Góc nhỏ của anh 3 Giang

Tung cánh chim tìm về mái trường xưa. Mong tìm bạn học cũ, nay ở đâu xin nhắn đôi lời!!!

Moderator: CNN

User avatar
linhgia
Posts: 1308
Joined: Fri Dec 03, 2004 9:30 am

Post by linhgia »

Ngày Ấy Cách Đây Ba Mươi Năm



Trần Đức Tường


Những tiếng nổ chát chúa của đại bác, hỏa tiễn... ta, địch lẫn lộn còn như đang vang dậy đâu đây. Ai đã là lính trong những giờ phút quyết tử sau cùng đó đều còn hằn sâu những âm thanh, hình ảnh bất diệt đó trong tâm hồn. Dù những năm lao tù trong các trại cải tạo, dù khung cảnh phồn hoa nơi xứ lạ quê người, dù 30 năm trời dòng dã; không có gì có thể xóa nhòa đi được những âm thanh, hình ảnh đó được. Nó làm thức giấc nửa khuya. Nó khiến tâm can sôi sục.

Suốt ba mươi năm qua, cứ vào những ngày cuối tháng tư này, lòng phẫn hận, ý chí đấu tranh lại dâng lên trong lòng mọi người Miền Nam, dù ở trong hay ngoài nước. Biết bao nhiêu hy sinh, biết bao nhiêu xương máu, biết bao nhiêu tháng năm, biết bao nhiêu tâm lực đã được đổ ra để cố giữ lấy cho mảnh đất Miền Nam thoát khỏi ách độc tài cộng sản, để đồng bào Miền Nam được hưởng một chút tự do, để các thế hệ mai sau có được một tương lai tươi sáng. Phút chốc, vì sợ chết, vì muốn an thân, vì hèn nhát, vì nhẹ dạ... đã có lệnh đầu hàng. Không thể tưởng tượng nổi. Một quân đội hùng mạnh, chiến đấu anh dũng như Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, lại có ngày phải nhục nhã buông súng đầu hàng. Chưa ai tìm được một lời giải thích thỏa đáng để yên tấc dạ.

Nhìn lại ba mươi năm, đất nước, con người Việt Nam chưa thấy một phút vinh quang. Trải qua cả chục năm đầu, hàng triệu người phút chốc bị giam cầm trong tù ngục lầm than đói khổ. Xã hội ngày càng trở nên ngột ngạt. Muốn hít thở không khí tự do, muốn thoát khỏi sự kềm kẹp, đe dọa, người dân một là phải cúi đầu khuất phục, hai là phải liều chết ra đi. Cả triệu người bao gồm nam, phụ, lão ấu đã trở thành "thuyền nhân" thi gan cùng sóng to gió lớn, thách thức với số mệnh đất trời, bỏ làng bỏ nước, ra khơi trên những con thuyền mong manh. Thế giới ngạc nhiên: "Tại sao đi?" Trả lời: "Tìm tự do." Dân tộc ta có truyền thống bám lấy quê hương, không rời nơi chôn nhau cắt rốn. Suốt chiều dài lịch sử nước ta: đã có hàng ngàn năm bị ngoại nhân đô hộ, đã có những năm đói kém, người chết như rạ, mà người Việt Nam không ai bỏ nước ra đi. Chỉ dưới chế độ cộng sản ngày nay, hơn một triệu rưởi người đã phải lìa xa Tổ Quốc. Hơn 300.000 đã vùi thây dưới làn nước bạc. "Cây cột đèn, nếu nó biết đi, nó cũng đi" dân ta nói vậy. Chính hành động anh dũng này của dân tộc Việt Nam đã thức tỉnh thế giới, đã mở mắt những kẻ trí thức thiên tả trên thế giới; trí thức mà mù lòa vì tuyên truyền cộng sản, đã giúp cho họ chiến thắng ngày 30/4/75. Bộ mặt thật của cộng sản thế giới và cộng sản Việt Nam đã bị lộ nguyên hình sau khi những chiếc mặt nạ giả dối đã bị thuyền nhân, sống cũng như chết, lột trần. Nếu nói thuyền nhân Việt Nam đã góp phần đánh gục cộng sản trên thế giới thì cũng không ngoa.

Ba mươi năm đã qua, đã có biết bao nhiêu thay đổi. Những người lính trẻ thời đó, nay đã ngoại ngũ tuần. Không ít những người đứng tuổi hồi đó, nay đã ra người thiên cổ. Hơn nữa dân số Việt Nam hiện nay sinh sau ngày 30/4/75. Chế độ cộng sản, để tồn tại cũng đã thay đổi với chính sách gọi là "đổi mới." Họ chỉ đổi kinh tế cộng sản thành kinh tế tư bản. Nhưng bản chất độc tài cộng sản với bạo hành, khủng bố của họ không hề thay đổi. Chế độ đã chiêu dụ đồng bào hải ngoại và cũng có người đi xa lâu ngày, về lại Việt Nam, trở ra nói cùng một luận điệu cho rằng: " Việt Nam bây giờ khác xưa. Đẹp hơn xưa. Nhà cửa mọc lên như nấm... Thay đổi rồi. Không như trước nữa vv...." Họ đã làm một chuyện so sánh giữa trước đây và bây giờ. Nhưng họ so sánh dựa theo tiêu chuẩn nào thì cái đó phải nói cho rõ. Trước năm 1975, nghĩa là giũa lúc chiến tranh khốc liệt, Miền Nam Việt Nam so với Đại Hàn là một 8, một 10. Tức là Đại Hàn được 10 phần thì ta được 8. Ngày nay, những số liệu thống kê thế giới cho thấy, mặc dù cộng sản Hà Nội khoe tăng trưởng GDP mổi năm 7 hay 8%, nhưng so với Đại Hàn thì Việt Nam chỉ bằng 2 phần trong lúc Đại Hàn 10 phần. Ba mươi năm sau khi hết chiến tranh, cái gì đã khiến ta thua xa Đại Hàn như thế? Dân tộc ta thông mình, cần cù được thế giới công nhận. Thế mà dưới ách cộng sản, đất nước tụt hậu thê thảm đến thế! Trách nhiệm về sự tụt hậu này là của CSVN, vừa kém cỏi, vừa tham nhũng thối nát, đã giật người đà tiến của dân tộc ta. Họ đã mang đến thêm một mối nhục nữa cho dân tộc ta: nhục chậm tiến, nhục nghèo đói.

Dân tộc ta nhất quyết không chịu nhục. Phải rửa mối nhục này bằng cách đòi lại nhân phẩm, dân quyền và dân sinh về tay nhân dân. Tuổi trẻ Việt Nam sinh sau chiến tranh, có quyền hướng tới một tương lai tươi sáng. Tương lai này phải do tuổi trẻ xây đắp. Đừng để việc đó cho những con người chỉ biết phụng thờ chủ thuyết Mác Lê ngoại lai, và chỉ biết vơ vét cho cá nhân và gia đình họ. Nếu có lời nhắn gửi nào của những người đã chịu nhục ngày 30/4/1975 cho thế hệ tương lai, thì xin coi những lời trên đây là những lời tâm huyết.




Trần Đức Tường

User avatar
linhgia
Posts: 1308
Joined: Fri Dec 03, 2004 9:30 am

Post by linhgia »

Gia đình 3G đón tiếp anh Toàn Năng
tại Brisbane, Australia



Tuần lễ vừa qua gia đìnnh Trinh Long Giang, HNC 58-65 được hân hạnh đón tiếp anh Nguyễn Toàn Năng, HNC 59-66 tai Brisbane, Australia. Mặc dù 3G không có mặt, nhưng Bà Xã của 3G và con trai đã đại diện đón tiếp anh Năng va anh Dụ nhan dịp 2 anh ghé thăm Brisbane.

Anh Toàn Năng có nhã ý tặng 3G hai chai rươu Vang của Australia, để mỗi khi uống sẽ nhớ đến người bạn hiền cách xa nửa vòng trái đất

Xin báo tin để anh Toàn Năng được rõ là Bà Xã 3G đã trở về USA an-toàn và 2 chai rượu cũng đã cập bến Ốc Leng an-toàn, xin thành thật cám ơn chân tình của anh Toàn Năng

Xin kèm theo đây vài hình ảnh gặp gỡ tại Brisbane

Image

Image

Giang già
Last edited by linhgia on Mon Aug 21, 2006 2:43 am, edited 3 times in total.

