TIN TỨC PHIM ẢNH CA NHẠC

Phim ảnh, âm nhạc đưa người ta vào thế giới ảo mộng quên đi bao nỗi muộn phiền của đời thường... Nơi đây chỉ ghi lại một phần nào đó của cái thế giới muôn mầu sắc và âm thanh đó mà thôi.

Moderator: Nguyễn_Sydney

User avatar
macco
Posts: 3541
Joined: Mon Jan 17, 2005 8:04 am

Post by macco »

Image

Chuyện Tình ca LAM PHUƠNG


Lam Phương tuy không phải là lính tác chiến, nhưng từ ngày mới lớn đi quân dịch cho đến ngày mất Miền Nam năm 1975, anh đều ở trong quân đội. Từ Ban Văn Nghệ Bảo An, đổi thành Hoa Tình Thương và sau cùng là Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương. Vì công tác liên tục nên quả thật anh cũng khó khăn lắm mới có dịp ghé thăm người tình. Anh viết Biết Đến Bao Giờ là viết cho anh, cho Minh Hiếu, nhưng cũng là viết cho cả triệu người lính Miền Nam lúc bấy giờ.

Cao điểm nhất của Lam Phương để ghi dấu chuyện tình với Minh Hiếu là bài Em Là Tất Cả:

“Em ơi suốt đêm thao thức vì em.
Vì lời giã từ lúc anh ra về…”

Bài này quá phổ biến, quá nhiều ca sĩ hát, nhất là trong các đĩa karaoke. Nó nổi tiếng đến độ nhiều người tự động đổi tên nó thành: “Thao Thức Vì Em”! Tôi nhớ có lần đi show, tôi hỏi cô ca sĩ sắp ra sân khấu:
– Cháu hát bài gì để chú giới thiệu?
– Thưa chú bài Thao Thức Vì Em của Lam Phương.
Tôi ngạc nhiên bảo:
– Theo chú biết thì Lam Phương không có bài nào tên là Thao Thức Vì Em…
Mà quả thật, trên nhiều đĩa karaoke và thậm chí trên bản nhạc in lại, người ta thản nhiên ghi tựa là Thao Thức Vì Em! Hễ có dịp, tôi đều đính chính lại để tôn trọng tác giả, bởi tác giả đã đặt tên bài hát đó là Em Là Tất Cả.

*Người đẹp thứ ba mà Lam Phương gặp gỡ và say đắm là ca sĩ Hạnh Dung trong Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương. Cô không nổi tiếng lắm bởi cô là nhân viên dân chính do Biệt Đoàn tuyển dụng và chỉ hát cho lính nghe. Tuy vậy, chuyện tình Lam Phương – Hạnh Dung cũng để lại cho chúng ta những tình khúc rất đặc sắc mà giờ này vẫn được tán thưởng nồng nhiệt như buổi ban đầu Lam Phương mới sáng tác. Chẳng hạn như bài Bọt Biển ghi dấu kỷ niệm hai người hẹn hò bên bờ đại dương, hoặc bài Giọt Lệ Sầu, Lam Phương viết khi thấy tình yêu bế tắc. Bế tắc có nghĩa là sẽ chẳng đi đến đâu, cho nên ngay từ buổi đầu gặp gỡ, Lam Phương đã không giấu được niềm lo âu qua các tác phẩm anh viết tặng Hạnh Dung:

“Nhè nhẹ đôi chân lại gần đây em
Tựa vào vai anh nghe sóng xô trên biển xanh
Nhè nhẹ đôi tay nâng lấy mộng lành
Vì tình đôi ta tha thiết nhưng quá mong manh!”
(Bọt Biển)

Đã biết là tình quá mong manh nhưng hai người vẫn lao vào! Thậm chí có lúc anh đã phải chán nản sáng tác bài Tình Nghĩa Đôi Ta Chỉ Thế Thôi:

“Thôi là hết em đi đường em
Tình duyên mình có bấy nhiêu thôi…”

Bài này thật ra anh viết để tự nhắc nhở hay đúng ra là thúc giục mình nên chấm dứt mối quan hệ éo le ấy, chứ lúc anh viết thì hai người vẫn chưa chia tay nhau.
Quyết định chấm dứt cuộc tình nhưng có những lúc anh thấy mình khó cưỡng lại được trái tim yếu mềm của mình nên anh phải cầu xin ơn trên giúp anh chịu đựng. Đó là lý do anh viết bài Lạy Trời Con Được Bình Yên:

“Lạy trời con được bình yên
Tình yêu đó giết con trong ưu phiền

Ôi! Mấy đêm nay, tôi cố quên người
Lại càng yêu thêm!”

Một lần, Lam Phương theo Biệt Đoàn ra công tác ngoài Côn Đảo, trình diễn cho các đơn vị quân đội ngoài ấy. Đêm cuối cùng mọi người gặp nhau họp mặt liên hoan để tiễn chân các cô ca sĩ sáng mai về Sàigòn trước. Lam Phương tạm biệt Hạnh Dung vì anh phải tạm nán lại Côn Đảo vài hôm nữa. Anh viết bài Phút Cuối rất cảm động:

“Chỉ còn gần em một giây phút thôi
Một giây nữa thôi là xa nhau rồi
Người theo cánh chim về vui với đời
Để lòng thương nhớ cho kiếp đơn côi!”

Đáng nói nhất là một lần Lam Phương đi công tác trên Đà Lạt. Anh đi một mình không có Hạnh Dung. Anh ray rứt nhớ người yêu bởi Hạnh Dung và anh đã từng hẹn hò nhiều lần tại thành phố sương mù này. Ngồi trong căn nhà trọ lưng chừng đồi nhìn xuống khu phố đìu hiu ngày chủ nhật, anh tha thiết nhớ Hạnh Dung và viết ngay bài Thành Phố Buồn, ca khúc mà tôi vẫn giới thiệu là đã mang lại nguồn lợi tức khổng lồ cho tác giả. Anh bán được hơn 12 triệu, có lẽ là con số kỷ lục trong rừng nhạc tại Miền Nam. Không biết anh có chia cho Hạnh Dung vài triệu hay không, bởi chính Hạnh Dung là nguồn cảm hứng cho bài hát này!

“Thành phố buồn nhớ không em
Nơi chúng mình tìm chút êm đềm

Quỳ bên em trong góc giáo đường
Tiếng kinh cầu dệt mộng yêu đương
Chúa thương tình, sẽ cho mình, mãi mãi gần nhau”.

Ba dòng nhạc Lam Phương viết cho ba người tình đều hay như nhau, nhưng lời ca thể hiện rõ ba hướng khác nhau: Nhạc viết cho Bạch Yến thì đau xót nuối tiếc, viết cho Minh Hiếu thì nồng nàn nhớ nhung, viết cho Hạnh Dung thì lo âu mệt mỏi vì viễn ảnh tương lai tăm tối. Tâm trạng của Lam Phương khi ở bên cạnh Hạnh Dung thật giống với ý thơ của Thanh Tâm Tuyền:

“Ôm em trong tay
Nhớ em ngày sắp tới!”

Mà Lam Phương lo âu là phải! Khi mất Miền Nam, Lam Phương quyết định ra đi vào phút chót. Thật ra thì ngày 28 tháng 4, Hạnh Dung đã rủ anh đi. Nhưng anh gạt nước mắt khước từ. Sáng 30 tháng 4, thấy cả thành phố nhốn nháo, anh mới cùng Túy Hồng và các con vội vã lên tàu Trường Xuân. Đặt chân đến Mỹ, Lam Phương rơi lệ viết bài Chuyện Buồn Ngày Xuân để tự trách mình đã bỏ rơi người tình Hạnh Dung, mặc dù việc này cả anh và Hạnh Dung đều đã đoán trước. Khi chỉ mới tạm biệt nhau ở Côn Đảo, anh đã viết trong bài Phút Cuối một câu tiên tri:

“Biết em sẽ buồn vì mình chẳng có ngày mai!”

Nghe nhạc tình Lam Phương, có lúc tôi đã tự hỏi: “Lam Phương thật sự có đắm đuối trong tình yêu như anh diễn tả qua các nhạc phẩm của anh hay không? Theo tôi đoán thì không! Đó chỉ là cách bày tỏ cảm xúc đôi khi quá mãnh liệt, bằng lời ca quá bi lụy khiến người nghe có cảm tưởng lúc nào Lam Phương cũng “khóc thầm” vì yêu mà chưa chắc anh đã thật sự nhỏ nước mắt vì tình! Khi chúng ta nghe Chuyện Tình Buồn do Phạm Duy phổ thơ cho Duy Quang hát, có những câu ray rứt:

“Ngày nhà em pháo nổ
Anh cuộn mình trong chăn
Như con sâu làm tổ
Trong trái vải cô đơn!”

Chúng ta hình dung ngay tác giả bài thơ ấy ắt phải đau đớn phờ phạc lắm khi nghe tin người yêu đi lấy chồng! Nhưng chưa hẳn! Hồi còn ở tuổi thanh niên, tôi có quen một ông thi sĩ làm bài thơ rất não nề trong ngày người yêu lên xe hoa. Bài thơ gửi đăng báo làm tôi mủi lòng đến rơi lệ! Tôi xót xa chạy lại thăm để an ủi thì thấy ông đang mặc quần đùi ngồi nhậu ngoài sân, miệng cười oang oang, rõ ràng chẳng nhớ nhung gì người tình vừa sang ngang. Cho nên, cái rung động của người nghệ sĩ đôi khi chỉ chợt đến chợt đi, chứ chưa chắc đã sâu thẳm như thiên hạ lầm tưởng.

