NGƯỜI CŨ, TRƯỜNG XƯA HỒ NGỌC CẨN

Nét mặt ngày nay còn lại hình ảnh thuở cắp sách tới trường hay đã phủ đầy phong sương với mái tóc bạc da mồi!!!

Moderators: CNN, dongbui

Post Reply
User avatar
ngayngo
Posts: 1208
Joined: Sat Nov 01, 2008 8:34 pm

NGƯỜI CŨ, TRƯỜNG XƯA HỒ NGỌC CẨN

Post by ngayngo »

NGƯỜI CŨ, TRƯỜNG XƯA HỒ NGỌC CẨN
(Trích tập truyện NGÔI TRƯỜNG BA MƯƠI NĂM)


Nhớ bạn cũ, nhớ trường xưa
Người thì tản mác, trường thời mất tên.



Mùa Thu năm nay, 2007, bước vào năm thứ 60 cha nguyên Hiệu trưởng Trần Đức Huynh được thụ phong linh mục. Đây cũng là năm thứ 43 tôi vào học Đệ Thất B 2 của Trung học Hồ Ngọc Cẩn. Cuộc di cư vĩ đại của gần một triệu người Bắc Việt vào miền Nam năm 1954 đã đem theo nhiều cậu bé trong tuổi 12 hay 13, vừa đậu văn bằng tiểu học được vài tháng, khi cha mẹ các cậu vào lập nghiệp tại Sài Gòn và các vùng phụ cận Chợ Lớn, Phú Thọ, Gia Định. Dù niên học mới ở miền Nam đã thực sự khai giảng, Bộ Quốc Gia Giáo Dục vẫn mở kỳ thi tuyển vào lớp Đệ Thất cho các trường Trung học từ miền Bắc Việt di chuyển như Trung học Chu Văn An, Trung học Nguyễn Trãi (hai trường vốn ở Hà Nội), Trung học Hồ Ngọc Cẩn (ở Bùi Chu, tỉnh Nam Định) và Trung học Trần Lục (ở Phát Diệm, tỉnh Ninh Bình). Sau kỳ thi, tôi là một trong những cậu bé ấy đã trúng tuyển vào Trung học Nguyễn Trãi, trường đang sử dụng cơ sở của một trường tiểu học nằm trên đường Galliéni (tức đường Trần Hưng Đạo sau này). Một tuần lễ sau, tôi xin chuyển về Trung học Hồ Ngọc Cẩn và từ đó tôi chính thức trở thành một học sinh Hồ Ngọc Cẩn, hai niên khóa đầu ở Sài Gòn rồi dời theo trường về Gia Định. Niên khóa 1958- 1959, trúng tuyển vào Đệ Tam của Trung học Chu văn An, tôi đi về đó cho được gần nhà, trong vùng ngã bảy Chợ Lớn. Bấy giờ Trung học Chu Văn An chưa di về trụ sở mới trên đường Hùng Vương, Chợ Lớn- gần nhà thờ Ngã Sáu- mà hãy còn nằm sau lưng Trung học Petrus Ký, chiếm một tòa nhà lầu ba tầng và một dẫy nhà trệt.



Chuyển về Hồ Ngọc Cẩn, đường Bùi Thị Xuân, tôi có lợi là được học một trường gần nhà hơn, đồng thời với lý do đơn giản là gia đình tôi vốn ở Bùi Chu trước khi di cư đã quen biết cha Hiệu trưởng Trần Đức Huynh và các giáo sư như là thầy Sưủ, thầy Ban, thầy Thịnh, Thày Xếnh, thầy Trường . . . đặc biệt tôi cũng có cơ hội giúp đỡ bà mẹ buôn bán giải khát và trái cây cho các học sinh theo học tại đây. Mẹ tôi đã quen biết cha Trần Đức Huynh từ những ngày cha còn ở tại giáo xứ Lạc Đạo và ngài nhận làm nghĩa phụ cho người anh kế tôi vào tu học trong Chủng Viện thuộc giáo phận Bùi Chu. Sự “giao lưu” này kéo dài nhiều năm cho tới sau 1975, cha Huynh bôn ba nơi xứ người và mẹ tôi phiêu lưu sống tại xứ đạo của anh tôi trên tận Ban Mê Thuột xa xôi. Dẫu vậy những thành tích học tập của mấy anh em chúng tôi đạt được là do những nỗ lực cá nhân mà không hề liên hệ tới ngài cả. Do đó những ghi nhận tôi nêu ra trong lúc này cũng mang tính chất độc lập và chân thật thôi.



