TIN TỨC THẾ GIỚI HÀNG NGÀY

Xin cho biết tin từ đâu ra, phát xuất từ nước nào!!!
User avatar
TheLang
Posts: 1960
Joined: Thu Oct 30, 2008 5:43 am

Post by TheLang »

Mỹ-Nga ‘căng thẳng nhất trong 40 năm’
October 15, 2016

Image
Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc, Vitaly Churkin, phát biểu hôm 6 tháng 10. (Hình: AP Photo/Bebeto Matthews)
LIÊN HIỆP QUỐC (AP) – Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc cho hay tình trạng căng thẳng Mỹ-Nga có vẻ là trong tình trạng trầm trọng nhất kể từ khi có cuộc chiến Trung Đông năm 1973 tới nay.

Tuy nhiên ông Vitaly Churkin hôm Thứ Sáu cũng nói rằng mối quan hệ thời Chiến Tranh Lạnh giữa hai nước, cách đây hơn 40 năm, khác với mối quan hệ hiện nay.

“Tình hình nói chung là rất tệ hại vào lúc này, có lẽ là tệ nhất từ năm 1973 tới nay,” theo ông Churkin.

Nhưng ông cho hay “dù rằng chúng tôi có xích mích trầm trọng, do những khác biệt như ở Syria, chúng tôi tiếp tục cộng tác với nhau trên những lãnh vực khác… và đôi khi rất tốt đẹp. Trong thời Chiến Tranh Lạnh thì không có điều đó.”

Khi Ai Cập và Syria bất ngờ tấn công Israel năm 1973, mối đe dọa chiến tranh giữa Mỹ, đồng minh với Israel, và Nga, vốn hỗ trợ các quốc gia Ả Rập, đã lên cao nhất kể từ khi có cuộc khủng hoảng hỏa tiễn ở Cuba năm 1962.

Churkin cho hay có nhiều vấn đề đưa mối quan hệ hai nước xuống thấp như hiện nay, và do thiếu tôn trọng cũng như thiếu tham khảo.

Churkin nói rằng một trong những điều phía Nga thấy bị xúc phạm nhiều nhất là Việc Tổng Thống George W. Bush cho hay trong cuộc của NATO năm 2008 rằng Ukraine và Georgia nên gia nhập NATO. (V.Giang)

kalua
Posts: 836
Joined: Sun Apr 22, 2012 5:26 pm

Post by kalua »


Bắc Hàn tiếp tục thử hỏa tiễn nhưng lại thất bại

October 20, 2016

Image
Dân Nam Hàn xem bản tin truyền hình về vụ bắn thử hỏa tiễn tại Bắc Hàn. (Hình minh họa: Jung Yeon-Je/AFP/Getty Images)
SEOUL, Nam Hàn (NV) – Bắc Hàn hôm Thứ Năm tiến hành một vụ thử nghiệm hỏa tiễn, lần thứ nhì trong tuần, nhưng lại thất bại.

Ðây là loại hỏa tiễn tầm trung có sức tàn phá lớn lao, mà theo các chuyên gia quân sự, có thể được đưa vào hoạt động trong năm tới.


Các giới chức quân sự Mỹ và Nam Hàn nói rằng hỏa tiễn này, có vẻ thuộc loại Musudan, đã phát nổ ngay sau khi rời giàn phóng vào lúc khoảng 6 giờ 30 phút sáng Thứ Tư, giờ Bình Nhưỡng.

Việc phóng hỏa tiễn trước khi có cuộc tranh luận lần thứ ba giữa ứng viên tổng thống hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa, một thời điểm nhắc nhở mối đe dọa về võ khí nguyên tử của Bắc Hàn và là điều mà vị tổng thống sắp tới của Mỹ sẽ phải đối phó.

Vụ này cũng xảy ra tiếp theo cuộc họp ở Washington giữa các bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao của Mỹ và Nam Hàn.

