Tìm nhau ngày tháng cũ.

Sáng tác, tùy bút, một thoáng mây bay... hãy ghi lại nơi đây tâm tình nóng bỏng, những cô đọng của con tim!!! Xin nối vòng tay lớn qua các cảm xúc nhẹ nhàng hoặc nóng bỏng của mối tình học trò!!!...

Moderator: CNN

User avatar
saohom
Posts: 2205
Joined: Wed Aug 26, 2009 11:30 pm

Post by saohom »

Chốn Cũ Đường Xưa

Image
Hồi trước, ở Sài gòn, cánh đây lâu lắm, tròm trèm…nửa thế kỷ lận nhen…

Đèn xe sơn vàng phía trên

Tất cả cái loại xe hơi, hai đèn trước, đều phải có “mắt mèo” nghĩa là phải sơn màu vàng lên 1/3 bên trên mặt kiếng của đèn trước, ý là… hỏng cho bác tài pha đèn ban đêm, làm chói mắt người hay xe chạy ngược chiều!
Bởi vậy, bác tài có muốn… chơi ác pha đèn, cũng… bó tay!!!

Khúc đường gần bịnh viện đều có bảng “cấm nhận kèn” để bịnh nhân khỏi giựt mình!
Xe đậu trong đường Sàigon đều phải tuân theo bảng đậu “ngày chẵn lẻ”…

Tất cả xe tắc-xi đều sơn trùng một màu xanh hoặc vàng xanh, ý là để “khách bộ hành” biết nó từ đàng xa để… quơ tay đón và cũng. có ý là nếu, hỏng… phải xe tắc xi, mà là xe du lịch tư nhân lại đi ”dù” rước khách… kiếm chúc cháo là biết liền, cũng dĩ nhiên, xe nào “nhảy dù” như vậy, bị bắt là bị phạt, lớ quớ còn bị tịch thu bằng lái!

Xe tắc xi phải có đèn hộp “bắt chết luôn” trên mui xe, về đêm, hộp đó có đèn cháy sáng để khách biết mà… dơ tay đón… để cho khỏi lộn với xe du lịch!
Xe buýt cũng phải sơn một màu đặc trưng riêng để dể phân biệt với xe đò…

Ví dụ Xe Buýt Vàng thì… sơn màu vàng đặc trưng… khác thiên hạ…
Bến xe nầy ở gần Bà Quẹo… mà bà con gọi là Bến-Tô-Bít-Vàng…
Kế bến xe buýt vàng nầy có hãng cơm xấy Hồng Hoa (?) làm cơm xấy cho lính…
Xe cộ phải đàng hoàng, cái nào ra cái đó, lộn xộn… hỏng nên thuốc!
Bắt đầu 18 – 20 tuổi… mới cho thanh niên lái xế hộp 4 bánh du lịch… để lấy le, sau đó vài ba năm, bác tài… trẻ mới lên được 1 “hạng”, rồi cày vô lăng… vài năm nửa, mới cho… mó tới xe tải, rồi “chạy xe” thêm vài niên, mới “đủ ngày” để lấy dấu E để lái xe đò, nghĩa là khi bác tài lái… mấy chục tánh mạng hành khách, thì bác tài… vô tuổi trung niền rồi, nên… hết máu thanh niên, háo thắng, ưa nóng gà… chạy ẩu!!!
Chớ không có cái chuyện “giao trứng cho ác” được!

Ở ngã tư đèn đỏ, có vạch sơn trắng, tất cả xe cộ đều ngừng sau vạch đó, xe nào cáng mức sơn, mà nhè ông đạp xích lô thấy được… ổng chửi cho tắt bếp, quê lắm nhen!!!
Nhà bán thuốc tây, thì bảng hiệu đề Nhà Thuốc Tây hoặc Nhà Thuốc Gác (đó là danh từ chung) chớ khộng ai lấy Tên Riêng (danh từ riêng) để đề bảng hiệu bán thuốc tây!
Hai bảng hiệu nầy luôn luôn là bảng màu xanh đậm và chữ trắng, nó còn có hộp đèn chữ thập xanh gắn thêm, để đêm hôm, người mua thuốc… đứng ở xa, cũng thấy!

Tiệm nào bán thuốc bắc thì có chữ “đường” ở sau, Ví dụ: Vĩnh Sanh Đường, Nhị Thiên Đường, Thiên Hòa Đường…
Còn chùa thì có chữ “tự”… dính ở sau, ví dụ: Huỳnh Kim Tự, Thới Hòa Tự, Long Vân Tự, Linh Sơn Cổ Tự…
Tiệm bán vàng thì bảng hiệu chỉ có 2 chữ, chũ đầu luôn luôn là chữ “kim”, ví dụ: Tiệm vàng…Kim Hưng, Kim Liên, Kim Sen, Kim Hoàng, Kim Phát…

Địa Danh ít khi dùng chữ Thái (kỵ húy vua Thành Thái ?) mà dùng chữ Thới: Ví dụ: Thới Bình (Cà Mau), núi Châu Thới ( Biên Hòa), Bình Thới (quận 11), Tân Thới Hiệp (chỗ tập lính QT) Thới Tam Thôn, Thới Hòa (Vinh Lộc) Thới Nhứt, Thới Nhì, Thới Tam, Thới Tứ (Hóc Môn), Xuân Thới Sơn (chỗ đương trạc, giỏ tre… )

Nhà dân cất dọc đường lớn, xa lộ, người ta luôn luôn tự động cất nhà thụt lùi vô trong, ở xa lộ, cách Xa Lộ ít nhứt là 50 mét! Lý do là để cho an toàn chuyện xe cộ, thứ 2 nếu có mở rộng đường xá thì khỏi phải dời nhà…
Nhà mà dời đi, dời lại là điều ông bà xưa kiêng kỵ, nên, hỏng ai ham lú mặt ra đường!
Dọc đường cái trống trơn, hỏng ai… dám gan, tới chỗ đó… tự nhiên cất nhà…
Nếu gan cùng mình, cất nhà đại… thì cứ cất, đợi cất xong, bên Điền Địa hỏi Bằng Khoán đất, hỏng có, thì “coi như”… gia chủ xách tụng đi ăn mày… ở tòa bố!
Còn những tên cất nhà, mà lấn từng tất đất, bà con nói nhẹ rằng “thằng đó hết xài”!
Thằng nào “hết xài”… thì nó, chỉ còn nước… đội quần mà đi, nhục lắm!!!…
Ở Sàigon, cái vụ học hành, có ba thứ trường để học:
Trường Công Lập, Trường Tư Thục và Trường Hàm Thụ

TRƯỜNG HÀM THỤ là trường… mà… hỏng ai tới trường!
Bất kể ai, vì hoàn cảnh gì đó không tới trường học trực tiếp được, thì cũng có cách học để tiến thân, đó là “học trường hàm thụ”. Nghĩa là, cứ… đi làm sở, làm sùng tà tà hay làm việc nhà nấu cơm hoặc cày sâu cuốc bẩm đồng sâu nước mặn…

Nếu muốn tiến thủ trong cuộc đời… thì ghi danh học Trường Hàm Thụ, trường sẽ gởi Bưu Điện bài học, bài làm tới nhà và làm bài xong, gởi bưu điện tới cho trường chấm bài, rồi trường gởi bài tiếp…
Cứ thế… cứ thế…
Chỉ tới ngày thi, thì thí sinh phải đi thi mà thôi…
Bởi vậy, anh em nào có tinh thần cầu tiến, cứ học, nếu thi đậu thì đáng nể lắm!!!

TRƯỜNG TƯ THỤC thì học sinh phải “đóng tiền trường” hàng tháng và bằng Tú Tài cũng giống y như học sinh Trường Công Lập…

TRƯỜNG CÔNG LẬP là… trường công, học sinh không đóng tiền trường suốt 7 năm Trung Học…
Đặc biệt, trường Công Lập nam nữ… lại cho học riêng, như:

TRƯỜNG CÔNG LẬP Nữ Trung Học : Lê Văn Duyệt, Gia Long, Trưng Vương… vv…

TRƯỜNG CÔNG LẬP Nam Trung Học: Hồ Ngọc Cẩn, Chu Văn An, Võ Trường Toản, Pétrus Ký, Lý Thường Kiệt, Quốc Gia Nghĩa Tử… vv…
Ở trường công nam, Nam Sinh mặc đồng phục Quần xanh áo trắng… bỏ áo vô thùng, trên miệng túi áo, có ghi tên trường hẳn hẹ… nên đố thằng nào… dám hó hé!
Ở trường công nữ, Nữ Sinh đồng phục là mặc áo dài trắng, quần trắng…
Có… thời khắc “mấy nhỏ áo dài trắng”… bắt chước mấy cô ca sỹ Sàigòn, bận áo dài vạt “lửng”… còn tay áo thì kiểu “rặc lăn”… là… tay áo dài nối vô thân áo…
Thiệt… quả là báo đời…một phen!!!

Mấy anh chàng Nam Sinh trường công vì học chung “tòn-là đực rựa”… nên nhiều thằng dòm… quí nàng áo dài… vạt lửng… bước đi với tà áo (cố tình) thước tha yểu điệu, tụi đực rực… áp nhau thấy, tụi nó…rụng rúng bầy bầy!!! Hì hì…
Bởi vậy, mới có chuyện, mấy “tay tổ” trường công nam, cúp cua vô Lăng Ông Sở Thú Tao Đàn… để “trồng cây si” mấy nàng áo trắng, thây kệ chuyện, bị… cồng-sing!!!

Và… thấy tiếp… ở Sàigòn năm xưa…
Cây xăng nào cũng có “vòi bơm bánh xe gắn máy, xe hơi” đứng ở giữa hai trụ xăng…
Đang chạy xe, thấy bánh xe mềm, tấp vô cây xăng, dựng xe trước “cây bơm”, lấy tay “quây” cây kim hơi, về số 5 (5 năm ký hơi)… rồi ung dung ngồi xuống, mở nấp vòi, ịnh đầu bơm hơi vô vòi ruột xe… để cho nó tự bơm, cây kim bơm hơi, quơ quơ nghe cạch cạch cạch, tới khi, nghe kêu cái teng, đủ hơi, là máy bơm tự động ngừng bơm…
Bơm xe như vầy, nghe… nó phẻ cách gì, chớ 2 tay “thụt ống bơm”… mệt lắm!!!
Nhưng… úi chà… cứ bom cây xăng riết, ruột xe Honda tòn – là… nước không hà!

Biết được ruột xe có nước là do vô vá xe tại tiệm sửa xe “Sĩ Solex” kề bên trường Lê văn Duyệt và bên kia đường… có rất nhiều ruộng rau muống xanh um!

Trên đường Phan Đình Phùng Sàigòn 3, kề bên chợ Vườn Chuối có đường xe lửa chạy ngang và bên kia đường rầy, có căn nhà 3 từng, đó là nhà “cho mướn sách” Cảnh Hưng. Cho mướn sách là cho độc giả… mượn sách về nhà đọc, nhưng phải “đóng tiền thế chưn” bằng 1/2 giá tiền sách in ở trang bìa, khi đem trả sách, Cảnh Hưng trừ tiền mướn vô tiền thế chưn, tiền mướn, cứ 1 cuốn 1 đồng 1 ngày… răng rắc!
Mấy nhà bán sách và tác giả có sách xuất bản… hỏng vui với Cảnh Hưng…

Nhà Cảnh Hưng chứa sách để cho mướn… hỏng biết mấy chục ngàn cuốn, vì sách nằm trong kệ… đen nghẹt, bít kín từng trệt và 2 từng lầu…
Ông Cảnh Hưng… tướng tá… hơi nhỏ con nhưng vui tánh, học trò khoái lắm!
Thằng học trò nào mê Kiếm Hiệp, muốn luyện chưởng hay… muốn đột nhập “cái bang vài ba túi”… thì tới đây… tìm bí kíp!!!
Ông Cảnh Hưng… biết tẩy học trò hết ráo nhen, thấy mặt, ổng cười hì hì, liền cho mượn cả tuần mới trả, với 2 đồng một tuần… là cái… giá-ghẽ-ghề…
Bởi vậy, học trò “mê đọc sách” Cảnh Hưng… quá xá cỡ là vậy đó đa!!!
Phụ việc ông Cảnh Hưng là bốn năm đứa nhỏ, chuyện môn, chạy đi lấy sách… theo sự “chỉ chỗ” của ông chủ hay lấy sách độc giả trả, rồi đem sách để “chỗ cũ”…
Ông Cảnh Hưng có trí nhớ… siêu phàm tàn canh gió lốc…
Khi ai tới mướn sách, chỉ cần nói tên sách, là ông Cảnh Hưng, nói liền, thí dụ:
– Bộ Tam Quốc Chí có 3 cuốn, nhưng khách đang mướn cuốn 1 và 2…
– Ủa ? Ông chủ có cả chục bộ lận mà ?
– Thì ờ… người ta mượn hết ráo rồi, giờ còn cuốn 3… Cuốn 1 và 2 mai trả…
–… vậy đi… lấy tui cuốn 3… cũng được!
Ông Cảnh Hưng ra lịnh:
– Tèo, mầy lên từng 2 kệ số 7 ngăn 6 lấy cuốn 3 bộ Tam Quốc Chí cho ông Hai!

Học trò Đệ Lục nghe ông Cảnh Hưng… nhớ từng vị trí cuốn sách nằm ở đâu trong rừng sách từ trên lầu xuống tới đất… thấy mà xám hồn luôn!!!

Ông Cảnh Hưng có quen với nhiều nhà xuất bản, như Yên Sơn (Phú Nhuận) chẳng hạn, khi đang sách in, ông… được ưu tiên “thộp” một mớ… đem về cho mướn trước, khi nào in đủ số, sách… mới phát hành! Bởi vậy, coi sách “nóng hổi” là vậy!
Mỗi loại sách, Cảnh Hưng có ít lắm 15 bộ mới đủ cho mướn…
Đặt biệt, những cuốn sách hồi xưa, xa lắc, xa lơ… xuất bản từ hồi…bà cố hỉ cố lai 8 đời vương ông hoãnh… nhà Cảnh Hưng cũng có!!!

Như cuốn Tôi Kéo Xe của Tam Lang hay cuốn Con Trâu của Trần Tiêu in năm 1940 hoặc cuốn Chồng Con in năm 1941!!!
Biết “rõ” như vậy là do Cô dạy Việt Văn cho “thuyết trình” ở lớp những Tiểu Thuyết xưa, mà sách… xưa ơi là xưa, thì chỉ có ở nhà Cảnh Hưng!!!
Thế là học trò Đệ Lục tức tốc mượn về, để… mần thuyết trình trong lớp…
Sách cho mướn, được bao thêm bìa giấy xi măng, trên đó, viết chi chít ngày mượn…

Ngoài ra, học trò muốn mượn “cuốn nào hây hây”, thì… hỏng hiểu “do đâu”, ông Cảnh Hưng liền nói tuốt luốt một lèo cho nghe, cái nội dung cuốn “sách hây” hoặc là bất kể cuốn nào mà học trò còn… mù mờ, nghe xong, thế là học trò mượn liền!
Ông Cảnh Hưng còn… quảng cáo cuốn sách… thứ dữ… “chỉ tao mới có”…
Sách nầy thuộc loại “cái ban môn phái” mà học trò khi ấy… đang muốn luyện thử!
Đó là cuốn Lục Tàn Ban (quên tên tác giả)

Đây là cuốn sách viết về… cái bang bảy tám túi, coi… hay hết kỵ luôn:
Lục Tàn là 6 nhân vật (tàn tật) gồm: Thằng đui, thằng điếc, thằng mất 2 giò, thằng mất 1 tay, thằng mất 1 chưn, thằng cụt 2 tay
Thằng đui làm… Ban Trưởng Lục Tàn!!! (ối trời… *&%#?><… ) Sáu ông cố tàn nầy… luyện chưởng, luyện gồng, luyện nghe, luyện thấy, luyện chạy… thuộc hàng cao thủ võ lâm… để trả thù cho sư phụ bị sát hại năm xưa… Giới giang hồ cho rằng “môn phái” đó bị tiêu diệt, khi 6 đệ tử sau cùng bị thương nặng trong rừng, không ai cứu chữa và ai cũng tưởng… chết hết rồi! Mấy thằng học trò Đệ Lục coi say mê Lục Tàn Ban luôn!!! Có thằng còn “luyện thử”… cách dòm xuyên màn đêm của cao thủ Lục Tàn Ban!!! Bởi vậy, thằng nào… non tay ấn, luyện nhản riết, tới độ mang kiếng cận dầy cui, chớ ở đó mà đổ thừa “tại bị”… rồi nói dóc là “tao lo học” tới cận thị!!! Ba-xạo quá nha mấy cha!!!

Trên đường Phan Đình Phùng, sáng sáng có xe lấy rác, có gắn cái chuông kêu leng keng. Cuối hẻm 376 là đình Phú Thạnh, là chỗ con nít ưa tụ tập, thả diều, bắn đạn… Trước nhà số 380 Phan Đình Phùng Sàigòn 3 có “phong tên” nước công cộng… Ở đó có đông người “chuyên gánh nước mướn”, được bà con các hẻm xung quanh “mướn” gánh nước mỗi sáng sớm, gánh từng đôi nước về nhà… Mấy bà (cô) gánh nước khoái đọc cuốn tiểu thuyết Rặng Trâm Bầu của Lê Xuyên!

Nước phong tên ở đây được chảy từ cái sa-tô-đô cũng nằm ở đường Phan Đình Phùng… và và… nếu ai… hà tiện, thì khi khát nước, cứ lại phong-tên khòm lưng mở vòi uống… chùa… Bà con gọi là “uống nước khum”…

Cùng phe gánh nước mướn ở phong-tên, cũng có mấy người “ở đợ” nhưng được gọi nghe cho… nhẹ hơn là “con sen”, sáng sớm cũng ra gánh nước về nhà cho chủ… Lúc đó và sau đó, Tân Nhạc với điệu Boléro thịnh hành trên khắp nẻo đường và có nhiều bản nhạc “hợp với tâm trạng – hoàn cảnh” nên Ca Sỹ thứ thiệt hát là rung động trái tim, nên được mấy bà chị gánh nước khoái, cứ nhè mấy bản đó hát mãi, tiếng ca “nhảo nhẹt” mà hát… hoài hoài hỏng biết chán, bà con nghe riết phát nhàm…

Dần dà, cộng thêm mấy chị… ma-ri-sến ”làm sở Mỹ”, rồi dân vũ nữ quán Bar, phòng trà… thuộc loại quá “date”… cũng hát những bản điệu Boléro thịnh hành! Ma Ri Sến thất nghiệp cũng về gánh nước và cũng hát “bản tủ” như mấy chị kia… Cứ hát riết, phát ngấy, bà con gọi giọng hát đó là… giọng rên… ma ri sến!!!