Trường hợp nhạc sĩ Lam Phương, tôi biết chắc một điều là anh rất dễ xúc động, nhưng không hẳn anh đã lụy tình như những lời ca anh viết. Nguồn cảm hứng sáng tác thường đến với anh quá nhanh, quá dễ, dù nguồn cảm hứng ấy chỉ là một giai nhân lướt qua cuộc sống của anh trong khoảnh khắc! Có lẽ nghệ sĩ khác người thường ở điểm đó. Đây nhé: Anh quen một cô nữ sinh ở Sàigòn, anh viết ngay bài Xin Thời Gian Qua Mau:

“Buồn nào hơn đêm nay
Buồn nào hơn đêm nay
Khi ngoài kia bão tố đầy trời!”

Sau này, sang Paris, anh chỉ nghe nói nữ ca sĩ Họa Mi chia tay chồng nhưng anh chưa hề gặp Họa Mi. Thế mà anh cũng xúc cảm viết bài Em Đi Rồi thật sướt mướt!

Rồi cũng ở Paris, người ta đặt anh viết nhạc cho cuốn phim kể chuyện một cô gái ở Miền Nam đi theo Mặt Trận Giải Phóng, về sau quá hối hận vì biết mình lầm đường một thời gian dài. Câu chuyện rất đơn giản mà Lam Phương sáng tác được bài Cho Em Quên Tuổi Ngọc vào hàng tuyệt tác. Chưa hết, cũng ở Paris, anh đang chung sống với bạn gái, thì tình cờ một hôm người bạn anh dẫn về một cô bạn gái khác. Anh giật mình thấy cô bạn kia xinh đẹp quá, rồi ngay sau đó anh đẩy trí tưởng tượng đi xa y như anh vừa gặp tiếng sét ái tình! Nhờ vậy, anh mới viết được bài Tình Đẹp Như Mơ thật hay:

“Tình yêu từ đâu mà tình yêu vội vã chiếm tim ta?
Chỉ một lần qua mà đêm đêm hình bóng mãi bên ta!”

Như thế thì đủ thấy sự nhạy bén trong trái tim Lam Phương lúc nào cũng sẵn sàng rung động, sẵn sàng nhỏ máu. Anh chưa bị mổ tim là may lắm rồi!
Nếu lùi lại xa hơn, năm 19 tuổi, Lam Phương đi quân dịch (bây giờ trong nước gọi là đi nghĩa vụ quân sự). Đêm mãn khóa, anh viết bài Tình Anh Lính Chiến có những câu tràn ngập tình cảm như sau:

“Mai nếu đời ngăn chia ngàn lối
Đừng quên nhé những ngày bên nhau
Nói gì cạn niềm vui rồi ngày mai ta lên đường”.

Những lời gắn bó như thế, ai cũng tưởng là anh viết cho người tình, hóa ra chỉ là mấy ông bạn cùng dự khóa huấn luyện ở Quang Trung! Như thế thì đủ thấy thấy trái tim Lam Phương dễ rung động tới mức nào! Đó cũng là cái tài trời ban cho anh để anh biến những cảm xúc trong tim, dù rất nhỏ, thành những nốt nhạc có sức làm say đắm lòng người.

*Người đàn bà thứ tư cho Lam Phương một khúc rẽ triệt để, một bước ngoặt lớn lao trong sự nghiệp sáng tác, chính là vợ anh, kịch sĩ Túy Hồng. Tôi cứ nhắc anh là phải cám ơn chị Túy Hồng vì nhờ sự hắt hủi của Túy Hồng anh mới viết được một ca khúc hay nhất hải ngoại, đó là bài Lầm:

“Anh đã lầm đưa em sang đây
Để đêm trường nghe tiếng thở dài!..”

Rồi từ bài Lầm ấy, anh mới giã từ nước Mỹ, trắng tay ra đi lần thứ hai. Có thể xác quyết rằng, đây là giai đoạn đau khổ nhất trong cuộc đời Lam Phương. Đau khổ vì đang từ một người có thừa tiền tài danh vọng trong nước, anh sang Mỹ bắt đầu lại bằng những nghề lao động chân tay thấp kém nhất. Thế mà chuyện gia đình lại đổ vỡ, làm như số mệnh muốn trả thù anh, đem cái khổ tinh thần nhồi thêm vào cái đau vật chất đang vây chặt lấy anh. Anh bi quan đến độ toan tìm cái chết:

“Thà cuộc đời im trong lòng đất…”

Anh tủi thân đến nỗi viết bài Say trong đó có câu:

“Ta biết ta đã già…”

Mất miền Nam anh 38 tuổi. Sang Mỹ, mất gia đình, anh 40 mà phải than già thì cay đắng quá!
Image Túy Hồng tên thật là Trương Ánh Tuyết, là kịch sĩ nổi tiếng của truyền hình và truyền thanh Sàigòn. Từ thuở còn là học sinh trung học, Túy Hồng đã bắt đầu bước lên sân khấu thoại kịch (kịch nói) của ban Dân Nam. Vì trong đoàn có Kim Cương, nên Túy Hồng luôn luôn chỉ được giao vai thứ nhì, dù rằng khán giả và báo giới ngày ấy rất chú ý đến Túy Hồng sau lần xuất hiện trong vở Áo Người Trinh Nữ từng làm khán giả đổ nhiều nước mắt. Mãi đến sau Tết Mậu Thân 1968, Túy Hồng mới tách khỏi đoàn Kim Cương để thành lập ban kịch Sống. Trong mỗi vở kịch, Túy Hồng đều cố đưa vào một bài hát của chồng là Lam Phương, do chính Túy Hồng hát, chẳng hạn: Đèn Khuya, Kiếp Nghèo, Thu Sầu, Tiễn Người Đi, Tình Nghĩa Đôi Ta Chỉ Thế Thôi. Túy Hồng không phải ca sĩ chuyên nghiệp, nhưng giọng hát thuộc loại hay, lại có lối diễn tả của một kịch sĩ nên bài nào cô trình bày trên sân khấu kịch Sống cũng đều gây tiếng vang ngay. Bản Phút Cuối khi vừa sáng tác, Lam Phương giao cho Túy Hồng thu đĩa chung với Diên An, bán chạy như tôm tươi. Túy Hồng hát bài này với cả trái tim rung động vì không hề biết bài này chồng mình viết cho người khác!

Tất nhiên, những chuyện tình bên lề của Lam Phương, Túy Hồng đều biết cả, anh không thể giấu hết được. Trực giác nhạy bén của người phụ nữ là vũ khí tự vệ trời ban cho, nên khó có ông chồng nào ngoại tình mà che mắt được vợ! Túy Hồng buồn lắm, nhưng xã hội Việt Nam không đặt nặng vấn đề này. Đàn ông, mà lại là nhạc sĩ nổi tiếng, có đèo bòng thêm một vài bóng dáng khác thì cũng chỉ là vui chơi qua đường mà thôi! Túy Hồng chôn giấu nỗi sầu cho tới khi ra hải ngoại. Ra hải ngoại tức là bước vào một thế giới mới. Mọi thứ giá trị vừa bị đảo lộn hết. Cộng đồng người Việt nhỏ bé đang thành hình là một xã hội mất quân bình vì đàn ông quá dư khiến phụ nữ trở thành “hàng khan hiếm”! Có những cô nhan sắc rất èo uột, giá còn ở Việt Nam thì khó có thể lấy được chồng, giờ sang Mỹ tự động được nâng cấp, kẻ đưa người đón tấp nập! Huống chi Túy Hồng vừa nổi tiếng vừa xinh đẹp! Bao nhiêu săn đón chung quanh làm Túy Hồng xiêu lòng. Hình ảnh người chồng nhạc sĩ mới hôm nào ở Sàigòn lớn lao quá, vĩ đại quá, giờ này đi quét dọn, làm thợ hàn, thợ mộc! Huống chi có thể Túy Hồng đã nuôi sẵn mối hận trong lòng, cay đắng nhịn nhục bao nhiêu năm qua, bây giờ mới có cơ hội vùng lên! Sự thay đổi rõ ràng ở Túy Hồng làm Lam Phương đành phải ngậm ngùi ra đi!

Khăn gói qua Paris lại còn vất vả hơn nhiều. Cái nghèo, cái khổ và nhất là cái lạnh của Mùa Đông Paris làm anh vô cùng điêu đứng. Ngày còn ở Việt Nam, nghe Paris là kinh đô ánh sáng, là phương trời mơ mộng mà Nguyên Sa mô tả:

“Hôm nay tôi đi Paris đang vào thu
Dòng sông Seine đang mặc áo sương mù
Đang nhìn tôi mà khoe nước biếc
Khoe lá vàng lộng lẫy lối đi xưa!”

