Tin Trong Nước

Xin nhớ: tin cần có "nguồn", trích từ đâu ra!!!
User avatar
bichphuong
Posts: 569
Joined: Mon Apr 25, 2016 12:10 am
Been thanked: 1 time

Post by bichphuong »

‘Đại biểu’ của người dân Việt Nam đòi ‘huy động 500 tấn vàng trong dân’
November 16, 2017

Image
Vàng của người dân đang được các đại biểu do dân bầu lên đòi “huy động 500 tấn vàng trong dân.” (Hình: Đầu Tư)

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – “Trong dân hiện đang có khoảng 500 tấn vàng và hơn $10 tỷ, đề nghị Ngân Hàng Nhà Nước có chính sách huy động.”

Đó là ý kiến của ông Lê Công Nhường, “đại biểu” cho người dân Việt Nam tại Quốc Hội của tỉnh Bình Định, được báo Tuổi Trẻ ghi lại trong phiên chất vấn Thống Đốc Ngân Hàng Nhà Nước Lê Minh Hưng tại Quốc Hội CSVN hôm 16 Tháng Mười Một.

Không chỉ ông này, mà ông Nguyễn Sơn, “đại biểu” của tỉnh Hà Tĩnh, cũng đặt câu hỏi về việc huy động vàng và ngoại tệ trong dân.

Thống Đốc Lê Minh Hưng trả lời: “Giải pháp khả thi nhất là kiên định điều hành kinh tế vĩ mô, tạo được lòng tin người dân và doanh nghiệp vào đồng Việt Nam, trực tiếp đầu tư bằng đồng nội tệ. Việc này cần lộ trình chuyển hóa phù hợp. Nhiều năm qua thì vấn đề vàng điều hành rất thành công, trước đây tốn nhiều ngoại tệ để mua vàng nhưng nay đã hạn chế, chuyển hóa được một phần rất lớn từ vàng cho nền kinh tế. Với ngoại tệ dù trần lãi suất 0% nhưng thực tế ngoại tệ đã được chuyển qua tiền đồng Việt Nam để đầu tư. Như vậy nếu kiên định đường lối điều hành kinh tế vĩ mô thì sẽ vẫn bảo đảm nguồn lực.”

Việc Quốc Hội CSVN tiếp tục nóng sốt chuyện huy động 500 tấn vàng trong dân diễn ra trong bối cảnh báo Dân Trí ghi nhận Bộ Trưởng Tài Chính Đinh Tiến Dũng thừa nhận rằng “Nợ công tăng cao, áp lực trả nợ lớn cần phải có lộ trình giảm dần bội chi, đảm bảo an toàn nợ công.”

Vài ngày trước phiên chất vấn tại Quốc Hội, công luận xôn xao chuyện vợ của “nhà tư sản yêu nước Trịnh Văn Bô,” người được ghi nhận “đã hiến 5,147 lượng vàng cho chính phủ Cách Mạng Lâm Thời Việt Nam” nhưng khi chết vẫn chưa đòi được nhà cho mượn. Khi mất, bà Hoàng Thị Minh Hồ, vợ của ông Bô, chỉ được chính quyền “tổ chức tang lễ cấp cao” và cử hai phó thủ tướng đến viếng.

Hồi Tháng Năm, 2016, ông Nguyễn Thành Long, chủ tịch Hiệp Hội Kinh Doanh Vàng Việt Nam (VGTA), từng bị nhiều chỉ trích khi đề nghị thành lập Sở Giao Dịch Vàng Quốc Gia để phát hành chứng chỉ vàng hoặc trái phiếu vàng nhằm huy động vàng trong dân.

Báo Người Lao Động thời điểm đó cho biết: “Các chứng chỉ vàng sẽ được phát hành dưới danh nghĩa Ngân Hàng Nhà Nước thông qua một số ngân hàng thương mại. Song song đó, một sàn giao dịch vàng quốc gia được thành lập để người dân có thể trao đổi, mua bán hoặc cầm cố các chứng chỉ này.”

Hồi Tháng Chín, báo VietNamNet tường thuật: “Tổng lượng vàng từng gửi tại các ngân hàng vào năm 2012 lên tới khoảng 160 tấn nhưng đến nay đã ‘bốc hơi’ khỏi hệ thống ngân hàng, chỉ còn lại 2.86 tấn gửi dưới dạng giữ hộ.”

Báo này dẫn lời ông Nguyễn Ngọc Cảnh, vụ trưởng Vụ Quản Lý Ngoại Hối, nói nguyên do chính là người dân đã rút vàng ra giao dịch, chuyển hóa thành tiền để đưa vào đầu tư, sản xuất kinh doanh, tiêu dùng… Vị này cũng nói đây là “kết quả của hướng đi hợp lý của chính phủ trong huy động nguồn lực vàng.” (T.K.)

User avatar
TheLang
Posts: 1959
Joined: Thu Oct 30, 2008 5:43 am

Post by TheLang »

Phi trường Tân Sơn Nhất bị khách đánh giá thấp nhất Việt Nam
December 6, 2017

Image
“Rừng người” tại phi trường Tân Sơn Nhất. (Hình: Zing)
SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Cục Hàng Không Việt Nam vừa công bố khảo sát mức độ hài lòng của hành khách về phẩm chất dịch vụ tại các phi trường quốc tế của Việt Nam. Theo đó, phi trường Tân Sơn Nhất bị đánh giá thấp nhất.

Theo báo Pháp Luật TP.HCM, từ Tháng Tư đến Tháng Chín, 2017, ngành hàng không Việt Nam đã thực hiện khảo sát tại ba phi trường Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng với 6,000 phiếu được phát ra.


Báo này cho hay: “Nội dung khảo sát gồm 25 tiêu chí đánh giá về sự hài lòng đối với bảy khu vực của cảng hàng không, bao gồm khu vực nhà ga đi, khu vực làm thủ tục, khu vực soi chiếu an ninh, khu vực công an xuất nhập cảnh, phòng chờ ra máy bay, nhà ga đến và phương tiện giao thông công cộng.”

Các thang điểm đánh giá từ 1-5 điểm: 5 (tốt), điểm 4 (khá), điểm 3 (trung bình), điểm 2 (kém) và điểm 1 (rất kém).

Kết quả, phẩm chất dịch vụ tại phi trường quốc tế Đà Nẵng cao nhất với điểm trung bình đạt 4.24 điểm, tiếp theo là Nội Bài đạt 4.11 điểm và cuối cùng là Tân Sơn Nhất chỉ được 4.01 điểm.

