Một Số Hình Ảnh Ngày Hội Ngộ HNC 58-65 Tại Pas

Nét mặt ngày nay còn lại hình ảnh thuở cắp sách tới trường hay đã phủ đầy phong sương với mái tóc bạc da mồi!!!

Moderators: CNN, dongbui

User avatar
mexanh
Posts: 477
Joined: Tue Nov 04, 2008 4:18 am

Post by mexanh »

Image

Một chút nhớ về ngày xưa, ngày ta và bạn...

"Có những lúc tự nhiên thấy nhớ
Để rồi ta lại thấy thương thương..."

Có những lúc ta chợt nghĩ, chợt nhớ, chợt xao xuyến không tin rằng mình đã qua cái tuổi học trò, cái tuổi đẹp nhất của cuộc đời tôi....
Đã lâu, ta đã mất cái cảm giác hồi hộp chưa thuộc bài sợ thầy gọi tên lên bảng...
Đã lâu, ta đã không được nhìn thấy cô bé ngồi cùng bàn trong ta áo xinh như trước nữa...
Đã lâu, ta đã mất đi cảm giác háo hức, ngập ngừng, xúc động gặp lại các bạn ngày đầu của năm học mới...
Đã lâu, ta đã mất cái cảm giác nao nao khi mùa hè đến, ve cứ kêu, học trò bị cuốn theo cái âm thanh ấy để mắt bâng quơ thả hồn theo tiếng ve cho dù cô đang đứng sau lưng mình....
Đã lâu, ta đã mất cảm giác xao xuyến nhớ ai đó, ta băn khoăn không hiểu là gì nhỉ, ta thương rồi ư....?
Và đã lâu...., đã lâu..., đã lâu...

"Thế là hết chẳng yêu nhau được nữa
Lớp chia tay bạn nghẹn nửa môi cười
Trái đất nghìn triệu năm xưa cũ
Vẫn không hiểu hết mình sự sinh sôi.

Thế là hết chẳng yêu nhau được nữa
Đàn chim bỏ đi mỏ cắp theo mùa
Dùng dằng gió giữa hai phiến lá
Trong nắng chiều ngấn ướt một cơn mưa.

Thế là hết chẳng yêu nhau được nữa
Một vệt sông tối sẫm bóng dài
Con đò ấy không thể nào cập bến
Để rồi chìm trước một ban mai.

Thế là hết chẳng yêu nhau được nữa
Cổ tích ngày xưa xin buộc cọng rơm vàng
Kỉ niệm gửi thời gian cất giữ
Trôi qua dần những bong bóng thời gian..!"


Cuộc sống là vậy, ta không thể bé mãi được, ta phải lớn lên, ta mất đi nhiều thứ trong đó có cả những phút giây đẹp nhất của tuổi học trò. Nhưng, bạn ơi hãy vui lên vì cuộc sống vẫn cho bạn một chiếc ngăn kéo nhỏ để ta cất giữ những gì đẹp nhất về tuổi học trò và cuộc sống đôi lúc cũng cho bạn một khoảng lặng khó tả như chính thời gian đang chậm lại để ta nhớ về ngày xưa, ngày mà ta....

"Nắng cổ tích ngập tràn trang sách nhỏ
Bạn nhẹ nhàng gởi nắng ấy theo mưa
Tôi hỏi nhẹ...bạn lặng im chẳng nói
Để giờ tan tôi lại thấy nghẹn ngào..."


"Rồi một ngày, bạn nắm tay tôi nói trong tiếc nấc nhẹ: Nắng vô tình lắm chỉ thoáng qua rồi thôi, chỉ có mưa mới thấm dần vào ký ức, vì thế mưa chỉ muốn gửi nắng vào ký ức ấy, ký ức tuổi học trò..."

User avatar
khieulong
Posts: 6756
Joined: Wed Dec 01, 2004 9:09 pm
Been thanked: 1 time

Post by khieulong »

Image

Liễu Buồn Xanh Ngát Mùa Thu

Nhạc & Lời : Thanh Trang
Tiếng hát : Xuân Phú


Một lần em đến đây
Mượt mà làn tóc mây
Nụ hồng trong nắng say
Ngày Hè năm ấy


Đường xa quên dấu chân
Năm tháng qua đời vắng tanh
Chờ em đã bao lần
Chạnh lòng Thu, Liễu xanh ngần

Nơi ấy sóng đêm buồn
Ngày theo nước mây xoay vần
Đường xa biết đâu còn
Tờ thư xanh in dấu son

Lòng anh vắng nơi này
Đàn ngân phím tơ trong ngày
Câu hát chưa xong lời
Mùa gió Đông về đến nơi
Last edited by khieulong on Tue Jan 07, 2014 8:21 pm, edited 1 time in total.

User avatar
VuPhong
Posts: 2910
Joined: Wed Dec 01, 2004 4:28 pm

Post by VuPhong »

Image

Công Tử Vượt Biên

Lê Như Đức


Sàigòn, vào những năm 1977, 78, nếu có ai lỡ lời nói hai chữ vượt biên thì mọi người đều e dè,sợ sệt. Chỉ cần lỡ lời vài ba câu có dính líu đến hai chữ vượt biên là có thể cải tạo mút mùa. Vậy mà y lại có cái biệt danh thật là ngộ nghĩnh và hết sức ngang tàng: Công tử vượt biên.

Tôi biết y rất rành, rành hơn bất cứ người bạn thân thiết nào của y, là vì một lý do rất đơn giản. Nhà tôi là chỗ trú chân đầu tiên của y mỗi lần vựơt biên thất bại, trốn về Sàigòn chờ móc nối chuyến kế. Mỗi lần như vậy, nhiệm vụ của tôi là đạp xe tới nhà y báo cho gia đình chuyến đi lại thất bại, cần thêm tiền chi tiêu và không quên nhắn thêm câu: "ba má, tìm cho con mối khác".

Mỗi lần thất bại như vậy, tôi lại càng thấy rõ sự trưởng thành và quyết tâm của y. Bẩy lần vượt biên không làm y nản chí mà trái lại càng làm y thêm kinh nghiệm và mưu lược hơn. Trong cuộc đời tôi, y là người bạn tôi mến phục và học hỏi được nhiều nhất. Người bạn mà có lẽ khó kiếm được trong lúc sống dưới chế độ mà "cái cột đèn nếu có chân nó cũng vượt biên". Tôi không biết được tình bạn ngày xưa đối xử giữa Bá-Nha và Tử-Kỳ như thế nào. Riêng tôi, lúc nào khi nghĩ tới y tôi đều nhủ thầm. Một trong những cái may mắn nhất trong đời tôi là được quen y. Tôi gặp y vào năm cuối cùng của trung học, trường Nguyễn Bá Tòng, Gia-định, lớp 12C1.

Tôi còn nhớ ngày đầu tiên gặp y trong sân trường Nguyễn Bá Tòng. Y là học sinh duy nhất chuyển từ trường tư Lasan Taberd tới. Chúng tôi thì ngược lại, phần lớn chuyển từ trường công Hồ Ngọc Cẩn qua. Sáu chúng tôi, băng con nhà nghèo hiếu học, đang đứng chơi trước cửa lớp, thì thấy y. Y tuy tới một mình nhưng rất là tự nhiên và tự tin. Trong khi đó băng chúng tôi thì lại e dè, ngại ngùng khi đối mặt. Có lẽ là vì tại Tường, một người bạn trong đám chúng tôi khi thấy y, nói nhỏ:

"Cái thằng đó học sinh trường Tây. Ông già nó giầu có tiếng trong xóm tao đó. Chị tao ngày xưa làm thợ dệt cho nhà nó. Nó con út, số bọc điều. Giầu tiền xài không hết. Tao nghe nói nhà nó bị kiểm kê tài sản đến hai ba lượt rồi. Vậy mà nó vẫn phây phây như thường".

Minh, người học sinh giỏi nhất trong đám tôi nhìn Tường hỏi:

"Thế nó học cừ không?"

"Tao không biết. Nhưng mà mấy thằng Tây con chắc chẳng học hành gì đâu. Tối ngày đi chọc gái rồi mút xúc-cù-là."

Tôi nhìn y từ trên xuống dưới để cố tìm xem có chất xúc-cù-là trong người y như Tường nói không. Cảm tưởng đầu tiên của tôi về y là giữa hai chúng tôi là hai thái cực. Y dáng dong dỏng cao, mái tóc bồng bềnh, quăn tự nhiên. So với chiều cao của người Việt Nam, thì y bỏ xa. Tôi thì ngược lại. Bạn bè thường gọi là "Lùn Mã tử". Tóc tôi lại thưa, loại rễ tre, xỉa thẳng đứng lên trời. Y đẻ trong gia đình giầu có, nhà tôi thì lại thiếu ăn hàng ngày. Tôi con cả, y con út. Có lẽ chúng tôi chỉ có một điều giống nhau. Học tầm thường, chả có gì đặc biệt. Tôi nhủ thầm như vậy trước khi bước vào lớp học đầu tiên của niên khóa 1978-79.

Không những tôi lầm, mà cả Tường cũng lầm luôn. Sự học vấn và kiến thức của y làm ngạc nhiên không những chúng tôi mà cả thầy chủ nhiệm Vật Lý Nguyễn văn Lành. Tôi còn nhớ thầy có nói: "Em rất có khiếu về Vật lý. Sau này có cơ hội nhớ theo ngành này. Em nhé". Chỉ trong hai tuần lễ học, bọn chúng tôi phần lớn chuyển từ Hồ Ngọc Cẩn qua, đã phải bầu y nắm một chức vụ quan trọng nhất trong lớp, đó là trưởng ban học tập.

Sở dĩ chức này quan trọng là vì trưởng lớp do chi đoàn chỉ định, trưởng ban học tập do học sinh bầu. Trưởng ban học tập phải là tay cự phách. Nó đòi hỏi không những thầy cô tin yêu mà anh em nể phục. Trưởng lớp phải là chi đoàn hay cảm tình đoàn. Trưởng ban học tập không cần nhưng phải là tay chiến, dám đối mặt với cả thầy cô lẫn chi đoàn. Y không những không chi đoàn mà còn lại là thành phần chế độ bất dung- tư sản mại bản.

Có lẽ y chiếm được hết cảm tình của lớp chúng tôi qua cách đối xử đặc biệt đầu tiên với cô giáo Hóa-Học Nguyễn thị Hoàng-Hoa, phó chủ nhiệm lớp. Sau một tuần lễ học, cô khảo bài bốn học sinh trong lớp. Tất cả đều không thuộc bài. Cô tức giận đỏ mặt, hét ầm ầm. Cả lớp im lặng. Y bỗng nhiên đưa tay lên xin phát biểu. Cô gật đầu. Y nói:

"Thưa cô, chúng em không thuộc bài thật là không đúng. Nhưng thái độ của cô đối xử với chúng em cũng không được hoàn toàn đúng lắm".

Cả bọn chúng tôi đều trố mắt nhìn y như một con quái vật. Cô nổi tiếng là dữ nhất trường. Thầy giám hiệu cũng phải kiêng. Cô đẹp, giỏi, hơi lớn tuổi, chưa lập gia đình nên ... chẳng sợ ai. Tôi nhớ: mặt cô đang từ đỏ chuyển sang tái xanh. Cô vừa nói vừa thở:

"Em nói rõ tôi nghe chỗ nào tôi đối xử không đúng?"

Y ung dung trả lời:

"Chúng em không thuộc bài, cô la thì đúng nhưng không vì vậy mà cô tức giận, nhăn nhó. Cô sẽ mau già, đau tim, chết sớm. Chúng em không thuộc bài, cô có quyền la nhưng không có quyền tự hành hạ thân thể mình như vậy!!"

Cô nhìn y một lúc rồi không nhịn được phải phì cười. Cả lớp chúng tôi phá lên cười theo. Đời cô từ đó cũng thay đổi nhiều vì học được một nhân sinh quan mới từ y.

Y học giỏi không chỉ một vài môn mà đặc biệt ở tất cả các môn học. Từ Toán, Lý, Hóa, cho đến Luận văn, Anh văn, Sinh vật, và cả ...Chính trị nữa. Thầy Khải dân tập kết, chuyên dậy môn Chính Trị học, có lần ngạc nhiên hỏi: "Kiến thức em về bác Hồ thật là uyên bác. Có nhiều chuyện về bác không hiểu em đọc từ đâu mà thầy cũng chưa từng nghe tới bao giờ".

