Tình Thầy Trò

Tin tức về Thầy Cô năm xưa và nay!!!

Moderator: CNN

User avatar
khieulong
Posts: 6752
Joined: Wed Dec 01, 2004 9:09 pm
Been thanked: 1 time

Tình Thầy Trò

Post by khieulong »

TÌNH THẦY TRÒ

Kính thưa quý Thầy,
Thưa quý anh HNC,

Image

Bức hình trên đây chụp ngày 23 tháng 12 năm 2004, trong buổi lễ "Tạ ơn Thầy" do các môn sinh
của giáo sư Nguyễn Khắc Kham tổ chức tại San Jose, CA. Người trong hình là giáo sư Nguyễn Đức Hiếu, đang quỳ lạy tạ ơn Thầy Nguyễn Khắc Kham.
Mặc dù GS Nguyễn Khắc Kham đã chối từ, GS Nguyễn Đức Hiếu vẫn môt mực xin được quỳ lạy để tỏ lòng biết ơn Thầy.

Năm đó Cụ Nguyễn Khắc Kham 97 tuổi, Cụ Nguyễn Đức Hiếu cũng xấp xỉ 90.
Tôi không rõ là Cụ Nguyễn Đức Hiếu có học ngày nào với Cụ Nguyễn Khắc Kham hay không.
Nhưng Cụ Nguyễn Khắc Kham là thầy dạy trường Bưởi-Chu Văn An, và Cụ Nguyễn Đức Hiếu đã theo học tại trường.
Như thế, theo Cụ Nguyễn Đức Hiếu là đủ để một môn sinh, quỳ lạy tạ ơn một vị Thầy đã dạy tại trường mình theo học.

Đây là một bài học Đức dục, tôi luôn ghi nhớ.

Thân kính

Nguyễn Trọng Dzũng,
CVA 1956-1959

Image

Image

User avatar
phodem
Posts: 229
Joined: Sat Feb 26, 2011 4:00 am

Re: Tình Thầy Trò

Post by phodem »

Image

"THẦY ƠI?

Vất vả xa quê...nay con về thăm lại!
Mái trường xưa, hàng ghế đá sân trường
Nhớ bạn bè, Thầy Cô mãi thân thương
Hàng phượng vĩ đã bao mùa lá đổ?

Những kỉ niệm làm hành trang muôn thuở
Con buông xuôi đến lớp chỉ nghịch đùa
Rồi thời gian đến lớp cứ dần thưa
Thầy vẫn vậy! Nhẹ nhàng từng câu nói?

Thầy đã hiểu! Biết rằng con nói dối?
Lòng vị tha...cặp kính trắng sáng ngời
Những lời khuyên, con nhớ mãi Thầy ơi?
Con lầm lỗi vì ham chơi khờ dại

Dù mai sau có công thành danh toại
Vẫn nhớ về kí ức tuổi ấu thơ
Cầm tay con nắn nót chữ i tờ
Chỉ con đếm từng chiếc que trừ cộng

Công ơn đó như trời cao biển rộng
Thương học trò từng nhịp thở bước chân?
Thầy đi xa! Hình bóng mãi thật gần?
Khách sang sông...nhớ con đò bến cũ

Nay khôn lớn lòng con luôn tự nhủ?
Nhớ ơn Thầy... công lao mãi khắc ghi"


Tôn Sĩ Dũng


Tình nghĩa thầy trò



“Tôn sư trọng đạo” là quan niệm có từ xưa, là cách thể hiện tình cảm và lòng biết ơn của người học trò đối với thầy cô của mình, tình nghĩa thầy trò là điều không thể thiếu trong cuộc sống của mỗi con người, nhất là trong thời kỳ cắp sách đến trường. Tình nghĩa thầy trò là thứ tình cảm thiêng liêng nhất trong cuộc sống vì tình cảm này không dựa trên bất cứ một hình thức trục lợi nào, chân thật và thanh khiết vô cùng. Thầy là người yêu thương, dạy dỗ hướng ta đến một cuộc sống tốt đẹp hơn. Thầy luôn tận tâm và dẫn đường cho tri thức của ta, nhờ có thầy mà mỗi học sinh chúng ta có thể trở thành những người có ích cho xã hội. Thầy vừa là người cha, vừa là người mẹ, vừa là người bạn tốt mà mỗi học sinh chúng ta cần phải có, cần phải biết quý trọng trong cuộc sống này.

Cố nhân có câu: “Tiên học lễ, hậu học văn”- học lấy đạo làm người trước rồi mới học kiến thức trong sách vở. Đến trường, thầy cô như mẹ cha không chỉ giảng dạy những điều trong sách vở mà còn nhiều hơn như thế. Thầy cô đã dạy cho chúng ta yêu những câu ca dao mẹ hát du lúc còn thơ, yêu những câu chuyện cổ tích mẹ kể mỗi lúc đi ngủ; yêu cánh đồng quê bình dị, yêu bông lúa hiền đọng bao mồ hôi gian khó, yêu cánh cò nhỏ bay về trong mưa. Chính lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê ấy đã trở nên lòng yêu Tổ quốc như nhà văn người Nga Ika- Erenbua đã từng nói. Tuổi thơ em đã bao lần em vấp ngã nhưng luôn có một bàn tay đặt lên vai và đưa chúng ta đứng dậy đó là thầy giáo thân yêu của chúng ta. Thầy đã dạy cho chúng ta rằng: “Dù ở vị trí nào thì cuộc sống cũng đem đến dâng hiến cho chúng ta những giây phút tuyệt vời nhất”.

Từ ngàn xưa nhân dân ta vẫn kể cho nhau câu chuyện về đạo nghĩa thầy trò của thầy giáo Chu Văn An và học trò Thuỷ Thần – con trai của vua Thuỷ Tề. Đứng trước cảnh nhân dân chịu mất mùa, hạn hán và lời đề nghị của người thầy kính trọng, Thuỷ Thần đã làm trái lời vua cha làm mưa giúp dân thoát khỏi cảnh lầm than, cơ cực nhưng cái giá phải trả cho hành động đó của người học trò hiếu học lại là chính tính mạng của mình. Thương xót cho người học trò tài đức, không ít lần thầy Chu Văn An khóc lặng mình trước bờ sông xưa. Còn biết bao nhiêu những ông nghè, ông trạng vinh quy bái tổ vẫn không quên dừng ngựa, lễ phép vào chào thầy, lạy thầy để tỏ lòng biết ơn sâu sắc. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng thấy được nghĩa tình sâu nặng của thầy trò mà không một sức mạnh nào có thể ngăn cản được. Danh vọng ư? Tiền tài ư? Những thứ đó không là gì với những tình cảm, những lòng biết ơn sâu sắc của những con người Việt Nam sống trên một mảnh đất nghìn năm văn hiến.

Thế nhưng khi xã hội ngày càng phát triển, con người phải sống trong một môi trường đầy cạnh tranh và bận rộn. Dường như một số người quên mất những gì mình đang có và đòi hỏi quá nhiều vào những gì mình không có. Chính điều đó vô tình khiến cho con người bị mờ mắt bởi những giá trị vật chất tầm thường mà sống một cách ích kỷ, vô cảm với chính mình và mọi người. Bài học về tình nghĩa thầy trò như một hồi chuông cảnh tỉnh những ai vô tình quên đi công ơn to lớn của những người đã thêm lửa cho thành công của mỗi chúng ta đồng thời đó cũng là bài học để dăn dạy cho thế hệ sau biết được truyền thống của cha ông ta từ ngàn xưa đã hun đúc, gìn giữ.

Đoản khúc ngắn này xin dành tặng thầy cô những vị kỹ sư tâm hồn nuôi dưỡng biết bao ước mơ của bao thế hệ học trò. Cũng xin dành tặng những cô cậu học trò đang hàng ngày miệt mài đèn sách để không phụ lòng dạy bảo, công lao to lớn của các thầy cô giáo. Đi trên con đường đời thênh thang hãy tự nhắc lòng mình:

“ Muốn sang phải bắc cầu kiều
Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”.

Trần Thị Dịu

User avatar
bichphuong
Posts: 569
Joined: Mon Apr 25, 2016 12:10 am
Been thanked: 1 time

Re: Tình Thầy Trò

Post by bichphuong »

Câu chuyện cảm động về tình thầy trò
Mời bạn dành một chút thời gian để cùng suy ngẫm câu chuyện cảm động về tình cảm thầy trò dưới đây. Tin rằng qua câu chuyện, bạn sẽ cảm nhận được trọn vẹn ý nghĩa của tình thầy trò và nhận ra bạn cũng có một người thầy sống mãi trong trái tim mình để những lúc buồn vui nào đó, bạn nhớ về thầy và thầm nói rằng "Thầy (cô) là người thầy tuyệt vời nhất đời em”…

Niềm hạnh phúc của các thầy cô giáo bên học trò của mình trong ngày 20.11

Câu chuyện đã xảy ra từ nhiều năm trước. Lúc đó, cô Thompson đang dạy tại trường tiểu học của một thị trấn nhỏ tại Hoa Kỳ. vào ngày khai giảng năm học mới, cô đứng trước những em học sinh lớp 5, nhìn cả lớp và nói cô sẽ yêu thương tất cả các học sinh như nhau. Nhưng thực ra cô biết mình sẽ không làm được điều đó bởi cô đã nhìn thấy cậu học sinh Teddy Stoddard ngồi lù lù ngay bàn đầu. Năm ngoái cô đã từng biết Teddy và thấy cậu bé chơi không đẹp với bạn bè, quần áo thì lôi thôi lếch thếch, còn người ngợm thì lại quá bẩn thỉu. "Teddy trông thật khó ưa".

Chẳng những thế, cô Thompson còn dùng cây bút đỏ vạch một chữ thập rõ đậm vào hồ sơ cá nhân của Teddy và ghi chữ F đỏ chói ngay phía ngoài (chữ F là hạng kém). Ở trường này, vào đầu năm học mỗi giáo viên đều phải xem thành tích học tập của từng học sinh trong lớp mình chủ nhiệm. Cô Thompson đã nhét hồ sơ cá nhân của Teddy đến cuối cùng mới mở ra xem, và cô rất ngạc nhiên về những điều đọc được. Cô giáo chủ nhiệm lớp 1 đã nhận xét Teddy như sau: "Teddy là một đứa trẻ thông minh và luôn vui vẻ. Học giỏi và chăm ngoan... Em là nguồn vui cho người chung quanh". Cô giáo lớp 2 nhận xét: "Teddy là một học sinh xuất sắc, được bạn bè yêu quý nhưng có chút vấn đề vì mẹ em ốm nặng và cuộc sống gia đình thật sự là một cuộc chiến đấu". Giáo viên lớp 3 ghi: "Cái chết của người mẹ đã tác động mạnh đến Teddy. Em đã cố gắng học, nhưng cha em không mấy quan tâm đến con cái và đời sống gia đình sẽ ảnh hưởng đến em nếu em không được giúp đỡ". Giáo viên chủ nhiệm lớp 5 nhận xét: "Teddy tỏ ra lãnh đạm và không tỏ ra thích thú trong học tập. Em không có nhiều bạn và thỉnh thoảng ngủ gục trong lớp".