Mấy chị… sáng sớm vừa chờ nước vô thùng vừa hát tân nhạc véo von, chỉ có vài bài tủ, mấy chị cứ hát riết nghe… phát mệt… (Đã vậy, nó còn “cộng hưởng” rồi “trùng tên” với… cái vụ con gái rơi của ngài thượng sĩ – tổng thống da đen Bocasa bên châu phi, tên cô là Mary… Cô Mary gái lai đen nầy ở vùng Ngã Năm chuồng chó, ngài tông-tông Bocasa nhờ báo Trắng Đen tìm dùm, thế là cô Mary… trở thành ngọc ngà châu báu… ) Và “miệng thế gian”… đặt cho chết tên cho giọng ca… mới nổi, giọng ma-ri-rến!
Giọng marisến… làm mệt lỗ tai… thính giả! Hát “bản nhạc tủ” miết, làm cho nó… lờn, tới độ, bà con nằm nhà hay đi ngang… nghe… thì biết là tiếng hát của con Sến nào!!! Khi ở nhà bà chủ, tên là Con Sen, sau đó, nàng ra Vũng Tàu làm “ma ri sến”… ở mấy cái Bar Thiên Thai, Ạc-ăng-Sen… ở Bãi Trước… Vì vậy, giọng ca con sen hay con sến… đều như nhau… Và bà con… giận, khi nghe hoài mấy bản nhạc “tủ”, nên nói: – Mấy con nhỏ đó… là sến nướng… nên ca hoài!!! – Mấy con sến đó… ca đi ca lại miết, nghe mệt thấy mẹ!!!

Ở đầu đường Phan Đình Phùng, có nhà số 3 đó là Đài Phát Thanh Sàigòn… Ngã tư Phan Đình Phùng – Lê Văn Duyệt có tòa đại sứ Miên, bên kia đường là cây xăng rất lâu đời và ở ngã tư nầy, năm 63 hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu… Cũng ở ngã tư nầy, có tiệm cơm tàu, ở đây có món “cơm thố”… ngon bá chấy!!! Cơm thố được hấp trong cái xửng tre có cả chục ngăn, thố là chén nhỏ rí, chừng 3 muỗng cơm, vì vậy, ăn xong, thố chất 1 chồng 15 cái… cao như núi!!! Một số… dân chơi cầu 3 cẳng, loại tứ hải giai huynh đệ… tới ăn cơm thố ở đây, ý là, để khoe chồng thố cao nghệu… để “lấy le” với thiên hạ… đó nha bà con!!!

Phan Đình Phùng… cụng vô đường Lý Thái Tổ… ngay tại ngã ba… Ở ngã ba nầy, có Phòng Trà Lệ Liễu và chủ Phòng Trà là chị Ba Liễu! Quán “Chị ba Liễu” là chỗ gặp mặt mỗi chiều tối của rất nhiều Nhạc Sỹ – Ca Sỹ Sàigon trước khi đi hát Phòng Trà hay Hát Rạp hoặc quán Bar… Đây là “quán ruột” của Thanh Kim, Đệ Nhất Danh Cầm Hạ Uy Di… DK, HC, MLQ, GL… hát ở Phòng Trà Lệ Liễu cho khách (rất đông) thưởng thức…

Thí dụ: DK ca bài Ai Ra Xứ Huế thì chị ba Liễu “trả công” là 1 ngàn 8… Có “chàng – lính” bận đồ trận bốn túi, đội Bê Rê đen, vì là em (đệ tử) của Thanh Kim, nên chàng ta… xâm mình, bậm gan, đổ lỳ, dám… thót lên sân khấu Lệ Liễu để hát bài Đường Xưa Lối Cũ và bài Tàu Đêm Năm Cũ… (cũ mèm không hà) .Chàng hát… một cách khơi khơi, trong khi Nghệ Sỹ thứ thiệt ngồi lủ khủ ở đó…

Chàng lính trận nầy, vì ỷ có Thanh Kim… lo, nên hỏng lo trật nhịp, chàng ta cất tiếng… véo von liên tiếp hai bài tân nhạc, thì Chị Ba Liễu… coi bộ… nghe được được, chị… tức tốc tiến ra sân khấu, liền… móc bóp, xỉa cho chàng 9 trăm đồng… gọi là “lính góp vui”, rồi Chị Ba còn… xúi… (quá đã) – Đêm nào, nếu rảnh… em tới hát nhen!!! Lính mà… hát vậy, được đó…!!! – Dà dà… $%%$!!! (vô mánh) Anh chàng lính nầy, về đơn vị… móc xấp tiền, dứ dứ lên trời… hét: – Bữa nay, tao đãi anh em cả làng một chầu… cơm tấm – cà phê – thuốc lá!!! – Chắc còn… dư bộn tiền đó ông thầy!!! – Thì thì… Băm 3 mí lỵ tôm khô củ kiệu… cho sạch nhách luôn!!! – Hoan hô thẩm quyền!!! – Hé hé…cho xin chữ ký đi ông… khò khò…

Phòng trà Lệ Liễu là chổ Nghệ Sỹ Sàigòn… tụ lại nói dóc, trước khi đi hát… Và cũng là chỗ “tụ tập” của những tay tổ đờn vọng cổ Văn Vỹ, Năm Cơ, Ngọc Sáu… Khi Ca Sĩ hát xong tới khua, trước khi về nhà, lại tụ nhau ở quán Cháo Đêm sau hàng cây… dái ngựa cổ thụ ở đường Hồng Thập Tự, quán cháo cũng gần đường xe lửa từ bên đường Phan Đình Phùng chạy qua…

Cũng ở đường Phan Đình Phùng, ngay trong vòng chợ Vườn Chuối là nhà của Soạn Giả Nguyễn Phuong, khi ấy anh Nguyễn Phương có đứa con gái nhỏ cỡ trên 10 tuổi và nó cùng với Ba Má… đặt lời thoại cho vở cải lương!!! Cô gái nhỏ cùng ba má ngồi 3 góc trong phòng, đóng làm 3 nhân vật… nói chuyện, rồi đánh máy luôn, đó là ”làm thoại” để Nguyễn Phương “lấy câu trẻ con” soạn tuồng cải lương… Đó là cách Nguyễn Phương đang soạn tuồng và… bị bắt tại trận… hì hì…

Nguyễn Phương là Đạo Diển cho đoàn Thanh Minh Thanh Nga và mỗi tuồng cải lương được đánh máy sáu bảy bản để cho anh em “nhắc tuồng” đứng sau màn nhung hay cánh gà… đọc câu cho Đào Kép đứng ở ngoài sân khấu… nói hay ca!!! (cứ tưởng Đào Kép học thuộc lòng hết vở tuồng, hỏng có đâu nhen!!!) Nguyễn Phương là trưởng ban kịch Tân Dân Nam , chuyên kịch trên đài truyền hình Sàigòn chiều thứ bảy hàng tuần, gồm có hề TV, TT, NĐT.vv… và bà vợ của Nguyễn Phương là chị của phu nhân tướng CVV… Bởi vậy, do đó, Nguyển Phương… mới “tó” được cái giấy phép ngon lành… là mượn tàu Hải Quân để đóng phim xi-la-ma!!! Đó là phim “Hải Vụ 709” định quay ở Rạch Giá… Nhưng vì tình hình chiến sự ác liệt ở đó, nên phim Hải Vụ 709 bị đình chỉ… kéo dài và sau cùng phải bãi bỏ, nếu không, thì anh chàng Thủ Đức sẻ làm… tài tử xi-nê mà lại đóng vai Trung Úy Hải-Quân… nhảy xuồng đổ bộ rồi! Uổng thiệt nhen…

Cũng thời gian đó, ban Tân Dân Nam đang “dợt tuồng” kịch truyền hình, đó là vở “Ai Là Thủ Phạm” tại nhà anh Nguyễn Phương… Lúc đó chàng (vì là lính) được Nguyễn Phương giao đóng vai Cảnh Sát Trưởng… Úi chà chà… Nguyễn Phương biểu chàng ta phải “tập” trước… cách còng tay thủ phạm ăn trộm kim cương, em NĐT đóng vai thủ phạm… Còng tay… mà phải “tập” ý là… để chàng… còng… mà hỏng đau tay NĐT!!! Tới khi lên sân quay 2 tại đài Truyền Hình Sàigòn… ngài Cảnh Sát Trưởng, bước vô, làm mặt ngầu, liền móc còng (hân hạnh) còng tay NĐT… ngay tức khắc nhen!!! Bàn tay NĐT đẹp như chính NĐT, chàng lính cầm 2 tay người đẹp, tra vô còng số 8… mà chàng ta thấy… quá đau lòng!!! Hì hì…

Trên truyền hình, anh chàng lính, chỉ… lộ diện trên màn ảnh nhỏ của Đài Truyền Hình Sàigòn chỉ được có… 30 giây cuối cùng của vở kịch… thôi hà! Soạn Giả Nguyễn Phương chuyên môn hút Thuốc Gò khi soạn tuồng và điếu nào cũng bự tổ nái, đốt cháy liên tục, khói bay mờ mịt như đống un buổi chiều tà! Và trên bàn viết thường có… rờ vẹt… ba bốn khúc Thuốc Gò loại “nặng” đô, đó là… phòng khi, nửa đêm soạn tuồng… mà hết thuốc hút!

Từ ngã tư Phan Đình Phùng – Lê Văn Duyệt chạy lên tí nữa là Ngã 6 Sàigon, ngay “bùng binh” ngã 6 nầy, có xe lửa chạy qua và là chổ bắt đầu của đường Yên Đổ, ở đây, trên đầu đường Yên Đổ, có khu Kiều Lộ (sửa, tráng dầu đường hư… ) Nằm chung trong khuôn viên khu Kiều Lộ… là Sở Phú De đó đa!!! Phú De là chổ… nhốt chó chạy rong, bị “xe bắt chó” bắt được trong đường phố! Ai mất chó, cứ vô Phú De tìm là y như rằng… nó ngự ở đó và bỏ tiền chuộc chó về! Bởi đó, hồi xưa, DA trong báo CO có viết bài Phú De Giao Chỉ, đọc nghe nhức xương Trong khu Kiều Lộ nầy có cái… cưa tay, bự chà bá, dùng xẻ gổ lóng… Ở đây có Kỹ Sư Bê và Hồ Lợi và Hồ Lợi là dân chơi tài tử… chánh cống bà lang trọc. Trong văn phòng khu Kiều Lộ của Hồ Lợi… có tùm lum… đờn cò, gáo, xến, ghi ta thùng, ghi ta phím lỏm… treo tá lả trên tường, để nhân viên nào… quởn mà khoái đờn vọng cổ thì cứ vô… tập vợt thả giàn và… Hề Minh và danh cầm Thanh Kim, Tạo Minh Đời… vv… xuất thân từ đây! Hề Minh là danh hề diễu có tiếng trên bầu trời Cải lương một thời… Tạo Minh Đời cười được 18 giọng riêng biệt và còn có khiếu một mình vừa nói giọng ông nội, giọng cháu nội trai, gái, giọng con gái… rất hay, giống y giọng… như trong “gia đình bác tám”… nhất là giọng chó mèo cắn lộn… là nghe hay hết phản luôn!

Nhứt là… mở đầu câu… a… bê… cê… ca… nháy giọng xe lửa đề pa… của bản Chuyến Xe Lửa Mồng Năm của Trần văn Trạch… y chang Trần văn Trạch!… nhưng “hỏng có thời” nên anh Đời không nổi tiếng như anh Minh và anh Kim… Thanh Kim là Đệ Nhất Hạ Uy Di Cầm chuyên đờn 6 vọng cổ… nhưng né… ló mặt trước bàn dân thiên hạ truyền hình, Thanh Kim chỉ đờn cho gánh hát và chơi tân nhạc cho quán Bar và Phòng Trà và học trò Thanh Kim là TKH… – Anh Kim, sao anh chỉ “thâu dỉa” mà hỏng thấy anh lên sân khấu hay truyền hình ? – Tao… xí-giai thấy bà… miệng rộng tàn hoạt, cười hô hố, tướng tá như đấu bò! – Thì… có sao đâu… – Tao… trốn… để khán thính giả tưởng tao… đẹp trai đó mầy… hỏi hoài!!! – Ờ ờ… hehehe…

Năm 1965 đường Xa Lộ Saigon – Biên Hòa làm xong và dọc bên đường xa lộ đang đào để xuống ống cống vuông vuông lọt lòng trên 2 mét của Sàigòn Thủy Cục… Lúc đó, chạy xe gắn máy ở Xa Lộ thiệt… là êm, êm như mơ… Do đó, mấy tay anh chị… mới dám đi Gobel, Sachs, Rummi… chui lòn qua bụng xe be trên có 3 lóng gỗ… dài thòn bự tổ kền, đó là… chọt lét tử thần!!! Cũng thời… xa xưa ấy, khi chở “người đẹp” ngồi đằng sau Xe Gắn Máy thì hai chân người đẹp Để Về 1 Bên, không Cô nào… dám gác cẳng 2 bên! Nếu xe chở là chiếc Vespa Spring… thì thấy “nàng” ngồi sau… ôm eo ếch bác tài… thì… thì… ngó, thấy… đẹp như mơ luôn!!!
Còn nói gì “mấy nhỏ áo dài trắng” đi Vélo Solex… thì dòm… hết phản nghen!
Gỗ rừng đem về đổ đống ở chỗ ngã ba xa lộ đi Vũng Tàu, nên ngã ba nầy có tên Ngã Ba Bến Gỗ… Từ ngã ba Bến Gỗ tới một xí là Căn Cứ Long Bình của Quân đội Mỹ… Chỉ mỗi con đường Phan Đình Phùng mà có… quá xá chuyện xưa tích cũ...

By Nguyen Trương ( Sài Gòn - Gia Định - Đất và Người)
Last edited by saohom on Mon May 18, 2020 2:31 pm, edited 1 time in total.

User avatar
macco
Posts: 3541
Joined: Mon Jan 17, 2005 8:04 am

Post by macco »

CHUYỆN KỂ TỪ HỒI ỨC
PKN
Tui ra trường với tuổi 20, lên đường ra trận tuyến với cục phấn và cái đầu học trò, tôi sống và lớn lên ở thành thị, thế mà khăn gói về nơi gió núi non, đồng lầy trũng nước...

Ngày đầu tiên nhận nhiệm sở là một lớp học đầy đủ thành phần để có những hỉ nộ ái ố không thiếu một thứ gì. Lớp năm là lớp lớn nhất trường mà học trò nơi đây có cả những em mười bảy, mươi tám tuổi, nghĩa là cô giáo chỉ nhĩnh hơn một tí tị thời gian ra đời.

Trên bục giảng, nhìn xuống những cái đầu tóc ngắn, tóc dài, tóc đỏ hoe hoe vì cháy nắng, học trò lao xao làm cô giáo cũng đôi chút...khớp. nhưng mà không, tinh thần vãn hồi lập tức khi nhớ lời thầy ờ giảng trường Sư Phạm: đứng trước đám đông, cứ tưởng như nhìn những quả dừa khô, dưa hấu là tâm hồn an bình, lời giảng sẽ tuôn ra thao thao bất tuyệt! Có vậy!

Vậy là thầy trò ta đã làm quen bằng cách đó: những con mắt hiếu kỳ của bọn trẻ, cùng những lời thân ái ban đầu mà thầy trò tui quen nhau.

Ngày qua ngày, thầy trò thân thiết hơn, thầy mang ánh sáng văn minh tới cho bọn trẻ, trò mang tấm chân tình nồng ấm dân quê đến cho thầy. Một năm gần gũi học trò nơi miền núi hóc bà tó, quen dần với sinh hoạt theo mùa, tui cũng mở mắt được với cách sống dân dã, gần gũi với mọi người.

Thời học trò, tui chỉ biết di học, ăn, ngủ và đi chơi, giờ thì con người thành thị của tui cũng được chuyễn hóa, tui cũng biết nấu ăn theo kiểu dân dã...

Thương cho lũ học trò nghèo, mùa nắng đi chẻ đá núi mướn trước giờ đi học, khổ nhứt là mùa nước nổi, vào lớp đứa nào đứa nấy quần ướt nhem vì lội nước tập vở bèo nhèo được gói trong chiếc áo, đến lớp thì giủ áo ra mặc vào... Vậy mà được cái chữ nghĩa, kiến thức mang lại niềm vui trong cuộc sống khó khăn. Có những lúc, cuối tuần, thầy trò cùng nhau đi câu, đặt gió... Miền sông nước, của cải trời cho, cá ơi là cá. Để rồi sau đó thầy trò cùng nhau, nấu canh chua cá chốt với bông điên điễn, cá linh kho lạt, tép rong rim khóm... cùng nhau thưởng thức những bữa cơm thân ái. Có những lúc thầy trò cùng nhau leo núi, mệt bở hơi tai, trèo lên, nhìn xuống mà ngán ngẫm, bọn nhỏ còn bảo cô ơi leo núi chỉ nên niệm: khỏe! khỏe! chứ không được nói mệt

Có nhiều điều nơi thành thị chẳng biết, ở quê miền núi, có những món ăn lạ rất ngon, chuối sống ngâm trứng kiến như dưa chua, thịt trăn bán thường xuyên ở chợ, món trăn xào xã ớt, nấu cà ri ngon tuyệt vời...

Ủa, đi dạy sao mà chỉ nhớ chuyện ăn uống vui chơi không thôi sao? Ờ mà cũng phải: Dĩ thực vi tiên mà! và sau một năm chia sẻ kiến thức cùng đám học trò nhỏ, tui đã Dĩ đào vi thượng, từ bỏ nơi bảy núi Xà Tón hiểm trở để trở về đồng bằng sông nước quê hương thứ hai của tui, để bắt đầu cuộc đời nấu cơm cấy, lội ruộng , kéo lưới, làm mắm, làm tương chao, sống cùng XHCN.

Mấy trò ơi, giờ này các em ở phương nào? Thầy trò ta có khi nào gặp lại ? Cô bây giờ ở nơi tít mù xa quê hương xứ sở, các em như những hạt mầm đã nở bung với thời gian tỏa ra khắp chốn. Ông trời dung rủi khi nào ta gặp lại? Có chăng? .

Trong tiềm thức, Thầy trò mình còn đọng lại những buổi đi chơi cuối tuần với cơm rau luộc, cá chốt kho tiêu, canh chua bông điên điển, tép rang, cơm thơm mùi lúa mới.

Có ai còn nhớ? Thầy đây, trò ở nơi đâu?

