Tạp Ghi , Chuyện Phiếm , Chuyện Vui Hàng Ngày

Cho đuổi mèo, mèo rượt chuột, chuột sa chỉnh gạo, gạo tải vô xe... thế rồi... xe cán chó!!!

Moderators: CNN, khieulong

TuanAnh
Posts: 329
Joined: Sat Jan 30, 2010 3:44 am

Post by TuanAnh »

Hãnh diện là người Việt Nam?
Tạp ghi Huy Phương

“Người Việt thông minh, chăm chỉ và anh hùng,
thế bạn có hãnh diện là người Việt Nam không?”
(Câu hỏi của báo Thanh Niên trong nước)


Trong bài “Ðêm Của Những Cánh Bướm Việt Ở Malaysia” đăng trên nhật báo Người Việt (2009) trước đây,
ký giả Ðông Bàn đã vô tình nhắc lại câu nói của giới taxi Kuala Lumpur, “Con gái Việt Nam đẹp lắm!” Thủy, một “cánh bướm đêm” tại Beach Club
đã cay đắng hỏi lại những người ký giả cùng quê hương với cô: “Người ta nói vậy, các anh có hãnh diện không?”

Câu trả lời tất nhiên là không! Ai lại hãnh diện khi có đồng bào, con em của mình, dù được khen là đẹp phải thất thân đi làm gái mại dâm.
Không những được khen đẹp lắm, mà dân địa phương còn một “lắm” nữa, khi nói: “Con gái Việt Nam rẻ lắm!”

Image
Một chuyến bay của Vietnam Airlines cất cánh tại phi trường Ðà Nẵng. Nhân viên hãng này từng bị tố cáo đánh cắp hàng hóa
trong các siêu thị Nhật vận chuyển về Việt Nam.



Khi Ðông Bàn đang đứng trên đất Malaysia, hẳn ông không thể nào hãnh diện là người Việt Nam.

Chúng ta cũng không hãnh diện là người Việt Nam, nếu chúng ta đang ở Ðài Loan.

Theo số liệu thống kê kết hôn giữa phụ nữ Việt Nam với người Ðài Loan trong 14 năm (1995-2008) đã có 117,679 trường hợp, chiếm 82% tổng số phụ nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài. Trong một đảo quốc nhỏ như Ðài Loan đã có hơn 10,000 phụ nữ Việt bỏ xứ sang đây làm vợ người, dù hạnh phúc hay khốn khổ, thì cũng vì thân phận nghèo đói, tương lai mờ mịt, có vinh dự gì cho đất nước khi đàn bà phải ly hương, với những cuộc hôn nhân không tình yêu chỉ vì đồng tiền. Ðiều khốn nạn nhất là trong tâm ý của người dân đồng bằng Cửu Long, “lấy chồng Ðài Loan” là chuyện mơ ước của tất cả mọi người. Một đôi vợ chồng đem con gái về thăm quê được một người bà con buột miệng khen: “Úi, con bé này ngộ quá, lớn chút nữa lấy chồng Ðài Loan được à nghen!”

Cũng ở Ðài Loan, năm người lao động Việt Nam làm thuê ở một công ty thủy sản địa phương đã hợp lực khiêng lồng đi bắt hai con chó của dân địa phương bỏ vào bao tải, dìm xuống biển cho chết, sau đó mang lên làm thịt.

Ngoài việc phải quỳ hai giờ cúi lạy bàn thờ chó để tạ tội và để quần chúng giảm cơn thịnh nộ, năm người lao động Việt Nam này còn bị phạt 10,000 tiền Ðài Loan.

Câu trả lời cũng là không, nếu chúng ta đang ở Nhật.

Trên nhiều diễn đàn của Nhật, nhiều người Nhật “cực đoan” kêu gọi tẩy chay người Việt, đuổi hết người Việt về nước, cắt vĩnh viễn các khoản viện trợ cho Việt Nam. Có người so sánh viện trợ cho Việt Nam uổng hơn là đổ tiền vào... cống, bởi tiền thuế của họ đang được dùng để nuôi bọn “dòi bọ” ở Việt Nam, sau những vụ: PCP, một tập đoàn cung cấp dịch vụ của Nhật bị Việt Nam đòi hối lộ 15% để được trúng thầu các dự án dùng tiền viện trợ của Nhật tại Việt Nam; Nhân viên, tiếp viên hàng không và phi công Vietnam Airlines, tổ chức đánh cắp hàng hóa trong các siêu thị Nhật để vận chuyển hàng gian về tiêu thụ tại Việt Nam; Các tu nghiệp sinh Việt Nam trước khi sang Nhật đã bị các doanh nghiệp xuất khẩu lao động CSVN bóc lột thậm tệ; Lãnh sự quán Việt Nam ở Nhật tại Osaka tổ chức bán giấy thông hành Việt Nam.

Trong một số siêu thị tại Nhật, có bảng cảnh cáo dành cho người Việt về chuyện ăn cắp vặt sẽ bị vào tù! Bức ảnh đã làm rộ lên tin đồn về nạn ăn cắp vặt của người Việt ở bên Nhật. Nhiều người cho rằng, người Việt đã để lại ấn tượng xấu xa trong mắt người Nhật khi xuất ngoại sang đất nước của họ.

Câu trả lời cũng là không, nếu chúng ta đang ở Singapore.

Trang mạng với tên gọi là Craigslist có mặt tại Singapore đưa thông tin rằng khách hàng có thể lựa chọn “gái Việt còn trinh,” giá khoảng $3,000 một tuần, ngay tại sân bay, khách sạn hoặc bất cứ nơi nào khách hàng yêu cầu. Tình trạng các cô gái Việt Nam bán trinh tại Singapore dường như công khai, ai cũng hay biết. Cảnh sát Singapore cho biết, hầu hết các cô gái Việt còn trinh đều ở độ tuổi từ 16 đến 17, đến và “làm việc” qua nhân vật trung gian, và năm ngoái, tại đây, một cô gái Việt Nam 17 tuổi cũng đã rao bán trinh tiết với giá $1,500!

Câu trả lời cũng là không, nếu chúng ta đang ở Nga.

Các đường dây buôn người đưa hàng nghìn phụ nữ Việt Nam vào các nhà chứa Nga, nhưng Ðại Sứ Quán Việt Nam tại Nga từ chối trả lời câu hỏi của BBC cho rằng cơ quan này không có thẩm quyền để nói về việc này. Theo Tiến Sĩ Nguyễn Ðình Thắng: “Trong tất cả các trường hợp ở Nga này, thủ phạm là những người Việt được bao che bởi một số giới chức ở Tòa Ðại Sứ Việt Nam ở Nga, thậm chí họ thành Hiệp Hội May Dệt dưới sự bảo trợ của Tòa Ðại Sứ Việt Nam.”

Cảnh sát Nga vừa khám phá một xưởng may “đen” dưới lòng đất tại khu chợ Cherkizov ở thủ đô Moscow, bắt hằng trăm di dân lậu Việt Nam. Nạn buôn lậu của người Việt tại Nga là chuyện xảy ra hằng ngày, có lẽ bởi nguyên nhân trong 80,000 người Việt ở Nga đã có 80% làm nghề buôn bán, phần lớn là chợ trời, mánh mung.

Ở Ba Lan: “Cầm quyền Hà Nội và nhân viên Tòa Ðại Sứ Việt Nam tại Warsaw là một băng nhóm tội phạm có tổ chức, một hệ thống Mafia.” (Ðài báo Weltspiegel Ðức)

Câu trả lời là không, ở mọi nơi trên thế giới.

Trên VietNamNet, người Việt Nam sinh sống ở Nhật, ở Nga, ở Anh, ở Úc, ở Nam Phi, ở Mozambique và ngay cả ở California, đã trình bày những những mẩu chuyện về người Việt đọc xong chỉ muốn “độn thổ,” với bao nhiêu thói hư, tật xấu khác của người Việt từ trong nước đến như trộm cắp, gian dối, đái bậy, khạc nhổ, vứt rác bừa bãi, ăn uống thô tục, tranh giành, chen lấn nơi công cộng, không biết nói cảm ơn, xin lỗi khi cần. Nói về chuyện ăn cắp và ăn cắp vặt thì Việt Nam chắc hẳn bỏ xa đàn anh Trung Quốc. Ngay cả cuộn giấy đi cầu trong khách sạn, khách người Việt cũng không tha.

Một người Việt làm nghề thông dịch cho tòa án và cảnh sát ở Úc, cho biết phần lớn thủ phạm ăn cắp trong siêu thị và trồng cần sa trong nhà là những người mới định cư, đặc biệt những người từ Bắc Việt Nam và du học sinh. Mỗi lần người này đi dịch là anh ta khổ tâm vì cảm thấy nhục nhã cho dân tộc mình.

Trong khi trao đổi chuyện này với một phụ nữ trong nước, bà này đã viết cho chúng tôi: “Năm 2008 vào dịp Tết Nguyên Ðán, tôi được con trai cho di du lịch Doha (Qatar,) sẵn dịp công ty của con bảo lãnh qua chơi Dubai. Nhưng đến chiều về lại Doha thì bị giữ lại phi trường vì nghe nói có chuyện gì xảy ra ở một siêu thị mà có người Việt mình dính vô. Trong khi cả đoàn ‘check in’ thì riêng tôi bị giữ lại vì mang passport CHXHCN Việt Nam. Mang hộ chiếu Việt Nam đi nước ngoài buồn lắm ông ơi!!!”

Lâu nay, người ta nhắc đến hai chữ Việt Nam hơi nhiều, không phải vì “tiếng tăm” mà vì “tai tiếng!”

Như vậy cũng không nên trách câu phát biểu của Ðức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt : “Chúng tôi đi nước ngoài rất nhiều, chúng tôi rất là nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam, đi đâu cũng bị soi xét, chúng tôi buồn lắm chứ, chúng tôi mong muốn đất nước mình mạnh lên. Làm sao như một anh Nhật nó cầm cái hộ chiếu là đi qua tất cả mọi nơi, không ai xem xét gì cả. Anh Hàn Quốc bây giờ cũng thế.”

Nhân câu nói này, các cơ quan truyền thông tại Việt Nam đã chỉ trích, lên án ông và đặt câu hỏi về lòng yêu nước của ông.

Tôi thì nghĩ khác, vì yêu nước nên ông Ngô Quang Kiệt mới cảm thấy nhục nhã. Tôi cũng không hãnh diện lắm về chuyện làm người Việt Nam, nhưng không phải như vậy là tôi không yêu nước, mà có thể vì lòng yêu nước, biết đâu có tác giả sẽ cho ra đời một cuốn sách mang tên “Người Việt Xấu Xa”.

