Quán Bên Đường

Thơ non, thơ già, thơ ghẹo, thơ thẩn, thơ thơ. Xin đọc và ôm bụng cười, hay bứt tóc gãi tai tìm nàng ... thơ...

Moderators: CNN, khieulong

User avatar
tieuvuvi
Posts: 2822
Joined: Sun Nov 26, 2006 1:29 pm
Been thanked: 3 times
Contact:

Post by tieuvuvi »

Image


VỀ QUÁN BÊN ÐƯỜNG

Quán bên đường đó vẫn còn ,
Bạn xưa , tình cũ , nước non , hận thù .
Nâng ly nhấp chén phù du ,
Ðời tha hương mãi, mịt mù tháng năm .

Ðường về thiên cổ xa xăm ,
Mộ sầu hận khúc ,dấu hằn hồn ta .
Chiều hành quân cũ thật xa ,
Rượu hồng hoang uống đậm đà bờ môi .

Bạn bè chinh chiến nổi trôi ,
Hồn sông núi gọi trên đồi quê hương .
Mai về còn có thịt xương ,
Cùng nhau ghé quán bên đường rong chơi .

Lỡ mai chiến trận thây phơi ,
Trận cười vẫn có bên đời nhớ nhau .
Tháng ngày lưu lạc quặn đau ,
Ta mơ máu đỏ thắm màu cờ xưa


Khieu Long
Image

User avatar
muanuadem
Posts: 461
Joined: Sun Apr 19, 2009 6:47 pm

Post by muanuadem »

Image

Quay lại Bình Long

Em có về chốn cũ
Nhớ ghé thăm giùm Anh
Chiếc võng đời lúc lắc
Giữa rừng xanh rừng xanh

Bạn bè anh ngủ đó
Rừng thương giờ bơ vơ
Thắp giùm anh nỗi nhớ
Của ngày xưa… ngày xưa

Ngày những người thám kích
Đã đi vào quê hương
Âm thầm vào cõi chết
Nhẹ như chuyện tầm thường

Như một lần xuống phố
Xin em một nụ cười
Để hành trang lạnh ngắt
Còn góc chứa niềm vui

Em không là khách lạ
Ngại chi mình cô đơn
Nụ cười xưa vang vọng
Hôn mềm trời vấn vương

Em về thăm An Lộc
Thăm Đồng Long giùm anh
Thăm gót giày chinh chiến
Vì Quê Hương quên mình


Trạch Gầm

User avatar
muanuadem
Posts: 461
Joined: Sun Apr 19, 2009 6:47 pm

Post by muanuadem »

Image

Bài tháng Tư

Lũ chúng ta, ván cờ dở cuộc
Tướng bỏ thành, phá tượng, buông xe
Ta thân tốt chân trời góc bể
Nỗi qua sông chẳng hẹn ngày về.

Thuở đứt gánh tóc còn xanh mướt
Giờ nhìn nhau, bạc trắng phơ phơ
Hai mươi năm đốt đời trai trẻ
Buổi sa cơ, lỡ một thế cờ.

Mỗi nghìn đêm còn đau giấc mộng
Mỗi sáng nhìn đất nước khuất xa
Thân tráng sĩ – sức tàn lực kiệt
Mộng thời trai như bóng mây qua.

Những hố bom ngày xưa đã lấp
Biển muôn trùng xanh những nương dâu
Chiến trường xưa đã mờ dấu tích
Sao lòng ta nặng vết hằn đau.

Người lính già tuổi chiều bóng xế
Chẳng còn xưa, chẳng có mai sau
Những tháng ngày sầu niềm đất khách
Vết thương lành, vết sẹo còn đau.

Ôi tháng tư, đốt lò hương cũ
Khóc người xưa, nhỏ lệ cho ta
Người đã khuất – còn nguyên khí phách
Ta sống còn – tháng đoạn, ngày qua.


Huy Phương

User avatar
tiendung
Posts: 329
Joined: Wed Dec 01, 2010 10:09 pm

Post by tiendung »

Image

Xin clic vào hình để nghe được nhạc...

User avatar
tiendung
Posts: 329
Joined: Wed Dec 01, 2010 10:09 pm

Post by tiendung »

Image


Bài Thơ Không Tên


Trong ví ta này chứng chỉ tại ngũ
Mất nước rồi còn hiệu lực hơi lâu
Chiều lưu lạc chợt thương tờ giấy cũ
Tái tê cười, giờ gia hạn nơi đâu?

Trong ví ta này một thẻ căn cước
Hình chụp ngày đó rất mực cù lần
Đã nhợt nhạt như bị đời nhúng nước
Má hóp vào như cả tháng không ăn

Mười tám tuổi thành công dân nước Việt
Tên chụp hình làm ta xấu như ma
Thằng khốn nạn làm sao nó biết
Ta sẽ thành dân mất nước tan nhà

Hai mươi tuổi ta đi làm chiến sĩ
Bước giày đinh lạng quạng một đời trai
Vừa đánh giặc vừa lừng khừng triết lý
Nhưng thằng này yêu nước chẳng thua ai

Hình căn cước anh nào mà chẳng xấu
Tên chụp hình như một lão tiên tri
Triệu mặt mày ngây ngô bàng hoàng xớn xác
Cùng đến một ngày: gãy - đổ - phân ly

Nhìn hình chim in trên tờ chứng chỉ
Chợt nhớ đến câu gãy cánh đại bàng
Ngàn lẫm liệt tan trong chiều rã ngũ
Muôn anh hùng phút chốc hoá lang thang

Quanh mình xôn xao chuyện thay quốc tịch
Ngậm ngùi bày ra giấy cũ coi chơi
Thới cũ ố vàng rơi làm mấy mảnh
Xót xa đau như mình bỗng qua đời

