Một Vài Sinh Hoạt VănHoá Nghệ Thuật Hải Ngoại

Phim ảnh, âm nhạc đưa người ta vào thế giới ảo mộng quên đi bao nỗi muộn phiền của đời thường... Nơi đây chỉ ghi lại một phần nào đó của cái thế giới muôn mầu sắc và âm thanh đó mà thôi.

Moderator: Nguyễn_Sydney

User avatar
khieulong
Posts: 6753
Joined: Wed Dec 01, 2004 9:09 pm
Been thanked: 1 time

Post by khieulong »

Tưởng niệm Anh Bằng

Image

Sau 8 năm chiến đấu với bệnh ung thư gan, nhạc sĩ Anh Bằng đã qua đời vào trưa ngày 13/11


Người cuối ga khói


Karen Trịnh Thanh Thủy
Tôi không biết tình yêu ở một người con trai tuổi mười tám đầu đời cuồng nhiệt như thế nào. Chứ riêng tôi lúc mới mười lăm, trong mắt đã bắt đầu có khói, thì tình yêu tuổi mười tám nếu bị tan vỡ, chắn chắn là một điều kinh khủng lắm. Đã mất tình yêu lại còn cách xa, đứt lìa cuống rốn, nơi chốn đầm đìa tuổi thơ và mật ngọt hoa niên, hẳn ruột gan con người phải buốt đau từng khúc. Tôi nhắc tới sự đau lòng này, chẳng qua vì khi nghe bài hát “Nỗi lòng người đi”, tôi bỗng hình dung được hình ảnh một Anh Bằng trong giòng người chen chúc vo khăn tay, nhầu nước mắt những ngày tản cư thập niên năm tư, năm lăm. Ẩn hiện trong khúc phim đen trắng quay chậm, có dáng chàng thanh niên tay đàn, tay sách, mặt mũi xác xơ, ngơ ngác trông vời tít tắp bóng người con gái mịt mờ xa chân chiều, cuối ga khói.

Tôi được biết nhạc sĩ Anh Bằng từ ngày Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ ở hải ngoại mới thành lập, mà ông là một trong các vị nhạc sĩ cố vấn lão thành. Tôi thường gọi ông bằng chú với tất cả tấm lòng quí mến như người cha. Tôi chia sẻ vui buồn đời thường và những bài viết của tôi với ông. Ông hay gởi các CD hay DVD của ông cho tôi và những dòng thư an ủi, khích lệ, góp ý về lãnh vực âm nhạc cũng như những trắng đen cuộc đời.

Một lần gặp ông, tôi hỏi ông về cảm nghĩ phút ông rời xa Hà Nội, về khắc chia tay vật vờ ánh mắt người yêu đầu đời ấy, tâm trạng ông ra sao?. Ông chỉ vào tai mình nói “Chú điếc đặc rồi, chẳng nghe được gì” Tôi lại hỏi “Chú còn nhớ bài “Nỗi lòng người đi”, còn nghe được tiếng đàn không?” Ông mỉm cười khi nghe tôi hét to. “Chú chỉ nghe được tiếng rè rè thôi”. Tôi không hỏi nữa, vì biết có hỏi cũng không nhận được câu trả lời. Nhìn nụ cười hiền lành của ông, lòng tôi dâng lên chút bùi ngùi nhưng ấm sáng nỗi niềm an lạc. Nụ cười của người đã mút xa Hà Nội hàng mấy mươi năm ấy, vẫn không xoá mờ được tiếng “khóc tơ duyên lìa tan” trong lòng người con trai mười tám Anh Bằng thưở xưa. Ngày người giã từ đêm Hà Nội, ngày gió mùa đông bắc thổi buốt má, khô môi, thông thốc rải lá khô đầy những gờ mái cong hàng phố cổ. Hai mươi mấy năm sau, người thanh niên đó đã ngũ tuần, phủ thêm một nỗi lòng mới, dứt áo ra đi xa lìa đất tổ. Hà Nội giờ là bên này của ký ức, Sài Gòn chỉ còn bên kia của hồi tưởng, tiếng đàn xưa giờ có trỗi, người nhạc sĩ cũng không còn nhận được điệu tình tang thẳm thía mịt mù.


Hơn sáu mươi năm âm nhạc, nhạc sĩ Anh Bằng đã để lại cho chúng ta rất nhiều tác phẩm nổi tiếng trong kho tàng âm nhạc. Tuy nhiên “Nỗi lòng người đi” đã khắc một dấu ấn sâu đậm và làm nên tên tuổi một Anh Bằng ở mãi trong lòng người yêu nhạc. Đối với những Bắc người di cư hầu như không ai không biết bài hát này, vì nó không chỉ là nỗi lòng riêng ông, mà còn là nỗi lòng thắm thiết bao người, đối với mảnh đất thân yêu đã sinh ra và nuôi họ lớn lên. Hà Nội không chỉ là một địa danh mà là một biểu tượng cho cái nôi văn hoá của cả một miền Bắc Việt Nam. Xa Hà Nội là xa trời, xa đất, xa người, xa tất cả, là để lại phân nửa hình hài thân thể của chính mình.

Nỗi Lòng Người Đi/Sĩ Phú(trước 75)


Không biết từ bao giờ người ta ví von cuộc đời người nghệ sĩ như kiếp con tằm, “rút ruột, nhả tơ” cho đến chết. Tôi chợt thấy cảm phục người xưa, so sánh sao mà khéo làm vậy. Hình ảnh một con tằm uốn người xoay tròn nhả tơ chung quanh mình để tự giam nhốt chính nó, trông như một vũ công múa cột. Và cứ thế nó múa vũ điệu của tằm, nhả cho đến hết tơ trong bụng mình mới thôi. Hệt như người nghệ sĩ say sưa đi tìm cái hay, cái đẹp để cống hiến cho đời. Họ mải mê sáng tác, tận tụy, vất vả theo đuổi nghiệp nhả tơ cho đến lúc sức tàn, lực kiệt. Nhạc sĩ Anh Bằng cũng vậy, suốt cuộc đời ông, từ khi trưởng thành, bắt đầu sáng tác, đến khi di cư vào Nam, di tản qua Hoa Kỳ, tới lúc nằm xuống, ông chưa từng ngơi nghỉ. Kể cả khi mất đi thính giác là tài sản quí báu nhất của một người soạn và viết nhạc, ông vẫn tiếp tục đắm say trong vũ điệu tơ tằm. ”.

Có nhiều nhạc sĩ đeo đuổi nghiệp sáng tác như một nghiệp dư, Anh Bằng ngược lại. Từ khi vào Nam phục vụ trong ngành chiến tranh tâm lý, ông hoạt động như một nghệ sĩ trong Đại Đội 2 văn nghệ, sáng tác nhạc, kịch. Ông đoạt “Giải văn học nghệ thuật toàn quốc” thời Đệ Nhất Cộng Hoà với vở kịch “Đứa con nuôi” . Sau khi giải ngũ năm 1962, ông hoạt động trong đài truyền thanh VTVN và phụ trách ban Sóng Mới. Ông thường ký nhiều tên khác nhau như Lê Minh Bằng do sự hợp tác với Lê Dinh và Minh Kỳ hay nhiều tên khác như Vũ Chương, Mạc Phong Linh, Mai Thiết Lĩnh, Mai Bích Dung, Dạ Ly Vũ, Dạ Cầm, Giang Minh Sơn, Hoàng Minh, Trần An Thanh, Tây Phố, Trúc Ly, Tôn Nữ Thụy Khương, Phương Trà, Huy Cường,Vương Đức Long v..v…Có lẽ ông thích khoác cho mình bộ áo muôn màu, đủ sắc như sự đa dạng trong tác phẩm của ông.

Ký ức Sài Gòn ngày còn bé của tôi, rất bình dị với cuộc sống trong một xóm nhỏ bình dân bùn lầy nước đọng. Ngày ấy tôi rất thích ca khúc “Nó” của Lê Minh Bằng, vì khi nghe “Nó” tôi có thể mường tượng ra thằng bé đánh giày hay ngủ trước hiên nhà tôi. “Nó” thường đánh thức tôi bằng những tràng chửi thề liên tục cùng bè bạn hằng đêm. “Nó”, của các em bé tay gầy quắt queo, xoè rộng bàn tay xin tiền ở chợ, đình, chùa, quán ăn, lề đường, góc phố. “Nó” đói lạnh, bị hắt hủi, xua đuổi, bị bọn bất lương đánh đập gây thương tật để gợi lòng thương của khách cho tiền. Ở một tia nhìn mẫn cảm của người nghệ sĩ, “Nó” đã chạm tới một góc khuyết của tâm hồn, một phía khuất của bóng tối xã hội.

Hôm nay tôi bất chợt gặp được ca khúc này trên youtube, qua giọng hát trong vắt của Hương Lan, trên nền nhạc đệm với hai nghệ sĩ kèn điệu nghệ, theo tôi, thật là tuyệt tác.

Qua phần mở đầu, hai giọng kèn đồng trễ nải và mệt mỏi, đột ngột xé nát bầu trời đêm, bằng những thanh âm chói lói mà quấn quyện, đầy u uẩn trên nền nhạc blues trầm đục buồn. Ơi! cái điệu blues âm u ngàn đời thăm thẳm như giọng hát những người da đen cùng khổ nấc lên tiếng lòng mình u uẩn.

Mẹ nó qua đời khi còn tấm nhỏ
Một chén cơm chiều nhưng lòng chưa no
Cuộc sống đói rách bơ vơ
Hỏi ai ai cho nương nhờ
Chuỗi ngày tăm tối vô bờ

Hình ảnh "chuỗi ngày tăm tối vô bờ" qua tiếng trumpet vang lên thật thê thiết, còn giọng kèn saxo xoáy thẳng vào tận cùng đau đớn bằng những nốt treo day dứt. Ca từ bài hát giản dị, chuyên chở vừa đủ nội dung cần diễn đạt đời sống một đứa bé nghèo, thiếu thốn cơ cực. Cấu trúc bài hát “A-A’-B-A” rất phổ biến trong dòng nhạc Việt thời đó. Giai điệu lẫn ý tưởng hoà âm đều theo một motif(nhạc tố) rất đặc trưng của loại nhạc này. Tuy nhiên, giọng hát trong vắt của Hương Lan trên nền nhạc đệm u trầm với hai nghệ sĩ kèn điệu nghệ đã tạo được sự tương phản trong âm thanh. Hơn nữa những đoạn phối hợp bè bối quá chuẩn và quá hay của hai giọng kèn Trumpet và Saxo, thật nhịp nhàng đã đưa bài hát lên đến cao điểm tuyệt tác của nó.


Nó/ Hương Lan(trước 75)


Ngày còn trong nước, tuổi thơ của tôi lớn lên bằng tiếng ru vọng cổ của cô người làm, tiếng ư ử xuyên vách “Hai mùa mưa” của chị bán chè đậu kế bên nhà, mỗi lúc chị đi tắm. Chị tâm sự với tôi, chị ghiền nghe Trang Mỹ Dung nức nở bài này lắm. Sau này lớn lên, tôi cũng đồng ý với chị không ai ăn đứt được tiếng hát TMD khi trình bày bài này. Giọng hát trầm trầm ấy, nhỏ từng hạt tinh thể nước mắt vào lòng người, tưới tẳm cho những cuộc tình tan vỡ, trổ đầy trái đắng nhân sinh. Sáng tác “Hai mùa mưa” của Lê Minh Bằng đến với tôi từ đó. Thêm một lý do nữa, tôi may mắn được quen nhỏ bạn cùng trường là em gái Trang Mỹ Dung, khiến “Hai mùa mưa” đi vào trí nhớ tôi như một ký ức ấm vui. Có lần tôi ghé nhà nhỏ trong một ngõ hẻm ở Phú Nhuận. Tôi không được may mắn gặp chị Dung, vì chị vắng nhà. Tôi chỉ được thấy TMD qua tấm hình đen trắng, chụp người thiếu nữ có nụ cười buồn mênh mông giữa tường vôi trắng.

Hai Mùa Mưa/Trang Mỹ Dung(trước 75)
https://archive.org/details/tienghattra ... gtruoc1975

Phải nói là tác phẩm ông viết rất đa dạng, đủ mọi thể loại, cũng như thể điệu. Có một dạo tôi rất thích điệu Tango và say đắm tiếng hát Khánh Ly trong bài hát “Người thợ săn và đàn chim nhỏ”. Ca khúc này được ký tên Vương Đức Long, cũng là tên của nhóm Lê Minh Bằng, ca từ do Anh Bằng viết. Nhạc sĩ Lê Dinh kể: "Nhằm nói lên việc đối xử không mấy tốt đẹp - đôi khi hơi tàn bạo - của một vài cảnh sát viên, tuy nói là bạn dân, nhưng thường hay có thái độ hằn học, không đẹp với dân chúng, đặc biệt là người xử dụng công lộ và nhất là những phụ nữ mua gánh bán bưng... Trong óc tưởng tuợng của anh - người cảnh sát không phải là bạn dân - khi có cây súng trên tay, như người thợ săn và hà hiếp dân chúng mà anh so sánh như đàn chim, để rồi anh viết lời ca:

Một người thợ săn âm thầm mang súng lang thang vào rừng
Còn một bầy chim vô tình vẫn hót líu lo đùa chơi
Nào ngờ thợ săn đang cầm cây súng bắn lên cành cây
Chim chết chim lạc bầy...”

Riêng tôi và đa số người nghe không biết nghĩa bóng và câu chuyện liên hệ nhưng mỗi khi hát đến câu “Rồi người thợ săn âm thầm mang súng mang chim trở về, lề đường bầy chim không thù không oán, hót cho người nghe” lại thấy rưng rưng thương cảm đàn chim vô tội bị thảm sát. Ranh giới tử sinh, thiện ác, giữa cái chết của sinh vật này là cái sống còn của sinh vật kia vẫn là bài toán đố mơ hồ và tàn nhẫn chỉ có thượng đế mới có cơ may giải được. Tôi cảm nhận được nét nhân bản trong nhạc Anh Bằng như một đoá mai từ bi.

Người thợ săn và đàn chim nhỏ/Khánh Ly


Nhạc trữ tình của Anh Bằng đi sâu vào lòng người qua những ca khúc có nội dung thương thân trách phận, thất tình, cô đơn, buồn khổ hay xa cách. Sống trong thời ly loạn hầu hết những ca khúc của ông thấp thoáng màu áo trận của người lính chiến, của những biệt ly và lên đường như “Căn nhà ngoại ô”, Lẻ Bóng”, “Sầu lẻ bóng”, Đường khuya” hay “Nếu hai đứa mình”, “Giấc ngủ cô đơn”.. . Ông còn đề cao tình chiến hữu trong “Huynh đệ chi binh” hoặc vui buồn đời quân ngũ “Binh méo, cai tròn” hay hóm hỉnh như “Đánh cờ người”, tếu táo trong “Tập lái vespa” mà ban AVT thường trình diễn.

Lẻ bóng /Thanh Thúy(trước 75)


Nhạc của ông không dừng lại ở tầng lớp những người bình dân mà còn ngưng đọng ở một tầng lớp chọn lọc khác, nhất là ở lãnh vực thơ phổ nhạc. Có lẽ ông rất thích thú trong dạng này. Có những bài thơ của các thi sĩ nổi tiếng đã được ông phổ nhạc khiến nhiều người mê đảo một thời như các bài “Khúc thuỵ du” của Du tử lê, “Trúc đào” của Nguyễn Tất Nhiên, “Ai bảo em là giai nhân” của Lưu Trọng Lư, “Anh biết em đi chẳng trở về” của Thái Can, “Hoa học trò” của Nhất Tuấn. Khi phổ nhạc các bài thơ, hầu hết, ông thường lấy ý, mượn ý, nhiều lắm là một hai câu và sau đó dùng ca từ riêng của mình kiểu như lối phóng tác mà nhà văn Hoàng Hải Thủy hay dùng trong tác phẩm của mình. Khi dịch lời nhạc ngoại quốc qua Việt cũng vậy, ông tạo một ngôn ngữ riêng mà vẫn giữ ý chính, như trong bài “Tình nồng cháy”, nguyên tác “Over and over”, do Cornell Haynes Jr, Jayson "KoKo" Bridges & James D. Hargrove sáng tác.