Trong cuộc họp này, Ngoại Trưởng John Kerry của Mỹ nhấn mạnh rằng bất cứ việc dùng võ khí nguyên tử nào của Bắc Hàn cũng sẽ gặp phải phản ứng “hiệu quả và ồ ạt.”

Ðây là lần phóng thử thất bại thứ nhì trong chưa đầy một tuần lễ của hỏa tiễn Musudan, vốn trên lý thuyết có tầm bắn xa từ 2,500 đến 4,000 km (khoảng 1,500 tới 2,500 dặm), bay tới mọi nơi ở Nam Hàn và Nhật, cũng như có thể tới đảo Guam nếu có tầm bắn 4,000 km. (V.Giang)

User avatar
nangchieu
Posts: 2059
Joined: Sun Apr 19, 2009 6:38 pm

Post by nangchieu »

Philippines ‘chữa cháy:’ Duterte không thật sự muốn bỏ Mỹ
October 21, 2016

Image
Tổng Thống Rodrigo Duterte (trái) bắt tay Chủ Tịch Tập Cận Bình trong cuộc gặp gỡ tại Bắc Kinh. (Hình: AP Photo/Ng Han Guan, Pool)
MANILA, Philippines (NV) – Trong phản ứng nay bắt đầu thường xuyên thấy xảy ra trong chính phủ Philippines, các giới chức cao cấp quốc gia này hôm Thứ Sáu đã tìm cách làm giảm nhẹ tầm quan trọng phát biểu “chia tay với Mỹ” do Tổng Thống Rodrigo Duterte đưa ra ở Bắc Kinh ngày hôm trước, nói rằng quốc gia này sẽ tiếp tục duy trì mối quan hệ thương mại và kinh tế với Mỹ.

Ông Duterte tuyên bố với các doanh gia Trung Quốc và Philippines trong cuộc hội thảo tại Ðại Sảnh Ðường Nhân Dân ở Bắc Kinh rằng nước Mỹ nay đã “lạc hướng.”

Ông nói thêm rằng, “Tôi đứng cùng với quý vị trên phương diện chủ nghĩa và có thể tôi sẽ sang Nga nói chuyện với Putin và nói với ông ta rằng ba chúng ta – Trung Quốc, Philippines và Nga – sẽ cùng nhau chống chọi lại thế giới. Ðó là cách duy nhất. Với ý tưởng đó, ngay tại đây, thưa quý vị, ngay tại đây, tôi loan báo việc tách rời với Mỹ. Cả trong lãnh vực quân sự, có thể là không về mặt xã hội, nhưng cả trong lãnh vực kinh tế.”

Lời phát biểu này sau đó gặp phản ứng đả kích mãnh liệt trong nước.

Nữ Thượng Nghị Sĩ Leila M. de Lima nói rằng điều ông Duterte làm là “tự làm một nước nghèo thuộc thế giới thứ ba, đứng cùng với hai nước lớn nhưng bị thế giới cô lập.”

Bà cũng đặt câu hỏi là ai sẽ giúp đỡ trong trường hợp người Philippines gặp khó khăn ở các quốc gia khác.

“Nếu tự mình cô lập với thế giới hay trở thành kẻ thù của họ, thưa ông tổng thống, không phải cá nhân ông phải chịu hậu quả mà là người dân cả nước Philippines,” bà Leila M. de Lima cho hay.

Bộ trưởng thương mại Philippines, ông Ramon Lopez, tìm cách giải thích phát biểu của ông Duterte. “Tôi muốn nói rõ rằng tổng thống không nói về việc tách rời,” ông Lopez nói với đài CNN Philippines ở ngay tại Bắc Kinh.

“Về mặt quan hệ kinh tế, chúng tôi không ngưng vấn đề thương mại hay đầu tư với Mỹ. Philippines đang tìm cách ra khỏi tình trạng tùy thuộc quá nhiều vào một phía.”