Chúng ta đang nói chuyện người Việt dưới chế độ Cộng Sản. Ðể công bằng chúng ta nên có thêm một cái nhìn về người Việt ở Mỹ. Ngoài những chuyện được đề cao là làm “vẻ vang dân tộc Việt,” không có gì hơn là xin trích dẫn lời của ông Nguyễn Hữu Hanh, cựu thống đốc ngân hàng VNCH:

“Những năm tiếp theo đó ở nước Mỹ, tôi lại càng thêm ngao ngán và tuyệt vọng. Ngoài một số thành tích sáng chói của sinh viên Việt Nam và một vài thành công đáng kể của các chuyên gia Việt Nam trẻ tuổi, thì cộng đồng người Việt di tản đã gây nên tai tiếng xấu xa trong cái xã hội đã dung dưỡng họ: Bên cạnh những người đang cố gắng làm lụng để nuôi nấng con cái, một số người di tản lại đem qua đây những thói xấu cũ, lừa đảo và chôm chỉa bất cứ khi nào có dịp. Không phải chỉ có những người nghèo khổ phải sống bằng tiền trợ cấp, mà cả những tầng lớp trên (bác sĩ, dược sĩ, những người môi giới cổ phần, mua bán bất động sản, v.v.). Một ngày nọ tại Westminster, bang California, người ta trông thấy 80 vị bác sĩ và dược sĩ Việt Nam bị còng tay dẫn đi sau một toán cảnh sát Mỹ. Xấu hổ thay cho cộng đồng người Việt chúng ta ở đây, và xấu hổ lây cho cả quê hương đất nước chúng ta bên kia nữa!” (“Lời Nói Ðầu” - “Làm việc với các nhân vật danh tiếng thế giới” hồi ký, XB 2004.)

Như vậy, sau một người có tên tuổi trong nước là Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt cảm thấy “nhục nhã,” bây giờ một người ngoài nước, lại là một viên chức cao cấp của hai nền Cộng Hòa Việt Nam, cảm thấy “xấu hổ,” một phụ nữ bình thường thì than “buồn lắm!” Thế mà không biết sao thời “chống Mỹ” báo chí miền Bắc lại phịa ra câu chuyện một anh chàng “bá vơ” nào đó tuyên bố: “Mơ ước một buổi sáng thức dậy, thấy mình được trở thành một người... Việt Nam!”
Ông Nguyễn Hồi Thủ khi dịch cuốn “Người Trung Quốc Xấu Xí” đã có nhận xét: “Thường trong lịch sử Việt Nam vốn đã rất ít người thật tình có can đảm và trung thực để tìm hiểu, phê bình, những cái xấu, cái dở của dân tộc mình. Gần đây lại chỉ toàn thấy ca tụng đất nước rừng vàng biển bạc, con người cần cù, thông minh, cao cả, đẹp đẽ, kiên cường, anh hùng, trong sáng... Thậm chí lại có cả người lãnh đạo lấy tên giả viết sách để ca ngợi cá nhân mình, có cả nhà văn bịa tên một người nước ngoài để ca ngợi dân tộc mình.”

Báo Thanh Niên trong nước đã đặt câu hỏi: “Người Việt thông minh, chăm chỉ và anh hùng, thế bạn có hãnh diện là người Việt Nam không?”

Thưa, các yếu tố thông minh, chăm chỉ và nhất là kiểu “ra ngõ là gặp anh hùng,” chưa đủ để tạo thành một con người tử tế và một đất nước tử tế để cho thế giới tôn trọng và yêu mến!

kalua
Posts: 838
Joined: Sun Apr 22, 2012 5:26 pm

Post by kalua »

Image

Phải biết hổ thẹn vì... Tư Sâu

Nguyễn Bá Chổi
(Danlambao) - Ai cũng biết Tư Sâu đây là Tư Sang, bắt tình tang là đương kim Chủ tịch nước CHXHCNCC do đảng CSCC (đảng CS Chấm Chấm) lãnh đạo. Tư Sâu nói một đàng và làm một nẻo, khiến người ta phải xấu hổ vì... Tư Sâu.

Tư Sâu trong vai trò “làm cha mẹ thiên hạ” (chi dân phụ mẫu), người vừa được Cuốc Hội “bỏ phiếu tín nhiệm cao” hơn đồng chí Ba Ếch, từng dạy “phải biết hổ thẹn với tiền nhân, với những bậc tiên liệt về những yếu kém, khuyết điểm của mình đã cản trở bước đi lên của dân tộc”.

“Phải biết hổ thẹn với tiền nhân, với những bậc tiên liệt về những yếu kém, khuyết điểm của mình đã cản trở bước đi lên của dân tộc”. Tư Sâu phán “phải biết...” mới cách đây chưa đầy mươi tháng (2/9/2012), nhưng “thần dân” của Tư Sâu đã “biết hổ thẹn...” từ khuya lắm rồi, tức là từ ngày khám phá ra bồ đoàn đảng nhà Sâu toàn nói một đàng làm một nẻo - nói chính xác hơn, làm ngược lại với nói (“cán bộ là đầy tớ nhân dân”; “vô sản chuyên chính”; “tự do báo chí; tự do ngôn luận: tự do tụ họp; tự do bày tỏ chính kiến; tự do tôn giáo; tự do đủ thứ gấp vạn lần tư bản giãy chết”.)

Dầu sao cũng “phải biết” cám ơn anh Tư (Sâu) đã nhắc nhở cho bà con phấn đấu khắc phục những “yếu kém, khuyết điểm của mình”, để trong tương lai khỏi còn “hổ thẹn với tiền nhân, với những bậc tiên liệt..,”

Nhưng, chú Tư Sâu ơi, làm sao mà “bước đi lên của dân tộc” cất được, khi hai cái chân “chết đứng như Từ Hải”, cái đầu thì gục xuống tựa muông chim, cái lưng thì cong khòm, như ngài chủ tịch nước CHXHCNCC khi đứng trước cờ đỏ năm sao vàng, một bên người đồng chức “vừa là đồng chí vừa là anh em” như thế này:
Image
Những ai còn là người Việt Nam lại không phải hổ thẹn vì... Tư Sâu

User avatar
ngayngo
Posts: 1209
Joined: Sat Nov 01, 2008 8:34 pm

Post by ngayngo »

Chuẩn Bị Để Trở Nên Một Người Già Dễ Mến

Tác giả : Nguyễn Huỳnh Mai
Cuộc đời sẽ được nhẹ nhàng hơn nếu biết cắt giảm, từ đời sống vật chất cho đến đời sống tinh thần.

Con người sở dĩ mang nhiều tật bệnh vì hệ thần kinh bị rối. Bệnh vì lo nghĩ ôm đồm, bệnh vì sợ hãi mất mát từ tình cảm đến vật chất. Bệnh vì thương quá hay ghét quá. Nếu bệnh vì không có của cải, vật chất đầy đủ thì cũng bệnh vì có nhiều có hơn những thứ mình cần. Nếu không bệnh vì thiếu ăn, thì cũng bệnh vì ăn quá nhiều những thực phẩm không cần thiết hay thực phẩm gây bệnh hoạn.

Người ta bệnh vì quá cô đơn mà cũng bệnh vì có quá nhiều người để lo, để nghĩ đến.

Muốn nhẹ nhàng bớt bệnh ta cần thanh lọc từ đời sống vật chất lẫn đời sống tinh thần, nhất là đời sống tâm linh không quân bình vì đi quá đà.

Tất cả, chỉ vì ta thiếu định tâm, quán chiếu về mình, về đời sống vật chất, tinh thần lẫn tâm linh.

Sự rối beng làm cho đầu óc ta bấn loạn. Mà khi hệ thần kinh rối loạn thì ảnh hưởng rất lớn đến bộ tuần hoàn, từ bộ tiêu hóa đến máu huyết luân lưu không đều gây nên mệt tim, ăn ngủ không được hay rối loạn tiêu hóa.

Khi bộ tuần hoàn rối loạn thì bệnh tật khó tránh và ảnh hưởng ngược lại hệ thần kinh và ta đi đứng nằm ngồi không yên, tinh thần rối loạn nghĩ suy sai lầm nghe không đúng, thấy sai, nói năng bậy bạ gây nhiều lầm lẫn trong đời sống thường nhật.

Nếu tâm ta nhẹ nhàng bình an quán chiếu mỗi sự suy nghĩ hay nói năng, hành động không đúng ta đều nhanh nhẹn bắt kịp và sửa đổi để không nói năng hành động quá trớn gây đổ vỡ hiều lầm đối với gia đình, người thân hay bạn bè, đồng đạo.

Sai lầm thường bắt nguồn từ những điều nhỏ nhất, một câu nói vô tình, vu vơ, một hành động nhỏ theo thói quen mà ta không chịu sửa. Ta bỏ qua những lỗi lầm của mình, và dần dần sẽ xem nhẹ nó để rồi sẽ vi phạm những lỗi lầm lớn hơn.

Nếu ta không bắt được những lỗi lầm nhỏ, nhất là thói quen khó sửa của ta để tự điều chỉnh lại, thì dần dần tính nết ta sẽ trở nên gàng dở lúc về già.

Nếu muốn trở nên một người dễ chịu lúc về già được mọi người thương mến, ta cần chú tâm cải sửa và tu tập từng bước một ở bất cứ lứa tuổi nào.

Tu tập cũng là một cách chuẩn bị để trở nên một người già dễ mến có đời sống bình an đầy đạo hạnh.

User avatar
khieulong
Posts: 6768
Joined: Wed Dec 01, 2004 9:09 pm
Been thanked: 1 time

Post by khieulong »

Image
Tổng Lú tham gia cuộc chiến Ba-Tư

Truyện phiếm hay tiếu lâm chính trị luôn là đề tài vui của mọi thời cuộc và chính trường Việt Nam cũng không ngoại lệ. Một số "thế lực phản động và diễn biến hòa bình" luôn thổi phòng một số chính kiến khác nhau của lãnh đạo Việt gây mâu thuẫn đoàn kết nội bộ của Đảng ta.

Thế sự tại hậu trường Việt Nam hiện nay đã dần đến hồi kết, cuộc chiến Ba-Tư đã đến kỳ đỉnh điểm hai nhóm không còn "khẩu chiến" nữa, mà đã dẫn đến những cú "nốc ao" thực sự, chúng ta hãy nhìn kỹ những gì đang diễn gần đây.

Đầu tiên Ba ếch cùng đàn em bãi nhiệm đại biểu QH bà Hoàng Yến phe Tư Sâu. Còn Tư Sâu cho đàn em bắt bầu Kiên ngay sau đó, ngay trong tháng này cứ nhìn Sài Gòn, Hà Nội và Hải Phòng là biết bởi những thành phố trên là đơn vị bầu cử của Ba, Tư và Trọng Lú.




Khai chiến lần này chính là liên minh Tổng Lú và Tư S. Mùa hè năm trước sau hội nghị TW 6 khóa XI ngày 12/7/2012 không kỷ luật được đồng chí X. Sự tức tối ra mặt của Lú và Tư Sâu trong phiên bế mạc và tiếng cười của ếch đã được các trang mạng ghi lại khỏi phải bình luận cũng đủ thấy họ tức đến cỡ nào?

Thua keo này bày keo khác; liên minh Lú lùn và Tư sâu quyết xử cho được đồng chí Ếch, đích thân anh Lú thân chinh ra Đà Nẵng gọi Bá Thanh về trung ương, giao cho chức Thanh tra chính phủ để nhằm diệt Ếch, nhưng nếu như Bá Thanh không nằm trong ban chấp hành bộ chính trị trung ương đảng thì không thể xử được ai. Nên vào hội nghị TW 7 vào 11/04/2013 vừa qua bầu ban chấp hàng trung ương bầu 2 vị trí vào BCH TW đảng cộng sản, Ếch đã cho Bá Thanh đo ván đồng thời ban thanh tra chính phủ còn đóng dấu kết luận sai phạm nghiêm trọng làm thất thoát hàng ngàn tỷ về đất đai ở Đà Nẵng (1) mà Bá Thanh cũng khó mà thoát khỏi tội?