Tình nồng cháy/Ái Vân và tiếng đàn Vô Thường


Khi di cư qua Hoa Kỳ, ông tiếp tục hoạt động âm nhạc với Trung tâm sản xuất và phát hành băng nhạc cassette Dạ Lan (1981-1990). ông còn cộng tác với Trung tâm Asia. Những nhạc phẩm ông viết sau này nói lên tâm sự, nỗi lòng hoài hương và những hình ảnh sinh hoạt hàng ngày của người con Việt sống lưu vong như “Căn gác lưu đày” , “Nước mắt quê hương”. Xúc động và phẫn khích trước thảm hoạ xâm lăng của Trung quốc, ông hăng say sáng tác những ca khúc tích cực, rực lửa, khơi dậy lòng ái quốc, đấu tranh cho quê hương, dân tộc như “Phải lên tiếng”, “Cả nước đấu tranh”, “Hãy đứng lên”, “Tuổi trẻ Việt Nam”..v..v..

Phải lên tiếng/Hợp ca


Hôm nay tôi ngồi đây viết lại những dòng tưởng niệm nhạc sĩ Anh Bằng như một nỗi nhớ, niềm thương kính với người cha, người chú hiền từ, đầy lòng nhân ái. Qua ánh nến lung linh tưởng niệm, hình ảnh người thanh niên xa Hà Nội năm nào, bỗng trở lại chấp chới đầy trời trên những khung nhạc chép giấy hoa tiên lượn bay. Bao nhiêu năm trải lòng, bấy nhiêu năm cảm xúc xôn xao góp phần xây dựng cho kim tự tháp âm nhạc Việt Nam, đáy kim tự tháp tượng trưng cho những người có nhạc được quần chúng mến mộ nhiều, cũng có tên Anh Bằng góp phần. Suốt một đời nghệ sĩ phục vụ và quay cuồng trong vòng xoáy quỹ đạo âm nhạc, có nhiều người đã phải quăng bút, gác đàn vào một góc tối nào đó vì nhiều lý do. Anh Bằng thì không, sức sáng tạo vẫn còn lấp lánh đâu đó thúc đẩy người nghệ sĩ, dù thính giác khiếm khuyết, vẫn ngồi xuống đẩy cung đưa bậc, thơ dân gian, vần lục bát, điệu quan họ, vào làn hơi tân nhạc. Sáng tác mới “Mình ơi, em chẳng cho về” của Anh Bằng như một minh chứng. Tôi thấy được trong nhạc, ánh mắt dịu dàng nàng thiếu nữ Bắc Ninh, nụ tình lúng liếng níu kéo người đi, động lòng kẻ ở. Tôi trộm nghĩ tôi mà có phép màu quay ngược được thời gian, về lại xóm cổ Ba Mươi Sáu Phố Phường xưa, thay cô gái Hà nội của Anh Bằng, bằng mắt tình lúng liếng người con gái Bắc Ninh, ắt hẳn chàng thanh niên mười tám của “Nỗi lòng người đi” chẳng thể nào dứt áo vì câu “Mình ơi, em chẳng cho về” . Và chúng ta hẳn không có cơ hội trong đời được hát đi hát lại những lời tha thiết cho tình yêu, cho đất cũ “Hà nội ơi, nào biết ra sao bây giờ. Ai đứng trông ai ven bờ, khua nước trong như ngày xưa” .

Trong một câu viết tình cờ tôi đọc được trên một ngôi mộ trong nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi ngày còn bé, có viết “Chỉ sự quên lãng của người ở lại, mới làm mờ hình bóng kẻ ra đi”. Có lẽ sự ra đi của ông khó mờ phai trong tâm tưởng những người từng quen biết ông, nhất là những người từng hát, từng mến mộ những ca khúc của ông.

Karen Trịnh Thanh Thủy
Tháng 11, 2015

User avatar
khieulong
Posts: 6753
Joined: Wed Dec 01, 2004 9:09 pm
Been thanked: 1 time

Post by khieulong »

Trung tâm Asia tưởng niệm nhạc sĩ Anh Bằng

Ðức Tuấn/Người Việt

GARDEN GROVE, California (NV) - Những giọt nước mắt, những câu chuyện kể, tất cả là kỷ niệm như được tái dựng lại
trong đêm tưởng niệm nhạc sĩ Anh Bằng, diễn ra tại phim trường của trung tâm Asia tối Thứ Ba vừa qua.

Có khoảng trên 30 anh chị em ca nghệ sĩ, từ những ca sĩ lão thành đến những ca sĩ trẻ tuổi nhất, cùng nhau tụ họp để nhắc lại rất nhiều
những tình cảm đã được tích tụ từ lâu trong những mối quan hệ thầy-trò, chú-cháu, bác-cháu, hay ông-cháu... với người cố nhạc sĩ tài hoa.



Image
Từ trái, nhạc sĩ Trúc Hồ, nhạc sĩ Song Ngọc, và ca sĩ Mai Lệ Huyền tại buổi tưởng niệm nhạc sĩ Anh Bằng. (Hình: Ðức Tuấn/Người Việt)



Ðây là lần thứ ba trung tâm Asia thực hiện chương trình tưởng niệm một thành viên của họ. Trước đó lâu lắm, người ta vẫn còn nhớ là đêm tưởng niệm nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng, rồi nhiều năm sau là nhạc sĩ Việt Dzũng, và đêm nay là nhạc sĩ Anh Bằng.

Ca sĩ Lâm Thúy Vân không cầm được xúc động, cô bật khóc nức nở khi nhắc về câu chuyện giữa cô và “ông” Anh Bằng.

Lâm Thúy Vân nhắc lại tiếng gọi đầy yêu thương “Lâm Thúy Vân Vân ơi...!” của ông mỗi khi ông gặp cô tại trụ sở của trung tâm Asia.

Cô tâm tình: “Em nhớ mãi những ngày anh chị em Asia được tháp tùng với ông, trong chuyến lưu diễn cuối cùng ở Úc. Thời gian đó ông vui lắm... Lúc trở về ông còn nói: 'Ước gì được làm một chuyến đi Âu Châu.' Bởi vậy, hôm vào thăm ông, nắm bàn tay ấm áp của ông, mà lòng đau thắt. Em kề tai nói cho ông nghe: ‘Ông ơi, cố gắng vượt qua nha ông, ông khỏe lại đi, con sẽ đưa ông đi Âu Châu như ông cháu mình đã ước nguyện.’ Thế nhưng nói chỉ là nói vậy thôi, chứ ông vẫn thiêm thiếp, rồi ra đi mãi mãi...”

Nhạc sĩ Trúc Hồ thì đau đớn khi nhắc lại những gì liên quan giữa đời sống của anh với nhạc sĩ Anh Bằng.

Anh nói: “Dường như đó là định mệnh, có sự sắp đặt của bề trên, cho Trúc Hồ gặp bác Anh Bằng, đáng lẽ là năm 1985, Trúc Hồ đã di chuyển sang tiểu bang vùng lạnh, sinh sống, học hành ở đó, nhưng rồi mình được gặp bác Anh Bằng, và quyết định ở lại California để sinh sống, và làm việc với bác kể từ thời gian đó đến nay...”

Về ảnh hưởng của nhạc sĩ Anh Bằng đối với trung tâm Asia, nhạc sĩ Trúc Hồ cho biết: “Chắc chắn là ảnh hưởng, không nhiều thì ít, vì bác là người sáng lập, là linh hồn trụ cột của trung tâm. Tuy nhiên, vì Trung Tâm Asia do chị Thy Vân chịu trách nhiệm nên tất cả những sắp xếp hay hoạt động như thế nào, sau sự mất mát của nhạc sĩ Anh Bằng sẽ do chị và ban giám đốc trung tâm quyết định.”

Ca sĩ Nguyễn Hồng Nhung cố gắng giữ bình tĩnh, khi kể lại câu chuyện có một ngày gặp nhạc sĩ Anh Bằng ở trụ sở trung tâm Asia.

“Hôm đó hai bác cháu nói chuyện với nhau nhiều lắm, và cuối cùng của buổi nói chuyện ấy là tờ bút ký của bác Anh Bằng viết lại những câu thơ như: 'Mai bác Anh Bằng đi, Nguyễn Hồng Nhung sẽ khóc,'” ca sĩ này kể.

Khi nói đến đây, người ca sĩ tưởng chừng như cứng rắn lắm, vậy mà cô đã không còn kềm nỗi sự xúc động nữa, và những giọt nước mắt rơi xuống.
Image
Từ trái, ca sĩ Mạnh Ðình, nghệ sĩ Ngọc Ðan Thanh, và nhạc sĩ Nam Lộc, tại buổi tưởng niệm. (Hình: Ðức Tuấn/Người Việt)



Nghệ sĩ Ngọc Ðan Thanh, kể lại kỷ niệm của những năm tháng trước 1975, khi đó cô là học trò, học hát từ người thầy Anh Bằng, mỗi ngày hai tiếng, tại căn nhà trên đường Hai Bà Trưng.

“Tôi còn nhớ lần cuối đến thăm thầy, khi đó nắm tay thầy còn ấm lắm, tôi ngồi lại bên thầy cũng lâu, sau đó tôi ra về, nhưng chỉ một giờ đồng hồ sau, anh Nam Lộc báo tin thầy đã ra đi hồi 8 giờ 59 phút. Lúc đó tự nhiên tôi thấy như sụp đổ tất cả, cái cảm nhận rất lạ, là lúc cầm tay thầy, tuy rằng thầy cũng chỉ nằm đó im thiêm thiếp, nhưng mình hiểu là thầy còn sống, còn đến lúc được báo tin thầy đã ra đi, thật lòng mình hụt hẫng vô cùng,” nghệ sĩ Ngọc Ðan Thanh nói trong sự xúc động.

Còn nhiều ca sĩ khác cũng thương khóc cho sự ra đi của nhạc sĩ Anh Bằng như ca sĩ Mạnh Ðình, ca sĩ Gia Huy, ca sĩ Thanh Lan, ca sĩ Băng Tâm, ca sĩ Mai Lệ Huyền, nhạc sĩ Song Ngọc, ca sĩ Ðan Nguyên, ca sĩ Hoàng Oanh, ca sĩ Ðoàn Phi, ca sĩ Mai Thanh Sơn...

Ðúng thật là không gian của đêm tưởng niệm, cả khán phòng đèn tắt tối đen, trên sân khấu, hay trên những chiếc bàn tròn dành cho anh chị em nghệ sĩ ngồi xung quanh, có những ngọc nến nhỏ vàng leo lét.

Hai bức ảnh lớn của nhạc sĩ Anh Bằng được dựng lên, một bức ở giữa sân khấu, còn một bức nằm góc trái, có sợi khói nhỏ bay lên từ bức ảnh lớn. Người ta có cảm giác linh hồn của người nhạc sĩ đang có mặt để chứng kiến từng câu chuyện, lời ca tiếng hát và những giọt nước mắt thương tiếc của những anh chị em nghệ sĩ, đã hoạt động sát cánh với trung tâm Asia từ nhiều năm nay.

Ngồi phía dưới sân khấu là những ca sĩ Diễm Liên, Nguyên Khang, Mỹ Huyền, Philip Huy, Hoàng Anh Thư, nghệ sĩ hài Quang Minh... Nhiều lắm, họ chờ đợi đến lượt mình để chia sẻ, tâm tình cùng khán giả của chương trình truyền hình SBTN chiếu trực tiếp khắp Bắc Mỹ và Úc.

Ðêm đã khuya lắm rồi, câu chuyện kể về người nhạc sĩ lão thành của nền âm nhạc Việt Nam, tưởng như sẽ không thể nào dứt, vì thời gian trên 30 năm hoạt động của trung tâm Asia, và con đường quá dài của anh chị em ca nghệ sĩ gắn bó với những thăng trầm của trung tâm.

Tất cả gom góp lại là bản thảo của kỷ niệm hằn sâu lên đời sống âm nhạc của họ, kể làm sao hết được những tình cảm sâu sắc của những người con, cháu, anh em trong đại gia đình Asia, đối với người ông, bác, chú, thầy... giống như nhạc sĩ Trúc Hồ vẫn thổn thức trong ký ức của anh.

User avatar
thuyduong
Posts: 447
Joined: Fri Dec 04, 2009 6:41 pm

Post by thuyduong »


Selena Gomez khuyên Justin Bieber hàn gắn với mẹ


"Phù thủy nhỏ" tìm gặp tình cũ để khuyên nhủ anh hòa giải với mẹ, sau khi nghe tin Justin hủy các chương trình vì các vấn đề cá nhân.

Tờ HollywoodLife hôm 24/11 đăng thông tin Selena Gomez tìm gặp Justin Bieber sau khi nghe anh hủy tham dự show truyền hình The Late Show
with Stephen Colbert và chương trình diễu hành mừng ngày Lễ tạ ơn của Macy.
Ca sĩ Same Old Love được cho là khuyên nhủ bạn trai cũ hòa giải với mẹ - Pattie Mallette - để giải quyết các rắc rối đang vướng phải.
Image
Selena Gomez khuyên Justin Bieber nên tìm gặp mẹ để hàn gắn rạn nứt tình cảm. Ảnh: Wenn.


Một nguồn tin nói: "Selena Gomez là người hướng về gia đình và cho rằng Justin có thể bình tâm lại sau khi dành thời gian với mẹ. Selena biết bà Pattie có ảnh hưởng tới Justin và bạn trai cũ cần sự ủng hộ từ những người thân thiết nhất".

Đầu tháng 11, Justin Bieber chia sẻ với trang Billboard về mối quan hệ giữa anh và mẹ: "Trong hai năm qua, quan hệ giữa chúng tôi gần như không tồn tại. Tôi cố tránh xa bởi cảm thấy xấu hổ. Tôi không bao giờ muốn mẹ thất vọng về mình. Và thực sự, tôi biết bà đã thất vọng".

Về phía mình, bà Pattie Mallette luôn ủng hộ con trai. Sau khi đĩa đơn What Do You Mean? của Justin Bieber đứng đầu Top 100 ca khúc của Billboard, bà đăng lên trang cá nhân: "Con giỏi lắm. Con xứng đáng được như thế. Cảm ơn con đã chia sẻ món quà của chúng ta. Mẹ rất tự hào về con".

Image
Sau khi hủy các show và buổi gặp mặt truyền hình, Justin Bieber thoải mái đi chơi trên phố hôm 24/11.


Cuối tuần qua, Selena Gomez và Justin Bieber bị bắt gặp đi chơi cùng nhau, làm dấy lên tin đồn tái hợp. Tuy nhiên, những người bạn thân của cả hai cho biết họ chỉ gặp nhau với tư cách những người bạn và không có ý định nối lại tình xưa.

Minh Anh

User avatar
khieulong
Posts: 6753
Joined: Wed Dec 01, 2004 9:09 pm
Been thanked: 1 time

Post by khieulong »

Hội Nhân Ảnh Tân Văn vinh danh nhạc sĩ Lam Phương
Thursday, December 3, 2015 3:36:22 PM

Ðức Tuấn/Người Việt


WESTMINSTER (NV) - “Sức khỏe của tôi lúc này lúc được, lúc không. Tuy nhiên, để không phụ tình cảm khán giả dành cho tôi,
cũng như vì lời hứa với anh em trong Hội Nhân Ảnh Tân Văn, tôi sẽ đến tham dự buổi hội ngộ này.” Nhạc sĩ Lam Phương khẳng định.


Chương trình hội ngộ với nhạc sĩ Lam Phương, và ra mắt cũng như tặng sách “Lam Phương - Nhạc và Ðời,” sẽ được thực hiện Chủ Nhật, 6 Tháng Mười Hai, lúc 1 giờ trưa, tại nhà hàng Moonlight, 15440 Beach Blvd., Westminster, CA 92683.

Buổi sinh hoạt văn nghệ do hội Nhân Ảnh Tân Văn tổ chức.