Ông Ernesto Abella, phát ngôn viên của ông Duterte, cho báo chí hay rằng lời loan báo của ông chỉ là sự “nhắc lại” nỗ lực có một chính sách ngoại giao độc lập. (V.Giang)

User avatar
saohom
Posts: 2211
Joined: Wed Aug 26, 2009 11:30 pm

Post by saohom »


NATO không muốn Tây Ban Nha tiếp nhiên liệu cho hạm đội Nga

October 26, 2016

Image
Cảng Ceuta của Tây Ban Nha nơi chiến hạm của Nga muốn vào để tiếp tế. (Hình: JORGE GUERRERO/AFP/Getty Images)
MADRID, Tây Ban Nha (NV) – Chính phủ Tây Ban Nha hiện đang gặp nhiều áp lực của đồng minh để không cho các chiến hạm Nga trên đường tới Syria được tiếp tế dầu tại một hải cảng của quốc gia này.

Yêu cầu của Nga để cho chiến hạm của họ ngừng lại để được tiếp tế tại bến cảng Tây Ban Nha “đang được cứu xét,” theo một phát ngôn viên của Bộ Ngoại Giao Tây Ban Nha, theo bản tin của AFP.


Phát ngôn viên này có vẻ xác nhận các nguồn tin cho hay một hải đội Nga, do hàng không mẫu hạm Đô Đốc Kuznetsov chỉ huy, muốn vào cảng Ceuta, thuộc lãnh thổ Tây Ban Nha, tại bờ biển Phi Châu, để nhận tiếp tế.

Nga hồi đầu tháng này loan báo rằng chiếc Đô Đốc Kuznetsov, thuộc hạm đội Bắc, sẽ được gửi đến vùng Đông Địa Trung Hải để tăng cường hải lực của quốc gia này tại đây.

Nga đang mở chiến dịch không tập ở Syria từ năm ngoái đến nay để hỗ trợ cho chính phủ của Tổng Thống Bashar al-Assad và đưa một hải đội tới nơi này để tấn công từ hướng biển.

Tổng thư ký NATO, ông Jens Stoltenberg, hôm Thứ Ba bày tỏ sự lo ngại rằng hải đội đang trên đường tới Syria này sẽ tham dự vào nỗ lực không tập.


Ông Stoltenberg nói rằng việc hải đội này có được ngừng lại ở bến cảng để nhận tiếp tế hay không là tùy ở các quốc gia thành viên, nhưng ông nhắc nhở họ nhớ rằng các phi cơ của hải đội Nga có thể oanh tạc Alepo cũng như những nơi khác ở Syria. (V.Giang)

User avatar
saohom
Posts: 2211
Joined: Wed Aug 26, 2009 11:30 pm

Post by saohom »


Philippines: Thị trưởng và 9 cận vệ bị cảnh sát bắn chết

October 28, 2016

Image
Cảnh sát Philippines canh gác bệnh viện, nơi chữa trị các tay buôn ma túy bị thương trong lúc đấu súng với cảnh sát.
(Hình minh họa: Ted Aljibe/AFP/Getty Images)
MANILA, Philippines (NV) – Một thị trưởng ở Philippine, từng bị tố cáo tội buôn bán ma túy, bị bắn chết cùng chín cận vệ trong cuộc chạm súng với cảnh sát hôm Thứ Sáu, theo giới hữu trách, chỉ ít giờ sau khi Tổng Thống Rodrigo Duterte dọa sẽ gia tăng cường độ chiến dịch chống tội phạm.

Ông Samsudin Dimaukom, thị trưởng thành phố Saudi Ampatuan, nằm về phía Nam Philippines, là một trong số hơn 150 giới chức chính quyền địa phương, cảnh sát và thẩm phán, bị ông Duterte cáo buộc hồi đầu năm nay là có liên hệ đến buôn bán ma túy.


