Thơ Sưu tầm

Thơ non, thơ già, thơ ghẹo, thơ thẩn, thơ thơ. Xin đọc và ôm bụng cười, hay bứt tóc gãi tai tìm nàng ... thơ...

Moderators: CNN, khieulong

User avatar
phu_de
Posts: 2917
Joined: Sun Nov 28, 2004 10:57 pm
Has thanked: 7 times

Post by phu_de »

Xuân Vẫn Tha Hương
Nguyễn Bính gởi "chị" Trúc

Bốn bể vẫn chưa yên sóng gió
Xuân này em chị vẫn tha hương
Vẫn ăn cái Tết ngoài thiên hạ
Son sắt say hoài rượu bốn phương.

Em đi non nước xa khơi qúa
Mỗi độ Xuân về bao nhớ thương
Mỗi độ Xuân về em lại thấy
Buồn như tên lính ở biên cương.

Thời chưa gặp đỏ, nằm xuông mãi
Xuông cả ân tình rượu cũng xuông
Trước mặt bút nghiên, sầu tịch mịch
Quanh mình chăn chiếu rộn tang thương.

Một thân quán trọ sầu phong tỏa
Đốt ngọn đèn lên, bóng rợn tường
Đêm ba mươi tết quê người cũng
Tiếng pháo giao thừa dậy tứ phương.

Chị ạ, em không người nước Sở
Nhớ nhà đâu mượn địch Trương Lương
Đất khách tình dâng hoà mắt lệ
Ôi nhà! Ôi chị! Ôi quê hương!

Từ em lưu lạc ngoài muôn dặm
Một đoạn đường đi một đoạn trường
Cửa quan chẳng mở, đầu Viên bạc
Tri kỷ không ai, mắt Tịch cuồng.

Thôn dã từng quen mùi đạm bạc
Thị thành thêm chán miếng cao lương.
Vụng tính bỏ rơi đi hạnh phúc
Xảy tay đánh vỡ mất thiên đường.

Trăm ván cờ cao, trăm ván bại
Nước người thêm thẹn tiếng mang chuông
Trò đời cúi mặt xem thiên hạ
Thực đáng cười thay, thực đáng thương.

Trọc phú ti toe bàn thế sự
Đĩ già tấp tểnh nói văn chương.
Đã coi đồng bạc như non Thái
Lại học đòi theo thói Mạnh Thường.

Lẳng lơ đi võng, đi tàn cả,
Gái chính chuyên kia đứng vệ đường.
Đất đổi hoa màu, nhà đổi chủ,
Trâu quên mục tử, ngựa quên chuồng.

Thay đen đổi trắng bao canh bạc,
Vẽ nhọ, đen râu mấy lớp tuồng,
Trói vo hồn lại ba đồng bạc,
Bán rẻ đời đi nửa đấu lương.

Chao ôi! Giả dối, ôi mai mỉa
Sống chật phồn hoa một lũ Mường
Chị ơi, tất cả là vô nghĩa
Chả nhiễu điều nào phủ giá gương.

Tay trắng bạn bè đều tránh mặt
Sa cơ thân thích cũng khinh thường
Sông lạnh thấy đâu người gọi gió
Trăng tà tìm mãi kẻ mài gươm

Áo xanh bạc nửa màu sương gió
Sót kẻ ăn nằm trong gió sương
Đầy vơi tâm sự cùng ai tỏ
Mộng lạnh đêm xuân, chiếu lạnh giường.

Quê nhà gối chiếc, thôi rồi kẻ
Chia nửa vầng trăng với dậm trường
Son phấn hững hờ niềm sắt đá
Sông hồ vò võ nỗi yên cương

Chị ạ, duyên em mà chẳng đẹp
Chỉ vì không đọc chuyện Tây Sương
Người yêu buổi ấy lên xe cưới
Cũng khóc cho tròn ý nhớ thương
Khấp như xử nữ vu quy nhật
Lệ có thành sông, truyện cũng thường.

Trò đời chẳng hẹn nhau lần gặp
Đập nát cho rồi nửa mảnh gương
Duyên mới đẹp lòng người xử nữ
Đầu sông ai nhớ cuối cùng sông Tương.

Tàn lạnh lòng em từ buổi ấy
Vơi tình thôi hết cả tơ vương
Chị ở quê chồng, Xuân có đẹp?
Con đò bến cũ có thê lương?

Nêu cao, pháo nổ, trầm thơm ngát
Hoa bưởi hoa cam rụng ngập vườn
Mưa Xuân rắc bụi quanh làng mạc
Gái lịch, trai thanh, chật phố phường

Lá lộc hồ tơ, tay ngọc hái
Sông hồ vò võ nỗi yên cương
Nhưng dù Tết đẹp hay Xuân đẹp
Chắc chị chưa hề nguôi nhớ thương

Người đi buổi ấy tàn hoa phượng
Cõi Thục xa xôi mấy dậm trường
Phong ba từ nổi trong đời chị
Tóc rối xuân xanh, má nhạt hường

Qua đò mấy độ sầu sông nước
Dệt mộng bao lần tủi phấn hương
Tháng hẹn chờ rơi cơn lá úa
Đêm tàn đợi khuyết cái trăng xuông

Chỉ tổ tài cao, trời đất ghét
Một thân oan khổ có trăm đường
Cuối thu mưa nát lòng dâu bể
Ngày muộn, chuông đau chuyện đá vàng

Em thường cầu nguyện thường van vái
Một sớm thanh bình mặt đại dương
Bao giờ em được về quê cũ
Dâng chị bài thơ Xuân cố hương.

User avatar
phu_de
Posts: 2917
Joined: Sun Nov 28, 2004 10:57 pm
Has thanked: 7 times

Post by phu_de »

NHỮNG VẦN THƠ XUÂN NƠI ĐẤT KHÁCH
Vĩnh Liêm



Hằng năm, theo thông lệ, cứ đến Tết âm lịch là người Việt mình ở hải ngoại đều có báo Xuân, dù ở bất cứ nơi đâu, Á Châu hay Âu Châu, Úc Châu hay Mỹ Châu. Tính đến năm nay, Nhâm Ngọ 2002, cá nhân người viết trong 26 năm qua chưa bao giờ biết đón Xuân ăn Tết là gì, vì Tết âm lịch nơi tôi ở chẳng bao giờ rơi vào mùa Xuân cả! Hơn thế nữa, trong hoàn cảnh tị nạn, tôi không thể nào vui sướng để đón Tết mừng Xuân, mặc dù là Xuân gượng Tết hờ. Dù vậy, tôi không thể không theo tục lệ Ông Bà, Tổ Tiên mà quên đi nguồn cội. Chính vì lẽ đó, thỉnh thoảng tôi nhận lời viết bài cho báo Xuân theo cảm nhận và chủ quan của mình.


Cuối năm, mang chồng sách cũ ra đọc, tìm những vần thơ xuân hợp ý thì thấy hầu hết các nhà thơ cũng có những nỗi khắc khoải trong những buổi xuân về. Vì trang báo có hạn nên người viết phải hạn chế số trang, chọn lọc những vần thơ tiêu biểu. Mong các bạn thơ thứ lỗi cho nếu thấy thiếu vắng tên mình trên trang báo này.


Nơi tôi tạm dung là xứ tuyết, thường thì tuyết đổ vào dịp Tết âm lịch. Thi sĩ Nguyễn Thị Ngọc Dung cũng tạm dung ở vùng này nên tâm sự của nữ sĩ trong ngày Tết thật là chí lý:

Tết này mưa tuyết trắng vai
Vùng Hoa Thịnh Ðốn đông dài giá băng
Bàn chân nhiệt đới lạnh căm
Rời xa đất mẹ bao năm chưa về

(Tết Này, Nguyễn Thị Ngọc Dung-Ðiểm Trang Làm Dáng Cuộc Ðời, 30)


Cứ mỗi lần xuân đến là nỗi sầu vong quốc càng nặng trĩu trên đôi vai người xa xứ, là lúc lòng thi nhân càng thấy tủi hổ, xót xa. Thi sĩ Minh Viên ở miền Viễn Tây, xứ sương mù gió lộng Cựu Kim Sơn, nên nỗi sầu vong quốc của ông càng trĩu nặng hơn khi đón Tết tha hương:

Xuân lại về đây, Xuân xứ lạ
Khối sầu vong quốc trĩu vai thêm.
.........................................
Mười năm đất khách mười năm tủi
Xuân đến buồn thêm phận cỏ hèn.

