Tạp Ghi , Chuyện Phiếm , Chuyện Vui Hàng Ngày

Cho đuổi mèo, mèo rượt chuột, chuột sa chỉnh gạo, gạo tải vô xe... thế rồi... xe cán chó!!!

Moderators: CNN, khieulong

User avatar
khieulong
Posts: 6752
Joined: Wed Dec 01, 2004 9:09 pm
Been thanked: 1 time

Post by khieulong »

Chuông đồng hồ Big Ben ngừng kêu một cách khó hiểu Image Chuong dong ho Big Ben, London
Một trong những tháp chuông đồng hồ nổi tiếng nhất thế giới, Big Ben đã ngừng kêu trong vòng hơn 1 tiếng rưỡi hôm qua (27/5).
Chiếc kim chỉ phút trên mặt đồng hồ tại Tháp St Stephen's, Cung điện Westminster, trung tâm London đã ngừng chuyển động vào lúc 22h07' BST (giờ mùa hè tại Anh). Nó bắt đầu chuyển động lại chậm chạp song lại ngừng lần thứ hai vào lúc 22h20 BST và giữ nguyên vị trí trong suốt 90 phút. Nguyên nhân của sự ngừng hoạt động này vẫn chưa được xác định song thời tiết nóng có thể là lý do chính. Ngày hôm qua (27/5), nhiệt độ tại London lên tới 31,80 C.

Chiếc đồng hồ này chỉ ngừng hoạt động một vài lần kể từ khi nó được hoàn thành năm 1858. Năm 1962, do tuyết tích tụ trong kim chỉ giờ khiến Big Ben rung chuông chậm mất 10 phút báo hiệu năm mới. Suốt Thế chiến II, bất chấp hàng chục vụ tấn công của các máy bay ném bom thuộc Không quân Đức, Big Ben vẫn hoạt động tốt. Chuông của đồng hồ được đặt tên là Big Ben theo tên của Sir Benjamin Hall, người đặt làm ra nó.

User avatar
khieulong
Posts: 6752
Joined: Wed Dec 01, 2004 9:09 pm
Been thanked: 1 time

Post by khieulong »

Dubai thế giới của những điều kỳ diệu Image Tuy chỉ là chiếc nôi của 1,2 triệu cư dân nhưng Dubai đã trở thành một trong những địa danh có nhiều du khách đến thăm nhất ở các nước thuộc Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất. Ưu điểm hấp dẫn của Dubai là các tour sa mạc qua những đụn cát cao 100m, thung lũng sông và trang trại lạc đà để rồi kết thúc trong lều trại kiểu dân du mục Bedouin ăn thịt nướng, hút ống điếu, làm đẹp bằng cách xâm cây lá móng trên bàn tay và xem nữ vũ công Ai Cập biểu diễn múa bụng.
Dubai có một khách sạn cao nhất thế giới là Burj Al Arab. Thật ra các chi tiết về mức độ vươn cao của Burj còn là bí mật quốc gia. Một số tin đồn nói rằng độ cao của nó khoảng 500m, vừa đủ để đánh bại tháp đôi Petronas của Malaysia, nhưng so ra vẫn còn thua tháp 101 của Đài Bắc cao 508m vào năm ngoái. Hiện nay, nghe nói Burj cao tới 700m còn có khả năng lên thêm nữa. Ở tầng dưới cùng của nó là thương xá Dubai rộng 836.000m2 sẽ trở thành trung tâm thương mại lớn nhất thế giới.

Không dừng lại ở đó, Dubai còn lên kế hoạch xây dựng Hydropolis, một khách sạn dưới mặt nước đầu tiên trên thế giới. Khi hoàn thành, giá cả của nó sẽ là 5.500 đôla một đêm giữa thủy cung. Thêm một dự án nữa còn nằm trong... tin đồn, đó là thành phố Bong Bóng (Bubble City), đây là một khách sạn bay lơ lửng cách mặt đất 200m.

Đi xa hơn, người ta còn muốn xây dựng ba quần đảo nhân tạo, mỗi quần đảo có thể nhìn thấy rõ từ không gian, đang vươn lên từ vùng nước ấm áp thuộc vịnh Arập. Đầu tiên là đảo Cây Cọ, dự kiến sẽ hoàn tất trong năm 2006 và tọa lạc trên vùng biển nằm giữa Burj Al Arab và một dãy khu nghỉ mát khách sạn 5 sao, cộng thêm 40 khách sạn hiện đại
Burj Al Arab, khách sạn cao nhất thế giới
khác. Đảo Cây Cọ II để dành cho những người mê thế giới dưới nước và sẽ hoàn thành với bản sao của các khu vực bơi lặn nổi tiếng nhất hoàn cầu. Quần đảo nhân tạo thứ ba được xây dựng cách bờ biển 4km và mang hình dáng chiếc bản đồ thế giới. Đi kèm với những quần đảo này là một lô các “cities” (thành phố) thật phức tạp: TP Phương tiện truyền thông, TP Internet, TP Festival, TP Chăm sóc sức khỏe và TP Địa cầu.

Có lẽ dự án lớn nhất trên mặt đất vẫn là một quần thể giải trí trị giá 5,5 tỉ đôla, có tên là Dubailand. Thoạt nghe có vẻ mang hơi hướng Disneyland? Nếu không nói là cũng tương tự như vậy và còn “hậu sinh khả úy” nữa đằng khác. Vì công viên giải trí này lớn gấp đôi Disneyland và cũng có đủ thứ “thập cẩm” như Thế giới sinh thái, TG Spa, TG thể thao và TG nước, cộng thêm một dốc trượt tuyết lớn nhất hành tinh, trường đua Thể thức 1, công viên nước lớn nhất. Nếu tất cả những dự án và tham vọng của Dubai đều trở thành sự thật thì nơi đây quả thật xứng đáng với tên gọi “Thế giới của những điều kỳ diệu” và là một trong những điểm du lịch có đà phát triển nhanh nhất thế giới hiện nay.

User avatar
khieulong
Posts: 6752
Joined: Wed Dec 01, 2004 9:09 pm
Been thanked: 1 time

Post by khieulong »

Tên phản bội chính nghĩa Từ rất trẻ tôi đã không có mẹ và đất mẹ. Mồ côi, tôi đã rời nước Pháp ra đi chẳng có gì trong tay. Không học vấn. Không gia đình. Không tiền bạc tất nhiên. Gần như trần truồng. Tôi rời khỏi nước Pháp giữa mùa hè. Một cái quần sọt hơi chật, một chiếc áo sơ mi cộc tay hơi cũ, một đôi giày vải cói thủng hơi nhiều lỗ. Đấy là hành trang của tôi. Hồi ấy tôi 19 tuổi. Nhưng tôi mang theo với mình một cái gì đó rất quí. Một món quà tặng: tiếng Pháp. Thứ tiếng ấy đã ở lại với tôi, trong tôi, mãi mãi. Có khi nó hơi ù lì. Tựa như nó nằm trong ngoặc đơn. Cũng có khi nó sẵn sàng chiến thắng khi nó tự cảm thấy quá lệ thuộc, quá bị biến chất vì tiếng Anh. Lúc ấy nó nổi loạn, và trong nhiều giai đoạn kéo dài nó đem tiếng Anh đặt vào trong ngoặc đơn. Chính trong một giai đoạn nổi loạn như thế mà tôi đã viết Amer Eldorado. Bản gốc. Amer Aldorado 200/1 đã được viết trong một giai đoạn nổi loạn khác gần đây.

Nhưng có lẽ cũng có một lý do khác đã giúp ngôn ngữ mẹ của tôi lên tiếng trở lại, tôi có thể nói như thế. Cuốn tiểu thuyết đầu tay của tôi, Double or Nothing, viết bằng tiếng Anh, tình cờ rơi vào tay một nhà xuất bản lớn ở Pháp, ổng từ chối xuất bản một bản dịch cuốn sách này bởi vì ổng cho rằng một tên người Pháp viết bằng một thứ tiếng khác là một tên phản bội chính nghĩa. Đấy là những gì ổng nói với tác giả trong thư từ chối của mình, và còn nói thêm, tôi xin dẫn ra đây, cho dịch sách là chuyện tốn phí lắm đấy. Quả thật nhà xuất bản lớn này trước tiên là một tên lái sách. Ổng cũng rất có thể là một tên lái giày có cái suy nghĩ rằng một người Pháp đi mua giày Ý là một tên phản bội chính nghĩa của những đôi giày.

Tôi không biết về phần tôi đây tôi đã phản bội chính nghĩa gì. Chính nghĩa của di sản nước Pháp? Chính nghĩa văn hóa nước Pháp? Chính nghĩa lịch sử nước Pháp? Hay đơn giản chỉ là chính nghĩa của ngôn ngữ nước Pháp.

Vâng chắc chắn là như thế. Cái tiếng Pháp của tôi đã trở thành ngoại quốc. Nó đã trở thành một ngôn ngữ ngoại quốc. Và ở Pháp những người ngoại quốc không phải lúc nào cũng được được coi trọng và tiếp đón nồng hậu. Điều này ai cũng biết. Tôi biết. Cha tôi là một người ngoại quốc nói bảy thứ tiếng. Kể cả tiếng Pháp. Chính vì thế mà tôi đây tôi cũng nói tiếng Pháp. Đây là một món quà của nước Pháp. Và giờ đây tôi muốn trả lại cho nước Pháp những gì nước Pháp đã cho tôi. Cái tiếng Pháp của tôi. Cái thứ tiếng mà tôi đã đem theo với tôi tới Mỹ và ở đấy nó đã biến thành những cuốn sách của tôi. Tôi xin hiến cho nước Pháp, như Villon đã làm trước đây, tất cả những cuốn sách của tôi. Tôi xin hiến không lấy xu nào. Tất cả những gì tôi đòi hỏi ở nước Pháp, ấy là một ngày kia xin đặt một tấm biển nhỏ đâu đó với hàng chữ:

User avatar
khieulong
Posts: 6752
Joined: Wed Dec 01, 2004 9:09 pm
Been thanked: 1 time

Post by khieulong »

Văn hóa Chửi
Thursday, June 02, 2005

Image
Hà Sĩ Phu bên tượng linh vật Yoni.

Hà Sĩ Phu

(Kính tặng hương hồn cô ruột tôi)

Nhiều lúc tôi cứ tự hỏi sao chưa có nhà văn hóa nào nghiên cứu về cái sự “Chửi” nhỉ? Hôm nay ngồi buồn tôi mở máy vi tính, thử mở “Từ điển Lạc Việt năm 2002”, tra hú họa chữ Chửi xem sao. Ðây là cuốn từ điển Việt Anh, mà lại dùng cho máy vi tính, tôi nghĩ, có lẽ chẳng có chữ ấy đâu, may lắm thì có một chữ Chửi đơn giản là cùng.

Tôi nhầm! Các từ về Chửi xếp đầy một trang màn hình!

Này là Chửi mắng, Chửi bới, Chửi đổng, Chửi nhau, Chửi rủa, Chửi thầm, Chửi thề, Chửi tục! Lại còn Chửi bâng quơ, Chửi vu vơ, chửi thậm tệ! Chưa hết, có cả Chửi bóng Chửi gió, Chửi chó mắng mèo, Chửi như tát nước, Chửi như vặt thịt, Chửi vuốt mặt không kịp nữa! Ngần ấy chữ Chửi đều có những động từ hay cụm từ tiếng Anh tương ứng. Hóa ra người Anh người Mỹ họ cũng chua ngoa, cũng điên tiết gớm chứ đâu có vừa (nhưng các “đế quốc to” ấy nhất định thua xa mình về cái khoa Chửi, kể cả Chửi đáng khen và Chửi đáng chê).

Cuốn từ điển còn thiếu một khái niệm Chửi tối quan trọng: Chửi như mất gà! Rất may, tìm mãi mới thấy cụm từ Chửi này có trong từ điển Việt Hoa của Khổng Ðức.

Nhưng rốt cuộc thì từ điển gì, chữ nghĩa gì cũng thua bà cô tôi hết, một người dân quê không biết một chữ quốc ngữ bẻ làm đôi.

Khoan hãy tìm hiểu vì sao Gà lại giữ vị trí quan trọng trong khoa Chửi của dân An Nam mình đến thế. Tôi hãy phác qua vài nét nhân thân bà cô ruột, tức cuốn từ điển sống của tôi về Văn hóa Chửi. Dòng họ nhà tôi, từ bố tôi trở về trước nghèo lắm. Mấy đời chỉ là ông đồ dạy chữ nho, ông chú ruột tôi mới sáu tuổi đã bị đem cho một nhà thờ Ðạo vì ông bà tôi không sao nuôi nổi. Cô tôi đương nhiên không được học hành gì, sớm được gả cho một anh thợ cày cũng nghèo kiết xác, là ông cậu tôi. Cậu tôi chẳng may mất sớm, để lại cô tôi góa bụa khi chưa đầy hai mươi với một đứa con gái chưa đầy ba tuổi. Chỉ một đôi quang thúng cũ nát, lèo tèo mấy quả na quả bưởi, mấy chiếc bánh đa, bánh gai... hoặc mấy mớ rau, con cá, bà đèo đẽo đi khắp chợ Hồ, chợ Gôi, chợ Ngo, chợ Dâu, chợ Keo, chợ Cẩm Giàng, chợ Núi (tức núi Thiên Thai)... trên dưới mười cây số. Áo xống nhuộm bùn (hồi trước các cụ gọi chiếc váy là xống), vá chằng vá đụp, làm chỗ cư trú lý tưởng cho lũ chấy rận. Lúc nào nghỉ chợ là bà lại đem áo xống ra bắt rận, tuốt trứng lép bép và cắn rận đôm đốp. Nhưng người cô nghèo khổ ấy thương lũ cháu, thương chúng tôi lắm. Cô cho chúng tôi cái bánh, quả na mà chậm ăn là cô chửi cho mất mặt, à ra đều mày khinh cô nghèo mày không ăn hử? Ðến năm tôi đã là giảng viên Ðại học (chả gì cũng gọi là Trí thức Xã hội chủ nghĩa) mà mỗi lần về thăm cô vẫn cho tiền, này thằng Tụ, cô cho mấy đồng cầm đi mà tiêu. Thương cô lắm mà vẫn phải cầm, chứ đợi cô chửi cho rồi mới cầm ư?

Nhưng Chửi cũng ba bảy đường Chửi. Bà chửi thương, chửi yêu thì chỉ chửi “nôm” thế thôi, chứ không có bài. Khác hẳn những khi định hướng vào “kẻ thù”, là những kẻ ăn không ăn nảy của bà, vu oan giáng họa cho bà, cạy quyền cạy thế chèn ép lấn át bà (kiểu như bây giờ ta gọi là vi phạm quyền dân chủ ở cơ sở ấy mà) thì vũ khí Chửi của bà tung ra đầy tính kỹ thuật, bài bản hẳn hoi và đầy sức lôi cuốn. Một ngón võ thật sự.

