Bài Thơ Tết Vượt Thời Gian

Thơ non, thơ già, thơ ghẹo, thơ thẩn, thơ thơ. Xin đọc và ôm bụng cười, hay bứt tóc gãi tai tìm nàng ... thơ...

Moderators: CNN, khieulong

CayQueo
Posts: 221
Joined: Sun Nov 28, 2004 6:34 pm
Contact:

Re: Bài Thơ Tết Vượt Thời Gian

Post by CayQueo »

Gặp Ông Đồ Xưa Ở Chợ Quê Lâu lắm mới về đi chợ Tết
Đường quê, sương sớm ướt bàn chân
Lối mòn trắng đất viền cỏ biếc
Cây lá vườn xanh, non sắc xuân.

Chợ ở xa khuất tầm mắt mẹ
Ta làm đứa trẻ thuở lên mười
Bao khôn lớn giờ ngây dại thế
Hóa bướm vàng, chim chóc reo vui.

Mẹ quấn khăn phai thời con gái
Tóc nhiều sợi bạc giống hoa lau
Cám ơn thời tiết cho cây trái
Dòng nước xanh trôi dưới nhịp cầu.

Chợ vẫn rộn ràng trong sương sớm
Sắc mầu tươi mướt gánh quà quê
Ta nhỏ nhoi theo từng mộng tưởng
Cô bé nào xưa xõa tóc thề.

Bỗng gặp ông Đồ già viết liễn
Bên lề đường chợ trắng hoa bay
Ngọn gió mùa xuân len lén đến
Chạnh lòng câu đối viết run tay.

Mẹ ta hấp háy cười trong nắng
Ông Đồ khăn đóng áo the đen
Thấy cả ngày xưa trong mắt lặng
Chợ Tết, người quê thêm nét duyên.

Ta mãi nhỏ nhoi cùng chợ Tết
Mẹ già tóc bạc quấn khăn phai
Ông Đồ viết liễn tay run nét
Ai biết thời thơ ấu ngắn, dài?

Thưa mẹ, đừng già thêm tuổi nhé
Mỗi năm đi chợ Tết bên con
Ước chi ta mãi còn thơ bé
Đường cũ, hồn quê, dấu chẳng mòn.
Từ Kế Tường

CayQueo
Posts: 221
Joined: Sun Nov 28, 2004 6:34 pm
Contact:

Re: Bài Thơ Tết Vượt Thời Gian

Post by CayQueo »

HƯƠNG TẾT Có phải em về trong dáng xưa?
Lạnh se hương gió tóc buông hờ
Nghiêng vin đào hé cười e ấp
Bỗng thấy xôn xao đất chuyển mùa.

Đâu phố Sài Gòn bay áo mới
Chợ hoa ngày Tết ngỡ vườn đào
Câu thơ Thôi Hộ còn xao xuyến
Mà bóng hồng nhan đã mịt mờ...

Ta dõi vời theo một cõi tiên
Như xưa Từ Thức lạc đào nguyên
Trần gian hút nẻo trời phiêu lãng
Ta gửi cho em một nỗi niềm.

Này mứt, này trà, này rượu Tết
Ta nao nao nhớ ... bỗng cười khà
Thì ra hương Tết vương trong gió
Tưởng thật gần mà như rất xa.

Thì ra cô gái đào hoa mộng
Cũng chỉ là thoáng gió bay qua ...
Nghiêm Dũng.

CayQueo
Posts: 221
Joined: Sun Nov 28, 2004 6:34 pm
Contact:

Re: Bài Thơ Tết Vượt Thời Gian

Post by CayQueo »


MỘT BUỔI CHIỀU XUÂN
* Thiên ký sự của một thư sinh đời trước.

Hôm đó buổi chiều xuân,
Trông mây hồng bay vân,
Liền gập pho kinh sử,
Lững thững khỏi lầu văn.

Đường leo, nhà lom khom,
Mái xanh, tường rêu mòn.
Ta nhìn, ngâm nga đọc
Câu đối cửa màu son.

Phu khiêng kiệu ngẩn ngơ,
Thầy lại và thầy thơ
Ngồi xổm cười bên lọng,
Trước cửa tòa dinh cơ.

Cương da buộc thân cây,
Vài con ngựa lắc dây,
Nghểnh đầu lên gặm lá,
Đập chân nghiêng mình xoay.

Đi vui rồi vẩn vơ,
Hay đâu thức còn mơ.
Lạc vào trong vườn mộng,
Mồm vẫn còn ngâm thơ!

Ô! Vườn bao nhiêu hồng!
Hương nghi ngút đầu bông.
Lầu xa tô mái đỏ,
Uốn éo hai con rồng.

Thoảng tiếng vàng thanh tao,
Bên giàn lý bờ ao,
Một nàng xinh như liễu
Ngồi ngắm bông hoa đào.