Sau này, Tường có kể tôi nghe y nói y lấy những lời nói của những danh nhân và lãnh tụ nổi tiếng trên thế giới rồi cứ việc sửa George Washington, Charles De Gaule.... thành Giặc Hồ nói.

Không mời mà y tự nhiên coi như đã nhập vào băng chúng tôi. Không những thế mà thái độ y như đứng đầu băng chỉ huy anh em. Minh ức lắm. Vì y bị giáng chức, xuống thứ hai. Minh có biệt danh là đại tướng vì tên họ là Dương văn Minh. Một trong những đại tướng có quyết định rất lớn đến sự sụp đổ của miền Nam Việt-nam. Phạm Tất Đồng tự thủ tướng đứng thứ ba. Kế tới là Tường Kiếm Hiệp, Khánh Khổ, Sáu Luận và tôi "Lùn Mã Tử".

Chúng tôi thường gọi y là Công Tử. Sau vài lần vượt biên hụt, đổi thành Công Tử Vượt Biên. Biệt danh của Sáu Luận sau bị Công Tử đổi thành Luận Bò. Lần đầu nghe, tôi thích lắm vì nghĩ Công Tử giống tôi, cho sức học của tôi hơn nó. Công Tử giải thích: "Không đâu, nó vẫn hơn mày, nhưng tại nó cứ hay cãi bậy với tao. Nó biết sai vẫn cãi cối. Nên là con bò rừng."

Luận Bò hình như rất thích cái biệt danh này hơn. Được có tiếng hay tranh cãi với Công Tử là một vinh hạnh. Tôi buồn bã trở lại vị thứ bẩy của mình. Tuy đứng cuối trong nhóm nhưng vẫn là thứ bẩy của lớp. Tôi vẫn đứng trên nhiều người lắm, trên cả thằng chi đoàn trưởng lớp. Công Tử, dĩ nhiên đứng đầu lớp.

Một lần Tường Kiếm Hiệp khám phá ra trường Lê Văn Duyệt có một cô học sinh rất mi nhon, hay đạp xe ngang qua trường tôi đi học. Hôm đó cả bọn ở lại trễ chờ. Cô bé tuyệt vời, nhỏ nhắn, xinh đẹp thật vừa xứng với kích thước… của tôi.

Tôi đang ngây ngất ngắm thì bỗng Công Tử phán: "Con nhỏ này, tưởng gì chứ cho tao ba ngày là tao sẽ ẵm em đi học ngay." Cả bọn nhao lên, chửi bới um sùm. Công Tử nói: "Tụi bay dám cá không, nếu tao làm được thì từ đây sẽ là đại ca nhóm. Còn không, bao tụi mày một chầu. Đi đâu ăn cũng được." Chúng tôi đồng ý.

Ba ngày sau, Công Tử đạp xe chở nàng ngang qua trường chúng tôi. Tôi nhìn nàng ôm eo ếch của Công Tử thật tự nhiên và tình tứ !! Phải chi trong đời tôi được một lần đạp xe chở nàng đi học nhỉ? Từ đó tất cả đều phục tùng tuy rằng sau này khám phá ra cô bé là em họ của Công Tử !!

Chuyến vượt biên đầu tiên của Công Tử vào cuối tháng mười một năm đó. Chúng tôi được tin, hùn tiền, đãi Công Tử bữa tiệc cuối cùng tại vườn nhà Tường Kiếm Hiệp vào chiều thứ bẩy. Sở dĩ nhà Tường được chọn là vì ở cuối xóm dưới. Chung quanh nhà là ruộng rau muống. chúng tôi tha hồ nói năng phản động tới chế độ mà không sợ sự soi mói của mấy tên công an phường.

Căn nhà Tường nhỏ ba gian, vá víu bằng đủ mọi loại vật liệu kiếm được. Mái nửa lá nửa tôn, thỉnh thoảng chen vài viên ngói mẻ, vách chỗ gạch chỗ đất, có chỗ vá cả bằng miếng các tông bự. Tường sống với ba và chị. Ba Tường và Tường chuyên môn cắt, bó rau muống để chị Tường đem bán ngoài chợ nhỏ. Trước khi mất nước, chị Tường làm thợ dệt cho nhà Công Tử. Ba Tường phải kiêm luôn việc bán rau. Giữa nhà đặt một cái bàn nước cọc cạch, mấy cái ghế xiêu vẹo và hai tấm phản hai bên để ngủ và ngơi. Đặc biệt chung quanh vách nhà là những giá sách với đầy áp sách...kiếm hiệp. Bố con Tường mê đọc chuyện kiếm hiệp và ...cắt rau muống. Đặc biệt dù nghèo cũng không muớn, mà chỉ mua chuyện về đóng thành sách, trưng khắp nhà.

Hôm đó chúng tôi đãi công tử bằng một con gà luộc, một đĩa dồi chó và ba chai bia quốc doanh. Thủ Tướng nói phải cho công tử ăn món quê hương để suốt đời nhớ ...bọn Việt cộng!!

Công tử ở lại nhà Tường mãi tới đêm khuya để nói chuyện với ba Tường. Tôi tưởng họ đang bàn chuyện đất nước hoặc kinh tế thế giới. Sau nghe mới biết họ đang nói chuyện ...kiếm hiệp!!

Tối Chủ nhật hôm sau, công tử đáp chuyến xe lửa đi Nha-Trang rồi xuống ghe ra khơi. Ngày thứ hai kế là ngày dài nhất của bọn chúng tôi. Ngồi nhìn chỗ trống của Công Tử trong lớp, bọn chúng tôi lúc bồi hồi, lúc phập phồng, lúc lo lắng. Chúng tôi phải báo cáo láo với thầy Lành là công tử bị ốm nặng.

Qua sáng thứ năm, công tử lù lù bước vào lớp, cả bọn nửa buồn nửa vui. Buồn vì công tử đi chưa được, vui vì lại gặp được người mình ưa thích.

Giờ ra chơi, cả bọn bu lại hỏi. Công Tử kể:

"Tao xuống ghe nhỏ để ra ghe lớn. Đợi tới gần sáng chả thấy ghe mẹ gì mới biết bị lừa, nên về thăm tụi mày lại."

Tháng sau, Công Tử lại từ gĩa chúng tôi để đi Phan-Thiết. Mặc dù tài chánh eo hẹp, chúng tôi cũng cố gắng tổ chức lại một bữa tiệc tiễn tại vườn nhà Tường. Lần này thiếu món dồi vì nghe nói thịt chó ăn xui.

Hình như thịt gà cũng xui nên công tử lại trở về đi học lại. Hai lần sau đó, chúng tôi chỉ đãi uống chứ không ăn. Khánh Khổ than với tôi: "Khổ quá, công tử chưa tới Mỹ thì mình đã phải khai phá sản". Lúc nào y cũng có thể than khổ.

Lần thứ năm Công Tử đi ở Vũng-Tầu thì bị bắt và đưa vào Bình-Ba cải tạo lao động. Chúng tôi không thể giấu được trường mãi. Lúc đó thầy trò trong cả trường mới biết tới một nhân vật có biệt danh "Công Tử Vượt Biên".

Chi đoàn họp liên tục, phê bình, kiểm điểm sáng tối. Bọn chúng tôi thủ khẩu như bình. Huyền thoại về công tử được mọi người mọi lớp truyền tụng hơn cả huyền thoại về ...Hồ Chí Minh.

Mỹ-Ngọc, hoa khôi của trường tuyên bố sẵn sàng ra đi với công tử bất cứ lúc nào dù là đi ... kinh tế mới. Bích-Huyền, Bích-Ca, hoa hậu song sinh đều đồng ý cùng nâng một khăn, sửa một áo nếu công tử có... sức. Thầy chủ nhiệm bị giám hiệu gọi lên khiển trách vì để công tử nghỉ ốm nhiều mà không báo cáo. Cô Hồng-Hoa thỉnh thoảng trong lúc giảng bài đi xuống ngồi vào chỗ trống của Công Tử, đăm chiêu nghĩ ngợi thương nhớ về một người học trò ưu tú của mình.

Bốn tháng sau, bố mẹ Công Tử tìm được mối chạy năm cây vàng để công an thị xã Vũng-Tầu lén chở Công Tử về Sàigòn.

Sợ phường khóm gây rắc rối cho nhà mình, công tử tới nhà tôi trú ngụ vì bố tôi là tổ trưởng tổ dân phố có thể biết trước ngày nào phường khóm tới khám nhà.

Công Tử, tôi và đứa em kế chia nhau căn gác lửng cuối nhà. Căn gác nhỏ chỉ kê vừa hai cái bàn học và trải cái chiếu gai. Vậy mà Công Tử ở đó hơn nửa năm.

Trong năm đó công tử vượt biên hụt hai lần nữa. Lần sau nhờ có kinh nghiệm nên không bị tó. Tôi trở thành người đưa tin giữa công tử và gia đình. Mỗi lần sang nhà công tử nhắn tin, tôi đều ghé lại nhà Luận Bò để cho tin tới mọi người trong nhóm.

Đối diện nhà Luận có một bông hoa biết nói mà Luận theo đuổi từ hồi mặt mới mọc mụn. Luận thường tự hào gọi nàng là "Thiên hạ đệ nhất Niên".

Niên thường ngồi cạnh cửa sổ nhà để xếp hàng mà nhà Niên dệt mướn. Thỉnh thoảng cuồng chân, nàng đi dạo vài vòng trước nhà. Lúc nào Niên cũng mặc áo vàng in bông cúc nổi và quần xa tanh bóng đen. Tôi thắc mắc, Luận thật tình trả lời: "Hỏi công tử đó. Tao tốn cả đời theo đuổi không thành. Công tử chỉ nhập nhóm ca với em mấy ngày là em mê tít. Mẹ kiếp, giọng công tử Bắc kỳ the thé vậy mà mắt em cứ lim dim, phê giọng trầm và ấm !!".

Đó là lần đầu tiên tôi mới hiểu tại sao Luận hay so đo, ghen tương với công tử.

Niên dáng thanh và cao. Nếu mang guốc cao gót, tôi chắc Luận chỉ đứng tới tai Niên. Công tử đứng với Niên thật là xứng đôi, như Rồng với Phượng. Niên đứng với Luận như Phượng với ...Ngưu. Tôi chắc chính Luận cũng biết vậy. Khi tôi về là Luận vội chạy qua nhà Niên để cho tin và cũng để...chiêm người đẹp.

Chiều hôm ấy tôi cố tình nói chuyện về Luận rồi đưa đẩy tới Niên. Tôi có hỏi sao Công Tử không tìm cách liên lạc với Niên. Công tử trả lời:

"Mày nghĩ tao đang nghỉ hè hay sao mà thăm với viếng. Việt cộng biết chuyện giữa tao và Niên. Tao chắc nó bám Niên kỹ lắm. Nếu tao gặp Niên là sẽ gặp ...Bác ngay. Cuộc đời có những cái mình phải hiểu để sống. Số tao sinh ra là để vượt biên, đi Mỹ học, số Niên là ở đây ca hát ...xây dựng chủ nghĩa. Hai đường đi hai nẻo, phải dứt khoát thì mới làm được cái mình muốn".

Rồi công tử kể tôi nghe chuyện tình với Niên. Câu chuyện tình đầy tính chất ...xã hội chủ nghĩa.

Mùa hè năm trước, tất cả các học sinh trong phường phải đăng ký sinh hoạt đoàn thể. Như thường lệ công tử ra trình diện trễ hai ngày. Tên Việt cộng ủy viên thanh niên thấy gai mắt, cho công tử đứng chờ chơi. Đang lúc đó thì Niên tới phàn nàn là tổ ca của nàng thiếu Nam, chỉ toàn mấy em gái choai choai mười hai mười ba thôi. Công tử kể: "Tên ủy viên nghe xong, sực nhớ tới tao, nó đưa hàm răng vàng ố, ám khói thuốc lào ra cười hô hố chỉ tao nói: "Đồng chí xung phong vô tổ ca ngồi kia kìa". Tao đứng dậy tính phản đối, thấy Niên quay qua nhìn, tao gật đầu ngay."

