Tìm nhau ngày tháng cũ.

Sáng tác, tùy bút, một thoáng mây bay... hãy ghi lại nơi đây tâm tình nóng bỏng, những cô đọng của con tim!!! Xin nối vòng tay lớn qua các cảm xúc nhẹ nhàng hoặc nóng bỏng của mối tình học trò!!!...

Moderator: CNN

User avatar
phodem
Posts: 229
Joined: Sat Feb 26, 2011 4:00 am

Post by phodem »

Hanh hao quê nhà
Bỗng dưng tôi lại quay quắt nhớ đến mùi hương dìu dịu mà thẳm sâu ấy...

Rồi như một phản xạ tự nhiên, tôi lại đem cả cái nỗi lòng băn khoăn, day dứt của mình đi hỏi... cái máy tính quen thuộc, vào Google, gõ mấy từ "Hanh hao" , gõ vào hình ảnh. Có vô số cái hanh hao chớm thu của đất trời thơ mộng hiện ra trước mắt. Nhưng đó không phải là điều mà tôi muốn kiếm tìm.

Tôi điện về hỏi mẹ: "Nhà mình nay còn lá hanh hao?".

Mẹ cười giòn, ra điều con mẹ "ngớ ngẩn" lắm:

- Mày bị làm sao thế hả con? Mùa này bói ra đâu hanh hao? Phải vào mùa lạnh chứ!

Hai tiếng "Mùa lạnh" chui tuột vào tai, đọng lại trong trí óc.

- Ừ nhỉ. Phải là mùa lạnh, có thế mà tôi mau quên.
Image
Cây hanh hao
Hanh hao cũng bình thường như bao loài cây dại, mọc tự nhiên ở những vườn hoang hay vườn nhà. Cây cao gang tay, mỏng manh và ẻo lả. Cũng vẫn là cái màu xanh cây cỏ nhưng thẫm hơn và mướt hơn nhiều. Khi vò nát một ngọn nghe thoảng mùi hương của quế, của ớt quả nhưng không gắt mà dìu dịu lạ lùng.

Ngày xưa rau mọc nhiều lắm. Gần gũi và thân thuộc với người quê tôi. Tìm trong đám rau tập tàng lít nhít thể nào cũng có ngọn hanh hao. Tụi con nít nhẩn nha một lát quanh vườn đã có nắm rau xanh ngon bỏ vào nồi canh của mẹ. Giữa bao nhiêu hương vị của đồng nội cái dịu ngọt của rau vẫn lan toả, thấm sâu.

Những loài nhuyễn thể như hàu, nghêu mẹ hay đem nấu canh với mấy ngọn hanh hao. Xì xụp muỗng canh ngọt lừ, ấm nóng, nghe mùi thơm thoang thoảng. Hàu, nghêu béo mềm ngập cả chân răng. Những bí, bầu, bắp cải ... dù mẹ đem nấu canh hay xào cũng thấy hạp lạ với vị hanh hao.

Có điều loài rau ấy không phải mùa nào cũng có, chỉ khi cái lạnh về tê tái như cắt vào da thịt, người quê mới thấy rau mọc xen khiêm nhường trong những đám cúc, cải... Và khi cái nắng về chói chang hanh hao trốn đi đâu hết sạch.

Bây giờ thì rau ít có. Nhiều người không còn biết đến rau, nghe đến cái tên đã thấy lạ hoắc. Người quê không nỡ nhổ luôn cây mỗi khi dùng đến mà chỉ khẽ ngắt lá, bấm ngọn để cây già đơm hoa kết hạt rồi hạt ấy lại rụng rơi vào lòng đất.

Nhiều khi thấy nhớ quá, thèm quá cái mùi vị của cố hương, như để lấp láp cái trống vắng bấy lâu của nỗi niềm xa xứ. Biết thế, nhưng cũng đành phải đợi họa chăng cây lại về vào mùa sau trên đất lành!

Xuyến Chi - Khánh Hồng

User avatar
khieulong
Posts: 6752
Joined: Wed Dec 01, 2004 9:09 pm
Been thanked: 1 time

Post by khieulong »

Image

Chè, thơ và nơi lưu giữ ký ức


Image
Linh hồn của thạch chè Hiển Khánh là nước đường cát có thả hoa lài
Có lẽ tên gọi "thạch chè Hiển Khánh" cũng thân thuộc với nhiều người như tên gọi của chợ Bàn Cờ vậy. Tiệm chè ra đời vào năm 1959 bởi hai đồng sở hữu là bà Trần Nghệ và ông Nguyễn Quý Quyền. Về sau, hai người giao tiệm lại cho chị Nguyễn Thị Nguyệt Minh (con ông Quyền) tiếp quản. Tên quán “Hiển Khánh” cũng là tên của một ngôi làng ở Hải Dương, quê của bà Trần Nghệ.

Ban đầu, tiệm chè Hiển Khánh mở ở Đa Kao, gần rạp Cầu Bông nhưng quá chật nên ông Quyền mở thêm một tiệm nữa ở đường Phan Đình Phùng (nay là đường Nguyễn Đình Chiểu) từ năm 1965 và duy trì đến bây giờ cho đến ngày nay. Tiệm Hiển Khánh ở Đa Kao thì không còn nữa.

“Tôi chứng kiến có những ông bố dẫn con mình đến ăn chè và nói với con ngày xưa ba má mới quen nhau thường ngồi ở đâu, rất thú vị. Tôi hiểu rằng, quán chè còn là nơi lưu giữ những kỷ niệm học sinh rất khó phai mờ, vì vậy, quán của tôi cố gắng giữ nguyên những hình ảnh câu thơ, nét chữ từ ngày xưa để có nơi đi về cho người ưa kỷ niệm”, chị Minh chia sẻ.

Chắc nhiều người rất tò mò, không biết quán chè Hiển Khánh có gì hay mà thu hút nhiều người đến như vậy. Thời của bà Nghệ những năm 70 thế kỷ trước, món thạch chè rất đơn giản và chỉ có đúng ba món: thạch trắng cắt sợi, chè đậu xanh và chè kho ướp lạnh. Hồi đó ở Sài Gòn, chỉ có một quán duy nhất là Hiển Khánh bán món chè này.
Image
Bánh lá gai

Image
Bánh phu thê


Linh hồn của món chè là nước đường cát có thả hoa lài, do vậy, khi ăn chè, hương hoa lài cứ phảng phất và có một mùi thơm rất khó quên. Chị Minh công nhận rằng, bây giờ hoa lài của quán không thơm bằng hoa lài trước đây, đó là do cách trồng hoa đã thay đổi, chị không có cách gì can thiệp được. Chứ ngày xưa, hương hoa lài thơm lắm, thơm đến nao lòng, chính mùi hương này đã để lại dấu ấn trong khách tới ăn chè.

Món thạch, chè đậu xanh từ lúc mới mở tới bây giờ vẫn y nguyên hương vị. Nếu muốn ăn kiểu xưa, khách đến quán có thể gọi thạch rưới nước đường ướp hoa lài, hoặc thạch cộng với đậu xanh cũng rưới nước đường ướp hoa lài. Sau khi Hiển Khánh xuất hiện khoảng 10 năm thì Sài Gòn mới có thêm những quán khác bán món thạch chè giống như vậy.

Những món bánh nhỏ xinh cũng lưu luyến thực khách qua bao năm nay. Là bánh lá gai, bánh phu thê, bánh đậu xanh… cùng những vần thơ không phai nhòa theo năm tháng được treo hai bên tường:

Bánh lá gai

Da đen có tấm lòng vàng
Dùng làm đám cưới biếu làng ngày xưa
Dù ai đi sớm về trưa
Ghé vào Hiển Khánh mà mua bánh này
Bánh này ý nghĩa hay hay
Trông thời đen mướt không thay lòng vàng

Bánh phu thê

Bánh ăn nên vợ nên chồng
Ăn vào con cháu Lạc Hồng mến nhau
Từ Nam Quan đến Cà Mau
Yêu nhau ta nhớ dặn nhau nên dùng
Tứ thân phụ mẫu kính chung
Mối tình khắn khít khắp vùng đều khen
Image
Nhãn nhục trong chè thạch nhãn là loại ngon nhất từ Hưng Yên
Thơ chè hoa quyện cùng nhau, chắc là chỉ có ở thạch chè Hiển Khánh. Có giai thoại kể lại rằng, khách của quán còn có thêm nhiều học sinh của trường Gia Long và Petrus Ký (trường Minh Khai và Lê Hồng Phong bây giờ) đến ăn chè, học sinh nào đối được câu đối chủ quán sáng tác treo trên tường thì được tặng bánh, tặng chè.

Chị Minh được má giao cửa hàng từ 20 năm nay, sau khi tiếp nhận quán, chị sáng tạo ra thêm nhiều món chè mới được khách rất ưa chuộng như thạch sen nhãn, sâm bổ lượng, thạch thốt nốt, tổng cộng khoảng 20 món chè…Điều tôi khâm phục nhất là quán vẫn giữ được phong cách dùng hoa lài tươi thả vào nước đường để tạo hương cho món chè chứ không dùng hương liệu. Chị Minh kể, mỗi tháng, chị mua khoảng 1 triệu tiền hoa lài. Khi cơn lốc trà trân châu, chè Thái Lan tràn về Sài Gòn, quán có vắng hơn, doanh thu có thấp đi nhưng nhìn chung, lượng khách quen tới quán vẫn ổn định vì họ ưa hương vị tự nhiên hơn là hương liệu, ưa vị đường không quá ngọt của chè ở đây.

Bí quyết những món chè ngon và quà vặt ngon ở quán còn nằm ở khâu chọn nguyên liệu. Nhãn nhục dùng nấu chè được chị Minh chọn loại ngon nhất từ Hưng Yên, đậu xanh chọn loại đắt tiền nhất, hạt sen và củ sen mua ở Đồng Tháp, hạt thốt nốt dùng loại của Thái Lan. Món bánh gai đặt người Bắc ở vùng Hố Nai Biên Hòa làm theo tiêu chuẩn chị Minh đặt ra, bánh xu xuê (phu thê), bánh đậu xanh nướng đặt người Huế làm.

Tôi kêu một ly chè thạch chan nước đường ướp hoa lài, như cách đây 54 năm. Thạch giòn giòn, nước đường nấu khéo thơm mát, thoảng mùi hoa lài. Lấy một bông hoa lài ngậm ở đầu môi, tôi thấy một mùi thơm thật quyến rũ, như đưa mình trở về những ngày xưa cũ... Cây hoa lài nằm đâu đó ở một góc vườn thơ, không phô trương mà lặng thầm tỏa hương thơm ngát cả đêm.

Giáng Hương

User avatar
mexanh
Posts: 474
Joined: Tue Nov 04, 2008 4:18 am

Post by mexanh »

Image

Nghĩ từ những cơn mưa
Trời Hà Nội vào Hạ bằng những cơn mưa giông vội vã trút xuống đôi khi đầy ngẫu hứng. Chị luôn thấy người ta cuống quýt, bối rối trước một sự ập đến bất ngờ như vậy. Dẫu cho dự báo thời tiết đã nhắc nhở, vẫn không ít người lúng túng xoay sở giữa đường khi mưa.

Khi bối rối, người ta hay vội vàng, hấp tấp và cũng dễ cáu bẳn, bực bội hơn. Chị cũng từng như thế. Đã có những va chạm nhỏ. Tiếng người văng tục. Tiếng người bị trượt bánh xe thảng thốt. Mưa vội vã chạy đua cùng gió lướt qua những nhóm người nhốn nháo dừng lại ven đường. Kẻ dừng xe lấy áo mưa, người tạt vội vào quán mua chiếc áo dăm ba nghìn tiện lợi. Nhiều năm nay, cảnh ấy đã quá quen thuộc. Cứ như thể, không mấy người trong số ấy biết rằng, mùa hè, trời rất hay đổ mưa. Hoặc có thể ai cũng biết, nhưng lại không cho rằng, việc chuẩn bị một chiếc áo mưa là điều cần thiết lúc ra khỏi nhà vào mùa này. Ý thức chuẩn bị trước bao giờ cũng giúp người ta bình tĩnh và sáng suốt hơn khi xử trí tình huống, ngay cả khi, việc xảy ra chỉ nhỏ như một cơn mưa bóng mây. Chị miên man nghĩ.

Hà Nội không phải là thành phố quá lớn. Đặc biệt, nếu chỉ tính riêng khu vực nội thành. Ấy vậy mà chỉ qua một con phố này đang mưa như trút, bước vào một con phố khác, chị đã thấy mưa dường như chỉ vừa mới bắt đầu. Có lẽ chẳng mấy người nghĩ tới sự đổi thay kỳ diệu, nhiều bất ngờ ấy trong lúc đang bì bõm dắt xe lội nước trên con phố ùn tắc toàn người và xe. Trong lúc khó khăn bủa vây, ý nghĩ về một sự đổi thay mau chóng của hoàn cảnh hẳn chỉ tới với những người đầy lạc quan tin tưởng. Nhưng những con phố của Hà Nội trong một chiều mưa giông đã nói với chị rằng, điều đó không phải sự lạc quan tếu. Cũng như cơn mưa có thể nặng nhẹ ở các đoạn phố khác nhau, cuộc đời sẽ là những chặng thành công kế bên trở ngại. Hãy cứ đi đi. Qua con phố ngập nước, sẽ là quãng đường khô ráo hơn. Qua một chặng đời gian khó, sẽ là những phần thưởng xứng đáng dành tặng cho nỗ lực vượt qua của mỗi người. Chị mỉm cười dấn chắc thêm tay lái. Con phố trước mặt vẫn còn rất đông người.


Chị đã thấy có những người vì ngại dùng áo mưa, vì quên áo mưa hay vì lý do gì khác nữa, cố gắng đi thật nhanh để trốn chạy khỏi cơn mưa đang chực chờ trút xuống. Hẳn họ cũng như chị, có lúc từng nghĩ, mới chỉ là vài giọt nước nhỏ thôi mà, vội gì phải mặc áo mưa. Và đã có lần, chị bị ướt sũng như chuột lột bởi kiểu nghĩ đó. Chưa kể tới chuyện, khi chạy mưa như thế, chị thường cố chạy xe thật nhanh, đôi lúc vô cùng nguy hiểm. Nó cũng hệt như khi, chị chủ quan với một sự việc nhỏ bất chợt nảy sinh trong cuộc sống, và chỉ bừng tỉnh khi mọi chuyện vỡ ra thành vấn đề rất nghiêm trọng. Sự chủ quan thường kéo theo những nông nổi, vội vã và kết cục thu về luôn rất tệ.