Tay cầm bút đề thơ,
Tì má hồn vẩn vơ,
Nàng ngâm lời thánh thót.
Ai không người ngẩn ngơ!

Ta lặng nhìn hơi lâu
-- Nhưng thì giờ đi mau --
Đứng ngay gần non bộ
Có ông lão ngồi câu.

Nàng chợt nghiêng thân ngà;
Thoáng bóng người xa xa,
Reo kinh hoàng, e lệ,
Đưa rơi cành bút hoa.

Ta mơ chưa lại hồn,
Nàng lẹ gót lầu son.
Vừa toan nhìn nét phượng,
Giấy thẹn bay thu tròn...

Nguyễn Nhược Pháp (1933)

CayQueo
Posts: 221
Joined: Sun Nov 28, 2004 6:34 pm
Contact:

Re: Bài Thơ Tết Vượt Thời Gian

Post by CayQueo »

Hoa Bạc Mệnh Người đẹp vẫn thường hay chết yểu
Thi nhân đầu bạc sớm hơn ai
Ba xuân muôn thắm thêu cành biếc
Bạc mệnh hoa kia đã rụng rồi!

Héo trước trăm hoa: hoa Bạc Mệnh
Đang xuân, để khỏi thấy xuân tàn.
Chúa xuân ví biết tình hoa thế
Xin kiếp sau đừng nở thế gian.

Hồn kết gió hương trời Nhược Thủy
Cánh viền mây thắm động Thiên Thai
Hóa thành những giọt mưa thơm ấy
Tưới nở trăm hoa đã héo rồi!
(J. Leiba ) Ghi Chú: Bút hiệu J. Leiba là viết tắt chữ Jean Leiba. Thi sĩ tên thật Lê Văn Bái. Leiba có vẻ Tây nhưng do hai chữ Lê Bái nói lái. Lúc đầu ông ký bút hiệu Thanh Tùng Tử, sau đổi J. Leiba.

Ông sinh năm 1912 ở Yên-bái, nhưng chính quán là làng Nam-trực (Nam định) Bắc phần.

Năm 1935, ông thi đỗ bằng Thành-chung, rồi vào ngạch thư ký tòa sứ Bắc-kỳ.

Bước chân vào làng thơ từ năm 1934, J. Leiba dệt tiếng thơ của mình trên các báo:

- Loa
- Tin văn
- Ngọ báo
- Ích hữu
- Việt báo
- Nam Cường
- L'Annam nouveau
- Tiểu thuyết thứ bảy

(Trích VN Thi Nhân Tiền Chiến)

CayQueo
Posts: 221
Joined: Sun Nov 28, 2004 6:34 pm
Contact:

Re: Bài Thơ Tết Vượt Thời Gian

Post by CayQueo »

CHÙA HƯƠNG * Thiên ký sự của một cô bé ngày xưa. Hôm nay đi Chùa Hương,
Hoa cỏ mờ hơi sương.
Cùng thầy me em dậy,
Em vấn đầu soi gương.

Khăn nhỏ, đuôi gà cao,
Em đeo giải yếm đào;
Quần lĩnh, áo the mới,
Tay cầm nón quai thao.

Me cười: "Thầy nó trông!
Chân đi đôi giép cong,
Con tôi xinh xinh quá!
Bao giờ cô lấy chồng?"

Em tuy mới mười lăm
Mà đã lắm người thăm,
Nhờ mối mai đưa tiếng,
Khen tươi như trăng rằm.

Nhưng em chưa lấy ai,
Vì thầy bảo người mai
Rằng em còn bé lắm!
(Ý đợi người tài trai).

Em đi cùng với me.
Me em ngồi cáng tre,
Thầy theo sau cưỡi ngựa,
Thắt lưng dài đỏ hoe.

Thầy me ra đi đò,
Thuyền mấp mênh bên bờ.
Em nhìn sông nước chẩy
Đưa cánh buồm lô nhô.

Mơ xa lại nghĩ gần,
Đời mấy kẻ tri âm?
Thuyền nan vừa lẹ bước,
Em thấy một văn nhân.

Người đâu thanh lạ thường!
Tướng mạo trông phi thường.
Lưng cao dài, trán rộng.
Hỏi ai nhìn không thương?

Chàng ngồi bên me em,
Me hỏi chuyện làm quen:
"Thưa thầy đi chùa ạ?
Thuyền đông, giời ôi, chen!"

Chàng thưa: "Vâng thuyền đông!"
Rồi ngắm trời mênh mông,
Xa xa mờ núi biếc,
Phơn phớt áng mây hồng.

Dòng sông nước đục lờ.
Ngâm nga chàng đọc thơ.
Thầy khen: "Hay! Hay quá!"
Em nghe rồi ngẩn ngơ.