Hôm ấy bà đi chợ về muộn. Chuẩn bị nấu cơm chiều, vét niêu cơm cháy, vừa ngô, vừa khoai được một bát đầy hú hụ, bà cất tiếng “chích chích chích chích”, “pập pập pập pập” gọi mấy con gà mà bà đã chăm chút cả năm để chuẩn bị ăn Tết. Lũ gà quen tín hiệu đã tề tựu ngay tắp lự. Chờ mãi vẫn không thấy con gà mái nâu, đang ghẹ, béo nhất đàn. Bà bổ đi tìm quanh, “điều tra” khắp vườn, khắp xóm. Không thấy. Vẻ mặt bà hằm hằm, mắt bà chợp chợp, tôi biết cơn giận trong bà đã chất chứa đến nhường nào. Nhưng bà lẳng lặng đi nấu cơm. Hai mẹ con bà ăn cơm xong đâu đấy. Mọi nhà đã lên đèn. Tôi nằm chơi trên cái chõng tre giữa sân.

Ðúng lúc làng xóm đang yên tĩnh, ổn định, thì bài trường ca bắt đầu.

Hình như trời phú cho những người nghèo khổ, sống dưới đáy xã hội một cơ quan phát âm, đúng ra là cơ quan phát thanh, có độ vang đủ phủ sóng khắp “địa bàn “ cư trú. Phần giao đãi của trường ca mất khoảng mười phút, nhưng cũng đủ cho việc đặt vấn đề. Người nghe đã kịp nhận ra cuộc chửi liên quan đến vụ việc gì, bà nghi ngờ cho ai. Sau khi đã khu trú được vấn đề và đối tượng (tất nhiên bà chẳng cần gọi tên chúng ra), bà vào phần chính của việc chửi bới. Bà mạt sát đối thủ bằng những tư liệu rút ra từ gia phả, án tích, dư luận; bà chứng minh tội phạm bằng những chứng cứ và suy luận mà bà đã quan sát và thu thập được; và cuối cùng là phần hình phạt. Bà phạt kẻ bị tình nghi phạm tội bằng phương pháp rất nhân đạo là cho ăn và cho uống, thực đơn gồm toàn những thứ sống sít từ cơ thể thiên nhiên của bà. Thì bà còn có gì khác ngoài cái vốn tự có ấy?

Toàn bộ “cáo trạng” từ việc điều tra, luận tội và xử phạt bà làm độ nửa giờ là xong. “Phiên tòa” kiểu này có cái “hay” là không cần mời ai đến dự mà vẫn xử được công khai. Thế mới biết kẻ ở thế yếu thì cứ phải “phát xít” thôi. Vô chính phủ cũng là một cực của phát xít, nhưng cái phát xít của bà cô tôi vừa đáng yêu, vừa đáng thương, lại vừa đáng tủi làm sao!

Bà “viết” văn xuôi theo lối biền ngẫu, rất nhiều đoạn rập theo một công thức như lối viết báo cáo hoặc xã luận của những anh không chịu đổi mới ngày nay. Văn xuôi nhưng lại có vần như thơ (có thể đây là tiền thân của loại thơ văn xuôi bây giờ đấy nhá!), lại có lên bổng xuống trầm như nhạc.

Ðặc biệt, vô cùng đặc biệt là đoạn cao trào. Tôi nghe một lần là nhớ suốt đời.

Ðoạn ấy thế này: “...Nếu mày có trót dại bắt con gà của bà, nghe bà chửi mà không khôn hồn thả nó ra, mà cả nhà cả ổ mày cứ húc đầu vào ăn cho đầy miệng, thì bà cứ cho chúng mày ăn cái máu l..., rớt l... của bà đây này (lúc này bà khẽ rướn người lên, hai đầu ngón tay khẽ nhúm chiếc váy đụp nâng lên phía trước, tuy đứng một mình mà bà làm như đang diễn thuyết trước đám đông người). Mày tưởng mày có quyền có thế, có người làm ông nọ bà kia mà ăn hiếp gái già này à? Cứ ra mặt với bà xem! Bà thì cứ... dứt cái lông l... thứ tám, bà chẻ tạm làm tư, bà trói cổ cái ông tổ năm đời mười đời nhà mày lại, bà vẫn còn thừa cái nút hậu!...” (Cái sinh lực nữ tính mới đầy uy lực làm sao!)

Lạ chưa? Cái lông thứ tám? Vậy là trong cái đám lôm xôm ít được thấy ánh sáng văn minh ấy cũng phải có trật tự, ngôi thứ hẳn hoi (cứ như trong trại lính hay trong triều đình xôi thịt vậy)! Không biết cái ngôi thứ này là do chúng cọ xát với nhau mà phân định hay do bà phải đánh số để tiện việc quản lý?

Ðể ra quân, bà chưa cần cử các ngôi vị thứ nhất, thứ hai, thứ ba trang trọng làm gì, mà mới dùng cái “thằng” thứ tám, thậm chí chả cần cả “thằng” thứ tám nữa, nên bà mới tạm chẻ nó làm tư (khiếp thật, xưa nay người chi ly lắm cũng chỉ chẻ sợi tóc làm đôi là cùng). Còn ở trận tuyến bên kia thì bà không thèm chấp cái bọn ăn cắp gà, không thèm trói chúng cho bẩn... cái dây trói của bà, mà lôi cổ hẳn cái ông tổ năm đời mười đời nhà nó ra (bọn này về chầu ông... vải từ lâu rồi mà bà vẫn không tha, vì chính chúng đã khai sinh ra cái lũ ăn cắp gà vô liêm sỉ này). Binh lực của bà đã tự giảm đi bấy nhiêu lần, binh lực của địch cho phép tăng lên bấy nhiêu lần, vậy mà vẫn chưa cân sức: Cái dây trói vẫn quá dài so với cái cổ bự của những ông tổ năm đời mười đời kia, trói cẩn thận đâu vào đấy rồi mà dây vẫn còn thừa nhiều quá, lại phải buộc thêm một “múi” nữa cho dây đỡ luề thuề, tức là phải buộc thêm cái nút hậu. Tương quan địch ta chênh lệch như thế thì chúng còn làm sao dám ra mặt với bà được nữa, chứ nói gì đến lên mặt, giở thói kiêu ngạo cổ truyền của chúng trước bàn dân thiên hạ?

Như thế, bản Trường ca đã dùng một “thi pháp” so sánh, tương phản đầy ấn tượng! Thiết kế một bài Chửi khoa học và tinh tế như thế thì các bậc thâm nho, hay các viện sĩ khoa học mọi thời đều xin bái lạy.

Thiên nhiên sinh ra muôn loài vốn đã tài tình, xã hội loài người tự nhiên cũng tài tình như thế. Cứ phải tự cân bằng, cứ phải tạo lấy cái hợp lý để cân bằng lại cái vô lý. Ðấu tranh sinh tồn mà sinh ra cả.

Một lần, đọc bài thơ của một nhà thơ trẻ miền Trung, tôi gặp một tứ thơ độc đáo: “Trong tấn tuồng đời bọn bất lương đã giành đóng hết các vai đạo đức mất rồi”! Bảng phân vai chỉ còn các vai phản diện, xấu xa, mà những người bị trị, những người lương thiện, bao giờ cũng chậm chân, đành phải nhận đóng. Không nhận những vai ấy cũng không được. Ðã là tuồng đời thì anh không đóng cũng không được, “lẩn tránh” cũng là một vai của tuồng đời chứ đâu có thoát.

Khi những kẻ ăn cắp gà lại chi phối luật pháp, lại độc chiếm hết diễn đàn để giảng đạo đức (tất nhiên là đạo đức giả), thì người mất gà đành phải chửi thôi. Những phụ nữ chịu nhiều tầng ràng buộc nhất chỉ còn cách tự vệ ấy để quyết thực hiện quyền ngôn luận,” tự do báo chí” của mình. Bài Chửi độc đáo kia, nghe tưởng cay độc quá, nhưng xem kỹ lại thấy vẫn nhân đạo. Bà vẫn mở đường: nếu mày không sửa chữa thì bà mới làm như thế,như thế!

Ðấu tranh sinh tồn là cuộc” nội chiến” muôn đời. Ðã là cuộc chiến phải có vũ khí, phải có binh pháp. Bọn thống trị khôn ngoan bao giờ cũng lo xa, tước hết vũ khí vật chất và tinh thần của đám bị trị. Nhưng trời sinh voi thì trời sinh cỏ. Bị lột trần trụi thì chính cái trần trụi biến thành vũ khí.

Những giá trị thật mà bị dè bỉu (hoặc giả vờ dè bỉu), đẩy xuống dưới cùng, chính là tiền đề để nó bật lên thành vũ khí, xấn vào tận mặt kẻ làm bộ khinh rẻ nó, cái “Yoni “ của các bà chính là một phẩm vật như thế. Trong võ cổ truyền hay Judo, chính kẻ ở dưới mới chuyển được sang thế thượng phong để chơi ngón “bốc”, ngón “quật”, ngón “ném”. Cho nên, trong văn hóa, kẻ nào đẩy những giá trị cao quý xuống tận đáy chính là tự chuốc lấy diệt vong.

Chửi là vũ khí của người nghèo bất khuất, người yếu bất khuất. Kẻ mạnh (về lực) hoặc kẻ phi nghĩa mà chửi thì nhạt thếch, sẽ thành tàn bạo, thô tục, thành lố bịch ngay. Trái lại,dân tộc nào, tầng lớp nào sức sống dai dẳng nhưng bị “yếu kinh niên” sẽ có khả năng mài rũa vũ khí Chửi của mình trở nên hoàn thiện.

Trong môn Chửi, tên tục của hai “sinh thực khí ” có một vị trí độc đáo.

Cái Linga và cái Yoni đã sinh ra loài người thì khi con người bị đẩy vào tư thế trần trụi, nguy nan không lối thoát, hai thứ ấy lập tức phải đứng ra đương đầu cứu viện, chiến đấu, với tên thật của nó.Cửa sinh, cửa tử, cũng là cửa thoát. Vậy thì: Yoni-Linga muôn năm! (khẩu hiệu này đáng ra phải hô bằng tên thật).

Khi dùng cái phương tiện bề ngoài có vẻ rất giống nhau ấy người lương thiện và thằng khùng chỉ khác nhau ở cái mục đích, vì lẽ phải hay không vì lẽ phải.

Ðành rằng có chửi cũng chẳng mấy khi tìm lại được gà, nhưng cái “Chửi” đánh thức lương tâm, đánh thức và nuôi dưỡng công lý. Lương tâm và công lý sẽ lớn lên, chặn tay bọn ăn cắp những CON GÀ VÀNG nặng hàng chục tấn, và trả lại cho đời, cho dân những công bằng lớn lao hơn. Ý nghĩa Văn hóa của sự Chửi chính là ở đó.

Cụ bà Nguyễn thị K., một công dân vô danh trong xã hội, người cô ruột xấu số đáng thương và đáng quý ấy là cuốn từ điển sống của tôi, là một khối văn hóa vừa “vật thể” vừa “phi vật thể”. Trong cuốn từ điển Chửi ấy, nếu thấy cần bổ sung thì có lẽ chỉ cần ghi thêm khái niệm “Chửi Chữ ” nữa thôi.

Thưa cô, cháu học hành cả đời, hôm nay mới nhận ra cô thì cô không còn nữa.

Cháu thèm được cô cho một chiếc bánh gai và lại chửi cho một câu như những ngày nào tấm bé.


HSP

19-4-2005

User avatar
khieulong
Posts: 6752
Joined: Wed Dec 01, 2004 9:09 pm
Been thanked: 1 time

Post by khieulong »

Người Việt cười khoe mười cái răng...

"Ta đã phong thánh cho tiếng cười!"
(Zarathustra đã nói như thế - F. Nietzsche)
Khóc, trong cuộc đời, dễ lắm. Một đứa bé sơ sinh đã tự biết cất tiếng khóc chào đời. Nhưng mất tới một khoảng thời gian sau đó nữa, nó mới biết mỉm cười. Vậy thì, cười vừa là biểu hiện cảm xúc (vừa quá đau khổ, vừa quá hạnh phúc, vừa là sự phản ứng trước những mâu thuẫn, phi lý của cuộc đời...); đã trở thành một phản xạ mang tính biểu hiện sự tri kiến trước thế giới!

1.

Ðầu thế kỷ XX, ông Nguyễn Văn Vĩnh đã viết bài tản bút văn hóa được nhiều người biết đến; nói về cái "thói lạ" hay cười của dân An Nam. Có đoạn:

"An Nam ta có một thói lạ là gì cũng cười. Khen cũng cười, chê cũng cười. Hay cũng hì mà dở cũng hì. Nhăn răng hì một tiếng thì mọi việc hết nghiêm trang.

Có kẻ bảo cười là hết cả, cũng là một cách của người hiền. Cuộc đời muôn việc chẳng qua là trò phường chèo hết thảy, không có chi là nghiêm đến nỗi người hiền phải nhăn mày nghĩ ngợi.

Ví dù được y như vậy, thì ra nước An Nam ta cả dân là người hiền. Nếu thế tôi đâu dám đem lời phường chèo ra mà nhủ người nhếch mép bỏ tính tự nhiên mà làm bộ đứng đắn lại, nghiêm nhìn những cuộc trẻ chơi. Nhưng xét ra cái cười của ta nhiều khi có cái vô tình độc ác, có cách láo xược khinh người, có câu chửi người ta, có nghĩa yên trí không phải nghe hết lời người ta mà đã dèm trước ý tưởng người ta, không phải nhìn kỹ việc người ta làm mà đã chê sẵn công cuộc người ta." [1]

Chưa có một công trình nghiên cứu phẫu thuật sinh học nào khẳng định về sự phát triển của những dây thần kinh cười của người Việt Nam mạnh hơn những dân tộc khác. Song, những phát hiện của ông Nguyễn Văn Vĩnh từ đầu thế kỷ XX tới nay, quả là chưa chịu sai. Hình như đó là một tập tính dân tộc khác biệt với nhiều dân tộc khác trên thế giới. Nhưng nếu đó là một cái cười mang tính sinh học thì chớ vội mừng. Vì một thói quen, giả dụ như xuất phát từ sự phát triển thái quá của "dây cười" trong não bộ làm hạn chế sự lớn lên của những dây khác như thông minh, cầu tiến, sáng tạo... thì đó là cả một sự nguy hiểm. Vô cùng nguy hiểm! Bởi chúng ta đang cười một cách thất thần và ngờ nghệch và... có vấn đề về tâm thần!

Ngày nay, phương tiện thông tin ào ạt, chúng ta thấy nhan nhản gây-cười cực kỳ rẻ tiền trên các sân khấu hài kịch từ Bắc tới Nam, từ tấu hài thay cho tiếng chuông đồng trên ghi-đông bán cà-rem cho đến những "gala cười" trên màn ảnh truyền hình, từ những trò giễu nhại thấp kém xuất phát từ sự hằn học nôn nóng và nhân danh hậu hiện đại trong văn chương cho đến những phát biểu kiểm điểm to tát trong báo cáo hàng năm của cấp này bộ kia... cũng chỉ là cách "cười khoe mười cái răng". Rồi thôi! Chẳng mang lại gì, chẳng giải quyết được gì vì từ trong nhận thức tiếng cười đã có nhiều sự "trục trặc", nông cạn và bệnh hoạn!