Cũng như mọi chàng trai đất Việt, lần đầu tiên gặp người đẹp, công tử bỡ ngỡ nói một câu hết sức ...lãng mạn cách mạng. "Dân Việt nam ăn toàn bo bo không, sao lại có người như Niên, xinh đẹp như vậy". Niên đỏ mặt, đổi đề tài, hỏi nhà Công Tử ở chỗ nào trong phường để nàng biết, tới gọi đi họp khi cần. Công tử kể tiếp: "Tao chỉ nhà, Niên không tin nói nhà tao chỉ đến bà chị kế tao là hết. Tao nói ông gìa anh mới nhận anh làm con nuôi tối qua."



Hôm sau Niên đi hỏi dò sự thật trong xóm mới biết công tử là con út trong nhà, ít khi ra đường nên phần lớn mọi người không biết tới. Gặp công tử, Niên hỏi: "Anh làm gì mà tối ngày cứ ru rú ở trong nhà không?". Công tử đáp: "Tại chưa gặp Niên nên không muốn ra ngoài, bây giờ thì lúc nào cũng nằm ngoài đường."

Từ đó phường 7, quận Phú-Nhuận có chuyện tình để mọi người kháo cho qua những tháng ngày vô vị dưới chế độ ba khoan. Khoan sống, khoan hưởng và khoan yêu. Họ nhìn Công Tử và Niên để ước sao cho cuộc tình được êm đẹp và thành tựu. Hình như Công Tử và Niên cũng thấy. Họ lúc nào cũng quyến luyến và ước mơ.

Mùa hè chấm dứt, chị phụ trách sinh hoạt phường, tổ ca, Quách thị Cẩm-Niên đặt bút phê vào sổ sinh hoạt của Công Tử: tiên tiến vượt chỉ tiêu. Tên ủy viên thanh niên phường gầm gừ phản đối ngầm.

Một ngày cuối đông năm 1979, công tử đưa tiền cho đứa em gái tôi dặn ra chợ Phú-Nhuận mua sôi và thịt vịt. Hôm đó nhà chúng tôi được thưởng thức một món mà mọi người ưa thích. Tôi có linh cảm xa nhau thật nhiều. Tối hôm đó công tử nói: "Bố mẹ tao đóng tiền bán chính thức xong rồi. Ngày mai em họ tao tới đón tao xuống Rạch-Gía."

Công tử đưa tôi xem thẻ căn cước mới có tên Tầu là Lý Phu Trình. Tôi nói: "Công tử Vượt Biên giờ trở thành Cái Nị Dượt Piên". Chúng tôi cười nói nhiều tới khuya.

Ba tháng sau, không thấy tin tức gì của công tử, tôi ghé qua nhà hỏi. Bà mẹ Bắc-Kỳ, thật Việt Nam, thấy tôi bà ôm mừng khóc: "nó đã tới được Mã Lai rồi con ạ." Tôi từ gĩa vội để chạy qua nhà Luận báo tin.

Mọi lần thì khác, nhưng lần này vừa thấy chiếc xe đạp Mỹ mà công tử để lại cho tôi đậu trước nhà Luận, Niên có linh cảm tin mừng, chạy vội băng qua đường.

Đó là lần đầu tiên tôi giáp mặt Niên. Niên có gương mặt trái soan. Cặp mắt không to không nhỏ, rất đi đôi với khuôn mặt. Mũi Niên hơi cao, có sóng, không tẹt như mũi người Việt nam. Mái tóc dài ngang lưng, không dầy không thưa nhưng đen nhánh như hai hàng lông mi của nàng. Da Niên trắng tựa như người sinh đẻ ở Gia-Nã-Đại. Mái tóc đen dài, gương mặt trái soan, làn da trắng, chiếc áo vàng in hình bông cúc nổi, cái quần xa tanh bóng đen, những thứ ấy tương xứng, đối chọi làm Niên đã đẹp càng đẹp thêm. Không chỉ đẹp, dáng Niên cao cao trông sang và quyền qúi. Phải nói Niên là một kỳ công tuyệt mỹ của tạo hóa. Bây giờ tôi mới hiểu hết câu nói đầu tiên, ngớ ngẩn của Công Tử khi gặp Niên. "Dân Việt Nam ăn toàn bo bo không, sao lại có người như Niên, xinh đẹp như vậy."

Niên bước vào nhà Luận, căn nhà tự nhiên như sáng hẳn ra. Không hiểu từ mái tóc Niên hay từ thân thể Niên, cũng có thể từ sự tưởngtượng của tôi, tôi như thấy một mùi thơm ngọt dịu thoảng qua. Niên không để ý gì cả, chỉ hỏi vội: "Có tin gì của ảnh, chưa anh?" Tôi gật đầu đáp: "Tới Mã Lai rồi". Chưa đầy một phút sau, hai dòng nước mắt vui mừng đã chảy dài trên gương mặt xinh đẹp của Niên. Tôi cảm động cũng không cầm được nước mắt. Luận Bò cũng khóc. Chúng tôi nhìn nhau, khóc vui mừng thật dễ dàng.

Chín tháng sau tôi mới nhận được lá thư đầu tiên của Công Tử gửi từ một nơi có cái tên lạ hoắc của tiểu bang Texas. College Station.

Thủ tướng gật gù giải thích: "Thì đúng rồi, Công tử phải ở chỗ những người giỏi của nước Mỹ. College Station là chỗ của những người ít nhất phải có bằng Đại học ở." Chúng tôi đều nhất trí.

Tôi mang thư qua nhà công tử khoe. Hai ông bà nhìn tôi một lúc rồi khẽ nói:

"Hai bác có chuyện muốn nói với cháu. Trước khi nó đi, hai bác có đóng thêm một chỗ, phòng nếu đi không xong sẽ có mối khác cho nó. Lúc nó đi có nói nếu trót lọt thì để dành cho cháu để cám ơn gia đình cháu đã giúp nó. Tiền bác đã đóng rồi, lấy về cũng không được. Cháu về thưa với bố mẹ, rồi sang cho hai bác hay."

Trên đường về, tôi bàng hoàng như người bị say sóng. Bố tôi nghe xong nói: "Trời Phật thương gia đình mình rồi con ơi. Cơ hội ngàn vàng con đừng bỏ. Con phải đi để cứu các em con và cứu cả bố mẹ thoát khỏi chế độ cộng sản này.. Con đi bố chỉ mất chức... tổ trưởng là cùng. Chức cái quái gì, toàn là làm không công cho tụi nó không. Đã vậy chúng con phê bình bố là không quản lý tốt."

Hai tuần sau, tầu tôi cập bến Mã Lai. Tôi cũng được chuyển qua đảo Pulau Bidong như Công Tử.

Vì thuộc diện chờ nước Mỹ hốt rác nên tôi ở đảo gần hai năm. Sau khi bị từ chối bởi Úc, Pháp, Ý và Thụy Sĩ, tôi mới được Mỹ hốt. Tôi tới Houston vào cuối đông năm 82. Trời năm đó lạnh và u ám.

Công tử ra đón tôi ở phi trường. Vẫn phong thái và kiểu nói của năm xưa, tôi thấy trời đất chuyển ấm và sáng dần.

"Lùn Mã Tử, tao trốn mày gần nửa vòng trái đất, vậy mà mày cũng bám theo. Làm sao tao có thể dứt mày được đây?"

Tôi trả lời:

"Khánh Khổ nói số mày đẻ bọc điều, sinh ra để sống trong nhung lụa. Số tao với nó là số khổ, do đó tao phải bám sát mày. Chỉ cần một tí cái bọc điều của mày, là hưởng suốt đời không hết."

Đúng như đại tướng đoán trước, chương trình học bốn năm của đại học Mỹ, Công Tử chỉ tốn ba năm hơn. Tôi vào trường được hơn một năm, Công Tử tốt nghiệp kỹ sư cơ khí và chuyển lên Fort Worth làm cho một hãng máy bay quốc phòng nổi tiếng.

Ngày tôi ra trường, Công Tử lái xe về mừng. Gặp tôi, Công Tử thành thật:

"Tao tính mua tặng mày một món quà thật lớn. Nhưng tuần sau tao xong Cao học, mày lại phải trả nợ, mua đồ mừng tao. Do đó đổi ý không mua gì cả. Mày mới ra trường chưa có nhiều tiền, chơi cái trò tư bản này không xong đâu."

Tôi có hỏi Công Tử có tiếp tục học lên Tiến Sĩ không? Công Tử trả lời:

"Phải ngưng một thời gian, ba má tao nói ngưng học, đi lấy vợ học mới...thông ra thêm. Ông bà cũng gìa rồi, tao tính về thăm một chuyến, tiện thể tính bề gia thất."

Ngập ngừng một lúc tôi mới nói Công Tử một điều mà tôi đã giấu hơn sáu năm nay:

"Niên đã lấy chồng lâu rồi, chắc giờ con cũng đã lớn."

Lần đầu tiên trong cuộc đời, tôi thấy mặt Công Tử đổi sắc. Công Tử nhìn tôi một lúc như muốn hỏi điều gì, nhưng rồi thôi, chỉ quay đi nhìn về một hướng xa xa.

Tôi hiểu Công Tử muốn hỏi gì nên khẽ đáp:"Luận Bò."

Houston, đầu Đông, năm 2000
Lê Như Đức

User avatar
khieulong
Posts: 6756
Joined: Wed Dec 01, 2004 9:09 pm
Been thanked: 1 time

Post by khieulong »

Image

CHÚC MỪNG LỄ ĐÍNH HÔN

Lễ Đính Hôn của hai cháu Trần Khang Duy & Trần Lê Lan
Được cử hành trang trọng và ấm cúng sáng hôm nay 09 Tháng 1 2011
Tại 4714 Round Top Drive Los Angeles CA 90065.

Xin được chia vui và chúc mừng
đến Gđ hai bạn Trần Khang Thụy & Đào Kim Ngọc

Vũ T Hiền , Nguyễn N Tuấn , Nguyễn Đăng Vũ , Khiếu Như Long


Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image



Image

Image

Image
Last edited by khieulong on Mon Jan 09, 2017 10:12 pm, edited 4 times in total.

User avatar
VuPhong
Posts: 2910
Joined: Wed Dec 01, 2004 4:28 pm

Post by VuPhong »

3G McKeno gap TCS (Tran Khang Thuy) tai San Jose

Image
Thai (em Thuy) - Giang - Dan - Thuy - Anh Sui cua Thuy
Vo Thai - Vo Dan - Vo Thuy - Chi Sui cua Thuy

Image
Con re cua Giang - Giang - Dan - (Tran Khang Thuy dung)

User avatar
ngayngo
Posts: 1208
Joined: Sat Nov 01, 2008 8:34 pm

Post by ngayngo »

Image

Giọt mưa-
Chu Thu Hằng
-


Tuấn muốn gọi Thụy Anh là "sư tỉ" vì nó tưởng như thế khoảng cách giữa nó và Thụy Anh sẽ gần hơn. Bạn bè nhìn vào, cũng chỉ buồn cười vì một trò xưng hô lạc mốt, chứ không để ý rằng nó kém Thụy Anh một tuổi. Nhưng Thụy Anh bĩu môi chê: "Nghe cải lương lắm". Nên nó đành ép lòng gọi Thụy Anh là "chị" và xưng "em". Thỉnh thoảng, Thụy Anh gọi nó một cách âu yếm là "nhóc con", nghe thật xa xôi.

