Tạp Ghi , Chuyện Phiếm , Chuyện Vui Hàng Ngày

Cho đuổi mèo, mèo rượt chuột, chuột sa chỉnh gạo, gạo tải vô xe... thế rồi... xe cán chó!!!

Moderators: CNN, khieulong

baphai
Posts: 25
Joined: Mon Apr 25, 2016 12:09 am

Post by baphai »


Tiên trách đảng hậu trách dân

27.08.2016

Thiện Ý
Theo tin giới truyền thông thì hôm 18-8-2016 vừa qua, Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm của tỉnh Yên Bái tên Đỗ Cường Minh đã tự sát sau khi xông vào phòng của Bí thư Tỉnh ủy Phạm Duy Cường và phòng ông Ngô Ngọc Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân kiêm Trưởng ban Tổ chức tỉnh ủy Yên Bái, nổ súng bắn nhiều phát giết chết cả hai lãnh đạo cao cấp của đảng và chính quyền tỉnh Yên Bái.

Đây là vụ việc đặc biệt nghiêm trọng khiến đích thân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lập tức có mặt tại Yên Bái ngay trong ngày xảy ra vụ thảm sát. Ông nói vụ nổ súng “có tính chất nghiêm trọng từ trước tới nay” và yêu cầu Bộ Công an phải tức tốc điều tra và đưa ra kết luận về vụ nổ súng này. Trong khi Thiếu tướng Đặng Trần Chiêu, Giám đốc Công an tỉnh Yên Bái, lúc vừa xảy ra vụ việc đã vội vã cho báo giới biết công an sẽ không khởi tố vụ án vì thủ phạm Đỗ Cường Minh đã chết, nhưng nay lại tuyên bố sẽ khởi tố vụ án. Không rõ vì sao có sự đổi ý này.

Phản ứng của công luận sau vụ thảm sát này bị truyền thông nhà nước Việt Nam kết án là “vô lương” vì đã “hả hê” trước cái chết của các quan chức lãnh đạo hàng đầu của đảng và chính quyền tại Yên Bái. Sự lên án này chắc là thể hiện quan điểm của đảng và chính quyền CSVN.

Thế nhưng, theo nhận định của chúng tôi, đúng ra đảng và chính quyền CSVN phải “Tiên trách đảng, hậu trách dân”; và khôn ngoan hơn là nên giữ im lặng.

“Tiên trách đảng” là đảng CSVN hãy tự kiểm điểm để hiểu vì sao nhân dân lại “phản cảm” đến như thế trước cái chết thảm của hai lãnh đạo đảng và chính quyền cao nhất tại địa phương. Phải tự nhìn lại mình để thấy rằng, đây là hệ quả tất nhiên của những chủ trương, chính sách cai trị của đảng CSVN đã tác hại và làm mất niềm tin, tình cảm của mọi tầng lớp nhân dân như thế nào, để giờ đây mọi tai họa xảy đến cho đảng lại trở thành nỗi vui như “mở cờ trong bụng” của nhân dân. Vì đây chính là sự tích lũy những bất mãn và ngày càng làm xấu đi mối quan hệ khởi đầu tốt đẹp của thời kỳ “Đảng ta” còn nằm gai nếm mật đấu tranh giành chính quyền, phải dựa vào sức người, sức của nhân dân. Nhưng sau khi nắm được chính quyền, “Đảng ta” đã quay lưng lại với dân, lộ nguyên hình là một tập đoàn thống trị mới, khởi đi từ sự áp đặt trên cả nước cái gọi là “Chế độ xã hội chủ nghĩa” trái với ý nguyện của nhân dân, với các cán bộ đảng viên CSVN là “giai cấp thống trị mới” nắm độc quyền cai trị sắt máu trong một chế độ độc tài toàn trị cộng sản.

Sau gần nửa thế kỷ, giai cấp thống trị mới này đã dùng bộ máy chuyên chính vô sản (quân đội, công an, tòa án, nhà tù…) trấn áp nhân dân để bảo vệ các đặc quyền, đặc lợi của giai cấp cầm quyền. Hệ quả là mọi tầng lớp nhân dân phải sống nhiều năm dưới chế độ công an trị, bị tước đoạt hầu hết các quyền tự do, dân chủ căn bản, đói nghèo cơm áo. Mãi cho đến trong vòng hơn 20 năm trở lại đây, sau khi Hoa Kỳ dỡ bỏ cấm vận, thiết lập quan hệ bình thường với Việt Nam (1995-2016), đời sống nhân dân ta mới dần dần được cải thiện, một số quyền dân chủ, dân sinh mới được đảng và nhà cầm quyền CSVN từng bước trả lại do sự đấu tranh kiên trì của nhân dân.

Nhưng cũng chính nhờ Hoa Kỳ trở lại Việt Nam sau 20 năm chấm dứt cuộc nội chiến Quốc-Cộng (1975-1995) đã cứu nguy chế độ và tạo cơ hội thuận lợi cho đảng CSVN tồn tại nhờ thực hiện chính sách “Mở cửa”, với nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa nhưng được gọi là “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Chính trong môi trường kinh tế thị trường này, các cán bộ đảng viên đã được tư sản hóa và một số có chức, có quyền đã trở nên giàu có nhanh chóng nhờ tham nhũng, cửa quyền, móc ngoặc, đầu tư trá hình...và trở thành những nhà tư bản Đỏ. Từ thực tế này đã hình thành các phe nhóm lợi ích trong nội bộ đảng CSVN, dẫn đến tranh chấp nội bộ trong cơ chế đảng và bộ máy nhà nước. Đảng CSVN trở thành đấu trường tranh dành, đoạt lợi cho cá nhân và phe nhóm lợi ích. Chính cơ cấu tổ chức và nhân sự lãnh đạo đảng và chính quyền CSVN đã đẻ ra hệ thống tham nhũng để nuôi sống chế độ độc tài đảng trị hiện nay, nên chủ trương chống và diệt tham nhũng cũng chỉ là chiêu bài lừa mị nhân dân mà thôi!

Trong khi đó, quan hệ có lúc “ý đảng, lòng dân là một”, thì thực tế dần dần biến thành “ý đảng luôn phản lòng dân” phát triển thành “mâu thuẫn đối kháng” giữa đảng CSVN và nhân dân. Đây là nguyên nhân sâu xa, dẫn đến hiện tượng phần đông nhân dân bàng quan vô cảm hay tỏ ra vui mừng “hả hê” khi thấy hai quan chức lãnh đạo hàng đầu của đảng và chính quyền tỉnh Yên Bái bị chính một đồng chí có chức có quyền cấp dưới sát hại.

Vụ thảm sát ở Yên Bái chỉ là một trong nhiều vụ việc tương tự đã hoặc sẽ xảy ra trong tương lai ở mức độ khác nhau, dưới hình thức này hay hình thức khác. Hiện nay cơ quan chức năng đã mở cuộc điều tra, chưa có kết luận chính thức về nguyên nhân đưa đến vụ thảm sát. Nhưng theo cách lý giải trên, kết nối các sự kiện được các quan chức như bà Phạm Thị Thanh Trà, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái, công bố tại cuộc họp báo chiều ngày 18-8-2016, cũng như từ các nguồn tin khác, vụ việc có thể đã diễn biến như sau:

Vụ việc có thể đã khởi đi từ chủ trương sáp nhập Chi cục kiểm lâm (nơi ông Đỗ Cường Minh đang làm chi cục trưởng) vào Chi cục phát triển lâm nghiệp (mặc dù bà Trà trong cuộc họp báo khẳng định nguyên nhân vụ nổ súng không phải xuất phát từ công tác nội bộ…). Ông Minh mất chức Chi cục trưởng cùng nghĩa với mất quyền lợi bao lâu nay thủ đắc được từ ngành kiểm lâm là một ngành hàng đầu giúp các quan chức lãnh đạo trở nên giàu có rất nhanh, nhờ cấu kết với lâm tặc ăn chia lợi nhuận từ các vụ cưa xẻ lậu gỗ quý trong rừng. Mặc dầu như bà Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho biết “tỉnh có chủ trương sáp nhập Chi cục kiểm lâm với một đơn vị khác nhưng chưa có quyết định cụ thể và lãnh đạo tỉnh đã gặp ông Đỗ Cường Minh để “làm công tác tư tưởng”. Hai vị lãnh đạo hàng đầu đảng và chính quyền Yên Bái có thể đã gây áp lực buộc ông Minh phải chấp hành quyết định sáp nhập Chi cục kiểm lâm vào Chi cục phát triển lâm nghiệp với một “đồng chí” khác đứng đầu, nếu không những việc làm khuất tất móc ngoặc với lâm tặc làm giàu bất chính trong quá khứ của Ông Minh sẽ bị phanh phui. Vì phẫn uất trước sự bức bách của những lãnh đạo quyền thế hơn mình và cũng vì lo sợ nếu các hành động phạm pháp trong quá khứ được ô dù cha vợ là cựu bí thư Tỉnh ủy Yên Bái bao che, nay thất thế mà bị phanh phui thì danh vọng, của cải tiêu tan, nên Chi cục trưởng kiểm lâm Đỗ Cường Minh đã chọn cách giải quyết cùng chết với hai lãnh đạo cao nhất của đảng và chính quyền Yên Bái. Và ông đã thực hiện thảm sát ngay trước giờ khai mạc Kỳ họp thứ 2 HĐND tỉnh khóa XVIII, dự trù sẽ công bố quyết định sát nhập cơ cấu tổ chức và người đứng đầu cơ cấu tổ chức mới, không phải là ông Đỗ Cường Minh.

Ngay sau cuộc thảm sát, có lẽ vì không muốn “bức giây động rừng” hậu quả không tốt cho hàng ngũ tham quan trong tỉnh và ảnh hưởng đến uy tín lãnh đạo của đảng, nên người đứng đầu ngành công an địa phương đã vội tuyên bố “sẽ không khởi tố vụ án do thủ phạm Đỗ Cường Minh đã chết…”. Nhưng sau đó, dường như thấy không thể lấy vải thưa che mắt công luận nên giám đốc Công an tỉnh Yên Bái đã nói lại “sẽ khởi vụ án”.

Như vậy thực chất của vụ thảm sát ở Yên Bái chỉ là sự thanh toán nội bộ giữa các cá nhân thuộc các nhóm lợi ích khác nhau trong nội bộ đảng và chính quyền địa phương. Vì thế “đảng ta” không thể trách dân là “vô lương” vì đã “hả hê” trước cái chết của các quan chức lãnh đạo hàng đầu của đảng và chính quyền tại Yên Bái. Có điều, có thể vì “giận mất khôn” chăng, mà đảng và chính quyền đã để cho báo chí nhà nước công bố “phản cảm tiêu cực” này của nhân nhân đối với đảng. Vì làm như thế sẽ có tác dụng phản tuyên truyền, bất lợi cho đảng khi tự ghi nhận và xác định trước công luận quả thực có mối quan hệ tình cảm không tốt đẹp ngày gia tăng cường độ giữa đảng và nước CSVN với nhân dân, đến độ trở thành “mâu thuẫn đối kháng”.

Chúng tôi thiết nghĩ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cần kiểm điểm rút kinh nghiệm với Ban Tuyên giáo Trung ương để sau này chỉ đạo các cơ quan tuyên truyền quản lý chặt chẽ hơn nữa hệ thống báo chí nhà nước, tránh đưa ra những phê phán công luận gây phản tác dụng như thế.

* Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

baphai
Posts: 25
Joined: Mon Apr 25, 2016 12:09 am

Post by baphai »

Cáo phó

Bùi Bảo Trúc
Tôi không nhớ đã đọc cái cáo phó đầu tiên hồi nào nhưng chắc không phải ở Hà Nội. Hồi ấy (trước năm 1954) ở Hà Nội chỉ có hai tờ nhật báo là tờ Tia Sáng và tờ Giang Sơn mà tôi (mới biết “đọc báo”) cầm chúng lên.