Qua khảo sát, các tiêu chí về “chất lượng wifi,” “trụ nước miễn phí,” “số lượng taxi, giá cả,” và “mức độ tiếng ồn trong nhà ga” vẫn nằm trong mục cho thấy các đơn vị cần cải thiện nhiều hơn nữa để dịch vụ được nâng cao. Trong đó, tiêu chí “chất lượng wifi” bị hành khách đánh giá thấp nhất. (Tr.N)

User avatar
nangchieu
Posts: 2053
Joined: Sun Apr 19, 2009 6:38 pm

Post by nangchieu »

Nhiều loại thực phẩm ở Việt Nam nhiễm chất gây bệnh
December 20, 2017

Image
Nguyên nhân dẫn đến sự xuất hiện Aflatoxin trong ớt bột là do các vấn đề liên quan đến thu hoạch, chế biến, vận chuyển và bảo quản.
(Hình: Dân Việt)

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Theo kết quả xét nghiệm của Viện Pasteur Sài Gòn, từ thịt gà, vịt, heo, bò, hải sản cho đến bột ớt khô đang bày bán ở Việt Nam đều bị nhiễm chất gây bệnh nguy hiểm như E.coli, Aflatoxin B1,…

Truyền thông Việt Nam loan tin, 100% mẫu ớt bột đang bán trên thị trường đều bị nhiễm chất gây ung thư. Thông tin này vừa được Viện Pasteur Sài Gòn công bố sau khi xét nghiệm các mẫu ớt bột thu thập trong vòng hai tháng qua.


Theo ông Phan Trọng Lân, viện trưởng Viện Pasteur, từ Tháng Năm đến Tháng Sáu, 2017, Viện Pasteur đã tiến hành thu thập ngẫu nhiên 48 mẫu ớt khô dạng bột tại các chợ và tiệm tạp hóa ở năm tỉnh, thành phố như Sài Gòn, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước và Bà Rịa-Vũng Tàu. Kết quả kiểm nghiệm cho thấy, 100% mẫu ớt khô đều có chất Aflatoxin, chất có thể gây ung thư gan vượt ngưỡng.

“Nguyên nhân xuất hiện chất độc hại này có thể do các vấn đề liên quan đến thu hoạch, chế biến, vận chuyển và bảo quản. Theo đó, các phương pháp sản xuất, bảo quản thủ công khiến người dân không thể sự kiểm soát về nhiệt độ, độ ẩm thích hợp, dẫn đến việc nhiễm Aflatoxin,” ông Lân nhận định.

Trước đó, khảo sát trong vòng bốn tháng từ Tháng Tư đến Tháng Tám, 2017, Viện Pasteur cũng đã phát hiện 100% mẫu kiểm tra (150/150 mẫu) cũng được lấy tại các chợ ở năm tỉnh, thành nêu trên gồm thịt gà, vịt, heo đều nhiễm vi khuẩn E.coli vượt giới hạn cho phép.

Ngoài ra, thực hiện xét nghiệm trên 147 mẫu thủy hải sản tươi sống gồm chem chép, hàu, nghêu và sò các loại, kết quả cũng chỉ ra 63.9% mẫu (94/147 mẫu) nhiễm vi khuẩn E.coli, trong đó có 24 mẫu nhiễm E.coli ở mức độ nặng.

Theo ông Đỗ Huy Nhật Minh, tác giả nghiên cứu, thuộc Viện Pasteur Sài Gòn, nguyên nhân các mẫu thịt nhiễm E.coli do điều kiện vệ sinh kém từ các lò giết mổ gia súc gia cầm đến các nơi bày bán chế biến thực phẩm. Bên cạnh đó, còn do nguồn nước bị nhiễm khuẩn, thịt bị nhiễm vi khuẩn trong công đoạn cắt tiết, nhổ lông, từ dụng cụ và quy trình giết mổ không bảo đảm điều kiện vệ sinh. (Tr.N)

User avatar
nangchieu
Posts: 2053
Joined: Sun Apr 19, 2009 6:38 pm

Post by nangchieu »

Bắc Bộ rét, miền Trung mưa to

Không khí lạnh cùng hội tụ gió trên cao gây mưa cho miền Bắc, nhiều nơi dưới 10 độ. Các tỉnh từ Quảng Trị đến Ninh Thuận mưa to.
Mưu sinh trong đêm rét 10 độ ở Hà Nội

Sáng 27/12, không khí lạnh tăng cường đã ảnh hưởng đến các tỉnh miền núi và đồng bằng Bắc Bộ.
Vùng núi rét đậm, có nơi rét hại với nhiệt độ thấp nhất vào đêm và sáng sớm phổ biến 12-15, vùng núi cao dưới 10.
Hà Nội hôm nay có mưa, nhiệt độ thấp nhất phổ biến 13-15.

Image
Hà Nội và nhiều tỉnh Bắc Bộ ngày 27/12 có mưa, một số khu vực mưa to, trời rét. Ảnh minh họa: Giang Huy.
Chuyên gia khí tượng nhận định, từ nay đến Tết Nguyên đán sẽ có liên tục các đợt không khí lạnh tăng cường. Nền nhiệt Bắc Bộ xuống thấp, trời rét.

Ngoài ra, do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với hội tụ gió trên cao 5.000 m, Bắc Bộ có mưa, riêng Việt Bắc và Tây Bắc mưa to. Mưa chấm dứt đợt hanh khô kéo dài, song đã làm tăng cảm giác giá rét.

Với Trung Bộ, do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với nhiễu động gió đông nên từ nay đến hết ngày 28/12, trời mưa vừa với lượng 20-50 mm trong 24 giờ. Riêng các tỉnh từ Quảng Trị đến Ninh Thuận mưa rất to, trên 100 mm trong 24 giờ.

Tại Nam Bộ, sau khi bão Tembin tan, từ hôm nay hầu hết địa phương có nắng, nhiệt độ cao nhất khoảng 30. Trong đó, TP HCM cao nhất lên 33 độ, thấp nhất 23-24 độ C. Miền Tây Nam Bộ dao động 23-32 độ C.

Xuân Hoa

User avatar
saohom
Posts: 2205
Joined: Wed Aug 26, 2009 11:30 pm

Post by saohom »

Phiên xử ‘đại án’ Trầm Bê: Hơn 70 luật sư, dài một tháng
January 4, 2018

Image
Ông Trầm Bê. (Hình: nhadautu.vn)

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Hơn 70 luật sư được cấp phép tham gia tố tụng trong phiên tòa xử ông Trầm Bê dự kiến dài một tháng, từ ngày 8 Tháng Giêng đến ngày 9 Tháng Hai, tại Tòa Án Nhân Dân ở Sài Gòn, theo báo Người Lao Động.

Báo này cho hay, phiên tòa xử “đại án Phạm Công Danh-Trầm Bê, giai đoạn hai” cũng quy tụ hơn 200 người “có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.”


Ông Trầm Bê là cựu phó chủ tịch thường trực Hội Đồng Quản Trị ngân hàng Sacombank. Trong vụ án này, ông Trầm Bê cùng ông Phạm Công Danh, cựu chủ tịch Hội Đồng Quản Trị ngân hàng Xây Dựng (VNCB) và các đồng phạm khác bị truy tố tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” với khung hình phạt lên đến 20 năm tù.