Thụy Anh rủ "Đi chơi với bọn chị!" Bạn Thụy Anh là một thằng con trai mặt đầy mụn và một đứa con gái tóc dài đeo kính, vẻ tinh quái... Thụy Anh giới thiệu : "Đây là Tuấn, em Thụy Anh". Đứa con gái liếc xéo một cái cười cười: "Thụy Anh mà cũng chơi với bọn nhóc nhóc này à?" Nó vời không thấy Thụy Anh trừng mắt với bạn, ngoảnh mặt đi cười đau khổ. Hóa ra ai cũng nhớ rằng nó kém tuổi Thụy Anh, dù chỉ là một tuổi. Bốn đứa phóng xe về thị xã chơi. Cái thị xã nhỏ, u ám dưới màn mưa đều đều rả rích. Xe cộ đi lại chen chúc, còi kêu loe toe trên con đường chật chội. Vài thằng bé chạy lăng xăng trên bãi đất hoang xanh cỏ, hò hét ầm ĩ cũng không làm không khí vui lên được. Nó không dám nói câu gì, sợ hai đứa kia thừ dịp trêu chọc, cứ lầm lì trên suốt đường đi. Cả bọn chui vào một quqán nước, hơi thất vọng vì vượt bao nhiêu đường đất xuống đây chỉ để ăn vài cái bánh rán cứng quèo, uống thứ nước dừa lờ lợ và ngắm những ngôi nhà lụp xụp, rêu lún phún. Nó nhắm mắt, mơ màng nghe tiếng cưa gỗ đều đều nhàm chán ở xưởng mộc gần đó lẫn với tiếng Thụy Anh trêu bạn trong vắt : "Cặp nào đi trong mưa thế này thì bền lắm". Tiếng đứa con gái léo nhéo ngượng nghịu, thằng mặt mụn lôi tên nó để phản công. Rồi lại tiếng Thụy Anh cười : "Tuấn còn trẻ ấy mà !". Nó với cái mũ của Thụy Anh úp vào mặt, lơ mơ cảnh Thụy Anh gọi nó trìu mến "Anh Tuấn!". Rồi lại nghĩ đến lúc nó đáp lại, cũng trìu mến như thế : "Em Thụy Anh !". Chợt ai đạp vai nó phũ phàng : "Dậy, đi về thôi nào!" Nó choàng dậy, nghĩ mình vớ vẩn thật, nằm mơ giữa ban ngày. Và lại ngơ ngẩn tự hỏi, bao giờ thực hiện được giấc mơ đấy? Đường về lép nhép bùn, ẩm ướt. Ngồi phía sau, Thụy Anh hát se sẽ "hà nội mùa này vắng những cơn mưa. Cái rét đầu đông..." Rồi chợt lẩm bẩm : "Hôm nay mà có cả Kiên thì vui..." Thằng mặt mụn và đứa con gái bấm nhau cười khoái chí. Nó không dám hỏi, dọc đường về cứ mãi băn khoăn. Kiên là ai? Và sao Thụy Anh lại hát buồn đến thế?

Bố nó rẽ qua nhà nhắn thằng bé hàng xóm gọi nó ra quán nước đầu phố. Nó đi, bỏ lại đằng sau cái nhìn cama lặng đầy oán trách của mẹ. Hai bố con ngồi lặng lẽ thật lâu. Rồi hết chuyện để nói, nó lúng búng kẻ về Thụy Anh, giấu biến chuyện tuổi tác. Bố nó gật gù, "Thế cũng tốt. Dù sao thì con cũng lớn rồi..." Nó thấy thoải mái, bắt đầu huênh hoang : "Thụy Anh học khá lắm... Thụy Anh rất có duyên..." Để kết thúc câu chuyện, bố nó đứng lên, xòe tay ra một tập tiền. Nó chạm vào, tái nhợt đi vì giận dũ. Tại sao không phải là một thứ gì khác? Tại sao bố vẫn coi nó là trẻ con? Tại sao mọi người đều giống nhau ở cách nhìn như thế? Nhưng nén được, nó cầm lấy tiền, cười dúm dó : "Cám ơn bố!"

Nó đến nhà Thụy Anh chơi, lạ lẫm nhìn cưn phòng nhỏ treo đầy tranh và những cái khánh Chùa Hương. Bố mẹ Thụy Anh khen : "Cháu Tuấn trông xinh như con gái ấy nhỉ?" làm nó ngượng đỏ mặt. Thụy Anh ở bếp chui ra, lem nhem, rạng rỡ, khoe :"Nó là em cưng của con đấy!" Mọi người cùng cười, ồn ào, vui vẻ. Nó mê say giữa một thế giới mới mẻ, khác lạ, ấm áp, chợt nhói lòng khi nhớ đến ngôi nhà đồ sộ mình đang sống. Vật vờ những bóng người uể oải đi lại. Thụy Anh bảo : "Thôi, đi uống cà phê. Để chị chỉ cho quán này, hay lắm!". Nó chở Thụy Anh bằng xe đạp, đi qua những con đường lúp xúp vòm cây. Quán nhỏ, vắng teo, giàn lá xanh biếc trên đầu, nhạc êm đềm. Thụy Anh líu ríu kể về một ngày sôi động của mình : "Hôm nay, chị dậy từ lúc 4h sáng". Nó nghiêng đầu, chợt hỏi :" Có lúc nào chị buồn không?" Thụy Anh nhướng mày, bảo : "Có chứ!" Rồi chợt chùng xuống, mắt nhìn ra ngoài trời đang mưa to, thở dài. Nó nghĩ, à, có biết buồn, nhưng chắc không phải nỗi buồn giống nó. Nó lại cần mẫn đạp xe chở Thụy Anh về. Thụy Anh lùng nhùng trong cái áo mua vàng, ngồi phía sau thò hai cái chân đi guốc nhụa xanh đỏ sang hai bên, trông trẻ con và xinh xẻo vô cùng. Thụy Anh hát : " Hà Noịo mùa này ắng những cơn mưa..." Nó lầu bầu : "Đang mưa đây này!" Rồi chợt im, lơ mơ nghĩ lại "Cặp nào đi trong mưa..." và cười tủm tỉm một mình.

Sinh nhật Thụy Anh, nó đến với một tập thơ Hoàng Cầm. Bạn bè Thụy Anh ngồi chật kín, nhìn nó tò mò, soi mói. Thằng mặt mụn quay ra, tỏ vè thạo đời, chú thích : "Thằng nhóc này kém mình một tuổi, học ở TP". Thụy Anh đẹp kiêu kỳ trong bộ váy đỏ rực, tíu tít cười nói. Một thằng con trai bước vào, cả bọn quay ra, xì xào : " Thằng Kiên, trường H.K". Nó thầy nghèn nghẹn, đứng lên, cố thu hut sự chú ý của Thụy Anh về phía mình : "Em về đây. Em có cái hẹn với bạn gái". Thụy Anh nhìn vào mắt nó một thoáng, ngỡ ngàng cười : "Đợi chị một chút!" rồi quay ra, dúi cho nó nắm kẹo : "Thôi về nhé, nhóc con!" Nó loạng choạng dắt xe ra, văng vẳng tiếng Thụy Anh đối đáp với ai đó đằng sau : "Nó còn trẻ con ấy mà!"

Nó trở về cái thế giới u ám trong màn mưa xám, lặng người nhìn vào đôi mắt mẹ dửng dưng, mệt mỏi. Và nó nhìn về một nơi xa hơn, một thế giới đầy ắp tiếng cười và ánh sáng của Thụy Anh, chợt nhận ra rằng Thụy Anh và nó quá khác nhau. Trong cái thế giới Thụy Anh đang sống, không có chỗ cho nó. Nó dựa mình vào cánh cửa, kín đáo đo chiều cao của mình bằng một vạch phấn trắng. Nó đã cao lớn rồi nhưng điều ấy cũng không làm nổi một tiếng gõ cửa vào thế giới của người lớn.


***


Vẫn là mùa mưa, trời xám xịt, nặng nề. Nó mím môi, viết vào tấm thiếp lụa vẽ những mái phố Hà Nội nghiêng nghiêng và hàng cây bàng trụi lá "Để chị luôn nhớ Hà Nội và em". Chợt nhận ra mọi chuyện chỉ là đám sương mù xa xăm, huyền hoặc. Thụy Anh sẽ đi xa. Có những giấc mơ vỡ ra trong nó. Còn vệt phấn ngày nào thì đã phai đi, lờ mờ trên cửa. Đôi khi nó nhớ lời bố dặn : "Con trai thì không thể khóc", đành để những giọt nước mắt chảy ngược vào trong. Vì bố, vì mẹt, vì Thụy Anh và vì những ước mơ không bao giờ thành hiện thực. Đóa hồng nhung từ năm ngoái, không đến được tay người nhận, héo quắt queo trong chiếc hộp con. Chậm rãi, nó mở ngăn tủ lấy ra tập giấy viết thư màu xanh, chọn một tờ và nắn nót những chữ đầu tiên "Thụy Anh thân yêu..."

Nó ngồi đợi Thụy Anh ở cái quán vắng khách ngày xưa, tán lá già trên đầu xanh long lanh nước. Nhạc pop khật khừ. Thụy Anh đến, má đỏ hồng, nhí nhảnh như một con bé con : "Chào nhóc!" "Chào chị!" rồi thôi. Cả hai đứa bỗng dưng ngồi im lặng, lòng bấn loạn. Nó cúi đầu, nghĩ đến những kỉ niệm lướt thướt chảy qua kẽ tay, không thể nào níu giữ và giấc mơ ngày cũ, úa như chiếc lá già rụng giữa cơn mưa, rơi xuống sân không tiếng động. Những câu hỏi vô nghĩa trôi tuột đi giữa thời gian : "Bao giờ chị đi?" "Ngày mai!" "Bao giờ chị về?" "Khoảng bốn năm năm nữa" "Bao giờ... chị quên em?" "Không bao giờ đâu nhóc!". Nó cười nhạt, cay đắng nghĩ đến nó của năm năm nữa, sẽ thế nào, sẽ ra sao? Rồi luống cuống đưa cho Thụy Anh tấm thiếp, định nói gì đó, nhưng cứ ngập ngừng mãi. Chợt có tiếng còi xe tin tin bên đường, Thụy Anh ngóng cổ sang, vội đứng dậy : "Thôi, chị phải về đây. Ở lại vui vẻ nhé!" Nó lập cập xô ghế đứng dậy, tuyệt vọng : " Đã nói được gì đâu". Thụy Anh tránh nhìn nó, đặt lên bàn một lá thư, dặn dò : " Đọc rồi về nhà đi, kẻo lại ốm" rồi chạy vụt sang đường. Thằng mặt mụn chở đứa con gái đeo kính nháy mắt với nó đầy châm chọc. Thụy Anh ngồi sau xe thằng con trai tên Kiên, yểu điệu, vẫy tay chào vui vẻ, rồi cả hội phóng xe vụt đi. Nó thả người xuống cái ghế mây cũ, lẩm bẩm "Cặp nào đi trong mưa..." Lá thư của Thụy Anh màu hồng thắm : "Tuấn à! Có chuyện này đáng lẽ phải nói với Tuấn từ lâu. Rằng tuy học trên một lớp, nhưng thực ra, Thụy Anh bằng tuổi Tuấn đấy". Nó buông rơi lá thư, vô cảm. Trên bàn, kẹp trong cuốn vở là những tờ thư màu xanh, dang dở : "Thụy Anh thân yêu..." và đóa hồng héo khô năm trước. Nó cứ ngồi mãi như thế, bàn tay thừa thãi gấp những tờ thư thành những con thuyền nhỏ. Những con thuyền màu hy vọng, màu ước mơ, bập bềnh trên rãnh nước mưa, chở tình yêu đến một nơi nào xa lắc.

...

Chiều xuống dần
Chiều xám
Mưa rả rích.

Có thằng bé con ngồi trong quán cà phê của người lớn chơi trò thả thuyền giấy theo dòng nước mưa. Thuyền thì mỏng manh mà ước mơ thì nặng trĩu.
Có một giọt mưa lọt qua vòm lá xanh, rơi vào tách cà phê, nguội ngắt. Những giọt mưa mang vị đắng của kỷ niệm xưa."

User avatar
khieulong
Posts: 6756
Joined: Wed Dec 01, 2004 9:09 pm
Been thanked: 1 time

Post by khieulong »

Image

Happy Birthday hai bạn Vũ Trung Hiền & La Quốc Chánh
Last edited by khieulong on Mon Jan 09, 2017 10:15 pm, edited 1 time in total.

User avatar
khieulong
Posts: 6756
Joined: Wed Dec 01, 2004 9:09 pm
Been thanked: 1 time

Post by khieulong »

Image

Thầy Dạy Công Dân
Cam Li Nguyễn thị Mỹ Thanh
Trước 1975, tác giả từng viết nhiều truyện ngắn trên bán nguyệt san Tuổi Hoa, và các truyện dài xuất bản bởi Tủ Sách Tuổi Hoạ (hiện có trên trang mạng Tủ Sách Tuổi Hoa (http//tuoihoạhatnang.com)
Sau 30/4/1975, Cam Li không viết nữa, chỉ chuyên làm công việc nghiên cứu khoa học. Định cư tại San Jose từ 2003, sáu năm sau cô góp nhiều bài viết giá trị. Sau đây là bài viết mới nhất của cô.