Tôi không biết những tờ báo tiên phong của nền báo chí Việt Nam có đăng những cáo phó không, nhưng khi tôi biết đọc “nhựt trình” thì chúng đã có rồi, khoảng những năm cuối của thập niên 50 ở Sài Gòn. Rất tiếc cụ Vương Hồng Sển không còn nữa để hỏi cụ.Ở tuổi lên 8 hay lên 9, tôi chỉ thích xem những bức hí họa của hai họa sĩ Mạnh Quỳnh và Dzuy Nhất cùng với những truyện bằng tranh mà phòng thông tin Hoa Kỳ cung cấp cho các báo này, trong đó có một truyện tuyên truyền chống Cộng rất hấp dẫn của George Orwell, Trại Thú Vật (Animal Farm). Thỉnh thoảng tôi cũng tò mò đọc những bản tin về chiến sự và nhờ đó, biết lơ mơ về những trận đánh ở Na Sản, Cánh Đồng Chum, Điện Biên Phủ, rồi hội chợ ở Bờ Hồ, đức Quốc Trưởng Bảo Đại đi đâu, làm gì… Nhưng những mẫu cáo phó thì không và cũng vì hình như chúng rất ít thì phải. Ngay hồi chú tôi tử trận ở Đại Đồng, Bùi Chu năm 1954, gia đình tôi cũng không đăng cáo phó trên hai tờ Tia Sáng và Giang Sơn ở Hà Nội. Có lẽ phải tới khi vào Sài Gòn khoảng cuối những năm 50 tôi mới đọc những thứ tin này.

Phải tới khoảng giữa những năm 50 tôi mới tìm đọc chúng. Cáo phó là thông báo về sự qua đời của một người mà gia đình của người đó muốn gửi tới bạn bè và quyến thuộc. Nhưng chúng được viết theo một lối văn đặc biệt không biết ai là người đầu tiên viết xuống để sau đó được những người khác viết theo. Có thể trong lúc tang gia bối rối, gia đình không có thì giờ cho câu cú văn chương để viết mẩu tin thông báo chuyện buồn của gia đình. Thế là cứ theo những cáo phó đã đọc thấy trước và viết lại. Chính vì thế mà tôi tìm đọc chúng trên những tờ báo hồi ấy. Và cũng đó mà lần đầu tiên tôi biết những từ ngữ như vãng sinh miền cực lạc, qui tiên, phiêu diêu nơi tiên cảnh, hưởng nhan Thánh Chúa…

Bẵng đi mấy năm không ở trong nước, không đọc báo Việt ngữ, đến khi đọc lại báo chí trong nước, thì bỗng một hôm đọc thấy tên một người bạn cũ thời trung học. Người bạn này nhập ngũ sau khi hỏng kỳ thi tú tài. Sau đó thỉnh thoảng chàng trở lại trường thăm bạn bè. Có người đùa chúc chàng sớm vinh thăng lon mới. Và ít lâu sau, chàng được vinh thăng thật. Rồi xuất hiện trong những cáo phó những từ ngữ mới như truy thăng, anh dũng hy sinh, truy tặng bảo quốc huân chương với nhành dương liễu…

Thế là những mẫu cáo phó lại nghe khác hẳn những cáo phó vẫn đọc được trước đó. Và cũng từ đó, tôi chú ý đọc chúng thường hơn. Đó là trong những buổi chiều tan sở ngồi ở một quán cà phê đọc mấy tờ báo vừa phát hành. Cuộc chiến càng ngày càng khốc liệt thì những trang cáo phó càng nhiều tên tuổi hơn. Và tuổi tác của người chết cũng gần với tôi nhiều hơn. Có những người hơn hai hay ba tuổi, có những người bằng tuổi và có những người thua vài tuổi. Có những người chưa vợ con và có những người để lại mấy đứa con còn rất nhỏ. Đó là những mẫu cáo phó của thời chiến. Cuộc chiến càng dữ dội cuối thập niên 60 và đầu những năm 70 thi những cáo phó như thế càng đọc thấy nhiều hơn. Tuổi của những người ra đi cũng xấp xỉ tuổi của tôi hồi ấy.

Rồi bẵng đi một vài năm sống ở Mỹ, tôi bỗng thấy trong những tin cáo phó đọc thấy trên mấy tờ báo Việt ngữ, tuổi tác của những người ra đi rất gần với tuổi của mình trong hoàn cảnh không còn chiến tranh tang tóc nữa. Lác đác không còn nhiều những trướng hợp hưởng dương dưới 50 tuổi nữa mà đã được coi là hưởng thọ nghĩa là đã sống được trên tuổi 50. Rồi thoắt một cái, những cái tuổi trên 60 cũng ập tới, và nay, những tuổi trên 70 cũng trở thành rất thường. Thỉnh thoảng lại thấy tên một người bạn vừa gặp vài tháng trước.

Nhưng vẫn có một cách viết cáo phó tôi thấy rất kỳ lạ. Đó là những câu như “… đau đớn báo tin XYZ đã được Chúa gọi về…” Tôi nghĩ là được Chúa gọi về phải là một hạnh phúc, một ân sủng thì tại sao gia đình phải đau đớn? Tôi có đem hỏi một linh mục thì được ngài cho biết nói như vậy là không đúng. Chúa không bao giờ muốn con của người phải chịu những khổ đau. Nhưng một bữa tôi đã bị một người đàn ông phản bác kịch liệt nói rằng bài báo tôi viết đề cập tới chuyện đó là xúc phạm tới tôn giáo của ông và tôi hoàn toàn sai lầm mặc dù tôi có dẫn lời của linh mục T.Q.T. nay đã khuất.

Mấy chục năm đọc những cáo phó từ khi những người ra đi hơn tuổi, rồi bằng tuổi và nay là những người ít tuổi hơn có khi cả chục tuổi. Một ông bạn tôi tuần trước viết cho cái e-mail và kết bằng câu “Chẳng cũng khoái ư!”

Nghe cứ như Nguyễn Hiến Lê dịch Lâm Ngữ Đường vậy.

User avatar
TheLang
Posts: 1960
Joined: Thu Oct 30, 2008 5:43 am

Post by TheLang »

Sài Gòn... cuộc chiến vẫn chưa dứt!

Trần Nhật Phong

(Danlambao) - Gió xoay chiều, kể từ khi phe “miền bắc có lý luận” lên nắm quyền cai trị, nhiều cơn giông tố dù “ngầm’ hay “nổi” đều đang gia tăng một cách mạnh mẽ, cuộc thanh trừng đã bắt đầu diễn ra, nhưng có vẻ hầu hết nạn nhân đều là các “đại gia”, các “sân sau” của quan chức tiền nhiệm.

Các quan chức thuộc phe “miền bắc có lý luận”, dường như cách “thu tóm” không có gì được xem là “đột phá” về tư duy, mà hầu hết là vẫn dùng theo “chiêu thức cũ”, tung tin lên mạng tạo thành dư luận, báo chí vào cuộc, công an vào cuộc, và kết quả thì các “nạn nhân”, từ một kẻ được nhà cầm quyền ca ngợi, cấp bằng khen, chỉ một đêm hay vài ngày đã trở thành “kẻ gây tộc ác” trước con mắt của công chúng.

Nhưng cũng có những bất ngờ khiến cho các quan chức “miền bắc có lý luận” trở nên lúng túng, như vụ bắn tại Yên Bái, không phải vô cớ mà vụ bắn xảy ra, cũng không phải vì “yêu nước thương cán bộ” mà ông Nguyễn Xuân Phúc lại “nhiệt tình” quan tâm đến sự kiện này, nguồn cơ vụ bắn đã bị toàn bộ những kẻ được gọi là “lãnh đạo” ém nhẹm, dù ai cũng biết rõ vụ bắn liên quan đến tình trạng khai phá rừng vô tội vạ ở Yên Bái.

Tại Sài Gòn, cũng không phải không có lý do mà hôm 17 tháng 8 tờ báo Tuổi Trẻ đã cho đăng loạt bài về cái gọi là “cử tri thắc mắc vụ xây sân golf ở sân bay Tân Sơn Nhất”. Dân Sài Gòn đặc biệt là quận Tân Bình ai cũng biết rõ các khu đất xung quanh phi trường Tân Sơn Nhất là thuộc quyền quản trị của Bộ Quốc phòng, thế mà tờ Tuổi Trẻ lại “cả gan” dám đăng bài gây “bất lợi” cho dự án sân golf? Theo đó các “cử tri” còn tố là dự án sân golf chỉ là bình phong, thực chất là xẻ đất đai để bán cho các dự án xây khách sạn, nhà hàng sang trọng v.v...

Dân Sài Gòn hiểu rõ, Bộ Quốc phòng khư khư ôm chặt vùng đất này, vì mối lợi quá lớn cả về mặt kinh tế lẫn chính trị, mục tiêu sau cùng là buộc di dời sân bay quốc tế về Long Thành.

Về mặt kinh tế, rõ ràng nếu sân bay quốc tế dời về Long Thành, thì sân bay Tân Sơn Nhất chỉ còn hai chọn lựa, một là trở thành phi trường nội địa thì sẽ có thêm đất cho Bộ Quốc phòng, chia chác trong các dự án xây dựng đô thị, bao gồm luôn khách sạn, trung tâm thương mại, nhà hàng, giải trí v.v...

Còn hai là về mặt chính trị, phi trường Tân Sơn Nhất có nguy cơ trở thành một phi trường quân sự, theo đó các đường phi đạo sẽ được tu sửa lại cho phù hợp với các loại chiến đấu cơ, trực thăng của quân đội Việt Nam và cả PLA (lực lượng giải phóng Nhân Dân Trung Quốc), và không biết sẽ có bao nhiêu “đại gia” thuộc phe “miền bắc có lý luận” sẽ trúng thầu các dự án xây dựng xung quanh phi trường Tân Sơn Nhất, và đằng sau các “đại gia” này vốn xưa nay làm ăn nơi đất Bắc, thì chỉ toàn hợp tác với các “đại gia” của “Thiên Triều”, thì ai sẽ là nơi cung cấp nguồn vốn xây dựng?

Các quan chức mới lên nhiệm thuộc phe “miền bắc có lý luận”, đặc biệt là ông Bí thư Thành ủy Sài Gòn Đinh La Thăng, sẽ có những “chiêu thức” gì để “thu tóm” các dự án, những ngành hái ra tiền cho đám “đại gia’ đất Bắc Phần mà thực chất là “bàn tay lông lá” của Trung Quốc ở phía sau?

Đất Sài Gòn nói riêng và Miền Nam nói chung vốn là mảnh đất màu mỡ cho việc kiếm tiền, hốt bạc, vì tánh khí của dân Nam Kỳ dễ dãi, xuề xòa, hiện đang là điểm nhắm tới của đám “đại gia” Bắc Kỳ có gốc gác Đông Âu, nhưng lại có nhiều mối làm ăn với Trung Quốc, cả vùng miền bắc đã tan hoang vì lối khai thác, xây dựng, móc ngoặc vô tội vạ của những tên “đại gia” này, và giờ đây Đinh La Thăng đang trở thành kẻ “tiên phong” mở đường cho các “đại gia” Bắc Kỳ “xâm chiếm” các mối làm ăn ở miền nam bao gồm luôn mảnh đất “vàng” ở Sài Gòn.

Vùng đất này kể từ khi mở cửa kinh tế (cuối thập niên 80), vốn là vùng đất của các “đại gia” đảng viên gốc miền Nam làm ăn với Hàn Quốc, Đài Loan, Âu Châu, Hoa Kỳ, đến nay gió đã xoay chiều, những mối làm ăn béo bở này đang trở thành mục tiêu của đám “đại gia” Bắc Kỳ hay Đông Âu.

Không phải không có lý do khi báo chí đột nhiên đăng tải ngôi biệt thự “khủng” của đại gia Trầm Bê?

Không phải không có lý do trong vụ án Phạm Công Danh, bằng mọi giá phải lôi kéo ban điều hành của công ty “Doctor Thanh” vào vụ án?

Cũng không phải không có lý do báo Tuổi Trẻ và Một Thế Giới, lại đăng tải hàng loạt lời kêu ca của cái gọi là “cư dân” ở Sài Gòn phải “hít thở” mùi nồng nặng của bãi rác Đa Phước?