Chao ơi! Đẹp biết bao! Nhưng thực tế thì Paris thiếu rất nhiều phương tiện cho người nghèo, chứ không như bên Mỹ. Lam Phương qua Paris năm 1980, cộng đồng người Việt còn rất thưa thớt và đang ngơ ngác vừa nhớ nhà vừa cố gắng hội nhập. Không ai giúp đỡ được anh. Trung tâm Thúy Nga tuy cũng mới dựng lại bảng hiệu ở quận 13 nhưng còn nghèo xác xơ. Ông Tô Văn Lai đi học sửa xe và cùng con gái đứng bơm xăng thì làm gì có việc cho Lam Phương làm!
Sau này, khi Lam Phương kể lại với tôi, tôi hỏi:
– Hồi anh 17 tuổi, sống trong xóm lao động ở Tân Định, anh sáng tác được bài Kiếp Nghèo thật hay, rồi nhờ bài ấy mà anh hết nghèo! Khi sang Paris, anh còn nghèo hơn lúc ở Tân Định, sao anh không viết thêm một bài Kiếp Nghèo nữa?
Anh cười buồn bảo tôi:
– Ở Tân Định tôi nghèo nên mới viết được bài Kiếp Nghèo. Nhưng sang Paris, nếu viết thêm một bài nữa, thì phải đặt tên là Kiếp Mạt mới chính xác!
*Nhưng anh chưa kịp viết Kiếp Mạt thì cuộc đời anh lại thay đổi, lại gặp một khúc rẽ mới ở người đàn bà thứ 5. Rõ ràng là anh có số đào hoa! Đó là một giai nhân tên là Lê Thị Cẩm Hường mà tôi đã có lần nhắc đến trên Paris By Night. Lam Phương như ngọn cây thiếu nước suốt cả một mùa Hè, bây giờ mưa mới đổ xuống cho ngọn cây sống lại, nhất là Cẩm Hường từng nức tiếng về nhan sắc. Có tờ báo tả cô là “một hoa khôi đẹp mê hồn”! Lúc ấy, Lam Phương đã bước vào tuổi trung niên nên anh viết ngay bài Nửa Đời Yêu Em, rồi nối tiếp luôn một loạt tình ca chan hòa hạnh phúc như: Bài Tango Cho Em, Thiên Đường Ái Ân, Mùa Thu Yêu Đương, Chỉ Có Em… Lời ca của anh bây giờ vui tươi và thực tế lắm bởi anh vừa phục sinh sau những ngày dài mất hết niềm tin trong cuộc sống:

“Từ ngày có em về
Nhà mình ngập ánh trăng thề”

Hoặc:

“Đường vào Paris có lắm nụ hồng”

Anh nhắc đến những nụ hồng bởi đó là tên người tình mới (Hường) của anh. Nói chung, giai đoạn này nhạc Lam Phương chuyển sang một hướng mới, tìm lại được niềm tin yêu trong đời, bỏ lại sau lưng tất cả chuỗi ngày vất vưởng đã qua.

Hai người sống bên nhau được gần 10 năm rồi lại chia tay. Lam Phương mệt mỏi viết bài Tình Vẫn Chưa Yên trong đó có hai câu cuối:

“Lạy Chúa! Con yêu đời xót xa nhiều
Bao năm qua con mãi đi tìm mà tình vẫn chưa được yên”!

Ở Paris tình vẫn chưa yên cho nên Lam Phương thấy nhớ nước Mỹ. Anh bỏ đi từ 1980, mãi 15 năm sau mới quay lại, tức là 1995. Bốn năm sau, anh bị tai biến mạch máu não, phải ngồi xe lăn và từ đó u sầu nhìn quanh một mình, tính đến nay đã 17 năm!

Không tin số cũng không được! Lâu rồi, anh Lam Phương có kể với tôi rằng: Một hôm anh thả bộ trên bờ sông Seine, có bà thầy bói ngồi dưới tàn cây, mời anh ghé vào coi. Bà chuyên coi bằng trái cầu pha lê (crystal ball) là thứ rất thịnh hành ở Pháp. Anh không tin lắm nhưng vì tò mò, anh tạt vô cho bà xem. Bà nghiêm mặt hai ba lần bảo anh:
– Cuối đời ông sẽ sống cô đơn!

Câu nói ấy anh nghe qua rồi quên hẳn, cho đến khi bị nạn ngồi một chỗ, anh mới nhớ lại lời bà thầy bói. Nhưng cũng nhờ biết trước nên anh không bi quan, không tuyệt vọng vì biết đó là định mệnh đã an bài cho mình.
Tôi sang Paris rất nhiều lần, nhưng chưa thấy chị Cẩm Hường lần nào bởi khi tôi gặp anh Lam Phương năm 1993 thì anh đã chia tay Cẩm Hường rồi. Mãi đến mùa hè 2013, tôi mới nhìn thấy chị lần đầu khi tôi cùng nhạc sĩ Lam Phương được mời sang Paris làm show Tình Ca Lam Phương. Chúng tôi ở hotel Ibis trong khu Place Italie. Nghe tin anh Lam Phương về Paris, chị Cẩm Hường chạy lại thăm. Thấy tôi ở lobby, chị từ phòng anh chạy ra chào và cám ơn tôi đã nhắc đến chị trên sân khấu Paris By Night. Trước đó, chị cũng đã một lần viết thư cho tôi để cám ơn chuyện này.
Nghe chị giới thiệu tên, tôi giật mình nhìn chị, cố hình dung ra người phụ nữ đã từng đem bao nhiêu nụ hồng đến với anh Lam Phương, từng được gọi là “hoa khôi có sắc đẹp mê hồn”! Nhưng dĩ nhiên, tôi không thấy. Trước mặt tôi giờ đây chỉ là một người đàn bà vừa thấp vừa tròn trịa theo qui luật tàn nhẫn của thời gian mà ai cũng phải trải qua! Chính vì thế, cứ lâu lâu chúng ta lại nghe một ca sĩ gào lên một cách nuối tiếc:

“Ngày ấy đâu rồi! Ngày ấy đâu rồi…!”

Chị Cẩm Hường tái ngộ anh Lam Phương như thế cũng là đúng lúc, vì chỉ hơn một năm sau, tôi nghe tin chị qua đời tại Paris!

Để tổng kết bài này, tôi xin cám ơn tất cả những người tình một thời của nhạc sĩ Lam Phương. Những nguồn vui, những nỗi sầu, những hạnh phúc, những giận hờn mà họ đã mang lại cho Lam Phương, để anh kết thành hàng loạt nhạc phẩm đặc sắc lưu lại mãi mãi cho đời.

Ngày 21 tháng 5 tới đây, Quỹ Cộng Đồng Thời Báo sẽ đón nhạc sĩ Lam Phương trở lại Toronto một lần nữa, để chúng ta được nghe lại những bài tình ca tôi vừa lược kể, những bài tình ca mà chắc chắn có lúc Lam Phương đã phải viết bằng những dòng nước mắt.

Nhân dịp này, Quỹ Cộng Đồng Thời Báo cũng muốn cùng với khán thính giả yêu mến Lam Phương, chúc mừng ông vừa bước vào tuổi 80 mà người ta thường gọi là “bát tuần khánh thọ”. Chúng ta cầu chúc ông luôn mạnh khỏe vì biết đâu sau tuổi 80, ông sẽ lại gặp vài người đẹp, vài mối tình nở muộn để ông lại sáng tác thêm một loạt tình ca đặc sắc nữa!

Nguyễn Ngọc Ngạn
Toronto 2/2016

User avatar
macco
Posts: 3541
Joined: Mon Jan 17, 2005 8:04 am

Post by macco »

Đằng sau vết sẹo của Selena Gomez:
Khi vinh hoa cả trăm ngàn bạn, lúc hoạn nạn tri kỉ chỉ còn hai


THANH THANH

Image
Selena Gomez, cô đào rực rỡ bậc nhất Hollywood khiến cả thế giới ngỡ ngàng khi xuất hiện trên giường bệnh, cơ thể chằng chịt dây dợ còn bàn tay vẫn nắm thật chặt lấy người bạn thân 9 năm - người đã hiến thận cho cô.

Ngày 14/9/2017, nữ hoàng mạng xã hội, 9x tài năng, cô đào nóng bỏng nhất nhì kinh đô điện ảnh Hollywood xuất hiện trong một tấm hình khiến cả thế giới vỡ lẽ. Selena Gomez nằm trên giường bệnh, cơ thể chằng chịt dây dợ và băng dán phủ kín một mảng da, còn bàn tay vẫn nắm thật chặt lấy người bạn thân 9 năm.

Tất nhiên, cả hai đều cười rất hạnh phúc, như thể không gian giường bệnh phủ đầy mùi thuốc, mùi cồn là một bữa tiệc ăn mừng giữa chốn phồn vinh ngoài kia của giới nghệ sĩ vậy. Selena vừa trải qua cuộc phẫu thuật ghép thận cứu lấy mạng sống có thể kết thúc bất kỳ lúc nào của mình vì một căn bệnh - nguyên nhân khiến Selena biến mất vào 2 năm trước... nhưng không một ai quan tâm. Image Năm 2015, người ta thấy Selena Gomez tự cường đứng dậy sau cuộc tình tan vỡ với Justin Bieber. Cô ca sĩ từng chịu tiếng kém tài điên cuồng ra đĩa đơn, gây sốt với MV, xuất hiện thật "ngầu", thật sexy trong các show diễn đình đám thế giới, từ Victoria's Secret Fashion Show cho đến American Music Awards...

Và đùng một cái, ở trên đỉnh cao danh vọng, Selena tuyên bố: "Tôi được chẩn đoán mắc bệnh Lupus và phải trải qua hóa trị. Đó là lý do vì sao tôi đã hủy tour". Nhưng, chẳng ai chịu tin rằng bệnh tình của ngôi sao đình đám này thật sự nghiêm trọng.

"Cô ta viện cớ để che giấu chuyện nghiện ngập phải không?", "Cô ta lại có vấn đề sâu xa gì đây"... Tất cả những tiếng xì xào bàn tán khiến căn bệnh nguy hiểm trở thành công cụ để lấp liếm thói hư tật xấu của một cô nàng mới lớn, hư hỏng và được nuông chiều vì thành công quá sớm. Những ngày tháng sau đó, Selena mất tích. Và ai cũng chắc mẩm rằng, cô nàng đi cai nghiện.