(Xuân Tha Hương, Minh Viên-Vết Thương Sài Gòn, 52)


Ai ai cũng vậy, mỗi lần xuân đến trong hoàn cảnh tha hương là nhớ mẹ nhớ cha một cách ray rức, bâng khuâng:


Mười mấy xuân rồi xa cách mẹ
Nhớ thương trĩu nặng những vần thơ
Mùa đông rét mướt hồn con trẻ
Thôi hết rồi hoa bướm mộng mơ!
..........................................
Con vẫn âm thầm thương nhớ mẹ
Hồn thơ không sợi nắng thêu hoa
Hồn thơ đã ngập tràn băng tuyết
Và mắt-mùa-đông lắm gió mưa!

Thiếu mẹ đời con như lá úa
Xuân về con ngỡ xuân chưa sang
Xuân về, xuân của riêng thiên hạ
Con mất xuân rồi, đâu biết xuân!

(Thư Xuân gửi Mẹ, Minh Viên-Ðêm Việt Nam, 136 & 138 )


Nhà thơ trẻ Trần Phùng Linh Duyên cũng có cùng tâm sự như thế:

Con thương
Bố Mẹ đã già
Ðón Xuân
hiu hắt
cho qua mấy ngày
Ở đây
con chẳng vui say
Quê người
con đón
Xuân này ly hương

(Lại nhớ mùa Xuân, Trần Phùng Linh Duyên-Ly Hương, 38 & 39)


Nỗi nhớ thương Mẹ hiền của nhà thơ Trần Trung Ðạo lại càng lớn hơn, vì ông cho rằng cứ một năm xa cách mẹ hiền là dài bằng hai năm!

Năm mới đến con cũng già thêm tuổi
Xa mẹ hiền một tuổi nặng bằng hai
Tuổi nước Việt chất chồng lên quá khứ
Tuổi xứ người quần quật với tương lai.

(Mỗi Mùa Xuân Thêm Một Lần Dối Mẹ, Trần Trung Ðạo-Ðổi Cả Thiên Thu Tiếng Mẹ Cười, 43)


Nhà thơ nữ Ngô Minh Hằng cũng nhớ thương Mẹ đến não lòng:


Ở đây Mẹ ạ, ba ngày Tết
Thổn thức lòng con nỗi nhớ thương
.
(Thơ Xuân Gửi Mẹ, Ngô Minh Hằng-Tiếng Lòng, 44)


Thi nhân ở Gia Nã Ðại cũng có tâm sự ngổn ngang khi mùa xuân tới. Nhà thơ Luân Hoán lần đầu tiên đón Tết ở Montréal cũng phải bật than:


mùa xuân ơi mùa xuân
trời xanh mây trắng lắm
lòng ta nào dửng dưng
cớ sao buồn ghê lắm

(Mùa xuân Montréal, Luân Hoán-Ngơ Ngác Cõi Người, 41)


Rồi nhà thơ lắc đầu ngao ngán:

xuân đâu còn của đất trời
xuân chừ của lũ hết thời ngâm nga

(Mùng một Tết ở Montréal, Luân Hoán-Ngơ Ngác Cõi Người, 83)


Nhà thơ Nguyễn Văn Quảng Ngãi đã ở đây được vài năm, cũng đã đón Tết bao lần, thế mà mỗi lần xuân đến là mỗi lần ông lại than trách thân phận bơ vơ:

Bơ vơ quá giữa quê người
Ðón Xuân lặng ngắm đầy trời tuyết bay
Mà này sao rượu chẳng cay?
Niềm thương, nỗi nhớ viết hoài chưa xong

(Lại xuân, Nguyễn Văn Quảng Ngãi-Hoen Màu Thời Gian, 41)


Tại sao xuân đến mà lòng thi nhân không vui? Vì đây là xuân đất khách, không phải xuân của quê nhà! Mẹ hiền đang ở tại quê nhà thì làm sao thi nhân vui cho được?


Vẫn đếm xuân về trên đất khách
Nghe buồn nhỏ giọt xuống vai tôi
Ðèn ai thắp sáng bên kia phố
Nhớ quá, chao ôi, tiếng mẹ cười.


Vì vậy, thi nhân đâu có vui gì mà uống rượu mừng xuân! Nếu có uống chăng là uống những nỗi ngậm ngùi:


Chén rượu mừng xuân tôi chẳng uống
Chỉ uống đêm nay những ngậm ngùi.

(Xuân đất khách, Trần Trung Ðạo-Thao Thức, 29 & 30)

Vâng, quả đúng như vậy! Uống rượu thì chỉ có say, chứ cơn sầu thì không làm sao vơi được! Thi sĩ Hà Huyền Chi đã từng trải nỗi sầu xa xứ khi đón xuân về trên xứ người:

Ðón xuân trên đất nước người
Cạn bao nhiêu rượu không vơi cơn sầu

(Xuân Trên Xứ Người, Hà Huyền Chi-Tên Nô Lệ Mới, 58 )

Càng xa xứ nhiều năm, lòng thi nhân càng khắc khoải, trái tim càng chai đá thêm:

Ðã tám mùa xuân nơi xứ lạ
Tám mùa khắc khoải, tám mùa đau
Trái tim Từ Thức trơ như đá
Lạc dấu quê hương, lạc dấu nhau
.
(Qua những ngày câm những tháng đen, Hà Huyền Chi-Cõi Buồn Trên Ta, 56)


Mùa xuân của ta ở đây là mùa tuyết đổ của Bắc Mỹ. Bởi thế cho nên, năm nào thi nhân cũng cảm thấy mùa xuân hiu quạnh ở xứ người:

Xứ người tuyết đổ mịt mùng
Ðón xuân hiu quạnh nát lòng hoài hương
.
(Xuân Hiu Quạnh, Hà Huyền Chi-Một Túi Bình Sinh Một Túi Thơ, 202)


Ngày mùng Một Tết lỡ chạm mặt đồng hương, miệng thì chúc nhau năm mới dòn tan, nhưng trong lòng thì ngậm ngùi không sao tả xiết!

Ta chào nhau năm mới
Lời chúc trượt trên môi
Bắt tay cười hễ hả
Quay lưng dấu ngậm ngùi
.
(Xuân Lữ Thứ, Hà Huyền Chi-Một Túi Bình Sinh Một Túi Thơ, 203)


Cụ Bà Nữ sĩ Kim Y đã đến Mỹ trước chúng ta, thế mà cứ mỗi độ xuân về là lòng Cụ Bà bồi hồi nhớ quê hương:

Năm năm mỗi độ xuân về,
Nước non nhắc nhở niềm quê bồi hồi!

(Xuân nhớ, Kim Y-Tiếng Quyên, 4)


Nỗi sầu của Nữ sĩ càng chất ngất khi Cụ Bà nhớ tới những người ở lại bị tù tội trong hỏa ngục của Cộng sản:


Tết đến càng thương người hỏa ngục,
Xuân về thêm tủi kiếp lưu vong!
Vui chung ai đó, riêng ta chỉ
Chào đón nàng Xuân với lạnh lùng!

(Sầu Xuân Riêng Nặng..., Kim Y-Tiếng Quyên, 33)

Vì thế cho nên Cụ Bà nhường vui Xuân đón Tết cho thiên hạ:

Vui xuân đón tết nhường thiên hạ,
Riêng khách lưu vong vạn cổ sầu!

(Xuân Cảm, Kim Y-Tiếng Quyên, 35)

Thi sĩ Hà Bỉnh Trung nhìn mùa xuân qua ba màu xanh, đỏ, trắng. Màu trắng là màu của tuyết. Có năm tuyết trắng lê thê ở vùng Hoa Thịnh Ðốn, thi sĩ than thở:

Xuân xanh, xuân đỏ, rồi xuân trắng
Ta biết tìm đâu bóng dáng quê?
Ta biết tìm đâu thêm chút nắng
Khi trời đang lạnh, tuyết lê thê?

(Xuân Cũng Ðổi Màu, Hà Bỉnh Trung-Dấu Chân Viễn Khách, 39)

Tâm trạng của các thi nhân trong dịp xuân về cũng đều giống nhau: ngậm ngùi, nghẹn ngào, buồn bã, đắng cay... Nhà thơ Vũ Hối càng chất ngất đỉnh sầu khi đón Tết:

Ðâu còn đón Tết, mai vàng
Ngậm ngùi nuốt lệ, trái ngang nghẹn ngào...