Đọc đến đây, cô Thompson chợt hiểu ra vấn đề và cảm thấy tự hổ thẹn. Cô còn thấy áy náy hơn khi đến lễ Giáng sinh, tất cả học sinh trong lớp đem tặng cô những món quà gói giấy màu và gắn nơ thật đẹp, ngoại trừ món quà của Teddy. Em đem tặng cô một gói quà bọc vụng về bằng loại giấy gói hàng nâu xỉn mà em tận dụng lại từ loại túi giấy gói hàng của tiệm tạp hóa. Cô Thompson cảm thấy đau lòng khi mở gói quà ấy ra trước mặt cả lớp. Một vài học sinh đã bật cười khi thấy cô giơ lên chiếc vòng giả kim cương cũ đã sút mất vài hột đá và một chai nước hoa chỉ còn lại một ít. Nhưng cô đã dập tắt những tiếng cười nhạo kia khi cô khen chiếc vòng đẹp, đeo nó vào tay và xịt một ít nước hoa trong chai lên cổ tay. Hôm đó Teddy đã nán lại cho đến cuối giờ để nói với cô: "Thưa cô, hôm nay cô thơm như mẹ em ngày xưa". Sau khi đứa bé ra về, cô Thompson đã ngồi khóc cả giờ đồng hồ. Và chính từ hôm đó, ngoài dạy học cô còn lưu tâm chăm sóc cho Teddy hơn trước. Mỗi khi cô đến bàn em để hướng dẫn thêm, tinh thần Teddy dường như phấn chấn hẳn lên. Cô càng động viên em càng tiến bộ nhanh. Vào cuối năm học, Teddy đã trở thành học sinh giỏi nhất lớp. Và trái với phát biểu của mình vào đầu năm học, cô đã không yêu thương mọi học sinh như nhau. Teddy là học trò cưng nhất của cô.

Một năm sau, cô tìm thấy một mẩu giấy nhét qua khe cửa. Teddy viết: "Cô là cô giáo tuyệt vời nhất trong đời em". Sáu năm sau, cô lại nhận được một bức thư ngắn từ Teddy. Cậu cho biết đã tốt nghiệp trung học, đứng hạng ba trong lớp và "Cô vẫn là người thầy tuyệt vời nhất trong đời em". Bốn năm sau, cô lại nhận được một lá thư nữa. Teddy cho biết dù hoàn cảnh rất khó khăn khiến cho cậu có lúc cảm thấy bế tắc, cậu vẫn quyết tốt nghiệp đại học với hạng xuất sắc nhất, nhưng "Cô vẫn luôn là cô giáo tuyệt vời mà em yêu quý nhất trong đời". Rồi bốn năm sau nữa cô nhận được bức thư trong đó Teddy báo tin cho biết cậu đã đậu tiến sĩ và quyết định học thêm lên. "Cô vẫn là người thầy tuyệt nhất của đời em", nhưng lúc này tên cậu đã dài hơn. Bức thư ký tên Theodore F. Stoddard - giáo sư tiến sĩ.

Câu chuyện vẫn chưa kết thúc tại đây. Một bức thư nữa được gửi đến nhà cô Thompson. Teddy kể cậu đã gặp một cô gái và cậu sẽ cưới cô ta. Cậu giải thích vì cha cậu đã mất cách đây vài năm nên cậu mong cô Thompson sẽ đến dự lễ cưới và ngồi ở vị trí vốn thường được dành cho mẹ chú rể. Và bạn thử đoán xem việc gì đã xảy ra? Ngày đó, cô đeo chiếc vòng kim cương giả bị rớt hột mà Teddy đã tặng cô năm xưa, xức thứ nước hoa mà Teddy nói mẹ cậu đã dùng vào kỳ Giáng sinh cuối cùng trước lúc bà mất. Họ ôm nhau mừng rỡ và giáo sư Stoddard thì thầm vào tai cô Thompson: "Cám ơn cô đã tin tưởng em. Cám ơn cô rất nhiều vì đã làm cho em cảm thấy mình quan trọng và cho em niềm tin rằng mình sẽ tiến bộ". Cô Thompson vừa khóc vừa nói nhỏ với cậu: "Teddy, em nói sai rồi. Chính em mới là người đã dạy cô rằng cô có thể sống khác đi. Cô chưa từng biết dạy học cho tới khi cô được gặp em".

User avatar
nangchieu
Posts: 2053
Joined: Sun Apr 19, 2009 6:38 pm

Re: Tình Thầy Trò

Post by nangchieu »

Thầy Cũ, Ơn Xưa
1966 thăm Thầy Phạm Đình Tiếu Tết Bính Ngọ

Tục ngữ Việt Nam mình có câu: “Không thầy đố mầy làm nên”. Đúng thiệt, nên tôi không dám dông dài. Có điều là chuyện của tôi đặc biệt hơn. Tôi đến với Thầy Phạm Đình Tiếu ở Trường Hồ Ngọc Cẩn như là một cơ duyên. Thầy trao cờ cho tôi phất. Nhờ Thầy mà năm 1966, tôi vừa khỏi phải thi Tú Tài II mà lại còn được học bổng đi Mỹ.

Thầy Tiếu bắt đầu dạy tôi môn Địa lý nửa năm sau của lớp đệ tam (1963 – 1964).Tôi vốn thích địa lý từ nhỏ nên chưa hề chán học giờ này với các thầy cô khác bao giờ. Gặp Thầy Tiếu, với cách dạy hào hứng của Thầy, tôi càng mê môn Địa lý hơn.

Có bạn nào còn nhớ gió Foehn là gì không? Cái thứ gió thổi ngược từ trong đất liền ra biển, hay là từ trên núi xuống đồng bằng ấy mà. Vừa khô ran, vừa nóng rát da luôn. Miền Trung Việt Nam mình thì gọi nó là gió Lào. Ai ở vùng Nam California thì biết nó là Santa Ana wind. Tôi đã say sưa nghe Thầy Tiếu đi tới đi lui trong lớp nói về thứ gió này ở châu Âu, tại sao nó lại là gió nóng để rồi sau này, mỗi lần được hưởng nó là tôi lại nhớ tới Thầy.

Rồi các bạn có biết tại sao mình bay từ Việt Nam qua Mỹ thì nhanh hơn là mình bay từ Mỹ về Việt Nam không? Nhanh hơn cả một, hai tiếng đồng hồ đó nha! Đó là nhờ luồng “Jet Stream” mà Thầy Tiếu đã dạy năm đệ tam í. Từ khi có máy bay phản lực bay ở cao độ 10-15 ngàn mét (tức là 30-45 ngàn feet), người ta mới khám phá ra luồng gió này. Vì vậy mà ngành khí tượng mới đặt tên cho nó là Jet Stream. Nó thổi cùng chiều với vòng quay của trái đất, tức là từ Tây sang Đông và nó là tác nhân gây ra đủ thứ rắc rối về thời tiết trên đời. Nghe lùng bùng lỗ tai chưa nè?

Bạn nào chê học địa lý hình thể khô khan? Hổng có tôi trong đó đâu nha! Thầy Tiếu làm tôi mê nào là núi đá hoa cương, nào là đồng bằng do sa thạch từ đáy biển trồi lên, nào là các đảo do núi lửa tạo thành. Đừng nghĩ bậy nhe! Chưa kể là nhờ có các hiện tượng thời tiết xâm thực lên đất đá nên chúng ta mới có những kỳ quan thiên nhiên như các hẻm vực hay hang động khắp nơi.

Quý bạn thông cảm!

Tôi có duyên với địa lý từ hồi bảy, tám tuổi lận!

Khoảng năm 1955, 1956 thì Ba tôi đưa gia đình về quê ở Ba Tri- Bến Tre sau khi Ông nội tôi qua đời. Từ cuộc sống thành thị, tôi bỡ ngỡ khám phá cuộc sống nông thôn. Ông nội tôi lúc sinh thời là hương chức trong làng An Bình Tây. Tôi khám phá ra trên án thư của ông là một tập họa đồ vẽ tay bằng mực tàu. Nét vẽ và chữ viết rất sắc sảo gây ấn tượng mạnh trong cái đầu còn như tờ giấy trắng của tôi. Những địa danh lạ tai làm tôi thắc mắc và tò mò tìm hiểu. Từ làng An Bình Tây tôi dò ngón tay qua các làng lân cận như An Đức, An Hòa. Từ quận Ba Tri tôi lật qua các quận khác trong tỉnh Bến Tre như Giồng Trôm, Bình Đại. Rồi tự nhiên tôi tìm được sự liên hệ giữa khoảng cách trên bản đồ và khoảng cách thật sự ngoài đời…

Có ai còn nhớ tỉ lệ xích không? Nó đó! Rồi thì phương hướng, kim nam châm và la bàn. Hồi đó đám con nít trong xóm phục lăn khi tôi chẻ một cọng rơm làm hai theo chiều dọc rồi đặt cây kim may lên đó. Tôi cho nó nổi trong tô nước rồi chỉ tụi nó đâu là hướng Bắc và suy ra các hướng khác cho tụi nó hết cãi luôn.

Kịp đến khoảng giữa năm 1958 thì Ba tôi dắt gia đình trở lên Sài-gòn, định cư ở vùng Cầu Sơn, cách ngã ba Hàng Xanh một đỗi không xa. Lúc học lớp nhứt cho tới năm đệ ngũ, tôi đi học bằng xe buýt vàng hay xe buýt xanh. Ngày nghỉ sau khi phụ Má tôi bán bánh mì xong là tôi ra leo lên xe buýt đi chơi. Hồi đó học sinh đi đâu cũng chỉ tốn có một đồng. Từ ngã ba Hàng Xanh tôi đi ra trạm chánh ở Bùng binh Sài-gòn rồi đổi xe đi mút chỉ đến cuối mỗi lộ trình. Chữ “tuyến đường” mới có sau này thôi. Xe buýt vàng thì chạy lòng vòng các lộ trình Thị Nghè – Bà Chiểu – Chi Lăng - Phú Nhuận- Ngã tư Bảy Hiền. Xe buýt xanh thì từ Sài-gòn túa ra các hướng đi Cây Gõ, đi Gò Vấp, đi Phú Nhuận, đi Lăng Cha Cả...Đó, địa lý nó thấm vô máu tôi như vậy đó!