Selena không gầy rộc đến mức đáng thương như Angelina Jolie, cũng chẳng chưng ra dáng vẻ tiều tụy khiến truyền thông hay công chúng không ngừng thương xót, tội nghiệp.
Theo dõi Selena trên báo và trên mạng xã hội từng ấy thời gian, người hâm mộ chỉ thấy nữ minh tinh trẻ đẹp, an nhàn hưởng thụ cuộc sống của một người có tất cả trong tay, cười đùa hạnh phúc bên những mối tình tốn giấy mực truyền thông với Zedd, The Weeknd.
Nhìn thấy điểm khác lạ, công chúng auto-áp-đặt thói hư tật xấu của những "tấm gương" xấu nhà Disney lên cô công chúa nhỏ như một thói quen của những người thích luận đàm chuyện trong showbiz. Nhưng đã có ai chịu dừng lại một giây để nghe câu chuyện này?

"Tôi đã bị chẩn đoán mắc căn bệnh tự miễn Lupus, và tôi đã trải qua quá trình hóa trị. Những tiếng ồn trong đầu luôn khiến tôi phát điên. Nó đã làm tôi bị trầm cảm, khiến tôi không muốn ra khỏi nhà, không muốn nói chuyện với người khác và tin tưởng họ. Sau đó tôi đã đi điều trị tâm lý. Đó là những gì tôi làm trong thời gian nghỉ ngơi vừa qua, bởi nếu không chữa trị tôi có thể bị đột quỵ.

Tôi rất muốn nói cho tất cả mọi người biết rằng, các người chẳng biết gì cả. 'Tôi đã phải đi hóa trị đấy. Các người là bọn khốn'. Tôi đã giận dữ tới mức muốn nói thẳng ra tất cả. Thật kinh khủng khi phải bước vào một nhà hàng, tất cả đều hướng mắt về bạn. Và bạn cũng biết rõ họ đang bàn tán gì về mình".
Image 90 ngày đen tối ở trại cai nghiện trong trí tưởng tượng của công chúng là 90 ngày rực rỡ nhất đối với Selena.
Cô rời xa chiếc điện thoại thông minh, rời xa mạng xã hội và những bài đăng triệu like và tìm tới vùng đồng quê.
Một Selena luôn khiến mọi cô gái trên trái đất này phải ghen tị với những bộ cánh lộng lẫy, những kiểu đầu chỉ có trong tưởng tượng của các nhà tạo mẫu nổi tiếng thế giới, người đẹp được bao tài tử khao khát hẹn hò... lại khư khư giữ mái đầu rối bù, gương mặt mộc mạc không son phấn để tập trung chữa trị.
"Tôi còn tham gia trị liệu tâm lý bằng cách cưỡi ngựa. Thật tuyệt vời và cũng rất khó khăn. Nhưng tôi biết việc này giúp tôi trở nên mạnh mẽ hơn".
Tôi không hâm mộ Selena Gomez, vì cô ta không phải là một nghệ sĩ tài năng xuất sắc như những gì báo chí tung hô. Nhưng có lẽ, cái tài của cô ca sĩ này không nằm ở giọng hát hay khả năng diễn xuất, mà là ở thứ bản lĩnh của một ngôi sao được rèn giũa qua năm tháng lăn lộn, học hỏi trong làng giải trí.

Sau 90 ngày điều trị tâm lý và hóa trị, Selena quyết định tái xuất trong lễ trao giải American Music Awards 2016. "Bước chân lên tấm thảm đỏ đó, cảm xúc của tôi bỗng dâng trào, đến nỗi lưng tôi ướt đẫm". Và rồi tôi thấy một Selena Gomez lộng lẫy mang nụ cười của người phụ nữ bản lĩnh trên thảm đỏ danh giá ngày hôm đó. Image
Mùa hè năm 2017, hai con người đã chạy đến và nắm lấy tay Selena Gomez...
Mùa hè 2017, Selena Gomez lại im hơi lặng tiếng. Người ta thấy Selena Gomez chạy đua với những dự án âm nhạc, thử sức với vai trò giám đốc sản xuất, tạo nên bộ phim gây bão "13 Reasons Why" nhưng lại rất kín tiếng, chẳng thèm quảng bá cho sản phẩm âm nhạc mới, những đứa con tin thần bản thân cô luôn tự hào.

Selena Gomez cố gắng thực hiện hết những hoài bão, dự định ấp ủ từ lâu. Cô chạy như người điên trên con đường chính mình vạch ra, như thể đây là lần cuối cùng.

Bạn biết điều gì là may mắn nhất không? Là có một người bạn sống thật với mình, chứ không phải là 1000 người bạn xã giao. Không cần phải là một người bạn quyền thế, nổi tiếng hay người bạn giàu có cho ta những món đồ xa xỉ, món quà tuyệt vời nhất thế giới vào ngày sinh nhật.

Chỉ cần một tri kỷ luôn ở bên ta, cùng nhau cười khúc khích, cùng òa lên khóc như những đứa trẻ mang hình hài người lớn, cùng ta ăn cốc mì tôm bên lề đường những ngày cuối tháng, hay túc trực bên giường bệnh lúc ta ốm đau. Image Suốt những ngày nóng nực năm 2017, Selena Gomez đã phải nằm trên giường bệnh. Cô biết tin mình cần phẫu thuật ghép thận vì căn bệnh Lupus, nhưng vẫn quyết giữ bí mật. Khi hàng triệu người mải mê quan tâm đến Selena lộng lẫy trên Instagram, hai người bạn đã chủ động chạy đến, chìa tay ra để nắm chặt lấy cơ hội mong manh cho Selena ốm yếu trên giường bệnh.
Tất nhiên, Selena cũng có gia đình ở bên. Nhưng bạn thân 9 năm Francia Raisa và bạn trai The Weeknd lại chẳng khác nào người thân, người nhà, như mái ấm bao bọc lấy Selena ngay cả những lúc cô kiệt quệ nhất. Họ là hai tri kỷ ai cũng mong ước gặp được một lần trong đời.

"Không có từ ngữ nào mà tôi có thể dùng để cảm ơn người bạn tuyệt vời Francia Raisa. Cô ấy đã trao cho tôi món quà và sự hy sinh quý giá nhất. Cô ấy đã hiến thận cho tôi. Tôi vô cùng may mắn. Tớ yêu cậu nhiều lắm, người chị em của tôi".

Bức ảnh đầu tiên Selena khoe lên Instagram để nói về ca phẫu thuật không phải hình ảnh mệt mỏi của chính mình, mà là bức hình đôi bạn thân vui vẻ nắm tay trên giường bệnh. Và sau đó mới dành phần kém cho dấu vết bệnh tật của mình.

Cũng mùa hè năm ấy, Selena Gomez bệnh tật vẫn cười hạnh phúc bên một người đàn ông trên thảm đỏ, tung tăng chạy nhảy cùng anh ta tại lễ hội mùa hè, quấn quýt hẹn hò ở công viên giải trí Disneyland, tay nắm chặt tay nhau và cùng ăn tối trong một nhà hàng lãng mạn. Selena từng hẹn hò với nhiều mỹ nam có tiếng, nhưng chưa bao giờ fan thấy cô cười mãn nguyện đến vậy, yên bình đến vậy.

Nhưng chẳng may thay, khi nụ cười của Selena rạng rỡ nhất, cũng là lúc hiện thực tàn nhẫn lay cô tỉnh dậy. Tại đúng show diễn của bạn trai, Selena đột ngột phải nhập viện vì bị suy thận. The Weeknd đã luôn túc trực, chăm sóc cho bạn gái suốt 4 tháng cho đến ngày cô lên bàn mổ.
Ai bảo The Weeknd xấu xí? Anh luôn là soái ca trong mắt hàng triệu thiếu nữ trên thế giới này, một người đàn ông đáng tin cậy, ở bên cô gái của mình không phải vì "fame" hay tò mò với những trò chơi tình ái ồn ã.
Image Trong giới giải trí, thứ tình cảm thuần khiết có lẽ khó lòng tìm thấy. Hố sâu của những toan tính, đố kỵ hay trò đùa tình cảm từng khiến Selena mất đi vài người bạn trong showbiz. "Tôi biết tất cả mọi người nhưng tôi không có người bạn nào cả.

Chỉ có ba người bạn để tâm sự tất cả mọi thứ trên thế giới này. Tôi thường đi khắp mọi nơi và ném đi những lời xã giao 'Nè chào, khỏe không?'. Nhưng nói thật, bạn phải có được vài người bạn tôn trọng bạn, muốn dành những điều tốt đẹp cho bạn và bạn cũng có chung một tấm lòng. Nghe có vẻ sến sẩm đấy, nhưng thật sự khó để có được những người bạn như thế".

Không cần hội chị em hùng hậu kèn trống hay mối tình rình rang cả làng giải trí, quan trọng nhất là Selena đã có ít nhất một người bạn sẵn sàng hi sinh và một người đàn ông chọc cô cười mỗi lúc nhăn nhó vì cơn đau.


theo Trí Thức Trẻ

User avatar
bichphuong
Posts: 569
Joined: Mon Apr 25, 2016 12:10 am
Been thanked: 1 time

Post by bichphuong »

Selena Gomez hôn Justin Bieber

Cặp sao "khóa môi" trước mặt nhiều tay săn ảnh, khẳng định sự tái hợp khi tham gia sự kiện ngày 15/11 ở Los Angeles, Mỹ.

Theo Us Weekly, Selena Gomez và Justin Bieber tranh thủ trò chuyện trong giờ giải lao của trận khúc côn cầu mà ca sĩ Baby tham gia.