***
Thầy Văn bước vào lớp. Như một thông lệ, cả lớp đứng dậy. Thầy đứng thẳng, yên lặng một giây, mặc nhiên là một hành động chào lại. Thầy trò lớp này vẫn là như thế.
Thầy ra hiệu cho cả lớp ngồi xuống, rồi bước đến bên bàn của Thầy, đặt chiếc cặp da lên đó, và nhìn một lượt khắp lớp. Đôi mắt Thầy dừng lại ở bàn cuối. Bốn đứa con trai chột dạ, không dám ngó Thầy.
Thầy bảo cả lớp mở vở ra chép bài. Mọi người nhìn nhau ngạc nhiên. Thường thì Thầy gọi học trò lên trả bài trước rồi mới cho chép bài mới sau. Ngạc nhiên, nhưng không ai dám hỏi Thầy một câu. Thầy đọc, giọng chậm rãi, rõ ràng. Thầy khác với cô Loan dạy Việt văn ở điểm là cô Loan thường nhờ một trò viết chữ đẹp lên bảng viết bài cho cả lớp chép theo. Còn Thầy, với giọng cứng rắn, sang sảng, Thầy như người thầy bậc tiểu học đọc chính tả. Đó, cái nề nếp của lớp này là vậy.

Lớp Chín A. Cái lớp học "anh cả" trong một ngôi trường tư thục nhỏ chỉ dạy bậc trung học đệ nhất cấp. Còn có một lớp Chín nữa, lớp Chín B, buổi chiều. Nhưng hình như trong cả trường chỉ có lớp Chín A này là sinh động hơn cả, theo nhận xét của các thầy cô. Sinh động là bởi vì hầu hết các học sinh đều học khá, hăng hái tham gia các sinh hoạt do trường đề ra: làm bích báo, làm văn nghệ, đi công tác xã hội... Sinh động là bởi có vài trò rất giỏi được cử đi dự thi toán, thi vẽ, thi văn chương toàn thủ đô Sài Gòn. A! còn nữa, mặc dù môn Anh văn chưa có trò nào được vinh dự đi thi nhưng học trò lớp Chín A cũng đã lập nên một "English speaking club" để trau giồi tiếng Anh và được Thầy hướng dẫn là giáo sư Anh văn dìu dắt. Có một môn học, vâng, có một môn, chưa bao giờ nghe nói đến đi dự thi hay thành lập câu lạc bộ gì cả. Đó là môn Công dân giáo dục. Đối với học sinh, không riêng gì học sinh lớp này đâu, học môn Công dân là một điều hiển nhiên, bởi vì chương trình đã là như vậy từ thuở nào rồi. Và đi học là phải học đều tất cả các môn, là bổn phận của học sinh.

Thế nhưng tuần rồi đã có một điều bất thường đối với Thầy: đó là sự vắng mặt của bốn nam sinh ngồi ở bàn cuối lớp. Họ là những học sinh học rất khá nhưng đã tình nguyện xin ngồi ở bàn cuối để các thầy cô đỡ phải cực khổ. Nhưng giờ Công dân tuần rồi, họ đã "cúp cua". "Cúp cua"! Nghỉ không có lý do ốm đau hay bận việc quan trọng được người nhà xin phép... thì gọi là "cúp cua". Thầy định tuần này sẽ hỏi tội họ ngay khi vào lớp, nhưng rồi hôm nay Thầy không làm. Cả lớp như cũng chờ đợi chuyện đó xảy ra. Vài nữ sinh len lén nói chuyện thật nhỏ trong khi chép bài, Thầy nghe được nhưng lờ đi.

Và rồi bài cũng đã được chép xong. Thầy giở sổ điểm ra. Học trò chờ đợi Thầy sẽ gọi một ai đó lên trả bài. Nhưng cũng không. Ôi! Nếu có điều gì khó chịu nhất đời thì chắc là đây rồi! Cái im lặng thật đáng nể!
Bốn anh con trai ngồi ở bàn cuối lớp, dãy nam sinh, đưa mắt nhìn nhau. Và rồi một trò đứng dậy. Trò Bảo. Gương mặt sáng sủa, dáng người nhanh nhẹn, Bảo là nam sinh học giỏi nhất lớp. Bảo tiến đến bàn Thầy, đi ngang bao nhiêu dãy bàn trước sự ngạc nhiên dò xét của các bạn. Bảo nói với Thầy:
- Thưa Thầy, em xin được trả bài ạ!
Thầy hơi nghiêng đầu, nhìn Bảo, hỏi:
- Em muốn trả bài? Bài nào?
- Thưa Thầy, bài Công dân kỳ trước ạ!
- Kỳ trước?
- Dạ, bài " Quốc kỳ và Quốc ca" ạ!
- Em có bài đó sao?
Bảo đỏ mặt, giọng hơi ấp úng:
- Dạ, em đã mượn vở của bạn để chép ạ!
Nét mặt của Thầy có hơi tươi lên một chút, nhưng Thầy vẫn nghiêm giọng:
- Còn các em kia?
Ba nam sinh còn lại của bàn cuối đồng đứng dậy, nói:
- Thưa Thầy, chúng em cũng đã có chép bài rồi ạ!
Có vài tiếng xì xào trong số nữ sinh. Thầy giơ tay lên:
- Các em giữ im lặng. Thầy không có ý định gọi các em trả bài hôm nay.
Như không hẹn mà cùng có chung phản ứng, ba anh con trai tiến lên phía Thầy. Bảo nói thay cho cả bọn:
- Thưa Thầy, chúng em xin lỗi Thầy, tuần trước vì... ham coi "xi-nê" nên chúng em đã.. "cúp cua" giờ của Thầy. Chúng em đã biết lỗi. Xin Thầy ...
Thầy nói thật nhẹ:
- Không phải giờ của Thầy đâu! Giờ của các em đó chứ! Học là học cho các em mà! Thầy chỉ là người dẫn dắt.
Nhật, lớn tuổi nhất, nói khẽ:
- Thưa Thầy, chúng em hiểu.
- Các em về chỗ đi! Thầy không có ý định khảo bài các em. Hôm nay Thầy có một việc quan trọng để nói với cả lớp.
Cả lớp thở phào trong khi bốn nam sinh về chỗ, nhưng rồi một sự chờ đợi khác lại đến.
Thầy đứng trên bục giảng, nói như đang giảng bài:
- Hôm nay là buổi dạy cuối của Thầy. Thầy muốn nói ngắn gọn rằng Thầy sẽ tạm xa mái trường để nhập ngũ. Chắc chắn các em sẽ có một thầy hay một cô giáo mới phụ trách môn này. Nói chung, sẽ không có gì khó khăn cho các em cả đâu! Điều mà Thầy muốn nhắn nhủ các em hôm nay...
Đám học trò như nín thở. Thầy dừng lại một tích tắc vì nghe có tiếng than nho nhỏ từ dãy nữ sinh. Thầy nói tiếp:
- ... đó là hãy cố gắng học hành. Điều này nói ra có vẻ hơi thừa, nhất là đối với lớp này là một lớp khá ngoan, mà Thầy rất ưng ý. Thầy đã dạy ở nhiều trường công lập cũng như tư thục. Tính ý của học trò, Thầy đều hiểu hết. Học trò trường công phát triển đều nhau, không chênh lệch nhiều. Trái lại, học trò trường tư đa dạng hơn, do không có tuyển chọn qua những kỳ thi. Nhưng thú thật, Thầy quan tâm nhiều đến học trò trường tư. Tại sao vậy? Vì đó là bức tranh sống thật nhất của xã hội. Có những học sinh thật giỏi, thật ngoan, nhưng cũng có những trò thật kém, có những trò nổi loạn. Đúng không? Rất tiếc là Thầy phải rời bỏ cái khung đời này để bước vào một xã hội khác, sẽ rất khác: đó là quân ngũ. Thầy chỉ mong rằng, với những bài giảng về Công dân giáo dục mà Thầy đã gửi đến các em trong gần một niên học qua, các em sẽ không xem đó là những bài học bắt buộc, những bài chỉ nhớ để trả bài rồi sau đó quên đi, những câu chuyện qua loa không ăn nhập chút nào với cuộc sống. Mà các em hãy đem chúng vào đời như một hành trang quý báu. Thôi! Ý của Thầy chỉ có thế. Mai sau, mong rằng, có duyên, Thầy sẽ gặp lại các em.

Lần đầu tiên học sinh nghe Thầy nói những câu có vẻ văn hoa khác với cách nói bình dị của Thầy thường ngày. Sự im lặng như đã đến hết sức của nó, khi Thầy ngưng câu nói. Bình thường, nếu người ta chịu khó để ý, sẽ thấy mỗi khi xung quanh mình quá im lặng, có một thứ "âm thanh" nghe muốn vỡ tai, đó là tiếng rít "o... o" rất khó chịu. Thế nhưng, lần này, thầy và trò đã nghe được tiếng của một con ve bên ngoài cửa lớp. Thật sự là tiếng ve! Tiếng ve đầu mùa hạ! Con ve đậu trên một cái cây to trong sân trường rợp bóng mát hay chăng? Con ve cất tiếng hát, một lúc sau đã có tiếng của cả một bầy ve. Không hẹn mà cả thầy và trò đều nghe dâng lên một niềm cảm động.

*
Như thế đó, buổi dạy cuối cùng của Thầy Văn, thầy dạy môn Công dân giáo dục của lớp Chín A! Thầy rời mái trường vào đầu mùa hạ. Vắng thầy Văn, học với một cô giáo mới, cả lớp rồi cũng quen dần. Đám học trò, sau mùa hạ đó, cùng lên lớp Mười, lớn thêm được một chút, vì đã vào trung học đệ nhị cấp. Bốn đứa con trai, Bảo, Đăng, Nhật, Vũ, vẫn chơi với nhau khắng khít như trước. Nhưng không bao giờ họ dám lập lại một việc, mà đối với họ là một lỗi lầm. Đó là "cúp cua". Nhật, lớn nhất bọn vì gia cảnh nghèo phải bỏ học một năm, luôn tự nhận lỗi về mình vì đã "xúi dại" mấy đứa nhỏ hơn. Cả bọn bảo nhau nếu gặp lúc khác thì chắc chắn đã bị khiển trách và ăn mấy cái "trứng vịt" rồi!

Thầy rời mái trường vào đầu mùa hạ. Trong tâm luôn có tiếng ve làm Thầy nghe luyến nhớ. Những lần về phép Thầy thường đi ngang ngôi trường tư thục mà Thầy đã rất yêu mến này, đứng lại một lúc lâu, nhưng không vào. Thầy đã đi qua một khung đời rất khác. Bên đó là đỏ lửa. Ở đây là xanh trời. Thầy không muốn làm xao động không gian bình yên này.
Mấy mùa hạ đi qua. Học trò của lớp Chín A năm nào nay đã đến tuổi vào đại học. Lên đại học, không còn có môn Công dân giáo dục nữa. "Môn phụ" đã biến mất!