(Chất ngất đỉnh sầu, Vũ Hối-Chiêm Bao Trở Giấc, 17)

Tuyết trắng trong ngày Tết càng làm tăng nỗi sầu chất ngất trong hồn thi sĩ:

Tha hương tết lắm ngậm ngùi...
Thương quê, thương bạn, đâu nguôi lòng này
Ngồi đây đếm vạn đắng cay,
Giao thừa quê Mẹ, phương này tuyết rơi,
Giăng giăng lệ trắng khắp trời,
Lạc loài đất khách, chao ôi! là buồn...

(Nét thảo đầu xuân, Vũ Hối-Chiêm Bao Trở Giấc, 25)

Nhà thơ nữ Thuý Trúc ở miền cực Nam Florida có nắng ấm chan hòa trong dịp Tết nên chưa có nỗi sầu chất ngất như nhà thơ Vũ Hối; tuy nhiên, bà cũng man mác buồn và không buồn may áo mới để đón Tết:

Không pháo ngày mồng một
Chẳng giao thừa ba mươi
Tết buồn chưa may áo
Chậu sành chờ mai tươi.

(Xuân cảm, Thuý Trúc-Thơ Thuý Trúc, 93)

Trong số các nhà thơ lưu vong, đặc biệt nhà thơ Nguyễn Mạnh Trinh có nỗi buồn khác lạ hơn người: nỗi sầu man mác lê thê nhưng thiếu hẳn chất men cay:

Ðêm ba mươi tết sầu chắn lối
Tìm thử quê nhà lửa biếc soi.

(Bài thơ cuối năm, Nguyễn Mạnh Trinh-Thơ Nguyễn Mạnh Trinh, 18 )

Nói cười trâng tráo kiếp hề
Có ta trong chuỗi lê thê xứ người.

(Một ngày ở Los, Nguyễn Mạnh Trinh-Thơ Nguyễn Mạnh Trinh, 63)

Mỗi ngày xa quê hương là mỗi một cơn mê trùng trùng điệp điệp:

Tha hương chắc có ngày về
Ba năm tiếp những cơn mê trùng trùng
.
(Mượn tôi chút nhớ, Nguyễn Mạnh Trinh-Thơ Nguyễn Mạnh Trinh, 99)

Gửi quà Tết tặng thân nhân ở quê nhà là chuyện thường tình, nhưng nhà thơ Ngô Minh Hằng lại còn cẩn thận dặn dò thêm bà chị:

Tặng chị Xuân này một chéo khăn
Chị lau mắt lệ giữ ngày xanh
Lau dòng máu đỏ từ tim vỡ
Tẩm liệm đi bao nỗi nhọc nhằn!

(Quà Xuân Và Niềm Hy Vọng, Ngô Minh Hằng-Tiếng Lòng, 24)

Và rồi nữ sĩ than thở một mình:

Riêng ta, xuân đến có gì vui
Chỉ thấy lòng đau, dạ ngậm ngùi
Hăm mấy năm dài, từ mất nước
Quê người, hồn khách. Cố hương ơi!

(Chúc Xuân, Ngô Minh Hằng-Gọi Ðàn, 26)

Quả thật kiếp người tị nạn như kiếp con chim lạc đàn, ngơ ngác:

Quê người, nhìn mai nở
Lòng ta thấy sầu mang
Hăm mốt năm ngơ ngác
Kiếp con chim lạc đàn!

(Mùa Xuân Bất Diệt, Ngô Minh Hằng-Gọi Ðàn, 87)

Ai cũng thấy quê người là đẹp, nhưng cái đẹp đó là cái đẹp nhất thời. Chỉ có quê hương của mình mới là nơi đẹp nhất, vì nó chất chứa bao nhiêu kỷ niệm buồn vui của tuổi ấu thơ, của thời mới lớn:

Xuân người dẫu có bao nhiêu đẹp
Vẫn chẳng bằng Xuân của xứ ta!

(Quà Xuân Cho Mẹ, Ngô Minh Hằng-Gọi Ðàn, 94)

Thi sĩ Tô Giang là người ra hải ngoại chậm nhất sau nhiều năm ở trong lao tù Cộng sản. Trước khi ra đi, ông đã tự dặn lòng mình:

Dù cuộc sống đang quá nhiều thiếu thốn
Thiếu cơm ăn áo mặc rách tinh thần
Xin cứ giữ tình yêu cho yên ổn
Là trong ta vẫn còn có mùa xuân.

(Xuân hồi, Tô Giang-Mầm Xanh Trong Ðá, 86)

"Người tù trẻ tuổi nhất nước" Lê Khắc Anh Hào, dù đang mài gươm phục quốc ở xứ người nhưng khi xuân về thì cõi lòng của thi sĩ cũng không khỏi dâng lên niềm đau tê tái:

Thương ai trời rủ xuân về
Ðể anh đoài đoạn mấy bề không gian
Mẹ Cha... xuân, lệ hai hàng
Nước non... xuân, nổi ngút ngàn hận căm
Tay lần bấm đốt tháng năm
Tủi thân mấy cọng tóc ngầm bạc ra
Em xuân tàn nét kiêu sa
Em, xuân ủ dột trong tà áo em.
Trời ơi! Anh mộng từng đêm
Trời ơi! Xuân đã bên thềm giá băng
Xuân sao trời dệt tuyết giăng?
Cành mai nở cũng cầm bằng như mơ.

(Ðêm về ươm mấy hạt thơ, Lê Khắc Anh Hào-Tự Thuở Vầng Trăng Vỡ Cuối Nguồn, 24)

Cái mối sầu chung của thi nhân khi phải lìa quê mẹ thật chẳng bao giờ nguôi ngoai được. Tâm sự của nhà thơ Mạc Phương Ðình cũng là tâm sự của nhiều thi nhân:

Long đong từ buổi lìa quê mẹ
Ôm mối sầu chung mãi chẳng nguôi.
.......................................
Chẳng đợi mà sao xuân vẫn đến
Buồn trông cánh nhạn cuối chân trời.

(Xuân tha hương, Mạc Phương Ðình-Lời Ru Của Mẹ, 30)

Xuân viễn xứ là xuân của nỗi ngậm ngùi thì làm sao vui cho được? Cho nên nhà thơ đã phải cất tiếng than:

Lại một mùa xuân của đất trời
Ðau lòng ai đó chốn xa xôi
Ngàn hoa không nở, lòng cô quạnh
Xuân chỉ mang thêm những ngậm ngùi...

(Xuân viễn xứ, Mạc Phương Ðình-Lời Ru Của Mẹ, 41)

Nhà thơ Trần Hoài Thư ở New Jersey, nơi đó cũng là xứ tuyết. Mùa đông lạnh cắt da, đang ở không độ F, thế mà ông nổi hứng xách xe qua New York City chơi, nơi có China Town, để uống cà phê một mình. Cà phê nóng và thơm nồng đâu không thấy mà chỉ thấy nỗi buồn đặc quánh ở đáy cốc:

Tôi qua Nữu Ước trời không độ
Khuấy cốc cà phê đặc nỗi buồn
.
(Vào Giêng, Trần Hoài Thư-Thơ Trần Hoài Thư, 98 )

Nỗi buồn cuối năm ở Bắc Mỹ là nỗi buồn da diết, càng nhớ càng thương quê nhà, nhất là nơi đó có người tình của thuở nào, có bông cải vàng nở rộ:

Thèm ơi bếp lửa đêm trừ tịch
Chiều cuối năm rồi, anh nhớ em
Nhà em bên ấy dòng sông nhỏ
Bông cải mùa xuân vàng rộ sân.