Qua năm đệ tứ tôi có được xe đạp riêng để đi học luyện thi Trung học Đệ nhất cấp thì tôi khám phá thêm những con đường ở Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định và những năm tiếp theo tôi còn dám đạp xe lên tới Gò Vấp, Quang Trung và Biên Hòa nữa kìa! Cái máu phiêu lưu bắt đầu từ thuở ấy!

Thành ra khi gặp lại Thầy Tiếu năm đệ nhất (1965 – 1966) thì tôi mừng lắm. Năm ấy Thầy dạy cả hai môn Sử và Địa. Tôi say mê những bài giảng của Thầy, nhất là những bài về địa lý chính trị và nhân văn. Trừ lúc đầu giờ đứng trên bục viết dàn bài, Thầy Tiếu thích đi tới đi lui hay ngồi tựa vào cạnh một bàn học trò để giảng bài. Thầy thích mặc áo sơ-mi ca-rô ngắn tay, tóc húi cua, tiếng nói to, giọng miền Trung nhưng không nặng nên dễ nghe. Thầy đi tới đâu là tôi ngoảnh cổ theo Thầy. Tôi say sưa nhìn cánh tay của Thầy đưa lên xuống hay đưa qua lại kèm với bàn tay lúc nắm lúc mở để diễn tả những điều Thầy muốn truyền đạt. Thầy hay gọi học trò bằng “mi”.

- “Này, tụi mi biết không! ở xứ người ta nửa đêm đèn đỏ mà xe vẫn ngừng lại chờ đèn xanh mới đi, kỷ luật tự giác đến mức như thế đó!”

Thầy Tiếu lúc ấy chưa xuất ngoại lần nào. Thầy tốt nghiệp từ Trường Đại học Sư phạm nhưng Thầy khoe là quen biết nhiều giáo sư ở Đại học Văn Khoa Sài-gòn, như Tiến sĩ Quách Thanh Tâm tốt nghiệp ngành Địa lý ở Pháp về…Tôi say mê lắng nghe Thầy kể chuyện ngoại quốc để mà ước, để mà mơ...

Tôi cảm thấy như là trong mỗi bài giảng, Thầy Tiếu muốn nhắn nhủ và tâm tình với học trò về những mơ ước của Thầy. Khi được biết Thầy đã ra đời đi dạy, đã có vợ mà vẫn còn học lên nữa thì tôi phục lắm. Đúng là một ông thầy mẫu mực cho học trò noi gương!

Ngay cả môn Sử khô khan Thầy Tiếu cũng làm cho những bài học có hồn. Thầy liên hệ những sự kiện với giai thoại cho học trò dễ nhớ. Cái nhìn chung là Sử và Địa chẳng ăn nhậu gì với nhau mà sao ghép lại làm khổ học trò? Tôi vỡ lẽ ra khi nghe Thầy giải thích:

- “Tụi mi phải nhìn Sử, Địa như ri: Cả hai đều nghiên cứu về con người. Sử nghiên cứu con người trong phạm trù thời gian còn Địa thì nghiên cứu con người trong phạm trù không gian. Những diễn biến lịch Sử trong Đệ nhị thế chiến đã thay đổi bản đồ thế giới như thế nào, tụi mi thấy đó!”

Cái duyên địa lý của tôi với Thầy Tiếu lên cao thêm một bậc khi gần cuối niên học 1965-1966. Năm đó bỗng dưng rộn ràng chuyện Bộ Giáo dục tổ chức kỳ Thi đua Trung học toàn quốc. Các trường công, tư náo nức chọn gà ra sân đấu. Gà được chọn theo tiêu chuẩn là: Đứng hạng nhất, nhì, ba toàn năm học đệ nhất trong lớp và đứng hạng nhất cả hai lục cá nguyệt cho môn đi dự thi. Hội đồng giáo sư Trường Hồ Ngọc Cẩn chọn ra được mấy con gà, trong đó có Nguyễn Lê Anh đi thi Toán và Lý-Hoá, còn tôi thì đi thi Sử-Địa.(Sau này tôi được biết thêm là có một gà HNC chạy lạc sang bên Petrus Ký năm đệ nhất, đó là Ngô Kim Bảng lớp Pháp văn. Bảng đi thi Toán, Lý-Hóa cho Petrus Ký).Gà đi thi môn nào thì giáo sư dạy môn đó chịu trách nhiệm o bế, kèm cặp. Tôi đã nghe phong thanh tin này rồi mà khi Thầy Tiếu vào lớp chính thức thông báo, trong bụng tôi vẫn cứ đánh lô tô nhưng chắc cái lỗ mũi của tôi phồng dữ lắm. Thấy tôi lúng ta lúng túng, Thầy cười:

- “Sao mi run mà mắt sáng rỡ hỉ? Ráng lên, cuối tuần này mi bắt đầu phải đến nhà tao học thêm.”

Tôi không nhớ Thầy xưng hô với lớp là gì, riêng tôi thì vẫn nhớ chữ “tao” mà Thầy xưng với tôi. Tôi ngầm hiểu là được Thầy cưng. Tôi ví mình như là đệ tử ruột của sư phụ trong chuyện kiếm hiệp.

Mà tôi được cưng thiệt.Thầy Tiếu trao cho tôi nhiều thứ bửu bối lắm nha! Về Sử, Thầy đưa cho một số tài liệu mà Thầy dặn là không được khoe với người ngoài. Thầy đoán là đề thi môn Sử nhắm vào cuộc kháng chiến chống Pháp. Tôi được đọc những sách và tài liệu về Quốc Dân Đảng ở Việt Nam, về ông Nguyễn Hải Thần, về phong trào Việt Minh...Tài liệu nhiều cái quá sức hiểu biết của tôi lúc ấy nên bài thi thì coi như trúng tủ nhưng mà tôi không đủ sức làm, và cũng không có thí sinh nào làm nổi nên môn Sử năm ấy không có giải thưởng nào.

Về Địa, tôi như bị hớp hồn với cuốn bản đồ Atlas của Rand McNally mà Thầy cho mượn. Tôi mê mẩn chở sách về, trong lòng sướng rơn lên. Bìa nó cứng, màu đỏ, bề ngang hơn hai gang tay, bề dài hơn ba gang tay, bề dầy gần ba đốt lóng tay, nặng chắc phải vài kí lô. Tôi nâng niu, chăm chút nó trong lòng khi mở ra học. Những lời Thầy giảng như càng rõ thêm khi mở sách ra. Ai nhìn bản đồ thấy nó chi chít rối mù chứ tôi thì nhìn vô càng thêm sáng ra. Những màu sắc, những ký hiệu, ngay cả độ lớn nhỏ của mỗi địa danh đều được sắp xếp có hệ thống để cung cấp thông tin. Đối với tôi, bản đồ là một vật sống chứ không phải vô hồn. Cuốn Atlas có đủ loại bản đồ trong đó, về hình thể, về chính trị, về dân số, về tài nguyên, v.v...

Trước khi đi thi một tuần, Thầy Tiếu dặn dò tôi tập trung vào ba cặp quốc gia: Mỹ và Liên Xô, Trung Hoa và Ấn Độ, Anh và Nhật mà Thầy nghi là họ sẽ cho trong một đề tổng hợp. Thầy giải thích và phân tích những điểm tương đồng và dị biệt trong mỗi cặp và dặn tôi ráng nhớ vẻ các bản đồ để chứng minh lý luận của mình. Đề thi Địa năm đó là: So sánh Anh quốc và Nhật Bản. Tôi trúng tủ!

Kỳ thi đua Trung học Toàn quốc năm 1966 được tổ chức tại Trường Trưng Vương trong tháng năm, khoảng hai tháng trước kỳ thi Tú Tài II phổ thông. Thí sinh khắp nơi trên toàn quốc về dự tranh. Mỗi môn thi một ngày, qui định cho giờ thi là từ 8 giờ sáng đến 2 giờ trưa.Thí sinh chỉ được mang theo viết, mực (cấm xài viết nguyên tử), thước kẽ, viết chì và thức ăn nhẹ. Giấy làm bài thi và giấy nháp do Bộ cung cấp.

Khác với ngày thi môn Sử tôi chỉ làm bài được vài tiếng đồng hồ rồi tắt tịt, ngày thi môn Địa tôi làm bài muốn hụt hơi luôn. Đến trưa thì phải vừa viết vừa nhai bánh mì cho kịp giờ. Sau khi soạn ra dàn bài, tôi phải canh giờ để làm từng phần. Cái kiểu viết vài ba chữ lại phải chấm mực làm tôi sốt ruột không ít, mà phải chịu vậy. Tôi đã ngồi liền tù tì sáu tiếng đồng hồ, xài khoảng mười trang giấy trong đó phải vẻ năm, sáu cặp bản đồ minh họa. Tối hôm ấy tôi trình lại với Thầy Tiếu diễn tiến hai ngày đi thi. Thầy lắc đầu bài thi môn Sử, chê Bộ cho bài quá cao. Thầy gật gù bài thi môn Địa của tôi làm, mừng cho tôi trúng tủ. Lúc tôi chào ra về, Thầy vổ vổ vai tôi: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên hỉ? Thôi mi về học luyện thi tiếp với bạn đi!”

Một buổi sáng đẹp trời tin mừng đến tai tôi nhưng tôi đâu dám tin liền. Tin là sáng hôm ấy trên Đài Phát thanh Sài-gòn, Bộ Giáo dục thông báo kết quả Kỳ Thi đua Trung học Toàn quốc. Sáng sớm nào tôi cũng mắc bận phụ Má tôi sắp soạn các thứ rồi đẩy xe bánh mì ra Ngã ba Hàng Xanh trước khi đi học nên tôi đâu có nghe tin tức bao giờ. Trong lúc sắp hàng vô lớp là tôi đã nghe tiếng xầm xì: “Thằng Lý lùn trưởng lớp mình đạt giải nhứt Địa lý tụi bây ơi! Tao nghe ra-đi- ô sáng nay.” Nhiều đứa không tin, mà tôi cũng không dám tin dù nghe có khoái cái lỗ tai thiệt. Cho tới khi Thầy Tiếu bước vô lớp, miệng cười tay chỉ mặt tôi: “Thằng Lý, mi ăn mừng đi. Gà của Trường Hồ Ngọc Cẩn thắng giải nhất môn Địa lý! Sướng chưa hỉ?” Tôi chỉ biết đứng dậy lúng búng nghẹn ngào cám ơn Thầy: “ Dạ, em có làm gì đâu. Mọi chuyện nhờ Thầy hết mà!” Giây phút thăng hoa ấy thật tuyệt vời!

