Tin Trong Nước

Xin nhớ: tin cần có "nguồn", trích từ đâu ra!!!
User avatar
nangchieu
Posts: 2060
Joined: Sun Apr 19, 2009 6:38 pm

Post by nangchieu »

Vụ Đồng Tâm: Chính quyền tham nhũng nhưng vẫn muốn giữ thể diện
April 18, 2017

Image
Cảnh sát cơ động – một trong những lực lượng đang vây chặt xã Đồng Tâm và có nhiều khả năng sẽ được
“triển khai để ổn định tình hình an ninh, trật tự” ở xã này. (Hình: Internet)

HÀ NỘI (NV) – Theo một thông báo do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội phát hành ngày 18 tháng 4, giới hữu trách sẽ “triển khai các biện pháp ổn định tình hình an ninh, trật tự” ở xã này.

Không có tham nhũng và trấn áp, chỉ “buông lỏng quản lý về đất đai”


Trong thông báo vừa kể, lần đầu tiên, giới hữu trách ở thành phố Hà Nội chính thức thừa nhận, vụ nổi loạn ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội (bắt giữ cảnh sát cơ động, công an và viên chức địa phương, rào làng, đòi phóng thích những người bị bắt giữ trái phép), kéo dài suốt từ ngày 15 tháng 4 đến nay là do các viên chức chính quyền địa phương “buông lỏng quản lý về đất đai”.

Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho biết vì sai phạm đó, hệ thống Đảng đã khai trừ 8, cách chức 1, cảnh cáo 5, khiển trách 5 đảng viên. Trong số này có Bí thư, Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Trưởng Công an xã. Hệ thống bảo vệ pháp luật cũng đã khởi tố ba bị can rồi tạm giam hai là cựu Chủ tịch xã, cựu cán bộ Địa chính xã. Riêng cựu Bí thư xã thì đang được tại ngoại vì lý do sức khỏe.

Đáng lưu ý là thông cáo của Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội không đề cập đến lý do khiến Bí thư xã, Chủ tịch xã và cán bộ Địa chính xã bị khởi tố. Tố cáo của dân chúng xã Đồng Tâm cho thấy đó là tham nhũng và vụ tham nhũng này được cả hệ thống bao che.

Hôm 17 tháng 4, người sử dụng Internet tại Việt Nam đã chuyển cho nhau một video clip, ghi lại cuộc trao đổi giữa một cụ ông với nhiều viên chức, sĩ quan quân đội và phóng viên, giải thích tại sao dân chúng xã Đồng Tâm lại chống việc “cưỡng chế, thu hồi đất quốc phòng”.

Trong video clip dài 16 phút được cho biết là đã thực hiện hồi cuối năm 2016 này, cụ ông vừa kể cho biết, dân xã Đồng Tâm chịu nhiều thiệt thòi vì liên tiếp bị thu hồi đất với diện tích rất lớn mà không hề được bồi thường: Thập niên 1960, xã Đồng Tâm mất 300 héc ta đất vì chính quyền Việt Nam muốn xây dựng một trường bắn (trường bắn Miếu Môn). Thập niên 1980, xã Đồng Tâm mất thêm khoảng 54 héc ta đất nữa vì chính quyền Việt Nam muốn xây thêm một phi trường quân sự tại đó (phi trường Miếu Môn). Tuy nhiên kế hoạch xây dựng phi trường quân sự bất thành. Do thiếu đất canh tác, dân chúng xã Đồng Tâm đã thỏa thuận với Lữ đoàn 28 thuộc Quân chủng Phòng không – Không quân (phía được giao quản lý 54 héc đất bị thu hồi) xin thuê đất để trồng trọt. Lữ đoàn 28 “phát canh, thu tô” ổn định suốt từ đó đến nay.

Cụ ông khẳng định, dân chúng xã Đồng Tâm chưa bao giờ chiếm dụng “đất quốc phòng” dù xét về nguồn gốc, “đất quốc phòng” chính là đất của họ và thu hồi xong, chính quyền để hoang, không thực hiện bất kỳ “dự án an ninh, quốc phòng” nào, thậm chí còn “phát canh, thu tô”.

Đáng lưu ý là năm 2007, Lữ đoàn 28 đã hoàn tất thủ tục giao lại 6.78 héc ta trong số 54 héc ta từng bị trưng dụng cho chính quyền huyện Mỹ Đức. Lữ đoàn 28 chỉ giữ lại 47.3 héc ta đất đã trưng dụng của xã Đồng Tâm. Cụ ông khẳng định, dân chúng xã Đồng Tâm không hề đòi hay đụng đến 47.3 héc ta đang nằm dưới quyền kiểm soát. Họ chỉ khiếu nại, đòi công bằng đối với việc sử dụng 6.78 héc ta đã được Lữ đoàn 28 giao lại.

Mảnh đất diện tích 6,78 héc ta đó đã được chính quyền xã, huyện “hoàn trả” một cách bất minh cho hàng loạt người được cụ ông hài tên một cách rành rọt. Nhiều người trong số này vốn chỉ bị trưng dụng một vài trăm mét vuông đã được hoàn trả tới… vài chục ngàn mét vuông. Mảnh đất diện tích 6,78 héc ta đã được phân lô bán cho nhiều người. Người mua có đầy đủ giấy tờ chứng minh họ đã thực hiện các nghĩa vụ về thuế, phí…

Năm 2016, sau khi thanh tra theo “khiếu nại, tố cáo” của dân chúng xã Đồng Tâm, chính quyền thành phố Hà Nội thông báo “thu hồi” 6.78 héc ta với lý do đó là “đất quốc phòng” để giao cho Viettel – một tập đoàn viễn thông của Bộ Quốc phòng Việt Nam.

Trong video clip, cụ ông nêu ra hàng loạt thắc mắc. Tại sao lại xác định 6.78 héc ta ấy là “đất quốc phòng” khi Lữ đoàn 28 đã tổ chức giao lại từ năm 2007? Nếu 6.78 héc ta đất này là “đất quốc phòng”, tại sao Bộ Quốc phòng không giao trực tiếp cho Viettel mà phải nhờ chính quyền thành phố Hà Nội tổ chức “cưỡng chế, thu hồi”? “Cưỡng chế, thu hồi” xong thì trách nhiệm của những viên chức từ xã, huyện đến thành phố đã tham gia phân chia mảnh đất này một cách bất minh sẽ được thực hiện ra sao?…

Cũng theo lời cụ ông, chính quyền thành phố Hà Nội đã từng tổ chức “cưỡng chế, thu hòi” 6,78 héc ta “đất quốc phòng” hôm 14 tháng 10 năm 2016. Tuy nhiên 600 thành viên của lực lượng vũ trang, bao gồm cả công an, bộ đội, không hoàn thành nhiệm vụ vì dân chúng xã Đồng Tâm phản ứng quyết liệt.

Ngày 16 tháng 4, chính quyền thành phố Hà Nội mời cụ ông đã từng đứng ra tố cáo như vừa kể và một số người khác đến chứng kiến việc “phân ranh, cắm mốc” xác định lại diện tích “đất quốc phòng”. Tất cả những người được mời đều đã bị bắt, bị khởi tố vì “gây rối trật tự công cộng” và đó là giọt nước làm tràn ly: Dân Đồng Tâm nổi loạn…

Dường như nội dung thông cáo mà Ban Tuyên gíao Thành ủy Hà Nội phát hành ngày 18 tháng 4 chỉ đề cập đến việc xử lý kỷ luật các viên chức cấp xã “buông lỏng quản lý về đất đai” là nhằm khẳng định, việc cưỡng chế, thu hồi đất vẫn đúng bởi đó là “đất quốc phòng”.