Sau những năm thống khổ vì chiến tranh, đói kém, người Việt đã gượng cười trong khổ đau, mất mát nhiều quá, cái nhu cầu được thụ hưởng tiếng cười giải trí, tiếng cười hồn nhiên (có khi là cười sinh lý) trở nên cấp bách, cần thiết biết bao. Vì sự nghiệt ngã cướp đi của họ thời gian, những khoảng nghỉ ngơi hay là cơ hội thư giãn, hưởng thụ cuộc sống và tiếng cười. Cuôc sống mới lại đặt ra những nghiệt ngã mới. Khi tốc độ "sống gấp" thời công nghiệp, đô thị hoá (dù công bằng mà nói, tốc độ ấy cũng chưa phải là nhanh!) đã làm cho người ta tất bật hơn, cần một tiếng cười, đơn giản là được quyền cười, được trở lại cái bản chất Việt, hoá ra, trở nên chính đáng. Và như thế, truyền thông, văn học nghệ thuật một thời dò được điều này để đáp ứng, lôi kéo thị hiếu. Có những người là nghệ sỹ, nhà quản lý văn hóa hẳn hoi, quan niệm đơn giản, văn chương nghệ thuật chỉ có hai con đường, một là lấy nước mắt nhân dân, hai là... thọc léc gây cười cho quần chúng và dĩ nhiên, sau đó là tự thưởng, tự sướng cho thành quả dễ hài lòng của mình.

Giữa thập niên 90, thế kỷ trước, không khí đổi mới dậy lên khá mạnh mẽ sau những bí bức thời cuộc. Lúc bấy giờ tràn lan cải lương hề, kịch hề (chứ không phải hài kịch!), chương trình truyền hình kiểu "trong nhà ngoài phố", hay cả cho xuất bản lại rất nhiều sách tiếu lâm, ra đời nhiều tờ báo cười phục vụ nhu cầu được thưởng thức và... quyền được cười của dân mình. Từ đó sinh ra một loạt những cây bút chuyên viết truyện cười, nhà văn nhà thơ đi viết truyện cười kiếm tiền nhuận bút cao hơn đi viết tiểu thuyết, đạo diễn làm phim nhựa, nhiều người lao vào sản xuất chương trình hài trên truyền hình và... góp phần gây bội thực cho thị hiếu của quần chúng bình dân. Có những chuyện rất khôi hài, ví dụ: để đáp ứng cái thị hiếu cười rẻ tiền của nhiều khán giả, có một "danh hài" nọ đã tập cười được 36 kiểu (dù rằng đó cũng là một thứ kỷ lục)!

Nhưng cũng có những cái cười đã được chuẩn bị cả một tâm thế từ trước, chỉ chờ một điểm rơi là không khí thời đại, điều kiện xã hội thì xuất hiện. Vũ Trọng Phụng chỉ là Vũ Trọng Phụng khi được gieo đúng trong thời đại của ông. Tiếng cười vào những trục trặc thói đời không chỉ khoanh vùng trong thời buổi nhốn nháo ông sống, mà còn muốn đau đớn đả kích vào cả thói tật của dân An Nam. Không ngạc nhiên khi tiếng cười tiến bộ trong cuốn Số đỏ của ông, năm 2003, được bạn đọc tờ Los Angeles bình bọn là một trong 50 cuốn tiểu thuyết hay nhất trong năm của nước Mỹ. Người ta nói nhiều đến kịch Lưu Quang Vũ những năm ngấp nghé, đầu 1980 trong một bối cảnh lịch sử khắt khe, của sự kiểm duyệt văn hoá ngặt nghèo, những vở kịch như Hồn Trương Ba da hàng thịt, Tôi và chúng ta... được xem là những tiếng cười nhận thức nở sớm và dám đường đầu với nhiều... rủi ro. Lùi vài năm, đến khi Nguyễn Khải, cùng với sự phát sáng của Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài (cuối 1980 đầu 1990) và mới đây là Hồ Anh Thái, Nguyễn Việt Hà, Tạ Duy Anh đương đại... thì cái độ chín của hoàn cảnh mới "he hé cửa" cho tiếng cười kia cất lên một "âm lượng" tương đối.

Tiếng cười tự trào của một lớp người tiến bộ nhìn về lịch sử, về một dân tộc đã gồng mình "khoe mười cái răng" A.Q. quá nhiều trong những giai đoạn lịch sử khác nhau, cả những ấu trĩ thời cuộc..., đã tìm được sự đồng tình từ phía người tiếp nhận là quần chúng nhân dân và trí thức tiến bộ. Nhiều búa rìu của những người trầm trọng cho rằng đó là những tiếng cười phản động, xuyên tạc. Và nhân danh văn hoá, truyền thống, chính trị, họ đã chụp lên những con người biết cười. Nhưng sự hưởng ứng của trí thức, những người "thấy", "nghe" và "nhìn" được một cách cao hơn thiên kiến, họ nhận ra trong tiếng cười, trong cái nhìn lạnh lùng đến nghiệt ngã, thậm chí, trong sự hằn-học-nực-cười ấy là cả một ý thức tự trào để đặt lại sự thật đúng vị trí của nó, không xu mị hay ấu trĩ nữa...

Chỉ tiếc, những con người "biết cười" đã không đủ lực để đánh đổi, chống cự và tiếp tục con đường dù đó là tiếng cười cô đơn!

2.

Nhà văn, nhà nghiên cứu Lâm Ngữ Ðường (Trung Quốc) cho rằng, sở dĩ thời nào trong văn học Trung Hoa cũng có người biết cười vì xuất phát từ nguyên nhân sâu xa của nó: trong một con người Trung Hoa (như bản thân ông cũng vậy) luôn có một ông Khổng xả thân nhập thế bề ngoài và một ông Lão được trang bị tinh thần u mặc đến thượng thừa ở bên trong. Tính đối cực và bổ sung của hai dòng tư tưởng này luôn vận động và có khi tạo ra sức mạnh, có khi tạo những mâu thuẫn nội tại, để giúp một trí thức nhìn ra sự dịch biến ngoại cảnh, từ đó có những cách thế hành xử khác nhau. Tính tự trào xuất phát từ bên trong, trong triết lý u mặc của Lão Trang, có khi đạt tới sự nhạo thế, mượn tiếng cười để phóng khí, trào lộng với sự đời ngổn ngang. Lão Trang coi đạo cũng là tiếng cười. Nếu tiếng cười Lão Trang vô vi và có phần li thế thì ông nhìn ra từ sâu xa một cuộc vần xoay tư duy trong những "đồ đệ" Lão Trang từ thời Ðào Tiềm, Vương Bột, cho đến mãi về sau này, có Lỗ Tấn và mới đây là loạt nhà văn được cởi trói tư tưởng như Bách Dương, người cười viết hẳn cả cuốn sách về Người Trung Hoa xấu xí gây sự quan tâm lớn, hay Lý Nhuệ với Cây không gió, Ðới Tư Kiệt với Balzac và cô bé thợ may Trung Hoa hay Mạc Ngôn với Báu vật của đời, Ðàn hương hình...

Tiếng cười u mặc là sự tế nhị và kín đáo của nhận thức. Học giả họ Lâm khẳng định: "U mặc là một phần rất quan trọng của nhân sinh, cho nên khi mà nền văn hoá của một quốc gia đã đến một trình độ cao rồi, ắt hẳn phải có một nền văn hoá u mặc xuất hiện!" [2] . Ðiều này được chứng minh bằng thực tế, nếu chịu khó nhìn về mạt kỳ văn học Trung đại với những nhà nho tài tử nổi loạn, như Hồ Xuân Hương quét váy ngang thói đạo đức giả của lớp hủ nho khệnh khạng, bỉ ổi, với sự rạn nứt quan niệm nho sĩ truyền thống trong tư chất nổi loạn, phóng khoáng tài hoa của Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát... Hay sau nữa, là tiếng cười hóm hỉnh, sâu cay của Nguyễn Khuyến, Tú Xương, khi thế cuộc đang buổi mạt thời phong kiến, đầy rẫy ngổn ngang bề bộn và mâu thuẫn hài hước. Và rồi từ những tiếng cười ấy, tự trong ý thức hệ con người, đã có được khai thông. Nói như Kinh Dịch: vật cùng tắc biến, vật biến tắc thông!

3.

Gần đây, Tây Ban Nha tổ chức ngày hội Cervantes để kỷ niệm 400 năm cuốn tiểu thuyết Don Quixote được xuất bản. Cả thế giới, 400 năm qua, đã đọc và "quan niệm thêm" về tiếng cười của nhà văn tài ba này, mỗi thời đại "ứng" dưới một góc nhìn, lăng kính khác nhau. Cuốn Don Quixote bán rất chạy, kể cả tại Việt Nam. Cái nhu cầu trả lại sự cân bằng sâu kín và tiến bộ của tiếng cười có khi đã được đặt nền móng từ lâu. Vì nhiều lý do, chúng ta đã bỏ quên mất. Vậy, tìm lại tiếng cười "không khoe mười cái răng" hay nói không với sự trầm trọng của lễ nghi và những luận điệu quy chụp để cùng cười và cùng "ngộ" ra mình, quả không phải dễ. Nhà văn Adam ngạc nhiên: "Bên Tây Ban Nha, người ta khuyên đọc Cervantes phải đọc ba lần: lần thứ nhất, để cười; lần thứ hai, để suy nghĩ; lần thứ ba, để khóc!".

Tính tự trào là một liều thuốc chữa lành căn bệnh của chứng xơ hoá hiện thực đời sống. Ðừng mong tìm thấy "tiếng cười tức bụng, khoe mười cái răng" trong văn chương u mặc, tự trào mà hãy chuẩn bị cho một cuộc nhận thức lại, tư duy lại cho tương lai của mình. Vậy, cái cười ấy, gặp gỡ trong tư tưởng của F. Nietzsche, sự tự trào chỉ có được khi chúng ta đứng cao hơn chính mình, và "hãy học cười vang cao vút khỏi đầu các người! Hỡi những kẻ khiêu vũ tài ba, hãy nâng lòng lên cao, cao hơn, cao vời hơn nữa! Và chớ quên cười thật ầm vang!" [3]

4.

Người Việt Nam hay cười. Nhưng ít tự cười mình. Và cũng chẳng thích người khác cười mình. Nếu có ai đó rục rịch cười, dễ bị gán cho cái nhãn "vạch áo cho người xem lưng". Sự u mặc của chúng ta, nếu có, cũng thường thấy qua những cuộc trà dư tửu hậu của giới trí thức. Với chúng ta, sự tự trào, tự phủ định mình để phát triển, hình như còn khó khăn và chật vật lắm. Ðơn giản, vì chúng ta không tự cười mình và cũng chẳng cho ai cười mình cả. Vậy nên, cái chuyện cười cho ra thượng đẳng (theo cách nói của Nietzsche) hay thượng thừa (theo cách nói của Lâm Ngữ Ðường) cũng là chuyện bị coi là nhạy cảm và khó lắm lắm, nhất là ở xứ mình! Coi chừng vì cười mà... mất mười cái răng!

5.

Nhưng hằng ngày chúng ta vẫn cứ cười. Cười vì có lẽ về mặt sinh học, dây thần kinh cười của dân Việt Nam mình có vẻ phát triển hơn những giống dân khác.

Thời hội nhập, trong bối cảnh một thế giới đang nhận thức lại mình để tìm cách vươn ra trong cuộc hội lớn, thì, hình như... Ô kìa, hãy ngắm người Việt cười.

Nguyễn Vĩnh Nguyên© 2005 talawas

User avatar
khieulong
Posts: 6752
Joined: Wed Dec 01, 2004 9:09 pm
Been thanked: 1 time

Post by khieulong »