Image
Cuộc gặp gỡ sau cùng giữa hai nhạc sĩ lão thành Lam Phương và Anh Bằng. Lão nhạc sĩ Anh Bằng vừa qua đời cuối Tháng Mười Một qua.
(Hình: Phạm Kim cung cấp)

Hội Nhân Ảnh Tân Văn mới được thành lập cách đây chưa tròn một năm, ông Trần Mạnh Chi, đại diện của hội, nói với nhật báo Người Việt: “Người đứng ra khởi xướng thành lập Hội Nhân Ảnh Tân Văn là nhà văn Việt Hải. Hiện nay hội chúng tôi hiện có khoảng 10 thành viên tham gia, họ gồm những người như thi sĩ, nhà văn, họa sĩ,... Nói chung là những người có lòng và yêu nghệ thuật, mỗi tháng hội họp mặt một, hai lần.”

Trong những lần sinh hoạt, anh chị em trong Hội Nhân Ảnh Tân Văn nhiều lần họp mặt tại tư gia của nhạc sĩ Lam Phương, đôi khi mời ông đến nhà hàng, hàn huyên trong tình thân mật. Những năm gần đây, nhạc sĩ Lam Phương tuổi ở ngưỡng cửa bát tuần, bệnh thường xuyên, “uống thuốc còn nhiều hơn ăn cơm,” vậy mà ông cũng gồng mình chiều ý để cho anh chị em được vui bên ông hàng giờ. Những lần họp mặt như thế anh chị em trong hội cảm thấy càng thương-quí-mến ông, ông hiền lành và khiêm cung, hay nói theo kiểu người bình dân là “thương ông lắm, cảm xúc lắm, kết ông lắm.”

Có gặp nhạc sĩ Lam Phương, ngồi bên cạnh trò chuyện với nhau, thì mới thấy ông là một nghệ sĩ có đủ “Chân-Thiện-Mỹ,” đúng như ca sĩ Thanh Lan mô tả ông trong bài tùy bút cô viết trong “Lam Phương - Nhạc và Ðời.”

Ðể cám ơn cuộc đời, nhạc sĩ Lam Phương đã cống hiến cho âm nhạc Việt Nam, Hội Nhân Ảnh Tân Văn đã gom góp những bài viết của văn nghệ sĩ, khán giả ái mộ viết về ông, hình ảnh cũ mới, để thực hiện một cuốn sách “Lam Phương - Nhạc và Ðời,” làm món quà nhỏ tặng ông làm kỷ niệm, đồng thời gửi tặng khán giả lưu lại cho mai sau.

Hội Nhân Ảnh Tân Văn được một số văn nghệ sĩ cùng đứng ra thực hiện một chương trình chỉ để hát nhạc Lam Phương, nói về Lam Phương, vinh danh Lam Phương, tạo dịp cho khán giả hội ngộ người nhạc sĩ được nhiều người yêu mến.

Ca sĩ góp mặt trong chương trình gồm có Thanh Lan, Ðoàn Phi, Ngọc Hà, Mai Ngọc Khánh, Châu Ngọc Hà, Lưu Mỹ Linh, Kim Yến, Quốc Thái, Thúy An, Vương Lan, Thanh Thanh, Hồng Tước, Thúy Anh, Quỳnh Thúy, Mỹ Thúy, Hoàng Anh Thư (học trò cũ của nhạc sĩ Lam Phương về từ Colorado), guitarist Nguyễn Ðức Ðạt, vĩ cầm Luân Vũ, ban vũ Phù Sa và ban nhạc The Friends.

Mặc dầu cuối năm giới ca sĩ rất bận rộn cho những chương trình ca nhạc, họ vẫn nhận lời góp tiếng hát trong chương trình văn nghệ, ban tổ chức hứa hẹn sẽ gởi đến khán giả một chương ca nhạc thính phòng đầy cảm xúc.

Chương trình được chia làm hai phần: Ban tổ chức dành ra 1 giờ đầu để khán giả tiếp xúc và chụp hình lưu niệm với nhạc sĩ Lam Phương, dùng một bữa cơm trưa thân mật, và để ban tổ chức giới thiệu sách: “Lam Phương - Nhạc và Ðời.” Phần hai dành ra 3 tiếng đồng hồ để khán giả thả hồn theo dòng nhạc Lam Phương, theo dấu mốc âm nhạc và cuộc đời của ông, cảm xúc những câu ca tình khúc bất hủ, cảm xúc của câu chuyện được kể.

Giá vé: $35, $45, $75, (bao gồm ẩm thực và tặng một cuốn sách “Lam Phương - Nhạc và Ðời”).

Liên lạc giữ vé: Ngô Thiện Ðức (714) 487-9764, Trần Mạnh Chi (310) 628-7499, Lưu Anh Tuấn (619) 203-9118.

Ðức Tuấn/Người Việt

User avatar
macco
Posts: 3542
Joined: Mon Jan 17, 2005 8:04 am

Post by macco »

Khán giả hâm mộ vinh danh nhạc sĩ Lam Phương
Tuesday, December 8, 2015 5:53:56 PM

Ðức Tuấn/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) - “Chú rất sung sướng, hạnh phúc khi giờ phút này còn được bà con, khán giả và anh chị em nghệ sĩ yêu quý,
nhớ đến chú... Ân tình này nhạc sĩ Lam Phương sẽ mãi mãi không bao giờ quên,”
nhạc sĩ Lam Phương chia sẻ cảm nhận của ông với chúng tôi, tại một buổi ca nhạc tại nhà hàng Moonlight, Westminster.

Image
Nhạc sĩ Lam Phương ngồi bên chiếc bàn nhỏ có chiếc bánh kem với dòng chữ “Chúc mừng nhạc sĩ Lam Phương, 60 năm âm nhạc.”
(Hình: Ðức Tuấn/Người Việt)


Trưa Chủ Nhật, 6 Tháng Mười Hai, cả khán phòng của nhà hàng chật cứng, không còn một chỗ trống.

Ðây là buổi tiệc hội ngộ, kỷ niệm và vinh danh 60 năm âm nhạc, và ra mắt cuốn sách “Lam Phương, Cuộc Ðời và Âm Nhạc.”

Ban tổ chức là nhóm chủ trương của Hội Nhân Ảnh Tân Văn, họ ngạc nhiên vì không ngờ khán giả ái mộ nhạc sĩ Lam Phương lại đến dự đông như thế.

Nếu như ở những chương trình ca nhạc lớn, hay có phần thảm đỏ để khán giả có thể chụp hình kỷ niệm chung với nghệ sĩ, thì lần này nhạc sĩ Lam Phương được sắp ngồi ngay phía ngoài cửa chính, phía sau dựng tấm phông lớn có tấm ảnh vẽ chân dung của ông và hình bìa cuốn sách “Lam Phương, Cuộc Ðời và Âm Nhạc,” rất nhiều người đã dừng lại xin chụp bức ảnh kỷ niệm với người nhạc sĩ hiền hòa, tài ba này.

Chương trình hội ngộ và giới thiệu sách viết về nhạc sĩ Lam Phương, được chia làm hai phần, phần đầu là những nghi thức như chào cờ, mặc niệm, và một số thân hào nhân sĩ trong cộng đồng, cũng như giới văn chương, thi phú, ca nhạc lên phát biểu cảm tưởng, chia sẻ những kỷ niệm của họ với nhạc sĩ Lam Phương.

Phần hai là các ca sĩ của Hội Nhân Ảnh Tân Văn đóng góp tiếng hát qua các ca khúc nhạc Lam Phương.

Ðiều khiển chương trình là hai MC Quốc Thái và Thúy Anh.

Nhạc sĩ Lam Phương, năm nay tuổi đã gần bát tuần, sinh ra ở làng Vĩnh Thanh Vân, quận Châu Thành, tỉnh Rạch Giá.

Ông là một trong vài nhạc sĩ tiên phong của nền tân nhạc Việt Nam, với gia tài âm nhạc có trên 200 tác phẩm.

Rất nhiều ca khúc của nhạc sĩ Lam Phương được đánh giá là bất hủ như Chuyến Ðò Vĩ Tuyến, Kiếp Nghèo, Tình Anh Lính Chiến, Chiều Hành Quân, Ðèn Khuya, Tạ Ơn Mẹ...

Người ta nói nhạc của ông chỉ toàn những nhạc phẩm theo thể điệu rumba hay bolero mùi mẫn, thật ra điều đó không hoàn toàn đúng khi về sau này những ca khúc như Cho Em Quên Tuổi Ngọc, Một Mình... là những bài hát được xem là thích hợp với nhạc tình lãng mạn, nhạc thính phòng thật sự.

Trở lại với chương trình âm nhạc, về phía khán giả, không phải chỉ có những người là cư dân của Orange County, mà còn có những khách phương xa từ San Diego, San Bernardino, San Jose... Họ đến để được một lần chụp hình chung với ông, một lần thăm hỏi, nghe ông tâm tình, hay để cùng ban tổ chức vinh danh tên tuổi ông vẫn sáng ngời trên vòm trời âm nhạc Việt Nam.

“Bây giờ chỉ còn lại mỗi mình ông Lam Phương là cây đại thụ của làng âm nhạc Việt Nam tại hải ngoại thôi, bởi vậy dù xa xôi, cách trở chúng tôi vẫn muốn đến để bắt tay với ông, và nói lời cảm ơn ông đã cống hiến cho đời nhiều tác phẩm giá trị, nổi tiếng,” ông Huỳnh Phương, cư dân Sacramento, nói với nhật báo Người Việt.

Nhìn nhạc sĩ ngồi trên xe lăn, bên cạnh chiếc bàn nhỏ, trên đó có cái bánh kem trang trí rất đẹp, sang, ông nhìn mọi người, lặng lẽ mỉm cười... Dường như hình ảnh đó được thu sâu vào trong mắt mọi người, như một khoảnh khắc thời gian, không gian thật lắng đọng, và được trân trọng giữ lại trong cuộc sống mà con người có thể ra đi bất cứ lúc nào.

User avatar
khieulong
Posts: 6753
Joined: Wed Dec 01, 2004 9:09 pm
Been thanked: 1 time

Post by khieulong »

Tưởng Nhớ Thầy Liêm... Nhất Tự Vi Sư Bán Tự Vi Sư

Kim Phượng (Australia)

Trường Tiểu học Giồng ké nằm trên trục giao thông đường liên tỉnh Vĩnh Long - Vĩnh Bình. Trường chỉ có một lớp Nhất, nam và nữ đều học chung.


Số tuổi của học sinh trong lớp rất chênh lệch. Đây là điều dễ hiểu, con nít sống trong thị xã hay còn gọi là “học sinh ở chợ”, đến trường theo đúng số tuổi qui định. Các học sinh ở thôn ấp, vì phương tiện khó khăn, xa xôi, cầu tre lắc lẻo, hoặc gia đình đơn chiếc, thiếu người phụ giúp việc đồng áng, nên đa số đến trường khá muộn, khi hoàn cảnh cho phép. Số tuổi của các “học sinh dưới vườn” này, tương ứng với vóc dáng, nên dân trên chợ chúng tôi thường bị xem “ nhí ” nhất là trong các trò chơi, cần đến thể lực và chúng tôi cũng thua luôn về mặt tâm lý tình cảm, ngoại trừ trình độ học vấn. Đây là vấn đề các anh chị lớn trong lớp thường hay thắc mắc đặt ra, là tại sao chúng tôi nhỏ con mà lại học giỏi.


Nhắc đến tâm lý tình cảm, là nhắc đến chuyện “con nít quỉ”, cắp đôi, xảy ra vào giờ học Địa lý. Thầy đang vẽ các dòng sông của miền Nam nước Việt trên bảng để chúng tôi xem đó, vẽ theo. Tội nghiệp cho học sinh, chỉ nhìn thấy bờ lưng của thầy mà thầm nghĩ : “Thầy dễ gì nghe”! Các chị lớn bắt đầu bày trò, bất luận tuổi tác, cũng chẳng biết yêu thương hay ghét bỏ thế nào, chọn lựa tên của bất cứ hai người nam nữ, ghép lại với nhau mà đầy ý nghĩa, ngồ ngộ là được.

Trong cuộc gán ghép này, xem ra ai cũng “ xứng đôi vừa lứa” cả, chỉ có tôi, được ghép chung với anh chàng tên Hoa (con trai mà tên Hoa!). Hoa- Phượng, đẹp quá chứ còn gì nữa. Nhưng hỡi ơi! Tôi nhỏ con đã đành, còn “nó”, “thằng Hoa”, đèo đẹt hơn tôi nữa. Nó quay qua, nhìn tôi mỉm cười…Lớp học cứ thế, tha hồ ồn ào. Một lúc sau thầy quay lại:

- Các em xong chưa ?

- Dạ chưa thầy.

- Các em vẽ nhanh lên.

- Dạ thầy.


Cuối cùng cả lớp hoàn thành tác phẩm của mình. Sang giờ Đức dục, trước khi vào bài mới, thầy gọi học sinh lên kiểm bài như thông lệ. Nhưng thật ra, lần này thầy phá lệ, gọi từng người, theo cặp một, “y chang” như những tên mà chúng tôi đã cắp đôi

-Trời ơi! Cứ ngỡ hôm nay thầy hiền, dễ dãi, ai dè…

Sau này, tôi cũng phá lệ như thầy. Ngồi bàn đầu, lúc nào tôi cũng tìm mọi cách để nhắc bài cho các bạn, mỗi khi bị kiểm tra. Nhưng, ngoại trừ “thằng Hoa”, tuyệt nhiên tôi không nhắc bài cho “ nó” nữa.

Từ sau buổi học ấy, sinh hoạt của lớp không còn như trước. Các anh chị lớn, dường như phải lòng nhau, nên đã phạm nội qui, “đi học quá sớm”. Dù rằng, chúng tôi là học sinh lớp nhất, đàn anh, đàn chị của trường, lại chẳng làm gương. Còn tôi, các anh chị trong gia đình đều đi học xa, tôi phải phụ giúp việc nhà, nên lúc nào cũng đi học đúng giờ. Bởi thế, hai bạn cùng lớp là Hồng và Cúc, thường đến giúp tôi rửa chén bát, giặt giũ đồ hay nhóm bếp, lấy cớ ngoan, để được phép đi học sớm. Những hôm như thế, học sinh “trên chợ” và “dưới vườn”, tề tựu, bày đủ trò vui. Một trong những trò vui, tự hậu, tôi “ tởn đến già” là ăn cắp ấu.

Đập ấu nằm dọc con lộ ấp Phú Tiên, liên tỉnh Vĩnh Long - Vĩnh Bình. Đập mênh mông nước, lá ấu xanh, trải đầy, che kín cả mặt đập. Các chị lớn xắn quần đến gối, lội xuống, lật ngược các tay ấu lên, mọc đầy những trái to, căng tròn, trông thật hấp dẫn. Nhìn các chị nhanh tay hái ấu, bỏ đầy cả cặp đi học, dân trên chợ bị cám dỗ mạnh, quên đi sự nhút nhát bắt đầu ùa xuống. Tôi đang đưa tay định hái trái non, thì trời ơi, một con đỉa đen ngòm đang phăng tới. Tôi, hồn phi phách tán, la ré lên và tôi chẳng hiểu nhờ đâu, cái bờ lộ cao thế kia, tôi có thể “phi thân” lên dễ dàng. Một chị bạn khác vẫn thản nhiên tiếp tục hái, vừa cười, đưa tay nhón con đỉa đang bám trên chân chị và vừa mắng yêu :

- Tưởng gì, con đỉa mà mầy cũng sợ. Đúng là dân chợ nhát hít! Tao chỉ cho cách này nè. . . tụi nó xuống trước, quần nước đục ngầu hết, thấy nước đục thì đừng xuống, vì đục là có đỉa hà.

Kể từ lúc ấy, bọn trên chợ, có thèm ăn ấu non quá, thì “nhón” một ít ấu đựng trong cặp của các chị mà thôi.

Hết đi ăn cắp ấu lại bày trò chơi, “trốn kiếm”. Con trai, đóng dinh ở vườn trâm bầu, con gái ngự trị bên vườn chuối, kẻ trốn, người tìm. Nói vườn cho oai, chứ thực ra, trường Giồng Ké nằm sát nhà dân cư địa phương. Khu đất nhà bác Hai khá rộng, nên một bên bác trồng trâm bầu để lấy củi, bên kia trồng chuối, thu quê lợi. Có lẽ học sinh chúng tôi mãi mê chơi mà quên mất câu: “ Đi đêm có ngày gặp ma”. Hôm ấy không biết, bằng cách nào mà tập vở của chúng tôi đặt bên hông trường, đợi giờ vào lớp, đã bị thầy Hiệu trưởng gom tất cả cất vào một nơi. Giờ học đến, chúng tôi nhớn nháo…Than ôi! Tập vở không cánh mà bay, cả lớp đành đứng sắp hàng, chịu lỗi, nhận hình phạt ăn đòn, trước khi thu lại cặp sách.

