Tìm nhau ngày tháng cũ.

Sáng tác, tùy bút, một thoáng mây bay... hãy ghi lại nơi đây tâm tình nóng bỏng, những cô đọng của con tim!!! Xin nối vòng tay lớn qua các cảm xúc nhẹ nhàng hoặc nóng bỏng của mối tình học trò!!!...

Moderator: CNN

nhuvan
Posts: 342
Joined: Sun Mar 27, 2016 8:29 pm

Re: Tìm nhau ngày tháng cũ.

Post by nhuvan »

Image

Có ai còn nhớ Xóm Gà xưa?
PHẠM CÔNG LUẬN
Năm 2016, lần về quê hương cuối cùng trước khi mất, nhà văn Nhật Tiến hỏi tôi: “Xóm Gà bây giờ ra sao? Sáu mươi năm trước gia đình tôi sống ở đó!”. Ông kể, năm 1954, vợ chồng ông khi còn rất trẻ di cư từ Hà Nội vào miền Nam và sống ở Đà Lạt. Một năm sau, ông về Gia Định, lần đến xóm Gà để cư ngụ.

Đó là cái xóm nghèo ngoại ô, giá thuê nhà rẻ. Lúc đó vì không quen biết ai nên kiếm việc làm rất khó khăn. Trong gần hai năm liền, gia đình ông sống rất nghèo ở xóm Gà, chui rúc dưới một mái nhà lá mà ông gọi là “tồi tàn”.

Ngoài ông và vợ là nhà văn Đỗ Phương Khanh, ở đó còn có nhà thơ Song Hồ và nhà văn Nguyễn Đình Toàn, tác giả tiểu thuyết Áo mơ phai và hai bài thơ phổ nhạc rất hay Anh đến thăm em đêm Ba mươi và Tình khúc thứ nhất.

Dù khó khăn, mọi người sống vẫn hồn nhiên, Nguyễn Đình Toàn ôm đàn ca hát suốt ngày, khi viết văn chỉ dùng mặt sau của bản tin Việt Tấn Xã làm giấy viết, lấy bút hiệu là Tô Hà Vân. Sau, lần lượt các nhân văn thi sĩ Bắc di cư rời cái xóm tạm dung đầy tình người chân chất này để tỏa đi khắp nơi.

Song Hồ phiêu du một thời gian rồi trở lại Sài Gòn đi dạy học, làm thơ. Nguyễn Đình Toàn vừa làm cho Đài Phát Thanh Sài Gòn vừa tiếp tục sáng tác. Riêng Nhật Tiến thì đi dạy học ở Mỹ Tho. Sau này, khi sống ở Mỹ nhiều năm, ông vẫn nhớ cái xóm Gà hiền lành đó.

Xóm Gà thuộc quận Bình Thạnh bây giờ. Thời xưa, người Việt ở Gia Định thích sống khu Xóm Gà vì có nước ngọt quanh năm. Đây là xóm nuôi gà độ, có từ đầu thế kỷ 19. Trước năm 1954, vùng này còn vắng vẻ. Vài người già kể lúc đó phố xá không có mấy, đèn điện chỉ có ở người khá giả và nhà quanh chợ. Đa số dùng đèn dầu thắp ban đêm, dùng nước giếng.

Một tác giả ở hải ngoại, ông Lê Bảo Trân viết trong sách: “Nhà cửa cất theo lối cổ, lợp ngói âm dương. Hầu hết có vườn cây bao quanh, trồng bốn loại cây chánh là mít, mãng cầu, nhãn và mận.

Ranh đất là hàng rào cây tươi cao khỏi đầu. Về đêm cảnh vật trở nên huyền bí mơ hồ” (cuốn Chiều chiều lại nhớ chiều chiều in ở hải ngoại năm 1992). Ông kể khu này, có hai nhân vật cùng hành nghề liên quan đến… con heo, với hai hình ảnh tương phản. Họ đều là người Hoa cao niên trên dưới ngũ tuần. Một ông “tóc cắt ngắn, tay cầm cây sáo nhỏ màu đen, đi rảo trong xóm thổi réo rắt”, đó là ông thiến heo.

Còn ông kia, chuyên cho mướn heo nọc, dễ nhận ra nhờ dẫn con heo có dính theo một thứ ngộ nghĩnh là… vòng hoa giấy dán ngang lưng. Cả hai ông đều khô đét do hút thuốc phiện. Ông gầy giống heo đi tới đâu là chó sủa tới đó. Lúc heo hành sự, con nít xúm quanh khiến các bà vừa cầm roi đuổi vừa la ỏm tỏi.

Heo gầy giống xong, ông cho nó hai trứng gà tươi để bồi dưỡng. Thời Pháp thuộc, vào buổi trưa, phía xóm Gà nghe được tiếng ốc hụ từ cái cột do Pháp dựng lên ở ngã tư Bình Hòa lúc 12 giờ trưa để báo giờ tan sở. Dân quanh xóm thường nghe tiếng xe lửa từ ga Đông Nhì chạy đến ga Xóm Gà.

Đó là giai đọan mà Xóm Gà có sự hiện diện của hai nhà báo nổi tiếng: ông Cử Tùng Lâm Lê Cương Phụng và nhà thơ Tản Đà. Một đêm Giao thừa, ông Lê Cương Phụng được phân công đi mua gà, còn Tản Đà ở nhà lo rượu. Ông Phụng mua con gà luộc, lấy thêm chai Mai Quế Lộ nữa cho xôm tụ.

Xui xẻo thay, khi đi đường, ông Phụng mải mê xem đám đánh nhau mà bị bắt nhốt vô bót. Ông Tản Đà ở nhà đợi miết đành uống hết chai rượu rồi lăn ra ngủ. Thời gian ngắn ngủi ở Sài Gòn chắc hẳn Tản Đà có tâm trạng nhớ quê hương và lo lắng về chuyện nợ nần ngoài Bắc.

Đến khi trở về quê Bắc, kỷ niệm sống ở thàng phố phương Nam này lại dậy lên, nhất là sự đối đãi trọng thị của ông Diệp Văn Kỳ chủ báo Đông Pháp. Ông còn ngoái lại bằng bài thơ đầy cảm xúc, nhắc nhớ nơi chốn ông vừa rời xa:

Xóm Gà tan giấc rạng vừng ô
Tối đến Nha Trang, rượu một hồ.


Không rõ ngôi nhà ông từng cư ngụ cuối thập niên 1920 ấy nằm ở đâu trong Xóm Gà? Anh Nguyễn Đạt, từng sống ở khu Xóm Gà trước khi đi Mỹ kể về thời gian anh sống ở đó khoảng thập niên 1960. Lúc đó, anh cũng như hầu hết con nít ở xóm Gà đều học ở trường Thiên Ca, bây giờ có tên là trường Nguyễn Văn Bé. Khu này có hàng chục ngôi chùa, nổi tiếng như chùa Dược Sư, Già Lam…

Có nhiều người làm lớn hai bên Quốc gia lẫn Cộng sản. Có cả du đãng nổi tiếng như Dũng Mexico. Ngay ngã tư Xóm Gà, phía đầu đường Lê Quang Định trước 1975 có bót cảnh sát Nguyễn Văn Gập, bây giờ đã đập bỏ. Khi anh lớn lên, không còn dấu vết trường gà hay không còn mấy ai nhắc các ông Năm Đồ, Ba Giáp là dân võ nghệ giang hồ nữa.

Ở Xóm Gà cũng có một khu nhà nghệ sĩ sống quây quần giống như bên cư xá Chu Mạnh Trinh ở Phú Nhuận. Bên trong cư xá Thanh Bình 2 (ở đối diện chùa Pháp Vân trên đường Ngô Tùng Châu, nay là đường Nguyễn Văn Đậu) là nhà của nghệ sĩ hài Văn Hường.

Cư xá này còn là nơi tập trung nhiều gia đình nổi tiếng trước năm 1975, có nhà của ký giả Huyền Vũ, một bình luận viên thể thao nổi tiếng trên đài phát thanh Sài Gòn và con trai của ông là thủ môn Quốc Bảo (bắt gôn cho đội Euquinol, Hải Quân rồi đội tuyển quốc gia), ông thẩm phán Tối cao Pháp viện Tôn Thất Hiệp, nhạc sĩ Lê Dinh, ông bà Tô Văn Lai (chủ nhân trung tâm Paris by night).

Cư xá này nổi tiếng nhiều người đẹp, trong đó, con gái của bà chủ tiệm tạp hoá Hương Nam đẹp nhất, nhiều người khen.

Sâu vào trong hẻm là nhà của các nghệ sĩ khác như ông Tùng Lâm, một nghệ sĩ rất bình dân, ưa thả bộ từ trong xóm ra uống cà phê, ca sĩ Trang Thanh Lan luôn cười nói vui vẻ, cư xử với bà con lối xóm rất dễ thương, được tiếng là thương yêu gia đình. Hẻm này ăn sâu lên tận ngã ba chợ Cây Thị là khu lao động nghèo, dân lao động nghèo và dân giang hồ sống chung với nhau.

Xóm Gà có sân banh Lê Văn Duyệt ở đường Trung Dũng thuộc quận Gò Vấp, có đội Euquinol, Ngôi sao Gia Định đến tập dượt. Sau 1975, sân này đổi tên thành sân Trần Phú với nhiều tuyển thủ đến đá, như ông Nguyễn Kim Hằng đội Hải Quan.

Mỗi chiều, chú bé Đạt đợi nghe tiếng bạn bè rủ rê là nhập vào đám bạn ôm banh, len lỏi theo đường mòn trong xóm để ra sân banh, chọn một phần sân rồi chia phe nhau đá. Lớn lên mới đá nổi trên cả cái sân rộng nhưng cột gôn không có lưới. Sân này còn là sân thể thao thể dục của trường trung học Hồ Ngọc Cẩn (gần chợ Bà Chiểu, bây giờ là trường tiểu học Nguyễn Đình Chiểu).

Hồi đó các trận tranh giải giữa các trường trung học tổ chức ở đây. Sau năm 1986, sân bị “quy hoạch”, biến thành khu dân cư là cư xá Nguyên Hồng.

Sau 1975, anh Đạt đã thấy thi sĩ Bùi Giáng lang thang trong cư xá Thanh Bình 2 rồi đi lên chợ Cây Quéo, quần áo te tua và đã thể hiện đầu óc không bình thường, dù có người cho là ông giả bộ. Dù sao, ông còn để lại mấy câu thơ nhắc một chút đến khu xóm ông ở, trong tập thơ Như Sương:

Sài Gòn bất tận ngoại ô
Xóm Gà Bình Thạnh xóm mô Chuồng Bò
Ghé thăm Chuồng Ngựa quanh co
Chạy về thẳng tắp viếng chùa Già Lam.


Cạnh ngã tư Xóm Gà có tiệm mì của chú Thông từng là huấn luyện viên đội bóng Tổng cục Hóa chất sau 1975. Mì của tiệm chú bán khá ngon, khách ăn đa số là dân sống quanh ngã tư Xóm Gà, ra ngồi ăn hoặc mua tô hoành thánh về làm canh ăn với cơm.

Thỉnh thoảng Đạt được theo ba má ra ăn ở quán Trung Thành (ngay ngã ba đường Trần Quý Cáp và đường Nguyễn Văn Học, nay là đường Nơ Trang Long) ngon có tiếng trước 1975. Quán còn có canh chua, cá kho tộ, cua lột lăn bột… các món miền Nam rặt, ngon nhất là món cua rang muối, nhắc lại còn thèm.

Anh Đạt nhớ ngày xưa vào buổi tối thức học bài thường đói bụng, đạp xe ra mua ổ bánh mì patê chả lụa, hay sang hơn là chạy lên phía đường Nguyễn Văn Học (Nơ Trang Long bây giờ) làm tô mì Minh Sanh hay tô hủ tiếu bò viên, rồi một ly sâm bổ lượng. Bên Mỹ, khu anh ở không bán đồ ăn đêm.

Những đêm lạnh, anh thức dậy nấu tô mì gói Đại Hàn, nhớ ngày xưa vô cùng, nhất là khi về già thì càng nhớ về kỷ niệm. Quê hương đôi khi hiện ra dễ ợt trong đầu, chỉ bằng một món ăn hay một trò chơi tuổi nhỏ ở Xóm Gà là đủ.

nhuvan
Posts: 342
Joined: Sun Mar 27, 2016 8:29 pm

Re: Tìm nhau ngày tháng cũ.

Post by nhuvan »

Kỷ niệm xưa vang vọng về trường cũ
VŨ KIM ĐỨC

Image
Minh họa: Cong Le/Unsplash
Cuối năm 1972, tôi bị đuổi học vì vụ đánh lộn với một học sinh cùng trường trong sân trường Thánh Thomas. Đánh lộn vì một lý do đơn giản: bực mình một chàng công tử con nhà giàu, coi trời bằng vung. Đó là quí tử của tiệm vàng K.K chợ Ông Tạ, đi học hay mặc áo bốn túi như Tổng trưởng Dân vận Hoàng Đức Nhã, có chiếc khăn mùi xoa màu xanh xếp lẳng lơ trước ngực, hống hách, kiếm chuyện gây gổ vì ghen tương với Nguyễn Văn Lân, bạn cùng lớp của tôi. Ngứa mắt, tôi cho chàng công tử bột một quả đấm giữa mặt, chảy máu mũi. Tôi rời trường Thánh Thomas, trong lòng chỉ còn vài hình ảnh của người bạn nghèo Nguyễn Văn Lân và thầy Đặng Quang Hướng – ngày đó mới ra trường Sư phạm, dạy toán nổi tiếng và có tiếng đàn guitar classic điêu luyện. Tôi đổi về trường Lê Bảo Tịnh học lớp 11 B3 niên khóa 1972-1973.