Image
Selea Gomez cười tươi, đặt tay lên vai bạn trai, trong khi Justin Bieber cố gắng tiến sát tấm rào chắn.
Cả hai trao nhau nụ hôn trước mặt nhiều người. Đây là lần đầu tiên Justin Bieber và Selena Gomez lộ ảnh hôn nhau, kể từ khi hẹn hò trở lại.

Theo Us Weekly, hồi cuối tháng 10, cặp sao tái hợp sau hơn ba năm chia tay. Họ bị bắt gặp đi chơi cùng nhau chỉ vài ngày sau khi có tin "phù thủy nhỏ" chia tay ca sĩ The Weeknd.

Kể từ đó, Justin và Selena cùng nhau dạo phố, đạp xe, tới nhà thờ, thưởng thức ca nhạc... "Họ nhận ra đã đến lúc quên đi quá khứ và tiến về phía trước. Cả hai trưởng thành rất nhiều sau vài năm và đã chín chắn hơn", nguồn tin chia sẻ với Us Weekly.

Selena Gomez và Justin Bieber hẹn hò và chia tay nhiều lần, trong khoảng thời gian từ năm 2011 tới 2014. Selena Gomez từng chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với W năm 2016, cô đau khổ vì chia tay nhưng không bao giờ muốn quay lại với bạn trai kém tuổi. "Tôi đã quá mệt mỏi", Selena nói.

Minh Anh

User avatar
macco
Posts: 3541
Joined: Mon Jan 17, 2005 8:04 am

Post by macco »

Huyền thoại rock Johnny Hallyday qua đời ở tuổi 74 Huyền thoại Johnny Hallyday - người được mệnh danh là "Elvis Presley của Pháp" - mất hôm 6/12 (giờ địa phương) vì ung thư phổi.

Theo tờ The Guardian, bà Laeticia Hallyday - vợ Johnny Hallyday - xác nhận chồng mình qua đời ngày 6/12. Ông mắc bệnh ung thư phổi từ chín tháng trước.

Khi Johnny Hallyday mất, bà Laeticia đã gọi điện thông báo cho Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Tổng thống Pháp bày tỏ: "Chúng ta sẽ không bao giờ quên tên tuổi, gương mặt, giọng hát và trên hết là những buổi biểu diễn của Johnny Hallyday".

Diva Celine Dion chia buồn với gia đình và người hâm mộ cố nghệ sĩ qua twitter."Tôi đau buồn khi biết tin Johnny Hallyday qua đời. Ông là người khổng lồ của làng âm nhạc và là một tượng đài thật sự. Tôi xin chia sẻ nỗi đau này với gia đình, những người thương yêu của ông và hàng triệu fan đã yêu quý ông hàng thập kỷ qua..."
Image
Johnny Hallyday (1943-2017). Nhiều tờ báo ở Pháp gọi ông là "Thần tượng cuối cùng", "Huyền thoại Pháp"... Ảnh: Billboard.
Johnny Hallyday tên thật là Jean-Philippe Léo Smet. Ông sinh năm 1943 ở Pháp và mang hai dòng máu Pháp - Bỉ. Những năm 1950, Hallyday chịu nhiều ảnh hưởng bởi phong cách của "Ông hoàng nhạc rock n' roll" Elvis Presley. Ông nhanh chóng nổi tiếng khi mang dòng nhạc này vào Pháp ở thập niên 1960. Những đĩa đơn đầu tiên của ông như Laisse les filles, Let's Twist Again... nhanh chóng bán được hàng triệu bản.

Trong hơn 50 năm sự nghiệp, ông thực hiện 181 chuyến lưu diễn và bán được hơn 110 đĩa nhạc khắp thế giới. Ông đứng thứ 88 trong danh sách những nghệ sĩ bán được nhiều đĩa mọi thời đại. Ngoài rock n' roll, ông từng thử sức với nhiều dòng nhạc như pop ballad, blues, country... Ở Pháp, người dân gọi ông là "Victor Hugo của âm nhạc" bởi ông là một trong những nghệ sĩ có tầm ảnh hưởng sâu sắc đến văn hóa đại chúng ở Pháp và các nước Pháp ngữ.

Ngoài ca hát, Johnny Hallyday còn diễn xuất. Một số phim đáng chú ý của ông là The man on the train (2002) và Vengeance (2009).

Ông trải qua bốn cuộc hôn nhân, trong đó, người vợ nổi tiếng nhất của ông là ca sĩ Sylvie Vartan. Hai người kết hôn năm 1965 và ly dị năm 1980. Hallyday từng có ý định tự sát khi cuộc hôn nhân đầu tan vỡ. Ông đi bước nữa với Babeth Étienne nhưng nhanh chóng ly dị hồi tháng 2/1982, sau hơn hai tháng chung sống. Sau đó, ông có quan hệ tình cảm kéo dài trong bốn năm với nữ diễn viên Pháp Nathalie Baye và có chung con gái là Laura Smet, chào đời năm 1983. Vợ thứ ba của ông là Adeline Blondieau. Tuy vậy, họ ly dị năm 1992.

Năm 1996, ông kết hôn với người vợ hiện tại - Laeticia Boudou. Cặp vợ chồng có hai con gái nuôi người Việt Nam.

Hà Thu

User avatar
saohom
Posts: 2205
Joined: Wed Aug 26, 2009 11:30 pm

Post by saohom »

Ba con Michael Jackson ở bên nhau dịp Giáng sinh


Blanket Jackson - con út kín tiếng nhất của "Ông vua nhạc Pop" quá cố - có khoảnh khắc hiếm hoi xuất hiện bên anh chị.

Ba con của Michael Jackson - Prince (20 tuổi), Paris (19 tuổi) và Blanket Jackson (15 tuổi) - đóng Giáng sinh cùng nhau.
Ngày 25/12, Paris Jackson đăng tải bức ảnh chụp chung ba anh em cùng người bạn của gia đình, Omer Bhatti, lên trang cá nhân.

Image.
Blanket Jackson, Omer Bhatti, Paris Jackson và Prince Jackson (từ trái sang).
Kể từ khi Michael Jackson qua đời năm 2009, đây là dịp hiếm hoi cậu con út Blanket Jackson lộ diện. Cậu bé 15 tuổi để mái tóc dài, mặc áo phông đen.

Hồi tháng 11, bà Katherine Jackson - mẹ Michael Jackson - xin hủy bỏ quyền giám hộ hợp pháp với Blanket. Theo các tài liệu của TMZ, bà lấy lý do tuổi già (87 tuổi) và việc trưởng thành sớm của Blanket là yếu tố chính dẫn tới quyết định này. Người anh họ tên T.J hiện là người giám hộ duy nhất với Blanket Jackson, cho tới sinh nhật tuổi 18 của cậu bé.

Blanket Jackson, con út của "Ông vua nhạc Pop", luôn thầm lặng nhất trong nhà. Cậu bé 15 tuổi đang học lớp 9, trong ngôi trường tư tên Buckley ở Sherman Oaks, Mỹ. Theo TMZ, Paris Jackson khi chuyển ra ở riêng năm 2016 luôn lo lắng cho em khi Blanket phải ở một mình trong ngôi nhà của bà nội - Katherine - ở Calabasas.

Bà Katherine thời gian qua chủ yếu sống ở London, Anh khi con gái bà - Janet Jackson - vừa sinh con và ly hôn chồng. Blanket vì thế phải sống trong sự cô đơn, thiếu tình thương của gia đình. Tuy nhiên, theo TMZ, bất chấp những biến động trong cuộc sống, Blanket là học sinh giỏi tại trường và hoạt bát trong giao tiếp xã hội.

Minh Anh

User avatar
nangchieu
Posts: 2053
Joined: Sun Apr 19, 2009 6:38 pm

Post by nangchieu »

Nữ diễn viên gốc Việt trong ‘Trời và Đất’ của Oliver Stone qua đời vì ung thư
Image
Nữ diễn viên Lê Thị Hiệp.
WESTMINSTER, California (NV) – Lê Thị Hiệp, nữ diễn viên gốc Việt trong bộ phim “Trời và Đất” của đạo diễn Oliver Stone, vừa qua đời ở tuổi 46 tại Los Angeles vì căn bệnh ung thư bao tử, theo tin từ tờ Variety, trang báo nổi tiếng thế giới chuyên viết về điện ảnh, giải trí.

Theo Variety, “Trời và Đất” (Heaven & Earth) là bộ phim nói về bi kịch chiến tranh Việt Nam do Oliver Stone viết kịch bản và làm đạo diễn, được công chiếu năm 1993.


Trong phim, Lê Thị Hiệp đóng vai một phụ nữ Việt Nam sống trong thời hậu chiến. Cô đã vượt qua hàng ngàn ứng cử viên khác để dành được vai chính để đời này. Nhạc phim “Heaven & Earth” đã được trao giải Quả Cầu Vàng.

Sau bộ phim nổi tiếng này, Lê Thị Hiệp tham gia đóng một số vai phụ trong phim truyện và phim truyền hình. Cô cũng thử sức trong lãnh vực kinh doanh nhà hàng, làm đầu bếp của China Beach Bistro ở Venice, California.

Sau đó, cô chuyển sang làm đầu bếp và làm chủ nhà hàng Le Cellier, một nhà hàng chuyên trị món ăn Pháp-Việt ở Marina Del Rey, cũng ở California.

Năm 2014, cô tham gia cuộc thi nấu ăn mang tên “Chopped” của Food Network.
Image
Lê Thị Hiệp trong phim ‘Trời và Đất’.
Nữ diễn viên chính của “Trời và Đất” cũng viết một quyển hồi ký, chưa được công bố, có nhan đề “Daughter of the Sea: My Voyage to Freedom and Womanhood.”

