Tứ trụ triều đình:Mạnh, Sang, Trọng, Triết

Những đề tài nóng của Thời Sự. Các bài viết lượm nhặt trên Net ở nơi đây chỉ dùng để tham khảo không phải là chính kiến riêng của nhóm phụ trách.

Moderators: CayQueo, phu_de

Post Reply
User avatar
phu_de
Posts: 2917
Joined: Sun Nov 28, 2004 10:57 pm
Has thanked: 7 times

Tứ trụ triều đình:Mạnh, Sang, Trọng, Triết

Post by phu_de »

Thành phần nhân sự lãnh đạo tại Việt Nam cho 5 năm tới?
2006.03.29
Việt Long & Hoàng Thanh Phong, RFA

Hội nghị 14 Trung Ương đảng Cộng Sản Việt Nam đã có một số quyết định quan trọng về nhân sự của Đảng. Để gửi đến quý vị những thông tin mới nhất về việc này, Việt Long phỏng vấn ông Hoàng Thanh Phong, một chuyên viên đang làm việc tại Việt Nam, và là người quan tâm đến thời cuộc trong nước. Mời quý vị theo dõi.


Ai đi, ai ở?


Việt Long: Thưa ông Hoàng Thanh Phong, ông có tin gì về việc Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An được đưa ra ứng tuyển chức vụ Tổng bí thư?

Hoàng Thanh Phong: Thưa ông, kế hoạch đưa ông An, năm nay 69 tuổi, ra tranh cử vị trí Tổng Bí Thư Đảng đã được thảo luận trong Bộ chính trị sau khi Hội nghị 13 kết thúc mà không đưa ra được một định hướng nhân sự nào.

Ông An đi công tác nước ngoài 2 tuần liền về đến Hà Nội chiều tối ngày thứ Bảy thì sáng thứ hai Hội nghị 14 họp, và theo kế hoạch đã được ban tổ chức sắp đặt, thì ông Trần Đình Hoan đã đưa ra danh sách bẩy người được coi là cao tuổi nên tự giác về hưu trong nhiệm kỳ tới, trong đó bao gồm cả ông Hoan trong chức vụ trưởng ban tổ chức Trung Ương, và các ông Nguyễn văn An, thủ tướng Phan Văn Khải, chủ tịch nước Trần đức Lương, cùng các ông Phan Diễn, được coi là phó Tổng Bí Thư đảng, ông Nguyễn Khoa Điềm, trưởng ban Văn hoá tư tưởng Trung Ương, và ông Phạm văn Trà bộ trưởng quốc phòng.

Việt Long: Như vậy là chức vụ Tổng bí thư được giao cho ông Nông Đức Mạnh phải không, thưa ông?

Hoàng Thanh Phong: Thưa vâng, việc Hội nghị 14 để cử ông Mạnh tiếp tục giữ vị trí Tổng Bí Thư hầu như không gặp sự phản đối nào, vì trong kỳ họp thì các đại biểu cũng không còn sự lựa chọn nào khác, khi mà ông Nguyễn Minh Triết chỉ nhận sẽ ra giữ chức Chủ tịch nước trong nhiệm kỳ tới, từ cuối 2007.

Như vậy, sau khi ông Lê Duẩn là người chính thức giữ được vị trí Tổng Bí Thư trong hai nhiệm kỳ tại đại hội lần thứ tư năm 1976 và đại hội lần thứ Năm 1982, tuy rằng trước đó ông Lê Duẩn đã được gọi là Bí Thư thứ nhất sau khi ông Hồ mất năm 1969, thì nay ông Mạnh sẽ là người thứ hai sẽ giữ chức Tổng Bí Thư trong hai nhiệm kỳ.

Việt Long: Thưa ông như thế có phải chức vụ Thủ tướng được giao cho ông Nguyễn Tấn Dũng không?


Hoàng Thanh Phong: Vâng, theo một nguyên tắc được gọi là cân bằng cơ cấu thì ông Nguyến Tấn Dũng sẽ lên vị trí thủ tướng. Có một sự kiện đặc biệt là ngay trong ngày khai mạc Hội nghị trung ương 14 thì phía Trung quốc đã cử ông Giả Khánh Lâm sang Hà Nội, và trong lúc các uỷ viên trung ương của Việt Nam còn họp bàn thì phía Trung Quốc đã nhất quyết đề nghị là phía Việt Nam nên đề cử ông Nguyến Tấn Dũng lên vị trí Thủ tướng, và như ông họ Giả này nói, “đó chính là nguyện vọng của Tổng Bí Thư Hồ Cẩm Đào đẫ đề nghị phía lãnh đạo Việt Nam trong dịp ông thăm Việt Nam tháng 11/2005.”
Thành phần chính phủ nhiệm kỳ tới

Việt Long: Còn thành phần chính phủ thì như thế nào?