Cuộc chiến đẫm máu này khiến hơn 3,800 người thiệt mạng và tạo ra các chỉ trích từ Mỹ, Liên Hiệp Quốc cũng như các nhóm tranh đấu cho nhân quyền thế giới, cáo buộc cảnh sát Philippines là giết các nghi can mà không cần xét xử.

Phát ngôn viên cảnh sát Philippines, ông Romeo Galgo, cho hay ông Dimaukom và toán cận vệ nổ súng sau khi cảnh sát chống ma túy chặn xe của họ tại một trạm kiểm soát vì nghi ngờ các xe này chở ma túy.

Cảnh sát bắn trả, làm thiệt mạng những người này tại thị trấn Makilala, nằm cách Manila chừng 950 km về phía Nam.

“Các nghi can võ trang hùng hậu và bắn vào nhân viên công lực khiến họ phải bắn trả,” ông Galgo nói.

Sau khi trở về từ chuyến công du ở Nhật vào tối ngày Thứ Năm, ông Duterte đe dọa sẽ tăng cường nỗ lực chống tội phạm ma túy.

Ông nói rằng nếu đòi hỏi chấm dứt buôn bán và sử dụng ma túy của ông không được nghe theo, người dân Philippines có thể thấy từ “20,000 đến 30,000 người nữa bị giết,” ông Duterte cho hay. (V.Giang)

kalua
Posts: 836
Joined: Sun Apr 22, 2012 5:26 pm

Post by kalua »


Mỹ ra lệnh gia đình nhân viên lãnh sự rời Istanbul

October 29, 2016
Image
Tòa Lãnh Sự Hoa Kỳ tại Istanbul. (Hình: Getty Images)
WASHINGTON DC (AP) – Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ vừa ra lệnh cho gia đình nhân viên làm việc tại Tòa Lãnh Sự Mỹ ở Istanbul hãy lập tức rời khỏi vì lý do an ninh.

Qua một thông cáo đưa ra hôm Thứ Bảy, Bộ Ngoại Giao nói, quyết định được đưa ra căn cứ theo những thông tin an ninh, cho thấy các tổ chức cực đoan đang tiếp tục các nỗ lực quá khích nhằm tấn công công dân Hoa Kỳ trong khu vực thuộc Istanbul, nơi họ tạm trú hoặc thường hay lui tới.





Mặc dù có lệnh di tản thân nhân nhưng Tòa Tổng Lãnh Sự vẫn mở cửa và nhân viên vẫn làm việc đông đủ.

Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ thêm rằng lệnh này chỉ áp dụng đối với Tòa Tổng Lãnh Sự Mỹ ở Istanbul, các cơ sở ngoại giao khác của Hoa Kỳ ở Thổ Nhĩ Kỳ đều không bị ảnh hưởng.

Theo Fox News, khuyến cáo về du lịch đưa ra hôm Thứ Bảy cập nhật từ một khuyến cáo khác hồi tuần trước, về sự gia tăng mối đe dọa từ các tổ chức khủng bố trên khắp Thổ Nhĩ Kỳ.

Mọi công dân Mỹ được khuyên nên tránh du lịch qua vùng Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ, kể cả thận trọng hơn khi du hành đến và ở trên khắp đất nước này.

Bộ Ngoại Giao nói, các tổ chức khủng bố quốc tế và bản địa ở Thổ Nhĩ Kỳ đang nhắm đến các du khách Mỹ lẫn các nước khác.

Tinh thần bài Mỹ tương đối cao ở Thổ Nhĩ Kỳ mặc dù quốc gia này là một thành viên của khối NATO và cũng là thành viên của liên minh chống ISIS.

Ngoài mối đe dọa khủng bố, xung đột giữa Mỹ với Thổ Nhĩ Kỳ gia tăng từ khi xảy ra cuộc đảo chánh bất thành hồi Tháng Bảy ở quốc gia này, mà giới chức Thổ Nhĩ Kỳ qui tội cho một giáo sĩ đang sống lưu vong tại Pennsylvania.