Sanh ra ở Đà Nẵng, cô cùng người chị được mẹ cho đi vượt biên năm 8 tuổi để đến đoàn tụ cùng cha ở Hồng Kong. Sau đó, gia đình cô đến Mỹ, lập nghiệp ở Oakland, California.

Cô đang theo học ngành Tâm Lý ở trường UC Davis khi tham gia cuộc thi tuyển diễn viên cho phim “Trời và Đất.”

Cô sống với chồng, hai con cùng cha mẹ và sáu anh chị em tại Los Angeles.

Cô Lê Đình Y Sa, giám đốc điều hành của Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ VAALA, bày tỏ sự tiếc thương về sự qua đời của diễn viên Lê Thị Hiệp qua Facebook, “R.I.P, Hiệp. Mình nhớ lúc bạn từ Los Angeles đến trường UC Irvine để tham gia Đại Hội Điện Ảnh Viet Film Fest. Bạn mặc chiếc áo dài thật đẹp, đi lòng vòng trong sân trường để tìm phòng chiếu phim. Cám ơn những tình cảm và sự ủng hộ mà bạn đã dành cho VFF. Bạn sẽ là niềm thương nhớ của tụi mình.” (Ngọc Lan)

User avatar
nangchieu
Posts: 2053
Joined: Sun Apr 19, 2009 6:38 pm

Post by nangchieu »

Tài tử Vin Diesel có thu nhập cao nhất năm 2017

Image
Tài tử Vin Diesel (trái) và nữ diễn viên Gal Gadot tại lễ MTV Movie and TV Awards. (Hình: Kevin Winter/Getty Images)

HOLLYWOOD, California (NV) – Tài tử Vin Diesel trở thành diễn viên có thu nhập cao nhất năm 2017 nhờ hai bộ phim “bom tấn” “Fate of The Furious” và “xXx: Return of Xander Cage.”

Theo tạp chí Forbes, ông Diesel kiếm được hơn $1.2 tỷ từ phim “Fate of The Furious” và $346.1 triệu từ phim “xXx: Return of Xander Cage.” Tổng thu nhập từ hai phim này là hơn $1.6 tỷ.


Theo Screen Rant, sự nghiệp điện ảnh của ông Diesel bắt đầu thăng tiến từ vai diễn Binh Nhì Caparzo trong phim “Saving Private Ryan” và vai lồng tiếng chàng người máy khổng lồ trong phim hoạt họa “The Iron Giant.”

Tuy nhiên, bộ phim đua xe “The Fast and The Furious” hồi năm 2001 giúp ông trở thành một gương mặt quen thuộc trên màn ảnh. Sau đó là phần đầu của bộ phim “xXx” và sáu phần tiếp theo của dòng phim “Fast and Furious” lại càng làm ông nổi tiếng hơn.

Ông còn có khả năng lồng tiếng rất giỏi, qua vai chàng người máy khổng lồ trong “The Iron Giant” và chàng người cây Groot trong “Guardians of the Galaxy.”

Diễn viên có thu nhập nhiều thứ nhì của năm 2017 là tài tử kiêm cựu võ sĩ đô vật Dwayne “The Rock” Johnson.

Ông Johnson là tài tử đóng chung phim “Fate of The Furious” với ông Diesel và kiếm được hơn $1.2 tỷ từ phim này. Tuy nhiên, ông không thành công với phim “Baywatch,” do chỉ thu được $178 triệu, nên ông chỉ xếp hạng hai. Nhưng may mắn cho ông, phim “Jumanji: Welcome to the Jungle” đang rất ăn khách, thu được $121.5 triệu chỉ hai tuần sau khi khởi chiếu.

Tài tử có thu nhập nhiều thứ ba của năm 2017 là nữ diễn viên Gal Gadot, với hai lần xuất hiện trên màn ảnh trong vai Diana Prince hay còn được gọi là Wonder Woman, trong hai phim “Wonder Woman” và “Justice League.”

Phim “Wonder Woman”, khởi chiếu vào mùa Hè năm 2017, có doanh thu $822 triệu. Còn phim “Justice League” có doanh thu $647 triệu. Hai phim này có doanh thu tổng cộng là hơn $1.4 tỷ.

Tạp chí Forbes cho hay, một bộ phim thành công không phải chỉ nhờ một diễn viên, mà còn nhờ cả dàn tài tử, cả ngàn người trong đội ngũ làm phim. Nhưng việc cả ba diễn viên Diesel, Johnson và Gadot được chọn đóng những vai lớn như vậy cho thấy sự ăn khách của họ.

“Tuy là những diễn viên được ưa thích, nhưng họ cũng phải chọn đúng phim để đóng, đừng để bị như tài tử Johnson trong phim ‘Baywatch,’” theo Forbes. (TL)

kalua
Posts: 833
Joined: Sun Apr 22, 2012 5:26 pm

Post by kalua »

Danh hài Văn Chung qua đời, hưởng thọ 90 tuổi
Đỗ Dzũng/Người Việt

January 23, 2018

Image
Danh hài Văn Chung. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

ORANGE, California (NV) – Danh hài Văn Chung, một trong những nghệ sĩ hài nổi tiếng nhất miền Nam Việt Nam và hải ngoại, vừa qua đời lúc 2 giờ 7 phút sáng Thứ Ba, 23 Tháng Giêng, tại bệnh viên UCI, Orange, California, hưởng thọ 90 tuổi, nghệ sĩ Tuấn Châu, người chứng kiến sự ra đi của danh hài, cho nhật báo Người Việt biết.

Nghệ sĩ Tuấn Châu, một người cùng thực hiện chương trình Cổ Nhạc Phương Nam với danh hài Văn Chung, kể: “Bác Bảy được đưa vào bệnh viện từ hôm 5 Tháng Giêng, sau khi lượng đường xuống quá thấp, và có bị té nữa. Sau một thời gian chữa trị, không qua khỏi, gia đình quyết định rút ống vào lúc 11 giờ khuya Thứ Hai, đến 2 giờ 7 phút sáng Thứ Ba thì bác ra đi.”


Nữ nghệ sĩ Ngọc Đáng, một người bạn đồng hành khác với danh hài trong chương trình Cổ Nhạc Phương Nam, nghẹn ngào nói: “Tôi coi bác Bảy còn hơn là người thân nữa. Tôi và Tuấn Châu túc trực trong bệnh viện với bác ba ngày nay. Chứng kiến sự ra đi của bác thật đau lòng. Chúng tôi với bác gắn bó như gia đình, và chương trình Cổ Nhạc Phương Nam là do bác đặt tên.”

“Sắp tới đây, chương trình chắc chắn sẽ không còn như trước, vì mất đi một cây đại thụ trong làng cổ nhạc Việt Nam. Phải nói là chúng tôi cảm thấy rất hụt hẫng,” nghệ sĩ Ngọc Đáng nói với nhật báo Người Việt.

Danh hài Văn Chung tên thật là Quách Văn Chung, sinh ngày 21 Tháng Chín, 1927 tại Sài Gòn.

Năm 1948, ông theo học cổ nhạc với nhạc sĩ Bảy Quới, gây ấn tượng với thính giả đài phát thanh lúc đó. Ông nổi tiếng với các vai trong những vở Tuyệt Tình Ca, Tìm Lại Cuộc Đời, Khách Sạn Hào Hoa, Tiền Rừng Bạc Biển, Gái Bán Bar, Thảm Kịch Tuổi Xanh…

Sau khi kết hôn với nghệ sĩ Thanh Hương, con gái cố nghệ sĩ Năm Châu, một đào thương thời bấy giờ, ông nổi tiếng hơn nữa.

Năm 1957, ông gia nhập gánh hát Kim Chưởng – Thanh Hương.

Vào thập niên 1960, sau khi hôn nhân với nghệ sĩ Thanh Hương đổ vỡ, ông bắt đầu chuyển sang diễn hài và vọng cổ hài, và rất thành công.

Rồi ông lại thử lãnh vực điện ảnh khi đóng những vai hề trong các phim như Lệnh Bà Xã, Triệu Phú Bất Đắc Dĩ, Con Ma Nhà Họ Hứa… và cũng thành công.

Lúc đó, ông là một trong những danh hài nổi tiếng nhất Sài Gòn, cùng với Thanh Việt, Phi Thoàn, Tùng Lâm, Thanh Hoài, Khả Năng, Xuân Phát, La Thoại Tân…

Danh hài Văn Chung được biết đến nhiều nhất là giọng cười có một không hai của ông.

Sau khi sang Mỹ định cư cùng người vợ sau và các con, ông tiếp tục giữ trình diễn cải lương và là một trong những người sáng lập chương trình Cổ Nhạc Phương Nam vào năm 2011, trên đài VHN, đến năm 2015 thì chuyển sang đài SBTN.

Ngoài Văn Chung, Tuấn Châu, và Ngọc Đáng, chương trình còn có sự góp mặt của các nghệ sĩ Cẩm Thu, Philip Nam, Hoàng Nam, và Hoàng Phúc.


Theo cáo phó do bà Nguyễn Thị Quỳnh Lan, phu nhân của danh hài, đưa ra, chương trình tang lễ như sau:

1-Thứ Bảy, 27 Tháng Giêng


-11 AM – 1 PM: Lễ Nhập Tang, Phát Tang, và Cầu Siêu

-1 PM — 8 PM: Thăm viếng

2-Chủ Nhật, 28 Tháng Giêng

-8 AM – 1:30 PM: Lễ Di Quan và Hỏa Táng

Linh cữu được quàn tại Peek Family Funeral Home (Phòng số 4), 7801 Bolsa Avenue, Westminster, CA 92683.

