Quán Bên Đường

Thơ non, thơ già, thơ ghẹo, thơ thẩn, thơ thơ. Xin đọc và ôm bụng cười, hay bứt tóc gãi tai tìm nàng ... thơ...

Moderators: CNN, khieulong

User avatar
macco
Posts: 3542
Joined: Mon Jan 17, 2005 8:04 am

Re: Quán Bên Đường

Post by macco »

Image

PHƯỢNG HỒNG

Sáng nay đọc lại dòng lưu bút,
Chợt nhớ hè xưa nhớ phượng hồng,
Những ngày hai đưa cùng chung bước,
Anh đã thương nhưng giấu trong lòng.

Nét chữ nghiêng nghiêng tuổi học trò,
Cùng màu mực tím thật ngây thơ,
Và tên em ký trang lưu bút,
Ép bên một cánh phượng hồng khô.

Nhớ ngày anh bước vào sương gió,
Bỏ lại thương yêu với mái trường!
Hàng trang anh mang theo nỗi nhớ,
Hình bóng người yêu với phượng hồng.

Bao mùa hè đến không nhớ nữa?
Anh không có dịp thăm trường xưa,
Nhưng vẫn không quên em gái nhỏ,
Phượng hồng ơi thương mấy cho vừa!

Anh vẫn miệt mài đường hành quân,
Thư gởi thăm anh đã bao lần?
Tình câm nên vẫn chưa dám ngỏ!
Ngại ngùng vì lính quá gian truân!

Để rồi một hôm nơi tuyến đầu,
Nhận tin em đã bước qua cầu!
Pháo hoa ngập lối ngày xưa ấy!
Lòng anh chợt thấy thoáng mưa ngâu!

Ngày tháng qua đời anh lưu lạc!
Hè về lòng chợt nhớ mông lung,
Nhớ màu áo trắng bay trong gió,
Và nhớ trường xưa với phượng hồng.


Ngọc Trân

User avatar
bichphuong
Posts: 574
Joined: Mon Apr 25, 2016 12:10 am
Been thanked: 1 time

Re: Quán Bên Đường

Post by bichphuong »

Image

Ta lính miền nam

Ta lính miền nam một thời ngang dọc
Ngày đến quê em phố núi mưa rừng
Áo trắng ai bay con đường bụi đỏ
Chiến trận lạnh lùng buồn đến rưng rưng

Ta lính miền nam một đời bảo quốc
Gìn giữ quê hương bảo vệ dân lành
Lăn lóc gió sương con đường chinh chiến
Chính nghĩa rạng ngời tổ quốc rạng danh

Ta lính miền nam một ngày ra đi
Uất hận trào dâng không biết nói gì
Vết đâm sau lưng vẫn còn đẫm máu
Hận thù ngập tràn tim mãi còn ghi

Ta lình miền nam buồn tan vỡ tim
Tổ quốc về đâu ta mãi đi tìm
Tiếng kèn thúc quân hôm nao vào trận
Chung quanh bây giờ chỉ tiếng lặng im

Ta lính miền nam dù chết phương xa
Nhưng linh hồn ta mãi với quê nhà
Vẫn luôn ước mong một ngày trở lại
Vó ngựa vang rền với nhịp quân ca


Khiếu Long
Last edited by bichphuong on Tue Jun 30, 2020 7:17 pm, edited 1 time in total.

User avatar
mexanh
Posts: 477
Joined: Tue Nov 04, 2008 4:18 am

Re: Quán Bên Đường

Post by mexanh »

Image

Người Đàn bà Ngụ Bên Bến Sông

Ngày chị dời nhà về bên bến sông
đất ở nơi đây, lây cái nghèo của chị
nuộc lạt buộc lá dừa làm tấm vách thật kỹ
chị sợ tốc bay khi gió chướng vỗ về

chiếc xuồng neo chòng chành bên cọc kè
chị cũng có một thời - cứ cho là sung sướng
con chị được cắp sách đến trường
chồng chị đi lính đến tháng lãnh lương

anh gởi tiền đều đều về cho chị
không nhiều lắm
nhưng cái tình mới thật là đáng quí
khi anh về phép chị tất bật chăm lo...

ngày "hòa bình" chị chở xác anh qua đò
chạy thẳng tuốt vô đồng - bên quê nội!
nhìn ba đứa con trong lòng như tơ rối
chị giấu giọt nước mắt trong tâm.