Thông cáo này xác định, tố cáo của dân chúng xã Đồng Tâm đề cập đến “48 nội dung liên quan đến các cá nhân và chính quyền các cấp”. Trong đó chỉ “25 nội dung có cơ sở, 23 nội dung không có cơ sở”. Chính quyền huyện Mỹ Đức đã “giải quyết khẩn trương, nghiêm túc, có trách nhiệm” nhưng còn nhiều nội dung chưa được dân chúng đồng tình nên chính quyền thành phố Hà Nội đã giải quyết “15 nội dung công dân còn chưa đồng thuận”.

Cũng theo thông báo thì ngày 31 tháng 10 năm ngoái, chính quyền thành phố Hà Nội đã kết luận “15 nội dung công dân còn chưa đồng thuận” đều “không có cơ sở để giải quyết” và họ đã giao cho chính quyền huyện Mỹ Đức “tuyên truyền, giải thích để công dân rõ và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật”.

Thông báo liệt kê hàng loạt các cuộc phản kháng từ đó đến nay và tiết lộ thêm, không chỉ có công an khởi tố vụ án “gây rối trật tự công cộng” mà Cục Điều tra hình sự của Bộ Quốc phòng cũng đã khởi tố hai vụ án “chống người thi hành công vụ” và “vi phạm các quy định về sử dụng đất đai” xảy ra ở xã Đồng Tâm!

Chỉ muốn giữ thể diện, không ngại đổ máu

Tại cuộc họp báo do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, ông Bạch Thành Định, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, thông báo với báo chí rằng đã có 15 cảnh sát cơ động được dân xã Đồng Tâm phóng thích. Lần đầu tiên, phía Công an thành phố Hà Nội công bố số con tin bị dân xã Đồng Tâm bắt giữ là 38 người.

Theo ông Định thì ngoài 15 cảnh sát cơ động được phóng thích, có 3 “tự giải cứu”, số con tin hiện chỉ còn 20 và giới hữu trách đang vận động để “nhân dân sớm trao trả những người này”.

Tuy việc trả tự do cho bốn người dân xã Đồng Tâm bị bắt giữ hôm 15 tháng 4, diễn ra song song với việc dân chúng xã Đồng Tâm phóng thích 15 cảnh sát cơ động song Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội và Công an thành phố Hà Nội cùng nhấn mạnh, đó không phải “trao đổi” mà chỉ là “thay đổi biện pháp ngăn chặn” (cho tại ngoại) vì cả bốn “đã nhận thức được hành vi sai trái của mình”.

Trong ngày 18 tháng 4 còn một điểm đáng chú ý khác là luật sư Trần Vũ Hải tự xóa thông tin ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch thành phố Hà Nội hứa sẽ đến Đồng Tâm đối thoại với những người nổi loạn trên trang facebook của luật sư Hải.

Luật sư Hải cho biết, ông Chung yêu cầu ông xóa thông tin ấy vì ông Chung không hứa như vậy. Luật sư Hải nhấn mạnh, ông xóa thông tin đó vì “tôn trọng ông Chung”, dù luật sư Lê Văn Luân (người nói chuyện với ông Chung qua điện thoại) và nhiều người dân cùng nghe rất rõ những gì hai bên trao đổi qua điện thoại đã được mở speaker phone.

Trong thông báo phát hành ngày 18 tháng 4, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội xác định, việc chống cưỡng chế thu hồi đất và nổi loạn tại Đồng Tâm “là những hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, cần phải xử lý nghiêm minh, không để ảnh hưởng đến tư tưởng trong cán bộ và nhân dân huyện Mỹ Đức nói riêng, thành phố Hà Nội nói chung, gây xáo trộn, hoang mang tư tưởng, chia rẽ nội bộ nhân dân”. (G.Đ)

User avatar
nangchieu
Posts: 2060
Joined: Sun Apr 19, 2009 6:38 pm

Post by nangchieu »


Hơn 139,000 người ký kiến nghị thư chống Formosa

April 23, 2017

Image
Hàng ngàn người dân tới nhà máy gang thép Formosa tại Vũng Áng, Hà Tĩnh, ngày 2 Tháng Mười, 2016,
biểu tình đòi nhà máy này “cút khỏi Việt Nam.” (Hình: Facebook Sơn Văn Lê)

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Tính đến ngày 23 Tháng Tư, có hơn 139,000 người khắp nơi ký kiến nghị thư buộc Formosa phải đền bù thỏa đáng cho người dân, cải tạo lại môi trường biển, và rút khỏi Việt Nam.

Trên trang mạng http://thamhoaformosa.com/, sau khoảng một tháng phát động, người ta thấy có 139,459 người khắp nơi, đặc biệt là các giáo dân Công Giáo miền Trung Việt Nam, ký tên trên bản kiến nghị thư chống lại sự hoạt động của nhà máy luyện thép Formosa tại Vũng Áng, Hà Tĩnh.


Chiến dịch vận động chữ ký cho bản kiến nghị thư được chính các nạn nhân trực tiếp và gián tiếp từ hành động xả chất thải độc hại của Formosa ra biển thực hiện.

Kiến nghị thư được gửi cho tổng thống, chủ tịch quốc hội và thủ tướng chính phủ Đài Loan, Chương Trình Môi Trường của Liên Hiệp Quốc (UNEP), Liên Hiệp Âu Châu, Ngân Hàng Thế Giới, Ngân Hàng Phát Triển Á Châu, các tổ chức, hiệp hội bảo vệ môi trường quốc tế và những người yêu chuộng công lý và bảo vệ môi trường.

Formosa tuy là một công ty có trụ sở chính ở Đài Loan, nhưng khi đầu tư xây dựng nhà máy luyện gang thép ở Hà Tĩnh, lại sử dụng hầu hết nhân sự là người của Trung Quốc, mọi thứ trang bị máy móc hầu hết cũng mang từ Trung Quốc đến. Khi mới chuẩn bị xây dựng dự án, họ đã cam kết bảo vệ môi trường.

Ngày 2 Tháng Mười Hai, 2012, khi mời Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng tới dự lễ khởi công xây dựng nhà máy, đại diện công ty này tuyên bố bảo đảm “xây dựng đúng tiến độ và bảo vệ môi trường.”

Nhưng đến Tháng Tư, 2016, khi thử một số bộ phận chuẩn bị để bắt đầu sản xuất, Formosa thải ra biển một lượng rất lớn các loại hóa chất cực độc, giết chết tất cả mọi loại tôm cá và sinh vật biển một đoạn dài hơn 200 km mà hiện chưa có thống kê nào thống kê đầy đủ các sự thiệt hại cho biển cũng như người dân Việt Nam, đã xảy ra cũng như về lâu về dài.

Người ta chỉ ước lượng biển miền Trung Việt Nam không “tự khắc phục” được mà cần hàng chục tỷ đô la để tẩy rửa nếu không muốn di hại tới nhiều thế hệ. Nhà cầm quyền CSVN không công bố chi tiết các cuộc điều tra về thảm họa cũng như các cuộc điều đình với Formosa trong khi người dân đòi biết.