User avatar
lynhcao
Posts: 883
Joined: Sat Apr 30, 2005 10:46 pm

Post by lynhcao »

Bac Giang Gia ơi !!!
Nhìn bác cứ giống như là Thi Sách tướng wan trong Tiếng trống Mê Linh vậy đó bác ạ . Vẫn còn ngon cơm vô cùng ! Hôm nay bác có kỷ niệm ngày Quốc Hận gì không ?
Chào bác và hỏi thăm bác nhé !!!!
Lynh Caaaaaao Sa Đéc

User avatar
khieulong
Posts: 6757
Joined: Wed Dec 01, 2004 9:09 pm
Been thanked: 1 time

Post by khieulong »

Giây phút hấp hối của Việt Nam Cộng Hòa
Friday, April 29, 2005

Image

Tướng Dương Văn Minh


Viết để tưởng niệm 30-4-1975

Ba mươi năm trôi qua kể từ ngày xảy ra thảm kịch lớn lao nhất cho cả một dân tộc mà tưởng như mới ngày nào. Giây phút chạy trên con đường Brookhurst để về nhà, thấy cờ Việt Nam Cộng Hòa bay phấp phới bên cạnh cờ Mỹ, liếc nhìn vào kính chiếu hậu thoáng thấy mái tóc đã bạc trắng của mình, chợt nhớ tới những kỷ niệm của 30 năm trước. Buồn và đau, dù trong những năm tháng trôi qua trên đất Mỹ vẫn cứ cố phải tạm quên để nhìn về phía trước, và để mưu sinh.

Cho đến nay, tôi vẫn không rõ là mình may mắn hay bất hạnh khi phải chứng kiến giây phút tắt hơi của chế độ tại Ðài Phát Thanh Saigon, nơi mà tôi và một số nhân viên còn lại vẫn làm việc theo lệnh của Tổng Thống Dương Văn Minh và chính phủ của ông cho đến giờ phút chót.


Big Minh nhận chức và thành lập chính phủ trong hoàn cảnh của một đám cưới chạy tang. Chính phủ của ông chỉ tồn tại hơn một ngày rưỡi. Trí nhớ của tôi qua 30 năm nay đã mòn mỏi sau bao nhiêu tang thương, nên chỉ còn ghi nhận được một vài nhân vật trong nội các lúc ấy mà tôi có dịp tiếp xúc hay nói chuyện qua điện thoại: Tổng Thống Dương Văn Minh, Phó Tổng Thống Nguyễn Văn Huyền, Thủ Tướng Vũ Văn Mẫu, Bộ Trưởng Thông Tin Lý Quí Chung, Thứ Trưởng Thông Tin Dương Văn Ba, Bộ Trưởng Phủ Thủ Tướng Thái Lăng Nghiêm, Bộ Trưởng Tư Pháp Trần Thúc Linh, Tổng Giám Ðốc CSQG, luật sư Triệu Quốc Mạnh và Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Ðội lần lượt thay đổi từ Tướng Lâm Văn Phát, Vĩnh Lộc và cuối cùng là Nguyễn Hữu Hạnh. Ba tổng tham mưu trưởng thay đổi nhau trong vòng một ngày rưỡi!

Từ mồng 1 tháng Tư, theo lệnh của vị Hệ Thống Trưởng cuối cùng của Hệ Thống Truyền Thanh Quốc Gia là Thiếu Tá Nguyễn Văn Thăng (Không Quân), tôi đã ăn ngủ ngay ở trong Ðài Phát Thanh Saigon để ứng trực và điều động các biên tập viên làm công việc trong tình hình có biến động nhanh chóng như vậy. Tôi có trách nhiệm điều khiển một sở khá quan trọng trong ngành truyền thông lúc đó là sở Thời Sự gồm có bốn phòng: Phòng Phóng Viên, Phòng Bình Luận, Phòng Tin Tức (biên tập), phòng teletype, thư viện và Ban Thăm Dò-Trả Lời Thư Thính Giả. (trước 30/4/1975, chúng tôi mua tin thế giới của các hang thông tấn AP, UPI, Reuters và AFP. Họ ráp đặt cho chúng tôi những máy viễn ấn tự tức teletype và gởi tin cho chúng tôi 24/24. Ngoài ra chúng tôi còn có nguồn tin từ Phòng Kiểm Thính của Ðài, tin mua của Việt Tấn Xã và tin của phóng viên trung ương và các thông tín viên ở các tỉnh gởi về. Sở Thời Sự còn được trao cho trách nhiệm vạch chính sách tin tức và kiểm thính những chương trình thời sự và văn nghệ của từ 8 đến 10 đài phát thanh vùng và địa phương). Có thể nói đây là cơ quan đầu não trong ngành truyền thông VNCH vì truyền đi những tin tức cùng các chương trình phóng sự, ký sự được truyền đi trong một thời gian nhanh nhất. Kể từ ngày 15-4-1975, nhân viên các Sở, Ban ngành khác trong Ðài đi làm việc đã bắt đầu thưa thớt do một số đang tìm đường để có một chỗ ngồi trên các chuyến bay của cơ quan DAO. Vị Tổng Giám Ðốc của tôi thỉnh thoảng mới ghé qua. Nhìn tới nhìn lui trong đài vẫn chỉ còn các biên tập viên, phóng viên, xướng ngôn viên, producers và những nhân viên điều khiển máy phát thanh là đi làm đều. Họ bình thản một cách đáng ngạc nhiên, tuy đôi lúc họ cũng có bàn tán về chuyện mất còn của Miền Nam Việt Nam.

Big Minh nhận chức vụ vào trưa ngày 28-4 với Phó Tổng Thống là Thương Nghị Sĩ Nguyễn Văn Huyền, giáo sư Vũ Văn Mẫu, cựu Khoa Trưởng Luật Khoa giữ chức vụ Thủ Tướng. Khoảng 2 giờ trưa ngày 28-4, Lý Quí Chung (mới qua đời tại Việt Nam) điện thoại yêu cầu Hệ Thống Trưởng Hệ Thống Truyền Thanh sang họp tại văn phòng Tổng Cục Trưởng Truyền Thanh và Truyền Hình. Tôi điện thoại về nhà Thiếu Tá Thăng, không có ai bốc điện thoại. Buộc lòng tôi phải đại diện ông sang họp. Buổi họp kéo dài khoảng 15 phút. Chỉ thị duy nhất của ông vắn tắt có bấy nhiêu lời: “Tình hình nghiệm trọng, có nhiều phần trăm chúng ta phải đầu hàng, nhưng nhiệm vụ của truyền thanh và truyền hình là phải túc trực để nhận chỉ thị. Còn nước còn tát”. Sau đó ông Chung ra lệnh phải bỏ tất cả nhạc quân hành, những bản nhạc mà Viết Chung viết cho các đoàn cán bộ Xây Dựng Nông Thôn chúng tôi hay dùng làm nhạc nền, những bản nhạc của Cục Chính Huấn và thay vào đó bằng những nhạc phẩm nói về tình quê hương.

Có thể nói tình thế tuyệt vọng được phản ảnh qua hiện tình của “Tiếng Nói nước Việt Nam Cộng Hòa, phát thanh từ thủ đô Saigon” vào lúc đó. Chúng tôi còn khá đủ biên tập viên, phóng viên, kiểm thính viên và kỹ thuật viên teletype cần thiết để làm việc, nhưng các bộ phận yểm trợ không còn. Tôi cũng còn lại một vài nhân viên kỹ thuật viên lưu động trên đài trung ương. Bộ phận quan trọng nhất về kỹ thuật và đài dự phòng tại Trung tâm phát tuyến Quán Tre ở Quang Trung. Nhưng các phóng viên tại hai mặt trận Long Khánh và Long An thì không còn phương tiện gởi bản tường trình nào nữa kể từ 5 giờ chiều ngày 28/4.

Trước đó, Tổng Thống Dương Văn Minh đích thân gọi điện thoại vào Ðài Phát Thanh. Vẫn giọng hiền lành và dùng chữ “qua” làm ngôi thứ nhất, ông cho biết đã cử tướng LVP làm Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Ðội và yêu cầu tôi ghi một điện văn ngắn để loan báo trước khi văn thư chính thức đến đài được gởi tới Ðài vào sáng hôm sau. Ghi xong, Big Minh hỏi tên và tuổi. “Em còn trẻ, sao không tìm cách đi đi?”. Tôi trả lời vắn tắt: “Thưa Tổng Thống chẳng còn đường, tôi lại quen biết ít”. Ông lại hỏi tiếp: “Qua thấy tình hình không hy vọng gì. Cụ Huyền đang ở Tân Sơn Nhứt để thương lượng với họ (Cộng Sản), mặt trận Long Khánh tan rồi, họ đưa xe tăng và hỏa tiễn vào sát Saigon. Em liệu giữ được tiếng nói quốc gia trong bao lâu nữa”. Tôi đáp: “Chừng nào tôi còn được bảo vệ, chừng đó làn sóng phát thanh vẫn còn duy trì được tiếng nói quốc gia, thưa Tổng Thống”.