(Cuối năm bên dòng Hudson, Trần Hoài Thư-Thơ Trần Hoài Thư, 118 )

Các thi nhân lưu vong nơi hải ngoại, hầu hết đều có thân nhân bên cạnh, thế mà còn có nỗi buồn thê thiết đến như thế, thì huống chi những người cô đơn một mình nơi xứ lạ quê người, nỗi buồn ắt phải tăng gấp vạn lần hơn! Người viết cũng là một nạn nhân trong số những người cô đơn ấy của năm 1975 nên biết rất rõ tâm trạng của họ lúc bấy giờ. Mỗi khi Tết đến, tuyết trắng ngập đường, bước chân ra đường là không thấy phố không thấy nhà, mà chỉ thấy tuyết rơi trắng xóa ngập lối đi! Còn nỗi buồn nào hơn? Còn bút mực nào tả xiết? Tôi phải làm gì đây cho khuây nỗi nhớ? Thôi chỉ còn cách ra đường dọc tuyết cho khuây khỏa nỗi sầu! Rồi lấy bút mực ra hí hoáy tâm sự với nàng cho vơi nỗi nhớ thương đã dâng lên tới tận cổ. Tác giả đã làm bài thơ sau đây trong mùa tuyết trắng đầu tiên ở Bắc Mỹ:

Em có bao giờ thấy tuyết rơi?
Dịu dàng, ẻo lả giữa từng trời,
Phất phơ sắc trắng trong hơi lạnh,
Buông thả thân ngà xuống khắp nơi.

Em có bao giờ thấy tuyết chưa?
Tim anh lạnh giá đến bao giờ?!
Ðốt than chẳng ấm lòng anh được,
Mặc áo len dầy cũng hóa thưa!

Em ước một lần thấy tuyết rơi,
Một lời ao ước rất xa xôi.
Anh đâu hy vọng mà mơ mộng,
Ðội tuyết đi trong nỗi ngậm ngùi.
........................................
Nhặt tuyết nặn hình tưởng nhớ em
Làm sao mái tóc được nhung êm!
Máu không tô đậm môi son thắm!
Tay ngọc đâu còn! Ôi những đêm...!

(Em Có Bao Giờ Thấy Tuyết Rơi?, Vĩnh Liêm-Tị Nạn Trường Ca I, 17)

Biết rằng ngày xuân mà nhắc tới những chuyện buồn là không thích hợp, nhưng biết làm sao hơn vì các nhà thơ lưu vong đều có những nỗi buồn như thế! Ðây còn là một đề tài dành cho những nhà phê bình văn học nghiên cứu sau này. Bài viết này chỉ có tính cách gợi ý, không đi vào chi tiết, và nhằm mục đích chia xẻ tâm sự não nùng với các thi nhân. Hy vọng không làm nản lòng bạn đọc.

Vĩnh Liêm
Ðức Phố, cuối năm Tân Tỵ





Những Cảm Nghĩ Rời

Ðang ở giữa mùa đông Canada
Với màn tuyết dầy đặc trắng xóa
đang buông rơi chầm chậm,
Và những con đường hàn băng giá rét căm căm.
Lòng chợt ray rức hoài vọng những cánh mai vàng nở rộ ...
Trong giọt nắng hiền hòa nồng ấm của quê hương ...

Ôi! Thời gian với không gian muôn trùng cách trở,
Hai mươi năm qua, bao thương hải tang điền,
Thế mà chỉ như giấc mộng đêm qua! ?
Một thoáng bâng khuâng lòng chợt hỏi:
Thời gian có thật có hay không ?

Hay chỉ là những hoàng hôn và bình minh;
Những con trăng tròn, những vầng trăng khuyết;
Chuỗi quá trình sinh diệt;
Thành, Trụ, Hoại, Không ...
...tiếp nối trong từng nhịp đập của trái tim,
trong từng khoảnh khắc phù du,
nối tiếp không ngừng ...

Như kẻ lữ hành đơn độc,
Quay cuồng đuổi bắt,
Nhiệt tình tham đắm trong cái huyển hóa
của cuộc đời ...
Nữa đời bổng chốc qua nhanh,
Chợt hay rằng mái tóc đã điểm sương;
Thoắt nhìn lại tất cả phải chăng trò mộng ảo ?

Tôi muốn trở về đi tìm dòng sông xưa,
Thong dong đắm mình bơi lội trong ngọt ngào phù sa,
Mong chợt nhận một giây phút thật bình yên, tỉnh lặng,
Ðể soi gương mặt thật của mình trên dòng sông,
Ðã trót bị lấp vùi từ vô lượng kiếp trôi nổi tử sinh ...

Nguyễn Oanh
(Nông Lâm Súc Cần Thơ 1969 - 1972)

User avatar
phu_de
Posts: 2917
Joined: Sun Nov 28, 2004 10:57 pm
Has thanked: 7 times

Post by phu_de »

Image

Giai Thoại Thi Nhân
Nguyễn Nội Hà



"Thu là chiều của năm, chiều là thu của ngày!", phải chăng đó là định nghĩa diệu vợi nhất về mùa thu.

Nắng thu gọi nhớ, mưa thu gợi buồn... nên thi nhân mặc khách yêu "nàng Thu" hơn cả mọi thứ, trên cả mọi loài.

Hãy nghe đâu đây tiếng nhạc trong thơ của Lưu Trọng Lư:

Em không nghe mùa thu
dưới trăng mờ thổn thức?
Em không nghe rạo rực
hình ảnh kẻ chinh phu
trong lòng người cô phụ
Em không nghe rừng thu
lá thu kêu xào xạc
con nai vàng ngơ ngác
đạp trên lá vàng khô?

(Tiếng Thu)



Nhắc đến Lưu Trọng Lư, thi sĩ tiền chiến, chúng ta liên tưởng đến những "xung đột" tư tưởng Đông Tây qua những trận bút chiến và khẩu chiến giữa thơ mới và thơ cũ ở những năm của thập niên 1930 của Việt Nam. Lưu Trọng Lư là một trong những người tiên phong khai phá phong trào thơ mới và sau đó, khi thơ mới được ủng hộ, cũng chính ông đã ra công hàn gắn những vết thương của cuộc "xung đột" tư tưởng mới và cũ này. Ông cho rằng nền văn học cổ điển Việt Nam, vốn chịu ảnh hưởng tam giáo Lão-Phật-Khổng, là một lâu đài cổ, một ngôi cổ mộ và, người trẻ nhìn lại với con mắt kính yêu nhưng chẳng bao giờ họ muốn trở về.

Ông là người thiết tha đến tinh thần dân tộc trong văn chương hơn ai hết, ông từng viết: "Xưa kia chúng ta là những người Tàu, gần đây chúng ta là những người Tây, chưa bao giờ chúng ta là những người Việt Nam cả. Ta chỉ muốn sống không, hưởng thụ những của sẵn và làm con ve thơ của ngụ ngôn. Ta đã vay mượn của người hàng xóm từ điệu thơ nhỏ nhặt, đến đạo lý cao xa".

Có lẽ nhờ tình tha thiết dân tộc mà cuộc bút chiến thơ cũ và mới đã kết thúc bằng tình thương của những người thuộc hai thế hệ, bằng những cảm thông giữa những đứa con cùng chung một giòng máu Việt. Giòng máu Việt thúc đẩy từng thế hệ sẵn sàng đứng lên chịu trách nhiệm trước lịch sử, sẵn sàng chấp nhận cho thế hệ mới chung lưng và sẵn sàng an tâm lùi bước bàn giao sự nghiệp.

Lịch sử xã hội thay đổi, con người không thể đứng im. Tâm hồn con người chuyển đổi thì chế độ xã hội cũng phải đổi thay. Hãy mở tay cho thế hệ mới trở mình.



Nói về Lưu Trọng Lư, nhiều người cùng thời đã gọi ông là "thi sĩ mộng mơ của mùa Thu", "dáng gầy, hai má hóp, tóc không bao giờ chải, không biết diện...".

Không biết diện, hay chẳng muốn diện. Điều này nhà thơ Nguyễn Vỹ có kể lại như sau:

Một lần Nguyễn Vỹ rủ Lưu Trọng Lư cùng xuống phố ngắm thiên hạ. Cả hai thả bộ dọc theo đường Đồng Khánh. Khách qua lại ai cũng đều nhìn hai người và che miệng cười.

Lưu Trọng Lư quay sang hỏi Nguyễn Vỹ:

- Mi coi tụi họ cười mi hay cười tau?

- Chắc họ cười tao vì tóc tao dài quá. Tao phải hớt tóc. Mày vô tiệm chờ tao 20 phút.

Hớt tóc xong hai nhà thơ tiếp tục dạo phố. Khách qua lại vẫn cứ nhìn hai người và cười.

Lưu lại hỏi Nguyễn:

- Đố mi biết lần ni họ cười ai?