Thuyền đi. Bến Đục qua.
Mỗi lúc gặp người ra,
Thẹn thùng em không nói:
"Nam vô AĐi Đà!"

Réo rắt suối đưa quanh.
Ven bờ, ngọn núi xanh,
Nhịp cầu xa nho nhỏ.
Cảnh đẹp gần như tranh.

Sau núi Oản, Gà, Xôi,
Bao nhiêu con khỉ ngồi.
Tới núi con Voi phục,
Có đủ cả đầu đuôi.

Chùa lấp sau rừng cây.
(Thuyền ta đi một ngày)
Lên cửa chùa em thấy
Hơn một trăm ăn mày.

Em đi, chàng theo sau.
Em không dám đi mau,
Ngại chàng chê hấp tấp,
Số gian nan không giầu.

Thầy me đến điện thờ,
Trầm hương khói tỏa mờ.
Hương như là sao lạc,
Lớp sóng người lô nhô.

Chen vào thật lắm công.
Thầy me em lễ xong,
Quay về nhà ngang bảo:
"Mai mới vào chùa trong."

Chàng hai má đỏ hồng
Kêu với thằng tiểu đồng
Mang túi thơ bầu rượu:
"Mai ta vào chùa trong!"

Đêm hôm ấy em mừng.
Mùi trầm hương bay lừng.
Em nằm nghe tiếng mõ,
Rồi chim kêu trong rừng.

Em mơ, em yêu đời!
Mơ nhiều... Viết thế thôi!
Kẻo ai mà xem thấy,
Nhìn em đến nực cười!

Em chưa tỉnh giấc nồng,
Mây núi đã pha hồng.
Thầy me em sắp sửa
Vàng hương vào chùa trong.

Đường mây đá cheo veo,
Hoa đỏ, tím, vàng leo.
Vì thương me quá mệt,
Săn sóc chàng đi theo.

Me bảo: "Đường còn lâu,
Cứ vừa đi ta cầu
Quan-Thế-Âm bồ-tát
Là tha hồ đi mau!"

Em ư? Em không cầu,
Đường vẫn thấy đi mau.
Chàng cũng cho như thế.
(Ra ta hợp tâm đầu).

Khi qua chùa Giải-oan,
Trông thấy bức tường ngang,
Chàng đưa tay lẹ bút
Thảo bài thơ liên hoàn.

Tấm tắc thầy khen: "Hay!
Chữ đẹp như rồng bay."
(Bài thơ này em nhớ,
Nên chả chép vào đây).

Ô! Chùa trong đây rồi!
Động thắm bóng xanh ngời.
Gấm thêu trần thạch nhũ,
Ngọc nhuốm hương trầm rơi.

Me vui mừng hả hê:
"Tặc! Con đường mà ghê!"
Thầy kêu: "Mau lên nhé!
Chiều hôm nay ta về."

Em nghe bỗng rụng rời
Nhìn ai luống nghẹn lời!
Giờ vui đời có vậy,
Thoảng ngày vui qua rồi!

Làn gió thổi hây hây,
Em nghe tà áo bay,
Em tìm hơi chàng thở.
Chàng ôi, chàng có hay?

Đường đây kia lên trời,
Ta bước tựa vai cười.
Yêu nhau, yêu nhau mãi!
Đi, ta đi, chàng ôi!

Ngun ngút khói hương vàng
Say trong giấc mơ màng,
Em cầu xin Trời, Phật
Sao cho em lấy chàng.
[ 6-1934 ]
__________
* Thiên ký sự đến đây là hết. Tôi tin rồi hai người lấy nhau, vì không lấy được nhau thì cô bé còn viết nhiều. Lấy nhau rồi là hết chuyện.

(Nguyễn Nhược Pháp)

CayQueo
Posts: 221
Joined: Sun Nov 28, 2004 6:34 pm
Contact:

Re: Bài Thơ Tết Vượt Thời Gian

Post by CayQueo »

Mùa Xuân và Cành Mai Thiền sư Mãn Giác, thuộc đời thứ 8 dòng thiền Vô Ngôn Thông. Niên hiệu Hội phong thứ (1096), cuối tháng 11, Sư có bệnh, gọi môn nhơn đến nói kệ :

Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai
Sự trục nhãn tiền quá
Lão từng đầu thượng lai
Mạc vị Xuân tàn hoa lạc tận
Đình tlền tạc dạ nhất chi mai
Dịch : Xuân đi trăm hoa rụng
Xuân đến trăm hoa cười
Trước mắt việc đi mãi
Trên đầu già đến rồi
Chớ bảo Xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một cành mai

CayQueo
Posts: 221
Joined: Sun Nov 28, 2004 6:34 pm
Contact:

Re: Bài Thơ Tết Vượt Thời Gian

Post by CayQueo »

Đỗ Phủ Xuân dạ hỉ vũ Hảo vũ tri thì tiết
Đương xuân mãi phát sinh
Tuỳ phong tiềm nhập dạ
Nhuận vật tế vô thanh
Dã kính vân câu hắc
Giang thuyền hoả độc minh
Hiểu khan hồng thấp xứ
Hoa trọng Cẩm Quan thành
Dịch Nghĩa Đêm xuân mừng mưa Mưa lành biết được tiết trời
Đang lúc xuân về mà phát sinh ra
Theo gió hây hẩy vào đêm tối
Tưới mát muôn vật mà không nghe tiếng
Đường quê đầy mây âm u
Thuyền trên sông chỉ thấy lửa sáng
Sớm mai trong vùng ẩm ướt đỏ thắm
Hoa nở đầy cả thành Cẩm Quan
Dịch Thơ

Trời tốt, mưa lành tới
Đang xuân chợt nhẹ rơi
Vào đêm theo với gió
Êm tiếng mát cho đời
Đường nội làn mây ám
Thuyền sông ánh lửa ngời
Sớm trông miền đỏ thắm
Hoa nở Cẩm Thành tươi

Lê Nguyễn Lưu dịch



Nguồn: VNThuquan

CayQueo
Posts: 221
Joined: Sun Nov 28, 2004 6:34 pm
Contact:

Re: Bài Thơ Tết Vượt Thời Gian

Post by CayQueo »

CayQueo wrote: Bài Thơ Tết Vượt Thời Gian Trên báo Ngày Nay ở Hà Nội khoảng năm 1939 - 1940 xuất hiện khoảng 6, 7 bài thơ tả cảnh sinh hoạt thôn quê Việt Nam (Chợ Tết, Đám Cưới Mùa Xuân, Đám Hội, Trăng Hè.) của Đoàn Văn Cừ, một nhà thơ mà tiểu sử vẫn còn nằm trong bí mật. Năm 1941 khi soạn quyển Thi Nhân Việt Nam, Hoài Thanh và Hoài Chân đã lên tiếng tìm kiếm nhưng Đoàn Văn Cừ vẫn là nhà thơ mà tung tích không ai biết.

Dựa trên đề tài, lối dùng chữ, hình ảnh trong thơ, và việc nhà thơ Đoàn Văn Cừ chỉ đăng bài trên Ngày Nay của Tự Lực Văn Đoàn, trên việc Đoàn Văn Cừ im lặng từ khi Ngày Nay đóng cửa, chúng tôi phỏng đoán rằng Đoàn Văn Cừ chính là Khái Hưng, một cột trụ của Ngày Nay và Tự Lực Văn Đoàn. Không ai chỉ có thể trong vòng vài chục câu mà có thể diễn tả được những hoạt cảnh ở thôn làng Việt Nam thuở trước một cách chính xác, linh động, đầy đủ, gợi cảm và tuyệt vời như Đoàn Văn Cừ.


Đông Sơn
CQ vừa tìm được một bài viết về nhà thơ Đoàn Văn Cừ. Mời các Anh Chị xem.


Nhật Thịnh

Ngày Xuân Nhớ Đoàn Văn Cừ (1913-2004)

Jul 15, 2004

Vậy là Đoàn Văn Cừ đã ra đi, lặng lẽ cất cánh xa bay vào cõi hư không, gieo tiếc nuối cho nhiều người, vào độ tuổi đời kể ra đã thọ, 92 tuổi, nhưng văn học chưa già, còn năng lực sáng tác. Một vì sao đã rơi rụng ngày 27.6.2004, sau Hoài Chân đúng ba ngày ngắn ngủi. Hoài Thanh và Hoài Chân là đồng tác giả của tập “Thi nhân Việt Nam” xuất bản năm 1942 viết về các nhà thơ đương thời, trong đó có đề cập tới Đoàn Văn Cừ, không ngờ khi sống đã biết nhau, tới khi chết còn kéo theo nhau, thật khăng khít. Hoài Chân tức em ruột của Hoài Thanh, tên thật Nguyễn Đức Phiên sinh ngày 11.4.1914 tại xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, cùng Hoài Thanh [15.7.1909 – 14.3.1982] tên thật Nguyễn Đức Nguyên, biên soạn tập “Thi nhân Việt Nam”. Ngay khi đương thời soạn thảo tác phẩm họ đã không nắm vững gì hơn về ông, đã phải ghi chú: “Khi quyển này đưa in chúng tôi vẫn chưa biết gì thêm về ông Đoàn Văn Cừ tuy đã hỏi rất nhiều người. Vậy xin mạn phép ông trích mấy bài thơ. Ông ở đâu làm ơn cho chúng tôi biết.” Phải chăng vì vậy Thế Phong đã gọi ông là “nhà thơ tìm kiếm” của Hoài Thanh và Hoài Chân. Tuy nhiên cho đến nay những gì viết về ông nhiều tài liệu văn học đều đề cập tới một cách đơn sơ.