Khoảng 5 giờ 30, lực lượng cảnh sát dã chiến bảo vệ cổng ra vào phía góc Nguyễn Bỉnh Khiêm và Phan Ðình Phùng báo cho tôi biết có sự xuất hiện mấy xe phóng thanh. Họ dùng loa phóng thanh nói chõ vào Ðài và tự xưng là lực lượng thứ ba yêu cầu chúng tôi “về với nhân dân” và để cho họ tiếp thu đài làm phương tiện dàn xếp một giải pháp với “cách mạng”. Viên đại đội trưởng CSDC giữ an ninh cho Ðài và bảo vệ chúng tôi lúc đó còn rất trẻ, cấp bậc đại úy, người Huế (Năm tháng dài dằng dặc đã làm tôi quên mất tên anh) rất cứng rắn. Anh đề nghị với tôi là cho vài đứa què để chúng tởn. Sau khi hội ý, chúng tôi đồng ý là dùng biện pháp mạnh. Viên sĩ quan cảnh sát trẻ hành động ngay: đầu tiên anh bắc loa cảnh cáo, sau đó là lựu đạn cay và những tràng đại liên 30 bắn rạp những ngọn cây trên đầu đám biểu tình. Họ chạy tán loạn, bỏ lại mấy chiếc xe. Viên đại đội trưởng CSDC với loa phóng thanh cầm tay nhắc lại nhiều lần: lần tới mà làm như vậy sẽ có người chết. Ðược báo động đại đội nhảy dù án ngữ tại sân Hoa Lư chuẩn bị đối phó với tình hình tương tự. Nhưng rồi suốt đêm đó cho tới sáng 30/4, đám người biểu tình đó “tởn” thật. Tôi nghĩ họ cũng chẳng muốn chết ở giờ thứ 25.

Buổi chiều 28 là buổi chiều có khá nhiều biến chuyển. Khoảng 6 giờ 30 chiều, Thủ Tướng Vũ Văn Mẫu yêu cầu chúng tôi có mặt tại Ðài Truyền Hình THVN9 ở ngã tư Hồng Thập Tự-Cường Ðể để thu hình và thu thanh lời yêu cầu của ông đòi chính phủ Hoa Kỳ rút hết lực lượng bảo vệ sứ quán Mỹ, các nhân viên và chuyên viên Hoa Kỳ ra khỏi Việt Nam trong vòng 24 giờ đồng hồ. Ðó là lần cuối cùng tôi gặp Thủ Tướng Vũ Văn Mẫu. Từ phòng thu hình ra, ông Mẫu không nói năng gì thêm ngoại trừ trả lời một câu hỏi của tôi về hiện tình. Ông nói thẳng: “Tình hình tuyệt vọng. Họ (những nhà lãnh đạo trước) đã làm nát bấy đất nước trước khi quá muộn để phía bên kia thương lượng với chúng ta. Việc yêu cầu Mỹ rút hết những người Mỹ cuối cùng ra khỏi Việt Nam chỉ để thành phố này không thành biển máu vô ích mà thôi”.

Tôi không nhớ hết những điểm giải thích của Thủ Tướng Mẫu nhưng những điểm chính trong lời lẽ của ông thì không thể nào quên được. Vì Ðài Truyền Hình và Ðài Phát Thanh chỉ cách nhau sân vận động Hoa Lư nên chúng tôi lội bộ về Ðài. Gặp Vũ Thành An vào tăng cường, tôi giao cuốn băng ghi âm cho anh yêu cầu hoàn chỉnh với nhạc hiệu và cho phát thanh cứ 15 phút một lần. Sau khi tắm rửa xong, tôi ghé qua phòng tin tức. Ðủ tám biên tập viên và chủ bút cho ca chiều. Ông H.C đưa tôi một bản tin của AP nói đến việc di chuyển của hàng không mẫu hạm chở trực thăng Midway ra khỏi Vịnh Thái Lan hướng về Việt Nam, tình hình đẫm máu tại Cambodia sau khi Khmer Ðỏ chiếm được Phnom Penh, cái chết của Sirik Matak, những vụ hành quyết và đuổi dân Phnom Pênh ra khỏi thành phố. Ông HC là một chủ bút rất giỏi và nhạy bén với tình hình. Lúc tôi còn học lớp huấn luyện phóng viên vô tuyến truyền thanh, ông chính là một người thầy tận tụy chỉ dẫn cho chúng tôi cách viết một bản tin, cách chuyển một bản tin từ tiếng Anh qua Việt ngữ, cách phỏng vấn và làm sao khi dự một cuộc họp báo xong chỉ 10 phút sau có một bản tin ngắn. Ông cũng đã từng dẫn chúng tôi tham dự cuộc họp báo của tướng Nguyễn Khánh và làm một mẫu để chúng tôi thấy: vừa nghe vừa khởi sự viết bản tin ngay trong phòng họp báo. Ông nói: “Muốn được như vậy cần có kiến thức thời sự và nắm bắt được điểm chính trong những lời tuyên bố tràng giang đại hải của người chủ trì họp báo”.

Khi tôi vừa xem xong bản tin AP, ông HC nói: “Chắc mất rồi bạn ơi. Nhưng thôi kệ mẹ nó. Hút một điếu thuốc lào không. Tao có trà nóng ngon lắm. Hồi chiều trước khi đi làm, vợ mới mua cho một ít bánh bía nhân hạt sen mới sang chứ”. Ðối với ông, trà và bánh đậu xanh hay bánh bía của người Triều châu là loại sang vì ông rất nghèo, lúc nào tôi cũng thấy ông túng thiếu cả. Chắc quí vị không thể hiểu được là một số biên tập viên vào cỡ đàn anh chúng tôi tại Phòng Biên Tập Ðài Phát Thanh không hút thuốc lá mà hút thuốc lào, bằng điếu bát và thuốc Cái Sắn. Những điếu thuốc lào đầu tiên trong đời tôi không phải bắt đầu từ trại cải tạo sau này mà bắt đầu từ việc gạ gẫm của ông HC khá lâu trước 30-4-1975.

Xuống dưới CLB để ăn một tô mì gói và uống một ly cà phê, tôi gặp tài xế Ðường. Ông nói ngay: “Tối nay không phải phiên trực của tôi, nhưng tôi vào đây ngộ nhỡ ban đêm ông cần dùng công xa”. Tôi hỏi Ðường: “Ông Thăng đâu, ông mang xe vào đây lỡ cần lấy gì cho ông ấy đi?”. Ðường cười: “Có lẽ sếp lớn không cần dùng xe đâu. Hồi hôm ông ấy lái chiếc Fiat của riêng ông ấy và nói tôi mang xe vào đây cho ông. Tôi là người chạy xe bạt mạng nhưng được việc trong trường hợp khẩn cấp”. Tôi nghĩ bụng khẩn cấp vào giờ phút này chỉ có chạy thôi chứ còn làm gì được nữa. Trong câu lạc bộ đầy lính nhảy dù và cảnh sát dã chiến. Họ bình thản hút thuốc và đấu láo, không hề chú ý gì tới chiếc giây thong lọng đang xiết dần vào cổ họ và chúng tôi. Trên tường từ chiếc radio, phát ra một giọng ca rất ngọt của Trần Văn Trạch:

“Chiều mưa biên giới Anh đi về đâu

Sao còn đứng mãi nơi giang đầu”

Tôi không hiểu sao, lúc đó ca khúc này làm cho tôi chùng xuống và nghĩ bài hát hợp với hoàn cảnh của chúng tôi đến thế. Hai tài xế đồng thời là chủ nhân câu lạc bộ thấy tôi vội nói: “Không còn bàn, tôi bưng lên văn phòng cho ông. Bà xã mới nấu một nồi cháo gà. Sao giờ này ông còn ở đây?”. Tôi nói với ông là tôi đứng ở quầy ăn cũng được. Ông Hai hỏi: “Liệu còn hay mất”. Tự nhiên tôi sợ một lời xác định hay phủ định mà chính bản thân tôi cũng không biết rõ. Nhưng còn hay mất lúc này có là vấn đề gì nữa đâu. Chuyện quan trọng trước mặt là tất cả chúng tôi lính cũng như dân còn ở đây giữa khối người di chuyển, hốt hoảng tìm phương tiện ra đi như một đàn ong vỡ tổ. Chúng tôi cần được lãnh đạo. Tôi gần như bị tê dại giống như lần tôi tường thuật một vụ trực thăng vận tấn công vào mật khu Ðồng Bò (Tuy Hòa) năm 1967. Năm đó, việc đổ quân vẫn còn phải dung loại trực thăng H-34. Trong đợt đổ quân đầu tiên, các phóng viên Việt Nam duy nhất chỉ có tôi và Bình (năm 1972 chết tại mặt trận An Lộc). Trước khi các trực thăng chở quân đến múc tiêu, các khẩu 12 ly 8 của địch đã bị các phi tuần AD-6 làm câm họng, nhưng địch vẫn còn bắn ra bằng súng cá nhân. Chiếc trực thăng vừa hạ thấp cao độ và là là trên ngọn cây thì anh chàng xạ thủ của khẩu Ðại Liên 30 trên cửa phi cơ nằm vật xuống, máu tuôn xối xả, đồng thời thấy khói luồn vào than tầu. Tôi gần như không còn biết gì nữa, trong vài giây tôi như bị tê liệt hoàn toàn và ngay sau giây phút nhận thức rằng mình cầm chắc cái chết vì trực thăng bị trúng đạn, tôi bỗng tĩnh trở lại cùng với Bình giúp kéo người xạ thủ đại liên 30 vào trong thân tầu. Nhưng chỉ một phút sau, chiếc H-34 đáp được xuống an toàn, tuy bị shock gẫy bánh đáp, chúng tôi chỉ bị thương nhẹ và được những người lính xuống trước lôi ra khỏi thân tầu. Những sự tê dại toàn thân trước cơn nguy khốn đó thỉnh thoảng trở lại trong suốt đêm 28, ngày 29/4 và sáng 30-4.