Giận thầy thì học sinh có giận…, nhưng khoảng sau một tháng, thầy Hiệu trưởng và Thầy dạy lớp tôi cùng với chiếc xe Lamretta, là phương tiện di chuyển hàng ngày của hai thầy từ Vĩnh Bình đến Giồng Ké, bị bên kia chận lại, dẫn đi mất biệt. Bọn học sinh lớp Nhất buồn thiu, vẫn đi học sớm, tụ năm, tụm ba, thường khóc và tìm cách “cứu thầy”. Cuối cùng, một chị cho biết nơi hai Thầy bị giam giữ. Lúc ấy, dù chẳng rủng rỉnh tiền, nhưng cả bọn tự đóng góp để mua thức ăn cho Thầy và cả thuốc lá, thứ mà thầy Hiệu trưởng ưa thích. Từ hôm đó, các Thầy Cô còn lại trong trường luân phiên giảng dạy. Hồng và tôi đảm trách điểm danh, ghi sổ, cộng điểm sắp hạng học sinh trong lớp. Đây chính là lúc tôi thật sự cảm nhận được câu: “Nhất tự vi sư, Bán tự vi sư” và vì thế tôi thật đắc lực, rất cẩn thận trong vai trò này, mặc dù tôi vẫn là học sinh thích phá phách thầy cô.

Đời học sinh, càng lên lớp cao, mỗi năm, thêm thầy cô mới, càng có nhiều vị sư đảm trách cho từng môn học. Tuy nhiên, vị thầy đã từng cho tôi ăn đòn, là người tôi vẫn kính mến cho mãi đến hôm nay.

Mười tám năm sau, trong làn sóng tỵ nạn ồ ạt, Úc là quê hương thứ hai, nơi tôi đang định cư. Một dấu ấn sâu đậm pha lẫn hài về câu nói “Nhất tự vi sư, Bán tự vi sư” này. Chuyện tôi sắp kể là… Ngày đầu đến Úc, người tỵ nạn chúng tôi được đưa về Hostel, để hoàn tất thủ tục nhập cư và dự khoá học Anh văn căn bản trong 6 tuần. Sau đó, mọi người đều lo tìm công ăn việc làm, đồng thời chúng tôi ghi tên học khóa Anh văn hàm thụ Enghish for Newcomers. Chúng tôi đọc sách, nghe băng cassette, làm bài tập gửi đi và nhận trở lại sau khi cô giáo đã sửa lỗi. Tôi còn nhớ mãi bài văn, viết về sinh hoạt trong đời sống hàng ngày. Với vốn liếng Anh văn khiêm nhường, tôi kể về gia cảnh, công việc làm và đi đến kết luận là: “Tôi rất vui được sống trong một xứ tự do, nên không quản ngại mệt nhọc, dù là sau giờ làm việc tôi còn phải tự nấu ăn…(I cook myseft)”. Một tuần sau, tôi nhận lại bài tập của mình. Bằng bút mực màu đỏ, cô giáo khoanh tròn “ I cook myseft”, thêm vào đó chữ “by” đỏ chói, to tướng. Đồng thời bên dưới có hàng chữ “You’re jumping in the oven”.

Vâng, mỗi lần nhìn nhất từ “BY” là tôi nhớ đến từ “ vi sư ”. Sau đó tôi đến tận trung tâm hàm thụ Anh văn để tìm vị sư ấy, đồng thời cho bà biết lý do nào tôi tìm đến đây và tôi kể cho bà nghe về câu nói “ Nhất tự vi sư, Bán tự vi sư” của dân tộc mình.

Tôi rời Việt Nam khá sớm năm 1978, khi mùa phượng nở, ve râm ran. Bao năm xa xứ, chưa một lần trở lại quê nhà. Những được mất trong cuộc đời tưởng chừng đã lắng. Bỗng dưng, sự xuất hiện cuốn Đặc San, cùng đĩa DVD, do cựu giáo sư, cựu học sinh Tống Phước Hiệp, cùng một nhóm thân hữu thực hiện. Tất cả những sinh hoạt của một số “người xưa” tôi đã biết qua, cùng một số "người mới" tôi chưa quen bao giờ. Tất cả hiện ra trên màn ảnh. Những dòng chữ nhắc nhớ về Vĩnh Long trong Đặc san khơi lại trong tôi, trở ngược về thời áo trắng. Một thời để nhớ để thương.Thời lo âu, buồn vui, hờn dỗi. Thời hồn vía lên mây khi chẳng học kịp bài…và nhất là thời…mùa thu tóc ngắn không còn nữa. Tiếc thời con gái bận đón đưa...đang ào ạt trở về. Nhìn số người tham dự tôi tìm thấy lại một số thầy cô. Giờ đây ít nhiều thay đổi, nhưng hình ảnh trên bục giảng năm nào trong trí tôi vẫn như in. Rất tiếc, tôi không tìm được bóng dáng bạn bè cùng lớp.


Tuy nhiên, một sự may mắn tình cờ, tôi hân hạnh “biết” thầy Nguyễn Thanh Liêm, hiện diện trong DVD ấy. Tôi thích gọi tiếng Thầy hơn là ông Thứ trưởng. Tiếng Thứ trưởng nghe xa cách làm sao!

Qua đó Thầy cho biết cơ duyên nào, đã đưa thầy đến tỉnh Vĩnh Long và cảm phục người Vĩnh Long. Theo lời thầy: “Tuy nhiên, cái người mà tôi phục nhứt, tôi kể như là ông thầy của tôi đó, mặc dù là tôi không có đến học với ổng, là cái người sinh ra ở Vĩnh Long, đó là ông Trương Vĩnh Ký”.

Thầy cho biết, và phân tích 2 câu viết đặt trước cửa trường Pétrus Ký:


Khổng Mạnh cương thường tu khắc cốt
Tây Âu khoa học chiếu minh tâm

Thầy giải thích: “Một mặt phải thu nhận những kiến thức khoa học, mặt khác phải ghi trong xương tủy của mình nền đạo đức luân lý của Á Đông”.

Ngày xưa, trong chế độ quân chủ, vị thế người thầy vô cùng quan trọng, là người nhận chịu mọi trách nhiệm về kiến thức và lẫn hành vi đạo đức của học sinh mình. Ngày nay với lối sống dân chủ và nhất là ở xã hội này, vai trò người thầy không còn quá nặng nề. Riêng tôi, tiếng Thầy, không chỉ đóng khung trong phạm vi học đường, những điều tôi có thể học hỏi từ một người, người ấy tôi xem là Thầy rồi.

Những vị đã rèn luyện cho tôi được kiến thức hôm nay. Đó là, một số thầy cô, hiện diện trong DVD đây, một vài vị khác, đã miên viễn. Tuy nhiên, trong thăng trầm trên những con đường đã đi qua, tôi có được những vị Thầy từ trường đời mà tôi đã học hỏi. Và một vị Thầy, Thầy và tôi có cùng sự đồng cảm. Người tôi muốn nhắc đến là thầy Liêm. Thầy Liêm, xem ông Trương Vĩnh Ký, người Vĩnh Long, là một bậc thầy, dù chưa một lần thọ giáo.Tôi, người đồng quê với cụ Trương Vĩnh Ký, lại xem thầy Liêm là thầy, dù chỉ biết Thầy qua DVD. Thầy Liêm, người đã giúp cho tôi học được điều mà tôi chưa hề biết. Khi thầy khuyến khích nhóm hậu sinh, về sự sống còn của quyển Đặc San, dù phát hành trễ. Đó là:


Mi sanh tiền, tu sanh hậu
Tiền sanh bất nhược, hậu sanh trường

(Tân niên hội ngộ của CHS Tống Phước Hiệp, Cali)


Thật ra, nếu Thầy không giải thích, chắc tôi cũng chẳng hiểu được. Chính hình ảnh và lời phát biểu của Thầy đã “kéo” tôi về thời ăn cắp ấu. Thời tôi vừa biết cảm nhận được câu “ Nhất tự vi sư, Bán tự vi sư”, và nhớ về người Thầy Hiệu trưởng năm xưa, là người cho cả lớp ăn đòn.


Lời nói của thầy Liêm, là động lực thôi thúc tôi hoàn thành ước nguyện và tự trả lời cho chính câu hỏi mà tôi đặt ra, từ bấy lâu nay: “ Ai là người xứng đáng được gọi là thầy?”.

Thật ra, trong bước đường đời, mỗi lần tôi tiếp xúc với người nào, y như rằng tôi được học hỏi ít nhiều từ người ấy.

Như một lời tri ân, kính gửi đến Thầy Nguyễn Thanh Liêm, xin mượn lời thơ trao tặng Thầy, thay đoạn kết qua 2 câu thơ trên, Thầy đã khuyến khích nhóm hậu sinh chúng tôi:


Mày đây vênh váo tự hào
Tao sinh ra trước ai cao hơn bằng
Râu cười khiêm tốn thưa rằng
Cao thì cao thiệt! Dài bằng tôi không?
Nghêng ngang mày lại cãi ngông
Dẫu dài cho lắm cũng không tài bằng
Thế thì trổ hết tài năng
Cho thiên hạ khiếp hầu răn dạy đời
Ậm ừ mày chẳng thức thời
Nói nhăn nói cuội lỡ lời như chơi
Ủi an râu nói “ Mày ơi!”
Làm đẹp thiên hạ là trời ban cho
Ganh đua chỉ tổ làm trò
Nó giận…
tỉa hết
cạo sạch
còn gì mày râu !!!

Bài thơ thay lời tri ân này, vẫn còn đây. Nhưng Thầy đã miên viễn. Thầy đã mãn phần hôm 17 tháng 8 năm 2016 này.

Thành kính chia buồn cùng Cô và Thân quyến. Em Nguyện cầu Hương linh Thầy sớm an nghĩ nơi cõi Vĩnh Hằng.

Kim Phượng

(Australia)

Link bài:

http://longhovinhlong.blogspot.com.au/2 ... vi-su.html


kalua
Posts: 836
Joined: Sun Apr 22, 2012 5:26 pm

Post by kalua »

Image

Kiếp sau lấy vợ Huế.

Kiếp sau lấy vợ Huế
Để tôi được cưng chìu
Đêm nằm nghe thỏ thẻ:
“ Anh nì! Chừ mình yêu…”
Sáng ra lời trong veo
Tiếng người như chim hót :
“ Anh ơi! Em ốt dột
-Hun chi lạ…rứa tề! “
Thương ơi! Mái tóc thề
Dài lên tới Bến Ngự
Tóc cột đời lữ thứ
Trăm năm không cho về…
Kiếp sau lấy vợ Huế
Già chát vẫn kêu anh
Gần chôn cũng xưng em
Tình nào hơn như thế ?
Bờ môi ngọt… thương nhớ
Con mắt là sao sa
Dẫu khi đã đàn bà
Cũng lừng hương thiếu nữ!
Dẫu khi tôi mệt lữ
Em vẫn tìm lá xông
Bão giông em không sợ
Ăm ắp nghĩa vợ chồng


( thơ Trần Dzạ Lữ, SàiGòn, tháng 3 năm 2013 )
-----------------------------------------------------------------------------------
6 lý do nên lấy gái Huế làm vợ

1. Con gái Huế sống nề nếp và gia phong
Con gái Huế luôn sống có phép tắc trong ứng xử với bố mẹ và người lớn trong gia đình. Những nền nếp ấy đã trở thành khuôn phép truyền thống được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Cô gái Huế nào khi đi ra ngoài cũng đều xin phép gia đình, có khách thì phải cúi chào, và đặc biệt con gái Huế không được đi chơi đêm quá 21h.

2. Con gái Huế sống thân thiện và đặc biệt thiện tâm
Con gái Huế luôn nở nụ cười trên môi khi gặp người khác. Họ luôn luôn quan tâm, hỏi han và giúp đỡ người khác những lúc gặp khó khăn. Và đặc biệt, người lạ gặp con gái Huế rất dễ dàng bắt chuyện và hòa nhập vào câu chuyện một cách vui vẻ vì họ luôn luôn cởi mở, thân thiện, gần gũi và hiếu khách. Con gái Huế đặc biệt sống rất hiền, thích làm việc thiện, thường xuyên đi chùa lễ Phật để tích đức.

3. Con gái Huế kín đáo và trầm lặng
Họ là những cô gái rất trầm lặng và ít nói, sống luôn luôn giữ kẽ, hết sức kín đáo trong lời ăn tiếng nói hàng ngày với ba mẹ, người lớn tuổi và bạn bè. Họ không bao giờ muốn mọi người biết về những khó khăn mà họ đang gặp vì không muốn để ai bận tâm. Con gái Huế không để xảy ra điều to tiếng, hay gây chuyện buồn cho hàng xóm láng giềng.
Kết quả hình ảnh cho Con gái Huế kín đáo và trầm lặng.

4. Con gái Huế sống tiết kiệm và chắt chiu
Con gái Huế tiêu tiền rất cẩn thận, tính toán chi li mọi khoản để cân bằng tiền bạc, họ luôn cân nhắc rất nhiều khi quyết định chi tiêu tiền bạc vì họ suy nghĩ đến tương lai lâu dài. Họ không giống nhiều người nhiều nơi khác, cứ có tiền là tiêu cái đã, làm chừng nào thì tiêu chừng đó.
Kết quả hình ảnh cho Con gái Huế sống tiết kiệm và chắt chiu.

5. Con gái Huế dịu dàng và e ấp
Người con gái Huế từ lâu đã nổi tiếng là dịu dàng với giọng nói “dạ, thưa” đến say lòng. Con gái Huế đi lại nhẹ nhàng và ăn nói nhỏ nhẹ. Dường như mỗi người con gái Huế đều mang trong mình một nét gì đó rất đỗi kín đáo và e ấp. Có rất nhiều chàng trai xứ khác khi đến Huế đều cảm nhận được đó là điều đầu tiên.
Kết quả hình ảnh cho Con gái Huế cầu kỳ trong chế biến ẩm thực.

6. Con gái Huế cầu kỳ trong chế biến ẩm thực
Với tất cả mọi người dân xứ Huế, nấu ăn là thể hiện sự khéo léo và nghệ thuật, chính vì thế, họ luôn coi trọng việc trang trí món ăn. Với quan niệm: “ăn” trước hết là “ăn bằng mắt”, người con gái Huế rất chú trọng vào việc làm cho món ăn không chỉ ngon mà còn phải bắt mắt và thu hút.

Qua bao hình ảnh cho con gái Huế dịu dàng, thùy mị, thủy chung, thích quá một trời mơ và một cõi e ấp, này bạn còn chần chờ gì nữa kiếp sau nếu may mắn đầu thai làm người không đi tìm vợ Huế đỉ nhi? Tôi bảo bà nhà tôi trong con tim nồng nàn xao xuyến của mình, tôi sẽ hẹn bà ở vùng đất thần kinh trầm mặc cổ kính... Huế kiếp sau với bó hồng trên tay,... chờ bà ở ngã ba Hương Thủy, chờ đến khi trăng tàn trên Bến Ngự, hay rồi khi mùa xuân về đàn lễ tế Nam Giao, ta vẫn chờ em,...

Kiếp sau nếu có làm người,
Con tim xao xuyến sống đời Thần Kinh.