Kịch bản vốn phải như vậy, vì bước kế tiếp sẽ là Bí Thư Đinh La Thăng “vào cuộc”, rồi “chỉ đạo” cho các ban ngành mở cuộc điều tra.

Tiếp theo là Bộ Công an hay Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ ra thông cáo báo chí, nói rằng “có nhiều sai phạm” đệ trình lên “Thủ tướng để xin chỉ đạo”.

Và đoạn chót của kịch bản, ai cũng biết chuyện gì sẽ xảy ra, “nạn nhân” một là bỏ của chạy lấy người, thỏa hiệp để mua sự an toàn cho bản thân, cho gia đình, cho tài sản “ngầm” còn sót lại, thứ hai là phủi đít “nhập kho”, đứng nhìn tài sản “rớt” vào tay của các “đại gia” gốc Bắc Kỳ hay Đông Âu, trên danh nghĩa “cải tổ” hay “tạm thời quản lý”.

Vụ đại gia David Dương hiện nay, bãi rác Đa Phước đang trở thành “con dê” đầu tiên cho Đinh La Thăng “làm thịt”, cư dân xung quanh khu vực bãi rác Đa Phước chịu đựng mùi hôi thúi là chuyện dể hiểu, nhưng xa đến 8-10 km, mà báo chí đăng tãi là “mùi hôi nồng nặc” thì ai cũng thấy có chuyện gì “không ổn” từ các tay viết “đâm thuê chém mướn” này. “Không ổn” là tại sao 2, 3 bãi rác ở miền Bắc California dưới quyền của David Dương, lại không hề có những “kêu ca” như bãi rác Đa Phước ở Việt Nam? Không lẽ chính quyền của Tổng Thống Obama “bảo kê” cho David Dương?

Ai cũng biết mỗi ngày công ty Đa Phước của ông David Dương phải xử lý 5,000 tấn rác, theo đó Hồ Chí Minh phải chi trả cho công ty này 18 Mỹ kim cho mỗi tấn rác, nhìn đã thấy ngay con số, mỗi ngày Hồ Chí Minh phải chi trả cho việc xử lý rác là 90,000 USD, và cứ vậy nhân lên thành con số mỗi tháng, có “đại gia” Bắc Kỳ nào mà không “thèm thuồng” mối làm ăn này của David Dương?

Nhưng “cướp” bằng cách nào cho “hợp pháp” và đó chính là trách nhiệm của Đinh La Thăng trong nhiệm kỳ Bí Thư Thành Ủy ở thành Hồ. Và đó là lý do tại sao các tay “đâm thuê chém mướn” của tờ Tuổi Trẻ hay Một Thế Giới, trong mấy tuần này đã “ưu ái” nhiều bài viết về Đa Phước.

Tương tự David Dương, vụ Vũ Quang Hải được “bổ nhiệm” vào công ty Rượu Bia và Nước Giải Khát Sài Gòn hay còn gọi là Sabeco, đang được phe “miền bắc có lý luận” ráo riết “đập” với lý do thuộc dạng “con ông cháu cha” nhận chức.

Riêng tại Sài Gòn, công ty Sabeco (vốn là công ty sản xuất bia ở miền Nam trước 75), được xem là công ty quốc doanh (nhà nước làm chủ 89%) hái ra tiền nhất so với các công ty quốc doanh thua lỗ như EVN hay PetroVietnam, riêng tại đất Sài Gòn, Sabeco mỗi năm sản xuất lên đến 11 tỷ lít bia vẫn không đủ cung cấp, chỉ cần lời 5 cents (USD) cho mỗi lít bia, thì người ta đã thấy con số hàng năm công ty này thu lợi là bao nhiêu, có “đại gia” Bắc Kỳ nào mà không muốn “cướp” Sabeco về tay của mình?

Đất Sài Gòn là nơi hái ra tiền cho nhiều thành phần trong xã hội, nhưng nó cũng là nơi “chôn xác” cho những ai không hiểu rõ thời cuộc, nhất là cho những ai không hiểu rõ “cách chơi” của nhà sản.

Trong một xã hội mà cơ chế “tàn tật”, quản lý “dốt nát” thì đó chỉ là vùng đất màu mỡ cho hai thành phần đầu tư nước ngoài hưởng lợi.

Thành phần thứ nhất là những Đại Công ty xuyên quốc gia cở như Samsung, Nike, luôn đầu tư vào những quốc gia có luật lệ lỏng lẻo, tham nhũng, giá nhân công rẻ hơn súc vật, còn được ưu đãi về đất đai, ưu đãi về thuế, để họ có thể thu lợi nhuận khổng lồ trong khoảng một thập niên, trước khi tìm kiếm mảnh đất khác để tiếp tục khai thác.

Thành phần thứ hai là những kẻ làm ăn theo kiểu “gạt đầu sông cuối chợ” hưởng lợi ngắn hạn trong một vài năm, chụp giựt, đạp lên đầu kẻ khác rồi ôm tiền bỏ chạy.

Còn những nhà đầu tư nghiêm túc, lương thiện và lâu dài, có tầm nhìn rộng, thì chỉ chọn đầu tư ở những quốc gia hay vùng lãnh thổ minh bạch rõ ràng, tương tự như nhiều năm trước đây ở Hong Kong, Đài Loan hay Singapore.

Dù bị vặn vẹo méo mó trong 40 năm qua, dù bị cai trị một cách “ngột ngạt” của đám “miền bắc có lý luận”, nhưng dân chúng Sài Gòn vẫn được xem là biểu tượng của nền văn hóa rực rỡ so với mặt bằng trên toàn quốc, Sài Gòn vẫn là Sài Gòn, không cần những lời “chém gió” của Đinh La Thăng là “tái lập Hòn Ngọc Viễn Đông” hay đòi biến Sài Gòn trở thành một thứ “Thượng Hải” của “Thiên Triều”.

Cuộc chiến “dành sân” hay “chiếm đất xưng vương” vẫn đang diễn ra một cách gay gắt vẫn đang tăng cường độ kể từ khi Đinh La Thăng trở thành Bí Thư Thành Ủy, nó vẫn đang làm tăng thêm sự khác biệt văn hóa giữa miền Nam và những kẻ “miền Bắc có lý luận”.

Nếu ai đó cho rằng quan điểm trên là “phân biệt vùng miền”, nhưng nếu nhận rõ sự tham lam của những “đại gia” Bắc Kỳ đang làm gì ở miền Nam, thì đây vẫn là một thực tế, Sài Gòn vẫn có những cuộc chiến đang tiếp diễn, dù cuộc chiến quân sự đã chấm dứt từ hơn 40 năm trước.

30.08.2016
Trần Nhật Phong

User avatar
bichphuong
Posts: 574
Joined: Mon Apr 25, 2016 12:10 am
Been thanked: 1 time

Post by bichphuong »


Việt Nam ‘công nghiệp hóa’ với bia và ‘hiện đại hóa’ bằng xổ số

September 1, 2016

Image
Giới trẻ uống bia trong một nhà hàng ở Sài Gòn. “Bia bọt” nay trở thành như một văn hóa giao tiếp ở Việt Nam. (Hình: Getty Images)
HUẾ (NV) – Khoảng 30% chi tiêu của tỉnh Thừa Thiên-Huế là nhờ nguồn thu từ… bia, 70% còn lại là thu tiền sử dụng đất và chu cấp từ… trung ương!

Ðó là thống kê do Hội Ðồng Nhân Dân tỉnh Thừa Thiên-Huế công bố và tỉnh này không phải là trường hợp cá biệt. Chi tiêu của chính quyền nhiều tỉnh tại Việt Nam đang trông chờ vào các nguồn thu từ bia, rượu, tiền sử dụng đất và xổ số.

“Dưới lá cờ vẻ vang của Ðảng CSVN,” sự nghiệp “công nghiệp hóa, hiện đại hóa” đã giúp ngành công nghiệp bia rượu và xổ số đạt được những thành tựu vượt bậc!

Hồi đầu năm nay, tại đại hội lần thứ năm của Hiệp Hội Bia-Rượu-Nước Giải Khát Việt Nam, đại diện hiệp hội này long trọng thông báo, “dù gặp nhiều khó khăn vì kinh tế suy thoái nhưng ngành bia, rượu, nước giải khát vẫn phát triển.”

Chỉ tính riêng năm 2015, “sản lượng bia đạt 3.4 tỉ lít/năm, tăng 40%, sản lượng rượu sản xuất công nghiệp đạt 70 triệu lít, sản lượng nước giải khát đạt 4.6 tỷ lít.” So với năm 2010, sản lượng bia tăng 40%, sản lượng rượu sản xuất công nghiệp 18% và sản lượng nước giải khát tăng 50%.

Hiệp Hội Bia-Rượu-Nước Giải Khát Việt Nam khoe, từ 2011-2015, các doanh nghiệp thành viên của hiệp hội này đã nộp cho ngân sách 30,000 tỉ đồng, tương đương 3% tổng thu ngân sách quốc gia. Nếu tính riêng đóng góp cho ngân sách từ bia thì số tiền đó là 26.000 tỉ/30,000 tỉ mà Hiệp Hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam đã nộp cho công quỹ.

Cũng theo Hiệp Hội Bia-Rượu-Nước Giải Khát Việt Nam, năng lực hiện tại của Việt Nam trong sản xuất bia là 4.8 tỉ lít/năm, “có thể đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, có sức cạnh tranh khi Việt Nam đang hội nhập.”

Bởi chi tiêu trông vào sự đóng góp của các doanh nghiệp sản xuất bia, rượu, trong vài năm gần đây, chuyện chính quyền một số tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo các cơ sở thương mại, dịch vụ chỉ được bán bia, rượu do nhà máy bia, rượu đặt tại tỉnh nhà sản xuất không còn là chuyện lạ.

Trên bình diện thế giới, Việt Nam trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu về tiêu thu bia, rượu và ở bình diện quốc gia, ăn nhậu trở thành tệ nạn càng ngày càng trầm trọng trong toàn lãnh thổ, phổ biến ở tất cả các giới, các độ tuổi, đặt ra hàng loạt vấn nạn nghiêm trọng về y tế, văn hóa-xã hội.

Cũng “dưới lá cờ vẻ vang của Ðảng CSVN,” ngoài giải tỏa-thu hồi đất ở khắp nơi để cho chủ đầu tư các dự án thuê, kiếm tiền từ những khoản liên quan đến “sử dụng đất,” xổ số đã trở thành một thứ công cụ mà chính quyền các tỉnh tận dụng để tạo ngân sách, duy trì hoạt động. Cũng đầu năm nay, Bộ Tài Chính Việt Nam công bố một thống kê, theo đó, doanh thu từ hoạt động xổ số trên toàn quốc trong năm 2013 khoảng 59,000 tỉ đồng, trong năm 2014 là 63,000 tỉ đồng, trong năm 2015 khoảng 70,000 tỉ đồng. Nguồn thu dù lớn nhưng theo Bộ Tài Chính Việt Nam, đóng góp cho ngân sách của hoạt động xổ số chỉ khoảng 1/3.

Không thể để mất khoản lợi béo bở từ xổ số về tay chính quyền các tỉnh, tháng trước, Bộ Tài Chính Việt Nam cho khai trương Vietlott – liên doanh giữa Bộ Tài Chính Việt Nam với tập đoàn Berjaya của Malaysia – được quảng cáo là “xổ số kiểu Mỹ” hơn hẳn “xổ số kiểu truyền thống.”

Bởi sự “tài tình, sáng suốt” của “đảng bộ, chính quyền, hộại đồng nhân dân” các tỉnh tại Việt Nam chỉ quẩn quanh ở khai thác bia rượu, phê duyệt dự án kiếm tiền từ cho thuê đất, bán tài nguyên và xổ số nên cho đến hết năm ngoái, 80% tỉnh, thành phố ở Việt Nam vẫn không cân đối được thu-chi, phải ngửa tay nhận trợ cấp từ trung ương. Trong đó có cả Ðà Nẵng – thành phố lớn thứ ba ở Việt Nam, nơi hệ thống chính quyền được xem là có năng lực hơn những chỗ khác.