Suốt đêm 28/4, tôi chỉ di chuyển giữa phòng tin tức và văn phòng tôi để nhận những bản tin mới nhất của các hãng thông tấn ngoại quốc, và dường như tôi chỉ thiếp đi nửa giờ. Lý Quí Chung chắc cũng không ngủ được nên ông ta liên tiếp gọi cho tôi. Ông còn than phiền là không tiếp xúc được cho Hệ Thống Trưởng của tôi lúc đó là Thiếu Tá Nguyễn Văn Thăng, người thay thế Thiếu Tá Phạm Bá Cát từ chức và xin trở lại quân đội từ Tháng Giêng 1975. LTT, Trưởng Khối Thời Sự và Chương Trình là một phóng viên đồng khóa với tôi còn rất trẻ cũng đã tìm đường thoát thân. Sáng ngày 28/4, tài xế Hai ra khỏi đài để mua thực phẩm cho CLB đã nhận ra chiếc Toyota của chính phủ cấp cho anh vất ở trước tiệm phở Trần Cao Vân. Ở cấp chánh sự vụ, duy nhất chỉ còn có tôi, vài trưởng phòng và một số nhân viên. Ngày 27-4, tôi đã cho phép các nhân viên hành chánh trở về nhà lo gia đình ngoại trừ ông phát ngân viên, vì ông giữ chìa khóa Quĩ Xã Hội của Ðài. Lúc đó, không ai còn trông chờ gì vào lương Tháng Tư. Chúng tôi cần dùng tiền quĩ xã hội để chi phí cho những việc khẩn cấp.

Các phóng viên thường xuyên có mặt trong Ðài lúc bấy giờ là Lê Phú Bổn, Yến Tuyết, Trần Nhật Cự, Phạm Mạnh Ðức và Phụ Tá Trưởng Khối Thời Sự Chương Trình Vũ Thành An. Các biên tập viên tin tức mỗi ca vẫn đầy đủ. Kỹ thuật viên, xướng ngôn viên, kiểm thính viên và nhân viên phòng viễn ấn tự vẫn cắt người đủ để cho bộ não của ngành thông tin tuyên truyền VNCH lúc đó không bị tê liệt. Hai ngày cuối cùng của chế độ, tất cả những chính sách tin tức và tuyên vận của VNCH gần hầu như tan hoang. Chúng tôi không biết bám víu vào đâu “để được chỉ huy”. Chưa bao giờ trong cuộc đời làm việc, chúng tôi cần sự chỉ huy đến thế. Nhưng rồi cuối cùng chúng tôi đành chỉ huy lẫn nhau mà thôi. Tôi áp dụng phương án khẩn cấp: loại bỏ tất cả những tin nào có thể gây hoang mang trong dân chúng khiến họ đổ vào sứ quán Mỹ trên đường Thống Nhất và sân golf gần tổng y viện Cộng Hòa vì những vụ đạp lên nhau và những vụ người di tản cố gắng trèo lên tường sứ quán để tìm cách lọt vào trong bị TQLC Hoa Kỳ đánh trọng thương đã xảy ra. Trong những ngày cuối cùng, phải nói rằng các hãng thông tấn AP, UPI. Reuters làm việc rất hữu hiệu. Những bản tin chính họ phát đi giúp chúng tôi nhận ra ngay chiều hướng của tình thế: kế hoạch dùng các trung đoàn TQLC bảo vệ hành lang Saigon Vũng Tầu để di tản những nhân viên cao cấp của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa mà tính mệnh sẽ nguy hiểm nếu lọt vào tay Cộng Sản không thể nào thực hiện được sau khi có lời tuyên bố của Thủ Tướng Vũ Văn Mẫu đòi Hoa Thịnh Ðốn rút toàn bộ nhân viên Mỹ ra khỏi Việt Nam.

Một ngày sau khi Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức, chúng tôi đã được ghi tên vào một danh sách di tản nhưng lại được nói trớ đi rằng “danh sách để được tầu Singapore của chính phủ Lý Quang Diệu chở sang căn cứ Subic ở Phi Luật Tân”. Khoảng chín giờ tối 28, Chủ bút H.C đưa tôi bản phân tích của hãng thông tấn AP và nói: “Bọn Mỹ có thể sẽ phải áp dụng kế hoạch di tản khẩn cấp nhân viên Mỹ bằng trực thăng vào ngày mai ra tầu Midway lúc đó đậu cách Vũng Tầu có 40 hải lý và hai hàng không mẫu hạm và các khu trục hạm của Ðệ Thất Hạm Ðội cũng đang tiến sát Vũng Tầu”. Ông còn cho tôi xem một bản tin khác nói đến việc mất tuyến Long Khánh và Bộ Chỉ Huy của Tướng Lê Minh Ðảo rút về tới Biên Hòa. Bản tin cũng còn nói Sư Ðoàn 18 là sư đoàn duy nhất của VNCH còn chống trả khá mãnh liệt trên đường rút. Văn phòng trưởng của hãng thông tấn AP lúc đó là George Esper cũng gởi trên máy một bản tin rất dài về việc rút lui có trật tự của Liên Ðoàn 81 Biệt Kích và các Sinh Viên Sĩ Quan các khóa cuối cùng của trường Võ Bị Quốc Gia Ðà Lạt. Ông hỏi tôi: “Loan chứ?”. Tôi nói: “Có gì mà không loan nhưng sẽ phải viết rất khéo, tránh gây xúc động cho gia đình những đơn bị nào chưa biết số phận chồng con họ ra sao”. Vị chủ bút đầy kinh nghiệm này cười và nói: “Ðược cậu khỏi lo, đó là nghề của tao”.

Sở dĩ tôi nhắc lại chi tiết này để cho thấy rằng cho tới giờ phút hấp hối của chế độ Ðài Phát Thanh Saigon vẫn là tiếng nói Việt Nam Cộng Hòa, tuy có người bỏ chạy nhưng không phải là tất cả. Những người được giao phó làm công việc chuyên môn của mình vẫn làm việc với một thái độ bình tĩnh và sáng suốt, chứ không phải là đã tan hoang như Văn Tiến Dũng viết trong cuốn “Ðại Thắng Mùa Xuân”, một cuốn sách viết hết sức cẩu thả và dựng đứng nhiều chi tiết.

Khoảng 4 giờ sáng ngày 29/4 vừa mới chợp mắt một chút. Người thư ký trực với tôi, anh Bào báo cho biết có điện thoại của Tổng Thống Dương Văn Minh trong văn phòng Hệ Thống Trưởng, tôi chạy vào. Bên đầu dây bên kia tiếng Big Minh:

-Qua là Minh đây. Trong Ðài ai là người cao cấp nhất vào lúc này?

-Thưa Tổng Thống, không có ai ngoại trừ tôi, một số phóng viên, biện tập viên và nhân viên kỹ thuật.

-Qua hỏi để là hỏi thôi, giờ này họ bỏ đi hết rồi. Có tin tức gì mới liên quan đến Tòa Ðại Sứ Hoa Kỳ không trên những bản tin viễn ấn?

Tôi đáp không, ngoại trừ một bản tin rất ngắn của hãng thông tấn UPI cho biết mọi liên lạc giữa Tòa Ðại Sứ Mỹ và chính phủ Vũ Văn Mẫu bị cắt đứt. Hãng thông tấn AFP thì nói đến vai trò trung gian cuối cùng của Ðại Sứ Pháp Merillon và cựu tướng Vanuxem để tránh cho Saigon một cuộc đổ máu. Cộng quân đã kéo hỏa tiễn SAM vào tới Tân Uyên và sẵn sang mở cuộc tấn công.

