Thơ Sưu tầm

Thơ non, thơ già, thơ ghẹo, thơ thẩn, thơ thơ. Xin đọc và ôm bụng cười, hay bứt tóc gãi tai tìm nàng ... thơ...

Moderators: CNN, khieulong

User avatar
phu_de
Posts: 2917
Joined: Sun Nov 28, 2004 10:57 pm
Has thanked: 7 times

Post by phu_de »

Không Đầu Hàng Giặc


Kính thưa Cha! ... con chiên đang tù tội
Kính bạch Thầy! ... các đệ tử tự thiêu
Thầy, Cha ơi! Dân Việt khổ quá nhiều
Non nước ta đang ngả nghiêng, nghiệt ngã.
Các bạn hỡi! Hãy dẹp qua đấu đá
Chẳng lợi ích gì - chỉ thiệt dân thôi
Đừng a dua chạy theo đám tanh hôi
Đem bán rẻ lương tri vì danh lợi
Kính Thầy, Cha, bạn - dân con trông đợi
Yểm trợ quê nhà nhất quyết vùng lên
Cùng nắm tay lật đổ bọn bạo quyền
Dẹp tan đảng đã quên dòng giống Việt
Bọn tham nhũng dùng luật rừng thống trị
Lấy sức dân làm lợi chính riêng mình
Nhìn cụ già các em nhỏ hy sinh
Phải gánh chịu những làn roi điện quất
Công lý đâu hỡi những người trí thức?
Trí thức gì? Toàn một đám sân si
Tranh giành lợi danh, bất trí, bất tri
Trong lúc đó dân vẫn quần áo vá!!!
Đồng bào ơi! Kìa tập đoàn gian trá
Chúng làm được gì ích nước lợi dân?
Trả lời đi! Người Cộng sản vô thần
Chỉ chém giết dân hiền lương vô tội!
Chữ "sĩ" đâu? Hỡi những người phản bội!
Phản bội Thánh Hiền, phản bội Cha Ông,
"Hàng hai" "quốc doanh" -theo đám vô tông
Quên cả cội nguồn Rồng Tiên đất Việt
Mong các bạn hãy giữ tròn khí tiết
Quyết chung lòng phục quốc há cầu danh
Đừng buôn dân bán luôn cả Thánh Thần
Hồ, Đồng, Mạnh ... dâng đất cho Trung Cộng!!!

Phạm Hoài Việt

User avatar
phu_de
Posts: 2917
Joined: Sun Nov 28, 2004 10:57 pm
Has thanked: 7 times

Post by phu_de »

Image

GIAI THOẠI TRONG LÀNG THƠ : "ÐỒNG KHÁNH NĂM XƯA"
Cao Thanh Tâm


Những năm gần đây, báo chí thường đăng tải một bài thơ rất hay, rất dễ thương mà không biết tác giả. Chung quanh bài thơ này là nhiều giai thoại được nhiều người đọc bàn tán. Bài thơ "Ðồng Khánh Năm Xưa":


Răng mà cứ theo tui hoài rứa
Cái ông ni mới dị chưa tề
Sáng, trưa, chiều hai buổi đi về
Ðưa với đón làm chi không biết

Ôi đôi mắt chi mà tha thiết
Ðừng nhìn làm loạn bước tui đi
Lá thư tình ông gởi làm chi
Ba mạ biết rầy la tui chết

Ông tán tỉnh làm chi không biết
Tui như ma như quỷ dưới âm ty
Nói hoài lời hoa mỹ làm chi
Tui còn nhỏ, chuyện tình răng biết được

Tội tui lắm, cách cho vài bước
Ðừng đi gần hai đứa bước song đôi
Xa xa cho kẻo bạn tui cười
Mai vô lớp cả trường dị nghị

Theo chi rứa, răng mà không biết dị
Thôi được rồi đưa lá thư đây
Mai tan trường đợi ở gốc cây
Tui sẽ đến trả lời cho biết.