Qua mấy tập Đặc san Ninh Cơ, tôi được học biết thêm nhiều về Trung học Hồ Ngọc Cẩn từ ngoài Bùi Chu và cả trong Sài gòn. Bây giờ xin gửi tới các anh các chị cựu học sinh phần sinh hoạt của Trung học Hồ Ngọc Cẩn trong những ngày cha Huynh không còn làm Hiệu trưởng và thời gian rất gần với những tháng ngày mà trường còn vương vất hơi hướm của vùng đất phù sa của sông Ninh Cơ tải qua Bùi Chu biết bao năm tháng. Tôi không thể nói khác hơn những gì đã xảy ra trong hai niên khóa 1956 – 1957 và 1957 – 1958 vì sau đó tôi đã bỏ trường mà sang học ở Trung học Chu Văn An.



Ngày tháng lặng lờ trôi, thoắt một cái đã hết hai năm học, bước sang niên khóa thứ ba (1956 – 1957), Trung học Hồ Ngọc Cẩn đi vào một giai đoạn mới, đánh dấu sự thay đổi lớn lao trong nền hành chánh ở Nam Bộ: địa phương hóa các trại định cư của những người di cư từ phía Bắc Vĩ Tuyến 17 vào lập nghiệp tại miền Nam và tất cả những gì phụ thuộc vào cơ cấu gọi là di cư đó. Dĩ nhiên bấy giờ không còn một trường Bắc Việt di chuyển nào nữa tức là số học sinh gốc người miền Nam trong trường đã chiếm một con số đáng kể. Đó cũng là năm mà cuộc đời cha Trần Đức Huynh bước sang một giai đoạn khác do quyết định của “đấng bản quyền” để tham gia vào việc đào tạo các cán bộ của Giáo Hội tại Trung học Tư thục Nguyễn Bá Tòng rồi Trung học Tư thục Bùi Chu. Đó là các tu sĩ đã từng theo học Trung học Hồ Ngọc Cẩn từ ngoài Bắc Việt.



Trước hết, Trung học Hồ Ngọc Cẩn đã được cấp một cơ sở mới gồm có một căn nhà lầu ba tầng to lớn kèm theo mấy căn nhà phụ đã xây cất gần đầu đường Lê Quang Định, tỉnh Gia Định. Trường nằm ngay phía sau trường Tiểu học Gia Định và rất gần chợ Bà Chiểu. Sân trường đã nề xi măng không to hơn bên Sài Gòn bao nhiêu và cổng trường rộng lớn mở ra phía đường Lê Quang Định. Có người đã nghĩ đến việc đổi tên trường theo tên đường ấy cho có vẻ thuộc địa bàn tỉnh Gia Định (địa phương hóa?) nhưng không được. So sánh với bên Sài gòn, trường sở mới có vẻ bề thế hơn và xứng hợp cho một trường Trung học Đệ nhị cấp (từng là một trường duy nhất ở phía nam đồng bằng sông Hồng Hà) dạy từ các lớp từ Đệ Thất cho tới lớp Đệ Nhị, vài năm sau mới có thêm lớp Đệ Nhất nữa. Vậy là Trung học Hồ Ngọc Cẩn không còn mượn trường lớp của Giáo Hội bên trong khu nhà thờ Huyện Sĩ – Đường Bùi thị Xuân, quận II, Sài Gòn- và như thế người ta mới thấy cha Hiệu Trưởng Trần Đức Huynh có biệt tài tổ chức và khéo bôn ba xoay trở. Nên nhớ hai căn nhà lầu gỗ ở mặt tiền đường Bùi Thị Xuân, ngay sát đường rầy xe lửa mà trường sử dụng hoàn toàn mới được xây dựng trong thời gian ba tháng sau ngày cuộc di cư của dân miền Bắc khởi sự mà thôi. Giữa tháng 11 năm 1954, trường sở ấy đã thu nhận các học sinh vào học niên khóa mới và có lúc lại còn nhường cho Trung học Chu Văn An của cụ Vũ Ngô Xán sử dụng (thời binh biến của lực lượng Bình Xuyên). Một dấu ấn khó phai đối với các học sinh chính là tiếng còi xe lửa ré lên trong lúc các thầy giáo đang thao thao bất tuyệt, thế là cả thầy lẫn trò chỉ còn biết nhe răng cười – cho đúng là người Việt Nam – (Gì cũng cười! nhăn răng hì một tiếng mọi việc hết nghiêm trang!)