Ôi trong ví mỗi người dân mất nước
Còn một oan hồn mặt mũi ngu ngơ
Ôi trong trí mỗi anh hùng thuở trước
Còn dậy trời lên những buổi tung cờ



Cao Tần

User avatar
tiendung
Posts: 329
Joined: Wed Dec 01, 2010 10:09 pm

Post by tiendung »

Image


Người Nằm Xuống …


Chiếc nón sắt nằm bên bờ lau sậy
Cơn mưa qua. Trời lạnh buốt. Một mình.
Con dế mèn ngẩn ngơ buồn thức dậy
Hát thâu đêm về một cuộc tử sinh

Chiếc ba lô hôm xưa gùi sương núi
Phong thư còn nguyên nếp buổi tàn y
Bên kia đồi mẹ bồng con trông với
Ôi lạc loài lời em hát từ khi …

Ðường hành quân, ngàn dọc đường gió bụi
Anh có nghe tiếng súng xé màn đêm
Tiếng xung phong của bao nhiêu đồng đội
Là hùng ca, là khúc nhạc êm đềm

Và như thế anh một mình nằm xuống
Không mộ phần cho người giữ quê hương
Cuộc đời ơi, thôi tạ từ cơn nắng
Tạ từ em và những buổi tơ vương

Chiếc nón sắt còn bên bờ lau sậy
Một khoảng trời soi bóng, một dòng sông …
Hai mươi năm, đời quê hương có vậy
Kiếp lưu đày, buồn ánh mắt vời trông …



-tường vi
(viết cho tháng tư buồn)

User avatar
khieulong
Posts: 6756
Joined: Wed Dec 01, 2004 9:09 pm
Been thanked: 1 time

Post by khieulong »

Image

Lâm Hảo Dũng, chàng thi sĩ lính

Nguyễn Mạnh Trinh


Tôi đọc những bài thơ đầu của Lâm Hảo Dũng khi tôi ở Pleiku những năm đầu của thập niên 70. Lúc ấy chiến tranh thật khốc liệt và tuổi trẻ chúng tôi vật vã theo với đà chiến cuộc. Bạn bè, có đứa vừa đùa giỡn với nhau ở bãi đậu phi cơ thì đã vội ra đi trong một phi cụ không về, thân xác vỡ trên trời. Bạn bè vừa bù khú tối hôm qua, vừa ngâm những câu thơ biên tái vừa bi thảm vừa hùng tráng, mấy ngày sau đã thành tử sĩ thân xác gói trong poncho để trở về đất mẹ. Và đời sống lúc ấy, với hiện thực đầy mầu đen tối, thì những câu thơ, như : “Chư Pao ai oán hờn trong gió / mỗi một khăn tang một tấc đường” truyền cảm và tạo rung động biết bao.

Những địa danh trong thơ Lâm Hảo Dũng, nhắc lại những chiến trường thật, những mẫu người lính thực. Những tờ báo như Văn như Khởi Hành, như Văn Học thời ấy, với những tác giả trẻ, và những bài thơ rực lửa chiến tranh, một thời đã khiến những người lính như chúng tôi cảm thấy tâm sự của mình, nỗi niềm của mình được cất lên và sự chia sẻ tột cùng đã làm cho phong vị những bài thơ trở thành lời đồng vọng của tuổi trẻ. Thời gian ấy, tôi còn trẻ lắm, mới trên hai mươi và kinh nghiệm cuộc sống chỉ là những lúc bốc đồng theo tình cảm yêu ghét của mình. Và tâm tư cũng như những trang giấy trắng tinh nhìn đời ngây thơ mơ mộng. Những bài thơ biên tái của phong vị những bài hành có lúc đã tạo thành thi vị cho cuộc sống chúng tôi, những người đọc yêu thơ lãng mạn mong tìm được sinh khí trong mầu đen ảm đạm của cuộc chiến ý thức hệ tương tàn.

Có người đã nhận xét rằng chiến tranh trong một thời ấy nhiều khi đã được nhìn ngắm ở Sài Gòn, từ những chốn xa hoa vũ trường son phấn hay những quán cà phê thời thượng với những nhà văn nắm những tờ báo những cơ quan ngôn luận trên tay và một loại văn chương đầy triết lý xa rời thực tế đã thành một thời thượng văn chương. Nhận xét ấy có lẽ chỉ là một trong nhiều góc cạnh để nhìn ngắm. Vì thực ra, cũng có những văn thơ của những người lính thực sư đã tạo thành một bản sắc cho văn học Việt nam – văn chương của những người lính.

Ðất nước chúng ta là một đất nước tràn đầy bi thảm của những cuộc chém giết vô nghĩa lý. Và thi ca, cũng nhuốm mầu khói lửa đạn bom. Ðọc trên báo chí và các tạp chí văn chương, chúng ta thường thấy thi sĩ làm thơ lính và người lính làm thơ chiến tranh. Ðôi lúc, hình như sự phân biệt không có lằn ranh biên giới. Trong sự liên tưởng, ai là thi sĩ-lính? Quang Dũng, Nguyễn Bắc Sơn, Trần Hoài Thư, Hà Thúc Sinh…? Ai là lính-thi sĩ? Tô Thùy Yên, Thanh Tâm Tuyền, Cung Trầm Tưởng…? Có phải vì chất “lính” nhiều hay ít không? Chưa chắc, bởi đó chỉ là cảm quan mà thôi. Và một câu hỏi tiếp. Lâm Hảo Dũng – thi sĩ lính hay lính thi sĩ? Ðọc lại những tập thơ và những bài được coi là đặc sắc nhất của thi sĩ họ Lâm, thấy chất “lính” tràn khắp kể từ những lúc lang thang từ quân khu này sang vùng chiến thuật khác, và ngay cả lúc đã không còn chiến tranh lưu lạc xứ người. Nhà văn Trần Văn Nam gọi Lâm Hảo Dũng là nhà thơ của thời chiến vùng Tam Biên thì nhà văn Lương Thư Trung gọi anh là thơ của ngọn Thất Sơn Châu Ðốc, là ngọn gió nồm nam thổi cuối trời. Cả hai người đều nhận định về một thi sĩ-lính rất nhiều nét đặc sắc và biểu tỏ được cuộc sống của một người lính tác chiến trong một thời đại nhiều máu xương bị phung phí với nhịp độ ác liệt của chiến tranh.