Trường Lê Bảo Tịnh nằm trong con hẻm khá rộng cạnh trường Tiểu học Trương Minh Giảng. Sân trường có cây bã đậu lá xanh, hoa đực màu đỏ, hoa cái màu tím đẹp mắt, với những trái màu vàng khi chín tách ra có những hột nho nhỏ như đậu xanh bên trong. Có cây phượng vĩ giữa trường, mỗi năm đến hè nở từng chùm hoa đỏ ối, rực rỡ như mặt trời… Từ cổng chính đi vào, phía bên trái có một căng-tin bán ô mai, bánh kẹo, trái cây, nước giải khát, cho học trò. Giờ ra chơi, một rừng nữ sinh áo trắng vây quanh đó, vừa cười giỡn, vừa xuýt xoa với những trái cóc, xoài, me ngâm cam thảo chấm muối ớt. Đặc biệt có món bánh mì gà làm từ thịt gà hộp của quân đội Mỹ được trét chút bơ kèm theo mấy cọng ngò và hành lá xanh ngắt ,rắc chút tiêu đen, bây giờ nhớ lại vẫn thèm nhỏ dãi. Phía bên phải trường là văn phòng hiệu trưởng của cha Phan Du Vịnh và cha Vũ Anh Thuấn, nơi có tấm bảng niêm yết danh sách học sinh ưu tú. Trên đó tháng nào cũng có tên của Hăng-rô lớp 12 B1, thằng bạn thân thuở mới lớn, học trên tôi một lớp.

Ngôi trường ấy còn có ông Lương gác cổng và cô con gái nhỏ xinh xinh. Nhiệm vụ của ông là mở và đóng cánh cửa sắt cho học trò ra vô mỗi ngày. Giờ nhập học, sau mười lăm phút “ban ơn” cho những đứa đến trễ, cái cổng uy nghiêm đó sẽ được đóng chặt. Có lần ngủ quên, tôi đến trễ hơn hai mươi phút, may mắn sao vẫn được ông mở cửa cho vô. Có lẽ nhờ bản mặt “dễ thương” của tôi chăng? Hôm đó tôi chạy như bay vô lớp, quá giờ điểm danh, mọi người đã đọc xong “Lời Tâm Niệm”. Thầy Đạo nhìn tôi với ánh mắt khó chịu làm thằng học trò này “quê một cục” với mấy đứa con gái cùng lớp.

Lớp 11 B3 niên khóa năm đó có các thầy Phan Văn Sự, thầy Bàng Bá Lân dạy Việt văn, thầy Nguyễn Hữu Quyền dạy Anh văn theo giáo trình English for Today, thầy Võ Văn Thơm dạy Pháp văn, thầy Ngô Duy Chính dạy Sử Địa, thầy Trần Đạo dạy Toán. Bao năm đã trôi qua, tôi vẫn còn nhớ như in những kỷ niệm với các thầy:

Đối với tôi, vì bẩm sinh thích văn chương nghệ thuật nên thầy Sự rất ưu ái. Những kỳ thi Đệ nhất và Đệ nhị lục cá nguyệt, bài luận văn của tôi luôn luôn đứng nhất lớp. Có một lần thầy ra đề “miêu tả một đêm ở vùng ngoại ô”. Tôi làm bài diễn tả cảnh khuya đèn vàng hiu hắt, tiếng ru con buồn man mác trong đêm, rồi không hiểu sao tôi nổi máu tiếu lâm, thòng thêm câu “Ngồi buồn gãi háng…lăn tăn” của chí sĩ Trần Văn Hương. Thầy Sự cười mím chi, bắt tôi đọc bài cho cả lớp nghe. Lũ nam sinh cười muốn bể bụng, còn đám nữ sinh đỏ mặt, nguýt ngoáy cái thằng “cà giựt”. Thầy hồi đó còn trẻ, hâm mộ Marilyn Monroe nên hay kể về phim “River of no return” với cảnh Marilyn Monroe ôm đàn, ngồi bên bờ sông hát bài hát cùng tên, giọng kể đầy cảm xúc.

Đôi lần thầy Bàng Bá Lân với mái tóc đen mướt có giờ dạy thế ở lớp chúng tôi. Cách dạy của thầy cũng khác, thầy say mê nói về thơ mới với Xuân Diệu, Anh Thơ, Huy Cận v.v.. Nhớ lần mấy thằng tôi đến thăm nhà thầy ở gần Bộ Tổng Tham Mưu, được thầy tặng cuốn Thơ Bàng Bá Lân và dẫn giải cách chụp ảnh sao cho có nghệ thuật. Cách ứng xử của thầy làm tôi có cảm tưởng rằng thầy như một kẻ sĩ sinh bất phùng thời ngày xa xưa còn sót lại.

Thầy Nguyễn Hữu Quyền thì dạy Anh văn với giọng nói đúng chuẩn Anh, hay bắt học trò học thuộc lòng từng đoạn Anh ngữ trong cuốn English for Today và khi lên trả bài phải đứng cạnh bàn của thầy đọc cho đúng giọng. Có lần thằng bạn T.A.Dzư lên trả bài mà không thuộc, bị thầy nổi giận mắng: “Tên anh là Dzư mà không dư, lúc nào cũng thiếu thốn chữ nghĩa!”. Thầy tuy khó tính nhưng rất thương học trò.

Thầy Võ Văn Thơm dạy Pháp văn thì kiên nhẫn dạy dỗ theo đúng lương tâm chức nghiệp. Thầy luôn nhắc nhở học trò cách chia động từ sao cho đúng văn phạm, nói sao cho đúng giọng Parisien cho Tây nó phục. Thầy nói tiếng Tây giòn như “lặt rau muống “.

Thầy Ngô Duy Chính dạy Sử Địa có kiến thức sâu rộng về lịch sử Việt Nam lẫn thế giới và vẽ bản đồ các nước dễ như trở bàn tay. Thầy gợi mở lòng yêu nước của cả lớp với những bài giảng hào hứng về các trận Bạch Đằng giang của Ngô Quyền, trận Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn bắt sống Ô Mã Nhi, trận đại phá quân Thanh của vua Quang Trung… Thầy dẫn giải sinh động làm cho cả lớp có cảm tưởng mình đang đứng giữa các cuộc chiến sặc mùi thuốc súng, vang tiếng đại bác xen lẫn tiếng voi gầm, ngựa hí…

Trong lớp, tôi thân nhất với Tôn Thất Tú. Tú và gia đình dọn vào Sài Gòn sau biến cố Tết Mậu Thân, nhà trong hẻm Trần Quang Diệu. Mạ Tú có gánh bún bò Huế nổi tiếng. Mỗi lần tôi đến chơi với Tú, bà đều cho một tô bún bò nóng hổi, cay chảy nước mắt nhưng ngon tuyệt cú mèo. Bạn lớp tôi còn có: Trang cao lớn với nốt ruồi trên má, nhà ở đầu đường Trương Minh Ký; Nguyễn Minh Nguyệt có nhà là tiệm thuốc tây Minh Nguyệt đường Trương Minh Giảng; Uông Tiến Thịnh nhà ở cạnh đường rày xe lửa số Sáu, đá bóng số một; Vũ Kim Chi có cặp mắt đẹp, nhà ngay gần trường học; Ngọc Bích tính tình phong cách rất tự nhiên, nhà biệt thự phía sau viện đại học Vạn Hạnh; Tâm với nét đẹp lai hai dòng máu Pháp-Việt, ngày cuối tuần hay mặc áo đầm khoe đôi chân dài, nhà ở hẻm chợ Vườn Xoài; Nguyễn Văn Đắc chững chạc, đẹp trai, mới chuyển về Sài Gòn từ Ban Mê Thuột. Đặc biệt trong lớp có nàng Lan còn được gọi là “Lan đầu dồ” vì cái trán cao bướng bỉnh, rất xinh xắn mi-nhon, nhà ở đường Trương Tấn Bửu. Khi đi học, Lan luôn gài băng-đô trên tóc với tà áo dài trắng lướt nhẹ, nhìn dễ thương tựa bức tranh nữ sinh trên tờ “Tuổi Ngọc” của Duyên Anh, làm nhiều anh chàng trong trường ngơ ngẩn.

Ngoài ra lớp tôi còn có Nguyễn Văn Nhiều với gương mặt buồn buồn, nhà ở xóm Cá, gần đường rày xe lửa số Sáu, hàng xóm của nhà văn Nhật Tiến. Giữa niên khóa, Nhiều đổi về Trường Nguyễn Thượng Hiền, sau đó xếp bút nghiên theo việc đao cung vì lệnh đôn quân. Sau đó, Nhiều đã nằm xuống chiến trường để lại bao ngậm ngùi cho các bạn cùng lớp. Kỷ niệm đáng nhớ của lớp 11B 3 còn là khi tôi làm Trưởng ban Báo chí, tham dự cuộc thi văn nghệ cuối năm 1973 thì lớp tôi đoạt giải nhất toàn trường với bài hợp ca Con đường cái quan và đơn ca Bao giờ biết tương tư qua tiếng hát Minh Nguyệt với Tôn Thất Tú đệm đàn. Chuyện văn nghệ của lớp cũng làm nở hoa vài mối tình học trò ngây thơ giữa Tú và Nguyệt, Tâm và Đắc… Riêng tôi hồi đó lại bị một nữ sinh duyên dáng bên trường Trưng Vương hớp hồn, lấy mất trái tim.

Bây giờ, đã bao năm trôi qua, tôi vẫn nhớ quá tiếng cười, giọng nói của đám bạn bè ngày ấy trong sân trường. Tôi cũng luôn tưởng nhớ quý thầy, quý cha vừa là thầy dạy dỗ kiến thức, vừa là cha mẹ rèn luyện cho chúng tôi nên người hữu dụng ngoài đời. Thời Việt Nam Cộng Hòa có nhiều tình nghĩa thầy trò cảm động rơi nước mắt, trên kính dưới nhường, thầy ra thầy, trò ra trò. Nhắm mắt lại, tôi vẫn như thấy trước mắt mình sân trường Lê Bảo Tịnh, khi tiếng chuông tan học vang lên, lũ nam sinh chạy huỳnh huỵch xuống cầu thang nhộp nhịp, còn các nữ sinh xinh như mộng cười khúc khích, vuốt lại mái tóc, sửa lại tà áo, nhẹ nhàng bước ra cổng trường rồi sau đó tỏa ra mọi nẻo đường như đàn bướm trắng tung bay… Đó là khi phố phường bừng lên trong nắng, đẹp như một câu thơ: Chiều nay bướm trắng ra nhiều quá, không biết chiều mưa hay nắng đây?

User avatar
khieulong
Posts: 6756
Joined: Wed Dec 01, 2004 9:09 pm
Been thanked: 1 time

Re:

Post by khieulong »

ngayngo wrote:
Tue Mar 02, 2010 6:29 pm
Image

Qua mùa hoa tết

Những nỗi buồn đôi lúc rất mênh mông
Như thành phố chợt mưa chợt nắng
Như em bỗng chợt đi về ngõ khác
Như mùa về không đợi gió mang tin.

Như tay nắm chạm bàn tay đã tết
Như môi hồng đang lách cách hạt dưa
Như tường rêu một buổi sáng trở mình
Xanh biếc cả lòng anh lạ lẫm.

Như chân níu từng viên sỏi nhỏ
Trước nhà ai mới lạ đã thành quen
Như hân hoan làm phố chợt rộn ràng
Như hạnh phúc đôi khi là gặp gỡ.

Để đi qua những mùa hoa tết đó
Ta rất cần thương nhớ để còn nhau.


Khuê Việt Trường

User avatar
khieulong
Posts: 6756
Joined: Wed Dec 01, 2004 9:09 pm
Been thanked: 1 time

Re:

Post by khieulong »

macco wrote:
Thu Apr 07, 2016 7:35 pm
Image

Ly cà phê muối có hương vị ngọt ngào
Nếu có ai hỏi cô cà phê muối có hương vị thế nào, cô sẽ không ngần ngại cho họ biết, là ngọt, rất ngọt!

Anh và cô tình cờ gặp nhau trong một bữa tiệc. Có rất nhiều chàng trai theo đuổi người con gái xuất sắc như cô, mà anh thì bình thường như thế, chẳng ai thèm chú ý đến chàng trai như anh.

Khi bữa tiệc kết thúc, anh hẹn cô cùng uống với anh một ly cà phê. Tuy hết sức ngạc nhiên nhưng cô vẫn nhận lời, theo phép lịch sự.


Bọn họ đến một quán cà phê bài trí khá thanh nhã. Anh hồi hộp đến mức chẳng nói nên lời. Còn cô thì cảm thấy không thỏa mái chút nào. Cô thầm nghĩ: "Mau cho tôi về nhà đi!"

Đang ngồi lặng lẽ, anh bỗng nhiên gọi người phục vụ: "Có thể cho tôi chút muối không? Tôi muốn thêm muối vào cà phê."

Tất cả mọi người đều quay sang nhìn anh. Con người này kỳ lạ thật đấy! Anh đỏ mặt nhận hũ muối từ người phục vụ rồi pha cà phê theo kiểu chẳng giống ai, sau đó bình thản nhâm nhi từng ngụm.

Cô tò mò hỏi anh: "Vì sao anh lại có thói quen này?"

Anh từ tốn trả lời: "Từ nhỏ tôi đã lớn lên gần biển. Tôi thích chơi đùa trên bãi biễn, vì như thế có thể cảm nhận được vị mặn của biển. Giờ không được sống gần biển nữa, nên mỗi khi uống cà phê mặn, tôi sẽ nhớ về thời thơ ấu, nhớ đến quê hương của tôi. Tôi rất nhớ quê hương, nhớ cha mẹ mình ở đó."

Cô đã bị đôi mắt long lanh của anh làm cho cảm động mất rồi. Cô cảm nhận được tình cảm chân thành xuất phát từ trái tim của anh. Một người đàn ông có thể thoải mái nói ra nỗi nhớ quê của mình nhất định là một người biết yêu thương, chăm sóc và có trách nhiệm với gia đình.

Sau đó, cô cũng bắt đầu kể với anh về thời niên thiếu, về gia đình của cô ở quê. Cuộc nói chuyện của họ diễn ra hết sức vui vẻ, và cũng là khởi đầu đẹp đẽ cho một câu chuyện tình.

Bọn họ tiếp tục gặp gỡ. Cô phát hiện ra anh là một người đàn ông tốt về mọi mặt, phù hợp với những yêu cầu khắt khe của cô. Anh nhẫn nại, tốt bụng, nhiệt tình, tinh tế, vậy mà suýt chút nữa cô đã bỏ lỡ mất anh. May mà nhờ có ly cà phê muối!