Khoảng mười ngày sau thì tôi được kêu lên văn phòng. Thầy Hiếu, Hiệu Trưởng HNC, bắt tay chúc mừng và trao thư mời của Bộ đến Ba Má tôi. Bộ Giáo dục cũng mời Thầy Hiệu Trưởng và Thầy Tiếu tham dự buổi lễ trao giải thưởng tổ chức tại Trường Quốc gia Âm nhạc vào giữa tháng sáu năm 1966. Tôi hãnh diện lắm, năn nỉ Má tôi nghỉ bán một buổi đi dự để tôi khoe Thầy ruột của mình. Ba tôi thì khỏi nói, ổng mua được tờ báo có đăng tin của đài phát thanh đi khoe tùm lum trong xóm.

Tôi vẫn nhớ mãi cái ngày trọng đại ấy vì mấy thưở mà được đi taxi. Thầy Tiếu gặp Ba Má tôi thì “ Chúc mừng hai bác!”. Thầy Hiếu trông rất bệ vệ, tươi cười. Tôi đâu khoảng người thứ tám lên lãnh thưởng, như đi trên mây. Tôi nhận được Giấy Ban Khen và một bao thơ. Kết quả chung là có chừng hơn mười giải thưởng, trong đó tôi biết chắc là ngoài tôi thì còn một giải nhất nữa cho môn Vạn vật. Má tôi chấm cô nàng giải nhất này, tên Hương, mà số không duyên nợ nên tôi chẳng bao giờ gặp lại.

Về nhà mở bao thơ ra thì ngoài số tiền thưởng hai ngàn đồng, tôi được một ngạc nhiên lớn khác: Chứng chỉ Tú Tài II. Vậy là tôi đậu luôn Tú Tài II rồi sao? Tôi tức tốc đạp xe qua nhà Thầy Tiếu để hỏi thực hư. Thầy cũng ngớ ra, chưa thấy cái chứng chỉ nào như vậy. Gì đâu mà Ban: Địa lý; Hạng: Đương nhiên!. Chứng chỉ của người ta thì Ban: A, B, hoặc là C; Hạng thì Ưu, Bình, Bình thứ hoặc là Thứ. Tôi hoang mang cả mấy tuần cho tới khi biết chắc ăn là coi như mình được miễn thi Tú Tài II phổ thông. Với cái chứng chỉ Tú Tài không giống ai ấy, tôi đã nghe lời bạn bè nộp đơn xin học bổng và đã được chọn đi du học ở Mỹ năm 1967.

Tháng sáu năm 2016 này là đúng 50 năm ngày tôi thi đậu Trung học Toàn Quốc. Thầy Tiếu nay không còn nữa để tôi thăm hỏi. Nghe nói là sau cuộc đổi đời thì Thầy có cơ hội đi Pháp, lấy được bằng Tiến sĩ Địa lý bên đó rồi đi dạy cho tới khi Thầy mất.

Tôi viết bài này như là một nén hương lòng để tưởng nhớ và mãi mãi ghi khắc công ơn dạy dỗ đặc biệt của Thầy.

Tháng 5, 2016
Minh Phú Lê Tân/ VMLý

User avatar
khieulong
Posts: 6752
Joined: Wed Dec 01, 2004 9:09 pm
Been thanked: 1 time

Re: Tình Thầy Trò

Post by khieulong »



Đăng lại hình ảnh tiệc mừng Thượng Thọ 90 tuổi của Thày Hiệu Trưởng NGUYỄN ĐỨC HIẾU (01/7/2007)

User avatar
phodem
Posts: 229
Joined: Sat Feb 26, 2011 4:00 am

Re: Tình Thầy Trò

Post by phodem »

Image TẾT CỦA TẦU HAY TẾT CỦA TA?

Như chúng tôi đã chứng minh lịch sử Trung Hoa thời cổ đại là lịch sử của đại tộc Việt vì lịch sử Trung Quốc chỉ bắt đầu từ triều Thương là triều đại đầu tiên của Tàu Hán sau khi tiêu diệt nhà Hạ của tộc Việt năm 1766 TDL như sách sử Trung Quốc đã ghi chép. Cuộc hội thảo “Nguồn gốc của nền văn hóa Trung Hoa” của các nhà Trung Hoa học trên toàn thế giới kể cả Trung Quốc tổ chức tại đại học Berkeley California năm 1978 đã xác định tộc người Di Việt là tộc người đầu tiên cư trú ở trung nguyên lãnh thổ TQ bây giờ.

Cổ sử Trung Hoa chép rằng từ thời cổ đại cho tới Nhà Hạ vẫn lấy ngày mồng một tháng giêng là ngày Tết của người Việt cổ. Nhà Hạ ăn tết nhằm cung dần, dựa theo nông lịch tức tiết đầu xuân lúc khởi đầu có sấm. Trong lễ hội dân gian, người Việt cổ xem trọng nhất là Tết. Tết là phong tục truyền thống của người Việt từ xa xưa cho đến ngày nay. Dân gian vẫn thường phân biệt là Tết ta và Tết Tây chứ không ai nói là tết Tàu vì chỉ dân tộc Việt Nam mới có chữ “TẾT” mà thôi, Tàu Hán không có chữ tết nên Tết là của Việt Nam chứ không phải của Tàu.

Thật vậy, trong Kinh Lễ viết Tế-Sạ # Tết mà Khổng Tử, người thầy muôn đời của người Trung Quốc đã giải thích với học trò:"Ta không biết Tết là gì, nghe đâu đó là tên của một ngày lễ hội lớn của bọn nguời Man, họ nhảy múa như điên, uống ruợu và ăn chơi vào những ngày đó, họ gọi tên cho ngày đó là "Tế-Sạ". Điều này chứng tỏ rằng người Trung Quốc không có tết và Kinh Lễ là của người Việt cổ nên tên gọi tết cổ của người Thái là chi Âu Việt trong Bách Việt cũng gọi Tết là Thê-Sa. Trong khi đó, chính sách sử của Trung Quốc ghi rõ phong tục tết Nguyên Đán của người Việt trong “Tùy Thư (Địa Lý Chí) như sau: “Năm nào đến ba ngày Tết Nguyên đán, người ta cũng dọn cỗ bàn linh đình cúng tổ tiên… “.

Các công trình nghiên cứu đã tìm thấy hoa văn trên mặt trống đồng Ngọc Lũ là một sơ đồ Âm Lịch, với những tháng đủ, tháng thiếu, có đêm trăng tròn, trăng khuyết, hay không có trăng, lại có cả năm nhuận và chu kỳ 18 năm để tính tháng dư, cũng như có những chỉ vạch về 4 mùa trong năm. Sử Trung Hoa có ghi, vào đời vua Nghiêu ( 2356-2255 TCN) đã biết vị trí nhị thập bát tú, nhật nguyệt ngũ tinh, đã định năm là 365 ngày, đã biết đặt tháng nhuận nầy.

Sách “Hoàng Đế Ngũ Gia Lịch (Tam thập tam quyển)” chép: “Người Trung Hoa tức Hoa Hạ là người Việt Cổ in lịch trên sách và lịch 365 ngày. Thiên Can, Địa Chi tính năm tháng ngày theo chu kỳ thập lục hoa giáp. Người Giao Chỉ khắc lịch vào mặt trống đồng và tính chu kỳ 18 năm và những bội số của 18 ấy. Tỉ như 180 là gồm 3 lần lục thập hoa giáp (180=3x60) . Kết quả vẫn như nhau vậy . Đặc biệt, người Việt cổ có một sắp xếp ngày tháng năm của quyển lịch cho tiện dụng hàng vạn năm thì đã thật là một sáng chế rất văn minh và khoa học rất hợp lý và nhất là khi chúng ta được biết trong cùng thời kỳ chưa thấy một dân tộc nào có một quyển lịch hay như người Việt cổ đã sáng chế (Âm lịch hay Dương lịch ).

Thật vậy, sau khi tộc Thương (Hán tộc) đánh đuổi Nhà Hạ (Việt tộc) khỏi Hoa Bắc thì Hán tộc chọn ngày 1 tháng 12 âm lịch là Tết Nguyên Đán, đến triều Chu chọn ngày 1 tháng 11 âm lịch, triều Tần chọn ngày 1 tháng 10 âm lịch cho cả Trung Quốc. Mãi đến thời Hán Vũ Đế chịu ảnh hưởng của văn hoá Bách Việt phương Nam nên chọn lại ngày 1 tháng giêng là Tết Nguyên Đán. Ngày nay, Trung Quốc lại chọn ngày 1 tháng 1 Dương lịch tức Tết Dương lịch của Tây phương làm ngày Tết.

Thế nhưng dân gian Hoa Nam và Hoa Đông là người Trung Quốc gốc Việt cổ vẫn “Ăn Tết” vào ngày mồng 1 tháng giêng. Truyền thống ăn Tết Nguyên Đán ảnh hưởng lên toàn thể dân Trung Quốc gốc Hán nên thế giới hiểu lầm cho rằng ngày Tết Nguyên Đán là của người Trung Quốc. Ngày nay, sự thật lịch sử đã được phục hồi và chúng ta, những người Việt Nam tự hào hãnh diện về nền văn minh Việt cổ. Trong khi Nhật Bản, Trung Quốc đã chọn ngày Tết Dương Lịch, nhưng dân tộc Việt Nam trước sau như một vẫn bảo lưu truyền thống “Nông lịch” của người Việt cổ lấy ngày mồng một tháng giêng Âm lịch là ngày Tết Nguyên Đán còn gọi là Tết Ta để phân biệt với Tết Dương lịch 1 tháng 1 Dương lịch là Tết Tây.


TẾT NGUYÊN ĐÁN LÀ GÌ?


Truyền thuyết xa xưa kể lại rằng Đế Chuyên Húc, ông vua Việt cổ thời cổ đại gọi tháng giêng là NGUYÊN, gọi mồng một là ĐÁN rồi ghép lại là Nguyên Đán tức mồng một tháng giêng. Tầm nguyên ngữ nghĩa của hai chữ Nguyên Đán sẽ cho ta thấy rõ hơn ý nghĩa và tầm quan trọng của Tết Nguyên Đán. Nguyên là mới bắt đầu, Đán là một chữ tượng hình, ở bên trên là chữ nhật chỉ mặt trời, bên dưới là chữ nhất thay cho mặt bằng phẳng khiến chúng ta liên tưởng mặt trời từ từ lên cao, tượng trưng cho một ngày mới bắt đầu. Nguyên Đán là ngày đầu năm đầu tháng giêng Âm lịch. Do đó, Tết Nguyên Đán là ngày đầu tiên của tiết đầu của một năm mới.