Thầy không có dịp về lại trường cũ, vì chiến trận đã đến hồi khốc liệt. Một ngày nắng lửa trên đồng hoang, Thầy gặp lại Bảo, người học trò trắng trẻo khôi ngô học giỏi ngày nào. Bảo tình nguyện vào lính, đã đi đánh trận nhiều nơi và mới được thuyên chuyển về đơn vị của Thầy. Bây giờ thầy trò cùng chia xớt với nhau từng bịch gạo sấy, mời nhau từng điếu thuốc. Tâm tình cũng dễ dàng bộc lộ. Bảo chân thành nói:
- Thầy ơi! Lúc em còn nhỏ, đi học tiểu học, nhìn người thầy như một người cha vì tuổi đời chênh lệch nhiều. Học bậc cao hơn thì khoảng cách tuổi tác giữa thầy và trò ngắn hơn; nhiều thầy mới ra trường, quá trẻ, chúng em có cảm giác như đó là người anh. Nhưng thái độ e dè đối với các thầy vẫn luôn có. Người thầy đứng trên bục giảng thật khác với người thầy trên chiến trường. Bây giờ, em mới thật sự học được bài học sống ở thầy. Thầy sống những gì thầy đã dạy.
Thầy giật mình:
- Em nghĩ như thế?
- Vâng, đúng là như thế, thưa thầy. Bọn chúng em, bốn đứa chơi thân với nhau, vẫn thường nói với nhau rằng sao chúng em lại làm ra một điều khó tha thứ. Sao chúng em lại "cúp cua" giờ Công dân? Chúng em ỷ mình học giỏi ư?.. Thầy ơi! Thầy có buồn chúng em không? Thầy có tha thứ chúng em không?
Thầy cười xòa:
- Bỏ đi! Thầy chẳng giận chẳng buồn ai bao giờ. Nói cho thầy nghe, mấy anh cùng "cúp cua" đó, ra sao rồi?
- Anh Nhật lớn nhất, đi lính trước em một năm. Sau đó đến em. Còn Vũ và Đăng đã vào đại học.
- Tại sao em không vào đại học?
- Thưa thầy, em muốn đi lính. Sau khi giải ngũ về em sẽ đi học tiếp ạ! Tuổi trẻ còn dài...
- Bây giờ thầy trò gặp nhau ở đây cũng là một trường học lớn. Thầy trò ta cùng học môn Công dân giáo dục phải không?
- Dạ.
Hai thầy trò cùng im lặng, lắng nghe tiếng đại bác vọng về từ xa...
Đêm đó, sau chuyến hành quân, Thầy bị thương nhẹ ở chân. Thầy ôm Bảo trong tay. Thầy vuốt mắt Bảo. Bảo đã làm được cái việc trả bài cho thầy. Một bài học sống.
*
Hết xuân đến hạ. Thu tàn, đông đến. Thầy đã trải cuộc đời trên chiến trường biết bao năm! Bị thương nặng, nhẹ cũng nhiều. Trong người của Thầy đầy những vết sẹo chiến tích. Nằm quân y viện to, nhỏ, hay dã chiến, cũng đã biết bao lần. Cả cái kinh nghiệm được đục khí quản để gắn ống thở tạm, hay đeo lủng lẳng một cái túi đi từ ruột ra ngoài, chờ chữa lành bên trong, Thầy cũng đã có nốt. Gia đình khuyên Thầy giải ngũ. Thầy không chịu. Thầy giã từ nghề dạy học luôn rồi! Gặp gỡ bạn bè, đồng nghiệp, học trò... đến, đi, nhìn họ thành công, thất bại, sống, chết. Nhìn thấy đời mình cũng đã già dặn đi theo ngày tháng. Thầy cũng thèm trở lại bục giảng lắm chứ! Nhưng cứ mỗi một câu, Thầy nói với mọi người: "Chờ khi đất nước thanh bình..."

Và Thầy phải ngưng cầm súng. Thầy đi vào trại tù cải tạo, như hàng vạn quân nhân khác. Ước mộng của Thầy đã sụp đổ. Thôi thì cùng chia xớt với anh em đồng đội nỗi đau nhục này! Bài học Công dân giáo dục "Quốc kỳ và Quốc ca" nhức nhối trong lòng. Mỗi buổi sáng trước giờ đi lao động, Thầy và các bạn tù phải tập trung để chào cờ. Thầy nhắm mắt lại chặt đến nỗi nghe như dao đâm để thấy màu cờ vàng chan chứa. Thầy bấm vào tay mình bật máu để hát trong óc, hát không bằng lời: "Này công dân ơi!!!!..."
Thầy ra trại. Thân thể lại mang thêm một số thương tích vì "lao động". Cảnh sống đã thay đổi... Thầy tìm đến thăm một vài đồng nghiệp cũ, ngạc nhiên khi thấy họ đến trường dạy học trong những bộ quần áo quá dễ dãi. Ngày xưa các thầy cô đứng trên bục giảng ăn mặc nghiêm chỉnh, bây giờ các thầy đi giép hoặc "xăng-đan", các cô thì mặc quần đen áo cộc. Thầy cô dạy học xong, ra về, trước xe lủng lẳng mấy bịch cá, thịt, rau đậu mắm muối "tiêu chuẩn". Thầy lắc đầu ngao ngán. Thầy không thể làm gì hơn là chọn nghề mộc, một nghề có thể giúp kiếm sống qua ngày và không vướng bận tâm trí. Cái nghề của Chúa Giê-su khi còn nhỏ đây mà! Cái nghề Thầy đã học được ở trong trại tù. Cái nghề trong những nghề dạy cho con người ta tính kiên nhẫn và lương thiện.
Hết thời "thắt lưng buộc bụng", đến lúc "mở cửa", thành thị chen chúc người và xe. Nhiều khi Thầy ngơ ngác đứng nơi ngả tư đường, mấy mươi phút chưa băng qua được. Không có ai tôn trọng luật lệ giao thông. Đèn xanh đèn đỏ mọi người lờ đi như không thấy. Có khi Thầy não lòng khi một đám tang đi qua, không có ai nhường đường, hiếm có người ngả mũ chào người chết. Những gì gọi là bài học Công dân giáo dục đâu cả rồi? Người ta sống với "văn hóa phong bì", "thủ tục đầu tiên là tiền đâu", "mạnh được yếu thua"...
*
Thầy ra khỏi nước, như hàng trăm ngàn người khác. Thầy vào trường, làm học trò. Thầy hân hoan thấy lại màu cờ vàng một thời rực rỡ trong tuổi trẻ của Thầy. Thầy được tự do hát bài Quốc ca "Này công dân ơi..." mà không phải mím môi. Nhưng một thời Thầy rơi vào sự trầm cảm tột độ vì nghĩ đến quê hương đã khuất bóng. Thầy mang tâm trạng như những thầy đồ của một thời mất nước. Thầy đã không còn chỗ để trở lại bục giảng. Thầy nhận nơi này làm quê hương thứ hai. Thầy luôn tự an ủi mình: "Quê hương không chỉ là mảnh đất, mà còn có cả tình người". Và... như thế, Thầy đã sống được. Thầy chọn làm việc trong ngành truyền thông và đã đến gần được với tâm tình người Việt xa xứ.
Vào một ngày, Memorial Day, Thầy cùng gia đình đi lên thủ đô. "Lên thủ đô!" Thầy nói rất tự nhiên như vậy rồi nghẹn lời vì nghĩ đến thủ đô của Thầy ngày nào. Thầy đứng bên bức tường trên đó ghi tên những người lính Hoa Kỳ bỏ mình trong chiến tranh Việt Nam, trong trí Thầy hiện lên tên của những người bạn bè đồng đội. Họ đã không có một bức tường để ghi tên! Thầy đặt một bó hoa xuống nơi chân tường. Một gương mặt rạng rỡ chợt sáng lên như được phát ra từ mặt đá hoa bóng loáng. Gương mặt của Bảo. Thầy lạnh người. Thầy muốn khóc.
- Thưa Thầy!
Thầy giật mình quay về hướng tiếng nói sau lưng. Thầy nhận ra ngay. Ôi! Là Vũ, cậu học trò liến thoắng, đã có lần "cúp cua" giờ Công dân.
- Thưa Thầy, gặp lại Thầy, em mừng quá! Thầy có khỏe không ạ?
- Thầy khỏe. Thầy cứ ngỡ... là trò Bảo.
- Bảo đã mất rồi, thưa Thầy, Thầy là người ở bên cạnh Bảo lúc ấy...
Thầy bùi ngùi:
- Phải... Gặp lại em, Thầy càng nhớ Bảo. Thế những người bạn thân của em ra sao?
- Anh Nhật ở lại trong nước. Anh ấy trở thành thương phế binh, hiện nay sống rất khổ cực. Đăng thì đi với gia đình sang Úc, cũng đã có việc làm tử tế.
- Còn em, em làm nghề gì?
- Dạ, em theo nghề giáo.
Thầy nói như reo:
- A! Vậy sao?
Vũ vui vẻ:
- Dạ, em dạy môn Civics.
- Môn Civics?
- Dạ, môn Công dân giáo dục, thưa Thầy!

Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh

User avatar
saohom
Posts: 2213
Joined: Wed Aug 26, 2009 11:30 pm

Post by saohom »

Đóa Hồng Cho Người Yêu Dấu

(Viết bởi cố thi sĩ Nghiêm Xuân Cường)