Nhớ Lời Vợ Dặn
Mõ Sàigòn

Thầy Tử Cống, một hôm đi dự đám giỗ. Chợt có Hoa Hâm là người ở làng bên, bất chợt hỏi rằng:
- Thầy là người tài cao học rộng, xin giải dùm tôi cái chuyện này, là: Người chết có biết gì không? Hay lại chẳng biết cái gì hết cả?
Thầy Tử Cống đang ngậm gỏi gà. Chợt bắt nghẹn ngang xương, bèn rối bời ruột gan mà nhủ thầm trong dạ:
- Mẹ nó! Cái thằng này thổi mình lên cao, rồi đào sẵn cái hố cho mình tuột xuống, thì chẳng đáng mặt trượng phu, lại càng không đáng làm người quân tử. Ngặt một nỗi lời đã thốt ra rồi - mà ta quyết lặng thinh - thì không khéo lại đụng đến tự ái của người ta mà trở thành lắm chuyện…
Rồi đưa vội hai tay gãi đầu sột sột mấy cái, lại rì rì nghĩ tiếp:
- Người ta mời đến đây ăn giỗ, mà mình trả lời người khuất mặt chẳng biết chẳng hay, thì năm tới mần răng mà… dính được?
Nghĩ vậy, liền với tay cầm ngay chén rượu. Tu cho một phát, rồi chậm rãi đáp rằng:
- Năm hết tết đến. Người ta thường có thói quen mời ông bà về, rồi tiễn ông bà đi, thì nếu không biết mần răng mà về được?
Hoa Hâm gật gù nói:
- Nếu vậy mình mần đám giỗ, cũng là mời tổ tiên ông bà về thượng hưởng, nhưng chỉ thấy khách khứa ào vô nhậu, rồi nói những chuyện chẳng ăn nhập gì đến người đã khuất - thì hổng hiểu ông bà - mỗi lần được con cháu mời về cõi dương gian. Có mừng vui không nữa?
Rồi ngồi thừ ra mà uống rượu. Thầy Tử Cống thấy vậy, mới rộn ràng mà tự nhủ lấy thân:
- Ăn cũng còn phải nhai huống chi là suy với nghĩ. Mình được người ta mời qua nhậu. Chẳng đem tới niềm vui thì chớ, đằng này lại bị thằng ôn dịch nói ngược nói xuôi, rồi lỡ mất đi mối tương quan để không còn nơi nhậu, thì thiệt là đáng tiếc! Chi bằng trong nhờ đục… chạy, mà giữ được cái hậu về sau, vẫn hơn nấn ná nơi đây mà ôm điều hối tiếc.
Đoạn, lấy hết sức bình sinh quất cho một bụng, rồi đến gặp gia chủ, từ tạ ra về, không quên chúc cho hương hồn ông bà được lẹ làng siêu thoát, đỗ bến bình yên, đặng con cháu khắp nơi nơi an lành mà hưởng phước. Lúc ấy, Hoa Hâm bỗng từ đâu chạy lại, dzọt miệng nói:
- Người ta thác đã hai năm, mà bây giờ thầy mới chúc… thăng về nơi miên viễn. Chẳng muộn lắm ư?
Tử Cống bỗng giật thót cả người. Hoảng hốt đáp:
- Tôi chẳng có ý này. Chẳng qua chỉ là quen miệng mà thôi!
Rồi nhắm cái cổng mà bước. Lúc về đến nhà, có vợ là Uyển thị từ trong bếp chạy ra. Đon đả nói rằng:
- Chàng đi ăn giỗ, mà đem bụng… đói về, thì trước là làm khổ vợ con. Sau cái… san sẻ cũng mất đôi phần hứng thú.
Tử Cống rầu rầu đáp:
- Sóng này chưa lặng. Sóng khác đã lên, thì bụng dạ ở đâu mà ăn nữa?
Uyển thị trố mắt ra nhìn chồng. Ngơ ngác nói:
- Chàng thường tự phụ rằng: Không thằng này đố… thằng nào làm nên! Nay bỗng dưng lìu xìu như rứa, là cớ làm sao?
Tử Cống nghe vợ hỏi vậy, liền dõi mắt vào cõi hư không. Thở ra một cái, rồi bực dọc nói rằng:
- Ăn đám giỗ mà gặp được người hiểu mình, thì uống cả ngàn chung cũng còn thấy ít. Cầm bằng như đụng phải đứa hay kê tủ đứng vào miệng của mình, thì cho dẫu uống chỉ một chung, cũng không làm sao nuốt xuống.
Đoạn, đem chuyện của Hoa Hâm ra mà kể, không bỏ sót một chỗ nào. Lúc kể xong, mới tức tối nói rằng:
- Hoa Hâm nó hỏi ta: Người chết có biết cái gì không? Nếu ta trả lời: Không! Lại hóa ra gia chủ mời mình đến dự đám giỗ chỉ là việc tào lao thiên tướng. Cầm bằng như ta trả lời: Có! Thì tổ tiên đâu hiện diện cho rõ mặt mà nhìn? Đã vậy nó còn… triệt buộc ta, bằng cách vinh danh ta là người am tường mọi sự, để ta phải đưa đầu vô chỗ khó. Nàng có hiểu vậy chăng?
Uyển thị nghe xong, bỗng cúi đầu nín lặng. Một lúc sau, mới chậm rãi nói rằng:
- Cái sống còn chưa biết. Lẽ nào cái chết mà biết đặng hay sao? Nay có Khổng Tử đang từ xa bang tới, lại lưu tạm phương này trong ít bữa vài hôm, thì sao không đến hỏi cho rõ ràng cớ sự?
Tử Cống mắt sáng rực lên, sung sướng nói:
- Sống mà thiếu… vợ, thì thiệt thòi không biết bao nhiêu mà nói. Ta! Cho dẫu sống với nàng mút mùa đi nữa, vẫn một lòng giữ vững trọn niềm tin, là: Không có thê nhi! Chừng mô mới nên người hữu dụng?
Bèn, chuẩn bị hai con gà trống thiến. Năm ký nếp ngon, cùng bốn bánh thuốc lào ba số tám, đặng làm quà ra mắt Khổng Phu Tử. Uyển thị thấy vậy, mới ngạc nhiên hỏi rằng:
- Đức Khổng Phu Tử nổi tiếng là người đạo hạnh. Xiển dương điều ngay lẽ phải, lại khuyên người ta lánh dữ làm lành. Lẽ nào lại nhận… của đút này hay sao?
Tử Cống mặt mày trắng bệt. Thất sắc nói:
- Nặng lễ mới dễ kêu. Khổng Tử! Cho dẫu có giảng dạy Đạo Thánh hiền đi nữa - cũng là… thịt xương - thì không thể bụng hổng có chi mà giảng hoài mãi đặng!
Phần Khổng Tử đang dạo chơi bên bờ suối, mà lòng ngổn ngang trăm mối chưa biết chảy về đâu, bất chợt thấy Bật Tử Tiện từ xa đi tới. Cung kính thưa rằng:
- Non xanh nước biếc. Khung cảnh hữu tình, mà thầy vừa đi vừa… đá lá. Ắt chốn tâm can có gì không đặng. Có phải vậy chăng?
Khổng tử dõi mắt nhìn đôi chim đang lìa cành, rồi thở ra một cái, buồn bã đáp:
- Ngươi theo ta học lời hay lẽ phải, mà lại thấu được tim gan của người ta, thì khoa Tướng số mới đúng là nghề của ngươi vậy!
Tử Tiện được thầy khen một phát. Mát tận tâm can, bèn hớn hở nói rằng:
- Nếu thầy không bắt tội đệ tử là đường đột. Vậy có thể tỏ bày cho nhẹ đặng hay chăng?
Khổng Tử bước thêm vài bước, rồi heo hắt nói:
- Ăn uống. Nam nữ. Đó là những điều ham muốn lớn của con người. Nay bỗng dưng hơi thiếu. Lẽ nào lại yên bụng đặng hay sao?
Rồi đi ngang tảng đá, bèn kéo Tử Tiện ngồi xuống, mà nói rằng:
- Ta đến đất này đã ba hôm, để xiển dương Đạo Thánh hiền, mà chỉ mới được ông Tổng Long mời ăn một bữa. Còn lại chỉ là khoai với sắn. Đậu hủ với tương chao, thì lấy sức đâu mà rao truyền Chân lý?
Tử Tiện trong giây phút bỗng hiểu được lòng thầy. Tha thiết thưa:
- Hoàng thiên bất phụ hữu tâm nhân. Xin thầy chớ mềm lòng như thế!
Khổng Tử. Một tay bứt cọng cỏ, một tay bứt lá non. Khổ sở nói rằng:
- Đạo lý. Một khi không bén rễ nơi tâm can của con người, thì cho dù thầy trò mình có cố gắng hết đời đi nữa. Cũng chẳng vớt được đâu!
Rồi trong lúc hai thầy trò đang… trực thoại với nhau. Chợt Khổng Miệt chạy tới. Hấp tấp nói:
- Tử Cống mang phẩm vật đến, với ước mong được đàm đạo cùng thầy trong giây phút. Có đặng hay chăng?
Khổng Tử mừng rơn đáp:
- Trọn ngày còn được. Hà huống chỉ phút giây. Mần răng không tính?
Bèn hớn hở theo Khổng Miệt về điểm hẹn. Lúc đến nơi. Chợt thấy Tử Cống chắp tay xá một cái. Nhỏ nhẹ thưa rằng:
- Tôi biết thầy bận rộn, nên mạo muội đến đây chỉ xin hỏi một câu, rồi cuốn gói để thầy an giấc mộng…
Khổng Tử nhìn đống lễ vật. Thấy nhẹ cả người, bèn nở nụ cười tươi. Khoan khoái đáp:
- Hai câu còn được. Hà huống chỉ một thôi. Chờ chi không nói?
Tử Cống bỗng sắc diện hồng hào. Mau mắn nói:
- Thưa thầy! Người chết có biết gì không? Hay lại chẳng biết cái gì hết cả?
Khổng Tử đưa tay vuốt râu một cái. Từ tốn đáp:
- Nếu mà ta chắc chắn rằng: Người chết có biết. Thì ta chỉ sợ hạng con cháu sống điều Hiếu nghĩa, sẽ liều thân vì cha mẹ - mà thác… đẹp đi - thì lấy ai hương khói cho sau này, mai hậu? Cầm bằng như ta nói: Người chết không biết gì. Thì ta lại sợ hạng con cháu sống điều lợi lộc. Chỉ mong cha mẹ, ông bà chết đi để ôm tờ di chúc - mà cãi cọ nhau - mặc cho nhục thân cuả các đấng sinh thành đang lạnh lẽo nằm ì ra đó, thì thiệt là không phải, nên ta chỉ có thể trả lời thế này: Nếu nhà ngươi muốn biết người chết có biết đặng hay không, thì hãy thong thả. Đợi đến lúc về cõi trên khắc ngươi sẽ biết. Ta tưởng cũng chẳng có gì là muộn…
Đoạn quay lưng. Bước đi một nước. Thầy Tử Cống, nhìn đống lễ vật đã biến đi, mà đau lòng đau dạ, bèn ngước mắt lên trời. Lớn tiếng than:
- Ôi! Đức Khổng Phu Tử nổi tiếng trên thông hiểu thiên văn, dưới am tường địa lý, giữa hiểu được lòng người, mà giải thích lẽ sống chết - chẳng có gì hơn… vợ - thì tự cổ chí kim. Khó có thể kiếm được một người… hùng tâm đến thế!
Bèn lẳng lặng ra về. Lúc vừa đến đầu ngõ, gặp lúc Uyển thị đang đổ bánh xèo, bèn bỏ bột bước ra. Xăn xái nói:
- Chàng đi sớm về lẹ. Ắt chốn tim gan đã bay điều khúc mắc?
Tử Cống thở ra một hơi hai ba cái, rồi chán nản đáp rằng:
- Người ta bỏ tiền mua vui, nên hăng hái mà làm. Còn mình bỏ tiền để mua điều hiểu biết - lại chẳng được chi - thì so với đứa ham vui đã thua nhiều lắm vậy!
Uyển thị lấy làm lạ, bèn mở to đôi mắt nai nhìn chồng. Ngơ ngác nói:
- Chẳng lẽ chàng không gặp được Đức Khổng Tử hay chăng?
Tử Cống lắc đầu, đáp:
- Ta đã gặp, nhưng câu trả lời của Khổng Tử - nếu đem so với lời của nàng - chẳng khác gì nhau, nên ta tiếc đống phẩm vật đã dâng thầy quá xá!
Uyển thị liền nở một nụ cười thật tươi, rồi dìu đỡ Tử Cống vào nhà. Vừa đi vừa nói:
- Học thì phải trả giá. Nay chàng trả được bài học này bằng chút của cải - vẫn hơn trả bằng sự bất ổn của lương tâm - thì đáng chi mà u buồn như vậy!
Rồi tựa đầu vào vai chồng. Thân thiết nói:
- Thiếp có một cách. Có thể giúp chàng vui ở đời này, mà hưởng phước ở đời sau. Chẳng hiểu chàng muốn nghe hay đợi ít hôm cho nỗi buồn vơi bớt?
Tử Cống giật mình, đáp:
- Không… vợ đố mày làm nên. Nàng còn ngại chi mà không nói?
Bèn lẹ chân dừng lại. Lúc ấy, Uyển thị mới nhìn thẳng vào mắt chồng. Tha thiết nói:
- Trước khi đi ngủ. Chàng hãy tự hỏi mình. Trong một ngày: Đã đối xử với mọi người hết lòng hay chưa? Nói ra câu gì, có xấu hổ với lương tâm hay chưa? Làm công việc gì, có trái với đạo lý hay chưa? Đối với tình phu phụ, đã hết lòng yêu quý hay chưa? Làm được như vậy, thì chẳng những được chí thú với vợ con - mà cuộc sống nhân sinh - mới không lần hổ thẹn…

User avatar
phu_de
Posts: 2917
Joined: Sun Nov 28, 2004 10:57 pm
Has thanked: 7 times

BI BI XI hay BI VI XI ?

Post by phu_de »

BI BI XI hay BI VI XI ? Ðăng ngày 09 tháng 06 năm 2003


BI BI XI hay BI VI XI ?
Lý Tống


Trước kia tôi vẫn nghe dư luận đàm tiếu Ðài BBC thân Cộng, nhưng chưa bao giờ có ý kiến vì tôi không hề nghe Ðài BBC .Trong 2 năm rưỡi ở tù tại Thái Lan, ngoại trừ nửa năm đầu chưa mua Ðài, 2 năm sau này tôi thường xuyên nghe Ðài BBC, VOA (tiếng Anh, Việt), và thỉnh thoảng Ðài Á Châu Tự Do, Ðài Quê Hương (tiếng Việt), Ðài RFI (tiếng Pháp, Việt) vì các Ðài sau thường xuyên bị phá sóng, hoặc âm lượng quá yếu khó nghe, trừ RFI tiếng Pháp .Mỗi ngày tôi nghe Ðài từ 9PM đến 1AM và 5AM đến 7AM (giờ Việt Nam) tức 6 giờ/ một ngày .Tôi có cảm giác "bất an" về sự thân thiện quá đáng giữa phái viên BBC Việt ngữ với các quan chức VC .Nhưng chỉ đến khi chiến tranh Iraq xảy ra, lối đưa tin của BBC Ban Việt ngữ đã tự xác định rõ lập trường "thân Cộng, phù ác" của mình .Cần phân biệt hai nhiệm vụ của BBC Ban Việt ngữ .Nhiệm vụ “thợ đọc”, tức dịch và đọc tin tức từ BBC Anh ngữ và phóng viên BBC thì tốt vì nhân viên trẻ, giọng Bắc, đ?c nhanh, chỉ trừ một tay đọc quá tệ !Mỗi lần nghe thợ đọc nầy thính giả phải "nín thở" vì chiếc "xe ủi đất" nầy san bằng tất cả âm tiết bổng trầm của các tin tức, thời sự và đọc non-stop cho đến lúc hết hơi, chẳng "care" các dấu ., xuống hàng, chưa kể còn đọc trật lung tung .Chắc đây là "nhân vật đầu nậu" nên tự dành cho mình quyền làm thợ đọc (nổi hơn các các thợ biên tập không phụ trách đọc) mà không cảm thấy ngượng khi tra tấn lỗ tai thính giả . Một lần có thính giả, trong khi trả lời phỏng vấn BBC, định đề cập đến khả năng đọc quá tệ của người nầy thì bị BBC cắt lời và qua phần khác . Nhiệm vụ "thợ bàn", được đề cập trong thư này, là những phần tin tức BBC Việt ngữ tự phụ trách phỏng vấn hoặc tự "Mao Tôn Cương" bàn về thế sự .Một thí dụ : Tết Quí Mùi vừa qua, tôi gửi thư đến Ðài để chúc Tết Ðồng Bào Quốc Nội và Hải Ngọai với nội dung đã được nhiều Báo, Ðài phổ biến :


 Nhân dịp Tết Quí Mùi, tôi thân chúc Ðồng Bào Quốc Nôi và Hải Ngọai :
 An Khang để thừa Nhân Lực Chống Cộng,
 Thịnh Vượng để thừa Tài Lực Chống Cộng,
 Vượt trên những dị biệt, bất đồng
 Ðoàn kết để thừa Tổng Lực Giải Thể Chế độ Cộng Sản tại Việt Nam .


Ngoài ra tôi cũng kèm thêm lời chúc Tết đã dùng để chúc một số Ðài, Báo đã có thành tích chống Cộng tích cực, kiên định từ trước đến nay, để dò xem phản ứng của BBC Việt ngữ :


Chúc Ðài : Bút sắc bén như Gươm
Ðâm thủng Bức Màn Sắt .
Lời rừng rực như Lửa
Ðốt cháy Ngọn Cờ Ðỏ .