Chị không phải người lãng mạn, không thích đi dưới mưa, nhưng sau những bối rối, loay hoay trước sự bất ngờ của ông trời, chị đã bình thản hơn để đón nhận mọi sự. Nắng mưa là chuyện của giời, còn ứng xử với chúng lại là chuyện của chị. Người ta không thể làm chủ thiên nhiên, nhưng hoàn toàn có thể làm chủ mình trước thiên nhiên. Chị bắt đầu thấy nhẹ nhõm hơn trước những cơn mưa, ngay cả khi chị biết, phố vẫn ngập sau mưa và đường về nhà vẫn đông và tắc như bao lần đã thấy.

Đỗ Dương

User avatar
khieulong
Posts: 6752
Joined: Wed Dec 01, 2004 9:09 pm
Been thanked: 1 time

Post by khieulong »


Image

Ngỡ Rằng Đã Quên

Bảo Bình

Buổi sáng thức giấc, trời vẫn chưa sáng tỏ mặc dầu đã gần tám giờ. Tôi cuộn mình trong chăn, hơi ấm thật dễ chịu. Cố chợp mắt thêm tí nữa, nhưng giấc ngủ không chịu trở lại. Ông mặt trời vẫn còn nấp kỹ sau những áng mây xám. Cái mát lạnh của sáng hôm nay làm tôi chợt nhớ: mùa thu sắp đến. Nói đến mùa thu, đó là cả một bức tranh thiên nhiên vĩ đại. Mùa thu lúc nào cũng mang lại cho tôi thật nhiều cảm xúc.

Hôm nay là ngày đầu tiên của một tuần nghỉ phép. Làm gì bây giờ. Làm gì cho hết buổi sáng hôm nay đây? Khi còn chưa được nghỉ, tôi vạch ra trong đầu không biết bao nhiêu là việc để làm, và rất nhiều nơi để thăm viếng. Vậy mà bây giờ, đầu óc tôi rỗng tuếch. Tôi chẳng biết là phải làm chuyện gì trước, hoặc là đi nơi nào trước... Đưa mắt đảo quanh căn phòng nhỏ. Thật yên tĩnh. Chỉ có tiếng tíc tắc đều đều của cái đồng hồ lớn treo trên tường. Bỗng nhiên tôi cảm thấy sợ. Tôi sợ nỗi cô đơn vây kín tâm hồn tôi bấy lâu nay sẽ tràn về bất chợt. Tôi chỉ muốn ôm ngay chồng hồ sơ đến sở làm để vui với công việc và bạn bè, để có thể quên đi tất cả, vì tất cả đã chìm sâu vào dĩ vãng...

Cuối cùng rồi tôi cũng đã quyết định đi dạo một vòng ở bãi biển cho tinh thần thoải mái. Tôi phóng xe trên xa lộ 405. Giờ này đường phố thật vắng. Tôi tha hồ nhấn ga. Chiếc xe lướt nhanh, lao thẳng về hướng Laguna Beach. Biển từ từ hiện ra. Biển của tôi đó. Biển với bãi cát trắng mịn. Biển với những mõm đá nhấp nhô, với những vườn cỏ xanh mướt, với tiếng sóng, tiếng gió thì thào...

Tôi bước chậm trên con đường quen thuộc. Con đường tráng xi măng cong cong chạy dọc theo bờ biển. Đứng trên cao nhìn xuống, cảnh biển buổi sáng thật tuyệt, đẹp và lãng mạn. Biển đẹp, đẹp như người con gái ở tuổi dậy thì, với những cơn sóng vỗ nhẹ vào bờ, những ngọn gió thu mát lạnh mang mùi biển cả, với những tia nắng ban mai nhẹ nhàng, ấm áp... Hôm nay là thứ Hai nên biển không ồn ào, sống động như những ngày cuối tuần. Cho hai tay vào túi áo khoát, tôi tiếp tục thả bộ, thưởng thức cái lành lạnh của buổi sáng mùa thu trên bãi biển thân yêu. Ngắm nhìn những cánh chim Hải Âu tung bay trong nắng, trong gió. Xa xa trên bãi cát chạy dài theo biển, một vài người đàn bà đang tắm nắng, đùa giỡn với từng đợt sóng trong những bộ bikini nhỏ xíu, chỉ đủ che những chỗ cần phải che. Những người đàn ông và đám trẻ con thì bận rộn với mấy cái surfing board. Họ đẩy mấy tấm trượt ra xa, leo lên và cố gắng giữ cho thăng bằng, rồi một đợt sóng ào vào, lật úp chiếc surfing board... Tôi rùng mình nghĩ thầm “đúng là dân Mỹ, lạnh vậy mà vẫn tắm biển được như thường!”

Tôi vẫn rảo bước và dừng lại sau lưng một người đàn ông. Ông ta đang loay hoay với những cây cọ, mấy ống nước màu và một bức tranh đang được vẽ cảnh hừng đông của biển. Bầu trời xanh lơ. Nước biển có phần xanh đậm hơn. Xa xa là một vài mô đá màu xám nhấp nhô... Màu xanh chiếm ngự gần hết bức tranh.

- Đẹp quá!

Tôi gợi chuyện.

- Tôi có thể xem ông vẽ một lát được không?

Người đàn ông không buồn quay đầu lại:

- Được chứ. Mời cô ngồi. Tôi sắp vẽ xong rồi.

Giọng nói Âu Châu của ông ta nghe thật dễ thương. Có lẽ ông người gốc Ý. Đôi mắt to, nước da ngăm ngăm. Cây cọ trong tay bắt đầu tô phết những chấm trắng trên nền trời xanh lơ của bức họa. “A, ông ta đang vẽ mấy chú Hải Âu.” Tôi nghĩ thầm và ngồi xuống cái ghế gỗ bên cạnh, tiếp tục câu chuyện:

- Ông đang theo học lớp vẽ?

Sơn phết thêm mấy nét nữa ông mới quay lại trả lời tôi. Ông kể ông đã theo học rất nhiều lớp vẽ tại các trường đại học. Ông thích hội họa từ lúc nhỏ. Nhưng cho đến hôm nay vẫn chưa có được bức tranh nào vừa ý. Người đàn ông cười cười:

- Có lẽ tôi không có khiếu. Hoặc có thể sau khi tôi qua đời, tranh tôi vẽ mới được thế giới thưởng thức.

Ông ta nheo nheo con mắt sau câu nói đùa đó. Tim tôi đập nhanh. Sao giống quá. Con mắt nheo nheo của ông gợi lại cho tôi cái hình ảnh đã được chôn kín trong lòng bấy lâu nay. Tôi nhún vai, cười chào và bước vội về phía trước.

Tôi tháo nhanh đôi giày, bước từng bước xuống chiếc cầu thang dẫn đến bãi biển. Chân tôi chạm vào cát, một luồng mát lạnh chạy khắp thân thể. Tôi tiếp tục bước “những bước chân âm thầm” và cố gắng xua đuổi hình ảnh đang lởn vởn trong đầu tôi. Cái hình ảnh mà cách đây không lâu đã đến, đến để chiếm trọn tâm hồn tôi, rồi lại đi, đi nhanh như một cơn gió thoảng, tan nhanh như bọt biển, và biến mất một cách vô tình... Con mắt nheo nheo. Cái miệng cười nữa nụ. Ôi, sao đáng yêu quá!

oOo

Tôi ngồi xuống phiến đá. Chàng ngồi bên cạnh. Vuốt vuốt mái tóc đang rối tung lên vì gió của tôi. Chàng nắm tay tôi. Dắt tôi leo qua những phiến đá trơn và gập ghềnh để sang bãi biển bên kia. Chúng tôi tay trong tay, tắm nắng biển, tắm gió biển suốt một mùa hè. Chàng thường nói: “Anh mê biển vì anh yêu em”. Và hay lãng mạn: “Nếu em là cát, anh sẽ là sóng để có thể mãi mãi được ôm và cuộn em vào lòng. Còn nếu em là gió, anh nguyện sẽ làm mây theo em đến tận chân trời hồng...” Rồi chàng cười, nheo nheo con mắt. Tôi lắc đầu: “Em không muốn làm cát biển, cũng chẳng ham làm gió biển. Em muốn được làm người yêu của anh dù chỉ trong chốc lát.” Chàng xúc động. Hôn liên tục vào tóc tôi, mắt tôi. Tôi hất ngược mái tóc về phía sau và bỏ chạy. Tiếng cười sung sướng của chàng vẫn còn văng vẳng sau lưng.

oOo

Tình yêu của hai đứa tôi là vậy đó. Nhẹ nhàng. Trong sáng. Chúng tôi quen nhau. Yêu nhau. Rồi xa nhau. Tôi chấp nhận. Chàng chìu ý tôi. Hai đứa tôi có cùng một tâm hồn, cùng một ý tưởng, nhưng lại ở hai thế giới hoàn toàn khác nhau. Chàng hay hờn trách: “Biển đã đưa em đến với anh, nhưng biển không giữ được em cho anh.” Kỷ niệm của chúng tôi là những chiều trên bãi biển. Rồi chàng trả tôi về với thế giới của tôi. Chàng sống lại cuộc sống riêng của chàng. Mùa thu, mùa đông, mùa xuân, lần lượt trôi qua. Ở cái xứ này làm gì có bốn mùa rõ rệt. Nhưng tôi vẫn chia đều bốn mùa cho chính mình. Mùa hạ lại đến. Mùa hạ này tôi không có chàng. Lâu dần tôi cũng quen với những buổi bách bộ, không có chàng. Nhưng sáng hôm nay hình bóng chàng lại trở về qua cái nheo mắt của người đàn ông nọ. Tôi đứng lên, đi lần về phía bãi cát ướt. Những dấu chân nhỏ xíu của tôi in rõ trên nền cát. Rồi một cơn sóng ập vào, xóa đi những dấu chân đó, nhưng sóng ơi, làm sao xóa hết những kỷ niệm của tôi với chàng...

tình đôi ta
như dấu chân
in trên cát
dấu hằng sâu
mà tan mau...

lequyen
Posts: 279
Joined: Sun May 22, 2011 6:22 am

Post by lequyen »

Image

Sinh nhật cuối cùng
"Anh có yêu em không?" Cô liếc đôi mắt đẹp nhìn anh cười, hỏi một cách tinh nghịch. Anh đang lái xe, nghe vậy phì cười: "Cái gì cơ? A đầu ngốc! Định trêu anh trai phải không?"

***

Rồi anh lại tiếp tục lái xe như thể không có chuyện gì xảy ra. Cô lườm anh nguýt dài một tiếng: "Anh nhớ đấy nhé! Sau này em lấy Lưu Đức Hoa rồi anh đừng có mà khóc đấy!"

Anh bật cười ha hả: "Thôi cô nhóc, đừng có đùa nữa, để anh tập trung lái xe nào!".

Cô và anh không phải là anh em ruột, trước đây chỉ là qua bạn bè giới thiệu và đã chơi thân với nhau từ rất nhiều năm rồi. Chỉ có điều anh luôn coi cô như một đứa em gái bé nhỏ của mình, còn cô thì đã thực sự bị tiếng sét ái tình khi lần đầu tiên nhìn thấy anh.

Nhưng cô luôn giấu kín tình yêu của mình, không dám nói ra, cô vẫn hạnh phúc trong sự quan tâm, thương yêu của anh dành cho cô như một người em gái. Cho đến lúc anh tìm được người trong mộng của mình. Đó là một người con gái rất đẹp và kiêu hãnh. Anh say mê điên đảo vì cô ấy, và dần quên lãng cô...

Một hôm, cô bất chợt nhận được điện thoại của anh: "A đầu! Tối nay anh mời em đi ăn cơm! Anh trai muốn tặng cho em một bất ngờ lớn!". Anh định bụng sẽ giới thiệu người yêu của mình cho cô. "Bất ngờ gì vậy anh? Mà tại sao lâu lắm rồi anh chẳng gọi điện cho em, cũng chẳng buồn nhắn tin cho em nữa. Lần trước còn hứa đưa em đi ra biển, không biết anh còn nhớ không nữa!". Cô nói một hơi oán trách anh. Nhưng thực ra trong lòng cô lại đang rất vui, bởi vì anh đã không quên hôm nay là sinh nhật của cô.



"Em đến rồi sẽ biết ngay thôi! Nhớ là phải trang điểm cho thật xinh đấy nhé! Anh muốn dành cho em một bất ngờ mà. Không đến thì đừng có trách anh đấy!". "Được rồi em sẽ đến. Vẫn ở chỗ cũ chứ?". "Không, ở nhà hàng X.. Anh đã đặt chỗ rồi, hôm nay sẽ mời em ăn món ăn của Pháp!".

Cô khẽ reo lên sung sướng. Từ lúc này, trong đầu cô chỉ nghĩ đến cuộc hẹn buổi tối nay với anh. Tối nay cô nhất định phải thổ lộ với anh tình cảm thực sự trong lòng mình, sẽ nói cho anh biết thực ra cô đã yêu anh từ rất lâu rồi... Trái tim cô đập rộn ràng... Tối nay, cô nhất định phải trang điểm thật đẹp, cô cũng muốn dành cho anh một sự bất ngờ. Rốt cuộc thì cũng gần nửa năm anh đã không gặp cô rồi...

Đến nơi, vừa nhìn thấy anh, cô reo lên: "Anh trai!". Hai má cô thoáng ửng đỏ. Có lẽ đã rất lâu rồi không gặp anh nên trong lòng cô có một sự hồi hộp khó tả. Anh nhìn cô thoáng sững lại: "Ái chà, A đầu tối nay quả thật rất xinh đẹp. Nào, nhanh lại đây nào, ngồi bên cạnh anh trai!".

Cô ngoan ngoãn ngồi xuống, e thẹn nói với anh: "Hôm nay... Hôm nay em cũng có chuyện rất quan trọng muốn nói với anh. Em đã định nói với anh từ rất lâu rồi. Đó là em... em...".

Cô không dám ngẩng đầu lên nhìn anh, tim cô bỗng đập nhanh dữ dội, cô chưa biết nên bắt đầu thổ lộ với anh như thế nào. Anh bật cười: "Được rồi! Cứ từ từ nào, em ngồi nghỉ một lát đi, rồi chút nữa hẵng nói!".

Anh dịu dàng xoa đầu cô: "Hôm nay, anh trai sẽ giới thiệu một người cho em gái". Nói rồi, anh chỉ vào cô gái đang bước ra từ phòng vệ sinh. Giọng cô nghẹn lại: "Anh trai, hôm nay anh cũng hẹn người khác nữa à?". Rồi cô từ từ ngẩng đầu lên nhìn về phía tay anh chỉ. Đó là một cô gái vô cùng xinh đẹp và quyến rũ. Sự xuất hiện của cô gái đó dường như làm sáng bừng cả một góc phòng. Trong phút chốc, trong đầu cô bao trùm một đám mây đen u tối...