Năm ngoái, tổng thu của Ðà Nẵng chỉ được 11,661 tỉ đồng – thua xa khoản tiền mà Tổng Công Ty Rượu-Bia-Nước Giải Khát Sài Gòn (SABECO) nộp cho ngân sách (13,000 tỉ đồng). Một số chuyên gia kinh tế cảnh báo, nếu Ðà Nẵng tiếp tục bán đất để lấy tiền xây cầu, làm đường, dựng cao ốc,… thì chỉ ít năm nữa sẽ chẳng còn gì để bán.

Cũng cần lưu ý là so với “đảng bộ, chính quyền, hội đồng nhân dân” các tỉnh thì Ban Chấp Hành Trung Ương đảng CSVN, chính phủ, Quốc Hội không sáng suốt hơn, không may là họ lại không có cấp “trên trung ương” để xin hỗ trợ nên họ đành vay khắp nơi ở cả trong lẫn ngoài Việt Nam.

Năm ngoái, tổng nợ của chính quyền Việt Nam là 2,607,960 tỉ đồng. Do nguồn thu không đủ để chi tiêu nên nếu may mắn thì năm nay, chính quyền Việt Nam sẽ chỉ vay thêm gần 400,000 tỉ đồng nữa, nâng tổng nợ của Việt Nam lên mức chừng ba triệu tỉ đồng. (G.Ð)

User avatar
ThienThu
Posts: 757
Joined: Thu Oct 30, 2008 5:38 am

Post by ThienThu »


Khó tránh chiến tranh trên biển giữa Mỹ và Trung Quốc?

September 4, 2016

Image
Người dân ở Hà Nội biểu tình chống Trung Quốc ngày 14 tháng 3, 2016, nhân dịp kỷ niệm trận đánh ở bãi đá ngầm Gạc Ma
đã làm 64 lính Việt Nam thiệt mạng. (Hình: Getty Images)

WASHINGTON (NV) – Sẽ khó tránh một cuộc chiến tranh trên biển giữa Mỹ và Trung Quốc vì tham vọng đế quốc và bá quyền bành trướng của Bắc Kinh?

Một bài phân tích của tác giả Seth Cropsey trên trang mạng “realclearpolitics.com” nêu ra những chỉ đấu dẫn đến những phân tích của ông mà nếu Mỹ không thay đổi chính sách trong khi Bắc Kinh tiếp tục lấn tới, nguy cơ bùng nổ chiến tranh giữa hai nước có thể khó tránh.

Ông Seth Cropsey, một sĩ quan Hải Quân nghỉ hưu, từng là phụ tá thứ trưởng Bộ Hải Quân trong hai thời Tổng Thống Ronald Reagan và George H. W. Bush. Hiện ông đang là một chuyên viên nghiên cứu tại viện nghiên cứu sách lược Hudson và là giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Sức Mạnh Hải Quân Hoa kỳ của viện này.

Những ý kiến của ông nêu trong bài viết phổ biến trên trang mạng “realclearpolitics.com” được rút ra từ một quyển sách mà ông đang viết và sắp cho xuất bản về các hệ quả của khả năng hải quân Hoa Kỳ trong chính sách cắt giảm ngân sách của chính phủ.

Theo ông, bất cứ ai sẽ lên làm tổng thống Hoa Kỳ từ cuộc bầu cử diễn ra cuối năm nay, chính sách đối ngoại nên là, phải ép Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế. Nếu không, nước Mỹ sẽ phải đối diện với một cuộc xung đột trên biển ngày một rõ hơn vào thời điểm lực lượng Hải Quân của Mỹ thu nhỏ dần.

Ngày 12 tháng 7, 2016, Tòa Án Trọng Tài Quốc Tế tại The Hague bác bỏ lời tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc “có từ cổ xưa” đối với đường “Lưỡi Bò” trên Biển Đông, Bắc Kinh liền cho hai chiếc máy bay dân sự đáp xuống hai đảo nhân tạo Su Bi và Vành Khăn mà họ xây dựng ở Trường Sa. Các phi đạo này cách đất liền tới 600 dặm cho Bắc Kinh khả năng vươn xa xuống phía Nam.

Một năm trước, chính chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói ở thủ đô Washington rằng Trung Quốc sẽ không biến các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa thành những căn cứ quân sự. Nhưng những không ảnh mới nhất cho thấy các nhà để máy bay xây dựng kiên cố đặc biệt trên đó, có thể chứa các phi cơ quân sự lớn nhất của họ, cho thấy họ nói dối. Họ dự tính đưa máy bay quân sự đến đây.

Từ thời Tổng Thống Reagan, chính sách của Mỹ là lôi kéo Trung Quốc vào trật tự tự do thế giới. Trung Quốc gia nhập các tổ chức thế giới và tuân thủ theo các luật lệ thế giới mà họ đặt bút ký kết, tôn trọng tự do hải hành trong các vùng biển quốc tế, cũng như tôn trọng chủ quyền của các nước khác.

Mỹ đã hậu thuẫn cho Trung Quốc gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới năm 2001. Năm 2016 được mời, lần thứ hai, tham dự tập trận hải quân với Hải Quân Mỹ và nhiều nước khác thuộc khu vực Thái Bình Dương, tổ chức tại Hawaii. Danh sách những đề nghị của Mỹ với Trung Quốc rất dài trong chính sách thúc đẩy Bắc Kinh đi vào một trật tự thế giới kiểu Tây phương.

Kết quả người ta thấy hoàn toàn ngược lại với những gì Hoa Kỳ mong muốn. Chủ trương bá quyền bành trướng của Bắc Kinh ngày càng lộ liễu hơn đi kèm với khả năng quân sự ăn trùm ở khu vực. Các nước nhỏ nhìn thấy rõ áp lực của Bắc Kinh trong các vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ.

Khi đến tham dự một hội nghị tổ chức ở Hà Nội giữa ASEAN và các đối tác hồi năm 2010, Dương Khiết Trì, khi đó là ngoại trưởng, phản ứng khi vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo Biển Đông được nêu ra, rằng “Trung Quốc là đại cường và các nước khác là những nước nhỏ mà đó là thực tế.”

Dương Khiết Trì ám chỉ rằng sức mạnh quân sự đem đến quyền lực. Đây là cách Bắc Kinh hành xử trên Biển Đông. Luật lệ quốc tế khi nào họ muốn theo thì theo, khi khác thì giải thích theo ý của họ.

Theo bài viết nói trên, Mỹ thất bại trong chính sách đối với Trung Quốc khi muốn đưa họ vào quỹ đạo bảo vệ ổn định an ninh, kinh tế thế giới. Khối lượng hàng hóa thương mại khổng lồ của họ xâm nhập thị trường Mỹ hàng năm hy vọng uốn nắn cách suy nghĩ của các kẻ cầm quyền ở Bắc Kinh để họ “quan sát, nghĩ và hành động như chúng ta.” Tuy nhiên “Các bằng chứng không hậu thuẫn cho hy vọng màu hồng đậm này.”

Theo ông Cropsey, chính quyền kế tiếp của nước Mỹ cần phải hiểu là định mệnh của nước Mỹ siêu cường không thể tách rời khỏi vai trò tiếp tục là siêu cường ở Thái Bình Dương. Điều này không nghĩa là một chính sách hung hăng hay đối đầu quân sự.

Hoa Kỳ phải hành động ngoại giao tích cực với các nước chung quanh Trung Quốc vốn sợ tham vọng bá quyền bành trướng của Bắc Kinh. Hoa Kỳ phải có sức mạnh tác chiến đáng tin cậy để cản các hành đi ngang ngược cũng như tham vọng quân sự của họ, bằng cách hoạt động tự do hải hành thường xuyên, đáng tin cậy, ở các vùng biển quốc tế trên Biển Đông.

Cũng không kém quan trọng là phải tăng cường lợi thế của Hải Quân đối với Trung Quốc bằng cách đóng thêm nhiều tàu ngầm tấn công hơn nữa, cũng như lợi dụng lợi thế không cân xứng này bằng cách điều động chúng đến Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Mới đây, Tổng Thống Philippines Rodrigo Duterte cho biết cảnh sát biển nước này phát hiện nhiều sà lan Trung Quốc có mặt tại khu vực bãi cạn Scarborough trên Biển Đông. Đây có thể là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang có kế hoạch bồi đắp bãi cạn này.

Khả năng này từng được đề cập những tuần lễ gần đây mà một số nhà phân tích thời sự cho là Bắc Kinh sẽ đợi tới sau hội nghị thượng đỉnh G20 ở Hàng Châu qua đi. (TN)

kalua
Posts: 836
Joined: Sun Apr 22, 2012 5:26 pm

Post by kalua »


Một thế giới lạnh lùng


Image
Một phụ nữ “selfie” với Thủ Tướng David Cameron của Anh. (Hình minh họa: Peter Macdiarmid/Getty Images)

Tạp ghi Huy Phương
“Con chỉ ước được làm một chiếc điện thoại di động.”

Bạn đọc của tôi hôm nay và cả những đứa trẻ 12, 13 tuổi ở Mỹ này, chắc chắn ai cũng có một cái điện thoại di động kè kè bên mình, vì bây giờ có một cái điện thoại này là được nắm cả thế giới trong tay. Trên địa cầu có 7 tỷ 12 triệu người thì hiện nay đã có 6 tỷ 880 triệu người dùng điện thoại di động, trong đó có nhiều quốc gia nhiều người có hơn hai cái. Đất nước càng giàu có, dân chúng dùng điện thoại di động càng nhiều. Mỹ là một quốc gia có số điện thoại di động nhiều hơn dân số, nhưng còn kém xa Saudi Arbia, ở đây một người dùng đến 1.7 cái điện thoại. United Arab Emirates có 8.5 triệu dân, mà số điện thoại lưu hành hơn 17 triệu cái.

Việt Nam là một quốc gia thích chạy theo tiện nghi, nhất là những tiện nghi đã thành món thời trang. Một nghiên cứu mới đây của viện Gallup (Mỹ) cho thấy 43% người Việt Nam có Internet tại nhà, 94% có điện thoại di động, 37% có điện thoại thông minh (smartphone). Nhiều thanh niên ăn mì gói trừ cơm nhưng thích dùng những điện thoại tối tân, đắt tiền, và cơn sốt điện thoại đã đưa đến nạn cướp giật, gây ra những vụ chém người, chặt tay người để đoạt thứ đồ chơi này.

Chúng ta cũng không ngạc nhiên khi biết Cuba và Bắc Hàn là hai quốc gia ít dùng điện thoại di động nhất vì lạc hậu và nghèo đói.

Con số này được tính vào năm 2013, trong ba năm qua, số người dùng loại điện thoại này trên thế giới chắc chắn là tăng chứ không giảm.

Chúng ta đã biết nhiều về tiện nghi của điện thoại di động cũng như mọi người đã nói nhiều về những điều hại khi ta dùng nó, như khi lái xe mà mải mê nói chuyện, thậm chí còn “texting,” nhắn gửi qua máy. Nhất là khi chiếc điện thoại còn được sử dụng như một máy ảnh thì nhiều chuyện khó tin đã xẩy ra như chụp “selfie” mà bước giật lùi rơi xuống thác nước, xuống sông.

Theo nghiên cứu của đại học Baylor University đăng trên tờ The Journal of Behavioral Addictions, họ đã phỏng vấn trên 164 sinh viên về thói quen dùng điện thoại di động, theo đó những cô gái trẻ dùng điện thoại này trung bình mỗi ngày 10 tiếng, nam sinh viên 8 tiếng và đến 60% người thú nhận họ “ghiền” dùng điện thoại. Họ dùng 94.6 phút để nhắn tin, 48.5 phút để đọc và gửi email, 38.6 phút cho facebook, 34.4 phút để nghe nhạc.