Ngày 14/05/2013 diễn ra bỏ phiếu tín nhiệm nhưng đồng chí X vẫn cứ bình yên vô sự, nên đầu tháng 6/2013 liên minh Trọng Sang tức tối đem quân đánh vào đơn vị bầu cử của tư Ếch, là thành phố Hải Phòng để nhằm hạ uy tín của đối thủ, liên tục trong tháng này báo đảng đăng những cảnh ăn chơi chát tán, phố mại dâm ở Hải Phòng (2) để nhằm bôi nhọ và răn đe ba Ếch. Nhưng vỏ quýt dày có móng tay nhọn, Ba Ếch tức tốc cho quân đánh mạnh vào hai thành phố lớn khác là, Hà Nội (3) đơn vị bầu cử của Tổng Lú và Sài Gòn (4) là thánh địa bầu cử của Tư Sâu.

Trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết; các đàn em củaTổng Lú, Tư Sâu, Ba Ếch lần lượt bị liên luỵ. Tay nào mà chẳng dính chàm, sợ rằng cuộc đấm đá sẽ làm tan tành nên phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, (5) chủ trì phối hợp bộ công an và các địa phương liên quan kiểm tra vấn đề báo chí nêu trên, cung cấp đầy đủ thông tin để trình thủ tướng vào ngày 5/7/2013, ngay ngày hôm nay với vụ xử hoa hậu Mỹ Xuân đi tù 2 năm 6 tháng, báo đảng nói (6)nên thừa nhận đây là một cái nghề công khai trong xã hội, như bao nghề khác để có sự quản lý của nhà nước còn hơn là tiếp tục giả dối nhau.

Tư sâu vừa đi Tàu ký nhiều văn bản đồng thuận về biển đông, ếch cho thứ trưởng quốc phòng thượng tướng Đỗ Bá Tỵ đi Mỹ (7) (để khẳng định Việt Nam coi trọng phát triển quan hệ toàn diện với Hoa Kỳ, trong đó có quan hệ về quốc phòng). Với thế cân bằng giữa cuộc chiến Ba Tư như hiện nay, kẻ chủ chiến là liên minh Tư Sâu, Tổng Lú nếu không tiêu diệt được ba Ếch thì chắc chắn Ếch sẽ quay đầu đập nát liên minh Lú - Sâu và phá tan CS là điều sẽ xảy ra.

Trong quá khứ vào ngày 1/7/1971 ngoại trưởng Mỹ Kissinger đã bí mật từ Pakistan đi gặp Chu Ân Lai (8 ) để ván cờ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã kết thúc bằng việc Hoa Kỳ chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam và đổi lại. Mỹ có một thị trường rộng lớn là cả Trung Hoa đại lục. Còn ngày nay khi tổng thống Mỹ Obama đã tuyên bố quay trở lại châu Á. (ai cũng biết để nhằm kìm hãm Trung Quốc, về kinh tế và quân sự) và việc tập trận hải quân chung với các nước Nhật Hàn, Philippin... và tăng cường các chuyến thăm của tàu hải quân đến Việt Nam, là nhắm vào Trung Quốc.

Nếu đích thân anh Ếch cậy nhờ Mỹ thì trên bàn cờ Mỹ sẽ giữ lấy Việt Nam để đổi lại, là Mỹ sẽ cho phép Trung Quốc được bán hàng vào thị trường Mỹ, và cái được của Mỹ là cửa ngõ tiếp cận Trung Quốc một cách nhanh nhất, về đường biển đường bộ để khống chế sự bành trướng hung hăng của Trung Quốc, với tất cả đồng minh thì ai mà biết được. Hiện tại phe thân tàu trong đang thắng thế, nếu Ếch mà không chết thì chuông gọi hồn ai Tư Sâu hay Tổng Lú?

(Vietinfo.eu)

nguyenthanh
Posts: 859
Joined: Fri Jan 06, 2012 5:40 pm

Post by nguyenthanh »

Snowden, Tội Lỗi
Vi Anh


Những điều Snowden đã làm là những điều sai về lương tâm, trái với pháp luật, có lỗi với đất nước và nhân dân đã nuôi dưỡng anh – là những tội lỗi không thể nhân danh bất cứ cái gì để biện minh được.
Một nhân viên dầu làm cho công ty tư cung ứng dịch vụ phục vụ cho an ninh, quốc phòng của đất nước mình, cũng phải theo những qui điều của nghề nghiệp, của khế ước, của luật pháp của chánh quyền. Đó là nội qui của việc làm, là lương tâm chức nghiệp, người làm đã minh thị và mặc thị chấp nhận khi xin và được nhận vào làm. Làm ngược lại là sai trái phải bị chế tài về đức nghiệp và trừng phạt về luật pháp.

Nếu Sowden không chấp nhận những qui điều bảo mật, qui tắc hành nghề này thì đừng làm, xin nghỉ việc, không ai có thể bó buộc được.

Đằng này Snowden chấp nhận làm việc với số lương trên 200.000 Đô la mỗi năm, bằng nửa lương cả năm của tổng thống Mỹ. Đó là chưa nói công ơn của đất nước và nhân dân Mỹ này đã cung ứng cho anh giáo dục phổ thông, chuyên môn, đào tạo anh thành một chuyên viên với mức sống trên trung lưu ở Mỹ.

Thế mà không trả ơn đất nước và nhân dân, Snowden lại nỡ đành phản bội Tổ Quốc là đất nước, nhân dân, chánh quyền Mỹ. Anh đành đoạn lợi dụng công việc của mình, thâm nhập vào hệ thống, sao chép tài liệu bí mật quốc phòng, tình báo, ăn cắp nhu liệu rồi tố cáo chánh quyền Mỹ. Đó quả làm hành động phản bội Tổ Quốc và gián điệp cho đối phương từ hình thức đến nội dung, vi phạm rõ rệt Đạo Luật Tình Báo của Hoa Kỳ.

Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ đã tiến hành thủ tục truy tố trước toà. Bộ Ngoại Giao và chánh quyền Mỹ nói chung đang tiến hành thủ tục truy tầm, truy nã đưa anh về Mỹ ra trước ánh sáng công lý.

Anh là một người Mỹ phản bội, làm gián điệp từ hình thức đến nội dung. Đây là một vụ án từ Quốc Hội đến Hành Pháp, từ Đảng Cộng Hoà đến Dân Chủ dĩ chí truyền thông đại chúng Mỹ đều lên án.

Những người giúp anh như Wikileaks, những nước anh lựa chọn để lánh nạn, Trung Cộng, Cuba, Ecuador là những nước có chế độ chánh trị đi ngược lại với tuyên bố của anh, rằng anh hành động vì sự minh bạch, tự do báo chí và quyền riêng tư.

Snowden tạo cơ hội cho TC và Nga khai thác tình báo chiến lược của Mỹ. Không phải không có lý do khi Snowden đi Hồng Kông để đào tỵ. Hồng Kông với TC tuy một quốc gia hai chế độ, tuy Hồng Kông có hiệp ước dẩn độ với Mỹ nhưng TC nắm quyền tối thượng phủ quyết đối với Hồng Kông. Nhưng ngày Snowden đến Hồng Kông ẩn mặt, ai bảo đảm tình báo TC không khai thác tình báo chiến lược của Mỹ từ Snowden.

Nhưng TC ăn cháo rồi đá bát, không chứa Snowden, TC vuốt mặt Mỹ cũng phải nể mũi Mỹ. TC chỉ cần lợi dụng vụ Snowden tố ngược Mỹ là “đại côn đồ” tin tặc, một mạ lỵ nặng nề nhứt của TC đối với Mỹ từ trước đến giờ. TC có cớ để hoá giải lời trách móc của TT Obama nói với Chủ Tich Nước Tập cận Bình, rằng tin tặc TC liên tiếp tấn công Mỹ.

Snowden cũng tạo điều kiện cho TT Putin của Nga cơ hội bằng vàng để tình báo Nga khai thác Snowden ở khu quá cảnh của phi trường Moscow. Không phải không lý do để Nga “ém” Snowden hai ba ngày sau mới cho biết Snowden còn ở phi trường Nga, chưa đi đâu cả.

Nhiều nhà phân tích cho rằng TT Putin nhận đồ của TC vứt đi, nhưng “cải tạo” lại để TT Putin có thể biến thành điều kiện hoà dịu với Mỹ. Tuy Nga Mỹ không có hiệp ước dẩn độ, nhưng hai nước đã từng trao đổi tội phạm, giúp nhau trong việc chia xẻ tin tức và giúp nhau điều tra về khủng bố như vụ Boston.

Nga không cần trục xuất Snowden về Mỹ mà chỉ cần báo tin Snowden đi chuyến bay nào, qua vùng trời của Mỹ xuống Nam Mỹ, sân sau của Mỹ thì Mỹ có nhiều cách bắt tội phạm, hộ chiếu Mỹ không còn hiệu lực và đang truy nã.

Nhơn danh cái gì mà Snowden cố ý gây tai tiếng cho chánh quyền Mỹ, cho Cục Tình Báo Quốc Gia Mỹ, tố cáo Mỹ gọi là kiểm soát điện đàm, điện thư xâm phạm quyền tự do cá nhân và quyền riêng tư của người Mỹ. Đến Hồng Kông y còn tố cáo Mỹ tin tặc Trung Cộng để TC phản công lời cáo buộc của TT Obama khi hai người gặp nhau ở Cali.

Chánh quyền Mỹ không giấu diếm, nói không bao giờ chánh quyền làm điều ấy với công dân Mỹ, mà chỉ làm điều ấy đối với những người ngoại quốc có dính líu với quân khủng bố; nhờ thế mà ngành an ninh đã phá vỡ nhiều âm mưu khủng bố trong trứng nước, từ sau cuộc khủng bố 911 tới giờ Mỹ bốn phương phẳng lặng hai kinh vững vàng. Và chánh quyền Mỹ làm điều ấy có căn bản pháp lý, luật Patriot được Quốc Hội thông qua sau cuộc khủng bố 911.

Thủ tục tố tụng của của chánh quyền Mỹ đối với Snowden hoàn toàn dựa vào luật pháp và tập tục ngoại giao. Bộ Tư Pháp truy tố Snowden hoạt động gián điệp và đánh cắp tài sản của chính phủ - cụ thể là Snowden đã cung cấp trái phép thông tin quốc phòng, và cố ý cung cấp các thông tin tình báo mật.. Tòa án liên bang ở Alexandria, tiểu bang Virginia, đã thụ lý.

Mỹ là nước tự do, dân chủ, pháp quyền. Snowden có thể đồng ý hay không đồng ý lập trường của tổng thống này hay tổng thống kia của Mỹ, nhưng nghĩa vụ bảo quốc an dân là nghĩa vụ chung của đất nước và nhân dân Mỹ. Snowden có thể phản chiến hay không phản chiến, thiên tả hay thiên hữu nhưng lực lượng quân đội, an ninh ngày đêm chiến đấu âm thầm, sanh tử với kẻ thù của Mỹ để người Mỹ ở trong nước được an cư lạc nghiệp, thì không có lý do gì để anh chống những người xả thân ra bảo quốc an dân do lịnh của chánh quyền dân cử hợp hiến, hợp pháp.

