử dụng nó vào mục đích vị tha hay ích kỷ? Sử dụng nó để đem lại niềm vui hay để gây đau khổ cho người khác? Thấy cha có vẻ thất vọng, người này bèn đưa cha đến một thư viện lớn, tại đây có lưu trữ hàng triệu cuốn sách mà cha có thể tham cứu, học hỏi. Chưa bao giờ cha lại xúc động như vậy. Có những cuốn sách rất cổ viết từ những thời đại xưa và có những cuốn sách ghi nhận những điều mà từ trước tới nay cha chưa hề nghe nói đến. Sau một thời gian nghiên cứu, cha thấy cái kiến thức mà mình vẫn hãnh diện thật ra chẳng đáng kể gì so với kho tàng kiến thức nơi đây. Đến khi đó cha mới thấm thía điều người kia nói về khả năng trí thức của con người và bắt đầu ý thức về tần số rung động của mình.

Nơi cha đang sống có rất đông người, đa số vẫn giữ nguyên tính nết cũ như khi còn sống ở thế gian. Có người hiền từ vui vẻ, có người tinh nghịch ưa chọc phá người khác, có người điềm đạm, có kẻ lại nóng nảy. Quang cảnh nơi đây không khác cõi trần bao nhiêu; cũng có những dinh thự đồ sộ, to lớn; có những vườn hoa mỹ lệ với đủ các loại hoa nhiều màu sắc; có những ngọn núi rất cao hay sông hồ rất rộng. Lúc đầu cha ngạc nhiên khi thấy những cảnh vật này dường như luôn luôn thay đổi, nhưng về sau cha mới biết cảnh đó hiện hữu là do sức mạnh tư tưởng của những người sống tại đây. Điều này có thể giải thích giống như sự tưởng tượng ở cõi trần. Các con có thể tưởng tượng ra nhà cửa dinh thự trong đầu óc mình, nhưng ở cõi trần sức mạnh này rất yếu, chỉ hiện lên trong trí óc một lúc mà thôi. Bên này vì có những rung động đặc biệt nào đó phù hợp với sự rung động của tư tưởng làm gia tăng thêm sức mạnh khiến cho những hình ảnh này có thể được thực hiện một cách rõ ràng, chính xác và lâu bền hơn.

Các con đừng nghĩ rằng những người bên này chỉ suốt ngày rong chơi, tạo ra các hình ảnh theo ý muốn của họ; mà thật ra tất cả đều bận rộn theo đuổi các công việc riêng để chuẩn bị cho sự tái sinh. Vì mọi tư tưởng bên này đều tạo ra các hình ảnh nên đây là môi trường rất thích hợp để người ta có thể kiểm soát, ý thức rõ rệt hơn về tư tưởng của mình. Vì đời sống bên này không cần ăn uống, làm lụng nên người ta có nhiều thời giờ theo đuổi những công việc hay sở thích riêng. Có người mở trường dạy học, có kẻ theo đuổi các nghành chuyên môn như hội họa, âm nhạc, kiến trúc, văn chương thơ phú v.v....

Tóm lại, đây là môi trường để họ học hỏi, trau dồi các khả năng để chuẩn bị cho một đời sống mai sau. Phần cha đang học hỏi trong một phòng thí nghiệm khoa học để sau này có thể giúp ích cho nhân loại. Càng học hỏi, cha càng thấy cái kiến thức khi xưa của cha không có gì đáng kể và nền y khoa mà hiện nay các con đang theo đuổi thật ra không lấy gì làm tân tiến lắm nếu không nói rằng rất ấu trĩ so với điều cha được biết nơi đây. Hiển nhiên khoa học phát triển tùy theo khả năng trí thức của con người, mỗi thời đại lại có những sự phát triển hay tiến bộ khác nhau nên những giá trị cũng vì thế mà thay đổi. Có những giá trị mà thời trước là "khuôn vàng thước ngọc" thì đời sau lại bị coi là "cổ hủ, lỗi thời"; và như cha được biết thì những điều mà ngày nay đang được người đời coi trọng, ít lâu nữa cũng sẽ bị đào thải. Tuy nhiên cái tình thương, cái ý tưởng phụng sự mọi người, mọi sinh vật thì bất kỳ thời đại nào cũng không hề thay đổi, và đó mới là căn bản quan trọng mà con người cần phải biết. Càng học hỏi cha càng thấy chỉ có những gì có thể tồn tại được với thời gian mà không thay đổi thì mới đáng được gọi là chân lý. Cha mong các con hãy suy ngẫm về vấn đề này, xem đâu là những giá trị có tính cách trường tồn, bất biến để sống theo đó, thay vì theo đuổi nhũng giá trị chỉ có tính cách tạm bợ, hời hợt.

Cha biết rằng mọi ý nghĩ, tư tưởng, hành động đều có những rung động riêng và được lưu trữ lại trong ta như một cuốn sổ. Dĩ nhiên khi sống ở cõi trần, con người quá bận rộn với sinh kế, những ưu phiền của kiếp nhân sinh, không ý thức gì đến nó nên nó khép kín lại; nhưng khi bước qua cõi bên này thì nó từ từ mở ra như những trang giấy phô bày rõ rệt trước mắt. Nhờ vậy mà cha biết rõ rằng hạnh phúc hay khổ đau cũng đều do chính ta tạo ra và lưu trữ trong mình. Cuốn sổ lưu trữ này là bằng chứng cụ thể của những đời sống đã qua và chính nó kiểm soát tần số rung động của mỗi cá nhân. Tùy theo sự rung động mà mỗi cá nhân thích hợp với những cảnh giới riêng và sẽ sống tại đó khi bước qua cõi giới bên này. Do đó, muốn được thoải mái ở cõi bên này, các con phải biết chuẩn bị. Cha mong các con hãy bắt tay vào việc này ngay. Các con hãy rán làm những việc lành, từ bỏ những hành vi bất thiện. Khi làm bất cứ việc gì, các con hãy suy gẫm xem hậu quả việc đó như thế nào, liệu nó có gây đau khổ hay tổn thương cho ai không? Đừng quá bận rộn suy tính những điều hơn lẽ thiệt mà hãy tập quên mình. Đời người rất ngắn, các con không có nhiều thời giờ đâu.

Khi còn sống, đã có lúc cha dạy các con phải biết đầu tư thương mại để dành tiền bạc vào những trương mục tiết kiệm, những bất động sản, những chứng khoán... nhưng bây giờ cha biết rằng mình đã lầm. Một khi qua đến bên đây, các con không thể mang nhũng thứ đó theo được. Danh vọng, địa vị, tài sản vất chất chỉ là những thứ có tính cách tạm bợ, bèo bọt, đến hay đi như mây trôi, gió thổi, trước có sau không. Chỉ có tình thương mới là hành trang duy nhất mà các con có thể mang theo mình qua cõi giới bên này một cách thoải mái, không sợ hư hao mất mát. Tình thương giống như đá nam châm, nó thu hút những người thương nhau thực sự, để họ tiến lại gần nhau, kế hợp với nhau. Nó là một mãnh lực bất diệt, mạnh mẽ, trường tồn và chính nhờ lòng thương này mà người ta có thể tìm gặp lại nhau trải qua không gian hay thời gian. Chắc hẳn các con nghĩ rằng người cha nghiêm nghị đầy uy quyền khi trước đã trở nên mềm yếu chăng? Này các con, chỉ khi nào buông xuôi tay bước qua thế giới bên này, các con mới thực sự kinh nghiệm được trạng huống của mình, tốt hay xấu, hạnh phúc hay đau khổ, thích hợp với cảnh giới thanh cao tốt lành hay những nơi chốn thấp thỏi xấu xa. Hơn bao giờ hết, cha xác định rằng điều cha học hỏi nơi đây là một định luật khoa học thật đơn giản mà cũng thật huyền diệu. Nó chính là cái nguyên lý trật tự và điều hòa hằng hiện hữu trong vũ trụ. Sự lựa chọn để sống trong cảnh giới mỹ lệ đẹp đẽ hay tăm tối u minh đều do những tần số rung động của mình mà ra cả và chính mình phải chịu trách nhiệm về cuộc đời của mình hay lựa chọn những nơi mà mình sẽ đến.

Khi còn sống cha tin rằng chết là hết, con người chỉ là sự cấu tạo của các chất hữu cơ hợp lại, nhưng hiện nay cha biết mình đã lầm. Cha không biết phân biệt phần xác thân và phần tâm linh. Sự chết chỉ đến với phần thân xác trong khi phần tâm linh vẫn hoạt động không ngừng. Nó đã hoạt động như thế từ thuở nào rồi và sẽ còn tiếp tục mãi mãi. Hiển nhiên các nhân của cha không phải là cái thể xác đã bị hủy hoại kia mà là phần tâm linh vẫn tiếp tục hoạt động này, do đó cha mới cố gắng liên lạc với các con để hoàn tất điều mà cha đã hứa với các con khi xưa. Cha nghiệm được rằng sự sống giống như một giòng nước tuôn chảy không ngừng từ nơi này qua nơi khác, từ hình thức này qua hình thức khác. Khi trôi chảy qua những môi trường khác nhau nó sẽ bị ảnh hưởng những điều kiện khác nhau; và tùy theo sự học hỏi, kinh nghiệm mà nó ý thức được bản chất thiêng liêng thực sực của nó. Cũng như sống biển có đợt cao, đợt thấp thì đời người cũng có những lúc thăng trầm, khi vinh quang tột đỉnh, lúc khốn cùng tủi nhục, nhưng nếu biết nhìn lại toàn vẹn tiến trình của sự sống thì kiếp người có khác chi những làn sóng nhấp nhô, lăng xăng trên mặt biển đâu! Chỉ khi nào biết nhận thức về bản chất thật sự của mình vốn là nước chứ không phải là sóng thì các con sẽ ý thức được tính cách trường cửu của sự sống. Từ đó các con sẽ có một quan niệm rõ rệt rằng chết chỉ là một diễn tiến tất nhiên, một sự kiện cần thiết có tính cách giai đoạn chứ không phải một cái gì ghê gớm như người ta thường sợ hãi. Điều cần thiết không phải là trốn tránh sự chết hay ghê tởm nó, nhưng là sự chuẩn bị cho một sự kiện tất nhiên phải đến một cách thoải mái, ung dung vì nếu khi còn sống các con đã đem hết khả năng và phương tiện của mình để giúp đời, để yêu thương mọi loài thì lúc lâm chung, các con chẳng có gì phải luyến tiếc hay hổ thẹn với lương tâm cả. Trước khi từ biệt các con, cha muốn nói thêm rằng hiện nay cha đang sống một cách thoải mái, vui vẻ và an lạc chứ không hề khổ sở.

Bác sĩ Henri Desrives.
band4 3G McKeno

User avatar
linhgia
Posts: 1308
Joined: Fri Dec 03, 2004 9:30 am

Post by linhgia »

Bằng Cấp hay Bằng Cắp

Tác giả: Thằng Mõ


Mười năm bác đảng trồng cây,
Những rừng danh mộc mỗi ngày hiếm hoi
Trăm năm bác đảng trồng người
Khỉ trình phương án, đười ươi giảng bài.

Mậu Binh Hà Huyền Chi, “Trồng Người”

Theo tin tức báo chí Việt Cộng từ trong nước, ở Việt Nam tính đến cuối năm 2006 có gần 15 ngàn tiến sĩ và hơn 16 ngàn thạc sĩ, tức nhiều hơn Mã Lai và Thái Lan là hai quốc gia láng giềng an hưởng thái bình và nền kinh tế phồn thịnh lâu đời.

Cũng cần nói rõ cái gì của Việt Cộng (VC) cũng khác người, không giống ai hết vì Việt Cộng là… Việt Cộng. Cho nên, đọc giả đừng nghe bằng “thạc sĩ” của VC mà hoảng sợ. Nó không phải là bằng thạc sĩ của Pháp (algrégé) như thạc sĩ Vũ Quốc Thúc và thạc sĩ Nguyễn Văn Bông, giáo sư đại học luật khoa Sài-gòn trước 1975. Nó là bằng Cao Học ở trong Nam trước 1975 hay bằng Master của Mỹ, bằng Maitrise của Pháp hiện nay, nhưng phẩm chất và giá trị của nó có thể tóm tắt bằng bốn chữ, “bằng cấp Việt Cộng,” hay “bằng cắp Việt Cộng” Người viết sẽ giải thích tại sao có hai chữ “bằng cắp” thay vì “bằng cấp.”

Thật sự không ai biết rõ trước khi đoàn quân viễn chinh cộng sản Bắc Việt vào tận Sàigòn, bộ giáo dục và đào tạo Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã in và cấp phát bao nhiêu bằng cấp trên bậc đại học, phó tiến sĩ và tiến sĩ. Đây là một “bí mật quốc gia,” trừ bộ chánh trị không ai được quyền biết. Nhưng người viết tin chắc… không nhiều lắm. Trong mấy năm đầu tíếp thâu và điều hành các trường đại học thuộc Viện Đại Học Sàigòn, Cần Thơ, Huế, người ta chỉ thấy le que mấy ông xưng phó tiến sĩ XHCN tốt nghiệp ở Liên Sô và các quốc gia Đông Âu Cộng sản, và một đội ngũ giáo viên dạy đại học chi viện từ Bắc vô mà trình độ không quá bốn năm học đại ở Hà Nội!