Sau đó, câu chuyện đẹp như những gì chúng ta nghĩ, công chúa lấy hoàng tử, rồi họ sống bên nhau vô cùng hạnh phúc.

Mỗi khi pha cà phê cho anh, cô đều bỏ thêm một chút muối, cô biết anh thích như vậy.


40 năm sau, khi anh qua đời đã để lại cho cô một bức thư. Trong đó, anh viết rằng:

"Em thân yêu, mong em tha thứ cho anh, tha thứ cho lời nói dối anh đã giữ kín đến tận cuối đời. Đây là lời nói dối duy nhất mà anh từng nói với em - Cà phê muối.

Em còn nhớ lần đầu chúng ta hẹn hò không? Khi ấy anh quá căng thẳng, thật ra anh muốn xin thêm đường, nhưng lại nói nhầm thành muối.

Vì lời đã nói ra rồi rất khó thay đổi, thế nên anh đành... Anh không thể ngờ được rằng nó lại là khởi đầu cho tình yêu của chúng ta.

Rất nhiều lần anh muốn nói cho em biết sự thật, nhưng anh lại không dám, vì anh đã hứa sẽ không nói dối em bất kỳ điều gì...

Giờ anh phải ra đi rồi, còn điều gì đáng sợ hơn nữa đây? Bởi vậy, anh sẽ nói cho em biết sự thật: Anh không thích uống cà phê mặn, vị của nó kỳ quái và khó uống vô cùng, thế nhưng cả đời anh lại luôn uống cà phê mặn do em pha.

Khi gặp được em, anh nguyện làm bất cứ việc gì vì em. Có em trong đời là hạnh phúc lớn nhất của anh. Nếu có thể sống lại lần nữa, anh vẫn muốn gặp gỡ và cùng em đi đến cuối đời, cho dù có phải uống cà phê muối thêm lần nữa."

Nước mắt cô thấm ướt lá thư. Thì ra hàng ngày anh vẫn luôn cố uống những cốc cà phê có muối mà cô pha, chỉ vì muốn làm cô vui.

Mãi sau này, cô vẫn luôn giữ thói quen pha cà phê muối, như một cách để nhớ về anh. Nhiều người tò mò hỏi cô: "Cà phê bỏ thêm muối thì có vị gì?"

Khi ấy, cô sẽ mỉm cười nói với họ rằng: "Vị ngọt."


Theo Phương Thảo

User avatar
khieulong
Posts: 6756
Joined: Wed Dec 01, 2004 9:09 pm
Been thanked: 1 time

Re:

Post by khieulong »

TuanAnh wrote:
Wed Mar 25, 2015 10:31 pm
Image

Unchained Melody Giai điệu Liêu Trai
Tác Giả : Sean Bảo
Em có ​nhớ​!

Khi chiếc ​cây kim chạm nhẹ lên đĩa nhạc LP 12-inch xoay tròn, chiếc bàn gỗ xoay, đưa khối đất sét mềm ướt được nhồi nặn bằng đôi tay của Demi Moore​ cao dần, và rồi từ sau Patrick Swayze choàng tới, âu yếm cùng uốn nắn mẩu đất sét nọ. Khối đất sét xoay tròn cố tạo nên một dáng bình hoa tình yêu hay một đời sống ấm êm. Ðời sống nhục thể trần thế được vun đắp bằng đất sét, nước, tay của đôi tình nhân và hơi thở dồn dập của khát khao cháy bỏng...Và nhạc vút lên sâu lắng nhẹ nhàng như đã đến từ lâu. Nhạc du dương vút cao và miên man trải dài theo nụ hôn đắm đuối, theo ngất ngây nồng nàn của tình yêu. Hình ảnh đôi trai gái trẻ đẹp gợi cảm. Và tiếng nhạc cứ vương vấn, đam mê đi vào từng thớ đất thô, đi vào từng rung động nhạy cảm nhất của lòng người. Unchained Melody - Giai điệu cởi trói những ràng buộc của đời thế tục và đi mãi vào cõi thiên thu, kể từ giây phút tuyệt vời ấy.

​Cuốn​ phim Ghost năm 1990 đã thực sự đem ca khúc Unchained Melody trở thành bất tử, như Love Story đã đưa Where Do I Begin?, như Titanic đã đưa My Heart Will Go On thành những ca khúc vượt thời gian. Nhiều yếu tố đã làm nên sự thành công của phim Ghost. Từ một Demi Moore xinh đẹp với mái tóc ngắn và giọng nói trầm khàn đam mê, từ một Patrick Swayze điển trai đầy biểu cảm nội tâm, đến một Whoopi Goldberg da đen bộ dạng đồng bóng nhập vai thật sống động, và cả ca khúc tuyệt vời Unchained Melody.

Trong lịch sử âm nhạc, đây là một trong những bài hát ghi âm nhiều nhất trong thế kỷ 20 với 500 phiên bản bằng hàng trăm thứ tiếng. Nhạc phẩm Unchained Melody ra mắt lần đầu tiên vào giữa thập niên 1950, ca khúc được đề cử cho giải Oscar 1955. Nhưng chỉ thật sự trở thành một ca khúc kinh điển qua tiếng hát tuyệt vời của song ca The Righteous Brothers. Một phiên bản lại hay hơn nguyên tác. Bởi chất giọng cao vút, làn hơi khoẻ đầy âm vực rộng và chất giọng biểu cảm cùng hòa âm nhẹ nhàng mà sâu lắng, The Righteous Brothers xứng đáng được mệnh danh là blue eyed soul khi thẩm nhập vào sở trường nhạc blue của người da màu, bằng lối hát ng​ẫ​u hứng tự tình.

Ðiều làm ca khúc sống mãi, chính là những lời yêu hồn hậu, những khát khao cháy bỏng và mượt mà nên thơ của Hy Zaret, trải bày miên man trên giai điệu chậm buồn da diết của Alex North:

Oh my love, my darling
I’ve hungered for your touch
A long lonely time,
And time goes by so slowly
And time can do so much,
Are you still mine?

I need your love
God speed your love to me.
Lonely rivers flow
To the sea, to the sea

To the open arms of the sea
Lonely rivers sigh
Wait for me, wait for me
I’ll be coming home, wait for me!

Ôi tình em hởi, anh dấu yêu
Em khát khao anh biết bao chiều
Thời gian đằng đẵng trôi thật chậm
Anh có còn là anh của em?

Em khát khao anh biết bao nhiêu
Xin nguyện cầu mang hạnh phúc nhiều
Như giòng sông nhỏ ra biển lớn
Xin hãy chờ em trọn kiếp yêu.

Em đã từng yêu mến tiếng hát trữ tình, buông lơi câu chữ của Khánh Hà, khi đắm say đem ca khúc Unchained Melody vào dòng nhạc Việt: Anh dấu yêu! Em ước mơ trong vòng tay anh ấp ôm…

Triết lý về ​​cái chết và lẽ sống, thiên đàng và địa ngục, nhân quả và lương duyên, những linh hồn lành được siêu thoát và những linh hồn xấu mãi vất vưởng đọa đày…Phim Ghost đã xóa nhòa biên giới của Ðông – Tây, của thế giới hiện đại hôm nay và những câu chuyện liêu trai cổ điển xa xưa. Vượt trên tất cả câu chuyện tình quyến rũ nọ là một tình yêu bất tử. Tình yêu cao cả đã xóa nhòa mọi giới hạn tử sinh, mọi cách trở âm dương, mọi khát khao hệ lụy. Ðể cuối cùng tình yêu hướng thượng như vệt sáng từ trên cao rọi xuống chói lòa, ánh sáng trắng bao trùm lấy khuôn mặt nhạt nhòa của hồn oan Patrick Swayze, và nụ hôn cuối cùng âm dương tạ từ để đưa tiễn chàng siêu thoát vĩnh viễn. Bóng chàng mờ dần trong ánh sáng thiên đường, như ngọn khói bay lên trời đầy hào quang linh thánh. Sống rạo rực và chết như khói bay lên trời*.

Cái chết luôn song hành với sự sống, như bóng tối và ánh sáng. Con người ở mọi thời đại và khắp chốn đều linh cảm được sự tạm bợ của đời sống và vĩnh hằng của cái chết. Sống gởi thác về. The ​Righteous Brothers hát và nhớ. Nhớ Patrick Swayze​, Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?(Vũ Ðình Liên)

Có lẽ những linh hồn ấy đã ngập trong ánh sáng trắng ngần từ trên cao vời vợi, vĩnh hằng nơi chốn vô ưu và bất tử như Unchained Melody – Giai điệu liêu trai giải thoát và bất tử theo tháng năm.

​SB
*Một thời để yêu và một thời để chết (Erich Maria Remarque)

User avatar
khieulong
Posts: 6756
Joined: Wed Dec 01, 2004 9:09 pm
Been thanked: 1 time

Re:

Post by khieulong »

khieulong wrote:
Sun Aug 28, 2011 5:31 am
Image

Phải chi hôm ấy đừng mưa...

Mỗi lần có mưa, em lại thích tôi đèo em bằng xe đạp đi ngắm phố mưa. Em bảo: “Lúc đó chỉ có tôi với em và mưa. Mưa buồn nhưng rất đẹp. Hạt mưa trong suốt và thánh thiện”.

Tôi quen em ngay năm đầu tiên của giảng đường đại học. Em học cùng lớp với tôi. Tuy học cùng khóa nhưng tôi hơn em ba tuổi. Tôi từng trải qua hai năm đời lính rồi mới vào đại học. Năm đầu thi trượt tôi quyết định đi lính. Đời lính đã rèn luyện cho tôi lòng kiên nhẫn và sức chịu đựng nhưng trước em tôi đã gục ngã.

Một lần vô tình bánh trước chiếc xe đạp cũ của tôi đụng phải gót chân em làm em ngã bẩn bộ váy mới. Em không ngần ngại đáp trả một câu làm tôi hơi chạnh lòng.

-Mù à. Đồ nhà quê.

Đúng. Tôi là nhà quê. Nhà quê một trăm phần trăm. Nhưng có sao đâu, không có những đồ nhà quê thì cơm gạo đâu cho em lớn như hôm nay.

Tôi chỉ cười thầm trách mình vô ý và xin lỗi em.

Một lần khác, khi tôi lếch thếch đạp chiếc xe đạp về nhà, vừa ra khỏi cổng trường thì cơn mưa ập đến, cơn mưa mùa hè bất chợt làm mọi người không tránh kịp. Mọi người vội vàng trên đường tìm cho mình chỗ trú. Mưa tạo thành từng dòng nhỏ cuốn trôi những chiếc lá khô hai bên lề đường. Không cần áo mưa, tôi đầu trần đạp xe thư thả trên đường. Cảm giác lúc đó thật thoải mái. Cơn mưa mùa hè làm dịu mát đi cái không khí nóng nực quen thuộc. Và trên con đường lớn chỉ có mình tôi với mưa, mưa xiên chéo vào mặt mát lạnh. Thi thoảng có vài chiếc xe máy rồ ga lướt qua một cách vội vàng.

Khi đi qua điểm đỗ xe bus cạnh trường, tôi bắt gặp một hình ảnh rất đẹp và hình ảnh đó mãi còn in dấu trong trí óc tôi. Em như con chim non nghịch nước vừa tắm xong. Toàn thân em khẽ run lên, bộ quần áo trắng bị mưa dính ướt bó sát vào người.

Thì ra hôm nay xe hỏng, em phải đi xe bus và do trời mưa nên em phải đợi xe dưới mưa. Tôi dừng xe và tỏ ý muốn đưa em về. Không một chút e thẹn em nói.

-Anh nhà quê. Có thể cho em đi nhờ một đoạn chứ.

Câu hỏi của em hơn là một mệnh lệnh và tôi cảm thấy hạnh phúc khi được đưa em về một đoạn đường. Lần đầu tiên, tôi cảm nhận được hơi thở của em ngay rất gần, rất gần, hơi thở ấm áp. Suốt đoạn đường không ai nói với ai câu gì. Tôi lúng túng không biết nói gì với em. Còn em thì giang hai tay ra tinh nghịch hứng mưa.

Khi qua ngôi nhà nhỏ nhưng rất đẹp đầu phố Hùng Vương, tôi dừng lại cho em xuống và đó là nhà em. Ngôi nhà nhỏ nằm giữa những giàn ti gôn rất đẹp. Những cánh hoa đỏ tươi rung rinh dưới mưa mùa hè trông như những nụ cười xinh xắn. Em bước vào và ném lại cho tôi ánh mắt biết nói. Tôi quay về với một tâm trạng rạo rực khó quên.

Sau lần đó, tôi với em gặp nhau nhiều hơn. Không chỉ trên lớp mà mỗi chiều thứ bảy tôi lại rủ em đi chơi. Hai món em thích nhất là kem Tràng Tiền và bánh tôm Hồ Tây. Mỗi lần có mưa em lại thích tôi đèo em bằng xe đạp đi ngắm phố mưa. Em bảo:

Lúc đó chỉ có tôi với em và mưa. Mưa buồn nhưng rất đẹp. Hạt mưa trong suốt và thánh thiện.

Tôi yêu em bởi cá tính và tâm hồn, em yêu tôi ở lòng chân thành và sự chịu đựng. Vào sinh nhật lần thứ mười tám của em, tôi đã ngỏ lời và em đồng ý. Tình yêu của tôi và em bắt đầu từ đó.

Cảm ơn cơn mưa đã đem em đến với đời tôi.

Câu chuyện này cách đây đã ba năm rồi. Giờ đây tình yêu và cơn mưa xưa đã không còn, chỉ còn trong tôi nỗi đau day dứt. Em đi du học ở Đức và từ ấy tôi bặt tin em. Em đi không nói với tôi một lời, lý do gì khiến em làm như thế. Có lẽ tôi là “anh nhà quê nghèo hèn” còn em là “cô nàng thành thị giàu sang”.

Phải chăng “tình yêu như cơn mưa dông bất chợt đến bất chợt đi”, nhưng những giọt mưa xưa đã thấm ướt trái tim tôi. Bây giờ tôi chỉ ước:

“Phải chi hôm ấy đừng mưa
Phải chi hôm ấy đừng đưa em về”.

Em vẫn bảo mưa buồn và đẹp. Giờ chỉ còn anh với mưa.