Cá nhân Snowden, một bộ óc của Snowden không thể, không bao giờ có thể hiểu biết, khôn ngoan hơn chánh quyền Mỹ nói chung do dân bầu ra được uỷ nhiệm làm nghĩa vụ bảo quốc an dân.

Là một người vào được hệ thông tình báo quốc gia mật trên mạng, chắc chắn Snowden phải biết ngành quân sự và an ninh không thể làm tròn nghĩa vụ bảo quốc an dân nếu không có tai mắt, không có tin báo. Tình báo hiện đại bây giờ ít dựa vào những điệp viên như James Bond dã tưởng nữa mà dựa vào khối lượng tin báo thu thập qua nhiều cách trong đó qua các phương tiện tin học, như Internet, phone, emails, v.v... với hàng tỷ tỷ thông tin để từ đó giải mật, sàng lọc, đánh giá. Nếu không tin báo thí bó tay.

Vã lại khi làm việc này, chánh quyền Mỹ nói chung, ngành tình báo Mỹ nói riêng có căn bản pháp luật, là đạo luật Patriot chớ không phải làm vô luật.

Snowden có thể bất đồng ý kiến với đường lối ngoại giao của chánh quyền Dân Chủ hay Cộng Hoà, nhưng không có quyền tạo xì căn đan tai hại nghiêm trọng cho đất nước, nhân dân và chánh quyền Mỹ. Đó là phản quốc.

Luật nhân quả chỉ rõ, Thiện ác đáo đầu chung hữu báo, Cao phi viễn tẫu giả nan tàng. Sớm muộn gì Snowden cũng phải ra trước ánh sáng công lý của Mỹ. Và cuộc đời còn lại của Snowden sẽ dành dể nhổ từng sợi tóc suy tư về tội lỗi phản quốc, làm gián điệp, gây thiệt hại cho đất nước và nhân dân đã nuôi dưỡng mình trưởng thành./.

nguyenthanh
Posts: 859
Joined: Fri Jan 06, 2012 5:40 pm

Post by nguyenthanh »

Lời ai điếu cho một bài thơ dở

Nguyễn Thị Thảo An
Xin nói ngay tôi không có ý định chê bai hay châm biếm ai. Bài thơ và người làm thơ đó đã mất tích từ lâu lắm. Bây giờ, chính tôi cũng không còn nhớ nữa.

Tôi vốn mê thơ từ hồi nhỏ.
Bắt đầu là mê những lời mẹ ru, rồi lớn lên, ê a những bài vỡ lòng lớp Một.

“Quả cau nho nhỏ
Cái vỏ vân vân
Nay anh học gần
Mai anh học xa
Tiền bạc là của mẹ cha
Cái nghiên, cái bút mới là của anh.”


Tôi lẩm nhẩm đọc theo đến thuộc làu, nhưng lúc đó không khỏi thắc mắc, cái “Quả cau nho nhỏ. Cái vỏ vân vân” thì có mắc mớ chi tới “Cái nghiên, cái bút”?

Hồi nhỏ, trí óc thô thiển, không hiểu được cái thâm thúy của bài thơ. Không hiểu, nhưng vì mê thơ, mê chữ, tôi cứ đọc bừa, bất kể thượng vàng hạ cám, thơ hay thơ dở.

Đọc hết những bài thơ trong sách giáo khoa, tôi quay ra mê đọc những truyện thơ.

Thời đó, các cơ sở kinh doanh tư nhân sản xuất các loại tập giấy học trò 50,100 trang, bìa trước in hình ba cô gái Bắc Trung Nam, bìa sau in nhiều truyện tranh thơ. Từ những truyện cổ tích lịch sử, truyện dân gian như Truyện Trầu Cau, Sự Tích Quả Dưa Hấu, truyện Bánh Dày Bánh Chưng, Sơn Tinh Thủy Tinh,... cho tới những truyện hoang đường, ma quái như truyện Mục Kiền Liên, truyện Thanh xà Bạch xà. Mỗi truyện dài ngắn đều được tác giả tóm gọn trong 16 câu thơ và 8 ô tranh minh họa.

“-Bạch Xà cùng với Thanh Xà
Hai con tinh rắn tu đã lâu năm
-Hóa thành cô gái đẹp xinh
Gặp nhau ở một tòa đình cổ xưa
-Hớn Văn lại bị rắn lừa
Mắc oan trộm bạc bị vô huyện đường
-Mồng Năm thấy rắn giữa giường
Hớn Văn kinh khiếp ngất luôn bên màn
-Gặp sư Pháp Hải tỏ tường
Hớn Văn mới biết hai con rắn tà
-Rồng vàng còn bị sư thâu
Hai con rắn bị giam vào tháp kia...”


“Chuyện nhảm.”
“Thơ dở như quỷ.”

Lần nào cũng vậy, chưa đợi tôi đọc hết bài, thể nào mẹ cũng phán những câu đại loại.

Ờ, mà dở thật, ngay cả một đứa con nít như tôi cũng nhận ra điều này. Nó dở, vì những câu thơ thế này thì lúc đó tôi cũng có thể... viết được.

Lật đi lật lại, bìa trước bìa sau cũng không thấy đề tên tác giả.

Thật kỳ lạ! Ai làm thơ mà không ký tên thế này?

Một vài năm sau, khi chuyển qua trường công lập, thầy cô cấm không được dùng những loại tập có in truyện ở bìa sau. Lý do: trẻ con không được đọc những truyện nhảm. Lệnh cấm đã muộn. Con nít trong xóm, đứa nào cũng thuộc.

Mãi về sau, hình ảnh hai con rắn xoắn khúc vẫn ngáng trong lòng tôi nhiều mối hoài nghi. Không lẽ người ta không làm được cho con nít một bài thơ khá hơn, không tìm một câu truyện nào hay hơn? Bài thơ dở đi theo tôi qua những chặng đường dài. Thỉnh thoảng tôi cứ nghĩ vể nó như một lẽ bất toàn, như một vệt lem quẹt ngang trên tờ giấy trắng.

So sánh với thơ Con Cóc, bài Con Cóc vẫn hay hơn. Hay ở chỗ thơ Con Cóc mang được tính đặc trưng cho một bài thơ dở nhất.
Dở nhưng không nhảm.

“Con cóc trong hang
Con cóc nhảy ra
Con cóc nhảy ra
Con cóc ngồi đó
Con cóc ngồi đó
Con cóc nhảy đi.”


Chuyện cóc ngồi, cóc nhảy là chuyện bình thường, không đáng nói. Nhưng Thanh xà Bạch xà thì khác, đó là một câu chuyện nhảm. Mặc dù nó là một trong tứ truyện truyền thuyết dân gian phổ biến nhất của Trung Quốc. Không một người Tàu nào không biết truyện này.Thanh xà, Bạch xà là hai con rắn tu luyện ngàn năm nên có phép thuật biến hóa thành người. Một hôm, tình cờ gặp Hớn Văn trong một ngôi miếu cổ, Bạch xà đem lòng yêu thương. Rồi họ kết duyên và chung sống. Vì mưu sinh, Bạch xà đành phải trộm bạc cho chồng. Hớn Văn vô tình tiêu bạc trộm nên bị kiện ra công đường. Có lần nhân tiệc Tân Xuân, Bạch xà Thanh xà quá chén, bị hiện nguyên hình là hai con rắn lớn. Hớn Văn quá đỗi kinh sợ, nhờ sư Pháp Hải bắt nhốt rắn vào tháp Lôi Phong. Sau mười năm kinh kệ sám hối, cuối cùng Hớn Văn và Bạch xà mới được tái hợp, đoàn viên.

Hồi nhỏ, coi truyện này, đầu óc trẻ con không khỏi thắc mắc. Đây là một câu truyện tình giữa rắn và người. Mà điều kinh ngạc là người yêu rắn nhiều hơn rắn yêu người. Hớn Văn, sau khi thấy vợ bị nhốt, đã thành tâm sám hối, kinh kệ mười năm để được tái hợp với người yêu. Trong truyện tình, người là nạn nhân, là kẻ bị rắn lừa, thế mà người phải ăn năn sám hối, đọc kinh liên tục để chuộc tội cho rắn suốt mười năm?
Rắn yêu người hay người yêu rắn, có phải là một thứ tội lỗi? Và thứ tội lỗi này có thể được giảm khinh nếu chịu khó đọc kinh kệ nhiều lần? Kiểu hình phạt này làm lũ con nít liên tưởng đến mấy vụ chép phạt trong lớp. Có trời mới biết chép bao nhiêu lần thì đủ để trời cao thấy được lòng thành sám hối?

Sau này, đọc thêm nhiều truyện Tàu, tôi không còn ngạc nhiên như trước. Thường, những nhân vật anh hùng dân tộc của họ như Nhạc Phi, Tiết Đinh Quý, Tiết Đinh San, Phàn Lê Huê... trong dã sử đều có tướng tinh xuất thân từ những “động vật hoang dã” như ngựa, chim, hổ, báo. Một sử gia Anh nhận xét, người Tàu viết lịch sử giống như người ta viết cổ tích.

Rồi thời gian trôi như mây. Bọn trẻ con lớn lên. Bài thơ dở chìm dần vào quên lãng.

Tôi vốn mê thơ từ hồi nhỏ. Thế mà giờ lại khổ vì... thơ. Đúng ra là khổ vì những người làm thơ, nhất là những nhà thơ quen quen, những tác giả người nhà. Bà chị họ mới về hưu năm ngoái, năm nay đã trình làng một tập thơ. Anh bạn thời trung học xa xưa cũng vừa khoe mới được bầu vào chức chủ tịch Hội Thơ Phường. Nghe nói gần đây, thơ đã được “triển khai” xuống từng cấp quận huyện, phường xã. Giải thơ cho người khuyết tật, giải cho trẻ mồ côi...

Thơ làm tôi... chóng mặt.

Chưa hết.

Nơi tôi ở, thành phố của Cuốn Theo Chiều Gió[1]. Hình ảnh của Margaret Mitchel như ẩn hiện trong từng chiếc lá vàng rơi. Người Việt ở đây yêu thơ hơn người Việt ở nơi khác. Người Việt ở đây làm thơ nhiều hơn người Việt ở những nơi khác. Ừ, thì cũng tốt. Làm thơ hay hơn làm thinh. Khi làm thơ, tâm người ta hướng thiện.

Gặp thơ hay, tôi mừng như bắt được vàng. Cả tháng trong đầu lảng vảng những câu thơ không rứt được. Bước đi như hẫng trong mây. Mừng không tả được. Nhưng gặp thơ dở thì sao? Tự nhiên, miệng mồm tôi bị... nghẹn. Nói dối thì mất chính mình. Nói thật thì mất bạn.

Vì một bài thơ, tôi có nên mất bạn?

Khen một bài thơ dở khó như người ta tập luyện võ công, một tay vẽ hình tròn, một tay vẽ hình vuông[2]. Đạt được mức ấy họa chăng chỉ có hàng cao thủ. Tôi không phải là cao thủ.Tôi cũng không thể khi “Tim nghĩ một đàng, lưỡi nói một nẻo.”[3] Tôi lừa tôi, tội một. Tôi lừa độc giả, tội nhân trăm, nhân ngàn. Khen một bài thơ dở khó như đi chứng nhận một cục đá là vàng. Là biến bạn thành kẻ xài vàng giả, là đẩy bạn sống trong thế giới lơ mơ, ảo tưởng.