Sự thật phải nói rằng ông vốn kín đáo, khiêm nhường nên đã không gửi hình và tiểu sử cho Hoài Thanh và Hoàn Chân khi họ nhắn tin ông trên báo chí hồi đó, hơn nữa khi bấy giờ ông đã dời về Nam Định dạy học, tham gia cuộc biểu tình đòi hỏi chính sách lương bổng, thuế khóa cho được công bằng, không để bị bóc lột tàn bạo của công nhân Nhà máy sợi tại đây và đã bị mật thám Pháp ngày đêm theo dõi gắt gao cho rằêng ông hoạt động chính trị để chống đối sự đô hộ của chính phủ bảo hộ. Hoài Thanh và Hoài Chân mệnh danh ông “nhà thơ đồng quê có ngòi bút dồi dào, rực rỡ”, đúng vậy hình ảnh nông thôn trong thơ ông đã phản ảnh trung thực làng xã của đời thực, từ chuyện gặt hái, ma chay, cưới xin, cháy nhà, bắt cướp, đàn trâu, bác bán thuốc...tới phong tục, tập quán, sinh hoạt. Thời bấy giờ xuất hiện nhiều bài thơ tình mượn cảm hứng từ niềm cô độc, nhớ thương riêng tư, ông trái lại đã sáng tác được nhiều bài thơ xuất sắc, đưa thơ ra đường hội nhập với sự đông đúc, tươi vui như cảnh chợ Tết, đám hội làng.

Những ai đã một thời sống ở nông thôn vào những ngày hè về thăm quê hay những ngày khói lửa, tản cư về nông thôn mới cực cảm được sự sinh động và kỳ ảo của ông khi diễn tả cảnh “Đám hội” làng vào mùa xuân có rước kiệu, đấu vật, chơi cờ người, tế lễ, hát bội...đến những trò chơi diễn ra ở khắp các làng quê. Cách nhìn và cảm xúc của ông lai láng hồn quê, phản ảnh mọi mặt đời sống thôn dã trong những vần thơ trữ tình, có thể coi thơ của ông như những tư liệu đáng tin cậy đóng góp vào việc nghiên cứu nông thôn. Chính bởi thế thơ ông đã bị cộng sản cho rằng phản ảnh thiếu trung thực xã hội nông thôn với những mâu thuẫn gay gắt, ý họ muốn thơ ông phải đề cập tới sự đấu tranh giai cấp một mất một còn giữa chủ điền và tá điền, rõ sặc mùi văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa phi nhân bản vậy. Nhà văn Thạch Lam trong Tự Lực Văn Đoàn đã lập luận: “Một lối thơ riêng, rất riêng, đặc biệt nhiều mầu sắc và cảnh sắc.”
Ông sinh ngày 25.3.1913 tại làng Đô Quan, xã Nam Lợi, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định trong một gia đình nông dân, lớn lên đi dạy học, sau trở về tỉnh nhà làm việc, gắn bó với mảnh đất cũ, cho đến những năm cuối cùng của đời người ông hầu như sống đời ẩn dật, không bon chen danh lợi. Thanh Tùng trong "Văn Học Tự Điển" 1973, đã đặt nghi thuyết cho rằng ông sinh tại tỉnh Thái Bình, căn cứ theo một sự kiện năm 1946 khi nhà thơ Vũ Hoàng Chương tản cư về dạy học tại tỉnh Thái Bình có sống với Đoàn Văn Cừ.

Ông không những yêu quê hương một cách đơn thuần mà còn khát vọng tìm hiểu phong tục, tập quán, đời sống của người nông dân in sâu dấu vết xưa. Thơ ông được in báo từ những năm 1939 – 1940, nổi tiếng cách đây hơn 60 năm với những bài thơ mang đậm phong vị làng quê và lễ Tết như “Đám cưới mùa Xuân”, “Đám hội”, “Đường về quê mẹ”, “Trăng hè”...mang cùng tâm trạng của những nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp, Vũ Đình Liên nhớ thương dĩ vãng. Thơ ông được xuất bản bằng các ngoại ngữ Pháp, Tây Ban Nha để giới thiệu với người ngoại quốc.
Hoài Thanh và Hoài Chân nhận định: “Những bức tranh trong thơ Đoàn Văn Cừ không phải chỉ đơn sơ vài nét như những bức tranh xưa của Á Đông. Bức tranh nào cũng đầy dẫy sự sống và rộn rịp những hình sắc tươi vui.