Anh vui vẻ giới thiệu: "Giới thiệu với em, đây là Giai Giai, bạn gái của anh. Còn đây là Mạc Mạc, đứa em gái anh yêu quý nhất mà anh vẫn hay kể với em đó! Hai người làm quen với nhau nhé!".



Cô gái tên Giai Giai đó mỉm cười nhìn cô một cách lịch sự: "Mạc Mạc, chị rất vui làm quen với em!" Hai tai Mạc Mạc ù đi, đầu óc cô thấy choáng váng. "Anh trai! Em cảm thấy dạ dày của em lại bị đau rồi. Có lẽ em phải về nhà trước thôi!" Anh lo lắng nhìn cô: "Sao vậy? Em lại bị đau dạ dày à? Có đau lắm không? Để anh đưa em tới bệnh viện nhé!" Cô vội vàng lắc đầu từ chối: "Không sao đâu anh trai. Em tự gọi xe về nhà được mà. Em chúc hai anh chị có một buổi tối vui vẻ! Tạm biệt!"

Nói rồi cô đứng dậy vội đi ra ngoài cửa. Tiếng nhạc buồn ngoài đường dội vào trái tim đang rỉ máu của cô. Cô vừa đi vừa khe khẽ hát, tự chúc mừng cho ngày sinh của mình, nước mắt chảy trên môi cô mặn chát...

Mười năm sau. Cô quay trở lại thành phố nơi cô chôn giấu mối tình đầu của mình. Giờ đây, cô đã kết hôn với một người đàn ông khác rất yêu cô, một người không bao giờ làm trái tim cô đau đớn, không bao giờ quên ngày sinh của cô...

Lần này trở về cũng là một phần vì công việc, nếu không, có lẽ cô đã không bao giờ muốn trở lại nơi này nữa. Bước vào công ty, trái tim cô bất chợt đập nhanh. Tại sao vậy nhỉ? Cô nhân viên dẫn cô vào văn phòng giám đốc. Cô cúi đầu chào người đàn ông đang ngồi quay lưng về phía mình: "Chào giám đốc, tôi là Mạc Mạc, nhân viên công ty Y." "Chào cô! Ồ, Mạc Mạc? Tôi là... anh trai đây!"

Mạc Mạc không thể tin cô lại có thể gặp anh sau mười năm xa cách. Trông anh có vẻ phong độ, chững chạc hơn trước đây rất nhiều. Mạc Mạc kinh ngạc đến độ không nói nên lời. Trái tim cô lại chợt thấy nhói đau...

Anh sốt sắng hỏi: "Mạc Mạc! Bao năm qua em đi đâu, tại sao không nói với anh một lời từ biệt. Từ sau buổi ăn cơm hôm đó, anh chẳng bao giờ nhìn thấy em nữa, điện thoại cũng không liên lạc được, trường học thì bảo em đã nghỉ học rồi. Có chuyện gì xảy ra vậy?"

Cô nhìn anh gượng cười: "Chỉ là em muốn thay đổi không khí một chút thôi. Vội quá nên không kịp báo cho anh..." "Vậy bao năm qua em đã làm gì? Em vẫn tốt chứ?"



Anh vẫn không thể hiểu được sự ra đi âm thầm của cô. Cô vẫn giữ vẻ trầm tĩnh, bình thản đến lạ lùng. "Em vẫn tốt! Thôi chúng ta bàn vào công việc đi anh. Về hạng mục này, công ty em..."

Cô tránh ánh mắt khó hiểu của anh, và bắt tay vào công việc. Cô cũng không ở lại thành phố này thêm một ngày nào nữa. Dù ngày mai là ngày sinh nhật của cô.

Anh tiễn cô ra sân bay. Trước khi lên máy bay, cô đưa cho anh một bức thư. Anh cũng kinh ngạc nói: "Anh cũng có một bức thư cho em!" Nói rồi anh lấy từ trong túi ra một phong bì đưa cho cô. Ánh mắt anh nhìn cô lưu luyến: "Em thật sự không thể ở lại chơi một vài ngày sao?" Cô mỉm cười lắc đầu: "Không được, công ty em yêu cầu em phải về gấp. Thôi em đi đây..." Nói rồi cô vội vã bước đi.

Lên xe, anh mở bức thư của cô: "Anh trai! Hai tiếng này sao có vẻ xa lạ quá anh nhỉ. Vậy là cũng đã 10 năm không gặp anh rồi. Có lẽ anh vẫn còn rất thắc mắc về sự ra đi của em phải không? Ngày em đi, em đã gửi cho anh một lá thư. Trong đó em đã ghi địa chỉ nơi em ở và số điện thoại của em, còn có những lời thổ lộ của em dành cho anh nữa. Em vẫn chờ đợi anh có thể đến bên em trong những lần sinh nhật sau... Nhưng... Em đã đợi anh, đợi tròn tám năm, đợi cho đến khi trái tim em cạn khô nước mắt, đợi cho đến khi em là vợ của người khác... Giờ có lẽ nói những điều này cũng chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Có lẽ như bây giờ là tốt nhất với cả anh và em. Chúc anh luôn hạnh phúc. Mạc Mạc".

Anh vẫn ngồi chết lặng trên xe. Giờ đây anh bỗng hiểu ra tất cả... Bức thư cô viết cho anh, anh chưa bao giờ nhận được. Từ ngày cô ra đi, trong lòng anh cũng có một sự hụt hẫng rất lớn. Anh nhớ mọi thứ về cô, nhớ những lúc cô nhõng nhẽo anh, những lúc cô tức giận... Giờ đây, sau mười năm gặp lại, một lần nữa anh lại mất cô. Trái tim anh hụt hẫng vô bờ...

Trên máy bay, cô do dự mở phong bì của anh, một dòng chữ ngắn đập vào mắt cô: "Đừng đi được không? Anh muốn cả đời ở bên em, cùng em đón mọi lần sinh nhật..."

Máy bay vẫn lặng lẽ lao vút lên bầu trời xanh thẳm...

User avatar
ngayngo
Posts: 1208
Joined: Sat Nov 01, 2008 8:34 pm

Post by ngayngo »

Image

Em đã ổn, còn anh vẫn bình yên chứ?


Lặng yên nghe nhịp sống vỗ về, đường đời lại tấp nập, hình như anh đã đánh rơi yêu thương giữa chặng đường vồn vã.

Cuống cuồng đến, vội vã đi. Anh để lại em với những ngổn ngang cảm xúc…

Cuộc tình đầu không thành, em đã tự an ủi mình rằng ai cũng phải như thế. Ừ thì mối tình đầu là mối tình dang dở, người ta vẫn luôn bảo nhau như vậy mà. Thế nhưng em có phải là tình đầu của anh đâu, sao anh bỏ đi mang theo cả tin yêu và hy vọng của em nhẹ nhàng như thế?

Anh biết không? Từ ngày anh đi vắng, cuộc sống của em không còn đơn điệu nữa mà nó pha lẫn nhiều màu sắc. Khi niềm tin trộn lẫn với ngờ vực, khi hy vọng bị dập tắt bởi những lời hứa hảo huyền, khi tình yêu nhuộm đầy màu gian dối, thì em dường như không còn là em nữa…

Từ ngày anh đi, em phải gồng mình lên để bước ra giao tiếp với thế giới bên ngoài. Em không còn là cô gái bé nhỏ ngày ngày ở nhà mong ngóng anh đi làm về, em không còn là cô bé non nớt quanh quẩn mãi bên anh. Nhưng nhờ đó em nhận ra rằng thế giới này rộng lớn lắm. Không có anh thì mọi người vẫn chào đón em, không có anh thì em vẫn phải sống và làm việc của mình. Chỉ là khi không có anh, thì có một chút buồn của nhớ mong mỏi mòn, một chút sầu khi đêm về lẻ bóng, khi đi trên đường nhìn các cặp tình nhân tay trong tay, một chút lạnh khi gió khẽ lua qua mái tóc, bờ vai bỗng chốc run lên... Thế nhưng em vẫn ổn anh ạ!

Khi đã chấp nhận được rằng, anh đi là trốn tránh em, anh đi để tìm một cuộc sống mới yên ổn và hạnh phúc hơn thì em đã thôi mong đợi và hy vọng. Em học được cách tha thứ cho anh và tha thứ cho chính bản thân mình. Vậy nên em thôi không dằn vặt mình nữa. Yêu được, chia tay được. Nhớ được thì quên được. và em khi nói được thì cũng sẽ làm được.

Em đã ổn và sống tốt rồi. Nhưng liệu sau những nỗi đau đã gây ra cho em rồi trốn chạy, ở đó, anh vẫn bình yên chứ?

Theo Tạp chí Guu

lequyen
Posts: 279
Joined: Sun May 22, 2011 6:22 am

Post by lequyen »

Image

Có một sự thật chẳng bao giờ em biết
Buổi chiều hôm đó Hạ không biết rằng sau những cái hôn và ôm đó, anh đã khóc…

Hạ đứng lặng bên đường nhìn chiếc xe máy vừa phóng qua mình. Cô gục xuống bên vệ đường. Cô cảm thấy khó thở, cảm thấy tim đau thắt. Có một thứ gì đó cứ òa ập đến trong lòng cô, uất nghẹn và đầy căm hận. Chỉ vài giây thôi cô cũng đủ nhận ra bóng dáng của con người đó. Cô sẽ không thể nào nhầm lẫn được vì hình ảnh của anh khắc sâu vào tâm khảm cô nên dù anh chỉ lướt cô cô, cô cũng sẽ nhận ra.
Nếu là bình thường, Hạ sẽ gọi anh thật lớn vì chỉ thoáng thấy anh cũng làm cho bầu trời của cô trong trẻo lên lạ thường. Nhưng lần này, Hạ không thể cất được tiếng gọi. Có điều gì chặn nơi cổ họng và nước mắt cứ trào ra vô thức. Đó là anh! Nhưng ngồi đằng sau anh là một người con gái khác. Cô ấy ôm anh thật chặt, khẽ đặt lên má anh một nụ hôn. Cảnh tượng đó ai cũng có thể hiểu: Họ là một đôi!

Thực ra Hạ đâu phải là người đàn bà duy nhất trong đời anh. Cô càng không phải là người đầu tiên. Hạ biết rất rõ anh đã có vợ nhưng tình yêu làm cô không thể nào rời khỏi anh. Đã gần 3 năm rồi, Hạ từ chối tất cả những người đàn ông khác đến với cô. Cô dành trọn con người và tình yêu của mình dành cho anh dù biết anh đã thuộc về một người phụ nữ khác. Anh có một người vợ hiền, hai đứa con thơ và việc đến với cô chỉ là ảo vọng không bao giờ thành hiện thực.

Trước đây, Hạ cũng không thể nào tưởng tượng rằng có ngày cô lại thành người thứ ba như vậy. Nhưng rồi khi gặp anh, có lẽ cô đã không làm được điều mà lí trí mình bắt buộc. Cô biết anh yêu cô nhưng cô là người đến sau và anh không thể nào từ bỏ gia đình được. Cuộc sống đôi khi vẫn vậy, không phải người vợ sống trọn đời đã là người mà ta yêu nhưng người ta yêu cũng không hẳn là người sẽ ở bên ta trọn kiếp. Hạ và anh đúng là như vậy, số phận quá tàn nhẫn khi để hai người gặp nhau khi đã muộn màng.

Hạ tin là anh yêu cô bởi vì nếu không yêu thì đàn ông thường sẽ chẳng ngần ngại mà nhận lấy những gì người con gái dâng hiến. Nhưng anh thì khác, anh thừa nhận yêu cô nhưng anh cũng chối từ tình cảm ấy. Anh luôn giữ khoảng cách vì anh muốn cô hãy tìm cho mình một người mà cô có thể lấy làm chồng, một người không vướng bận và không thuộc về ai.

Hai năm qua, mỗi lần Hạ cần anh đều đến bên cô, giúp đỡ cô tận tình nhưng chưa bao giờ anh đồng ý đi quá giới hạn với Hạ. Anh muốn giữ cho cô sự trinh nguyên nhất, ít nhất là về thể xác. Cái anh cần đó là anh hiểu cô yêu anh. Vậy đã là một niềm an ủi. Anh không thể cưới cô vì thế anh không muốn làm cô khổ. Chính điều đó càng làm Hạ yêu anh và không thể nào rời xa anh dù không biết bao lần cô muốn “là người phụ nữ của anh” nhưng anh từ chối.

Hạ chấp nhận là người phụ nữ phía sau lưng anh mà không đòi hỏi điều gì. Thứ khiến cô buồn nhất chính là anh không cho cô một lần được trao cho anh những gì quý giá nhất. Hạ tin mình sẽ không hối hận vì điều đó. Cô luôn tin rằng không phải ai trong đời cũng tìm được người mình yêu vì thế cô tự nguyện ở bên anh dù anh không thể nào cho cô một thân phận. Nhưng ngay cả vị trí đó, anh cũng không cho cô cơ hội trọn vẹn.

Hạ mặc kệ, Hạ luôn ở bên anh. Hạ không bắt anh phải có trách nhiệm, càng không bắt anh phải cưới cô. Cứ lặng lẽ ở bên anh như vậy đã là quá đủ rồi. Hạ chờ đợi một ngày anh sẽ mềm lòng và sẽ thuộc về cô. Cô sẽ có một đứa con với anh, làm mẹ đơn thân và tôn thờ tình yêu ấy suốt đời…

Vậy mà chiều nay Hạ mới nhận ra bộ mặt của anh, của người đàn ông mà bấy lâu nay cô vẫn luôn nghĩ là đạo mạo. Vì anh ta mà cô từ chối tất cả hạnh phúc. Cô không chỉ yêu anh mà còn trân trọng con người và đạo đức của anh. Nhưng chiều nay, giữa dòng phố đông, anh lại tay trong tay với một người con gái khác không phải vợ anh. Họ hôn nhau tới mức trơ trẽn và thô bỉ. Họ không ngần ngại trao nhau những cử chỉ yêu thương giữa phố phường.

Cô không phải là người phụ nữ duy nhất không phải vợ anh ở bên anh. Có bao nhiêu cô gái ngây thơ và khờ khạo tin rằng anh tử tế để sẵn sàng dâng hiến cho anh cả con tim và thân xác? Hạ đau đớn vô cùng nhưng cô không gục ngã. Cô vốn là người như vậy. Yêu anh biết là không thể tới cùng anh cô cũng dám đánh đổi để miễn là gần anh. Và khi biết anh không xứng đáng với tình yêu đó, Hạ có đủ dũng khí để quên.

