Chất thơ của mùa xuân
Nguyễn Thị Hải Hà
Mùa Xuân là mùa của thi ca. Biết bao nhiêu thơ văn và âm nhạc đã viết về mùa Xuân. Mùa Xuân đẹp. Thi nhân dùng mùa Xuân để diễn tả nét đẹp và dùng màu lá làm biểu tượng nét trẻ trung của người thiếu nữ. Bỗng mùa Xuân về trên năm ngón. Ôi bàn tay lộc biếc lá non (Diệu Kỳ – Nguyên Sa). Từ những ngón tay thuôn, nhà thơ nhìn thấy cành non lộc biếc.
Ở Việt Nam và Nhật Bản, Tết rơi vào mùa Xuân. The New Year’s Day
The beginning of the harmony of Heaven and Earth. (Shiki)
Ngày đầu tiên trong năm Bắt đầu sự kết hợp hài hòa Của Trời và Đất.
Ngày đầu năm, không chỉ là sự giao hòa giữa âm dương mà còn là sự tiếp nối giữa quá khứ và tương lai. Nhà thơ Onitsura nói rằng buổi sáng ngày đầu năm, ngọn gió từ thiên cổ, thổi trên đầu ngọn thông.
Mùa Xuân ở Hoa Kỳ chính thức bắt đầu thường vào gần cuối Tháng Ba, tùy theo ngày spring equinox (lập xuân). Trên thực tế mùa Xuân có khi sớm hơn hay chậm hơn một vài tuần. Nếu không có lịch, làm sao người ta biết Xuân về?
Người ta nhìn thấy mùa Xuân trong màu hồng hoa đào (Nhân diện đào hoa tương ánh hồng – Thôi Hiệu), màu trắng hoa lê (Cành lê trắng điểm một vài bông hoa – Kiều) và màu xanh của cỏ (Xuân du phương thảo địa – Uông Thù).
Với tôi, chất thơ của mùa Xuân nằm ở tiếng xuân.
Dọc đường trail Delaware & Raritan gần Colonial Park (New Jersey) có một đầm lầy. Mùa Đông tuyết rơi nhiều đọng lại, đóng thành băng. Khi trời chớm Xuân, chỉ cần vài ngày lên đến 40 độ F (4 độ C) mặt băng vỡ răng rắc, sau đó biến thành hồ nước. Và bản nhạc mùa Xuân bắt đầu.
Lần đầu tiên, nghe âm thanh này tôi rất ngạc nhiên. Nó không phải tiếng chim, tiếng côn trùng. Âm thanh như một dàn đồng ca, rất đều nhau, từ dưới nước, trong những bụi cỏ nâu sẫm. Tôi nhìn không thấy con vật nào, chỉ nghe tiếng “om om”, hay “âm âm”, như tiếng kèn râm ran đều đều, rất to. Đi khỏi đầm lầy thì âm thanh nhỏ lại, đến gần âm thanh to lên. Chừng hơn một tuần sau thì âm thanh ấy biến mất. Đó là tiếng kêu của loài tree frogs, những con nhái màu xanh rất nhỏ. Đến mùa băng tan, trời ấm, cộng đồng nhái xanh bắt đầu bản nhạc mùa Xuân được đồng ca bằng giọng của hàng ngàn con nhái và ếch.
In spring, frogs sing; In summer,
They bark. (Onitsura)
Mùa xuân, ếch nhái hát Mùa hè
Chúng sủa.
Bên cạnh tiếng gọi tình của loại nhái xanh, trong đầm lầy có rất nhiều tiếng chim. Từ giữa Tháng Hai, những con ó bạc đầu bắt đầu ấp trứng. Cuối Tháng Hai, loài ngỗng Canada, những con đi trốn tuyết miền xa bây giờ trở về; trên không trung đã nghe tiếng quang quác của đàn ngỗng bay theo đội hình chữ V. Những con ngỗng ở lại New Jersey suốt mùa Đông, giờ bay dọc theo dòng sông rượt đuổi nhau để tỏ tình, hay bay lên mái nhà những khu chung cư, đánh nhau chí chóe để tranh giành bạn đời.
Mùa Xuân, hàng ngàn chim starlings (sáo đá) bay về chốn cũ. Tiếng vỗ cánh của loài chim lông đen óng ánh ngũ sắc này nghe như tiếng bão, tiếng rào rạt của cơn mưa không ướt đất. Hàng loạt chim đáp xuống ruộng bắp khô màu nâu vàng, lấm tấm như hạt mè đen rắc trên xôi. Chúng tràn ngập bờ sông, bờ suối để uống nước. Starlings, cất cánh bay và đáp xuống hàng loạt, uốn lượn như một tấm lưới đen được trải ra bởi một bàn tay vô hình nào đó.