Nguyễn Vỹ dừng lại và ngó bạn từ đầu đến chân. Thì ra Lưu Trọng Lư đã mặc quần đen lại nghểnh ngãng mặc thêm quần trắng ra ngoài, chiếc quần trắng hơi ngắn nên để lòi hai ống quần đen ra ngoài.

Nhà thơ Nguyễn nhìn nhà thơ Lưu, tái tê:

- Mày mặc dư một cái quần. Chắc chắn họ sắp chưởi mày.



Cũng theo Nguyễn Vỹ thì "Lưu Trọng Lư không biết mình là thi sĩ, không biết mình là Lưu Trọng Lư, ông không thuộc không nhớ thơ mình... Lưu Trọng Lư bước vào làng thơ với chân lơ đễnh, mắt ngơ ngác và nụ cười xa vắng...":

Ta hát vài câu vô nghĩa lý
Lá vàng bay lã vào buồng ta
Ta viết dăm câu vô nghĩa lý
Người điên xem đến hiểu lòng ta



Về sự có mặt của thi sĩ giữa cuộc đời, Nguyễn Vỹ phê: "Lưu Trọng Lư là một ảnh tượng lơ lững trong thời gian. Trong tình yêu, trái tim của anh như con diều giấy vời vợi bay ở những ngày cuối hè vào thu, và chỉ dính vào trần gian bằng một sợi tơ mong manh, chập chờn".

Những văn thi sĩ cùng thời với Lưu Trọng Lư nhận xét: "... có lẽ Lư thi sĩ hơn ai hết. Giá một ngày kia Lư có nhảy xuống sông ôm bóng trăng mà chết, ta cũng không nên ngạc nhiên một tí nào... Mộng và mơ, đó mới chính là quê hương của thi sĩ. Nhưng dầu sao con người mơ mộng ấy cũng đã rơi xuống giữa cõi trần, đã sống một cuộc đời rất thực ở trần gian.

Giờ đây hoa hoang dại
Bên sông rụng tơi bời
Đã qua rồi cơn mơ mộng
Đừng vổ nữa tình ơi

Lòng anh đã rời rụng
Trên sông ngày tàn rơi
Tình anh đà xế bóng
Còn chi nữa em ơi

.....



Chuyện kể về những ngày học tại Huế, Lưu Trọng Lư yêu mết mê một thiếu nữ nhà lành, nhà giàu và giỏi giòng tôn nữ công tằng. Vốn nhà nghèo mà si tình và nhát gái, thi sĩ chỉ biết yêu và thơ ...thẫn mình ên! Từng đêm dầm sương đứng nhìn người yêu đang ngồi ...rung đùi trong gác tía. Để rồi những than thở viết thành thơ:

Em ngồi trong song cửa
Anh đứng tựa tường hoa
Nhìn nhau và lệ ứa
Một ngày một cách xa

Thi sĩ nhả thơ và để quên trên bàn học. Người bạn ở trọ chung phòng đọc được bài thơ, thấu được khối tình si, chê thi sĩ yêu ...mình ên cho nên đã họa:

Em ngồi trong song cửa
Anh đứng ngoài đường nhựa
Nhìn nhau mà lệ ứa
Bựa...

Nghe đâu Lưu Trọng Lư đã phải đấm mõm người bạn bằng một chầu cơm hến Cổ Ngư.



Nguyễn Nội Hà

User avatar
phu_de
Posts: 2917
Joined: Sun Nov 28, 2004 10:57 pm
Has thanked: 7 times

Post by phu_de »

HỒ TRƯỜNG
Nguyễn Bá Trác


Đại trượng phu
Không hề xé gan , bẻ cật
Phủ cương thường
Hà tất tiêu dao
Bốn bể luân lạc tha phương
Trời Nam , nghìn dặm thẳm
Non nước , một màu sương
Chí chưa thành , danh chưa đạt
Trai trẻ bao lăm , mà đầu bạc
Trăm năm thân thế , bóng tà dương
Vỗ tay mà hát , nghiêng đầu mà hỏi
Trời đất mang mang
Ai người tri kỷ ?
Lại đây cùng ta
Chung cạn một hồ trường !
Hồ trường , hồ trường
Ta biết rót về đâu ?
Rót về Đông phương
Nước biển Đông chảy xiết
sinh cuồng loạn
Rót về Tây phương
Mưa Tây sơn từng trận
chứa chan !
Rót về Bắc phương
Ngọn Bắc phong vì vụt
đá chảy cát vương !
Rót về Nam phương
Trời Nam mù mịt ...
Có người quá chén
như điên , như cuồng ...
Nào ai tỉnh ?
Nào ai say ?
Chí ta , ta biết
Lòng ta , ta hay
Nam nhi sự nghiệp ư ?
Hồ thỉ
Hà tất
cùng sầu với cỏ cây




Trần Lãng Minh diễn ngâm
CD Ngàn Khơi/ Ải Chi Lăng
HỒ TRƯỜNG

User avatar
phu_de
Posts: 2917
Joined: Sun Nov 28, 2004 10:57 pm
Has thanked: 7 times

Post by phu_de »

Image
Chớm thu
Vũ Hữu Định



Mưa lẻ tẻ một ngày mấy bận
Đã đầy trời thương nhớ ai đây
Mưa chớm mưa mà lòng đã lạnh
Lại một mình uống rượu nghe say

Mưa bay nhẹ như tình thấp thoáng
Mưa thu mưa buồn nhặt khoan hời
Lạc tiếng hát ai mà cảm động
Trong lá rơi lòng đá bùi ngùi

Ôi da diết mưa từ khuya vắng
Sớm bao la - sầu đọng đầy vườn
Mưa từ chập trời sầu đất thảm
Và hồn anh đã nặng tai ương

Ơi em chỉ một lần thoáng gặp
Ơi nụ cười chút mắt chao đưa
Ơi thu cũ của lần gặp mặt
Là nghìn trùng của nét xa xưa

Anh đắm đuối của lần thứ nhất
Em như chim mùa mới bay về
Bay bạc bẽo chẳng bao giờ đậu
Mà tình si - mời rượu để mê

Anh hốt hoảng những ngày đông giá

Anh ngơ ngơ trời lạ xuân qua
Và khi hạ đầy hoa phượng đỏ
Là anh chờ anh đợi thu xa

Mưa lẻ tẻ một ngày mấy bận
Tuổi mưa ngâu - lạnh đã u sầu
Đi theo em - tìm em ở đâu

Con đường cũ và nơi gặp cũ
Dẫm sương mưa màu lá màu chiều
Mưa lẻ tẻ một ngày mấy bận
Có phải sang thu ? trời đất cô liêu

User avatar
phu_de
Posts: 2917
Joined: Sun Nov 28, 2004 10:57 pm
Has thanked: 7 times

Post by phu_de »

Image
Ba mươi năm tình cũ



Áo vàng em cỡi bên kia núi
Một thuở yêu người quên áo bay
Hương xưa mùa cũ xa vời vợi
Áo cũng như người đau úa phai
Ba mươi năm tình nữa khuya đâu đâu
Tôi trở mỉnh theo nỗi nhớ em
Chiêm bao hồn ngủ quên trên áo
Giật mình còn tưởng chút hơi quen
Ba mươi năm đời đã đi hai ngả
Ơi áo vàng ơi váy trắng ơi
Ba mươi năm mình đã thành xa lạ
Em có là em tôi mất tôi
Một cõi vàng say ba mươi năm
Một cõi đi về tình trăm năm
Ơi Em áo cũ duyên không nợ
Ai phụ ai mà mơ trăm năm

User avatar
phu_de
Posts: 2917
Joined: Sun Nov 28, 2004 10:57 pm
Has thanked: 7 times

Post by phu_de »

Image

Rừng lá thay chưa
Hoàng Ngọc Ẩn


Anh đi rừng chưa thay lá
Em về, rừng lá thay chưa?
Phố cũ bây chừ xa lạ
Hắt hiu đợi gió giao muà!

Xuân xưa mình chung đôi bóng
Xuân này mình ngóng trông nhau
Hun hút phương trời vô vọng
Nhớ thương bạc trắng mái đầu!

Em có về qua phố cũ?
Phố phường chừ đã đổi thay...
Thương em nửa đời hoang phế
Thương ta chịu kiếp lưu đày!

Xuân nay mình em lẻ bóng!
Có còn tiếc nhớ xuân xưa?!
Dài tay đếm từng nhung nhớ
Em ơi! Chờ gió giao muà….