Chính quyền sau đó nhận của công ty Formosa $500 triệu nói là “bồi thường thiệt hại,” nhưng chỉ phát lại cho phần nào những người dân dọc theo bốn tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế, bỏ mặc dân Nghệ An cũng bị ảnh hưởng vì tôm cá của họ dù có đánh lên được tí nào cũng không ai mua, vì không ai dám ăn.

Đã vậy, chính quyền địa phương còn ma mãnh, phân phát theo ý riêng, cho người nhà, cán bộ, không đúng thực tế khiến dân chúng dù đã được một ít tiền bồi thường vẫn biểu tình chống đối. Các nạn nhân tại tỉnh Nghệ An cũng đã nhiều lần biểu tình và đi kiện đòi bồi thường nhưng đều bị nhà cầm quyền đàn áp.

Bản kiến nghị viết rằng: “Thảm họa Formosa đã phá hủy nguồn thủy sản, là nguồn thực phẩm chính yếu, truyền thống của người dân Việt Nam. Bên cạnh đó, thảm họa này đã cướp mất nghề nghiệp của hàng trăm ngàn lao động trong các ngành đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy sản, dịch vụ hậu cần nghề cá. Các nghề nghiệp liên quan như du lịch, khách sạn, nhà hàng… cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều gia đình lâm vào cảnh túng quẫn do thất nghiệp, nhiều người phải bỏ quê hương xứ sở đi mưu sinh ở những nơi xa. Nhiều trẻ em có nguy cơ rơi vào cảnh thất học do gia đình mất nguồn thu nhập.”

Chưa hết, “Bên cạnh đó, chúng tôi còn đối mặt với nguy cơ mắc các chứng bệnh nan y như ung thư, dị tật, quái thai, thần kinh… do ăn phải thực phẩm bị nhiễm độc tố kim loại nặng do Formosa thải ra tồn lưu trong biển. Kinh hoàng hơn nữa khi báo chí đã tiết lộ nhiều thông tin cho rằng, Formosa không chỉ xả thải ra biển mà còn chôn chất thải rắn nhiều nơi trên đất liền và cả nguồn khí thải cũng chứa nhiều độc tố. Chúng tôi thật sự rất hoang mang lo sợ cho sức khỏe, tính mạng của chúng tôi và tương lai giống nòi của chúng tôi.”

Hiện cuộc vận động chữ ký kêu gọi chính phủ Đài Loan và các định chế quốc tế vẫn đang tiến hành, qua trang mạng http://thamhoaformosa.com/. (TN)

User avatar
MatVit
Posts: 832
Joined: Fri Sep 02, 2011 9:18 pm

Post by MatVit »

Hội Nghị Trung Ương 5 sắp khai mạc, Hà Nội ‘đề nghị kỷ luật’ Đinh La Thăng
April 27, 2017

Image

Ông Đinh La Thăng (thứ hai, từ phải), ủy viên Bộ Chính Trị, bí thư thành ủy Sài Gòn, vừa bị Ban kiểm tra trung ương đảng CSVN đề nghị kỷ luật.
Hình chụp ngày 28/1/2016 sau khi ông ta được bầu vào Bộ Chính Trị CSVN. (Hình: HOANG DINH NAM/AFP/Getty Images)

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Ông Đinh La Thăng, ủy viên bộ chính Trị, bí thư thành ủy Sài Gòn, vừa bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng CSVN đề nghị Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng “xem xét, thi hành kỷ luật”.

Bản thông cáo báo chí của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng được TTXVN và nhiều báo chính thống đăng tải phiên họp diễn ra vào các ngày từ 24 đến 26/4/2017, trong đó đã đề nghị kỷ luật gần một chục ông gồm 5 ông từng nắm những chức vụ cầm đầu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), như Đinh La Thăng, Đỗ Văn Hậu, Nguyễn Xuân Sơn, Nguyễn Quốc Khánh, Phùng Đình Thực.


Bản tin loan báo kỷ luật đưa ra khi Hội nghị Trung ương Đảng CSVN kỳ 5 sửa soạn diễn ra đầu tháng Năm tới đây có vẻ như muốn làm tăng thêm uy thế cho ông tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng. Việc loan báo kỷ luật một chức sắc trong Bộ Chính Trị rất hiếm hoi xảy ra trong chế độ Hà Nội, thường chỉ dừng lại ở cấp thấp hơn.

Không nói gì về những việc ông đang làm bí thư thành ủy Sài Gòn, Ủy ban Kiểm Tra Trung ương đảng CSVN chỉ hài tội ông Đinh La Thăng khi nắm quyền sinh sát tại Tập đoàn Dầu Khí Việt Nam từ năm 2005 đến 2011.

Tuy nhiên, phần lớn các tội của ông Thăng bị nêu ra nằm trong giai đoạn từ năm 2009 đến 2011 khi ông ta làm Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam với các tội trạng như “chỉ đạo, kiểm tra giám sát”, quản lý cán bộ, đặc biệt là “công tác luân chuyển cán bộ đối với các cá nhân gây thua lỗ”, hoặc thậm chí vi phạm pháp luật.

Ủy Ban Kiểm Tra Trung ương đảng CSVN cáo buộc ông Đinh La Thăng “chỉ định nhiều gói thầu trái pháp luật”; “thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản, thực hiện các dự án đầu tư dẫn đến Hội đồng Thành viên và một số đơn vị thành viên có vi phạm rất nghiêm trọng, để mất vốn đầu tư gần 900 tỷ đồng”; “chịu trách nhiệm trong việc Hội đồng Thành viên ban hành một số nghị quyết, quyết định chỉ định nhiều gói thầu với tổng giá trị lớn, vi phạm các nghị định của Chính phủ; tham mưu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho chỉ định nhiều gói thầu không bảo đảm các điều kiện theo quy định của pháp luật”…

Trên nguyên tắc khi nhìn thấy một quan chức đã “thiếu trách nhiệm”, hay làm sai, nhất là lại làm “trái pháp luật” thì phải đưa hồ sơ, tài liệu cho ngành tư pháp điều tra kỹ lưỡng và truy tố. Luật Hình sự CSVN có nhiều điều khoản (điều 165, điều 285) kết án các loại tội trạng vừa kể với bản án đến 20 năm tù.

Liệu ông Đinh La Thăng và mấy người kia sẽ bị “kỷ luật” thế nào hay chỉ bị “cách” các chức vụ nay họ không còn giữ nữa như trường hợp ông nguyên bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng?

Riêng ông Nguyễn Xuân Sơn (Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Quốc gia VN sau ông Thăng) thì đã bị tống giam từ ngày 21/7/2015. Ông Sơn bị khởi tố về hai tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. (T.N)

User avatar
nangchieu
Posts: 2060
Joined: Sun Apr 19, 2009 6:38 pm

Post by nangchieu »

Gần 2,000 dân Ninh Thuận 14 năm hít thở khí độc hại
April 28, 2017

Image
Hồ chứa nước thải của nhà máy chế biến tinh bột mì tỏa ra mùi hôi thối khó chịu.

NINH THUẬN, Việt Nam (NV) – Nhiều năm qua, người dân hai xã Mỹ Sơn và Quảng Sơn, huyện Ninh Sơn, phải sống chung với ô nhiễm môi trường hít thở khí độc hại từ một nhà máy chế biến tinh bột mì gây ra.