Ảnh: Unplash
Nhắc đến starlings tôi không khỏi nghĩ đến chim quạ vì cả hai loại này đều có lông màu đen ánh ngũ sắc tùy theo hướng ánh sáng. Người Việt không thích chim quạ. Loại chim này thường bị gắn liền với điềm xấu vì chữ quạ đồng âm với chữ “họa” trong “tai họa” theo cách phát âm của người miền Nam. Basho có bài haiku nổi tiếng về quạ mùa Thu đậu trên cành cây khô khiến làm người ta liên tưởng đến sự cô đơn buồn bã. Tiếng quạ mùa Xuân tôi nghĩ đến lời thì thầm của mùa Xuân.
Quạ có hai loại chính, raven to hơn, sống một mình, crow nhỏ hơn thường đi từng đàn. Đầu Xuân, cây chưa ra lá, quạ đậu thành đàn trên những ngọn cây khô, gọi tình. Không inh ỏi chát chúa như loại blue jays, tiếng quạ nghe rủ rỉ rù rì, như những lời thì thầm tự tình của những người đang yêu. Nhớ người Việt mình có câu ca dao:
Quạ kêu nam đáo nữ phòng.
Người dưng khác họ đem lòng nhớ thương.
Có lẽ người con trai trong bài ca dao cũng có những lời dịu dàng như tiếng quạ thì thầm.
Trong chất thơ của mùa Xuân có tiếng mưa Xuân. Người Mỹ có câu April shower, May flowers. Mưa Tháng Tư để Tháng Năm có nhiều hoa đẹp.
Spring rain:
Everything just grows More beautiful
(Chiyo-ni)
Mưa Xuân Hoa cỏ nở rộ Đẹp bội phần
Mưa Hạ ào ạt bão giông. Mưa Xuân lắc rắc hiền hòa. Mưa Xuân được đón chào vì nó không rét buốt cắt da như mưa tuyết. Hạt mưa lất phất như bụi, mềm mại chạm vào da, vỗ về trên má. Mưa Xuân có mùi tinh khiết, mang theo mùi cỏ ướt, mùi hoa tím tử đằng và diên vỹ.
Ta có thể nghe tiếng mưa Xuân nhỏ tí tách ở hiên nhà, thì thầm trên những đồng cỏ vàng nâu. Mở lòng bàn tay để hứng những giọt mưa mềm, nếm từng giọt mưa để thấy vị ngọt mát ngấm trên môi. Mưa Xuân mang cảm giác lãng mạn trữ tình thường biểu hiện trong phim Nam Hàn. Đôi trai gái đang đi phố, trời bỗng đổ mưa. Chàng chạy vội băng qua bên kia đường vào tiệm tạp hóa mua cây dù. Chàng chọn hai cây dù màu đẹp, nhưng đổi ý chỉ mua một cây dù thôi. Rồi chàng che dù cho cả hai, hai mái đầu chụm vào nhau, tay anh quàng vai em, bước nhẹ nhàng cây dù xoay tròn theo điệu luân vũ mùa mưa. Hai người bước vào trong một quán sách. Cây dù xếp lại để ngoài cửa.
Spring rain;
Holding up their umbrellas, and looking At the picture-books in the shop. (Shiki)
Mưa xuân
Đôi tình nhân che dù và đọc Truyện tranh của quán sách.
Mưa Xuân đủ để đôi tình nhân nép vào nhau tìm hơi ấm. Mưa Xuân đẹp, tình tứ và lãng mạn nhưng không gợi dục như mưa mùa Hạ. Người ta không ao ước “em đi về cầu mưa ướt áo” để nhìn thấy màu da thịt và đường cong nét lượn phơi bày theo mưa.
In the spring rain,
Miss Tsuna holding her sleeve Over the small lantern
Buson
Trong cơn mưa xuân Cô Tsuna dùng tay áo Che cái đèn lồng.
Bài haiku của Buson cũng làm tôi nhớ lại một đoạn phim Hàn. Hai cô cậu ở tuổi hoa tuổi ngốc đang đi với nhau trời bỗng đổ cơn mưa. Cậu bé không có gì để che nên dùng hai bàn tay che lên trán của cô bé. Dù gì thì cũng ướt, nhưng mưa Xuân sẽ không làm ướt mắt em.
Mưa Xuân đầy chất thơ. Basho, người nổi danh hàng đầu trong giới haiku Nhật Bản đã viết:
Spring rain; How pitiful,
One who cannot write (Buson)
Mưa xuân
Đáng thương thay
Những kẻ không biết làm thơ.
Ông Basho tự chế nhạo hay là chế nhạo những kẻ hậu bối suốt đời không viết được một bài thơ, dầu được nhìn thấy cái đẹp của mùa Xuân.
——-
Những bài haiku tiếng Anh trích từ quyển “Haiku II: Spring” do R. H. Blyth biên soạn. Nguyễn Thị Hải Hà dịch ra tiếng Việt.