Một tháng sau đó, Hạ điểm tô cho mình thêm xinh đẹp và chấm dứt mọi liên lạc với anh. Anh cũng không hề điện cho cô. Hạ tự hứa với lòng mình cô sẽ sống và sẽ yêu một người xứng đáng hơn anh, một người sẽ có thể cầu hôn cô chứ không phải là cam phận đứng sau như khi yêu cô…

Nhìn Hạ tươi tắn sau cú sốc tinh thần ấy, anh mỉm cười chua xót. Từ khóe mắt anh lăn dài những giọt lệ. Buổi chiều hôm đó Hạ không biết rằng sau những cái hôn và ôm đó, anh đã khóc. Đó là một màn kịch mà anh dựng lên. Nếu anh không làm thế cô sẽ không bao giờ chịu rời xa mà anh thì không muốn cô phải khổ. Anh yêu cô thật lòng nhưng tình yêu đó đến quá muộn màng nên dù yêu anh cũng phải từ bỏ. Anh không thể ích kỉ bỏ vợ, bỏ con để yêu cô dù biết cô là người duy nhất đến giờ mang cho anh cảm giác được yêu thương. Và anh cũng không thể ích kỉ bắt cô phải sống cô độc vì anh…

Linh Linh
Last edited by lequyen on Tue Aug 25, 2015 10:33 pm, edited 1 time in total.

TuanAnh
Posts: 329
Joined: Sat Jan 30, 2010 3:44 am

Post by TuanAnh »

Image

Unchained Melody Giai điệu Liêu Trai
Tác Giả : Sean Bảo
Em có ​nhớ​!

Khi chiếc ​cây kim chạm nhẹ lên đĩa nhạc LP 12-inch xoay tròn, chiếc bàn gỗ xoay, đưa khối đất sét mềm ướt được nhồi nặn bằng đôi tay của Demi Moore​ cao dần, và rồi từ sau Patrick Swayze choàng tới, âu yếm cùng uốn nắn mẩu đất sét nọ. Khối đất sét xoay tròn cố tạo nên một dáng bình hoa tình yêu hay một đời sống ấm êm. Ðời sống nhục thể trần thế được vun đắp bằng đất sét, nước, tay của đôi tình nhân và hơi thở dồn dập của khát khao cháy bỏng...Và nhạc vút lên sâu lắng nhẹ nhàng như đã đến từ lâu. Nhạc du dương vút cao và miên man trải dài theo nụ hôn đắm đuối, theo ngất ngây nồng nàn của tình yêu. Hình ảnh đôi trai gái trẻ đẹp gợi cảm. Và tiếng nhạc cứ vương vấn, đam mê đi vào từng thớ đất thô, đi vào từng rung động nhạy cảm nhất của lòng người. Unchained Melody - Giai điệu cởi trói những ràng buộc của đời thế tục và đi mãi vào cõi thiên thu, kể từ giây phút tuyệt vời ấy.

​Cuốn​ phim Ghost năm 1990 đã thực sự đem ca khúc Unchained Melody trở thành bất tử, như Love Story đã đưa Where Do I Begin?, như Titanic đã đưa My Heart Will Go On thành những ca khúc vượt thời gian. Nhiều yếu tố đã làm nên sự thành công của phim Ghost. Từ một Demi Moore xinh đẹp với mái tóc ngắn và giọng nói trầm khàn đam mê, từ một Patrick Swayze điển trai đầy biểu cảm nội tâm, đến một Whoopi Goldberg da đen bộ dạng đồng bóng nhập vai thật sống động, và cả ca khúc tuyệt vời Unchained Melody.

Trong lịch sử âm nhạc, đây là một trong những bài hát ghi âm nhiều nhất trong thế kỷ 20 với 500 phiên bản bằng hàng trăm thứ tiếng. Nhạc phẩm Unchained Melody ra mắt lần đầu tiên vào giữa thập niên 1950, ca khúc được đề cử cho giải Oscar 1955. Nhưng chỉ thật sự trở thành một ca khúc kinh điển qua tiếng hát tuyệt vời của song ca The Righteous Brothers. Một phiên bản lại hay hơn nguyên tác. Bởi chất giọng cao vút, làn hơi khoẻ đầy âm vực rộng và chất giọng biểu cảm cùng hòa âm nhẹ nhàng mà sâu lắng, The Righteous Brothers xứng đáng được mệnh danh là blue eyed soul khi thẩm nhập vào sở trường nhạc blue của người da màu, bằng lối hát ng​ẫ​u hứng tự tình.

Ðiều làm ca khúc sống mãi, chính là những lời yêu hồn hậu, những khát khao cháy bỏng và mượt mà nên thơ của Hy Zaret, trải bày miên man trên giai điệu chậm buồn da diết của Alex North:

Oh my love, my darling
I’ve hungered for your touch
A long lonely time,
And time goes by so slowly
And time can do so much,
Are you still mine?

I need your love
God speed your love to me.
Lonely rivers flow
To the sea, to the sea

To the open arms of the sea
Lonely rivers sigh
Wait for me, wait for me
I’ll be coming home, wait for me!

Ôi tình em hởi, anh dấu yêu
Em khát khao anh biết bao chiều
Thời gian đằng đẵng trôi thật chậm
Anh có còn là anh của em?

Em khát khao anh biết bao nhiêu
Xin nguyện cầu mang hạnh phúc nhiều
Như giòng sông nhỏ ra biển lớn
Xin hãy chờ em trọn kiếp yêu.

Em đã từng yêu mến tiếng hát trữ tình, buông lơi câu chữ của Khánh Hà, khi đắm say đem ca khúc Unchained Melody vào dòng nhạc Việt: Anh dấu yêu! Em ước mơ trong vòng tay anh ấp ôm…

Triết lý về ​​cái chết và lẽ sống, thiên đàng và địa ngục, nhân quả và lương duyên, những linh hồn lành được siêu thoát và những linh hồn xấu mãi vất vưởng đọa đày…Phim Ghost đã xóa nhòa biên giới của Ðông – Tây, của thế giới hiện đại hôm nay và những câu chuyện liêu trai cổ điển xa xưa. Vượt trên tất cả câu chuyện tình quyến rũ nọ là một tình yêu bất tử. Tình yêu cao cả đã xóa nhòa mọi giới hạn tử sinh, mọi cách trở âm dương, mọi khát khao hệ lụy. Ðể cuối cùng tình yêu hướng thượng như vệt sáng từ trên cao rọi xuống chói lòa, ánh sáng trắng bao trùm lấy khuôn mặt nhạt nhòa của hồn oan Patrick Swayze, và nụ hôn cuối cùng âm dương tạ từ để đưa tiễn chàng siêu thoát vĩnh viễn. Bóng chàng mờ dần trong ánh sáng thiên đường, như ngọn khói bay lên trời đầy hào quang linh thánh. Sống rạo rực và chết như khói bay lên trời*.

Cái chết luôn song hành với sự sống, như bóng tối và ánh sáng. Con người ở mọi thời đại và khắp chốn đều linh cảm được sự tạm bợ của đời sống và vĩnh hằng của cái chết. Sống gởi thác về. The ​Righteous Brothers hát và nhớ. Nhớ Patrick Swayze​, Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?(Vũ Ðình Liên)

Có lẽ những linh hồn ấy đã ngập trong ánh sáng trắng ngần từ trên cao vời vợi, vĩnh hằng nơi chốn vô ưu và bất tử như Unchained Melody – Giai điệu liêu trai giải thoát và bất tử theo tháng năm.

​SB
*Một thời để yêu và một thời để chết (Erich Maria Remarque)

User avatar
thuyduong
Posts: 447
Joined: Fri Dec 04, 2009 6:41 pm

Post by thuyduong »

Image

Mưa Saigon

Tháng sáu trời mưa…
trời mưa không dứt…
Trời không mưa, anh cũng lạy trời mưa…”.

Những khi ngắm mưa rơi trên phố tôi thường lẩm nhẩm bài hát "Mưa tháng sáu" của nhạc sĩ nào đó đã quên mất tên, rồi nhớ lại một thời thơ mộng , thời sinh viên áo dài, thời mà mùa mưa, đường sá chưa bị ngập lụt, không dày đặc "lô cốt", không đông người và bụi khói mù mịt như bây giờ.
Sài Gòn ngày xưa, mỗi khi trời mưa, cảnh vật và con người thật lãng mạn. Bọn sinh viên chúng tôi áo dài tơ, guốc thuyền, súng sính trong những chiếc áo mưa trong suốt hoặc màu sắc hoa văn chở nhau trên những chiếc xe đạp, hoặc chung dù chung nón tản bộ dưới những hàng cây, lá me bay lất phất, mưa bay lất phất, có đôi bạn hứng khởi đọc thơ cho nhau nghe, hoặc hát nho nhỏ hay tâm sự thầm thì trên những chiếc xích lô đã phủ mui kín.

Có nhiều chuyện tình sinh sôi nẩy nở từ những cơn mưa dầm, họ nhờ mượn nhau những chiếc áo mưa hay có lúc cùng trú bên mái hiên nhà ai mà quen biết rồi nên vợ nên chồng. Tôi cũng có mối tình "mưa" thật dễ thương. Cơn mưa "bóng mây" sau buổi tan học khiến chúng tôi nép vội vào gốc cây sao bên đường. "Người ấy" móc vội chiếc áo mưa đưa cho tôi để che mảng áo vừa ướt vai, ngần ngừ giây lát rồi tôi cũng cầm. Từ đó, sau mỗi buổi tan trường, tôi bắt đầu "có đuôi".
"Cái đuôi" của tôi thường mơ ước trời mưa mỗi khi chung đường, vì trời mưa "người ấy" mới chở được tôi sau xe đạp, còn trời nắng thì… đường ai nấy đi, chân ai nấy bước. Ngày xưa là vậy, e ấp ngại ngần lắm, phải có cớ gì đó tác động từ bên ngoài mới thân mật được với nhau. Vậy mà đẹp, đẹp đến khó quên!

Mưa Sài Gòn xưa không tối trời tối đất như bây giờ mà cơn mưa thường lây phây hoặc chóng vánh, bất ngờ. Có lúc sáng nắng chiều mưa, có hồi đang mưa mà nắng, có cơn mưa chỗ này mà chỗ kia ráo hoảnh khiến người đi đường không biết đâu mà lần. Tự nhiên đang nắng chang chang, trời xanh trong vời vợi, có đám mây đen chen ngang, vần vũ giây lát là đổ mưa, mưa ngon mưa ngọt khiến người đi ướt như chuột lột, các cô gái áo dài sũng nước, lụa là dính vào da thịt trông thật quyến rũ mà cũng thật… tội. Có khi mặc áo mưa chưa kịp gài nút thì "ổng" đã tạnh rồi. Sau cơn mưa, đường sá loang loáng sạch sẽ, cây lá xanh mướt mát mẻ, con người nhẹ nhàng thư thái vô cùng.
T
rời mưa, nghe tiếng rao "Chí mè phủ ... Chí mè phủ ..." của bà già Tàu hay tiếng chị bán chè quen thuộc "Đậu xanh, nước dừa, đường cát hôn… ôn ..." chúng tôi thường "ngoắc" lại, mỗi đứa "giải quyết" hai ba chén mới hết cơn thèm. Nhưng món ăn ưa thích nhất của chúng tôi vẫn là món khoai bắp nướng. Trời mưa mà "gặm" trái bắp nướng bùi bùi, béo béo, miếng khoai khen khét thơm thơm , ngọt lịm thì có gì bằng.
Để tiết kiệm tiền, chúng tôi thường tạt qua mấy vựa bắp ở chợ Cầu Muối mua mấy chục bắp non, vài kí lô khoai sữa, rồi bên bếp lửa than rực hồng, mọi người tha hồ nướng, tha hồ nhai. Tiếng than nổ tí tách, tiếng cười tiếng nói râm ran khiến cho đám khoai bắp chẳng mấy chốc bị "tiêu diệt gọn". Trời mưa mà vào các quán cà phê bên vệ đường hay vào La Pagode, nhâm nhi tách cà phê để nghe vị đắng thơm mà nghiền ngẫm sự đời hay thắm thía nỗi buồn riêng tư mà chỉ có riêng mình hiểu thấu.

Mưa bây giờ là những cơn mưa đầm đìa nước, nghênh ngang trên đường những "lô cốt" đọng đầy nước mưa đục lừ, rác rưởi, dòng nước đục chảy cuồn cuộn như một dòng sông, xe cộ chen chúc nhau qua những chướng ngại vật, nước mưa dơ bẩn bắn tung tóe vào mặt, vào đầu người đi đường. Tuổi trẻ bây giờ không còn thong dong dạo chơi, hẹn hò dưới mưa mà phải khẩn trương về nhà hoặc đến trường, đến sở làm cho kịp “con nước”, vì càng mưa, đường phố càng ngập chìm như bão lũ miền Tây. Trẻ con không có không gian để nô đùa trong mưa, bọn chúng cũng tranh thủ thời gian y như người lớn vì dù cho mưa gió bão bùng cỡ nào cũng phải cố gắng “chạy sô” cho kịp các loại lớp học. Người đứng tuổi dầm mưa coi chừng bị cảm cúm, bị các bệnh thời đại như viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi... Người già càng không dám ra mưa vì sức đề kháng làm sao chống chỏi nổi với những giọt mưa đã bị ô nhiễm đậm đặc.

Nước mưa bây giờ không còn tinh khiết, ngọt ngon như xưa. Người nông dân ngày trước nâng niu lu nước mưa như một loại thức uống quý trong nhà. Sau mấy trận mưa đầu mùa, các bà nội trợ bắt đầu hứng nước vào các mái đầm, đậy đệm cẩn thận, có người còn bỏ trái bí đao vào cho tan ra trong nước để uống cho mát, nước được bảo quản kỹ lưỡng để cho cả gia đình dùng suốt năm, chờ mùa mưa tới. Ngày nay, họ không dám uống nước mưa vì khói bụi của các khu công nghiệp thải ra làm vẩn đục bầu trời, không chỉ trong nước mà cả một tầng khí quyển đang có nguy cơ bị hủy hoại. Không biết có nước nào trên thế giới có mật độ mưa dày như ở thành phố ta hay không, khí hậu chỉ có hai mùa mưa nắng và những cơn mưa bây giờ là nỗi ám ảnh thường xuyên của các tầng lớp thị dân, nhất là đối với dân lao động.
Riêng tôi, để cho lòng được nhẹ nhàng hơn, mỗi khi đi dưới mưa thường nhớ về năm xưa năm xửa, những ngày áo dài tơ, guốc mộc, thong thả đi cùng mưa mà tâm hồn thư thái lâng lâng, thấy yêu thành phố và tội nghiệp cho thành phố của mình quá đỗi, rồi lại nghêu ngao hát: "Tháng sáu trời mưa ... trời mưa không dứt ... Trời không mưa ... Anh cũng lạy trời mưa ..."