Theo báo Thanh Niên, ngày 27 Tháng Tư, ông Lê Tự Tín, phó ban quản lý thôn Tân Mỹ, cho biết từ ngày nhà máy chế biến tinh bột mì Fococev Ninh Thuận đi vào hoạt động, mùi hôi thối từ các ao chứa nước thải bay vào khu dân cư thôn Lương Giang và Tân Mỹ có hơn 500 hộ, với gần 2,000 người sinh sống.


Mỗi ngày nhà máy này cần hơn 1,000 khối nước để sản xuất, chế biến từ 400-450 tấn củ mì (sắn) tươi, tương đương với lượng xả chừng ấy nước thải ra các ao chứa, gây ô nhiễm không khí trầm trọng.

“Mùi hôi hòa quyện trong không khí từ năm này qua năm khác, khiến người dân nơi đây mắc phải hội chứng nhức đầu, sổ mũi, viêm xoang mãn tính… Nhiều hộ dân không chịu nổi tình trạng ô nhiễm này đành phải chuyển đi nơi khác sinh sống,” ông nói.

Ông Nguyễn Văn Hưng (78 tuổi), ở thôn Tân Mỹ, cho biết mùi vô cùng khó chịu, đưa chén cơm lên miệng mà gặp phải thì bỏ bữa ăn; đêm đến mùi hôi tỏa khắp nhà không sao ngủ được.

“Tình trạng này đã kéo dài hơn 14 năm nay, dân làng Tân Mỹ và đồng bào dân tộc Raglay thôn Lương Giang đã nhiều lần phản ảnh đến các cấp chính quyền tỉnh Ninh Thuận, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết,” ông tức giận nói.

Theo phân tích của một chuyên viên Sở Tài Nguyên-Môi Trường Ninh Thuận, loại nước thải dùng để rửa khoai mì có chứa HCN, một loại a-xít có tính độc hại. Khi ngâm khoai mì vào nước, HCN sẽ tan trong nước và theo ra các hồ chứa. Các chất gây ô nhiễm không khí ở nhà máy này chủ yếu là khí SO2, NOx và các khí độc hại có mùi hôi sinh ra từ quá trình phân hủy chất hữu cơ, như khí H2S và Mercaptan.

Nếu hít thở các loại khí này thường xuyên, con người sẽ mất dần khả năng nhận biết mùi, khó thở, từ đó suy giảm sức khỏe. Khi hít phải khí NOx sẽ bị nhức đầu, ho dữ dội và rối loạn tiêu hóa, tiếp xúc lâu dài sẽ gây viêm phế quản thường xuyên.

Ông Lê Khắc Huy Anh, phó giám đốc Sở Tài Nguyên-Môi Trường Ninh Thuận, xác nhận tình trạng ô nhiễm môi trường ở khu vực nhà máy chế biến tinh bột mì là có thật. Từ năm 2015, tỉnh đã đồng ý cho công ty này di dời lên cụm công nghiệp Phước Tiến, huyện Bác Ái. Tuy nhiên, do hồ sơ đánh giá tác động môi trường chưa đạt yêu cầu nên đến nay vẫn chưa được tỉnh phê duyệt. (Tr.N)

User avatar
saohom
Posts: 2212
Joined: Wed Aug 26, 2009 11:30 pm

Post by saohom »

Vợ nạn nhân chết tại nhà giam: ‘Công an đập đầu, cắt cổ chồng tôi’
May 4, 2017

Image
Ông Nguyễn Hữu Tấn trong nhà giam công an tỉnh Vĩnh Long.

VĨNH LONG, Việt Nam (NV) – Bà vợ của nạn nhân chết tại nhà giam công an tỉnh Vĩnh Long tố cáo công an đã “đập đầu, cắt cổ” chồng bà, không phải chồng bà tự tử sau một ngày bị tạm giam.

“Chồng con là một người công dân lao động chân tay mà đảng Cộng Sản đem ba bốn trăm người lại đàn áp. Vô trong nhà xét tìm được một miếng vải vàng trong cái thùng nước rồi nói chồng con chống đối nhà nước. Bắt chồng con, qua ngày sau, đập đầu và cắt cổ chồng con. Không có bằng chứng cờ vàng.”


Trong một video clip phổ biến trên báo mạng Sài Gòn Báo, lời người phụ nữ có chồng tên Nguyễn Hữu Tấn kể lể về nguyên nhân cái chết bất thường của chồng bà.

Hôm Thứ Năm, 4 Tháng Năm, các báo Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Zing đưa tin theo nguồn tin từ Sở Công An tỉnh Vĩnh Long cung cấp, nói “Một nghi phạm dùng dao tự sát trong trại tạm giam.”

Các báo vừa kể thuật lời ông Phạm Văn Ngân, phó giám đốc công an tỉnh, họp báo “xác nhận nghi phạm Nguyễn Hữu Tấn (38 tuổi, ngụ tổ 7, khóm 2, phường Thành Phước, thị xã Bình Minh) đã dùng dao rọc giấy của cán bộ điều tra tự sát trong trại tạm giam vào sáng 3 Tháng Năm.”

Theo tờ Thanh Niên kể, “Tối 2 Tháng Năm, Cơ Quan An Ninh Điều Tra đã bắt khẩn cấp Nguyễn Hữu Tấn vì có hành vi phát tán tài liệu chống phá nhà nước. Khám xét nơi ở của Tấn, công an phát hiện nhiều tài liệu, chứng cứ có liên quan nên đã tiến hành đưa Tấn về tạm giam tại Trại Tạm Giam Công An tỉnh Vĩnh Long.”

“Đến sáng 3 Tháng Năm, các cán bộ điều tra đến làm việc với Tấn, trong phòng có trang bị camera theo dõi. Đến khoảng 10 giờ 55 phút sáng cùng ngày, Tấn xin cán bộ điều tra thuốc hút và một chai nước uống. Khi điều tra viên vừa ra ngoài thì nghi phạm Tấn đến cặp của cán bộ điều tra lục lấy ra một con dao dùng để rọc giấy rồi tự cắt liên tiếp vào vùng cổ để tự sát. Chỉ trong ba phút, khi điều tra viên vào thì nghi phạm Tấn đã bị choáng vì mất nhiều máu và tử vong sau đó.”

Tờ Tuổi Trẻ dẫn lời điều tra viên không nêu tên nói rằng, “Toàn bộ quá trình Tấn dùng dao tự sát đều được camera ghi lại. Chúng tôi đã cho gia đình Tấn xem toàn bộ dữ liệu camera ra ghi lại được. Đồng thời, gia đình Tấn cũng được chứng kiến công tác khám nghiệm tại hiện trường.”

Không thấy video clip lời người vợ của ông Tân nói gì đến việc có được xem video clip của công an ghi lại giây phút ông Tân tự cắt cổ bằng dao rọc giấy hay không, chỉ thấy bà nói chồng bà bị công an “đập đầu, cắt cổ.”

“Thứ nhất, trên nguyên tắc thẩm cung, an ninh điều tra không được mang bất cứ dụng cụ gây sát thương nào vào buồng hỏi cung ngoại trừ giấy ghi biên bản và cây viết hoặc giấy tờ tài liệu liên quan vụ án. Thứ hai, trong khi hỏi cung ban đầu thường khá đông an ninh có mặt, sau đó ít nhất có hai người, một người lấy lời khai và người ghi biên bản. Từ lúc bắt đầu cho đến khi kết thúc một buổi hỏi cung không để cho nghi phạm ở một mình, thậm chí có đi vệ sinh còn có người đi theo, Như vậy, ông Tấn không có mảy may cơ hội nào để dùng dao của điều tra viên mà tự sát,” theo ông Lê Văn Sơn, cựu tù nhân lương tâm từng bị kết án bốn năm tù với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” viết trên trang Facebook cá nhân.