Thứ đến, cũng vì trong ý hướng địa phương hóa mà giáo sư Đinh Căng Nguyên, người miền Nam vốn là giáo sư trường Trung học Nguyễn Đình Chiểu ở Mỹ Tho (thuộc Lục tỉnh), trở thành vị Hiệu trưởng kế tục cha Huynh (mới từ chức) và cha Phán cũng được một thày Tổng gíám thị mới thay thế- cả đến sau này- các học sinh chúng tôi chỉ quen gọi là “thầy Tổng giám thị” chứ không gọi tên bao giờ; các thầy giám thị cũng thế nên quả thực bây giờ tôi không thể nhớ được tên của ai trong số các vị ấy. Một thay đổi trong cơ cấu tổ chức của trường là giáo sư Vũ Đức Thịnh được chính thức bổ nhiệm làm Giám học Trung học Hồ Ngọc Cẩn, một vị trí không rõ ràng từ xưa tới bấy giờ. Trên văn phòng thì dù không để ý nhiều nhưng qua ngày đoạn tháng tôi cũng thấy thấp thoáng vài “bóng hồng” tức là có nữ nhân viên làm việc. Đó là nét đặc biệt và hiếm quý đối với một trường toàn nam sinh như chúng tôi, lúc nào cũng đồng phục quần xanh áo trắng. Hơn nữa, nhà trường bây giờ có phòng Y tế Học đường ở ngay bên cạnh Văn phòng. Khác hẳn thời gian trước đây hai năm, trạm xá với y tá thường trực đã làm việc rất đều đặn mà phục vụ các học sinh như cấp thuốc, băng bó vết thương và hàng tuần còn có bác sĩ tới khám bệnh cho những ai cần thiết dù là học sinh hay nhân viên nhà trường kể cả gia đình nữa. Trạm xá này hẳn rất lợi hại cho những học sinh nào ưa cái màn nhõng nhẽo . . . trốn học. Xưa kia “đứa nào dám làm như vậy với cha Tổng Giám thị”có mà chết. . . Nói đùa vậy thôi! Cha Tổng Giám thị đã thổi còi nhiều hơn là la hét các học sinh. Việc học sinh đi cấm túc không gay gắt như hồi ở Bùi Chu.