Lê Ngọc

nhuvan
Posts: 342
Joined: Sun Mar 27, 2016 8:29 pm

Re: Tìm nhau ngày tháng cũ.

Post by nhuvan »

Trường Xưa
MINH PHÚ LÊ TÂN

Tôi bước chân vào Trường Trung Học Hồ Ngọc Cẩn niên khoá 1959-60 do sự may mắn. Hú hồn. Trong kỳ thi tuyển vào lớp đệ thất của trường, tôi làm trật nửa bài toán. Ba tôi giận lắm, chắc mẽm là tôi phài đi học trường tư. Chiều nào ổng cũng làm vài xị đế rồi bắt đầu chê bai, mắng chửi vì tôi làm ổng quê với hàng xóm. Tại trước đó ổng đi khoe rùm beng là tôi lảnh thưởng danh dự cuối năm lớp nhất, thế nào cũng đậu vô trường công mà sẽ đậu hạng cao mới chết cái thằng nhỏ này. Má tôi thì an ủi: “Thôi con đừng buồn, học tài thi phận mà. Năm sau thi lại ráng đậu nhe con.”Bả cũng cầm chắc là tôi thi rớt rồi. Rầu thúi ruột mấy tuần liền.

Kỳ thi tuyển vào lớp đệ thất trường công được tổ chức cùng một ngày trên khắp các trường ở Sài Gòn-Gia Định nên tôi không dấu được khi con nít trong xóm léo nhéo là đã có kết quả kỳ thi. Tôi chẳng thèm đi coi làm chi cho mệt, ai hỏi thì tôi trả lời cộc lốc: “Làm bài trật, rớt rồi”, giọng quạu đeo cho thiên hạ để tôi yên. Đến trưa hôm đó thì người bạn trong xóm học cùng trường khác lớp chạy vô nhà tôi la lớn: “Lý ơi, mình đậu rồi!” Tôi thì không tin dù thấy khoái trong bụng. Ba Má tôi thì bán tín bán nghi, hỏi gặng bạn tôi.
“Dạ, con hổng dám nói giỡn đâu. Thiệt mà, con thấy tên của tụi con thiệt mà.”

Tôi quả có thấy tên của hai đứa trong danh sách đánh máy dán trên bảng thông cáo của trường, nhưng mà tụi tôi nằm trong danh sách đậu dự khuyết. Lần đầu tiên mới thấy cái kiểu đậu dự khuyết, tôi thắc mắc hỏi bạn thì đâu đó trong đám đông có tiếng trả lời, ra vẻ ta đây: “Thì là đậu vớt, chừng nào vô học mà còn dư chỗ thì kêu thêm mấy đứa đậu vớt. Năm ăn năm thua.” Tôi như cái bong bóng chưa kịp bơm mà đã xẹp. Đứng lóng nhóng thì thấy trong văn phòng có người đi ra, tôi nghe có tiếng hỏi thắc mắc chuyện đậu dự khuyết thì được trả lời: “Các em về chờ đi. Tuần sau chia danh sách lớp có không thì biết liền.” Tôi tiu nghỉu về nhà cho hay, Ba tôi nói mĩa mai: “Giỏi dữ,” rồi nốc cạn ly rượu đế trên tay. Thêm một tuần bị mắng nhiếc, bị cấm đi chơi.

Qua tuần sau tôi hồi hộp trở lại trường xem thông cáo. Dò cho tới lớp Đệ Thất A5 thì thấy tên mình, tôi mừng quýnh bụng đánh lô tô. Đời đang màu xám đổi sang màu hồng cái rụp. Bạn tôi cũng vậy. Hai đứa vô học cùng lớp. Trời thương người hiền, đở khổ đở khổ. Trên đường về hai đứa ghé vô xe nước mía trước cửa rạp hát Cao Đồng Hưng làm mỗi đứa một ly trả thù những ngày quê độ.

Thì ra năm đó tụi tôi hên. Trường Hồ Ngọc Cẩn mở thêm hai lớp đệ thất nằm phía bên trái cổng ra vào, sát dọc theo tường giáp Đường Lê Quang Định. Vì là tầng trệt sát đường nên lớp học không có cái cửa sổ nào, chỉ có một khoảng hở giữa vách tường với mái tôn xi măng thôi. Tụi tôi vừa nghe thầy cô giảng bài vừa nghe tiếng rao hàng đủ kiểu bên ngoài. Năm đó các lớp đệ thất lại học buổi chiều. Thêm cái màn nóng muốn chảy mỡ luôn. Rồi cũng xong.

Những ngày đầu đi học có nhiều bở ngỡ. Ở tiểu học quanh năm suốt tháng chỉ có một thầy; đằng này gì đâu mà ngồi chưa nóng đít, đang còn lui cui viết bài thì chuông reng, thầy xách cặp đi ra. Đang ngơ ngác thì thầy mới đi vô, cả lớp phải lật đật đứng lên chào. Rồi cái màn có lớp học một tiếng, có lớp học hai tiếng tùy theo hệ số. Có lớp thì lại học với cô. Học qua tháng đầu mới bớt bở ngỡ thì tới chuyện bút vấn. Nghe điếc con rái luôn, tôi chẳng hiểu là gì. “Các em xếp tập, xếp sách cất vô hộc bàn. Lấy một tờ giấy trắng ra làm bút vấn.” Chết rồi, đâu có dè lại có kiểu trả bài cả đám bất tử như vầy. Lần đầu làm bút vấn môn Anh văn, tôi lảnh hai cái trứng vịt tổ chảng vì đâu có biết trước mà học bài. Chỉ tính là năm thi hai lần lục cá nguyệt, ai dè...

Vô được đệ thất trường công rồi mà tôi vẫn còn bị mắng nhiếc vì cái tội đậu vớt. Lúc nộp đơn thi Ba tôi bắt tôi chọn sinh ngữ Pháp văn để ổng dạy thêm ở nhà. Đậu vớt thì được vô học là may rồi, tôi đâu dám hó hé xin đổi lớp. Té ra lớp A5 thì chữ A để chỉ môn sinh ngữ là Anh văn. Ba tôi giận lắm mà đành chịu. Tôi thì trong bụng lại mừng vì thoát được sự kềm kẹp của ổng. Tới chừng bị ăn hột vịt tôi mới hoảng hồn lo học, kiếm bạn học thêm. Kết quả sau kỳ thi đệ nhất lục cá nguyệt là tôi sụt hạng thê thảm so với năm lớp nhất. Khi nhận được học bạ ghi kết quả các môn học để đem về cho phụ huynh ký tên, tôi mới điếng hồn. Sau mấy đêm tính toán lợi hại, tôi giả chữ ký của Ba tôi đem nộp lại văn phòng. Cuối năm học lấy lại được phong độ thì tôi òn ỉ với Má tôi trước đề bả năn nỉ ông già. Tưởng là bị phạt nặng mà Ba tôi chỉ rầy sơ mà còn cười nữa. Sau này Má tôi kể là ổng tưởng tôi nhát gan, ai ngờ con ổng cũng giống ổng hồi nhỏ.

Nhớ lại những ngày trước khi nhập học cũng khác xa hồi tiểu học. Má tôi phải may sắm cho áo sơ mi trắng tay dài, quần tây dài màu xanh dương. Giao lại mấy cái áo cụt tay và quần sọt quai chéo qua vai cho thằng em tôi. Còn thêm cái màn phải may miếng vải thêu tên trường lên túi áo và gắn cái phù hiệu xanh vàng bằng kim loại lên ngực áo. Tôi đứng ngắm nghía trước kiếng, thấy mình oai ra phết. Tôi rất thích cái hình khắc trên phù hiệu: cung tên giương lên lồng trong quyền sách mở ra. Văn võ phải song toàn, tôi tự nhủ với mình như vậy.

Bảy năm trung học tôi mài đũng quần trên ghế của Trường Hồ Ngọc Cẩn, qua hết mấy dãy nhà và mấy tầng lầu. Sau năm đệ thất đậu vớt bị đì trong cái lớp nóng như lò bánh mì, tôi bắt đầu có thâm niên, leo lên lầu hai và lầu ba của dãy nhà lớn đứng bệ vệ thẳng góc với Đường Lê Quang Định. Trừ lúc bắt đầu vô lớp phải đi cho có trật tự và êm thắm sau lưng thầy cô và phải đi theo cái cầu thang ngay bên cạnh văn phòng, còn thì đa số tụi tôi thích chạy lên xuống cái cầu thang ở cuối dãy nhà. Vừa leo, vừa chạy, vừa dậm thình thình cho nó sướng cái giò và đả cái lỗ tai. Lâu lâu bị thầy giám thị bắt gặp, ổng vừa nhéo, vừa xoay, vừa xách cái lỗ tai lên cũng đả lắm.

Học quen rồi thì chỉ mong cho mau hết giờ để ra về. Bước vô lớp nào cũng vậy, trong tuần đầu tôi xem bóng mặt trời ở đâu qua cửa sổ hay cửa cái của lớp rồi làm dấu trong đầu khi nào gần tới giờ về. Dĩ nhiên là cái chỗ tôi đánh dấu đó có xê xích theo thời gian, lúc thì ngắn lại, lúc thì dài ra. Tôi có thắc mắc trong đầu mà không giải thích được cho tới năm đệ tam hay đệ nhị khi học về sự nghiêng trục của trái đất. Ai không thích môn Địa Lý chắc là bù trất chuyện này. Đố chơi quý bạn nhe: Khi nào thì Xuân Phân? Thế nào là Hạ Chí? Khi nào thì Thu Phân? Đông Chí nghĩa là gì? Ậy, những cái đó có dây mơ rể má với cái bóng mặt trời bên ngoài lớp học chớ bộ. Lâu lâu tôi bị tổ trác khi phải ở lại học thêm giờ thứ năm. Lúc đó thì hoặc là bị trưa đứng bóng (nếu học buổi sáng), hoặc bị trời sập tối (nếu học buổi chiều) làm tôi bó tay, cảm thấy cái giờ học thứ năm sao mà nó dài lê thê.

Thẳng góc với dãy lầu ba tầng ở phía cuối là Phòng Thí Nghiệm, cửa kiếng bao quanh nhìn vô hiện đại lắm. Năm khi mười họa mới được thầy cô dẫn vô đó một lần trước khi căn dặn đủ thứ. Đám học trò thì khoái nhưng chắc là thầy cô rầu lắm, chỉ sợ có đứa nào táy máy làm bể đồ thí nghiệm thì mệt.

Giữa Phòng Thí Nghiệm và dãy lầu ba tầng là lối đi nhỏ vô chỗ xả hơi. Toàn là con trai không nên cứ xè xè ở chốn lộ thiên vô cái máng xi măng dọc theo vách tường mà tôi nghe xầm xì là nhà tù ở phía bên kia. Lúc đó nghe tới nhà tù là cảm thấy cái gì ghê gớm lắm nên đa số nín thở đi tè, xong là vội vội vàng vàng đi ra.

Cuối Phòng Thí Nghiệm là một lối đi nhỏ khác vô chỗ hấp dẫn hơn: khu bán quà vặt. Trong giờ ra chơi chỗ này cũng ồn ào náo nhiệt lắm. Nhà nghèo nên lâu lâu tôi mới vô đây một lần, mua năm cắc nước đá bào xịt xi-rô là huy hoàng lắm. Đến năm đệ nhị, đệ nhất thì tôi mới vô thường hơn. Một phần vì được Má tôi cho tiền dằn túi nhiều hơn, một phần vì có bóng hồng. Một ông giám thị cho cô con gái cỡ tuổi tụi này ra phụ mẹ. Thế là cả đám bị dụ khị. Có mấy đứa cả gan đi theo kêu ổng bằng bố. Ổng làm bộ vung tay la lên ầm ĩ như đuổi tà nhưng miệng lại cười toe toét.

Từ khu bán quà vặt đi ra là vách tường ngăn chia Trường Hồ Ngọc Cẩn và Trường Tiểu học Nam Tỉnh Lỵ. Học sinh để xe đạp dọc theo vách tường này. Xe cũng khá đông nhưng tôi không nhớ là có cảnh chen lấn xô bồ xô bộn.

Khoảng trống còn lại giữa sân là nơi tập hợp chào cờ cho những lớp học buổi sáng. Đây là dịp để biết mặt các thầy cô không dạy lớp của mình. Sau tiếng chuông reng thì học sinh mỗi lớp đứng vô hàng hai, so hàng theo lệnh của giám thị và trưởng lớp thi hành. Rồi ban giáo sư từ trong văn phòng đi ra. Đó là lúc học sinh trong hàng xầm xì về thầy này dễ, cô kia khó. Cái đám học trò lớn thì thêm cái màn cô này mặc áo dài đẹp hơn cô kia...Sau khi các thầy cô đứng cạnh hàng đầu lớp của mình thì bắt đầu hát quốc ca và kéo cờ lên. Có một lúc tôi nhớ là một lớp được cử lên đứng hai hàng dọc phía bên trong cột cờ quay mặt ra sân để hát cho cả trường hát theo. Có lần tôi ở trong cái lớp bắt nhịp ấy và được giao nhiệm vụ kéo cờ. Tôi phải canh làm sao mà bài hát vừa dứt thì cờ cũng vừa tới đỉnh. Hảnh diện lắm chớ bộ.

Bảy năm trung học, bao nhiêu là kỷ niệm. Nhiều nhất là những kỷ niệm trong năm học cuối, niên khóa 1965-66. Tự nhiên năm đó tôi trở nên dạn dĩ và xông xáo. Một phần chắc là vì cảm thấy mình trở thành đàn anh với các lớp dưới, một phần vì thấy mình được ưu ái ngồi học ở một trong hai lớp mới xây không lâu của trường. Lớp Đệ Nhất B1 và B2 nằm ở dãy lầu băng ngang sân, bên dưới để trống cho học sinh ra vào cổng. Bắt đầu năm học, tôi tự mua phấn và đồ chùi bảng đem vô lớp. Đầu buổi học và mỗi đầu giờ tôi tự động lên lau bảng, coi đó là một cách mời thầy cô vô lớp của mình. Chuyện tôi làm được các bạn trong lớp để ý nên họ bầu tôi làm trưởng lớp luôn. Thế là tôi càng hăng hái hơn. Tết năm ấy hai lớp đệ nhất hợp lại tổ chức Mừng Xuân Bính Ngọ rất xôm tụ. Tụi này mời được Thầy Hiệu Trưởng và các giáo sư dạy lớp đệ nhất tham dự mà quý bạn đã thấy hình lúc này hay lúc khác. Rồi thì còn một chuyện đặc biệt nữa mà tôi muốn dành riêng trong một bài khác.