Lê Lan

User avatar
ngayngo
Posts: 1208
Joined: Sat Nov 01, 2008 8:34 pm

Post by ngayngo »

Image

Tân Định & Đa Kao Thân Yêu
Những Con Đường Còn Giữ Tên Xưa


Trần Đình Phước
(Xin được Kính Tặng đến bà con Tân Định & Đa Kao và những ai đã từng đi qua nơi đây.)

Cho đến bây giờ, dù đã xa Tân Định và Đa Kao nhiều năm, nhưng trong tôi “Tân Định và Đa Kao” lúc nào cũng là một nỗi nhớ khôn nguôi! Chúng cứ thôi thúc tôi hoài. Đã bao năm qua, tôi muốn tìm về chốn này, để sống lại với kỷ niệm thuở học trò, mà tình yêu khi đó “chỉ biết đôi mắt nhìn nhau cũng đủ rồi.” Tôi cứ hẹn nhiều lần, nhưng vẫn chưa bao giờ thực hiện được ước mơ của mình. Rồi! một dịp tình cờ đưa đến. Giấc mơ đã trở thành hiện thực. Tôi đã có hai tuần lễ đi qua, đi lại, đi tới, đi lui. đi xuôi, đi ngược trên những con đường kỷ niệm của Tân Định và Đa Kao. Điều làm tôi rất đổi ngạc nhiên và thích thú nhất là nhiều con đường trong khu vực này vẫn không hề bị đổi tên.

Thật vậy! Sau 30 tháng 04, năm 1975. Một số tên đường của thành phố Sài Gòn thân yêu đã bị đổi bằng những cái tên xa lạ. Nay, được thấy lại các tên đường ở khu Tân Định và Đa kao không bị thay đồi nhiều, trong lòng tôi bỗng nhiên dâng lên một sự xúc động mãnh liệt và một niềm sung sướng vô biên.

Xin mời các bạn cùng tôi tìm về những con đường kỷ niệm thân yêu của Tân Định và Đa Kao với những bồi hồi, rung động khó quên của thời niên thiếu không bao giờ phôi pha, dù năm tháng trôi qua như cơn gió thổi.


Trước hết, xin bắt đầu từ Cầu Kiệu với con đường Hai Bà Trưng đi về phía Sài gòn. Khoảng đường này, bên tay phải là hẻm Vựa Gạo số 477 HBT. Nơi các ghe thuyền ngày xưa chọn làm bến tấp nập xuống gạo ở đây, để từ đó gạo được giao lại cho các chợ. Hẻm có nhà của Hoạ Sĩ vẽ áo dài ba miền Nam,Trung, Bắc nổi tiếng Lê Trung. Ông đã từng doạt nhiều giải thưởng lớn về Hội Hoạ. Con hẻm đi ra được hẻm 60 Cù Lao Yên Đổ, phòng khám mắt của Bác Sĩ Kính, tiệm bán bông cườm cho đám tang, tiệm thuốc Bắc của ông Lang Sách. Nay là tiệm bán “Bánh Tầm Bì 370 - Đặc Sản Bạc Liêu” của con trai cua rơ nước rút Nguyễn Văn Châu thuê mở quán ăn. Cua Rơ xe đạp Nguyễn Văn Châu đã làm nên một kỳ tích vô tiền khoáng hậu, mà cho đến nay chưa từng có bất cứ cua rơ xe đạp VN nào tạo được “Trong cùng năm 1961, ông đã đoạt chức Vô Địch nước rút Á Châu ở Đông Kinh và Đông Nam Á Vận Hội ở Ngưỡng Quang.”


Hẻm cô Hai Kim, số 451 HB. Bên phải đầu hẻm là tiệm điện Ngọc Sơn, trong hẻm có cô Hai Kim chuyên cắt lể, giác hơi, cạo gió và bán thuốc tể. Cạnh bên là nhà của Dịch Giả các truyện kiếp hiệp nổi tiếng Từ Khánh Phụng vớ các truyện: Trảm Lư Bảo Kiếm, Hoả Long Thần Kiếm, Quái Khách Muôn Mặt, Song Nữ Hiệp Hồng Y Kiếm Hiệp,…có lò làm bánh hủ tiếu và bánh cuốn tráng hơi của người Hoa chuyên đem bỏ mối trong vùng, Bà Năm Cà Lì bán vải ở chợ Tân Định.

Bên trái hẻm là tiệm sửa xe gắn máy Chín Kết sửa xe Mô Tô, nhà thuốc Nhân Phong Đường hay còn gọi là Thuốc cam Hàng Bạc số 447 B - HBT. Trước cửa trên quay kính bên trái có trưng bày một con nai bằng gỗ mun, nhìn tưởng như thật. Gia đình Nhân Phong Đường hầu hết ở nước ngoài. Hiện chỉ còn người con trai út là cựu quân nhân Binh Chủng Thiết Giáp VNCH ở lại trông coi và kế nghiệp. Trước năm 1975, ông chủ thuốc cam Hàng bạc có nhiều bộ sưu tập đồ cổ rất giá trị. Nhất là những binh khí và đồ sành sứ cổ xưa. Đặc biệt, có một con chim sáo nhỏ bằng ngọc thuộc loại quý hiếm.


Kế bên là tiệm cà phê tên Hải Nàm của người Việt gốc Hoa. Nơi đây bà con thuộc giới bình dân thường đến thưởng thức cà phê pha bằng vợt. Hai chân ngồi trên ghế theo kiểu ngồi nước lụt, miệng nhâm nhi ly cà phê xây chừng, môi bập bẹ điếu thuốc Rê Gò Vấp, Cotab, Bastos xanh đỏ…để bàn chuyện thời sự, bàn những con số đề sẽ xổ vào buổi chiều, giá cả hàng hóa lên xuống hàng ngày, chuyện chính chị, chính em, bàn về đua ngựa cuối tuần ở trường đua Phú Thọ, với các con ngựa được mang tên các nữ nghệ sĩ cải lương danh tiếng như: Út Bạch Lan, Thanh Nga, Ngọc Giàu, Bạch Tuyết.. Ngoài cà phê ra, còn có hủ tíu mì, hoành thánh,bánh bao, xíu mại. Buổi chiều có thêm xe bán tiết canh, lòng heo của bà Thìn, nhà trong hẻm 60 Yên Đổ - Cù Lao.

Phía bên trái, dưới chân Cầu Kiệu là con hẻm nhỏ số 478 HBT chuyên bán chó, kèm theo một đội quân chuyên săn bắt chó. Dụng cụ hành nghề rất đơn giản: một ống nước dài khoảng một thước rưởi, bên trong luồn một sợi dây cáp nhỏ, được thắt nút thòng lọng. Họ lùng sục khắp hang cùng, ngỏ hẹp trong thành phố, ra đến tận ngoại ô để tìm nguyên liệu chó, đem về cung cấp cho các quán Cờ Tây. Em chó nào chạy lang thang là chỉ vài giây, bằng thao tác thuần thục, các tay săn bắt chó đã đưa thòng lòng vào cổ em và ném ngay vào bao bố trong có đựng tro, để cho em bị ngộp, không sủa, không giẫy giụa, hoặc ú ớ được. Nếu em chó nào đẹp, có giá trị thì chờ vài ngày cho chủ nhân đến tìm chuộc lại theo luật giang hồ. Kế tiếp là tiệm trà Phật Tổ, cây xăng nhỏ HBT, tiệm bán đồ điện Thành Mỹ, tiệm sơn Mậu Ký và cửa hiệu bán xe đạp cùng phụ tùng Đoàn Văn Thẩm được các cua rơ xe đạp thích đến mua, hay đặt phụ tùng sản xuất từ Pháp và Ý Đại Lợi. Sau này, có thêm tiệm bán xe đạpTuấn Kiệt với bà chủ đeo kính trắng, gọng nhựa đen, miệng lúc nào cũng cười tươi như hoa nở.


Quẹo trái ở ngã ba là đường Trần Quang Khải. Đầu đường là phòng mạch của Bác Sĩ Hạnh. Trước khi đi ngoại quốc đã làm giấy tờ hợp pháp giao lại căn nhà cho người em tên Lịch. Nay, vợ chồng anh hành nghề bôm và vá ép xe giá rất bình dân. Họ làm ăn rất đàng hoàng, uy tín và có lương tâm, tiệm Bida TQK, về sau đổi thành Salon bán xe TQK. Đi thêm vài bước là con đường nhỏ tên Nguyễn Hữu Cảnh, còn gọi là đường Xóm Chùa vì trong hẻm có nhiều chùa chiền. Đầu hẻm, phía bên phải là chỗ mài dao kéo, tông đơ, rồi đến tiệm bánh cuốn Thanh Trì vẫn còn tồn tại, có lẽ đã hơn nữa thế kỷ? Bà chủ đã mất cách đây vài năm, các con gái bà tiếp tục nối nghiệp. Nằm đối diện là Hãng Sáo Công Ty, rồi tới Trường Việt Nam Học Đường, số 38 đường Đặng Tất do Thầy Phan Hiếu Kính làm Hiệu Trưởng và Trường Trung Học Tư Thục Văn Lang, số 51 Trần Quí Khoách do Thầy Ngô Duy Cầu làm Hiệu Trưởng. Trường Văn Lang bắt đầu bằng hai dãy nhà lợp bằng tôn trên nền đất từ các ao rau muống. Sau đó Thầy Cầu cho xây dựng từ từ. Sau này, trường Văn Lang được xem như có bề thế nhất trong vùng. Thành phần giáo sư giảng dạy rất hùng hậu. Đa số đang là Giáo Sư của các Trường Công Lập nổi tiếng như Pétrus Ký, Chu Văn An… Năm nào, tỷ lệ học sinh trường Văn Lang cũng đều đạt thành tích rất cao trong các kỳ thi Tú Tài 1 và Tú Tái 2 do Bộ Giáo Dục tổ chức.. Thầy Cầu mất đúng vào ngày 30 tháng 04, năm 1975. Hiện nay Trường Văn Lang là trường duy nhất trong khu vực Đa Kao và Tân Định còn tồn tại và vẫn giữ tên Văn Lang. Đối diện trường Văn Lang là Cư Xá Kiến Ốc Cục Tân Định, dành cho công chức. Đi vào phía trong là chùa Vạn Thọ và một số chùa nhỏ khác nằm rải rác. Ngoài ra có dãy phố mười căn, trong đó có gia đình ban kích động nhạc thần đồng CBC danh tiếng một thời, vì các nghệ sĩ trình diễn đều còn ở lứa tuổi nhi đồng.

Phía tay phải là quán cơm cây Điệp, kế bên là hãng sản xuất Gạch Bông Vân Sơn và tiệm Billards mang cùng tên. Nhìn sang bên đường là tiệm giặt ủi Tần Tiến, cho thuê xe xích lô đạp, làm bản kẽm Dầu, trường Trung Học Tư Thục Tân Thạnh của Thầy Phan Út. Trưóc khi đi vào cổng trường, phải đi ngang Bảo Sanh Viện Ngô Liêng. Hẻm Trường Tân Thạnh đi ra được đường Đặng Dung. Quẹo bên trái có khách sạn Đặng Dung , quẹo bên phải là nhà Thầy Hiệu Trưởng Văn Lang Ngô Duy Cầu, số 48 A Đặng Dung. Nay là phòng chữa răng Ngọc Nha và nhà của gia đình Thuốc Cam Hàng Bạc.

Đi tiếp sẽ gặp chùa Cô Hồn hay Tân Hiệp Nam Nữ Hội, số 186 TQK, cây xăng TQK, Photocopy Hoàng Sơn, xe nước mía chị Hai số 186 Bis. Cô em gái tên D…là nữ sinh Lê Văn Duyệt rất xinh xắn và duyên dáng. Nhờ thế mà xe nước mía chị Hai lúc nào cũng tấp nập khách đến thuởng thức,mà đa số là học sinh. Nhiều anh chơi nổi kêu một lúc hai, ba ly và tình nguyện rửa và dọn ly giùm. Tuy nhiên, một chàng Sĩ Quan tốt nhiệp khoá 19 Võ Bị Đà Lạt thuộc binh chủng quanh năm hành quân với bưng biền và lặn lội ở Rừng Lá Thấp đã được nàng đáp lại tình yêu. Đây là một mối tình lãng mạn và trong sáng. Nhưng định mệnh oái ăm đã không đưa đến một kết thúc tốt đẹp vì thân mẫu cô đã quyết liệt từ chối. Lý do là khác biệt về tôn giáo và nhất là không muốn cô sớm trở thành quả phụ thơ ngây ở tuổi vừa mới chớm hai mươi. Cuối cùng hai người đành phải nhắm mắt chia tay. Nghe đâu gia đình nàng đang định cư ở Canada. Còn chàng sau năm 1975 tiếp tục dùi mài kinh sử hơn mười năm ở Đại Học không có ngày tốt nghiệp. Chàng đã cùng gia đình đến Mỹ theo diện H.O và định cư ở Nam Cali. Thỉnh thoảng chàng cũng viết nhiều bài gồm đủ các đề tài và được độc giả các nơi ái mộ. Nghe đâu chàng cũng đã từng đoạt giải “Viết Về Nước Mỹ” nhiều lần.

Đường Bà Lê Chân bên tay phải, ngay góc đường là quán cơm tấm bì, chả, sườn nướng, xí mại và cà phê pha vợt bình dân tên Ngọc Long của vợ chồng con trai nghệ sĩ lão thành Bảy Nhiêu. Kế bên có bà Sáu bán nước trà Huế và hai bàn đá banh tay lôi cuốn các học sinh kéo đến thường gây ồn ào trước khi vào học và lúc tan trường. Đôi khi sinh ra ẩu đả vì cá độ, chọc quê nhau. Cả hai bên thắng hay thua thì quần áo, mặt mày đều dính dầu nhớt lem luốc. Chắc chắn về nhà sẽ bị ăn đòn.

Nằm đối diện là Đình Phú Hoà, số 159 TQK nơi các đoàn hát bộ và cải lương thường đến tập và diễn tuồng. Diện tích Đình Phú Hoà đang dần dần bị thu nhỏ lại vì được dùng chỗ giử xe, cho thuê mặt bằng và xây cất nhà cửa bất hợp pháp. Sát bên Đình Phú Hoà là lớp Anh Ngữ của Giáo Sư Nguyễn Thế Thông.