Theo báo Người Lao Động, tòa sẽ triệu tập một số “đại gia” như ông Trần Quý Thanh (chủ Tập Đoàn Tân Hiệp Phát), bà Hứa Thị Phấn (cựu chủ tịch ngân hàng Đại Tín), ông Trần Bắc Hà (cựu chủ tịch Hội Đồng Quản Trị ngân hàng BIDV)…

Một bài khác trên tờ báo này dẫn cáo trạng nói ông Trầm Bê “đã giúp sức tích cực cho ông Phạm Công Danh phạm tội, gây thiệt hại cho ngân hàng VNCB 1,836 tỷ đồng (hơn $80.8 triệu).”

Trong phiên phúc thẩm cách đây một năm, ông Phạm Công Danh bị y án 30 năm tù với hai tội “Cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.”

Luật Sư Phạm Hoài Nam, Hãng Luật Bến Nghé Sài Gòn, tiết lộ trên trang Facebook cá nhân: “Tôi được gia đình thân chủ nhờ bào chữa cho người thân là bị cáo đứng thứ tư trong top đầu vụ nên cũng thấy đó là trọng trách lớn đồng thời cũng là áp lực khi phải xử lý một núi việc, hồ sơ vụ án gần 25,000 bút lục nên riêng thời gian xem và chụp hồ sơ đã hết ba ngày, nghiên cứu một tuần rồi mà các con số tiền vay hàng trăm tỷ đồng cứ nhảy múa nên thấy rất căng.”

Hồi Tháng Mười Hai, 2017, báo Tiền Phong tường thuật, ông Trầm Bê “khai ra số tiền mà Sacombank cho ông Phạm Công Danh vay đáng lẽ không dừng lại ở con số hơn 1,800 tỷ đồng mà còn cao hơn nhiều.”

Báo VietNamNet hồi Tháng Tám, 2017, mô tả ông Trầm Bê là “ông trùm tài chính gốc Hoa rất kín tiếng, với những sở thích lạ đời, không giống ai.” Tờ báo nói ông “từng chi phối hai ngân hàng, một doanh nghiệp bất động sản có quỹ đất hàng đầu Sài Gòn, một bệnh viện, một công ty vàng bạc đá quý, công ty chứng khoán…”

VietNamNet viết: “Tính tới cuối năm 2016, ông Trầm Bê và những người có liên quan nắm giữ khoảng hơn 9.5% vốn ngân hàng Sacombank với gần 180 triệu cổ phiếu trị giá khoảng 2,300 tỷ đồng (hơn $101.3 triệu). Khối tài sản của gia đình ông Trầm Bê trên thực tế có thể còn lớn hơn nhiều bởi nó còn nằm ở những tài sản thuộc các doanh nghiệp chưa niêm yết như: bệnh viện Đa Khoa Tư Nhân Triều An, công ty Sơn Sơn…”

Ở thời điểm đó, nhà báo Nguyễn Thông, cựu biên tập viên báo Thanh Niên, viết trên Facebook: “Những tên tuổi như Trầm Bê, Nguyễn Đức Kiên (‘Bầu Kiên’), Phạm Công Danh, Nguyễn Xuân Sơn, Hà Văn Thắm, Huỳnh Thị Huyền Như… đã ghi dấu ấn không được chói lọi cho lắm trong lịch sử ngân hàng xứ này. Nhưng còn nhiều…, chưa dừng lại đâu. Nơi nào đậm mùi tiền nhất thì nơi đó còn tan tác. Chỉ dân chúng là thiệt chứ nhà nước chả mất gì. Khi nào mấy ngân hàng đinh như Vietcombank, Vietinbank, Eximbank, Agribank… có vấn đề thì nhà nước mới lo, chứ bọn thương mại cổ phần thì nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ. Bọn lẻ tẻ mà sập, theo quy định mới, dù có gửi trăm tỷ, ngàn tỷ đồng thì cũng chỉ được đền bù bảo hiểm tiền gửi mức tối đa 75 triệu đồng (hơn $3,300) thôi, các bác gửi tiền nhé.” (T.K.)

User avatar
MatVit
Posts: 829
Joined: Fri Sep 02, 2011 9:18 pm

Post by MatVit »


Hôm nay ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh hầu toà

42 luật sư tham gia bảo vệ cho 22 bị cáo trong phiên xử không còn vành móng ngựa.

Sáng 8/1, TAND Hà Nội khai mạc phiên tòa sơ thẩm xét xử hai ông Đinh La Thăng (58 tuổi, cựu chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dầu khí Việt Nam – PVN), Trịnh Xuân Thanh (52 tuổi, cựu chủ tịch HĐQT Tổng công ty Xây lắp dầu khí – PVC) cùng 20 người trong vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản xảy ra tại PVN và PVC.

42 luật sư tham gia bảo vệ cho các bị cáo. Ông Đinh La Thăng mời 3 luật sư, gồm ông Phan Trung Hoài, Đào Hữu Đăng, Nguyễn Huy Thiệp. Năm luật sư của ông Trịnh Xuân Thanh, gồm: ông Nguyễn Quốc Hùng, Trần Hồng Phúc, Lê Văn Thiệp, Nguyễn Văn Quynh và bà Ngô Thị Thu Hằng. Đây cũng là phiên tòa đầu tiên áp dụng quy định mới về phòng xử không có vành móng ngựa.
Image
Đồ hoạ: Ông Trịnh Xuân Thanh bị cáo buộc những tội gì?
Hôm nay ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh hầu toà
Trong vụ án này, ông Đinh La Thăng bị truy tố về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả ghiêm trọng (điều 165 Bộ luật Hình sự 1999). Mức án ông Thăng phải đối mặt từ 15 đến 20 năm tù.

Ông Trịnh Xuân Thanh bị truy tố về hai tội: Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản (điều 278 Bộ luật Hình sự 1999). Khung hình phạt ông Thanh phải đối mặt lên tới án tử hình.

Trong số 22 bị can có 17 người bị tạm giam, 5 người cấm đi khỏi nơi cư trú. Phiên xử dự kiến kéo dài đến ngày 21/1.


Xin dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 để nâng đỡ công ty con

Theo cáo buộc, từ năm 2008 đến năm 2012, Tổng công ty xây lắp dầu khí (PVC) do ông Trịnh Xuân Thanh là Chủ tịch Hội đồng quản trị và Vũ Đức Thuận có 13 công ty con, 12 công ty liên kết và 18 công ty đầu tư tài chính với tổng giá trị đầu tư tài chính là 3.400 tỷ đồng. Trong khi đó vốn điều lệ của công ty chỉ có 2.500 tỷ đồng. Vì tổng mức đầu tư tài chính vượt gần 1.000 tỷ đồng so với vốn điều lệ làm mất cân đối dòng tiền đầu tư của PVC.