Tôi đặt một vài câu hỏi liên quan đến khả năng tử thủ của những tướng lãnh dưới vùng Ðồng Bằng Sông Cửu Long. Tổng Thống Minh chỉ nói: “Khả năng thì có đấy, nhưng giữ được trong bao lâu và sẽ chết bao nhiêu người”. Sau đó ông nhờ tôi chuyển lời cám ơn đến tất cả anh em trong Ðài đã cố gắng làm việc với ông trong giờ phút nghiêm trọng này.

Sáng 29/4, tôi vào phòng Hệ Thống Trưởng để tắm sau khi phòng vệ sinh cho nhân viên dưới lầu không có người bảo trì và quét dọn đã bị nghẹt. Nước lạnh làm giúp tôi tỉnh táo. Bước ra lan can, hút một điều thuốc lá. Cây hoa sứ ở phần tường ngăn tiếp giáp với đài cũ bị sập từ Tết Mậu nở những bông đỏ chói cùng với những cơn mưa hè bắt đầu. Ðối diện với tôi là phòng phát thanh. Kiểm soát viên phát thanh Hoài An cũng thò đầu ra cửa cười toe toét: “Ê sao không về thăm nhà, tôi thấy ông ở đây hoài”. “Còn ông, sao không về?”. Tôi hỏi lại ông. Hoài An là một nhạc sĩ, nhưng ông lại làm kiểm soát viên phát thanh của phòng sản xuất và là một trong những thành viên cựu trào của hệ thống truyền thanh quốc gia. Hoài An hỏi:

-Ê, ngoài cái tớ biết rồi, còn tin gì cậu biết mà tớ đếch biết không. Nghe nói bọn nó pháo kích vào Tân Sơn Nhất dữ lắm, mẹ kiếp, coi chừng đây cũng lãnh quả. Ê này, sang đây tôi nói cho cậu cái này hay lắm.

Tôi xuống lầu để sang phòng phát thanh dù thừa biết cái hay lắm của Hoài An chỉ là chuyện bói toán, tử vi. Hoài An rất thích tử vi. Tuấn “râu” tức xướng ngôn viên Anh Tuấn xách túi “hồ lô” đựng quần áo ngủ trực đêm gặp tôi ở giữa cầu thang dẫn lên phòng phát thanh. Ông nói: “Tôi về xem nhà có gì không, rồi quay lại với cậu”.Tôi bắt tay ông rất chặt. Anh Tuấn là một kịch sĩ chuyên đóng những vai “độc”. Nếu ông thủ vai một tên đểu giả thì có thể khiến khán giả ở dưới ném cà chua vào ông. Tuy nhiên, cuộc sống ngoài sân khấu là một cuộc sống nghiêm túc và một xướng ngôn viên đóng góp khá nhiều vào việc hướng dẫn những xướng ngôn viên lớp sau, tuy rằng đôi khi cách nói năng của ông rất khinh bạc. Trên phòng phát thanh, có mặt đủ cả: chị Ngọc Sương, nữ xướng ngôn viên đàn chị từ trước khi tôi mới thi đậu vào khóa phóng viên và đang trong thời gian huấn luyện năm 1964, các chị Minh Tần, Song Hạnh (cũng là một diễn viên kịch truyền thanh), nam xướng ngôn viên Hồng Phúc (một kịch sĩ và diễn viên kịch truyền thanh) và Dạ Lan. Họ đùa giỡn như thường ngày và chuẩn bị thay ca vào 8 giờ sáng. Là những xướng ngôn viên, họ thừa biết tình hình nghiêm trọng như thế nào qua những bản tin mà họ phải đọc, nhưng dường như không ai tìm cách lo toan một chỗ ngồi trên những chuyến bay C-141 cất cánh từ Tân Sơn Nhất. Tại sao vậy? Cho đến mãi sau này tôi vẫn chưa có dịp hỏi họ xem điều gì đã khiến họ bình thản trước những sự đổi thay chính trị và quân sự mạnh mẽ đến như thế, hay họ coi biến cố chính trị nào thì cũng giống những cuộc đảo chánh mà mình đã trải qua. Trong thời gian huấn luyện và làm phóng viên tập sự năm 1964, tôi cũng đã từng chứng kiến cuộc đảo chánh do tướng Lâm Văn Phát và Dương Văn Ðức cùng một số tướng lãnh khác. Một số sĩ quan đánh chiếm đài phát thanh Quốc gia hùng hổ, súng lục cầm tay lên đạn nghe răng rắc, la hét lùa tất cả các nhân viên nhốt vào phòng tin tức. Nhiều nhân viên bị tát tai oan uổng, đến khi lực lượng Nhảy Dù đến giải tỏa, những sĩ quan binh lính thuộc phe đảo chánh bị còng tay đưa lên xe bít bùng trước mặt những người mới vài giờ trước bị họ đánh đập, mặt ông nào cũng cúi gầm. May cho tuổi trẻ của chúng tôi, cảnh chán chường này không còn được lập lại sau cuộc đảo chánh ngắn ngủi đó nữa. Vào những giờ phút cuối cùng của VNCH, tôi thường tự hỏi: không biết có phải những chính biến ấy có phải đã góp gió thành bão biến cố Tháng Tư này không?

Trong suốt buổi sang 29/4, kho dự trữ của USAID tại Newport bị dân hôi của tràn vào phá vỡ. Họ chở hàng xe vận tải, thịt hộp, sữa bột, các loại thực phẩm khô và thuốc lá, máy truyền hình, radio, máy cassette đem bán dọc theo đường Ðinh Tiên Hoàng, Nguyễn Bỉnh Khiêm. Khoảng 10 giờ, tôi nhận được lệnh của Bộ Trưởng Thông Tin Lý Quí Chung là sắp xếp để giảm nhân số trong đài, chỉ giữ lại một số rất ít nhân viên thật cần thiết thôi. Khoảng 11 giờ, một phóng viên chót của Ðài phải rút chạy theo sư đoàn 18 về đến Ðài. Anh cho biết rằng Bộ Chỉ Huy của Sư Ðoàn này đã về đến nhà máy xi măng Hà Tiên và đang củng cố các tuyến phòng thủ mới (Hải trước là quản đốc Ðài Ban Mê Thuột. Sau khi Ban Mê Thuột mất, tưởng anh đã bị Việt Cộng bắt làm tù binh, nhưng thực ra anh trốn được theo dân di tản. Tháng Ba, Hải đã về trình diện và tôi tạm sắp xếp cho anh công việc của một phóng viên. Trung tuần tháng Tư, Hải xin vào mặt trận Long Khánh của Sư Ðoàn 18 cùng với một số phóng viên khác).

Khoảng 2 giờ trưa 29/4, văn phòng Thủ Tướng Vũ Văn Mẫu điện thoại cho biết Hoa Kỳ đã bắt đầu chiến dịch di tản những TQLC và nhân viên cuối cùng của Mỹ ra khỏi Việt Nam và yêu cầu tôi phối kiểm trên các bản tin viễn ấn. Vừa buông điện thoại, quay ra ngoài hành lang để xuống phòng viễn ấn tự thì trên không phận Saigon bốn chiếc Phantom F-4, loại chiến đấu cơ tối tân nhất của Hải Quân Hoa Kỳ đã gầm thét và bay khá thấp với tốc độc nhanh. Một vài chiếc còn vượt bức tường âm thanh gây ra những tiếng nổ lớn làm rung chuyển cửa kính trong các phòng của Ðài. Rồi các trực thăng CH-53, Chinook, UH-1B xuất hiện như những con chuồn chuồn khổng lồ. Ðầu tiên họ hạ thấp cao độ từ phía cầu xa lộ và đài phát thanh Saigon để đậu xuống sân trực thăng trên nóc Sứ Quán Hoa Kỳ. Nhưng không hiểu sao đó, họ đổi hướng hạ thấp cao độ từ phía Dinh Ðộc Lập để vào Sứ Quán và từ từ nâng cao độ ngay ở trên mái nhà của Ðài Phát Thanh Saigon.

Tôi gọi điện thoại cho ông Chung để báo là các bản tin của bốn hãng thông tấn mà Ðài mua đã xác nhận cuộc di tản bắt đầu. Ông ra lệnh cho tôi là bỏ tất cả những hiệu triệu nào “có tính chất súng đạn” đi, kể cả lời kêu gọi của Thủ Tướng Vũ Văn Mẫu, phát nhạc “hòa bình” và làm những tin liên quan đến việc di tản. Bộ Trưởng Thông Tin Lý Quí Chung còn yêu cầu Ðài Phát Thanh Saigon viết một bản phân tích “hàm ý cho thấy Mỹ đã bỏ rơi VNCH, khuyến cáo dân chúng không nên hoảng loạn, chính phủ sẽ dàn xếp để Saigon tránh khỏi biển máu”. Ðây là một bản phân tích khó khăn nhất trong lịch sử của Ðài Phát Thanh Quốc Gia dựa trên lời hiệu triệu của Phó Tổng Thống Nguyễn Văn Huyền, người đã đại diện cho Tổng Thống Dương Văn Minh chống gậy vào căn cứ David để thương lượng với trưởng đoàn Cộng Sản trong Ban Liên Hợp Quân Sự 2 bên lúc đó là Hoàng Anh Tuấn từ chiều 28/4 (tôi sẽ đề cập đến chi tiết này trong bài viết khác vì tôi là người tiếp chuyện cụ Huyền khi cụ đến Ðài đọc bản hiệu triệu trấn an dân chúng). Khó khăn vì chưa ai viết phân tích mà chỉ để trấn an chứ không đưa ra được một luận điểm nào khác.