Có nên không?

Thế nào là một bài thơ hay? Sẽ khó mà định nghĩa đây.
Nhưng một bài thơ dở thì ai cũng thấy. Vậy vì cớ gì tác giả lại không ký tên?
Tôi chợt nhớ ra bài Thanh xà Bạch xà thuở nhỏ. Cái hay của nó chính là chỗ tác giả không ký tên. Viết một lời bạt, nhận xét một bài thơ, giới thiệu một cuốn sách sẽ không có giá trị nếu không nói lên sự thật.

Nói thật về một bài thơ thôi còn khó như vậy thì người Việt chúng ta sao dám phê bình những chuyện to tát hơn. Một chính sách, một đường lối hay một chiến lược sai lầm của Đảng. Chúng ta đã không dám nói thật với một người bạn thì làm sao dám phê bình, chỉ trích thẳng thừng với các cán bộ cao cấp, những lãnh đạo quốc gia?

Gần một thế kỷ trôi qua chúng ta sống trong lừa dối.

Cả một dân tộc “giả vờ như không giả vờ gì cả”.[4]


Người Việt chúng ta phải nên học cách nói thật.

Bắt đầu từ một bài thơ.

July, 12, 2013
Ntta

Chú thích:

1/Thành phố Atlanta, tiểu bang Georgia, Hoa Kỳ.
2/Một tay vẽ hình tròn, một tay vẽ hình vuông là cách tập sơ đẳng khi mới bắt đầu tập môn võ công Song Thủ Hổ Bác. Môn võ này do một nhân vật tên Châu Bá Thông sáng chế bằng cách phân thân, dùng tay phải đánh tay trái để giải khuây trong tác phẩm nổi tiếng Anh Hùng Xạ Điêu của Kim Dung.
3/ Đây là ý tưởng của nhà thơ Václav Havel cha đẻ của phong trào Cách mạng Nhung của Tiệp Khắc. Nguyên văn “Khi trái tim nghĩ thì lưỡi nói.” Trích trong cuốn tiều luận “Quyền Lực Từ Không Quyền Lực”. Nhà thơ Václav Havel kêu gọi phong trào người Tiệp đối diện với Sự Thật, nói lên những suy nghĩ Thật, từ bỏ những khẩu hiệu dối trá, hệ thống dối trá của CNCS trên nước Tiệp. Năm 1989, Cách Mạng Nhung đã lật đổ được chế độ Cộng sản mà không tốn một giọt máu.
4/Đây là câu trích trong chương 4, của tiểu luận nói trên.

User avatar
TheLang
Posts: 1977
Joined: Thu Oct 30, 2008 5:43 am

Post by TheLang »

RỒI HẾT CHIẾN TRANH
Tuỏng Năng Tiến

"Khi đất nuớc tôi không còn chiến tranh, trẻ thơ đi hát đồng dao ngoài đuờng."
T.C. S


Hơn bốn mươi năm trước, khi cuộc chiến ở Việt Nam còn đang ở giai đoạn khốc liệt, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã mường tượng ra một viễn ảnh thanh bình làm say đắm lòng nguời: "Khi đất nuớc tôi không còn chiến tranh, trẻ thơ đi hát đồng dao ngoài đuờng."
Sau cuộc chiến, quả nhiên, trẻ con có la cà và tụm năm tụm ba hơi nhiều trên đường phố. Chỉ có điều là tuyệt nhiên không nghe một đứa nào hát đồng dao; đã thế, phần lớn tụi nhỏ đều tham dự tích cực vào nhiều sinh hoạt không thích hợp cho lắm với tuổi thơ: bới rác, móc túi, ăn mày, bán cần sa, và nài nỉ mời khách mua... dâm – với một thứ ngôn ngữ sỗ sàng và sống sượng đến độ có thể làm đỏ mặt một người da đen hay da đỏ: “Chú ơi, chú chơi cháu đi…” (Hoàng Hữu Quýnh– Tôi Bỏ Đảng, Tập I: Bản Cáo Trạng Chế Độ Hà Nội, trang 140, 1989, trích từ Phản Tỉnh Phản Kháng Thực Hay Hư của Minh Võ, Thông Vũ xuất bản năm 1999).

Đó là những chuyện chỉ có tính cách “hiện tượng,’’ xẩy ra mấy thập niên về trước, khi hòa bình mới đuợc vãn hồi, và xã hội còn nhiều tệ đoan do tàn tích của chiến tranh và xã hội cũ để lại. Với thời gian, bản chất của chế độ cộng sản Việt Nam mỗi lúc được nhận biết rõ ràng hơn.

Từ Hà Nội, ký giả Huw Watkin tường thuật rằng “cứ năm đứa bé đang lê trên vỉa hè của ba mươi sáu phố phuờng là có một đứa... ăn xin. Bốn đứa còn lại, xem chừng, cũng bận: đánh giầy, năn nỉ người đi đường mua vé số, dắt mối, bán ma túy...”(“VIETNAM: CHILDREN SOLD INTO BEGGING, PIMPING AND DRUG DEALING”).

Cũng vẫn theo y như lời Huw Watkin thì lực lượng trẻ con đi ăn mày, làm ma cô và bán ma túy... ở Việt Nam đang dần được đưa vào tổ chức (“... recent media reports that children are being increasingly used by organized begging gangs, pimps and drug dealers”).
Chuyện này thì thằng chả nói hơi... thừa! Ở một xứ sở mà nhà nước bao biện mọi chuyện, và lãnh đạo khắp nơi – kể cả chùa chiền, giáo đuờng hay thánh thất... – làm sao để cho trẻ em (những mầm non tương lai của tổ quốc) sống vô tổ chức được, cha nội?
Trong tương lai gần, lũ trẻ thơ bụi đời ở Việt Nam (dám) sẽ được đoàn ngũ hoá – và cho thắt khăn quàng có màu sắc khác nhau – để dễ điều phối. Đại loại như, khăn quàng xanh: đánh giầy; khăn quàng tím: dắt mối; khăn quàng trắng: ma túy; khăn quàng hồng: mãi dâm; khăn quàng nâu: ăn mày; khăn quàng đỏ: thu thuế và theo dõi hoạt động, cũng như tư tưởng, của những loại khăn quàng khác!
Chiến tranh Việt Nam kết thúc cũng chấm dứt luôn sự chia cách giữa hai miền Nam - Bắc. Viễn tuợng thống nhất (cũng) đã đuợc hình dung bởi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn truớc đó, và cũng là một hình ảnh khiến cho không ít kẻ phải ước mơ: “Một đoàn tầu đi tỏa khói trắng hai bên đường...’’

Một lần nữa nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lại đúng, dù vẫn chưa đúng hết. Sau cuộc chiến, quả nhiên là có đoàn tầu Thống Nhất xuôi ngược Bắc - Nam. Điều đáng tiếc là hành khách lại luôn luôn ở tâm trạng bất an. Kẻ lo bị móc túi, nếu có tí tiền. Người lo bị công an xét hỏi và tịch thu hàng hoá, nếu là dân buôn lậu. Và tất cả đều lo sợ bị ném đá vỡ đầu. Những hòn đá xanh, to bằng nắm tay, được trẻ con dọc hai bên đuờng – đợi xe lửa đi qua – thi nhau ném vun vút vào cửa sổ!

Do vậy, tầu Thống Nhất đuợc “cải tiến” bằng cách rào kín mọi khung cửa bởi dây kẽm theo hình mắt cáo. Từ đó, nó trông y như những toa xe dùng để chở tù. Những đoàn tầu như thế mà đi phom phom, hớn hở hú còi, và hân hoan thơ thới, sung sướng ’’toả khói trắng hai bên đuờng’’ thì trông (e) hơi mỉa mai và (có phần) lố bịch!
Trịnh Công Sơn chỉ gần hoàn toàn đúng khi mô tả thảm cảnh sau đây: “Khi đất nuớc tôi không còn chiến tranh, mẹ già lên núi tìm xuơng con mình...’’ Nói là “chỉ gần hoàn toàn đúng” vì cuộc chiến đã tàn từ lâu. Thế hệ của những “mẹ già lên núi tìm xuơng’’ đã qua nhưng chuyện đào bới hài cốt vẫn được tiếp tục bởi anh chị em, hay bạn đồng đội của những người đã khuất – theo như tuờng thuật của Rajiv Chandrasekaran, trên The Washington Post:’’Vietnamese Families Seek Their MIAs.”

Bài báo mở đầu bằng một câu chuyện thương tâm. Ông Nguyễn Dinh Duy tử trận ngày 29 tháng 3 năm 1975. Suốt mấy muơi năm qua, chị của ông ta (Bà Thắm) vẫn không ngừng đi tìm kiếm xác em trong... vô vọng. Ông Duy chỉ là một trong 300.000 lính Bắc Việt chết trận mất xác – và kể như là mất luôn (Duy is one of about 300,000 North Vietnamese soldiers killed in the war whose remains have not been located - and likely never will be).

Tiếp theo là một câu chuyện cảm động về tình đồng đội: “Mỗi tuần một lần, ông Ban thức dậy lúc 5 giờ sáng, leo lên chiếc xe gắn máy màu xanh lá cây đã cũ, đi đến những nơi mà ông còn nhớ khi còn là một y tá trong quân đội. Trí nhớ của ông quả tốt; mười năm qua, ông tuyên bố, đã đào được 2.000 xác chết và đã nhận diện được một nửa trong số này...’’ Vẫn theo lời ông Ban: “Là kẻ sống sót, tôi tự thấy mình phải có bổn phận với những nguời đã chết (Being still alive, I feel responsible for the dead people).

Quan niệm sống của ông Ban, tiếc thay, không được chia sẻ bởi những người hiện đang nắm quyền bính ở Việt Nam – dù họ đều là những kẻ sống sót sau cuộc chiến vừa rồi. Khi bị chất vấn về thái độ vô trách nhiệm này, giới chức có thẩm quyền của Hà Nội, ông tướng Trần Bạch Đằng nào đó đã giải thích với phóng viên Rajiv Chandrasekaran như sau: ’’...tìm kiếm những binh sĩ quá tốn kém mà tiền thì phải dùng vào việc chăm lo cho cho những kẻ còn sống sót.’’ (Dang said the cost of searching for missing soldiers must be weighed against the need to care for the survivors of the war).

Vì đảng viên Cộng Sản Việt Nam là những nguời theo chủ thuyết duy vật nên không quan tâm đến những việc làm có tính cách duy tâm chăng? Nói vậy e không được ổn. Nhìn cái cách họ ’’thờ’’ ông Hồ Chí Minh thì biết. Họ có cả một Bộ Tư Lệnh để bảo vệ lăng ông ta mà. Họ đâu phải là những kẻ vô tâm và lo tốn kém.
Họ ướp xác ông Hồ và bảo trì cũng như bảo vệ nó tới cùng chỉ vì nó có giá trị như một thứ môn bài (patent) cho phép họ tiếp tục hành nghề cách mạng – hay ít nhất thì họ cũng tưởng hoặc mong như thế; còn 300.000 ngàn bộ xuơng của đám binh sĩ chết dấm chết dúi đâu đó, trong cuộc chiến vừa rồi, đâu còn một chút giá trị thực tiễn nào nữa khiến họ phải quan tâm.