Trong phần "Trích đọc Thư Thính giả", BBC Việt ngữ nhắc đến lá thư của tôi bằng một câu ngắn : "Ông Lý Tống từ trại tù Rayong, Thái Lan, gởi lời chúc Tết Ðài BBC Ban Việt Ngữ!" Chứng tỏ Ðài tránh né và không dám đọc lời chúc Tết của tôi, sợ đụng chạm đến Bác-Ðảng . Ðiều nầy được xác minh qua thư của bạn Tường (Sàigòn) ngày 28/04/03 : "BBC không dám đọc thư có "nội dung chống VC!" BBC rất "hạnh phúc" khi đọc các thư "tâng bốc CS" vì các thư nầy cũng đồng thời láng bốc BBC .Thời gian trước, trong khi Tuyệt thực và được chuyển về Bệnh viện Tâm Thần, BBC và một số Ðài khác cũng không dám đến phỏng vấn tôi dù các thân hữu liên lạc gợi ý, dù họ có phái viên thường trực tại Bangkok .Một vài ý kiến cho rằng các Ðài Quốc tế này sợ "bị Việt Cộng kiện cáo ảnh hưởng đến Quỹ hoạt động!" Tuy vậy tôi vẫn không có ý kiến, ngoại trừ một lần bức xúc, có viết trong bài Tường Trình về phiên tòa tại Thái lời tán thán : "Các Ðài này chỉ quan tâm đến vụ các Việt kiều Úc bị án tử hình vì tội buôn lậu ma túy, và vụ công tử Tommy của cựu Tổng Thống Suharto hơn là việc ra Tòa của các Chiến Sĩ Tự Do chống Cộng".
Hôm nay, sau khi nghe được nhiều phản ứng chống đối của thính giả Ðài BBC Việt ngữ từ Quốc Nội (phần lớn) đến Hải Ngoại, tôi nhắc lại nội dung một số ý kiến của họ ( dù không hoàn toàn chính xác về ngôn từ vì tôi không ghi chép kịp ) để chứng minh bản chất "Thân Cộng-Phù Ác" của Ðài qua nhận xét của thính giả .


I-Phóng sự về Nam Cali : Trong một phóng sự về Nam Cali có đề cập đến buổi tiệc do một nhóm Bác sĩ tổ chức, phái viên BBC dung loại ngôn từ lấc cấc, trịch thượng, kể cả để phê phán, chỉ trích : "Tại sao quí vị có thể tiêu xài hoang phí cho các món cao lương, mỹ vị, rượu quý trong lúc tại quốc nội bao nhiêu đồng bào nghèo khổ cần sự giúp đỡ mà quí vị không chia sẻ ?" Các ông, bà Bác sĩ trí thức không trả lời câu chất vấn đầy tính nhân đạo, cao thượng, xuất phát từ sự phẩn uất, bức xúc trước cảnh bất công (?) không biết do sự khinh thường, coi là hạ cấp lời nhận xét của một anh "thợ đọc” lại tưởng mình, tự cho mình là một Peter Jenning, Dan Rather, Jed Koppel, Tom Brokaw của ABC, NBC, CBS (dù BBC cho rằng nghề tài tử của Ðơn Dương cũng như các nghề khác, đạp xích lô chẳng hạn, có gì quan trọng mà thính giả quá quan tâm!), hay do "sợ uy" của Ðài BBC (?) tôi không rõ .Về sau tôi có nhận thư một thân hữu Nam Cali đề cập vụ nầy với nhận xét :


1-Anh phái viên BBC hung hăn phê phán những người thừa hưởng thành quả lao động của mình nhưng lại không dám đụng đến Ðầu gấu Bắc Bộ phủ, như bọn Ðỗ Mười, Võ Văn Kiệt, Lê Khả Phiêu … đã bốc lột, ăn cướp tài sản công, tư hàng chục tỉ Mỹ kim gửi vào các nhà băng Thụy Sĩ! Anh ta còn dư biết những gì đồng bào hải ngoại tiết kiệm, gom góp gửi về giúp đồng bào quốc nội cuối cùng đều lọt vào túi các quan tham .Chắc có hợp đồng ăn chia tứ-lục gì đây ?
2- Phái viên ta gặp ngày đại hên : vừa được ăn tiệc vừa được chửi mà không bị ăn đòn. Nếu hôm đó có đám "dân chơi" ngồi bàn cạnh, chắc chắn anh chàng đã được "cạp đất vỉa hè" vì tội "ăn ké còn bố láo!"


II- Tính Trung Thực : BBC Ban Việt ngữ tự cho mình ở vị thế độc lập, không thiên vị, chỉ trình bày sự thật .Cái được gọi là tính trung thực chuẩn mực để đánh giá đạo đức truyền thông được xét ở ba mức độ:


1. Trung thực mức độ 1 : Dùng thí dụ chiến tranh Iraq .Khi hỏi ý kiến về chiến tranh Iraq, phái viên phải lấy ý kiến của cả 2 phái : phái phản chiến và phái ủng hộ chiến tranh .Và người được phỏng vấn của 2 phái cần phải cùng đẳng cấp kiến thức và lý luận ngang ngửa nhau .


2. Trung thực mức độ 2 : Tương tự mức độ 1 , trừ điểm khác biệt : người được phỏng vấn của hai phái khác đẳng cấp kiến thức .Chẳng hạn nếu Ðài thiên vị phái phản chiến, Ðài sẽ hỏi cấp Tiến sĩ phe phản chiến và cấp Trung học phe ủng hộ chiến tranh .


3. Trung thực mức độ 3 : Tức là hoàn toàn thiên vị . Ðó là trường hợp của BBC Việt ngữ . Ðài chỉ phỏng vấn người thuộc nhóm phản chiến . Bằng chứng :

a. Hàng ngày BBC Việt ngữ nhắc đến các cuộc biểu tình phản chiến tại Việt Nam, dù biết rằng các cuộc biểu tình nầy đ?u do nhà nước hoặc các bộ phận ngoại vi tổ chức .Thành phần tham dự một phần là công cụ của Ðảng và Nhà nước, một phần là những người bị bắt buộc tham gia .Nhiều thính giả đã xác nhận điều nầy qua thư gửi Ðài BBC Việt ngữ : "Thành phần biểu tình toàn các ông cách mạng lão thành", "Tụi cháu học sinh bị bắt đi biểu tình", "Tôi rất xấu hổ khi phải tuân lệnh họ đi biểu tình, bởi nếu không đi bị mất việc …" BBC Việt ngữ không đề cập đến các cuộc biểu tình ủng hộ Bush, đòi giải phóng Iraq, lật đổ Saddam Hussein xảy ra hàng ngày tại Nam Cali, Bắc Cali, Texas, Washingtan D.C. … và nhiều Tiểu bang khác của Cộng Ðồng người Việt tị nạn .


b. BBC Việt ngữ phỏng vấn các nhà thơ VC về chiến tranh Iraq ,Không gì kinh tởm bằng khi nghe đám thi sĩ thuộc các trường phái từng ca ngợi : "cái hầm chông là điều nhân đạo nhất", "chỉ còn một đường thôi : giết chúng", "giết, giết nữa, bàn tay không ngưng nghỉ"…lại lên án chiến tranh, tha thiết kêu gọi Hòa bình! Ðể chứng tỏ tính "trung thực" BBC Việt ngữ cũng phỏng vấn một số thi sĩ hải ngoại, nhưng lại chọn lựa loại thi sĩ "lính ma, lính kiểng" nhờ có chút tài thơ văn, hoặc tệ hơn có kẻ tự thú nhận : "Tôi cũng không hiểu tại sao hồi đó tôi lại không bị đi lính (?)" …để hợp xướng bài ca phản chiến cùng các vẹm văn nghệ quốc nội!


c. Do bản chất "Thiên Cộng-Phù Ác", BBC Việt ngữ dùng toàn luận điệu, lập luận của bọn phản chiến để lên án Bush, lên án chiến tranh Iraq là cuộc chiến tranh phi nghĩa, phi đạo lý, bất hợp pháp, vi phạm luật pháp quốc tế, chiến tranh xâm lược, đem bom đạn giết hại dân lành vô tội …vì không có sự chấp thuận của Hội Ðồng Bảo An LHQ! Dù biết rằng Hội Ðồng Bảo An là một đám vô dụng, kết bè, lập đảng đấu đá nhau vì quyền lợi từng nước, hay nói chính xác, từng lãnh tụ và Ðảng của họ, chứ chẳng vì phúc lợi nhân loại, hạnh phúc của cộng đồng thế giới .


Ðường lối "Thiên Cộng-Phú Ác" của BBC Việt ngữ gây ba hệ quả khác nhau :


III- Ba hệ quả của đường lối “Thiên Cộng- Phù Ác" :


1. Phản Hồi Ngược : Ðể ủng hộ phong trào phản chiến của Hà Nội và để kiếm điểm với Việt Cộng, BBC Việt ngữ phỏng vấn Ðại sứ Iraq tại Hà Nội .Câu trả lời, tuyên bố bố láo của Ðại sứ Iraq không chỉ làm BBC mất điểm, còn làm Việt Cộng mất mặt, bể mặt: "So với cuộc chiến tranh đang xảy ra tại Iraq, cuộc chiến tranh tại Việt Nam chỉ là một trò chơi trẻ con!" Tuy nhiên BBC Việt ngữ vẫn còn may mắn .Nếu Ðài bắt chước Mã Lai, gởi phái viên Việt ngữ qua Iraq để trình bày " cuộc chiến tranh một cách trung thực" theo nhản quan " thiên cộng-phù ác" của mình, phái đoàn chắc đã gặp đại nạn như phái đoàn phóng viên Mã Lai : bị dân Iraq cho một trận thừa sống thiếu chết vì trò "miệng Nam Mô, bụng một bồ dao găm!"


2. Bị lật tẩy "thân cộng-phù ác" : qua các lời khen ngợi của thính giả Vẹm .


a. Một thính giả Vẹm : Hoan hô lập trường của BBC ban Việt ngữ . Ðài đã cực lực lên án tội ác giết người tàn bạo của đế quốc Mỹ, tội ác xâm lăng một nước có chủ quyền một cách ngang ngược, trắng trợn .Công trạng của BBC hôm nay đối với Saddam cũng không kém công trạng của BBC trước kia trong thời "chống Mỹ cứu nước" .Nhờ BBC mà Mỹ cút, ngụy nhào, Việt Nam đã được thống nhất dưới sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam .Công trạng của BBC ban Việt ngữ rất lớn, đáng được ghi công đầu!"


b. Một tên tự nguyện : "làm bia thịt", sau khi vận dụng thủ thuật nầy để kiếm đường đi "lao động nước ngoài chùa" nhưng không qua mặt được Việt Cộng và Tòa Ðại sứ Iraq tại Hà Nội, những tên cáo già chuyên lường gạt thiên hạ, bèn đăng đàn lên Website BBC Việt ngữ, tưởng cuộc đời "toàn kẻ ngu" và "thân cộng-phù ác", chắc chắn có dịp kiếm bạc cắc thính giả đóng góp để kiếm ăn, không ngờ bị thính giả Ðài quạt cho tơi tả, kẻ mắng chuyện lạm dụng website, người móc họng : "cha già, mẹ yếu không lo, lại lo chuyện ruồi bu, muốn làm bia thịt câu sấu!"


c. Một thính giả viết : "Nước Anh là nước chủ chiến nhưng chúng tôi thích nghe đài BBC vì các bạn chủ hòa!" (hay nói chính xác, thiên cộng, phù ác!)


1. Bị "Dạy một bài học" :


a. Kẻ dạy cho BBC Việt ngữ một bài học để đời chính là nhân dân Iraq . Ðể trả lời những luận điệu phản chiến của Ðài nhân danh quần chúng Iraq và nền "Hòa bình trong nô lệ" cho họ, ngày 9/4/03, dân Baghdad đã xuống đường "hoan hô Bush, lên án Saddam là kẻ thù của Thượng Ðế, hạ bức tường đồng vĩ đại của Saddam, dẩm đạp lên mặt tượng, kể cả pi-pi lên đầu tượng!"


b. Một thính giả trong nước : "Nhờ Internet và các phương tiện truyền thông khác mà dân Việt Nam giờ nầy không còn bị đầu độc bởi đường lối tuyên truyền một chiều của VC" .


c. Một nữ sĩ Hà Nội ; "Chúng ta đừng ngạc nhiên khi thấy có người hôm nay hoan hô Saddam ngày mai lại xuống đường lên án Saddam, chà đạp lên tượng Saddam .Bọn độc tài sống bằng sự ca tụng giả dối .Chúng không cần tấm lòng chân thật của con người .Và cuối cùng theo qui luật đào thải, bọn độc tài phải trả giá bằng mạng sống của chúng".


d. Ðòn "trảm thủ" nặng nhất là lời một thính giả tại Hoa Kỳ đọc sáng 15/04/03, mà nhân viên Ðài phải chắc lưỡi bảo :"căng thẳng nhỉ": Ðài BBC ban Việt ngữ là một công cụ nguy hiểm của Việt Cộng . Ðài chẳng còn chút lương tâm nào, chẳng hề biết xót thương cho nổi khổ đau của quần chúng nô lệ Iraq …!"


e. "Ðọc tin và nghe tin Ðài BBC cũng giống hệt tin tức trên báo Ðảng"- "BBC tự đánh bóng mình, tự cho mình vô tư!"- "Hình như BBC không hiểu rằng dân VN đã phải chịu đựng một chính quyền hoàn toàn làm những điều sai lầm"- Khi một thính giả tán thán : " May mà thế giới còn có nước Mỹ!" nhân viên BBC hèn hạ Mỹ bằng cách phán: "có hay không có Mỹ thì chợ vẫn đông!" Anh thợ đọc nầy quên rằng nếu không có Mỹ thì thế giới hoặc đã ‘phát xít hóa" hoặc "đỏ hóa" rồi! Cứ thử tưởng tượng nếu Nga, Trung Cộng, VC, Bắc hàn, Saddam …có sức mạnh quân sự áp đảo đ?c tôn của Mỹ, thế giới sẽ về đâu ?


IV- BBC Ban Việt Ngữ . Ông là ai ?


Một thính giả quốc nội do không biết gốc gác của nhân viên Ðài, hoặc cố tình nói móc lò (?) khi phát biểu : "Các anh là những người sống lưu vong ở nước ngoài.Tại sao các anh không dám nói sự thật, lại vuốt đuôi theo Việt Cộng ?" Một nhân viên Ðài vội vã chỉ trích : "không hiểu sao đến giờ nầy vẫn có người phân biệt người Việt lưu vong, người Việt trong nước .Người Việt nào cũng giống nhau cả, và bản thân tôi lưu vong hồi nào đâu ? Tôi vẫn mang hộ chiếu …Việt Cộng!" Qua các lời giới thiệu của Ðài, chúng ta biết rằng hầu hết nhân viên, phái viên Ðài BBC Việt ngữ đều xuất thân từ lò các trường Ðại Học Ðông Âu . Ðồng bào Ðông Âu có thể chia làm 3 giới : - Một số trụ lại Ðông Âu như những tị nạn kinh tế .Họ chẳng quan tâm đến tình hình chính trị trong nước, thế giới. Họ dồn mọi nổ lực cho việc mưu sinh, sinh kế .- Một số khác chống Cộng tích cực và hữu hiệu vì họ qua giáo dục, qua nghiên cứu, qua kinh nghiệm thực tiển nhận chân được bản chất của Cộng sản có cơ sở và hệ thống .Họ biết rõ ưu, khuyết điểm cùng những thủ thuật của CS .Bởi vậy mới có nhận xét ; "chỉ có người Cộng sản mới thắng được Cộng sản".- Một số khác cũng biết rõ bản chất của Cộng sản, nhưng vì những quyền lợi bản thân vặt vãnh, sẵn sàng làm lợi cho CS, thiên cộng và phù ác .Một nhóm trong thành phần nầy hiện phụ trách BBC Việt ngữ .VC gài được tên đầu nậu vào Bản Ðài làm nòng cốt .Tên đầu nậu nầy, qua thời gian, tuyển chọn những kẻ cùng khuynh hướng "vị lợi" tạo thành một băng, nhóm khuynh đảo toàn bộ BBC Việt ngữ theo sự chỉ đạo, giật giây của đầu não tại Hà Nội . Ðám công cụ nầy chắc chắn chẳng nhận được bổng lộc hậu hỉ gì từ VC bởi VC chỉ thu vén, thu lợi ít khi chịu chi .