Trường xưa bây giờ chỉ còn trong ký ức, cái tên Trường Hồ Ngọc Cẩn cũng mất luôn. Âu cũng là số mạng của trường. Tôi nhớ lại gần cuối năm 1963, đám học trò tụi này đã hăm he đòi đổi tên trường. Những ngày tháng bừng bừng khí thế Cách Mạng ngày 1 tháng 11 mà lỵ. Trước Cách Mạng thì trường êm re tuy không khí có phần ngột ngạt vì tin tức học sinh và sinh viên biểu tình rầm rộ nhiều nơi. Lúc ấy đang sôi sục chuyện Phật giáo bị đàn áp. Sau ngày 1- 11 thì tưởng là trường trở lại bình thường, không dè lại có một số nhen nhúm chuyện đổi tên trường để gọi là ủng hộ tinh thần cách mạng.

Một buổi sáng tôi tới trường, vừa xuống xe đạp dắt vô cổng thì thấy lố nhố học sinh đứng đầy ngoài sân, một số không chịu dựng xe đạp vô tường. Đâu đó tôi nghe xầm xì “Bãi khóa, Bãi khóa tụi bây ơi”. Nhìn quanh không thấy mặt thầy giám thị nào nên tiếng kêu bãi khóa càng lúc càng lớn và học sinh đứng càng lúc càng đông. Mặt mũi đứa thì ngơ ngác, đứa thì vung tay la hét. Cổng trường mở tang hoác sau giờ vô lớp luôn. Ồn ào một lúc như vậy thì một chiếc xe nhà binh chạy vô cổng. Thế là cả đám rộ lên hoan hô cách mạng thành công, vẩy tay chào mấy ông lính trên xe và ùa tới leo lên bắt tay, bá vai bá cổ. Rồi đâu đó có tiếng hô: “Phải đổi tên trường. Nguyễn Tường Tam! Nguyễn Tường Tam!” Cả đám hùa theo trong khi mấy ông lính đứng cười khoái chí. Nguyễn Tường Tam là tên của nhà văn Nhất Linh. Nghe nói Ông theo Quốc Dân Đảng. Ông tự tử trước ngày 1- 11 để phàn đối chuyện chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo, tôi nghe như vậy.

Được dịp nghỉ học ai mà không khoái. Tôi hùa vô cái đám đòi bãi khóa, đổi tên trường cho vui. Rồi lại có tiếng hô hào: “Qua Lê văn Duyệt tụi bây ơi! Qua Lê văn Duyệt! Qua Lê văn Duyệt!” và cả đám nhao nhao theo. Nghe tới qua trường con gái thì mặt mày đứa nào cũng sáng rỡ, hăm hở nhảy lên xe nhà binh. Trong số đó có tôi. Mấy ông lính cũng chìu tụi này, chở cả đám qua trường Lê văn Duyệt. Xe chạy từ Trường Hồ Ngọc Cẩn ra khỏi cổng là tụi tôi la hét, vổ vào hông xe ồn ào hết mức. Nhớ lại vẫn còn thấy vui. Tụi này qua đó quậy một hồi mà không thấy đám con gái ra hưởng ứng nên xìu xuống tan hàng.

Mấy ngày sau thì cả đám học buổi sáng lại nghỉ học nữa. Lần này thì bị lùa đi hàng một từ trường ra, quẹo phải dọc theo Đường Lê Quang Định rồi quẹo phải qua trước cửa Trường Nam Tỉnh Lỵ, lên một khúc thì quẹo vô Dinh Tỉnh Trưởng Gia Định. Oai dễ sợ, được Ông Đại tá Tỉnh Trưởng Huỳnh văn Tồn mời nghe thuyết trình! Tôi vô ngồi trong hội trường là thấy khớp rồi, lùng bùng lỗ tai nghe tiếng được tiếng mất. Đại khái là ổng biểu về lo học giúp nước, chuyện chính trị để người lớn lo, Tôi còn nhớ cái đầu của Ông Đại tá cạo trọc bóng lưỡng trông rất là hợp thời thế.

Chuyện đòi đổi tên trường râm rang được mấy tháng thì xìu xuống theo cái tinh thần cách mạng bị chỉnh lý lên chỉnh lý xuống ngoài Sài Gòn. Trường Hồ Ngọc Cẩn giữ tên cũ nhưng Thầy Hiệu Trưởng cũ đổi đi chỗ khác. Vật đổi sao dời...

MINH PHÚ LÊ TÂN
Tháng Ba 2016

User avatar
saohom
Posts: 2212
Joined: Wed Aug 26, 2009 11:30 pm

Re: Tìm nhau ngày tháng cũ.

Post by saohom »

Image

Những đêm Saigon
Nguyễn Trường Trung Huy
29 tháng 8, 2021

Có bao giờ bạn đọc một đoản văn/ tùy bút mà cảm thấy rưng rưng và muốn khóc?
Có bao giờ bạn cảm thấy yêu một thành phố như yêu một người tình?
Có bao giờ bạn lắng nghe tiếng im của một thành phố?

NHỮNG ĐÊM SAIGON – lần đầu xuất hiện trên tạp chí Trẻ với phần hình ảnh phơi sáng rất ấn tượng của nhiếp ảnh gia Mạnh Đan (sau in lại trong Căn nhà vùng nước mặn, An Tiêm xb 1966, tr.145-162) là một tùy bút khiến bạn trả lời “có” cho những câu hỏi trên.

Sài Gòn 2021 – thành phố đang đau nặng, chưa bao giờ Sài Gòn lại vắng lặng đến thế! Chưa bao giờ “Sài Gòn không buổi tối” kinh hoàng đến thế! Trong không khí nghẹt thở và thảm thương này, đọc lại những gì về Sài Gòn cũng khiến lòng dạ ray rứt, nhất là lại đọc Mai Thảo…

Với ngòi bút đặc sắc và những quan sát tỉ mỉ của mình, Mai Thảo dựng nên một đêm Sài Gòn thật tráng lệ và sinh động, một Sài Gòn tình cảm và nồng hậu. Đủ để bất cứ ai đọc cũng sẽ nhớ về một phút giây nào đó của mình trong vòng tay Sài Gòn đêm, hay ít ra, cũng nhớ về một chút Sài Gòn yêu mến.

Khác với hình ảnh “Sài Gòn là thành phố của những bước chạy theo ngày” của nhà văn Bửu Ý; Sài Gòn của Mai Thảo là những đêm xuống phố lúc hai giờ sáng… để nghe, để thấy và viết lại… về những im lặng Sài Gòn đang mang trong lòng, “dữ dội” mà cũng rất dịu dàng… Đó là những lời im lặng… đa ngôn; im lặng để lắng nghe, im lặng để nhìn lại… Cũng như Duyên Anh từng viết về Sài Gòn: “Hãy thinh không nhé, hãy trùng khơi/ Hãy im lặng đến thời lên tiếng/ Vì tiếng em cao vọng tuyệt vời”

Đêm Sài Gòn của Mai Thảo “ánh lên một nét đẹp khác, hoang đường và thần thoại. Tất cả tạo thành một vũ trụ yên lặng, cái mà tôi gọi là “những sự thật yên lặng” của Sài Gòn. Chúng gợi cảm. Chúng nói lên.”

Đêm Sài Gòn của Mai Thảo “mở ra, thư thái, trong sạch, nguyên khối, rất xa rất khác với cái phần ngày vừa qua của nó”

Đêm Sài Gòn của Mai Thảo “như một bàn tay dịu hiền đặt trên một vùng trán lửa”

Đêm Sài Gòn của Mai Thảo có những “người áo ngắn là những vị hoàng đế làm chủ cả thành phố”: “Có những thằng bán kẹo vừa câm vừa điếc và gã coi xe đọc thơ lục bát trước vũ trường Văn Cảnh. Hai chị em đứa nhỏ trên vỉa hè Tự Do với vòng hoa nhài trắng muốt đeo trên cổ nhỏ, cái khay thuốc lá trước ngực to hơn người chúng. Người tẩm quốc mù góc đường Bùi Viện. Người đàn bà có mang bán trứng vịt lộn đêm đêm vượt cầu Khánh Hội vào quận Nhất với tiếng rao hàng ngân dài lanh lảnh như một điệu hò Huế. Hai vợ chồng ông lão già những đêm mưa lớn về ôm nhau ngủ trên chiếc ghế bố dưới mái hiên một tiệm điện đầu đường Nguyễn Văn Sâm. Người Tây già trong quán phở ngõ hẻm Tôn Thất Đạm”

Đêm Sài Gòn của Mai Thảo “đắm mình hẳn vào nếp sống đất nước quê hương. Qua phiên chợ cá mở giữa trung tâm của nó, thành phố có cái không khí thân mến vui ấm, một tâm tình thuần hậu khoan dung như vậy đó”

***

Cùng đi lại “một chút” Sài Gòn, cùng thở với “đêm Sài Gòn”, cùng vương lại chút gió Sài Gòn, cùng đi qua “những lòng đường cánh tay. Những ngã tư tâm hồn” trong Sài Gòn đêm… để đón chờ một rạng đông rồi cũng sẽ phải ở phía trước.

Sài Gòn đêm hay Sài Gòn ngày, rồi cũng sẽ hồi sinh, cũng sẽ náo nhiệt, cũng sẽ chan chứa, cũng sẽ Sài Gòn vì Sài Gòn dù trong bóng tối hay ánh sáng đều là một thành phố để quay về nương náu.

Nguyễn Trường Trung Huy
Sài Gòn Tháng Tám/2021

*****
NHỮNG ĐÊM SAIGON

Mai Thảo
(Tạp chí Trẻ – số 6, năm 1959)
Khu phố tôi ở, thuộc Quận Nhì, có con chim trên một tầng gác cao đêm nào cũng cất tiếng hót vào lúc hai giờ sáng. Tiếng hót ấy đêm nào cũng lọt vào căn buồng nhỏ của tôi, đánh thức tôi dậy. Không ngủ lại được, tôi mặc quần áo, mở cửa xuống đường. Đời tôi đã có hàng nghìn đêm xuống đường như vậy, giữa một giờ không mặt trời, chỉ có thành phố đứng dưới vòm trời sao, và những sự vật hiện hình trong cái thế giới ban ngày náo nhiệt bề ngoài bây giờ dàn rộng giữa những bến bờ yên lặng.


Hồi còn ở ngoài Hà Nội, tôi đã đi xuống những lòng đường Hà Nội để mà yêu những đêm Hà Nội. Con người ban đêm trong tôi còn ghi đậm trong tâm tưởng luyến nhớ từng nét đẹp của từng đêm Hà Nội cũ: những vỉa hè ngủ dưới mưa phùn trắng xóa, những cửa ô bồng bềnh sương, cái gió Hồng Hà nườm nượp tuôn đầy mình Hà Nội, ánh lửa hàng rong ở đầu ngã tư, những ngọn điện đường, những vòng tròn ánh sáng, những bóng tối cuối đầu, tiếng chân người dạo trên phố khuya, bóng mái, bóng tường, những cái đã ngủ yên, những cái vừa thức dậy, và Hà Nội mở những cửa ngõ thăm thẳm cho tôi bắt gặp cái thế giới tĩnh tại, cái phần tâm hồn, cái cõi tiềm thức của Hà Nội.

Nhưng với Hà Nội, thế giới ban đêm thực ra vẫn chỉ là hình thái của sinh hoạt ban ngày tiếp diễn. Bóng tối có khơi thêm những tầng đáy, mở thêm những chiều sâu, yên lặng có làm nổi bật hình thể, tâm tư sự vật, nhưng cuộc sống Hà Nội với cái chu kỳ bốn mùa của thời tiết, tác động của tương phản chỉ rõ nét chữ sự đi và đến của từng mùa không có những khác biệt căn bản sâu đậm giữa đêm và ngày. Với Hà Nội là tháng này tháng khác của một năm. Sài Gòn trái ngược bao nhiêu, chỉ 24 giờ đồng hồ, cái mực thủy ngân lên xuống ở bản thử biểu đã như chia ngày và đêm thành hai thế giới.

Ngày, nắng lớn. Sự có mặt thường trực của mặt trời. Dưới một thiên nhiên chói chang cuộc sống quay nhanh ngọn triều vĩ đại. Ngày, hàng triệu bước chân, bánh xe, tiếng động, tiếng nói, thân thể thành phố bốc lửa và con người và cảnh vật và cuộc sống cũng bừng bừng cũng bốc lửa theo. Đêm, khi những ngọn triều vĩ đại ấy rút đi, khi những ngọn gió Bạch Đằng thổi qua mình thành phố đã làm mát lại những lớp da đường, người ta mất, mất hẳn cái cảm giác, cái ý niệm mặt trời, mất luôn cả cái cảm giác cái ý niệm về những hình thái sinh hoạt choáng váng dưới cái mặt trời kia.

Cho nên nửa đêm thức dậy dưới tiếng chim kêu trên đầu mái nhà, mắt tôi đã mở ra trước những sự kiện mới, ngực tôi đã thở những thước không khí mới, tai tôi đã nghe những tiếng động mới và đặt chân xuống lòng đường, lòng đường đã dẫn những bước chân tôi đi vào cái thế giới mới của đêm Sài Gòn vừa dựng lên. Tôi thấy tôi yêu những đêm Sài Gòn, trước hết bởi sự lĩnh hội vào nội giới, cái cảm giác tươi mát khởi đầu ấy. Tiếng chim kêu hai giờ sáng vui như tiếng hót lúc bình minh. Đêm Sài Gòn mở ra, thư thái, trong sạch, nguyên khối, rất xa rất khác với cái phần ngày vừa qua của nó. Từ ngột ngạt tới nhẹ thoáng. Từ vàng diệp của nắng tới xanh biếc của sương, ngày mùa hạ và đêm mùa thu. Thành phố như tấm lưng trần nhễ nhại mồ hôi giờ có tấm chăn mỏng ấm vừa trên ngực.