Rõ ràng họ không phải là những người duy vật, cũng không phải là những kẻ duy tâm mà là những tên duy... lợi ! Hãy nhìn vào thực tế, xem cô nhi quả phụ hay bố mẹ của những kẻ đã hy sinh được “chăm lo’’ ra sao – từ nửa thế kỷ qua ?

‘’Lúc ấy nguời ta sợ nhất là nhìn thấy người phát thơ. Hàng ngày hàng trăm cái thơ báo tử để trong xắc cốt nguời cán bộ xã. Anh ta đi đến nhà nào là mang đau thương tang tóc đến nhà đó... họ sợ nhất là sau cái ’lễ truy điệu trọng thể để ’Tổ Quốc ghi công’ là họ bị đẩy ra lề xã hội, không ai nuôi dưỡng.’’ (sđd trang 136 -138).

“’Lúc ấy’’, qua đoạn văn vừa dẫn, là hình ảnh của xã hội miền Bắc vào thập niên 60 và đầu 70 - khi mà Đảng Cộng Sản Việt Nam còn cần động viên xương máu nguời dân cho chinh chiến. Cuộc chiến đã tàn. Bây giờ thì họ còn cần gì đến ai nữa? (Nói chi đến mộ phần của những tên “lính ngụy” ở Nghĩa Trang Quân Đội!)

Do đó, khi thấy một phế nhân lê la xin ăn trên hè phố Sài Gòn hôm nay đừng vội nghĩ đó là thương binh của quân đội miền Nam. Không nhất thiết như thế đâu. Bây giờ ăn mày là một cơ hội đồng đều (equal opportunity), không phân biệt tuổi tác, giới tính hay thành phần xã hội.

Ranh giới giữa kẻ thắng và người bại đã bị xoá nhòa từ lâu ở đất nước này. Nơi đây – trước đói rách, khủng bố và mọi bất công xã hội – tất cả đều bình đẳng. Việt Nam hôm nay chỉ còn một nhóm nguời thu tóm hết quyền bính, đất đai, cũng như sở hữu mọi tài sản xã hội, và cả một dân tộc bị trị vì đã bị lừa gạt trắng trợn - thế thôi.

Bài báo của Rajiv Chandrasekaran kết thúc bằng một tâm sự não lòng: “Tháng 4 năm nay khi cả nước đang chuẩn bị kỷ niệm 25 năm sau ngày ’giải phóng miền Nam’ và thống nhất đất nước nhiều gia đình đã đến nghĩa trang để thăm mộ thân nhân. Riêng bà Thắm thì có cảm tưởng mình bị bỏ rơi. Theo bà ta thì ’em tôi đáng lẽ phải nằm trong nghĩa trang liệt sĩ chứ đâu phải ở rừng sâu.’(My brother belongs in the Martyrs’ Cementery,’’ Tham said, ’’not out in the jungle’’).

Người ta có thể hiểu được tình thuơng yêu vô hạn của bà Thắm đối với người em vắn số nhưng thực khó mà chia sẻ với bà ta cái ảo tưởng rằng ông Nguyễn Dinh Duy là liệt sĩ. Cùng với hàng triệu nguời khác nữa, sự hy sinh của ông Duy – chung cuộc – chỉ đẩy cả một dân tộc vào cảnh lầm than và băng hoại.
Bà Thắm vẫn chưa nhận ra được rằng cái đuợc mệnh danh là cuộc chiến “chống xâm luợc’’ và “giải phóng miền Nam’’ vừa qua chỉ là những canh bạc bịp. Nhờ vào gian manh, thủ đoạn và tất cả những mánh khoé lường gạt cần thiết nên Đảng Cộng Sản Việt Nam đã thắng. Còn nhân dân thì thua trắng tay.


Họ mất ráo mọi thứ, kể cả xương cốt của người thân, để đổi lấy... những bảng ghi công: Liệt Sĩ, Gia Đình Có Công Với Cách Mạng, Mẹ Việt Nam Anh Hùng... Hoặc giản dị hơn nữa là một cái bãi đất mênh mông (chi chít bia mộ) với bốn chữ “Nghĩa Trang Liệt Sĩ" treo ở cổng vào, và chấm hết.


Chỉ có thế thôi mà bà Thắm vẫn bị đứng ngoài. Bà ta có lý do để buồn, dù đó một nỗi buồn “không lấy gì làm chính đáng.’’ Buồn hơn nữa là gần một phần hai thế kỷ sau khi chiến tranh chấm dứt, một số nguời Việt ở hải ngoại – những kẻ có nhiều cơ hội để nhìn vấn đề một cách khách quan hơn – vẫn tiếp tục tranh cãi và xỉ vả lẫn nhau về những chuyện rất không cần thiết và cũng chả chính đáng tí nào.

Họ giống như những nguời đàn bà nhà quê đi chợ bằng xe lam. Trên xe bị một thằng lưu manh dụ chơi bài ba lá, lột hết tiền, và đuổi xuống xe. Thay vì xúm nhau, túm cổ thằng khốn nạn, vả cho nó rụng hết răng rồi lấy lại tiền thì họ quay ra xa xả đổ thừa lỗi lầm cho kẻ này nguời nọ; sau đó, họ cãi vã và xỉa xói lẫn nhau – bằng những ngôn từ nặng nề và thô tục đến độ khó ngờ.

User avatar
dodom
Posts: 2729
Joined: Fri Nov 28, 2008 8:38 pm

Post by dodom »

Image

Mỹ cho những … 20 chữ lận !!!
Nhật Tuấn

Tối nay vừa mở tivi đã thấy ông Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ngồi cạnh Tổng Thống Obama phát biểu với các nhà báo. Gã Ký Quèn có vẻ lắng nghe từng lời rồi vỗ tay đồm độp :

“Thắng lợi rồi…thắng lợi rồi…”

Cô Phượng cave tròn mắt :

“ Thắng lợi gì vậy anh Ký Quèn ?”

Gã Ký Quèn vui vẻ :

“ Ông Trương Tấn Sang phát biểu không cần nhìn vào giấy như ông Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Minh Triết vào nhà Trắng trước đây…”

Ông Tư Gà nướng càm ràm :

“ Sao không thấy Tổng thống Obama ra đón tại sân bay, không thấy duyệt đội danh dự, cũng không thấy chiêu đãi quốc yến là sao ?”

Gã Ký Quèn cười cười :

“ Thì đã có Bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ thết tiệc rồi còn gì ?”

Thằng Bảy xe ôm trợn mắt :

“ Đề nghị chú Ba đại tá hưu nhắc Bộ ngoại giao ta ghi chép cẩn thận nghen. Nó tiếp ông Trương Tấn Sang sao, mai mốt Obama sang VN mình tiếp đón y vậy. Không bắn súng chào , không cờ đèn kèn trống, không chiêu đãi trọng thể, mặc kệ cho đại sứ nó sang Nội Bài đón tổng thống nhà nó…”

Cô Phượng cave cười ngỏn nghẻn :

“ Đón vậy nó không sang nữa thì chết bỏ bu…”

Ông đại tá hưu quát :

“ Con Phượng cave nói năng linh tinh. Obama không sang thì thôi , VN sao chết được ?”

Gã K‎ý Quèn cười cười :

“ Nó mà không sang sức mấy k‎ý được Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương. Lại không mong nó sang như mong mẹ về chợ ấy à ?”

Thằng Bảy xe ôm chợt la lên :

“ Í trời ơi…ông Obama vừa cất vào túi ngực cái gì nom như bao thư kìa…”

Cô Phượng cave cười ngỏn nghẻn :

“ Chắc không phải bao thư lót tay. Cái đó xài ở nhà thôi, sang Mỹ ai xài cái đó…”

Ông đại tá hưu lại quát :

“ Con cave này chuyên phao tin nhảm. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sang Mỹ kỳ này là do Tổng Thống Obama mời đối thoại song phương , bình đẳng hai bên đều có lợi, làm gì có chuyện phải lót tay bao thư ?”

Gã Ký Quèn cao giọng :

“ Đúng rồi không phải bao thư lót tay đâu. Thư bác Hồ gửi cho Tổng Thống Mỹ Truman hồi năm 1945 đó…”

Thằng Bảy xe ôm thắc mắc :

“ Ủa , thư viết từ hồi đó sao giờ mói chuyển…”

Gã K‎y Quèn lắc đầu :

“ Chắc nó nằm đâu đó không tới tay Tổng thống Mỹ nên không thấy ổng hồi âm…”

Cô Phượng cave tò mò :

“ Thư viết gì vậy anh Ky Quèn ?”

Gã Ky Quèn lên giọng :

“ Đại khái viết là thay mặt chính phủ và nhân dân Việt Nam, tôi đưa ra lời yêu cầu tha thiết tôn trọng nhất tới Ngài và những người dân Mỹ để can thiệp khẩn cấp và hỗ trợ độc lập cho chúng tôi …”

Thằng Bảy xe ôm vỗ tay :

“ Tuyệt vời..bác Hồ kêu gọi Mỹ can thiệp khẩn cấp kẻo thằng Trung Quốc nó cướp mất nước…”

Ông đại tá hưu đập bàn quát :

“ Phản động…Trung Quốc với ta là anh em môi răng, đồng chí Hồ Cẩm Đào còn tặng ta 16 chữ vàng , làm gì có chuyện Trung Quốc sang cướp nước ta ?”

Gã K‎y Quèn cười khà khà :

“ Hồ Cẩm Đào tặng VN có 16 chữ , còn ông Obama tặng những…20 chữ lận…”

Chị Gái hủ tíu :

“ Những chữ gì vậy anh Ky Quèn ?”

Gã Ky Quèn đọc vanh vách :

“ đối tác toàn diện chính trị , ngoại giao, thương mại , kinh tế, công nghệ, giáo dục , môi trường, y tế.”

Cô Phượng cave cười rinh rích :

“ 20 chữ suông bõ bèn gì…giả tỷ Mỹ nó thay 20 chữ đó bằng 20 tỷ đô la có phải ngon không ?”

Gã Ký Quèn xua xua tay :

“ Dễ gì… như mấy cô tiếp viên phải “chịu” cho khách cái gì thì khách mới…”bo” chớ. Mỹ cũng vậy, khi không sức mấy nó “bo” cho Việt Nam những 20 tỉ đôla…”

Thằng Bảy xe ôm hít hà :

“ Í trời ơi…nếu nó “bo” 20 tỉ đôla thì kỳ này Obama sang thăm VN , chắc ông Trương Tấn Sang ra đón tại cầu thang máy bay quá …”

Cả quán cười ồ…

26-7-2013
Nguồn Blog Nhật Tuấn

User avatar
macco
Posts: 3555
Joined: Mon Jan 17, 2005 8:04 am

Post by macco »

Vợ xấu chưa hẳn là... vợ mình
Thời còn đi học, thất tình một nữ sinh viên xinh đẹp, tôi “rút kinh nghiệm” và quyết định chọn vợ chỉ cần là một phụ nữ nhan sắc từ trung bình trở xuống, nhưng giỏi giang, có học. Tôi đã toại nguyện với một nhân viên cùng cơ quan. Tôi quen chớp nhoáng, cầu hôn cũng nhanh như điện xẹt.
Ngày tôi đưa thiệp cưới, cả cơ quan đều kinh ngạc, vì tôi vốn cao ráo, đẹp trai trong khi Hân, người đứng tên chung thiệp cưới với tôi có thân hình đẫy đà, lại hơi xấu… Ngoài quan niệm “vợ đẹp của người”, tôi “chấm” Hân ở tính nết dịu dàng, không ăn diện, vén khéo và nhất là nấu ăn ngon
Gia đình hai bên đều khá giả, chúng tôi được ở tầng thứ nhất căn nhà ba tầng của gia đình tôi. Yên tâm có vợ lo toan việc nhà, tôi thoải mái la cà cùng bạn bè độc thân hoặc những người chồng, cha vô trách nhiệm khác, sau giờ làm việc là nhậu nhẹt, cặp bồ đi qua đêm...