Vì không có bằng cấp đúng tiêu chuẩn nên người dạy ở đại học “khiêm nhường” xưng và được gọi là giáo viên thay vì giáo sư như trong Nam trước 1975. Quan chức nhà nước không ai dám khoe bằng như hiện nay vì “trình độ văn hóa” nhiều lắm là ngang với các đồng chí lãnh đạo đảng như Lê Duẫn, Đỗ Mười, Phạm Văn Đồng… “đọc một trang diễn văn đánh máy hai lần mà không biết” (lời cụ Nguyễn Văn Trấn trong “Viết Cho Mẹ và Quốc Hội”). Nhờ đó mà các phụ khảo, giảng viên có bằng master Mỹ còn kẹt lại ở các trường đại học trong Nam trở nên trân châu bảo ngọc của chế độ, nhất là kể từ khi đảng chủ trương đổi mới mà không đổi màu, tức làm kinh tế thị trường (tư bản) theo định hướng xã hội chủ nghĩa (cộng sản), một loại ốc mượn vỏ để sinh tồn.


BẰNG CẤP HAY BẰNG CẮP?


Thế gian biến đổi vũng nên đồi…


Trước tháng 4-1975, xã hội miền Nam như một gia đình nề nếp, gia phong từ lâu đời, ai cũng biết tiếng, nghe danh nên không cần phải khoe bằng cấp, chức tước hay tiền của. Hiện tượng… chó nhảy bàn độc thật họa hiếm. Người học hành đỗ đạt không có nhu cầu phải khoe, lòe thiên hạ, trừ một trường hợp duy nhất, ông tiến sĩ Nguyễn Văn H. Giới khoa bảng đại học ở Sàigòn gọi ông là “tiến sĩ hão!” Đi đâu hay làm gì, ông cũng thích khoe cái bằng “tiến sĩ hão” của mình ra. Ông nhờ chuyên viên ngân hàng Phát Triển Nông Nghiệp và Quỹ Phát Triển viết bài để ông đăng báo với tên “Tiến Sĩ Nguyễn Văn H.” Thiên hạ đồn rằng… ông tiến sĩ thi rớt tú tài Tây, không vào đại học Tây được nên sang Thụy Sĩ học đại học và mò lên đậu tiến sĩ kinh tế học. Năm 1970 nhờ một “thủ tục quanh co” ông được nhận làm giáo sư HVQGHC làm ban giảng huấn trường nầy… té ngửa. Rồi ông cũng dạy môn kinh tế học như ai, nhưng sinh viên chẳng hiểu ông nói gì nên ông phải chạy đi làm tổng đốc Quỹ Phát Triển.

Dẫu sao thì ông cũng có đi học thiệt (khác với “học giả” hiện nay), bằng thiệt, có đến trường, đến lớp… Còn ông soạn luận án cách nào là điều bí mật, không ai biết. Trình độ văn hóa của ông đáng được thạc sĩ, tiến sĩ VC tôn làm sư phụ. Điều này không thể chối cãi. Nội cái chuyện ông phao tin để đánh lừa mà con cháu của “bậc thầy trí trá” tin nghe cũng đáng bậc “siêu sư phụ” của VC rồi: ông phao tin là ông có công giữ 16 tấn vàng cho chánh phủ cộng sản, không để cho Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu lấy đi. Hồ Chí Minh mà sống cùng thời với ông tiến sĩ chắc phải bắt chước Châu Do ngửa mặt lên trời mà than: thiên sinh Thành, hà sinh Hão! Thời Tổng Thống Clinton, nhiệm kỳ 1, chính “tiến sĩ hão” đã đại diện cho CSVG đi “lịch sự” với bộ trưởng thương mãi Hoa Kỳ Ronald Harmon Brown để xin bãi bõ lệnh cấm vận.

Bây giờ trở lại vấn đề: bằng cấp hay bằng cắp XHCN?

Theo từ nguyên, bằng là bằng cớ, bằng chứng, cái gì đó để làm bằng, làm chứng việc đã xảy ra, như nhân viên cảnh sát lập vi bằng một tai nạn. Cấp là thứ bậc, trình độ như sĩ quan cấp cao, nhân viên cấp dưới. Vậy bằng cấp là giấy chứng nhận trình độ học thức của một người ở một cấp nào đó: tiểu học, trung học, cử nhân, cao học/ thạc sĩ, tiến sĩ. Giấy chứng nhận này là thành quả của công khó nhọc mài (mòn) quần trên ghế nhà trường, dù thông minh cũng phải thức khuya, dậy sớm chăm lo việc đèn sách.

Còn bằng cắp ai cũng biết, không cần phải giải thích dài dòng. Cắp là một hành động lén lút, lấy của người hay của chung làm của mình. Nếu công khai thì không còn là cắp nữa mà là cướp. Người không đi học, không đến trường, không đi thi mà có bằng thì đó đúng là “bằng cắp” rồi. Học lực bổ túc văn hóa lớp 5, viết một câu tiếng Việt không thông mà có bằng cử nhân, thạc sĩ, hay tiến sĩ thì đúng là đoạt… bằng cắp, dù có dấu ấn hay triện son của “bộ giáo dục và in bằng cắp” nhà nước XHCN ta.

Thử lấy một trường hợp cụ thể bằng cắp hiện nay ở quê hương… toàn chùm khế ngọt: Ông Lâm Xiếu, giám đốc Sở Bưu Điện An Giang hiện nay. Ông là một đảng viên công thần, xuất thân từ du kích xã. Học chưa hết lớp 5 trường làng, ông theo làm du kích VC. Cách mạng thành công, ông được thưởng công theo học lớp bổ túc văn hóa. Năm nào cũng thi đậu lên lớp dù ít khi đến lớp. Ông được kết nạp vào đảng, làm phó giám đốc, rồi giám đốc Sở Bưu Điện. Trong ba năm liên tiếp, ông đậu ba bằng cắp: cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ. Năm 2006, báo chí (VC) phanh phui trường hợp “bằng cắp” của ông. Ông trả lời tỉnh khô, thật trơn tru, đúng bài bản XHCN: ông không dè ông có nhiều bằng cắp như vậy. Có vài nhân viên thấy ông ăn ở hiền lành, lãnh đạo tốt nên tự động đi thi dùm mà không cho ông biết. Đến bây giờ, nhờ báo chí nói ông mới biết. Rồi nhà nước vẫn để ông yên lành làm… “dám đốc!” Nếu bắt tội ông thì phải cách chức 99 phần trăm giám đốc hiện nay, lấy ai làm “đầy tớ nhân dân?” Nhân dân mà thiếu loại đầy tớ nầy thì lấy ai phục vụ? Đất nước sẽ ra sao? Hơn nữa, ông đâu có tội gì ngoại trừ tội… không hiếu học mà thích bằng cắp! Nguyễn Tấn Dũng cũng xuất thân từ du kích như ông, có học luật ngày nào đâu mà cũng ghi là đậu cử nhân luật và làm thái thú đại diện thiên quốc?

Đó là những con số “bằng cắp thật” do “bộ giáo dục và in bằng cắp” phát ra cho các quan chức giám đốc nhà nước: bằng cắp thật, cấp cho người thật, chỉ có kiến thức là giả thôi. Còn loại bằng giả người thật, bằng thật người giả, hay loại bằng thuê mướn để “tạm dùng” một thời gian (như thuê mướn áo cưới cô dâu, chú rể) thì như lá cây rừng, nước đại dương…, nhiều hơn bằng cắp của Wal*Mart, Viện Đại Học Nhân Dân lớn nhứt thế giới, bán ra.

Dưới ánh sáng chủ nghĩa Mác Lê và tư tưởng Hồ Chí Minh, xã hội Việt Nam ngày nay quý chuộng bằng cấp và bằng cắp hơn bất cứ dân tộc nào khác trên thế giới. Khi đăng tên ông giám đốc thì báo chí, cơ quan truyền thông nhà nước luôn luôn phải ghi thêm bằng cấp thạc sĩ, tiến sĩ… như tiến sĩ giám đốc Lê Văn Đực, thạc sĩ giám đốc Nguyễn Văn Mít. Còn giáo sư thì phải có ”học vị” tiến sĩ đi kèm như giáo sư tiến sĩ Phạm Văn Rớt để phân biệt với… giáo sư Lý Chánh Trung hay loại giáo sư chỉ có học hàm mà không có học vị tiến sĩ. Mục đích là để cho thế giới tư bản không dám nghĩ lãnh tụ đảng và nhà nước ta thuộc loại mít đặc. Phóng viên, ký giả nào viết bài đăng báo -- tất cả phóng viên, ký giả đều là quốc doanh, ăn lương nhà nước và viết bài cho 700 tờ báo đảng -- mà quên chi tiết “bằng cắp” là chưa làm tròn thiên chức nhà báo (đời) XHCN; có thể bị kỷ luật vì làm giảm “chất lượng” các đầy tớ của nhân dân anh hùng ta!


HỌC VỊ


Xin mở ngoặc để nói về hai chữ “học vị”. Học vị nghĩa là bằng cấp. Thế thôi. “Bằng cấp” là chữ Việt. “Học vị” là tiếng Tàu phát âm Việt theo chủ trương “Việt Trung muôn năm hữu nghị” của bác và đảng! Trước 1975, trong Nam không ai dùng chữ học vị vì nó chứng tỏ tinh thần nô lệ trong cách dùng chữ. Mình có chữ mà không dùng, phải dùng từ Hán Việt để chứng tỏ là đỉnh cao trí tuệ. Mấy ông trí thức khoa bảng miền Bắc XHCN muốn chứng tỏ mình khác người, dùng chữ “học vị” thay bằng cấp cho oai hơn. Trước đây từ “học vị” chỉ dùng cho bằng cấp phó tiến sĩ và tiến sĩ thôi. Bây giờ thời đại đổi mới, mở cửa, dùng thêm cho thạc sĩ và cử nhân. Không ai nói bác Hồ có “học vị tiểu học sơ cấp” (lớp ba trường làng) dù đó là sự thật, trừ phi muốn mất chỗ đội nón.

Cho nên cái (mắc) dịch hiện nay ở xã hội Việt Nam là dịch bằng cấp và dịch bằng cắp. Nó nguy hiểm hơn dịch cúm gà. Nó giết mòn lòng tự trọng của cả dân tộc. Người ta tìm mọi cơ hội để trưng bằng cấp và bằng cắp, thiệt giả khó phân biệt. Có khi hàng giả trông lại bén mắt hơn hàng thiệt. Có “học vị” chẳng liên hệ gì đến công việc đang làm nhưng vẫn được trưng khoe ra:

· Thạc sĩ Lê Văn Khiên, Giám đốc Nhà Táng Ba Đình, Hà Nội

· Tiến sĩ Trần Văn Sai, chuyên đoán (mò) tương lai, tình duyên, gia đạo, làm ăn, lập gia đình, đầu tư, móc ngoặc, vượt biên…

· Cử nhân Đặng Thị Giả, chuyên viên tiếp thị, cung cấp hàng dỏm cho các chợ trời từ Nam ra Bắc…

· Phó Giáo sư Phó Tiến sĩ Vũ Văn Chơm, Giám đốc Hãng Xe Hàng Quá Tải chạy suốt…

Ngày xưa thì phú quý sinh lễ nghĩa. Nhưng lễ nghĩa đã bị chế độ XHCN và phương cách trồng người của bác Hồ đập phá tan hoang nên không còn mấy ai muốn “sinh lễ nghĩa” cả. Ngày nay đảng viên cán bộ cao cấp đã trở thành đại gia đỏ. Để vượt thoát mặc cảm bần nông thất học, lái heo thiến lợn, phu cạo mủ đồn điền cao su…, các đại gia đỏ ngày nay chơi trò “bằng cắp” như phú ông dốt đặc chơi cây kiểng. Chơi mà không biết trồng, không biết chăm sóc, không biết lịch sử của từng loại cây, ngay cả không cần biết tên cây kiểng. Do đó, giáo dục trở thành buôn chữ, bán bằng; bằng cấp biến thành bằng cắp!

Descartes, nhà toán học kiêm triết gia Phú-Lang-Sa trước đây, đã bạo phổi tuyên bố: “Tôi suy nghĩ, vậy tôi hiện hữu.” Câu này không còn hợp với trào lưu duy vật biện chứng pháp đang lộng hành ở đất nước ta. Suy nghĩ làm cho con người nhức đầu, nhức óc, đâu còn sáng suốt làm việc trị nước. Phụ nữ suy nghĩ nhiều quá thì trán nhăn, má lõm, tốn thêm tiền tân trang da mặt. Phải có cái gì cụ thể hơn để chứng minh sự hiện diện của mình và của người khác. Còn gì rõ rệt hơn mảnh bằng dán trên trán? Bằng cấp hay bằng cắp không thành vấn đề, ai có thời giờ “suy nghĩ” để biết thiệt hay giả? Tôi có bằng cấp/bằng cắp, càng to càng có thể. Vậy thì tôi có, tôi hiện hữu. Và ai muốn hiện hữu… như tôi thì phải biết, phải công nhận là… tôi có bằng cấp. Giản đơn như vậy!

Riêng có ba ngành “công an tra tấn,” “giải tán biểu tình,” và “khủng bố phá hoại” thì đảng ta vô địch, gồm nhiều nhân tài đỉnh cao trí tuệ, cả thế giới đều biết tiếng. Bộ Giáo Dục và bộ Công An nên phối hợp để lập học vị thạc sĩ và tiến sĩ ba ngành này cho các quốc gia như Miến Điện, Zimbabwe, Sudan, Somalia, Venezuela… gởi người đến học và tu nghiệp. Chắc chắn sẽ thu được nhiều ngoại tệ, đi buôn một vốn bốn lời!