Phan Kim Ngọc
Tui là đứa cao giò nhứt đó

User avatar
phu_de
Posts: 2917
Joined: Sun Nov 28, 2004 10:57 pm
Has thanked: 7 times

Tôi đi học

Post by phu_de »

Hôm nay mời cả nhà đọc lại một bài mà chắc chắn trong chúng ta không ai có thể quên được, có người còn thuộc nằm lòng dù đã mấy mươi năm trôi qua.

----------------------


Image

Thanh Tịnh( 1911-1988)

Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường.

Tôi không thể nào quên được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng.

Những ý tưởng ấy tôi chưa lần nào ghi lên giấy, vì hồi ấy tôi không biết ghi và ngày nay tôi không nhớ hết. Nhưng mỗi lần thấy mấy em nhỏ rụt rè núp dưới nón mẹ lần đầu tiên đến trường, lòng tôi lại tưng bừng rộn rã.

Image

Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học.

Tôi không lội qua sông thả diều như thằng Quý và không ra đồng nô hò như thằng Sơn nữa.

Trong chiếc áo vải dù đen dài tôi cảm thấy mình trang trọng và đứng đắn.

Dọc đường tôi thấy mấy cậu nhỏ trạc bằng tôi, áo quần tươm tất, nhí nhảnh gọi tên nhau hay trao sách vở cho nhau xem mà tôi thèm. Hai quyển vở mới đang ở trên tay tôi đã bắt đầu thấy nặng. Tôi bặm tay ghì thật chặt, nhưng một quyển vở cũng chì ra và chênh đầu chúi xuống đất. Tôi xóc lên và nắm lại cẩn thận. Mấy cậu đi trước sách vở thiệt nhiều lại kèm cả bút thước nữa. Nhưng mấy cậu không để lộ vẻ khó khăn gì hết.

Tôi muốn thử sức mình nên nhìn mẹ tôi:

- Mẹ đưa bút thước cho con cầm.

Mẹ tôi cúi đầu nhìn tôi với cặp mắt thật âu yếm:

- Thôi để mẹ nắm cũng được.

Tôi có ngay cái ý kiến vừa non nớt vừa ngây thơ này: chắc chỉ người thạo mới cầm nổi bút thước.

Ý nghĩ thoáng qua trong trí tôi nhẹ nhàng như một làn mây lướt ngang trên ngọn núi.

Image

Trước sân trường làng Mỹ Lý đầy đặc cả người. Người nào áo quần cũng sạch sẽ, gương mặt cũng vui tươi và sáng sủa.

Trước đó mấy hôm, lúc đi ngang làng Hòa An bẫy chim quyên với thằng Minh, tôi có ghé trường một lần.

Lần ấy trường đối với tôi là một nơi xa lạ. Tôi đi chung quanh các lớp để nhìn qua cửa kính mấy bản đồ treo trên tường. Tôi không có cảm tưởng gì khác là nhà trường cao ráo sạch sẽ hơn các nhà trong làng.

Nhưng lần này lại khác. Trước mặt tôi, trường Mỹ Lý vừa xinh xắn vừa oai nghiêm như cái đình Hòa Ấp. Sân nó rộng, mình nó cao hơn những buổi trưa hè đầy vắng lặng. Lòng tôi đâm ra lo sợ vẩn vơ.

Cũng như tôi, mấy cậu học trò mới bở ngỡ đứng nép bên người thân, chỉ dám nhìn một nữa hay dám đi từng bước nhẹ. Họ như con chim con đứng trên bờ tổ, nhìn quãng trời rộng muốn bay, nhưng còn ngập ngừng e sợ. Họ thèm vụng và ước ao thầm được như những học trò cũ, biết lớp, biết thầy để khỏi phải rụt rè trong cảnh lạ.

Sau một hồi trống thúc vang dội cả lòng tôi, mấy người học trò cũ đến sắp hàng dưới hiên rồi đi vào lớp. Chung quanh những cậu bé vụng về lúng túng như tôi cả. Các cậu không đi. Các cậu chỉ theo sức mạnh kéo dìu các cậu tới trước. Nói các cậu không đứng lại càng đúng hơn nữa. Vì hai chân các cậu cứ dềnh dàng mãi. Hết co lên một chân, các cậu lại duỗi mạnh như đá một quả banh tưởng tượng. Chính lúc này toàn thân các cậu cũng đang run run theo nhịp bước rộn ràng trong các lớp.

Ông đốc trường Mỹ Lý cho gọi mấy cậu học trò mới đứng lên trước lớp ba. Trường làng nhỏ nên không có phòng riêng của ông đốc. Trong lúc ông đọc tên từng người, tôi cảm thấy như quả tim tôi ngừng đập. Tôi quên cả mẹ tôi đang đứng sau tôi. Nghe gọi đến tên, tôi tự nhiên giật mình và lúng túng. Sau khi đọc xong mấy mươi tên đã viết sẵn trên mảnh giấy lớn, ông đốc nhìn chúng tôi nói sẽ:

- Thế là các em đã vào lớp năm. Các em phải cố gắng học để thầy mẹ được vui lòng, và để thầy dạy chúng em được sung sướng. Các em đã nghe chưa? (Các em đều nghe nhưng không em nào dám trả lời. Cũng may đã có tiếng dạ rang của phụ huynh đáp lại).

Ông đốc nhìn chúng tôi với cặp mắt hiền từ và cảm động. Mấy cậu học trò lớp ba cũng đua nhau quay đầu nhìn ra. Và ngoài đường cũng có mấy người đứng dừng lại để nhìn vào. Trong những phút giây này chúng tôi được người ta ngắm nhìn nhiều hơn hết. Vì vậy đã lúng túng chúng tôi càng lúng túng hơn.

Ông đốc lấy cặp kính trắng xuống rồi nói:

- Thôi, các em đứng đây sắp hàng để vào lớp học.

Tôi cảm thấy sau lưng tôi có một bàn tay dịu dàng đẩy tôi tới trước. Nhưng người tôi lúc ấy tự nhiên thấy nặng nề một cách lạ. Không giữ được chéo áo hay cáng tay của người thân, vài ba cậu đã từ từ bước lên đứng dưới hiên lớp. Các cậu lủng lẻo nhìn ra sân, nơi mà những người thân đang nhìn các cậu với cặp mắt lưu luyến. Một cậu đứng đầu ôm mặt khóc. Tôi bất giác quay lưng lại rồi dúi đầu vào lòng mẹ tôi nức nở khóc theo. Tôi nghe sau lưng tôi, trong đám học trò mới, vài tiếng thút thít đang ngập ngừng trong cổ. Một bàn tay quen nhẹ vuốt mái tóc tôi.

Image

Ông đốc nhẫn nại chờ chúng tôi.

- Các em đừng khóc. Trưa này các em được về nhà cơ mà. Và ngày mai các em lại được nghỉ cả ngày nữa.

Sau khi thấy hai mươi tám cậu học trò sắp hàng đều đặn dưới hiên trường, ông đốc liền ra dấu cho chúng tôi vào lớp năm. Một thầy trẻ tuổi, gương mặt hiền từ, đang đón chúng tôi vào cửa lớp. Trong thời thơ ấu tôi chưa bao giờ xa mẹ tôi như lần này. Tôi cũng lấy làm lạ vì có nhũng hôm đi chơi suốt cả ngày với chúng bạn ở đồng làng Lệ Xá, lòng tôi vẫn không cảm thấy xa nhà hay xa mẹ tôi chút nào hết.

Một mùi hương lạ xông lên trong lớp. Trông hình gì treo trên tường tôi cũng thấy lạ và hay hay. Tôi nhìn bàn ghế chỗ tôi ngồi rất cẩn thận rồi tự nhiên nhận là vật riêng của mình. Tôi nhìn người bạn tí hon ngồi bên tôi, một người bạn tôi chưa hề biết, nhưng lòng tôi vẫn không cảm thấy sự xa lạ chút nào. Sự quyến luyến ấy tự nhiên và bất ngờ quá đến tôi cũng không dám tin là có thật. Một con chim con liệng đến đứng trên bờ cửa sổ, hót mấy tiếng rụt rè rồi vỗ cánh bay cao.

Tôi đưa mắt thèm thuồng nhìn theo cánh chim. Một kỷ niệm cũ đi bẫy chim giữa cánh đồng lúa bay trên bờ sông Viêm sống lại đầy dẫy trong trí tôi.

Nhưng những tiếng phấn của thầy tôi gạch mạnh trên bảng đen đã đưa tôi về cảnh thật. Tôi vòng tay lên bàn chăm chỉ nhìn thầy viết và lẩm bẩm đọc: Bài tập viết: Tôi đi học"


Image

User avatar
khieulong
Posts: 6752
Joined: Wed Dec 01, 2004 9:09 pm
Been thanked: 1 time

Post by khieulong »

Image

TRƯỜNG XƯA BẠN CŨ .
Khiếu Như Long.

Tôi đã lặng người trong niềm xúc động vô cùng khi nhìn lại hình ảnh của mái trường Hồ Ngọc Cẩn thân yêu trong những năm tháng xa rồi của những ngày đi học . Niềm xúc động ấy làm tôi như đến rưng rưng khi nhìn thấy hình bóng của các thầy cô thân thương và bạn bè yêu dấu đang hiển hiện trước mắt của mình. Thời gian vô tình vẫn trôi qua , ngoảnh mặt lai , chúng tôi , cả thầy lẫn trò những mái tóc đã nhuốm bạc màu sau những tháng năm dài chồng chất .

Xin được gởi lời cám ơn trân trọng đến những người đã góp công , góp sức để thực hiện trang Web HNCLVD này. Ðây là một việc rất đáng biểu dương và vô cùng trân quý , Trang Web này đã giúp chúng ta, nhũng cánh chim Hồ Ngọc Cẩn có cơ hội tìm về nơi tổ ấm , tìm về với nhau trong vòng tay yêu thương , và cũng để cho chúng ta bày tỏ được sự tri ân của tình ngĩa thầy trò mà trong nếp sống đạo đức của người Việt Nam chúng ta lúc nào cũng trân quý . Trang Web LVD/HNC đã làm lòng tôi như ấm lại , Tôi đã thấy mình như một lữ khách xa nhà trên đường trở lại cố hương, chân quen buồn, bước thấp bước cao, khi tới được đầu làng , nhìn xa xa thấy lại ngôi nhà thân yêu của mình với bao nhiêu ấm nồng dưới những ánh lửa bập bùng trong cơn lạnh của một buổi chiều đông giá buốt.

Tôi vào trường Hồ Ngọc Cẩn năm 1959. Ngày đó trường Hồ Ngọc Cẩn là trường Trung học công lập duy nhất của tỉnh Gia Ðịnh . Muốn được vào học , các học sinh phải qua được kỳ thi tuyển Ðệ Thất được tổ chức hàng năm sau khi đỗ xong bằng Tiểu Học . Lớp học đầu tiên của tôi nằm ở dãy bên tay trái của cổng vào trường , tôi còn nhớ dãy lớp này sát bên Trường Tiểu học Nam Tỉnh Lỵ đối diện với chợ Bà Chỉểu .Nỗi háo hức của một cậu học trò mới lớn được đi học trường công, nỗi hãnh diện hơn những bạn bè trong chòm xóm của mình đã làm tôi bước vào ngôi trường mới với nhũng bước chân sáo tung tăng và trong lòng đậm một niềm vui vô kể .

Trong những thầy cô của tôi thời gian học từ đệ Thất đến đệ Tứ . Không hiểu sao cũng như hầu hết những bạn học khác . Người gây cho tôi những tình cảm lưu luyến nhất vẫn là cô Ngọc Anh , cô Anh dạy tôi môn Vạn Vật cả hai lớp Ðệ Ngũ và Ðệ Tứ . Ngày ấy cô Anh còn rất trẻ và đẹp lắm , cô lại thật hiền và rất là nhỏ nhẹ với các học trò của mình . Hình như trong một lúc nào đó , cô đã là một thần tượng dịu hiền trong trái tim nhỏ bé của tôi . Hình ảnh của cô ngày xưa nói theo bây giờ , thì như là hình ảnh một nàng công chúa hay là một nàng thơ diễm kiều trong các chuyện thần tiên của những anh chàng thích mộng thích mơ và thich thơ thích thẩn .Tôi học môn này cũng chăm , nên cô đã cho tôi những điểm và những lời phê rất tốt ..

Người thứ hai mà tôi nhớ đến là cô Ðỗ Nguyên Phi Phượng , Cô Phượng day tôi môn Việt văn đệ Ngũ , so sánh với cô Ngọc Anh thì cô Phượng có một nét đẹp rất là tương phản , nét đẹp của cô Phượng sắc sảo , sống động và rất hồn nhiên vui tươi.khác hẳn với nét đẹp dịu hiền của cô Ngọc Anh . Hồi đó đi dạy , cô Phượng thường mặc bộ áo dài màu trắng , tôi không biết có phải là áo lụa Hà Ðông hay không , nhưng nhìn đẹp lắm , thêm cô lại rất trẻ nên nhìn cứ như là một cô nũ sinh của một lớp đàn chị mà thôi . Mấy ông đàn anh Ðệ nhị của tôi ngày đó , anh nào anh ấy mắt cứ thòm thèm nhìn trộm và ngẩn ngơ con cá vàng , cá chép . Trong cái cảm xúc non dại lúc ấy của tôi, tôi thấy rất bực mình trong bụng , và vì muốn binh vực cho cô của mình , tôi cứ lầm bầm , nếu em mà lớn như các anh thì em sẽ thụi cho các anh mỗi người mấy quả .

Ngoài Cô Phượng , cô Ngọc Anh , thời gian đó tôi còn học với các cô Diệu Hương , Cô Tuy , Cô Hoa , cô Ngoạn . Trong tất cả các cô , tôi vẩn ngán nhất là cô Ngoạn , vì tơ lơ mơ là cô cho ăn trứng một cách không thương tiếc , chắc vì nhà cô có sạp bán trứng vịt hay chăng . Thầy Anh Văn đầu tiên của tôi thời đó là thầy Nguyễn Chi Hoa , thầy rất hiền lành , rất đẹp trai với đôi kính cận . Như một bạn nào đó nhắc lại , ngày xưa bắt đầu học quyển Langlais Vivant , trong đó có cái bài hát chèo thuyền " Rào Rào your boat " mà bây giờ nhớ lại những lần hát hò trong lớp , tôi đã tưởng tượng, thay vì mình chèo thuyền thì không chèo mà đi trèo lên quan dốc, để ngồi gốc í a cây đa , đi tìm mấy cô gái Bắc Ninh quan họ . Ngoài thầy Chi Hoa những thầy khác , tôi còn nhớ là thầy Trần Thế Xương day Quốc văn, thầy Chính dạy Sử , thầy Sửu dạy Công Dân , thầy Cát dạy Hóa học , thầy Thăng dạy nhạc, thầy Lục dạy toán , thầy Huệ dạy vẽ . có cả thầy Trần văn Ðiền sau này . Thầy Xương dạy môn văn rất là hay và lôi cuốn , Còn thầy Lục mỗi khi thấy tôi là cứ lắc đầu và bảo " Sao mày dốt thế .".hay là " Ðã dốt mà lạicòn thêm làm biếng ".và tôi cứ lủi thủi tủi thân mà buồn .ơi là buồn ....Thầy giáo thì thường không nhớ hết những học trò của mình , trừ những anh học thật giỏi , hoăc những chàng chuyên viên phá phách có tiếng . Tôi thì không nằm trong những thứ hạng đó , mà tôi lẫn lộn nằm trong cái hạng nửa chừng xuân , nên rất thuận lợi trong vấn đề lặn hụp vì không ai để ý .

Nếu chỉ nói đến trường , đến thày cô mà không nhắc đến cái góc nhỏ nằm phía cuối Phòng Thí Nghiệm thì quả là một điều thiếu sót . Ðó chính là cái địa điểm thư dãn , vung vít của chúng tôi trong giờ ra chơi . Những miếng bánh mì chiên tôm , những gói xôi đậu xanh , những miếng bánh khúc , rồi thì những viên kẹo đủ màu sặc sỡ , cùng những cục đá nhận xirô màu xanh màu đỏ , những trái ổi, trái cóc , trái mận chính là những chất liệu phục hồi cho những cơ năng non nớt của chúng tôi sau những giờ trong lớp học hành căng thẳng . Tôi có thằng bạn cùng lớp tên Vũ Thế Ðàn mà người nhà của nó hình như là chú gác dan của nhà trường , chính vợ của chú ấy phụ trách bán hàng trong trường . Vì vậy , mới oắt tỳ con mà tôi đã biết thế nào là credit với cuốn sổ ghi thiếu mua quà vô cùng lịch sự từ dạo đó .

Khi bước qua Ðệ nhị cấp , lúc này tình cảm chúng tôi bắt đầu có những đổi thay và cơ thể bắt đầu trổ mã. Ðó là có những lúc vừa ngồi trong lớp học mà vừa mơ mết mơ màng về một tà áo trắng Lê Văn Duyệt nào đó đang tung bay trong các quả tim còn non nớt của chúng tôi. Bản thân tôi là một thằng khờ khạo nhất trong những thằng khờ khạo , khờ như chú nai vàng chưa có sừng của nhà thơ Lưu Trọng Lư đang đạp trên những chiếc lá vàng khô. Ấy vậy mà cũng đã bắt đầu mơ mộng vẩn vơ , Nhìn mấy thằng bạn quỷ quái, thằng nào cũng có một nàng để nhớ để thương , mà mình chả có con ma nào nên lòng cứ là sót ruột . Nhiều lúc tôi cứ tự hỏi , biết đến bao giờ mình mới có một người yêu để mà mình trổ tài làm thơ con cóc tặng nàng , hoặc ngon lành hơn một bước là có thể nắm tay nắm chân người yêu mà nhìn trời hiu quạnh .

Thời gian học ở Ðệ nhị cấp , Hai người thầy đã cho tôi nhiều ấn tượng nhất đó là thầy Doãn Quốc Sỹ và Vũ văn Hải dạy Việt văn . Các thầy rất thương tôi vì những kết quả thật tốt của tôi vê môn học khó ăn này .Và chính những nét phóng khoáng như bất cần đời , bình thản trước mọi việc của hai thầy đã ảnh hưởng rất nhiều trong đời sống của tôi khi bước vào đời với nhiều sự chua cay và phức tạp . Bên cạnh đó thầy Nguyễn Phương Yêm là thày day chúng tôi môn Công Dân thay cho thầy Sửu cũng gây trong tôi rất nhiều ấn tượng khó quên . Ngày thầy ấy đến nhận nhiệm sở và lên lớp , phong thái của thầy đã làm chúng tôi lác mắt cả ra .