Bắt đầu từ năm 2011, PVC đã phải trích lập dự phòng tài chính cho các khoản đầu tư vào các công ty con, công ty liên doanh, liên kết và các khoản đầu tư tài chính dài hạn khác.

Trong khi trước đó, cuối năm 2007, Bộ Công Thương phê duyệt Quy hoạch tổng thể Trung tâm Điện lực Thái Bình, gồm Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 1 và Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) được giao làm đầu mối đầu tư Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2. Đầu năm 2008, PVN giao cho công ty con là Công ty Điện lực Dầu khí (PVPower) thực hiện đầu tư dự án.

Nhà chức trách cho rằng để tạo điều kiện cho PVC, ngày 22/1/2010, ông Đinh La Thăng (khi đó là Chủ tịch HĐQT PVN) xin Thủ tướng cho đưa Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 vào danh mục các dự án PVN sẽ triển khai thực hiện trong năm 2010 cần được chỉ định thầu và đề xuất Chính phủ ủy quyền cho Hội đồng quản trị PVN quyết định hình thức lựa chọn nhà thầu. Ngày 11/6/2010, Thủ tướng có ý kiến đồng ý cho PVN chỉ định thầu theo quy định của pháp luật.

Dù chưa có đánh giá về năng lực, kinh nghiệm của PVC, chưa làm các thủ tục liên quan đến việc lựa chọn nhà thầu, nhưng ngày 18/6/2010, ông Đinh La Thăng đã ký Nghị quyết đồng ý giao cho PVC thực hiện gói thầu EPC dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 theo hình thức chỉ định thầu.

Do đang mất cân đối về tài chính với mục đích để PVC có nguồn tiền sử dụng, các ông Trịnh Xuân Thanh và Vũ Đức Thuận đã chỉ đạo ông Nguyễn Duyên Hải (Phó Tổng giám đốc PVC) ký Công văn gửi ông Đinh La Thăng và Nguyễn Quốc Khánh (Phó tổng giám đốc PVN) báo cáo phương án và kế hoạch triển khai Hợp đồng EPC dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2. Image
Bị can Trịnh Xuân Thanh (trái) và Đinh La Thăng.
Theo đó, PVC tiến hành ngay các công việc sau khi ký hợp đồng EPC và khởi công gói thầu như: Đàm phán và ký kết hợp đồng với Tư vấn (tháng 3/2011), Hoàn thiện bản vẽ mặt bằng tổng thể, thiết kế và triển khai thi công (tháng 3/2011), hoàn thiện Hồ sơ đề xuất gói thầu EPC theo tiến độ điều chỉnh thiết kế FEED và Hồ sơ yêu cầu của Chủ đầu tư (dự kiến tháng 3-5/2011).

Ông Đinh La Thăng chỉ đạo ông Đỗ Chí Thanh (Chủ tịch HĐQT PVPower) và Vũ Huy Quang (Tổng giám đốc PVPower) giao cho Nguyễn Duy Giang (Trưởng ban Kinh tế kế hoạch PVPower) soạn thảo Hợp đồng theo mẫu của Hợp đồng EPC dự án Nhà máy nhiệt điện Long Phú 1, đồng thời giao cho Phan Ngọc Hiền (Chánh Văn phòng PVPower) lấy trước số các công văn, tờ trình, quyết định về Phê duyệt dự án hiệu chỉnh, lựa chọn nhà thầu để đưa vào phần căn cứ của Hợp đồng và sẽ soạn thảo, ban hành các văn bản này sau khi ký hợp đồng EPC với PVC.

Ngày 28/2/2011, ông Vũ Huy Quang và Vũ Đức Thuận đã ký Hợp đồng EPC số 33.

Cáo trạng kết luận việc chọn nhà thầu và ký Hợp đồng EPC số 33 nêu trên là làm trái Điều 41 Nghị định số 85/2009 hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu và lựa chọn nhà thầu xây dựng theo Luật Xây dựng; điều 16, 17 Nghị định số 12/2009 quy định về Quản lý dự án đầu tư xây dựng; điều 9, 10 Nghị định số 48/2010 quy định về Hợp đồng trong hoạt động xây dựng.

Cụ thể, Hợp đồng EPC số 33 được lập, ký không đúng quy định của pháp luật, có nhiều nội dung không có thật, nhất là không có điều 14 (Giá trị Hợp đồng và Thanh toán) của điều khoản và điều kiện Hợp đồng, không có Phụ lục 2 (điều kiện và quy trình thanh toán) quy định về khoản tạm ứng, không có thoả thuận Hợp đồng.

Hợp đồng được lập và ký chưa được Hội đồng thành viên của Chủ đầu tư phê duyệt và Ban quản lý dự án Thái Bình 2 báo cáo. PVN vẫn đang đàm phán và chưa đi đến thống nhất tỷ lệ tạm ứng Hợp đồng với PVC nhưng theo đề nghị của PVC, PVN đã chuyển hơn 8 triệu USD và hơn 1.300 tỷ đồng cho Ban quản lý dự án Thái Bình 2 để chuyển tạm ứng cho PVC số tiền 6,6 triệu USD và 1.300 tỷ đồng trái với các quy định của Nhà nước.

‘Chiêu bài’ chuyển đổi chủ đầu tư

Ngày 1/3/2011, PVN và PVPower tổ chức lễ khởi công xây dựng công trình Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2. Ngay sau khi ký Hợp đồng EPC số 33, ngày 2/3/2011, theo chỉ đạo của ông Trịnh Xuân Thanh và Vũ Đức Thuận, Nguyễn Mạnh Tiến (Phó Tổng giám đốc PVC) đã xin PVPower cho tạm ứng 72 triệu USD.

Do không có vốn nên cùng ngày 2/3/2011, ông Đỗ Chí Thanh (Chủ tịch HĐQT PVPower) đã ký Công văn gửi PVN đề nghị cấp bổ sung vốn điều lệ Quý I/2011 cho PVPower để có tiền tạm ứng cho PVC.

Với lý do PVPower không đủ năng lực làm chủ đầu tư, Đinh La Thăng chỉ đạo ông Phùng Đình Thực và Nguyễn Quốc Khánh làm thủ tục để PVN thay PVPower làm chủ đầu tư dự án và nhận trách nhiệm tạm ứng cho PVC theo Hợp đồng EPC số 33.

Để quản lý và triển khai dự án, ngày 31/3/2011, Đinh La Thăng ký Quyết định thành lập Ban Quản lý dự án Điện lực Dầu khí Thái Bình 2 (Ban Quản lý dự án). Trong cuộc họp ngày 31/3/2011 công bố Quyết định thành lập Ban quản lý dự án do ông Đinh La Thăng chủ trì. Các ông Phùng Đình Thực, Nguyễn Quốc Khánh, Ninh Văn Quỳnh, Vũ Hồng Chương, Trịnh Xuân Thanh và Vũ Đức Thuận có tham dự.