Lần đầu tiên đọc bài thơ này trong một tuần báo địa phương cách đây gần hai năm, gợi tôi nhớ đến những năm Ðồng Khánh hoa mộng, nên khi nhìn tên tác giả "Vô Danh" tôi không khỏi băn khoăn. Bài thơ mới đọc lần đầu sao quá quen thuộc gần gũi với mình làm tôi nhớ như ai đó đã đọc cho tôi nghe vài câu trong bài thơ này mấy mươi năm về trước... Thế rồi thời gian qua dần, bài thơ hầu như chìm vào ký ức. Cuối năm 1995 tôi lại được đọc một bài thơ hay khác. Bài thơ "Kỳ Nữ Hành" của tác giả Lưu Trần Nguyễn:


Chiều mưa trơn lối em về
Trăm con bóng nước chảy se sắt buồn
Nón nghiêng che hạt mưa tuôn
Dài chân em bước gót hồng xiêu xiêu
Em đi dưới giọt mưa chiều
Tóc bay tám ngả quạnh hiu dáng người
Nón nghiêng che hạt mưa rơi
Hay che mắt lệ khóc đời phấn son
...

Bài thơ lục bát giản dị mà vẫn làm lòng người xao động. Thơ LTN như một khắc khoải vọng về quá khứ vàng son đã tan tành như bóng nước. Từ đó tôi thường tìm đọc những bài thơ của LTN và tự mình tưởng tượng đến đời sống tình cảm của anh qua những bài thơ mà tôi thích. Khi đọc bài "Thương":


Áo tím em bay chiều phố thị
Anh về thương mãi dáng thu xưa
Em đi từng bước hồn anh úa
Chiếc lá nào rơi rụng cuối mùa

Quán vắng như lòng anh vắng lạnh
Ðời không vui rượu uống không say
Vì thương áo tím nên hồn nhớ
Ðiếu thuốc vàng tay tỏa khói cay

...

Áo tim em vui chiều phố thị
Anh về mơ tà áo ai bay
Em có chủ quán anh là khách
Một chén ân tình trọn kiếp say

... tôi thấy anh như là một lãng tử đã chịu dừng bước giang hồ khi ghé qua quán nhỏ bên đường, và vì "Một chén ân tình trọn kiếp say", LTN đã chấp nhận sợi dây ràng buộc ấm áp này để quên đi dọc đường gió bụi của mình.

Một thời gian về sau khi được quen biết thân thiết với anh và gia đình, trong tôi vẫn mãi thắc mắc về cái bút hiệu của anh. Bút hiệu mang ba cái họ: Lưu, Trần và Nguyễn nhất định phải có một lịch sử gắn liền vào đó. Một may mắn tình cờ người bạn thân của gia đình tôi cho xem tập thơ được xuất bản tại Việt Nam, tập thơ mang tên: "Những Bài Thơ Tình Xứ Huế". Tập thơ là một tuyển chọn của các nhà thơ từ tiền chiến đến hiện đại, và tất cả những tác phẩm đều mang một sắc thái rất Huế. Một điều ngạc nhiên là trong đó có bài thơ "Ðồng Khánh Năm Xưa" với tên tác giả là Lưu Trần Nguyễn. Thật là một kỳ thoại trong làng thơ hải ngoại.

Rồi một đêm cách đây vài tháng, Lưu Trần Nguyễn đến thăm gia đình chúng tôi, anh đã cho chúng tôi biết chính anh và người bạn gái đã cùng làm bài thơ này cách đây hơn 30 năm khi anh còn sống tại Huế. Người bạn gái năm xưa của anh là Lưu Thị Mỹ Dung, và anh tâm sự đó cũng là bút hiệu Lưu Trần Nguyễn của anh - Lưu thị Mỹ Dung, Trần Thị Huê (một cô bạn thân của hai người) và Nguyễn Gia Khánh (tên thật của Lưu Trần Nguyễn). Tên Lưu Thị Mỹ Dung được anh nhắc đến làm tôi choáng váng và một trời dĩ vãng đầy hoa mộng của những năm Ðồng Khánh đã hiện về trong tôi.