chị về ngụ bên bờ sông nầy đã mấy năm
chiếc xuồng trôi mòn theo con nước
bìm bịp - chị nghe quen tai - mỗi ngày xuôi ngược
những đứa con ngấm hạt phù sa, lớn khôn.

giọt mưa đêm thấm qua vách lá, bồn chồn
chị nhớ anh!
nhớ ngày anh bôn ba hành quân đi đánh giặc
về phép - anh đưa chị qua phía bên kia bắc...
anh mua cho chị,
cho con - chiếc áo mới đón xuân

chị nhìn anh ngập ngừng - anh hiểu ý...
đời lính bọn anh quần áo có thiếu chi
rồi chồng chị ra đi - ra đi không bao giờ trở lại
kỷ niệm về anh - chị nhớ mãi
"... lấy chồng đời chiến binh..."

vắng anh, cái chòi mẹ con chị ở - mãi chùng chình
bởi thiếu bàn tay người đàn ông cầm giữ
chị thương các đứa con thiếu chữ
giọt nước mắt tuôn rơi!

chiếc nhẫn cưới ngày nào cũng bán để tiêu rồi
chị cảm thấy - quả thật là có lỗi.
thăm thẳm đêm màu tối
bốn mẹ con nắm tay nhau ra bờ sông
leo lên thuyền xuôi dòng
chị nhìn lên bầu trời - cầu mong...

rạng rỡ các vì sao!
lênh đênh trên sóng biển - nước mắt chị lại trào
anh ơi - hãy phù hộ
cho mẹ con em - được xuôi chèo mát mái
qua bên “nớ” các con sẽ tìm lại
thời hào hùng đi giữ nước trong anh.


Trang Y Hạ
Saigon 1984

langbat
Posts: 256
Joined: Sat Sep 22, 2012 3:50 am

Re: Quán Bên Đường

Post by langbat »

Image

Hành quân

Dăm thằng đánh trận. Dăm thằng chết
Chỉ sót mình ta cứ sống nhăn
Đù má nhiều khi buồn hết biết
Lo mãi sau này cụt mất chân

Mấy tháng hành quân chưa ngơi nghỉ
Tóc tai dài thượt giống người rừng
Kinh Kha vác súng qua Dịch Thuỷ
Thề chẳng trở về với tay không

Chiến hữu ta toàn dân thứ dữ
Uống rượu say chửi đổng dài dài
Bồ bỏ. Tức mình xâm bốn chữ
Hận kẻ bạc tình trên cánh tay

Chiều qua sém chết vì viên đạn
Du kích bên sông bắn tỉa hù
Cũng may gặp phải thằng cà chớn
Thấy mặt ta ngầu bắn đéo vô

Nhớ hôm bắt được em Việt Cộng
Xinh đẹp như con gái Sài Gòn
Ta nổi máu giang hồ hảo hán
Gật đầu ra lệnh thả mỹ nhân

Mai mốt này đây nơi trận tuyến
Gặp ta em bắn chớ ngại ngùng
Cuộc chiến đâu dành cho nhân nghĩa
Đời nào đạo lý với bao dung


Linh Phương

User avatar
macco
Posts: 3542
Joined: Mon Jan 17, 2005 8:04 am

Re: Quán Bên Đường

Post by macco »


Tôi Không Phải Mỹ Đen.

“Bầu ơi thương lấy bí cùng,
tuy khác tổng thống nhưng chung một giàn.”


Đêm trước, thức xem kết quả bầu cử.
Kết quả chia rẻ dân Mỹ, quyền lợi chính trị, tương lai kinh tế.
Kết quả cá độ toàn cầu.
Kết quả xoay chiều cán cân quyền lực thế giới..

Đáng ngạc nhiên:
Kết quả chứng nghiệm ngôn ngữ và hành vi dân Việt.

Quá nửa khuya,
phiếu bầu ông Trump thắng thế.
Phe này reo hò, phe kia ủ rũ,
Quá mỏi mệt, tôi ngủ ngồi.

Chiêm bao.

Thấy ông Trump đến nhà.
Hỏi thăm sức khỏe.
Ông sờ tôi từ đầu đến chân.
Sờ đến đâu,
tôi trắng đến đó.

Cảm giác sung sức,
Bật dậy.
Chạy nhảy ra đường.
Phò Trump.