Sau khi nghe ông Vũ Huy Quang đại diện PVPower báo cáo về việc Hợp đồng EPC số 33 không đủ căn cứ, không thể tiếp tục thực hiện, ông Đinh La Thăng đã chỉ đạo: "Ban Đầu tư phát triển PVN làm đầu mối chỉ đạo và trình duyệt dự án đầu tư hiệu chỉnh theo hướng giảm chi phí trong tổng mức đầu tư; Ban Quản lý dự án rà soát lại tất cả các nội dung của hợp đồng EPC để tiến hành ký lại hợp đồng EPC giữa PVN và PVC".

Theo cáo buộc, để giải quyết các khoản nợ xấu tại Công ty tài chính Cổ phần Dầu khí Việt Nam (PVFC) do đầu tư dự án bị thua lỗ, ngày 7/6/2010, ông Đinh La Thăng cùng ông Phùng Đình Thực đã tổ chức cuộc họp với Ban lãnh đạo của PVFC. Sau cuộc họp này, ngày 8/6/2010, ông Đinh La Thăng thay mặt HĐQT ký ban hành Nghị giao cho PVC nhận lại năm dự án do PVFC đã thực hiện góp vốn đầu tư có tổng giá trị là 793 tỷ đồng và giao ông Phùng Đình Thực (Tổng giám đốc PVN) chỉ đạo thực hiện.

Do đang gặp khó khăn về nguồn vốn đầu tư, ngày 17/8/2010, ông Trịnh Xuân Thanh ký Công văn gửi PVN đề nghị xin vay vốn. Do vậy, ngày 20/10/2010, PVN và Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank) ký Hợp đồng ủy thác để Oceanbank cho PVC vay vốn thực hiện thanh toán và bù đắp thanh toán các khoản đầu tư nhận chuyển nhượng từ PVFC. Tổng số tiền vay là 793 tỷ đồng.

Từ thực trạng trên, ngay sau khi được PVN chỉ định thực hiện gói thầu EPC Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, ông Trịnh Xuân Thanh đã chỉ đạo Vũ Đức Thuận, Nguyễn Ngọc Quý và Nguyễn Mạnh Tiến đẩy nhanh việc ký Hợp đồng EPC số 33 khi chưa đủ thủ tục pháp lý, sau đó xin tạm ứng để có nguồn tiền sử dụng trả các khoản gốc, lãi các khoản nợ, đầu tư, góp vốn vào các dự án, công trình, công ty khác.

Sau khi được bổ nhiệm là Trưởng Ban Tài chính kế toán, qua rà soát tình hình tài chính của PVC, ngày 6/5/2011, Phạm Tiến Đạt lập Báo cáo về tình hình tài chính của PVC gửi HĐQT, ban Tổng giám đốc nêu rõ thực trạng PVC đã đầu tư quá nguồn vốn chủ sở hữu 1.000 tỷ đồng và hiện không còn nguồn tiền nào để hoạt động.

Vì vậy sau khi được PVN, Ban quản lý dự án tạm ứng 6,6 triệu USD và 1.300 tỷ đồng theo Hợp đồng EPC số 33, các ông Trịnh Xuân Thanh, Nguyễn Ngọc Quý, Vũ Đức Thuận, Nguyễn Mạnh Tiến đã chỉ đạo bị can Phạm Tiến Đạt sử dụng 1.115 tỷ đồng từ nguồn tiền này để đầu tư, góp vốn vào các công ty, dự án, công trình khác và trả nợ ngân hàng.

Ngày 24/2/2012, ông Phùng Đình Thực, lúc đó là Chủ tịch HĐTV PVN yêu cầu người đại diện phần vốn góp của PVN tại PVC (ông Trịnh Xuân Thanh) báo cáo tình hình sử dụng đối với nguồn kinh phí PVN đã tạm ứng cho dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.

Theo cơ quan điều tra, ônng Trịnh Xuân Thanh xác nhận PVC đã sử dụng phần lớn số tiền tạm ứng cho dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 sai mục đích. Dù sau đó, số tiền này được yêu cầu thu hồi lại nhưng phải đến cuối năm 2017, khi vụ án ở giai đoạn điều tra mới thu được 1.087 tỷ đồng. Số tiền hơn 119 tỷ đồng bị xác định là thiệt hại.


Tháng 7/2011, ông Nguyễn Anh Minh (Phó Tổng giám đốc PVC) được phân công phụ trách Ban điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch (ở Hà Tĩnh). Các ông Trịnh Xuân Thanh và Vũ Đức Thuận giao cho Nguyễn Anh Minh chỉ đạo Lương Văn Hòa (Giám đốc Ban điều hành dự án) chuyển tiền để họ sử dụng.

Từ ngày 28/9/2011 đến ngày 23/02/2012, Lương Văn Hòa đã cùng các cấp dưới hợp thức hồ sơ thiết kế, dự toán, thi công, nghiệm thu, thanh quyết toán bốn hạng mục khống. Nhà chức trách cho rằng, Lương Văn Hòa câu kết với Lê Thị Anh Hoa, Nguyễn Thành Quỳnh (Giám đốc và Kế toán trưởng Công ty TNHH MTV Quỳnh Hoa) lập, ký bốn hợp đồng khống thuê công ty này thi công các hạng mục để rút tổng số hơn 13 tỷ đồng từ Ban điều hành.

Trong 13 tỷ này, ông Trịnh Xuân Thanh chiếm hưởng 4 tỷ đồng trong một lần chỉ đạo rút tiền để ông này tiêu Tết. Ông Vũ Đức Thuận chiếm hưởng 800 triệu đồng, Nguyễn Anh Minh chiếm hưởng 3,6 tỷ đồng, Bùi Mạnh Hiển chiếm hưởng 400 triệu đồng, Lương Văn Hòa chiếm hưởng 757 triệu đồng, Lê Thị Anh Hoa và Nguyễn Thành Quỳnh chiếm hưởng gần 2 tỷ đồng. Số tiền 1,5 tỷ đồng còn lại các ông Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đức Thuận, Nguyễn Anh Minh và Bùi Mạnh Hiển chiếm hưởng sử dụng chung.

User avatar
saohom
Posts: 2205
Joined: Wed Aug 26, 2009 11:30 pm

Post by saohom »

Đến lượt Đinh La Thăng đổ tội cho Nguyễn Tấn Dũng
January 9, 2018

Image
Ông Đinh La Thăng, cựu ủy viên Bộ Chính Trị CSVN bị dẫn giải vào tòa án ở Hà Nội hôm 8 Tháng Giêng 2018 vì bị cáo buộc “Cố ý làm trái...”
(Hình: AFP/Getty Images)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Ông Đinh La Thăng đổ tội “Cố ý làm trái…” tại Tổng Công Ty Xây Lắp Dầu Khí (PVC) bắt nguồn từ “chủ trương đúng, có quyết định của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng.”