Image
Đóa Hồng Cho Người Yêu Dấu:
Biểu Tượng Của Niềm Tin, Tình Yêu Và Hy Vọng
Nhắc đến nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm, ngươi ta nhớ đến ngay bản nhạc bất hủ của anh mang tựa đề: "Gọi Người Yêu Dấu". Vào những năm đầu của thập niên 70, giữa cao điểm của cuộc chiến, giòng nhạc tình của Goi Người Yêu Dấu như một làn gió mát rượi, mang bao hương yêu đến với những tâm hồn đang yêu . Ai có thễ quên được những âm điệu nồng nàn, đầy tình tự, quyến rũ ấy: Gọi người yêu dấu muôn lần Nhẹ nhàng như gió thì thầm Làn mây trôi gợi nhớ chơi vơi, thương người xa xôi Gọi người yêu dấu trong hồn Ngập ngừng, tha thiết bồn chồn Kỷ niệm xưa mờ thoáng trong sương Cho lòng nhớ thương... Ở trong cái thế giới tuyệt diệu của tình yêu ấy, nhạc là thơ, và thơ là nhạc, và mỗi chữ, mỗi lời là môt giọt tình yêu ngọt lịm làm ngây ngất người nghe . Nếu các anh, các chị của tõi đã một thời say mê những ca khúc tiền chiến bát hủ như Dư Âm (Nguyễn Văn Tý), Chiều Vàng (Nguyễn Văn Khánh), Em Đến Thăm Anh Một Chiều Mưa (Tô Vũ).v.v.. thì lứa tuõi chúng tôi, những người sửa soạn rời ghế nhà trường vào mùa hè 1971, đã say mê Gọi Người Yêu Dấu như môt bài học yêu vỡ lòng của cuộc đời mới lớn.
Thế rồi bẵng đi gần 30 năm chúng ta không được nghe thêm những sáng tác của Vũ Đức Nghiêm. Tình cờ môt chuyến qua quận Cam thăm gia đình hôm đàu tháng 6/2000 tôi gặp lại anh Vũ Trung Hiền, em của anh Nghiêm và cũng là hàng xóm của gia đình chúng tôi khi còn ở Việt Nam. Qua anh Hiền tôi được tiếp chuyện với anh Nghiêm và được biết anh mới ra mắt CD và tập nhạc Đóa Hồng Cho Người Yêu Dấu. Khi nhận được tập nhạc và CD do anh gởi tặng, tôi đã lạc vào một thế giới âm thanh và cảm xúc dạt dào khó tả. Bên cạnh những bản nhạc trong sáng và thật là dễ thương của ba mươi năm trước, là những bản nhạc anh đã viết lúc còn ở trong lao tù của Cộng Sản, những bản nhạc mang một thông điệp yêu thương vọng về từ đáy ngục. Thế nên, nói đến nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm mà chỉ biết đến Gọi Người Yêu Dấu thì quả là một thiếu xót lớn lao. Bởi lẽ, khi đọc một cuốn sách hay, chúng ta không chỉ đọc một chương đầu tiên, và giòng nhạc tình của Vũ Đức Nghiêm cũng không dừng lại ở Gọi Người Yêu Dấu, tuy rằng đây quả là một ca khúc lớn của anh. Sự góp mặt của Đóa Hồng Cho Người Yêu Dấu, sau gần 30 năm tên tuổi của người nghệ sĩ lãng mạn Vũ Đức Nghiêm đến với người yêu nhạc là một trong những biểu tượng hùng hồn nhất của tính vĩnh cửu của tình yêu, niềm tin và hy vọng. Từ bản nhạc đàu tiên đến bản nhạc cuối cùng của CD, qua từng giòng nhạc, từng lời ca, tôi đã cảm nhận được cái thiết tha yêu người, yêu đời của anh. Nếu những giòng nhạc này đã đến với người nghe từ một hoàn cảnh thông thường thì cũng chẳng có gì đáng nói lắm. Chuyện tình yêu vốn dĩ đã xưa như trái đất và đã có hằng trăm ngàn bài hát ca ngợi tình yêu thì có lẽ thêm mươi bản nhạc cũng chỉ là chuyện "muối bỏ biển" thôi. Thế nhưng người nhạc sĩ lãng mạn của chúng ta đã đến với người nghe không qua một giòng đời êm ái, mà những giòng nhạc thánh thót, lời nhạc thiết tha và êm như thơ, đã chỉ đến với người nghe sau những thử thách cam go nhất của một đời người. Những giòng nhạc thiết tha và đầy tình người này, do đó, càng mang một gía trị đặc biệt trong tâm hồn người yêu nhạc.
Image
Ký giả Lô Răng, trong phần giới thiệu tập ca khúc Đóa Hồng Cho Người Yêu Dãu, có nhắc lại một hình ảnh mà tôi cho là khá đặc biệt và biểu tượng cho con người lãng mạn của người nhạc sĩ dễ mến này. "Cuối năm 1953...qua vùng Hoành Nha, một vùng xứ đạo thuần thành, có những chiêc cầu đá rêu phong bò qua những con ngòi nước trong leo lẻo ...tôi thấy Vũ Đức Nghiêm ngồi một mình trên lô cốt, đang nghiêng đàu trên cây guitar, dạo một cung đàn, một hình ảnh tương phản với tình hình chiến trận chung quanh. Hình như người dạo đàn kia đang quên trời, quên đất, quên chiến trận đang sôi sục để sống cho hoài cảm của mình..." Gần nửa thế kỷ sau đó, chúng ta được nhìn lại trên bìa sau của CD, nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm, bây giờ không còn là chàng trai trẻ mới "xếp bút nghiên theo việc đao cung" nữa, mái tóc anh đã điểm sương, vác cây đàn guitar, vẫn nụ cười lạc quan tươi trên môi. Có ai dám đoán được là người cầm đàn ấy đã trải qua mười mấy năm trời ở trong những chỗ thập tử nhất sinh, qua bao nhiêu khổ đau cay đắng của một cuộc bể dâu, của một cuộc vùi dập dã man nhất và có hệ thống nhất của Cộng Sản. Thế nhưng, bao vùi dập ấy đã không làm tắt được giòng nhạc lãng mạn và tinh thần bất khuất của con người nhỏ bé cao chưa đày một mét sáu này. Viết về anh mình trong những năm tù đày này, tác giả Vũ Trung Hiền có nhắc lại môt hình ảnh mà tôi cho là khá tiêu biểu của chế độ tù đày của Cộng Sản, những người tự cho mình là "đỉnh cao của trí tuệ loài người". Đó là hình ảnh một người vợ và đứa con thơ gần tám năm không gặp bố, đi gần hai ngày đường để đến nơi chỉ được nhìn chồng, nhìn cha đúng hai mươi phút. Đây là lời chị Nghiêm viết cho cha mẹ chồng "...Con nhìn nhà con, anh gầy còm quá, nước da xanh xám như người hết máu, bước chân anh đi lảo đảo . Con muốn khóc thật to lên cho vơi cơn thống khổ, đưọc biết gần một năm trời nhà con phải nằm xà lim trong một chuồng thật nhỏ chỉ có một lỗ thông hơi để thở. Nhiều lúc anh thèm một hột muối mà cũng không có, vì vậy mà nhà con bị bệnh.. Cháu Duyên Thơ thì ôm lấy bố khóc tức tưởi, anh con cũng nước mắt đẫm má nhưng lại khuyên cháu "Không được khóc, phải can đảm lên." Chúng con nói chuyện được có hai chục phút là phải ra lấy đồ thăm nuôi cho cán bộ kiểm soát...Thức ăn tiếp tế cho anh được chất lên một chiếc xe kút kít cải tiến, trên đó đã có hai bọc quà của hai người bạn, nên anh không còn chỗ chất nữa . Còn lại một chiếc giỏ bằng nylon con đựng một ký đường, bốn nải chuối và một ít trái cây con mới mua thêm. Vậy mà nhà con xách không nổi, bước đi chân nam đá chân xiêu . Cháu Thơ và con chạy ra một quãng xa để nhìn tiếp lúc anh và chiếc xe xuống đường dốc. Chiếc xe nghiêng nghiêng muốn đổ và thân hình còm cõi của anh con cố níu lại, xiêu xiêu muốn ngã theo . Chúng con nước mắt ràn rụa trông theo cho đến khi bóng anh khuất hẳn." (Vũ Đức Nghiêm, Anh Tôi, tác giả Vũ Trung Hiền) Tôi nghĩ ít có sự dã man nào bằng cái dã man chia cắt tình chồng vợ, bố con, nhất là khi người ta quá dễ dàng để ban ân huê.. Hình ảnh người vợ hiền và đùa con thơ nhìn theo người cha gầy còm đảy chiếc xe đến khi khuất bóng không khỏi khiến chúng ta liên tưởng ngay đến một trong những đoạn thơ hay nhất của văn chương Việt Nam: Chốn Hàm Dương chàng còn ngoảnh lai, Bến Tiêu Tương thiếp hãy trông sang. Khói Tiêu Tương cách Hàm Dương Cây Hàm Dương cách Tiêu Tương mấy trùng. Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu . Ngàn dâu xanh ngắt một mầu, Lòng chàng ý thiếp, ai sầu hơn ai .. Ở trong hoàn cảnh thập tử nhất sinh đó, người ta dễ sinh ra hèn kém. Con người ai cũng muốn sống, sống để về với gia đình, vợ con. Nhưng cũng ở trong cái hoàn cảnh chết chóc tứ bề ấy, những giòng nhạc thương yêu của Vũ Đức Nghiêm vẫn tiếp tục tuôn trào như một giòng suối ngọt.
Image
Nhạc sĩ Vũ Ðức Nghiêm và phu nhân
(Hình: Nguyễn Trung Tín)

Bản nhạc Đóa Hồng Cho Người Yêu Dấu, anh viết từ trại tù Xuân Phước, một trại tù ác ôn nhất, có những lời thiết tha này cho người bạn đời của mình: Một đóa hoa hồng cho người vợ hiền dấu yêu trọn đời Khung trời thân yêu đầm ấm yên vui bỗng đâu một ngày trời làm biển dâu ... Nhưng em ơi xin vững niềm tin mùa đông băng giá rồi sẽ trôi qua . Vui lên em, đêm tối dần tan, ngày vui sẽ tới mình hết chia xa ... Xin cho tôi hôn mái tóc điểm sương, xin cho tôi hôn vầng trán ưu phiền, xin cho tôi hôn đôi mắt héo hon năm tháng mỏi mòn chờ người xa vắng... Tôi vẫn luôn luôn nghĩ là các nhà văn, nhạc sĩ, họa sĩ, và những người sáng tạo nghệ thuật nói chung có một sứ mạng chính: đó là sứ mạng thuật truyện. Khi anh viết những lời ca ngợi tình yêu, tức là anh kể lại những rung cảm của mình. Nhà thơ, nhà văn kể lại những câu truyện của mình hay của người khác tức là phản ảnh lại cuộc sống chung quanh. Tập nhạc và CD Đóa Hồng Cho Người Yêu Dấu đã thuật lại hùng hồn nhất những cái rung động của con người sau bao tháng ngày khổ đau, xa cách. Điều đáng quý nhất ở đây là tất cả những gì chúng ta được nghe, được đọc là sự cô đọng của những suy nghĩ lạc quan nhìn tới tương lai sau những buổi làm lao động cuốc hằng trăm mét vuông đất đá dưới trời nắng chang chang, hay những ngày biệt giam chân tay bị xích xiềng của Vũ Đức Nghiêm. Nếu Chinh Phụ Ngâm Khúc của Đoàn Thị Điểm đã cho chúng ta thấy những cái đớn đau của người đàn bà trong xã hội phong kiến mòn mỏi nhớ thương chồng, chỉ mong ngày xum họp, thì Đóa Hồng Cho Người Yêu Dấu cho ta thấy sức mạnh vô địch của tình yêu và niềm tin, cũng như tôn vinh hình ảnh cao đẹp của hằng chục ngàn những người vợ hiền có chồng bị đi đày ải "học tập cải tạo" đã thay chồng nuôi con, đẹp ngời không khác gì người vợ hiền của Trần Tế Xương "quanh năm buôn bán ở ven sông, nuôi đủ năm con với một chồng".
Người Tây Phương có câu nói ví von "Nếu chúng ta đứng hiên ngang cao lớn, đó là bởi vì chúng ta được đứng trên vai những người khổng lồ là các thế hệ đi trước." Tôi xin cảm ơn những hy sinh của các anh, các chị, bởi lẽ nếu ngày hôm nay thế hệ chúng tôi, những người đang sống trên vùng đất tự do, nếu chúng tôi có được một chút thành công, thành công đó chính là nhờ sự hy sinh qua khổ đau của các anh, các chị. Những bản nhạc trong Đóa Hồng Cho Người Yêu Dấu làm cho tôi vui sướng vì được chứng kiến cái sức mạnh vô địch của tình yêu. Chàng tí hon là người nhạc sĩ nhỏ nhẹ trói gà không chặt Vũ Đức Nghiêm, sau hơn 13 năm tù đầy đã vượt qua mọi gian khổ để ngạo nghễ chiến thắng tên khổng lồ Goliath là những người cầm quyền Hà Nội. Bởi lẽ, người Cộng Sản lấy cái nhẫn tâm, lấy lao động khổ sai để vùi dập thể xác và tinh thần của người anh em đồng loại, thì Vũ Đức Nghiêm vẫn tiếp tục tin yêu ở ngày mai và vẫn viết những giòng nhạc tình: "Mai xa em rồi xin làm cỏ biếc vương chân em đi ...Xin làm giọt mưa, mưa dầm rưng rức trên vai người yêu ..."(phổ thơ Hà Thượng Nhân). Hoặc từ trại tù Nghệ Tĩnh (1979) anh phổ thơ Nguyễn Xuân Thiệp: "Giả sử mai đây ta về lại trên đưòng, gặp tuổi thơ ta cười ròn tan trong nắng..Chợt một buổi nghe giòng sông nước chảy, gọi ta về thầm kể những cơn mơ ..."

Gần bốn mươi năm sau, người nhạc sĩ ngày nào cầm đàn ở lô cốt Hoành Nha vẫn quên đi tất cả những cái chết chóc ở chung quanh để tiếp tục ngạo mạn và lãng mạn, một cái lãng mạn mà cố văn sĩ Duyên Anh đã gọi là "lãng mạn ngục tù". Chúng ta thích thú và cảm động nghe những lời ca ấy, bởi lẽ mỗi tiếng hát yêu thương vọng về từ đáy ngục đó chẳng khác gì như một viên đá từ giàng ná của người nghệ sĩ bắn vào mắt tên khổng lồ gian ác Goliath. Bản nhạc khiến tôi xúc động nhiều nhất trong CD là một bài có những lời lẽ thật thiết tha, nhưng âm điệu nhún nhẩy như một bài nhạc kích động. Chúng ta hãy lắng nghe Vũ Đức Nghiêm diễn tả những cuộc chia xa, sau vài giây phút họp mặt thật ngắn ngủi trong "Muôn Trùng Xa Em Về":
Khi nụ hôn trao nhau vôi vàng, còn ấm chút hương môi, em đã xa tôi rồi.
Tay rời tay con tim bồi hồi, sầu chất ngất chia phôi, thương nhớ dâng nghẹn lời.
Muôn trùng xa em về, bụi mờ vương theo bước em đi.
Mặn nồng xưa ray rứt cơn mê, hận thù nay giăng mắc lê mê,
đưa em về, biết nói gì giây phút từ ly.
Gượng cười bên nhau phút cuối.
Nghẹn ngào, bâng khuâng tiếc nuối.
Xót xa người nơi chân mây, âm thầm tháng năm lưu đày.
Miệng cười nhưng tim héo hắt.
Ngậm ngùi long lanh ánh mắt,
dáng em đường dài đơn côi.
Vai gầy chiếc bóng lẻ loi.
Bao ngày qua trong nơi ngục tù,
chợt thoáng chút hương xưa,
sao đắng cay không ngờ.
Thương tuổi xanh phôi pha đợi chờ, đành sống với ước mơ, năm tháng trôi hững hờ.
Mong thời gian nhiệm màu làm người quên bao nỗi đau thương.
Lời thề xưa đêm sáng muôn sao, hẹn cùng ta muôn kiếp bên nhau.
Xin đợi chờ ta sẽ về chung sống dài lâu.


Toàn bài hát nói về nỗi đớn đau của sự chia cách, nhưng vẫn cố nuôi hy vọng cho một ngày họp mặt. Chúng ta đã đọc và đã yêu thích Chinh Phụ Ngâm Khúc, những đoạn nói về chia ly, thí dụ như: "Trong cửa này đã đành phận thiếp Ngoài chân mây há kiếp chàng vay. Những mong cá nước xum vầy Nào ngờ đôi ngả, nước mây cách vời" Thế nhưng, mấy ai trong chúng ta lại phải trải qua những đọa đày như những cặp Ngưu Lang Chức Nữ của thời đại này.