Tiền nhân chúng ta gửi gấm truyền thuyết khởi nguyên dân tộc, bức thông điệp hàng ngàn năm lịch sử trong những câu truyện cổ tích. Không phải ngẫu nhiên mà truyện cổ tích về đời vua Hùng thứ 8 sau khi nhờ Phù Đổng Thiên Vương “Cậu bé nhà Trời” phá tan giặc Ân đã chọn người con thứ 9 là Lang Liêu để truyền ngôi. Đặc biệt, truyền thuyết dưới dạng truyện cổ tích Việt Nam về lễ Tết lưu truyền trong dân gian từ bao đời nay gắn liền với ý niệm cha Trời, mẹ Đất. Ý niệm về Đất Trời được thể hiện qua hình tượng Bánh Chưng bánh dày ngay từ thời vua Hùng thứ tám (Sách sử xưa viết là vua Hùng thứ sáu vì không kể Kinh Dương Vương và Lạc Long Quân, chỉ tính từ vua Hùng thứ nhất. Thực ra phải nói là vua Hùng thứ tám mới đúng theo quốc phổ ghi trong Bách Việt Ngọc Phả Truyền Thư và phù hợp với niên đại lịch sử).

Đối với người Việt, cái Tết có một ý nghĩa đặc biệt trong đời sống. Thật vậy, ngoài cái giờ phút thiêng liêng chuyển đổi của đất trời qua “Giao thừa” sang năm mới, mọi người trong gia đình mỗi người đều mang một tâm trạng riêng, nhớ tới những người thân đã khuất còn hiển hiện quanh đây, trong không khí ấm cúng của gia đình đêm ba mươi tết. Trên bàn thờ với đĩa ngũ quả gồm 5 loại trái cây là trái sung, trái mãng cầu, trái dừa, đu đủ, xoài nói lên ước vọng tâm tư dân dã miền Nam. Cầu (mãng cầu) trời khấn phật cho vừa (dừa) đủ (đu đủ) xài (Xoài). Người Việt miền Bắc thì trong đĩa ngũ quả phải có một chùm quả Sung ước mong sự sung túc cho gia đình.

Bàn thờ tiên tổ khói hương nghi ngút, đan quyện linh hồn những người đã khuất với kẻ còn sống dưới mái ấm gia đình đang tưởng nhớ tới họ. Tết nhất cũng là dịp gia đình đoàn tụ xum vầy, cháu con dù đi làm ăn xa đến đâu nếu có phương tiện vẫn trở về mái ấm gia đình, để hàn huyên tâm sự chia xẻ những khó khăn trong cuộc sống.

Tại sao dân gian thường nói là “Mồng một tết cha, mồng hai tết mẹ, mồng ba tết thầy”?

“Ý nghĩa cao đẹp nhất của ngày Tết truyền thống Việt là “Tạ Ơn”, đạo lý làm người của dân tộc Việt Nam. Thật vậy, Giờ phút “Giao Thừa” chuyển đổi từ năm cũ sang năm mới, dân gian Việt Nam nhà nào cũng bày một mâm hoa quả trước sân nhà để cúng Trời Đất, cảm tạ Trời Đất đã ban sự sống cho con người, cảm tạ ông bà Tiên Tổ đã sinh thành ra mình để có được ngày hôm nay nên dân gian ở Bắc Việt ngày Tết thường hành hương về Đền Hùng để tạ ơn trời đất, tạ ơn Quốc Tổ Hùng Vương lập nước Việt Nam. Truyền thống dân gian Việt là “Mồng một tết cha, mồng hai tết mẹ, mồng ba tết thầy” đã nói lên đạo hiếu của bổn phận làm con và truyền thống “Tôn sư trọng đạo” của người Việt. Ngày mồng một tết, sau khi chúc tuổi thọ cha mẹ biểu trưng lòng biết ơn cha mẹ đã sinh thành nuôi dưỡng dạy dỗ nên người, dân gian còn phải đến chúc tết các bậc trưởng thượng trong dòng họ rồi chúc tết bà con cô bác, hàng xóm láng giềng.

Dân gian nói rằng “mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy” chính là truyền thống “Lễ Tết”, uống nước nhớ nguồn, công đức sinh thành và Tôn sư Trọng đạo của dân gian tự xa xưa. Theo quan niệm của ông cha ta, tết “cha” có nghĩa “họ hàng bên nội”. Do đó, “mùng 1 Tết cha” con cháu phải mang theo lễ vật để biếu Tết các bậc trưởng thượng bên Nội nên dân gian thường nói đi tết hàm nghĩa là biếu quà Tết. Tất cả dòng họ đến nhà Từ Đường của Trưởng Thượng trong dòng họ để cúng bái Tổ tiên và chúc Tết ông bà, cha mẹ để tỏ lòng thành kính. Trong giờ phút trang nghiêm này, ông nội thường mặc quốc phục áo dài khăn đóng, cha thì mặc âu phục (áo vét) chỉnh tề, ông bà cha mẹ ngồi trong nhà. Con cháu ăn mặc đẹp đẽ tươm tất để tỏ lòng thành kính, đứng khoanh tay chúc Tết Ông bà rồi cha mẹ. Ông bà cha mẹ cũng chúc con cháu ngoan ngoãn, học giỏi và “mừng tuổi” trong Nam gọi là “Lì xì” cho con cháu mong con cháu có "lộc" ngày đầu năm và cả năm tài lộc sung túc.

Sau những nghi thức vừa trang trọng vừa đầm ấm trên, cả gia đình sẽ cùng nhau “ăn Tết”. Mâm cỗ ngày Tết thường rất thịnh soạn, bao giờ cũng có đầy đủ các món ăn ngon nhất trong năm, đại gia đình các cụ thì nhâm nhi chai rượu tết rồi khề khà ngâm vịnh: “ Nén hương khói toả thờ Tiên Tổ, Chén rượu ngâm nga chúc Chúa Xuân ...!”, con cháu thì vừa ăn vừa trò chuyện vui vẻ. Ngày tết đại gia đình đoàn viên dù làm ăn ở đâu xa cũng tìm mọi cách trở về nhà vui ba ngày tết nên dân gian mới có thành ngữ “Vui như Tết”… Truyền thống Lễ Tết Tết ngày đầu xuân bao giờ cũng để lại ấn tượng sâu đậm trong tâm khảm nên chúng ta ai ai cũng nhớ về tuổi thơ nồng ấm khó quên mỗi dịp Xuân về… Sau khi cúng gia tiên, ăn Tết ở nhà bậc trưởng thượng (đầu họ) xong, họ hàng sẽ rủ nhau đi chúc Tết anh em họ hàng thân thiết bên nội, đến từng nhà chú bác để trò chuyện vui vẻ và chúc nhau có đầy đủ sức khỏe, năm mới an lành, hạnh phúc, an khang thịnh vượng.

Sang đến ngày mùng 2 Tết, theo thông lệ, vợ chồng con cái sẽ đi chúc Tết bên nhà ngoại. Truyền thống “Tết mẹ” cũng trang trọng và thành kính tràn đầy “mẫu tử tình thâm”. Con cháu chúc Tết ông bà và lại được nhận tiền “Mừng tuổi” trong bao “lì xì” màu đỏ chói tượng trưng cho may mắn, hên suốt năm.

Ngày mùng 3 Tết, truyền thống xa xưa của dân tộc “Tôn Sư Trọng Đạo”, ăn quả nhớ người trồng cây nhớ thầy cô đã dạy dỗ mình nên người, học hành thành đạt dược như ngày nay. Ngày nay, giới trẻ thường rủ nhau đến chúc Tết thầy cô giáo. Đây vừa là dịp thăm hỏi, tỏ lòng biết ơn thầy cô vừa là thời điểm để bạn bè có cơ hội gặp gỡ, chúc nhau gặp nhiều điều may trong những ngày Tết đến, xuân về. Tham khảo các sách viết về phong tục của dân tộc Việt như sách “Nam âm Sự loại”, sách Hán Nôm, do Vũ Công Thành soạn và đề tựa vào năm 1925 chỉ ghi Mồng một Tết cha, mồng ba Tết thầy, chứ không có đoạn mồng hai Tết mẹ. Sách khảo cứu lễ tiết về dịp Tết Nguyên đán của các cụ Phan Kế Bính, Toan Ánh, Nhất Thanh cũng không nói chuyện Tết mẹ, hay Tết bên ngoại như thế nào.

Phan Kế Bính là nhà Nho đỗ cử nhân Hán học năm 1906, vừa là nhà báo thuở giao thời giữa cựu học và tân học trong Phong Tục Việt Nam ấn hành năm 1915 đã viết “ Sáng mồng một thì làm cỗ cúng gia tiên… Cúng xong thì con cháu ra mừng tuổi ông bà cha mẹ, lạy hai lạy. Ông bà cha mẹ mừng cho con cháu mỗi đứa một vài xu hoặc một vài hào gọi là tiền mừng tuổi. Cúng gia tiên thì phải cúng ở nhà cha bên nội, theo phong tục xưa. Đó đích thị là mồng một Tết cha vậy”. Theo quan điểm của chúng tôi thì đây là quan điểm Nho giáo “Trong Nam khinh Nữ” nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô lỗi thời cùa Nho giáo xa xưa.

Ngày xưa nho sinh thi cử đỗ đạt thì ra làm quan cho triều đình, nho sinh nào thi rớt thì về làng làm “ Thầy đồ” dạy cho trẻ em trong làng. Thời đó chỉ có một số trường do triều đình tổ chức ở kinh thành, tại các thôn làng địa phương chưa có các trường công lập như bây giờ nên “Thầy Đồ” không có lương bổng mà sinh sống nhờ gia đình các con em học trò chu cấp tùy theo hoàn cảnh gia đình. Con em muốn đến học thày đồ thì gia đình sắm lễ vật “Nhập môn” đem đến nhà Thày dâng Lễ để xin làm môn đệ. Học trò quỳ lạy thầy hai lạy, Thày chọ ngày “Tế Thánh” rồi mở lớp học. Trong các ngày lễ tết như Tết Nguyên đán, Tết thanh minh, Tết đoan dương, Tết Trung thu, mùa nào thức ấy, hoặc cặp gà thúng gạo, hoặc đường mứt bánh trái, hoặc dăm ba quan tiền đem đến tết thầy. Đạo lý thầy trò ngày xưa rất trọng, học trò kính trọng Thầy như Cha. Nhà thầy có việc hiếu hỉ, thì trò trưởng tràng, chăm lo như việc của chính nhà mình. Khi thầy quy tiên, học trò cũng để tang ba năm, nhưng là “Tâm Tang” nên không phải mặc tang phục nhưng tang chế đầy đủ.