Thơ của Lâm Hảo Dũng tuy diễn tả hiện thực chiến tranh nhưng lại có nét bình dị của phảng phất mùi hương đồng gió nội. Thơ dù có chết chóc, dù có những nỗi buồn của kẻ xa xứ nhớ nhà nhưng vẫn là âm hưởng của một đời sống của một thôn xã thanh bình thuở nào. Những câu thơ gợi lại những ngày xa xôi với những loại rau, những con cá trèn, con tép bạc của bữa cơm gia đình nuôi lớn tuổi trẻ thơ:

“Con cá trèn con tép bạc trên sông
Nghe xao xuyến rau sam cùng diệu trắng
ta vẫn thích có một lần rau đắng
khóc khi xa rau muống mọc trên đồng.”

Như dòng sông biền biệt chảy xuôi, những câu thơ gọi lại một thời nào đã xa xôi lắm nhưng còn gần gũi, của quê mẹ yêu thương, của những ân tình chan chứa trong tâm hồn hoài niệm:

“theo những dòng kinh dừa nước mọc
quê em nhà lá mái xiêu xiêu
cỏ mọc bùn trơ từng gốc mắm
chiều mưa tu hú mỏi mòn kêu

hoa bần năm ngoái trôi theo nước
ta lại rời xa đất ấy rồi
chỉ biết rừng sâu con vượn hú
mà hồn đi lạc ở Ðầm Dơi…”

Có nhiều người làm thơ, thường thích làm mới thi ca với những kỹ thuật mà có sự ví von là “phức tạp hóa những điều đáng lẽ phải đơn giản”. Từ ngôn ngữ đến hình ảnh, từ cấu trúc đến cách ngắt vần, từ những con chữ như một lối phù thủy văn chương, tất cả đều có một mục đích và dụng công để làm khác đi những phương cách mà họ cho là những ngã đường mòn. Dĩ nhiên thơ làm mới như vậy cũng có sự thích thú khi đọc nó. Nhưng có những “quá tay” để thơ thành một thứ phù chú và nhiều khi diễn tả những ý tưởng chỉ có một mình tác giả hiểu hoặc nhiều khi chính tác giả cũng mù mờ.

Ở Lâm Hảo Dũng, không cố tình làm mới, không “ưỡn ẹo” với con chữ, thơ như một cách thể hiện đời sống giản đơn nhưng lôi cuốn độc giả ở sự thành thật với những mảnh đời thực và cảm xúc thật. Một người lính tác chiến có đời sống khác biệt với người lính ở hậu phương và họ cũng ít có thời giờ để triết lý, để luận về cuộc đời. Họ sống và làm thơ về cõi sống ấy. Như một cách thế tạo sự liên cảm và xúc cảm. Sống trong chiến tranh, gần gũi cái chết và sự tàn phá, nhưng người lính như Lâm Hảo Dũng không hận thù và khác với những người lính bên kia lúc nào cũng sáng tác theo một con đường vạch sẵn theo chủ đích chính trị. Người lính ngỏ trong thơ thành thực tấm lòng của mình, không muốn chiến tranh nhưng vẫn phải chiến đấu vì bổn phận đối với đất nước, với quốc gia:

“bởi chiến tranh hoài sao biết được
nên đời trai gửi gió sương nuôi
một mai máu có trào trên đất
hãy cắn răng đau hãy hận đời

mẹ đâu có muốn ta làm lính
một lính vu vơ để biết buồn
thà thương liếp cải hai hàng mướp
một lũy tre gìa rộn nhớ thương

ta uống mồ hôi hay nước mắt
gởi em trôi nổi cuối trời xa
biết ai sẽ ấm trong lòng nhỏ
và mẹ tơi bời để xót xa”

Những bài thơ lục bát của Lâm Hảo Dũng chan chứa những thi ý ca dao. Những ngôn ngữ của đời sống hàng ngày, những hình ảnh của mộc mạc đơn sơ khiến người đọc gần gũi với không gian và thời gian đó.

“Hồi tôi ngày ở Tam Quan
có ăn mè xửng em làm hay chưa
súng ai bắn nát ngọn dừa
thương cây thánh giá nhà thờ gãy đôi
em dệt chiếu dưới đồi mười
mà buồn cháy đỏ hai mươi năm rồi
Về Bà Gi chỉ mình tôi
Bỗng yêu chết được ma Hời tháp Chiêm”

Mè xửng làm nhớ em ở Tam Quan, chiến địa dữ dội nơi mà thánh giá nhà thờ gãy gục để nhớ về em ngồi dệt chiếu, một hình ảnh của qúa khứ phảng phất nỗi buồn của dân tộc bị diệt vong. Ý thì chỉ có thế nhưng từ những hình ảnh ấy đã tượng hình ra nhiều điều liên tưởng để suy niệm về kiếp người trong chiến tranh và thân phận con người trong hoàn cảnh ấy.