Image
Nhạc Sĩ Vũ Đức Nghiêm

Nghe những giòng nhạc mới của Vũ Đức Nghiêm tôi không khỏi có sự so sánh. Nếu ngày trưóc những ca khúc của anh là những bản nhạc thuần túy ca ngợi tình yêu lứa đôi, thì những ca khúc từ những công trường lao động của anh là một thứ tình ca mới. Gọi Người Yêu Dấu, Vùng Trời Kỷ Niệm, Bâng Khuâng Nhớ Tình Xưa .. tất cả đều là những ca khúc có giá trị về lời cũng như nhạc và âm điệu. Vũ Đức Nghiêm hết sức trân trọng với tình cảm của mình, cho nên từng nốt nhạc, từng lời thơ, đều có sự trau chuốt, một sự trau chuốt ít thấy ở các người làm nhạc. Những bản nhạc trước 1975 của anh tràn đầy hương yêu mà chỉ có ở một người đã lăn lóc trong thú đau thương mới có thể nhận biết, một thứ kinh nghiệm "đoạn trường ai có qua cầu mới hay". Cũng tương tự như thế, những tình ca mới của anh mang một giá trị đặc biệt bởi lẽ nó đã được chắt chiu từ những đoạn đưòng gian khổ của anh, của chi.. Chính vì vậy nên lối diễn tả nỗi đớn đau chia cách như trong Muôn Trùng Xa Em Về rất chân thật và cảm động làm người nghe phải rơi lê.. Có tiếng nói nào mạnh bằng tiếng nói của con tim, cho nên con tim càng đau khổ, tiếng nói càng hùng hồn, và bản nhạc do đó thành một bi hùng ca . Lời nhạc thiết tha, xót xa nhưng vẫn tràn đày niềm tin. Phải chăng những khổ đau chịu đựng của Vũ Đức Nghiêm đã làm tăng thêm sức mạnh của bản nhạc. Kẻ thù có thể vùi dập thể xác của anh, nhưng vẫn không thể làm ngưng giòng nhạc hoặc làm tắt niềm hy vọng của tâm hồn. Anh đã lấy những khổ đau đó gạn lọc và biến cái đau thương của chính mình thành một thông điệp yêu thương gởi đến cho người vợ hiền. Có một chút gì mâu thuẫn chăng giữa những lời nhạc thật thiết tha và điệu nhạc hết sức dồn dập khiến người nghe như muốn nhún nhẩy. Tôi cho rằng khi Vũ Đức Nghiêm biến đau thương thành giòng nhạc yêu thương thì tự trong hành động đó đã khiến bản nhạc có những lời buồn thiết tha này trở thành một thứ anh hùng ca, một "Eroica" của thời đại chúng ta . Muôn Trùng Xa Em Về, cũng như CD Đóa Hồng Cho Người Yêu Dấu, do đó trở thành một ngày hội của trái tim (celebration of the heart) bởi vì ở đây chúng ta vui sướng khi thấy sức mạnh của tinh thần và của tình yêu đã vượt lên trên cái dã man, gian ngoan và tàn nhẫn của chế độ lao tù Cộng Sản.
Nếu Muôn Trùng Xa Em Về có một sức mạnh thôi thúc, thì Như Mây Bay Về nhẹ nhàng như một tiếng nói khoan thai nhưng lại gợi trong lòng người nghe thật nhiều xúc cảm. Bản nhạc bắt đàu thật chậm rãi:
Rồi một ngày mai đẹp trời khi gió nhẹ lơi.
Cho mưa ngừng rơi, cho mây phiêu du ngừng trôi.
Khung trời màu xanh hy vọng trong mắt long lanh.
Nhịp chân bước đi nhanh, như chim tự do tung cánh.
Người về nhà xưa ngập ngừng chân bước ngẩn ngơ.
Đường quen sao bỡ ngỡ, hồn rưng rưng nhớ.
Tháng năm xa mờ kỷ niệm thấp thoáng như mơ.
Phút giây mong chờ chợt đến không ngờ
Người trở về tủi mừng ôm lũ trẻ thơ khôn lớn.
Người vợ hiền mỏi mòn thương nhớ ngày đêm héo hon.
Cha mẹ già đầu tóc bạc phơ mong chờ.
Nhìn người về nghẹn ngào như thấy trong mơ
Giòng nhạc chuyển nhanh hơn đưa đến một cực điểm (climax):
Người sẽ lau khô giòng lệ đắng canh thâu.
Rồi sẽ tan đi trời lạnh giá mưa ngâu.
Thời gian sẽ qua mau hàn gắn vết thương bể dâu.
Ngày tháng bên nhau chiều về dưới trăng sao.
Cuộc sống yên vui bền đẹp đến muôn sau.
Và dĩ vàng khổ đau là nước cuốn trôi qua cầu.


Ở trong những lời nhạc đẹp như thơ ấy người ta thấy giấc mơ hiền hòa, giản dị của người đi tù đày, sau mười mấy năm lao động khổ sai, chẳng mơ ước gì hơn là "ngày tháng bên nhau chiều về dưới trăng sao" cũng như niềm hy vọng lạc quan cho tương lai: Giọt lệ mừng vui nhẹ nhàng rơi ướt bờ vai . Còn long lanh trên mắt, niềm vui êm ái . Đã qua đi rồi mùa đông giá rét băng sương. Tiếng chim reo mừng chào đón người về với yêu thương. Bạn cũng như tôi khi đọc những giòng nhạc này sẽ phải trầm ngâm tự hỏi rồi thán phục sự bền bỉ, dẻo dai và sức phấn đãu vươn lên của người nhạc sĩ vốn rất nhỏ nhẹ và thư sinh này. Làm sao anh có thể giữ được tinh thần lạc quan yêu đời sau bao nhiêu năm bị đày ải ? Với tôi, hai câu cuối của bản nhạc là một khẳng định hùng hồn : "Đã qua đi rồi mùa đông giá rét băng sương. Tiếng chim vui mừng chào đón người về với yêu thương. " Khi nghe những bản nhạc thuần túy tình cảm của anh như Dâng Tình, Tâm Tư Chiều tôi có cảm tưởng như đang nghe lại nhạc của một tác giả tiền chiến vì nét nhạc cũng như ngôn ngữ đều thật chải chuốt. Ta hãy nhìn một nét nhạc khác của anh qua bài Dâng Tình: Khi tình dâng cao vút lên ngàn ánh sao trời . U huyền mắt xanh ngời trong vòng tay lả lơi . Nhạc lòng hòa êm ái bên vầng trán thơ ngây, gót hài xưa lãng đãng, xiêm áo xưa mây bay ... Hoặc Tâm Tư Chiều: Nắng nhạt nhoà khói suơng, dạt dào nhớ thương tình buồn vấn vương Nhớ cuộc tình đã qua, người tình đã xa, giòng đời bao la ... Người ơi người về đâu đêm nay . Trời giăng sầu, sầu giăng heo may Người xa người từ nơi chân mây . Gọi thầm người từng đêm lưu đày ...

Từ lâu lắm tôi mới được nghe những lời và nhạc lãng mạn như thế ở một nhạc sĩ đương thời, những lời và nhạc tưởng chừng như chỉ thấy trong những tác phẩm như Dư Âm, Chiều Vàng của vài thế hệ trước. Riêng con người lãng mạn của Vũ Đức Nghiêm, người nghệ sĩ ngày nào cầm đàn dạo giữa khói lửa chiến tranh,thì qua mấy chục năm chinh chiến và mười mấy năm tù đày vẫn không có gì thay đổi vì nhìn qua cửa sổ của xà lim anh vẫn nhìn thấy "ngàn ánh sao trời và mơ đến vòng tay lả lơi" Quả là "cái nết đánh chết không chừa"!
Ngoài giá trị về nghệ thuật, những bản nhạc của Vũ Đức Nghiêm còn ghi lại cho những thế hệ mai sau những suy nghĩ cũng như những oan khiên của một thời bể dâu. Là chứng nhân của thời đại, anh đã ghi lại bao nhiêu thương đau tai nghe mắt thấy qua giòng nhạc của mình. "Trời có điều chi buồn, mà trời mưa mãi thế. Cây cỏ có chi buồn, mà cỏ cây đẫm lê.. Anh nhớ em từng phút, anh thương con từng giây, Chim nào không có cánh, cánh nào không thèm bay . Người nào không có lòng, lòng nào không ngất ngây ..." (Mưa Buồn Long Giao, phổ thơ Hà Thượng Nhân).

Người nhạc sĩ đã phải vượt qua bao khó khăn để ghi lại từng nốt nhạc của mình. Anh đã từng vừa đi trong xà lim nhỏ bé, 2m x 3m, vừa đếm từng nốt nhạc và ghi lại bằng ký hiệu để cai ngục không phát giác. Chính ở trong sự chịu đựng nhẫn nại ấy là tiềm tàng sức mạnh yêu thương của những bài hát mới nhất của Vũ Đức Nghiêm. Người nhạc sĩ lãng mạn một ngày nào đã đem đến bao rung động cho người yêu nhạc qua những nhạc phẩm trữ tình Gọi Người Yêu Dấu, Vùng Trời Kỷ Niệm, Phút Trao Yêu .. qua cơn thử thách của mười mấy năm lao tù lại gởi đến cho người yêu nhạc những ca khúc đầy yêu thương và hy vo.ng.Đóa Hồng Cho Người Yêu Dấu là một bằng chứng hùng hồn nhất của triết lý "tình yêu thắng bạo lực" Xin cảm ơn Vũ Đức Nghiêm vì anh đã chia sẻ với chúng ta những khổ đau và hy vọng, những xót xa và niềm tin của anh. Sự ra mắt của Đóa Hồng Cho Người Yêu Dấu tự nó đã là một điều đáng kể bởi lẽ biết bao nhiêu người bạn tù của anh đã âm thầm ra đi . Ít nhất ở trong giòng nhạc của Vũ Đức Nghiêm những người ra đi sẽ có một tiếng nói hùng hồn vì mỗi giòng nhạc thánh thót, mỗi lời nhạc thiết tha của những bản nhạc trong CD này sẽ mãi mãi là là một nhắn nhủ cho người nghe, như tựa đề một bản nhạc của anh: Chỉ Còn Tình Yêu Là Mãi Mãi Trường Tồn.

User avatar
phodem
Posts: 229
Joined: Sat Feb 26, 2011 4:00 am

Post by phodem »

Image

Thước đo của sự thành công
Trong cuộc sống, tất cả chúng ta đều mong muốn đạt được ít nhất một thành công nào đó.
Mỗi người đều có mục đích, ước mơ để theo đuổi, nhưng liệu có thước đo nào cho sự thành công của tất cả chúng ta?
Một cô bé bán diêm chỉ mong bán được hết số diêm trước khi Giáng sinh xuống, nếu bán được, đó có phải là một thành công của cô?( Hans Andersen )

Một cậu bé bán vé số chỉ mong bán được hết số vé nhận được từ người chủ để có tiền mua thuốc cho người mẹ đang đau ốm, nếu cậu bán hết và mang được 50.000vnd về mua thuốc cho mẹ, liệu đó có phải thành công ?
Một người nông dân chân lấm tay bùn, bán mặt cho đất bán lưng cho trời và có được vụ mùa bội thu, cả gia đình không bị đói ăn trong mùa giáp hạt, đó là thành công?

Một người ngư dân tay chèo tay chống trước sức mạnh của biển khơi mang về khoang thuyền đầy cá cho vợ, cho mẹ đi bán mang lại thu nhập cho gia đình, đó là thành công?

Một người đàn ông, sau bao cố gắng đã lên được chức Tổng giám đốc của một tập đoàn danh tiếng, nhưng gia đình tan nát, chia rẽ, đó là thành công?

Một người phụ nữ được mọi người biết đến nhờ tài năng lãnh đạo, nhưng con cái của cô lại hư hỏng, sa sút, liệu đó có là thành công?

Mỗi người có một thước đo cho thành công riêng tuỳ thuộc vào mục tiêu, quan điểm của họ, nhưng mẫu số chung của thành công phải là hạnh phúc của những người mà ta thương yêu.

Sự thành công của mỗi chúng ta sẽ chỉ có ý nghĩa khi nó mang lại hạnh phúc cho bản thân chúng ta, cho những người mà ta yêu thương và mang lại điều tốt đẹp cho xã hội.

Post Reply