Khi trở về,
vợ con không nhận ra.
Ông Mỹ trắng nào đây? Không phải chồng. không phải cha.
Mất vợ, xa con, sợ hãi.

Tôi thức dậy.

Sung sướng thay, tôi vẫn là người Việt.
Làm ơn, nhắc nhở tôi hàng ngày.
Đừng bao giờ để tôi tưởng mình đồng hạng Mỹ trắng.

Hôm sau,

kết quả bầu cử đổi ngược,
ông Biden thắng thế.
Phe kia ủ rũ, phe này reo hò.

Đời sống luôn luôn mở ra nhiều kinh ngạc.
Tôi kinh ngạc về những người Việt tử tế mất lương tri.
Dùng lời lẽ tục tằn, nguyền rủa, sĩ nhục.
Sử dụng chữ nghĩa dơ bẩn gán ép đồng hương.

Đến độ, báo Mỹ nhận định người Việt thích gọi nhau là chó.
Văn hóa 4000 năm chửi người là đĩ.
Khi tranh cãi, đào mồ, lật mả, trần truồng tổ tiên.

Thầy giáo hỏi: - Con học ở đâu lời lẽ tục tĩu, bỉ ổi như thế?
Mẹ hỏi: - Sao con đối đồng hương tồi tệ như vậy?
Cha nói: - Làm người phải chừng mực.
Đừng làm những gì
không muốn người khác làm cho mình.

Nhưng cả ba đều đã qua đời.
Facebook ghi lại ngàn năm sau chứng tích.

Hành vi người Việt lại càng lạ lẫm.
Chống cộng, chống Trung Quốc, không bằng chống nhau.
Chạy xe, kéo cờ, xỉ vả, hăm dọa.
Internet cất giữ hình ảnh cho con cháu xem.

Còn quá nhiều nữ kiệt, anh hùng, sao lại mất nước?
Còn quá nhiều nhiệt huyết, sao không cứu dân oan?
Còn có thể giết nhau, sao không giết Trung Cộng?


Đêm qua,

chiêm bao.
lại thấy ông Trump đến nhà.
Giận dữ và im lặng.
Ông sờ tôi từ chân lên đầu.

Sờ đến đâu,
tôi đen đến đó.
Đến khi ông quì gối lên cổ,
như bị mộc đè,
tôi bất động,
chỉ cố gắng thều thào:

-“Ông ơi, tôi không phải Mỹ đen.”



Ngu Yên

User avatar
bichphuong
Posts: 574
Joined: Mon Apr 25, 2016 12:10 am
Been thanked: 1 time

Re: Quán Bên Đường

Post by bichphuong »

Image

Tháng tư đen và những vần thơ máu lệ!
Mũ Nâu 11
Thủy Gia Trang-
Mùa Quốc Hận 2011

Ba mươi sáu năm đã trôi qua, từ dạo tháng tư đau buồn ấy.
Thời gian hầu như bào mòn sức lực bao lớp người trẻ tuổi trưởng thành trong ba thập niên năm mươi, sáu mươi và bẩy mươi của thế kỷ trước.

Thời gian cũng nhuộm trắng những mái đầu xanh với bao hoài bão, ưóc mơ cao vời.
Và thời gian cũng đã làm nhạt nhòa những tia mắt rực sáng niềm tin yêu, tràn đầy nhựa sống.

Nhưng có một điều mà đến nay thời gian vẫn hoàn toàn bất lực đó là xóa mờ nỗi đau trong lòng những người dân miền Nam nói chung và những người đã một thời cầm súng bảo vệ quê hương nói riêng, mỗi độ tháng tư về.
Nỗi đau ấy được thể hiện bằng những hoạt động như biểu tình, tưởng niệm, truy điệu,thắp nến,v.v...
Và diễn đạt qua thơ văn...

Ba mưoi sáu năm nay, từ những người đã lưu vong , đến người còn trong nước, không biết bao nhiêu bài thơ, bao nhiêu áng văn đã được viết ra.

Từ những người viết văn chuyên nghiệp đến những nhà thơ tài tử, cả những người suốt đời chưa bao giờ cầm bút, cũng sẵn sàng tham gia để trút cạn nỗi lòng trên trang giấy qua nhiều hình thức.