Còn cựu tù lương tâm Đậu Văn Dương từng bị kết án 42 tháng vì “tuyên truyền chống nhà nước” thì nói “Nếu trong đồn tạm giam của công an có dao để cắt cổ thì em đi đầu xuống đất.”

Facebooker Lê Nguyễn Hương Trà thuật lại lời từ phía gia đình ông Tấn và các đồng đạo Phật Giáo Hòa Hảo đã bác bỏ việc ông tự tử. Bà viết rằng, “Ba anh Tấn là ông Nguyễn Hữu Quang cho hay, có được cơ quan công an cho xem một bản video, nhưng rất khó xem và không thấy gì cả. Ông bảo, mọi việc không ổn, từ vấn đề là làm sao tự cắt cổ dài như vậy. Và quan trọng là một bên đầu Tấn vết thương bầm và mềm như trái chuối!”

Ông Nguyễn Hữu Tấn là người ăn chay trường. Gia đình ông là tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo. Cha của ông là cư sĩ tu học theo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam thống nhất. Ông đang mưu sinh bằng việc bán các món thức ăn chay.

Đối chọi lại những cáo buộc công an giết người rồi vu cho người ta tự tử như rất nhiều vụ khác, báo điện tử VietNamNet dẫn lời ông Phạm Văn Ngân kêu rằng, “Những thông tin thất thiệt nói người khác tác động vào nghi phạm Tấn là hoàn toàn sai sự thật.”

Ông Nguyễn Hữu Tấn là nạn nhân thứ tư chết trong tay công an Việt Nam từ đầu năm 2017 đến nay khi vừa mới bị bắt tạm giam để điều tra. Chỉ riêng Tháng Giêng, có ba nạn nhân tại ba nơi Sài Gòn, Bình Định và Bình Thuận.

Hôm 2 Tháng Giêng, Phạm Đặng Toàn bị công an đánh chết khi đuổi bắt một đám cờ bạc ở xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định, nhưng nói trên báo chí là thấy anh ta “gục chết trên đường.”

Hai ngày sau, tức ngày 4 Tháng Giêng, công an nhà tạm giam công an Phan Thiết thấy Phạm Minh Thể (21 tuổi) “tử vong có nhiều vết thương và vết bầm tím trên mặt, đầu và cơ thể.” Báo chí nhà nước chỉ thấy nói “tiến hành trưng cầu giám định pháp y” rồi im lặng.

Đến ngày 16 Tháng Giêng, báo chí trong nước nói Phạm Ngọc Nhung “té ngã bị chấn thương sọ não” khi bị đưa về công an phường Cầu Ông Lãnh, Sài Gòn, và tin tức chìm xuồng sau đó.

Trong năm 2016, có ít nhất 10 nạn nhân chết trong tay công an, hầu hết chỉ sau vài giờ đến một vài ngày khi vừa mới bị bắt về điều tra. Năm 2015, có 17 nạn nhân chết trong tay công an, riêng Tháng Mười Hai có tới ba nạn nhân. Năm 2014, có tới 24 nạn nhân. Năm 2013, có 12 nạn nhân và năm 2012 có 13 nạn nhân.

Tất cả các nạn nhân đó đều có những chứng tích trên thân thể như nứt xương sọ, gãy xương sườn hay tay chân, bầm tím nhiều nơi trên da, dập các phần mềm nội tạng như dập phổi dập tim, dập bao tử, gan, thận… do bị tra tấn ép cung.

Bây giờ là chuyện tự cắt cổ của ông Nguyễn Hữu Tấn. (TN)

User avatar
TheLang
Posts: 1960
Joined: Thu Oct 30, 2008 5:43 am

Post by TheLang »

Trần Đại Quang đến Bắc Kinh, Trung Quốc nói chuyện ‘tích cực’ về Biển Đông
May 11, 2017

Image
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đón tiếp chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang ở Bắc Kinh hôm 10 Tháng Năm 2017. (Hình: Getty Images)

BẮC KINH (NV) – Trung Quốc và Việt Nam đã thảo luận “tích cực” về khu vực Biển Đông mà cả hai nước đều tuyên bố chủ quyền, không bên nào chỉ trích bên kia, theo một viên chức ngoại giao cấp cao Trung Quốc.

Nói với báo chí sau cuộc thảo luận giữa chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với chủ tịch nước CSVN Trần Đại Quang hôm 11 Tháng Năm 2017, ông Liu Zhemin (Lưu Chấn Dân) thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc cho hay vấn đề Biển Đông cũng đã được nêu ra trong cuộc thảo luận, theo tường thuật của Reuters.


Ông Trần Đại Quang dẫn đầu một phái đoàn thăm viếng Trung Quốc đồng thời tham dự diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” từ ngày 11 đến 15 Tháng Năm 2017.

Trung Quốc tổ chức diễn đàn này để cổ võ tham vọng lấy Trung Quốc làm đầu tàu kết nối với một dọc các nước đến Âu châu phát triển kinh tế và mở rộng tầm ảnh hưởng chính trị trên bình diện toàn cầu.

‘Vấn đề (Biển Đông) đã được thảo luận nhưng với giọng điệu tích cực.’ Lưu Chấn Dân nói với báo chí. Ông Lưu giải thích thêm rằng “Theo tôi nghĩ, cuộc thảo luận về Biển Đông lần này là một tin rất tích cực. Không có bên nào đả kích bên kia. Không có lời nào đi ra ngoài khuôn khổ.”

Tân Hoa Xã chỉ có một bản tin ngắn về cuộc thảo luận giữa hai ông Tập Cận Bình và Trần Đại Quang khi viết rằng “Ông Tập Cận Bình nói hai bên nên hợp tác chặt chẽ với nhau để áp dụng các sự đồng thuận đã được các nhà lãnh đạo thỏa thuận, thắt chặt sự hợp tác trên nhiều lãnh vực khác nhau, nâng cao thỏa hiệp đối tác chiến lược toàn diện lên tầm cao mới.”

Thông Tấn Xã Việt Nam (TTXVN) viết rằng “Hai bên nhất trí tiếp tục duy trì trao đổi, tiếp xúc cấp cao thường xuyên giữa lãnh đạo hai Đảng, hai nước nhằm định hướng chiến lược, chỉ đạo thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác, kịp thời trao đổi, giải quyết các vấn đề nảy sinh, duy trì cục diện hữu nghị và đà phát triển lành mạnh, ổn định cho quan hệ Việt-Trung”.

Dịp này, TTXVN cho biết, ông Trần Đại Quang không quên nhắc lại là “Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng gần gũi, có nhiều nét tương đồng, quan hệ hữu nghị truyền thống “vừa là đồng chí, vừa là anh em” …. Chủ tịch nước khẳng định chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam là luôn coi trọng, chân thành mong muốn phát triển quan hệ láng giềng hữu nghị và hợp tác toàn diện với Đảng, Nhà nước Trung Quốc, đây là sự lựa chọn chiến lược và là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.”