Trong ngày thứ hai của vụ án xử ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và 20 đồng phạm về các tội “Cố ý làm trái các quy định về quản lý kinh tế gây thiệt hại nghiêm trọng…” và “Tham ô tài sản,” qua dự án nhiệt điện Thái Bình II, người ta lần đầu tiên nghe thấy ông Đinh La Thăng xác định trách nhiệm của ông Nguyễn Tấn Dũng khi đó là thủ tướng chính phủ.


Ông Đinh La Thăng nhìn nhận “chỉ đạo quyết liệt và có lúc nôn nóng” để thực hiện thật nhanh dự án nhiệt điện Thái Bình 2 nên đã giao cho Tổng Công Ty PVC của Trịnh Xuân Thanh làm “tổng thầu.” Tuy nhiên, ông khai rằng vì việc cấp bách nên “đã thay mặt HĐTV (Hội Đồng Thành Viên Tổng Công Ty Dầu Khí Việt Nam) ký báo cáo gửi thủ tướng chính phủ, xin phép giao PVC làm tổng thầu.”

Ông Thăng cho rằng khi nhận dự án nhiệt điện Thái Bình II, tổng công ty PVC “năm 2010, có lãi 1,000 tỷ đồng đồng thời PVN cũng bán 40% cổ phần của PVC, thu được 2,500 tỷ đồng” và nếu có khó khăn “nhất thời cũng là bình thường.”

Lời khai của ông khác với lời khai của thuộc cấp xác nhận khi được “tạm ứng” số tiền hơn 6 triệu đô la và hơn 1,300 tỉ đồng, PVC của Trịnh Xuân Thanh đang cơn khốn đốn tài chính, vội vã đem trả nợ ngân hàng 700 tỉ đồng và đắp vào các dự án khác gần hết số tiền đó, thay vì dùng để tiến hành xây dựng nhiệt điện Thái Bình II.

Bản cáo trạng cáo buộc ông Đinh La Thăng đã chỉ đạo thực hiện dự án nhiệt điện Thái Bình II bằng những văn bản trái luật. Lúc đầu là hợp đồng số 33, sau thấy sai vì “không phù hợp với nghị đình số 48 của chính phủ,” đổi thành hợp đồng khác, nhưng vẫn sai.

Theo tường thuật phiên tòa của VNExpress, “Ông Nguyễn Quốc Khánh (nguyên phó tổng giám đốc PVC) là người tiếp theo đối chất. Ông khai hợp đồng 33 không đủ điều kiện thực hiện, tạm ứng; dù sau đó đổi sang hợp đồng 4194 nhưng chỉ đổi chủ thể nên bản chất vẫn là chưa đủ điều kiện.”

“Vì sao chưa đủ điều kiện tạm ứng mà bị cáo cùng bị cáo Đinh La Thăng lại có bút phê về việc tạm ứng?,” thẩm phán hỏi. Ông Khánh phủ nhận có bút phê. Thẩm Phán Toàn ngay sau đó giơ công văn và đọc bút phê của ông Thăng với nội dung “chuyển anh Khánh – phó tổng giám đốc xử lý, cho PVC tạm ứng 1,000 tỷ đồng.”

Các thuộc cấp của ông Thăng khai họ bị thúc ép chuyển tiền gấp cho PVC của Trịnh Xuân Thanh bất chấp luật lệ. Giải thích tại sao lại “cố ý làm trái,” ông Đinh La Thăng nhìn nhận “làm sai quy trình,” tức trái luật lệ của chế độ.

Theo báo Kinh Tế và Tiêu Dùng “Bị cáo Chương khai tại cuộc họp 31 Tháng Ba, ông Đinh La Thăng có chỉ đạo rà soát lại hợp đồng để ký lại giữa PVC và PVN. Đến 1 Tháng Sáu thì yêu cầu ban quản lý dự án tạm ứng 10% giá trị hợp đồng. Theo lời bị cáo Chương, ông ta còn bị ông Đinh La Thăng gọi lên hỏi tại sao không chuyển tiền cho PVC. Bị “sếp” hỏi, ông Chương đã bảo Thăng xem lại công văn hợp đồng 33 không phù hợp với nghị định số 48 của chính phủ… “Sau đó bị cáo Thăng gọi Nguyễn Xuân Sơn lên hỏi tại sao các ông không chuyển tiền. Lúc đó tôi thấy hợp đồng mới chuyển đổi chủ thể, hợp đồng có 2 trang, chưa có phòng ban nào ký nháy vào đó,” bị cáo Chương khai tại tòa.

Các thuộc cấp đều đổ hết tội lên đầu ông Thăng. Ông Thăng lại đẩy tội lên Bộ Chính Trị và đặc biệt là ông Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Người ta không rõ liệu ông cựu Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng có bị bị triệu đến tòa để đối chất hay không. Trong các vụ án tham nhũng và “cố ý làm trái…” tại tổng công ty tàu biển Vinalines và tập đoàn đóng tàu Vinashin mấy năm trước, từng có tin ông Dũng bị truy trách nhiệm, ảnh hưởng tới cái ghế thủ tướng cũng như sự nghiệp chính trị của ông, nhưng ông ta chỉ có ít lời công khai nhận lỗi là xong.

Ông Nguyễn Tấn Dũng là đối thủ chính trị tranh cái ghế tổng bí thư của ông Nguyễn Phú Trọng. Đinh La Thăng và một số chức sắc tại Bộ Công Thương bị kỷ luật thời gian vừa qua được coi như tay chân thân tín của ông Nguyễn Tấn Dũng lúc đương quyền. (TN)

User avatar
saohom
Posts: 2205
Joined: Wed Aug 26, 2009 11:30 pm

Post by saohom »

Đề nghị mức án chung thân trong đại án Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh
11/01/2018

VOA Tiếng Việt

Image
Cựu ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng (trái) và cựu phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang, Trịnh Xuân Thanh, trong phiên tòa xét xử đang diễn ra tại Hà Nội.
Ông Thăng bị đề nghị mức án 15 năm tù trong khi ông Thanh bị đề nghị án chung thân.

Viện kiểm sát Nhân dân TP Hà Nội hôm 10/1 đề nghị mức án 14-15 năm tù cho ông Đinh La Thăng và án tù chung thân cho ông Trịnh Xuân Thanh trong đại án tham nhũng xét xử 22 cựu quan chức ngành dầu khí.

Ông Thăng, cựu Ủy viên Bộ chính trị, bị cáo buộc về tội “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” trong khi ông Thanh nhận bản án tù cao nhất về hai tội tham ô và cố ý làm trái.

Thân chủ của tôi đã bác bỏ những cáo buộc đó và tôi tin rằng mục đích buộc (ông Thanh) nhận tội đã được khẳng định trước khi quy trình tố tụng bắt đầu.
Petra Schlagenhauf, luật sư người Đức của Trịnh Xuân Thanh
Tuy nhiên cả ông Thăng, cựu Chủ tịch tập đoàn dầu khí PetroVietnam, và ông Thanh, người từng được coi là thuộc hạ thân tín của ông Thăng, đều phủ nhận những cáo buộc trên.