Tôi sống một cảm giác cực đoan và cũng không hề tạo cái cảm giác này bằng tưởng tượng. Những cái tốt đẹp trên những con đường đêm của Sài Gòn, không thấy có mặt ở ngày. Tưởng như đêm vừa sáng tạo ra chúng. Nếu có, cũng dưới một hình thái, một màu sắc, một điệu dáng khác. Tưởng như đêm tối màu nhiệm và thành phố đã hóa thân. Vị trí địa điểm hình thể ban ngày còn nguyên trong những giới hạn cũ, nhưng hơi thở Sài Gòn thở, giòng máu Sài Gòn đập, hơi thở ấy, tiếng máu đập ấy về đêm đã không còn mấy cái dấu tích của ngày. Tôi còn yêu những đêm Sài Gòn qua một một ý niệm về chính phần bản thể cá nhân của mình nữa. Nhập thành cảm giác, ý niệm đó là một cảm giác hiện hữu và tư hữu. Nó làm tôi gần với thành phố ban ngày nhiều lúc cảm thấy như một người lạ mặt.


Với một dân số gần ba triệu, cái ba triệu ấy lại đầy ngập, quay múa, biến chuyển không ngừng, con người thành phố trong tôi dẫu có một chủ quan mạnh mẽ nhiều khi cũng cảm thấy mình chỉ còn là một đơn vị bé nhỏ vô nghĩa. Một giọt nước trong cái bể người ngoài nhòa. Một con số trong cái ba triệu con số. Một dấu chân chìm dưới muôn triệu dấu chân. Thêm vào là cái cảm giác bị xô đẩy, chen lấn, đồng hóa. Ngày, tôi chỉ là một người qua đường không tâm sự, thành phố trùng điệp vây quanh nhưng thành phố không là của tôi. Do đó, lối sống chỉ là biểu tỏ tức khắc của phản ứng. Tương quan giữa tôi và thành phố chỉ là những sự kiện cụ thể, cái trên mặt cái bên ngoài.

Ngày Sài Gòn, tôi sống thuần bằng lý trí. Đêm Sài Gòn, mới là cái đất cái mặt đàn cho tâm hồn tôi có chỗ rung lên. Thí dụ, cái mặt Hồ Gươm ngoài Hà Nội, tôi có thể đứng ngắm nó buổi trưa, ban đêm. Tôi không thể đứng ngắm cái bến Bạch đằng dưới khối mặt trời rót lửa xuống đỉnh đầu. Những nét đẹp chỉ còn là những bông hoa chết héo. Nắng đốt cháy. Nắng làm chủ cái sức chi phối mãnh liệt. Trên trời, dưới đất, bên trong, bên ngoài chỉ còn có nắng. Sài Gòn ban ngày có ai dừng chân giữa một hè phố ngút nắng để mà chiêm ngưỡng một nét phố đẹp? Người ta lau mồ hôi. Người ta tìm những khoản rợp.

Nhưng đêm Sài Gòn đến đã làm đầy trong tôi sự thiếu thốn kia về cảm xúc, lấy lại cho tôi một thể quân bình trong nội tâm, tạo lại cho tôi cái tâm sự ban đêm của Hà Nội, hiến dâng cho tôi những phút suy tưởng kỳ thú, đem lại – bởi con mắt, cái tai, bước chân của một cảm quan để bén nhậy trở lại – những phút nhìn ngắm khám phá thành phố và luôn thể nhìn ngắm khám phá chính cái bản thân, cái nội giới của con người mình ánh lên trong đó. Cái thế giới nhỏ trong tôi mở ra trong cái thế giới lớn của đêm Sài Gòn.


Cho nên khi tiếng chim kêu trên đầu mái nhà, tôi đã thức dậy với một cảm giác thật vui. Vui muốn huýt sáo, muốn hát nhỏ. Và mỗi bước chân tôi xuống với đường đêm lúc đó, mới thực sự là những bước chân khám phá Sài Gòn. Không gì thích thú bằng sự được ngắm nhìn thành phố như một sinh vật khổng lồ sống hết tốc độ, hết sức mạnh của nó. Đã tăng lên gấp trăm nghìn lần nỗi thích thú được nhìn ngắm cái sức sống vĩ đại ấy trong nghỉ ngơi. Thành phố lúc đó như một tấm thủy tinh trong veo, một khối óc trinh bạch. Tôi thở không khí nhẹ và trong cái hệ thống ánh sáng và bóng tối lẫn lộn mắt tôi nhìn lại như thấy sự vật hiện lên đúng và thực hơn.

Tôi thấy nhiều điều. Thấy đại lộ hàm Nghi, đại lộ Lê Lợi, hai con đường mà như hai con thuyền, những ngọn cây là buồm đang chở dần từng chuyến một, cái gió Chương Dương Bạch Đằng mát lạnh hơi nước vào những khu phố bên trong. Thấy những ngọn điện và những hàng cây chụm đầu tâm sự. Thấy cái mặt người trong tấm biển quảng cáo phía hông chợ Bến Thành ngó tôi cười lớn. Thấy những khung cửa lấp lánh đang đo từng chiều cao những căn nhà chọc trời.

Thấy những nhân vật ban đêm của Sài Gòn: thằng bán kẹo vừa câm vừa điếc và gã coi xe đọc thơ lục bát trước vũ trường Văn Cảnh. Hai chị em đứa nhỏ trên vỉa hè Tự Do với vòng hoa nhài trắng muốt đeo trên cổ nhỏ, cái khay thuốc lá trước ngực to hơn người chúng. Người tẩm quốc mù góc đường Bùi Viện. Người đàn bà có mang bán trứng vịt lộn đêm đêm vượt cầu Khánh Hội vào quận Nhất với tiếng rao hàng ngân dài lanh lảnh như một điệu hò Huế. Hai vợ chồng ông lão già những đêm mưa lớn về ôm nhau ngủ trên chiếc ghế bố dượi mái hiên một tiệm điện đầu đường Nguyễn Văn Sâm. Người Tây già trong quán phở ngõ hẻm Tôn Thất Đạm.
Image
Sài Gòn, khoảng năm 1956 (ảnh: Three Lions/Getty Images)
Chỉ đêm mới thấy, hiện hình và biến mất trong một khoảng thời gian nhất định, nhưng nhân vật dã sử của thành phố di chuyển đây đó như những vì sao lạc lầm than và Sài Gòn đã ánh lên một nét đẹp khác, hoang đường và thần thoại. Tất cả tạo thành một vũ trụ yên lặng, cái mà tôi gọi là “những sự thật yên lặng” của Sài Gòn. Chúng gợi cảm. Chúng nói lên. Cái yên lặng của hành lang tối với những tấm lưới sắt buông kính ở hẻm Eden nói lên một hình thái thương mại mới. Những chiếc chìa khóa lớn treo trên những cửa hàng trong chợ Cầu Ông Lãnh nổi lên – rõ hơn vô hạn – cái tính chất riêng của những cửa tiệm tạp hóa nhỏ ấy. Rác rưởi, giấy má ngập ngụa khu Chợ Cũ nói lên cái xô bồ của những cái quán Trung Hoa khu ấy lúc ban ngày.

Đêm Sài Gòn thưa vắng bóng người và tiếng động, những dấu tích điển hình còn vương lại một hẻm cống, một chân tường, những cái vụn vặt ấy, trên một thành phố ngủ, biểu hiện rõ rệt gấp bao nhiêu lần cuộc sinh hoạt toàn diện của thành phố cả phần ngày lẫn phần đêm, tạo thành những tài liệu quý giá dư thừa cho những ai muốn tìm hiểu chân tướng thành phố, bộ mặt thực, cái bên trong của nó. Trái với những đêm Hà Nội khép kín, che đậy và chứa dấu, những đêm Sài Gòn mở rộng phơi phới như cái ngọn gió thổi suốt đêm trên thân thể của Saigon. Cái đẹp của những đường thẳng, những nét song hàng, những vòng tròn rộng. Cái đẹp của rõ rệt, của thư thái, của hồn nhiên – mặc dầu không thiếu những chiều sâu và những chứa đựng – cái đẹp của bình yên của nghỉ ngơi nó khiến cho tôi ở những đêm khuya vắng nhất của Saigon cũng không hề bao giờ cảm thấy vây hãm bởi bóng tối, sự cô độc.

Image
Sài Gòn, Tháng Bảy 1959 (ảnh: Keystone-FranceGamma-Rapho/Getty Images)
Trong lòng đêm Saigon, thành phố, và chính tôi thực đã thuộc về mình. Giữa người và Saigon đêm làm thành một toàn thể hòa đối, tôi không được sống những đêm Saigon cũ, hồi Kim Chung, Đại Thế Giới còn mở cửa để được biết – theo như Thanh Nam, Trần Lê Nguyễn thuật lại – cái không khí rã rượi choáng váng của những trận tiền đổ mưa lên chiếu bạc, những tiệm cầm đồ, những thây người ngủ gục dưới chân bàn ru-lét. Những đêm đau yếu của Saigon. Bây giờ, âm nhạc buổi tối và những thước không khí trong như ngọc thạch đã thay thế tiếng tiền ngày cũ. Những bước chân đêm của tôi bây giờ chỉ còn gặp những hình ảnh những ấn tượng bình yên. Những chiếc xích-lô buông mui ngủ dưới những gốc cây. Những người phu xe chụm đầu dưới ánh sáng điện đánh ván cờ tướng. Những chiếc xe bán bánh mì lăn thong thả giữa long đường.

Từ mấy tháng nay, những tiệm nhẩy đã đóng cửa từ 12 giờ. Hai, ba giờ sáng, thành phố mênh mông chỉ còn một vài tiệm ăn đêm là còn sáng đèn, nơi họp mặt của những nhạc sĩ vừa rời khỏi những dàn nhạc, những vũ nữ vừa rời khỏi sàn nhảy, trở về sau một cuộc dạo mát ban đêm trên đường Biên Hòa – Thủ Đức. Thành phố im vắng bấy giờ là khung cảnh lý tưởng cho một nhà văn, một nhà thơ trước một sáng tác đang thành hình, cho một bước chân và tâm hồn tôi chuyển đều đặn trên mặt đường, cho đầu óc tôi mà sinh hoạt ban ngày của Saigon làm sao động như mặt biển lớn – được trầm tĩnh và lắng đọng xuống. Đêm Saigon, lấy ngày Saigon làm đối tượng, có như một bàn tay dịu hiền đặt trên một vùng trán lửa. Một liều thuốc an thần. Và với chính thành phố, đêm là khoảng cách biệt thiết yếu cho sự sửa soạn của nó trở lại với ngày hôm sau.
Image
Sài Gòn, Tháng Bảy 1959 (ảnh: Keystone-FranceGamma-Rapho/Getty Images)

Tôi yêu những phút sửa soạn ấy. Tôi yêu những lúc Saigon cựa mình thức dậy. Khoảng 3 đến 4 giờ sáng. Từ các vùng ngoại ô: Khánh Hội, Gia Định, Gò Vấp, Phú Nhuận, Phú Thọ, những chiếc xe thổ mộ – điển hình đặc biệt nhất của Saigon về sáng – bắt đầu lên đường tiến vào những trung tâm thành phố. Ngày, chúng chỉ là những phương tiện chuyên chở chậm chạp. Đêm, những chiếc xe bánh gỗ ngựa kéo ấy đã biểu hiện cái sắc thái độc đáo của sinh hoạt quần chúng trong đời sống phường phố. Tiếng xe lăn ban ngày động cơ át mất, ban đêm nổi lên lọc xọc, mồn một trên mặt nhựa là cái tiếng đêm thân thuộc nhất của tất cả những người Saigon.

Con ngựa già yếu, ngọn đèn lắc lư, khung xe cồng kềnh, thành phố tráng lệ xa hoa khởi đầu bằng một hình ảnh dân tộc thuần túy. Nhà tôi ở gần khu Cầu Ông Lãnh. Ban đêm xe thổ mộ lăn qua cửa vòng quay bùng binh đổ người và hàng hóa xuống cái chợ cá mới họp bên hông chợ Bến Thành. Đồng Xuân Hà Nội có chợ rau đêm. Bến Thành Sài Gòn có chợ cá đêm. Nhưng chung quanh sinh hoạt của chợ sớm vẫn chỉ là sự thức dậy, sự có mặt của những con người ngày đêm lao động sống chết với mặt đường: chị bán hàng rong, anh phu xích lô, anh công nhân. Những quán nước lộ thiên trên vỉa hè. Những ngọn đèn dầu hỏa. Ly cà phê đen. Hơi thuốc thứ nhất. Nhiều đêm la cà tới sáng, tôi đã đến hòa lẫn cái chủ quan thích thú con mắt bỡ ngỡ của mình vào một phiên chợ cá họp dưới ánh lửa điện.
Image
Sài Gòn, Tháng Bảy 1959 (ảnh: Keystone-FranceGamma-Rapho/Getty Images)


Nếu những ngọn rau cỏ xanh um cả một khu chợ Đồng Xuân đêm nào còn nhắc nhở cho tôi, qua một quá khứ đầy kỷ niệm, đến cái triều tươi non những vùng ngoại ô Yên Phụ, Nghi Tàm ngoài Hà Nội, bầy cá tươi sống ở đây đã là một liên tưởng đằm thắm đến cái hệ thống sông ngòi kinh rạch phong phú miền Tiền Giang lục tỉnh. Nửa đêm về sáng, Saigon đắm mình hẳn vào nếp sống đất nước quê hương. Qua phiên chợ cá mở giữa trung tâm của nó, thành phố có cái không khí thân mến vui ấm, một tâm tình thuần hậu khoan dung như vậy đó. Những lòng đường cánh tay. Những ngã tư tâm hồn. Và Saigon chưa là một guồng máy, một con quái vật. Nó chưa nghiền nát, xô đẩy, đồng hóa. Nó chưa đặt những điều kiện sống còn ghê gớm cho người. Nó chưa đi theo cái luật rừng hung dữ.