Những địa danh mà thi sĩ nhắc đến thường gởi theo những mảng đời sống kèm theo và những kỷ niệm của một cuộc đời lang bạt trong vòng quay của chiến cuộc. Hàm Rồng, một ngọn núi quen thuộc cuả những người lính trấn tam biên mà những người phi công từ Ban Mê Thuột trở về Pleiku trong lúc không hành nhìn thấy như một dấu hiệu của cánh cửa đất nhà. Hàm Rồng, nơi có người lính trẻ bâng khuâng nỗi buồn của thời chinh chiến. Hàm Rồng,những căn cứ của người lính dừng chân để nhớ nhà. Và Hàm Rồng cũng chứa chan tâm sự những người tuổi trẻ tóc còn xanh mà đã bạc theo chiến trận:

“con đường ấy vẫn hoen mầu bụi đỏ
gió lơ thơ nghe nắng mới ngập ngừng
anh sống thở trong tâm hồn trai trẻ
nghe nỗi buồn đâu đó đến bâng khuâng

hoa cúc dại thắm trên đường xa tắp
và quê hương tha thướt lá xanh trà
em có thả những chùm mây nhung nhớ
cho rừng hoang im lắng tiếng chim ca

đời viễn khách mơ hồ không biết được
bước chân vang rộn rã buổi quay về
em mắt biếc hồn nhiên bên cánh cửa
gủi hương nồng quay quát bóng người đi”

“Em“ của Lâm Hảo Dũng không phải là những hình ảnh của phố thị kiêu sa, của những phấn son trang điểm mà là những hình ảnh gợi cảm nên thơ trong đời sống những người lính, bình dị trong cuộc sống hàng ngày. Ðó là của “hay những tối lang thang đời quán vắng / nhớ hồn em ngan ngát mái buồn tênh”, là em của nỗi buồn bên mái lá ”tóc em dài chắc biết tôi thương / cánh hoa chùm gửi nở bên đường” Lâm Hảo Dũng trong ngày đi thương sợi khói bên nhà, nỗi nhung nhớ đơn sơ, những mối tình lãng mạn với khung cảnh gần cận thân thương. Thơ ở một góc cạnh nào đó để nhìn ngắm cuộc đời với nỗi niềm của những người luôn quay nhìn về những kỷ niệm đẹp đã qua, những tháng ngày không thể quên được trong tâm thức.

Với một địa danh nổi tiếng trong quân sử, Lâm Hảo Dũng đã viết những câu thơ để đời như:

“Chư Pao ai oán hờn trong gió
Mỗi một khăn tang một tấc đường”.

Tôi rất tiếc là không đọc được toàn bài thơ mà chỉ được đọc hai câu thơ này mở đầu cho một bút ký chiến tranh của một người lính Biệt Ðộng Quân viết về những ngày mùa hè đỏ lửa Tây nguyên.

Chư Pao là một đỉnh núi khống chế con đường tiếp vận quốc lộ 14 từ Pleiku đi Kontum và chính nơi đây cả ngàn tử sĩ của hai bên đã nằm xuống trong những trận chiến ác liệt thời mùa hè đỏ lửa. Người thi sĩ ấy là một pháo thủ đã có một thời gian chiến đấu ở Tây Nguyên. Ông làm thơ về tuổi thanh xuân chiến tranh của mình với những địa danh mà ông không thể nào quên trong trí nhớ ..

Nhiều bài thơ Lâm Hảo Dũng đã viết về vùng tây nguyên như “Ngày về Ban Het”, “Miền Ba Biên giới”, ”Ba năm làm lính về Dakto”, “Khi ở trung đoàn 42”…

Những câu thơ của một người lính nói về cái chết sao lạnh lùng dửng dưng. Lâm Hảo Dũng có những câu thơ như xé lòng người dù đó là sự thật, của một trận chiến đầy tang tóc thương đau cho cả một dân tộc

“Chắc mai ồ nhỉ ngày mai nhỉ
ta với sương ngàn với gió trăng
chắc em – có lẽ là em thật
sung sướng trong tay cốc rượu mừng

bởi bao nhiêu trận kinh hồn trước
đều thấy mơ hồ ở Dakto
khi đi là tự xây mồ sẵn
nay suối buồn kia mai đỉnh xa

ta vẫn thênh thang đùa với ruợu
uống đi ta sẽ có quê nhà
uống đi chiến thắng vang lừng lắm
ta uống dường như để tiễn ta”

Những con đường của người lính qua đi với vết tích của những ngày chiến trận. Thi sĩ làm thơ trong cái vướng vất của nỗi niềm chia ly, của những biên giới tử sinh có lúc chỉ là một đường chỉ mảnh.

“ai biết con đường loang máu đỏ
những hồn lưu lạc dưới poncho
những hồn vất vưởng bên bờ suối
đi hái hoa xuân mọc dưới mồ

ta bỗng cười khan đùa chiến trận
Bình Tây chưa chết vẫn còn đây
Hạ Lào đi suốt vùng biên giới
Như Ngok Tu Ba xác ngập đầy

Hè nay ta lại trên đầu súng
Chột xót xa cho khách chiến bào
Ðang đốt đời trong cao điểm đó
(Bao giờ thấy lại ngọn Chu Pao)”

Thơ ông đầy cảm khái. Nhưng hình như ở bên trong người lính vẫn còn hình bóng của cậu học trò mắt biếc với môi tươi vào chiến trận với tấm lòng trong veo không hận thù đầy nét nhân bản.

Thơ ông lãng mạn nhưng vẫn lạc quan và tin tưởng vào một ngày ami thanh bình cho quê mẹ.