Sở dĩ trước các nhà nho viết là “Mồng một tết cha, mồng ba tết thầy” là chịu ảnh hưởng chế độ gia trưởng của Nho giáo và cũng theo vần điệu “Cha), mồng “Ba”… cho dễ nhập tâm. Trái lại, dân gian Việt nói “Mồng một tết cha, mồng hai tết mẹ, mồng ba tết thầy” chính để nói lên quan niệm “Tứ thân phụ mẫu”, kính bên nội, trọng bên ngoại như nhau để chống lại quan điểm trong nam khinh nữ, quan điểm “Quân, Sư, Phụ” đặt nhà vua trên hết, để thày trên cả cha mẹ của Nho giáo cổ hủ lỗi thời…Tóm lại, câu nói dân gian “Mồng một tết Cha, mồng hai tết Mẹ, mồng ba tết Thầy” thể hiện truyền thống cao đẹp của một dân tộc có gần năm ngàn năm văn hiến đã nói lên đạo lý “Uống nước Nhớ nguồn”, lòng kính trọng và biết ơn công đức sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, kính trọng và biết ơn công lao Dạy dỗ của thầy cô trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc Việt từ xa xưa mãi đến muôn đời sau.

Phạm Trần Anh

User avatar
VuPhong
Posts: 2909
Joined: Wed Dec 01, 2004 4:28 pm

Re: Tình Thầy Trò

Post by VuPhong »

Image

Thầy Hiệu Trưởng

Cách nay đã lâu lắm, vào mùa hè năm 1970 không có lể " trao phần thưởng " cho học sinh xuất sắc như mọi năm, thay vào đó Thầy Hiệu Trưởng tổ chức trại Nối Vòng Tay Lớn với cán bộ Xây Dựng Nông Thôn ở Vũng Tàu. Một buổi nọ có một nhóm học sinh nhỏ bỏ trại đi "lang thang trên đồi non" như trong một bài hát vào thời đó, với cây đàn guitare cả nhóm đi trên những đồi cát mịn trong một đêm trời trong và đầy sao sáng lấp lánh thật nên thơ. Lớp trẻ vừa đi về hướng sao Bắc Đẩu - ngôi sao đang sáng chói nhất lúc đó- hay là ngồi nhìn những lớp sóng sao trên bải Dứa:

... Tôi như là con ốc , bơ vơ nằm trên cát , chui sâu vào thân xác lưu đày (trong " Nha Trang ngày về " )

Cả bọn đêm đó đã bị bắt quả tang, sáng hôm sau xếp hàng ngay ngắn chờ hình phạt từ Thầy Hiệu Trưởng. Cả nhóm học trò phạm tội còn nhớ Thầy đã không nói một tiếng nào, đứng trước mặt cả đám, vừa nhìn rất lâu từng đứa một như muốn nói một điều gì đó, vừa ... vuốt râu ! Sau đó rồi thôi, không có bất kỳ một hình phạt gì và cả một lời mắng cũng không. Trại lại tiếp tục với cái bồng bột vở bờ của tuổi trẻ. Những kỉ niệm thật sâu sắc không thể quên : ăn cơm cát, lửa trại đêm, những đêm không ngũ...

Bây giờ hơn 35 năm đã trôi qua từ cái ngày hè năm ấy, hồi tưởng lại có thể nói là hình như lúc đó thay vì phạt Thầy lại gần như đồng loã với tuổi trẻ qua cái nhìn độ lượng và ... cách vuốt râu của Thầy

Trong khi đó Thầy Hiệu Trưởng đã nhìn đám học trò "nhất quỷ nhì ma" như thế nào. Chúng ta hảy nghe Thầy kể:

Tôi vẫn còn nhớ buổi trại " Nối Vòng Tay Lớn " có cả hai ông bà Chi Hoa giúp tổ chức trại ( Ông Bà Nguyễn Chi Hoa hiện nay vẫn còn ở Pháp ).

Tôi cũng còn nhớ các cậu "xé rào" . Tôi cũng định phạt đấy, vì theo kỷ luật trại. Nhưng tôi chợt nghĩ lại : hồi còn trẻ , ngồi ghế nhà trường , tôi cũng thế. Khi các cậu về đủ , tôi mừng rồi . Nếu phạt thì sẽ có người vui người buồn , tôi không muốn vậy. Cho nên " vuốt râu " bỏ qua để toàn trại được " vui vẻ cả làng "!

Tuy các cậu " xé rào " nhưng không đến nổi làm tôi lo nhiều như khi được lệnh Bộ Giáo Dục hướng dẫn một ngàn học sinh khu III đi trại hè Nha Trang. Những buổi tắm biển , tôi phải nhờ phi cơ của quân khu Nha Trang bay vòng quanh bãi tắm, dợm chừng các học sinh bơi xa quá giới hạn. Nếu có thì phát thanh bắt họ quay về gần bờ biển .Khi được đủ số trở về Sài Gòn , tôi mới thở được những hơi thật dài thật thoải mái ...

Khi ra ngoài thì Thầy rất khoan dung độ lượng, nhưng khi về trường thì không ít học sinh Hồ Ngọc Cẩn quên được phòng "roi" với các kích thước lớn nhỏ để nạn nhân có nhiều chọn lựa tùy theo ý thích, roi càng nhỏ thì mủi roi càng đánh đau, mà vào cái tuổi thiếu kinh nghiệm đó thì đa số lại ngại roi to.

Các cựu học sinh bây giờ nhiều người đã bước vào tuổi ngũ thập tri thiên mệnh, con cái đã hoặc đang bước vào tuổi trưởng thành, nhứt là trong môi trường ở nước ngoài, quan niệm về hướng dẫn dạy dỗ con cái khác nhiều so với hơn 30 năm trước ở quê nhà, bây giờ mới nhớ nhiều đến những lời nhắn nhủ của Thầy Hiệu Trưởng dưới mái trường xưa. Tất cả các cựu học sinh, không riêng gì trường Hồ Ngọc Cẩn, đều nhớ đến Thầy như một người dẫn đường, một người cha nghiêm khắc nhưng cùng lúc rất cảm thông những trăn trở bâng khuâng của lớp tuổi vừa lớn trong giai đoạn đầy biến động của đất nước.

Chúng ta hãy nghe Thầy kể tiếp :

Tôi có nhiều tập lưu niệm cuả các trường trung học như Chu Văn An, Nguyễn Trải, Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Hồ Ngọc Cẩn, Châu Văn Tiếp ... kể cả trường Vỏ Bị Đà Lạt và các trường tư thục, trong số 20 trường tôi đã được duyên may hướng dẩn về văn hoá.

Trường tôi ở lâu nhất là Trung học Hồ Ngọc Cẩn : từ 1964 tới 1975 ( 8 năm coi việc trường , 2 năm làm Đặc Khu Trưởng Đặc Khu học chánh Sài gòn - Gia Định , 2 năm làm Thanh Tra Trung Học tại Bộ Quốc Gia Giáo Dục ) , vẫn được lưu trú tại công ốc cuả trường vì không có nhà riêng. Sinh vô gia cư . Hiện nay ở nhà do các con mua cho. Sau này cũng sẽ " bất cầu địa táng ".

Trong trong giai phẩm Xuân HNC Quý Sửu 1973 mà chúng tôi tìm lại được đã có vài hàng nói về Thầy như sau :

Thầy Hiệu Trưởng sinh ngày 06-02-1920 tại Hải Dương. Thuở nhỏ theo học với bác ruột và thi vào trường Bưởi năm 1934. Năm 1938 đổ trung học đệ I cấp, bỏ đệ tam thi nhảy tú tài I và II. Thầy tiếp tục con đường học vấn ở Đại Học Luật ( Hà Nội ) và dạy kèm ở các tư gia. Có lần được triệu về làm hiệu trưởng Trung Học Nguyễn Bỉnh Khiêm Hải Dương. Sau đó Thầy dạy ở Thanh Miệng và năm 1948 vì nhu cầu công vụ chuyển sang làm thẫm phán tại Hải Dương cho đến năm1950. Khi Pháp tấn công vào miền này Thầy chạy ra Hà Nội dạy ở trường Nguyền Trải cho đến năm 1954 khi Thầy di cư vào Nam dạy ở Chu Văn An đến năm 1956. Sau xin đổi về trường Trần Hưng Đạo Đà Lạt. Thầy còn phụ trách môn việt văn ở trường Vỏ bị liên quân Đà Lạt, Trung học công lập Quang Trung (nay là trường nữ trung học Bùi Thị Xuân), tư thục Vinh Hoa, Bồ Đề, Trí Đức. Năm 1959 Thầy thuyên chuyển về Phước Tuy dạy ở trung học Châu Văn Tiếp, sau làm hiệu trưởng tại đó đến năm 1964 đổi về làm hiệu trưởng trường Hồ ngọc Cẩn và tại đây Thầy trải qua một thời gian phục vụ lâu dài nhất là 8 năm 2 tháng. Đến tháng 9-1972 Thầy được bổ làm Đặc Khu Trưởng Đặc Khu Học Chánh Sài Gòn - Gia Định.

Lúc nào cũng mang hoài bảo giáo dục cho con cái và học trò nên ngưởi hửu ích, tạo kiến thức căn bản để giử gìn đức hạnh, hầu có thể tuỳ theo khả năng giúp nhà giúp nước. Về tổ chức học đường bao giờ cũng theo một tinh thần trách nhiệm và ý thức kỷ luật. Sáng lập quỹ tình thương Hồ Ngọc Cẩn và đã giúp đỡ được nhiều học sinh nghèo có phương tiện học hành.