Thổ Nhĩ Kỳ từng đòi dẫn độ ông này về xét xử nhưng phía Mỹ vẫn chưa có quyết định nào. (TP)

kalua
Posts: 836
Joined: Sun Apr 22, 2012 5:26 pm

Post by kalua »


Nga bất ngờ mất ghế Hội Đồng Nhân Quyền LHQ

October 29, 2016

Image
Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc, Vitaly Churkin, đọc diễn văn ngày 13 Tháng Mười. (Hình: AP Photo/Seth Wenig)
LIÊN HIỆP QUỐC (NV) – Nga bất ngờ bị mất ghế trong Ủy Ban Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc trong cuộc bỏ phiếu hôm Thứ Sáu, cho thấy sự bất bình của các quốc gia khác về các hành vi tàn bạo của quân đội Nga tại Syria.

Cuộc bỏ phiếu nhằm chọn các quốc gia đại diện khu vực Đông Âu trong Hội Ðồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc. Nga thua Croatia hai phiếu và thua Hungary 32 phiếu. Tất cả 193 quốc gia thành viên Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đã bỏ phiếu và khi kết quả này được loan báo, nhiều người trong các đại biểu đã ngạc nhiên, theo bản tin của tờ New York Times.

Đại sứ Tân Tây Lan tại Liên Hiệp Quốc, ông Gerard van Bohemen, nói rằng cách hành xử của Nga trong cuộc chiến ở Syria, kể cả việc oanh tạc ào ạt tại thành phố Aleppo đã góp phần đưa tới kết quả này.

Đại sứ Nga, ông Vitaly I. Churkin, từ chối trả lời câu hỏi của báo chí là phải chăng tình hình ở Syria đã khiến Nga mất ghế, chỉ nói rằng quốc gia ông bị thế giới chú ý tới nhiều hơn là hai quốc gia khác trong khu vực được chọn vào hội đồng.

Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc, gồm 47 quốc gia thành viên, đã bị chỉ trích là nơi hiện diện của nhiều quốc gia có tình trạng vi phạm nhân quyền trầm trọng như Cuba, Trung Quốc và Saudi Arabia. (V.Giang)

User avatar
nangchieu
Posts: 2059
Joined: Sun Apr 19, 2009 6:38 pm

Post by nangchieu »


Canada sẽ nhận 300,000 di dân năm 2017

November 2, 2016
Image
(Hình minh họa: JOEL NITO/AFP/Getty Images)
OTTAWA, Canada (NV) – Hôm Thứ Hai, chính phủ Tự Do công bố Canada sẽ cho nhập cư 300,000 di dân mới trong năm tới, là con số từng được đưa ra trong năm nay trên cơ sở tạm thời để phù hợp với 29,000 di dân bổ sung từ cuộc khủng hoảng người tị nạn Syria.

Dù tránh không nói đến con số cụ thể về số người nhập cư trong những năm sắp tới, Bộ Trưởng Nhập Cư John McCallum cho biết số 300,000 là con số căn bản cho sự phát triển tương lai trong các hạng mục nhập cư.


Ông Callum tuyên bố: “Tôi tin rằng sự thật là nhiều người nhập cư đến Canada sẽ là một chính sách tốt… và hôm nay chúng ta đã đặt nền móng cho sự tăng trưởng nhập cư trong tương lai.”

Các mục tiêu nhập cư cao hơn là một phần của một chiến lược đa hướng của đảng Tự Do để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và ngăn chặn sự suy giảm trong những năm tới. Một hướng phát triển khác cũng vừa đến trong hôm Thứ Ba khi Bộ Trưởng Tài Chính Bill Morneau đưa ra một báo cáo kinh tế dự kiến sẽ bao gồm một số thông tin chi tiết về các biện pháp chi tiêu trên cơ sở hạ tầng mới.

Kế hoạch này dựa trên đề nghị của một hội đồng cố vấn kinh tế cao cấp, những người đang hướng dẫn chiến lược tăng trưởng của chính phủ đảng Tự Do. Cảnh báo rằng đất nước này có thể phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhân khẩu học, hội đồng đề nghị tăng mức nhập cư đến hàng chục ngàn.