Những bị cáo còn lại, phần lớn là các cựu quan chức cao cấp của tập đoàn PetroVietnam (PVN) bị đề nghị các mức án tới 28 năm tù.

Về cáo buộc gây thiệt hại hơn trăm tỷ đồng khi cho Tổng Công ty Cổ phần xây lắp dầu khí PVC thực hiện dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, ông Thăng khai rằng những việc ông làm là theo “chủ trương của Bộ Chính trị” được Thủ tướng lúc bấy giờ là ông Nguyễn Tấn Dũng “chấp thuận trong một phiên xử hôm 9/1.

Ông Thanh, người mà chính quyền Việt Nam nói đã tự trở về đầu thú sau một thời gian trốn ra khỏi nước, bị đề nghị mức án 13/14 năm tù về tội cố ý làm trái, và tù chung thân về tội tham ô tài sản. Tổng hợp hình phạt chung cho người từng là chủ tịch PVC và sau đó là phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang, là tù chung thân.

Trao đổi với VOA về đề nghị của Viện KSND, luật sư người Đức của ông Trịnh Xuân Thanh nhận xét: “Mức án tù chung thân nghe có vẻ đỡ hơn là tử hình”.

“Nhưng thân chủ của tôi đã bác bỏ những cáo buộc đó và tôi tin rằng mục đích buộc (ông Thanh) nhận tội đã được khẳng định trước khi quy trình tố tụng bắt đầu,” theo bà Schlagenhauf.

Luật sư người Đức bị cấm nhập cảnh vào Việt Nam vài ngày trước khi phiên tòa xét xử ông Thanh bắt đầu tại Hà Nội hôm 8/1.

Luật sư Đức của Trịnh Xuân Thanh: "Tôi bị cấm nhập cảnh Việt Nam"

Luật sư Đức của ông Thanh nêu đích danh TBT Trọng

Trước đây bà Schalgenhauf và truyền thông Đức nhận định “án chung thân là rõ ràng đối với ông Thanh” trong một phiên tòa mà bà cho là “không công bằng.”

Phiên tòa xét xử các cựu quan chức dầu khí dự kiến kéo dài trong 2 tuần.

Việc xét xử ông Thăng, một Ủy viên Bộ chính trị đầu tiên bị đưa ra tòa trong nhiều thập kỷ qua, và hàng chục quan chức cao cấp trong một phiên tòa được coi là lớn nhất từ trước tới nay, theo luật sư Lê Khả Thành, một người có nhiều năm xét xử các vụ án tham nhũng ở Việt Nam.

PetroVietnam và ngành ngân hàng là tiêu điểm trong cuộc chiến chống tham nhũng lớn chưa từng có từ trước tới nay được người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, phát động.

Luật sư Lê Khả Thành cho rằng đây với phiên tòa này, cuộc chiến chống tham nhũng “không có vùng cấm” như cam kết của TBT Trọng, đang trở thành hiện thực.

Trên danh sách về chỉ số tham nhũng của các quốc gia năm 2016 do tổ chức Transparency International công bố, Việt Nam xếp hạng 113 trên 176.

User avatar
MatVit
Posts: 829
Joined: Fri Sep 02, 2011 9:18 pm

Post by MatVit »

Sợ dân phẫn nộ, CSVN hoãn chương trình nghệ thuật của Trung Quốc
January 19, 2018

Image
Ngày 19 Tháng Giêng, 2017, người dân tại Hà Nội tưởng niệm 74 chiến sĩ Hải Quân VNCH tử trận
trong trận chiến bảo vệ quần đảo Hoàng Sa ngày 19 Tháng Giêng, 1974. (Hình: Hoàng Đình Nam/AFP/Getty Images)

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Trước những đả kích kịch liệt trên mạng xã hội, nhà cầm quyền CSVN phải hoãn chương trình của Đoàn Nghệ Thuật Nội Mông của Trung Quốc vì trùng vào ngày Trung Quốc cướp quần đảo Hoàng Sa.

Theo dự trù được tòa Đại Sứ Trung Quốc và nhà cầm quyền CSVN sắp xếp, Đoàn Nghệ Thuật Nội Mông của Trung Quốc gồm 28 nghệ sĩ sẽ trình diễn từ 19 Tháng Giêng đến 21 Tháng Giêng tại Hà Nội và Nam Định “nhân kỷ niệm 68 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Trung Quốc và mừng Xuân Mậu Tuất 2018.”


Tờ Tuổi Trẻ cho hay chương trình này đã bị dời lại vì “sự cố kỹ thuật.”

Tuổi Trẻ dẫn một công văn do bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, giám đốc Nhà Hát Lớn Hà Nội, giải thích: “Sau chương trình diễn đêm 18 Tháng Giêng của Nhà Hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam, bộ phận kỹ thuật trong quá trình chuẩn bị phục vụ cho chương trình nghệ thuật kỷ niệm 68 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Trung Quốc theo kế hoạch được tổ chức vào 8 giờ tối 19 Tháng Giêng đã phát hiện trục trặc hệ thống máy cắt liên lạc của điện nguồn hoạt động không ổn định, do đó không thể đáp ứng cho yêu cầu kỹ thuật của buổi diễn này.”

Không thấy bản tin của tờ Tuổi Trẻ hay công văn của bà Nguyệt cho biết chương trình dời lại đến ngày nào. Chỉ thấy nói “ban quản lý Nhà Hát Lớn Hà Nội đề nghị văn phòng Bộ Văn Hóa-Thể Thao-Du Lịch, Cục Hợp Tác Quốc Tế báo cáo lãnh đạo bộ, đồng thời thông báo cho đại sứ quán nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa tại Việt Nam biết về sự cố trên để có phương án xử lý kịp thời.”

Chương trình của Đoàn Nghệ Thuật Nội Mông trình diễn vào đúng ngày 19 Tháng Giêng, là ngày Trung Quốc xua đoàn chiến hạm tấn công lực lượng hải quân VNCH bảo vệ quần đảo Hoàng Sa đầu năm 1974.

Hộ tống hạm Nhật Tảo trúng đạn địch, cả hạm trưởng và hạm phó hy sinh cũng với phần lớn sĩ quan, binh sĩ.

Khi hay tin có cuộc trình diễn vào ngày đau thương của dân tộc, Facebooker Nguyễn Anh Tuấn viết trên trang cá nhân: “Ngày mai 19 Tháng Giêng, tại Nhà Hát Lớn Hà Nội: Chương trình ca múa nhạc chào mừng tròn 44 năm ngày lãnh đạo nước Nội Việt vỗ tay tán thành Trung Quốc nổ súng tịch thu quần đảo Hoàng Sa từ tay nước thù địch, Việt Nam Cộng Hòa.”