Nếu nhân tài của chế độ CHXHCNVN mà có khả năng thì chỉ cần ¼ số thạc sĩ và tiến sĩ hiện có cũng đủ làm cho nước giàu dân mạnh. Rất tiếc!

Năm 2007, nhà nước cộng sản qua Bộ Giáo Dục và Đào Tạo lên kế hoạch “trồng người” khác: Từ nay đến 2020, tức 12 năm nữa, sẽ đào tạo thêm 20,000 tiến sĩ. Xin viết lại bằng chữ “hai chục ngàn tiến sĩ” để độc giả không nghĩ là người viết ghi thừa hai con số không. Hai chục ngàn, không phải 200 hay 2000! 10.000 tiến sĩ đào tạo trong nước và 10.000 tiến sĩ đào tạo ở các nước Tây Phương, đặc biệt là Hoa Kỳ. Nghĩ tới cảnh 10.000 tiến sĩ bằng cấp ngoại quốc về nước làm việc dưới sự lãnh đạo của các tiến sĩ “bằng cắp XHCN”…thật kinh hoàng, như trường hợp thạc sĩ Trần Đức Thảo, giáo sư đại học từ Pháp về chiến khu Việt Bắc năm 1950, phục vụ dưới quyền các đảng viên cán cuốc, cán mai. Rồi đâu cũng vào đó hết!

Nhà nước ta “trồng người” như nuôi gà nuôi lợn, nuôi trâu bò công nghiệp! Cứ nuôi ăn đủ tháng, đủ năm, đủ ký thì cho vào lò sát sinh lấy thịt. Đảng và nhà nước quen sử dụng thi nô, nhạc nô, nghệ nô, giáo nô theo đơn đặt hàng nên không thể nào hiểu ý nghĩa của sáng tạo và nghệ thuật. Học lên cấp tiến sĩ là phải có óc sáng tạo và sự sáng tạo không thể ấn định thời gian khi nào có, khi nào thành, và không phải ai cũng có thể nghĩ ra cái mới. Có người chỉ học tới cấp cử nhân hay cao học và dừng lại mà không thể đi xa hơn, trừ phi “đoạt lấy” bằng cắp tiến sĩ XHCNVN!

Anh thiến lợn dạo không thể lên kế hoạch mỗi tháng thiến bao nhiêu con heo vì còn phải tùy thuộc vào số heo nuôi và chủ heo có muốn thiến hay không. Ông bác sĩ không thể lập phương án mỗi tháng phải chữa lành bao nhiêu bệnh nhân vì không biết rõ bao nhiêu bệnh nhân đến khám, khám xong có tiền mua thuốc uống không và tình trạng sức khỏe hiện tại. Đảng có thể định mỗi tháng bắt bỏ tù bao nhiêu người vô tội, thả bao nhiêu người vô tội, cướp bao nhiêu mẫu đất của dân… vì những vấn đề này thuộc quyền sinh sát trong tay của đảng. Nhưng vấn đế chất xám và trồng người không phải là chuyên môn của bác, của đảng! Tội nghiệp quá! Thiên hạ chỉ có bốn bồ ngu, sao lại dành trọn hết?

Để có thể nghĩ ra cái mới, có óc sáng tạo là cả một quá trình học vấn, được khuyến khích suy nghĩ, tự do suy nghĩ, tìm thấy cái sai trong hiện trạng. Chế độ cộng sản chỉ muốn mọi người “nhứt trí” với đảng, với lãnh tụ đảng dù lãnh tụ là những người ít học, cán mai cán cuốc, chuyên chế về suy tư hơn bất cứ chế độ chính trị nào trong lịch sử loài người, thì làm sao có người dám nghĩ ra cái mới để làm luận án tiến sĩ?

Tìm khắp các quốc gia tiên tiến Tây Phương, các trường đại học danh tiếng, không có nơi nào dám bạo phổi định số người lãnh bằng tiến sĩ hàng năm như định mức trâu bò giết thịt. Các bịnh trầm kha của những người được tôi luyện bằng “tư tưởng HCM” là ở chỗ suy nghĩ tầm bậy tầm bạ mà cứ tưởng mình khôn nhất thiên hạ!


TU SĨ VÀ BẰNG CẤP


Người không đi tu háo danh, gian dối, lấy không làm có… là những việc làm sai trái thường xảy ra. Bởi đó mà người ta gọi cõi đời là thế gian, trần tục. Nhưng người tu hành mà gian dối, háo danh, khoe khoang, khoe bằng, khoe chức, khoe của… là điều không ai có thể chấp nhận được. Người tu hành bất cứ đạo nào phải là hình ảnh khiêm cung, siêu thoát, đơn giản trong cung cách sống và lời nói. Nếu không, sao xứng đáng gọi là lãnh đạo tinh thần, hướng dẫn đời sống tâm linh? Vậy mà bịnh khoe bằng cấp/bằng cắp vẫn không tha giới tu sĩ Việt Nam trong nước và nhất là ở hải ngoại.

Một thượng tọa có bằng Ph. D. chủ lễ cầu siêu cho người chết có gì khác hơn một thượng tọa không có Ph. D.? Sao lại phải khai ra? Đức Phật Thich Ca sau khi xuất gia tu hành đâu còn xưng mình là Thái Tử? Chính cái tâm, cái đức của người tu hành, không phải cấp bằng hay chức tước, mới thật sự quan trọng.

Linh mục là chức thánh do Đức KiTô lập nên trước khi thọ hình. Chức này phải cao cả hơn hết ở thế gian, không gì có thể so sánh được. Người ta có thể bỏ tiền ra mua bằng cắp, chạy chọt quan chức nhưng không thể dùng tiền mua chức linh mục. Trong thời gian 15 năm qua ở Việt Nam, có trường hợp gia đình phải cắn răng chi tiền, “lịch sự” với quan chức cộng sản để chi bộ đảng cộng sản chấp thuận cho con em được phong chức linh mục, nhưng đây không phải là mua chức vì ứng cử viên đã hội đủ mọi điều kiện đối với Hội Thánh và giáo quyền:

Thế chiến quốc thế Xuân Thu
Gặp thời thế thế thời phải thế!

Nhưng một số lớn linh mục đã không cảm thấy chức linh mục là chức cao quý nhất nên mới có thêm những tước vị lòng thòng đi kèm, để phân biệt cá nhân mình với các linh mục... tầm thường khác: linh mục nhạc sĩ Nguyễn Văn A, linh mục tiến sĩ Vũ Văn M, linh mục giáo sư tiến sĩ Lê Văn X... Soạn nhạc, viết nhạc thì giáo dân biết mình là nhạc sĩ rồi, cần gì phải xưng danh là “linh mục nhạc sĩ”? Và xưng để làm gì? Bán CD, DVD nhạc? Ở Hoa Kỳ hầu hết các giáo sư đều có bằng Ph. D. Giáo sư mà không có bằng Ph. D. thật là họa hiếm và phải thật giỏi, xem bằng Ph. D. chẳng vào đâu nên không bận tâm đạt lấy, như trường hợp linh mục Henri Nouwen, tác giả hơn 40 quyển sách nổi tiếng. Vậy đâu cần thiết phải xưng danh là “giáo sư tiến sĩ”? Trừ phi muốn phân biệt mình với các “giáo sư” từ Việt Nam chạy sang! Đôi khi chính các ông các bà giáo dân đã tự động gọi nâng các cha cố, các thầy của mình lên khiến các ngài lỗi đức khiêm nhường và bị “tục hóa!”


Một vấn đề khác đáng nói là hiện tượng manh nha trong giới tu sĩ VN ở hải ngoại trong mười năm qua là hiện tượng học tiến sĩ hàm thụ online từ một số trường, nhất là các trường hàm thụ ở tiểu bang California. Tiểu bang California có quy chế xin mở trường đại học khá đặc biệt và lỏng lẻo. Vài người có bằng Ph. D. hợp lại là có thể xin mở trường đại học gồm... một thầy, một cô, một chó cái! Các trường này không được các hội nghề nghiệp chuyên môn liên hệ công nhận (accredited). Sinh viên học hàm thụ online, một năm hai lần về trường để ôn tập một tuần. Nhưng học phí thì rất đắc, và khi “tốt nghiệp” chỉ dùng bằng cấp/học vị để treo tường, in trên thiệp mà không tìm được việc làm tương xứng. Nói khác, đây là những trường chuyên phân phát “bằng cắp,” dành cho các sinh viên ngoại quốc thuộc thành phần con ông cháu cha, cô chiêu cậu ấm thích du hí mà không thích học, nhưng lại muốn có... bằng cấp to để về nước lòe thiên hạ và nối nghiệp cha ông! Vậy rõ ràng những trường... học đại này được lập ra không phải vì mục đích giáo dục, và người theo học cũng không phải muốn học mà chỉ muốn có... bằng cắp! Một linh mục VN theo học trường loại này, đỗ bằng “Psych Doc” (Tiến sĩ Tâm Lý Học!), đã ghi hai chữ này khá to sau chức linh mục và tên mình trên các bài viết trên mạng! Nhưng cũng có linh mục tự trọng, đậu bằng cắp loại này không dám khoe!


Trong ba năm qua, vài ba linh mục Việt Nam có bằng tiến sĩ họp nhau lại lập chương trình học tiến sĩ hàm thụ về tôn giáo/thần học/mục vụ ở California để giúp các linh mục VN... hiếu học. Chương trình học ba năm, bằng tiếng Việt với học phí hơn 20.000 đô la một năm. Vài giáo xứ, cộng đoàn VN phải... gánh chịu học phí này một cách bất đắc dĩ để linh mục chánh xứ/ quản nhiệm của mình... tu học thêm, để giảng Lời Chúa về phép công bằng cho đúng hơn?!

Từ cát bụi hình thành, con người sẽ trở về với bùn đất, cát bụi. Danh vọng, quyền hành, bằng cấp/bằng cắp… không làm đổi thay thân phận con người: chết! Người tu hành há chẳng biết câu “Việc đời thành hay bại, muôn sự cũng là không?” Sao lại thích bon chen giữa chợ đời trần tục, thế gian đầy gian dối?


*

“Bác hỏi tôi đi học để làm gì?”

Câu hỏi này khởi đầu một bài tập đọc trong quyển “Quốc Văn Giáo Khoa Thư” lớp ba mà nhiều đọc giả có học qua, thời 1947-1954. Nếu câu trả lời là:

“Tôi đi học để biết đọc, biết viết, biết tính toán... và làm quan để cả họ được nhờ...” thì học tiến sĩ ở đâu, trường nào cũng không thành vấn đề. Nếu mục đích chỉ có vậy thôi thì hà tất phải học đến “học vị tiến sĩ” chi cho mệt xác thân. Và nếu là con cháu đại gia đỏ thì cứ theo nguyên tắc “trước là du hí, sau là online, hàm thụ” để về tiếp nối sự nghiệp cha ông làm lãnh đạo! Dịch ra tiếng Việt thì “tiến sĩ” nào cũng là tiến sĩ. Ph. D. của phái bạch đạo và Ph. D. hay Doctor của phe hắc đạo hàm thụ online đâu khác gì! Có dấu trademark Made in USA mang về Việt Nam là nhứt rồi. Ra Wal*Mart mua mẫu bằng Ph. D., Doctor, Master, Bachelor... rồi viết tên mình vào, về Việt Nam ai biết? So với bằng cắp của nhà nước CHXHCNVN còn đẹp hơn nhiều!

“Là người trí thức trước hết là phải biết ngượng” (Nguyễn Văn Lục). Còn biết ngượng là còn muốn hướng về cùng đích Chân, Thiện, Mỹ. Trong xã hội Việt Nam hôm nay, tìm ra ông thạc sĩ, tiến sĩ được nuôi dưỡng bằng “tư tưởng Hồ Chi Minh” biết ngượng quả là điều rất khó. Lãnh tụ đảng, nhà nước, quốc hội, cả bộ chánh trị và trung ương đảng, quan chức, nói khác cả bộ máy cầm quyền thống trị nói láo thật trơn tru, không mắc cỡ thì bảo đàn em dưới trướng “biết ngượng” sao được? Biết ngượng thì sao gọi là… con người mới xã hội chủ nghĩa? Biết ngượng là dấu chỉ của con người trưởng thành, văn minh. Thử hỏi Trần Huy Liệu có biết ngượng khi gia công nặn đẽo “anh hùng liệt sĩ Lê Văn Tám” làm thần tượng cho các cháu ngoan bác Hồ?