Hân không nói gì nhưng khi đứa con gái đầu lòng ra đời, Hân lên tiếng yêu cầu tôi phải có trách nhiệm với gia đình. Tôi cự cãi, lớn tiếng cho rằng “gánh vác giang sơn nhà chồng” là chuyện của Hân. Ba mẹ tôi vốn bảo thủ, thay vì bênh con dâu, lại lớn tiếng bênh vực tôi, mắng mỏ Hân thậm tệ. Một lần, trong lúc cự cãi, mẹ tôi đã nói: “Con tao không lấy mày thì có mà ma nó lấy mày. Thử mày ra đường xem có ai ngó tới không?”. Hân nhìn tôi, tôi đắc thắng xác nhận: “Tôi cưới cô về để có người đẻ con và chăm sóc ba mẹ tôi thôi”. Không ngờ, Hân vào phòng thu dọn đồ đạc, ra khỏi nhà tức thì. Ban đầu, ba mẹ tôi và tôi nghĩ Hân chỉ làm nư, thách thức. Hân có đi đâu thì đi, miễn là để đứa con lại nhà chồng. Chẳng ngờ Hân ra đi rất mạnh dạn, mặc cho con gái kêu khóc trong tiếng mắng chửi, chì chiết của ba mẹ, hai em gái tôi và cả tôi. Tôi nghĩ, nhớ con Hân sẽ về, chỉ là vấn đề thời gian.

Sáng hôm sau, gia đình tôi nháo nhào vì không còn ai lo cơm nước. Trước đây, chuyện cơm nước do mẹ tôi phụ trách, lau dọn nhà cửa do em gái đảm đương. Cưới Hân về, mọi việc đều dồn cho cô ấy. Mẹ tôi quen thong dong năm năm qua, nay phải lụm cụm xuống bếp, hai đứa em quen ngủ trưa đến gần giờ đi làm mới xuống ăn sáng, giờ phải dậy sớm để phụ mẹ tôi. Chiều về mọi người phải tự bỏ quần áo vào máy giặt, tự lau phòng mình. Đáng nói là không ai đưa đón con gái tôi, bé Hạnh quen hơi mẹ, dù đã ba tuổi vẫn khóc ngầy ngật đòi mẹ. Cả nhà rối tung lên! Tôi điện thoại cho Hân, cô ấy không bắt máy. Tôi điện thoại bàn gặp cô em vợ, bị cô ấy mắng té tát, sỉ nhục trăm bề. Tôi nhắn với cô ấy là tôi sẽ ly dị Hân, cô ấy hét vào máy: “Ly thì ly, xem ai hầu hạ đám thối tha biếng nhác nhà anh”.
Tôi vào cơ quan, không ngờ Hân đã làm việc với công đoàn, lãnh đạo cơ quan, thông báo sẽ ly hôn với tôi. Hân là một kỹ sư giỏi, mẫn cán và nhất là rất cương quyết trong mọi tình huống công việc, nên với hôn nhân cô ấy cũng vậy. Chuyện tôi trăng hoa, mèo mỡ đi suốt đêm, vô trách nhiệm với vợ con, kể cả chuyện Hân làm “đầy tớ không công” cho gia đình tôi mọi người đều biết. Chỉ đợi giọt nước tràn ly và tờ tường thuật của Hân với lãnh đạo trước khi đưa đơn ly hôn lên tòa án. Mọi người đều đứng về phía Hân.


Suốt ngày tôi tìm cách nói lời xin lỗi với Hân, không ngờ gương mặt Hân giá lạnh hơn cả băng đá. Đồng nghiệp có vài người khuyên nhưng Hân lạnh lùng: “Mỗi nhà mỗi cảnh, mong đừng ai chen vào chuyện gia đình tôi. Tôi đã 40 tuổi rồi.” Thế là tất cả tắt tịt! Hân đã nhờ người bạn luật sự đẩy nhanh tiến độ ly hôn. Ở tòa Hân dứt khoát nếu tôi muốn nuôi con Hân cũng không cản, bằng lòng nhường quyền nuôi con cho tôi. Thú thật, mấy tháng không có Hân gia đình tôi như địa ngục, con gái tôi như gánh nặng, bởi nó đã quen sự chăm sóc của mẹ. Tôi biết Hân nói thật. Kể từ ngày ôm quần áo ra khỏi nhà tôi, Hân không hề ghé lại thăm con một lần. Tôi lấy cớ mang con sang thăm mẹ, Hân không tiếp. Vì vậy, gia đình tôi đành giao con cho Hân. Tại tòa, Hân đồng ý nhận con, chỉ cần tôi bế con, mang va li, quần áo đồ dùng của con sang nhà Hân chứ Hân không về nhà tôi lấy đồ đạc của con.

Ly hôn và nhận nuôi con, Hân chuyển công tác. Mỗi lần tôi điện nói nhớ con, Hân lạnh lùng: “Vậy chiều nay ông ghé rước con đi, khi nào muốn thì mang sang nhà tôi trả lại!” Mất Hân rồi, tôi mới thấy một khoảng trống lớn trong cuộc sống của tôi và cả trong căn nhà rộng lớn của ba mẹ tôi. Cả tôi và gia đình tôi đều lầm khi nghĩ tôi đẹp trai mà lấy vợ xấu là cầm dao ở cán. Với một phụ nữ, dù không nhan sắc nhưng có học thức và bản lãnh, thì họ chẳng bao giờ để ai lăng mạ và xem thường mình, kể cả đó là chồng và gia đình chồng. Khi họ đã quyết định ly hôn có lẽ còn cương quyết hơn nhiều so với một người phụ nữ bình thường.

Tôi đã mất một người vợ tốt. Ba mẹ tôi mất người con dâu tốt. Có lẽ đã quá muộn để hiểu “Vợ xấu chưa hẳn là vợ mình nếu mình không biết trân trọng, yêu thương”.

(Theo Phunuonline)

nguyenthanh
Posts: 859
Joined: Fri Jan 06, 2012 5:40 pm

Post by nguyenthanh »

Niềm vui tuổi già thời đại Internet

Ðoàn Thanh Liêm

Thế hệ chúng tôi đang ở vào lứa tuổi 70-80, đã về nghỉ hưu để mà an tâm dưỡng trí được rồi. Cuộc đời quả thật đã nhiều phen lận đận nổi trôi theo vận nước - vốn từng bị lôi cuốn vào cuộc chiến tranh liên tục suốt 30 năm (1945-1975). Và rồi sau đó là chế độ độc tài chuyên chế cộng sản - và bây giờ là cuộc sống định cư ở nước ngoài.

Nhiều người được cái may mắn có con cháu thành đạt, lại có lòng hiếu thảo - nên được các cháu chăm lo săn sóc cho thật là chu đáo từ việc ăn uống, áo quần đến chuyện nhà ở, và gia đình cả ba bốn thế hệ con cháu lại thường có dịp sum họp quây quần bên nhau, v.v... Nhờ vậy mà gia đạo có phần được an vui, yên ấm. Ðó là niềm an ủi thật lớn lao quý báu cho tuổi già sinh sống xa quê hương bản quán của mình vậy.

Không còn bị vướng mắc với chuyện phải chật vật bươn chải lo toan kiếm sống cho bản thân và cho gia đình với các món “cơm áo gạo tiền” gì gì nữa, nên chúng tôi có thật nhiều thời gian rảnh rỗi - mà có một vài người lại còn than phiền, đại khái như “không biết phải làm cái gì cho hết ngày hết giờ”... Lại nữa, người lớn tuổi thường ít ngủ, hay nằm trằn trọc trên giường, hoặc thức giấc nhiều lần trong đêm để mà lo chuyện “xả cái bầu tâm sự mau bị đày ứ” ấy đi.

Nhưng cũng có người biết chấp nhận cái quy luật muôn thuở của cuộc sống trên cõi đời này, đó là chuyện “Sinh, Lão, Bệnh, Tử” - tức là cái tiến trình lão hóa do tính chất sinh học khách quan - mà không một sinh vật nào, kể cả bất kỳ con người nào mà lại có thể vượt thoát khỏi được. Nhờ vậy mà họ an tâm vui vẻ tìm cách thích nghi êm thấm với cái quá trình khuôn thước đó.

Trong vòng vài chục năm gần đây, nhờ sự phổ biến rộng rãi của Internet, nên các bạn lớn tuổi của tôi đã có thêm được một nguồn vui mới - khiến làm tăng thêm phẩm chất của cuộc sống - và như vậy là có thêm điều kiện để thực hiện được cái lý tưởng “sống lâu và sống có ích” như nhiều người đã tâm niệm từ bấy lâu nay.

Bài viết này nhằm ghi lại cái kinh nghiệm bản thân của một số huynh trưởng và bạn bè thân thiết - mà tôi thường gặp gỡ hay trao đổi qua mạng lưới điện toán toàn cầu trong thời gian gần đây.

Nói chung, thì môi trường sinh hoạt ở nước ngoài có tính cách thông thoáng hơn - cả về mặt vật chất như thực phẩm, dịch vụ chăm sóc y tế, vệ sinh môi trường thiên nhiên... được bảo đảm trong lành hơn - và cả về mặt văn hóa tinh thần cũng thoải mái hơn vì không bị công an mật vụ nhòm ngó, kiểm soát hạn chế mặt này mặt khác. Do đó, mà cuộc sống có được phẩm chất cao hơn (high quality of life) - bà con được tự do sinh hoạt thoải mái dễ chịu hơn, thơ thới vô tư hơn.

1. Nhà báo Sơn Ðiền Nguyễn Viết Khánh và Giáo Sư Phó Bá Long

Cả hai vị này đều đã từ giã cõi đời cách đây không lâu. Nhưng họ đã sống rất thọ và ở tuổi 85-87, các vị vẫn còn hăng say nghiên cứu viết lách - mà đặc biệt là sử dụng Internet khá thường xuyên trong việc giao tiếp với bà con bạn hữu hay tra cứu tham khảo tài liệu để viết báo viết sách. Nhà báo Sơn Ðiền còn tham gia viết báo thường xuyên khi đã tới tuổi thượng thọ 90 - ông chỉ ngưng viết vào hơn một tháng trước khi qua đời vào tháng 8 năm 2012 vì tuổi già kiệt sức. Mỗi lần tôi đến San Jose, thì đều ghé thăm ông tại khu cư xá bên cạnh thương xá Lion trên đường King với Tully. Ông luôn giữ được sự bình tĩnh sáng suốt tinh tường của một nhà báo kỳ cựu - mà có tay nghề dễ đến trên 60 năm.