Mới tháng trước, Hà Nội lên tiếng phản đối Bắc Kinh ra lệnh cấm đánh cá trên Biển Đông từ Tháng 5 đến đầu Tháng 8 là “xâm phạm chủ quyền của Việt Nam”. Việt Nam phản đối Trung Quốc bồi đắp các đảo nhân tạo trên các bãi đá ngầm cướp của Việt Nam từ thập niên 1980 và biến các nơi này thành các căn cứ quân sự khổng lồ khống chế toàn bộ khu vực Biển Đông.

Mỗi khi có tin tức gì về các hoạt động của Trung Quốc tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Hà Nội đều cho phát ngôn viên lập lại lời tuyên bố chủ quyền lãnh thổ có các bằng chứng lịch sử “không thể tranh cãi” dù bị Bắc Kinh lờ đi.

Từ đầu Tháng Năm 2014, Bắc Kinh đưa giàn khoan nước sâu khổng lồ tới phía nam quần đảo Hoàng Sa dò tìm dầu khí ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Cuộc đối đầu trên biển giữa hai nước kéo dài hai tháng rưỡi cho đên khi Bắc Kinh rút giàn khoan HD 981 về. Sự căng thẳng giữa hai nước bị chùng xuống một thời gian ngắn rồi dần dần ấm trở lại qua các cuộc thăm viếng qua lại giữa các lãnh tụ cấp cao của hai bên.

Trong bản tin chuẩn bị cho chuyến thăm Trung Quốc của ông Trần Đại Quang với tựa đề “Nâng cao hiệu quả hợp tác Việt Nam và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”, TTXVN kể lể rằng “Hai bên tiếp tục tăng cường các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao, nổi bật là chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (1/2017) và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (9/2016); cuộc gặp giữa Chủ tịch nước Trần Đại Quang với Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình nhân dịp Hội nghị cấp cao APEC tại Peru (11/2016), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với Thủ tướng Lý Khắc Cường nhân dịp tham dự Hội nghị cấp cao ASEM 11 tại Mông Cổ (14/7); chuyến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam của Ủy viên Trưởng Nhân đại Trung Quốc Trương Đức Giang (11/2016) và nhiều chuyến thăm cấp Phó Thủ tướng, Ủy viên Quốc vụ.”

Theo Tổng Cục Thống Kê của Việt Nam, năm 2016, mậu dịch hai chiều Việt Nam-Trung Quốc được gần $72 tỷ (tăng 7.9% so với năm 2015). Trong đó, Việt Nam xuất cảng gần $22 tỷ, nhập cảng gần $50 tỷ, thâm thủng $28 tỉ.

Dư luận và truyền thông tại Việt Nam từng có lời kêu gọi “thoát Trung” sau cuộc đối đầu trên biển năm 2014 nhưng càng ngày Việt Nam càng lún sâu vào sự lệ thuộc nền kinh tế Trung Quốc.

Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN. Kim ngạch thương mại song phương 3 tháng đầu năm 2017 được gần $19 tỷ (tăng 27.5% so với cùng kỳ năm 2016), theo TTXVN. (TN)

User avatar
TheLang
Posts: 1960
Joined: Thu Oct 30, 2008 5:43 am

Post by TheLang »

Công an Việt Nam ‘thi đua’ đánh dân

May 11, 2017

Image
Ông Vũ Văn Chiến, nạn nhân mới nhất của thói công an bạo hành, được cấp cứu tại bệnh viện đa khoa tỉnh Đắk Lắk.
ĐẮK LẮK, Việt Nam (NV) – Các vụ công an hành hung dân chúng tiếp tục xảy ra trên khắp Việt Nam. Dường như với công an, lạm dụng vũ lực đã trở thành thói quen, không thể cải sửa.

Hôm 10 Tháng Năm, báo chí tường thuật ít nhất ba vụ công an đánh dân. Ba vụ này có nhiều tình tiết khiến người ta “cạn lời.”


Vụ thứ nhất, theo báo Tuổi Trẻ, là trường hợp ông Vũ Văn Chiến, ngụ tại xã Cư Pơng, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk. Ngày 8 Tháng Năm, ông bị công an huyện đến nhà bắt với cáo buộc “cố ý gây thương tích.”

Vợ ông cho biết, ông Chiến có xung đột với hàng xóm hồi… năm ngoái. Đến sáng 10 Tháng Năm, bà nhận được tin ông được cấp cứu tại bệnh viện đa khoa tỉnh Đắk Lắk…

Bà nói rằng, bà chỉ biết công an đưa ông vào bệnh viện cấp cứu. Trên người có nhiều vết bầm tím nhưng nặng nhất là não bị chấn thương và đã được giải phẫu nhưng công an không thèm giải thích tại sao dù bà và những thân nhân khác đòi phải được biết lý do.

Một bác sĩ làm việc tại bệnh viện này nói, ông Chiến được công an đưa vào bệnh viện vì có máu tụ ở não, có một cục sưng lớn ở vùng tai.

Ông Đỗ Văn Xuyền, trưởng công an huyện Krông Búk, xác nhận công an huyện có lệnh bắt ông Chiến nhưng sau đó chuyển ông đi gửi tại nhà tạm giam của công an thị xã Buôn Hồ, do đó trách nhiệm thuộc về công an thị xã Buôn Hồ. Lãnh đạo công an thị xã Buôn Hồ thì tuyên bố, chưa thể cung cấp thông tin cho báo giới.

Cũng theo báo Tuổi Trẻ, trong ngày 10 Tháng Năm, ông Nguyễn Ích Hiếu, trưởng công an xã Nam Dong, huyện Cư Jut, tỉnh Đắk Nông, khẳng định ông không hề đánh ông Tạ Văn Thông, mà nói do “anh Thông tự động nằm vật ra nền nhà rồi la hét, bảo là bị đánh, rồi… tự lao đầu vào tường, lao đầu vào cạnh bàn ghế tới sưng húp trán, vùng mặt.”

Theo báo này, tối 9 Tháng Năm, thấy một chiếc xe gắn máy nằm chỏng chơ bên vệ đường, ông Thông và một người bạn đã dắt chiếc xe này tới giao cho công an xã. Do chủ xe đã báo với công an về việc xe bị đánh cắp, nên công an xã đã giữ ông Thông lại tra hỏi xem ông có phải là… thủ phạm hay không.

Ông Phạm Văn Thắng, bạn ông Thông, khẳng định ông sẵn sàng làm chứng vì tận mắt chứng kiến ông Hiếu đánh ông Thông bằng cả tay lẫn chân. Ông Thắng nói thêm, ngoài ông còn có ba công an trong xã cùng chứng kiến vụ hành hung này. Thấy ông Hiếu đánh đập ông Thông quá dã man, ông đã gọi điện thoại báo cho gia đình ông Thông. Khi họ tới thì ông Thông đã rũ xuống…

Báo điện tử VTC News hôm 10 Tháng Năm đưa tin, bí thư huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế, vừa hứa “nếu” thương tích của ông Văn Đức Nguyên, 66 tuổi, trầm trọng thì sẽ đề nghị truy tố ông Trần Văn Tín, trưởng công an xã Phong Xuân.

Cách nay hai tháng, hôm 13 Tháng Ba, ông Nguyên được ông Tín vời đến, buộc tường trình về những tình tiết có liên quan đến một vụ tranh chấp đất đai dính tới ông Nguyên. Khi phát giác ông Nguyên dùng điện thoại ghi âm buổi làm việc, ông Tín đã nắm tóc người đáng tuổi cha mình, liên tục đập đầu ông Nguyên xuống mặt bàn khiến đầu, mặt ông Nguyên bê bết máu.