Ngày xưa các thầy của chúng tôi thường là rất giản dị và đơn sơ trong cách ăn mặc khi đi dạy , Thường chỉ quần tây , áo sơ mi bỏ trong quần , thầy nào lịch sự thì thắt thêm cái cà vạt sậm màu như là thầy Tâm , thầy Ðộ . Phương tiện của các thầy là những chiếc xe Lambretta , Vespa hoặc là gắn máy . Ðằng này thày Yêm của tôi đã đến trường bằng chiếc xe hơi mui trần bóng loáng .Thêm vào đó bộ áo veston màu mỡ gà , cộng thêm cái cặp da đen nhánh đã làm thầy nhìn cứ như là một Chủ nhân ông hào hoa bảnh chọe . Hỏi ra thì mới biết , lúc ấy thầy đã tốt nghiệp trường Luật , đã có làm việc ở Văn phòng Luật sư nên khi đi dạy thêm , thày đã có một dáng dấp rất là phong thái . Sau này tôi nghe nói thầy chuyển qua làm chính trị và đắc cử vào Thượng Nghị Viện VNCH trong liên danh với ông Trần Văn Lắm.
Cách dạy của thày Yêm cũng khác mọi thầy . Thường thì trước khi vào bài học mới , các thày hay truy bài lần trước . Ðây là lúc mấy anh chàng làm biếng không thuộc bài cứ ngồi im tim thíp như mít đóng cọc , mặt chàng nào bên ngoài cũng có vẻ tươi tắn như cho thày biết là bài học, ta đã thuộc làu làu như cháo , mà thực ra mải chơi quá nên chẳng thuộc chũ nào . Mấy chàng ấy mà gặp cô Ngoạn truy bài thì đời các chàng sẽ tròn trĩnh như quả trứng gà lâu ngày muốn bể . Thầy Yêm trái lại , thầy cứ tươi như hoa và hỏi rất vui vẻ ," Có em nào thuộc bài, muốn lên trả bài hay không ?" Chàng nào thuộc dơ tay , thày cho lên bảng trả bài và nếu thuộc thì sẽ sung sướng và nở mũi vô cùng ví thày sẽ cho một cái điểm rất ngọt ngào là 20 điểm hoặc là 19 điểm rồi về chỗ . Chính cái phương pháp này mà trong giờ học của thầy, mấy đứa chúng tôi thằng nào cũng thuộc bài vanh vách , và nó đã làm tôi nhớ thày cho đến mãi hôm nay ..

Bên cạnh những thầy cô thương yêu của tôi , đám bạn bè hồn nhiên cùng lứa tuổi trong những ngày tháng kỷ niệm học trò , chính là những hành trang đậm đà mà tôi không thể nào quên trong ký ức của mình . Ngày đó nhà tôi nghèo lắm , Cha tôi mất sớm khi em gái tôi mới vừa một tuổi , không bà con họ hàng , không người nương tựa , nhưng mẹ tôi đã can đảm bỏ tất cả để di cư vào Nam với hai bàn tay trắng trốn chạy Cộng Sản mang theo hai đứa con còn thơ dại của mình , Lúc ấy chúng tôi mướn được một căn nhà lá nhỏ nằm trong cái xóm nghèo sau đường Lê Quang Ðịnh và Phan văn Trị khu Ðồng Ông Cộ . Căn nhà ọp ẹp nằm cạnh một cây khế thật cao , mùa khế chín , những trái khế rơi trên mái nhà nghe lộp độp lạnh lùng mang theo một âm vang thật buồn hiu trong khô héo . Những bạn tôi thời đó như Nghiêm Xuân Trường , Phạm đình Hồ , Phạm văn Ðích , đều học chung Hồ Ngọc Cẩn với tôi , nhà tụi nó ở sát cạnh bên và chúng tôi lúc nào cũng bên nhau trong các cuộc chơi như đánh đáo , bắn chim , thả diều , bắt cá . Hồi ấy nhà nghèo đến nỗi mẹ tôi chỉ may được cho tôi mõi bộ đồng phục quần xanh áo trắng để đi học , không có được đến bộ thứ hai , thành ra khi đi học về là cứ xà lỏn cởi trần và chạy chơi long nhong trong xóm . Nhà của tôi nằm ngay trên cái ngõ của lối đi chính đi từ đường Lê Quang Ðịnh tắt ngang Phan Văn Trị . Mỗi buổi chiều, mặc dù mới nứt mắt tụi tôi đã biết cùng nhau tụ tập ở dưới một gốc cây vú sữa đã già đầy bóng mát bên đường để ngóng nhìn mấy cô bé học trường Cấp Tiến đi về , thằng này nhìn thằng kia rồi cười ngô nghê với nhau khúc kha khúc khích .

Khi học lên lớp Ðệ Tam thì nhà tôi dọn về khu Hàng Dừa số 1 nằm ngay khu Lăng Ông Bà chiểu và cũng rất gần trường Lê văn Duyệt . Những buổi chiều tan trường , hình ảnh những chiếc áo dài trắng tung bay trong gió , phải nói là những hình ảnh tuyệt vời vẫn còn hiện diện trong tôi tới mãi hôm nay . Con đường Lăng ông là con đường với nhũng hàng cây Sao thẳng tắp , những chiều gió nổi , nhất là vào mùa Thu khi lá đã trở úa vàng , màu lá vàng của vấn vương , của yêu thương , của tình yêu đầu đời bay ngào ngàn trong không gian , thêm những cánh lá chuồn chuồn huyền ảo cứ như đưa tôi bay cao , bay cao và hồn tôi như mãi lang thang về một phương trời thật xa xôi, tự tình đầy phiêu lãng .

Thời gian đó , phong trào các Thi Văn Ðoàn rất là thịnh hành trong các sinh hoạt văn hóa nơi trường học, Hai thằng bạn thân của tôi là Nguyễn Phước Mỹ và Trần minh Triết không biết tụi nó tìm cách nào mà quen được mấy cô Lê Văn Duyệt và cũng kéo tôi chui vào được cái Thi Văn Ðoàn mà tôi còn nhớ mãi với cái tên rất là mộc mạc . Khi chọn tên choThi Văn Ðoàn thường thì người ta chọn một cái tên có cái vẻ ướt át hoặc trữ tình một chút như là Mắt Tím , Môi Hồng hoặc là Phấn thông vàng ..Hoa Thương Nhớ v...v....Cái Thi văn đoàn của tụi tôi, chị trưởng nhóm chọn một cái tên rất là dễ nhớ , mà đúng thật, tôi vẫn nhớ cái tên đó cho đến bây giờ , đó là TVÐ " Trăng Rụng Xuống Cầu" , Cái tên này hầu như ai cũng phải biết vì nó là tên cái bản nhạc nổi tiếng của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ mà trong các xóm lao động , mấy chàng thanh niên thường hay hát tỉ tê " Ai đang đi trên cầu Bông , Té xuống sông ướt cái quần Nylon , Vô đây em , dù trời khuya anh sẽ đưa em về ". Tụi tôi lúc đầu phản đối dữ lắm , nhưng chị trưởng nhóm này chằng lắm ," Mấy cậu không vào thì thôi tớ đếch cần ". Ba đứa tôi đành phải chịu thôi , vì đây là cái môi trường tốt lành để chúng tôi có thể làm quen với mấy nàng Lê Văn Duyệt . Sau này hỏi ra thì sở dĩ chị chàng chọn tên này vì cái tên trong giấy khai sinh của chị là Nguyễn thị Sông Cầu , Chị thích chọn cái tên này vì trong ấy có cái tên cúng cơm mĩ miều và ướt át của chị . Bây giờ nhiều lúc ngồi nghĩ lại tôi cứ thấy buồn cười và tủm tỉm một mình trong thích thú .

Như Thạch Bích đã tả trong một đoản văn , Từ trường Lê Văn Duyệt đi thẳng lên hướng cầu Bông , chúng ta phải đi qua Chợ chiều , trại cưa Trần Phát , tiệm dậy đánh máy Nguyên Hưng và nhà vẽ Bướm Vàng , Qua khỏi cầu Bông là tới ngã tư ÐaKao kế tiếp là rạp Cine Casino ÐaKao và tiệm thạch chè Hiển Khánh . Tại cái tiệm thạch chè này , tôi đã có một kỷ niệm nhớ đời không thể nào quên, trong những tháng ngày đi học . Vào một buổi trưa tan trường như thường lệ , bữa đó không biết hai thằng bạn quỷ quái của tôi là Triết và Mỹ , tụi nó hẹn được nguyên cả nhóm Lê Văn Duyệt đi ăn chè Hiển Khánh , Tôi hồi nào đến giớ rất là khờ khạo , được đi ăn chè là thích rồi , đằng này lại được đi với mấy cô Lê Văn Duyệt nữa thì ôi là vinh hạnh và sung sướng quá. Vào tiệm hai thằng bạn tôi cùng với mấy cô chuyện trò , cười nói ròn tan , bánh xu xê , bánh cốm , bánh gai mấy cô cứ ăn xối xả , ăn một cách không gì thương tiếc . Ðang nửa chừng hai thằng bạn tôi đứng lên bảo tôi "Mày cứ ở lại chờ, để tụi tao đi mua thuốc lá tụi tao về ngay ", và tụi nó vọt rất nhanh không để lại một chút gì ân hận . Mấy cô Lê Văn Duyệt ăn no cũng từ từ cùng nhau vui vẻ đứng lên bỏ ra về, sau khi cám ơn rối rít . Ôi lúc ấy mặt tôi cứ đực ra như là con ngỗng đang bị quay , Trong túi thì chỉ có mấy đồng , mà cả bọn , chúng nó ăn tới mấy chục , tiền đâu mà trả bây giờ . Hai thằng bạn tôi tụi nó nói là sẽ trở lại , nhưng giác quan thứ bẩy của tôi đã cho tôi biết là " Em biết anh đi chẳng trở về " trong bài thơ của Thi sỉ Thái Can thời tiền chiến . Tôi lúc ấy như muốn độn thổ để trốn mà thôi , Ngồi chết dí một lúc , rồi cũng phải giải quyết vấn đề . Tôi nhẹ nhàng đứng lên trân trọng lại gần ông chủ quán năn nỉ với một điệu bộ vô cùng thành khẩn , mềm mại như con chi chi xin thiếu . May quá ông ấy cũng quen mặt tụi tôi , và ông ấy cười cười thông cảm và đồng ý cho thiếu đến ngày mai mang tiền lại trả .

Tuổi học trò là những ngày tháng buồn vui như vậy đó , Tôi vẫn nhớ vẫn thương những bạn tôi cho đến bây giờ ,dù chúng tôi có những lúc thật vui , nhưng cũng có những lúc tức đến muốn hộc cả máu mồm vì nghịch ngợm . Ðó là nhũng ngày tháng không thể nào quên của tôi và chúng ta sẽ không bao giờ còn gặp lại nhũng ngày tháng đó , trong đời người đầy lãng quên và ngắn ngủi .
Người ta thường nói lá rụng rồi sẽ về lại với côi nguồn , đó là triết lý về thân phận con người , mà chúng ta thường chấp nhận một cach tự nhiên không chối cãi , Từ cát bụi chúng ta đã đến với cuộc đời , rồi một ngày nào khi nhắm mắt buông tay chúng ta cũng sẽ trở về cát bụi như từ thưở hồng hoang xa thẳm .
Trong một thoáng này đây , tự nhiên tôi bỗng có một cái ý tưởng rất lạ lùng Tôi thấy đời mình như những dòng nước trên nhũng con sông , con suối nào đó đang cuồncuộn chảy , những dòng nước đó có hiền hòa , bình yên hay cuồng loạn , nó sẽ tùy thuộc vào những thác ghềnh mà nó phải chảy qua . Nhưng cuối cùng tất cả các dòng nước nào đó rồi sẽ một ngày đều phải qui tụ về lòng biển yêu thương bát ngát . Là dòng nước nước nhỏ nhoi thầm lặng , tôi muốn được khi về biển , từ biển tôi lại muốn bốc lại thành hơi , thành những đám mây chập chùng để tôicó thể bay về lại côi nguồn của tôi , về những dòng sông xưa mang đầy dấu yêu kỷ niệm . Tôi sẽ là những hạt mưa rơi xuống trên rừng núi ngút ngàn , tôi sẽ rơi trên đồng ruộng khô cằn tàn úa của quê hương tôi hay là tôi lại rơi về trên dòng sông của ngày nào để tiếp tục nổi trôi theo dòng thác cuộc đời quên lãng .

Kính thưa các thầy cô thương yêu của tôi , Xin cho tôi được gởi đến tất cả lời tri ân chân thành , thân quí nhất từ đáy sâu của tâm hồn chúng tôi đến tất cả những người đã dạy dỗ chúng tôi ỡ nhũng bước chập chững của thuở mới vào đời , Các thầy cô đã dạy chúng tôi những kiến thức cần thiết phải có , các thày cô đã dạy chúng tôi sống thế nào cho có nghĩa tình , sống thế nào cho có đạo đức và các thày cô đã dạy chúng tôi thế nào để trở thành một người hữu dụng trong cuộc sống . Một góc độ khác là sống thế nào để hãnh diện là một người xuất thân từ một ngôi trường vang danh ....Trường Hồ Ngọc Cẩn . ...

Với những thày cô đã yên nghỉ và vĩnh viễn ra đi , xin cho tôi được tháp nén hương lòng ngậm ngùi tưởng nhớ , xin cúi đầu trong xúc động nghĩa ân , xin cho những giọt nước mắt được rơi trên những ân tình nồng ấm thày trò ...xin được vô cùng tiếc thương trong nhung nhớ ...

Những bạn bè yêu dấu của tôi , đứa còn lang bạt giang hồ viễn xứ , đứa ấm êm trong nhung lụa sang giầu , đứa đã nằm xuống cho quê hương khốn khổ đọa đày .... Các bạn sống còn , xin các bạn hãy để một phút giây nhớ đến nhau , nhớ về mái trường xưa mà trong đó tuổi thơ của chúng ta bây giờ chỉ còn chăng là kỷ niệm, Cuộc sống có khác biệt như thế nào, nhưng thời gian rồi sẽ lặng qua , một lúc nào sực tỉnh ta sẽ không thẹn lòng là mình không phải những con người vong tình , bội nghĩa .

Tôi ngả người nằm dài trên chiếc ghế dựa ở phía sau nhà , Gió từ biển thổi về mang theo cái cảm giác lạnh buồn đến ray rứt , thời gian đã qua vội thật nhanh , mới ngày nào mà đã hơn bốn mươi năm chồng chất , tôi đã làm được gì , nhận được gì trong cuộc sống này đây , tóc đã bạc màu mà chí chưa thành danh chưa toại .Ôi còn chăng là những phút giây với kỷ niệm dấu yêu mặn nồng , những kỷ niệm trường xưa bạn cũ thật ấm áp , nhẹ nhàng , yêu thương , những kỷ niệm mà tôi nghĩ sẽ ở mãi bên tôi như những hành trang cuối cùng cho tới ngày tôi phải đi về nơi phù du một cõi .......

Khiếu Như Long
( HNC 5966 )

User avatar
bichphuong
Posts: 569
Joined: Mon Apr 25, 2016 12:10 am
Been thanked: 1 time

Post by bichphuong »

Image

Chỉ Còn Lại Mùa Đông

Chỉ còn lại mùa đông
Bên khóm hồng tàn úa
Lời nguyện cầu cùng chúa
Cho em chốn xa xôi

Chỉ còn lại mình tôi
Lang thang vùng kỷ niệm
Tìm chút gì chiêm nghiệm
Những ngày tháng bên nhau

Chỉ còn lại mùa đau
Đêm giáng sinh đôi ngã
Để bây giờ tình đã
Theo gió về chân mây

Chỉ còn lại nơi đây
Hồi chuông buồn lặng lẽ
Con tim giờ quạnh quẽ
Đêm đón chúa ra đời

Sao chợt cơn mưa rơi
Trong đêm đông đầy gió
Chỉ còn tình tôi đó
Trôi theo sóng mênh mông


Khiếu Long

User avatar
bichphuong
Posts: 569
Joined: Mon Apr 25, 2016 12:10 am
Been thanked: 1 time

Re: Tìm nhau ngày tháng cũ.

Post by bichphuong »

Image

Nguồn gốc tên gọi “Đồng ông Cộ” và chữ “cộ” có từ đâu!


Đồng Ông Cộ

Đồng bào ở tỉnh Gia Định từ xưa tới nay thường nghe nói đến tên “Đồng Ông Cộ” nhưng không hiểu rõ cụm từ này do ai đặt ra mà được truyền tụngmãi đến ngày nay.

Ở miền Nam chúng ta, địa phương nào cũng có nhiều huyền thoại, giai thoại truyền khẩu trong dân gian, lâu ngày trở thành một địa danh.

Chúng tôi, người tình nguyện vạch bóng thời gian,ghi lại những sự việc xảy ra từng vùng,từng địa phương, để hiến quí bạn đọc hiểu rõ nguồn gốc từ thuở xa xưa nơi địa phương chính mình. Theo một vài vị bô lão cố cựu sinh quán tại Gia Định, thuật lại sự tích “Đồng ông Cộ” cho chúng tôi biết như sau.

Đất Gia Định ngày xưa rộng lớn hoang vu, dân chúng ở rải rác từng nhóm theo ruộng gò nổng, rừng chòi dày đặc,đường sá chưa được khai mở, lối đi vất vả khổ cực.

Khu đất “Đồng ông Cộ” này ngày xưa thuộc vùng sát cận trung tâm tỉnh Gia Định. Nó ăn từ chợ (ngã ba trong) dài tới cầu Hang; vòng ra đường Nguyễn Văn Học, phía bên này cầu Bình Lợi nó ăn sâu luôn phía trong có hơn 10 cây số, rồi vòng ra khu Hàng Xanh phía lò heo cũ Gia Định chạy dài tới ngã năm Bình Hoà.

Toàn thể khu vực rộng lớn như vậy,thuở xưa không có lấy một con lộ cái quan nào để dân chúng xê dịch. Dân cư trong vùng, sinh sống về nghề ruộng nương, rẫy bái, làm nghề hạ bạc (đánh cá) dọc theo sông cầu Bình Lợi, cầy Băng Ky bây giờ. Những khoảng đất không được khai phá thì toàn là rừng chồi cây lùm mọc rậm rạp.

Về sau, Tây lấy Gia Định rồi thì mở mang quốc lộ đi Thủ Đức và khu sát rìa quốc lộ, ăn sâu vô hằng 5-7 cây số (từ phía Gia Định lên nằm bên tay mặt),được Tây khai phá làm rừng cao su. Toàn thể một khu đồng ruộng mênh mông như vậy, hơn phân nửa đất đai toàn là rừng rậm, dân cư lại ít nên không có nhiều đường mòn để xê dịch. Dân chúng di chuyển bằng ngựa cũng không tiện chớ đừng nói chi đến dùng xe bò hoặc xe trâu. Đây khác hơn mọi nơi là chỗ đó!