Tôi nhớ người anh cả của tôi, thuở trung học anh ấy "Rất Huế" theo ngôn ngữ đặc sản, đặc trưng của nhạc sĩ Võ Tá Hân, anh hai tôi có cô bạn gái đầu đời týp "Rất Huế" từ dáng e ấp đến giọng nói, anh hai tôi vốn thích món bún bò Huế huyết heo, nào những cơm âm phủ, bánh khoái, bánh lá chả tôm, bánh nậm, bánh ít ram, nem tré, nhất là dần về sau, le hơn đi xa hơn theo thời gian những ngữ như Cung Đình Tửu Huế, thuộc hạng xịn deluxed Nhất Dạ Ngũ Tử, hay Hoàng đế ngự tửu tuyệt say tình cốc, theo goût Minh Mạng vương tuyệt triều, mà hơn một lần tôi nghe nhạc sĩ Hoàng Sa, aka BĐQ toubib Trần Văn Thuần đất Bushland Houston, thuyết giảng về độ phê của ngự tửu, hay nhà văn Dương Viết Điền "rất Huế" cố vấn Huế chi cho tôi yếu Huế thêm,...

Hôm qua bà sui gia kiều diễm Thụy Trinh và thầy giáo Việt ngữ hiền tài Thiện Đức bê tôi lên TV air vì freeway 405 jamming như mắc cửi nên chỉ có 2 người on air.. Thụy Trinh nhắc chuyện năm xưa khi madame bê tôi và ca nhac sĩ Tú Minh on air Hồn Việt, Tú Minh bảo tôi :" Em lên air lần đấu chưa quen, run quá!", tôi trấn an Tú Minh host talkshow này lanh lắm, madame thóc show như anchor thông báo tin tức với speed 55MPH, Tú Minh nghe rõ rồi trả lời, đừng lo nhé, madame sẽ đỡ đòn khi minh stuck. Thật vậy, sau interview xong mọi ngưởi vui vẻ.

Vào giờ ngọ của cử lunch hôm qua, rồi bút tôi lang thang băng qua đường Saigon trước tiền đình Phước Lộc Thọ, một đoàn xe dài án ngữ lưu thông, xe cộ nối đuôi nhau chờ một lão nhân chổng gậy qua đưởng, ca sĩ Louis Lưu Manh Bổng bỏ sở đi ăn có 1 giờ lunch, kẹt xe trên xa lộ 405 nửa tiếng và nửa tiếng đợi "lão Việt Hải tà tà băng qua quốc lộ Saigon Bolsa, nên bụng đói meo trở về sở trên đường Main Santa Ana đi làm tiếp. Anh tiêu hết một tiếng không ăn lunch, Louis bạn tôi, bảnh trai, ngày xưa đi học cùng đại học, Louis quen đi xe nhà, con nhà giàu, bạn bè thèm nhỏ dãi,.. chàng ta thích ca hát gương mặt hao hao mang vé y khuôn như ca sĩ Nhật Trường "năm bờ thu", madame Mỹ Lan coi chừng người y chang như người nhé. Có điều ca si NT mang chất giọng truyền cảm trầm ấm, baritone, hoặc xuống trầm sasso, Louis có lẽ do bẩm sinh thiên khiếu, hay sở trường quen giời phú ở chất giọng nam kim, ngân cao, nếu không như chuẩn mực Giovanni Martinelli hay Galliano Masini, thì anh vẫn ở thứ hạng khá. Chưa hết một vòng đảo qua Asian Mall gặp madame "Mẹ Việt Nam mắt ngời sáng chói", …

Mẹ Việt Nam mắt ngời sáng quá
Nghe đâu đây tiếng vọng hòa bình
Lệ nhạt nhòa đôi mắt long lanh
nghe tin con vẫn còn ngày xanh
Một cành hoa em cài mái tóc
Anh đưa em qua quãng đường dài
Về thành đô anh may áo cưới
Ta thương nhau xây dựng ngày mai,...

Mẹ Việt Nam Như Hảo một thuở tung hoành Saigon air, vùng thẩm âm lan tỏa nghe rõ từ Thủ Thiêm qua Cát Lái, từ Phú Lâm về Hàng Xanh, chị kể thuở vui xưa có Bonard, Catinat, Galliéni, Charner, rồi Crystal Palace, Passage Eden,... nỗi nhớ khôn nguôi,... nhớ lại đi, chạy song song với con đường Tự Do là đại lộ Nguyễn Huệ (Charner) rộng thênh thang với Tòa Đô Chánh ngã ba Nguyễn Huệ-Lê Thánh Tôn nơi nhà tôi đấy, (Charner-d’Espagne) đứng uy nghi giữa trời. Xéo đó là rạp ciné Rex của gia đình chi Kim Châu (madame Võ Tá Hân, hihi chuột sa hủ nếp,.. vốn học giỏi khiến tôi ực cà phê đen bỏ ngủ học marathon với anh để tôi vượt qua 2 kỳ tú tài không khó, Rex hay Mini Rex những nơi đây ấp kỷ niệm, nhưng rạp tối tân mà thuở nhà mùa xưa sao mà cứ mãi đếm tiền kỹ trước khi mua vé, coi một phim hay với cô mèo hôm sau nhịn mấy phùa lunch và điểm tâm,..hihi... Rex hay Mini Rex thường chiếu những phim hay, nhưng hay hơn cả vẫn là phim uống môi em ngọt. Về nhà bố hỏi "Con đi đâu về ?", biết nói sao bây giờ vì lỡ xem phim hay rồi, thôi thì cứ bê đề tủ của ông giáo Sâm Petrus Ký gỡ gạc là thượng sách... Ông giáo Nguyễn Văn Sâm, người phổ biến tác phẩm best sellers hay muôn thuở, "Con trai phải đọc sách". Tôi thưa trình thành khẩn: "Dạ con vừa gạo bài ở Abraham Lincoln về!" ( tức thư viện Mỹ Abraham Lincoln ở số 8 đường Lê Quý Đôn), bởi thế tôi nhớ madame ca sĩ Hồng Tước có lúc tâm sự một thuở Saigon gia đình bà rất khó phim tình cảm mùi mẫn yêu đương ngữ như: "L'affaire d'une nuit" (Chuyện Tình Qua Đêm, với 2 diễn viên gạo cội Brigitte Bardot và Jacques Charrier; hoặc "La Piscine" (Cạm Bẫy Tình Yêu, với 2 tài tử thượng thặng Alain Delon và Romy Schneider); hay phim "Love Story" (Chuyện Tình, với 2 diễn viên xuất sằc, Ali MacGraw và Ryan O'Neal), con gái chưa thi xong tú tài chưa nên xem, "No way José!" hay ở Rex hay Mini Rex madame Hồng Tước buồn hiu vì ngày ấy chưa được đi xem. Tôi hiểu madame, hãy trách nhẹ vì ông giáo Sâm chưa hề viết tác phẩm: "Con gái phải đọc sách" để madame Hồng Tước vác lưng cái student backpack gồm bao những sách ngụy trang thi tú tài, những vạn vật, triết, sử địa, toán, vật lý, hóa học, anh văn, pháp văn, việt văn,.. vào Rex hay Mini Rex,...
Rex xem như tối tân nhất Sài Gòn chủ nhân là ông Ưng Thi (cũng là chủ rạp Đại Nam). Điều đáng nói là thời bấy giờ (đầu thập niên 60) mà rạp Rex đã có thang cuốn (escalator). Rạp Rex khai trương năm 1962 với cuốn phim Ben Hur do tài tử Charlton Heston và Stephen Boyd đóng thì xảy ra một biến cố, có một người đẹp nọ đi thang cuốn escalator lúc lên gần tới tầng lầu không hiểu quýnh quáng thế nào mà để cái thang "mắc dịch" không galant chút nào nó cuốn luôn cái quần dài của nàng tuột đi…Ôi cái thang thật dê xồm.

Đối diện rạp Rex là rạp Eden đặc biệt ở tầng 3 có những ô ngăn chia riêng biệt dành cho các tình nhân muốn có nhiều tự do thoải mái. Ngay kế bên có tiệm bánh mì pâté Đô Chính ngon nổi tiếng. Gần đó có phòng trà Queen Bee mà giới yêu nhạc thường vào nghe mỗi đêm. Khu Eden có cơ ngơi của bà Cả Đọi, chủ nợ xơi chịu ghi sổ của ông vua hippie Trường Kỳ.

Thương xá Tax (ngày xưa là hãng Charner) cũng lừng danh với nhiều hàng hiệu. Qua khỏi ngã tư Lê Lợi có kiosque Đống Đa rửa và in hình rất đẹp, rồi Tổng Nha Ngân Khố, hotel Palace. Hằng năm, vào mỗi độ Xuân về, nguyên đại lộ Nguyễn Huệ trở thành chợ Hoa đô thành với trăm ngàn kỳ hoa dị thảo muôn hồng ngàn tía nhất là hoa mai hoa đào rực rỡ để người Sài Gòn ngắm nghía chọn lựa mang về chưng Tết.
Cắt ngang đại lộ Trần Hưng Đạo khúc gần rạp hát Đại Nam là đại lộ Nguyễn Thái Học (Boulevard Kichener) mà đoạn đầu ở ngã ba Phạm Ngũ Lão là rạp hát bội Thành Xương (đình Tân Kiểng), ngay ngã tư Trần Hưng Đạo là trường tiểu học Trương Minh Ký, xuống lần tới phía dưới có trường tư thục Huỳnh Thúc Kháng, rạp hát Nam Tiến kế bên là khách sạn Tân Thời mà chủ nhân là bạn của người viết. Cuối đại lộ Nguyễn Thái Học là Chợ Cầu Ông Lãnh,...


Ôi, Saigon vẫn đẹp trong sự thể trước biến cố đổi đời vì rằng: "Nam Kỳ Khởi Nghĩa tiêu Công Lý, Đồng Khởi vùng lên mất Tự Do!". Tôi chuộng bài nhạc tình ca Phạm Mạnh Đạt. Nhớ madame "Mẹ Việt Nam mắt ngời sáng chói", nhớ hiền tỷ Như Hảo, gặp hôm qua quá tri kỷ duyên thời bao xuân sắc nhé, madame ex cùa thấy Petrus Ký Phạm Mạnh Cương, hiền tỷ lại là vị đồng môn tại trường luật khoa Duy Tân gần công viên Tháp Rùa, thuở vàng son của VNCH ngày nào, ký ức mãi mãi không nguôi, hiền tỷ còn theo học khoa báo chí tại Vạn Hạnh, cùng thời gian bút tôi học khoa kinh tế tại trường Kinh Thương Minh Đức. Ca sĩ Như Hảo có liên hệ bà con họ hàng rất gần với ba ca sĩ Tam Thanh: Thanh Thúy, Thanh Mỹ và Thanh Châu). LS. Thanh Châu gốc Marie Curie, nhưng vốn thích văn thơ nhạc VN, Thanh Châu kể chuyện về nhạc sĩ Trần Trinh... Trần Trịnh có cá tánh hiền hậu, trầm tính, luôn nhỏ nhẹ, một tấm gương nghệ sĩ đáng trân quý,. Có lần ông bảo rằng nhạc ông sáng tác, hể ai ca nhạc ông, ông cám ơn trong sự trân quý. Ông không những không lấy "redevance" (royalty fee), chắng cần tiền tác quyền mà còn muốn trả tiền caché cho người ca ấy nữa, nhưng đó là tấm chân tình của người nhạc sĩ tài hoa này, dù rằng ông nghèo, niềm ao ước như nỗi lòng tri ân người thương mến nhạc của ông. Điều này nói lên cá tính dễ chịu, hòa nhã của ông. Rồi Thanh Châu có lần tâm sự là lần đầu tiên ngỏ ý ca bài Hai Sắc Hoa Ti-gôn với chính tác giả đệm phần nhạc, Thanh Châu ban đầu hơi lo và run, lòng thánh thót đánh mấy con bò cạp theo nhịp điệu boléro, nhưng ông nhạc sĩ gật gù say mê đệm nhạc, ca sĩ yên tâm diễn tả trọn vẹn bài ca.

À, nảy giờ bút tôi lan man mênh mang tả oán từ bài "Rất Huế" của nhac sĩ Võ Tả Hân chạy dài xuống Trần Trịnh. Thôi hãy trở lại với chủ đề Vợ Huế nhé... Báo online, báo net bảo có 6 lý do đó đã đủ thuyết phục để bạn chọn một cô gái Huế làm vợ chưa? Tính cách của con gái Huế còn là một “kho tàng bí ẩn” mà bạn ta hãy chính là người đi tìm hiểu chính đề đi nhé. Bài viết "6 lý do nên lấy gái Huế làm vợ", hình như tác giả tính luôn bà Hồng Tước vào bài rồi, một nhân sĩ cho rằng chị ấy là nữ sĩ đa tài đa đoan lúc thì ca trước micro, lúc thì ôm guitar, lúc thì vung cọ vẽ pinceau doré, lúc zoom camera, lúc bấm camcorder với tính tình vui vẻ tài đức vẹn toàn, công dung ngôn hạnh đủ cả, well-qualified... Bài lên phết búc, kiếp sau khối anh chàng cầm bouquet de roses, hay cadeau d'amour săn chờ trước ngõ,...hihi...

Sài Gòn Có Em, Phạm Mạnh Đạt, Ý Lan:
http://lyric.tkaraoke.com/16404/sai_gon_co_em.html


O Huế, Thơ Việt Hải, Nhạc Hà Lan Phương:



Image

Ca nhạc sĩ Diệu Hương
Kết bài, vợ Huế là điều mơ ước kiếp sau của nhà thơ Trần Dzạ Lữ, cũng như nhều nhiều người nghe tình khúc "Mình Ơi", nghe một lần, nhớ ngất ngư bao đời của ca nhạc sĩ Diệu Hương, rồi chút gì đó chất Huế thăng hoa vào dòng huyết quản, tôi cám ơn thi si Trần Dzạ Lữ, tôi cám ơn anh hai tôi, cùng những người chị dâu Huế hụt của ngày xa xưa, anh Dũng tôi của Ngự tửu cung đình, tôi cám ơn cô em "Rất Huế" Diệu Hương, đa tài, đa cảm, với nét đoan trang, thùy mi. Tôi cám ơn quý anh Võ Tá Hân, khoa hoc gia Nguyễn Đức Hạt, Đinh Trường Hân, Tam Giang Hoàng Đình Báu, Hoàng Vinh, Dương Viết Điền, quý chị Như Hảo, Tam Thanh, Hoàng Sa Trần Văn Thuần, Lê Thúy Vinh, extension đến mes amis Thụy Trinh, Tú Minh, ThụyVy, Thanh Thanh, Mỹ Dung, Thùy Châu, Thái Hà, Lâm Dung, Ngọc Mai, Ngọc Quỳnh,Tú Lan,..., Hồng Vũ Lan Nhi, Cao Mỵ Nhân, những thi nhân đã một thời trọ Huế thuở di cư 54, thầy Thiện Đức tánh tốt, hiếu hạnh con nhà tu, như hương hoa chùa Chùa Từ Hiếu cách Huế không bao xa về hướng tây nam. Đối với những thân hữu tôi ghi tên trong bài này như những người tượng trưng cho nét ₫ẹp của Huế trong ý nghĩa nào đó, nét đẹp trầm mặc, nét đẹp cổ kính để đêm đêm ta đốt đèn trời kiếp sau xin nhớ làm người Huế Thương nhé!

Sau hết, gởi text đến bà nhà tôi để xin một next blinddate hẹn trước trường Đồng Khánh hay gần cầu Tràng Tiền vào mùa hè hoa phượng nở ở kiếp sau em nhé...
All the best of luck,

Trần Việt Hải Los Angeles.
Phần phụ :

O Huế, Vợ Huế và Rất Huế:
http://www.ninh-hoa.com/VietHai-OHueVaGiongHue.htm

Mình Ơi!!- Diệu Hương:
http://lyric.tkaraoke.com/mp3-158510/mi ... huong.html


Rất Huế - Bảo Yến, Võ Tá Hân:
http://nhac.vn/rat-hue-bao-yen-sopY3Dn
Image
Rất Huế - Bảo Yến | NHAC.VN
By NHAC.VN
Giữ chút gì rất Huế đi em Nét duyên là trời đất giao hoà Dẫu xa, một mai anh gặp lại Vẫn được nhìn em say lá...