Chính trong cái vẻ quê mùa và thành thị pha lẫn này, Saigon thực đã là một thành phố lớn theo ý tôi: không chỉ là hè phố mái nhà, không chỉ biểu hiện những nếp sinh hoạt thuần túy đô thị, mà còn là cái ngã tư họp mặt, trung tâm phát huy mọi hình thái sinh hoạt đổ về từ khắp các miền đất nước nữa. Bỏ chợ, tôi đến ngồi xuống chiếc ghế thấp đầu nhà Ga chính. Cảnh binh, phu xe, chủ quán vây quanh cái quán nước vỉa hè này và tôi cũng vui miệng đấu tiếng vào câu chuyện của một người. Phút này, Saigon ánh lên một nét đẹp đơn giản bằng hữu. Khách sạn, dinh thự, nhà máy lớn: những khối tĩnh vật ngủ. Đời sống là mặt đường, vỉa hè. Và những người áo ngắn bấy giờ là những vị hoàng để làm chủ cả thành phố.
Image
Sài Gòn, Tháng Bảy 1959 (ảnh: Keystone-FranceGamma-Rapho/Getty Images)
Nhưng đêm Saigon đã bắt đầu suy tàn hẳn. Những lòng đường hư ảo hơn, sương đặc lại, không khí lung linh. Sau lớp thổ mộ, những loại xe khác từ các ngã xuất hiện. Taxi rồ máy dưới những cây xăng. Từng đoàn xe vận tải cồng kềnh nối đuôi nhau chạy tới những kho hàng. Xe ba bánh trườn yên lặng. Xe máy dầu ầm réo. Vỉa hè đại lộ Lê Lợi; người bán báo ngồi sổm giữa những chồng báo thứ nhứt. Bến xe lục tỉnh, một người khách sớm bước lên chuyến xe hành khởi hành trước ngày. Đoàn xe buýt ầm ầm vào bến. Những ngã tư xôn xao. Những tiệm ăn Trung Hoa vừa mở cửa đã đông đặc. Người Sài Gòn vẫn điểm tâm sớm hơn người Hà Nội. Cà phê sữa, hủ tiếu, cơm đĩa và thuốc lá bán lẻ. Tiếng bát đũa và chạm lách cách. Những tiếng ho khàn khàn. Vẫn còn những tiếng khạc nhổ và cái kiểu ngồi “nước lụt” hai chân thượng cả lên ghế…
Image
Sài Gòn 1967 (ảnh: Getty Images)
… Năm giờ sáng. Những vệt hồng hồng khởi sự từ phía sau tòa nhà Quốc Hội đi dần lên một vòm trời đang tan loãng những tản bóng tối cuối cùng. Những ngọn lửa nhấp nháy suốt đêm đổi thành những điểm xanh đỏ. Cái vòng tròn ánh sáng đánh đai lấy chiếc đồng hồ ba mặt treo trên nóc chợ Bến Thành vụt tắt. Những đoàn xe đổ xuống đại lộ Trần Hưng Đạo. Trong kia Chợ Lớn Cũ và Chợ Lớn Mới cũng đã thức dậy. Tôi đi bộ trở về căn buồng nhỏ của tôi lúc trời gần sáng rõ. Con chim đêm trên mái đầu nhà đã im tiếng. Cái thế giới ban đêm của Saigon đã đóng lại. Một vệt nắng óng ánh trên đỉnh thu lôi một nhà chọc trời. Rồi những phiến nắng hạ thấp xuống cắt ngang những bờ tường. Một thoảng, nắng đã lọt hẳn xuống những lòng phố. Dưới một hình cây đổ nghiêng, nắng kéo dài những cái bóng cyclo đi. Ngày Saigon bắt đầu.

User avatar
macco
Posts: 3542
Joined: Mon Jan 17, 2005 8:04 am

Re: Tìm nhau ngày tháng cũ.

Post by macco »

Image

Đếm Sao
Hoàng Quân


Ngày mái tóc không còn xanh được nữa
Ngày đôi tay thôi dệt mộng phù hoa
Thì em sẽ vì anh mà mở cửa
Trông lên trời, đếm những điểm sao xa

(Đếm sao, thi sĩ Tạ Ký)


Chị bạn viết mấy dòng cho nàng. Chị nhắc đôi chuyện xưa, tích cũ của non nước xứ Quảng. Nè, em nhớ chỗ nhà chị không? Dãy nhà công chức ở đường Phan Châu Trinh đi lên gần ngã Năm đó. Anh hàng xóm của chị thuở ấy nhiều bạn lắm. Mà chắc là nghệ sĩ không hà. Những khi các anh nhóm họp, khu nhà rộn ràng tiếng đàn, tiếng hát. Có một anh trong nhóm không ca hát. Tại anh chàng bận mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây. Nghe đâu, mới vào trung học, anh chàng đã làm những bài thơ hay sướt mướt. Nghe đâu, có anh bạn cùng lớp dự định sẽ phổ nhạc những bài thơ mượt mà. Tiếc quá, biến cố 1975 đến, mỗi người, mỗi nơi, tan tác. Những tác phẩm thơ phổ nhạc bất hủ chưa kịp chào đời... Như sực nhớ chủ đích của mình khi liên lạc với nàng, chị reo lên, à, em ơi. Anh chàng thơ hồi xưa về sau là nhà thơ thứ thiệt đó em, viết hằng hà sa số thơ học trò. Mới đây, anh chàng viết tạp bút chuyền tay bạn bè, lan man về những ngày ngủ lang của anh chàng. Trong đó, anh chàng nhắc đến em nè. Nàng vốn mê cổ tích. Hễ nghe đến chữ ngày xưa, nàng sà xuống, sa đà hóng chuyện, góp chuyện. Nàng kéo vội con chuột, lướt lướt qua chuỗi emails dài ngoẵng. Đây rồi email với tựa đề Tôi đi ngủ lang của Trần Quang Đoàn.


Cái quán cà phê vườn có dòng chữ phụ ghi dưới tấm bảng hiệu 'Café Uyên: Ở một nơi ai cũng quen nhau' là nơi tụi tôi thường đến trong năm lớp 11. Quán có “con nhỏ” tên Thúy, mắt to như mắt bò, học trò trường Nữ Trung Học, là em của mấy người chị nổi tiếng xinh đẹp: Thanh Tâm, Cẩm Thành. Không biết thằng bạn thân của tôi có 'ngắm nghé' con nhỏ chưa mà thường rủ tôi đến quán này. Tụi tôi nhâm nhi cà phê và trầm ngâm, cái trầm ngâm điệu bộ của tuổi bắt đầu lớn. Tôi cũng để ý đến con nhỏ hay hay đó. Nhưng sợ thằng bạn tôi 'quan tâm' con nhỏ trước rồi. Tôi thầm nghĩ, không nên mích lòng bạn. Nó bực mình, không thèm mời uống cà phê nữa thì buồn. Tôi bèn ngồi im, quan sát thằng bạn, thấy lúc nào thuận tiện, tôi len lén nhìn con nhỏ. Thằng bạn tôi, làm ra vẻ chịu chơi, mà nhát hít. Nó cũng ngồi im như tượng tới khuya. Chẳng nghe nó nói chữ nào. Cho nên đâu có 'xi nhê' gì đối với con nhỏ. Báo hại, vì chiều lòng thằng bạn chịu chơi, nhiều hôm khuya lắc, khuya lơ, quán đóng cửa, hai đứa đành lủi thủi ra về. Cà phê làm hai đứa khó ngủ. Nằm thao thức bên nhau cả đêm. Mạnh đứa nào tơ tưởng riêng đứa đó về 'con nhỏ' mắt to kia […]”


*

Lòng nàng bỗng dạt dào những âm vang ngày cũ. Có phải “thằng bạn” đó là “cố nhân” của nàng không nhỉ. Ngày ấy, có nhóm mầm non thi nhạc khoảng 5, 6 thanh niên, thường đến ngồi gần quầy, hát hò, tán chuyện. Anh này ngâm nga vu vơ vài câu thơ:

Ôi nhỏ có buồn như ta không
nhớ nhung về với nắng sân trường

(Như xa miền yên vui, thi sĩ Du Tử Lê)

Anh nọ đọc vanh vách vài đoạn trong truyện Hoàng Tử Bé của Antoine de Saint-Exupéry. Anh kia ôm đàn guitar, hát bâng quơ:

Ờ uề! Ờ uề, ớ uế ơ uê, ờ uề!/ Chẳng cần em yêu muốn nghe/ Anh ca hát câu tình si…

(Em Qua Vườn Anh, nhạc ngoại quốc, lời Việt nhạc sĩ Phạm Duy)

Nàng vờ như không chú ý. Nhưng thật ra, những tiếng trầm, tiếng bổng của nhóm thi nhạc là niềm vui nho nhỏ trong những ngày tháng tăm tối sau biến cố đổi đời 1975. Có một người Việt thầm lặng trong nhóm những người Việt... ít thầm lặng. Hình như chưa bao giờ nàng nghe người-thầm-lặng nói gì. Nàng chỉ thấy, ngày nào, người thầm lặng cũng cùng chúng bạn đến quán cà phê của nhà nàng. Chăm chỉ, đều đặn. Trường lớp có lẽ mong ước học trò chuyên cần đến như vậy thôi. Do thầm lặng, người này trong mắt nàng là hiện tượng lạ, giữa những lao xao, ồn ào chung quanh. Khi nhóm thi nhạc đến quán, người thầm lặng tưởng như chìm nghỉm bởi anh ăn mặc giản dị, áo sơ- mi trắng với quần mầu sẫm như đồng phục nhà trường giữa những áo nhiều màu, thậm chí có hình cả chim cò. Vậy mà, nàng vẫn “thấy” anh trước. Không hiểu lẽ gì, nàng dành nhiều mỹ cảm cho người-thầm-lặng.


Một hôm, một người trong nhóm đến quầy, đưa cho nàng một tập giấy dày, nói, đây là thư của Hoành gởi, và quơ tay về phía bàn của nhóm thi nhạc. Nàng ngạc nhiên, nhìn về hướng tay chỉ, bắt gặp ánh mắt của người-thầm-lặng. Nàng luống cuống tránh ánh mắt, quýnh quáng nhét tập giấy vào ngăn kéo của quầy. Tim nàng đập thình thịch. Đến khi nàng sực nhớ, muốn tỏ lời cám ơn người đưa thư cho phải phép, thì anh ta đã về lại bàn. Từ lúc đó đến khuya, lòng nàng nao nao. Nàng nhờ đứa em bưng bê cà phê và tính tiền cho bàn có tác giả của tập giấy. Thường lệ, khuya đóng cửa quán, dọn dẹp xong, nàng đem bài vở ra học. Những môn toán, lý, hóa... cần giấy bút, nàng phải ngồi vào bàn. Những môn khác: văn, sử, địa... nàng mang vở vào mùng nằm đọc. Nàng kỹ càng ép tập thư vào cuốn tập Anh văn. Lá thư viết tay dài mấy chục trang giấy, dày gần bằng cuốn tập của nàng. Đêm đó, thấy đèn sáng thật khuya, Mạ nàng cũng như bầy em, ái ngại, có lẽ nàng đang học rút cho bài kiểm tra sắp đến. Nàng háo hức mở những tờ thư.

“Cô nhỏ...” Nhiều bạn bè của anh, chị nàng vẫn gọi nàng là cô nhỏ, cô bé, nàng nghe lơ là. Vậy mà, bây giờ đọc chữ cô nhỏ trong thư, nàng bỗng nghe êm tai lạ kỳ.

Tuổi mười lăm có gì khoe?
Buông dài mái tóc em che má hồng
Trời xanh cho mắt em trong
Mây xe lụa trắng hơn không, áo này?


(Còn một chút hương bay, thi sĩ Đoàn Vị Thượng)

Ủa, sao anh biết nàng mười lăm tuổi. Mà lạ thiệt! Viết thư chưa thăm nom gì đã đặt ngay câu hỏi. Kỳ cục hơn nữa! Hỏi xong, rồi trả lời cho người ta luôn. Nàng bị cuốn hút theo những dòng chữ của anh. Chữ viết của anh thật ngộ. Anh viết hoa chữ A (như một dấu mũ, không có gạch ngang ở giữa), cho dù khi chữ a chỉ nằm giữa. Cứ vậy, nàng mải mê cùng anh vào trường, ra phố. Anh kể về ngôi trường tiểu học hiền hòa. Anh kể những nghịch ngợm phá phách của học trò trung học. Anh tả sông Vệ, Thu Xà, Ba Gia... Anh nhắc những cô giáo thân thiết với học trò. Anh nhắc những thầy giáo gần gũi với lớp học. Này, cô nhỏ biết không?

Môn sử địa thầy kêu ta ngồi chép
Suốt hai giờ, nhìn vở: kín tên em
Những sách học xé biên thư tình hết
Thế mà sao ta cũng vẫn thấy thèm


(Nhớ lạ, thi sĩ Lý Văn Hiền)

Nàng khấp khởi mừng, tưởng tượng, suốt hai giờ, nét chữ lả lướt của anh viết tên mình, chắc cũng đầy tập vở 80 trang. Phải chi không có đứa em bên cạnh, nàng sẽ lẩm nhẩm mấy câu thơ vài lần và sẽ thuộc lòng. Ồ, ta ghẹo cô nhỏ thôi. Ta thường cúp cua giờ sử địa cô nhỏ ạ. Coi kìa, vậy có ác không! Chưa chi đã làm nàng mừng hụt. Nàng thoáng chút thất vọng. Nhưng mắt nàng như dính cứng vào những tờ thư. Mê mẩn tựa như đọc truyện kiếm hiệp. Đọc xong trang này, tay vội vàng lật qua trang tiếp. Hễ bắt đầu đọc trang một là phải qua trang hai, đọc tiếp tiếp luôn cho đến trang cuối. Nàng không còn thì giờ, tâm trí để ôn lại bài Anh văn cho giờ học ngày mai. Cô nhỏ, ta rất thích bài thơ Cô Bắc Kỳ Nho Nhỏ. Không phải bài hát về cô bắc kỳ với mái tóc demi garçon đâu cô nhỏ ạ. Bài hát về cô bắc kỳ tóc ngắn là bài thơ Đám Đông. Ông nhạc sĩ làm cô nhỏ rối trí rồi nhỉ. Nhưng cô nhỏ chẳng cần bận tâm vì tựa bài thơ, bài nhạc. Cả hai bài thơ phổ nhạc đều đáng yêu kinh khủng. Ví dụ ta biết đàn, biết hát, ta sẽ mời cô nhỏ nghe nè. Anh vái trời cho cô thích mộng/ Để anh ngồi kể chuyện anh mơ...(Anh Vái Trời, nhạc sĩ Phạm Duy, thơ thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên). Hình như anh mơ giấc mộng viễn du, anh mơ thoát khỏi cuộc sống ngột ngạt nơi tỉnh lỵ bé tí này. Cứ vài ba dòng, anh lại có câu bắt đầu với cô nhỏ. Có lẽ anh băn khoăn, thư dài quá, nàng đọc một hồi mất tập trung chăng, nên anh nhắc, để nàng biết, anh viết cho nàng. Cô nhỏ ơi, chúng ta làm chương trình đố vui có thưởng nhé. Trả lời thư cho ta, cô nhỏ nói ta nghe, hai câu thơ này trích từ bài thơ nào, của ai.