Trong một báo cáo công bố hồi đầu tháng này, hội đồng cố vấn chỉ ra rằng, việc thúc đẩy số lượng người nhập cư mới sẽ giảm bớt cuộc khủng hoảng thấy rõ của thực tại là Canada hiện thiếu người trong độ tuổi lao động.

Hội đồng đề nghị chính phủ tăng mức độ nhập cư đến 450,000 một năm trong vòng năm năm tới, với việc gia tăng 15,000 cho năm tiếp theo để gia tăng mục tiêu di trú đến 315,000.


Chính phủ liên bang có thể đáp ứng hoặc vượt quá đề nghị đó. Báo cáo của Bộ Trưởng McCallum đệ trình tại Quốc Hội cho thấy, chính sách nhập cư trong năm tới có thể lên đến giữa 280,000 và 320,000 thường trú nhân mới.

McCallum cho biết con số 450,000 nhập cư mới là một mục tiêu có thể đạt được, nhưng nhấn mạnh rằng mục tiêu này không được xem xét khi đưa ra định mức nhập cư cho năm tới. (L.Q.T.)

langbat
Posts: 256
Joined: Sat Sep 22, 2012 3:50 am

Post by langbat »


Canada bắt đầu áp dụng ETA – quy tắc nhập cảnh mới

November 11, 2016
Image
Du khách nhập cảnh tại phi trường Halifax, Canada. (Hình minh họa: Mike Dembeck/AFP/Getty Images)
OTTAWA, Canada (NV) – Số người Mỹ tìm cách dọn về phương Bắc sau chiến thắng ngạc nhiên của ông Donald Trump khiến trang mạng nhập cư Canada đóng băng hôm Thứ Ba, nhưng tuần này có thể thấy một đột biến khác trong lượng truy cập vì bắt đầu từ Thứ Sáu, chính phủ liên bang sẽ thực thi các quy định quá cảnh mới.

Lâu nay, người nước ngoài thường không cần visa vào Canada bây giờ sẽ phải tuân thủ các yêu cầu mới, được gọi là phép du lịch điện tử ETA (electronic travel authorization).

ETA là một yêu cầu nhập cảnh áp dụng cho các công dân nước ngoài vốn lâu nay được miễn thị thực du lịch hoặc quá cảnh qua Canada bằng đường hàng không. Yêu cầu nhập cảnh mới này cho phép Canada nắm được thông tin của du khách trước khi họ nhập cảnh.

Riêng các công dân Hoa Kỳ, công dân Canada, công dân lưỡng tịch và du khách có thị thực Canada hợp lệ và thường trú nhân Canada không cần phải có ETA.

Chính phủ Canada công bố hệ thống ETA vào Tháng Tư, 2015 và các mẫu đơn xin ETA trên Internet được thực hiện vào cuối năm đó. Nhằm giúp du khách làm quen và nhận thức được yêu cầu mới, Bộ Di Trú gia hạn cho phép du khách bay vào Canada không cần ETA cho đến ngày 29 Tháng Chín, 2016. Ngày 20 Tháng Chín, 2016, giai đoạn gia hạn tiếp tục được triển hạn tới ngày 9 Tháng Mười Một, 2016.

Do đó, bắt đầu từ Thứ Năm, 10 Tháng Mười Một, công dân Canada lưỡng tịch có thói quen sử dụng sổ thông hành nước ngoài của mình sẽ không còn có thể làm như vậy nữa.