Image

... Năm 1963 tôi đang học IIIC2 Ðồng Khánh. Một sáng đang giờ học thì bà giám thị dẫn đến lớp tôi một học sinh mới vào học. Tôi chú ý đến cô bạn mới vì mái tóc dài quá lưng, chiếc kính cận và nhất là vành khăn tang trên đầu. Ðó là Lưu Mỹ Dung ngày tôi mới gặp. Về sau dần dần Mỹ Dung là một trong những bạn thân của tôi.
Chúng tôi gồm 4 đứa luôn luôn quây quần bên nhau trong giờ ra chơi, trước giờ học ở khắp mọi nơi trong sân trường Ðồng Khánh, đó là Ngọc Anh, Quốc Khánh, Mỹ Dung và tôi Thanh Tâm. Nếu ở Ngọc Anh có cái dáng dấp cương nghị của một người thích điều khiển, Quốc Khánh có cái hiền lànhh dễ dãi thì Mỹ Dung có cái thông minh, tài hoa và nghệ sĩ. Tôi còn nhớ giọng đọc tiếng Pháp như đầm của Mỹ Dung, sinh ngữ chính của Dung là Pháp văn, nhưng khi phải vào lớp tôi Anh văn là sinh ngữ chính Dung vẫn cố gắng theo và bọn tôi giúp Dung trong thời gian mới vào học, và ngược lại Dung giúp bọn tôi môn Pháp văn.
Về sau này khi đi học Dung chỉ cài miếng vải đen trước ngực thay cho vành khăn tang. Nhưng tôi vẫn còn in đậm hình ảnh đầu tiên khi Dung đến lớp và có linh tính rằng cuộc đời Dung sẽ không nhiều may mắn. Trong niên học 63-64 năm học mà tôi nhớ nhất trong đời vì có Mỹ Dung là người mà tôi chịu rất nhiều ảnh hưởng, ngay cả chữ viết tôi cũng bắt chước theo Dung, cách trình bày sách vở. Mỹ Dung chỉ cho tôi những bài hát tiếng Pháp thịnh hành lúc bấy giờ như bài "Tous les garcons et les filles, Le temps de l'amour, Qui sait..." và một câu tỏ tình bằng tiếng Ðức mà tôi nhớ mãi: "Ich libe dick." Mỹ Dung luôn mang kính cận trông rất thông minh, sau tấm kính là đôi mắt trong sáng duyên dáng và pha một chút láu lỉnh dễ thương của tuổi 16. Tôi vẫn thường đến căn gác nhỏ ở đường Phạm Ngũ Lão để học, để ca hát hay để nói chuyện gẫu với Dung. Có khi cả bốn đứa chúng tôi, có khi chỉ một mình tôi và Dung. Hồi đó ba Dung mới mất vì tai nạn máy bay cho nên tôi không hề biết mặt ông. Hình như trước đó ông sống ở Bao Vinh với vợ con, mẹ Dung là vợ thứ của ông. Dung có người anh cùng cho khác mẹ tên là Vân là học trò của ba tôi. Vân rất thương Dung và lũ em khác mẹ. Có lần thấy Vân chở mẹ đi chợ, một bà lớn tuổi đẫy đà khác hẳn với mẹ của Dung mảnh mai thon thả tươi tắn và duyên dáng. Dung ảnh hưởng phần nhiều ở mẹ.
Hồi đó hình như có nhiều chàng theo Mỹ Dung vì cái thông minh tài hoa của Dung cũng như đôi mắt đẹp và mái tóc dài. Trong số người ái mộ Dung có chàng trai Bắc Kỳ ở cách nhà Dung một con đường mà Mỹ Dung thường sang cùng học bài và nói chuyện vu vơ. Chỉ có vậy, tuy mẹ Dung có phần dễ dãi với con cái, nhưng chàng trai Bắc Kỳ kia nhút nhát không bao giờ dám đi quá giới hạn của hai người bạn thân ngay cả cầm tay Dung để biểu lộ niềm thương yêu nung nấu của chàng. Có lần Dung nói với chàng: "Anh nói tiếng Bắc nghe hay quá, bé thích nghe anh nói lắm."

Có lần vào lớp Mỹ Dung nói với tôi:
- Tâm ơi mi nghe thử mấy câu thơ này có hay không?

Lâu quá nên tôi cũng quên đi những gì Dung đã đọc, chỉ còn nhớ lõm bõm: "Răng mà dị chưa tề... răng mà theo tui hoài rứa ..." mà thôi.