User avatar
phu_de
Posts: 2917
Joined: Sun Nov 28, 2004 10:57 pm
Has thanked: 7 times

Post by phu_de »

Image


Thi sĩ Kiên Giang
Một Bài Thơ – Hai Đoạn Kết

Tác giả: chưa biết



HOA TRẮNG THÔI CÀI TRÊN ÁO TÍM của thi sĩ Kiên Giang là một bài thơ rất quen thuộc với người Việt Nam và đã được phổ nhạc; gần đây nhất là bài Chuyện Tình Hoa Trắng do ca sĩ Như Quỳnh trình bày. Gọi là một bài thơ nhưng thật sự có đến hai bài Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím hay đúng hơn, một bài thơ với hai đoạn kết hoàn toàn trái ngược nhau. Cả hai bài đều hiện hữu song song và cùng nổi tiếng, tuy ít có người để ý đến sự việc bất ngờ này. Ngày nay, xem phim trong các dĩa DVD ta thường thấy có thêm phần “Alternate Ending”, một kết cục khác của phim mà vì lý do nào đó nhà đạo diễn đã phải bỏ đi, không sử dụng khi đưa cuốn phim ra phát hành chính thức.

Nghi vấn chính của bài viết là tại sao ông Kiên Giang đã làm như vậy và trên một khía cạnh, đã đi trước các đạo diễn Hollywood bao nhiêu năm trời. Nhiều người vẫn thắc mắc và gần đây, một nhóm bạn trong chương trình Cây Mùa Xuân đã gặp gỡ và ủy lạo các nghệ sĩ cổ nhạc nghèo khó... Trong chương trình đó, một người trong nhóm ở Việt Nam đã gặp ông Kiên Giang hỏi về nghi vấn này và được bác cho biết như sau:

... Hồi đó, có một anh chàng học sinh nọ, tên Trinh, quê ở tận miền Rạch Giá lên trọ học tại Sài Gòn, học cùng lớp với cô nữ sinh tên là Nguyễn Thị Thúy Nhiều, người ở Sóc Trăng. Thuở đó, chàng là học sinh khá giỏi về Văn nhưng lại yếu về môn Toán, tình bạn của họ rất trong sáng, có xen lẫn tình yêu thơ mộng, những khi chàng bí Toán thì hay nhìn sang để “copier” nàng. Lúc là sinh viên, chàng là cây bút của một tờ báo, còn nàng, tuy gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhưng không thể làm gì thêm. Thế là chàng dùng tiền nhuận bút chia sẻ cho nàng. Tình yêu, tình bạn thơ mộng đó kéo dài suốt quãng đời sinh viên của hai người tại đất Sài Gòn. Hai người còn có lời hứa sống chết có nhau.

Sau khi chia tay tại Sài Gòn, chàng ở lại làm nhà văn, nhà báo, soạn giả... Nàng về quê đi dạy học và đợi chờ ngày sum họp. Thời gian thấm thoát trôi qua, hoàn cảnh đổi thay nên chàng đã thất hứa, đi lấy vợ... Được tin, nàng buồn khổ vô cùng và sau đó rất lâu nàng mới chịu lấy chồng. Nghịch cảnh chăng (?) hay vì nàng quyết định chọn mà chồng của nàng cũng tên Trinh.

Một thời gian sau, anh chàng Trinh thất hứa, nay là trưởng toán của một đoàn nghệ thuật lớn, lưu diễn và gặp lại nàng. Chàng có đến thăm cô Thúy Nhiều và đã viết bài thơ Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím thứ nhất để gọi là “tạ lỗi” vì đã thất hứa trong tình yêu. Trong bài này, người con gái mất đi để lại trong lòng người trai một nỗi buồn khôn nguôi như lòng của anh Trinh sinh viên với mối tình cũ. Ngoài ra chàng còn gởi hai vé hát mời vợ chồng cô Thúy Nhiều đi xem. Tuy nhiên, người chồng của cô rất ghen nên hai người đã không đến xem buổi trình diễn của đoàn hát của chàng sinh viên xưa.

Vì hận lòng hay hận đời, Trinh đã sửa lại đoạn kết bài thơ Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím. Lần này Trinh cho chàng trai trong bài thơ bị chết và người con gái suốt đời ôm mối hận tình, khóc người yêu cũ... để trả thù việc vợ chồng cô đã từ chối lời mời xem hát của anh. Đến đây chắc các bạn cũng đã biết anh chàng Trinh sinh viên kia chính là ông Kiên Giang (tên thật là Trương Khương Trinh, bút hiệu khác Hà Huy Hà, sinh ngày 17-2-1929 tại Rạch Giá).

Còn cô Nguyễn Thị Thúy Nhiều đã mất. Những người con của cô đều rất thành danh trong nghề nghiệp và cuộc sống, có người là giáo sư. Riêng về người chồng của cô Thúy Nhiều, ông này là người rất ghen nhưng lại có vợ lẽ. Ông vẫn còn sống với người vợ sau. Thời gian sau này, lúc cô Thúy Nhiều còn sống, ông chồng vì ân hận mình phụ bạc vợ, đã có đến nhà thờ đi bằng đầu gối để xin lỗi vợ mình.

Image


HOA TRẮNG THÔI CÀI TRÊN ÁO TÍM
(Tâm tình của người trai ngoại đạo đối với cô gái có đạo – Bến Tre, 14-11-1957)

Lâu quá không về thăm xóm đạo
Từ ngày binh lửa cháy không gian
Khói bom che lấp chân trời cũ
Che cả người thương, nóc giáo đường

Mười năm trước, em còn đi học
Áo tím điểm tô đời nữ sinh
Hoa trắng cài duyên trên áo tím
Em là cô gái tuổi băng trinh

Trường anh ngó mặt giáo đường
Gác chuông thương nhớ lầu chuông
U buồn thay! Chuông nhạc đạo
Rộn rã thay! Chuông nhà trường

Lần lữa anh ghiền nghe tiếng chuông
Làm thơ sầu mộng dệt tình thương
Để nghe khe khẻ lời em nguyện
Thơ thẩn chờ em trước thánh đường

Mỗi lần tan lễ, chuông ngừng đổ
Hai bóng cùng đi một lối về
E lệ, em cầu kinh nho nhnhỏ
Thẹn thuồng, anh đứng lại không đi

***

Sau mười năm lẻ, anh thôi học
Nức nở chuông trường buổi biệt ly
Rộn rã từng hồi chuông xóm đạo
Tiễn nàng áo tím bước vu quy

Anh nhìn áo cưới mà anh ngỡ
Chiếc áo tang liệm một khối sầu
Hoa trắng thôi cài trên áo tím
Thôi còn đâu nữa tuổi băng trinh

Em lên xe cưới về quê chồng
Dù cách đò ngang cách mấy sông
Anh vẫn yêu người em áo tím
Nên tình thơ ủ kín trong lòng

***

Từ lúc giặc ruồng vô xóm đạo
Anh làm chiến sĩ giữ quê hương
Giữ màu áo tím, người yêu cũ
Giữ cả lầu chuông, nóc giáo đường

Mặc dù em chẳng còn xem lễ
Ở giáo đường u tịch chốn xưa
Anh vẫn giữ lầu chuông gác thánh
Nghe chuông truy niệm mối tình thơ

Màu gạch nhà thờ còn đỏ thắm
Như tình nồng thắm thuở ban đầu
Nhưng rồi sau chuyến vu quy ấy
Áo tím nàng thơ đã nhạt màu

***

Ba năm sau chiếc xe hoa cũ
Chở áo tím về trong áo quan
Chuông đạo ngân vang hồi vĩnh biệt
Khi anh ngồi kết vòng hoa tang

Anh kết vòng hoa màu trắng lạnh
Từng cài trên áo tím ngây thơ
Hôm nay vẫn đóa hoa màu trắng
Anh kết tình tang gởi xuống mồ

Lâu quá không về thăm xóm đạo
Không còn đứng nép ở lầu chuông
Nhưng khi chuông đổ anh liên tưởng
Người cũ cầu kinh giữa giáo đường

Lạy Chúa! Con là người ngoại đạo
Nhưng tin có Chúa ngự trên trời
Trong lòng con, giữa màu hoa trắng
Cứu rỗi linh hồn con Chúa ơi!!!