Nằm trên đường Bà Lê Chân phía bên trái có một hẻm nhỏ với ông Sáu Hộ chuyên bó bột trị trật xương, gãy xương tay chân, tiệm Kim Thạch bán văn phòng phẩm, dụng cụ hoc sinh, nhà in Bùi Văn Tạ, bảo sanh viện Hà Đông Hà. Trước mặt có con đường mang tên Mã Lộ. Hồi xưa có bến xe thổ mộ và xe cá. Con đường này chạy song song phía sau chợ Tân Định. Đi thêm khoảng mười mét là đường Hai Bà Trưng. Nằm ngay góc Bà Lê Chân và HBT là Y Viện Tân Định. Phía bên phải có tiệm thịt bò Thành Thể và ba tiệm vàng Đình Thể, HữuThành và Mỹ Thịnh. Hai ông bà Mỹ Thịnh sản xuất hàng tá con. Tất cả đều là gái. tướng cô nào cũng đều dong dỏng cao. Nghe đâu ông bà đi cầu tự được một đấng con trai? Cũng nói thêm ở gần đó có nhà thuốc Đông Y Đức Nguyên số 350 HBT của Đông Y Sĩ Chánh Kỷ. Bên trái là chợ Tân Định hoạt động hầu như suốt ngày. Ban ngày là hoạt động về chợ búa. Còn về chiều và tối thì các hàng quán: Trái cây, hột vịt lộn, ốc gạo, ốc hương, ốc len xào dừa, khô mực, đu đủ bò khô, gan cháy, hủ tíu mì, sâm bổ lượng, cháo lòng, bánh cuốn…

Bà con đi ngang qua thường hay bị chèo kéo lại và lực lượng bán vé số vừa thấy khách ngồi là chạy lại mời mọc. Chưa tính đến các cái bang thường gây phiền phức cho thực khách khi vừa ăn xong, chưa rời khỏi bàn đã bị họ nhào tới thu gọn chiến trường chớp nhoáng.

Từ Đình Phú Hoà nhìn sang bên kia là đường Trần Nhật Duật. Xe chè Huỳnh Thị Ngà nằm ngay góc đường. Bà chủ là người miền Bắc di cư. Xe chè bà nổi tiếng về đậu xanh, đậu đỏ và bánh lọt nước dừa không nơi nào sánh bằng. Bà cũng bán thêm nước chanh muối, sương sáo, sương sa. Vào giờ tan học học sinh các trường kéo đến rất đông , bà bán không kịp. Đường TND chạy dài tới khu nông cơ cũ. Cuối cùng, được chấm dứt bằng một nhánh sông nhỏ chảy ngang qua. Học sinh trốn học thường đến đây tắm sông, trèo hái trứng cá, bần, bình bát, keo và mướn ghe chèo ra đến Long Vân Tự và cầu Phan Thanh Giản - Xa Lộ Sàigòn & Biên Hoà.

Trên đường Trần Nhật Duật có bốn con đường nhỏ mang tên các nhân vật lích sử đi ngang qua. Thứ tự như sau: Đặng Dung, Đặng Tất, Trần Quí Khoách và Trần Khánh Dư. Riêng, hai đường Đặng Dung và Trần Khánh Dư chạy dài đến đường Trần Khắc Chân, còn gọi là xóm Cầu Mới, đi ra được đường Chi Lăng - Gia Định. Trên đường Trần Nhật Duật, hẻm số 21 có tiệm chụp hình Nguyễn Kỳ nổi tiếng. Một thời được các nữ sinh kéo đến rất đông. Họ thường đến đây chụp hình kỷ niệm, chân dung để dán trong lưu bút ngày xanh. Chủ nhân có biệt tài tô điểm, thêm thắt làm cho hình đẹp sắc sảo và giá trị hơn.

Nhà số 10 là Trường Trung Tỉểu Học Tư Thục Huỳnh Thị Ngà do Bà Huỳnh Thị Ngà làm chủ, kiêm Hiệu Trưởng. Trường thành lập từ năm 1947, ban đầu chỉ là những lớp bậc ở Tiểu học ở căn nhà trệt. Dần dần xây lên nhiều tầng và phát triển thêm Trung Học Đệ Nhất Cấp và Đệ Nhị Cấp. Bà là một phụ nữ giỏi, đảm lược. Thời nào Bà cũng giao thiệp rộng trong các giới chức đương quyền và các Phong Trào Phụ Nữ. Bà biết chèo chống, điều hành và giữ vững ngôi trường Huỳnh Thị Ngà, mà chung quanh có nhiều trường trung học tư thục khác như: Văn Lang, Việt Nam Học Đường, Văn Hiến, Huỳnh Khương Ninh, Vương Gia Cần, Tân Thạnh, Les Lauriers, Nguyễn Công Trứ, Đông Tây Học Đường... Các Hiệu Trưởng đều là nam giới. Họ đã dùng mọi cách để cạnh tranh với trường bà, nhưng không ảnh hưởng được gì hết! Đặc biệt, Trường HTN còn là trường duy nhất ở Sàigòn có nhận nữ sinh Nội Trú. Phụ huynh rất an tâm khi gửi con vào đây học nội trú. Bà dạy dỗ, chăm sóc, theo dõi thường xuyên và áp dụng kỹ luật thật nghiêm khắc với các em.Trường lúc nào cũng đông học sinh, thi cử luôn luôn đạt thành tích tốt. Bà khuyến khích học sinh tham gia các chương trình văn nghệ, các công tác phục vụ cộng đồng, cứu trợ các nạn nhân bị thiên tai và thăm viếng thương bệnh binh đang được điều trị ở các Quân Y Vện. Những học sinh góp mặt thường được bà nâng đỡ cho miễn hay giảm một phần học phí. Nữ minh tinh điện ảnh nổi tiếng Thẩm Thúy Hằng, Ca sĩ Trang Mỹ Dung, Thảo Ly, Phương Đại,Thần đồng Phương Mai, Vũ Bộ Song Kim…đều từng là học sinh trường HTN.

Ngoài ra, Bà còn dành một phòng rộng nhất cho Giáo Sư dạy Pháp Văn Trần Văn Chánh thuê mở Cour Particulier ở tầng trệt. Giáo Sư Chánh là thân phụ của Bộ Trưởng Y Tế VNCH là Trần Lữ Y (Louis.) Lúc đầu Thầy mở các lớp luyện thi Tú Tài 1&2 Pháp tại tư gia gần trường Huỳnh Khương Ninh, trước nhà có cây mít ướt đã già, múi nhỏ, nhưng ngọt và thơm. Sau này học sinh các trường theo chương trình Pháp như: Marie Curie, Jean-Jacques Rousseau, Couvent des Oiseaux, Pasteur, Taberd... đến ghi tên học rất đông, nên Thầy phải chuyển sang trường Huỳnh Thị Ngà mới có thể chứa đủ.

Trường hoạt động cho đến ngày 30/04/1975. Tính ra tồn tại gần ba mươi năm. Bà HTN mất cuối năm 1992 tại tiễu bang Virginia (Hoa Kỳ.) Lúc còn sinh thời, Bà có ước mơ lấy lại ngôi trường thân yêu, mà Bà đã bỏ ra bao nhiêu công sức tạo dựng. Nhưng ước mơ của Bà đã không bao giờ trở thành hiện thực .

Đối diện trưòng Huỳnh Thị Ngà, góc đường Đặng Dung là nhà gíáo sư khiêu vũ Nguyễn Trọng ở trên lầu một, phía trưóc có cây me to. Học sinh các trường chung quanh thường leo lên hái, Những trái me được túm gọn lại trong áo sơ mi. Khi vừa trèo xuống, thỉnh thoảng bị các anh hùng du đảng xóm chợ Tân Định tịch thu hết chiến lợi phẩm. Lúc đó chỉ biết mếu máo, năn nỉ xin lại vài trái ăn cho đỡ ghiền. Cách đó vài căn là nhà Giáo Sư Huỳnh Văn Mĩ (i ngắn.)Thầy Mĩ nổi tiếng về dạy Pháp Văn, nhất là phương pháp phân tích các mệnh đề rất dễ hiểu. Thầy cũng là một trong những Võ Sư có công sáng lập môn phái Hàn Bái Đường. Không ai nghe nhắc về vợ thầy, sau khi hết giờ dạy học chỉ thấy Thầy đi chợ một mình, tay xách cái gà mên. Thầy có con trai tên H..đẹp trai, giỏi võ và tốt nghiệp Bác Sĩ Quân Y.. Thầy Mĩ mất ở Nam Cali năm 2004, hưởng thọ 93 tuổi. Học sinh trường Huỳnh Thị Ngà rất nễ sợ thầy. Trong giờ Thầy dạy, không em nào, cho dù bặm trợn đến đâu cũng không dám hó hé, quậy phá hay lơ là vì thầy rất nghiêm và khó. Em nào vô kỹ luật. Thầy sẵn sàng có biện pháp thích đáng ngay lập tức. Bà Huỳnh Thị Ngà là học trò hồi nhỏ của Thầy. Phải kể thêm ở đây xe kem của một người miền Bắc di cư có cô con gái tên Mai và xe bò viên của ông Tàu có đổ xí ngầu ăn bò viên. Thường thường là ông thắng. Trường hợp ông thua thì bò viên ông múc chung cho người thắng nhỏ hơn là loại bán bình thường cho khách.

Bây giờ trở ngược ra đường Trần Quang Khải đi về phía Đa Kao. Trước khi đến một ngã năm. Phía bên trái là phòng nha khoa trang bị máy móc hiện đại của vợ chồng đều là Nha Sĩ. Vợ là Nha Sĩ tên Hạnh. Dáng người mảnh mai, trang nhã. Bệnh nhân đang đau răng được bà chữa trị, tự nhiên cảm thấy không đau. Bà có nụ cười đẹp, hiền từ, hai hàm răng trắng đều. Gia đình tôi là khách hàng quen thuộc của bà. Chồng là Không Quân Thiếu Tá Nha Sĩ Dương Quảng Định đã từng tu nghiệp ở Hoa Kỳ (phục vụ tại Trung Tâm Giám Định Y Khoa Không Quân.) Hai vợ chồng rất đẹp đôi. Đi thêm khoảng ba mươi thước gặp một Villa cổ, phía trước có Depot rác nhỏ. Các công nhân quét rác sau khi gom rác xong đem đến đây đổ.

Bên kia đuờng là chỗ cho thuê sách, tiểu thuyết và truyện kiếm hiệp Đức Hưng, kế bên là tiệm hàn gió đá Sáu An, tiệm hớt tóc Hải Vân. Cách đó vài căn là nơi chuyên sản xuất xích lô đạp và xe ba bánh có tên Ngọc Quế.

Khi đến ngã năm, bên tay trái là đường Trần Khắc Chân, nhìn về phia tay phải là đường Nguyễn Phi Khanh và Trần Văn Thạch (nay là Nguyễn Hữu Cầu.) Có nhà may Tụ Bảo, tiệm buôn Thế Giới, vựa trái cây, lò bánh mì, nhà Bác Sĩ Trần Văn Văn, Cinéma Modern, nhà sách Yểm Yểm Thư Quán.

Đối diện là xóm Cảnh Sát, vì đa số những gia đình ở đây đều phục vụ trong ngành Cảnh Sát và nhà Quái Kiệt Tùng Lâm. Hẻm này đi ra được đường Đinh Công Tráng. Căn nhà nằm ngay góc Nguyễn Phi Khanh và Trần Văn Thạch của ông bà Bùi Ngọc Phương. Ông tự phong cho mình là vua dầu hoả Việt Nam và dự định ứng cử Tổng Thống VNCH. Sau năm 1975 ông mất ở trong tù.

Nếu đi ngược chiều trên đường Nguyễn Phi Khanh, ngã ba đầu tiên là đường Huyền Quang có Sơn Trà Đình - Tín Nghĩa Hội, số 113 A Nguyễn Phi Khanh nằm ngay góc. Mỗi năm vào dịp Lễ Vu Lan có trình diễn Hát Bộ. Khán giả đi xem thường ném các quạt giấy có kẹp tiền lên sân khấu, để tưởng thưởng khi đến đoạn nào gây cấn, hấp dẫn. Lúc đó chiên trống thi nhau gõ, đánh liên hồi. Tiếng la hét cổ vũ ầm ỉ.

Đường Huyền Quang mang tên một vị Sư. Con đường dài khoảng hai mươi thước, đi hết đường Huyền Quang gặp đường Lý Trần Quán, quẹo trái là trường Mẫu Giáo Mạnh Mẫu. Nơi đây có nữ Nghị Viên Thành Phố nổi danh TKT, mà một dạo báo chí Sàigòn hết lời ca tụng bà có biệt tài “vừa đánh răng, vừa huýt sáo.” Kế bên là Chả Cá Lã Vọng. Cuối đường sẽ gặp đường Hiền Vương và bên hông nghĩa Trang Mạc Đỉnh Chi. Quẹo trái là Sở Vệ Sinh Thành Phố.

Ngã ba kế tiếp của đường Nguyễn Phi Khanh là Lý Văn Phức, có một Dépot rác rất lớn. Các công nhân vệ sinh đưa rác về đây tập trung, trước khi các xe lớn đến chở đi tái chế và phế thải. Cuối đường là quán cà phê bà Chi, mà các bài viết về cà phê Sàigòn cũ luôn luôn phải nhắc đến. Bây giờ con cháu bà vẫn tiếp tục, nhưng khách không còn đông. Buổi trưa phải bán thêm cơm phần giao đến các văn phòng. Quẹo trái gặp rạp hát Casino Đa Kao (nay là Rạp Cầu Bông) , tiệm thạch chè Hiển Khánh, nhà may Cao Minh, tiệm bánh Bảo Hiên Rồng Vàng, tiệm kem Mỹ Hương là nhà của nhạc sĩ Tây Ban Cầm Đan Phú. Ông thường chơi cho các Đài Phát Thanh và các chương trình Đại Nhạc Hội hàng tuần do Đài Phát Thanh Sài Gòn tổ chức thi tuyển lựa ca sĩ ở Rạp Quốc Thanh và Hưng Đạo. Khi ông đệm đàn, ông rất khó với ca sĩ hát không đúng nhạc hay không thuộc bài bản. Tuy nhiên, khi đệm cho nữ ca sĩ Liêu Trai Thanh Thúy hát. Dù ca sĩ Thanh Thúy hát cách nào, đôi khi chỏi, hay rớt nhịp. Ông cũng vui vẻ đệm theo, mà không một chút bực dọc hay phàn nàn. Kế bên là tiệm Thịt Bò Đức Phú. Đối diện bên đường là nhà hàng Pháp tên Casino, tiệm bán quân trang, huy chương và huy hiệu quân đội Quế Anh. Nếu quẹo phải sẽ gặp tiệm hớt tóc Đơ, chuyên hớt tóc theo lối tài tử ngoại quốc, rồi đến Đền Thờ Đức Trần Hưng Đạo số 36 Hiền Vương (nay là Võ Thị Sáu.)Ngỏ vào trong đền phía bên trái bán nhang đèn cho khách thập phương đến cầu khẩn, có bà thầy bói mù chuyên gieo quẻ bói bằng hai đồng xu. Gieo quẻ cho bất cứ ai, khi hai đồng xu vừa rơi xuống chiếu, bà cũng đều nói với thân chủ là sắp nhận được tin vui ở xa và dặn thân chủ nên cẩn thận về đi đứng, xe cộ, kẻo bị tai nạn, nhưng đã đên đây cầu khấn thì được Đức Thánh Trần che chở, nên đều tai qua, nạn khỏi!