Đi du lịch ngày nay, chủ yếu của con người là chụp ảnh mang về, mà đáng ra phải thưởng thức vẻ đẹp của phong cảnh thiên nhiên tại chỗ. Gặp gỡ Đức Giáo Hoàng hay một tài tử nổi danh thì không ai muốn chiêm ngưỡng nhân vật mà chỉ muốn thu hình họ vào máy ảnh của mình, thay vì nhìn nhân vật người ta nhìn vào màn ảnh máy điện thoại.

Vào tiệm ăn trong khi chờ nhà hàng mang thức ăn ra, ai cũng chúi mũi vào chiếc điện thoại. Các thanh niên, thiếu nữ đang thời gắn bó, thương yêu, kể cả những lúc gặp gỡ, ai cũng chăm chú vào thế giới riêng tư của mình.

Thiếu niên ẩn mình trong phòng riêng để chuyện trò với bạn bè, nhắn tin nghe nhạc, xem phim, thay vì gần gũi chuyện trò với anh chị em và cha mẹ trong gia đình. Thật sự, trong nhiều gia đình ở các nước văn minh ngày nay, vào những ngày Hè, thanh thiếu niên không còn dùng điện thoại di động mỗi ngày 8 tiếng như theo nghiên cứu của đại học Baylor University, mà còn kéo dài đến 14 tiếng. Đến giờ cơm, các em vừa ăn vừa dán mắt vào màn ảnh điện thoại để xem phim, giờ đọc sách hay làm bài cũng phải có nhạc bên tai mới chịu được, lâu trở thành thói quen không thể thiếu. Vào giường thì điện thoại cũng để dưới gối, nghe nhạc để ru giấc ngủ. Các em ngày nay, có khuynh hướng cô lập với gia đình, thiếu gần gũi với cha mẹ như thời thơ ấu, mà có nhu cầu trò chuyện, nhắn tin, giải trí trong chiếc máy riêng tư của mình.

Đã lên giường trước giờ ngủ, vợ chồng mải mê theo dõi trên màn ảnh điện thoại di động. Các bậc phụ huynh cũng mê điện thoại, bỏ bê con cái. Thanh thiếu niên đã không còn dành thì giờ gần gũi với cha mẹ, mà cha mẹ cũng không còn gần gũi với con cái, điện thoại di động là vật tri kỷ, gần gũi nhất với mọi người.

Nói đến điện thoại, ngày nay người ta nói đến điện thoại cá nhân, điện thoại di động. Điện thoại vốn là phương tiện để kết nối, liên lạc, nhưng tựu trung nó làm cho người ta chia rẽ, xa cách. điện thoại di động, thay vì làm cho con người gần gũi với nhau hơn, càng làm cho họ cách xa nhau thêm?

Tổng Thống Barack Obama đã có lần cho rằng: “Chúng ta không thể sùng bái những chiếc điện thoại, mà thờ ơ với những giá trị nhân đạo khác, đó không phải là một việc làm đúng đắn.”

Trẻ em nghĩ gì về những bậc cha mẹ ích kỷ, thích riêng tư với cái thế giới qua màn ảnh điện thoại di động, với nỗi bơ vơ, buồn phiền của những đứa con. Con chúng ta cần một bờ vai thương yêu, một lời nói bên tai, những chia sẻ vui sướng cũng như phiền muộn và những gần gũi ấm áp. Hãy lắng lòng để nghe lời nói ngây thơ của một đứa con, đời sống và hình hài của em không bằng một cái điện thoại lúc nào cũng được gần gũi với bố mẹ.

Đây là bài luận văn của một em bé Việt Nam khi được hỏi về nỗi mơ ước của em là gì?

-“Ước mơ của con là trở thành một chiếc điện thoại di động!”

-“Bố mẹ con yêu điện thoại di động lắm. Đến mức con cảm thấy bố mẹ quan tâm đến điện thoại còn hơn quan tâm đến con. Khi bố đi làm về, dù rất mệt mỏi nhưng bố vẫn chỉ ngồi bấm điện thoại di động chứ chẳng nhớ gì đến con. Khi bận bịu việc gì quan trọng, nếu bất chợt có chuông điện thoại reo, bố mẹ sẽ ngay lập tức nhấc máy nghe. Thế nhưng lúc con khóc thì bố mẹ lại chẳng sốt sắng đến thế. Bố mẹ thích chơi trò chơi trên điện thoại di động chứ chẳng muốn chơi cùng con. Khi nói chuyện với ai đó trên điện thoại, bố mẹ cũng chẳng bao giờ thèm nghe con nói gì, cho dù con có chuyện rất quan trọng muốn chia sẻ. Vì thế, con chỉ ước được làm một chiếc điện thoại di động.”

nhuvan
Posts: 342
Joined: Sun Mar 27, 2016 8:29 pm

Post by nhuvan »

Các em sẽ học gì?

Ngô Nhân Dụng
Cả thế giới đang khai trường cho niên khóa 2016-17, tôi nhận được những hình ảnh học sinh tại các tỉnh Sơn La, Yên Bái và Lào Cai, Việt Nam trên đường đến trường ngày đầu tiên, trong một bài phóng sự trên báo Lao Ðộng. Nhìn cảnh các thầy, cô giáo và học trò vất vả leo núi, vượt sông, tới những ngôi trường nghèo nàn, ai cũng phải thương tâm, nhưng cũng vui mừng vì các cháu vẫn còn được đi học. Trong cùng thời gian đó, một ngàn học sinh các trường mầm non và tiểu học tại xã Kỳ Hà, tỉnh Hà Tĩnh phải nghỉ học, vì bố mẹ không có tiền đóng học phí và các khoản phí khác, cũng không đủ tiền mua sách vở. Cha mẹ các em sống bằng nghề làm muối và đánh cá, sau vụ biển nhiễm độc Formosa, tôm cá đánh về không ai mua, muối cũng không bán được vì người ta sợ chất độc.

Nhiều em ra đồng bắt cua, hoặc quanh quẩn ở nhà nhưng trong một thời gian ngắn, chắc các em học sinh xã Kỳ Hà sẽ phải được đến trường. Người Việt Nam không ai nỡ nhìn hàng ngàn trẻ em thất học chỉ vì tai họa do một công ty ngoại quốc gây ra. Cái quỹ 500 triệu Mỹ kim công ty Formosa có thể chia ra một khoản “khuyến học” hay không? Có người ta đã hỏi: “Phải chọn lựa, muốn có thép hay tôm cá?” Chắc không ai dám hỏi, “ Giờ muốn có thép, hay muốn đi học?”

Chắc chắn đồng bào mình sẽ chọn, phải cho con đi học. Nhìn cảnh các em học sinh ở Sơn La, Yên Bái hoặc Lào Cai ngồi xổm trên nền đất sân trường chờ nghe thầy, cô nói, cảnh các thầy cô và học trò lội sông nước đục ngầu, vịn nhau đi trên những con đường đèo đầy bùn trơn, chúng ta tin tưởng vào tương lai. Trẻ em phải được đi học. Dù nghèo, dù đói, vẫn phải học. Ðó là con đường tiến đến một tương lai tốt đẹp hơn, cho mỗi em cũng như cho cả dân tộc.

Nhưng các em sẽ được học cái gì? Các thầy cô sẽ dạy các em những thứ gì?

Từ ngàn năm trước, người Việt Nam vẫn đồng ý việc học trước hết là để đào luyện trẻ em “cho nên người.” Trẻ em học những quy tắc luân lý từ cha mẹ, khi tới trường được nghe nhắc lại: Thật thà, chăm chỉ, can đảm, trong sạch, lễ độ với người trên, nhân ái với tất cả mọi người khác, vân vân. Khi nhìn hình ảnh các em học sinh đến lớp ở Sơn La hay Lào Cai, hoặc những em chưa được đi học ở Hà Tĩnh, chúng ta có thể tin rằng khi tới trường các em đều được dạy làm sao sống nên người đàng hoàng tử tế. Nếu thầy, cô, vì bị bắt buộc, phải nói những lời sai sự thật, trái đạo lý, chắc cha mẹ các em cũng biết cách sửa lại và giải thích lại cho các em hiểu rằng họ bị bắt buộc phải nói như thế.

Ngày nay, khi bàn đến chương trình giáo dục, người ta thường chú trọng đến các mục tiêu kinh tế. Ðó là một mối quan tâm hữu lý. Hệ thống giáo dục phải đào tạo những người có thể kiếm được việc làm, chứ không phải cho sinh viên ra trường rồi không kiếm ra việc. Vì vậy, giáo dục cũng phải đáp ứng cho nhu cầu phát triển kinh tế của quốc gia.

Nói đến kinh tế, điều đầu tiên cần ghi nhớ là cả thế giới đã thay đổi và còn đang thay đổi với tốc độ nhanh hơn. Trước đây nửa thế kỷ, người ta vẫn nghĩ rằng các nước nghèo như nước ta phải tiến từ kinh tế nông nghiệp qua một thời kỳ công nghiệp hóa, rồi mới phát triển lãnh vực thứ ba là cung cấp các dịch vụ. Ðó là con đường các nước Tây Âu và Mỹ đã đi qua. Chương trình giáo dục các nước chưa mở mang thường được hoạch định cho phù hợp với quá trình phát triển đó.

Nhưng hiện nay quá trình phát triển đã thay đổi, vì các tiến bộ tin học khiến máy móc được tự động hóa ngày càng nhiều hơn. Vào những năm đầu thế kỷ 20, quá trình công nghiệp hóa ở Anh Quốc lên cao cực điểm, giới lao động trong công nghiệp chiếm tỷ lệ 43% của tổng số những người đi làm. Sau đó, tỷ lệ này bắt đầu giảm. Khi Trung Quốc bắt đầu đổi mới kinh tế, họ cũng dồn nỗ lực vào các công nghiệp nặng, theo gương Hàn Quốc và Nhật Bản. Nhưng bây giờ, đầu thế kỷ 21, Trung Quốc phải chuyển trọng tâm từ công nghiệp sang dịch vụ, như ông Tập Cận Bình đang hô hào. Các nước Ấn Ðộ, và Brazil cũng vậy, mặc dù tỷ lệ nhân dụng trong các ngành công nghiệp chỉ mới chiếm 15% tổng số lao động. Nếu không chuyển nhanh thì sẽ lỡ bước chân, không theo kịp các nước Tây phương trong thế kỷ này.

Kinh tế thế giới thay đổi, lúc đầu vì máy móc được sử dụng thay bàn tay lao động, nay càng thay đổi mạnh và nhanh hơn, vì các nhà máy được tự động hóa.

Chương trình giáo dục trước đây hơn nửa thế kỷ, thời 1950, thường chú trọng tới đào tạo chuyên viên, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa. Bây giờ, sau khi sinh viên ra trường năm, mười năm, một kỹ thuật chuyên môn có thể trở thành lỗi thời, vô dụng. Bao nhiêu máy móc bị thay thế bằng những hệ thống tự động hóa. Các chuyên gia phải đi học lại để thích ứng với thị trường nhân dụng luôn luôn thay đổi. Những người 50, 60 tuổi ở Mỹ không thể tưởng tượng con cái họ đang đến trường học cái gì, vì trước đây 30 năm chưa ai tưởng tượng được có những thứ kỹ năng hay nghề nghiệp đó!

Cho nên, khắp thế giới, các học sinh và sinh viên hiện nay đều biết trước rằng các em sẽ phải học, học lại, suốt đời! Trong hoàn cảnh đó, điều gì quan trọng nhất cần huấn luyện cho học sinh, sinh viên? Phải đào tạo một “khả năng toàn diện,” đáp ứng mọi hoàn cảnh. Ðó là khả năng tự học, sẵn sàng đi học trở lại, và học những cái mới. Chúng ta phải bắt đầu suy nghĩ về chương trình giáo dục nước ta theo chiều hướng đó. Nếu không, kinh tế sẽ tiếp tục chậm lụt theo đuôi người ta trong 30, 50 năm nữa.