Với phương cách trồng người của bác và đảng, “khỉ trình luận án, đười ươi giảng bài” thì thành quả “bằng cấp” trở thành “bằng cắp” đâu có chi lạ! Điều lạ là lòng tự trọng của cả một dân tộc bị kẻ cầm quyền cưỡng bức mà chế độ vẫn tiếp tục tồn tại…


---
band4 3G McKeno

User avatar
linhgia
Posts: 1308
Joined: Fri Dec 03, 2004 9:30 am

Post by linhgia »

Thơ già



Lâu nay cứ tưởng mình già
Bây giờ mới biết quả là y chang
Suốt ngày nói chuyện thuốc thang
Gặp nhau lại kể cả tràng chuyện xưa
Tivi dỗ giấc ngủ trưa
Sức khoẻ lại giảm, mắt mờ, da nhăn
Đọc chữ phóng đại mấy trăm
Lại còn đãng trí, tần ngần, hay quên
Cả ngày mỏi mắt đi tìm
Hết tìm khoá cửa lại tìm khoá xe
Nhiều hôm thăm viếng bạn bè
Được dăm ba phút nằm phè ngủ ngon
Tóc bạc chen chúc tóc non
Không dám nhổ nữa sợ còn bình vôi
Kiến thức mới nuốt chẳng trôi
Bước ra khỏi cửa trùm người áo len
Ra đường chẳng ai gọi tên
Cứ gọi chú, bác có phiền hay không ?
Khi lên xe buýt dẫu đông
Dăm người nhường chỗ 'Mời ông cứ ngồi'
Lại hay nhạy cảm, tủi đời
Thích được săn sóc hơn thời ngày xưa
Thấy tình nhân trẻ vui đùa
Mà lòng chua xót phận vừa cuối thu
Xuốt ngày trung tiện lu bù
Cơm thì phải nhão, phở cho thật mềm
Thích nghe tiếng hỏi, lời khen
'Lúc này thon thả, trẻ hơn dạo nào'
Thức ăn cứ lấy ào ào
Ăn thì chẳng nổi mà sao cứ thèm
Ngủ trưa giấc cứ dài thêm
Đứng, ngồi, 'chuyện ấy' ngày thêm chậm rì
Đánh răng, tìm thuốc loại gì
Để răng được trắng không thì khó coi
Cà phê chỉ hớp một hơi
Đêm về trắng mắt nhìn trời đếm sao
Gặp người cùng tuổi như nhau
Thường hay hỏi 'Bác thế nào? Khoẻ không?'
Cell Phone thì khổ vô ngần
Lúng ta lúng túng thường không trả lời
Để chuông reo mãi một hồi
Mở ra thì đã chậm rồi còn đâu ?
Bệnh tật nó đến từ đâu
Cao mỡ, cao máu lâu lâu ... tiểu đường
Tránh né việc nặng là thường
Việc nhẹ thì cũng đau xương, mệt nhoài
Đi chơi càng khổ gấp hai
Đi đâu cũng ngại đường dài lái xe
Giữ thân cho khỏi tròn xoe
Vòng hai sao cứ bè bè phình to
Thang lầu càng nghĩ càng lo
Chỉ sợ trượt ngã khổ cho thân này
Ngủ thì chẳng ngủ được say
Bốn năm giờ sáng dậy ngay tức thì
Sinh nhật, sinh nhiếc làm gì
Cái chuyện lẻ tẻ ấy thì nên quên
Vẫn hay nhìn kiếng thường xuyên
Xem chân dung đã trở nên thế nào
Buồn tình đếm thử xem sao
Bao nhiêu triệu chứng ấy bao nhiêu già!





3G lượm lặt trên NET
band4 3G McKeno

User avatar
linhgia
Posts: 1308
Joined: Fri Dec 03, 2004 9:30 am

Post by linhgia »

Những chuyến xe cuộc đời



Sau cơn tai biến mạch máu não, cha tôi yếu đi nhiều, không còn khả năng đi lại nữa. Chúng tôi mang về nhà một chiếc xe lăn tay cho cha.. Nhìn cha ngồi tù túng trong chiếc xe với không gian nhỏ hẹp, chúng tôi vừa ái ngại, vừa xót xa.

Cha tôi, một người lính từng vào sinh ra tử, một người luôn hoạt động và mạnh mẽ... Bây giờ cha ngồi im lặng trên chiếc xe lăn hàng giờ liền. Tôi biết lòng cha đau đớn vì bất lực trước tình trạng bệnh tật của mình.

Thấy chúng tôi quấn quít, cha vui lắm, nhưng cha lại bảo:

- Tụi con đừng lo cho cha nhiều, đứa nào có việc phải làm, phải học, cứ đi! Cha biết cách thích nghi với hoàn cảnh mà!

Rồi cha cười nói:

- Các con à, cuộc đời con người có nhiều giai đoạn.. Mỗi giai đoạn gắn với một chiếc xe. Khi sinh ra, con người nằm xe nôi.. Nhỏ bé, yếu ớt, con người được yêu thương và chăm sóc bởi cha mẹ, người thân. Lớn lên một chút, con người chập chững bước những bước đi đầu tiên với chiếc xe tập đi. Giã từ thời thơ ấu, chúng ta bắt đầu hòa nhập vào thế giới với bao nhiêu phương tiện: xe đạp, xe máy, xe hơi... Và từ đây, chúng ta cứ luôn ao ước thay đổi chiếc xe đời mình sao cho mới hơn, hiện đại hơn, tốt hơn... Các con ơi, cha cũng đang ngồi trên một chuyến xe của đời mình. Chiếc xe lăn này là một chiếc xe trong cuộc đời của cha và cha không tuyệt vọng vì điều đó. Cái chính là cha vẫn sống lạc quan, yêu đời trên chuyến xe đời mình. Xung quanh chúng ta có biết bao mảnh đời vất vả, cực nhọc, những người gắn mình với chiếc xe ba gác chở thuê, xe xích lô, xe đẩy bán hàng rong trên phố, nhưng họ vẫn sống, vẫn vươn lên. Có những người đi toàn xe hơi đắt tiền, đời mới, nhưng những chuyến xe cuộc đời họ lại không có bến đỗ phẳng lặng, hạnh phúc...

Ai rồi cũng phải đi chuyến xe cuối cùng của đời mình. Phải làm thế nào để trong chuyến xe đó, chúng ta ra đi trong sự thanh thản, yên bình, trong sự thương tiếc của người thân, bạn bè. Làm được điều đó không phải là điều đơn giản, dễ dàng vì những chuyến xe trong cuộc đời mỗi người. Không có vé "khứ hồi", chúng ta chỉ được đi có một lần!


3G McKeno lượm lặt
band4 3G McKeno

User avatar
linhgia
Posts: 1308
Joined: Fri Dec 03, 2004 9:30 am

Post by linhgia »

A bit long but worth to read. It reflects the silent majority's thinking


"I'm Tired" by Robert A. Hall



I'll be 63 soon. Except for one semester in college when jobs were scarce, and a six-month period when I was between jobs, but job-hunting every day, I've worked, hard, since I was 18. Despite some health challenges, I still put in 50-hour weeks, and haven't called in sick in seven or eight years. I make a good salary, but I didn't inherit my job or my income, and I worked to get where I am. Given the economy, there's no retirement in sight, and I'm tired. Very tired.

I'm tired of being told that I have to "spread the wealth around" to people who don't have my work ethic. I'm tired of being told the government will take the money I earned, by force if necessary, and give it to people too lazy or stupid to earn it.

I'm tired of being told that I have to pay more taxes to "keep people in their homes." Sure, if they lost their jobs or got sick, I'm willing to help. But if they bought McMansions at three times the price of our paid-off, $250,000 condo, on one-third of my salary, then let the left-wing Congress-critters who passed Fannie and Freddie and the Community Reinvestment Act that created the bubble help them with their own money.

I'm tired of being told how bad America is by left-wing millionaires like Michael Moore, George Soros, and Hollywood entertainers who live in luxury because of the opportunities America offers. In thirty years, if they get their way, the United States will have the economy of Zimbabwe, the freedom of the press of China, the crime and violence of Mexico, the tolerance for Christian people of Iran, and the freedom of speech of Venezuela. Won't multiculturalism be beautiful?

I'm tired of being told that Islam is a "Religion of Peace," when every day I can read dozens of stories of Muslim men killing their sisters, wives and daughters for their family "honor"; of Muslims rioting over some slight offense; of Muslims murdering Christian and Jews because they aren't "believers"; of Muslims burning schools for girls; of Muslims stoning teenage rape victims to death for "adultery"; of Muslims mutilating the genitals of little girls; all in the name of Allah, because the Qur'an and Shari'a law tells them to.

I believe "a man should be judged by the content of his character, not by the color of his skin." I'm tired of being told that "race doesn't matter" in the post-racial world of Obama, when it's all that matters in affirmative action jobs, lower college admission and graduation standards forminorities (harming them the most), government contract set-asides, tolerance for the ghetto culture of violence and fatherless children that hurts minorities more than anyone, and in the appointment of US Senators from Illinois.

I think it's very cool that we have a black president and that a black child is doing her homework at the desk where Lincoln wrote the emancipation proclamation. I just wish the black president was Condi Rice, or someone who believes more in freedom and the individual and less arrogantly of an all-knowing government.

I'm tired of a news media that thinks Bush's fundraising and inaugural expenses were obscene, but that think Obama's, at triple the cost, were wonderful; that thinks Bush exercising daily was a waste of presidential time, but Obama exercising is a great example for the public to control weight and stress; that picked over every line of Bush's military records, but never demanded that Kerry release his; that slammed Palin, with two years as governor, for being too inexperienced for VP, but touted Obama with three years as senator as potentially the best president ever. Wonder why people are dropping their subscriptions or switching to Fox News? Get a clue. I didn't vote for Bush in 2000, but the media and Kerry drove me to his camp in 2004.

I'm tired of being told that out of "tolerance for other cultures" we must let Saudi Arabia use our oil money to fund mosques and madrassa Islamic schools to preach hate in America, while no American group is allowed to fund a church, synagogue, or religious school in Saudi Arabia to teach love and tolerance.

I'm tired of being told I must lower my living standard to fight global warming, which no one is allowed to debate. My wife and I live in a two-bedroom apartment and carpool together five miles to our jobs. We also own a three-bedroom condo where our daughter and granddaughter live. Our carbon footprint is about 5% of Al Gore's, and if you're greener than Gore,you're green enough.

I'm tired of being told that drug addicts have a disease, and I must help support and treat them, and pay for the damage they do. Did a giant germ rush out of a dark alley, grab them, and stuff white powder up their noses while they tried to fight it off? I don't think Gay people choose to be Gay, but I damn sure think druggies chose to take drugs. And I'm tired of harassment from cool people treating me like a freak when I tell them I never tried marijuana.

I'm tired of illegal aliens being called "undocumented workers, "especially the ones who aren't working, but are living on welfare or crime. What's next? Calling drug dealers, Undocumented Pharmacists"?

And, no, I'm not against Hispanics. Most of them are Catholic, and it's been a few hundred years since Catholics wanted to kill me for my religion. I'm willing to fast track for citizenship any Hispanic person, who can speak English, doesn't have a criminal record and who is self-supporting without family on welfare, or who serves honorably for three years in our military... Those are the citizens we need.

I'm tired of latte liberals and journalists, who would never wear the uniform of the Republic themselves, or let their entitlement-handicapped kids near a recruiting station, trashing our military. They and their kids can sit at home, never having to make split-second decisions under life and death circumstances, and bad mouth better people than themselves. Do bad things happen in war? You bet. Do our troops sometimes misbehave? Sure. Does this compare with the atrocities that were the policy of our enemies for the last fifty years-and still are? Not even close. So here's the deal.

I'll let myself be subjected to all the humiliation and abuse that was heaped on terrorists at Abu Ghraib or Gitmo, and the critics can let themselves be subject to captivity by the Muslims who tortured and beheaded Daniel Pearl in Pakistan, or the Muslims who tortured and murdered Marine Lt. Col. William Higgins in Lebanon, or the Muslims who ran the blood-spattered Al Qaeda torture rooms our troops found in Iraq, or the Muslims who cut off the heads of schoolgirls in Indonesia, because the
girls were Christian. Then we'll compare notes. British and American soldiers are the only troops in history that civilians came to for help and handouts, instead of hiding from in fear.

I'm tired of people telling me that their party has a corner on virtue and the other party has a corner on corruption. Read the papers-bums are bipartisan. And I'm tired of people telling me we need bipartisanship. I live in Illinois, where the "Illinois Combine" of Democrats has worked to loot the public for years. Not to mention the tax cheats in Obama's cabinet as well.

I'm tired of hearing wealthy athletes, entertainers, and politicians of both parties talking about innocent mistakes, stupid mistakes or youthful mistakes, when we all know they think their only mistake was getting caught. I'm tired of people with a sense of entitlement, rich or poor.

Speaking of poor, I'm tired of hearing people with air-conditioned homes, color TVs and two cars called poor. The majority of Americans didn't have that in 1970, but we didn't know we were "poor." The poverty pimps have to keep changing the definition of poor to keep the dollars flowing.

I'm real tired of people who don't take responsibility for their lives and actions. I'm tired of hearing them blame the government, or discrimination,or big-whatever for their problems.

Yes, I'm damn tired. But I'm also glad to be 63. Because, mostly, I'm not going to have to see the world these people are making. I'm just sorry for my granddaughter.




---



Robert A. Hall is a Marine Vietnam veteran who served five terms in the Massachusetts State Senate.
band4 3G McKeno

User avatar
linhgia
Posts: 1308
Joined: Fri Dec 03, 2004 9:30 am

Post by linhgia »

Tôi là ai? Nhưng không phải Việt kiều

Bùi Văn Phú



Có một luận điểm cho rằng một người càng sống lâu ở nước ngoài thì càng nhớ quê hương của mình. Đối với những kiều dân điều này đúng, còn tị nạn di dân đa phần là không.

Những năm đầu tiên ở Mỹ tôi rất nhớ gia đình, bạn bè, quê hương vì đang tự nhiên mình bị đánh bật gốc rễ để đến sống ở một xứ sở xa lạ. Thời gian đó có lần lên chơi vùng đồi núi California, nằm giữa rừng thông nghe Khánh Ly hát nhạc Trịnh Công Sơn: Tôi ru tôi giữa đời ơi a biết đâu nguồn cội, tôi xin làm đá cuội và lăn theo gót hài; mà lòng bâng khuâng tự hỏi ta là ai giữa đất trời bao la, lồng lộng này.