Đoạn đường Trần Quang Khải từ đây ra đến đường Đinh Tiên Hoàng, tuy không dài lắm, nhưng có rất nhiều cửa hiệu buôn bán. Phía bên phải là Pharmacy Duyệt, cũng là tên của Dược Sĩ Duyệt, nghe đồn gia đình ông gặp nạn lúc di tản ngày 30/04/1975? rồi đến bảo sanh viện Chung Nam Quế. Nơi các bà bầu khu Đakao và Gia Định thường đến khai hoa nở nhụy. Nhà kế bên trước sân có một hồ nuôi cá tai tuợng rất lớn và hon non bộ. Một phụ nữ rất mập ngồi trước nhà, lúc nào trên tay cũng cầm cây quạt bằng lông gà phe phẩy. Bà hành nghề coi bói bài Tây, thân chủ cũng đông. Tiếp theo có hai tiệm bán phụ tùng và sửa xe Honda, rồi cà phê Ngọc Dung số 77 Trần Quang Khải, của hai chị em tên Ngọc và tên Dung.

Đi thêm một chút nữa sẽ gặp Đình Nam Chơn, số 29 TQK. Trước đình có thờ hình ông Cọp rất oai vệ. Bên trái cổng, nằm trong sân đình có cây Đa to, rễ đan với nhau chằng chịt. Có lẽ nó được trồng đã hơn trăm năm? Hiện nay Đình Nam Chơn được xếp là “Di tích Kiến Trúc Nghệ Thuật” cần phải bảo tồn. Thêm vài bước nữa có một Phật Đường nhỏ của người Hoa, phía trước có hai cây Mai Tứ Quý đã già, hoa nở quanh năm. Phật Đường thuộc Giáo Hội Phật Đường Nam Tông có tên là Minh Sư Đạo Quang Nam Phật Đường. Nghe đâu Phật Đường này sẽ được xây dựng lại thành nhiều tầng. Mọi chi phí, tốn kém đều do các Hoa Kiều ở nước ngoài gửi tiền về giúp. Hiện đã lên kế hoạch và đang xin phép chính quyền duyệt.

Kế bên là tiệm vàng Bảo Thành. Ngoài việc bán vàng bạc, nữ trang, cũng còn nổi tiếng về làm bánh Trung Thu, giò lụa, giò thủ và các loại bánh mứt. Trưóc 1975, bà Bảo Thành là chủ thầu các bãi giử xe hai bánh lớn nhất Sàigòn như: Trường Đại học Luât khoa ở đường Duy Tân, Nha Xổ Số Kiến Thiết ở đại lộ Thống Nhất, Rạp Hát Đại Nam trên đường Trần Hưng Đạo, và dọc theo hai bên đường Lê Lợi. Cách một căn là tiệm ăn Tàu có tên Dân Thiên, với các món mì xào dòn, áp chảo, cơm thố và cơm chiên Dương Châu tuyệt vời.

Tiếp tục phía bên trái. Đầu tiên là chi cuộc cảnh sát Tân Định. Kế bên là Đình Nghĩa Hoà được xây dựng vào năm 1917. Bà con thường gọi là Đình Công Thành Ban. Nơi đây chuyên trình diễn hát bộ. Trước đình có thờ một ông Cọp. Hẻm Đình Nghĩa Hoà đi thông ra được đường Trần Khắc Chân. Tiếp theo sẽ đến một dãy phố, có tiệm Ronéo Lửa Hồng quay ronéo, đánh máy và photocopy bài vở, tài liệu cho các học sinh và thầy cô giáo. Tiệm nhộn nhịp nhất vào mùa thi cử. Ngoài ra cũng còn bán những bản nhạc quay ronéo sẵn, giá rất bình dân. Cách đó vài căn là một tiệm bán hòm, tiệm may Của, rồi đến nhà bà con với ông chủ rạp hát Văn Hoa.

Nổi tiếng ở đoạn đường này là tiệm cầm đồ bình dân Kim Ngân. Bà chủ lúc nào cũng trang điểm lộng lẫy như các cô đào cải lương Thanh Nga, Bạch Tuyết sắp lên sân khấu. Chung quanh cũng có nhiều tiệm cầm đồ, nhưng Kim Ngân thường đông khách hơn vì tiệm cầm mọi mặt hàng giá cao hơn các nơi, cho chuộc với phân lời tương đối thấp và thủ tục đòi hỏi không phức tạp so các nơi khác.

Đi thêm khoảng hai mươi mét nữa là một con hẻm lớn, có thể nói là nổi tiếng nhất vùng Tân Định - Đa Kao. Đó là hẻm Vạn Chài. Đây là địa điểm quy tụ anh hùng hào kiệt tứ xứ về hùng cứ. Mỗi lần chính quyền mở các cuộc hành quân cảnh sát để bắt thanh niên trốn quân dịch hay cư trú bất hợp pháp thì xe cộ, súng ống rầm rộ, ca nô, thuyền nhỏ chạy dài dọc theo sông cầu Bông, đèn pin chiếu pha sáng cả một vùng. Cuối cùng, kết quả chẳng được gì hết! Vì thanh niên trốn quân dịch đã nhảy xuống sông, lặn qua bên phía Gia định, hoặc trốn trong các con hẻm sâu, tối tăm, quanh co khó đi vào. Lực lượng kiểm soát đành bó tay và chào thua.! Đặc biệt, trong hẻm có một trường trung tiểu học tư thục mang tên Văn Hiến do Thầy Phan Ngô làm Hiệu Trưởng. Thầy cũng từng ra ứng cử và đắc cử Nghị Viên thành phố Sài gòn.

Ra khỏi hẻm, quẹo trái là gặp ngay rạp hát Văn Hoa. Rạp này đã từng một thời là nơi hẹn hò của những mối tình học trò thường buồn vu vơ, ăn chưa no lo chưa tới. Nơi của những học sinh cúp cua vào những giờ học, mà các cô cậu cho là nhàm chán. Nhất là học sinh các lớp Đệ Tam thường trốn học nhiều vì là lớp không thi, lớp dưỡng sức để chuẩn bị sang năm chiến đấu với thi cử. Lơ tơ mơ là đơ dèm cùi bắp hay đeo cánh gà chiên bơ lủng lẳng trên vai.

Rạp Văn Hoa là một trong những rạp hát quen thuộc, thanh lịch và sang trọng so với các rạp khác trong vùng, vì có trang bị máy lạnh, màn ảnh rộng và giá vé vào cửa cũng tương đối bình dân. Rạp chiếu đủ các loại phim. Những lúc có phim mới và hấp dẫn, bà con sắp hàng rồng rắn, kéo dài tới tận trước ngỏ xóm Vạn Chài. Khán giả nào không muốn sắp hàng, không muốn chen lấn đổ mồ hôi, dễ bị rách quần, rách áo hoặc bị rạch bóp, thì có thể mua vé chợ đen. Đôi khi phải trả gấp đôi, gấp ba lần.

Cũng nên nói thêm ở đây. Kế bên rạp hát là một quán cà phê cũng mang tên Văn Hoa, đã đi vào lịch sử của cà phê Saigon. Quán có giàn âm thanh nổi tối tân, nhạc ngoại quốc chọn lọc, hấp dẫn, luôn luôn đổi mới, chỗ ngồi thanh lịch, vị trí thuận lợi và do hai chị em ruột là bà con với vợ của ông chủ rạp Văn Hoa đứng bán.

Cô chị có tên TBD và cô em có tên TBH. Hai chị em đều là nữ sinh trường trung học Huỳnh Thị Ngà. Lúc nào đi học, cả hai cô đều mặc đồ đầm rất xinh xắn. Trông giống búp bê không tình yêu. Nghe đâu cũng có nhiều anh trồng cây si đến uống cà phê thường xuyên mỗi ngày, trong số đó có anh là ca sĩ một ban kích động nhạc nổi tiếng về bài hát Sunday Morning. Ngày nào anh ta cũng đến quán ngồi đồng, vừa thuởng thức cà phê, vừa trồng cây si cô em TBH. Cuối cùng chẳng nên cơm cháo gì! Gia đình Cô TBD hiện ở Montréal, còn gia đình cô TBH từ Montréal chuyển về Pleasanton (California.)vì chồng cô là Kỹ Sư được một hãng điện tử lớn ở Bắc Cali tuyển dụng.

Sau 1975, rạp Hát Văn Hoa vẫn còn hoạt động và coi như đã bị xoá sổ hoàn toàn vào ngày 14 tháng 03, năm 2011. Lúc đầu một công ty mua lại dự định xây một chung cư mười lăm tầng với nhà ở và các cửa hàng ăn uống, cùng các phuơng tiện giải trí khác. Nhưng chính quyền chỉ cho phép xây năm tầng. Do đó công ty tạm ngưng để chờ xin giấy phép xây dựng lại. Trước sau gì cũng sẽ đuợc chấp thuận. Chuyện này chỉ còn là vấn đề thời gian mà thôi! Hiện nay, tạm thời ban ngày nơi đây là chỗ rửa xe và mở quán nhậu. Ban đêm làm chỗ giữ xe hơi

Đoạn đường còn lại, phải nhắc đến một quán cơm Xã Hội, chuyên phục vụ cho giới lao động, công tư chức với đồng lương thấp và học sinh, sinh viên nghèo. Giá rất bình dân, chỉ năm đồng. Thực đơn gồm ba món thay đổi thường xuyên. Cơm ăn thoải mái, ăn cho đến khi nào no bụng thì thôi! Ngoài ra, còn đưọc tặng thêm một trái chuối tráng miệng và ly trà thơm, nóng bốc khói.

Sau đó phải kể thêm hai tiệm bán xi măng, gạch, cát và đá rất lâu đời là Tấn Phát và Tâm Long, tên của vợ và chồng được ghép lại. Tiệm bán vật liệu xây dựng Tâm Long số 8 TQK và tiệm vàng Bảo Thành số 9 TQK. Hai tiệm nằm đối diện nhau. Hai bên gia đình coi nhau rất thân tình và đều đông con. Lúc nào cũng có ý muốn làm thông gia với nhau. Nhưng rất tiếc các dâu và rể của cả hai nhà đều là những người ở nơi khác. “Đúng là duyên số do Trời sắp đặt.” Dù có muốn làm mai mối bằng mọi cách, cũng không thể nào được!


Một chút nữa thì bỏ quên tiệm may áo dài tương đối nổi tiếng là Phương Luân, hiệu ảnh Ngọc Chương, cà phê Cây Trúc nằm ở kế bên. Đi hết đường Trần Quang Khải sẽ gặp đường Đinh Tiên Hoàng. Trước đó gặp một cái đình nhỏ tên là Phú Hoà Vạn số 6 TQK, mà hồi xưa Thầy Vũ Hữu Tiềm thuê để mớ lớp Luyện Thi Đệ Thất vào các trường Công Lập. Nay, Đình Phú Hoà Vạn coi như bị xoá sổ vì một gia đình chiếm cứ từ trước đã cố tình làm mất đi các di tích của đình. Hiện chính quyền địa phương đang tìm mọi cách lấy lại để làm chuyện công ích.

Quẹo trái đi ra cầu Bông, sẽ găp một quán bán thịt gà, vịt và heo quay Thanh Xuân rất đông khách. Cạnh đó là một tiệm chuyên sửa xe Vespa và Lambretta. Nhìn sang bên kia đường là tiệm giầy Đông Hưng và nhà may áo dài Thanh Châu. Tiệm mang tên người con gái lớn nhất. Nhà may Thanh Châu khá nồi tiếng, chuyên may áo dài cho các ca sĩ và áo cưới cô dâu. Hiện nay tiệm may Thanh Châu vẫn tồn tại và có rất nhiều khách đến đặt may mỗi ngày.

Bên kia đưòng Trần Quang Khải là đường Nguyễn Huy Tự. Phía tay phải có chợ Đa Kao. Trước khi tới chợ Đa Kao, sẽ gặp một gánh chè chỉ duy nhất bán đậu đen. Bà bán chè có tướng trông phúc hậu. Bà chỉ bán vào buổi chiều. Chè đậu đen bà nấu, hạt rất dẻo, hương vị ngọt đậm đà. Thú vị nhất là “ngồi chồm hỗm” ăn chè nóng dưới cơn mưa lất phất của Sài gòn, vì không có ghế cho khách.

Một con đường chạy ngang chợ Đa Kao là đường Trương Hán Siêu. Bên trong có đền thờ nhà cách mạng Tây Hồ Phan Chu Trinh và quán bánh cuốn tráng hơi mang tên Tây Hồ. Bà chủ bánh cuốn tên là bà Cà. Bà khởi nghiệp năm 1960, bằng một cái quán xập xệ, một ít bàn ghế thấp lè tè và mấy tấm bạt cũ để che nắng mưa. Bà mất vào năm 2005. Nay, các con bà phát triển thành ba nơi bán bánh cuốn cùng mang tên Tây Hồ: hai tiệm trên đường Đinh Tiên Hoàng và Huỳnh Khương Ninh và một trên đường Đinh Bộ Lĩnh - Bình Thạnh. Phía trong chợ Đa Kao, nằm bên dãy chợ cá bên tay phải còn có Đình Hoà Mỹ, số 7 THS.

Đối diện chợ Đa Kao là Tín Nghĩa Ngân Hàng. Khi chiều đến, ngân hàng đóng cửa thì xuất hiện một gánh cháo lòng, mà bà chủ rất khó tánh. Bà luôn luôn ưu tiên bán trước cho nam gìới, còn nữ gìới thì bà thường bắt phải đợi. Nếu thắc mắc, khiếu nại thì bà im lặng, không trả lời. Có nghĩa là bà không muốn bán. Các nữ thực khách đành phải đi nơi khác mà trong bụng rất ấm ức vì bị bà đối xử phân biệt...