Nếu làm một cuộc thống kê thì có lẽ nguồn văn chương viết về ngày quốc hận tháng tư sẽ là một chủ đế có số lượng người tham gia đông đảo nhất và đa dạng nhất trong nền văn học nước nhà.

Làm sao kể hết những truyện dài, truyện ngắn, tùy bút, hồi ký, tự truyện, tản văn, phiếm luận.v.v... và v.v…
Nhưng số lượng đồ sộ nhất có lẽ là thơ.

Như một ai đó đã nhận định: “Mỗi người Việt Nam là một thi sĩ” quả không ngoa,
Chỉ cần vài ba câu với cách kết hợp vần điệu đã quá quen thuộc trong ca dao tục ngữ, người viết đã phần nào nói lên được cảm xúc của mình.
Và thơ thì thiên hình vạn trạng, chất chứa đầy cảm xúc.
Mỗi bài thơ mang một tâm tư.
Như những lời thơ xé lòng của thi sĩ Võ Ngô khiến người đọc ngậm ngùi qua bài Tháng Tư Đen:

Ba sáu năm trời quê hương oan nghiệt.
Ba sáu năm đất rỉ máu chia lìa.
Ba sáu năm cộng sản vẫn còn kia.
Ba sáu năm người dân luôn khốn khó.

...

Phải, ba mươi sáu năm, nỗi đau đó hành hạ Con Hồng Cháu Lạc từng phút từng giây. Không phải chỉ những người dân khốn khổ dưới cùm gông của người cộng sản mới phải chịu đựng. Mà những người đã ra ngoài vòng cương tỏa của bạo quyền cũng xót xa ngày đêm, như nhà thơ Dương Thượng Trúc đã thổn thức qua bài Tháng Tư Tổ Quốc Phủ Màu Tang:

Tháng tư Tổ Quốc phủ màu tang.
Dân tộc đau thương oán hận tràn.
Tủi phận nam nhi đời lữ thứ.
Hướng về quê mẹ lệ chứa chan...

...

Họ hướng về quê hương với những nhớ nhung vời vợi, nhớ về một thành phố đã mất tên, nơi ấy họ đã trải qua tuổi hoa niên đầy ắp mộng mơ, hoài bão. Mà những áng thơ của Lưu thái Dzo đã nói lên qua bài Viết Tên Sàigòn:

Sàigòn em có sướng vui không?
Trước cảnh đầu xanh, lứa tuổi hồng.
Đốt cháy tương lai bằng sống vội.
Yêu cuồng trong vũng lội tình ngông.

...

Mang chung tâm trạng lưu vong,
Túy Hà mượn điển tích từ hai câu thơ cổ

Hồ Mã Tê Bắc phong
Việt điểu sào Nam chi.

để nói lên nỗi lòng kẻ xa xứ và cũng thể hiện cái hào khí của người trai một thời vùng vẫy qua bài “Ngựa Hồ Gió Bắc Quảng Trị ta”:

Hiền Lương Bến Hải làn ranh
Đôi bờ thương hận cũng đành sang sông.
Đổi đời, đất lạ mênh mông
Lạc đàn tôi vẫn bắc phong ngựa hồ.


Tháng tư, tháng năm hay tháng nào đi nữa thì cũng chỉ là con số x ác định thời gian trôi trong chu kỳ 365 ngày xoay chuyển của đất trời.
Nhưng kể từ khi vận nước nổi trôi thì Tháng Tư đã để lại một vết thương nhức nhối trong lòng người Việt Quốc Gia chẳng biết đến bao giờ mới lành miệng.

Nhà thơ Khiếu Như Long đã trút cạn tâm sự cùng các chiến hữu với bài "Tháng Tư Uất Hận":

Tháng Tư mình mất cuộc đời
Ngày buông tay súng chơi vơi hận cuồng
Trời quê hương chợt nhuốm buồn
Một đời chinh chiến hào truông biên thùy.

...
Lê Khắc Anh Hào diễn tả tâm trạng của người một thời cầm súng, đứng trước sự biến động vô cùng kinh hoàng đã có những quyết định trái ngược nhau, với bài "Tháng Tư Buồn, Rồi Lại Thángg Tư Buồn" :

“Tháng Tư bẻ súng lần ra biển
Có kẻ âm thầm vô Trường Sơn
Ra đi là chết đời cung tiễn
Ai biết rừng sâu kẻ ngậm hờn!”