Hoàng Thanh Phong: Trong thành phần chính phủ mới thì Hội nghị 14 đã dự kiến ông Phạm Gia Khiêm sẽ tiếp tục làm phó thủ tướng chuyên về kinh tế đối ngoại, kiêm chức bộ trưởng Ngoại giao, ông Nguyễn Sinh Hùng sẽ là phó thủ tướng về kinh tế nói chung, còn ông Mai Ái Trực sẽ lên phó thủ tướng về Khoa học Công nghệ.

Việt Long: Ngoài những vị trí quan trọng trong Đảng và chính phủ như ông vừa trình bày thì các vị trí chủ chốt khác đã được Hội nghi 14 quyết định thế nào?

Hoàng Thanh Phong: Thưa ông, Hội nghị đã nghe thông báo của Bộ chính trị là ông Trương Tấn Sang sẽ đảm nhiệm vị trí Thường trực bộ chính trị, tức là thay ông Phan Diễn làm phó Tổng Bí Thư đảng, và ông Nguyễn phú Trọng, hiện là bí thư thành uỷ Hà Nội, sẽ lên vị trí Chủ tịch Quốc hội thay cho ông Nguyễn văn An khi ông An hết nhiệm kỳ vào giữa năm 2007, còn ông Trương Quang Được sẽ lên giữ chức Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc thay ông Phạm thế Duyệt về nghỉ.

Việt Long: Như vậy là bộ tứ trụ triều đình gồm các ông Mạnh, Sang, Trọng, Triết đã được chung quyết chưa?

Hoàng Thanh Phong: Thưa ông, về nguyên tắc thì quyết định về sắp xếp nhân sự của Hội nghị 14 đã được coi là chung quyết, và Đại hội đảng sẽ chỉ tiến hành các thủ tục hình thức để công nhận. Đặc biệt, trong bối cảnh năm nay thì từ nay đến Đại hội đảng chính thức sẽ không còn kỳ họp nào nữa, kể cả kỳ họp dự bị năm nay cũng sẽ không tổ chức. Hội nghị được coi là trù bị sẽ chỉ họp trong ngày 17/4 và ngày 18/4 sẽ chính thức khai mạc đại hội.
Các vấn đề khác

Việt Long: Được biết là hội nghị có bàn về công tác tổ chức, trong đó có việc thành lập bộ an ninh quốc gia, và cả tương lai của Tổng cục 2 trong vấn đề gìn giữ mối đoàn kết trong Đảng, thì những việc này đã có kết luận gì chưa?

Hoàng Thanh Phong: Hội nghị có bàn về công tác tổ chức thí dụ như thành lập một Bộ An ninh mới, và để bảo đảm sự đoàn kết trong quân đội thì có thể sẽ phải tính đến việc giải tán Tổng cục 2, tuy nhiên các việc này chỉ được bàn trong bộ chính trị, và ông Nông Đức Mạnh đã chỉ thị là vì không còn đủ thời gian cho nên sẽ để lại sau khi đại hội kết thúc sẽ bàn tiếp.

Việt Long: Ông Lê Hồng Anh có giữ vị trí nào trong lãnh vực an ninh không?

Hoàng Thanh Phong: Ông Lê Hồng Anh sẽ tiếp tục giữ cương vị quan trọng nhất trong lĩnh vực an ninh, còn vị trí cụ thể thì vẫn chưa có quyết định, phải chờ bàn sau.


Việt Long: Ông nhận định ra sao về thành phần nhân sự mới trong Đảng và chính phủ Việt Nam như đã được xếp đặt?

Hoàng Thanh Phong: Thưa ông, thành phần nhân sự mới có đặc điểm là trẻ so với các thế hệ trước đây, đặc biệt là trong hàng ngũ uỷ viên Trung Ương, vì Hội nghị 14 cũng quyết định là các đại biểu vào Trung Ương phải dưới 50 tuổi, và vẫn tiếp tục duy trì sự cân bằng về địa lý, có nghĩa là số các đại biểu bắc trung nam đều sẽ ngang nhau.

Một đặc điểm nữa là sự xuất hiện trong quốc hội của ông Nguyễn phú Trọng, một nhân vật đại diện cho các quan điểm bảo thủ, thì từ nay ban lãnh đạo đảng không còn ai có thể đủ khả năng để khởi xướng các cải cách, đây là một dấu hiệu rất đáng lo ngại cho tương lai Việt Nam.


Việt Long: Cám ơn ông Hoàng Thanh Phong. Thưa quý thính giả, quý vị vừa nghe cuộc phỏng vấn ông HoàngThanh Phong, một chuyên viên đang làm việc ở Việt Nam, và là người quan tâm đến thời cuộc trong nước.

RFA

Post Reply