Thầy Hiệu Trưởng không quên và luôn luôn tìm cách bảo vệ các học trò của mình qua một câu chuyện kể của Thầy:

Nên nhớ rằng từ năm 1970 trở đi trường TH HNC có lớp học buổi tối (Bán Công) từ 6 giờ tới 10 giờ pm. Có cả nam sinh và nữ sinh. Do đó cũng nên nhắc tới các nữ sinh của TH HNC, nếu chúng ta quên thì họ sẽ buồn đấy . Nói về mấy cô nữ sinh có chuyện kể lại : Vào một buổi tối, mấy tên du đảng vào trường HNC quấy rối và chọc ghẹo nữ sinh. Tôi được anh em báo cho biết và tôi tới để yêu cầu (thật ra là đuổi) chúng ra xa khỏi trường. Chúng ra ngoài và thách tôi ra "chơi nhau". Tôi ra . Hai tên xông tới tấn công. Tôi đập cho chạy hết. Tôi tưởng rơi mất kính nhờ chú Sáu soi đèn kiếm dùm . Không có kính, chỉ bắt được 4 trăm đồng do hai tên du đảng đánh rơi trong khi tỉ thí với tôi . Tôi cho báo tin đó, cam đoan không trình báo gì cả để cho chúng tới nhận . Chúng không tới . Tôi bảo đem chia cho con các tùy phái, lao công ở trong trường



Khi Thầy Hiệu Trưởng về trường Hồ Ngọc Cẩn thì song song với việc học tập, Thầy đã đẩy mạnh các hoạt động thể thao và xã hội, tạo một sinh khí xôi động hẳn lên so với giai đoạn trước, Thầy đã đặt vị trí người học sinh chan hòa với môi trường sống chung quanh.

Chắc có nhiều cựu học sinh học trường Hồ Ngọc Cẩn vào những năm 1969-1970 còn nhớ, trong sân trường, sau phần cổng vào, có đoạn hành lang mà phía trên là lớp học ở tầng một, nhà trường có trưng hiệu đoàn của trường là hình con đại bàng. Hiệu đoàn này được vẽ lại trong trang chính của trạm hongoccan. Ở hai bên hiệu đoàn Thầy Hiệu Trưởng cho treo hai bài thơ viết bằng phấn trên bảng màu xanh lá cây đậm, bên phải là bài thơ "IF" bằng tiếng Anh của đại văn hào Rudyard Kipling (1865-1936), bên trái là bản dịch qua tiếng Việt của Cụ Lãng Nhân Phùng Tất Ðắc. Hôm nay chúng ta cùng đọc lại cho nhau nghe bản dịch của bài thơ mà Thầy vẫn còn cất giữ đến giờ phút này.



Ví con đã trăm lần thủ thắng
Một keo thua, tay trắng về không,
Mà lòng lại biết nhủ lòng
Cơ đồ gây lại, oán không một lời

Ví đường tình, xa nơi rồ dại
Biết nên cương mà lại nên nhu.
Chẳng ưa con cũng chẳng thù
Bền lòng tranh đấu, miễn lo việc mình

Ví có kẻ lòng manh ở ác
Ðem lời con xuyên tạc ra ngoài
Xá chi những miệng dông dài
Riêng con, con vẫn một lời thủy chung

Ví hòa mình mà không bè đảng,
Ðứng làm dân, khuyên gián quyền môn
Anh em bốn biển cho tròn,
Tình riêng chẳng để thiệt hơn một người

Ví lại biết xét coi, học hỏi
Giọng hoài nghi, phá hoại đừng nghe
Ước mơ mà chẳng sa mê
Nghĩ cho nên việc, chớ hề viễn vông

Ví lấy oai mà không nỡ dữ,
Biết gan liền, biết lựa tới lui,
Biết ngay thảo với mọi người
Mà không lên mặt dạy đời, ta đây

Ví con biết vinh thôi lại nhục
Cũng chẳng qua là cuộc hí trường
Biết đem can đảm làm gương
Giữ lòng bình thản, xốn xang mặc người

Ví theo được như lời ta nhắn,
Thì đế vương, hiền thánh khôn tầy
Vinh quang, hạnh phúc trong tay,
Lại hơn được cả điều này, con ơi :

Là: con biết đạo làm người


Thầy rất thích bài thơ này vì theo Thầy đó là phương châm cho cuộc sống, là hoài bão mà Thầy Hiệu Trưởng muốn gởi gấm vào lớp trẻ tuổi vừa lớn, làm hành trang để dấn thân vào đời, theo đó mà sống cho "ra con người" như lời Thầy nói.

Đó là ao ước mà Thầy Hiệu Trưởng chờ đợi ở các học trò của mình trong suốt quá trình hoạt động của Thầy, thế còn ao ước của riêng Thầy trong lúc này ra sao ? Chúng ta hãy nghe Thầy tự trào và kể về những niềm vui của Thầy :



86 cái xuân thu rồi, răng đi hết, tóc với râu trắng hết , lại thêm những tật bệnh của tuổi già : tai điếc, mắt mờ, tay run, lưng dưới (low back) đau, khó thở, nhức xương gân, chuột rút (vọp bẻ), tứ tung ngũ hoành (ngực, chân, bắp vế, tay, vai) tiểu đường ...không biết còn ngồi dai được bao lâu nữa ! ?

Trong nhà có con rể và cháu ngoại là y khoa bác sĩ cùng với nhiều y khoa bác sĩ cựu học sinh nữa mà "chứng nào vẫn tật nấy".

Tuy vậy mà tôi vẫn hoan nghênh tuổi già, không chán, không ngán tuổi già. Tự thấy như cái khinh khí cầu (aérostat), cần vất bỏ dần dần những túi cát , cần tháo bỏ dần dần những dây neo thì rồi mới tung bay lên cao được. Bởi vậy từ mấy chục năm trước , từ khi bắt đầu thấy cuộc sống đã làm cho thấm mệt (4 lần chạy loạn, 4 lần làm lại cuộc đời), cho nên phải tìm hướng đi cho tâm linh, ước mong rằng sau khi thân xác này vào lò (four crématoire) thì tâm linh này được về nơi thanh tịnh, bình an, không phải lang thang trong cỏi luân hồi nữa, mà lại còn được châm lo, cứu độ cho các chúng sinh thoát khỏi vô minh phiền não , nghiệp chướng đau thương.


Hồi ở Pháp (năm 1979) tôi được chính quyền Pháp cho ở ngay trong thư viện của thành phố Massy. Tôi đọc sách của A . Malraux thấy có câu "Le 21 è siecle sera spirituel ou ne sera pas" (Thế kỷ thứ 21 sẽ là thế kỷ Tâm linh hay sẽ không có thế kỷ thứ 21)

Hiện nay tôi đang để hết tâm trí vào vấn đề Tâm linh. 86 cái xuân móm rồi ! Cũng đã là muộn . Nhưng muộn còn hơn không .

Mong sao các anh chị em cựu học sinh HNC tuổi đã trên dưới 60, nên để ý tới vấn đề Tâm linh sớm hơn tôi . Ước mong sẽ có dịp gặp nhau để cùng bàn về vấn đề đó .

Mong thế đấy. Còn được hay không là một chuyện khác !



Hiện nay cái thú cuả thầy là đọc những thư từ, ngắm những hình ảnh mới của học trò, hoặc chụp riêng, hoặc cùng chụp với gia đình thì càng tốt, để thầy lưu trữ trong kho tàng vô giá của thầy. Đó là kho tàng tình nghĩa, trong lúc tuổi già thường được xem lại thư và hình của những "Tình xưa nghĩa cũ" cho lòng già thêm hơi ấm nhiều hơn", ở tuổi này thầy chỉ mong có thế mà thôi. Đó là hạnh phúc của một nhà giáo về phần cuối cuộc đời .

" Bao ân tình thuở trước chẳng hề quên,
Khiến người đọc bên đèn sa nước mắt "

Và Thầy đã dặn dò học trò cũ :

Nhưng ngày nay ở nước ngoài, nơi nào có cựu học sinh Trung Học Hồ Ngọc Cẩn thì trường Hồ Ngọc Cẩn được làm cho sống lại và được sợi dây tinh thần tương thân, tương ái, kết nghĩa, kết tình vững chắc. Ðó là điều chúng ta đã được thấy và mong sẽ giữ được như nguyện mãi mãi.

Hôm nay chúng con được dịp quây quần bên Thầy Hiệu Trưởng để thay mặt tất cả những thế hệ học sinh mà Thầy đã hướng dẫn, gởi đến Thầy những lời tri ân tự hình thành trong tâm khảm của chúng con từ khi chúng con dấn thân vào đời. Thầy không những dạy bảo chúng con khi còn ở tuổi thành niên mà Thầy còn là ngọn đuốc dẫn đường cho chúng con mãi đến bây giờ. Ngoài 8 người con ruột thịt đang phụng dưỡng Thầy Cô hiện nay, Thầy Cô còn có hàng hàng lớp lớp những người con khác ở khắp mọi nơi, vẫn nhớ và nghĩ đến Thầy Cô với lời cầu chúc thọ chân tình nhất đến Thầy Cô, hình ảnh Thầy Cô như bóng mát của tàn cây đại cổ thụ, trải rộng ra để che chở và làm chổ dựa tinh thần của chúng con mãi mãi. Xin cám ơn Thầy và Cô. Chúc hương hồn Thầy Cô được tiêu diêu nơi miền cực lạc.

Học Trò Hồ Ngọc Cẩn Gia Định

hoangphong
Posts: 388
Joined: Tue Feb 12, 2019 7:20 am

Re: Tình Thầy Trò

Post by hoangphong »

Image

Thầy Nguyễn Chi Hoa

Quân Sư Phụ...
Tiên học Lễ Hậu học Văn
Không thầy đố mầy làm nên...

Những điều khắc cốt ghi tâm này vẫn in trong trí nhớ của nhiều thế hệ học sinh từ thời tiểu học đến những lúc trưởng thành bước vào đời. Ngoài việc học tập là mục đích chính, trong ý tưởng của Thầy hiệu trưởng Nguyễn Đức Hiếu việc rèn luyện tinh thần, quan tâm đến công tác xã hội cũng quan trọng không kém. Người phụ tá đắc lực của Thầy Hiếu trong một thời gian dài là Thầy Nguyễn Chi Hoa.

Chúng ta hãy nghe Thầy Chi Hoa kể về Thầy và gia đình.

Thầy và Cô cùng dạy chung ở trường Saint Paul trên đường Cường Để (bây giờ là đường Tôn Đức Thắng) gần sở Ba Son, đối diện với nhà dòng Kín Carmelite. kế cận Đại Chủng Viện Thánh Giuse. Thời trẻ Thầy học tại trường Chasseloup Laubat…

Cùng với trường Saint Paul, thời gian đầu Thầy dạy tại trường Võ Trường Toản trong khoảng 3 năm thì Thầy được chỉ định về trường Hồ Ngọc Cẩn, lúc đó Thầy rất trẻ (Thầy sinh năm 1934) và vào năm 1959 Thầy được bổ nhiệm về dạy tại trường Hồ Ngọc Cẩn, hiệu trưởng lúc đó là giáo sư Đinh Căng Nguyên. Đến năm 1962 Thầy động viên thi hành nghĩa vụ (khóa 13 Thủ Đức), giải ngủ năm 1966 trở về dạy lại ở trường HNC, lúc đó hiệu trưởng là Thầy Nguyễn Đức Hiếu. Thấy khuynh hướng quan tâm đến sinh hoạt xã hội của Thầy Chi Hoa, Thầy Hiếu giao Thầy Chi Hoa phụ trách chương trình hướng dẩn học sinh trong sinh họat học đường và xã hội. Cho đến ngày 30-4-1975, Thầy Chi Hoa vẫn làm việc tại trường Hồ Ngọc Cẩn.