Mỗi bức tranh là một thế giới linh hoạt. Người xem tranh hoa mắt vì những nét những màu hình như rối rít cả lại; nhưng nhìn kỹ thì màu nào nét nào cũng ngộ nghĩnh vui vui.” Ông sở trường lối thơ tả chân nông thôn kết hợp với suy tư, tưởng tượng, nhiều màu sắc, hình tượng mang tính chất dân tộc và hiện đại, hiện thực và lãng mạn. Đọc bài “Chợ Tết” ông đã ném vào cái ngoại cảnh dồn dập, tươi vui đó một ít cảm xúc của mình, tạo được cái hậu khi kết thúc. Người ta say sưa theo dõi từng đoàn người kéo nhau đi trên đường quê. Từ “ những thằng cu áo đỏ chạy lon xon”, vài cụ già tay chống gậy tre “bước lom khom” trên đường đất sống trâu, đến những “cô yếm thắm che môi cười lặng lẽ”, đứa bé “nép đầu bên yếm mẹ” và nào “hai người thôn gánh lợn chạy đi đầu”, theo sau “con bò vàng ngộ nghĩnh” lũ lượt kéo về hướng chợ. Chưa tới chợ không khí đã thấy tươi vui, nhộn nhịp, thậm chí núi đồi xưa nay vẫn im lìm, bỗng dưng nôn nao choàng thức giấc, choàng vội lên người thảm cỏ xanh non, và thoa lên màu son thắm của bình minh. Tới chợ thì người, vật, hàng quán chen lấn, xô bồ, người ta xấn kéo cụ lý đến tung cả khăn quấn đầu, cảnh tượng đó làm họ hoa mắt lên, vậy mà ông còn bình tĩnh nhận thấy:
Cụ đồ nho dừng lại vuốt râu cằm,
Miệng nhẩm đọc vài hàng câu đối đỏ.
Ông có cái nhìn tinh tế, bao quát, thấy từ “con trâu đứng vờ dim hai mắt ngủ”, “anh hàng tranh kĩu kịt quảy đôi bồ”, một thày khóa đang gò lưng “hí hoáy viết thơ xuân”...đến một bà mua gà cầm cẳng con gà sống dốc ngược lên xem, mào thâm như miếng tiết. Trời xuân có khác, thật bát ngát, trên bãi cỏ xanh, một chị đánh đu, ngửa người tít trên không, cụ già mắt hấp háy ngẩng đầu trông theo. Điểm thêm một sắc màu ấm áp cho bức tranh quê, ông phác họa nhiều nét linh hoạt:
Bà cụ lão bán hàng bên miếu cổ
Nước thời gian gội tóc trắng phau phau
Hay cảnh người chị đứng gào đến khản cổ lũ em bị thôi miên bởi những bức tranh con gà, con lợn. Đàn lợn mẹ và con tượng trưng con đàn cháu đống, thương yêu, đùm bọc nhau qua mọi cơn hoạn nạn. Tranh đàn gà mẹ và con nói lên tình mẹ thương con, đẹp muôn thuở, nuôi nấng con cái, dạy dỗ nên người, bảo vệ, chống đối mọi sự đe dọa của loài diều hâu thường hay lai vãng rình rập. Tranh con gà trống dáng vẻ hiên ngang, biểu tượng chữ tín cao quý của con người, gáy đúng giờ giấc mỗi ngày, không lười biếng, trễ nại, quanh năm suốt tháng là bạn của người nông dân chân lấm tay bùn, làm bạn với con trâu cái cày:
Lũ trẻ con mải ngắm bức tranh gà
Quên cả chị bên đường đang đứng gọi
Phiên chợ quê họp đến khuya, họ quanh năm chỉ có một ngày để người mua người bán, chuẩn bị sắm sửa cho mấy ngày đầu năm xum họp gia đình. Dù ai buôn ngược bán xuôi ngày Tết đều tìm về bên nhau ôn nhớ lại những kỷ niệm xưa cũ, hàn huyên về công ăn việc làm trong năm cũ và những vui buồn để đời. Họ loãng tan trên khắp các nẻo đường quê, trở về những làng mạc xa xôi, hẻo lánh, lặng lẽ và buồn hiu. Cảnh vật dường như chia sẻ tâm trạng đó của con người, nắng vàng tắt lịm và lá khô rơi rụng tan tác. Thế giới thực khép kín nhường chỗ cho thế giới mộng hiện ra, cảnh vật thật tan biến, mở ra thế giới mộng, tâm hồn bâng khuâng, man mác như vắng thiếu một cái gì:
Trên con đường đi các làng hẻo lánh,
Những người quê lũ lượt trở ra về.
Ánh dương vàng trên cỏ kéo lê thê,
Lá đa rụng tơi bời quanh quán chợ.