Ðiều quan trọng là “khả năng toàn diện” này có thể được đào tạo ngay từ những lớp mầm non, từ bậc tiểu học. Phải khuyến khích trẻ em tự tìm tòi thay vì chờ thầy, cô lên lớp. Tập cho các em tự suy nghĩ, không sợ có sáng kiến táo bạo, không sợ phạm sai lầm rồi bị phạt. Hiện nay các nhà giáo ở nước ta chưa phải ai cũng có thói quen chấp nhận lối giáo dục này. Nhưng nếu họ yêu trẻ, nghĩ đến tương lai đất nước, thì họ có thể cố gắng tự mình thay đổi quan niệm dậy dỗ. Dậy trẻ không phải là truyền cho các em những gì mình biết; mà phải là tập cho các em đi tìm hiểu biết, cùng đi tìm với thầy giáo, cô giáo. Một bài toán thầy, cô biết đáp số rồi, nhưng vẫn yêu cầu các em đi tìm “cách giải,” chứ không phải chỉ tìm đáp số. Những em tìm ra đáp số sai nhưng có sáng kiến về cách giải đều được khích lệ.

Một đóng góp quan trọng của các thầy, cô giáo từ lớp mầm non lên tới trung, tiểu học, là đào tạo tánh khí cho trẻ. Nhưng đào tạo tánh khí đóng góp cho phát triển kinh tế hay không?

Ðóng góp rất nhiều. Có đầy chứng cớ. Các nhà nghiên cứu kinh tế đã chứng minh rằng sự thành công của mỗi cá nhân liên quan chặt chẽ với tánh khí, đến nỗi họ gọi tánh khí là một kỹ năng (character skill), không khác gì trí thông minh, được đo bằng chỉ số IQ. Một nước phát triển cần có rất nhiều người đi làm và thành công trong công việc.

James Heckman, giải Nobel Kinh tế học năm 2000, đã tìm thấy rằng điểm số của sinh viên ở Mỹ cao hay thấp có thể được tiên đoán bằng tánh chu đáo (conscientiousness) nhiều hay ít, không khác gì điểm thi trắc nghiệm SAT. Ông cho biết nhiều cuộc nghiên cứu chứng tỏ tánh khí, nói chung, báo trước một người sẽ thành công hay không, trong trường đại học, trong cuộc đời làm việc, cũng như cả sức khỏe, giá trị tiên đoán ngang với chỉ số thông minh IQ. Heckman nêu ra mấy đặc điểm của người có “kỹ năng tánh khí” như Tánh chu đáo, làm việc đến nơi đến chốn; Tánh tò mò, không sợ những điều mới, và tử tế thân thiện với mọi người.

Cả ba đức tính trên có thể học từ tuổi nhỏ, các lớp mẫu giáo có thể bắt đầu tập là vừa! Với những đức tính đó, các em lớn lên có thể đáp ứng với một cuộc sống kinh tế luôn luôn thay đổi.

Một công trình nghiên cứu của Paul Gertler và nhiều người khác, năm 2013, đã theo dõi một số trẻ em người Jamaica, trong khoảng thời gian 20 năm. Họ thấy những em từ 2 tuổi trở lên được săn sóc, khích lệ nhiều hơn khi lớn lên đã thành công hơn, mặc dù phải sống trong những khu nghèo nàn nhất. L. M. Gutman và I School, năm 2013, cho thấy những người có “kỹ năng tánh khí” làm việc hiệu quả hơn, tự tin mình có khả năng đạt mục đích hơn, và có khả năng tự cải thiện hơn. Kinh tế nước nào cũng cần rất nhiều người như vậy.

Những quy tắc đạo đức cổ truyền của dân tộc chúng ta bao gồm tất cả những thứ mà các nhà kinh tế trên gọi là “kỹ năng tánh khí.” Chúng ta có thể tin rằng những thầy cô giáo ở nước ta hay bất cứ nước nào, khi họ chọn nghề dạy học thì họ sẽ sinh lòng yêu trẻ. Nếu được trả lương đủ sống, họ có thể hy sinh chăm sóc việc giáo dục tánh khí cho trẻ. Những đứa trẻ lớn lên thành công trong nghề nghiệp càng nhiều, thì các em sẽ càng đóng góp nhiều hơn cho việc phát triển kinh tế.

Ba năm trước, vào Tết Giáp Ngọ tôi nhận được một email của một vị độc giả, tự giới thiệu là một sinh viên Ðại Học Việt Trì, anh viết: “…, tôi đã 20 tuổi, suốt mười mấy năm đi học,… tôi chỉ ước sao thầy cô tôi đừng nói dối, vì tôi có thể cảm nhận được sự dối trá từ trái tim tôi, tôi chỉ ước được gặp một người thầy đáng kính và làm cho tôi tin tưởng.” Hy vọng các học sinh Việt Nam bây giờ được gặp nhiều vị thầy, cô đáng kính, cho các em tin tưởng.

User avatar
khieulong
Posts: 6755
Joined: Wed Dec 01, 2004 9:09 pm
Been thanked: 1 time

Post by khieulong »

Image

Chiếc Lon Guigoz

Huy Phương
Tôi đã lang thang trên “net” chiều nay nhưng không thể nào tìm ra hình ảnh của chiếc lon “gô”, người bạn ngày nào của tôi. Bao bì của các món hàng sản xuất mỗi ngày mỗi tân tiến, mới lạ, đẹp đẽ và gọn nhẹ. Bây giờ người ta đựng sữa bột trong những bao bằng giấy dày hoặc bằng thứ kim loại mỏng, không như bằng chiếc hộp nhôm không rỉ sét, dày dặn như cái thời xa xưa đó. Người vẽ kiểu của chiếc lon “gô” ngày nào chắc cũng đã ra người thiên cổ, không còn để cái đám tù tập trung trong các trại tù Cộng Sản sau này gặp gỡ để nói một lời cám ơn về một thứ đồ dùng, một bao bì mà sau khi dùng sản phẩm, có thể vứt bỏ, nó lại được dùng như một vật tiện dụng và hữu ích qua nhiều năm tháng.

Loại sữa Guigoz của Hòa Lan được nhập cảng vào Việt Nam nhiều nhất là sau khi người Pháp trở lại Việt Nam vào khoảng năm 1956. Vào thời ấy lon sữa bột Guigoz không lấy gì làm đắt. Một công chức trung bình ở miền Nam cũng có thể nuôi con bằng loại sữa bột này. Có hai loại sữa Guigoz, loại trắng cho trẻ sơ sinh, và loại màu vàng cho tuổi từ một năm trở đi. Loại sữa bột này phổ biến đến nỗi hầu như gia đình trung lưu nào cũng nuôi con bằng sữa Guigoz, và những chiếc lon nhôm, dày dặn, với dung tích 0.75 lít, có chiều cao 18cm, đường kính 8cm, không rỉ sét này thường được các bà nội trợ cất giữ để đựng thực phẩm ở trong bếp, trừ muối, nó có thể đựng đường, ớt, tiêu hành hay các thức ăn khô.

Tuy chiếc lon Guigoz tiện dụng nhưng thật ra nó không có giá trị gì, nó có thể ra nằm ngoài đống rác. Từ năm 1965 trở về sau, miền Nam đã nhập cảng nhiều loại sữa bột khác dành cho trẻ em; nhưng chiếc lon sữa Guigoz vẫn còn tồn tại trong hầu hết gia đình vì nó bền, chắc, khó móp méo hay hư hỏng. Thế mà chiếc lon Guigoz đó lại trở thành người bạn thân thiết từ Mùa Hè năm 1975 khi tôi phải giã từ quân đội, bỏ lại vợ con và thành phố yêu đấu để trình diện đi tù, làm cái công việc của một người lính thất trận.

Thoạt đầu chiếc lon chỉ mang theo mớ thức ăn khô dùng tạm cho vài ngày, nhưng về sau khi thức ăn đã hết, chiếc lon kia đã đổi chức năng để từ đây gánh vác một phần tháng ngày gian khổ cho tôi. Về sau khi thấy tôi không còn hy vọng gì quay trở lại với gia đình trong một thời gian ngắn, chiếc lon sữa Guigoz kia đã không rời tôi nửa bước như một người bạn tri kỷ có thể chia ngọt xẻ bùi với nhau, khi với một nắm rau bên vệ đường, khi với một con nhái bén, có khi với một mẫu sắn thừa sau ngày thu hoạch còn sót lại trong đám đất bị cày xới.

Có khi chiếc lon ấy trở thành một bình trà với những đọt chè xanh, đậm đà hơn một tuần Thiết Quan Âm thời phong lưu hay mở ra một ngụm cà phê sảng khoái đánh lừa khứu giác với những hạt bo bo cùng với mấy hạt ngô rang cháy. Nó cũng trở thành người bạn mỗi sáng với những công việc vệ sinh thường nhật bên “lán” tù, và cũng tội nghiệp cho chúng tôi trong một miền Bắc không có thừa lấy một manh giấy báo hay một mẫu giẻ rách, nó đã theo những người tù mỗi lần vì nhu cầu phải đi thăm… “lăng Bác”.

Ngày xưa chiếc lon kia mang một cái tên ngoại quốc khá đẹp từ xứ Hòa Lan có nhiều nhà máy xay gió, những cánh đồng cỏ bất tận và những đàn bò bình yên, đến miền Nam với hình dáng tròn trịa, mới mẻ; nay nó mang một cái tên xấu xí trần tục trong một xã hội đói nghèo, lạc hậu. Nó là “gô”, là “cống” hay có người gọi nó là “hăng gô”(?) những cái tên rất khó bề giải thích. Nó dần dần trở thành đen điu, xấu xí, hèn mọn, móp méo qua những lần bị nung nóng trên bếp lửa của trại tù hay trên đám cỏ khô giữa cánh rừng bạt ngàn hay bên dòng suối nhỏ trong những buổi trưa, để thêm một chút “cải thiện” với nắm rau “tàu bay” hay một mẫu khoai mài.

Những ngày có thăm nuôi, nó cũng chắt chiu nắm mì gói hay chút ruốc thịt mang cho “sang cả” thêm cho bữa ăn khốn khổ của người tù. Những lúc chẳng có gì, một “gô” nước lã cũng đầy bụng. Chiếc lon “gô” ngày nay đã đen điu hình dáng nhưng chưa bao giờ chịu để mình bẩn thỉu, nó đã nhiêu lần được kỳ cọ như chủ nhân đã kỳ cọ cái thân thể gầy còm khốn khổ của người tù dưới suối sau một ngày kiệt sức, vắt mồ hôi.

Đêm về, chiếc lon kia cũng lặng lẽ ở trên đầu nằm cùng với mớ chăn chiếu lẫn lộn với những mảnh nhung y sờn rách, bạc màu, để sáng mai thức dậy trong tiếng kẻng tù gắt gỏng. Chưa có một vật dụng nào thiết thân với người tù như cái lon “gô” đen điu ấy. Bộ áo quần tù có thể thay đổi, đôi dép có thể mòn vẹt, nhưng chiếc lon “gô” đã bền bỉ với thể chất cũng như tấm lòng với người tù qua những đoạn đường gian khổ, những ngày lên nương xuống rẫy, những sáng Mùa Đông giá buốt cũng như những trưa Hè đổ lửa. Nó gần gũi, khắng khít không rời người tù đi đâu nửa bước. Thế mà…

Như những ông già H.O. trên đất Mỹ, tôi thường đẩy xe cho vợ đi chợ mua thức ăn. Những hàng hóa, thực phẩm bày biện trong những ngôi chợ to lớn, chỉ gây ngạc nhiên cho tôi lúc đầu tiên mới đặt chân đến Mỹ cách đây hàng chục năm, bây giờ trở nên quen thuộc và thường tình đến nhàm chán. Những kệ hàng bán đầy khoai lang đủ loại hay những đống khoai mì đầy ắp, những mớ cải xanh, những bó rau muống tươi tắn, những củ su hào mập mạp… không hề nhắc nhở hay cho tôi một suy nghĩ nào về những tháng ngày tù tội, thiếu thốn mà những củ khoai, những nắm rau xanh đó như một nỗi mơ ước thèm thuồng thường nhật của một người tù.