Tro cốt sẽ được đưa về Tịnh Xá Giác Lý, 11262 Lampson Avenue, Garden Grove, CA 92840.

Theo ý nguyện của người quá cố, tất cả tiền phùng điếu sẽ được dùng để giúp các nghệ sĩ neo đơn. (Đỗ Dzũng)

User avatar
macco
Posts: 3541
Joined: Mon Jan 17, 2005 8:04 am

Post by macco »

Image
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đã vĩnh viễn rời những Phiên Gác Đêm Xuân

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông là một tên tuổi lớn của nền văn nghệ ở miền Nam Việt Nam và là tác giả của Chiều Mưa Biên Giới, Phiên Gác Đêm Xuân, Khúc Tình Ca Hàng Hàng Lớp Lớp, Mấy Dặm Sơn Khê, Nhớ Một Chiều Xuân… và còn rất nhiều tác phẩm bất hủ khác được biết bao thế hệ khán thính giả yêu mến từ trước 1975 đến tận bây giờ.

Theo tin từ ca sĩ Giao Linh cung cấp cho tờ báo Thế Giới Nghệ Sĩ , ông đã trút hơi thở cuối cùng lúc 19 giờ 30 ngày 26/2/18 (nhẳm 11 tháng Giêng năm Mậu Tuất) tại bệnh viện Chợ Rẫy – Sài Gòn, hưởng thọ 86 tuổi.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông sinh ngày 15 tháng 3 năm 1932 tại Sài Gòn. Nói về cuộc đời và sự nghiệp của nhạc sĩ Nguyễn văn Đông thì phải nhắc đến 2 khía cạnh đi liền với nhau: Binh Nghiệp và Âm Nhạc.

Về binh nghiệp , vào năm 1946, Ông tự ý xin gia nhập trường Thiếu Sinh Quân Việt Nam. Đây là trường võ bị đầu tiên và lâu đời nhất của Việt Nam. Đó cũng là nơi đào tạo nhiều vị tướng lãnh tài ba của Quân Đội VNCH. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đã trải qua 5 năm học ở ngôi trường này. Và chính tại đó ông đã được học nhạc và văn hóa với những giáo sư người Pháp có thực tài, những giảng viên của Viện Âm Nhạc quốc gia Pháp được cử về trường Thiếu Sinh Quân giảng dạy. Chính vậy mà nền văn hóa Tây Phương đã ảnh hưởng đến ông rất nhiều.

Trong thời gian ông theo học tại trường Thiếu Sinh Quân Việt Nam, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông là một thành viên của ban quân nhạc thiếu niên, khi mới 15 tuổi. Nhạc sĩ từng chia sẻ: “…Trường Thiếu Sinh Quân có riêng một đoàn quân nhạc trên 40 người có tầm vóc của người lớn, nhưng lại do chính những em thiếu sinh qưân chưa quá 16 tuổi đời cử hành nhạc, và do một giáo sư nhạc trưởng người Pháp chỉ huy. Đòan quân nhạc của chúng tôi có những nhạc sĩ tí hon có mặt trong những buổi lễ duyệt binh, diễu hành quan trọng một cách đường hoàng như các đoàn quân nhạc chuyên nghiệp người lớn”.

Trong đoàn quân nhạc tí hon này, ông sử dụng nhiều nhạc khí như: trompette, clairon, trống, chập chả, vv… Nhưng chuyên nghiệp hơn hết, là ông sử dụng đàn madoline và guitar Hawaiienne trong ban nhạc nhẹ của trường.

Nhờ sống trong một môi trường âm nhạc sôi động như vậy trong trường Thiếu Sinh Quân Việt Nam, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đã có dịp học sáng tác từ những giáo sư người Pháp. Kết quả là ông đã viết được những ca khúc đầu tiên ở tuổi 16 như Thiếu Sinh Quân Hành Khúc, Tạm Biệt Mùa Hè… Những nhạc phẩm này đã được nhà trường chấp thuận cho phổ biến, và được rất nhiều bạn bè ưa thích. Ông cho biết gần 60 năm sau, khi ông gặp lại một số bạn bè, những người này vẫn còn thuộc nằm lòng những ca khúc này, và hát lại cho nhau nghe như những kỷ niệm khó quên của thời niên thiếu.

Trong suốt 5 năm theo học ở trường Thiếu Sinh Quân, ông luôn luôn đoạt giải giọng ca hay nhất toàn trường. Nhưng sau một thời gian gia nhập quân đội, Bộ Quốc Phòng đã chính thức cấm ông không được xuất hiện hát trên sân khấu và các nơi công cộng, vì các chức vụ do ông đảm nhiệm thời đó có thể gây ảnh hưởng không tốt cho quân đội.

Sau khi ra trường Thiếu Sinh Quân, ông gia nhập trường Võ Bị Sĩ Quan Vũng Tàu, tốt nghiệp năm 1952 với cấp bậc thiếu úy. Kế đó ông nắm chức vụ trung đội trưởng tại trường Võ Bị Đà Lạt, và tốt nghiệp năm 1953. Qua năm 1954, ông về trường Chiến Thuật tại Hà Nội để giữ chức vụ tiểu đoàn trưởng.

Trong hai năm 1955 và 1956, ông phục vụ tại Phân Khu Đồng Tháp Mười trong chức vụ trung úy Trưởng Phòng Hành Quân. Cũng trong thời gian này, ông kiêm nhiệm thêm chức vụ Trưởng Phòng 3 của Chiến Khu Đồng Tháp Mười do đại tá Nguyễn Văn Là làm chỉ huy trưởng, tham gia chiến dịch Thoại Ngọc Hầu do thiếu tướng Dương Văn Minh chỉ huy. Ông không sao quên được một kỷ niệm có lần tướng Minh đã đến bắt tay ông để tỏ lòng ngưỡng mộ tác giả của những ca khúc về đời lính chiến ngay tại mặt trận Chiến Khu Đồng Tháp. Và hình ảnh cái bắt tay này đã được in trên trang nhất của báo Chiến Sĩ Cộng Hoà.

Đến năm 1957, ông theo học khóa Chỉ Huy Và Tham Mưu tại Hawaii. Và cũng trong thời gian này ông cho ra đời nhạc phẩm “Nhớ Một Chiều Xuân”.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông cho biết dù ông được học nhạc chính quy, nhưng âm nhạc chỉ là nghề tay trái. Ông chọn binh nghiệp là nghề nghiệp chính. Từ cấp bậc thiếu úy, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông bước dần lên cấp bậc đại tá. Ông từng được nhận huy chương cao quí nhất của Việt Nam Cộng Hòa là Bảo Quốc Huân Chưong vào giữa thập niên 60.

Sau biến cố tháng 4 năm 75, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đã kết thúc cuộc đời binh nghiệp của mình trong tăm tối bằng 10 năm tù cải tạo. Lúc đầu ông bị đưa đi tù cải tạo tại trại Suối Máu. Sau đó, ông bị chuyển về nhà tù Chí Hòa cho đến khi được trả tự do vào năm 1985. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông cho biết ông đã rất đau buồn vì không được nhìn thấy mặt thân phụ lần cuối trong thời gian ông ở tù cải tạo. Đúng như ông đã dự đoán cuộc đời thăng trầm của mình, bằng 2 câu kết của nhạc phẩm Chiều Mưa Biên Giới: “…Lòng trần còn tơ vương khanh tướng, thì đường trần còn mưa bay gió cuốn còn nhiều anh ơi…”.

Sau khi được trả tự do vào năm 1985, sức khỏe của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông không được mấy khả quan đến từ nhiều căn bệnh như đau bao tử, thấp khớp và nhất là cao huyết áp nên đã không còn cảm thấy hứng thú trong việc sáng tác ngoài một số bài viết trong khoảng hơn 30 năm nay. Ông không xin đi xuất cảnh theo diện H.O. Cho đến cuối đời, ông sống tại Phú Nhuận, Saigon cùng với gia đình.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông Ông đã từng nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc ở Sài Gòn trước 1975. Từ thập niên 1950, ông nổi tiếng khi là Trưởng Đoàn văn nghệ Vì Dân với thành phần Ca nhạc sĩ tên tuổi như Mạnh Phát, Minh Kỳ, Hoài Linh, Thu Hồ, Quách Đàm, Minh Diệu, Khánh Ngọc, và các nghệ sĩ danh tiếng như Kim Cương, Vân Hùng, Ba Vân, Bảy Xê, Trần Văn Trạch, diễn viên điện ảnh Trang Thiên Kim… Ông đã tổ chức và điều khiển các chương trình Đại nhạc hội tại Sài Gòn và khắp các tỉnh của Việt Nam Cộng hòa.

Từ năm 1958, ông là Trưởng ban Ca nhạc Tiếng thời gian của Đài Phát thanh Sài Gòn, qui tụ những danh ca, nhạc sĩ danh tiếng như Lệ Thanh, Hà Thanh, Minh Diệu, Khánh Ngọc, Mạnh Phát, Thu Hồ, Quách Đàm, Anh Ngọc…

Ông còn là Giám đốc hãng băng đĩa nhạc Continental và Sơn Ca, cộng tác với những nhạc sĩ tên tuổi như Lê Văn Thiện, Văn Phụng, Nghiêm Phú Phi, Y Vân… Hai trung tâm này cho ra đời nhiều chương trình tân nhạc cũng như cổ nhạc gồm các vở Tuồng và Cải lương. Chính ông là người đã tiên phong thực hiện album riêng cho từng ca sĩ mà trước đó chưa từng ai làm. Ông đã thực hiện loạt băng nhạc Sơn Ca nổi tiếng trong đó có Khánh Ly với băng nhạc Sơn Ca 7, Thái Thanh và Ban Thăng Long – Sơn Ca 10, Lệ Thu – Sơn Ca 9, Phương Dung – Sơn Ca 5 và 11, Giao Linh – Sơn Ca 6, Sơn Ca – Sơn Ca 8… và một số album riêng cho Trịnh Công Sơn.