”nên ta cố sống dù câm điếc
Dù có xuôi tay mắt có mù
Ðể thấy em ngày vui áo biếc
Ðể ta buồn suốt một đời thu

Lắm khi gái thượng mà duyên dáng
Ði tắm hò reo đêm sáng trăng
Ta muốn buông mình con thú dữ
Bắt đầu trong suốt kiếp cô đơn

Có không ngày của thanh bình đến
Ta nhớ vườn xưa nhớ mẹ già
Còn hái mồng tơi ngoài dậu cũ
Lệ buồn năm tháng có phôi pha?”

Chiến trận khốc liệt, nhắc đến bạn bè để thoảng nỗi đau kẻ còn người mất. Nhắc lại chiến địa để nhớ đến những người nằm xuống khi tóc còn xanh và lòng vẫn mãi yêu đời mà phải xuôi tay. Gặp bạn phút giây rồi chia tay,con đường lính trận sao cứ dài hun hút

“Ta pháo miền cao theo Biệt Ðộng
Ngậm ngùi thấy lại Dakto xưa
Ðâu ”căn cứ sáu” mưa trên xác
“căn cứ năm” tràn bóng ma đưa

Ta kể nhau nghe đời chiến trận
Thằng Nam mất tích ở Nam Lào
Y Uyên bỏ cuộc vài năm trước
Thằng Sự khinh đời cũng chết mau

Thôi nhé Viêm ơi tàu đã đến
Ta lên Tân Cảnh ghé Kontum..”

Lâm Hảo Dũng ”một máy truyền tin hai đệ tử / một hầm trú ẩn chuột kêu vang / sách không có đọc nằm như chết / nhớ mẹ già nua ở Sóc Trăng” của đời lính tiền sát pháo binh đã trải qua biết bao nhiêu trận chiến và những câu thơ hiện thực như thế đã làm người đọc thấy được một chân dung người lính thật rõ nét với cả sự phác thảo chân thực không vẽ vời chẳng lên gân anh hùng mà tự nhiên gần gũi cuộc sống Những người lính sống thực cuộc đời mình bằng thi ca.

Ðời lính lang thang, rày đây mai đó, nhưng ở nơi đâu cũng đều thấy nhớ nhà. Nhớ quê hương miền đất phù sa Cửu Long. Nhớ những mẫu người xa xưa quê kiểng, nhớ mẹ già, nhớ cảnh vật làng quê của những con người chân chất:

“Tóc em dài chắc biết tôi thương
cánh hoa chùm gửi nở bên đường
giục tôi quay quắt hồn quê cũ
(rồi cũng đau tê biệt núi rừng)

tôi lữ hành ngủ đậu nơi đây
mai đi về biển mốt đồi tây
khi đêm bên thác sầu cây cối
thèm bát canh rau dáng mẹ gầy.."

Từ Mây Viễn Xứ (bút hiệu đầu tiên) đến Lâm Hảo Dũng, trước sau vẫn là một người thi sĩ yêu mến quê hương với cả tấm lòng. Thơ trong một khoảng thời gian dài và một không gian bao la rộng, từ miền tây nguyên trấn thủ lưu đồn đến vùng bình nguyên cây xanh nắng mượt hay ở xứ sở lưu vong tuyết trắng mù trời, tất cả chỉ là những tưởng vọng và nhớ về của một người đã đi trên những quãng đường của đời mình đang lúc và sau khi chiến tranh, với khúc quân hành vang dội trong lòng. Thơ có lúc như những lời đồng vọng của bạn bè, của những người còn ở lại và những kẻø lưu lạc xa quê, và cả những hồn linh của muôn ngàn chiến sĩ đã chết dưới màu cờ cho sông núi.

Nguyễn Mạnh Trinh

Koanh
Posts: 29
Joined: Tue Jan 01, 2013 11:55 pm

Lời Chúc Mừng Đầu Năm - Xuân Quý Tỵ 2013

Post by Koanh »

Anh Khiếu Long quý mện
Lần đầu đến viếng trường anh, khổ thiệt, tìm hoài tìm mãi không có cổng... nhưng cái thứ 3 học trò...rồi cũng tìm ra quán ven đượng
Ăn hàng là nghề của các nàng mà phải khộng
Đấu Năm Mới KO xin chúc anh Khiếu Long
Image

Đầu Năm ghé quán bên đường
Ghi lời chúc Tết ván tường
Chúc quán thơ văn giăng ngõ
Khách xa muốn tỏ đôi câu
Sức khoẻ chúc khởi đầu
Kế đến hạnh phúc đẹp màu
Nâng ly rượu cùng nhau chén!
Xuân sang tình vẹn ước mơ!

Kim Oanh

User avatar
khieulong
Posts: 6756
Joined: Wed Dec 01, 2004 9:09 pm
Been thanked: 1 time

Re: Lời Chúc Mừng Đầu Năm - Xuân Quý Tỵ 2013

Post by khieulong »

Koanh wrote:Anh Khiếu Long quý mện
Lần đầu đến viếng trường anh, khổ thiệt, tìm hoài tìm mãi không có cổng... nhưng cái thứ 3 học trò...rồi cũng tìm ra quán ven đượng
Ăn hàng là nghề của các nàng mà phải khộng
Đấu Năm Mới KO xin chúc anh Khiếu Long
Image

Đầu Năm ghé quán bên đường
Ghi lời chúc Tết ván tường
Chúc quán thơ văn giăng ngõ
Khách xa muốn tỏ đôi câu
Sức khoẻ chúc khởi đầu
Kế đến hạnh phúc đẹp màu
Nâng ly rượu cùng nhau chén!
Xuân sang tình vẹn ước mơ!