Lời bài hát: Mình ơi
(NS. Diệu Hương)

Ðôi chim là chim ríu rít trên cành
Em yêu là yêu tiếng gọi của Mình
là Mình, Mình ơi
Ðêm qua thức giấc bùi ngùi
Nhìn quanh là em không thấy mặt người là người mình thương
Từ khi, từ khi là Mình bỏ em buồn
Ðôi chim lơ láo, quay cuồng là cuồng biếng ăn
Co ro, co ro tìm một chỗ em nằm
Phòng không, phòng không là không chiếu lạnh
Nhện sầu là sầu giăng ngang
Mình là Mình, Mình ơi
Mình đi là đi đi mãi quên lời
Lời xưa mà ta ước hẹn
Một đời là một đời sắt son
Cây xanh là xanh lá vẫn tươi màu
Riêng em là em héo tàn
Nhạt nhoà là nhoà tình xuân
Ðôi chim gẫy cánh giữa đường
Từ nay là chăn gối ngậm ngùi là ngùi tiếc thương
Hò là hò ơi ới hò
Mình đi mô mà mình đi miết rứa không về
Rứa để em chứ rứa để em chẳng có ai nằm
rứa em chẳng có ai nằm kề một bên
Mình là Mình, Mình ơi
Mình đi là đi đi mãi quên lời
Lời xưa mà ta ước hẹn
Một đời là một đời sắt son
Cây xanh là xanh lá vẫn tươi màu
Riêng em là em héo tàn
Nhạt nhoà là nhoà tình xuân
Ðôi chim gẫy cánh giữa đường
Từ nay là em thôi hết được gọi Mình là Mình, Mình ơi...



Trần Việt Hải
,

23 tháng 2, 2017.

User avatar
saohom
Posts: 2211
Joined: Wed Aug 26, 2009 11:30 pm

Post by saohom »

Image

Tờ Hộ Khẩu

Mai Văn Các


‘Sự cố’ ấy là một bước ngoặt trong cuộc đời lão và nó còn đeo theo lão không biết đến bao giờ.

“Một ngày xui xẻo,” lão lẩm bẩm . Mới sáng banh mắt vừa ra mở cửa, mấy con quạ đen thù lù đậu trên cây vú sữa nhà thím Năm trông thấy lão chõ mỏ kêu “quà, quà, quà…” một hồi rồi vỗ cánh bay đi. Ðến chiều lúc lão đem giá gạo ra hè nhặt sạn nấu bữa tối có bé Hai chơi bên cạnh thì viên công an ở đâu sồng sộc đi vô:

-Kiểm tra hộ khẩu.

Lão ngơ ngác nhắc lại:

-Kiểm tra hộ khẩu, hộ khẩu là gì thầy?

-Không được kêu thầy, đừng giữ mãi cái đầu óc phong kiến bóc bột !

May quá , cái đầu óc già nua tối tăm của lão như có thần ứng mách bảo cho lão hai chữ : “đồng chí, đồng chí” . Lão nói:

-Thưa đồng chí hộ khẩu là gì đồng chí?

-Ai đồng chí với gia đình Ngụy? Kêu là cán bộ nghe chưa ! Tờ hộ khẩu đâu?

Lão vô nhà. Cán bộ theo sau. Tờ hộ khẩu mới lấy mấy bữa trước không biết ai để đâu mất . Hồi đó tờ khai gia đình cả vài năm lão không sờ tới. Hình như cách nay gần 1 năm lão kéo từ ngăn tủ phủi bụi bặm đem ra phường thêm tên con Sáu, vợ thằng Tư và con bé Hai xong lão lại đem về vất vô chỗ cũ.

May mắn sau ngày 30/4 nó vẫn nằm chình ình ở đó để lão đem trình cho Cách mạng làm tờ Hộ Khẩu mới. Lão tới lục ngăn tủ cũ không có, lão kéo ngăn bên kia ra xem cũng không , chỉ có bản sao Tờ Khai Gia Ðình hồi trước .

Lão vã mồ hôi. Cái đầu óc già nua tối tăm của lão không giúp ích gì cho lão lúc này. Mới bữa trước tổ trưởng Năm Ghi tới tận nhà giao cho lão, không biết lão để đâu. Lão đứng ngơ ngẩn bần thần.

Viên công an sẳng giọng:

-Có một tờ hộ khẩu mà cũng không biết giữ. Kiếm đi chứ !

Lão luống cuống chạy vô phòng lật đầu giường của vợ chồng thằng Tư không có , bực mình lão lật mền lật gối, tìm trong tủ quần áo cũng không.

Lão trở ra, đứng ngơ ngẩn cố suy nghĩ.

-Kiếm đi chứ, viên Công an lại giục.

Cuống quít quay tới quay lui, may mắn thấy cái bàn viết kê sát vách, lão cúi xuống lôi ngăn kéo ra lật lật đám sách vở ngổn ngang:

-A, nó đây rồi ! Lại có cả cây viết đây nữa. Cây viết Pilot nắp mạ vàng con bé Hai vẫn đòi đem ra chơi. Thế mà cái đầu óc già nua tối tăm tới lúc cùng nó cũng giúp lão, lão cười miệng méo xệch.

Viên công an giựt lấy tờ hộ khẩu ngắm nghía:

-Mới đây mà đã lem rồi. Ai bôi xóa mấy chữ này đây? Không muốn có Ðộc Lập – Tự Do – Hạnh Phúc hả?

Lão tái mặt. Chắc con bé Hai rồi. Cách đây mấy bữa nó ngồi hý hoáy làm gì nơi đây. Nét bút yếu ớt vẽ loằng ngoằng làm lem mấy chữ Ðộc lập-Tự Do-Hạnh Phúc trên đầu tờ Hộ khẩu. Lão hú hồn, nếu nó xoá bỏ cả cái Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa thì chí nguy.

-Xin cán bộ bỏ qua, con bé này- lão chỉ bé Hai – nhỏ dại không biết gì.

– Nhỏ dại mà biết chống đối . Lần này tha , lần sau cho nó đi cải tạo mút mùa !

– Xin Cán bộ bỏ qua . Lão sợ hãi năn nỉ lần nữa .

Viên công an lầm lì không trả lời, hắn lật xem bên trong .

-Ngô Văn Tư là ai?

-Con trai tôi.

-Ngụy hả?

-Dạ nó đi quân dịch, không phải Ngụy.

-Ði lính cho Ngụy là Ngụy còn vòng vo gì. Nói nó Cách Mạng lúc nào cũng độ lượng khoan dung. Phải chấp hành nghiêm chỉnh mệnh lệnh của Ðảng, của nhà nước nếu không sẽ bị đưa đi cải tạo. Tên Tư tối nay ra công an phường trình diện.

Lão cúi đầu:

-Dạ, dạ!

Viên công an lật trở lại nói tiếp:

-Còn mấy chỗ lem này tẩy sạch đi. Mua giấy lon (nylon) bọc lại.

Cái bút này vẽ bậy bị tịch thu !

Bỏ cây viết Pilot nắp vàng vào sà cộp, viên công an dặn lại:

-Nhớ mua giấy lon bọc lại cho tử tế, cất kỹ đi. Thấy ông già tôi thương hại làm phúc nói cho biết tờ hộ khẩu quan trọng, rất quan trọng – hắn nhấn mạnh- mua lương thực: hộ khẩu, xin việc làm: hộ khẩu, đi học: hộ khẩu. Hộ khẩu, hộ khẩu, hộ khẩu . . . . Nó là mạch máu của gia đình . Mua gạo,nó; mua bo bo, nó; mua khoai mì, nó; mua . . .mua bắp, nó. Không có nó là chết đói nhăn răng !

Lão tái mặt , phải rồi không có gạo, không có bo bo th cết đói cả lũ, chết đói nhăn răng . Lão sợ quá tiễn cán bộ ra khỏi cổng mà vẫn còn run.

Thím Năm đứng ở sân thấy lão thương hại hỏi nhỏ:

-Gì thế anh Bảy, sao thằng công an nói lớn vậy?

-Xuỵt ! – Lão ra dấu – nó bảo phải kêu nó là cán bộ. Ðây này, con bé Hai bôi lem mất mấy chữ làm nó la lối om xòm. Làm sao gôm hết thím Năm? Lão lo lắng hỏi.

-Mực nguyên tử đây mà. Anh Bảy lấy chút bông gòn thấm cồn lau đi là hết.

Lão thở phào nhẹ nhõm chạy vội sang nhà ông Ba Chích đối diện, giơ tờ hộ khẩu cho ông Ba xem:

-Xui quá chú Ba, con bé làm lem chút mực, chú Ba cho tôi xin chút alcool tôi lau nó đi.

Ông Ba Chích yên lặng xé miếng bông gòn bằng đầu ngón tay và thấm chút alcool đưa cho lão.

-Cho tôi xin thêm chút nữa chú Ba, sợ không đủ.

-Lúc này người khôn của hiếm anh Bảy. Lau đi thiếu lấy thêm. Mai mốt sợ không có mà xài, đừng có chê !

Cuối cùng thì lão cũng lau xong tuy những vết gạch trên mấy chữ Ðộc Lập – Tự Do-Hạnh Phúc không sao sạch hết. “Tạm được rồi, mai mua giấy lon bọc nữa là xong.” Lão nghĩ.

Quay về nhà thấy con bé Hai đang úp mặt lên giường lão khóc thút thít. Chắc nó thương nội bị cán bộ la hay có điều chi đây. Con bé thương lão lắm, tuy mới hai tuổi mà cái gì nó cũng biết. Nó quấn quít bên lão, nheo nhẻo nói chuyện suốt ngày. Con nít thời nay khôn sớm, người ta nói thế. Lão vuốt nhẹ trên lưng cháu dỗ dành:

-Nội nè con, sao con khóc?

Con bé vẫn khóc thút thít làm lão phải nựng nó:

-Nói cho nội nghe, nội thương, sao con khóc?

-Cán bộ lấy cây viết của con. Nội đòi cho con đ i i i i i i i i i i i i i i . . . !


Tối hôm ấy khi thằng Tư ra phường trình diện về, cả nhà có buổi họp để giải quyết tờ Hộ Khẩu. Con Sáu muốn cất trong tủ quần áo, thằng Tư nói để trong tủ thờ khóa lại.

Cả hai cách lão nghĩ đều không ổn. Mới có hơn 1 tháng được “giải phóng” mà bán hết cái này đến cái kia từ radio đến cái quạt máy. Nếu mai mốt phải bán đến mấy cái tủ lão chỉ sợ quên không lấy tờ Hộ khẩu lại thì nguy.

Nghĩ thế nhưng lão không dám nói ra sợ xui .

-Thôi để ba lo, ba đã có cách, lão nói.

Tuy giải quyết xong việc giữ tờ hộ khẩu nhưng còn kiếm giấy lon ở đâu để bọc không ai biết, lão phải chạy sang nhà tổ trưởng Năm Ghi hỏi. Năm Ghi trước đây đi bẻ ghi cho Sở Hỏa Xa hết làm ở ga Sài Gòn thì ra Hòa Hưng, Thủ Ðức, ổng mới về hưu mấy năm nay. Nhà có miếng ăn, miếng để, nhất là sau khi vợ chết ổng lấy người vợ kế biết chao đảo làm ăn. Cách mạng vô Sài Gòn ổng theo ngay Cách Mạng. Tính ổng xuề xòa nhưng ai nói ổng là Cách Mạng 30 ổng nghe được thì chết ngay.

Từ nhà tổ trưởng Năm Ghi ra lão mới biết bọc giấy lon là bọc nylon. Lão lại tự giận mình, giận cái đầu óc già nua tối tăm của lão có thế mà không biết.

Sáng hôm sau lão dậy thật sớm ra phường chầu chực . Khi cửa văn phòng mở lão nhào vô ngay mua giấy lon và nắn nót bỏ tờ hộ khẩu vô xong hỏi nhân viên phần hành:

-Thưa cán bộ, bọc giấy lon thế này được chưa?

-Ðược, tốt lắm.

Lão mừng quá rảo bước về ngay nhà lấy đinh đục lỗ và kiếm sợi dây móc vô đeo lên cổ, ngắm đi ngắm lại.

Thế là yên trí, không bao giờ sợ mất và điều xui xẻo nếu lão có chết thì tờ Hộ Khẩu vẫn ở cổ lão . Con cháu trước khi chôn lão cứ việc lột ra giữ lại mà xài !

Từ đó ra cửa hàng mua lương thực, đi khám bệnh . . . lão cứ việc từ từ cởi nút áo phanh ngực ra trình tờ hộ khẩu , xong lão cẩn thận khép áo cài nút lại.

Không ngờ cái sáng kiến nhỏ nhen ấy lại làm cho lão nổi tiếng.

Chẳng là bữa ra phường xin chứng nhận giấy, nhân viên phụ trách yêu cầu xem hộ khẩu, lão đứng phanh ngực ra trình. Vừa lúc ấy Bí thư phường đi qua thấy hay quá vỗ vai lão khen lấy khen để. Trong buổi họp nhân dân phường tối đó lão được kéo lên cho Bí thư phát bằng khen tuyên dương “Lão gìa chấp hành nghiêm chỉnh lệnh của Ðảng và nhà nước” và lấy lão làm điển hình tiên tiến nhân rộng ra học tập làm lão rất hãnh diện với tờ Hộ khẩu đeo trước ngực.

Giá lão cao lớn như mấy ông Thượng Tướng hay Ðại Tướng gì đó trên TV bữa trước thì tờ Hộ khẩu lão đeo trước ngực có khác gì tấm huy chương chiến công ! Thật lẫy lừng .

Từ đó người ta kêu lão là Bảy Hộ Khẩu, không còn kêu cái tên Bảy Lùn của lão như trước nữa.

Mất gần tháng trời đi hết khu phố này đến khu phố khác làm điển hình tiên tiến tưởng được yên không ngờ Bí Thư Quận Uủy lại cấp giấy khen cho lão, lại mở chiến dịch học tập “nhân rộng điển hình tiên tiến” kéo lão đi làm điển hình suốt 26 phường mấy tháng mới xong làm lão mệt nhoài phát ốm.

Bây giờ thì lão chán cái tấm huy chương này lắm rồi , nhưng không đeo ở cổ lại sợ mất.

Lão nằm dán mình trên giường chán nản nhìn lên mái tôn đang tỏa nóng hừng hực.

Ngày Cách Mạng mùa Thu (2-9) cái tủ quần áo của mẹ con con Sáu ra đi, rồi Mùa Thu Cách mạng vừa chấm dứt thì cái tủ thờ cũng âm thầm đội nón bén gót theo sau !

Rồi lại từ bữa lão phát bịnh tốn kém thuốc men, cái trần nhà bằng tôn lạnh Mỹ được cẩn thận gỡ đem ra chợ tôn Lý Thường Kiệt bán !

Căn nhà nhỏ bé chật chội trước đây ra đụng vào chạm những đồ đạc dần dần lão thấy rộng thênh thang. Vợ chồng thằng Tư kéo xe ba gác ra đi từ sáng sớm đến tối mịt mới về, giá không có con bé Hai lúc nào cũng quấn lấy lão thì đời lão thật sự trống vắng quạnh hiu.

Ðang lúc lòng lão buồn rười rượi thì con bé ở đâu chạy về sà ôm lấy lão làm lão nguôi nguôi .

-Sao nội buồn thế? Con thương nội lắm, con bé nói.

-Bé Hai à, con cầu trời cầu Phật cho nội chết đi cho đỡ khổ.

-Không, con không cầu trời cho nội chết đâu.

-Nội không chết thì sống làm gì?

Con bé cười hóm hỉnh lấy tay chỉ vô tờ Hộ khẩu nói:

-Sống để nội đeo cái này ở cổ, ở ngực.

Lão cười cái miệng méo xệch như mếu . Không biết lão còn phải sống để đeo cái của nợ này đến bao giờ!

Mai-văn-Các


Ghi chú : (1) Ngoài Bắc người ta nói bị cắt hộ khẩu là bị cắt máu , chỉ có nước chết không làm ăn gì được.

langbat
Posts: 256
Joined: Sat Sep 22, 2012 3:50 am

Post by langbat »

Chiều văn học nghệ thuật ra mắt sách Trần Quang Hải-
50 Năm Nghiên Cứu Nhạc Dân Tộc Việt


Image
GS Quyên Di thay mặt bà khoa trưởng trao tặng bằng vinh danh GS. TS Trần Quang Hải. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Bài BĂNG HUYỀN
Trưa Chủ Nhật, ngày 10 tháng 2, 2019 tại phòng hội của Đại Học Cal State Long Beach (CSULB) thuộc Phân Khoa Nghiên Cứu Về Người Á Châu Và Người Mỹ Gốc Á Châu (Asian & Asian American Studies) đã diễn ra buổi "Chiều Văn Học Nghệ Thuật" năm thứ III do nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật & Tiếng Thời Gian tổ chức.