Về phần ban giảng huấn, Nha Trung học gửi thêm giáo sư về tăng cường số giáo sư cơ hữu di chuyển từ bên Sài Gòn sang. Kể từ ngày Trung học Hồ Ngọc Cẩn khai giảng lại tại đường Bùi Thị Xuân, các giáo sư như Phạm Mạnh Viện (Vạn Vật), Nguyễn Tá (Toán), Kỳ Quan Lập (Toán), Lữ Hồ Nguyễn văn Hiền (Vẽ và Việt văn), Trịnh Nhân Kính (Sử Địa và Việt Văn), Chủ nhiệm Nhật báo Tự Do Phạm Việt Tuyền (Việt văn), Đặng Trần Thường (Anh, Pháp), nhạc sĩ Thiên Phụng v.v, . . . hoàn toàn xa lạ tôi chưa hề biết bao giờ. Các thầy từng dạy ở Bùi Chu chỉ còn lại Tạ văn Bằng (Anh văn), Vũ Đức Thịnh (Lý Hóa), Nguyễn Văn Sửu (Pháp), Vũ Ngọc Ban (Pháp, Anh). Có lẽ phần lớn các thầy cũ đã có nhiệm sở mới từ đầu niên khóa ở các trường địa phương xa Sài Gòn. Hình như giáo sư Toán Đặng Vũ Tiển ra Phan Thiết mở trường Trung học Tư thục Tiến Đức (không phải Hoài Thanh) và thầy vẫn còn làm việc cho tới năm 1975. Xem ra cha Trần Đức Huynh bấy giờ đã phải nhanh chóng thiết lập một bộ giáo sư gần như hoàn toàn mới cho ngôi trường của mình trong một địa điểm cũng mới này. Công việc ấy chẳng khác gì xây dựng một trường tân lập ở trong miền Nam vậy. Làm sao các cựu học sinh HNC quên công ơn của vị Hiệu trưởng giỏi giang này. Vì cơ sở mượn của Giáo Hội bên trong khuôn viên nhà thờ Huyện Sĩ không được rộng lắm, do đó các sinh hoạt hiệu đoàn bị giới hạn và chính vì thế tôi đã ít để ý tới các nhân viên khác. Kiểm điểm Ban giảng huấn tôi phát hiện ra sự biến mất một số giáo sư như thày họa sĩ kiêm thi sĩ Lữ Hồ (đổi về trường Nữ Trung Học Trưng Vương dạy Triết thì phải!), Kỳ Quan Lập (đổi lên Đà Lạt dạy ở Trung học Trần Hưng Đạo và sau này lên làm Hiệu trưởng). Cũng có thêm một số giáo sư khác vốn đã giảng dạy vào thời gian bên Sài Gòn mà tôi còn nhỏ đã không biết được như là Nguyễn văn Nam (Vẽ), Nguyễn Huy Đương (Việt văn), Phùng ngọc Cảnh (Anh văn), Nguyễn Văn Phú (Toán), Bùi Xuân Bào (Pháp), Vũ Ngọc (Vẽ), vv, . . . Lớp Đệ Ngũ B2 bên Gia Định, thày Kính vẫn dạy Việt văn, thày Thường dậy Pháp văn, thày Ban dậy Anh văn, thầy Tá dạy Toán và đặc biệt thày Thịnh dậy Lý Hóa, môn Âm nhạc hình như trường có nhạc sĩ Cung Tiến và tất nhiên cho lớp tôi phải là nhạc sĩ Thiên Phụng rồi. Có một kỷ niệm, không biết vui hay buồn, đó là những giờ học Nhạc nhờ có thày Thiên Phụng mà chúng tôi biết thế nào là Đồ, Rê, Mi, Fa, Sol, La, Si, . . . Đố, Si, La, Sol, Fa, Mi, Rê, Đồ . . . nhưng cũng là cơ hội cho những đứa nhất quỷ, nhì ma, thứ ba . . .nghịch ngợm đã phá phách thày. Chẳng là giờ học Âm nhạc của chúng tôi luôn là giờ thứ năm trong ngày, lúc ấy chỉ còn vài ba lớp, hay có khi chỉ còn một lớp mà thôi, hầu hết thày trò và cả nhân viên nhà trường đã về nhà, trường trở nên vắng vẻ, dịp đó là cơ hội xì lốp xe của thầy Phụng. Thế là hôm ấy thầy phải dắt chiếc xe đạp Dura bóng lộn của thày sang đầu chợ Bà Chiểu ở đối diện trường mà bơm lên thì mới leo xe đạp về được; đã có thày giám thị nào đó cố ý rình bắt tên phá hoại mà vẫn không bắt được kẻ phạm tội. Chính vì buổi chiều có phòng trống mà sau này người ta đã có một thời mượn trường sở để mở lớp tráng niên ban đêm. Rất tiếc tôi đã không nhớ chắc chắn là vào lúc nào (?)