Nhưng càng ở lâu, hội nhập vào nếp sống mới với công việc, với đời sống thường nhật, cộng với phương tiện thông tin liên lạc hiện đại, với kinh tế toàn cầu phát triển nên nỗi nhớ quê nhà dần vơi đi và mình trở nên gần gũi hơn với dân tộc, quê hương mới.


Trong vòng hai thập niên qua, nhà nước Việt Nam đã có chính sách khuyến khích người Việt nước ngoài nhớ về quê hương bằng việc đem đưa ca sĩ qua hát và xuất khẩu văn hoá phẩm. Rồi đến chính sách thu hút tài năng cũng như tiền của người hải ngoại, đơn giản như cho phép về du lịch, cho làm từ thiện, kêu gọi đem chất xám, nguồn tài chánh về đầu tư. Nhà nước nhắn nhủ những con dân Việt sống xa quê hương rằng họ luôn được coi là “khúc ruột ngàn dặm của đất nước.


Nhưng khúc ruột đó là ruột già, ruột non hay ruột dư thì còn tuỳ người, tuỳ đối tượng và tuỳ lúc. Những năm ngay sau 1975 người Việt ở hải ngoại có lẽ là khúc ruột dư mà nhà nước muốn cắt bỏ đi. Sau họ được nâng cấp lên thành ruột non, ruột già. Tôi đoán rằng những ai đem kiến thức về giúp nước, đem tiền về đầu tư là ruột non. Những ai chỉ thích về Việt Nam du lịch, du hí là khúc ruột già. Còn ai có tư tưởng không đúng với quan điểm nhà nước thì là ruột dư.

Cũng từ khi nhà nước có chính sách gom hết người Việt nước ngoài vào một mối, cụm từ Ban Việt kiều được đổi thành “Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài. Tuy đã đổi tên nhưng hai chữ Việt kiều vẫn được dùng sai có chủ đích.


Việt kiều là để chỉ những người rời quê hương đi làm ăn, sinh sống ở nước ngoài một thời gian rồi trở về như những ô-sin, du sinh hay công nhân. Còn những ai, trên diện pháp luật đã bỏ quê hương ra đi, xin định cư ở một quốc gia khác rồi trở thành công dân của quê hương mới, họ không phải là Việt kiều. Hiểu được như thế nên tôi khẳng định một điều là mình không phải Việt kiều.

Nhưng tôi là ai? Tôi có thể trả lời Tôi là người Mỹ. Hơn nửa đời người sống ở Mỹ, dù tôi chưa là Mỹ 100%, nhưng trong con người của tôi đã theo lối sống Mỹ nhiều hơn Việt từ cách làm việc, tổ chức, đúng giờ, tôn trọng ý kiến người khác, không phân biệt đối xử vì mầu da và biết thưởng thức một một bữa spaghetti, hot dog, hamburger, gombo ngon như ăn nem rán, bún chả hay ăn phở.


Mà có ai có thể định nghĩa một người như thế nào mới được gọi là người Mỹ 100%? Thử nghiệm nhiễm thể DNA ư? Hay trắc nghiệm giọng nói tiếng Anh?


Chắc hôm nào tôi phải đi thử DNA để xem dòng giống của mình là từ đâu. Không biết DNA có phân định được giống Việt hay lại chỉ nói chung chung tôi thuộc giống Hán-Mông thì buồn lắm. Người Việt mình tự hào thuộc dòng Bách Việt, chứ dân Mỹ mà phân tích DNA thì phải tự hào về dòng giống Vạn Tộc của mình.


Còn thử giọng nói tiếng Anh? Thú thật là giọng của tôi còn mang âm hưởng Việt Nam, nhưng không nặng bằng giọng của cựu ngoại trưởng Henry Kissinger, hay giọng của một vị thày cũ là giáo sư Emilio Segrè, người gốc Ý và là khôi nguyên giải Nobel Vật lí năm 1959.


Nhưng chúng tôi đều hãnh diện là người Mỹ: I am proud to be American.

Tác giả Vũ Hoài Nam khi xem Paris by Night 96 [Tôi là người Việt Nam! (1), talawas blog 02.07.2009] nghe em-xi Nguyễn Ngọc Ngạn nói ông ấy là người Canada thì không bằng lòng và lên tiếng phản đối. Theo tôi câu nói của ông Nguyễn Ngọc Ngạn rất bình thường vì ông đã sống lâu ở Canada, đã đóng góp vào xã hội, hoà mình trong nếp văn hoá ở đó thì hãnh diện làm người nước đó, dù ông có đang nói với khán giả người Việt hay người Canada, người Mỹ, người Pháp. Hơn nữa vì sống ở Canada mà ông Ngạn đã có thể tự do sáng tác, để lại cho đời nhiều tác phẩm giá trị về kinh nghiệm và đời sống ở Việt Nam, về vui buồn của người Việt hải ngoại. Nếu ở Việt Nam những đề tài ông viết đều là cấm kị, nhạy cảm và sẽ không được xuất bản.

Những đứa con của tôi sinh ra ở Hoa Kỳ, vợ chồng chúng tôi vẫn dạy các cháu là phải nhận mình là người Mỹ, phải hãnh diện làm người Mỹ trước đã, như thế mới có thể ngẩng đầu lên trước những bất công, thử thách về mầu da, chủng tộc mà các cháu có thể gặp phải trong sinh hoạt đời sống hàng ngày.


Còn việc dạy cho con trẻ biết về nguồn gốc là một chuyện khác, tuỳ theo từng gia đình và cộng đồng.


Tác giả Vũ Hoài Nam e ngại điều hãnh diện của em-xi Nguyễn Ngọc Ngạn có thể lây lan và làm cho đám trẻ nhỏ Việt quên nguồn gốc. Điều này tôi thấy không đáng lo, ít ra là ở Hoa Kỳ, một quốc gia với lịch sử được viết bởi di dân nên trong giáo trình đều có những bài học về nguồn
gốc của người Mỹ.

Từ cấp hai các em đã học và làm bài về nguồn gốc gia đình. Học sinh lớp 7, lớp 8 thường có đề án viết về con đường đến Hoa Kỳ của các em hay của bố mẹ ông bà và bài tường trình về một quốc gia, thường là quê hương nguồn cội. Lên cấp ba những đề tài tương tự được mở rộng hơn. Đây là những lúc các bậc phụ huynh có cơ hội kể lại cho các em biết về hành trình đến Mỹ. Lên đại học việc nghiên cứu về bản sắc càng mở rộng hơn. Trong những năm đầu ở đại học sinh viên có thể viết một bài luận văn theo thể truyện kí kể lại đời mình hay hành trình đến Mỹ của gia đình. Tuỳ ngành học các em có thể tìm hiểu về các món ăn Việt, các loại chè, nghiên cứu về phong tục cưới xin, ma chay hay tổ chức làng xã, hoạt động kinh tế, cơ chế chính trị. Cao hơn là công trình của nghiên cứu sinh ban thạc sĩ và tiến sĩ chuyên về Việt Nam.


Nói chung, thanh thiếu niên và cả người lớn nếu chối bỏ nguồn gốc thì vì một lí do nào khác, chứ không phải vì việc em-xi Nguyễn Ngọc Ngạn nhận ông ấy là người Canada.


Bài hát Quê hương được Võ Tá Hân phổ từ thơ Đỗ Trung Quân đã một thời văng vẳng trong những hàng quán, những sinh hoạt văn nghệ ở hải ngoại. Với tôi hình ảnh cánh diều, cầu tre, con đò, nón lá vẫn là nét đẹp quê hương trong trí nhớ. Nhưng khi nhắc quê hương là chùm khế ngọt thì kinh nghiệm bản thân qua những lần về Việt Nam rất khó gợi cho tôi hình ảnh đẹp như đã được tượng hình hoá vì có dịp ăn khế quê nhà, mười trái có đến chín trái chua, từ thoáng chua đến chua ê cả răng. Thực ra khế thường được dùng để nấu canh chua - như canh chua cá bông lau là món ăn nam bộ rất ngon - hay được dùng để nêm nước chấm. Chẳng mấy khi có được khế ngọt.


Còn lãnh đạo văn hoá tư tưởng thêm vào bài hát ý tưởng không nhớ quê hương sẽ không lớn nổi thành người là hơi cường điệu.


Gần đây, để tạo điều kiện cho người Việt được gắn bó với quê cũ, nhà nước đã ban hành luật quốc tịch cho người Việt hải ngoại cơ hội mang quốc tịch Việt Nam. Tôi tự hỏi nếu mình chính thức mang quốc tịch Việt Nam thì sẽ có những quyền lợi gì? Được mua nhà và đầu tư trong nước ư. Việc này tôi không có nhu cầu và không có khả năng. Với tư cách công dân Việt Nam nếu tôi có quyền được tự do tham gia ứng cử và bầu cử để chọn người đại diện xứng đáng cho đất nước, khi đó tôi sẽ hãnh diện làm công dân nước Việt. Còn không tôi thấy mình vẫn chẳng được bằng người Mỹ gốc Cam Bốt, gốc Iraq hay gốc Đài Loan vì họ được quyền tham gia những sinh hoạt dân chủ nơi quê hương nguồn cội.

Vì vậy có ai hỏi tôi là ai, tôi sẽ rả lời tương tự như em-xi Nguyễn Ngọc Ngạn, là Tôi là người Mỹ vàở đâu có độc lập, tự do, hạnh phúc nơi đó là quê hương của tôi.

© Buivanphu 12.07.2009



Bùi Văn Phú

---



__._,_.__
band4 3G McKeno

User avatar
linhgia
Posts: 1308
Joined: Fri Dec 03, 2004 9:30 am

Post by linhgia »

ĐỒ ĐỂU



Hắn đem gia đình sang du lịch Paris.

Khi hắn vừa tốt nghiệp Cử Nhân Văn Khoa thì miền Nam thay đổi chế độ, và mọi người trở thành thất nghiệp. Hắn may mắn thừa hưởng một miếng đất rất rộng ở ngay ngoại ô Saigon , hắn canh tác miếng đất đó, trồng rau quả, nuôi gà vịt, mở một quán cà phê nhỏ để sống qua ngày. Thì giờ rảnh rỗi hắn nghiên cứu về một môn học mà hắn gọi là môn "ngôn sử".



Hắn nói ngôn sử tiếng Pháp là philologie, tôi chẳng hiểu gì cả. Hắn giải thích đó là môn học nghiên cứu lịch sử, cấu trúc và cách tạo thành của ngôn ngữ. Tôi vẫn mù tịt. Năm 1980, hắn nhờ tôi tìm mối bán nhà và đất lấy mười lượng vàng vượt biên. Tôi tìm không ra, và hắn ở lại. Không ngờ như thế mà lại may. Gần đây nhà đất vùn vụt lên giá, hắn bán một phần khu đất và trở thành triệu phú đô la. Hắn bảo tôi :



- Bôn ba không qua thời vận. Mày xông xáo như thế mà cuối cùng lại chẳng ra gì so với tao. Cái nhà mày hơi bị nhỏ đấy. Tao là một sản phẩm của tệ đoan xã hội. Chúng nó ăn hối lộ và buôn lậu, nhiều tiền bẩn quá phải mua nhà đất để tẩy, nhờ thế mà tao giàu sụ. Tao bán hơn năm ngàn mét đất được vài ngàn cây, sau khi lịch sự mất vài trăm cây.



- Lịch sự ?



- À, đó là một tiếng mới - hắn cười to. Bây giờ người ta không nói là đút lót hay đưa hối lộ nữa, xưa rồi ! Bây giờ người ta nói là "lịch sự". Lịch sự trở thành một động từ. Làm cái gì cũng phải lịch sự mới xong; không biết lịch sự thì không sống được. Tao nhờ một thằng bạn lanh lẹ lịch sự giùm mới bán được miếng đất đấy. Thằng bạn nhờ đó được một trăm cây tiền lùi.



- Tiền lùi ?



- Đó cũng là một từ; mới nữa. "Lùi" có nghĩa là tiền mà kẻ được lịch sự bớt cho, còn gọi là tiền lại quả, cũng một tiếng thời thượng mới. Nó đi năm trăm cây nhưng lùi cho một trăm cây.



Hắn tặng vợ tôi một cái túi xách tay Louis Vuiton và nói đó là là một túi mố. Hắn giải thích "mố" cũng là tiếng mới xuất hiện, dùng thay cho "thời trang", hay "mốt" trước đây. Hắn cho tôi một sơ-mi lụa và nói đó là lụa thực chứ không phải lụa đểu.



Tôi hỏi lụa đểu là gì thì hắn phá lên cười :



- Mày lỗi thời quá rồi.. Bây giờ trong nước người ta không nói là "giả" nữa mà nói là "đểu". Hàng đểu, bằng đểu, rượu đểu, thuốc đểu.



Tôi, sực nhớ ra hắn là một nhà ngôn sử, bèn hỏi hắn:



- Thế mày nghĩ gì về những từ mới này ?