Chương trình này rất đặc biệt, là buổi ra mắt sách “Trần Quang Hải- 50 Năm Nghiên Cứu Nhạc Dân Tộc Việt” do nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật & Tiếng Thời Gian kết hợp cùng Nhóm Văn Thơ Lạc Việt tại San Jose thực hiện, và vinh danh Giáo Sư Tiến Sĩ (GSTS) Trần Quang Hải. Ông là con trai đầu của cố Giáo sư Tiến Sĩ Trần Văn Khê và cháu của “quái kiệt” Trần Văn Trạch.


Ông là một thuyết trình viên, nhạc sĩ sáng tác và là người thầy nổi tiếng về sư phạm âm nhạc. Ông đã có hàng nghìn cuộc nói chuyện, giới thiệu âm nhạc Việt Nam khắp nơi trên thế giới. Ông không chỉ chuyên về nhạc dân tộc Việt, mà còn là chuyên gia về nhạc cụ và âm nhạc của các nước châu Á. Ông sống tại Paris, Pháp, đã thực hiện rất nhiều công trình vĩ đại với nhiều sáng tạo đầy màu sắc nghệ thuật độc đáo.

Giáo sư Quyên Di là giảng viên Phân Khoa Nghiên Cứu Về Người Á Châu Và Người Mỹ Gốc Á Châu của Đại Học Cal State Long Beach và là thành viên của nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật & Tiếng Thời Gian. Giáo sư Quyền Di cho biết, “Đây là chương trình thường niên lần thứ ba Chiều Văn Học Nghệ Thuật của nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật và Tiếng Thời Gian tổ chức, dưới sự bảo trợ của Khoa Nghiên Cứu về Người Mỹ gốc Á Châu của Đại Học Cal State Long Beach. Tôi sẽ đại diện cho phân khoa và bà khoa trưởng, Giáo Sư Tiến Sĩ Teri Yamada, hiện đang công tác tại Ấn Độ, nên không thể có mặt trong chương trình lần này, để trao giải thưởng cho Giáo sư Tiến Sĩ Trần Quang Hải và tôi cũng đại diện chương trình tiếng Việt của trường, trao cho ông giải thưởng. Giải thưởng ghi nhận sự đóng góp không biết mệt mỏi của Giáo sư Tiến Sĩ Trần Quang Hải vào gia tài âm nhạc Việt Nam.


“Giáo sư Trần Quang Hải có nhiều công trình lắm, ngoài những công trình về sáng tác âm nhạc, công trình về thu thanh thu hình âm nhạc và trình diễn. Ông còn là một người nghiên cứu rất sâu về âm nhạc cổ truyền Việt Nam. Cuốn sách Trần Quang Hải 50 năm Nghiên Cứu Nhạc Dân Tộc Việt, tập hợp rất nhiều bài nghiên cứu của ông. Trong quyển sách này đặc sắc nhất và tôi được học hỏi nhiều là bài Nguồn Gốc Âm Nhạc Việt Nam.”

Ông Trần Mạnh Chi, trưởng Ban Tổ Chức và là đại diện cho Nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật & Tiếng Thời Gian, bày tỏ, “Chúng tôi hân hạnh đón tiếp mọi người đến dự ra mắt sách của Giáo sư Trần Quang Hải từ Pháp qua. Nhạc sư đã bỏ công 50 năm nghiên cứu về âm nhạc nghệ thuật Việt Nam. Đây là niềm hãnh diện cho người Việt Nam khắp nơi trên thế giới. Tất cả những chương trình mà nhóm đã tổ chức trong quá khứ và sắp tới, chúng tôi mong mỏi vinh danh những nhà văn học, nhà văn hóa nghệ thuật, những ai đóng góp công sức cho nền văn học nghệ thuật Việt Nam. Hôm nay đặc biệt còn có một buổi triển lãm tranh mini của các họa sĩ Hoàng Vinh, họa sĩ Hồ Thành Đức, họa sĩ Beky, họa sĩ Lưu Anh Tuấn… bên ngoài phòng hội trước khi diễn ra chương trình chính.”

Giáo sư Tiến sĩ Trần Quang Hải có mặt từ rất sớm để ký tặng sách cho mọi người, cùng xem tranh của các họa sĩ triển lãm bên ngoài phòng hội và chụp hình lưu niệm với bạn hữu, thân hữu, những khán giả yêu mến tài năng của ông. Nói về cảm xúc của mình, Giáo sư Trần Quang Hải chia sẻ, “Đây là chương trình rất đặc biệt và vinh dự cho tôi, là một người từ phương xa đến. Sự tiếp đãi rất nồng hậu, tất cả những cảm tình, sự tiếp đón của anh em trong cộng đồng đem lại cho tôi niềm vui, để tôi thấy rằng người Việt Nam vẫn còn yêu thương nhau. Đây là buổi giới thiệu quyển sách, là công trình nghiên cứu của tôi về nhạc dân tộc Việt trong 50 năm qua, như lĩnh vực hát đồng song thanh, không những phổ biến giọng hát, phổ biến dùng giọng hát để chữa bệnh, giúp những người câm có thể nói chuyện được mà không phải mổ, đó là những đóng góp rất nhỏ không chỉ trong âm nhạc mà nó liên hệ đến nhiều lĩnh vực khác nhau, và được gặp gỡ người đồng hương tại vùng Nam Cali sau 13 năm tôi mới trở lại gặp những người Việt sống tại đây.

“Tôi rất lấy làm vui mừng và hân hạnh được tiếp đón ở trường Đại Học Cal State Long Beach, là niềm vui cho tôi và tôi cũng chia sẻ niềm vui đó với cộng đồng người Việt tại California nói riêng và cho tất cả những người Việt của cộng đồng Việt Nam tại đất Mỹ này nói chung. Sự vinh danh này chỉ là cá nhân thôi, nhưng điều tôi thấy trường Đại Học Mỹ bắt đầu chú trọng về văn hóa Việt, đó là điểm son do sự đóng góp của rất nhiều những vị giáo sư mà chúng tôi được hân hạnh gặp và một số vị đã đóng góp một cách trực tiếp hay gián tiếp trong công trình xây dựng văn hóa Việt Nam ở hải ngoại.”
Các thành viên trình diễn tiết mục thời trang. (Băng Huyền/ Viễn Đông)
Sau khi thức khai mạc trang trọng với sự điều hợp của MC Thụy Vy, Ban Hợp Ca nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật & Tiếng Thời Gian đã gợi nhắc bao nỗi bồi hồi trong tim khán giả qua ca khúc Nắng Đẹp Miền Nam (Lam Phương) và bồi hồi nhiều suy nghiệm về cuộc đời về tình thương giữa người với nhau qua ca khúc Phút Chan Hòa (Thơ Trần Việt Hải, nhạc Hồng Tước).

Phần nghi thức vinh danh GS. TS Trần Quang Hải với GS Quyên Di của trường Cal State Long Beach, Bà Nguyễn Thế Thủy đại diện của Học Khu Westminster trao bằng tưởng lục đến GSTS Trần Quang Hải. GS Dương Ngọc Sum là cố vấn Nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật và Tiếng Thời Gian cùng các cựu học sinh của trường Petrus Ký tặng quà lưu niệm cho GS Trần Quang Hải, là một cựu học sinh của Petrus Ký. Vài thành viên Nhóm Văn Thơ Lạc Việt tại San Jose đã tặng GS. TS Trần Quang Hải hai cuốn sách “Trần Quang Hải- 50 Năm Nghiên Cứu Nhạc Dân Tộc Việt” tiếng Việt và tiếng Anh do nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật & Tiếng Thời Gian kết hợp cùng Nhóm Văn Thơ Lạc Việt tại San Jose thực hiện,

Những tiết mục phụ diễn văn nghệ đặc sắc
Những người mẫu không chuyên của nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật & Tiếng Thời Gian đã trình diễn tiết mục Thời Trang Áo Dài Việt Nam Theo Dòng Thời Gian, dưới sự dẫn dắt dí dỏm của Giáo sư Quyên Di và cô Thủy Vân đã giới thiệu tên gọi, thời gian ra đời của từng bộ áo dài Ngũ Thân, áo dài Lemur/Cát Tường, áo dài Tứ thân/ Lê Phổ, áo dài Raglan/ Trần Kim, áo dài Trần Lệ Xuân...

Chương trình càng thêm đậm đà phong vị dân tộc với giọng hát của dược sĩ Thanh Mai qua ca khúc Rất Huế của Võ Tá Hân sáng tác, do chính nhạc sĩ Võ Tá Hân đệm guitar cho giọng hát của Thanh Mai. Giọng ca ngọt ngào của Ngọc Quỳnh hát “Dạ Cổ Hoài Lang” và nét duyên dáng, luyến láy, nhấn nhá từng câu chữ của ca sĩ Thúy Anh (Là - xướng ngôn viên, biên tập viên của chương trình radio Chiều Thứ Bảy) hát bài Mình Ơi Em Chẳng Cho Về của nhạc sĩ Anh Bằng, với tiếng đàn guitar của anh Nguyên Vũ.
Giáo sư Tiến Sĩ Hiroki Tahara, phó giám đốc Trung Tâm Giáo Dục Ngôn Ngữ Học tại đại học APU Nhật, không những nói, viết tiếng Việt rất lưu loát mà anh còn am hiểu văn hoá Việt rất sâu. Trong bộ áo dài cách điệu, anh cùng với MC Thụy Vy và ông Hậu Nguyễn là thành viên trong Ban Tổ Chức đã hát rất tình bài hát Qua Cầu Gió Bay.

Anh Hiroki Tahara đã tiết lộ với người viết, cách nay hơn 20 năm, hồi còn là sinh viên năm thứ nhất Cử nhân ngoại ngữ học tiếng Việt tại trường Đại Học Ngoại Ngữ Tokyo, anh đã từng tập hát bài Qua Cầu Gió Bay, hát chung với các sinh viên khoa tiếng Việt. Lần này tham dự trong chương trình, ban tổ chức đề nghị anh hát bài này, anh đã tập lại trong một tuần để hát. Anh rất thích bài hát này nên dù hai mươi mấy năm rồi vẫn chưa quên. Lúc còn sinh viên, anh hát nhưng hoàn toàn không hiểu ý nghĩa bài hát. Dù vậy bài hát để lại ấn tượng đẹp để anh nhớ hoài, anh rất thích câu hát “Tình tình tình gió bay… tình tình tình gió bay, vì âm điệu nên thơ.

Những giọng ca tài tử của các ca sĩ khách mời góp vui cho chương trình, bằng tài năng và sự duyên dáng của mình, họ đã giúp người nghe có mặt trong buổi diễn càng yêu cái chất thơ tinh tế vô cùng của dân ca, ca khúc mang âm hưởng dân ca của các nhạc sĩ, càng nghe lại càng thấm cái ý nhị đẹp đẽ trong nội dung câu hát, cái thanh lịch nhẹ nhàng, cái tình rất nồng đượm mà không vồn vã của người Việt Nam.

Diễn thuyết và trình diễn

Có lẽ tiết mục đặc biệt và nhận được những tràng pháo tay cùng những lời ngợi khen, hâm mộ từ những người tham dự nhiều nhất, chính là tiết mục diễn thuyết kết hợp trình diễn của Gíao sư Trần Quang Hải trong khoảng 20 phút.

Với lối nói chuyện hài hước và phong thái giản dị, mộc mạc, GS. TS Trần Quang Hải đã chia sẻ súc tích những nghiên cứu của ông về Nhạc Dân tộc xoay quanh hai công trình: Hát đồng song thanh, và đàn môi. Trong hai công trình ấy, Hát đồng song thanh là công trình mà ông dày công nghiên cứu nhiều nhất. Hát đồng song thanh, còn được biết đến trên thế giới với cái tên Tuvan Throat Singing, Khoomei (Khơ mây), Hooliin Chor.
Là một biến thể đặc biệt của hòa âm giọng hát, được hình th
ành và phát triển từ Mông Cổ, Nội Mông, Tuva và Siberia. Nó được tổ chức UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể năm 2009 dưới cái tên Nghệ thuật hát Mông Cổ, Khơ mây. Trong kĩ thuật hát này, người trình diễn sẽ tạo ra một cao độ cơ bản và đồng thời tạo ra thêm một cao độ khác cao hơn cùng lúc.

Công trình nghiên cứu Hát đồng song thanh của GS.TS Trần Quang Hải là một quá trình nghiên cứu, từ vị trí phát âm và các kỹ thuật hát của mỗi dân tộc trên thế giới, cho đến các lối hát đồng song thanh của các nước Tây Á và kiểu thức cầu kinh của các vị Lạt Ma- Tây Tạng. Từ cơ sở đó, ông phát triển và sáng tạo lối hát Đồng song thanh theo kiểu của riêng ông, mà hiện nay không những để biểu diễn âm nhạc mà còn ứng dụng vào lĩnh vực Y khoa.
Đây còn là cách điệu trị học cho các căng bệnh đứt dây thanh quản và khuyết tật về phát âm. Song song với diễn thuyết ông còn thể hiện tài nghệ độc đáo của mình minh họa các giọng hát bằng giọng ngực, minh họa bằng hát một đoạn ngắn opera. Giọng mũi, minh họa bằng hát bài nhạc cổ truyền Nhật Bản. Giọng óc, minh họa hát đoạn kinh kịch.

Giáo sư Tiến Sĩ Trần Quang Hải giới thiệu cây đàn Môi của người Mông là một dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Ông cho biết ông đã giới thiệu cây đàn Môi của người Mông cách nay 45 năm khắp nơi trên thế giới. Ông đã ngậm chiếc kèn nhỏ bé, bàn tay thoăn thoắt gảy kèn, đôi môi run run theo cảm xúc tạo nên những âm thanh trầm bỗng vang lên, rền rền thánh thót, tạo nên những âm thanh thật thú vị, mới mẻ về giai điệu, tiết tấu khiến mọi người hải trầm trồ thích thú.

Lúc đầu ông đánh đàn môi đơn giản trình diễn bài Happy Birthday To You, sau đó ông đàn lại bài này nhưng thêm tiết tấu vô, khiến bài hát nghe đặc sắc hơn. Ông còn dùng đàn môi để nói chuyện, ông nhép miệng nói không phát ra tiếng, nhưng thông qua đàn môi tiếng nhép miệng câu nói đó phát ra tròn câu rõ ràng, làm cho không khí cả khán phòng sôi động hẳn lên và không ngớt vang lên những tràng pháo tay thán phục. Kết thúc phần trình diễn của mình, ông nhận lời đề nghị của MC Thụy Vy, đã nhái lại giọng của người chú là nghệ sĩ Trần Văn Trạch, hát lại bài Sổ Xố Kiến Thiết Quốc Gia trong tiếng vỗ tay giòn giã của khán giả.

Có mặt trong chương trình, GS Lê Văn Khoa đã chia sẻ với nhật báo Viễn Đông, “Nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật và Tiếng Thời Gian là nhóm tập hợp một số anh em yêu thích nghệ thuật và văn chương, không phải là những nhà văn lớn, những nghệ sĩ lớn, nhưng họ yêu thích và đã làm được. Đây là điều rất quý. Anh Việt Hải là người sáng lập ra nhóm, rất có lòng, đã thúc đẩy anh em làm nhiều sách. Họ đang có danh sách dài để ra mắt sách suốt năm tới, chứ không chỉ trong năm nay thôi đâu. Đây là điều mừng.

“Người Việt ra nước ngoài cũng có ước vọng làm sao để văn hóa, nghệ thuật của mình vươn lên, thành ra họ tiếp tục sinh hoạt. Mình ở ngoài nước, vẫn làm được. Thì như vậy, theo tôi, văn hóa và nghệ thuật Việt Nam sẽ càng rộng lớn hơn, và nó không nằm dưới một chiêu bài, sự chỉ huy của người nào cả. Vì đó là dân tộc, chứ không phải là cá nhân. Đây là ý của tôi. Còn anh Trần Quang Hải thì tôi có biết anh lâu rồi, thỉnh thoảng gặp nhau mỗi lần anh bên Pháp qua, thỉnh thoảng chúng tôi có gặp nhau.