Trong cuộc họp ngày 3 Tháng Mười Một, giới chức nhập cư và dịch vụ biên giới cho biết, theo quy tắc mới này, một số khách du lịch có thể phải “sắp xếp lại chuyến bay của mình” để không bị kẹt tại nơi nhập cảnh. (L.Q.T.)

nguyenthanh
Posts: 859
Joined: Fri Jan 06, 2012 5:40 pm

Post by nguyenthanh »

Dân Mỹ chờ gì ở tân chính quyền Donald Trump?
November 10, 2016

Image
Ông Donald Trump cùng vợ (trái) đến thăm Quốc Hội hôm Thứ Năm. Bên phải là Thượng Nghị Sĩ Mitch McConnell. (Hình: AP Photo/Alex Brandon)
Hà Tường Cát/Người Việt (tổng hợp)

Không nghi ngờ là nhiều chính sách và quy định của chính quyền Tổng Thống Barack Obama sẽ bị bãi bỏ, thu hồi, hay sửa đổi. Những điều ấy không thể xảy ra “ngay ngày đầu ông Donald Trump vào Tòa Bạch Ốc,” như cách nói trong khi vận động tranh cử. Nhưng chắc chắn người ta có thể chờ đợi một số những chính sách ưu tiên sẽ được thi hành.


Kế hoạch “100 ngày đầu tiên của nhiệm kỳ Tổng Thống Donald Trump” công bố trên trang mạng DonaldTrump.com gồm những điểm chính sau đây:

Ông Trump sẽ thực hiện lời cam kết “Make America Great Again” (Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại) bằng cách “tái tạo sự thịnh vượng kinh tế, an ninh cho xã hội Mỹ và tính chân thật của chính quyền.”

Nhằm tẩy rửa tình trạng thối nát và tệ nạn câu kết thông đồng với giới đặc quyền đặc lợi ở Washington, DC, sáu biện pháp được đề ra trong đó có đề nghị tu chính Hiến Pháp để quy định giới hạn số nhiệm kỳ của tất cả các thành viên Quốc Hội, tạm ngưng tuyển dụng thêm công nhân viên chức liên bang, giảm 2/3 số quy định mới và hạn chế hoạt động vận động hậu trường (lobbying) của các giới chức Tòa Bạch Ốc và Quốc Hội sau khi rời khỏi chức vụ.

Nhiều trong số các biện pháp ấy có thể được dễ dàng đưa ra, hay đề nghị, trong 100 ngày đầu. Nhưng để thi hành hay có hiệu lực áp dụng không hẳn là thuộc thẩm quyền của tổng thống, và phải có một thời gian dài mới có thể có tác dụng thực tế.

Ông Donald Trump cũng đề ra bảy hành động nhằm bảo vệ công nhân Mỹ trong đó có việc thương lượng lại hoặc rút khỏi Thỏa Hiệp Tự Do Mậu Dịch Bắc Mỹ (NAFTA), rút khỏi Hiệp Ðịnh Ðối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), đối phó với chính sách tiền tệ của Trung Quốc, hủy bỏ lệnh hạn chế khai thác dầu khí trong nước Mỹ, cho phép thực hiện đường dẫn dầu Keystone Pipeline, và không trả hàng tỷ đô la cam kết cho chương trình Liên Hiệp Quốc phòng chống thay đổi khí hậu qua Hiệp Ðịnh Paris năm ngoái.

Tất cả những kế hoạch này cũng không thể đơn giản thi hành được và có ngay hiệu quả, cần phải một thời gian rất dài để thương lượng dàn xếp mới đạt tới.

Vậy thì sẽ chưa thể vui cũng như không nên lo lắng về ảnh hưởng của những thay đổi mà ông Trump sẽ đem lại cho dân chúng Mỹ. Ông sẽ chỉ chính thức thành tổng thống vào ngày 20 Tháng Giêng, 2017, và không phải chỉ trong 100 ngày đầu mà ngay cả bốn năm của nhiệm kỳ cũng chưa thực hiện đủ những điều hứa hẹn, với giả định là ông tuyệt đối tôn trọng mọi lời cam kết.