Khoảng 5 giờ chiều ngày 29/4, nhân viên Phủ Tổng Thống đưa đến Ðài bản thông cáo của văn phòng Tổng Thống Dương Văn Minh kêu gọi quân đội cảnh sát bình tĩnh và tuyệt đối tránh những hành động nổ súng vào máy bay của đồng minh, nhất là tránh những hành động có thể gây hiểu lầm hay gây thiệt hại cho dân chúng trong cơn hoảng loạn. Khoảng 7 giờ tối dường như các chuyến trực thăng di tản được tăng cường. Xuống phòng Tin Tức, tôi yêu cầu Chủ Bút ca đêm (bắt đầu từ 8 giờ tối) chỉ nên để lại chủ bút và hai biên tập viên. Nhưng họ cứ bịn rịn mãi cho tới giờ giới nghiêm không về nhà được và đến 8 giờ sang hôm sau mới dần dần ra khỏi Ðài. Sau đó, có vài người lại quay trở lại với tôi.

Quá mệt mỏi, nên tôi ăn qua loa chút đỉnh ở dưới CLB rồi lên phòng dọn dẹp những hình cảnh cá nhân cho vào một cái túi. Tôi đứng ngắm bức hình chụp đứng cùng với tướng Vũ Văn Giai tại một đồi cát thuộc quận Hải Lăng, Quảng Trị vào năm 1969. Tôi không còn nhớ một sĩ quan nào đó trong Phòng Tâm Lý Chiến của Sư Ðoàn 3 chụp và phóng lớn tặng tôi vào kịp kỷ niệm ngày thành lập sư đoàn. Gần 36 năm qua rồi, ký ức đã mờ phai nhiều chuyện, nhưng tôi vẫn nhớ đến giây phút cuối cùng của tôi tại phòng làm việc mang đầy kỷ niệm ấy. Tôi thích bức hình, và ngắm nó mãi bởi vì chiếc nón sắt mà tôi đội bị thủng một lỗ ngang thái dương, chiếc quần trận bị rách toạc ngay đầu gối chân trái. Chiếc nón sắt ấy là của một người lính đã tử trận, văng ra trên bờ một giao thong hào ở Ðông Hà. Mưa nắng đã làm chiếc nón hơi bị sét. Ðầu năm ấy, khi di chuyển cùng với một đơn vị của Sư Ðoàn 3 trong cuộc hành quân ở Ðông Hà, tôi đã nhặt được chiếc nón sắt ấy và dùng nó cho đến năm 1972 là năm mà tôi đã không còn rong ruổi để tường thuật từ mặt trận nữa. Hình chụp đẹp và đầy tính nghệ thuật. Tháo bức hình ra khỏi khung và cuốn lại, tôi tính sẽ nhờ tài xế Ðường đưa về nhà sang hôm sau, rồi góp mấy bản thảo các scripts phóng sự chiến trường mà tôi thích nhất, các bức hình tôi chụp tại San Clemente và Hoa Thịnh Ðốn cùng với các phóng viên Nguyễn Mạnh Tiến và Lê Thái Tuế trong chuyến tháp tùng Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đi xin viện trợ lần cuối cùng Tháng Tư năm 1973... cho tất cả vào trong một chiếc ba lô mà tôi đã mang theo đi các mặt trận suốt 5 năm. Sau đó, ngả lưng trên chiếc ghế bố trong góc phòng làm việc, tôi chìm dần vào giấc ngủ dù tiếng động cơ trực thăng vẫn ầm ầm suốt đêm trên đầu.

Người thư ký trực đánh thức tôi dậy vào quãng 7 giờ sáng. Ánh ban mai lọt qua khung cửa mở rộng khiến cho căn phòng tràn ngập bình minh. Tôi hỏi: “Có chuyện gì không?”. Anh đáp: “Êm ả quá, chúng ngưng pháo kích Tân Sơn Nhất rồi, không biết có chuyện gì đây. Ông xuống căng tin uống cà phê cho tỉnh. Phóng viên Lê Phú Bổn chờ ông dưới đó”. Bổn vừa gặp tôi đã nói: “Tiêu rồi anh, bọn nó về tới Hốc Môn và Phú Lâm”. Tôi hỏi: “Cậu lấy tin ở đâu?”. Bổn đáp “Ngoài phố họ đang nhao lên. Trên đường từ nhà tới đây, em thấy dân chúng ở ngoại ô bắt đầu tản cư vào Saigon. Bây giờ tính sao?”

Tôi giở “bựa”: “Tính mẹ gì nữa. Ngồi chờ cho nó siết cổ thôi”. Bổn lại hỏi: “Họ chạy hết sao anh còn ở đây?”. Tôi nói: “Vì những người còn ở lại đây, thế thôi”.

Cuộc di tản của Mỹ chấm dứt vào lúc tôi đang ngủ. Vũ Thành An bước vào CLB đã vội loan báo: “Xong hồ sơ rồi ông ơi”. An không hút thuốc lá, nhưng hôm ấy anh phì phèo điếu thuốc. Tôi nói đùa với anh: “Chẳng qua cũng là bài không tên cuối cùng thôi”. Chúng tôi uống cà phê, ăn mì gói, hút thuốc đến khoảng 9 giờ 30 (sáng 30-4) vừa định vào phòng tin tức thì thư ký trực hốt hoảng chạy từ trên lầu xuống: “Ông ơi, văn phòng Tổng Thống điện thoại xin cử người sang thâu băng hiệu triệu”. Vừa lúc ấy nữ phóng viên Yến Tuyết vào đài. Cô đòi đi theo kỹ thuật viên sang thu thanh nhưng tôi không cho. Tôi chỉ định Lê Phú Bổn và một kỹ thuật viên là anh Hồ Ổn sang Phủ Thủ Tướng, số 7 đường Thống Nhất, Tổng Thống Dương Văn Minh và Nội Các chờ họ ở đó.

Bổn thu thanh và mang vào Ðài vài phút trước 10 giờ sáng và chuyển lệnh của Tổng Thống: “Ðầu hàng rồi. Anh cho phát ngay, không cần hoàn chỉnh”. Tôi đưa cuốn băng cho Vũ Thành An. Nội dung cuốn băng chỉ dài chưa đầy 5 phút, trong đó Tổng Thống Dương Văn Minh kêu gọi quân nhân, cảnh sát và các lực lượng bán quân sự “giữ vị trí, buông súng để bàn giao chính quyền trong vòng trật tự”. Bản hiệu triệu này do chính Tổng Thống Dương Văn Minh đọc theo một script do chính ông viết trên một mảnh giấy nhỏ.

Nhưng cuốn băng chỉ phát được một lần vào lúc 10 giờ 15 phút sáng 30-4-1975. Lê Phú Bổn vừa ra khỏi đài thì Tướng Nguyễn Hữu Hạnh, Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Ðội, vị Tổng Tham Mưu Trưởng thứ ba trong vòng hơn 1 ngày rưỡi từ phủ Thủ Tướng sang Ðài Phát Thanh sau khi đã ghé qua Ðài Truyền Hình. Tôi đón ông ở cổng. Tướng Hạnh nói ông sang tiếp nhận Ðài để trao cho phía “cách mạng”. Còn đang nói chuyện với tướng Hạnh thì một đoàn xe trờ tới. Khi chiếc Mercedes đen ngừng lại ở cổng ngoài, tôi thấy một người mặc quân phục tác chiến mầu cỏ úa của bộ đội CS, súng lục cầm trong tay, tiếp theo là Tổng Thống Dương Văn Minh, và một người khác cũng mặc quân phục mầu cỏ úa, cũng súng lục cầm tay. Tổng Thống Dương Văn Minh đi giữa hai người này, phía sau có nhiều cán binh mang AK-47. Rồi đến những chiếc xe jeep lùn khác của quân đội VNCH cũng đến đậu trước Ðài phát thanh. Từ trên xe bước xuống là một đám thanh niên, thiếu nữ, trang phục dân sự nhưng trên tay phải của mỗi người đều có đeo băng đỏ. Tôi nhận ra ngay Lê Văn Nuôi, Huỳnh Tấn Mẫm, Cao Thị Quế Hương, Nguyễn Hữu Thái, Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn, và Hà Huy Ðỉnh thì cầm chiếc máy quay phim, ký giả Mỹ Don Luce, một phóng viên đeo thẻ của Ðài BBC và một người của hãng thông tấn AP, dường như là George Asper (lâu quá, không chắc chắn lắm), và hai thu hình viên của phía Cộng Sản. Ông Hạnh yêu cầu tôi lên phòng phát thanh trước (họ vẫn sợ có thể bị phục kích?) Lên tới phòng phát thanh, Tướng Hạnh yêu cầu mở cửa phòng vi âm lúc đó đang đóng vì không phải là giờ đọc tin. Viên sĩ quan đi bên cạnh Tổng Thống Dương Văn Minh lớn tiếng yêu cầu mọi người bình tĩnh, không được kháng cự vì kháng cự cũng vô ích. Ông ta nói: “Tổng Thống của các ông đã bị bắt”, và quay lại đẩy Big Minh vào phòng vi âm và nói: “Các anh thua rồi, phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện chứ còn gì nữa mà bàn giao”. Cuốn băng thứ hai mà dân chúng miền Nam được nghe từ 11 giờ ngày 30/4/1975 trở đi chỉ khác cuốn băng đâu tiên ở điểm “đầu hàng vô điều kiện" thay vì "bàn giao chính quyền trong vòng trật tự”.