Đây có thể coi như điển hình cho lối thơ của ông. Người ta thấy hình ảnh Tết được ông ghi nhận một cách sâu đậm, tưởng chừng một thứ kỷ niệm không thể phai mờ trong tâm trí. Hoài Thanh và Hoài Chân lập luận: “Nghĩ đến Đoàn Văn Cừ là tôi lại nghĩ đến Tết. Cái tên Đoàn Văn Cừ trong trí tôi đã lẫn với màu bánh chưng, mùi thuốc pháo, vị mứt gừng.” Thơ của ông biểu tượng cho những hoạt cảnh rộng lớn người ta có thể tìm gặp bằng cái nhìn khách quan, một đôi bài, chẳng hạn bài “Tết” không gian lại được thu hẹp trong khung cảnh chật hẹp của gia đình, ông ký thác nhiều tâm tình :
I]Trời lất phất mưa sa
Giờ lâu tràng pháo chuột,
Đì đẹt nổ trên hè,
Con gà mào đỏ chót,
Sợ hãi chạy le te
Cây nêu trồng ngoài ngõ,
Soi bóng dưới lòng ao
Chùm khánh sành gặp gió,
Kêu lính kính trên cao
Từ khi ông tôi mất,
Bà tôi đã qua đời,
Tôi mỗi ngày mỗi lớn,
Nên chẳng thấy gì vui [/I]
Ngoài ra ông còn phô diễn được trọn vẹn những kỷ niệm vui buồn thời thơ ấu, làm chứng nhân trước những biến đổi gia đình, những cảnh tử biệt sinh ly đớn đau, tang tóc không ai tránh khỏi một lần trong đời. Hình ảnh ông bà già nua, những cử chỉ chăm nom săn sóc của những cháu chắt, biểu hiện tình thương yêu đậm đà chỉ còn tìm thấy trong xã hội Đông phương nặng mang truyền thống giáo lý ngàn đời của dân tộc:
U tôi ngày ấy mỗi mùa xuân
Dặm liễu mây bay sắc trắng ngần
Lại dẫn chúng tôi về nhận họ
Nơi miền quê ngoại của hai thân
Tôi nhớ đi qua những rặng đề
Những dòng sông nhỏ chạy ven đê
Cồn xanh bãi tía kề liên tiếp
Người xới cà ngô rộn bốn bề
Mẹ hiện ra trong tiềm thức, ngày nào lon xon đuổi theo chân mẹ, trong cảnh quê êm đềm nọ. Thật cao đẹp, son sắt trong nghĩa tình, duyên dáng bởi hình thức. Khuyên vàng, yếm thắm, áo bùn non lồng lộng giữa trời trong xanh, bà thúng cắp ngang hông, đem tạc thành tượng, khắc ghi muôn đời, hình ảnh đẹp của người phụ nữ đoan trang, tiết hạnh:
Thúng cắp ngang hông nón đội đầu
Khuyên vàng, yếm thắm, áo the nâu
Trông u như thể thời con gái
Mắt sáng môi hồng má đỏ âu
Tới cảnh “Trăng hè” ở thôn quê có thể nói ông đã đạt tới đỉnh cao của tả chân, tinh vi và sắc sảo. Trong khi nhiều nhà thơ khác tìm cảm xúc từ những lãnh vực triết học, xã hội...ông và Nguyễn Bính, Bàng Bá Lân, Anh Thơ - Vương Kiều An - đã tìm về nông thôn tưởng rằng quá quen thuộc, nhưng tạo được những dáng vẻ đẹp chứa đựng những tập tục cổ xưa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc trải dài ngót năm ngàn năm lịch sử. Nếu Đoàn Văn Cừ nhìn đồng quê từ cái nhìn bên ngoài, trái lại Anh Thơ diễn tả qua tâm sự của người con gái ở bên trong, thấm đượm tình yêu thương nơi mình sinh ra, lớn lên. Khung cảnh làng quê im lìm dưới trăng vàng, ngoài hiên kẽo kẹt tiếng võng đưa, tiếng ầu ơ của bà mẹ ru con, con chó ngủ lơ mơ nơi đầu thềm. Đêm khuya vắng lặng, ông lão nằm trơ vơ giữa sân:
Tiếng võng trong nhà kẽo kẹt đưa,
Đầu thềm con chó ngủ lơ mơ,
Bóng cây lơi lả bên hàng giậu,
Đêm vắng, người êm, cảnh lặng tờ
Ông lão nằm chơi ở giữa sân
Tàu cau lấp lánh ánh trăng ngân,
Thằng cu đứng vịn bên thành chõng,
Ngắm bóng con mèo quyện dưới chân.
Nói về mình ông phát biểu: “Ngót 60 năm cầm bút tôi chỉ có một ước mơ khiêm tốn: “Trong thơ góp một đường cày – Nước non gieo hạt mong ngày nở hoa.” Ông giờ đây đã xa lìa cõi thế nhưng những thi phẩm “Thôn quê” 1 – 2, "Việt Nam huy hoàng", "Trần Hưng Đạo anh hùng dân tộc", “Dọc đường xuân”, “Đường về quê mẹ”, “Tuyển tập Đoàn Văn Cừ”...viết theo bút pháp tả thực, sâu đẫm hồn quê tạo được sắc thái đặc thu không dễ mấy ai đã có thể đi vào. Cho đến những năm cuối cùng của cuộc đời, tuổi cao bệnh nặng, ông vẫn nặng mang một niềm tin về những sắc màu tuyệt diệu của nông thôn, và đúng như ông từng quan niệm: “Những giờ sống đích thực của nhà văn là trên trang viết.” Đó mới chính là chân giá trị của người cầm bút chân chính thực sự phục vụ cho những gì cao đẹp của văn học nghệ thuật vậy.