Có ngờ đâu hơn 30 năm sau, bài thơ mà Dung đọc cho tôi nghe là một trong những bài thơ hay đã đi vào làng thơ của dân Quốc Học, Ðồng Khánh, bài "Ðồng Khánh Năm Xưa".
Còn ngạc nhiên hơn nữa là chàng trai Bắc Kỳ ngày xưa chính là nhà thơ Lưu Trần Nguyễn, người đã cùng Mỹ Dung làm chung bài thơ trên. Bốn câu đầu bài thơ là của Dung và phần còn lại Dung đã nhờ chàng trai Bắc Kỳ hoàn tất để diễn tả "cái gọi là" mối tình ngu ngơ của cô nữ sinh Ðồng Khánh mà hầu như mỗi năm đến ngày kỷ niệm Q.H.D.K. người ta vẫn đem bài thơ này ra ngâm đọc.
Gần đây nhạc sĩ Hoàng Gia Thành ở Sacramento đã phổ nhạc bài thơ này. Lần đầu trong buổi họp bầu bạn ở Sacto tôi đã hát bản này và bàng hoàng cảm động. Hình ảnh Dung tràn ngập hồn tôi và mấy đêm liền nhũnng kỷ niệm ngày xưa tràn về. Ban ngày quay theo cuộc sống, nhưng đêm về nhắm mắt lại là mái trường DK hiện ra rõ nét hơn bao giờ. Làm sao tôi quên được những ngày mưa lũ chúng tôi trong những tấm áo mưa đầy màu sắc, riêng Dung và tôi luôn luôn mặc áo mưa màu trắng. Dung thường nhìn tôi và nói: "ước chi mình có nước da trắng như con Tâm", còn tôi thì: "ước chi có mái tóc dài như con Dung". Mỹ Dung biết yêu sớm hơn tụi tôi. Nói đúng ra thì Quốc Khánh là người đào hoa nhất, có nhiều chàng theo đuổi nhưng không sâu đậm như Dung. Ngọc Anh thì một trời kỳ bí ai mà biết nó yêu ai! Tôi thì còn ngu ngơ cứ theo hết đứa bạn này đến đứa bạn khác để làm người giữ xe cho bọn chúng nó mà thôi, những chiều tan học tụi tôi đạp xe trên đường Lê Lợi, trong gió tóc Dung bay bay trông rất đẹp. Cuối năm Ðệ Tam, Dung yêu một chàng học sinh trường Pháp. Anh ta là em ruột của cô giáo Pháp văn của tụi tôi. Anh ta trắng trẻo đẹp trai và theo Dung thật sát,3 đứa còn lại trong nhóm phản đối mối tình này vì tụi tôi biết anh ta quá đào hoa và quen nhiều cô, nhưng mối tình này vẫn tiếp diễn và vào năm tôi học lớp đệ nhất thì Dung lập gia đình với cậu con trai "đẹp trai con nhà giàu học giỏi" này, nhưng hạnh phúc thì như lửng lơ.
Năm học dự bị văn khoa nghe tin Dung bị hư thai tôi vội vàng đạp xe xuống đường Phạm Ngũ Lão thăm Dung và ngậm ngùi thấy Dung xanh xao gầy ốm nằm trên giường. Tôi ngậm ngùi cầm tay Dung, nước mắt Dung lăm xuống đôi má gầy, cầm chặt tay tôi Dung nói: "Gắng học đừng có lấy chồng sớm như tao khổ lắm."

Bẵng đi 17 năm sau. Năm 1983 sau khi mất nước 13 năm mẹ con tôi về Huế tá túc nhà ông ngoại của cháu trong lúc nhà tôi đang ở trại cải tạo. Tôi gặp lại Dung, lần đó chồng Dung sang tìm tôi và nhắn tôi qua thăm Dung vì Dung bận với quán cà phê không đi đâu được. Chồng Dung vẫn còn trẻ và vẻ đào hoa vẫn chưa mất dù đã xấp xỉ 40.