Kim Oanh
Thanks KOanh ghé thăm Quán Bên Đường của tụi anh , mọi sinh hoạt ở đây đơn giản lắm nhưng hy vọng khi nào rảnh nhớ luôn ghé thăm để cho Quán Bên Đường được thêm phần khởi sắc KOanh nha !
Mến chúc KOanh năm mới sức khoẻ , vui tươi với nhiều điều như ý !

User avatar
VuPhong
Posts: 2910
Joined: Wed Dec 01, 2004 4:28 pm

Post by VuPhong »

Tình Bạn Và Đời Lính

Thành phố Pleiku, thành phố Cao nguyên nắng bụi mưa bùn. Thành phố như thơ Võ Hữu Định: Đi giam phút trở về chốn cũ...
Ở đây mỗi chiều quanh năm mùa đông...Thành phố như thơ Kim Tuấn: Buổi chieèu ở Pleiku những cây thông già đứng leen cũng bụi mù...
Buổi chiêøu ở Pleiku không có mặt trời, chỉ có mưa bay trê đầu ngọn núi...Ra trường truyền tin Vũng-Tàu, tôi quyết định chọn đơn vị
ở thành phố Pleiku, để xa tít mù xa, để quên em và cho em quên tôi, nhưng muốn quên , lại càng nhớ, muốn xa, lại càng gần.
Thành phố buồn bã đó đã cho tôi rất nhiều kỷ niệm đẹp trong đời quân ngũ và gặp những mất mát đau thương...

Image

Thành phố đó tôi gặp lại Trần Văn Toàn, Lê Văn Minh và Đoàn Thạnh, ba thằng bạn thân thương từ thời thơ ấu thời học sinh, sinh viên và đời lính chiến.

Trần Văn Toàn: Trung úy Không Quân, Phi Đoàn 530 Khu Trục. Tôi học chung với Toàn lớp đệ nhị và đệ nhất. Toàn đẹp trai, hát hay, ăn nói duyên dáng, gốc người Huế, sinh và lớn lên ở Đà Nẵng, mỗi tối thứ bảy, Toàn thường đến ty thông tin Đà Nẵng hát với biệt hiệu là Duy Hải. Nhiều em rất đẹp mê Toàn với giọng ca truyền cảm. Năm đệ nhất là năm cuối ở Đà Nẵng, tôi và Toàn thường đèo nhau trên chiếc gobel đi phá làng phá xóm. Đậu tú tài 2 Toàn ra Huế học Luật, tôi vào Saigon học Văn khoa, biệt tăm nhau trong mấy năm, không ngờ gặp nhau trên thành phố heo hút này, một thằng sĩ quan Không Quân, một thằng sĩ quan Truyền Tin

Lê Văn Vinh, trung úy Phi Đoàn 229 trực thăng quê ở Quảng Ngãi, không đẹp trai lắm nhưng ăn nói có duyên, chơi đàn guitar và ngâm thơ rất hay. Biết nhau trong những năm ở Đại học Văn-khoa, nhưng thân nhau trong đoàn thanh niên chí nguyện Việt Nam. Đoàn thanh niên chí nguyện Việt Nam qui tụ nhiều thanh niên lãng tử, nhưng có lý tưởng. Bốn mươi lăm ngày học tập ở sân vận động Cộng Hòa đã cho tôi một thời gian đẹp và dạy tôi rất nhiều nghề. Những đêm sinh hoạt cộn đồng, Vinh phổ nhạc những bài thơ của Nguyễn Tịnh Đông và tập cho anh em hát. Tôi làm thơ, Vinh ngâm cho anh em nghe. Vinh có một chuyện tình buồn khi còn học trung học Quảng Ngãi. Vinh có kể cho tôi nghe một lần. Sau thời gian huýan luyện; mỗi đứa đi công tác mỗi nơi, không gặp nhau và không ngờ gặp lại nhau trên thành phố này. Đoàn Thạnh: Thiếu úy Phi đoàn 235 Trực thăng; cao gầy, nước da đen, lầm lỳ, ít nói, hay cười. Thạnh và tôi cùng quê, Tam Kỳ, Quảng Nam nghèo khổ, cha mẹ Thạnh, cha mẹ tôi cũng là bạn nhau, người nhà quê chân chất, thật thà. Cố gắng tảo tần, nuôi con ăn học và mong con lớn lên có một nghề vững vàng. Không theo nghề nông vất vả nhọc nhằn. Tuổi thơ tôi và Thạnh gắn liền với nhau. Thạnh học sau tôi hai lớp, cùng chung một mái trường tiểu học, trung học. Những ngày hè cùng tắm trên một dòng suối, cùng chơi đá banh trên sân ga và chiều chiều nhín những con tàu qua lại. Ước mơ lớn lên được theo tàu đi một chuyến thật xa. Những ngày Tết, cỡi xe đạp chạy quanh làng thăm bạn bè và khoe áo mới, những đêm trăng quê nhà ngồi trên chiếc chõng tre trước sân nhà tôi, nghe mẹ tôi kể chuyện đời xưa...Thạnh và tôi cùng chung một lý tưởng và sinh hoạt một đoàn. Thạnh chơi với bạn rất chân thật. Năm tôi ra Đà Nẵng học, nghỉ hè thường gặp nhau, đi chơi với nhau, nhưng khi vào Sài gòn, thì không gặp Thạnh, và cũng không ngờ lại gặp nhau ở thành phố buồn hiu này!