Tuy ông Tín đã cam kết bồi thường cho ông Nguyên 53.8 triệu đồng nhưng chuyện chưa êm vì ông Nguyên cương quyết đòi hệ thống công quyền phải xử lý một kẻ càn rỡ như ông Tín. (G.Đ)

User avatar
saohom
Posts: 2212
Joined: Wed Aug 26, 2009 11:30 pm

Post by saohom »

Việt Nam dùng loa gây điếc để đàn áp người biểu tình
May 18, 2017

Image
Hệ thống võ khí âm thanh chống người biểu tình tại huyện Diễn Châu ngày 15 Tháng Năm. (Hình: Facebook Đặng Tuấn)

NGHỆ AN, Việt Nam (NV) – Một loại võ khí mới được công an Cộng Sản Việt Nam dùng đàn áp người biểu tình tại huyện Diễn Châu gây chú ý đặc biệt trên các trang mạng xã hội.

Qua hình ảnh trên nhiều trang mạng xã hội, người ta thấy một hệ thống loa đặc biệt có tên là Long Range Acoustic Device (LRAD) (dụng cụ phóng âm thanh tầm xa) được đặt trên một chiếc xe tải của công an Nghệ An hôm 15 Tháng Năm, để đối phó với người biểu tình.


Loa LRAD phát ra một âm thanh cực mạnh lên đến 150dB làm chói ta chịu không nổi dù cố gắng bịt lại và cũng có thể bị thủng màng nhĩ nếu ở gần và bị phóng âm thanh kéo dài. Loại loa đặc biệt này do công ty LRAD Corporation có trụ sở ở San Diego, California, sản xuất, được nhiều nước mua, trong đó có Việt Nam.

Sau khi xảy ra biến cố đối đầu trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc khi Bắc Kinh đưa giàn khoan khổng lồ tới dò tìm dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam phía Nam quần đảo Hoàng Sa, bản tin trên trang mạng của Ngân Hàng Ngoại Thương Việt Nam khoe đã trao tặng cho Cảnh Sát Biển Việt Nam một hệ thống LRAD.

“Ngày 24 Tháng Năm, 2014, tại thành phố Đà Nẵng, Ngân Hàng Thương Mại Cổ Phần Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) đã bàn giao hệ thống loa tuyên truyền đặc biệt cho lực lượng Cảnh Sát Biển Việt Nam. Việc khẩn trương mua và bàn giao thiết bị đặc biệt này chỉ trong năm ngày (kể từ ngày trao tặng, 19 Tháng Năm) cho thấy sự tích cực của Vietcombank trong việc hỗ trợ kịp thời nhằm tăng cường sức mạnh cho lực lượng Cảnh Sát Biển Việt Nam, đặc biệt trong công tác tuyên truyền trên Biển Đông trước cuộc chiến cam go trên nhiều mặt trận với các tàu chiến của Trung Quốc luôn chủ động gây hấn trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam thời gian qua,” bản tin của ngân hàng này viết như vậy kèm theo tấm hình đại diện hai bên chụp chung với loa LRAD.

Trên một trang tin của Cảnh Sát Biển Việt Nam, người ta cũng thấy chụp tấm hình loa LRAD gắn trên tàu cảnh sát biển lớn nhất của Việt Nam CSB 8001.

“… Áp lực cao, pháo hạm, vũ khí âm thanh… là những công cụ thông dụng để cảnh sát biển một số nước trên thế giới đối phó với những tên hải tặc. Những vũ khí này không gây chết người nhưng lại có công năng chống cướp biển rất hiệu quả,” bản tin của báo mạng Cảnh Sát Biển Việt Nam ngày 13 Tháng Tư, 2017, viết.

Không thấy có thành tích nào thấy được tường thuật về việc sử dụng loa LRAD vào việc chống cướp biển hoặc chống hàng đoàn tàu cá Trung Quốc xâm nhập bất hợp pháp. Bây giờ người ta thấy hệ thống loa LRAD được dùng để đàn áp người dân, các nạn nhân của công ty Formosa vẫn đang đi đòi sự đối xử công bằng.

“… Chống cướp biển hay tàu xâm phạm đâu không thấy, nhưng đã thấy những thiết bị này dùng để khủng bố và chống người dân, chủ yếu hủy hoại não bộ và thính giác con người, đó là tội ác, vì hèn với giặc ngoài biển quá nên vác vô bờ chống dân. Hệ thống Cộng Sản Việt Nam đang sở hữu là LRAD 1000Xi, chúng được dùng để tấn công ở mức phi sát thương, phát ra mức âm hưởng tối đa 150dB trong phạm vi 500 mét, đây là mức âm hưởng vượt qua khỏi giới hạn gây đau đớn cho con người (130dB) và đủ để gây thủng màng nhĩ,” Facebooker Khanh Nguyễn viết.

Luật Sư Lê Khả Thành viết trên trang Facebook cá nhân: “Nếu sử dụng thiết bị này gây cho số lượng lớn người dân đi biểu tình phải điếc vĩnh viễn là hành vi không phù hợp đạo đức mà còn vi phạm pháp luật.”

Ông Thành viện dẫn luật của chế độ Hà Nội: “Theo Thông tư 20/2014/TT của Bộ Y Tế, nếu bạn bị điếc hai tai, tỉ lệ thương tật của bạn sẽ là 71%. Người nào cố ý gây cho bạn thương tật 61% trở lên, theo Khoản 3 Điều 104 Bộ Luật Hình Sự sẽ bị phạt tù đến 15 năm.”

Rồi ông đặt câu hỏi: “Khi thi hành công vụ tôi có quyền thoải mái gây thương tích cho người khác? Câu trả lời là không. Trong khi thi hành công vụ bạn cố ý gây thương tật cho người khác 31% trở lên theo Điều 107 Luật Hình Sự bạn phải chịu hình phạt cao nhất là ba năm tù, phạm tội đối với nhiều người thì hình phạt cao nhất sẽ là bảy năm tù. Bao năm rồi chúng ta đang vận động mọi người ‘Sống và làm việc theo Hiến Pháp và Pháp Luật.’”

Facebooker Richard Nguyễn cũng đặt câu hỏi: “Bỏ một đống tiền ra để mua sắm vũ khí, động cơ là chống Tàu hay đàn áp người dân chống Tàu?” (TN)

User avatar
macco
Posts: 3542
Joined: Mon Jan 17, 2005 8:04 am

Post by macco »

Khách Trung Quốc tràn ngập, du lịch Việt Nam rối loạn
May 20, 2017

Image
Khách du lịch Trung Quốc nhập cảnh Việt Nam qua cửa khẩu Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh.



HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Du khách Trung Quốc ồ ạt đổ vào khiến ngành du lịch Việt Nam rối loạn, thiếu khách sạn, thiếu xe khách; các điểm cung ứng dịch vụ hét giá, chặt chém… làm rối thị trường, giảm chất lượng.

Báo Người Lao Động ngày 18 Tháng Năm, dẫn số liệu của Tổng Cục Thống Kê cho biết, chỉ trong Tháng Tư, khoảng 322,500 lượt du khách Trung Quốc đã đến Việt Nam, tăng 54.3% so với Tháng Ba. Tính chung bốn tháng đầu năm 2017, Việt Nam đã đón hơn 1.27 triệu lượt du khách Trung Quốc, tăng 61.1% so với cùng kỳ năm 2016.