Thy Lan Thảo, một trong những người thơ có nhiều bài nói về tháng tư và nỗi đau khôn nguôi, bày tỏ cảm xúc với “Tâm Ý Tháng Tư”:

Tháng tư buông súng tuổi còn xuân
Nước mắt hoen mi ướt thấm dần
Cả một đọan đường đầy gian nhục
Hận thù hứng chịu nặng quằn thân !


Nhà thơ Trúc Lâm, trong bài "Soi Bóng" vẽ nên hình tượng những chinh phụ ngày xưa, nay trở thành "tù phụ", khi người chiến sĩ oai dũng thuở nào vác hành lý đi vào địa ngục trần gian.

Ba mươi tháng Tư mưa bão trĩu vai
Đè nặng lên tâm hồn người em gái
Em vẫn đó dáng trang đài.. héo hắt
Soi bóng mình quặn thắt dõi chinh nhân.


Chẳng phải chỉ "dáng em trang đài héo hắt", mà cả đất trời, cả dân tộc cũng chìm đắm trong nỗi đắng cay ngậm ngùi như tiếng thở than của Huy Văn trong "Mủa Kiếp Nạn":

30-4! Lại buồn thân vong quốc
Bồi hồi dâng những đồng vọng mông lung
Tiếng hoài âm hay sông núi ngàn trùng
Đang thổn thức trên từng dòng hận sử?


Mang cái hào khí của tráng sĩ một đi không trở lại, nhưng chí chưa thành danh chưa toại, đã phải mang thân lưu lạc nơi xứ người. Nhìn trời nước mênh mông mà chạnh lòng nhớ về đất mẹ. Và tự hỏi lòng còn có ngày sang sông Dịch hay chăng! Là tâm sự Xuân Du được thổ lộ trong “Như Qua Sông Dịch”:

Ta bỏ đi giữa trời mưa gió.
Từng giọt rơi buồn trên bến sông.
Như tráng sĩ một lần qua Dịch Thủy.
Biết có còn trở lại hay không?


Nhà thơ Không Quân Phạm Tương Như, trên bước đường luân lạc, nghĩ mình như làn mây trắng, vẩn vơ lơ lững trôi trong gió chiều ủ rũ.
Đò đã xuôi dòng sông cũ, để lại những ngậm ngùi cho dấu vết kỷ niệm ngày xưa cũng đã chết dần theo năm tháng. Phố thị cũ mờ phai trong ký ức mỏi mòn. Đó cũng chính là khổ thơ kết của bài“Nỗi lòng Người Đi”:

Ta như mây trắng lững lờ trôi.
Vẫy tay chào gió tiếng không lời.
Đò đưa xuôi sóng dòng sông cũ.
Phố thị ngày xưa ngỡ chết rồi.


Nói về văn chương, nhất là nguồn thơ qua chủ đề Tháng Tư Đen chẳng khác nào chúng ta chơi vơi giữa đại dương mênh mông với trăm ngàn cơn sóng dữ.
Những cơn sóng mà một ngày nào đó sẽ phủ trùm lên và cuốn trôi đi cái chế độ nghiệt ngã đã đọa đầy dân tộc chúng ta hơn nửa thế kỷ qua.

Xin cám ơn tất cả các thi sĩ, các người thơ đã góp tay làm nên cơn sóng này.
Những tâm tư khắc khoải, những đau đớn ê chề, những hoài vọng thiết tha và những ước mơ giản dị của tất cả những người yêu chuộng tự do, yêu chuộng công bình bác ái được viết thànhh thơ sẽ để lại những chứng tích hiệu quả nhất cho lịch sử về tội ác của người cộng sản đối với Dân Tộc và Tổ Quốc

Xin mượn những dòng lục bát sắt son của nữ sĩ Đoan Khánh từ bài "Mùa Hè Trong Tôi” để chia sẻ những xúc cảm về mùa Quốc Nạn năm nay:

75 dậy sóng tơi bời
Vùng kinh tế mới “đổi đời” dân ngoan
Ai sinh lắm kẻ bạo tàn?
“Cha già dân tộc” đầu đàn lũ con
Hè còn Phượng đỏ sắt son
Dòng máu Lạc Việt mãi còn luân lưu.


Thủy Gia Trang
Wichita - Tháng 4/2011

Post Reply