Làm sao biết được chữ ngờ, thời cắp sách đến trường, ai cũng mơ ước tìm một nghề mình thích như bác sĩ, kỹ sư, dạy học hay luật sư...và có vợ đẹp con thơ; ai có ngờ vào lính đâu. Bốn thằng chun đầu vào lính, lại gặp nhau trên thành phố cao nguyên nắng bụi mưa bùn...Gặp lại tôi, ba thằng bạn trở nên thân nhau hơn.
Image Những ngày cuối tuần, tôi lái xe jeep từ Câu Lạc Bộ Sĩ Quan Quân Đoàn 2 ra Phi trường Cù Hanh đón ba thằng đi cùng khắp thành phố Pleiku. Những đêm khuya khoắt ngồi uống rưỡu ở Phượng Hoàng. Những sáng Chủ Nhật lang thang ở Biển Ho ngắm người đẹp. Những trưa thứ bảy ăn thịt vịt ở Thanh An; thịt vịt Thanh An (khu dinh điền của Tổng Thống Diệm thời trước) ngon hết chỗ chê. Khoảng ba, bốn chục con vịt cồ mập ú nhốt trong một cái vý khoanh tròn; khách vào chọn một hay hai con mình thích, chỉ cho chủ quán, khoảng 5 phút sau có đỉa tiết canh lai rai với rượu thuốc, hoặc bia 33 và tiếp tục là vịt rô-ti, vịt luộc, cuối cùng là cháo lòng vịt. Ba người, một con vịt mấy chai bia là quên đường về. Tuần nào ba thằng cũng kéo nhau đi ăn vịt Thanh An và trở về phố uống cà phê. Ở Pleiku có nhiều tiệm cà phê đẹp hữu tình: Thiên Lý, Văn, Hoàng Lan. Nhưng tiệm cà phê Dinh Điền là nổi tiếng rất ngon; ai đến Pleiku mà không uống cà phê Dinh Điền là chưa biết Pleiku. Từ sáng sớm đến khuya đều đông khách. Có những người lính tiền đồn xa xôi về thị xã công tác, cũng phải tranh thủ ghé vào Dinh Điền uống một ly cà phê, trở lại tiền đồn mới an lòng, có khi đông khách hết chỗ ngồi, ngồi trên một cái nón sắt, súng kê lên đùi uống một ngụm cà phê, hút một hơi thuốc Captai, thấy tâm hồn sảng khoái yêu đời...

Thành phố Pleiku là thành phố của lính; buổi sáng rất tĩnh lặng, buổi chiều toàn là lính. Chợ trời bán đồ Mỹ ngay trên đường Hoàng Diệu và quanh khu Diệp Kính; buổi chiều những rạp ciné hát nhạc inh ỏi. Chiều chiều, buồn buồn để xe trước nhà thờ, bốn thằng đi lang thang quanh khu Diệp Kính ngắm những cô nữ sinh má đỏ, môi hồng tan trường về trên đường Hoàng Diệu. Nhiều lúc nghĩ cũng buồn cười, ba thằng Không Quân mặc đồ bay, một thằng lính ngành mặc đồ treilli đi lang thang ngoài phố; đi để cho mọi người ngắm, lính này cũng đẹp trai lắ chớ bộ...

Mỗi lần bắt gặp một cô gái nào đẹp: Tìm đến nhà làm quen, bốn thằng trổ tài tán tỉnh, cuối cùng Toàn là kẻ chiến thắng. Vinh có lúc hạng nhì, tôi và Thạnh hạng chót! Có một lần tôi nhớ hoài. gần tiệm thịt vịt Thanh An có một tiệm cà phê vườn rất đẹp, chủ quán người Bắc di cư lên đây lập nghiệp, có hai người con gái rất dễ thương học đệ tam và đệ nhị Pleiku. Cuối tuần nghỉ học, thường ra coi quán. Cô chị tên Oanh, cô em tên Thục. Mỗi lần ăn thịt vịt xong, bốn thằng vào quán ‘’Không Tên ‘’ uống cà phê ngắm người đẹp, ngắm riết rồi trồng cây si, lần này Thạnh và tôi bàn nhau phải chiến thắng. Oanh của tôi và Thục của Thạnh. Vẻ bên ngoài ăn nói thì thua Toàn và Vinh, nên tôi và Thạnh đi chiến thuật bỏ nhỏ. Tôi tán Thục cho Thạnh, Thạnh tán Oanh cho tôi, và nói Toàn, Vinh đã có bồ ở Sài gòn sắp cưới. Khùng mới lấy những thằng đàn ông sắp cưới vợ; dù có đẹp trai. Thế là tôi và Thạnh chiến thắng...Đêm văn nghệ cuối năm ở trường Trung Học Pleiku; tôi và Thạnh nhật được hai thiệp mời của Oanh và Thục. Đêm đó hai đứa ngồi uống rượu đợi. Tôi và Thạnh trở về trong niềm vui yêu đời.

Cứ tưởng thời gian êm đềm trôi qua, bốn thằng làm hết bổn phận, của người sĩ quan QLVNCH; tâm nguyện công tác trên thành phố cao nguyên một thời gian rồi xin đổi về Sài gòn lập gia đình. Sống một cuộc sống êm ả hơn.