Mỗi khi dân cư trong vùng này muốn ra tỉnh, lúc đó là thành Gia Định, có việc cần kíp, hoặc rước thày trị bệnh, hoặc tải hàng rẫy, gạo thóc ra chợ bán,hoặc mua đổi các thứ cần thiết đem về dùng…. thật là muôn vạn khó khăn. Chỉ có những trai tráng khoẻ mạnh mới có thể di chuyển nổi hằng mấy chục cây số đường lồi lõm không khác lên thác xuống ghềnh, khu đất này lại nhiều chỗ dốc lên, dốc xuống, đồi nổng..v.v..

Rất ít chỗ được khai phá, thành giồng như xuyên rừng vậy. Mà hễ mỗi lần đi như vậy thì ruộng nương, rẫy bái ở nhà lại không ai khai phá, làm lụng sản xuất. Lại mỗi lần đi ra thành thì lại mất ít nhất 2 ngày – 1 ngày đi, 1 ngày về mua bán, đổi chác.

Một ngày, bỗng dưng người ta thấy trước cổng nhà của một ông Phú Hộ với nhà ngói 3 gian, 2 chái, 1 dãy nhà bếp, nền đúc cao treo tấm bảng lớn đề mấy chữ:
“Đảm nhận ‘Cộ’ người và hàng hoá đi khắp nơi”.

Đồng thời với tấm bảng treo lên, ông Phú Hộ trong vùng gọi là ông Ba Phú Hộ truyền thâu dụng tất cả thanh niên vạm vỡ trong toàn khu, hay bất cứ nơi nào, muốn có chuyện làm, ngoài nghề ruộng rẫy.
Đồng ông Cộ ngày nay thuộc địa phận phường 12, quận Bình Thạnh

“Cộ người và hàng”! Đó là một lối tải người và hàng hoá giản tiện hơn cả võng hay kiệu.

Ông Ba Phú Hộ bèn cho dân đan những tấm vạc bằng tre, hai đầu có 4 lóng tre ló ra giống như cái băng ca nhà thương khiêng bệnh, để người đầu trước người đầu gác lên hai vai, khách thì ngồi ở vạc tre khúc giữa thòng chân lủng lẳng để người “Cộ” đi.Hàng hoá thì lại để ở khoảng giữa, thay vì tấm vạc tre đương thì nó là một miếng ván dày để có thể chất nhiều đồ mà không bị oằn chính giữa.

Người sử dụng muốn mướn chỉ cần cho ông Ba Phú Hộ hay trước, cho biết nhà rồi thì sáng sớm, khi gà vừa gáy là có dân phu mang “Cộ” đến tận nhà mà rước người, hoặc “Cộ” hàng đi ra thành Gia Định.Từ đó, dân cư bắt đầu xê dịch dễ dàng, không nhọc mệt, bận tâm, hay tốn hao người mỗi khi tải hàng đi ra thành.

Rồi thì, thời gian trôi qua, địa danh xuất hiện theo miệng người cư ngụ trong vùng. Khi hỏi:
– Ở đâu ?
Bèn đáp:
– Ở trong đồng ông Ba “Cộ”!

Ông Ba “Cộ” đây có nghĩa là ông Ba Phú Hộ”Cộ” người và hàng hoá.

Dần dần, hàng trăm năm sau vùng này được mở mang, nhưng là một vùng rộng lớn, dân chúng quy tụ về càng ngày càng đông lại không có địa danh, nên người ta nhớ ơn ông Ba “Cộ” lập thành vùng này thành địa danh gọi là “Đồng ông Cộ” cho đến ngày nay.
www.dansaigon.com

CỘ

– danh từ: xe quệt. (td. trâu kéo cộ, một cộ lúa)
– động từ: kéo đi, mang chở, khuân lấy (td.
cộ lúa từ đồng về nhà)
ăn. (td. nồi cơm lớn quá mức tụi tôi đâu
có cộ nổi)
đảm đương (td. nhiều việc quá liệu
mình có cộ nổi khổng)
(Theo cuốn Tự Điển Phương Ngữ Nam Bộ.)

(Xe quệt, là loại xe dùng trâu hoặc bò để lết trên mặt đất. Khung xe bằng tre đặt trên 2 cây trượt. Đầu 2 cây trượt được gông vào càng xe. Người ta dùng dây chão buộc càng xe vào vai của trâu hoặc bò. Đây là phương tiện vận chuyển đường dài chủ yếu dùng trong mùa vụ nông nghiệp, thích ứng với địa hình phức tạp.)

Xe-cộ là danh từ kép, trong trường này, chữ cộ phải là danh từ để đứng chung với chữ xe. Cái xe và cái cộ cùng là danh từ chỉ một vật dùng để chuyển tải (người hoặc hàng hoá).
Giống như danh từ kép chợ-búa, chợ và búa là hai danh từ đồng nghĩa, nhưng chữ búa là từ cổ đã biến mất không ai dùng nữa, chỉ còn tồn tại trong từ kép chợ-búa.

Trích trong cuốn Gia Định Xưa của Huỳnh Minh

Đỗ Trọng Danh

hoangphong
Posts: 388
Joined: Tue Feb 12, 2019 7:20 am

Re: Tìm nhau ngày tháng cũ.

Post by hoangphong »

Giọt mưa trên lá
Pham Duy 1966

Giọt mưa trên lá nước mắt mẹ già
Lã chã đầm đìa trên xác con lạnh giá.
Giọt mưa trên lá nước mắt mặn mà
Thiếu nữ mừng vì tan chiến tranh chồng về
Giọt mưa trên lá tiếng khóc oa oa
Ðứa bé chào đời cho chúng ta nụ cười
Giọt mưa trên lá tiếng nói bao la
Tóc trắng đậm đà êm ái ru tình già.

[ Lyrics from: http://www.lyricenter.com ]
Giọt mưa trên lá tiếng nói thầm thì
Bóng dáng Phật về xoa vết thương trần thế
Giọt mưa trên lá tiếng nói tinh khôi
Lúc Chúa vào đời xin đóng đanh vì người
Giọt mưa trên lá tiếng khóc chơi vơi
Thế giới lạc loài chưa thoát ra phận người
Giọt mưa trên lá cố gắng nguôi ngoai
Nói với loài người : xin cứ nuôi mộng dàị

Giọt mưa trên lá bối rối, bồi hồi,
Ráo riết, miệt mài, em (anh) biết yêu lần cuốị
Giọt mưa trên lá bỡ ngỡ, xôn xao,
Cuống quít, dạt dào, anh (em) biết yêu lần đầu
Giọt mưa trên lá thấp thoáng, bơ vơ
Khép nép, đợi chờ, xa cách nhau vài giờ
Giọt mưa trên lá dĩ vãng xa xôi
Sớm tối bùi ngùi, xa cách nhau một đờị
Ù u u ú ! Ù u u ú !
Ù u u ú ! Ù u u ú !

***
English Lyric: Mitch Miller
***
The rain on the leaves is the tears of joy
Of the girl whose boy returns from the war.
The rain on the leaves is the bitter tears
When the mother hears her son is no morẹ
The rain on the leaves is the cry that is torn
From a baby just born as life is begun
The rain on the leaves is an old couplés love
Much greater now than when they were young.

The rain on the leaves is the passionate voice
In a final choice when last love is near.
The rain on the leaves is the voice surprised
As it realizes its first love is herẹ
The rain on the leaves is the heart's distress
And a loneliness, as life passes bỵ
The rain on the leaves is the last caress
And a tenderness before love can diẹ

kalua
Posts: 833
Joined: Sun Apr 22, 2012 5:26 pm

Re: Tìm nhau ngày tháng cũ.

Post by kalua »

Cùng Nhìn lại một số Trường Nữ Sinh VN. trước 1975

Cùng Nhin lại các Nữ Sinh nay tuổi cũng Thất Thập Cổ Lai Hy rồi ....

Chẳng phải ngẫu nhiên mà người ta gọi mái trường là ngôi nhà thứ hai của mỗi con người,vì ở đó chúng ta được tiếp nhận kiến thức, được rèn luyện đạo đức, nó còn là nơi gieo mầm ước mơ, biến ước mơ thành hiện thực, cho ta cảm nhận được tình thầy trò, bạn bè khăng khít.

Ngôi nhà thứ hai luôn là nơi lưu lại những dấu ấn đáng nhớ nhất trong đời mỗi con người .

Ngày ấy, dưới thời đệ nhất Cộng hòa ( 1954- 1963) ở miền nam VN các trường Trung học công lập, nam nữ sinh học riêng. Nên những ngôi trường nữ trở thành lâu đài tình ái, là khung trời thơ mộng của đám học trò con trai mặt đầy ...trứng cá :

Vậy đó bỗng nhiên mà họ lớn,
Tuổi mươi lăm đến, có ai ngờ,
Một hôm trận gió tình yêu lại
Đứng ngẩn trông vời áo tiểu thơ.

(Học trò của Huy Cận)

Thuở ấy ở Saigon trường Gia Long và Trưng Vương là hai trường nữ nổi tiếng nhất. Hàng năm vào dịp Lễ Hai Bà Trưng được tổ chức quy mô và hai người đẹp của Gia Long, Trưng Vương được đóng vai Hai Bà ngồi voi tham dự diễn hành.

Trường Trưng Vương của bà Hiệu trưởng Tăng xuân An giáo sư Sử địa. Học trò lớp đệ nhất học bài Á Châu gió mùa của bà nó dài lê thê giống như đọc văn Thạch Lam bai Gió đầu mùa.

Trường Gia Long thật đồ sộ, bốn con đường bao quanh trường được mang tên 4 văn nhân thi sĩ đó là Bà huyện Thanh Quan, Đoàn thị Điểm, Ngô thời Nhiệm và Phan thanh Giản. Bà Hiệu trưởng Huỳnh hữu Hội rất nghiêm khắc với học trò và có uy quyền với các Giáo Sư vì bà là Hội trưởng hội Phụ nữ Liên Đới mà chủ tịch là bà Ngô đình Nhu.
Ngày ấy, nữ sinh Gia Long mặc áo dài xanh da trời ngày thứ hai để chào cờ ,các ngày khác thì mặc áo trắng, mang giày Sandal có quai sau. Học trò ở xa trường có xe Hiệu đoàn đưa rước nên anh nào trồng cây si đành chịu... chết :

Mối tình đầu của tôi là anh chàng tội nghiệp
Chờ trước cổng trường ngắm mái tóc thân quen
Người con gái mùa sau biết có còn gặp lại
Ngày khai trường áo lụa gió thu bay...

(Mối tình đầu, Đỗ trung Quân)

Hơn nửa thế kỷ trôi qua, các nữ sinh ngày nào giờ đây đã thành bà nội bà ngoại và trở nên mềm mỏng dễ thương, lúc nào cũng nhỏ nhẹ không như xưa mặt lúc nào cũng kênh kênh thấy... ghét

Tìm đâu những ngày thơ ấu qua?
Tìm đâu những ngày xinh như mộng?
Tìm đâu những ngày thơ?
Tìm đâu những chiều mơ?
Tìm đâu, biết tìm đâu, đâu giờ?

(Những ngày thơ mộng HTT)

Pham Duy-Con Duong Tinh Ta Di Tra Lai Em Yeu - Duy Quang (1080p)

"Con đường tuổi măng tre
nắng vàng tươi đẹp đẽ
Bóng người dài trên hè,
con đường tình ta đi".....

"Trả lại em yêu mối tình vời vợi
Ngôi trường thân yêu, bạn bè cũ mới
Đường buồn anh đi bao giờ cho tới?
Nỗi đau cao vời, nỗi đau còn dài"



Lời Giới Thiệu: Nhân kỷ niệm 100 năm thành lập trường Trung Học Trưng Vương, ngoài những loạt bài viết về bản nhạc gắn liền với tên trường “Trưng Vương Khung Cửa Mùa Thu”, Thế Giới Nghệ Sĩ đã tổng hợp, sưu tầm một số tài liệu về các trường Trung Học nữ sinh tại miền Nam trước 1975. Những tà áo dài thướt tha của Gia Long, Lê Văn Duyệt, Đồng Khánh (Huế), Trưng Vương… như những cánh bướm lượn mãi trong ký ức về Saigon một thời thanh bình, tươi đẹp. Phần tổng hợp từ nhiều nguồn sau đây có thể còn thiếu sót, kính mong quý độc giả đóng góp để hoàn chỉnh hơn.


Không rõ lý do vì sao ở miền Nam trước 75 thường phân chia riêng biệt trường nữ và trường nam Trung Học. Những tà áo dài thướt tha của các trường nữ sinh như Gia Long, Lê Văn Duyệt, Đồng Khánh (Huế), Trưng Vương… như những cánh bướm lượn mãi trong ký ức về một thời thanh bình, tươi đẹp.

Trường Trung Học nữ sinh Trưng Vương (Sài Gòn)

Trường nữ sinh Trưng Vương, tiền thân là trường nữ Trung Học Trưng Vương từ Hà Nội di cư vào Nam sau năm 1954 nên đội ngũ giáo sư học sinh ban đầu chủ yếu là gốc Bắc.
Image Trường Trưng Vương ban đầu phải học nhờ tại Gia Long, nhưng sau đó trường đã có cơ sở và khuôn viên riêng. Cụ thể là năm 1957, trường dời về số 3 Nguyễn Bỉnh Khiêm, gần Thảo Cầm Viên Sài Gòn và cũng gần trường nam sinh Võ Trường Toản nữa. Do vậy, có rất nhiều mối tình thuở thiếu thời Trưng Vương – Võ Trường Toản; chúng vẫn đẹp mãi trong lòng những người cựu sinh viên hai trường. Có nhiều anh chàng nam sinh Võ Trường Toản đã tinh nghịch trèo tường sang Trưng Vương chơi đã trở thành những kỷ niệm đáng nhớ.
Image Ai đã từng đi qua hàng cây trên con đường Nguyễn Bỉnh Khiêm ngày xưa thì sẽ hiểu vì sao chỉ một mùa thu qua, mà nhạc sĩ Nam Lộc đã bâng khuâng với cảm giác nắng vương nhẹ gót chân, với lá rơi đầy sân. Cảm giác ấy có lẽ sẽ được những nữ sinh Trương Vương ngày đó mang theo trong ký ức của họ đến mọi nẻo đường trong cuộc đời.
Image “Tim em chưa nghe rung qua một lần
Làn môi em chưa hôn ai cho thật gần
Tình trần mong manh như lá me xanh
Ngơ ngác rơi nhanh…”

(Trưng Vương Khung Cửa Mùa Thu – Lời Việt: Nam Lộc)


TRƯỜNG TRUNG HỌC NỮ SINH GIA LONG (Sài Gòn)

Trường Gia Long là một trong những ngôi trường nữ sinh nổi tiếng một thời có lịch sử tới hơn 100 năm. Trường được mở từ thời Pháp thuộc dưới kiến nghị của nghị viên hội đồng Quản Hạt Nam Kỳ Lê Văn Trung và vợ Tổng Đốc Phương cùng với một số nhân sĩ khác.
Image Đằng sau một ngôi trường thơ mộng từng được mệnh danh là trường “nữ sinh áo tím” (vì trước đó nữ sinh Gia Long nổi tiếng với màu áo tím) là khát vọng về một xã hội tự do, nơi có nam nữ bình quyền – đều có quyền được sống, được hưởng một nền giáo dục và học tập ngang nhau.

Trường nữ Gia Long là niềm tự hào của biết bao nhiêu nữ sinh thời ấy. Có thể nói cho đến tận bây giờ, hai tiếng Gia Long vẫn có thể thay cho tiếng chào kết bạn, là sợi dây kết nối khi họ tình cờ gặp nhau ở bất cứ nơi nào trên thế giới, là niềm tự hào của người thiếu nữ trưởng thành trong một nền lễ giáo của gia đình miền Nam thời ấy.
Image
Nữ sinh Gia Long
Trong âm nhạc, những bóng dáng thướt tha của nữ sinh Gia Long được nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông ghi lại trong ca khúc Cô Nữ Sinh Gia Long:

“Đường xa cô gái Gia Long về đâu
Dừng chân cho nhắn thăm cô vài câu
Bao cô dưới cùng mái trường
Khi xưa đã tặng hoa mừng

Nay có còn theo bước thương không…”
Bài hát này kể câu chuyện tình giữa cô nữ sinh và người lính.

Võ Thị Hai, một cựu nữ sinh Gia Long, hồi tưởng lại một thời áo trắng của bà và của những người cùng thế hệ:

“Có lẽ đại đa số cựu nữ sinh Gia Long chọn người yêu đi lính là một sự vô tình, không phải là sự chọn lựa. Vì thời đó là thời loạn, đại đa số thanh niên phải đi nhập ngũ, làm nghĩa vụ của người trai. Có những người trở về, có những người mất tích, một thiểu số ở lại nếu họ bị thương.

Những mối tình của nữ sinh Gia Long rất trong sáng, tuyệt đặt trong vòng lễ giáo, không bao giờ vượt quá lễ nghi của gia đình miền Nam Việt Nam lúc đó.”
Image Cuộc tình của cô nữ sinh và người chiến sĩ trong nhạc phẩm của Phượng Linh (bút danh của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông) là một trong rất nhiều cuộc tình khác đã nảy sinh trong thời kỳ loạn ly ấy. Ông gọi cô gái của mình với cái tên chung là cô nữ sinh Gia Long, đơn giản như món quà là màu hoa thép súng của người lính trao tặng cô ngày anh lập chiến công.

“Này cô xuân nữ Gia Long thành đô
Màu hoa thép súng xin dành tặng cô
Hoa em vẫn vẹn sắc màu
Trao anh chiếm cả tấm lòng
Một sắc màu em đã ghi sâu”



TRƯỜNG NỮ SINH LÊ VĂN DUYỆT (Sài Gòn)


Khác với sự lâu đời của trường Gia Long và Trưng Vương, trường nữ Lê Văn Duyệt hiện ra với dáng dấp năng động của một ngôi trường nữ sinh trẻ.