“Vẻ tươi đẹp đặc sắc mà các nghệ sĩ Khu Tự Trị Nội Mông trình diễn, sẽ mang lại sự yên tâm cho cán bộ và người dân nước Nội Việt, trong quá trình trở thành một phần của Trung Hoa một cách rõ nét hơn, cụ thể hơn. Khách mời sẽ bao gồm những người đang nỗ lực cho tương lai tự trị của nước Việt trong vòng tay Trung Hoa. Ngoài ra còn có những người vì miếng cơm manh áo mà buộc phải có mặt theo chỉ đạo ở ‘trên,’ hoặc cả những người chưa hiểu chuyện,” anh viết.

“Tối mai 19 Tháng Giêng, kính mời bà con Việt Nam ta, đến trước quảng trường Nhà Hát Lớn Hà Nội, để bày tỏ tình cảm với đồng bào mình ngồi bên trong. Sự hiện diện của đông đảo người dân Việt Nam yêu nước thương nòi tại quảng trường Nhà Hát Lớn sẽ là câu trả lời rõ ràng nhất cho vận mệnh chung của nước Việt trước thời khắc chuyển đổi quyết định. Cha ông ta đã dựng nước, giữ nước. Giờ là lúc ta phải quyết định phải đóng góp gì đó, hay là ngậm mồm chịu sự hạ nhục này, khi không bỏ nước ra đi,” Facebooker Nguyễn Anh Tuấn viết thêm.

Rất có thể, sợ dân chúng đội khăn tang và mang theo các biểu ngữ chống Trung Quốc tới biểu tình trước Nhà Hát Lớn khi chương trình đang diễn ra, Hà Nội mới vội hoãn lại.

Năm ngoái, ngày 19 Tháng Giêng, 2017, hơn 100 người đã quấn khăn tang mang theo biểu ngữ tới tượng đài Lý Thái Tổ ở Hà Nội dâng hương tưởng niệm 74 chiến sĩ VNCH đã hy sinh vì tổ quốc, trong nhiệm vụ bảo vệ quần đảo Hoàng Sa khi bị một đoàn chiến hạm mạnh hơn, đông hơn gấp bốn lần tấn công. Chỉ một ít người tham dự tưởng niệm kịp dâng hương và trong vòng ít phút, công an CSVN đã xua lực lượng đến giải tán và bắt giữ nhiều người.

Quần đảo Hoàng Sa sau khi bị Trung Quốc cướp đoạt, nay đã trở thành một chuỗi căn cứ quân sự quy mô và tối tân trên biển của Trung Quốc. Trung Quốc cướp thêm của Việt Nam sáu bãi đá ngầm năm 1988 và nay cũng đã biến chúng thành một chuỗi đảo nhân tạo khồng lồ, trang bị quy mô thành những căn cứ nổi, khống chế toàn bộ Biển Đông.

Các cuộc tưởng niệm những người lính chết khi bị chiến hạm Trung Quốc tấn công ở bãi đá ngầm Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa tại tượng đài Lý Thái Tổ, Hà Nội, cũng thường bị nhà cầm quyền CSVN ngân chặn hay phá rối. (TN)

User avatar
saohom
Posts: 2205
Joined: Wed Aug 26, 2009 11:30 pm

Post by saohom »

Việt Nam: 12 năm tù vì 'treo cờ VNCH'
24 tháng 1 2018

Image

Tòa án tỉnh An Giang xử tù bốn người về tội "Tuyên truyền chống Nhà nước",
trong đó có việc treo lá cờ của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa ngày 30/4/2017.

Tại phiên sơ thẩm hôm 23/1, ông Vương Văn Thả, sinh năm 1969, bị án 12 năm tù.

Người con trai Vương Thanh Thuận, sinh năm 1990, bị án bảy năm tù.

Hai anh em sinh đôi, Nguyễn Nhật Trường và Nguyễn Văn Thượng, sinh năm 1985, bị án sáu năm tù.

Bốn người này bị bắt hồi tháng 5/2017.

Thông Tấn Xã Việt Nam dẫn cáo trạng nói ông Thả, vào đầu năm 2017, đã có hành vi "tuyên truyền, bịa đặt, xuyên tạc" về Đảng Cộng sản và chính quyền Việt Nam.

Hai cha con ông Thả bị cáo buộc đã "kích động mọi người treo cờ vàng ba sọc đỏ vào ngày 30/4/2017, xuống đường gây rối, ném bom xăng khi bị ngăn cản, sẵn sàng đập phá trụ sở cơ quan Nhà nước và kêu gọi ký tên ủng hộ, tham gia tổ chức "Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời" của Đào Minh Quân (ở Mỹ)... "

Hai bị cáo Văn Thượng và Nhật Trường bị tố cáo vào ngày 16/4/2017 đã "đem theo 20 kg gạo, 2 thùng mì, 1 thùng hủ tiếu đến ở nhà" của ông Thả.

"Tại đây, Thả chỉ đạo cho Thuận, Trường, Thượng, Hà, Thảo may cờ vàng ba sọc đỏ và kêu Thuận sử dụng điện thoại di động, iPad của Thả, Thuận, Thượng quay các video clip do Thả tuyên truyền, xuyên tạc… tiếp tục phát tán lên mạng," Thông Tấn Xã nói.

Bốn bị cáo bị đưa ra xử về tội "Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam" theo khoản 2 Điều 88 Bộ luật Hình sự đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009.

Thông Tấn Xã Việt Nam cho hay vào sáng 30/4/2017, ông Thả đã treo lá cờ Việt Nam Cộng Hòa trên nóc nhà.

"Khi lực lượng chức năng đến kéo hạ cờ xuống thì Thả giao cho Trường, Thuận cầm hung khí canh giữ xung quanh nhà không cho lực lượng chức năng tiếp cận. Thả và Thượng dùng súng chĩa, câu liêm móc, ngăn cản không cho tháo gỡ cờ và tiếp tục cố thủ trong nhà," bản tin nói.

Bốn người bị bắt vào ngày 18/5.

Ông Vương Văn Thả, cư sĩ Phật giáo Hòa Hảo, từng bị tòa ở tỉnh An Giang kết án 3 năm tù năm 2013 vì "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân."

Ông Thả được trả tự do hồi tháng 10/2015.

Các vụ bắt giữ


Tổ chức nhân quyền Mỹ Human Rights Watch mới đây nói Việt Nam đã bắt giữ ít nhất 21 blogger và nhà hoạt động trong năm 2017.

Khoảng 97 nhà hoạt động đang thụ án tù ở Việt Nam, và 36 người bị giam giữ chưa đưa ra xử, theo trang web 88 Project vận động cho người đối kháng ở Việt Nam.

Trong tháng Giêng, Bộ Ngoại giao Việt Nam vừa công bố sách trắng về quyền con người với chủ đề "Bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam", phiên bản tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Pháp.

Người phát ngôn ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói: "Chúng tôi cũng mong muốn cộng đồng quốc tế có cái nhìn khách quan, toàn diện, cân bằng về nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền con người."

Post Reply