Bài 2:

HOA TRẮNG THÔI CÀI TRÊN ÁO TÍM
Gia Định, 28-05-1958


Lâu quá không về thăm xóm đạo
Từ ngày binh lửa cháy quê hương
Khói bom che lấp chân trời cũ
Che cả người thương, nóc giáo đường

Mười năm trước, em còn đi học
Áo tím điểm tô đời nữ sinh
Hoa trắng cài duyên trên áo tím
Em là cô gái tuổi băng trinh

Quen biết nhau qua tình lối xóm
Cổng trường đối diện ngó lầu chuông
Mỗi lần Chúa Nhật em xem lễ
Anh học bài ôn trước cổng trường

Thuở ấy anh hiền và nhát quá
Nép mình bên gác thánh lầu chuông
Để nghe khe khẽ lời em nguyện
Thơ tthẩn chờ em trước thánh đường

Mỗi lần tan lễ, chuông ngừng đổ
Hai bóng cùng đi một lối về
E lệ, em cầu kinh nho nhỏ
Thẹn thuồng, anh đứng lại không đi

***

Sau mười năm lẻ, anh thôi học
Nức nở chuông trường buổi biệt ly
Rộn rã từng hồi chuông xóm đạo
Tiễn nàng áo tím bước vu quy

Anh nhìn áo cưới mà anh ngỡ
Chiếc áo tang liệm một khối sầu
Hoa trắng thôi cài trên áo tím
Giữ làm chi kỷ vật ban đầu

Em lên xe cưới về quê chồng
Dù cách đò ngang cách mấy sông
Vẫn nhớ bóng vang thời áo tím
Nên tình thơ ủ kín trong lòng

***

Từ lúc giặc ruồng vô xóm đạo
Anh làm chiến sĩ giữ quê hương
Giữ tà áo tím màu hoa trắng
Giữ cả trường xưa nóc giáo đường

Giặc chiếm lầu chuông xây gác súng
Súng gầm rung đổ gạch nhà thờ
Anh gom gạch đổ xây tường lũy
Chiếm lại lầu chuông giết kẻ thù

Nhưng rồi người bạn cùng trang lứa
Đã chết hiên ngang dưới bóng cờ
Chuông đổ ban chiều, em nức nở
Tiễn anh ra khỏi cổng nhà thờ

Hoa trắng thôi cài trên áo tím
Mà cài trên nắp cỗ quan tài
Điểm tô công trận bằng hoa trắng
Hoa tuổi học trò mãi thắm tươi

***

Xe tang đã khuất nẻo đời
Chuông nhà thờ khóc… tiễn người ngàn thu
Từ đây, tóc rũ khăn sô
Em cài hoa trắng trên mồ người xưa!!!



------------------------

Hồng Vân ngâm thơ
Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím

Nghe Vũ Khanh trình bày
Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím


KaraOKe
[flash width=425 height=335][/flash]

dacung
Posts: 409
Joined: Tue Dec 13, 2005 6:26 am
Location: USA
Contact:

Post by dacung »

Tình thơ Nguyên Sa

Thy Nga, phóng viên đài RFA
2008-04-20

Nhà thơ Nguyên Sa được nhắc đến nhiều qua tác phẩm “ Paris có gì lạ không em ” và những dòng thơ tình khác. Người bạn đời của ông chia xẻ về những tình huống của những cảm hứng ấy nhân ngày giỗ của người nghệ sỹ.

Image
Photo: RFA

Đôi sinh viên Nguyên Sa và Nga ở Paris năm 1954 ( hình do gia đình cung cấp)

Từ mươi năm nay, vào thời điểm này của tháng Tư bạn hữu với thi sĩ Nguyên Sa lại nhắc nhớ đến ông.
Nguyên Sa Trần Bích Lan từ trần ngày 18 tháng Tư 1998. Thời gian trôi qua như thế là đã 10 năm. Đối với người thân yêu thì hẳn là những tháng năm đó dài … dài lắm. Irvine, thành phố mà ông cùng gia đình tới định cư, nơi ông sinh hoạt báo chí, thơ văn trong hai mươi năm cuối cuộc đời, chỉ cách đường Bolsa một quãng xa lộ.

Từ xa lộ vào con đường này một chốc là thấy ngay thảm cỏ xanh mướt và khung cảnh êm ả của nghĩa trang, nơi an nghỉ của hầu hết người Việt vùng này. Thi sĩ Nguyên Sa được chôn cất tại đó, “hạt cát nguyên vẹn” óng ánh giữa chốn hồng trần, đã trở về với cát bụi.

“Tiễn biệt” Hải Lý hát …

Từ ngày Nguyên Sa qua đời, vợ ông - nhân vật trong bài thơ độc đáo mang tên “Nga” - đã đóng cửa nhà in, và trung tâm băng nhạc.

Với bà, Thy Nga có mối cảm tình đặc biệt, phải chăng vì cùng tên? Hay vì có một số điểm tương đồng? Lần này điện thoại sang thăm, Thy Nga yêu cầu bà đọc cho nghe thơ của ông. Bài gì thì chỉ nói tựa đề, là bà biết ngay ở trang mấy trong cuốn nào, như về bài thơ “Sợi tóc” khắc trên mộ Nguyên Sa, bà Nga thuật lại:

“ Mộ của Nguyên Sa gần một hồ nước nhỏ, như là trong góc một khu rừng nhỏ. Khi anh ấy làm bài thơ này, không ngờ nó lại giống nơi anh ấy được nằm ở đó:

‘Nằm chơi ở góc rừng này
Chưa thiên thu cũng đã đầy cỏ hoang
Xin em một sợi tóc vàng
Làm hoa khởi sự cho ngàn kiếp sau
Biết đâu thảo mộc bớt đau
Biết đâu có bản kinh cầu dâng lên? ’


Những vần thơ cuối

Khi biết là mình sắp ra đi, tinh thần vẫn bình thản, chấp nhận, anh ấy làm bài thơ “Thủy chung”. Thường thường, các cụ cứ dặn dò là chôn cất ra làm sao, nhưng mà Nguyên Sa vẫn tếu trong cái bài dặn dò như thế này:

‘ … Anh nói anh muốn Saigon,
anh muốn đường Phan Thanh Giản,
anh muốn nước Mỹ, vùng biển Thái Bình,
anh muốn Montpellier, muốn Nice,
muốn Cannes, muốn Saint Tropez,
muốn tất cả những thị trấn miền Nam nước Pháp,
nhất là những thành phố quanh Địa Trung Hải,
nhưng anh chỉ có hai chân,
anh chỉ xin em ném dùm anh
xuống những mảnh đất đầu đời:
chỗ bãi phù sa anh tắm mỗi chiều,
con lộ mỗi ngày chúng mình cùng nhau đi học.’

Đó là khi người thi sĩ tếu dặn vợ là chôn cất ra làm sao.”

Đọc đến câu này thì bà Nga đã rất xúc động. Thời gian cùng học ở Paris, gặp gỡ rồi yêu nhau, là quãng đời đẹp nhất của hai người. Do đó, những nơi mà sau khi từ trần, Nguyên Sa muốn linh hồn mình tìm về, là những địa điểm từng ghi dấu kỷ niệm một đời.


“Paris có gì lạ không em”

( âm thanh bài hát do Ngô Thụy Miên phổ nhạc,Tuấn Ngọc hát …)

Thy Nga: Hay là mình đừng nói chuyện buồn nữa … Chị kể lại tình cảnh viết nên các bài thơ nhé, nhất là các bài mà nhiều người yêu thích, như “Paris có gì lạ không em” Vì sao đang học mà lại có chuyện người phải ra đi, kẻ ở lại “Kinh thành hoa lệ ” ?

Bà Nga: Năm 1953, ông cụ thân sinh anh Lan mất tại Hà Nội. Anh Lan thấy cần phải ngưng học ở bên Pháp để về giúp đỡ gia đình, thế nhưng mà chị đang học đại học ở Paris thành ra anh ấy mới làm bài thơ :
“ Paris có gì lạ không em?
Mai anh về, em có còn ngoan …”
tức là anh ấy đi Việt Nam rồi sẽ về lại Paris. Anh ấy mới hỏi:
“Vẫn hỏi lòng mình là hương cốm
Chả biết tay ai làm lá sen?”
là Chị có chịu theo anh ấy không?