Cũng như Gia Long, trường Lê Văn Duyệt “made in Saigon” chính hiệu, nhưng có tiền thân là trường Trương Tấn Bửu đào tạo cả nam và nữ. Sau khi tách cả nam nữ ra thì trường nữ sinh Lê Văn Duyệt được thành lập tại số 95 đại lộ Lê Văn Duyệt – vốn là một lô đất mới (nay là đường Đinh Tiên Hoàng).
Image Nhiều người thắc mắc tại sao một trường nữ sinh lại mang tên một nam nhân vậy? Có lẽ ngày xưa trường Trương Tấn Bửu tọa lạc gần nơi thờ Đức Tả Quân Lê Văn Duyệt (Lăng Ông – Bà Chiểu), lại nằm trên đường Lê Văn Duyệt nên người ta lấy tên ông đặt tên cho trường.
Image
Nữ sinh Lê Văn Duyệt năm 1970
Có người đã nói về cái tên trường như sau: “Tiếc thương cho người em Lê Văn Duyệt, không phải vì thua kém đàn chị Gia Long hay Trưng Vương, nhưng tại cái tên… khó đưa vào văn thơ quá nên chẳng thể nào khớp được vào thơ ca của Phạm Duy”.
Image Vào năm 1963 thì trường chưa có lớp Đệ Nhất nên nữ sinh phải chia tay trường sang Trưng Vương học lớp Đệ Nhất. Nhưng sau đó thì các lớp Đệ Nhất đã được mở thêm. Sau năm 1975, trường mang tên Võ Thị Sáu đào tạo cả nam lẫn nữ.

TRƯỜNG NỮ SINH ĐỒNG KHÁNH (Huế)

Trường nữ sinh Đồng Khánh là trường dành cho nữ sinh duy nhất ở miền Trung. Trường đặt tại Huế, miền đất của nét trữ tình và lãng mạn.
Image Lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng ngôi trường này diễn ra vào ngày 15 tháng 7 năm 1917, với sự hiện diện của Vua Khải Định, Toàn Quyền Đông Dương Albert Sarraaut, Khâm Sứ Trung Kỳ J.E. Charles, quyền Khâm Sứ Bắc Kỳ J.Le Galler, các hoàng thân, các vị Thượng Thư và một số quan chức cao cấp người Pháp tại Đông Dương.

Trong buổi lễ này, vua Khải Định đã cho đặt xuống móng ngôi trường một số hiện vật để làm kỷ niệm, gồm một cái hộp kim loại chứa 10 đồng Khải Định thông bảo và hai tờ giấy ghi biên bản của buổi lễ bằng tiếng Pháp. Dưới sự điều khiển của nhà thầu Leroy, gần hai năm sau, ngôi trường khánh thành.
Image Đây là ngôi trường nữ đầu tiên và duy nhất dành cho nữ sinh cả 13 tỉnh Trung Kỳ bấy giờ đến học. Theo thời gian, trường được mang nhiều tên gọi khác nhau:

– Từ 1919 – 1954, trường mang tên Cao Đẳng Tiểu Học Đồng Khánh
– Từ 1955-1975, trường mang tên Trường Nữ Trung Học Đồng Khánh gồm hai cấp: Đệ Nhất cấp và Đệ Nhị cấp.
– Sau 1975, trường mang tên Trường Cấp III Trưng Trắc.
– Từ năm 1981 đến nay, trường được đổi tên thành Trường THPT Hai Bà Trưng.
Image Nhạc sĩ người Huế – Thu Hồ (thân sinh của ca sĩ Mỹ Huyền) đã có bài hát nói về những cô gái Huế nữ sinh Đồng Khánh như sau: Image Cô gái nữ sinh Đồng Khánh kia ơi
Cô đi về đâu tan buổi học rồi
Cô xuôi Đập Đá hay về Nam Giao
Cô về Bến Ngự hay về Đông Ba

Cô về Vỹ Dạ hay ngược Kim Long…
Khi gió mới lên làn tóc tung tăng
Xõa ngang bờ vai khi tuổi dậy thì
Đôi môi hồng thắm duyên là nên duyên

Mắt tròn như mộng say đời xinh xinh
Cô là tất cả trời đẹp xứ Kinh…


TRƯỜNG NỮ TRUNG HỌC BÙI THỊ XUÂN (Đà Lạt)

Trường Bùi Thị Xuân được thành lập năm 1952 với cả nam và nữ theo học, là trường nữ công lập đầu tiên ở vùng tây nguyên. Đến năm 1957 thì trường chỉ đào tạo nữ theo yêu cầu của Bộ Giáo Dục VNCH. Nam sinh được chuyển sang trường Trần Hưng Đạo.
Image Trái với Trưng Vương, Gia Long hay Lê Văn Duyệt nằm ở chốn đô thành náo nhiệt, Bùi Thị Xuân mang vẻ đẹp êm ả của xứ Đà Lạt mộng mơ. Do vậy mỗi khi nhắc đến Bùi Thị Xuân là nhắc đến Đà Lạt, một vùng đất quanh năm sương phủ đẹp đến nên thơ, nơi mà nhạc sĩ Lam Phương đã viết lên khúc huyền thoại Thành Phố Buồn.

Tuy vậy, trường có vị trí khá gần với những vùng chiến sự ác liệt của một thời nên cũng trải qua biết bao thăng trầm, trôi nổi cùng lịch sử. Với những người nghiên cứu về các trường nữ sinh xưa, không ai có thể quên hình ảnh cô Hiệu Trưởng Lệ Minh – đóa hồng một thời. Cô là một người phụ nữ đẹp, có đủ tài lẫn sắc. Hiện cô đang định cư tại Hoa Kỳ.

Hiện nay, trường Bùi Thị Xuân vẫn giữ nguyên tên và được xem là một trong những trường học lớn, số lượng học sinh đông và có tuổi đời lâu nhất của thành phố Đà Lạt.
Image Trước khi ngôi trường chính thức mang tên Bùi Thị Xuân năm 1957 cho đến nay thì đã từng mang nhiều tên khác nhau:

Đầu thập niên 1950, để đáp ứng nhu cầu học tập cho con em người Việt Nam ở đây, chương trình Trung Học Việt Nam đã được thiết lập với sự ra đời của trường Trung Học Việt Nam (Lycée Vietnamien) vào tháng 9 năm 1952 với địa điểm đầu tiên tại trường Tây Hồ (nay là trường THCS Phan Chu Trinh). Lúc này, trường chỉ có duy nhất 1 lớp Đệ Thất (lớp 6). Trường trở thành một trong 3 trường Trung Học công lập của Đà Lạt lúc bấy giờ là trường Lycée Yersin và trường Lycée Bảo Long.
Image Năm 1953, trường chuyển sang mượn tạm địa điểm tại trường Tiểu Học bổ túc Đà Lạt (nay là trường Tiểu Học Đoàn Thị Điểm). Lúc bấy giờ trường có 3 lớp: 2 lớp Đệ Thất (lớp 6) và 1 lớp Đệ Lục (lớp 7).

Năm 1954, trường được chuyển về địa điểm hiện nay, lúc đó vừa mới được xây xong. Trường lấy tên là trường Phương Mai – tên của Công Chúa, con gái Quốc Trưởng Bảo Đại và chỉ có một dãy nhà A gồm 10 phòng học. Do hệ quả của Hiệp định Genève được ký kết vào ngày 20/07/1954, rất nhiều người dân đã di cư từ phía Bắc vào miền Nam và định cư tại Đà Lạt, số học sinh của trường vì vậy cũng tăng lên khiến trường phải mở thêm các lớp Đệ Ngũ (lớp 8), Đệ Tứ (lớp 9).
Image Năm 1955, khi Quốc Trưởng Bảo Đại bị truất phế sau một cuộc Trưng Cầu Dân Ý do chính quyền Ngô Đình Diệm tổ chức vào tháng 5, trường Phương Mai được đổi tên thành trường Quang Trung. Trường mở thêm Đệ Nhị Cấp (Tương đương cấp THPT hiện nay).

Năm 1957, trường Quang Trung được đổi tên thành trường Bùi Thị Xuân và mang tên này cho đến nay.

TRƯỜNG TRUNG HỌC MARIE CURIE (Sài Gòn)


Ngay khi chiếm xứ Nam Kỳ, người Pháp đã thiết lập trường học để giảng dạy tiếng Pháp và tiếng An Nam, mở trường bổn quốc và trường nữ (trường nữ là Trường Marie Curie sau này). Như vậy, Trường Marie Curie được thiết lập trong khoảng từ năm 1858 đến 1862 (năm Pháp giành quyền bảo hộ xứ Nam Kỳ theo Hòa ước Nhâm Tuất 1862).

Trường mang tên nữ Bác Học Marie Curie từ năm 1918, là trường dành riêng cho nữ sinh, với tên gọi ban đầu là Cao Đẳng Tiểu Học nữ sinh người Pháp (Ecole Primaire Supérieure des Jeunes Filles Françaises) Lycée Marie Curie.
Image Sau khi Nhật tiến vào Đông Dương năm 1941, trường bị trưng dụng làm bệnh viện nên phải chuyển địa điểm sang một trường Mẫu Giáo ở đường Phạm Ngọc Thạch ngày nay.

Một năm sau, trường được trả lại và dời về địa điểm cũ với tên gọi mới là Trung Học cơ sở Calmette.

Sau khi quân Pháp trở lại chiếm Sài Gòn vào ngày 23 tháng 9 năm 1945, trường được đổi tên thành Trung Học Lucien Mossard.

Đầu năm 1948, trường trở lại với tên gọi cũ là Trung Học Marie Curie (hay Lycée Marie Curie), mang tên nhà Khoa Học người Ba Lan – Pháp từng hai lần đoạt giải Nobel Vật lý.
Image Trong thời kỳ VNCH, trường là trường Trung Học tư thục cho nữ sinh. Đến năm 1970, trường mới tiếp nhận thêm nam sinh theo học.

Sau 1975, Trường Marie Curie đổi tên thành Trường Phổ thông cấp 2&3 Marie Curie (cũ) cho hai niên học (1975-1976 và 1976-1977); đến niên học 1977-1978, trường không còn dạy các lớp cấp 2 phổ thông hệ 12/12 năm, chỉ dạy cấp 3 phổ thông hệ 12/12 năm (lớp 10, 11 và 12 các khối AB – C – D) nên Trường Phổ thông cấp 2&3 Marie Curie (cũ) đổi tên thành Trường Phổ Thông Trung Học Marie Curie…

Năm 1997, trường được đổi tên thành Trung Học phổ thông bán công Marie Curie. Trước đây, trường từng là trường Trung Học phổ thông lớn nhất Việt Nam với hơn 5000 học sinh mỗi năm.

Năm 2006, trường được chuyển sang hệ công lập với tên gọi Trung Học phổ thông Marie Curie cho đến nay.
Image Ngôi trường này có kiến trúc đậm chất Pháp lưu lại trên cổng chào, từng góc cầu thang gỗ, khu vườn với đài phun nước… vẫn còn cho đến ngày nay.



TRƯỜNG TRUNG HỌC NGUYỄN BÁ TÒNG (Sài Gòn)

Năm 1956, trường được thành lập mang tên vị Giám Mục tiên khởi của Công Giáo Việt Nam có sự trợ giúp đặc biệt của cơ quan Caritas Germanica Đức Quốc, cơ quan NCWC, Công Giáo Hoa Kỳ. Trường tọa lạc tại số 73-75 đường Bùi Thị Xuân, quận 1 Sài Gòn.
Image Trường có nhiều cấp lớp từ Đệ Thất đến Đệ Nhất đủ các môn A, B, C đặt dưới quyền đìều khiển của 8 vị Linh Mục cùng với sự giáo dục của 160 vị giáo sư, 30 nhân viên văn phòng (ghi nhận vào năm 1963). Là một trường Trung Học tư thục nhưng trường được đánh giá cao trong việc giáo dục, uy tín nhất thủ đô. Từ năm 1971 trường chỉ dành riêng cho học sinh nữ. Từ năm 1975, trường trở thành trường Trung Học phổ thông công lập và trường được đổi tên thành trường THPT Bùi Thị Xuân, dành cho cả học sinh nam và nữ.
Image Ngôi trường này cũng là nơi đã sản sinh nhiều người nổi tiếng, trong đó có ca sỹ Mai Hương, Khánh Ly, Ý Lan. Một số thầy giáo đã dạy trường này như Nhạc sỹ Thu Hồ (nhạc), Nhà văn Bùi Nhật Tiến (Lý Hóa), Nguyễn Văn Kỷ Cương (Toán), Linh Mục Đỗ Đình Tiệm làm Hiệu Trưởng.
Image
TRƯỜNG TRUNG HỌC SAINT PAUL (Sài Gòn)

Khi đi ngang ngôi nhà trắng tại số 4 Cường Để, quận 1 (nay là Tôn Đức Thắng) mọi người chỉ biết đây là một Nữ Tu Viện. Tòa nhà này trước kia còn được gọi là “Nhà Trắng”, không phải vì sơn toàn màu trắng như Tòa Bạch Ốc (White House) mà vì ngôi nhà này được xây dựng và làm chủ bởi những nữ tu dòng Saint Paul de Chartres (Thánh Phaolô thành Chartres) “trinh bạch từ linh hồn đến những chiếc áo dòng trắng toát”.

Image Trước năm 1975, trong nhà dòng này có một trường tư thục với các lớp từ Mẫu Giáo tới Tú Tài với số lượng 1.600 học sinh (có ký túc xá cho học sinh nội trú). Sau năm 1975, có một thời gian là Trường Sư Phạm Mầm Non.

Nếu ai có dịp vào đây sẽ choáng ngợp với không gian rộng rãi, khoáng đãng với kiến trúc ba khối nhà: cô nhi viện, nhà nữ tu ở và khu nhà nguyện. Khu nhà nguyện có thiết kế đặc biệt, nhìn từ trên cao xuống rất giống cây thánh giá, bên trong có thêm nhiều cột đỡ vững chãi, phía trước là một sân cỏ rộng với tượng thánh bổn mạng của dòng Phaolô. Đó là thiết kế mà theo nhận định của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ là: “Một giáo đường huy hoàng với đường nét thẩm mỹ lối Gothique. Các khu vòm hình liềm cung, đua nhau vượt lên tới 20 thước, không một chút chạm trổ hoa hòe làm cho khách tưởng nhớ đến giáo đường Sainte Chapelle. Cảm tưởng nhẹ nhàng vì sự thành công của vị kiến trúc sư làm cho ai vào đó cũng cảm thấy thoát tục…”
Image Theo các tài liệu lịch sử truyền giáo, vào ngày 20/5/1860, các nữ tu dòng Thánh Phaolô gốc ở thành Chartres (Soeurs de Saint Paul de Chartres) từ Hong Kong đặt chân đến Sài Gòn. Họ cùng tạm định cư tại một căn nhà nhỏ vùng Chợ Cũ cùng các nữ tu dòng kín (đến Sài Gòn năm 1861).

Vào tháng 9/1862, Mẹ Bề Trên dòng thánh Phaolô Benjamin khởi công xây cất nhà giám tỉnh tại khu đất Đường Thành (Rue de la Citadelle). Toàn bộ công trình này hoàn thành vào ngày 10/8/1864. Trong bản thảo viết tay của Mẹ Benjamin chỉ ghi lại tên Kiến Trúc Sư là Thầy Học. Lúc ấy các bà phước chẳng biết Kiến Trúc Sư “Thầy Học” là ai. Không biết trước đây đã có tài liệu nào xác định Thầy Học là ai chưa.
Image Riêng cụ Vương Hồng Sển trong quyển Sài Gòn Năm Xưa in năm 1958 cho biết: “Tương truyền nhà lầu cao lớn nơi đây là do ông Nguyễn Trường Tộ năm xưa đứng coi xây cất”. Vậy Thầy Học, tức là ông Nguyễn Trường Tộ là người thiết kế, xây cất tòa nhà này? Trong tạp chí Văn Đàn (số 4 năm 1961, Sài Gòn) ông Phạm Đình Khiêm đã công bố nhiều tài liệu trong thư khố tu viện đã chứng minh Thầy Học chính là ông Nguyễn Trường Tộ.

TRƯỜNG COUVENT DES OISEAUX (Đà Lạt)

Trường nữ tu Couvent Des Oiseaux có vị trí khá đặc biệt khi không nằm trên địa hình bằng phẳng, mà là một đồi thông, thuộc số 2 đường Huyền Trân Công Chúa, khá gần thác Cam Ly, Đà Lạt…
Image Về lịch sử của ngôi trường, thì cần nhắc đến người thiếu nữ Nguyễn Hữu Thị Lan, là tiểu thư khuê các trong gia đình đại phú hộ Sài Gòn xưa. Bà vốn là nữ sinh của trường nữ tu dòng Đức Bà tại Paris (Cours des Champs-Élysées, rue de Ponthieu).
Image Sau khi về nước, kết hôn với vị Hoàng Đế cuối cùng của triều Nguyễn là Vua Bảo Đại, trở thành bậc Mẫu Nghi Thiên Hạ, với tước hiệu Nam Phương Hoàng Hậu, bà đã giúp các vị nữ tu dòng Đức Bà mở trường Công Giáo đầu tiên ở Việt Nam cho các nữ sinh trên đồi Lâm Viên Đà Lạt vào năm 1935.

Thuở ban đầu, trường có tên là Notre Dame du Langbian, gọi theo cách thuần Việt là trường Đức Bà Lâm Viên. Cùng với trường Notre-Dame du Rosaire tại Hà Nội (1937) và trường Regina Mundi tại Saigon (1950), thì Notre Dame du Langbian đã đóng góp công lao trong việc giáo dục tri thức.

Tuy nhiên, vào thời điểm mới thành lập, trường chỉ phục vụ là nữ sinh có xuất thân từ các gia đình người Pháp, người Việt, người Campuchia và Lào. Mô hình phát triển của trường được nâng lên dần từ vườn trẻ, trường Tiểu Học rồi chuyển hóa thành nữ sinh Trung Học. Tên gọi chính thức của trường là Couvent des Oiseaux. Đây cũng là một ngôi trường nổi tiếng chu đáo và nghiêm khắc. Ngày nay, ngôi trường trở thành Trường Phổ Thông Dân Tộc Nội Trú Lâm Đồng. Image Trường THIÊN PHƯỚC (Sài Gòn)

Vào năm 1877, để đáp lại lời mời của Đức Cha Colombert, Giám Mục Địa Phận Đàng Trong, Mẹ Benjamin cho lập một Nhà Dục Anh tại Tân Định và cơ sở này được gọi là “Sainte Enfance de Tân Định”.
Image Soeur Ignace lúc bấy giờ phụ trách Công Đoàn tiên khởi tại Viễn Đông. Hằng năm bà và các nữ tu đón nhận cả trăm em sơ sinh bị bỏ rơi để săn sóc và nuôi dưỡng chúng. Nhưng có một số trẻ vì quá yếu, bệnh tật không cứu sống được.