Sau đó tôi hỏi tướng Hạnh: “Tôi có thể ra khỏi đài được chứ?”. Ông Hạnh nói: “Anh hãy về nhà ngồi đợi lệnh của Ủy Ban Quân Quản”. Tôi bước xuống cầu thang thì phóng viên Yến Tuyết từ phòng làm việc chạy ra. Vừa ra đến cổng thì thấy xe của Thiếu Tá Nguyễn Văn Thăng do tài xế Ðường lái chạy vào. Trên xe có cả vợ ông Thăng, chắc họ không kiếm được chỗ đi. Ông Thăng còn mặc bộ đồ bốn túi bằng vải ka-khi vàng. Tôi nói: “Họ đầy ra ở trên đó, Thiếu tá còn vào đây làm gì, quay xe ra ngay đi”. Ðường thấy vậy mở cửa xe và đẩy vội tôi và Yến Tuyết lên, vọt nhanh ra khỏi cổng.

Ra đến đường Hồng Thập Tự, Ðường quay lại hỏi: “Ði đâu ông?”. Tôi lắc đầu và không nói gì nữa, vì “phim” đã cháy thực sự.


Vũ Ánh

User avatar
phu_de
Posts: 2917
Joined: Sun Nov 28, 2004 10:57 pm
Has thanked: 7 times

Post by phu_de »

lynhcao wrote:Bac Giang Gia ơi !!!
Nhìn bác cứ giống như là Thi Sách tướng wan trong Tiếng trống Mê Linh vậy đó bác ạ . Vẫn còn ngon cơm vô cùng ! Hôm nay bác có kỷ niệm ngày Quốc Hận gì không ?
Chào bác và hỏi thăm bác nhé !!!!
Lynh Caaaaaao Sa Đéc
Chào mừng anh LynhCao vào D/Đ
Anh Lynh Cao ơi
Thi Sách đang search Google tìm đào tiên đấy mà, hehe

User avatar
khieulong
Posts: 6757
Joined: Wed Dec 01, 2004 9:09 pm
Been thanked: 1 time

Post by khieulong »


User avatar
khieulong
Posts: 6757
Joined: Wed Dec 01, 2004 9:09 pm
Been thanked: 1 time

Post by khieulong »

Những hình ảnh đặc biệt về cuộc biểu tình vào ngày 30 tháng 04 2005 tại Sydney Úc Châu.

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image
Last edited by khieulong on Sat May 07, 2005 4:49 am, edited 1 time in total.

User avatar
linhgia
Posts: 1308
Joined: Fri Dec 03, 2004 9:30 am

Post by linhgia »

Người Việt Hải Ngoại
với việc
Dân Chủ Hóa Quê Hương

Lý Ðại Nguyên

--------------------------------------------------------------------------------





Sau 30 năm, niềm đau, nỗi nhục do ngày 30 tháng 4 năm 1975 đối với Người Việt Nam vẫn còn đó. Ngày ấy không riêng Người Dân Miềân Nam bị mất tự do, mà ngay Người Dân Miền Bắc cũng mất luôn hy vọng về sự tự do. Chỉ có Người Cộng Sản tự coi là thành công vĩ đại, đễ rồi họ kiêu ngạo, mạnh tay, công khai áp dụng chính sách trả thù tàn bạo đối với quân, cán, chính Việt Nam Cộng Hòa, cùng giới trí thức, tôn giáo, đảng phái đều bị sát hại, hoặc đẩy vào nhà tù. Còn dân chúng Miền Nam thì bị phân biệt đối xử thành thứ Ngụy Dân và Cách Mạng. Ngụy Dân bị tước đoạt tài sản đưa đi vùng kinh tế mới. Cách Mạng thì được chia nhà ở, chia chiến lợi phẩm. Trong giới Cách Mạng cũng có hai loại là Giải Phóng Miền Nam và Chính Quy Miền Bắc. Kẻ chiến thắng đích thực là Cộng Sản Miền Bắc, còn kẻ bị mượn danh nghĩa là Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam cuối cùng cũng bị loại bỏ. Cộng Sản Việt Nam để lộ nguyên hình là thứ chủ nghĩa cộng sản độc đảng, độc tài, độc tôn, độc ác, phi nhân, phi văn hóa, phi dân tộc, gian, tham, ngu, dốt, tuyệt đối trung thành với quan thầy Liên Xô.
Chính vì vậy, không những Người Tự Do Miền Nam cố tìm đường vượt thoát, mà ngay những người từng tham gia chiến đấu với Việt Cộng và dân chúng Miền Bắc, nếu có cơ hội, cũng đều bỏ trốn khỏi chế độ. Nhờ hàng triệu người Việt Nam can trường chủ động lựa chọn việc băng rừng vượt biển "tìm tự do trong cáiï chết", đã làm cho cả Nhân Loại kinh hoàng, bừng tỉnh khỏi giấc mộng về thứ "Thiên Ðường Cộng Sản". Chấm dứt 20 năm cuộc di cư vĩ đại phi thường đó của Người Việt, cũng là thời điểm mà Quốc Tế Cộng Sản tan vỡ. Nhưng không may cho Việt Nam vẫn còn bị vướng trong chế độ cộng sản đã biến chất thành "tài phiệt đỏ". Nhưng tài phiệt lại không nhờ tài trí kinh doanh, mà nhờ quyền lực và tham nhũng. Làm giầu bất chính là bản chất của giới lãnh đạo và cán bộ cộng đảng, mà đảng tự cho mình đứng trên luật pháp, tùy tiện tạo luật và thi hành luật.

Chính vì vậy, chế độ bị mất kỷ cương, xã hội đọa lạc, giáo dục thất đức. Chế độ chỉ được đan dệt bằng những khẩu hiệu rỗng tuyếch; "Xã hội Xã Hội Chủ Nghĩa là xã hội dân giầu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh". Thực tế thì dân nghèo nhất so với các nước trong vùng. Nước yếu nhất trong thế ngoại giao quốc tế, phải cúi đầu dâng đất, hiến biển cho đàn anh Trung Cộng để giữ ghế. Xã hội bất công hết thuốc chữa, người nghèo phải bán con gái làm điếm nước ngoài, đi lao động nô dịch khắp nơi, cán bộ cộng sản thì tiền rừng bạc bể, sống xa hoa trên sự thống khổ của toàn dân. Dân Chủ làm gì có chỗ đứng trong chế độ độc đảng toàn trị. Văn minh gì mà không có tự do ngôn luận, bóp chết tự do tôn giáo, bỏ tù những người dám dòi dân chủ tự do?

Ðến nay tuy sự thù hận của nạn nhân trực tiếp bởi chế độ cộng sản hầu như đã phôi phai. Nhưng việc mất tự do của toàn dân còn chưa chấm dứt, vẫn luôn luôn buộc mỗi người có suy tư phải thao thức. Ngay những cựu đảng viên cộng sản cỡ gộc, khi được Nông Ðức Mạnh, Phan Diễn, Trần Ðình Hoan đại diện lãnh đạo đảng mời góp ý cho Ðề Cương Ðại Hội Cộng Ðảng X , từ ngày 6 đến ngày 8-4-2005, cũng đã không thèm đóng góp gì, mà chỉ phê phán Bộ Chính Trị là "mất dân chủ trong nội bộ, thi hành sai nguyên tắc điều lệ đảng, bè phái trong Bộ Chính Trị. Bộ chính Trị đứng trên cả Trung Ương, điều hành cả công việc của nhà nước, đứng ngoài luật pháp…" "Cán bộ của đảng đang hư hỏng, thoái hóa biến chất, quan liêu, tham nhũng, sa đọa đang dẫn tới nguy cơ mất vai trò lãnh đạo của đảng…" Trong nội bộ nhóm chóp bu đã tố cáo nhau như vậy, thì đối với dân chúng và giới Trí Thức ở trong nước, có cái nhìn và đánh giá về cộng đảng ra sao, chắc khỏi cần phải bàn tới nữa.