Có ngờ đâu năm 1972, chiến trận lại bộc phát mạnh. Cộng Sản tăng cường xâm lấn miền Nam, đánh chiếm Quảng Trị và vùng cao nguyên. Tại vùng 2 Chiến Thuật, Việt Cộng đánh mạnh vào Thị xã Kontum; chiếm Tân Cảnh. Thị xã Pleiku thiết quân luật. Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 2, và các đơn vị chung quanh, Tiểu khu Pleiku, cấm quân 100%. Tướng Toàn thay Tướng Ngô Du – tái chiếm Tân Cảnh giải tỏa Kontum. Các gia đình sĩ quan, binh sĩ và dân sự ở thành phố đều di tản khỏi thành phố Pleiku – Mùa Hè đỏ lửa năm 1972, thành phố Pleiku như thành phố chết. Yên lặng như chờ đợi bước chân tử thần...
Image Tôi, suốt ngày đêm trực ở đơn vị. Toàn bay khu trục suốt ngày lên xuống Kontum oanh tạc. Vinh và Thạnh bay trực thăng chở quân tiếp viện Tân Cảnh, Kontum, Dakto, Pleime. Mổi lần trở về đều gọi điện thoại cho tôi trong những tiếng thở dài. Co lần Toàn báo cho tôi mừng, trong một phi vụ oanh tạc xe chở quân của Việt Cọng bị súng phòng không bắn lên, may Toàn bay ra khỏi làn đạn thoát chết. Một tối, tôi vào thăm thì thấy khuôn mặt ba thằng đều hốc hác, bơ phờ và lo lắng. Riêng Thạnh có vẻ đăm chiêu, suy tư nhiều hơn. Ngồi uống cà phê lặng lẽ, không như những lần trước tươi cười, đùa giỡn vô tư...Trong giây phút yên lặng đó, lòng tôi thương ba thằng bạn thân vô cùng. Dù sao với tôi, lính ngành truyền tin, cũng an toàn hơn. Còn Toàn, Vinh và Thạnh ngày đêm đối diện với súng đạn, đối diện với cái chết; Trời kêu ai nấy dạ. Tôi cầu mong ơn trên phù hộ cho bốn thằng, khi tàn cuộc chiến vẫn còn ở bên nhau mãi mãi...

Bỗng dưng Thạnh cười thật lớn, vỗ vai tôi và nói: ‘’Cuộc chiến càng khốc liệt, rồi có ngày cũng tàn, nhưng ngày tàn đó không biết bốn thằng bạn mình có còn lại đủ không? Nếu mình có hy sinh, bạn nào còn lại nhớ đưa xác mình về quê để an nghỉ với ông bà. Đối với VC không đàm không điếc gì cả, phải đánh tới cùng mới chiến thắng.’’ Nói xong Thạnh lại cười lớn; đứng dậy ôm vai tôi, bắt tay tôi, bắt tay Toàn và Vinh, xin phép về phòng nghỉ để mai bay sớm tiếp viện quân cho Tân Cảnh. Thạnh đi rồi ba thằng còn lại cũng chia tay, tôi lái xe về đơn vị lòng buồn vời vợi...

Tôi đang ngồi làm việc nghe điện thoại reo. Cầm điện thoại nghe, giọng Toàn bên kia đầu dây ngập ngừng báo tin: Thạnh đã chết trong chuyến bay sáng nay tại Tân Cảnh. Máy bay của Thạnh bị bắn rơi; phi hành đoàn chạy thoát, Thạnh chạy sau cùng bị một loạt AK của VC bắn phía sau lưng. Xác Thạnh được toán phi hành đoàn của Mỹ lấy được đem về quàn tại Quân Y Viện Pleiku. Tôi chạy ra xe như xác không hồn sang QYV Pleiku. Thạnh nằm đó như ngủ. Thân hình bị cháy xám. Tôi vuốt mặt Thạnh, không nói nên một lời, nước mắt chảy dài trên hai má. Bạn bè Thạnh đứng xung quanh, Toàn, Vinh đều khóc và nhìn Thạnh trong niềm uất nghẹn...

Ngày hôm sau phi đoàn cho một chiếc trực thăng bay về quê Tam Kỳ, rước cha mẹ Thạnh lên nhận xác con. Tôi nhìn cha mẹ Thạnh già nua, ốm yếu quê mùa, nhận xác Thạnh trong chiếc hòm kẽm. Ông bà không còn nước mắt để khóc cho con, quờ quạng như xác không hồn. Chiếc máy bay đưa xác Thạnh, và cha mẹ Thạnh cùng với toán lính hộ tống tiễn đưa, cất cánh bay lên, bỏ lại ba thằng bạn thân thương đứng nhìn theo, và khóc rống như trẻ con. Chiếc máy bay đã khuất trên bầu trời, ba thằng trở về phòng Toàn, đêm hôm đó không ngủ, ngồi kể lại những kỷ niệm với Thạnh, và khóc suốt đêm...

Thạnh ơi bây giờ bạn đã trở về quê theo lời bạn mong ước, gần cha mẹ ông bà, bên dòng suối mát; bên sân ga, chiều chiều nhìn những con tàu chạy ngang qua, hụ còi inh ỏi...

Thạnh đã mất rồi, còn lại tôi, Toàn và Vinh buồn bã lặng lẽ. Và theo lời Thạnh nói, cuộc chiến bộc phát dữ dội rồi sẽ tàn. Tân Cảnh được tái chiếm, Kontum được giải tỏa. VC được đánh bật ra khỏi lãnh thổ Quân Đoàn 2. Thành phố Pleiku trở lại yên bình...Và ba thằng tôi tiếp tục làm tròn bổn phận của người Sĩ Quan QLViệt NamCH cho đến năm 1975...

Thạnh ơi đã 28 năm rồi, bạn bỏ đi về quê, chắc bạn nhìn thấy nổi trôi của đất nước; điêu linh của dân tộc mình và không biết đến bao giờ tìm lại được những thời hoa mộng của tuổi trẻ, của đời lính gian truân, nhưng đầy vàng son.

Và bây giờ tôi đang sống lưu vong trên đất người, Toàn và Vinh bây giờ không biết đang ở đâu? Dã mùa xuân năm 2000 rồi, tôi chưa gặp lại các bạn, nếu các bạn đọc được những dòng chữ này, mong các bạn tìm gặp nhau để cùng thắp một nén nhang, tưởng nhớ Đoàn Thạnh-người bạn thân thương ngày cũ.

Trần Thế Phong

Post Reply