Hắn bỗng trở thành nghiêm trang, trầm mặc một lúc rồi nói :



- Ngôn ngữ của dân tộc nào cũng gắn liền với lịch sử. Cái gì thuờng trực và lâu dài cũng trở thành ám ảnh rồi đi vào ngôn ngữ. Mày thử xem, ngôn ngữ của nước nào cũng xoay quanh hai từ "có" và "là", être et avoir, to be and to have. Người Việt thì không có gì cả mà cũng chẳng là gì cả, chỉ có cái thân phận nô lệ, bị bóc lột và đói triền miên, vì thế mà động từ căn bản của tiếng Việt là "ăn".



Thắng bại thì gọi là ăn thua, thằng nào thắng thì có ăn, thằng nào thua thì đói; sinh hoạt nghề nghiệp thì gọi là làm ăn, vợ chồng ăn ở, ăn nằm với nhau, nói chuyện là ăn nói, rồi ăn ý, ăn ảnh, ăn khớp... Ngay cả lúc chửi nhau cũng cho ăn cái này cái kia, rủa nhau là đồ ăn mày, ăn nhặt, ăn cắp, ăn giật. Cái gì cũng ăn cả vì đói quanh năm, lúc nào cũng bị miếng ăn ám ảnh. Bây giờ cũng thế, cái gì cũng đểu cáng cả. Chính quyền đểu, Nhà Nước đểu, nhà trường đểu... Cái gì cũng đểu cả nên đểu hiện diện một cách trấn áp qua ngôn ngữ.



Hắn dừng lại một lúc rồi nói tiếp :



- Nhân loại tiến triển qua các thời kỳ đồ đá, đồ đồng, đồ sắt. Chúng ta còn có thời kỳ đồ đểu. Nước mình đang ở thời kỳ... ĐỒ ĐỂU.



Vô Danh





---
band4 3G McKeno

User avatar
linhgia
Posts: 1308
Joined: Fri Dec 03, 2004 9:30 am

Post by linhgia »

Mùa Từ Thiện

Chưa bao giờ người Việt tỵ nạn tại Hoa Kỳ lại có đầy dẫy cơ hội làm việc từ thiện như những lúc gần đây.

Tuần trước tôi nhận được email của cô bạn học cũ xin tiền giùm một linh mục ở Việt Nam để lo cho trẻ em nghèo bên đó. Hôm sau tôi lại nhận được một email khác của người bạn mời đi xem anh ta hát với một số bạn trẻ khác ở Star Performing Art Center kèm theo lời nhắn gửi là 80% tiền thu được sẽ được gửi về Việt Nam giúp người nghèo. Sau hôm đó thì tôi nhận được một cú điện thoại mời đi ăn tối ở một nhà hàng nhằm mục đích gây quỹ từ thiện cũng để giúp đỡ người nghèo ở Việt Nam. Chiều đi làm về ghé qua chợ mua tờ báo thì thấy hình ảnh bão lụt miền Trung hiện diện ngay trang nhất kèm theo lời cứu trợ cho nạn nhân cơn bão số 9 ở Việt Nam. Vừa ra xe đút chìa khóa nổ máy thì nghe radio trong xe vang lên cuộc phỏng vấn một tu sĩ thuộc một dòng tu Công Giáo đang rầm rộ gửi người về Việt Nam giúp nạn nhân bão lụt. Theo như vị tu sĩ này cho biết thì nhiều thiện nguyện viên ở Mỹ đã bỏ tiền túi ra mua vé máy bay về Việt Nam gấp cho kịp công tác cứu trợ sau cơn bão số 9. Tôi hy vọng vị tu sĩ này không phải bỏ tiền túi của mình ra để trả lệ phí cho talk-show trên đài. Sau khi vào nhà tôi bật tivi lên trong lúc sửa soạn bữa ăn tối, tôi lại được dịp nhìn thấy hình ảnh bão lụt miền Trung trong đoạn phim dài khoảng 3 phút và kết thúc bằng lời kêu gọi rất não lòng “Máu chảy ruột mềm”, $20 cho một bao gạo, $1000 cho một tấn gạo, xin đồng bào gửi tiền giúp cho, vv và vv ….

Đoạn phim này không phải chỉ được chiếu một lần trên màn ảnh tivi mà lập đi lập lại nhiều lần giống như các quảng cáo thương mại khác. Cơm nước xong, tôi lại bật tivi nhưng chuyển qua một đài Việt Nam khác thì thấy trên màn ảnh là quang cảnh đấu giá tranh coi bộ rất hào hứng tại một nhà hàng ở Quận Cam mà số tiền thu được sẽ được trao cho hai nữ tu đã từ Việt Nam qua và cũng có mặt trong buổi dạ tiệc đấu giá tranh đó.

Hết bức tranh này đến bức tranh khác, người tham dự coi bộ rất “hồ hởi, phấn khởi” tranh nhau trả giá cao hơn và kết thúc thật vui nhộn. Nghe đâu tiền bán tranh và lợi nhuận từ buổi dạ tiệc sau khi trừ đi chi phí máy bay và ăn ở của các nữ tu (coi bộ không nhỏ) sẽ được gửi cho các nữ tu mang về Việt Nam làm công tác từ thiện bên nhà.

Dường như tôi đang sống trong một cộng đồng đang “sốt” lên và “nhà nhà thi đua, người người thi đua” làm việc từ thiện cho Việt Nam.

Để thay đổi không khí, tôi chuyển qua một đài tivi Mỹ thì nghe thấy một đoạn tin tức khá dài trong đó cái giới chức có thẩm quyền nhìn nhận là hệ thống nước uống (fountain drink) của các trường tiểu học trong rất nhiều học khu ở Quận Cam đã bị ô nhiễm đường ống nước từ lâu và họ thú nhận là không có tiền để thay hoặc sữa chữa, và họ còn dự đoán là phải mất 2 – 3 năm nữa mới hy vọng có đủ tiền thay đường ống nước hoặc sữa chữa vì tình hình kinh tế thắt lưng buộc bụng hiện nay. Trong lúc chờ đợi, phụ huynh chịu khó mua nước chai cho con mang đến trường, nhưng nếu có em nào chẳng may khát quá, quên mất điều đó mà lỡ quên uống nước fountain drink thì … cha mẹ ráng chịu vì đã được thông báo rồi mà.

Trời ! ở ngay cái xứ đã từng đưa người lên cung trăng này mà con em mình phải đợi vài năm nữa mới hy vọng có nguồn nước sạch để uống ở trường. Chuyện nghe cứ tưởng như mình đang ở Phi Châu hoặc một đất nước nghèo đói xa xôi nào vậy, chứ không phải ở Mỹ. Tôi bấm nút đổi qua một đài Mỹ khác thì tin tức cũng chẳng thú vị gì, lại những mẫu tin, hình ảnh và những con số leo thang của nạn thất nghiệp, nhà cửa bị ngân hàng xiết vì không trả nỗi nợ nữa (foreclosure) , nạn trộm cắp gia tăng vì xã hội ngày càng thêm người nghèo, nhiều người già mất tiền hưu dưỡng vì những xáo trộn tài chánh mấy năm qua đã ảnh hưởng đến quỹ hưu trí của họ. Trên màn ảnh tivi tôi chợt chú ý đến hình ảnh ngơ ngác của các em bé học sinh mà giọng người xướng ngôn viên cho biết đó là những “homeless students” (học sinh vô gia cư, không nhà) đang ngày càng đông trong các học khu bởi vì chính cha mẹ các em cũng vừa trở thành “homeless” sau khi họ bị mất việc làm và căn nhà của gia đình họ bị các ngân hàng lấy đi để xiết nợ.

Tôi tắt tivi, tiện tay cầm lên tờ báo Mỹ địa phương nổi tiếng, Orange County Register, để mang vào giường ngủ đọc. Dưới ánh đèn phòng ngủ, tôi liếc qua trang chuyên đăng “Legal Notice” (thông báo theo yêu cầu của luật pháp) với những cột báo dày đặc tên những con nợ bị ngân hàng báo tin là sẽ mang nhà của họ ra đấu giá vì họ đã không thể tiếp tục trả nợ tiền nhà nữa. Tôi thoáng nhận ra một số tên con nợ người Việt Nam với những cái họ đặc thù rất quen thuộc: Nguyễn, Trần, Lê, Lý, ….. Tôi thở dài khi nhớ ra rằng khi chạy xe đi làm ngang qua những thùng rác lớn, tôi vẫn thấy hình ảnh cố hữu của những người đang moi thùng rác để nhặt những chai nhựa, thủy tinh mang về bán lại.

Mà cần gì phải tìm kiếm xa xôi, mới hồi chiều này sau khi mua tờ báo và bước chân ra khỏi chợ, tôi đã nhìn thấy một người đàn bà Việt Nam đứng tuổi đang lặng lẻ ngồi xin tiền trên một chiếc xe lăn xập xệ ngay trên bãi cỏ ven lề của bãi đậu xe. Có lẻ bà đã không dám ngồi ngay trước cửa chợ vì sợ bị ông bảo vệ chợ đuổi đi. Thật chưa bao giờ tôi thấy bức tranh xã hội và kinh tế của Mỹ lại ảm đạm và thê lương như bây giờ.

Hôm sau tôi phải giữ một cái hẹn với ông nha sĩ để khám răng định kỳ. Nằm trên chiếc ghế của bệnh nhân, tôi nghe ông nha sĩ trẻ người Việt khoảng trên ba mươi tuổi vui vẻ kể lại chuyện cuối tuần vừa rồi ông đưa gia đình ông đến tham dự một buổi dạ tiệc lớn trong cộng đồng nhằm gây quỹ giúp người nghèo ở Việt Nam. Những vị thực khách mạnh thường quân đã kéo đến thật đông đầy nghẹt cả nhà hàng, và có nhiều người phải thất vọng bỏ ra về vì không tìm thấy chỗ ngồi. Thế nhưng những vị thực khách may mắn khác chưa ngồi được nóng chỗ thì đã thấy cảnh sát Mỹ túa vào nhà hàng và xe cứu hỏa đã được điều động tới. Rồi thì tất cả mọi người bị cảnh sát mời ra ngoài vì nhà hàng chỉ có giấy phép chứa 250 người mà lại có tới khoảng 400 người đang tham dự buổi dạ tiệc. Nghe đâu nhà hàng đã được sửa sang để có sức chứa 400 người nhưng trên mặt pháp luật thì nhà hàng chưa xin được (hoặc đang xin) giấy phép để tăng số thực khách như ý muốn. Sau khi chờ đợi ở ngoài khá lâu, cảnh sát cho phép đúng 250 thực khách được vào nhà hàng trở lại, số còn lại phải ra về sau khi được ban tổ chức xin lỗi và hứa hẹn sẽ mời họ lại trong một dịp gây quỹ khác rất gần.

Ông nha sĩ trẻ phân bua với tôi là việc cảnh sát làm tuy đúng với luật pháp, nhưng hơi quá đáng vì người nghèo ở Việt Nam trở thành nạn nhân do ban tổ chức mất đi cơ hội lạc quyên tiền từ 150 vị thực khách phải bỏ ra về ngang xương chỉ vì cảnh sát làm mất cuộc vui. Và ông nha sĩ trẻ của tôi còn nói thêm điều gì nữa đó, nhưng tôi không còn nghe nữa. Tâm trí tôi đang nghĩ tới những vòi nước “fountain drink” dơ bẩn trong các trường học đang cần có tiền để được thay đổi, sữa chữa. Tôi liên tưởng đến những em học sinh nhỏ ở Quận Cam trong lúc khát nước đã quên khuấy lời cha mẹ dặn mà cứ vục đầu vào uống nước từ những chiếc vòi nước với đường ống dơ bẩn đó. Tôi chợt xốn xang hơn khi nhớ lại hình ảnh ngơ ngác của các em bé “homeless students” ở trên tivi tối hôm qua.

Tôi tự hỏi có bao nhiêu em trong số các em học sinh vô gia cư đó là người Việt Nam với những cái họ Lê, Lý, Nguyễn, Trần, …. mà tôi đã đọc thấy trên tờ báo địa phương tối hôm qua ? Ước gì các vòi nước dơ bẩn trong các trường học ở Quận Cam và những em bé học sinh vô gia cư kia được sự chú ý của những nhà tổ chức làm việc từ thiện lỗi lạc của cộng đồng chúng ta ? Với khả năng huy động đến cả 400 – 500 thực khách đến tham dự một buổi dạ tiệc gây quỹ từ thiện cho Việt Nam như vậy trong một thời buổi kinh tế khó khăn như hiện nay thì tôi tin chắc là họ có dư khả năng làm thu ngắn lại khoảng thời gian chờ đợi 2 – 3 năm để có nguồn nước uống sạch trong các trường học cho con em chúng ta, hoặc làm vơi bớt nỗi khổ đau của những bậc cha mẹ bị mất nhà và con cái bị liệt vào số thống kê những học sinh “homeless” không nhà. Đó là chưa kể đến những cụ già đang sống neo đơn không người chăm sóc như người đàn bà ăn xin tôi đã gặp trong bãi đậu xe chiều hôm qua. Đó là chưa kể đến những bệnh nhân đang âm thầm chịu đựng bệnh tật vì không có bảo hiểm y tế để vào bệnh viện chữa bệnh. Dường như làm việc từ thiện ở ngay trên xứ Mỹ và cho chính nước Mỹ này vẫn không “hấp dẫn” và “lôi cuốn” bằng làm việc từ thiện ở Việt Nam ? Hay đó là việc của chính phủ, hay của người bản xứ mà chúng ta không cần lưu ý đến ?