Những điều lợi hèn mọn họ nhận được và cảm thấy thỏa mãn để tự nguyện làm công cụ tuyên truyền không công cho VC gồm những gì ? Gia đình họ ở Việt Nam không bị làm khó dễ .Họ về VN nghỉ hè, làm việc dễ dàng, thỏa mái . Ðài họ không bị phá sóng. Nhân viên được tiếp cận mọi quan chức cần phỏng vấn .Không phải đăng ký hộ khẩu, xét nét giấy tờ nghiêm khắc .Chỉ thỉnh thoảng nhận lệnh, nhận chỉ thị qua tay đầu nậu .Lương bổng của Ðài thừa thải cho nhu cầu vật chất .Chức "nhân viên, phái viên" Ðài là một danh vọng, hào quang lớn cho những kẻ suốt thời tuổi trẻ chạy giặc, tản cư, đói khát, chết chóc .Có kẻ còn sinh ra trong hốc núi khi mẹ chạy lánh nạn bom Mỹ đánh phá miền Bắc trong dịp Giáng Sinh 1972 .Chỉ chục con người với những thỏa mãn hèn mọn đó lại có thể gây nên những tác hại to lớn, nhất là khi họ tự cho mình "quyền bất khả xâm phạm" qua các lời tuyên bố : "Ngay cả hai Thủ tướng lừng lẫy nhất của Anh quốc : Churchill và Margaret Thatcher còn chưa dẹp được Ðài BBC, dù BBC "đâm sau lưng chiến sĩ", làm hại nước Anh trong thời Ðức Quốc Xã tấn công Anh và trong cuộc chiến tranh giữa Anh quốc và Argentina tại đảo Falkland!" Khi có một thính giả mỉa mai : "Các anh, chị được nước Anh nuôi nấng, đùm bọc, giúp cho một cuộc sống sung túc, danh vọng, tại sao các anh, chị lại trở mặt chống nước Anh ?" Nhân viên BBC trả lời tỉnh bơ : "Ông Chủ Ðài ra lệnh chúng tôi cứ " trung thực" mà làm việc .Chúng tôi không phục vụ cho Tony Blair, cũng không phục vụ cho nước Anh!" Chỉ tiếc quí Ðài không dám nói thẳng "chúng tôi chỉ phục vụ cho Việt Cộng và bọn Ác!"


Ðiều đáng mừng là thính giả Ðài BBC Việt ngữ vừa qua đã thẳng thắn nêu lên dã tâm "phù ác-thân cộng" của Ðài mà không sợ Ðài báo cho Hà Nội biết e-mail của họ để trừng trị .Cảnh bức tượng đồng Saddam cao 6 mét sụp đổ đã kích động tinh thần vùng lên, đấu tranh của người Việt quốc nội .Họ hiểu rằng sau Saddam sẽ là những tên bạo chúa khác : Assad, Khamini, Kim Jong Il …Bắc Bộ Phủ, vì Tổng Thống Bush đã tuyên bố : "Thế kỷ 21 không có đất dung thân cho bọn bạo chúa, bạo quyền". Các tượng Hồ Chí Minh cũng sẽ bị hạ thổ như lời tiên tri và ước vọng của một cháu bé : "cháu thấy tượng ông Saddam to lớn hơn tượng Bác Hồ rất nhiều mà còn bị giật sập .Cháu thấy vui sướng quá!" Một bà cụ trần tình : "Từ trước tới giờ bác cứ nghe nhà nước tuyên truyền ông Saddam là người tốt .100% dân Iraq đều tín nhiệm bầu cho ông ta .Bây giờ nghe tin người dân Baghdad giật sập tượng ông ta, dẩm đạp lên mặt ông ta .Vậy ông Saddam đúng là kẻ xấu . Ông là tên độc tài .Bọn độc tài trước sau gì cũng bị hạ bệ, tiêu diệt thôi!" "Vận hội của dân tộc Việt Nam đã đến, khi nhân dân trong nước đủ can đảm, hiên ngang lên án thái độ "thiên cộng-phù ác" của Ðài BBC Việt ngữ .Hồi chuông báo tử cho tập đoàn bạo chúa Bắc Bộ Phủ được gióng lên từ Baghdad, lồng lộng vọng qua Vịnh Ba Tư, Ấn Ðộ Dương …chấn động Sàigòn, Hà Nội, Huế…dội lên qua các lời phát biểu, lên án công cụ tay sai của bạo quyền .Churchill, Thatcher không dẹp được Ðài BBC đâm sau lưng chiến sĩ, đâm lén Anh Quốc , nhưng cộng đồng Việt Nam Hải ngoại, đặc biệt các phương tiện truyền thông chống Cộng Hải ngọai, bằng mọi biện pháp, phải tố cáo lập trường "thiên cộng-phù ác" của một nhóm nhỏ được huấn luyện từ lò Ðông Âu, dùng phương tiện truyền thông đại chúng nối giáo cho giặc, ủng hộ bạo chúa, bạo quyền, khủng bố" …để chính phủ Mỹ, Anh, đặc biệt giám đốc Ðài BBC …cứu xét và loại trừ những con sâu độc lạm dụng diễn đàn tự do phù thế lực tội ác, quỷ dữ …lại nhân danh Hòa Bình, Công Lý …gây tác hại đến sự kiến tạo một Trật Tự Thế Giới Mới cho tương lai Nhân Dân và Thế Giới .


Nếu một Ðài, Báo nào đó chỉ phỏng vấn Tổng Lảnh Sự Việt Cộng một lần mà bị lên án hàng mấy mấy năm trường, trong khi BBC ban Việt ngữ phỏng vấn quan chức VC hàng ngày, hàng đêm với mưu đồ làm công cụ tuyên truyền cho VC mà chúng ta vẫn ngậm miệng, bịt tai, nhắm mắt làm ngơ, thì thật là vô trách nhiệm .Hãy loại bỏ những tên nằm vùng, những kẻ thiếu đạo đức truyền thông, và hãy bảo vệ những người dân trong nước đã thẳng thắn lên án BBC ban Việt ngữ để họ không bị Ðài nầy thông đồng với VC hãm hại, trừng trị .Mong quívị thành lập một bộ phận chuyên án, nghiên cứu những bằng chứng, dữ kiện "thân cộng-phù ác" trong thời gian qua, đặc biệt trong cuộc chiến tranh giải phóng nhân dân Iraq nô lệ, để công tác tố cáo, lên án Ðài BBC Việt ngữ đạt thắng lợi hoàn toàn .


LÝ TỐNG
Thái Lan, ngày 12/04/03


PS : British Broadcasting Company (BBC)
Hay Broadcasting of Viet Cong (BVC)

User avatar
khieulong
Posts: 6752
Joined: Wed Dec 01, 2004 9:09 pm
Been thanked: 1 time

Post by khieulong »

Kiều xưa... Kiều nay!
Posted on Friday, June 03


Lêtamanh

“Kể từ lạc bước bước ra,
Có thân liệu những từ nhà liệu đi!” (Kiều)

Trong truyện Kiều, Nguyễn Du đã dựa vào một câu chuyện thương tâm, vì chữ hiếu, nàng con gái đã bán mình chuộc tội cho chạ Nàng Kiều, Vương Thúy Kiều, qua ngòi bút Nguyễn Du đã sống qua thời gian, đã vào lòng người dân việt. Người ta còn hãnh diện khoe rằng Việt Nam có một... Thúy Kiều! Cụ Phạm Quỳnh còn hạ bút: Truyện Kiều còn, tiếng Việt còn...”




Ở đây, bỏ qua những dòng thơ trữ tình, bỏ qua những đoạn tả lâm ly bi đát, người ta thấy một nàng Kiều toàn cảnh và một xã hội thời phong kiến như thế nào! Có mấy câu thơ nói lên hết được Kiều:

“Thằng bán tơ giở giói ra
Làm cho đụng đến cụ Viên Già
Muốn yên phải nạp ba trăm lạng
Vì hiếu nên liều một chiếc thoa...”

Câu kết của bài thơ nầy móc họng cả một chuỗi tiến trình xã hội từ xưa đến nay:

“Ngày trước làm quan cũng thế à”

Như thế từ ngàn năm xưa cho đến ngày nay, làm quan đều có ăn hối lộ, có của đút lót, xử án oan ức nếu không có tiền! Không có tiền thì đừng hòng “ông” nhìn đến. Trong suốt truyện Kiều, Cụ Nguyễn không cho ta thấy chỗ nào có sự can thiệp của “nhà cầm quyền” để giải thoát cho Nàng, trừ cái đoạn Hồ Tôn Hiến lợi dụng nàng để hạ Từ Hải; mà chỉ có Từ Hải cứu nàng và “mở phiên tòa” cho nàng “trả thù”. Các “Osin” và những người “vợ” Việt Nam đang bị nhà cầm quyền Việt Nam đối xử giống như thế! Cho nên các “nàng” phải nhờ đến một vị Linh Mục!

Nhưng nếu chúng ta thử chi tiết hành trình của Kiều trong mười lăm năm lưu lạc, mười lăm năm truân chuyên, chúng ta mới thấy Kiều cũng chẳng khổ gì bằng những nàng Kiều ngày nay! Vương Thúy Kiều, vì tưởng rằng bán mình với giá ba trăm lượng vàng để chuộc cha ra tù là xong. Thân phận mình bất qúa là làm tì thiếp cho một phú hào nào đó. Nhưng nàng đâu có ngờ lọt ngay vào tay buôn người Mã Giám Sinh. Trước khi đem về nạp cho Tú Bà, hắn ta đã đưa nàng vào “hạ” trên con thuyền “tình”, rồi trơ trẽn như: “mặt nàng nằm trơ” qua một đêm mưa gió bão bùng.

Từ đó nàng lọt vào tay người này đến người khác, nhưng thân phận cũng chẳng đến nỗi bị hành hạ tàn tệ trừ giai đoạn nàng bị Hoạn Thư, vì ghen mà hạ nhục nàng! Toàn bộ câu chuyện về Kiều đã làm cho bao nhiêu người vì thế: “Khéo dư nước mắt khóc người thời xưa”, bao nhiêu là đề tài văn học, bao nhiêu là nhà văn nhà thơ cảm nàng qua ngòi bút thần của Thi Hào Nguyễn Du!

Ngày nay, hàng ngàn nàng Kiều Việt Nam tự nguyện bán mình không phải để chuộc tội cho cha mà để nuôi sống cả gia đình, lấy thân hình của mình bán đi, đem lợi tức về cho bao nhiêu người thân đang sống trong cảnh bần hàn được sống! Họ tự nguyện ra đi giống như Kiều ngày xưa, nhưng họ cũng không thể ngờ rằng cảnh hành hạ và lợi dụng thân xác mình tồi tệ đến như thế! Ngày nay, với văn minh tiên tiến, với những khẩu hiệu về nhân phẩm, về nhân quyền, về con người... Những nàng Kiều tự nguyện làm vợ cho người Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Hoa, Tân Gia Ba.... Họ đều nuôi hy vọng: Dù có khổ như thế nào thì cũng kiếm được chút ít tiền gởi về quê nuôi sống cha mẹ chồng con! Dù có bị dày vò nhưng nghĩ cho cùng, họ còn kiếm được ít tiền dành dụm cho “quê hương”(!) Nếu về lại Việt Nam, họ và gia đình chỉ chờ chết đói (?)

Ta cứ nghe và xem trên báo chí trong những ngày gần đây, số phận bao nhiêu nàng Kiều bị hãm hiếp, bị vứt ra đường, bị “đầu nậu” giống như Mã Giám Sinh, bị xã hội ruồng bỏ ngay trên các xứ sở gọi là văn minh và giàu có. Ngay cả nhà cầm quyền Việt Nam hiện tại cũng làm lơ trước các thảm cảnh của bao nàng Kiều đang rơi lệ vừa đói khổ, vừa gom tiền gởi về nước (?) Dù rằng những nàng Kiều này đang bị ăn chặn, đang bị dày vò, đang bị hiếp đáp đường cùng, mất hết nhân phẩm, không ai bênh vực; nhưng hầu hết chẳng ai trong số họ muốn về lại tổ quốc (?). Chi tiết nầy có lẽ nhà cầm quyền Việt Nam hiện tại nên suy nghĩ, nên nhìn vào vấn đề và nên trả lời câu hỏi tại sao!

Người ta, những người Việt Nam đang sinh sống tại hải ngoại đang sụt sùi khóc cho những nàng Kiều và thò tay vào túi, muốn “góp phần” làm dịu vết thương mà các nàng Kiều Việt Nam đang gánh chịu tại các quốc gia “mua” họ, hành hạ họ, đánh đập họ, hiếp dâm họ... Nhưng không biết phải “góp phần” để làm gì? Họ cần tiền để làm lộ phí về lại quê hương? Họ cần tiền để gởi về nuôi gia đình? Họ cần tiền để mướn luật sư kiện bọn chủ, bọn ma cô, bọn Mã Giám Sinh đòi bồi thường danh dự? Họ cần tiền để điểm phấn tô hồng tiếp tục cuộc đời Kiều?

Chúng ta thấy họ không cần những điều như thế. Nếu cần thì chỉ có một lý do là cần kiện bọn chủ và bọn ma cô. Nhưng ai là người đứng ra kiện, Linh Mục Nguyễn văn Hùng hay cái gọi là Văn Phòng Đại Diện Quyền Lợi người Việt Nam tại Đài Loan của XHCN Việt Nam? Còn những nàng Kiều, họ sẽ chỉ cần tiền gởi về cho thân nhân họ, dầu phải bị đày ải truân chuyên! Không ai, tuy bị thảm cảnh đủ điều, họ vẫn không muốn về lại Việt Nam. Hầu như họ chỉ chạy khỏi các nơi hành hạ và làm nhục họ, nhờ Cha Hùng can thiệp và rồi họ lại muốn tiếp tục cuộc hành trình tự nguyện “Osin” để có tiền gởi về quê. Họ không hề xin tiền để làm lộ phí mua vé máy bay về lại với cuộc sống đói nghèo tại nơi họ sinh ra (?). Như thế chúng ta móc túi gởi tiền cho họ làm gì? Gởi bao nhiêu thì đủ và tại sao phải gởi tiền như thế khi họ không có mục đích nào dùng tiền ấy. Có thể ta gởi tiền tặng cho Cha Hùng làm qũy điều hành để kịp thời can thiệp như đã can thiệp việc hai cha con Mã Giám Sinh vừa qua mà thôi!