Với xu hướng du khách Trung Quốc quá đông như hiện nay, các công ty du lịch dự báo năm 2017, Việt Nam có thể đón khoảng 4 triệu lượt khách, nhất là khi những đường bay thẳng giữa các thành phố của hai nước được mở.

Trong đó, chỉ riêng hãng hàng không China Sourthern Airlines đã có tới 182 chuyến bay khứ hồi mỗi tuần giữa các thành phố của Trung Quốc đến Việt Nam, trong đó liên tiếp mở hàng loạt đường bay thẳng từ Thâm Quyến, Thượng Hải, Bắc Kinh đi Sài Gòn, hay Quảng Châu, Thượng Hải đi Hà Nội.

Tuy nhiên, theo các công ty du lịch Việt Nam, lượng khách Trung Quốc tăng cao liên tục gây ra nhiều thách thức trong việc quản lý, cung cấp cơ sở vật chất, dịch vụ tại các điểm tham quan, du lịch.

Ông Phan Xuân Anh, chủ tịch Hội Đồng Quản Trị công ty Du Ngoạn Việt, cho hay, đang có những bất cập ảnh hưởng tới chất lượng dịch vụ, phục vụ du khách quốc tế khi lượng khách Trung Quốc tràn ngập ở một số điểm đến.

Cụ thể, đã có tình trạng thiếu khách sạn, thiếu xe khách; các điểm cung ứng dịch vụ hét giá, “chặt chém”… làm rối thị trường, giảm chất lượng khi quá đông du khách Trung Quốc.

Ở Vịnh Hạ Long, nhiều công ty du lịch đã làm hợp đồng thuê thuyền cho du khách xuống vịnh tham quan nhưng tới ngày, chủ thuyền “lật kèo” vì có đơn vị khác trả giá cao hơn theo yêu cầu của khách Trung Quốc.

Tại Nha Trang, tình trạng thiếu phòng khách sạn, thiếu xe di chuyển cũng xảy ra. Một số điểm thăm viếng do quá đông khách Trung Quốc, khiến du khách quốc tế phải chờ ở cổng từ 30 phút đến 60 phút mới vào đến nơi. (Tr.N)

kalua
Posts: 836
Joined: Sun Apr 22, 2012 5:26 pm

Post by kalua »

Việt Nam: 33% công nhân ‘sống kham khổ’
May 24, 2017

Image
Công nhân một công ty sản xuất đồ chơi ở Đà Nẵng đình công đòi tăng lương vì không đủ sống lại còn bị bóc lột sức lao động.
(Hình: STR/AFP/Getty Images)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Lương quá thấp, gần 33% người lao động tại Việt Nam phải chi tiêu tằn tiện, sống kham khổ; 12% thu nhập và tiền lương không đủ sống, phải làm thêm, theo một cuộc nghiên cứu về đời sống công nhân.

Thậm chí, để có thể có đủ tiền thuê nhà, nuôi con, nhiều người lao động phải làm thêm giờ để giải quyết các nhu cầu sống hằng ngày, ngay cả chuyện chấp nhận làm thêm giờ “mong có thêm một bữa ăn.”

Báo điện tử VNExpress tường thuật kết quả khảo sát hồi Tháng Ba của Viện Công Nhân và Công Đoàn về tiền lương, giờ làm việc, an toàn vệ sinh lao động trong các doanh nghiệp được thực hiện tại 14 tỉnh thành với gần 2,600 người lao động tham gia.

Kết quả khảo sát cho thấy “có gần 33% lao động cho biết thu nhập của họ thấp, phải chi tiêu tằn tiện, sống kham khổ; 12% thu nhập và tiền lương không đủ sống, phải làm thêm; 16% có thu nhập dôi dư nằm trong nhóm công nhân mỏ, khai khoáng,” VNExpress tường thuật.

Báo này thuật lời ông Vũ Minh Tiến, viện phó Viện Công Nhân và Công Đoàn, cho biết: “36% làm thêm giờ chỉ vì muốn có thêm một bữa ăn; 49% lao động trả lời không muốn làm thêm giờ. Lương của họ quá thấp, không đủ tiền thuê nhà, nuôi con nên muốn làm thêm giờ để đủ ăn chứ không phải làm giàu.”

Lên tiếng trong dịp này, phó chủ tịch Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam Mai Đức Chính phân tích, công nhân ngoài lương cơ bản dao động từ 3.5 đến 4 triệu đồng thì tăng ca có thể thêm được 1 triệu đồng, cộng tiền hỗ trợ xăng xe, đi lại thì tổng thu nhập khoảng 5 triệu đồng. Thu nhập tăng lên một chút nhưng hệ lụy tới sức khỏe rất nhiều, báo này kể lại.

“Đây cũng là lý do khiến Tổng Liên Đoàn không đồng ý đề xuất tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba giờ làm thêm khi góp ý về dự thảo sửa đổi Bộ Luật Lao Động,” ông nói.

Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam là một hệ thống công đoàn do nhà cầm quyền CSVN lập ra, phục vụ nhu cầu chính trị của đảng. Tổ chức này không hề tham gia đấu tranh đòi giới chủ nhân tuân thủ luật lệ lao động, tăng lương cho công nhân đủ sống trong khi đối xử rất hà khắc, giới hạn cả chuyện đi vệ sinh. Hàng ngàn các cuộc đình công xảy ra tại Việt Nam những năm qua đều do chính các người công nhân “tự phát” để buộc giới chủ nhân tăng lương và cải thiện chế độ làm việc.

Hiện nay Bộ Lao Động-Thương Binh và Xã Hội của chế độ Hà Nội “đang lấy ý kiến góp ý lần hai dự thảo Bộ Luật Lao Động sửa đổi.” Trong đó, bộ này “đề xuất tăng thời gian làm thêm tối đa từ 300 giờ mỗi năm như hiện hành lên 400 giờ mỗi năm.”

Thay vì đòi hỏi tăng lương cho công nhân đủ sống thì chế độ Hà Nội muốn giới chủ nhân bóc lột sức lao động của người dân thêm nữa.

Kết quả nghiên cứu do tổ chức của nhà cầm quyền Hà Nội nêu trên khác xa hoàn toàn so với báo cáo “Minh Bạch Mức Lương Trong Tuyển Dụng Tại Việt Nam” công bố ngày 20 Tháng Năm của JobStreet, một trong những mạng việc làm trực tuyến hàng đầu Á Châu, cho thấy 68% người lao động Việt Nam cho rằng “thu nhập không đủ chi tiêu” và sống “khá chật vật vào mỗi cuối tháng.”

Theo tổ chức JobStreet, tiền lương của người lao động Việt vẫn rất thấp. Khoảng 31% người lao động có mức thu nhập 3 đến 5 triệu đồng, trong khi 36% phải chi tiêu 2 đến 4 triệu đồng một tháng.

Ngày 27 Tháng Tư, tờ Tuổi Trẻ có cuộc phỏng vấn một số người nhân có một bản khảo sát nói thu nhập của giới công nhân ở Sài Gòn trung bình 6.4 triệu đồng một tháng. Số tiền này không đủ để sống mà cần tối thiểu 10 triệu đồng vì mọi thứ nơi đây đều đắt đỏ hơn các địa phương khác. (TN)

Post Reply