Nhưng có một buổi nọ, khi đẩy chiếc xe đi chợ đến bên kệ hàng bày bán khoai mì, không hiểu sao lần này tôi dừng lại, cổ họng như nghẹn ngào, những giọt nước mắt như muốn trào ra. Trong một thoáng tôi bỗng nhớ lại hình ảnh của nồi sắn luộc không bóc vỏ với những mẫu sắn rơi vãi nhuộm một màu tím sẫm, hình ảnh của người bạn tù say sắn, té từ chỗ ngủ ở tầng trên xuống nền gạch và những tiếng la cầu cứu trong đêm. Những củ sắn nằm trên kệ hàng ở đây, là một món ăn chơi của những người no đủ, không hề có một giá trị gì với đời sống của một con người bình thường này trên mảnh đất giàu có như nước Mỹ.

Chúng ta thật đã nhàm chán với những bữa tiệc tùng sang trọng, mỗi tuần không dám ăn tới ba quả trứng gà, bắt đầu thấy sợ thịt, không bao giờ đụng đến bơ, sữa hay phó mát. Phần tôi, đã nhiều lần đi qua những ngôi chợ khác nhau mà lòng thấy dửng dưng trước những món thực phẩm tầm thường như nhìn một vật xa lạ chưa lần nào gặp gỡ hay gắn bó trong cuộc đời mình.

Phải chăng những vật hèn mọn này, những củ khoai lang, những miếng sắn luộc này đã từng ám ảnh chúng ta trong giấc ngủ ngày nào ? Và tôi nhớ ra một điều, khi được ra khỏi nhà tù, tôi đã quên hẳn và vất bỏ ở xó xỉnh nào đó cái lon “gô” đen đúa, người bạn thân thiết của những tháng ngày tù tội của tôi.

Tôi đã đi một vòng khá xa, từ Bắc vào Nam, từ Tây sang Đông, qua bao nhiêu cánh rừng, qua bao nhiêu eo biển, bỏ lại sau lưng quê hương và quá khứ của tôi. Đôi khi tôi cũng đã quên tôi, nói gì đến những vật tầm thường hèn mọn như thế !

Huy Phương

TuanAnh
Posts: 329
Joined: Sat Jan 30, 2010 3:44 am

Post by TuanAnh »

Image

Bộ công an nói gì về nghi án Trịnh Xuân Thanh trốn ra nước ngoài?

Hoàng Trần
(Danlambao) - Sự kiện ông Trịnh Xuân Thanh bỗng dưng mất tích khiến dư luận dấy lên câu hỏi: phải chăng, cựu phó chủ tịch Hậu Giang sau khi bị phế truất đã bí mật bỏ trốn ra nước ngoài hòng thoát thân?

Trong một nỗ lực truy lùng tuyệt vọng, TBT Nguyễn Phú Trọng đã ra lệnh cho tỉnh uỷ Hậu Giang gửi lệnh triệu tập và yêu cầu ông Thanh quay trở lại nhiệm sở. Đồng thời, cán bộ Hậu Giang còn ra tận Hà Nội tìm gặp, nhưng gia đình trả lời không biết ông Thanh đang ở đâu.

Ngoài việc bị khai trừ ra khỏi đảng, ông Thanh còn đang bị điều tra về khoản thua lỗ gần 3,300 tỷ đồng thời còn làm tổng giám đốc Công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC).

Đáng chú ý, dù đang là một đối tượng bị công an điều tra, nhưng ông Trịnh Xuân Thanh vẫn chưa có tên trong danh sách cấm xuất cảnh. Thông tin này đã được báo Tuổi Trẻ dẫn lời đại diện phòng quản lý xuất nhập cảnh công an TP.HCM tiết lộ hôm 8/9/2016.

Như vậy, cựu phó chủ tịch Hậu Giang đang ở đâu? Còn ở Việt Nam hay đã trốn ra nước ngoài? Image
Ông Trịnh Xuân Thanh tuyên bố bỏ đảng. Ảnh: Người Buôn Gió
Trịnh Xuân Thanh đang ở đâu?

Trước tin đồn về việc ông Trịnh Xuân Thanh đã bỏ trốn sang Đức, ngày 10/9/2016, báo Pháp Luật Online dẫn lời thiếu tướng Lê Xuân Viên - cục trưởng cục Quản lý Xuất nhập cảnh (thuộc tổng cục an ninh, bộ công an) cho biết cơ quan này “chưa nắm được thông tin”.

Trách nhiệm giải trình việc xuất cảnh của ông Thanh tiếp tục được đùn đẩy sang cục An ninh Cửa khẩu, nhưng cơ quan này cũng không đưa ra bất cứ phản hồi nào sau đó.

Nếu thực sự muốn biết, bộ công an chỉ việc kiểm tra danh sách những người xuất cảnh trong vòng 1 tháng qua sẽ rõ. Do đó, câu trả lời “chưa nắm được thông tin” chẳng qua cũng chỉ là lời phát biểu dối trá nhằm đối phó dư luận.

Hay nói đúng hơn, lãnh đạo bộ công an được yêu cầu phải nói dối theo chỉ đạo. Bởi lẽ, một khi thông tin Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn ra nước ngoài được công bố, nhà cầm quyền CSVN sẽ bị gây áp lực buộc phải phát lệnh truy nã như kịch bản từng xảy ra đối với Dương Chí Dũng.

Tuy nhiên, Dương Chí Dũng trong cơn lo sợ chỉ biết trốn chạy một cách thụ động, còn Trịnh Xuân Thanh tuy đào tầu nhưng vẫn nuôi ý định phục thù Nguyễn Phú Trọng.

Do đó, bất cứ động thái thiếu tính toàn nào đưa ra cũng sẽ bị các thế lực đứng đằng sau ông Thanh lợi dụng để phản đòn.

Sự kiện Dương Chí Dũng và lời khai hối lộ triệu đô liên quan đến Phạm Quý Ngọ, Trần Đại Quang là viễn cảnh mà bộ chính trị cộng sản không mong muốn tái diễn.

Điều này có thể lý giải nguyên nhân vì sao cho đến nay, tung tích của ông Trịnh Xuân Thanh vẫn bị coi là tuyệt mật. Một rừng ma trận và hoả mù thông tin cũng được các phe phái tung ra với cường độ ồ ạt và có chủ đích.

Bộ công an bất tuân thượng lệnh tổng bí thư

Trịnh Xuân Thanh bôi tro trát trấu vào mặt Nguyễn Phú Trọng.
Vào ngày 26/8/2016, mạng xã hội ồ ạt đưa tin nhà riêng của ông Trịnh Xuân Thanh tại khu biệt thự Ciputra, Tây Hồ - Hà Nội đã bị cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C.46), bộ công an ập vào khám xét.

Thông tin này còn nói rằng trước khi khám nhà, ông Thanh đã bị câu lưu hai ngày. Thậm chí, đã xảy ra “tranh cãi dữ dội” giữa viện kiểm sát và C.46 về quyết định bắt người. Lúc 23:30’, ông Trịnh Xuân Thanh được nói đã bị các điều tra viên dẫn giải và đưa đi.

Tuy nhiên, ngày 31/8/2016, bộ trưởng - chủ nhiệm văn phòng chính phủ, ông Mai Tiến Dũng bác bỏ thông tin về việc các cơ quan tố tụng tiến hành bắt giữ ông Thanh.

Đến ngày 6/9/2016, báo Thanh Niên xác nhận rằng cựu phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang gọi điện thoại cho báo này để khẳng định thông tin “xin ra khỏi đảng”. Sau đó, trong một lá đơn dài 3 trang phổ biến trên facebook Người Buôn Gió, ông Thanh nói lý do bỏ đảng vì “không còn niềm tin vào tổng bí thư”.

Xâu chuỗi lại các sự kiện trên, người ta dần dần mường tượng câu chuyện như sau: Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo bắt giam Trịnh Xuân Thanh, nhưng một thế lực đã tìm cách chống lại lệnh tổng bí thư để rồi sau đó bí mật giải thoát cho phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang.

Chắc hẳn, thế lực ghê gớm ấy đang nằm trong bộ công an. Nhân vật đủ quyền lực để làm điều này không ai khác chính là bộ trưởng CA Tô Lâm và người tiền nhiệm của mình - tức chủ tịch nước Trần Đại Quang.

Qua lá bài Trịnh Xuân Thanh, các phe phái muốn triệt hạ hình ảnh của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng - người đang muốn củng cố quyền lực qua chiêu bài “đả hổ diệt ruồi” nhằm cứu vãn chế độ.

Một khi cuộc chiến triệt hạ phe phái núp dưới danh nghĩa “chống tham nhũng” bị phá sản, Nguyễn Phú Trọng sẽ bị mất toàn bộ uy quyền mà ông ta đã tạo dựng được từ đại hội 12. Chiếc ghế tổng bí thư của ông Trọng theo đó cũng bị lung lay, vì sẽ chẳng còn đảng viên nào chấp nhận phục tùng một kẻ lú lẫn và tham quyền cố vị.

Trịnh Xuân Thanh bôi tro trát trấu vào mặt Nguyễn Phú Trọng, ai được hưởng lợi nhiều nhất? Xin thưa, đó chính là chủ tịch nước Trần Đại Quang - người gần như đã không có bất cứ sự lên tiếng nào đề cập đến ông Trịnh Xuân Thanh.

Nếu hạ bệ được Nguyễn Phú Trọng, Trần Đại Quang có thể trở thành người đầu tiên trong lịch sử đảng cộng sản nhất thể hoá hai chức danh tổng bí thư và chủ tích nước làm một. Đây cũng chính là một vị trí đầy quyền lực theo mô hình mà Trung Cộng áp dụng từ lâu.

Nếu kịch bản trên xảy ra, chắc chắn sẽ là một cuộc nội chiến “máu nhuộm lăng Ba Đình” bên trong cùng đình cộng sản. Kẻ nào chết thì nhân dân đều mừng, nói vậy cho thẳng.

12.9.2016
Hoàng Trần

kalua
Posts: 836
Joined: Sun Apr 22, 2012 5:26 pm

Post by kalua »

Người Mỹ Dễ Tin

Ngô Nhân Dụng

Image
Trường phái ngoại giao tre trúc của Trọng lú. Tranh Babui.

Vừa rồi ông Vladimir Putin gặp ông Tập Cận Bình ở Hàng Châu, Putin ủng hộ lập trường của Trung Cộng về các quần đảo ở Biển Ðông nước ta. Nếu vẽ hí họa, tôi sẽ vẽ cảnh hai ông nâng ly chúc mừng nhau. Trên bức tranh viết lời hai ông nói. Ông Putin đưa tay thề nói “Không, không có lính Nga nào ở Ukraine!” Ông Tập Cận Bình thì tuyên bố: “Trung Quốc không hề chiếm một hòn đá của nước nào ở Hoàng Sa, Trường Sa!”

(Xin lỗi, chắc ông Tập không dùng những tên Hoàng Sa, Trường Sa. Ông phải gọi là Nam Sa và Tây Sa, tên người Tàu đặt nay Trung Cộng vẫn dùng. Và báo chí, sách vở của Việt Cộng trước đây cũng hay dùng những tên Tàu này).

Những điều Putin và Tập Cận Bình nói, cả thế giới biết là dối trá. Các nước Ðông Nam Á ở vùng Biển Ðông đã và còn đang phản đối Trung Cộng chiếm đảo, chiếm đá, lập căn cứ và phi trường quân sự. Còn tại Ukraine, chính phủ Kiev mới trình diện trước báo chí một anh lính Nga đào ngũ ra hàng quân đội Ukraine.

Vậy mà Putin và Tập Cận Bình vẫn tiếp tục nói dối. Nói láo không biết ngượng, chắc chắn rồi. Nhưng điều đặc biệt là những lời dối trá đó vẫn được dân Tàu và dân Nga tin là sự thật! Tài nói láo của Putin và Tập Cận Bình đã được đào luyện trong cùng một lò: Ðảng Cộng Sản. Chế độ Cộng Sản đưa nghệ thuật nói láo lên đến cực điểm. Người Việt Nam đã biết điều này từ năm 1945, nên vẫn có thành ngữ: Nói dối như Vẹm. Bao nhiêu người nghe và tin tưởng; đến lúc biết sự thật thì quá trễ! Cuốn hồi ký của ông Tống Văn Công, sắp xuất bản, sẽ cho chúng ta thấy tình cảnh một thanh niên yêu nước bị đảng Cộng Sản lừa gạt như thế nào, đến cuối đời còn ân hận tại sao mình để chúng nó đánh lừa bao nhiêu năm giờ mới tỉnh ngộ!