Chiều hôm đó tôi đi xích lô sang thăm Dung, không phải ở Phạm Ngũ Lão, mà tại nhà chồng Dung tại đường Nguyễn Công Trứ. Mỹ Dung hiện ra trước mắt tôi là một thiếu phụ an phận, tóc vẫn dài bím ở sau lưng, Mỹ Dung vẫn giản dị trong chiếc quần jean và áo pull đen. Chúng tôi ôm nhau mừng tràn nước mắt. Hình ảnh Dung cứ ám ảnh tôi. Ðôi mắt buồn an phận, mái tóc thắt bím sau lưng, còn đâu Mỹ Dung thông minh tài hoa của tôi, nhưng trong tôi đôi mắt sáng lấp lánh của Dung vẫn còn mãi. Ðó là lần cuối cùng tôi gặp Dung. Mỗi lần nghe bài hát "Tous les garcons et les filles" là đôi mắt sáng thông minh ẩn hiện như những tia chớp thắp sáng một thời dĩ vãng mộng mơ của thời tóc xõa và những ngày nắng mưa ở Huế những lúc tôi hát bài "Ðồng Khánh Năm Xưa" mà lòng như nghẹn lại. Dung ơi, răng suốt đời mi cứ khổ hoài rứa. Dung là người tài hoa cho nên khổ như định luật của tạo hóa, tuy nhiên tâm hồn luôn luôn phong phú và vững vàng qua mọi hoàn cảnh không gian và thời gian.

Ðã tưởng dĩ vãng một thời áo trắng ngủ yên trong ký ức nhưng âm hưởng của "Ðồng Khánh Năm Xưa" vẫn mãi vọng về từ quá khứ xa xôi với những rung động đầu đời, những chiều đạp xe qua cầu Trường Tiền gió tung bay tà áo trắng tóc thề về một nẻo xa, xa lắm mà bây giờ chỉ còn lại trong ký ức những kỷ niệm êm đềm của một thuở không thể nào quên.

Sau này khi quen biết Lưu Trần Nguyễn, tôi được anh cho xem những mẫu báo cũ đã ố vàng cùng thời gian, đã đăng những bài thơ anh làm cho Lưu Mỹ Dung khi anh rời Huế vào Saigon của những năm 1963-1964.

Giai thoại trong làng văn thường có rất nhiều, nhưng khác với giai thoại về T.T.K.H. hiện nay vẫn còn nhiều điểm chưa được sáng tỏ, chúng tôi với bài viết trên đây kèm thêm những phụ bản là những bài thơ mà Lưu Trần Nguyễn đã đề tặng Lưu Mỹ Dung ở Huế đã đăng trong các nhật báo Tiếng Vang, nguyệt san Tiểu Thuyết thứ Tư, Văn Nghệ Tiền Phong, v.v... vào những năm 63-64-65 tại Saigon. Chúng ta có thể hy vọng đã tìm ra được tác giả bài thơ nổi tiếng này. Bài "Ðồng Khánh Năm Xưa" mà giới học sinh hai trường QH và DK từ thập niên 60 trở về sau không mấy ai mà không biết. Có rất nhiều nhạc sĩ sáng tác hằng trăm, hàng ngàn bản nhạc nhưng có khi họ quên bẵng đi một bản nhạc nào đó với thời gian nếu không có ai gợi nhớ. Thi sĩ cũng vậy nếu không được ghi chép lại họ không thể nào nhớ được những bài thơ đã làm trong nháp, nhất là giúp cho người khác trong một thời quá nhanh, để rồi bỏ quên đi hằng vài ba chục năm. Vì thế có những bài thơ rất hay mà số phận hẩm hiu vì không ai biết được tác giả là ai, tuy nhiên vẫn được truyền tụng và lưu hành trong dân gian hoặc ghi lại trong văn học sử. Trong Văn Ðàn Bảo Giám không thiếu gì những bài thơ hay mà tác giả chỉ được để là vô danh hay khuyết danh.

Hơn 30 năm sau Lưu Trần Nguyễn mới được nhìn lại bài thơ của anh, có lẽ do "cố nhân" hay những người thân quen in lại trong tập thơ "Những Bài Thơ Tình Xứ Huế" được xuất bản tại Việt Nam gần đây. Sau hơn 30 năm báu vật mới hoàn cố chủ, ký ức của LTN đã bừng sống dậy anh hân hoan nhìn lại đứa con xưa.


Nhân dịp đầu xuân Ðinh Sửu đọc lại bài thơ xưa với những dữ kiện khách quan mà tôi có hân hạnh được biết cả hai nhân vật trong câu chuyện, xin viết lại để quý vị độc giả biết được xuất xứ một bài thơ hay và dễ thương. Nếu có gì sai sót và cần bổ túc xin trân trọng lắng nghe ý kiến của quí vị.

Cao Thanh Tâm
Cuối đông 96

Post Reply