NHẬT THỊNH

CayQueo
Posts: 221
Joined: Sun Nov 28, 2004 6:34 pm
Contact:

Re: Bài Thơ Tết Vượt Thời Gian

Post by CayQueo »

Đoàn Văn Cừ Chơi Xuân Ngày xuân trẻ bức tranh gà,
Cụ già quần nhiễu đỏ lòa sang nhau .
Đàn ông khăn nhiễu đội đầu,
Đôi giày da láng, khăn trầu đỏ loe .
Đàn bà yếm đậu vàng hoe,
Hàm răng đen nhức, váy lê thẹn thùng .
Đám "quay đất" họp đang đông,
Tiếng cười nắc nẻ vang trong góc lều
Hiu hiu trời tắt nắng chiều,
Chõ xôi trong bếp phì phèo lên hơi .
Bàn thờ hương cháy tỏa mùi,
Từng tràng pháo chuột nổ dài trong khuya .
1941
ĐOÀN VĂN CỪ

CayQueo
Posts: 221
Joined: Sun Nov 28, 2004 6:34 pm
Contact:

Re: Bài Thơ Tết Vượt Thời Gian

Post by CayQueo »

Đoàn Văn Cừ
Đám cưới mùa Xuân
Ngày ửng hồng sau màn sương gấm mỏng,
Nắng dát vàng trên bãi cỏ non xanh.
Dịp cầu xa lồng bóng nước long lanh,
Đàn cò trắng giăng hàng bay phấp phới.

Trên cành cây, bỗng một con chim gọi
Lũ người đi lí nhí một hàng đen
Trên con đường cát trắng cỏ lam viền
Họ thong thả tiến theo chiều gió thổi,
Dưới bầu trời trong veo không mảy bụi,
Giữa cánh đồng phơn phớt tựa màu nhung.
Một cụ già râu tóc trắng như bông,
Mặc áo đỏ, cầm hương đi trước đám.
Dăm sáu cụ áo mền bông đỏ sẫm,
Quần nâu hồng, chống gậy bước theo sau.
Hàng ô đen thong thả tiến lên sau.
Kế những chiếc mâm đồng che lụa đỏ.
Bọn trai tơ mặt mày coi hớn hở,
Quần lụa chùng, nón dứa áo sa huê.
Một vài bà thanh lịch kiểu nhà quê,
Đầu nón nghệ, tay cầm khăn mặt đỏ.
Bà lão cúi lom khom bên cháu nhỏ,
Túi đựng trầu chăm chăm giữ trong tay.
Thằng bé em mẹ ẵm, má hây hây,
Đầu cạo nhẵn, áo vàng, quần nâu sẫm.
Cô bé để cút chè người xẫm mẫm,
Đi theo bà váylĩnh, dép quai cong.
Một chị sen đầu đội chiếc khăn hồng,
Đặt trên cái hòm da đen bóng lộng.
Người cô dâu hôm nay coi choáng lộn.
Vành khuyên vàng, áo mớ, nón quai thao.
Các cô bạn bằng tuổi cũng xinh sao,
Hai má thắm, ngây thơ nhìn trời biếc.
Dăm bảy cô phủ mình trong những chiếc
Áo đồng lầm, yếm đỏ, thắt lưng xanh.

* * *

Một lúc sau đi tới chỗ vòng quanh,
Nếp chùa trắng in hình trên trời thắm,
Thì cả bọn dần đần cùng khuất lẩn
Sau trái đồi lấp lánh ánh sương ngân.
Chỉ còn nghe văng vẳng tiếng chim xuân
Ca ánh ỏi trên cành xanh tắm nắng.

Đoàn Văn Cừ
(Ngày nay)

Post Reply