Vấn đề căn bản đặt ra là làm chế nào áp lực với nhà cầm quyền nước sở tại, trước mắt là Đài Loan, có biện pháp và chính sách hợp lý về vấn đề này. Hơn thế nữa, làm thế nào “Đảng và nhà nước” đang “chăn dắt nhân dân” để mắt đến và có chính sách can thiệp cũng như ký kết các hiệp ước với các nước liên quan, thực thi các văn kiện quốc tế về nhân quyền. Hiện nay, ở cấp chính quyền, cấp quốc gia, nhà nước VC là đối tác với các nước liên hệ. Họ phải binh vực cho dân của mình sống trên đất nuớc tạm cư. Họ phải có bổn phận làm việc đó, nếu không, họ là cái gì khi đang nhân danh là chính phủ XHCH Việt Nam? Việc những nạn nhân ấy tìm đến Linh Mục Hùng để nhờ che chở mà không đến với cái gọi là “Đại Diện Nhà Nước XHCN” đã nói lên hết những khúc mắc trong vấn đề: người dân còn tin tưởng vào chính quyền đang cai trị họ hay không!

Người Việt tị nạn ở hải ngoại có bổn phận lo cho những nàng Kiều của “nhà nước” XHCN cho đi kiếm tiền, góp về xây dựng CNXH cho họ hay không? Người Việt hải ngoại có phải là một “chính phủ” để phải gánh vác hết các khoản mà “Đảng và nhà nước” tạo ra hay không? Những việc đáng lý Họ phải lo cho dân, vì dân là: vấn đề người nghèo, trẻ mồ côi, phong cùi, người làm công ở các nước bị hiếp đáp...! Đó là “Job” của “Đảng và nhà nước ta” chứ sao lại lộn ngược, đùn cho những người Việt tị nạn ở hải ngoại, chẳng ra thể thống gì cả? Người Việt hải ngoại, đã bị mệnh danh là tị nạn, đã bị gán cho là những thành phần phản quốc, sao lại xía vô chuyện của Đảng nhĩ? Câu đồng dao Việt Nam “ Môn sao không ngứa, ráy không ngứa mà bạc hà tăng tăng?” Có nghĩa là đáng lý ra thì môn phải ngứa, ráy phải ngứa, mà sao không ngứa để bạc hà xía vô tăng tăng... Chuyện của Đảng và nhà nước XHCN mà sao cứ “đùn” cho bọn “Phản động” lo không vậy. Người Việt tha hương tại sao cứ “xía” vô chuyện nội bộ của Đảng, lo giùm cho Nhà nước ta. Thế thì vô hình trung đã cướp “job” của Nhà Cầm Quyền XHCN! Coi chừng tù cả lũ...!

letamanh

User avatar
khieulong
Posts: 6752
Joined: Wed Dec 01, 2004 9:09 pm
Been thanked: 1 time

Post by khieulong »

Các Giai Đoạn Trong Đời Người Phụ Nữ

Bác sĩ Gill Jenkins, BBC, 18.04.2005

Cho dù một vài người cảm thấy cuộc sống của nữ giới không mấy khó khăn thì phần lớn chị em lại cảm thấy cơ thể của mình không bao giờ chịu nghe theo sẽ điều khiển của bản thân. Từ khi còn là một bé gái chịu ảnh hưởng của các đợt trào đảng hóc môn nữ, chư kỳ kinh nguyệt hàng tháng, cho tớiđộ tuổi mãn kinh, rất nhiều người trong chúng ta tự hỏi vậy tất cả các hiện tượng này là gì. Trước khi một bé gái chào đời Giới tính của môt đứa trẻ về cơ bản được xác định bởi hai nhiễm sắc thể giới tính. Một tế bào giống đực bình thường có một nhiễm sắc thể X và một nhiễm sắc thể Y, còn tế bào của giống cái cớ 2 nhiễmsắc thể X.

Ban đầu các mô phôi mà sau này trở thành tinh hoàn ở cơ thể năm và buồng trứng ở nữ giới chưa được xác đi.nh. Phải đến khoảng tuần thứ 6 tại tuần thứ 8 của thời kỳ mang thai, sẽ xuất hiện của nhiễm sắc thể Y khiến cho mô phôi này phát triển thành tinh hoàn. Có lẽ là vài nghìn năm trước , 50 là tuổi thơ trung bình của nữ giới Nếu nhiễm sắc thể Y không xuất hiện, tế bào phôi sẽ phát triển thành buồng trứng. Các hóc môn sản sinh ra bởi tinh hoàn và buồng trứng không chỉ quyết định xem chúng ta sẽ là bé trai hay bé gái mà còn ảnh hưởng tới sự phát triển của bộ não và cả hành vi tính cách của chúng ta.

Phần lớn não bộ của chúng ta là giống nhau ở cả hai giới, nhưng một vài phần của bộ não ví dụ như phần hypothalamus và amygđale thì khác nhaụ Những phần này chi phối các chức năng liên quan đến giới tính và gây nên sẽ khác biệt giữa hai giớị trong các mô này có các điểm tiếp nhận cho phép tế bào phản ứng với các hóc môn năm. Hóc môn có ảnh hưởng tạm thời lên tính cách của ta khi còn bé.

Các bé gái có lượng hóc môn năm cao thường tỏ ra thích thú với các đồ chơi năm tính như ô tô và ít quan tâm hơn tới búp bê và có vẻ như thích chơi cùng các bạn trai hơn, hay tham gia các trò chơi dấm đá, lăn lộn nghịch ngợm của bọn con trai hơn. Tuội đẩy thì và giai đoạn tiếp theo Theo lẽ tự nhiên, cũng như bất kì tế bào sống nào, mục đích duy nhất của cơ thể con người là phát triển đồngiai đoạn trưởng thành và tái sản sinh ra các tế bào con trước khi chết để bảo toàn nòi giống. Các bé gái được sinh ra với số lượng trứng cấn thiết, trên thực tế, số lượng trứng có thể sống sót ngày càng giảm dần. Tuy nhiên phải mất trung bình 12 năm để cơ thể nữ giới đẩy thì và có khả năng sinh sản.

Chưa có lời giải thích rõ ràng cho việc tại sao quá trình này lại đài như vậỵ Thời gian tới khi hệ thống kinh nguyệt của bé gái được đánh thức phụ thuộc vào việc các hệ thống hóc môn khác có hoạt động bình thường hay không, trong đó hóc môn tăng trưởng đóng vai trò quan trọng. Những thay đổi mà tuổi đẩy thì gây ra khá rộng, có thể tóm tắt lại bằng sẽ tăng vọt về lượng cửa hàng loạt các hóc môn bao gồm hóc môn sinh dục nữ, hóc môn duy trì thai và hóc môn năm.Phải mất trung bình 12 năm để cơ thể nữ giới đẩy thì và có khả năng sinh sản.

Trong độ tuổi đẩy thì, các bé gái trải qua những thay đổi trông thấy về diện mạo, như sự phát triển của nhũ hoa, hình dáng và màu sắc của tóc cũng thay đổị Những thay đổi phức tạp của hóc môn trong chư kỳ kinh nguyệt cũng bắt đầu với sự tham gia của não bộ, các tuyến nổi tiết, buồng trứng và các cơ quan khác. Cứ mỗi tháng, các hóc môn trong cơ thể khiến cho thành tử cũng đày lên và cổ tử cũng tiết một lượng chất nhầy cùng với lúc trứng ru.ng. Nếu trứng được thụ tinh, hóc môn sử tiếp tục thay đổi phục vụ cho quá trình mang thaị Kinh nguyệt vì thế mà tạm ngưng. Theo quan niệm chung, bé gái ở độ tuổi đẩy thì chưa được coi là đã đủ trưởng thành về mặt tâm lý dự trữ thành một bà mẹ, nhưng cơ thể của các em đã có khả năng thự thai và trong phần lẫn các trường hợp cơ thể phụ nữ có khả năng thự thai cho đến lúc mãn kinh, tức là khoảng từ 45 đến 55 tuổị Sau khi em bé chào đời, lượng hóc môn giảm báo hiệu cho bộ não biết để bắt đầu lại chư kỳ kinh nguyệt, mặc dù trong trường hợp người mẹ cho bé bú thì kinh nguyệt sẽ tiếp tục ôngưng và có thể ngưng trong vòng vài tháng.

Tại sao lại chấm dứt?

Tại sao phụ nữ lại mãn kinh khi họ đi được hơn nửa chặng đường của cuộc đời, chưa một nhà khoa học nào ?ưa ra được thời điểm chính xác xảy ra hiện tượng mãn kinh. Có lẽ là vài nghìn năm trước , 50 là tuổi thơ trung bình của nữ giớị

Hóc môn sinh dục nữ sản xuất bởi buồng trứng giảm khi thời kỳ mãn kinh xuất hiện và nó báo hiệu cho bộ não sản sinh ra các hóc môn khác LH và FSH nhằm bắt buồng trứng làm việc nhiều hơn.

Số lượng trứng và chất lượng trứng giảm sút, việc thiếu hóc môn sinh dục nữ khiến cho âm đão trở nên khô và mỏng, và khả năng thụ tinh vì thể mà giảm ma.nh. Các biểu hiện của mãn kinh thường được biết đến như cảm thấy bốc hứa lên mặt, đổ mồ hôi, các cơ bắp và xương cốt đau nhức, dễ nổi cáu và khả năng tập trung kém.

Các biểu hiện có thể xuất hiện ở nhiều hình thức khác nhau nhưng đều đi đến kết quả chung là không thể tái sinh cơ thể sống mới và các ảnh hưởng kéo theo khác khắp cơ thể.

Trực Giác Của Phụ Nữ "Bén Nhọn" ?

BBC, 14/4/05

Mời quí vị phân biệt giữa nụ cười "thật" (bên trái) và nụ cười chiếu lệ (bên phải) Trái với sự tin tưởng của dân gian, đàn ông có vẻ "nhỉnh" hơn đàn bà về phương diện trực giác.Khi được yêu cầu phân biệt giữa một nụ cười chân chính và một nụ cười chiếu lệ, thì trong 100 trường hợp, đàn ông đúng 72 lần trong lúc đàn bà chỉ đúng có 71 lần mà thôị Hơn 80% đàn bà nói rằng trực giác của họ tốt hơn đàn ông, trong lúc chỉ có hơn phân nửa phái mày râu nói rằng họ có trực giác mà thôi..

Trong một cuộc nghiên cứu do trường đại học Hertfordshire thực hiện với khoảng 15.000 người tình nguyện, tất cả các người tham gia đều được yêu cầu nhìn vào những gương mặt tươi cười và nhận ra các nụ cười " chân chính".

Các người tham gia nhận xét hết sức sai lầm khi được yêu cầu nhìn vào những người khác phái đang cườị Nụ cười "dỏm".... bên phải Đàn ông đã nhìn ra trong 76% các trường hợp, nụ cười của đàn bà là giả tạo trong lúc đàn bà chỉ nhận ra được có 67% trường hợp các ông cười không chân thật.

Giáo sư Richard Wiseman, thuộc phân khoa tâm lý của trường đại học này đồng thời là chủ nhiệm của cuộc nghiên cứu, nói rằng dựa theo kết quả, thì quan niệm về trực giác của đàn bà là "có vấn đề". Ông nói "Một vài cuộc nghiên cứu trước đây cho thấy rằng trực giác của đàn bà rất bén nhọn, nhưng có thể theo thời gian, đàn ông có vẻ "nhỉnh" hơn đàn bà trong lãnh vực nàỵ

Cuộc nghiên cứu này được thực hiện qua Internet và qua một số các diễn biến được tổ chức nhân festival quốc tế về khoa học tại Edinburgh.

User avatar
khieulong
Posts: 6752
Joined: Wed Dec 01, 2004 9:09 pm
Been thanked: 1 time

Post by khieulong »

Âm Dương Song Thao

Theo triết học cổ đại phương Đông, âm dương là những thế đối nghịch nhau của sự vật như: trời-đất, mặt trời-mặt trăng, nam-nữ, trắng-đen, ngày-đêm... Vợ chồng, vượt trên những đối nghịch, là tập hợp của âm dương. Theo Kinh Dịch, âm dương có giao cảm với nhau thì sự sống mới tồn tại và phát triển.

ngói âm dương lồ lộ
cảnh gắn bó yêu đương
kín đáo như đồ gỗ
cũng có mộng âm dương
muôn vật không xấu hổ
làm nghĩa vụ uyên ương
thì em đừng giả bộ
như kẻ ăn chay trường
dù em không ủng hộ
tinh cũng mộng bình thường
(Lê Vĩnh Thọ)

Sự sống nẩy sinh ra do sự giao hòa giữa vợ chồng. Đó là một tiến trình tiếp nối từ đời nọ qua đời kia. Lấy vợ lấy chồng sinh con đẻ cái, chuyện bình thường chẳng có gì để nói. Đáng nói chăng là cái bất thường. Như một cặp vợ chồng người Đức sống với nhau đã tám năm mà chẳng thấy có con cái gì. Tại sao người ta có con mà mình không có con, thắc mắc này đưa họ tới bệnh viện Lubek để khám bệnh cho ra lẽ. Sau những thí nghiệm, các bác sĩ cho biết là cả hai đều có khả năng sinh sản rất tốt và không có vấn đề gì trong việc thụ thai. Người chồng 36 tuổi và người vợ 30 tuổi, khi được hỏi chi tiết và nhịp độ các cuộc giao phối, họ đều ngớ ra và hỏi lại: “Ông nói cái gì?” Tới lượt các bác sĩ ngớ ra. Hóa ra hai vợ chồng chưa bao giờ biết chơi trò... đánh cờ người! Hai người bình thường, không chậm phát triển trí tuệ nhưng được nuôi dưỡng trong một môi trường rất sùng đạo nên không biết làm những động tác cần thiết để có con cái. Họ sống giữa Âu châu trong thế kỷ thứ 21! Cái hành động mà Con Tạo đã phú cho muôn loài, không học cũng biết, Con Tạo lại quên mất không ban cho cặp vợ chồng này! Những người khác, họ “bức xúc” ngay từ đêm tân hôn.

Tối tân hôn, cô dâu đóng cửa buồng không cho chú rể vào, ra một vế câu đối bảo đối được mới mở cửa. Cô dâu cười tươi như hoa đọc:

“Hang Thiên Thai, then khóa động đào, đóng chặt lại kẻo chàng Lưu quen lối cũ.”

Cô dâu đã dùng điển “Lưu thần nhập thiên thai” để ra câu đối. Chú rể cũng... chữ nghĩa ra gì, dùng điển “Bái Công nhà Hán dẫn quân vào cửa Tam Cốc” đối lại:

“Cửa Hàm Cốc, lỏng khuôn tạo hóa, mở toang ra cho ông Bái dẫn quân vào.”

Nhờ ba cái chữ nghĩa vào cái thời mà chữ nghĩa còn dí mũi vào mọi chuyện, chẳng cần chìa khóa, cổng vẫn mở toang cho ông Bái lừng lững đi vào!