Sang năm 1976 thì gia đình Thầy Cô qua định cư bên Pháp, được may mắn và giúp đở, sau thời gian ngắn Thầy vào làm tại nhà băng gần khu Champs Elysées, lúc đầu chỉ làm công việc chân tay nên Thầy đã xin nghỉ và học thêm về điện toán, sau đó vòng lại nhà băng này với chức vụ cao hơn cho đến lúc về hưu, đầu năm 1995.

Năm 1979 thì Thầy Cô đã mua được nhà ở khu vừa mới xây Soisy sur Seine gần Evry, phía Nam của Paris. Thầy Cô có cả thảy 4 người con trai (hiện nay chỉ còn 3, người con trai đầu đã mất sau một chuyến du lịch ở Sri-Lanka năm 2000) và 8 người cháu trai.

Từ khi rời Việt Nam năm 1975, gia đình Thầy Cô đã mất liên lạc với một số thân nhân, qua những hình ảnh của Thầy Cô trong Diễn Đàn HNC-LVD, nhất là những hình xưa của thập niên 70, Cô đã tìm lại được tin tức của bà con bên ngọai hiện đang sống ở Mỹ.

Dù không có học trực tiếp với Thầy, ngày 4-5-2009 chúng tôi có đến thăm Thầy Cô (xem hình ảnh kèm theo), từ đó việc liên lạc với Thầy Cô thưa dần.

Tháng 2 năm nay được kết bạn với bạn Tran Nguyen (Nguyễn Trần Hoàn) HNC 69-75, chị ruột bạn Hoàn là dâu của Thầy Lâm Phi Điểu, vợ anh Tùng (đã mất). Được biết bạn Hoàn ở Paris không xa nhà Thầy Chi Hoa nên nhờ gọi điện thoại đến Thầy để hỏi chào và hỏi thăm sức khỏe. Tin không được vui.

Gần đây Thầy đi nghỉ hè ở Úc thì bị đột quỵ. Nằm ở nhà thương ở Úc sau đó Thầy chuyển về Pháp. Hậu quả của tai biến nên Thầy bị tê liệt không đi đứng bình thường được, vì lớn tuổi cô không săn sóc được Thầy nên phải đưa Thầy vào nhà dưỡng lão gần nhà Thầy để có y tá phục vụ. Vì dịch bệnh covid nên Cô chỉ được thăm Thầy một tuần nữa tiếng. Thầy gửi lời thăm tất cả học trò của thầy. Lúc này thầy không được khỏe nên bạn Hoàn cũng không nói chuyện được nhiều với Thầy.

Cầu mong Thầy Cô sức khỏe ổn định.

Học trò Hồ Ngọc Cẩn
8-4-2021

User avatar
saohom
Posts: 2205
Joined: Wed Aug 26, 2009 11:30 pm

Re: Tình Thầy Trò

Post by saohom »

CHÚ XE ÔM
Chú xe ôm dừng xe trước cổng cho cô sinh viên xuống. Bất ngờ cô đưa chú gói quà và nói:
- Chú về nhà rồi mở ra xem nhé.
Bắt đầu ngày mai cháu không đi học nữa, hôm nay cháu đã tốt nghiệp rồi. Cám ơn chú nhiều!

Chú xe ôm về nhà, cất xe, vào phòng mở gói quà ra, ngoài bộ quần áo còn có cả số tiền rất lớn, và một bức thư như sau:
''Thưa thầy, em là T- H học toán với thầy năm lớp sáu ở trường Nguyễn Trãi. Lên lớp chín thì em nghe tin thầy bị giảm biên chế, đồng thời thầy cũng bị đau dây thanh quản nên khó nói. Từ đó thầy đi xe ôm kiếm sống, lúc nào cũng đeo khẩu trang kín mít để đừng có học trò nào nhận ra. Nhưng em đã nhận ra thầy khi thầy ngồi đón khách ở ngã tư.Từ đó, em không tự đạp xe đi học nữa mà đặt mối thầy chở em đi học hết lớp chín, hết phổ thông, và lên đại học.

Sáng nào đi học em cũng lấy theo 3 phần ăn, một phần cho em đến lớp ngồi ăn, phần thứ hai biếu thầy , và phần thứ ba là biếu bà bán vé số nghèo ở góc đường Nguyễn Du. Ngày nào em cũng mua cho bà mấy tờ vé số, rất mong trúng số, nhưng chẳng hy vọng lắm.

Bố mẹ em hay thắc mắc về hành vi của em, nhưng vì chiều em nên bố mẹ cũng đồng ý.
Em phát hiện thầy rất yêu nghề dạy học. Dù không đến lớp nữa, nhưng thầy đã lập một trang web dạy kèm cho tất cả ai bị yếu toán.

Thầy đã dạy dỗ tận tình, giúp nhiều bạn lấy lại kiến thức cơ bản toán bị hổng , để các bạn có nền tảng học tiếp. Thầy tập trung hướng dẫn biết bao học sinh trung học cơ sở trở nên vững về toán.

Thì ra ban ngày thầy chạy xe ôm, ban đêm thầy lên internet để dạy học miễn phí. Em nhận ra thầy vì cách nói quen thuộc của thầy vào cuối các buổi học là “các em gắng học để sau này phụng sự cho đời”. Bây giờ lên mạng thầy vẫn nói câu đó. Trong cuộc đời thực, thầy là chú xe ôm đen đúa vất vả, nhưng trên mạng thầy vẫn còn uy phong của một thầy giáo tận tụy hiền lành.

Hình như trời không phụ lòng người, thầy không biết là em mua mãi rồi cũng trúng số,lúc đó em đang học năm thứ ba. Em lĩnh tiền rồi đưa hết vào gửi tiết kiệm ở ngân hàng. Em kiên nhẫn chờ đến hôm nay.

Hôm nay em đã tốt nghiệp nên sẽ không còn đi xe ôm nữa mà sẽ tự lái xe máy đi làm. Em kính biếu thầy một phần số tiền trúng số của em như chút lòng tri ân của người học trò ngày xưa, mà sự thành công của em hôm nay đã có không ít ơn thầy trong đó.''

“Nhất tự vi sư – Bán tự vi sư”
Mai này dù có đi xa, hằng ngày không còn ngồi trên xe của thầy nhưng em vẫn luôn nhớ về “chú xe ôm” thân thể gầy gò có trái tim tình người quý báu, và dưới mái tóc đã bạc ấy là một tâm hồn cao cả./.

( DD st )

nhuvan
Posts: 338
Joined: Sun Mar 27, 2016 8:29 pm

Re: Tình Thầy Trò

Post by nhuvan »

Người thầy chân chính
Một chàng trai nhận ra thầy giáo dạy tiểu học của mình trên đường.

Anh lại gần ông giáo già và hỏi:

- Thầy có nhận ra em không? Em là học sinh của thầy đây.

- Ừ, thầy nhớ là dạy em hồi lớp ba. Bây giờ em làm gì rồi?

- Em cũng đi dạy học. Chính thầy có ảnh hưởng sâu sắc đến em, nên em cũng muốn đi dạy những em nhỏ.

- Vậy sao? Cho phép tôi tò mò một chút, ảnh hưởng của tôi thể hiện ở việc nào?

- Thầy thực sự không nhớ gì sao? Thầy cho phép em nhắc lại chuyện cũ nhé.

Có lần, một bạn học đến lớp đeo một chiếc đồng hồ rất đẹp được bố mẹ tặng.

Bạn ấy tháo ra và đặt nó vào ngăn bàn.

Em luôn mơ ước có một chiếc đồng hồ như thế. Em đã không kiềm chế được lòng tham và quyết định lấy chiếc đồng hồ đó từ ngăn bàn của bạn ấy.

Một lúc sau, bạn ấy đến chỗ thầy, vừa khóc và vừa than bị mất đồ.

Thầy nhìn khắp cả lớp một lượt rồi nói: "Ai đã lấy chiếc đồng hồ của bạn, xin hãy mang trả cho bạn ấy".

Em rất xấu hổ, nhưng em không muốn bỏ chiếc đồng hồ ra, do vậy em đã không nhận lỗi.

Thầy đi ra đóng cửa lớp lại và ra lệnh cho tất cả học sinh nam đứng dọc bờ tường. Thầy báo trước: "Thầy sẽ khám túi tất cả các em với một điều kiện: tất cả phải nhắm mắt lại".

Chúng em nghe lời thầy, và em cảm thấy, đó chính là khoảnh khắc đáng xấu hổ nhất trong thời thơ ấu của mình.


Thầy đi từ đứa này đến đứa khác, sờ từ túi quần này sang túi quần khác.

Khi rút chiếc đồng hồ ra khỏi túi quần của em, thầy vẫn tiếp tục đi đến đứa học trò cuối cùng.

Sau đó, thầy nói: "Các em, tất cả đã xong. Các em có thể mở mắt ra và đi về bàn của mình".

Thầy đưa trả lại chiếc đồng hồ cho bạn ấy và không bao giờ nói một lời về sự việc đó.

Ngày hôm đó, như vậy là thầy đã cứu vãn danh dự và tâm hồn em.

Thầy đã không tố giác em là kẻ cắp, kẻ lừa dối, là đứa vô tích sự.

Thầy cũng không cần nói chuyện với em về sự việc đó. Mãi sau này, em mới hiểu tại sao.

Bởi vì, thầy là người thầy chân chính, nên thầy không muốn làm hoen ố phẩm cách một đứa trẻ chưa trưởng thành. Bởi vậy, em đã trở thành thầy giáo như thầy.

Cả hai cùng im lặng, bồi hồi nhớ lại chuyện xưa. Sau đó, thầy giáo trẻ hỏi:

- Chẳng lẽ hôm nay nhìn thấy em, thầy không nhớ đến chuyện này?

Ông giáo già trả lời:

- Vấn để là, khi thầy soát túi quần các Em thầy cũng NHẮM MẮT !


NV Sưu tầm

Post Reply