Sau cùng, các học sinh Hồ Ngọc Cẩn bắt đầu từ niên khóa 1956 – 1957 có thêm giờ thể học thể dục, môn học tăng cường cho hai mặt giáo dục Đức và Trí đã được kiện toàn từ thời cha Hiệu trưởng Trần Đức Huynh. Bởi vì điều kiện sân trường ở Sài Gòn chật hẹp, phần Thể dục không thể thực hiện được. Thay vào sự thiếu sót này, cha Hiệu trưởng chú ý đến các giờ Công Dân Giáo Dục và thỉnh thoảng cho các học sinh – nhất là buổi sáng- được nghe những buổi thuyết trình đặc sắc thí dụ đề tài nói về Ngày Quốc tế Nhân Quyền (gs chuẩn luật sư Trịnh Nhân Kính?), giáo sư nhà báo Phạm Việt Tuyền kể chuyện những ngày đi thăm hai hòn đảo Kim Môn và Mã Tổ nằm rất gần lục địa đã phòng thủ như thế nào trước hiểm họa tấn công từ đất liền, sự chịu đựng gian khổ của người dân Trung Hoa Quốc Gia chạy ra ở hai hòn đảo ấy vào thời gian mà có đến hàng ngàn quả pháo từ trên trời rơi xuống.



Về học tại Gia Định, tôi đã phải mất thêm thời giờ di chuyển từ Ngã bẩy Chợ Lớn mỗi ngày sao cho kịp giờ vào lớp bắt đầu từ 7 giờ 30 sáng. Bởi vì trường đã có giờ thể dục hàng tuần tại sân vận động Gia Định trên đường Nguyễn Văn Học, một tuần hai lần, bắt đầu sớm hơn thường lệ một giờ. Do đó những ngày ấy tôi phải đạp xe gần cả chục cây số trong khi trời còn chưa sáng để tới sân vận động vào lúc 6 giờ 30 cho kịp chơi thể thao hay tập thể dục. Các huấn luyện viên là những cán bộ thanh niên được cử đến dạy dỗ chúng tôi theo đúng sư phạm của ngành Thể dục Thể thao. Ngày xưa nước ta có trường đào tạo các huấn luyện viên Thể dục Thể thao tại tỉnh Phan Thiết và Văn bằng tốt nghiệp rất có giá trị (cũng từng bị động viên vào trường Thủ Đức ra Sĩ quan) nhưng bấy giờ các cán bộ thanh niên đào tạo tại Sân vận động Phan đình Phùng (Sài Gòn) chưa vào trình độ cao như vậy. Một giờ thể dục bao giờ cũng mất 15 phút khởi động để làm những động tác thể dục căn bản, giơ chân múa tay, vặn mình ẹo cổ, số giờ còn lại dành cho các môn điền kinh hay thể thao. Nhiều người đã thích chạy nhảy, leo giây, ném tạ . . . , nhưng hấp dẫn nhất là môn bóng tròn mà hai lớp học cùng giờ thường có hai đội banh để quần nhau trên sân cỏ – lớp B2 chúng tôi và lớp B1 từng giao đấu với nhau nhiều lần mà kể như bất phân thắng bại vì có ngày thua, ngày thắng, cũng nhiều ngày huề. Phong trào tuy có mạnh nhưng nhà trường không chủ trương lập đội tuyển thành thử chưa bao giờ tham gia thi đấu với những đội banh tại địa phương. Theo chú em út của tôi - cũng học HNC sau này- cho biết môn bóng tròn cũng không lập nổi một hội tuyển cho trường mà chỉ có cá nhân các học sinh tự lập hội rồi kéo nhau đi thi đấu với danh xưng là HNC, khi thì đi Thủ Đức, đi Gò vấp và có khi đi xa hơn lên tận mãi Lái Thiêu của tỉnh Bình Dương. Thành tích chẳng vẻ vang gì!