Đến lúc mà Chị bằng lòng thì mới là có cái bài “Nga”

“Nga” qua giọng hát Duy Quang …

Bà Nga: Tụi này chỉ có đi ra Mairie 15è làm đám cưới. Sinh viên du học mà lại sau khi Hiệp Định Genève chia cắt đất nước (gia đình không gửi tiền qua được) sinh viên Việt Nam ở bên ấy nghèo lắm. Tụi này không có nhẫn nữa mà. Thành ra in bài thơ Nga đề là thay cho thiệp báo hỷ. Cái bài thơ thì mọi người nghe thích quá, nói là ngộ nghĩnh. Xong rồi, bạn bè đông lắm, sinh viên thì đông lắm, kéo nhau sang cái quán cà-phê trước cửa, uống cà-phê, mọi người chung tiền trả phần cho cô dâu chú rể. Thế thôi!

Cuối tháng 12 đó (năm 1955) là xuống tàu tại Marseille đi về Saigon. Về đến Sài Gòn thì cả hai vợ chồng đều đi dạy học. Cứ bước vào lớp là bị học sinh nó hát mấy câu đó, mình phải làm rất là nghiêm trang.

Kế tiếp, Nguyên Sa cùng với vợ mở tư thục. Trong nắng ấm chan hòa ở Saigon, hình ảnh những tà áo dài, lụa nội hóa, gợi cảm hứng cho Nguyên Sa viết nên bài thơ “Áo lụa Hà Đông”.

“Áo lụa Hà Đông” Quang Dũng hát …

Thơ Nguyên Sa là thơ của những rung động tình yêu đầu đời, chân thành đến vụng dại, những xúc cảm mà ta khó thể có lại về sau.

“Không có anh, lấy ai đưa em đi học về
Lấy ai viết thư cho em mang vào lớp học …

Ai cầm tay cho đỏ má em hồng
Ai thở nhẹ cho mây vào trong tóc …

Không có anh, lấy ai cười trong mắt
Ai ngồi nghe em nói chuyện thu phong
Ai cầm tay mà dắt mùa Xuân
Nghe đường máu run từng cành lộc biếc …”

(trích đoạn bài thơ “Cần thiết”)

Đã biết bao chàng trai nhờ thơ Nguyên Sa để ngỏ ý với cô bạn mà mình thầm yêu trộm nhớ. Và cũng đã biết bao thiếu nữ học thuộc, hay là nắn nót chép, rồi ướp tập thơ Nguyên Sa để dưới gối mà dệt mộng:

“ … Sài Gòn gối đầu trên cánh tay
Những năm mười sáu, mắt nhìn mây
Cánh tay tròn ánh trăng mười bốn
Tiếng nhạc đang về dang cánh bay

Sài Gòn nắng hay Sài Gòn mưa
Thứ Bảy Sài Gòn đi Bonard
Guốc cao gót nhỏ mây vào gót
Áo lụa trăng mềm bay xuống thơ …”

(trích đoạn bài thơ “Tám phố Sài Gòn”)

Dòng thơ và giòng đời

Nhưng rồi, biến cố 1975 xảy tới, Nguyên Sa và vợ lại phải
từ giã thành phố thân thương, lần này là Sài Gòn.
Bà Nga cho biết là ông bà ra đi ngày 24 tháng Tư đến đảo Guam, rồi tới trại Pendleton miền Nam California.

Bà Nga: Chúng tôi ra khỏi Camp Pendleton từ tháng 7 năm 1975, sang Pháp để đoàn tụ với hai đứa con đang du học bên ấy. Chúng tôi được học bổng của Đại học Pháp, hai vợ chồng cùng đi học Cao học Kinh Tế tuy nhiên, được hai năm thì tôi sang Mỹ định cư. Nhà tôi ở lại học cho xong Cao học Kinh Tế, sang Cali sau đó một năm (năm 1978) nhưng rồi lại không xài cái bằng đó.

Đầu tiên thì tôi đi làm tại Đại học UC Irvine. Nhà tôi lại còn đi học nghề điện tử, thì có cái bài thơ “Thi sĩ qua Mỹ làm thợ điện” đó. Ông ấy đi làm Electronic technician hai, ba tháng gì đó thì ông ấy chán cái sự đi làm, sáng đi chiều về, thành ra ông ấy đi làm báo Việt Nam từ năm 81. Tạp chí Đời đến khắp các nơi mà có người Việt tỵ nạn định cư, gửi sang Úc nữa. Đến năm 82 thì chúng tôi thành lập công ty (corporation). Tới năm 98 nhà tôi mất thì tôi đóng cửa cái business đó, tôi dẹp hết.

Nguyên Sa Trần Bích Lan từng dạy học (nhất là về Triết), mở tư thục, làm báo, viết văn, thành lập nhà in, và trung tâm băng nhạc, nhưng được biết đến nhiều nhất là về thơ, và nổi bật là các bài thơ tình của lứa tuổi đôi mươi.
Được coi là “Thi sĩ của Tình Yêu”, Nguyên Sa qua bài “ Chia tay ” gửi lời “ cám ơn những người yêu nhau, những người làm trăng thành trăng, biển thành biển, núi non thành núi non, làm suối trở thành ngọn suối tuyệt vời ca hát …”

Và qua bài “Có phải em về đêm nay”, Nguyên Sa nói lên
ý muốn được làm thơ đến hơi thở cuối cùng:

“… Vì lòng anh (em đã biết)
có bao giờ thèm khát vô biên
có bao giờ anh mong đừng chết, dù để làm thơ
nên tất cả chỉ vì yêu em
và làm thơ cho đến chết.”

Thật thế, khi lâm bệnh nặng, Nguyên Sa vẫn làm thơ, các bài thơ chở đầy ký ức những ngày xa xưa, lẫn vào là các bài với chút hoang mang trước cái chết. Và trong bệnh viện, ông vẫn gắng điện thoại, dặn dò nhà in về việc in quyển thơ tập 4.

Nga, người yêu và là người bạn đời, luôn luôn bên cạnh ông qua những trôi nổi của thế sự cho đến giây phút cuối của cuộc sống. Và như thế, câu hỏi của Nguyên Sa trong bài thơ “Paris có gì lạ không em” :

“Vẫn hỏi lòng mình là hương cốm
Chả biết tay ai làm lá sen ?”

đã được trả lời một cách trọn vẹn. Không chỉ là cái gật đầu, ưng thuận kết hôn, mà Nga nguyện làm chiếc lá sen ấp ủ hương cốm Nguyên Sa mãi mãi.

Sau khi Nguyên Sa qua đời, chính bà đã tiến hành, in tất cả các tập thơ, sách, truyện, và cuốn hồi ký của ông.

Ca khúc “Paris có gì lạ không em” kết thúc chương trình tưởng nhớ nhà thơ Nguyên Sa. Thy Nga tạm biệt quý thính giả và các bạn.

User avatar
phu_de
Posts: 2917
Joined: Sun Nov 28, 2004 10:57 pm
Has thanked: 7 times

Post by phu_de »

dacung wrote:Tình thơ Nguyên Sa

Thy Nga, phóng viên đài RFA
2008-04-20

Nhà thơ Nguyên Sa được nhắc đến nhiều qua tác phẩm “ Paris có gì lạ không em ” và những dòng thơ tình khác. Người bạn đời của ông chia xẻ về những tình huống của những cảm hứng ấy nhân ngày giỗ của người nghệ sỹ.

Image
Photo: RFA

Đôi sinh viên Nguyên Sa và Nga ở Paris năm 1954 ( hình do gia đình cung cấp)


Ca khúc “Paris có gì lạ không em” kết thúc chương trình tưởng nhớ nhà thơ Nguyên Sa. Thy Nga tạm biệt quý thính giả và các bạn.
Anh Đắc Ứng ơi
Cám ơn anh đã rinh bài hay về, tôi có 1 thắc mắc nhỏ là trong bài thơ “Paris có gì lạ không em” có câu:

Tóc em anh sẽ gọi là mây
Ngày sau hai đứa mình xa cách
Anh vẫn được nhìn mây trắng bay

như vậy tóc của bà Nga là trắng? hay tóc của một cô đầm nào?


tiện đây xin mời anh và quý bạn cùng nghe 2 bài :
"Nga" và " Paris có gì lạ không em" do Duy Quang vàKhánh Ly trình bày


Duy Quang
Nga

Khánh Ly
Paris có gì lạ không em

Post Reply