Vào năm 1881, Cha Sở Eveillard mời các chị em Dòng Thánh Phao-Lô đến dạy giáo lý cho các em trai và gái của giáo xứ. Ba mươi năm sau, dưới sự huớng dẫn của Soeur Suzanne, nguời phụ trách Công Đoàn, các chị em đảm nhiệm luôn việc giáo dục các thiếu nhi nam nữ tại cơ sở cạnh Công Đoàn.

Gia đình trong họ đạo gởi con em đến cơ sở của các nữ tu để vừa học giáo lý vừa học văn hóa theo chương trình của Bộ Giáo Dục. Các con em của họ học đạo chung với các cô nhi, cũng có một số em của họ đạo xin vào nội trú hoặc bán trú tại trường.
Image Trong khoảng năm 1918-1938, song song với sự phát triển của họ đạo, Công Đoàn có những bước tiến đáng ghi nhớ trong thời kỳ Soeur Andréa Amé phụ trách. Lần lượt các lớp Sơ Cấp được mở ra, học sinh đến mỗi ngày một đông…

Vào năm 1941, Soeur Marie Rose lúc bấy giờ đang dạy ở Trường Jeanne d’Arc, Ngã Sáu Chợ Lớn, được mời đến phụ trách Công Đoàn Tân Định thế cho Soeur Amé.

Vào khoảng 1946-1948, lúc tình hình Đệ Nhị Thế Chiến lắng dịu, các lớp Nhì và Nhất đuợc mở thêm để bổ túc chương trình Tiểu Học. Soeur Marie Rose cũng dần dần cho mở thêm các lớp dạy theo chương trình Pháp. Được một năm thì Soeur phải về Pháp chữa mắt và không trở lại. Soeur Alice de Jésus phụ trách tiếp Công Đoàn.

Năm 1950, Soeur Alice de Jésus đã xây cất thêm các lớp học bên cánh phải của cơ sở, lên lầu viện cô nhi, mở ký túc xá cho các nữ sinh ở tỉnh lên học. Lúc bấy giờ nhà trường Sainte Enfance đã có đủ các lớp Mẫu Giáo, các lớp Tiểu Học Việt-Pháp dọn thi Certificat d’Études Primaries Franco-Indigènes (CEPFI) và mở năm đầu để dọn thi bằng Trung Học Pháp BEPC.

Khoảng giữa thập niên 1950, trường Sainte Enfance có hai chương trình Trung Học Việt và Pháp.

Vào tháng 8 năm 1957, Công Đoàn Tân Định đón tiếp Soeur Pétronille de Marie, nữ tu sĩ Việt Nam đầu tiên đến phụ trách.
Image Ngày 6 tháng Giêng năm 1958, trường Sainte Enfance de Tân-Định được giấy của chính quyền qua Sở Giáo Dục cho phép đi tên là “Trường Thiên Phước” và màu hồng nhạt được chọn cho đồng phục của trường. Trước 1975, ở đây có khoảng 43 nữ tu nhưng vào khoảng thời gian 2001, chỉ còn lại 12 nữ tu. Đứng đầu nhóm nữ tu lúc bấy giờ là Soeur Marie-Patrice Trương Thị Nhung.

Ngày nay, trường này được đổi tên thành Trường THCS Hai Bà Trưng, địa chỉ 295 Hai Bà Trưng, Q3, Sài Gòn.
Image

TRƯỜNG NOTRE DAME DES MISSIONS (Sài Gòn)

Tên trường được chọn là Notre Dame Des Missions đơn giản là vì trường của dòng Notre Dame Des Missions. Trường ở Thủ Đức, dạy theo chương trình Pháp và đến năm 1970 thì có thêm chương trình Việt song song cho Trung Học Đệ Nhất Cấp.
Image Khu đất của trường được mua từ năm 1959 từ nhiều chủ khác nhau, và khởi công xây dựng năm 1960. Dãy nhà đầu tiên làm trường Tiểu Học, nhà nội trú và dãy nhà dành cho các Soeurs. Đến năm 1969 thì mới xây thêm dãy nhà danh cho Trung Học Đệ Nhất và Đệ Nhị Cấp.

Đến năm 1975, khu nhà trường Tiểu Học và nhà nội trú cùng dãy nhà trường Trung Học bị chính quyền mới sử dụng làm cơ quan cho đến nay. Vì không sử dụng đúng mục đích nên các Soeurs đã làm đơn đòi lại cơ sở từ năm 2004.

TRƯỜNG NỮ TRUNG HỌC HỒNG ĐỨC (Đà Nẵng)

Trường được lập ra cuối năm 1967, sau khi niên khóa 67-68 đã bắt đầu. Địa điểm được chọn nằm trên đường Thống Nhất, cạnh trường Trung Học Phan Châu Trinh và Nam Tiểu Học, thành phố Đà Nẵng. Ngôi trường được xây trên một nghĩa trang cũ của người Pháp, có người mê tín cho là không tốt nên yểu mệnh.
Image Niên khóa đầu tiên, trường có thi tuyển để nhận thêm nữ sinh vào, bên cạnh những nữ sinh được chuyển qua từ trường Phan Châu Trinh và gồm có có Đệ Thất đến Đệ Tứ. Liên lớp đàn chị ra trường năm 1971, niên khóa 70-71.

Trường mang tên Nữ Trung Học Hồng Đức từ niên khóa 73-74. Mùa xuân Ất Mão, trường lần đầu tiên tổ chức hội chợ rất quy mô. Đặt ngày truyền thống 30 tháng 1 Âm lịch (húy nhật của vua Lê Thánh Tôn, bút hiệu Hồng Đức) và lễ kỷ niệm Hai Bà Trưng.
Image Nhưng tiếp theo đó là cuộc di tản của đồng bào từ Quảng Trị, Thừa Thiên về. Nhà trường biến thành trại tị nạn. Kế đến biến cố 29 tháng 3 năm 1975. Niên Khóa 74-75 kéo dài đến hết niên khóa, sau đó trường biến thành Đại Học Sư Phạm. Học sinh còn theo học của Nữ Trung Học Hồng Đức phân tán đi khắp nơi.
Image TRƯỜNG NỮ TRUNG HỌC QUI NHƠN (Ngô Chi Lan)
Image Cơ sở này nguyên là Trung Học Tư Thục Tân Bình, mở dạy các lớp Trung Học Đệ Nhất Cấp nằm trên đường Nguyễn Huệ, nhưng quay mặt về hướng Bắc, phía Nhà Thờ Chánh Tòa (còn gọi là Nhà Thờ Nhọn), và cổng trường thông ra đường Hai Bà Trưng. Sau năm 1963, cơ sở này được sung công và thuộc tài sản của tỉnh Bình Định, rồi chuyển cho Bộ Giáo Dục để mở một trường Trung Học công lập cho tỉnh.
Image Từ giữa năm 1964, trường này trở thành công lập, cổng quay lại về hướng Nam (phía bờ biển) để thông ra đường Nguyễn Huệ và đổi tên là trường Nữ Trung Học Quy Nhơn.

Trường được hợp thức hóa bằng nghị định số 2214/GD/PC/NĐ, ký ngày 4 tháng 12 năm 1964 của Bộ Quốc Gia Giáo Dục, và khai giảng niên khóa đầu tiên 1964-1965. Ban đầu, trường chỉ có các lớp Trung Học Đệ Nhất Cấp, rồi được phát triển thành Đệ Nhị Cấp. Niên khóa 1972-1973, trường sở phát triển tới 18 phòng học với sĩ số là 2559 người, trong đó có 1892 nữ sinh Đệ Nhất Cấp và 667 nữ sinh Đệ Nhị Cấp.

Nữ Trung Học Qui Nhơn là trường công lập Đệ Nhị Cấp có lớp 12, và trải qua 3 đời Hiệu Trưởng: Cô Trần Thị Gia (1964-1968), cô Vương Thúy Nga (1968-1970) và cô Lê Thị Cúc (1970-1975).
Image Một sự kiện quan trọng, niên khóa 1972-1973, trường Nữ Trung Học Qui Nhơn được Bộ Giáo Dục cho đổi tên thành trường Nữ Trung Học Ngô Chi Lan, là tên của một nữ danh sĩ thời Hậu Lê. Bà Ngô Chi Lan nổi tiếng về nhan sắc và đức hạnh, giỏi thi ca, thông nhạc lý, viết chữ đẹp. Chính vua Lê Thánh Tông đã ban khen, phong danh hiệu Kim Hoa Nữ Học Sĩ, cho dự nhiều cuộc xướng họa thơ văn của triều đình, được giao việc dạy lễ nghi và văn chương cho các cung nhân.

TRƯỜNG NỮ TRUNG HỌC QUẢNG NGÃI

Trường Nữ Trung Học Quảng Ngãi là trường nữ công lập lớn nhất ở tỉnh Quảng Ngãi trước năm 1975. So với bốn trường tư thục khác thời ấy là Kim Thông, Bồ Đề, Hùng Vương, Chấn Hưng, tiêu chí tuyển chọn nữ sinh của trường rất khắt khe.
Image Lớp 12 Trung Học công lập Bình Sơn (Quảng Ngãi), chăm chú làm bài thi Lục Cá Nguyệt. (Photo 1974 - Trương Quang)

Ngôi trường không chỉ nổi tiếng bởi có nhiều nữ tú, xinh đẹp mà còn đào tạo cả đức tài. Học sinh ngoài học văn hóa ra còn được thầy cô dạy cho đức tính công dung ngôn hạnh, dạy nấu ăn, cầm, kỳ, thi họa và cả cách đi đi đứng, ăn nói…

Theo cô Nguyễn Thị Loan – Hiệu Trưởng nhà trường từ năm 1971 đến 1975 thì Trường Nữ Trung Học Quảng Ngãi được hình thành từ việc tách số nữ sinh từ lớp lớp 6 đến lớp 9 của Trường Trung Học Trần Quốc Tuấn. Khi chưa có cơ sở chính thức, trường phải học nhờ khắp nơi. Đến tháng 6.1965, trường được khánh thành và duy trì hoạt động cho đến năm 1975.
Image Thời điểm ngôi trường được xây dựng hoàn thành, cũng là lúc cô Loan được bổ nhiệm về công tác tại trường. Cô Loan nhớ lại, lúc đó trường có 13 lớp từ lớp 6 đến lớp 10. Cho đến niên khóa 1974 -1975, trường có 41 lớp với gần 2.000 học sinh từ lớp 6 đến lớp 12 nhưng chỉ có 15 phòng nên việc học cũng gặp nhiều khó khăn.

Trường có quy chế khá nghiêm ngặt, luôn đặt vấn đề kỷ luật lên hàng đầu. Các em đi học phải mặc đồng phục áo dài, quần dài trắng, bất kể trời nắng hay mưa. Học sinh nào đi trễ năm phút bị ở ngoài cổng và xem như vắng học không phép.
Image “Học sinh ngày ấy rất ngây thơ, giàu tình cảm và hiếu học. Phần lớn các em được tuyển chọn từ các vùng quê trong tỉnh về học nên rất biết giúp đỡ lẫn nhau. Ngoài vấn đề kỷ luật, thành tích học tập, một lĩnh vực khiến chúng tôi vô cùng tự hào khi nhắc đến bề dày thành tích của Trường Nữ Trung Học chính là phong trào văn nghệ. Đội văn nghệ của trường “ăn đứt” các trường khác, luôn dẫn đầu trong các cuộc thi giữa các trường Trung Học trong toàn tỉnh”, cô Hà Thị Tham – Giám thị nhà trường nói với vẻ đầy tự hào.

Nói về đội ngũ dạy học, trường hội tụ đội ngũ giáo sư có năng lực, trình độ chuyên môn ở khắp nơi về công tác, chiếm đa số vẫn là giáo sư đến từ xứ Huế mộng mơ. Giọng Huế ngọt ngào và ấm áp của các thầy, cô khiến cho các bài giảng nhẹ nhàng hơn trong mỗi tiết học, dễ đi vào lòng học sinh.

Kim Phượng ( st )

User avatar
MatVit
Posts: 829
Joined: Fri Sep 02, 2011 9:18 pm

Re: Tìm nhau ngày tháng cũ.

Post by MatVit »

Nhớ tỉnh lỵ Gia Định ngày xưa
Image
Lăng Đức Thượng công Lê Văn Duyệt (Nguồn: Internet)

PHẠM CÔNG LUẬN

Khi dì Út của tôi về làm dâu ở làng Bình Hòa, bà ngoại tôi dặn: “Bình Hòa là tỉnh lỵ của tỉnh Gia Định, con người đàng hoàng lịch sự, con phải nhớ luôn giữ lễ nghĩa!”.

Sáu mươi năm qua, dì tôi vẫn còn sống ở đó nhưng cái tên Gia Định đã không còn là địa danh chính thức và cái tên Bình Hòa chỉ còn trong trí nhớ của người cố cựu sống lâu đời ở đây. Dì tôi bảo, bây giờ lên xe taxi yêu cầu: “Về ngã tư Bình Hòa”, không phải tài xế nào cũng biết ngã tư này nằm ở đâu. Đó là ngã tư nơi giao nhau giữa hai đường Nơ Trang Long – Lê Quang Định (trước 1975 là Nguyễn Văn Học – Lê Quang Định) ở quận Bình Thạnh. Thời xưa, người ta còn gọi ngã tư Bình Hòa là “Ngã Tư thầy Sóc” (gọi trại tên của ông Nguyễn Văn Sách, làm chức Thị lang thời vua Tự Đức, khi Pháp chiếm Nam Kỳ không ra làm việc cho Tây, ở nhà mở phòng khám đông y lấy tên Thảo Xuân Đường). Thầy Sóc là người nhà của ông bang biện Chỏi, một người có uy tín ở làng Bình Hòa xưa.
Image
Các giáo viên trường nữ công Gia Định (Nguồn: Gia đình ông Tư Trường)
Quanh Ngã Tư Bình Hòa vẫn còn ba quán ăn lâu năm là quán cơm tấm bao tử Đông Hoa Xuân, quán mì Minh Sanh trên đường Nơ Trang Long và quán hủ tíu Đạt Phong trên đường Phan Văn Trị. Cả ba quán còn giữ được hương vị không khác nhiều lắm so với năm sáu chục năm trước. Mấy ông Việt kiều gốc Gia Định mỗi lần về chơi đều rủ nhau ra ăn đủ ba quán, để nhớ lại thời tuổi trẻ của mình. Họ nhắc đến trường Vẽ Gia Định, trường Nữ công Gia Định. Họ tự hào vì Bình Hòa là quê của bà Lê Thị Ngọc, chủ chuỗi nhà hàng Đức Thành Hưng tới chín cái cạnh tranh ngon lành với hệ thống tiệm nước của ngườii Hoa từ thập niên 1930. Bình Hòa cũng là quê của họa sĩ Nguyễn Văn Minh, người thực hiện bức sơn mài cực lớn “Bình Ngô đại cáo” trong Dinh Độc Lập. Là quê của hai chị em họa sĩ tranh lụa nổi tiếng Tố Oanh, Tố Phượng. Cụ Vương Hồng Sển cũng đã chọn vùng đất này làm quê hương.

Thập niên 1940, ngã tư Bình Hòa tuy nhỏ nhưng rất nhộn nhịp nhờ có ga xe điện. Chung quanh ga có nhiều tiệm nước bán bánh bao, bán cà phê, xíu mại. Ngoài ra còn có tiệm hớt tóc, tiệm may, tiệm sửa xe đạp… và nhiều hàng rong. Buổi sáng có xe ngựa chở hàng bông, chở cá từ miệt Bà Điểm-Hóc Môn, Thông Tây- Gò Vấp xuống chợ Bà Chiểu bỏ mối.

Dì Út đang sống hẻm Ba Cây Sao số 104 Nơ Trang Long (lúc đó đường có tên: route Fédérale numéro 1- đường Liên bang số 1). Dì kể cho đến năm 1961, khi về làm dâu nhà ông Tư Trường là con ông bang biện Chỏi, còn thấy dấu vết đường xe điện chôn dưới đất ngay ngã tư này. Chung quanh đó còn nhiều cây me, cây thị xanh um. Ngay góc ngã tư có cái bót cảnh sát (nhà ga xe điện cũ).
Image
Học sinh trường Mỹ thuật Gia Định thập niên 1960 (ảnh đăng trên nguyệt san Trẻ)
Ba chồng dì Út, ông Tư Trường là một người lúc sinh tiền luôn được người dân quanh ngã tư Bình Hòa quý mến, thỉnh thoảng vẫn được nhắc trong những ngày giỗ chạp. Nhà khá giả, ông mỗi ngày tự lái chiếc xe hơi hiệu Traction đen to đùng đi làm ở Tòa Hành Chánh tỉnh Gia Định – dân quanh vùng quen gọi là Tòa Bố. Ông là thư ký Ty Hành chánh, là thành viên của ủy ban Vệ sinh tỉnh lo việc cấp giấy phép kinh doanh trong tỉnh Gia Định. Dân làm ăn buôn bán đều cậy nhờ ông khi cần mở tiệm, mở cơ sở buôn bán. Tuy có quyền thế ít nhiều, tính ông hào sảng, chỉ ham săn bắn. Năm nào cũng vậy, đến Tết là có người được ông giúp đỡ trong năm tìm đến để biếu quà. Hôm nào có ở nhà, ông ra đứng trước cửa, la mắng xa xả người mang quà đến: “Tui đã nói rồi, tui không lấy, mà còn mang đến!” rồi bắt mang quà cáp về. Có người đợi một lát khi ông ra sau nhà thì đem bỏ đại vô con hẻm sát vách. Nói cho cùng, đây là những món quà Tết thông thường như lạp xưởng, vịt lạp, gà vịt sống, bánh pía, trà… chứ không phải cao lương mỹ vị gì, nhưng tính ông Trường là vậy. Cũng có người mang đến khi ông đi vắng, một trong hai bà vợ của ông thương tình nhận giúp là thế nào cũng bị ông la như tắt bếp.