Nếu xét về mục tiêu đào tạo cho giới trẻ, trường Trung học Hồ Ngọc Cẩn (bây giờ là HNC Gia Định) đã đáp ứng đủ ba mặt Đức, Trí và Thể một cách tương đối và đi ra ngoài xã hội, học sinh HNC đã tạo nhiều thành tích rất đáng trân trọng. Xin đơn cử một vài bộ mặt của thế hệ chúng tôi (dĩ nhiên ta có thể tìm thêm nữa) cho tới ngày nay vẫn có tiếng tăm vang dội. Tôi quay trở lại những trận bóng tròn ở sân Vận động Gia Định vào những buổi sáng mà ánh sáng mặt trời chưa rực rỡ lắm. Việc thắng bại đã có giá trị của nó. Những buổi thi đấu đã làm các học sinh quen biết nhau và thông cảm nhiều hơn. Chính trong những giờ thể dục tôi đã trở nên thân với Trần Đông A của lớp B1; chúng tôi là đối thủ của nhau vì A giữ gôn cho B1, còn tôi là thủ môn của B2. Tôi nhắc đến A là cũng muốn nói đến một học sinh HNC khác, một học sinh B2 với tôi, anh Nguyễn Đan Quế – người đã phải mang kính cận rất dầy bấy giờ và thường ngồi ở bàn thứ hai trong phòng học, sát với vách tường. Hai anh hiện là những người nổi tiếng ở Việt Nam nên tôi muốn đề cập đến các anh. Khi trường Hồ Ngọc Cẩn dọn qua Gia Định chúng tôi cùng vào lớp Đệ Ngũ, Quế và A vẫn đi học với chúng tôi buổi sáng nhưng đến chiều các anh ghi tên học trường tư vào lớp đặc biệt Ngũ + Tứ. Năm sau cả hai anh thi đậu bằng Trung học Đệ nhất cấp và chính thức rời bỏ chúng tôi để vào học Tam + Nhị. Hè năm sau, 1958, cả hai lại đậu Tú Tài I trong khi chúng tôi chỉ đậuTrung học Đệ nhất cấp.



Thế rồi hè năm sau đã có tú Tài II, năm kế thì hai cựu HNC choai choai “chớp” luôn chứng chỉ PCB của Đại học Khoa học Sài Gòn, cửa vào trường Đại học Y khoa. Anh Trần Đông A gia nhập Quân y, ra trường phục vụ trong Binh chủng Nhảy dù và năm 1976 gặp nhau ở trại tù Cải tạo Suối Máu tôi được biết A là Sĩ quan Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn Quân y Dù VNCH. Trong khi ấy Quế học dân y, ra trường làm việc tại Bệnh viện Chợ Rẫy và đến 1975 được biết anh đang là trưởng một Khoa Y tại đây. Bác sĩ Trần Đông A sau tháng Tư năm 1975 đi tù và hết hai năm cải tạo được tha về và hành nghề trong Bệnh viện Nhi Đồng 2 (tức Bệnh viện Grall cũ)- Anh trở nên rất nổi khi thành công trong nhiệm vụ là bác sĩ chính của ca mổ tách rời hai em bé Việt - Đức. ... Hai nhân vật trên đây đã từng ngồi chung với tôi trên ghế trường HNC thuở nào chắc trong chúng ta ai cũng biết đến, đặc biệt là Bác sĩ Nguyễn Đan Quế.

...


Đến nay đã hơn ba chục năm, nhưng tôi chắc rằng – cũng như tôi – mọi cựu học sinh Hồ Ngọc Cẩn không cứ là ngoài Bùi Chu, tại Sài Gòn hay bên Gia Định, chúng ta dù mỗi người tản mát mỗi nơi nhưng ký ức chúng ta không bao giờ mất tên của ngôi trường thân thương HỒ NGỌC CẨN. Chính vì thế mà đã có các anh chị đứng ra mơi gọi tất cả các cựu học sinh của trường quy tụ lại mỗi năm tại Khu thương mại Little Sài Gòn, California và nỗ lực duy trì một tờ Đặc san xuất bản hàng năm để làm nhịp cầu bắc mối dây thân ái đến các anh chị em. Tờ Đặc San Ninh Cơ – theo ý tôi- các anh chủ trương muốn nhắc tới một địa danh mà những ngày tháng đầu tiên của Trung học Hồ Ngọc Cẩn định vị – hẳn là được tất cả chúng ta hoan hỉ đón nhận và hăng say đóng góp tâm tình của mỗi người chúng ta. Thân chúc tất cả có được những ngày tươi vui, khỏe mạnh và hạnh phúc. Chúc ta luôn nhớ nhau trong tinh thần “một HỒ NGỌC CẨN anh em.”

Houston những ngày giáp Tết Đinh Hợi 2007.

Một cựu HNC họ Lê

Post Reply