Đường Nguyễn Huy Tự rất ngắn, khoảng chừng ba mươi thước. Chấm dứt khi đụng đường Nguyễn Văn Giai. Chạy thẳng là đường Phạm Đăng Hưng (nay là Mai Thị Lựu.) Đi hết đường quẹo trái là Đài Phát Thanh Sàigòn. Thêm vài bước sẽ gặp đuờng Nguyễn Bỉnh Khiêm.Trên đường PĐH có Viện Nhu Đạo Quang Trung của Thượng Toạ Thích Tâm Giác. Nguyên Giám Đốc Nha Tuyên Úy Phật Giáo. Đối diện với Viện Nhu Đạo Quang Trung là một ngôi chùa lâu đời của người Hoa, mang tên Phước Hải Tự hay còn gọi là Chùa Ngọc Hoàng, số 73 PĐH. Đặc biệt, trong chùa có nhiều cây cổ thụ lâu đời, một cái hồ lớn thả rất nhiều rùa, có những con sống đã vài chục năm trở lên. Mỗi khi các bó rau được thả xuống hồ cho chúng ăn thì cả hồ náo động, nước bắn lên tung toé, vì các chú rùa giành ăn tạo nên.


Đường Nguyễn Huy Tự, quẹo trái là đường Bùi Hữu Nghĩa. Có một cây cầu sắt cũ. Đi về phía chợ Bà Chiểu (Gia Định.) Nếu quẹo phải sẽ găp đường Nguyễn Văn Giai. Đi hết đường Nguyễn Văn Giai sẽ gặp đường Đinh Tiên Hoàng. Nhìn sang phía bên kia đường là đường Huỳnh Khương Ninh. Bên trái là rạp hát Asam, nay đã xây thành chung cư và tiệm thuốc tây Lịch Cường. Pharmacy mang tên của Dược Sĩ Tống Lịch Cường. Đầu đường Huỳnh Khương Ninh, có xe bánh mì Bảy Quan với bánh mì thịt, dăm bông và ba tê rất độc đáo. Hiện nay đầu đường HKN là hai tiệm bánh cuốn mang tên Tây Hồ do con gái bà Cà chiếm ngự. Trên con đường này có trường trung học Huỳnh Khương Ninh. Đi hết đường Huỳnh Khương Ninh sẽ gặp đường Phan Liêm. Đường chạy dọc theo bên hông Nghĩa Trang Mạc Đĩnh Chi.

Trên đường Đinh Tiên Hoàng giữa khoảng đường Phan Đình Phùng và Phan Thanh Giản có đường Tự Đức (nay là Nguyễn Văn Thủ), trường tiểu học Đa Kao, mì Cây Nhãn, thêm hai nhà hàng Pháp nổi tiếng là Chez Albert và La Cigale. Ngoài ra, cũng phải kể thêm hai quán cà phê đã đi vào gia phà Cà Phê Saigon trước năm 1975. Quán thứ nhất là cà phê Hân mà tất cả mọi thứ đếu làm bằng Inox từ phin, muỗng, tách đựng đường, đựng sữa. Quán thứ hai là cà phê Duyên Anh. Quán mang tên nhà văn Duyên Anh, nhưng hoàn toàn không dính dáng đến nhà văn này. Cô bé ngồi tính tiền tên Q. có nụ cười xinh xinh, đôi mắt tròn, đen láy và tóc dài thắt bím rất dễ thương. Cô làm cho bao nhiêu đấng anh hùng mê mệt. Cô cũng còn là đề tài cho các chàng thi sĩ tài tử đến vừa thưởng thức cà phê, vừa làm thơ sầu mộng. Nhưng chẳng anh nào lọt được vào đôi mắt nai tơ của nàng! Bây giờ Cà phê Hân và Duyên Anh là hai nhà hàng bán thức ăn hải sản.


Khu Đa Kao có thể kể thêm những con đường tên không thay đổi:

- Đường Nguyễn Bĩnh Khiêm có Nha Tổng Giám Đốc Trung Tiểu Học và Bình Dân Giáo Dục, hai trường Trung Học Công Lập Trưng Vương, Võ Trường Toàn, hồ bơi Nguyễn Bĩnh Khiêm, Đình Tân An, các Sở và Nha An Ninh Quân Đội.

- Đưòng Phan Kế Bính có quán cà phê Văn Nghệ Cây Tre, Hội Văn Hoá Bình Dân do ông Huỳnh Văn Lang Tổng Giám Đốc Viện Hối Đoái làm Chủ Tịch.

- Đường Mạc Đĩnh Chi với Bi Da và nhà hàng Trường Cang, Hội Việt Mỹ và Ty Cảnh sát Quận Nhất.

- Các đường Trần Cao Vân, Phan Tôn, Phan Ngữ, Trần Doãn Khanh, Cây Điệp, Nguyễn Thành Ý, Hoà Mỹ.

Gần ngã tư Đinh Tiên Hoàng, Nguyễn Phi Khanh và Hiền Vương vẫn còn cây Đa cổ thụ rất to đứng sừng sững, năm sáu người ôm không xuể. Bên kia đường là tiệm chuyên làm con dấu, bảng tên, thêu cờ, bán các huy hiệu và tài liệu Hướng Đạo Việt Nam tên Phúc, số 180 ĐTH. Ông Phúc được thân nhân bảo lãnh đi Mỹ. Qua ở được một thời gian, ông cảm thấy không hợp, nên quay về VN lại, để ngày ngày tiếp tục công việc từ trước gắn liền với cuộc đời ông.

Phải kể thêm một con đường tương đối đẹp và thơ mộng là đường Phùng Khắc Khoan với tư gia Đại Sứ Hoa Kỳ. Hai bên đường trồng toàn những cây me. Khi có gió nhẹ và nắng vàng. Những chiếc lá me rơi rơi, trông dễ thương và thơ mộng vô cùng!

Cuối cùng trở về khu Tân Định. Xin chỉ ghi ra những con đường không bị đổi tên: - Nguyễn Văn Mai nối hai đầu đường Hai Bà Trưng và đường Huỳnh Tinh Của có trường tiểu học con trai Tân Định, nhà thuốc Đỗ Phong Thuần và xóm Hầm Sỏi danh tiếng về du đảng trong vùng.

-Đường Đinh Công Tráng, với món bánh xèo vang danh, trường (Tân Thịnh, Les Lauries,Văn Minh) và tiệm chụp hình Duy Hy, số 76 ĐCT, chuyên chụp hình cho học sinh các trường tiểu học công lập để làm kỷ yếu mỗi năm.

-Ngay góc Hai Bà Trưng và Đinh Công Tráng là tiệm thuốc Kính Tiên, số 274 HBT. Nếu quẹo phải có Luyến Photo và lò dạy nhạc của ba nhạc sĩ Lê Dinh, Minh Kỳ và Anh Bằng. Được ghép lại là Lê Minh Bằng. Nhạc sĩ Lê Dinh hiện ở Canada, nhạc sĩ Anh Bằng đang ở Hoa Kỳ, còn nhạc sĩ Minh Kỳ đã mất tại Suối Máu - Biên Hoà vào Tháng Tám, năm 1975. Nếu quẹo trái thì gặp tiệm giầy Trinh Shoes, hai tiệm bán hòm Vạn Thọ và Tobia, hẻm Bưu Điện đi ra được đường Hiền Vương. Quẹo bên phải gặp trường dạy lái xe hơi Mayer của ông nghị Còi Ô Tô Giáp Văn Thập, nhà của nữ nghệ sĩ Mỹ Trinh số 110. Cô Mỹ Trinh chưa bao giờ mở quán ăn hay là diễn viên hài khi còn ở VN, và cơm tấm Hiền Vương số 114 HV. Quẹo trái gặp trường Mẫu Giáo Michelet và đường Lý Trần Quán.

Gần đó có tiệm chuyên làm cửa sắt, máng xối… của gia đình hai anh em cua rơ Trần Gia Thu và Trần Gia Châu danh tiếng một thời trong làng đua xe đạp VNCH. Đối diện bên kia đường là cà phê Thu Hương cũng có tiếng tăm ở Sàigòn trong lịch sử cà phê Sài gòn, mà ông chủ không muốn ai đổ nước sôi vào phin cà phê, ngoài ông ra, nhà thờ Tân Định số 289 HBT và trường Thiên Phước số 295 HBT. Bên trong nhà thờ Tân Định có một cổng sắt thường đóng, chỉ để hở đủ cho một người len qua. Khi nào có lễ lớn thì cửa mới mở lớn ra. Đi qua cổng này sẽ gặp trường La San Đức Minh, cũng như đường Hiền Vương, đường Pasteur và đường Huỳnh Tịnh Của.


Đầu đường Hai Bà Trưng và Hiền Vương là Tín Nghĩa Ngân Hàng và nhà may Paris Mode. Đối diện là quán Bar Châu Thới. Trên đoạn đường Hiền Vương này có ngỏ hẻm Trần Tấn Phát đi ra được đường Duy Tân, Phan Thanh Giản và Hai Bà Trưng, hai cây xăng và rửa xe. Phía tay phải có tiêm giò chả Phú Hương và hai tiệm phở gà nổi tiếng là Hiền Vương, Chí Thành. Nhiều thực khách là các giới chức trong chính quyền Sàigòn thường đến đây thưởng thức. Hai chủ tiệm phở đều là người cùng quê ở miền bắc.

Ngoài ra, cũng xin kể thêm đường Pasteur. Con đường đi ra được Huỳnh Tịnh Của, Hai Bà Trưng, Hiền Vương. Nơi đây có nhiều tiệm phở, quán cà phê Hồng của hai chị em, nhà may áo dài Thiết Lập và Viện Pasteur, chiềm một chu vi rất rộng, có bốn con đường bao quanh, với những cây cổ thụ to đến nỗi năm, sáu người ôm vẫn không xuễ.

Ngay ngã ba Nguyễn Đinh Chiểu (nay là Trần Quốc Thảo) và Pasteur, có một cái mả đá rất lớn được xây bằng đá ong đã bị giải toả. Nằm cuối bên kia đường là một trong những trường dạy Anh Văn đầu tiên của Sàigòn tên Khải Minh. Quẹo trái ra đường Công Lý, có hảng xe đò tên Cosara của ông Phạm Hoè. Quẹo phải ra chợ Tân Định và Y Viện Tân Định. đi ngang nhà ông Thượng là ông bâu ban kích động nhạc mà các nhạc sĩ đều là các con ông, xóm đạo Pasteur, tiệm hớt tóc Hoàng Lâm và nhà ông chủ Sơn Mài Thành Lễ.

Đầu đường Huỳnh Tịnh Của có cây Phượng Vỹ rất to mà bố,năm người ôm không thề hết. Cây cho hoa Phượng màu đỏ nở rực vào mùa hè. Dưới tàn cây Phượng,

những người thợ hớt tóc dùng các ấm bạt để che mứa, nắng và dụng cụ hành nghề của họ gồm một cái ghế, một tấm kính, một miếng da giống dây nịt đề mài dao cạo và vài tờ nhật báo phát hành trong ngày d ành cho kh ách chờ đợi đọc . Bà con nói cây Phượng không lồ này có lẽ đã hơn trăm tuổi?

Kế tiếp là Sàigòn Ấn Quán, tiệm Phở Hoà Bình, nhà may Hồng Duyệt. Giữa tiệm phở và nhà may là môt con hẻm nhỏ số 29, có nhà của Hoạ Sĩ Đinh Cường ở đầu ngỏ, đi tiếp thì đến tiệm thuốc Bắc tên Đại Cồ Việt. Gia đình rất đông con. Trong số đó có một cô tên Mẫn, sinh viên Đại Học Văn Khoa. Cô có nước da trắng, dáng cao, nét hơi lai. Một thời cô Mẫn nổi tiếng về xem bói bài, được nhiều người nễ phục. Khách đến xem rất đông, phải lấy số thứ tự để chờ đến phiên mình được xem bói. Nhìn đồi diện là trường Nữ Tiểu Học Đồ Chiểu.

Để kết thúc bài viết. Xin viết ra một điều kỳ diệu, huyền bí không làm sao giải thích được:

“Tân Định và Đa Kao có lẽ là vùng đất an lành nhất của Sàigòn, Chợ Lớn và Gia đình.” Chắc là được Ơn Trên, Trời Đất, Ông Bà khuất mặt che chở và phù hộ. Vì thế bà con nơi đây lúc nào cũng sống trong thanh bình và an lạc. Mọi sinh hoạt gần như hai mươi bốn giờ, dù trong lúc chiến tranh, thiên tai, loạn lạc hay bất cứ biến cố quan trọng gì xảy ra cũng không ảnh hưởng đến địa danh này!

Đặc biệt, Tân Định và Đa Kao có nhiều đình, chùa, miếu, đền được xây cất trên đó đã từ lâu. Có cái đã tồn tại hơn một thế kỷ. Nay, thì diện tích các nơi thờ phượng, cúng bái đó đang dần dần bị thu nhỏ diện tích lại hoặc biến mất hẳn. Người ta cố tình đem dùng vào các mục đích thuơng mại, cho thuê mặt bằng, hay xây cất nhà cửa bất hợp pháp trên đó. Có vài nơi chỉ treo bảng gọi tên là đình, chùa. Nhưng thực chất bên trong thì hoàn toàn trống trơn, không có vẻ gì gọi là chỗ thờ phượng. Việc đụng chạm và xúc phạm đến những nơi thiêng liêng, tôn nghiêm đã bao đời nay có thể sẽ ảnh hưỏng phần nào đến vùng đất Địa Linh, Nhân Kiệt và an bình này trong tương lai?

Xin phép được dừng ở đây. Hy vọng các bạn đã tìm lại được một chút hương xưa của ngày tháng cũ! Tất cả chỉ còn là kỷ niệm. Nhưng

“Kỷ niệm ấy hôm nay xa rồi!
Thời gian cuốn như dòng nước trôi
Còn đâu những giây phút bên nhau
Nhìn trăng lên trong những đêm thâu
Gửi tâm tư cho mây cùng gió.”

(Kỷ Niệm Xa Rồi - Nhạc Sĩ Nguyễn Hữu Thiết)

Một lần nữa Tân Định & Đa Kao mãi mãi trong tiềm thức của chúng ta.

Trần Đình Phuớc
San José – California (Viết lại Tháng Mười, năm 2015)
Tựa đề cũ “Tân Định - Đakao Dễ Thương - Những Con Đường Vẫn Như Xưa.” viết năm 2010

Post Reply