Nhiều sáng tác của ông viết về chủ đề người lính Miền Nam thời đó. Nhạc phẩm “Phiên gác đêm xuân” được ông viết vào đêm 30 Tết năm 1956 khi gác phiên ở khu 9 Đồng Tháp Mười. “Chiều mưa biên giới” ra đời năm 1956 và nổi tiếng qua tiếng hát của Trần Văn Trạch. Vào Năm 1961, ca khúc “Chiều Mưa Biên Giới” này đã được đài Europe No.1 và Ðài Truyền Hình Pháp thu âm, rồi thu hình với tiếng hát của nghệ sĩ Trần Văn Trạch đã gây tiếng vang lớn ở Âu Châu. Tại Việt Nam, chỉ trong vòng 3 tháng đã bán hết 60,000 bản nhạc lẻ, một con số kỷ lục thời đó. Cũng trong năm 1961, nghệ sĩ Trần Văn Trạch trình bày ca khúc Chiều Mưa Biên Giới tại “Ðại nhạc hội Trăm Hoa Miền Nam” với dàn nhạc của Ðài Truyền Hình Pháp thu “play back”.

Ông còn có nhiều bút danh khác như Phượng Linh, Phương Hà trên một số nhạc phẩm tình cảm như “Khi đã yêu”, “Thầm kín”, “Niềm đau dĩ vãng”, “Nhớ một chiều xuân”… Với bút danh Đông Phương Tử và Phượng Linh, ông đã viết nhạc nền và đạo diễn cho trên 50 vở tuồng, Cải lương nổi tiếng ở Miền Nam trước năm 1975 như Nửa đời hương phấn, Đoạn tuyệt, Tiếng hạc trong trăng, Mưa rừng…

Bây giờ, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đã rời xa cõi đời này. Nhưng những “khúc tình ca hàng hàng lớp lớp” mà ông đã viết sẽ sống mãi với thời gian. Vĩnh biệt người nhạc sĩ tài hoa với những dòng nhạc nhẹ nhàng sâu lắng, trác tuyệt.

Jimmy Thái Nhựt / SBTN

User avatar
VuPhong
Posts: 2909
Joined: Wed Dec 01, 2004 4:28 pm

Post by VuPhong »

Image

Những điều chưa kể về Adamo
Tạp Chí Âm Nhạc

Trái với điều mà nhiều người thường nghĩ, Adamo không hề có quốc tịch Bỉ mặc dù suốt cuộc đời, ông đã sống tại vương quốc Bỉ. Trong hơn 50 năm sự nghiệp ca hát, Adamo vẫn giữ quốc tịch Ý. Cho dù có đi hát tại hơn 90 quốc gia trên thế giới, nhưng nam danh ca vẫn luôn nhớ về nguyên quán, chưa quên nguồn cội.

Sở dĩ Adamo đã giữ nguyên quốc tịch Ý trong vòng nhiều thập niên, là vì ông muốn làm vừa lòng song thân, nhất là thân phụ của Adamo rất tự hào về nguồn gốc của gia tộc đến từ Sicilia. Nay cha mẹ ông không còn nữa, luật song tịch cũng dễ dàng hơn trước, cho nên trong năm 2018, Adamo sẽ xin nhập tịch Bỉ, một cách để ngỏ lời cảm ơn đất nước đã cưu mang gia đình ông trong nhiều thập niên qua. Năm 2018 đánh dấu 70 năm gia đình Adamo đến định cư lập nghiệp tại Bỉ, lúc ông vừa mới được 4 tuổi.

Đó là một trong những điều chưa kể về Adamo, nhân dịp ông trình làng một tập nhạc mới. Mang tựa đề Si vous saviez (Nếu bạn biết rằng…), album phòng thu thứ 25 hoàn toàn bao gồm các sáng tác mới, mở ra những cuộc đối thoại với các giọng ca nổi bật hiện thời, tiêu biểu nhất là Camille, Vianney hay Vincent Delerm. Với lối hòa âm phối khí tài tình của nhạc sĩ Clément Ducol (ngoài đời là chồng của ca sĩ Camille), album này được thu thanh trực tiếp với một dàn nhạc giao hưởng gồm 40 nhạc sĩ, tựa như một lời triệu mời các ngòi bút sáng tác mới, thưởng ngoạn rong chơi trong cùng một thế giới. Bản song ca Juste un Je t’aime của Adamo với Camille không khác gì lời nhắn nhủ mỗi người, khi tình cất tiếng gọi, đừng bỏ lỡ cơ hội, cho con tim ngỏ lời...

Mặc dù đã sáng tác hơn 500 ca khúc, bán hơn 100 triệu đĩa nhạc trong nửa thế kỷ sự nghiệp ca hát, nhưng trái với điều mà báo chí thường viết, sáng tác không phải là niềm đam mê tuyệt đối của Adamo. Dĩ nhiên là nhờ vào thành công trong sáng tác, Adamo đã có được cơ hội đổi đời, nhưng niềm đam mê lớn nhất của ông là ngành vật lý thiên văn : nguồn gốc của Ngân Hà, vũ trụ hay sự hình thành các thiên thể, tinh tú. Adamo nói đùa rằng ông thường hay thả hồn mơ mộng khi ngước nhìn các vì sao sáng trên trời, nhưng hiểu theo nghĩa đen chứ không phải là nghĩa bóng.

Có lẽ vì thế mà cho dù có bận rộn bao nhiêu với lịch diễn, Adamo vẫn luôn dành một chút thời gian (vào tháng 9 hàng năm) để tham gia cuộc hội thảo do nhà thiên văn học Hubert Reeves tổ chức. Dù vậy Adamo ít gợi hứng từ đề tài này để sáng tác, như thể đó là một niềm đam mê cá nhân, một khu vườn thầm kín cần được giữ nguyên trong tâm hồn, chứ không cần phải chia sẻ như sáng tác âm nhạc.

Về cảm hứng sáng tác, Adamo cho biết ông thích soạn nhạc ban đêm, sau khi mọi người đã đi ngủ. Một phần do thói quen từ khi ông còn trẻ, một phần để gìn giữ nếp sống gia đình, quanh năm suốt tháng ông bận đi diễn, cho nên khi về tới nhà ông có bổn phận sống gần gũi với vợ con, trong khi công việc sáng tác đòi hỏi sự tập trung, nếu không nói là tự cô lập với thế giới bên ngoài. Adamo cho biết trong sáng tác, ông giỏi về soạn nhạc hơn là đặt lời, giai điệu đến với ông một cách bất chợt tự nhiên, như dòng suối trong tim tuôn chảy triền miên.

Đối với giới trẻ yêu nhạc tại Pháp, họ khám phá lại giọng ca của Adamo từ một thập niên gần đây nhờ tuyển tập Le Bal des Gens Bien, phát hành vào năm 2008, qua đó Adamo song ca những bài hát hay nhất của mình với 18 ca sĩ Pháp tiêu biểu cho hai thế hệ, kể cả những bài như C'est ma vie (Isabelle Boulay), Mes mains sur tes hanches (Julien Doré), Au café du temps perdu (Thomas Dutronc), Inch'Allah (Calogero), Tombe la neige (Laurent Voulzy)… Album này cũng là dịp để cho làng nhạc Pháp công nhận tài năng của Adamo qua một giải thưởng âm nhạc Victoires de la Musique vinh danh thành tựu sự nghiệp của nam danh ca người Bỉ gốc Ý.

Từ đó cho tới nay, hầu hết các album của Adamo, dù là cover (hát nhạc Bécaud) hay là sáng tác mới (L'amour n'a jamais tort) đều là những cơ hội để cho ông tạ ơn đời. Ít ai biết rằng Adamo từng suýt qua đời do lên cơn đau tim năm ông 40 tuổi (vào năm 1984), sau đó ông bị tai biến mạch máu não, nhưng ông thoát chết nhờ được phát hiện kịp thời. Adamo từng nhắc đến giai đoạn này trong nhạc phẩm Les Angelots, ông được cứu sống nhờ các ‘‘thiên thần hộ mệnh’’. Từ đó trở đi, Adamo luôn có một nếp sống điều độ, ông không bao giờ đi diễn hai đêm liền, mà cũng không thức trắng qua đêm như trước. Điều đó khiến cho Adamo không tránh khỏi ngậm ngùi khi nhắc tới người bạn đồng nghiệp quá cố Johnny Hallyday, do cả hai có cùng một lứa tuổi, và nổi danh cùng thời.

Trái với những gì báo chí thường viết, Adamo nghĩ rằng đã đến lúc ông kể lại với giới hâm mộ những câu chuyện cần biết dù đôi khi đó chỉ là những chi tiết. Cũng như trường hợp của những người sống sót, mỗi ngày ông chọn cho mình một niềm vui vì sau khi khỏi bệnh, những ngày mới tựa như những món quà mà cuộc sống ban tặng cho mỗi người, có lẽ vì thế mà Adamo muốn sống ‘‘hết mình’’ để khỏi phải tiếc nuối, như thể ông muốn tránh lãng phí những ngày tháng còn lại trong đời…

Post Reply