Nhưng trên thế giới có lẽ đám đông dễ bị Cộng Sản lừa gạt nhất là giới trí thức Mỹ. Tôi xin kể chuyện một nhà văn làm thí dụ.

Tôi quen Larry Heinemann từ những năm 1990, gặp nhau nhiều lần khi cả hai cùng dự một cuộc hội thảo văn chương hàng năm ở Boston. Ðó là những tuần lễ nghỉ hè không tốn tiền tại một thành phố đáng yêu và rất trí thức, lại có dịp gặp gỡ những người cùng thích nói chuyện thơ văn. Anh ở Chicago, còn tôi ở Montreal. Chúng tôi không liên lạc từ vài chục năm nay. Vì anh rất Mỹ, đặc biệt Mỹ, còn tôi thì thuần túy Việt, Việt quá đáng. Tôi rất quý Heinemann, con người thẳng thắn, cởi mở, và thích nghe kể chuyện về Việt Nam, lắng nghe cả những ý kiến khác mình. Nhưng ngồi uống la de với nhau độ nửa giờ thì không còn đề tài nào để đấu chuyện tiếp nữa. Vì tôi không biết gì về các tài tử chiếu bóng, ca sĩ Mỹ; không biết gì về các cầu thủ base ball, không coi football, không thể ngồi coi ti vi quá 15 phút, và rất lười dùng điện thoại. Ðàn ông gặp nhau chỉ để nói chuyện văn thơ thì chán chết.


Khi gặp tôi, Heinemann đã rất nổi tiếng. Anh cho tôi cuốn tiểu thuyết “Chuyện Paco,” (Paco’s story). Chính anh cất công đi tìm mua cuốn sách của mình ở một tiệm trong thành phố Boston; chỉ để có sách ký tặng, khiến tôi rất cảm kích. Tôi chưa bao giờ đi tìm mua sách của mình để tặng ai cả. Paco’s story được tặng Giải thưởng Văn chương Toàn quốc (National Book Award) năm 1987. Ðây là một giải thưởng văn chương rất được kính trọng ở Mỹ. Câu chuyện kể kinh nghiệm của anh lính Paco trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Năm 1967, Heinemann là lính trong Sư Ðoàn Bộ Binh 25 ở Việt Nam, anh chuyên lái thiết vận xa. Anh kể rằng nếu xe trúng đạn, phát nổ thì tài xế sẽ tan thành khói, bụi, ngay lập tức; vì anh biết mỗi chiếc xe chứa hơn 350 lít xăng, mỗi thùng bốn lít có sức nổ đẩy bật một vật nặng hơn 400 ký lên cao gần 500 mét. Anh giải ngũ sau hai năm đi quân dịch. Em trai anh thì vào thủy quân lục chiến, đi Việt Nam, bị thương, đi Việt Nam chuyến nữa, trở về nhà, đi làm, lập gia đình, nhưng sau mươi năm đã bỏ cả vợ con đi biệt tích. Heinemann trở thành một nhà văn chống chiến tranh.

Với tất cả lòng quý mến với một nhà văn có tài, một người bạn đáng quý, hôm nay tôi nhắc tới Heinemann vì thấy một thí dụ điển hình về cái tính nhẹ dạ cả tin của một người Mỹ. Những người sống hồn nhiên như vậy rất dễ bị lừa. Nhất là khi họ gặp những người chủ tâm đánh lừa, những kẻ coi ăn gian nói dối là một nghệ thuật và coi việc đánh lừa người khác là một bổn phận thiêng liêng. Hăng hái nhất trong loại người này là Việt Cộng!

Người Mỹ bị đánh lừa ngay từ cách dùng hai chữ “Việt Cộng.”

Trong tiếng Việt Nam, Việt Cộng có nghĩa tất cả những “người Việt theo Cộng Sản,” dù ở miền Nam hay miền Bắc. Cũng như Trung Cộng là người Trung Hoa theo Cộng Sản. Thí dụ, năm 1955 khi chính phủ Ngô Ðình Diệm vận động “Truất phế Bảo Ðại,” Bộ Thông Tin cho phát thanh suốt ngày bài “Nghe vẻ vè ve, nghe vè Bảo Ðại.” Bài vè đó tố cáo hai cái tội của cựu hoàng, là “liếm gót thực dân – đầu hàng Việt Cộng!” (sic) Hai chữ Việt Cộng nhập vào kho ngôn ngữ bình dân từ năm đó. Sau năm 1975, người dân Sài Gòn được đi học tập mỗi buổi tối trong xóm, trong phường. Sau khi nghe cán bộ nói dóc về cách mạng, về tội ác Mỹ Ngụy, về thiên đường vô sản, vân vân, mọi người được yêu cầu phát biểu ý kiến. Bị gạn hỏi, thúc giục mãi, một bà cụ phải đứng lên cảm ơn Cách Mạng. Bà nói: Nhờ ơn Giải Phóng, đến nay chúng tôi được ngủ yên, không lo bị Việt Cộng pháo kích nữa!

Nhưng phần lớn người Mỹ dùng từ Việt Cộng chỉ để gọi tên những người được coi là đi theo “Mặt trận Giải phóng Miền Nam.” Họ còn dùng hai chữ này để phân biệt đám người đó với quân đội Bắc Việt. Phân biệt như vậy tức là đồng ý có hai loại binh sĩ Cộng Sản đang đánh nhau: Việt Cộng người miền Nam, và quân đội miền Bắc! Ðúng là chỉ lập lại một luận điệu tuyên truyền, “mắc mưu Việt Cộng!” Người Việt Nam nào cũng biết “Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam” chỉ là một đám đào kép được “Việt Cộng thứ thiệt” ở ngoài Bắc cho ra sân khấu. Khi diễn xong tuồng thì đào kép bị dẹp bỏ không thương tiếc – sau năm 1975 cả thế giới đã thấy. Nhưng sau 1965 (năm Douglas Pike xuất bản cuốn sách mang tên Việt Cộng), các nhà báo và các nhà nghiên cứu người Mỹ dùng hai chữ Việt Cộng để chỉ Mặt Trận thôi, quân đội chính quy miền Bắc là khác. Cách dùng chữ này còn lưu truyền cho tới bây giờ, ngay cả những bạn trẻ người Việt lớn lên ở Mỹ, đọc sách báo Mỹ, vẫn hiểu hai chữ Việt Cộng theo lối Mỹ! Trong khi những Việt Cộng như ông Trương Như Tảng đã vạch rõ tấn tuồng giả dối chính ông ta dại dột tham dự; ông Tảng tự nhận là một “Việt Cộng” trên tựa cuốn sách!

Nhưng từ năm 1967 Heinemann đã biết sự thật. Anh biết anh đánh nhau với quân đội Bắc Việt, chứ không phải “Việt Cộng” nào cả. Anh kể lại, trong cuốn Patriots, trận đánh với 1,500 “quân Bắc Việt” (thuộc 272nd NVA regiment) ngày 1 Tháng Giêng năm 1968 ở gần núi Bà Ðen. Buổi sáng sau trận đánh, anh thấy bên Bắc Việt để lại 500 xác chết. Lính Mỹ phải đào hố chôn, xếp một lớp xác người rồi lấp một lớp đất lên, để đặt thêm một lớp xác người nữa, cho đến hết. Lệnh phải làm cho nhanh – phải chôn hết trước khi Tướng Westmoreland đến thị sát!

Cũng lạ thật, lính Mỹ không được phép cho ông tướng chỉ huy nhìn thấy “xác quân thù!” Trong khi đó lính Việt Cộng thì được thúc giục phải giết, giết người lập công cho đảng, cho Mao Chủ Tịch, cho Sít Ta Lin:

“Giết, giết nữa, bàn tay không phút nghỉ,
Cho ruộng đồng lúa tốt, thuế mau xong,
Cho đảng bền lâu, cùng rập bước chung lòng,
Thờ Mao Chủ tịch, thờ Sít-ta-lin bất diệt”


Ðó là thơ Tố Hữu, Có thể dịch sang tiếng Á Rập để dùng cho quân ISIS – chỉ cần đổi Mao và Sít ra tên thánh Tiên tri Mahomed!

Nhưng khi Heinemann gặp những người Việt Cộng còn sống, Việt Cộng thứ thiệt, ở Hà Nội, thì anh nghe họ nói sao vẫn tin rằng họ nói thật! Chúng ta không thể tưởng tượng được tại sao người Mỹ cả tin như vậy! Trong một bài đóng góp trong cuốn Patriots, do Viking xuất bản năm 2003, Heinemann viết, “Chúng ta (người Mỹ) thua trận vì không hiểu rằng họ (lính Bắc Việt) là thi sĩ.”

Heinemann kể, như là bằng chứng, năm 1990 anh trở lại Việt Nam, lần đầu sau chiến tranh, dự một cuộc hội thảo văn chương. Trong một bữa ăn trưa, anh gặp một giáo sư Ðại Học Hà Nội tên là Liên, chuyên dạy văn chương Mỹ. Ông Liên này kể với Heinemann rằng trong thời chiến tranh ông ta từng đi dạy học, cho các chiến binh Cộng Sản trên đường đi từ Bắc vào Nam. Ông Liên dạy những bộ đội đi B môn gì? Liên khoe rằng ông đã dạy các chú lính đọc thơ Walt Whitman, văn Jack London, Hemingway, Faulkner, Fitzgarald! Dạy toàn văn chương Mỹ! Nói phét như thế, mà nhà văn Mỹ này vẫn nghe, ghi chép lại, rồi còn đem kể… cho Mỹ nghe! Nên biết, ông Giáo Sư Liên này chỉ là một trong hàng ngàn người mà ông bạn Heinemann đã gặp! Heinemann nghe họ rồi bèn tin là thật, còn thuật lại những lời nói dóc khác được nghe ở Hà Nội nữa. Thí dụ, họ bảo nhiều bộ đội đi B mang trong túi đeo vai những bản dịch thơ văn nước Mỹ!

Hỏi 90 triệu người Việt Nam có ai tin lời ông Giáo Sư Liên “bốc phét” hay không? Tất cả mọi người, miền Nam hay miền Bắc, nghe chuyện này phải bật cười! Nhưng Heinemann vẫn tin, lại còn thuật lại một cách thán phục, để rút ra một bài học. Bài học là: Mỹ thua ở Việt Nam vì lính tráng Bắc Việt yêu thơ! Ông Giáo Sư Liên hỏi Heinemann: Thế trong quân đội Mỹ của anh, họ dạy các anh cái gì về văn chương Việt Nam không? Chắc Heinemann kết luận: Phe mình thua vì các ông tướng không cho lính tráng đọc thơ Tố Hữu: “Giết, giết nữa bàn tay không biết nghỉ!” Nhưng Hiến Pháp nước Mỹ chắc chắn cấm nhà nước không được bắt buộc quân đội đọc loại thơ như thế! Ông tướng nào ra lệnh, chắc chắn sẽ bị lôi ra tòa!

Người Mỹ rất “cả tin,” những người càng lý tưởng, càng hồn nhiên, nghe những lời dối trá càng dễ tin. Mà thật ra những lương dân ở nước nào cũng có tính cả tin như vậy, dân Nga, dân Tàu, hay dân Việt Nam cũng vậy! Muốn cho cả nước không bị chính quyền và giới lãnh đạo lừa dối, chỉ có một phương thuốc là: Tự do ngôn luận! Khi mọi người có quyền quan sát, nhận xét, so sánh và tự do phát biểu, thì sẽ đến ngày những đứa nói dối phải… thò đuôi cáo!

Post Reply