Từ cái đêm mà những nhà thơ có cả một bồ chữ nghĩa để xưng tụng đó, một nhà máy thiên tạo được dựng lên và làm việc hết... công xuất! Cứ bình thường ra, vợ chồng gần nhau, đúng kỳ đúng hạn, đến hẹn lại... lên, thì ắt phải có sự lớn mạnh nơi vòng số hai của sở hữu chủ cái hang Thiên Thai. Cứ sồn sồn như vậy, cũng chẳng có gì đáng nói. Cái bất bình thường mới đáng ngôn tới. Trong hai “đối tác” nếu một bên có trục trặc thì... lỡ hẹn. Không thành nước thành non gì được cả. Trục trặc có thể xảy ra ở phía này cũng như ở phía kia, bên dương hoặc bên âm. Đường xá nào có xa xôi gì mà cũng có thể kẹt... cầu. Cái cầu đó do bên dương chịu trách nhiệm.

Không phải cứ gọi là dương là... dương đâu! Nhiều khi dương mà cụp. Cầu kèo oằn oại, xe cộ kẹt cứng, đi đâu được mà đi. Ngày xưa thì chỉ có cách than thân trách phận, hay có trách chăng thì chỉ biết ngẩng đầu lên trách cái oái oăm của ông xanh. Thơ phú đâu có phải Sở Lục Lộ mà biết sửa cầu. Chỉ vài năm gần đây, từ năm 1998, mọi sự bỗng thay đổi, có tin vui giữa giờ tuyệt vọng, ông Viagra ra đời. Những chiếc đồng hồ quanh năm giờ nào cũng là 6 giờ rưỡi bỗng biết leo lên chỉ đúng ngọ. Trận mạc một thời gian, ông Viagra bỗng... xìu! Thay thế vào là hai cái tên mới vừa được Canada chấp thuận cho sử dụng: Levitra và Cialis.

Levitra do hai hãng dược phẩm Bayer Healthcare Pharmaceuticals và Glaxo Smith Kline bào chế. Nó hơn Viagra ở điểm nào? Nó nhanh hơn, chỉ cần 15 phút là cờ quạt tưng bừng mở hội trong khi Viagra cần gấp đôi thời gian. Trévor Morgan, một thương gia hồi hưu ở Ontario, khi được phỏng vấn về việc dùng Levitra, đã hồ hởi cho biết là chỉ cần uống một viên là 10 tới 15 phút sau đã xông trận được lần thứ nhất. Và hai giờ sau là lần thứ hai!

Cialis, sẽ xuất hiện trên thị trường Bắc Mỹ vào tháng 12 sắp tới, đã được dân Pháp tuyên dương là viên thuốc “weekend” vì nó có tác dụng tới 36 giờ lận!

Tương lai? Các nhà nghiên cứu vẫn chưa bằng lòng. Họ không muốn các vị... mềm yếu phải mất thời giờ vàng ngọc trong lúc dầu sôi lửa bỏng nên đang đi tới chỗ... hít. Hít sẽ có tác dụng mau hơn uống. Công ty Vectura ở Anh đang ở giai đoạn thử nghiệm chót của thuốc hít VR004. Thành phần chính của thuốc này là apomorphine hydrochloride. Trong thí nghiệm mới đây với 35 vị bị rối loạn cờ quạt, 59% lên gân được trong vòng tám phút. Có ba trự chỉ cần ba phút sau khi hít là... thấu trời xanh! Cuối năm nay, VR004 sẽ được thí nghiệm bao quát hơn để sẵn sàng... thế thiên hành hiệp!

Bắn để mà bắn thì như vậy, nhưng bắn mà có kết quả thì ngoài súng còn đạn. Đạn phải tốt. Vậy nhưng đạn dược ngày nay cứ xấu đi. Tại Hội Nghị Thế Giới lần thứ 18 về Sanh Sản và Hiếm Muộn vừa kết thúc ở Montréal, Giáo Sư Tina Kold Jenson của Viện Đại Học Nam Đan Mạch đã trình bầy kết quả cuộc nghiên cứu rộng rãi trên các thanh niên tuổi nhập ngũ. Cứ năm anh thì có một anh có số lượng tinh trùng dưới 20 triệu trong một mililitre tinh dịch, số lượng được Cơ Quan Y Tế Thế Giới WHO cho là... không đủ xài! Ngoài ra, trong một cuộc nghiên cứu chung tại năm quốc gia Âu Châu, đạn của các chàng sanh trong thập niên 80 là tệ nhất. Tình trạng... nghèo nàn này không phảo là do di truyền mà là vì môi trường sống. Người ta chưa có đủ những dữ kiện để qui tội cho các hóa chất được dùng như thuốc diệt cỏ pesticide chẳng hạn hoặc việc tiêu thụ các thực phẩm có pha trộn đầy hóa chất hiện nay. Nhưng có một điểm rõ ràng là con trai của các bà mẹ ghiền thuốc lá có tinh hoàn nhỏ và số lượng tinh trùng kém hơn những người khác.

Đạn duợc kém chất lượng như vậy có cho gặp... bạn gái cũng như không. Chẳng nên hồ nên bột gì hết trọi! Biết nhờ ai?

Một cặp vợ chồng lấy nhau đã lâu vẫn chưa có con. Người chồng bèn hỏi ý kiến ông hàng xóm có bẩy con ở tầng trên. Ông hàng xóm cho ý kiến ngay:

“Dễ thôi! Nếu anh làm đúùng như tôi bảo, mọi việc sẽ ổn cả. Trước hết, anh hãy đi mua một cục xà bông loại thật thơm, một lọ nước hoa và một cái chổi cán dài. Sau đó, anh bảo vợ anh tắm rửa sạch sẽ rồi xức nước hoa thật thơm.”

Anh chồng thắc mắc:

“Thế còn cái chổi cán dài để làm gì?”

“Anh này chậm chạp thật! Thì để anh gõ lên trần nhà, tôi sẽ xuống ngay!”

Chuyện vợ chồng mà đi nhờ vả người ngoài sinh ra lắm chuyện. Toàn những chuyện thuộc loại đại rắc rối. Cũng rắc rối không kém là khi “sản phẩm” rõ ràng thuộc loại... homemade mà lại không giống chi cái anh chồng đầu gối tay ấp nằm bên cạnh! Khó ăn khó nói lắm chứ! Sự nghi kỵ nhiều khi mang tới những thảm họa. Nếu bạn gặp trường hợp... khó chịu này, đừng vội nhìn người phối ngẫu với cặp mắt nghiêm khắc. Có khi đó chỉ là... rủi ro! Tiến sĩ Sinh Vật Học A. V. Kuzuhetsov, người Nga, mới khám phá ra là tinh trùng trên đường thâm nhập tế bào trứng có thể nghịch ngợm vớ theo ADN của các vi khuẩn, siêu vi khuẩn hay các vô sinh vật khác mà nó gặp trên đường tới đích. Người ta đã thử thí nghiệm bằng cách đưa vào tinh dịch loại virus papillon, một loại virus có tác dụng kích thích sự xuất hiện các khối u. Sau đó, người ta “rửa sạch” virus và lấy ra một vài tinh trùng “sạch.” Kết quả làm cho các nhà khoa học sửng sốt. Trong thời gian ngắn ngủi giao tiếp giữa tinh trùng và virus, tất cả các tinh trùng đã nhiễm ADN của papillon. Virus papillon chưa phải là loại virus đáng sợ nhất trong số các virus mà các chuyên gia phụ khoa tìm được trong chất nhờn ở âm đạo phụ nữ. Như vậy, nếu vào nhà hộ sinh mà thấy đứa con sơ sanh do vợ mình vừa cho ra đời trông không giống mình mà giống ai đâu thì cũng cứ... bình tĩnh mà run! Nhiều khi đó chỉ là kết quả của sự “tinh nghịch” của chính các chú tinh trùng của bạn tiện tay vớ chút đồ chơi lạ dọc đường tới chỗ... hẹn hò!

Bạn chưa yên tâm? Tùy ý! Biết đâu chỗ ma ăn cỗ! Một chú bé được một cậu bạn cùng lớp rỉ tai rằng tất cả người lớn đều có những bí mật riêng và rất dễ tống tiền họ bằng câu nói: “Tôi đã biết tất cả sự thực!” Về nhà, chú bé thử ngay với mẹ:

“Con đã biết tất cả sự thực!”

Bà mẹ vội dúi cho cậu 10 ngàn đồng và nói rất mềm mỏng:

“Đừng nói gì với bố nhé!”

Thấy ngon ăn, ông bố vừa đi làm về, cậu lại lập lại y chang với ông. Ông bố vội vàng móc ví cho cậu 50 ngàn đồng và bảo cậu giữ kín chuyện đừng nói với ai. Thấy kiếm tiền quá dễ bằng câu hù này, hôm sau, khi bác đưa thư vừa tới cổng nhà, cậu lại bổn cũ soạn lại. Bác đưa thư đứng lặng người, cặp kính trắng mờ đi, hai tay giang ra, nghẹn ngào nói:

“Nếu con biết hết sự thực rồi thì lại đây với... bố đi con!”

Tinh trùng là một thứ lăng quăng nên nó cứ... lăng quăng đi lạc hoài. Đường thẳng còn lạc huống chi đường... lòng vòng. Nhưng phải đi quanh cũng là chuyện chẳng đặng đừng! Như khi người bố bị dính ung thư, trước khi chữa trị đã lấy tinh trùng đem ướp lạnh để dành chẳng hạn. Một bà người Anh dấu tên đã hạ sinh một bé trai với tinh trùng của người chồng để đông lạnh tớiõ 21 năm. Đây là một kỷ lục thế giới về thụ thai bằng tinh trùng ướp lạnh... già nhất! Một trường hợp khác, lần này ở California, đứa con được thụ tinh bằng tinh trùng đông lạnh ra đời sau khi người cha, ông Bruce Vernoff, đã chết được bốn năm. Pháp luật đâm ra bối rối. Từ trước đến nay, luật pháp chỉ công nhận là con của người cha quá cố nếu đứa con được sanh ra sau khi người cha mất tối đa là một năm. Quan tòa, chẳng thể không dựa vào văn kiện pháp lý, phải xử đứa con muộn mằn đó không phải là con của ông Bruce. Thực tế và pháp luật quay lưng lại với nhau. Bản án kéo theo cái đuôi... rắc rối! Trên phương diện pháp lý, bé Brandi Vernoff không được hưởng quyền thừa kế và các phúc lợi khác. Gia đình kiện. Pháp luật chẳng thể cứ bưng tai bịt mắt không ngó tới những tiến bộ y khoa. Các nhà lập pháp ở California cũng như tại các tiểu bang khác bỗng có việc làm. Họ đang soạn thảo một dự luật giải quyết những trường hợp thụ thai nhân tạo này.

Vợ thụ thai bằng tinh trùng đông lạnh của chồng đã rắc rối như vậy, thụ thai bằng cách xin tinh trùng của người khác còn rắc rối tới đâu! Toà án Tối Cao Québec cũng đang nhức đầu về chuyện này. Số là, một cặp đồng tính nữ vừa “cưới” nhau được một tháng trước khi một người sanh con. Trên giấy khai sanh, hai người là... bố mẹ chính thức của đứa con gái này. Nhưng cái anh chàng cho tinh trùng để thụ thai lại không chịu. Anh lý luận là chính anh mới là người cha “sinh học” của đứa nhỏ và đòi quyền thăm con theo định kỳ. Anh chàng này là bạn của người mẹ và tinh trùng không được cấy trực tiếp mà qua ống nghiệm. Khi tạo sinh cho người mẹ, anh có mặt ở bệnh viện. Khi người mẹ dính bầu, bà đã điện thoại báo tin cho anh bằng câu: “Chào bố!” Khi bà đập bầu, anh cũng có mặt ở nhà thương. Vậy thì con anh chứ con cái bà không có khả năng làm chồng mà đòi làm chồng kia à? Tòa án tính sao? Bà Chánh Án Suzanne Courteau phán như thế này: trong khi bà mẹ có lý khi cho là người cho tinh trùng không có quyền thăm con thì, trên thực tế, người cha sinh học đã liên hệ sâu xa vào việc này lại tin rằng ông ta có một vai trò; vì vậy, phải xem là việc hoạch định này bắt nguồn bởi mối liên hệ cũ hay bởi cặp vợ chồng đồng tính, đây là một yếu tố quan trọng quyết định sự việc. Bà Chánh Án rao nam rao bắc như vậy để câu giờ cho phiên xử quyết định vào tháng 9 sắp tới!

Rắc rối như vậy đã đau cái đầu chưa? Ông nhà văn Trang Châu bảo chưa! Ông húc vào chuyện rắc rối này bằng truyện ngắn “Thuê Tình.” Một thiếu phụ “sâu sắc, tế nhị, ngăn nắp, nhan sắc không tệ” tìm tới phòng mạch của Bác sĩ Trung, độc thân, khỏe mạnh, ham thích thể thao, để vòng vo tam quốc một hồi rồi đi vào điểm chính: “Vấn đề của tôi như thế này. Tôi lập gia đình với Giang đã bẩy năm nay. Chồng tôi là thương gia, có cơ sở xuất nhập cảng lớn ở Tân Gia Ba. Chúng tôi không có con. Nguyên nhân hiếm muộn theo lời các bác sĩ ở Pháp là do phía chồng tôi. Nhưng anh ấy không chịu tin. Anh đi hết cô này đến cô khác với hy vọng có lúc anh chứng tỏ được anh vẫn có khả năng truyền giống. Tôi sợ nếu có một người đàn bà nào báo tin rằng cô ta mang thai với Giang, anh sẽ tin và có thể bỏ tôi để cưới cô kia làm vợ. Tôi mất chồng và sự nghiệp của chồng tôi sẽ về tay người đàn bà khác. Tại sao người đàn bà thông báo cho chồng tôi mình có bầu lại không phải là tôi? Như thế tôi sẽ giữ được tất cả. Tôi tìm kiếm một người đàn ông đủ điều kiện giúp tôi thực hiện ước mơ đó. Đủ điều kiện có nghĩa là diện mạo phải thật giống chồng tôi vì như thế đứa con có nhiều hy vọng giống Giang. Tiếp đến phải là một người đàn ông có kiến thức. Tôi gặp ông và vui mừng thấy đã tìm đúng người. Xin ông đừng nghĩ đó là một việc làm sai quấy mà xin ông hãy nghĩ ông đang làm một việc thiện, nếu không phải cho đời thì ít nhất cũng cho tôi.”

Và người đàn bà đề nghị Bác sĩ Trung... làm việc thiện bằng cách cho bà mầm sống trong bụng một cách trực tiếp, không ống nghiệm lôi thôi. Trong chín đêm tại khách sạn, Trung... làm việc thiện. Kết quả là cái bầu. Truyện chuyển lòng vòng qua nhiều tình huống. Sự thực cuối cùng là người đàn bà chưa có chồng. Họ âm dương thành vợ thành chồng!

Âm dương, chúng đối lập với nhau nhưng lại luôn luôn cọ sát với nhau để ra chuyện...rắc rối! Ông Trang Châu dại dột tra chân vào. Tôi, tuy bạn với ông Trang Châu, nhưng tôi không dại như ông ấy. Tôi chạy!

Post Reply