Ngày mái tóc không còn xanh được nữa
Ngày đôi tay thôi dệt mộng phù hoa



Nàng bỗng thấy bắt đầu thấy nhột nhạt. Nàng chép đầy mấy cuốn tập bao nhiêu là thơ. Mà sao nàng chưa nghe đến hai câu thơ này. Ờ, nàng nghĩ, mình đâu định trả lời thư hồi nào đâu mà lo tìm xuất xứ bài thơ. Kết thúc lá thư, anh chẳng chúc nàng xinh đẹp tươi tắn. Anh cũng chẳng nói câu đưa đẩy đại khái mong thư nàng. Anh chỉ dọa là sẽ viết thêm nữa, cho đến khi độc giả yêu tác giả lá thư mới thôi. Càng đọc lá thư dài lượt thượt của anh, nàng càng thấy lời đe dọa thật dễ thương. Nàng như rất mong anh sẽ thực hiện lời đe dọa. Anh ký tên Dương Phi Hoành, và mở ngoặc Dê Bay Ngang. Đọc xong “cuốn” thư tràng giang đại hải, đã quá nửa đêm. Nàng tắt đèn. Nàng để cuốn tập có lá thư dưới gối. Hồi còn bé, nàng tin vào chiếc lá thuộc bài, tin vào cháo thánh và cũng tin rằng, cất bài vở dưới gối đầu óc minh mẫn, học đâu nhớ đó. Đêm nào cũng vậy, khuya lắc khuya lơ, đóng cửa quán, mấy Mạ con lục đục rửa ly tách cà phê, dọn dẹp bàn ghế. Xong, nàng len lén đem thư, ép vào vở học, đọc đi, đọc lại. Thời học trò, nàng ngất ngơ. Đôi khi nhận thư tình, nàng đem “trình báo” mấy nhỏ bạn khác để đọc chung, rồi bàn ra, tán vào. (Bây giờ nghĩ lại, nàng thấy mình làm như vậy thiệt là quấy). Riêng lá thư của anh DPH, nàng giữ riêng, giấu tiệt, không “bật mí” cho ai. Có lẽ, nàng bâng khuâng ghê lắm. Không lâu sau, người- thầm-lặng hết xuất hiện. Nhóm thi nhạc từ từ vắng dần. Nàng lóng ngóng có ý chờ thư tiếp. Nàng mong mong, có ai ghé qua mang cho nàng lá thư khác. Nhưng nàng chỉ chờ vô vọng. Khi nhà ở Quảng Ngãi bị tịch thu, trong mớ hành trang vội vàng thu vén giữa cơn hoảng loạn cũng có lá thư của anh. Thời gian nàng học ở Đại Học Sư Phạm, lá thư vẫn còn nấp đâu đó giữa những cuốn sách giáo khoa và vẫn là bí mật giữa nàng và anh. Thêm nhiều lần dọn nhà, nàng đã mất đi rất nhiều sách vở, thư từ kỷ niệm. Dẫu những tờ giấy thư không còn đó nữa, nhưng “cuốn” thư vẫn có chỗ đứng trong thư viện “ảo” của trí nhớ nàng.

*

Thỉnh thoảng chàng liên lạc với cô láng giềng của người bạn thân ngày xưa. Cô bạn có trí nhớ tuyệt vời và hình như quen tất cả nam phụ lão ấu của thị xã. Nhắc ngày xưa, chàng vui vui gõ phím kể những ngày đi ngủ lang nhà bạn bè. Mấy ngày sau, cô bạn ríu rít tường thuật. Tui xin lỗi ông nghen. Đáng lẽ tui phải xin phép ông trước. Mà tui không chờ được. Đọc bài viết của ông, nghe ông nhắc đến con nhỏ Thúy, tui bèn lanh miệng, mách lẻo, chuyển bài viết đến cho nó rồi. Chàng giật mình, trời trời, sao mà trái đất tròn quay vầy trời. Không biết con nhỏ nghe mình diễn tả mắt nó to như mắt bò, nó có quạu không nhỉ. Cô bạn trấn an, ông yên tâm, nó không nhớ rõ ông là ai. Nó vui mừng gặp lại đồng hương, nhất là ông và nó cùng là Huế Quảng sương sương. Nó hổng xét nét vụ mắt bò đâu ông à. Nó có vài thắc mắc về những bạn bè thời đó. Cô bạn đứng giữa, nhanh nhẩu chuyển tiếp mấy dòng của con nhỏ cho chàng. Con nhỏ dường như vẫn là con nhỏ khi nhắc ngày xưa. Thăm hỏi đôi câu xong, con nhỏ hỏi về người nó đặt tên là người-thầm- lặng. Hơn ba chục năm rồi, mà con nhỏ còn nhớ nhiều chi tiết đến người bạn của chàng. Hoành đúng là người thầm lặng. Tuy hắn kiệm lời, bạn bè luôn muốn có mặt hắn trong mọi cuộc họp mặt. Bạn bè rất quý mến hắn. Khi hắn nhờ chàng viết cho hắn lá thư để hắn tỏ tình với con nhỏ, chàng đồng ý ngay. Chàng không kể cho hắn nghe rằng, con nhỏ cũng trong “tầm nhắm” của chàng. Chàng phơi phới, thức thâu đêm, suốt sáng viết thư. Chàng viết liền một mạch mấy chục trang. Đâu khó khăn gì, chàng chỉ cần tỏ rõ lòng chàng. Cuối thư, chàng muốn ký tên chàng, nhưng đành phải ghi tên của hắn kèm theo biệt hiệu Dê Bay Ngang, diễn nôm cái tên đẹp đẽ cha mẹ hắn đã đặt. Viết thư xong, chàng có việc phải rời thị xã. Nhận tập thư, hắn hớn hở ra mặt, hắn nói gọn lời cám ơn. Nhìn vào mắt hắn, chàng biết hắn thật sự “tri ân sâu sắc”. Chàng không biết có đứa bạn nào đạo diễn tiếp cho hắn, hay giúp hắn đưa thư cho con nhỏ. Hắn coi bộ rất nhát gái. Chàng định bụng, có dịp, hỏi hắn về kết quả và số phận lá thư. Nhưng chàng và hắn thất lạc nhau tự đó đến giờ. Hẳn hắn rất hạnh phúc khi biết con nhỏ mấy chục năm sau còn hỏi thăm hắn. Phần chàng, “thư đã trao, không lấy lại bao giờ”. Hồi đó, cả nước nghèo xác xơ. Máy photocopy chỉ dành cho những hồ sơ, giấy tờ quan trọng. Máy điện toán thì gần hai chục năm sau mới xuất hiện ở Việt Nam. Cho nên, “quyển” thư 48 trang giấy, xứng đáng ghi tên vào kỷ lục Guiness ấy là độc bản, là độc nhất vô nhị, là vô tiền khoáng hậu. Không phải như thời nay, cứ việc “thay tên đổi họ” người nhận, cứ copy & paste để làm “tâm tình hiến dâng” khắp bốn phương trời. Mà hồi ấy, nếu có điều kiện, chàng vẫn nhất định chỉ viết một bản. Vì cảm hứng chỉ có một lần, và một lần cho tất cả. “Trong đời, người ta chỉ thật sự yêu có một lần. Những lần trước đó là tập yêu. Những lần sau đó là thói quen yêu”. Thuở loai choai tuổi teen, ai đó trong đám bạn của chàng đã nói vậy rồi mờ.


*

Thời đại tân kỳ ngày nay, người thầm lặng trong sinh hoạt chung là chuyện rất bình thường. Ngồi bên nhau, ai nấy cũng thầm lặng, vì mải mê quẹt, quẹt, lướt, lướt trong điện thoại riêng của mình. Có người đưa lên Facebook tấm hình hai cặp vợ chồng bên bàn ăn buổi tối. Bốn người đang chăm chú vào bốn cái điện thoại trong tay. Nhiều người xem hình, nhấn nhanh dấu like kèm theo lời bàn, đầm ấm quá, lãng mạn quá... Nàng lẩm cẩm tự hỏi, không lẽ người ta khen hai cây đèn cầy đầm ấm, khen bình hoa tươi lãng mạn... Cho nên, nếu nàng ao ước được gặp người thầm lặng, nàng chẳng cần Aladdin và cây đèn thần. Nàng chỉ cần đến quán cà phê nào đó, ngoài cửa có ghi free WiFi, nàng sẽ bắt gặp biết bao nhiêu người thầm lặng bên tách cà phê. Nhưng nếu nàng thưa với cô tiên rằng, con mơ nhận lá thư viết tay dài hơn 10 trang. Chắc chắn cô tiên sẽ nói, ta tiếc không làm vừa lòng con được, điều này vượt ngoài khả năng cây đũa thần của ta. Ta nghĩ, đây chỉ là một đề tài hấp dẫn cho những cuốn phim khoa học giả tưởng thôi con ạ.

Qua đôi lần thư từ với nhà thơ học trò, nàng được biết thêm vài điều lý thú về những ngày tháng cũ. Nhà thơ học trò có thời gian quen thân với nhà văn Hoàng Ngọc Tuấn, tác giả của truyện Ở Một Nơi Ai Cũng Quen Nhau. Nhà thơ nhắc đến quán Café Uyên-Ở Một Nơi Ai Cũng Quen Nhau ở Quảng Ngãi. Nhà văn vui lắm, mong có dịp về Quảng Ngãi, gặp chị của nàng, người dùng tựa truyện ghép vào tên của quán cà phê. Chỉ tiếc, bể dâu cuộc đời đã làm biết bao dự tính, ước mơ con người phá sản. Riêng nàng, nàng tìm ra một chân lý mới. Đằng sau một người Việt thầm lặng dễ mến là một người Việt ít thầm lặng viết thư lôi cuốn. Bây giờ, nàng có thể đáp trúng câu đố vui có thưởng trong lá thư cách đây mấy chục năm. Nàng phân vân, không biết mình nên trả lời người thầm lặng hay người ít thầm lặng.

Nàng bước ra vườn, ngắm ánh trăng chảy mềm mại trên thảm cỏ, trên những bụi cây mơn mởn lá mới đón xuân. Nàng ngước lên, trăng chan hòa, sao lấp lánh. Rằm tháng Ba, nơi đây, chốn trời Âu, đêm vẫn còn lạnh buốt.

Ngày mái tóc không còn xanh được nữa
Ngày đôi tay thôi dệt mộng phù hoa
Thì em sẽ vì anh mà mở cửa
Trông lên trời, đếm những điểm sao xa


Nàng đọc thầm mấy câu thơ, thấy lòng mình bỗng dưng ấm chi lạ.

-- Hoàng Quân

nguyenthanh
Posts: 859
Joined: Fri Jan 06, 2012 5:40 pm

Re: Tìm nhau ngày tháng cũ.

Post by nguyenthanh »

NGƯỜI Ở LẠI BAO GIỜ CŨNG BUỒN HƠN KẺ RA ĐI!
Thế giời có bảy tỷ người, nên chuyện gặp được nhau giữa bao người trên thế gian này đã là một cái duyên, nhưng yêu nhau và có ở cạnh bên nhau được hay không thì tùy thuộc vào nợ. Vậy mới nói, thứ mỏng manh và dễ vỡ nhất trên đời này không phải pha lê mà chính là tình yêu.

Có người từng nói: " Cái gì đã vỡ là vỡ. Có hàn gắn lại cũng chỉ toàn rạn nứt mà thôi.". Thật vậy! Khi hai người quyết định rời bỏ nhau, nhất là khi trong lòng lại không đành lòng thì lại càng là một quyết định đau đớn. Có thể nói tình yêu giống như việc hai người đang nắm giữ một cái ly, giây phút một người rời đi, chiếc ly rơi xuống vỡ vụn như chính lòng người ở lại. Đau đớn hơn khi những mảnh vỡ vô hình ấy lại một lần nữa lại cứa từng nhát trong lòng người ở lại như em. Vết thương không rỉ máu, nhưng mưng mủ trong lòng mãi chẳng lành. Anh à, làm người ở lại có bao giờ là vui, là hạnh phúc?

Anh hỏi em: " Trong tình yêu, khi nào là lúc đau đớn, bất lực nhất? "

Em trả lời: " Chính là thời điểm mình vẫn ở bên nhau, nhưng chẳng một ai đủ bao dung cho lỗi lầm của người kia nữa rồi. "

Hôm ấy mình xa nhau...

Có những tình yêu đi đến hồi kết không phải vì không còn yêu nhau hay một trong hai người tìm được tình yêu mới, chỉ đơn giản là không thể tiếp tục cùng nhau, sự bất đồng quá lớn mà tiếng nói chung là điều không thể. Giây phút mà cả hai nhận thức được rằng, mọi thứ đã không còn nguyên vẹn như trước kia. Nhưng lòng ta chẳng còn nhói đau hay bận tâm vì người kia nữa rồi.

Từ nay về sau, anh và em, cả hai chúng ta sẽ phải đi con đường của riêng mình, sẽ không còn nặng lòng cho anh, sẽ không còn nước mắt cho em. Tình yêu sẽ chỉ còn là câu chuyện của ngày hôm qua.

Anh à,

Anh nhất định phải hạnh phúc dù cho người anh chọn sau này có là em hay là ai đi chăng nữa!

Một lần nữa, vẫn cám ơn anh thật nhiều, vì tất cả.

Post Reply