“Thân phụ của ông Trần Quang Hải là Trần Văn Khê, là người tôi rất kính quý, là người có tâm hồn về nhạc chính thống Việt Nam và họ muốn phát huy. Nhưng cái mình làm rộng rãi hơn hết, đem nhạc Việt đi phổ biến trong những buổi diễn thuyết khắp thế giới, thì tôi nghĩ người Việt không có ai làm được tương xứng như anh Trần Quang Hải đâu.

“Chúng ta rất hãnh diện có những nhân tài đó trong cộng đồng Việt Nam chúng ta và tôi hy vọng mọi người sẽ tiếp trợ, làm sao để thế hệ sau này còn vươn xa nữa, để đưa nhạc Việt chúng ta đi rộng ra trên thế giới.”
Giáo sư Tiến Sĩ Hiroki Tahara thì bày tỏ, “Tahara rất vui vì được ngồi chung với những bạn Việt Nam của cộng đồng người Việt hải ngoại tại Nam Cali. Bản thân tôi rất thích hát bài Qua Cầu Gió Bay, và được hát trước mặt Giáo sư Tiến sĩ Trần Quang Hải là một vinh dự đối với tôi.”

Anh cũng nêu lên suy nghĩ và mong ước của mình, “Điều hơi buồn là sao chương trình này toàn người già, tôi năm nay 47 tuổi, không phải người trẻ. Đáng lẽ chương trình như thế này phải có thanh niên ngoài 20, dự thật đông. Lẽ ra phải có thanh niên tham gia vào ban tổ chức để rút kinh nghiệm cách tổ chức, cách tiếp khách, cách biểu diễn. Vì không có người trẻ sẽ không có người kế thừa, vì người già đến tuổi phải về hưu, nghỉ ngơi, không có người trẻ kế thừa thì tiếc lắm.”

Kết thúc buổi diễn, các thành viên trong ban Hợp Ca, Ban Tổ Chức, GS. TS Trần Quang Hải, GS Dương Ngọc Sum… và các khán giả đã cùng hát vang ca khúc "Và ConTim Đã Vui Trở Lại" (Đức Huy) như một sự cổ vũ về sự lạc quan, phấn khởi và luôn trong tư thế chủ động hướng đến sống tích cực, là thông điệp ca khúc của nhạc sĩ Đức Huy gửi đến người nghe và cũng là điều mà Ban Tổ Chức mong muốn GS. TS Trần Quang Hải và một vài thành viên trong nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật và Tiếng Thời Gian đang bị bệnh nan y. Mong các vị ấy sẽ sớm chữa trị thành công, hồi phục và vui khỏe để tiếp tục những công trình văn hóa nghệ thuật đang thực hiện, góp vào vườn hoa Việt Nam những bông hoa tươi thắm.
---------------------------------------------------------------------------
Chiều văn học nghệ thuật ra mắt sách Trần Quang Hải- 50 Năm Nghiên Cứu Nhạc Dân Tộc Việt..
Links:
Đại Học Calstate Long Beach, CA vinh danh GS Trần Quang Hải:
https://vietbao.com/…/dai-hoc-calstate- ... -ca-vinh-d
Chiều văn học nghệ thuật ra mắt sách Trần Quang Hải- 50 Năm Nghiên Cứu Nhạc Dân Tộc Việt:
http://viendongdaily.com/chieu-van-hoc- ... -ra-mat-sa

User avatar
bichphuong
Posts: 574
Joined: Mon Apr 25, 2016 12:10 am
Been thanked: 1 time

Post by bichphuong »

Image

Nhạc Xuân miền Nam trước năm 1975
Nguyên Huy


Có một điều mà người miền Nam trước năm 1975 sửa soạn đón Xuân và Tết thường không mấy lưu tâm. Ðó là nhạc Xuân. Mặc dù khi đi sắm Tết đã có không ít người mua thêm một băng nhạc Xuân của các trung tâm băng nhạc do các nhạc sĩ Nhật Trường, Phạm Mạnh Cương hay Anh Ngọc sản xuất.

Hồi tưởng lại, từ thời đệ I Cộng Hòa, qua suốt hơn 10 năm sau cho đến khi miền nam bị mất vào tay cộng sản, không có Xuân nào mà nhạc Xuân lại thiếu vắng. Không có một quy định nào, nhưng cứ sau những dịp Giáng Sinh, Tết “Tây” là các đài phát thanh truyền hình của chính quyền, của quân đội lại dồn dập phát đi những khúc Xuân ca, đủ mọi thể loại, đủ mọi tâm tình của người nghệ sĩ và đương nhiên cũng là của mọi người dân.

Thế thì nhạc Xuân có từ bao giờ?

Thời tiền chiến khoảng những năm trước và sau 1945, đã có những nhạc sĩ sáng tác nhạc Xuân rồi. Văn Cao với “Bến Xuân” cho người nghe cả một trời Xuân thanh bình mà phảng phất ánh Xuân của non bồng nước nhược chốn Thiên Thai. Rồi sau đó là Thẩm Oánh, là Dương Thiệu Tước, là Ngọc Bích, là Phạm Duy… mỗi người ít ra là cũng có một vài lần xúc động Xuân tình mà viết lên những dòng nhạc quyện chặt lấy lời ca đem cả mùa Xuân tươi đến cho mọi người, nhắc nhở mọi người và những khúc nhạc Xuân này đã trở thành những “tín hiệu” báo tin Xuân lại về.

Ðến thời đệ I Cộng Hòa, sau khi đất nước bị chia đôi, miền Nam được sống trong chế độ tự do, giới nghệ sĩ được thỏa tình sáng tạo. Bên cạnh những nhung nhớ, xót xa, thương hận miền Bắc, người nghệ sĩ miền Nam được chính quyền hỗ trợ nên đã tự do sáng tạo. Từ văn chương, nghệ thuật ca nhạc, sân khấu đều bùng nở trong mọi đề tài và dĩ nhiên đề tài Xuân là đề tài phong phú nhất, gợi cảm nhất. Vào giai đoạn này, nhạc Xuân như bắt đầu nhuốm mùi “tục lụy” nghĩa là đi sát với cuộc sống của mọi người, không còn lãng đãng như xa như gần, ảo huyền liêu trai như thời gian trước. Dòng nhạc đi vào tả thực với “Gió Mùa Xuân Tới”, với “Anh Cho Em Mùa Xuân”, với “Ca Khúc Mừng Xuân” v.v…

Nhạc Xuân được dân dã hóa dần dần nên đã phổ biến khá rộng rãi trong mọi tầng lớp dân chúng. Cũng chính thời gian này phương tiện truyền thông phát triển với hệ thống truyền thanh quốc gia. Ðài phát thanh quốc gia với những đài địa phương Cần Thơ, Huế, Nha Trang, Quảng Ngãi… qua những chương trình nhạc chiếm gần nửa thời lượng 24/24 đã mang tiếng nhạc Xuân đến khắp đồng quê thị thành. Cũng phải nói thêm, khoảng thời gian đầu thập niên 60 loại đài bán dẫn (Radio Transitor) nhỏ gọn tràn ngập Saigon và các tỉnh miền Nam với giá vừa túi tiền cho giới bình dân lao động nên dòng nhạc Xuân lại càng có phương tiện đi xa, đi rộng hơn nữa. Chưa kể loại đài “Radio Ấp Chiến Lược” trong cuối thập niên 60 cũng góp phần to lớn trong việc truyền bá nhạc Xuân đến các vùng quê xa xôi. Vào cuối thập niên 60 một phương tiện truyền thông mới bắt đầu xâm nhập đến thị dân miền Nam. Khởi đầu là truyền hình đen trắng và chỉ sau vài năm truyền hình mầu đã vào gần khắp gia đình thị dân và một số không nhỏ ở nông thôn.

Ðó là thời đệ II Cộng Hòa. Ở thời gian này, nhạc Xuân hình như được phát triển cao độ khi cả một thời chiến chinh đã là môi trường cho sự sáng tạo. Ðề tài nhạc Xuân bỗng được mở rộng trong mọi ngóc ngách tình cảm của con người. Chỉ một ánh Xuân trên những cánh mai rừng nơi tiền đồn heo hút đã nhắc cho người lính xa nhà chợt nhớ ra là Xuân lại về. Chỉ một hình ảnh đó đủ nói lên cái đau thương của cả một thế hệ, đủ nói lên sự hy sinh cao quí của người lính chiến, đủ nói lên tâm tình chia sớt của người hậu phương. Nên những “Phiên Gác Ðêm Xuân”, “Anh Chưa Có Mùa Xuân, “Xuân Này Con Không Về”, “Tôi Ði Tìm Lại Một Mùa Xuân”, “Ðón Xuân Này Nhớ Xuân Xưa” đã dàn trải biết bao tâm trạng, mà tâm trạng nào người nghe cũng thoáng thấy mình trong đó. Mỗi bài nhạc là mỗi tâm trạng, mỗi khao khát và cả mỗi thống trách chiến tranh. Người nhạc sĩ cũng là người lính chiến hay cho dù không phải là người lính chiến cũng không thể quay mặt làm ngơ trước nỗi đau chung của một thế hệ nếu như còn chút ý thức. Cho nên nhạc Xuân đã thấm vào tận từng hơi thở, từng suy nghĩ, từng ngắm nhìn trong cảnh đời lại một lần nữa khởi đi. Cho nên nhạc Xuân thời chiến chinh cho đến tận bây giờ sau hơn 30 năm vẫn còn là nỗi day dứt không rời và trở thành chứng tích cho các thế hệ sau nhìn lại.

Vượt thoát lên nhạc Xuân thời chinh chiến lại có những bài ca Xuân trở nên bất tử. Cứ nghe thấy tiếng hát, lời ca của bài Ly Rượu Mừng của nhạc sĩ Phạm Ðình Chương là thấy Mùa Xuân hay nỗi xôn xao Xuân về đâu đó. Bài ca Xuân bất tử này đã tượng trưng cho hoan lạc Xuân về, không còn là của riêng ai, cho một thời đại nào.

Sau khi cộng sản lấn chiếm được miền Nam tháng 4 năm 1975, nhiều năm sau Xuân về đã không có nhạc Xuân rộn rã nữa. Người ta xót xa nghe vụng trộm những ca khúc mừng Xuân thời trước để âm thầm thương nhớ những mùa Xuân đã qua.

Nhưng, chỉ vài năm sau thôi, nhạc Xuân miền Nam lại “hùng dũng” trở về, không chỉ trở về trong lòng người dân miền Nam, mà trở về chinh phục hầu hết người dân miền Bắc trong đó cả những từng lớp cán bộ cũng tìm mua công khai những băng nhạc Xuân (Cassette) từ hải ngoại đưa lậu về. “Ly Rượu Mừng” lại vang vang trong từng ngõ hẻm chen trong tiếng pháo. “Xuân Này Con Không Về”, “Ðồn Vắng Chiều Xuân” lại được những binh sĩ trong quân đội CS hát lên thương nhớ đến người mẹ già héo hắt nơi quê nghèo ngoài Bắc, than thân mình bao năm chinh chiến mà chưa có được Mùa Xuân. “Ðón Xuân” lại được ca vang trong những buổi “liên hoan” của giai cấp cán bộ…

Từ một cái nhìn không biết có chủ quan không, thì nhạc Xuân nói riêng và “nhạc vàng” nói chung của miền Nam đã “đại thắng” trong mặt trận văn hóa đối với chế độ cộng sản. Sau 30.4.75 cả một chiến dịch lớn nhà nước cộng sản phát động để tiêu hủy văn hóa phẩm miền Nam trong đó có nhạc xuân. Bao nhiêu đống băng nhạc chồng chất bị đốt cháy trên các đường phố Saigon và các tỉnh thị miền Nam. Nhưng đã không dập tắt được nhạc Xuân, nhạc vàng, để sau đó chẳng bao lâu nó đã vùng dậy và chinh phục mọi tâm hồn khô héo trong các con người cộng sản. Thực ra không có một phép lạ nào mà chỉ là nó đã khơi dậy được tiếng lòng con người mà chế độ cộng sản muốn hủy diệt để con người chỉ còn là những cái máy dưới sự chỉ huy của Ðảng.

Nào có ai đâu chủ trương và chỉ huy cái mặt trận ấy. Có chăng là giới văn nghệ sĩ đã ra được hải ngoại góp công phục hồi được một phần văn hóa phẩm đã bị cộng sản hủy diệt ở trong nước. Họ đã in sang lại một số văn hóa phẩm trong đó có những băng nhạc cũ may mắn mang theo được để bán trong cộng đồng người Việt đang tứ tán khắp nơi ở hải ngoại.

Nhưng có một giới mà chúng ta nên ghi nhận trong mặt trận văn hóa này. Ðó là giới làm băng nhạc lậu ở hải ngoại để đưa về trong nước, đặc biệt là ở Thái Lan. Họ đã in và sang lại những băng nhạc hải ngoại và chuyển lậu vào trong nước khi thấy phong trào ca hát nhạc vàng ở trong nước có chiều phát triển. Cả một thời gian kéo dài đến 5,7 năm các khu chợ máy Huỳnh Thúc Kháng, Hùng Vương ở Saigon bán công khai băng nhạc “hải ngoại” và bán đắt như tôm tươi nhiều khi đã trở thành khan hiếm. Thậm chí ở Saigon lúc này còn có nhiều tiệm bán băng nhạc dám nhận sang lại những cuốn băng “nhạc vàng” hải ngoại nữa.

Một điều khá tức cười là nơi phòng khách của các cán bộ trung cấp trở lên, thường là có bộ máy nghe nhạc âm thanh nổi để suốt ngày có tiếng nhạc vàng và Xuân về Tết đến lại vang lên những khúc nhạc Xuân trước năm 1975. Có năm, đâu như vào năm 1989, ở một phường quận 8 trong Chợ Lớn trong ngày “giao quân” lại có cả tiếng nhạc của bài “Anh đi quân dịch là thương nòi giống”…
Ðó là thời gian những năm giữa đến cuối thập niên 80.

Ðể đối phó với tình trạng nhạc vàng, nhạc Xuân tràn lan khắp mọi tâm hồn người trong nước mà các cơ quan an ninh, văn hóa cộng sản không làm sao ngăn chặn được, đảng CSVN đành phải “mở hé” cho các nhạc sĩ “nhà nước” sáng tác những bản nhạc tình cảm. Nhưng kèm vào đó vẫn phải theo định hướng Xã Hội Chủ Nghĩa, nghĩa là những bài nhạc tình cảm này không được “ướt át” quá và phải có mầu hồng. Chẳng hạn có một bản nhạc (không nhớ tên) tả về cuộc hẹn hò của đôi trai gái trong công viên đã tả thêm về ánh sáng điện trong công viên mà đôi trai gái đang được hưởng là do công lao của các công nhân lao động, giai cấp tiên phong của Ðảng đã đưa về thành phố. Hoặc một bản nhạc khác tả sự chia ly trong cuộc tình thì sự chia ly ấy lại nói đến chia ly của đôi trai gái mà người trai vui vẻ lên đường đi “nghĩa vụ” sang Cao Mên v.v…

Do đó nhạc tình trong XHCN nó ngây ngô gượng ép chẳng làm lưu luyến được người nghe. Nhưng một số nghệ sĩ sáng tác đã lợi dụng cơ hội “mở cửa” này và đã tìm được cách thể hiện những tình cảm thực của con người trong các sáng tác của mình. Nhạc tình dần ướt át hơn, dám tả đến yêu đương, đến hẹn hò, đến chia xa một cách trung thực mà không còn vướng đến xã nghĩa nữa. Ðể làm vỏ bọc cho những bản nhạc tình ướt át, nhạc sĩ trong nước đã chép lại gần như nguyên văn một số bản nhạc ăn khách của Hồng Kông, lúc này đã trả về cho Trung Cộng và một số bản nhạc của Nam Hàn. Nên mới có lúc nhạc trong nước đầy ảnh hưởng giai điệu của nhạc Trung Quốc. Chẳng hạn như bài “Tết!

Post Reply