Từ hồi cơn bão Katrina cho tới bây giờ, tôi nghe rất ít chuyện kêu gọi làm việc từ thiện trên đất Mỹ, mặc dù ai cũng thừa biết là trong những năm gần đây nền kinh tế Mỹ như một chiếc xe không phanh lao đầu xuống dốc. Trong một bản tổng kết mới đây của một cơ quan Liên Hiệp Quốc thì Hoa Kỳ đã xuống hàng thứ 13 (thua cả Canada) trong số các quốc gia được xem là nơi sống lý tưởng nhất cho người dân trên thế giới. Theo như bản xếp hạng này thì Na Uy đứng nhất và Úc đứng thứ hai.

Điều đáng chú ý là những nhà làm việc từ thiện của chúng ta khi còn ở Mỹ thì ra mặt rất ư là “danh chánh ngôn thuận”, nào là hội từ thiện này, đoàn thể nọ khi kêu gọi lòng hảo tâm của người Việt hải ngoại, nhưng khi quý vị đó về tới Việt Nam thì họ là những nhà từ thiện … “chui”, hoặc núp dưới bóng một nhà thờ, chùa chiền, hay một dòng tu ở Việt Nam để làm việc từ thiện. Họ phải giấu tiền, kín đáo, hoặc trốn chui, trốn nhũi, âm thầm làm công việc từ thiện nếu không muốn bị công an cộng sản Việt Nam để mắt tới và khép tội là “bọn xấu” hoặc “thế lực phản động từ nước ngoài về”. Còn các đoàn y sĩ khi về Việt Nam chữa bệnh thì phải xin phép nhà nước, chỉ được đến những chỗ nhà nước đã chỉ định để chờ và tiếp những bệnh nhân do … nhà nước gửi tới.

Ồn ào, vỗ ngực xưng danh và được nhà nước Việt Nam long trọng thỉnh mời về với “cả một đội ngũ đông đảo chờ đón, có rắc hoa thơm trên lối đi, có nhiều phóng viên tụ tập để phỏng vấn” (Việt Tide, số 430, trang 21) thì chắc chỉ có thiền sư Nhất Hạnh và các đệ tử Làng Mai của ông. Vậy mà sau bao nhiêu năm thiền sư trút về Việt Nam không biết bao nhiêu triệu triệu dollars đóng góp của bá tánh tứ phương để xây dựng cơ sở hạ tầng và làm việc từ thiện, giờ đây các môn đệ của ông chẳng những đã bị đuổi ra khỏi các cơ ngơi đó mà họ còn đang bị vây đánh tơi bời, đã chạy ẩn trú vào một ngôi chùa khác (chùa Phước Huệ) mà vẫn bị công an truy nã tới cùng và bị chính quyền qui tội là “vi phạm luật pháp Việt Nam”. Bài học “vắt chanh bỏ vỏ” này của Cộng Sản Việt Nam chẳng có mới mẻ, xa lạ gì với chúng ta cả, nhưng dường như vẫn có người … học hoài chưa thấm.

Khách “quý” như thiền sư Nhất Hạnh và các môn đệ của ông được nhà nước mời và tiếp đón nồng hậu như vậy mà bây giờ đang bị cộng sản đối xử tàn nhẫn đến thế thì vấn đề an nguy của các nhà từ thiện “chui” của chúng ta chỉ là vấn đề thời gian. Chẳng qua chính quyền cộng sản còn đang bận đàn áp, bỏ tù những người đòi quyền tự do dân chủ ở Việt Nam, hoặc đang mải mê đếm tiền hối lộ và trợ giúp nhân đạo của quốc tế, hay đang bận “đốt” tiền trong các cơ sở kinh tài ở hải ngoại của họ nhằm mục đích đánh phá, chia rẽ và phân hóa cộng đồng nên họ đang tạm thời “nhắm mắt làm ngơ” cho các nhà tự thiện “chui” của chúng ta đó thôi. Vả lại, Cộng Sản Việt Nam chưa có dại gì mà lại ‘chặt dây động rừng” trong lúc này khi mà công tác cứu trợ của các nhà từ thiện “chui’ của chúng ta đã và đang giúp họ rãnh tay đối phó với các “bloggers” ở trong nước tranh đấu cho Hoàng Sa/Trường Sa và sự toàn vẹn lãnh thổ, cũng như các phần tử đang phản kháng việc khai thác bauxite ở Tây Nguyên, ….

Nhưng sự im lặng và nhắm mắt làm ngơ của Cộng Sản không phải là đồng ý. Chớ có tưởng bở là “Việt kiều yêu nước” được tự do làm việc từ thiện vì bài học Bát Nhã của thiền sư Nhất Hạnh và các tu sĩ Làng Mai vẫn còn mới tinh và sờ sờ ngay trước mắt chúng ta. Tiếc là phải mất cả chục năm nay để ông thiền sư Nhất Hạnh mới được “sáng mắt sáng lòng” mà nhận ra là “chơi dao có ngày đứt tay”.

Thế mới biết Cộng Sản Việt Nam rất kiên nhẫn trong công việc “vắt chanh bỏ vỏ”. Không chóng thì chày sẽ đến lúc những “Việt kiều yêu nước” và “thích” làm việc từ thiện ở Việt Nam, những vị khách Đảng không mời mà tới này bị coi là …. tài lanh, nhẹ thì bị kết tội “xâm phạm và làm cản trở công tác cứu trợ của chính quyền”, nặng hơn nữa là “toa rập với các thế lực ngoại bang chống phá Việt Nam”.

Xin đừng quên rằng chúng ta là những người ngoại quốc ngay trên chính quê hương của mình, và thậm chí chúng ta “được” Đảng Cộng Sản Việt Nam đối xử còn tệ hơn là những người ngoại quốc chính hiệu bởi vì chúng ta phải đóng tiền xin visa để về thăm nơi chôn rau cắt rốn của mình trong khi dân Trung Cộng thì lại có thể ngang nhiên đến ở và làm việc tại Việt Nam mà không cần phải xin visa hay một giấy tờ gì cả mà công an Việt Nam không dám hoạnh hoẹ hỏi han họ như đã từng hạch sách “Việt Kiều” về thăm quê hương. Xin đừng quên rằng chúng ta mang quốc tịch Hoa Kỳ, Gia Nã Đại, Anh, Pháp, Úc, Thụy Sĩ, …. và chúng ta không còn mang quốc tịch Việt Nam kể từ cái ngày chúng ta bỏ phiếu bằng chân để trở thành “bọn phản quốc chạy theo bơ thừa sữa cặn của đế quốc”.

Một điều quan trọng khác mà chúng ta ai cũng biết là sau khi Cộng Sản từ bỏ công cuộc “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên Xã Hội Chủ Nghĩa” nhằm phục vụ cho sự sống còn của Đảng, ngày nay Việt Nam đang có những đại gia, những nhà tư bản đỏ (đa phần là con cháu hay có liên hệ với Cộng Sản) đã xúng xính sắm máy bay riêng, đặt mua xe hơi Roll-Royce từ Anh Quốc trả bằng tiền mặt, đánh cá độ quốc tế với cả triệu dollars Mỹ, hoặc vung vít bạc ngàn dollars trong các sòng bài nổi tiếng trên thế giới, hay mua bất động sản đầu tư ở ngoại quốc và cho con cái đi du học với hàng trăm ngàn dollars ký gửi trong các trương mục ngân hàng quốc tế.

Như vậy thì mấy chục ngàn dollars chúng ta cắc củm quyên góp để mang về Việt Nam cứu trợ có thấm thía gì, hay chỉ là việc “mang muối bỏ biển”, “vác củi về rừng” ? Tại sao vài ba chục người phải bỏ tiền túi ra mua vé máy bay vượt đại dương, mây ngàn hối hả về Việt Nam cứu trợ trong khi có tới 83 triệu đồng bào như một khối nhân sự khổng lồ ở sẵn trong nước ?

Chẳng lẽ 83 triệu dân với con số không nhỏ những đại gia, tư bản đỏ và doanh nhân lớn nhỏ với hàng triệu dollars tiêu xài vung vít đó không thể tự đùm bọc và cứu trợ cho nhau hay sao ? Không lẽ chỉ có “những khúc ruột dư ngàn dặm” là 3 triệu người Việt Nam sống rải rác khắp nơi trên thế giới mới cần phải biết đến “máu chảy ruột mềm”, còn 83 triệu đồng bào cùng sống quây quần trong một đất nước nhỏ bé thì lại không biết “lá lành đùm lá rách” ? Thật phi lý làm sao !


Trong lúc mải mê làm công việc Bồ Tát cứu nhân độ thế trong các chương trình cứu trợ ở Việt Nam, vô hình chung chúng ta đã gián tiếp hà hơi, tiếp sức để cho bọn chính quyền Cộng Sản được rãnh tay chuyên chú vào việc đánh phá các cộng đồng người Việt hải ngoại qua Nghị Quyết Số 36 của Đảng Cộng Sản, và đàn áp bỏ tù những nhà đấu tranh cho phong trào dân chủ trong nước hay cho sự vẹn toàn lãnh thổ. Và cũng chính chúng ta đang “làm hư” các đại gia, tư sản và tiểu tư sản ở Việt Nam vì chúng ta chen chân đòi gánh vác công tác cứu trợ trong khi chính họ mới là những người có đủ “danh chánh ngôn thuận” và có trách nhiệm quyên góp tài chánh để lo toan các công tác cứu trợ như một phần nào đó đền bù lại của cải cho những người dân Việt Nam tầm thường đã giúp họ giàu có mà trong tiếng Anh ta thường gọi việc làm đó là “give back to the community”.

Tại sao chúng ta lại phải cuống quýt bay về Việt Nam lo cứu trợ, mà vô tình để cho các đại gia và các nhà tư sản lớn nhỏ trong nước có cơ hội để ỷ lại vào sự trợ giúp của chúng ta, để họ có thể bình tâm hưởng thụ, nhởn nhơ bay lượn sang Hawaii tắm biển buổi sáng, và đáp máy bay đến Las Vegas đánh bài xì phé buổi chiều ?

Thử hỏi các tay đại gia, tư bản và cả đám “celebrities” đang sống đề huề với Cộng Sản như Phạm Duy, Nguyễn Cao Kỳ, …vv… có thể yên tâm hưởng thụ và “hót” được nữa hay không khi dân nghèo và dân oan tràn về nằm đầy trên đường phố và tình trạng an ninh của họ bị đe dọa bởi chết chóc, bệnh tật, đói nghèo, trộm cắp lan tràn đầu đường cuối ngõ ?

Hoàn cảnh của Việt Nam bây giờ đã khác 20 năm trước quá nhiều rồi. Tuy hơi muộn màng nhưng có lẽ vẫn chưa quá muộn để chúng ta thức tỉnh mà ra khỏi “cơn sốt” làm việc từ thiện cho Việt Nam. Có lẽ đã đến lúc chúng ta nên quay đầu nhìn lại con bò sữa Mỹ quốc đang càng ngày càng cạn kiệt bơ sữa mà chúng ta đã thi nhau vắt để cắc củm gửi về cho Việt Nam cả ngàn tỷ dollars trong hơn 30 năm qua.

Có lẽ đã đến lúc chúng ta nên chú tâm tới cái cộng đồng mà chúng ta đang sống, và với bổn phận làm công dân đối với cái đất nước đã và đang cưu mang chúng ta từ bao nhiêu năm qua. Nơi đây mới chính là nơi chúng ta phải vun đắp, tưới bồi không phải chỉ cho tương lai chúng ta mà còn cho đời con đời cháu của chúng ta. Đa số chúng ta vẫn còn cặm cụi làm ăn để trả nợ nhà, nợ xe, nợ học phí, nợ bills này, hoá đơn nọ, ….

Con em chúng ta cần có hệ thống nước sạch để uống trong các trường học, các em thanh thiếu niên cần nhiều chương trình đức dục, giáo dục văn hóa Việt Nam, khoa học kỹ thuật và nghệ thuật mà chính phủ thì đã và đang cắt giảm ngân sách trong mọi lãnh vực. Còn những người già sống cô độc thì cần nơi nương tựa và các sinh hoạt cộng đồng.

Xin đừng quên là chúng ta đang ở trong thời kỳ suy thoái kinh tế trầm trọng mà hậu quả là rất nhiều người trong cộng đồng chúng ta đã mất nhà, mất job, …. và cần sự giúp đỡ của cộng đồng. Nói trắng ra là cộng đồng chúng ta vẫn còn nghèo, mà một phần lớn của cái nghèo đó là vì chúng ta đã và hiện vẫn còn đang “ăn cơm nhà” ở Hoa Kỳ, nhưng làm chuyện “vác ngà voi” ở Việt Nam, một công việc “tài lanh” mà Đảng Cộng Sản và bọn tư bản đỏ ở Việt Nam đang cười mũi vì họ không mời, không kêu gọi, cũng không “appreciate” nhưng chúng ta vì muốn “thi đua” lòng yêu nước thương nòi nên vẫn “thích” và “mê” lao đầu về làm như những con thiêu thân mà quên rằng chỉ có Đảng Cộng Sản Việt Nam mới có đặc quyền yêu nước và “yêu nước là yêu Chủ Nghĩa Xã Hội”.

Mà giả sử như chính quyền Cộng Sản và bọn tư bản đỏ ở Việt Nam giả điếc làm ngơ, không thèm đếm xỉa, hay không lo toan cho dân nghèo thì đó là một cơ hội tốt cho đất nước Việt Nam chuyển mình. Cách mạng chỉ xảy ra khi con người ta bị đẩy vào con đường cùng, khi các mâu thuẫn giữa hai giai cấp giàu và nghèo, giữa thành phần cai trị và bị trị dâng lên đến tột cùng. Lịch sử cho thấy hai triệu dân chết đói ở miền Bắc năm Ất Dậu (1945) đã tạo một cơ hội ngàn vàng cho Cộng Sản khơi dậy lòng căm thù của toàn dân lên đến tột độ mà đứng lên làm “Cách Mạng Mùa Thu”.