Có một số thay đổi mà người ta tin rằng sẽ được thi hành hay bắt đầu được thi hành. Ðó là việc hủy bỏ những sắc lệnh hành pháp mà Tổng Thống Obama đã ban hành, và sẽ đưa ra một số biện pháp nào đó về di dân bất hợp pháp. Những việc ấy sẽ như thế nào, và khi nào thực hiện, chúng ta chưa được biết. Ngoài ra, nên hiểu rằng đây mới chỉ là những kế hoạch được đề ra, chưa phải là chính sách do tân Tổng Thống Donald Trump công bố.

Nhưng thay đổi mà nhiều người quan tâm nhất, và chắc chắn sẽ bắt đầu được thi hành ngay, là liên quan đến đạo luật cải tổ y tế ACA, quen gọi Obamacare. Kế hoạch 100 ngày đầu tiên ở Tòa Bạch Ốc của ông Trump chính thức khẳng định thu hồi và thay thế toàn bộ Obamcare bằng “Health Savings Accounts” cho phép mua bảo hiểm y tế từ những công ty ngoài tiểu bang và để cho tiểu bang quản lý chương trình Medicaid, bảo hiểm y tế cho dân nghèo. Thêm nữa, sẽ giải tỏa những hạn chế của FDA (Cơ Quan Dược Phẩm Liên Bang) để 4,000 loại thuốc còn bị ngăn chặn, một số sớm được cấp phép cho dân chúng sử dụng.

Hai nhà lãnh đạo Cộng Hòa tại lưỡng viện Quốc Hội, Thượng Nghị Sĩ Mitch McConnell và Dân Biểu Paul Ryan, trong các cuộc họp báo hôm Thứ Tư đã xác định thu hồi đạo luật Obamacare là ưu tiên hàng đầu bây giờ. Ðiều này không có gì ngạc nhiên vì đó là mong muốn từ lâu của đảng Cộng Hòa. Hạ Viện hơn 50 lần biểu quyết dự luật thu hồi ACA nhưng không đi được xa hơn, và Thượng Viện hồi đầu năm nay đã thông qua một dự luật như thế nhưng không có kết quả.

Bây giờ, khi cả hành pháp và lập pháp trong tay mình, đảng Cộng Hòa có đủ điều kiện thuận lợi để tiến tới mục tiêu ấy. Nhưng còn hơn 20 triệu dân đã tham gia vào chương trình ACA thì sẽ như thế nào, đẩy họ trở lại tình trạng không có bảo hiểm y tế? Phải có biện pháp khác. Các lãnh đạo Cộng Hòa từng đề nghị những kế hoạch thay thế và ông Trump cũng vậy. Sẽ còn rất nhiều phức tạp để chọn lựa và đồng ý một kế hoạch mới. Tất nhiên, ACA chưa hoàn hảo nhưng qua nhiều chục năm mới đạt tới đạo luật ấy.



Mời độc giả xem Điểm tin buổi sáng Thứ Sáu, ngày 11 tháng 11 năm 2016

Có thể nói những hành động dự tính của tân tổng thống là kế hoạch đầy tham vọng, khi được thực hiện sẽ đem đến nhiều điều tốt đẹp cho dân Mỹ và tất nhiên không loại trừ khả năng một số không ít người sẽ phải chịu thiệt thòi. Như đã đề cập, trong tất cả những sự thay đổi này đều có rất nhiều khó khăn, trở ngại, và không thể chờ đợi sẽ xảy ra trong một sớm một chiều. Phải cần thời gian để được thực hiện và cũng phải có thời gian mới có thể nhận định về tác dụng của chúng.

Chúng ta chỉ có thể phân tích, bàn luận về từng vấn đề vào từng tình huống và thời điểm thích ứng.

Trong không khí còn vương vất những tình cảm buồn vui, phẫn nộ hay phấn khởi của tất cả mọi người từ cuộc bầu cử vừa qua, sự phân tích các vấn đề ấy, và rất nhiều chuyện liên hệ khác, vào lúc này sẽ chưa thể nào khách quan và trung thưc.

Post Reply