Đến tuổi gần sáu mươi, ông Tư Trường đổi chiếc Traction lấy chiếc xe Jeep để đi săn cùng đám bạn. Nhóm săn của ông, đa số làm nhà nước, có người sống trong ngôi biệt thự cổ họ Lê số 237 Nơ Trang Long (đã bị đập hoàn toàn năm 2018) vác súng đi săn miệt An Lộc, Bình Long, Sông Bé… Thỉnh thoảng hàng xóm lại thấy chiếc Jeep phủ đầy bụi đỏ của ông trở về, lấp ló đôi chân thú săn được. Về nhà, vợ con ông đem xả thịt, cho hàng xóm một mớ, mớ còn lại xào lăn, cuốn lá lốt, nấu súp cho cả nhà ăn hay xẻ khô để ông nhậu với bạn. Tuy vậy, phụ nữ trong nhà có mấy lần khuyên ông đừng đi săn nữa, vì “ăn của rừng rưng rưng nước mắt” nhưng ông mê quá không bỏ được. Image
Tòa Bố Gia Định. Sau 1954 là Tòa Hành chánh tỉnh Gia Định (Nguồn: Internet)
Bình Hòa là chốn êm đềm nhưng nằm trên con đường lưu thông quan trọng từ Bắc xuống Nam tỉnh Gia Định nên có khi đứng giữa các cuộc giao tranh trước 1975. Tết Mậu Thân năm 1968, dì Út lúc đã ra riêng, từ Phú Nhuận ẵm con gái về thăm nhà ba má chồng thì xảy ra chiến sự, có lệnh giới nghiêm. Mấy người dân chạy từ cầu Băng Ky xuống tới đó sợ quá ùa vô nhà, xin chui xuống gầm hai bộ ván gõ để tránh đạn lạc. Mấy đứa nhỏ trong nhà cũng chui xuống ván, chỉ có ba chồng của dì tỉnh bơ đi lại trong nhà. Ông Tư Trường qua lại quát mấy đứa nhỏ, chui vô gầm ván mà còn để… mông ló ra ngoài. Khi tiếng súng im, dì Út ra ngoài ngồi bên cái bàn chỗ cửa thông ra sân sau, dỗ cho con ăn vừa lo cho mấy đứa con đang ở nhà, thì một viên đạn từ trên trời nhểu xuống ngay trước mặt dì, chỉ cách một tấc. Dì xanh mặt, quyết định về nhà ngay. Cô em chồng dùng xe Honda chở hai mẹ con dì Út chạy luồn trong các con hẻm, từ Bình Hòa qua xóm Gà, về ngã tư Phú Nhuận rồi liều mạng chạy băng qua đường Võ Di Nguy vắng ngắt để vô hẻm nhà dì trên đường Nguyễn Minh Chiếu. Xong cô em vội vã quay xe, lại luồn mấy hẻm về nhà. May mà không ai bị việc gì.

Năm 1972, khi thằng Tý cháu nội mới sinh vài tuần, ông Tư Trường bảo: “Tui đi săn kiếm con nai ăn đầy tháng thằng Tý!”. Ông rủ hai người con trai nhưng không ai chịu đi cùng. Cuối cùng, ông cùng mấy người bạn leo lên xe Jeep lên đường, rồi cả xe và người mất tích luôn trên cánh rừng nào đó ở miệt Bình Long, cho đến giờ là gần nửa thế kỷ.
Image
Một ngôi nhà trong dòng họ Nguyễn ở Ngã Tư Bình Hòa (Ảnh: tác giả PCL)
Khu Ngã Tư Bình Hòa đến nay vẫn còn mấy căn nhà cổ. Nhà ông Sang, chuẩn tướng Không quân thời trước, nằm ngay mặt tiền đường Nơ Trang Long, ló ra trên hàng rào xi măng là mái ngói xưa rêu phong, nghe nói bên trong cũng đã hư hao nhiều. Nhà ông Tư Trường nhờ xây lại tường, tu sửa thường xuyên nên vẫn còn vững chắc, vẫn còn dãy nhà ngang phía sau nhưng sân đã thu hẹp lại vì cất thêm nhà ở cho con cháu trong họ. Nhà ông Mười Hai sâu trong hẻm Ba Cây Sao, có một cổng ngó ra nghĩa trang gia đình họ Nguyễn còn nguyên trong khu vườn đầy tiếng chim và tiếng gà rúc (ông Vương Hồng Sển viết trong sách là có lần đi ngang nghĩa trang này, có thấy trồng một loại bông vàng mà ông tưởng là bông điên điển). Còn nhà bà Năm Hồ vẫn giữ được cái sân rộng, ngôi nhà gỗ ba gian bên trái vẫn còn và phía bên phải là ngôi nhà mới xây khang trang. Cái sân nhà này khá đẹp, không có gì thay đổi sau hơn nửa thế kỷ tồn tại.

Ngã tư Bình Hòa đi về hướng Thủ Đức khoảng hơn trăm mét sẽ tới Ngã Năm Bình Hòa. Trong cuốn Văn thi sĩ tiền chiến, nhà văn Nguyễn Vỹ kể sau khi di cư vào Nam năm 1954, nhà viết kịch Vi Huyền Đắc cùng gia đình sống trong căn nhà tĩnh mịch, giữa một cảnh trí nên thơ ở Ngã Năm Bình Hoà mà ông đặt tên là Hoàng Mai Hiên. Nhà chỉ hai vợ chồng và một u già. Ông Vi Huyền Đắc dịch truyện Tàu cho vài tờ báo, vợ làm cô giáo đi dạy ở trường tiểu học Đa kao. Họ bỏ lại ngôi biệt thự ở bến Hạ Lý ngoài Hải Phòng để sống đơn sơ như vậy.
Image
Tác giả và ngôi nhà số 237 Nơ Trang Long, nay đã đập hoàn toàn (Ảnh: Nguyễn Đình)
Ngã năm Bình Hòa là nơi có năm trục lộ đi ra nhiều ngã, trong đó có quốc lộ số 1 đi đến các tỉnh miền Đông và miền Trung. Ngôi nhà họa sĩ Nguyễn Hoàng Hoanh nằm trong hẻm nhỏ gần đó, khiêm tốn như gia chủ, người từng được giải thưởng Hội họa Quốc gia năm 1970 với bức tranh Khởi Nghĩa.

Vài người quanh khu Bình Hòa còn nhắc lại chuyện đánh Pháp trong khu Đồng Ông Cộ gần đó, câu chuyện huyền hoặc về hồn ma cô Ba Trâm, một thiếu nữ chết oan ức sau trường Vẽ Gia Định thập niên 1920, thỉnh thoảng xõa tóc đứng xin quá giang xe ngựa rồi trả tiền giấy sau biến thành lá tre, chuyện học trò trường Vẽ bãi khóa trong thập niên 1930 vì bất đồng với cô giáo Lê Thị Lựu… Đất xưa, dù không quá cổ kính nhưng cũng đủ thấm đậm những chuyện huyền hoặc của thời Tả quân cai trị, thời xe ngựa lóc cóc đưa người sành điệu lên Bà Chiểu ăn cơm và nghe hát đờn ca tài tử ở quán Đức Thành Hưng hồi thập niên 1940.

Với tôi, Ngã Tư Bình Hòa là một vùng đất sang trọng, với khá nhiều nhà xưa từ thập niên 1930 nằm giữa vườn cây xanh um, vẫn giữ được chất Gia Định xưa mà người ở lâu trên thành phố này mới đủ tinh tế nhận ra trong giọng nói, hương vị tô mì hoành thánh và mấy món ăn quen thuộc Nam bộ trong mâm cơm cúng ngày giỗ Tết.

User avatar
mexanh
Posts: 474
Joined: Tue Nov 04, 2008 4:18 am

Re: Tìm nhau ngày tháng cũ.

Post by mexanh »

Image

Kỷ niệm xưa vang vọng về trường cũ
VŨ KIM ĐỨC

Cuối năm 1972, tôi bị đuổi học vì vụ đánh lộn với một học sinh cùng trường trong sân trường Thánh Thomas. Đánh lộn vì một lý do đơn giản: bực mình một chàng công tử con nhà giàu, coi trời bằng vung. Đó là quí tử của tiệm vàng K.K chợ Ông Tạ, đi học hay mặc áo bốn túi như Tổng trưởng Dân vận Hoàng Đức Nhã, có chiếc khăn mùi xoa màu xanh xếp lẳng lơ trước ngực, hống hách, kiếm chuyện gây gổ vì ghen tương với Nguyễn Văn Lân, bạn cùng lớp của tôi. Ngứa mắt, tôi cho chàng công tử bột một quả đấm giữa mặt, chảy máu mũi. Tôi rời trường Thánh Thomas, trong lòng chỉ còn vài hình ảnh của người bạn nghèo Nguyễn Văn Lân và thầy Đặng Quang Hướng – ngày đó mới ra trường Sư phạm, dạy toán nổi tiếng và có tiếng đàn guitar classic điêu luyện. Tôi đổi về trường Lê Bảo Tịnh học lớp 11 B3 niên khóa 1972-1973.

Trường Lê Bảo Tịnh nằm trong con hẻm khá rộng cạnh trường Tiểu học Trương Minh Giảng. Sân trường có cây bã đậu lá xanh, hoa đực màu đỏ, hoa cái màu tím đẹp mắt, với những trái màu vàng khi chín tách ra có những hột nho nhỏ như đậu xanh bên trong. Có cây phượng vĩ giữa trường, mỗi năm đến hè nở từng chùm hoa đỏ ối, rực rỡ như mặt trời… Từ cổng chính đi vào, phía bên trái có một căng-tin bán ô mai, bánh kẹo, trái cây, nước giải khát, cho học trò. Giờ ra chơi, một rừng nữ sinh áo trắng vây quanh đó, vừa cười giỡn, vừa xuýt xoa với những trái cóc, xoài, me ngâm cam thảo chấm muối ớt. Đặc biệt có món bánh mì gà làm từ thịt gà hộp của quân đội Mỹ được trét chút bơ kèm theo mấy cọng ngò và hành lá xanh ngắt ,rắc chút tiêu đen, bây giờ nhớ lại vẫn thèm nhỏ dãi. Phía bên phải trường là văn phòng hiệu trưởng của cha Phan Du Vịnh và cha Vũ Anh Thuấn, nơi có tấm bảng niêm yết danh sách học sinh ưu tú. Trên đó tháng nào cũng có tên của Hăng-rô lớp 12 B1, thằng bạn thân thuở mới lớn, học trên tôi một lớp.

Ngôi trường ấy còn có ông Lương gác cổng và cô con gái nhỏ xinh xinh. Nhiệm vụ của ông là mở và đóng cánh cửa sắt cho học trò ra vô mỗi ngày. Giờ nhập học, sau mười lăm phút “ban ơn” cho những đứa đến trễ, cái cổng uy nghiêm đó sẽ được đóng chặt. Có lần ngủ quên, tôi đến trễ hơn hai mươi phút, may mắn sao vẫn được ông mở cửa cho vô. Có lẽ nhờ bản mặt “dễ thương” của tôi chăng? Hôm đó tôi chạy như bay vô lớp, quá giờ điểm danh, mọi người đã đọc xong “Lời Tâm Niệm”. Thầy Đạo nhìn tôi với ánh mắt khó chịu làm thằng học trò này “quê một cục” với mấy đứa con gái cùng lớp.

Lớp 11 B3 niên khóa năm đó có các thầy Phan Văn Sự, thầy Bàng Bá Lân dạy Việt văn, thầy Nguyễn Hữu Quyền dạy Anh văn theo giáo trình English for Today, thầy Võ Văn Thơm dạy Pháp văn, thầy Ngô Duy Chính dạy Sử Địa, thầy Trần Đạo dạy Toán. Bao năm đã trôi qua, tôi vẫn còn nhớ như in những kỷ niệm với các thầy:

Đối với tôi, vì bẩm sinh thích văn chương nghệ thuật nên thầy Sự rất ưu ái. Những kỳ thi Đệ nhất và Đệ nhị lục cá nguyệt, bài luận văn của tôi luôn luôn đứng nhất lớp. Có một lần thầy ra đề “miêu tả một đêm ở vùng ngoại ô”. Tôi làm bài diễn tả cảnh khuya đèn vàng hiu hắt, tiếng ru con buồn man mác trong đêm, rồi không hiểu sao tôi nổi máu tiếu lâm, thòng thêm câu “Ngồi buồn gãi háng…lăn tăn” của chí sĩ Trần Văn Hương. Thầy Sự cười mím chi, bắt tôi đọc bài cho cả lớp nghe. Lũ nam sinh cười muốn bể bụng, còn đám nữ sinh đỏ mặt, nguýt ngoáy cái thằng “cà giựt”. Thầy hồi đó còn trẻ, hâm mộ Marilyn Monroe nên hay kể về phim “River of no return” với cảnh Marilyn Monroe ôm đàn, ngồi bên bờ sông hát bài hát cùng tên, giọng kể đầy cảm xúc.

Đôi lần thầy Bàng Bá Lân với mái tóc đen mướt có giờ dạy thế ở lớp chúng tôi. Cách dạy của thầy cũng khác, thầy say mê nói về thơ mới với Xuân Diệu, Anh Thơ, Huy Cận v.v.. Nhớ lần mấy thằng tôi đến thăm nhà thầy ở gần Bộ Tổng Tham Mưu, được thầy tặng cuốn Thơ Bàng Bá Lân và dẫn giải cách chụp ảnh sao cho có nghệ thuật. Cách ứng xử của thầy làm tôi có cảm tưởng rằng thầy như một kẻ sĩ sinh bất phùng thời ngày xa xưa còn sót lại.

Thầy Nguyễn Hữu Quyền thì dạy Anh văn với giọng nói đúng chuẩn Anh, hay bắt học trò học thuộc lòng từng đoạn Anh ngữ trong cuốn English for Today và khi lên trả bài phải đứng cạnh bàn của thầy đọc cho đúng giọng. Có lần thằng bạn T.A.Dzư lên trả bài mà không thuộc, bị thầy nổi giận mắng: “Tên anh là Dzư mà không dư, lúc nào cũng thiếu thốn chữ nghĩa!”. Thầy tuy khó tính nhưng rất thương học trò.

Thầy Võ Văn Thơm dạy Pháp văn thì kiên nhẫn dạy dỗ theo đúng lương tâm chức nghiệp. Thầy luôn nhắc nhở học trò cách chia động từ sao cho đúng văn phạm, nói sao cho đúng giọng Parisien cho Tây nó phục. Thầy nói tiếng Tây giòn như “lặt rau muống “.

Thầy Ngô Duy Chính dạy Sử Địa có kiến thức sâu rộng về lịch sử Việt Nam lẫn thế giới và vẽ bản đồ các nước dễ như trở bàn tay. Thầy gợi mở lòng yêu nước của cả lớp với những bài giảng hào hứng về các trận Bạch Đằng giang của Ngô Quyền, trận Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn bắt sống Ô Mã Nhi, trận đại phá quân Thanh của vua Quang Trung… Thầy dẫn giải sinh động làm cho cả lớp có cảm tưởng mình đang đứng giữa các cuộc chiến sặc mùi thuốc súng, vang tiếng đại bác xen lẫn tiếng voi gầm, ngựa hí…

Trong lớp, tôi thân nhất với Tôn Thất Tú. Tú và gia đình dọn vào Sài Gòn sau biến cố Tết Mậu Thân, nhà trong hẻm Trần Quang Diệu. Mạ Tú có gánh bún bò Huế nổi tiếng. Mỗi lần tôi đến chơi với Tú, bà đều cho một tô bún bò nóng hổi, cay chảy nước mắt nhưng ngon tuyệt cú mèo. Bạn lớp tôi còn có: Trang cao lớn với nốt ruồi trên má, nhà ở đầu đường Trương Minh Ký; Nguyễn Minh Nguyệt có nhà là tiệm thuốc tây Minh Nguyệt đường Trương Minh Giảng; Uông Tiến Thịnh nhà ở cạnh đường rày xe lửa số Sáu, đá bóng số một; Vũ Kim Chi có cặp mắt đẹp, nhà ngay gần trường học; Ngọc Bích tính tình phong cách rất tự nhiên, nhà biệt thự phía sau viện đại học Vạn Hạnh; Tâm với nét đẹp lai hai dòng máu Pháp-Việt, ngày cuối tuần hay mặc áo đầm khoe đôi chân dài, nhà ở hẻm chợ Vườn Xoài; Nguyễn Văn Đắc chững chạc, đẹp trai, mới chuyển về Sài Gòn từ Ban Mê Thuột. Đặc biệt trong lớp có nàng Lan còn được gọi là “Lan đầu dồ” vì cái trán cao bướng bỉnh, rất xinh xắn mi-nhon, nhà ở đường Trương Tấn Bửu. Khi đi học, Lan luôn gài băng-đô trên tóc với tà áo dài trắng lướt nhẹ, nhìn dễ thương tựa bức tranh nữ sinh trên tờ “Tuổi Ngọc” của Duyên Anh, làm nhiều anh chàng trong trường ngơ ngẩn.

Ngoài ra lớp tôi còn có Nguyễn Văn Nhiều với gương mặt buồn buồn, nhà ở xóm Cá, gần đường rày xe lửa số Sáu, hàng xóm của nhà văn Nhật Tiến. Giữa niên khóa, Nhiều đổi về Trường Nguyễn Thượng Hiền, sau đó xếp bút nghiên theo việc đao cung vì lệnh đôn quân. Sau đó, Nhiều đã nằm xuống chiến trường để lại bao ngậm ngùi cho các bạn cùng lớp. Kỷ niệm đáng nhớ của lớp 11B 3 còn là khi tôi làm Trưởng ban Báo chí, tham dự cuộc thi văn nghệ cuối năm 1973 thì lớp tôi đoạt giải nhất toàn trường với bài hợp ca Con đường cái quan và đơn ca Bao giờ biết tương tư qua tiếng hát Minh Nguyệt với Tôn Thất Tú đệm đàn. Chuyện văn nghệ của lớp cũng làm nở hoa vài mối tình học trò ngây thơ giữa Tú và Nguyệt, Tâm và Đắc… Riêng tôi hồi đó lại bị một nữ sinh duyên dáng bên trường Trưng Vương hớp hồn, lấy mất trái tim.

Bây giờ, đã bao năm trôi qua, tôi vẫn nhớ quá tiếng cười, giọng nói của đám bạn bè ngày ấy trong sân trường. Tôi cũng luôn tưởng nhớ quý thầy, quý cha vừa là thầy dạy dỗ kiến thức, vừa là cha mẹ rèn luyện cho chúng tôi nên người hữu dụng ngoài đời. Thời Việt Nam Cộng Hòa có nhiều tình nghĩa thầy trò cảm động rơi nước mắt, trên kính dưới nhường, thầy ra thầy, trò ra trò. Nhắm mắt lại, tôi vẫn như thấy trước mắt mình sân trường Lê Bảo Tịnh, khi tiếng chuông tan học vang lên, lũ nam sinh chạy huỳnh huỵch xuống cầu thang nhộp nhịp, còn các nữ sinh xinh như mộng cười khúc khích, vuốt lại mái tóc, sửa lại tà áo, nhẹ nhàng bước ra cổng trường rồi sau đó tỏa ra mọi nẻo đường như đàn bướm trắng tung bay… Đó là khi phố phường bừng lên trong nắng, đẹp như một câu thơ: Chiều nay bướm trắng ra nhiều quá, không biết chiều mưa hay nắng đây?

Post Reply