Riêng hai triệu Người Việt Hải Ngoại, tuy bất hạnh bị làm kẻ lưu vong, nhưng có cơ may là đang được sống trong các chế độ Dân Chủ của xã hội Tự Do, nên nhờ khả năng và sức tự thân phấn đấu, đã xây dựng được vị thế vững mạnh ở những nước mình định cư. Buộc Cộng Sản Việt Nam phải cúi đầu thừa nhạân rằng: Người Việt ở nước ngoài có 3 ưu thế lớn lao trong việc xây dựng và phát triển quê hương. 1- Về khả năng chất xám. 2- Về phương diện tài chánh. 3- Về tư thế vận động quốc tế. Chính Bộ Chính Trị Cộng Sản đã viết trong Nghị Quyết 36, bắt cán bộ và dân chúng phải học tập. Chính phủ Hoa Kỳ cũng không đánh giá thấp khả năng đóng góp và vận động của Người Mỹ gốc Việt. Nên thường đưa ra khuyến cáo đối với nhà cầm quyền Hànội là phải hòa giải, chứ không thể tìm cách khống chế Người Việt Hải Ngoại. Vì Chính giới và dư luận toàn dân Mỹ đứng về phía họ.

Hòa giải với Người Việt Hải Ngoại thì không thể chỉ bằng lời hứa, vì là Người Việt chẳng ai còn tin vào lời hứa của Việt Cộng nữa, mà phải bằng hành động Dân Chủ Hóa chế độ thực sự cụ thể qua Hiến Pháp, Luật Pháp minh bạch trong sáng và công khai. Tôn trọng quyền Tự Do và Tư Hữu của Cá Nhân, quyền Dân Chủ của Toàn Dân. Các Tôn Giáo đựơc tự do công khai hành họat. Báo Chí, Phát Thanh, Truyền Hình được tư nhân hóa, tự do xuất bản để phản ảnh ý dân và giám sát sinh hoạt của nhà nước. Chính Ðảng được tự do thành lập sinh hoạt trong thế cách đối lập và cầm quyền, Nghiệp Ðoàn và các tập thễ Xã Hội Dân Sự được tự do phát triển công khai để góp sức thay đổi xã hội.

Ðến đây, Người Việt Hải Ngoại, nên gạt bỏ mọi mặc cảm tự ty, tự tôn, cũng như những tham vọng hão huyền, mà nhận lấy vai trò và sứ mệnh lịch sử của mình đối với Quê Hương Dân Tộc, là toàn tâm, toàn ý làm lực đẩy cho tiến trình Dân Chủ Hóa Việt Nam sớm thành tựu. Vì trong tay chúng ta đang có ưu thế tất thắng là nằm ngay trong Trung Tâm Quyền Lực Quốc Tế, mà Hoa Kỳ lại đang quyết tâm thực hiện Dân Chủ Hóa Toàn Cầu. Dân Chủ là nhu cầu sinh tử của Toàn Dân Việt Nam, và là ước nguyện của Người Việt Hải Ngoại hằng theo đuổi. Như vậy Thế Nước, Lòng Dân đã gặp nhau, chỉ cần lực đẩy cho mạnh là việc lớn phải thành.

Little Sàigòn 26-04-2005.

User avatar
lynhcao
Posts: 883
Joined: Sat Apr 30, 2005 10:46 pm

Post by lynhcao »

Image

MỜI NHAU CHÉN RƯỢU HỒ TRƯỜNG


Mới đó... chừng đã 30 năm
Kể từ ngày “mô.t-chín-bảy-lăm”
Thời gian lướt đi thật nhanh
Nhìn lại một thời xuân xanh
Mà tưởng như giấc mơ hoa đêm mùa hạ!

Soi bóng mình trong gương thấy lạ
Tóc đã bạc màu, má hóp, da nhăn
Lòng chợt dấy lên nhiều nỗi băn khoăn
Khi bóng dáng quê hương chập chờn trước mắt
Ruột gan co thắt
Nước mắt chực trào
Thương quá chừng hai tiếng “mày tao”
Thương nghiệp dĩ một thời làm lính chiến
Nay tất cả đã trở thành miên viễn
Riêng tao phương này vẫn nhớ đến tụi bay
Nhất là lần tưởng niệm năm nay
Cái mốc thời gian - 30 năm nghiệt ngã
Vẫn nhớ như in, từng cánh chim vội vã
Lìa bỏ quê hương, bỏ cả gia đình
Tao thương thân tao
Thương lũ chúng mình
Nhưng không tiếc đã sanh lầm thế kỷ
Tao bây giờ sống không bình yên trên đất Mỹ
Nhìn bóng chiều tà tiếc một đời trai!

Bằng hữu ơi!
Đêm nay...
Tao lại nhớ đến chúng mày
Những thằng bạn, đã một thời, cùng vào sanh ra tử
Tao cố bậm gan sống đời lữ thứ
Nhưng khô cạn dần mỗi độ tháng tư
Đêm nay rượu bỗng thừa dư
Bên ngoài trời tối đen như mực
Đã khuya lắm tao vẫn ngồi canh thức
Uống rượu khan, ngâm bản Hồ Trường
Cầm chai rượu trong tay đưa tám hướng bốn phương
Vẫn “không biết rót về đâu
Đâu người tri kỷ” (*)
30 năm!
Sống tha hương tao nghiệm ra chân lý
“Mỗi một con người chỉ có một quê hương”
Lũ chúng mình:
Đứa vùi sâu trong lòng đất lạnh
Đứa bỏ xác đại dương
Dăm ba đứa khắp chân trời góc bể
Dù cuộc sống ra sao cũng không bao giờ và không thể
Quên bỏ được phần đất tổ quê cha

Đôi lúc có người nói “chúng mình đã già”
Nên tao cố gọi chúng mày bằng tiếng “anh” trang trọng
Nhưng nghe chính tiếng mình vẫn tưởng đâu thằng nào nói ngọng
Ha hả cười... gào hai tiếng “mày tao”
Rượu Hồ Trường, có còn nghĩ đến nhau
Xin nâng chén dù chúng mình ở Đông Tây Nam Bắc
Chúng mình dù như ngọn đèn dầu heo hắt
Xin được một phút huy hoàng trước lúc xuôi tay (**)



Yên Sơn 050311

User avatar
linhgia
Posts: 1308
Joined: Fri Dec 03, 2004 9:30 am

Post by linhgia »

BA MƯƠI NĂM




Ba mươi năm tưởng chừng mình cũng đổi

Cả núi sông nghiêng ngửa huống chi ta!

Huyết mạch này thừa hưởng bởi ông cha

Dư căm giận lũ buôn dân bán nước



Ba mươi năm ngẫm suy gương người trước

Chí kiên trung xua tan lũ bạo cường

Máu thịt xương từng tô điểm núi sông

Giặc phương Bắc xá chi loài kiến cỏ



Ba mươi năm Việt Nam ta rõ tỏ

Khắp năm châu nào ai kết “đại đồng”

Còn lại gì? chỉ một lũ cuồng ngông

Thói lừa phỉnh dựa thây Hồ tấn cướp...*



Ba mươi năm, vẫn lũ quân khiếp nhược!

Đầu quỵ Nga, thờ phục bọn Tàu phù

Khởi chiến tranh gọi “Kháng chiến mùa Thu”

Triệu sinh mạng! Đâu thấm trò đấu tố!!!



Ba mươi năm, trời Việt Nam vẫn khổ

Người... lẫn người thù hận giết hại nhau

Phá niềm tin, thiêu hủy mấy đời sau

Lòng tự chủ, tính tự cường giống Việt



Ba mươi năm dân tộc ta thua thiệt

Lớp hậu sinh gương trung liệt nào soi

Nhân nghĩa buông, mờ đạo lý giống nòi

Hỏi trí nhân đến bao giờ đứng dậy?!



Ba mươi năm làm sao quên ngày ấy

Thế bạo cường chia đổi cả non sông*

Nào toàn dân hợp lực tổng tiến công

Giành quyền sống nước non mình làm chủ



Ba mươi năm, thời gian đà quá đủ

Bài vỡ lòng hơn nửa thế kỷ qua

Phải lớn khôn mau dựng lại sơn hà

Ngày mai tới Việt Nam ta sáng chói



Dân Nam

Mùa Quốc Hận 2005

Post Reply