Thêm vào đó là yếu tố kinh tế. Không phải ngẫu nhiên mà một tay lãnh tụ cộng sản gộc như Gobachev lại lên cơn “mát” nhắm mắt làm ngơ cho dân Đông Đức phá bức tường Bá Linh để thống nhất nước Đức, và theo sau là sự sụp đổ của các chính quyền cộng sản ở Đông Âu. Chẳng qua chỉ vì nền kinh tế của Liên Xô đã quá kiệt quệ và két sắt của chính phủ Gobachev đã nhẹ hều, không còn đủ tiền bạc để tài trợ cho các chương trình quân sự viễn chinh nhằm đàn áp dân chúng ở Đông Âu như Liên Xô đã từng làm ở Hungary hay Ba Lan trong những thập niên 1950 – 1960.

Lẽ ra Cộng Sản Việt Nam với cái túi tiền trống rỗng vì thiếu viện trợ của Liên Xô, Trung Cộng đã dẫy chết cùng số phận như những đàn anh cộng sản của chúng ở các nước Đông Âu. Lẽ ra cả dân tộc Việt Nam đã có tự do, dân chủ tiếp sau hàng loạt các nước Đông Âu đứng lên giành lại chính quyền trong đầu thập niên 1990, và được như vậy thì lẽ ra Việt Nam đã giàu mạnh hơn bây giờ nhiều và nhất là không bị nguy cơ mất nước vào tay Trung Cộng như hiện nay. Thế nhưng tất cả đã không xảy ra ở Việt Nam không phải hoàn toàn chỉ vì dân ta không có truyền thống dân chủ lâu đời, mà phần lớn là vì hàng tấn thùng hàng và hàng triệu dollars cứu đói của chúng ta gửi về trong những năm 1980s. Vì lòng thương, vì vô tình, vì thiếu lãnh đạo, và thiếu thống nhất trong hành động, và cũng vì thiếu cái nhìn viễn kiến mà chuyện cứu trợ của chúng ta trong những năm 1980s đã trở thành chuyện trợ giúp cho Cộng Sản Việt Nam được sống còn, để rồi chính cái chính quyền Đảng trị đó lại quay ra đánh phá các cộng đồng người Việt hải ngoại, tiếp tục gây ra “nghiệp chướng” cho cả dân tộc với hành vi bán nước dâng biển cho Trung Cộng.

Hai mươi năm trước chúng ta đã để lỡ mất một cơ hội dân chủ và tự do cho dân tộc Việt Nam. Lần này không phải chỉ có tự do, dân chủ thôi, mà còn vận mệnh nước nhà đang lâm vào hiểm họa “một ngàn năm đô hộ giặc Tàu”.

Không phải chỉ có cơn bão số 9 đang tàn phá Việt Nam mà sẽ còn có cơn bão số 10, số 11, 12, …. Không phải chỉ có chuyện khai thác bauxite ở Tây Nguyên mà còn hàng trăm công trình và dự án khác đã, đang và sẽ làm cho dân ta mãi mãi mất quyền tự chủ, mất đi công ăn việc làm vào tay dân Trung Cộng. Ngư dân không ra biển đánh cá được nữa vì Việt Nam đã mất chủ quyền, bọn tham nhũng cường quyền ngày càng lộng hành vơ vét vì lòng tham không có đáy, dân nghèo càng nghèo hơn, xã hội càng mất cân bằng và xáo trộn vì khoảng cách ngày càng xa giữa thành phần cai trị và bị trị.

Thêm vào đó là sự dần dần tỉnh ngộ của giới trí thức và giới trẻ ở Việt Nam trước nguy cơ mất nước. Tuy chậm nhưng tất cả những diễn biến đó sẽ có tác dụng hổ tương để trở thành điều kiện cần và đủ cho một cơn bão cách mạng như bao cuộc cách mạng khác đã xảy ra trong lịch sử nhân loại. Cơn bão cách mạng đó mới chính là cơn bão mà đồng bào trong nước cần đến sự cứu trợ của chúng ta, chứ không phải cơn bão số 9 hay số 10 nào cả. Để làm một hậu phương vững mạnh cho cơn bão cách mạng đó chúng ta cần phải lo cho sự giàu có, hưng thịnh và đoàn kết của cộng đồng chúng ta ngay từ lúc này.

Muốn vậy chúng ta cần phải nhìn nhận một sự thật là chúng ta vẫn còn nghèo, vẫn còn có quá nhiều vấn đề phải lo cho cộng đồng nơi chúng ta đang định cư, và quá nhiều nợ nần chưa trả đối với các nước đã từng cứu vớt chúng ta trên con đường vượt biên, các quốc gia ở Đông Nam Á như Indonesia, Phillippines, Malaysia, … đã cho chúng ta tạm chân trú ngụ trên bước đường tỵ nạn.

Viết đến đây thì tôi nhớ đến một bản Thông Báo gần đây của Ban Chấp Hành Cộng Đồng Người Việt Tự Do Liên Bang Úc Châu kêu gọi người Việt tỵ nạn tại Úc hãy quyên góp cứu giúp nạn nhân động đất ở Indonesia để làm món quà nghĩa tình cho phái đoàn Văn Khố Thuyền Nhân Việt Nam trong chuyến viếng thăm Indonesia vào ngày 11 tháng 10 vừa qua nhằm đệ trình Thỉnh Nguyện Thư lên chính phủ và các cơ quan sở tại yêu cầu tiếp tục duy trì di tích trại tỵ nạn Galang, một di tích đang bị chính quyền Hà Nội áp lực để dẹp bỏ vì là nó nhắc nhớ đến lý do tại sao cả triệu người Việt Nam phải bỏ nước ra đi. Lại một lần nữa cộng đồng người Việt bên Úc đã tiên phong đi đầu.

Là một người tỵ nạn đang sống ở Quận Cam là nơi tự coi mình là “thủ phủ của người tỵ nạn”, tôi cảm thấy hổ thẹn vì cho đến nay tôi chưa hề nghe một hội đoàn hay đoàn thể nào đứng ra kêu gọi lạc quyên cứu giúp nạn nhân động đất ở Indonesia, hay nạn nhân bão lụt ở Phillippines mặc dù ai cũng biết là cả Indonesia và Phillippines vừa mới chịu đựng những thiên tai rất nặng nề và đang kêu gọi thế giới giúp đỡ họ. Đây là hai quốc gia duy nhất đã rất nhân đạo với chúng ta khi không thực hiện chính sách đẩy tàu thuyền nhân Việt Nam ra biển (push-back policy) như Malaysia và Thailand đã từng làm và đã gây thiệt mạng không biết bao nhiêu ngàn thuyền nhân Việt Nam mà con số sẽ không bao giờ được biết chính xác.

Đặc biệt, Phillippines còn là quốc gia duy nhất đã không thực hiện chính sách cưỡng bức người tỵ nạn hồi hương về lại Việt Nam như các quốc gia khác đã làm vào những năm đầu thập niên 1990, và mặc dù Phillippines không giàu có gì họ đã tiếp tục cưu mang gần 2500 người tỵ nạn Việt Nam trong khi chính Liên Hiệp Quốc đã thông qua chương trình Hành Động Toàn Diện nhằm dẹp bỏ hết các trại tỵ nạn tại Đông Nam Á. Các quốc gia tạm cư đó đã không “kỳ thị” chúng ta khi mà chính “anh em Nam Bắc một nhà” đã kỳ thị chúng ta bằng những chính sách và hành vi trả thù hèn hạ nhất sau 1975 như tra tấn, trấn nước, bỏ tù, bỏ đói, khủng bố tinh thần, tra khảo lý lịch mấy đời, ngăn sông cấm chợ, rượt đuổi chúng ta đến tận cửa biển để vòi tiền nhưng vẫn bắn súng AK vói theo tàu chúng ta cho chìm tàu và để bắn bỏ ghét “bọn bám chân đế quốc”. Đó là chưa kể hàng ngàn mộ phần của những thuyền nhân Việt Nam xấu số đã vĩnh viễn nằm lại trên những quốc gia tạm cư đó. Ơn nghĩa vậy mà chúng ta đã và đang làm được gì cho Indonesia hay Phillippines trong lúc họ đang gặp hoạn nạn vì thiên tai và đang kêu gọi sự giúp đỡ của thế giới ? Hay chính chúng ta đang “kỳ thị” họ vì chúng ta chỉ biết cứu trợ cho Việt Nam mà thôi ?

Cứ tưởng tượng xem, nếu như trong lúc khốn khó này mà chính quyền Hà Nội tặng cho họ một món tiền cứu trợ và hứa hẹn sẽ tặng thêm tiền để họ xây nhà cửa, khách sạn hoặc các cơ sở thương mại ở ngay trên phần đất của các trại tỵ nạn năm xưa hoặc ngay trên các phần mộ của hàng ngàn thuyền nhân Việt Nam. Nói rằng Hà Nội làm “áp lực” thì e rằng ta hơi quá đáng vì thực sự ra trong lúc khốn khó này của Indonesia và Phillippines thì Hà Nội chỉ cần “tặng” tí tiền mà không cần gây “áp lực” gì cả cũng đủ để cho các chính phủ sở tại và người dân Indonesia & Phillippines nhận ra thái độ im lặng, dửng dưng và vô ơn của thuyền nhân tỵ nạn Việt Nam trong lúc này.

Hơn bao giờ hết đây là thời điểm thuận tiện nhất để cộng đồng tỵ nạn Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới có cơ hội thực hiện tinh thần “uống nước nhớ nguồn, ăn trái nhớ kẻ trồng cây”. Đa số người Việt hải ngoại hiện nay đều có liên hệ ít nhiều đến các thuyền nhân 20 - 30 năm về trước, là con cháu của các thuyền nhân, hay được chính các thuyền nhân bảo lãnh từ Việt Nam qua, hoặc được chính các hội đoàn người Việt tỵ nạn vận động với các chính phủ sở tại bảo lãnh từ Việt Nam qua như diện H.O. chẳng hạn. Với một tập thể đông đảo như vậy, chúng ta không thể nào hành xử như thể … khi khổng khi không bỗng nhiên có cả triệu người Việt Nam “rơi xuống” tỵ nạn ngay trên đất Mỹ này. Thật là đáng trách nếu như chúng ta cố tình hành xử như những kẻ vô ơn, hoặc quên đi căn cưóc tỵ nạn của chính mình, hay chỉ biết kể cho con cháu nghe chuyện vượt biên năm xưa như một chuyện cổ tích xưa rích cần được nhắc lại vào ngày 30 tháng 4 hằng năm mà thôi.

“Thuốc đắng dã tật. Sự thật mất lòng”. Chắc chắn là bài viết này sẽ làm cho nhiều người khó chịu hay nổi giận, nhất là các hội đoàn từ thiện hay cơ quan truyền thông đang chăm chú kêu gọi cứu trợ bão lụt miền Trung Việt Nam. Hy vọng rằng quý vị sẽ bình tâm khi đọc lại sự giải thích và trình bày lý do ở phần đầu của bài viết này. Xin được nhấn mạnh là bài viết này không phải là ý kiến hay chủ trương của tòa báo, mà chỉ đơn thuần là ý kiến của một cá nhân. Nhưng “một con én không thể làm nên mùa xuân”. Vì sĩ diện chung của tập thể người Việt tỵ nạn, và vì lợi ích chung của cộng đồng chúng ta trên đất Mỹ, tôi xin trân trọng cảm ơn tất cả các toà soạn đã đồng ý đăng tải bài viết này của tôi trên quý báo.

Tôi trông chờ các vị đại diện cộng đồng, hoặc một hội đoàn từ thiện hay đoàn thể nào đó sẽ “can đảm” đứng lên kêu gọi một cuộc lạc quyên cứu trợ các nạn nhân động đất và thiên tai ở Indonesia và Phillippines như một sự đền đáp lại nghĩa cử cao đẹp của các quốc gia này khi đã ra tay cứu giúp thuyền nhân Việt Nam năm xưa. Tôi càng mong đợi nhiều hội đoàn sẽ để ý đến các công tác từ thiện cho chính các cộng đồng người Việt chúng ta trên đất Mỹ trong giai đoạn kinh tế khó khăn này. Tôi cũng ước mong nhiều người sẽ vào thăm trang web của Văn Khố Thuyền Nhân Việt Nam (www.vktnvn.com) để tiếp tục ký tên vào Thỉnh Nguyện Thư nhằm vận động chính phủ Indonesia giữ lại các di tích trại tỵ nạn cho con cháu chúng ta có cơ hội tìm hiểu lý do vì sao chúng đã không mang quốc tịch Việt Nam, để chúng được tận mắt nhìn thấy chứng tích của một giai đoạn lịch sử đầy đau thương của dân tộc và cũng để chúng biết thông cảm với những nỗi khổ đau và trăn trở của thế hệ thuyền nhân Việt Nam. Mong lắm thay !

Viết tại Quận Cam, 15 tháng 10, 2009.
Nguyền Mỹ Linh
Last edited by linhgia on Tue Nov 03, 2009 11:28 pm, edited 1 time in total.
band4 3G McKeno

Post Reply