Còn Giáo Sư Long, thì vào cuối đời ông vẫn hăng say với nhiều công chuyện về giáo dục và văn hóa. Cụ thể là ông lo việc phổ biến cho công chúng tại Mỹ bản dịch tiếng Anh từ cuốn hồi ký của Luật Sư Nguyễn Mạnh Tường nguyên tác bằng tiếng Pháp “L'excommunié” (Kẻ bị khai trừ). Ông Long là môn sinh của Luật Sư Tường tại trường Bưởi Hà Nội hồi trước năm 1945, và rất mến phục sự uyên bác của vị giáo sư dạy môn văn chương này. Trước khi mất vào năm 2009, ông Long vẫn liên lạc qua e-mail với tôi và ông thúc giục tôi phải chú ý thực hiện rất nhiều việc này chuyện nọ.

2. Hai nhà văn Uyên Thao và Trần Phong Vũ với Tủ Sách Tiếng Quê Hương

Hai nhà văn kỳ cựu này đã bước vào tuổi bát tuần, nhưng từ nhiều năm nay các anh đã miệt mài làm việc để cống hiến cho độc giả đến trên 50 đầu sách trong Tủ Sách Tiếng Quê Hương được ấn hành tại hải ngoại. Nhà văn Uyên Thao bị bệnh thật ngặt nghèo - phải cắt đi đến quá nửa cái bao tử - ấy thế mà suốt ngày đêm vẫn bám sát máy computer - để lo viết bài giới thiệu cũng như biên tập, nhuận sắc cho những cuốn sách do các tác giả trao phó cho việc xuất bản. Anh được bà con trong vùng thủ đô Washington mến mộ vì sức làm việc dẻo dai kiên trì liên tục từ trên cả chục năm nay.

Nhà văn Trần Phong Vũ là bạn học với tôi từ tuổi niên thiếu hồi trước năm 1945 tại thị xã Thái Bình - đến nay tình bạn giữa chúng tôi tính ra đã tới trên 70 năm rồi. Anh là người được bà con ở California đánh giá cao vì rất tháo vát năng nổ trên lãnh vực truyền thông báo chí, đài phát thanh, truyền hình... Và đặc biệt là anh sát cánh với Uyên Thao - người bạn đồng nghiêp lâu năm trong ngành phát thanh và báo chí trước đây ở miền Nam Việt Nam - để cùng điều hành Tủ Sách Tiếng Quê Hương.

Cả hai anh đều sử dụng nhuần nhuyễn kỹ thuật hiện đại của Internet, nhờ vậy mà công việc nghiên cứu, biên tập và sáng tác của các anh luôn có năng suất rất cao. Rõ ràng là hai anh đã có niềm say mê với sách vở chữ nghĩa và hiện đang sống thật sung mãn trọn vẹn cái tuổi của lớp người cao niên vậy.

3. Các bạn đồng môn tại trường Bưởi và Chu Văn An

Các bạn cùng học chung với tôi lớp Ðệ Nhất Ban Toán tại Trung học Chu Văn An ở Hà Nội niên khóa 1953-54, thì nay đều đã bước vào cái tuổi 80 cả rồi. Hiện nay, còn có tới trên 20 bạn vẫn giữ liên lạc được với nhau qua thư từ, điện thoại hay e-mail. Mùa Hè năm 2012 vừa qua, tôi ghé qua Paris, thì gặp lại khá nhiều các bạn vốn đã sinh sống tại đó từ trên 50 năm nay - cụ thể là các bạn Phạm Xuân Yêm, Vũ Dương Tuyền, Bạch Lý Từ (em thầy Bạch Văn Ngà). Và mấy bạn mới qua đây sau năm 1975 như Ðỗ Ðăng Di, Võ Thế Hào.

Trong buổi gặp nhau đông đủ tại nhà bạn Yêm ở thị trấn Bourg-la Reine, chúng tôi đã thỏa chí với đủ thứ chuyện hàn huyên tâm sự - nhắc lại bao nhiêu kỷ niệm của tuổi trẻ thơ mộng từ cái thời 60 năm trước trên đất Bắc. Và đặc biệt, chúng tôi lại còn nói chuyện qua điện thoại với nhiều bạn khác như Bùi Thiệu Tường ở Montréal Canada, Vũ Ngọc Oánh ở San Jose California, Vũ Tiến Thông, Vũ Hữu Bao ở Texas, Ngô Ðình Thuấn ở Washington DC, v.v... Bạn Di là trưởng lớp vẫn giữ được cái tác phong của con chim đầu đàn nhằm giữ vững cái mối tình keo sơn gắn bó giữa anh em chúng tôi - nhất là bạn lại rất siêng năng với chuyện thông tin liên lạc của các thành viên trong nhóm qua Internet.

Nhân tiện, cũng xin ghi thêm về sinh hoạt của các Phân Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Trường Bưởi-Chu Văn An tại nhiều địa phương như ở Nam và Bắc California, ở Texas, ở Washington DC, ở Canada, ở Paris, v.v... Mỗi năm, hầu hết các phân hội này đều tổ chức các buổi Hội Ngộ Mùa Xuân, Mùa Hè và còn ấn hành các cuốn đặc san hoặc kỷ yếu để ghi lại những kỷ niệm thân thương trìu mến về trường xưa, bạn cũ nữa. Và nhờ qua Internet, mà việc thông tin liên lạc được mau lẹ và phổ biến rộng rãi cùng khắp nơi trên thế giới nữa. Quả thật Internet là một phương tiện thật đắc lực để giúp củng cố và tăng cường cái tình bạn từ thuở thiếu thời giữa các bạn đồng môn chúng tôi mà đều xuất thân từ trường Bưởi-Chu Văn An vậy đó.

4. Sinh hoạt của các hội đoàn khác

Tôi tham gia sinh hoạt với nhiều hội đoàn như Hội Ái Hữu Hành Chánh Tài Chánh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, Hội Ái Hữu Luật Khoa VN, Mạng Lưới Nhân Quyền VN... Và nhất là tôi còn hay viết bài gửi đăng trên nhiều báo giấy cũng như báo điện tử on-line tại nhiều nơi trên thế giới.

Trong khi sinh hoạt với các tập thể như vậy, lớp người lớn tuổi như chúng tôi lại được các bạn trẻ tiếp sức - mà các bạn trẻ thì thường là rất thành thạo về kỹ thuật điện toán - nhờ vậy mà hoạt động của tập thể chúng tôi đạt được nhiều kết quả tốt đẹp, có khi còn vượt quá sự mong ước của các thành viên nữa. Kết cục là anh chị em được tăng thêm niềm lạc quan phấn khởi sau những thành tựu thật tốt đẹp như thế.

Mà còn hơn thế nữa, lớp con cháu thuộc thế hệ thứ 2, thứ 3 trong gia đình thì lại còn nhuần nhuyễn gấp bội trong việc áp dụng những tiến bộ kỹ thuật về điện toán - nên các cháu thường ra sức tiếp trợ về chuyên môn cũng như mua sắm máy móc hiện đại giúp nâng cao năng suất công việc của chúng tôi rất nhiều. Thành ra, toàn bộ gia đình gồm cả hai ba thế hệ đều cùng tập trung vào công chuyện xã hội nhân đạo cũng như tranh đấu cho tự do, dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam nữa.

Qua việc hỗ trợ kỹ thuật cũng như tài chánh như thế, các cháu có thêm cơ hội để hiểu biết thấu đáo hơn về tâm sự cùng ước vọng của thế hệ người lớn tuổi - và từ đó mà có thêm sự thông cảm và quan tâm sâu sắc hơn đối với những vấn đề sinh tử của bà con ruột thịt của mình ở bên quê nhà. Và hệ quả là cái hố cách biệt giữa hai thế hệ già và trẻ trong cùng một gia đình (Generation Gap) cũng có cơ may được giảm bớt đi rất nhiều nữa.

5. Kinh nghiệm cá nhân về sự tìm kiếm tài liệu trên Internet

Nhân tiện, tôi cũng xin ghi vắn tắt về chuyện truy cập tìm kiếm thông tin tài liệu trên Internet. Phải nói rằng nhờ có Internet mà chúng ta có thể tìm được bất kỳ tài liệu nào liên hệ đến chủ đề mình đang theo đuổi nghiền ngẫm - nguồn thông tin đó lắm khi quá phong phú dồi dào đến nỗi có khi mình đâm ra nghi ngờ lúng túng không còn biết đúng sai ở chỗ nào nữa.

Tuy nhiên, nếu mà giữ được sự bình tĩnh kiên nhẫn cần thiết, thì ta vẫn có thể tìm cách sàng lọc từ cái khối lượng thông tin hỗn độn đó để rút ra được những tài liệu khả tín, chính xác - khả dĩ có thể khai thác và sử dụng được cho bài viết của mình.

Việc này thường được gọi là “sự tiếp nhận có chọn lọc” (the selective reception) - đó là phương cách hiệu quả nhất cho bất kỳ cuộc truy tầm nghiên cứu nghiêm túc nào vậy.

Nói vắn tắt lại, nhờ khôn khéo áp dụng những tiến bộ mới trong thời đại Internet ngày nay ở vào đầu thế kỷ XXI, mà lớp người cao niên đang có triển vọng đạt tới được năng suất cao hơn ở mọi lãnh vực sinh hoạt cũng như tranh đấu góp phần với bà con tại quê nhà - trong công cuộc xây dựng một xã hội thật sự tiến bộ, nhân bản và nhân ái theo trào lưu phổ biến của thế giới hiện đại.

-Vấn đề là chúng ta phải thực sự có quyết tâm bền chí để cùng kết hợp với thế hệ trẻ là lớp con cháu nơi mỗi gia đình - trong việc hội nhập êm thấm với dòng chính của xã hội nơi chúng ta đã chọn lựa để mà định cư sinh sống lâu dài - sau khi thoát khỏi chế độ độc tài chuyên chế toàn trị do người cộng sản áp đặt trên quê hương bản quán là nơi chôn nhau cắt rốn của mình.

-Nhờ có việc hội nhập tốt đẹp như vậy, mà chúng ta còn kêu gọi thêm được sự hỗ trợ thật quý báu và hiệu quả từ phía nhân dân các quốc gia văn minh dân chủ trên thế giới - trong ý hướng cùng góp phần vào công cuộc tranh đấu trường kỳ cho chính nghĩa tự do, dân chủ và phẩm giá con người của đồng bào ruột thịt Việt Nam chúng ta hiện đang sinh sống trên quê hương đất nước mình nữa.

-Ở vào lứa tuổi cao, chúng ta đã thoát khỏi cái vòng danh lợi - không còn tham vọng chi nữa với chức vụ, quyền hành trong khu vực chính quyền nhà nước - mà cũng chẳng còn màng chi đến chuyện lợi lộc, thu nhập tài chánh vật chất từ khu vực kinh doanh kinh tế thương mại. Mà vì đã ngộ ra được đâu là ý nghĩa đích thực của cuộc sống của bản thân mình trong cõi nhân sinh - nên mỗi người chúng ta chỉ còn tập chú vào những việc làm có ích lợi thiết thực cho nhân quần xã hội và để lại cho lớp con lớp cháu cái âm đức của dòng họ nhà mình.

-Và đó mới đích thực là niềm vui lý tưởng trọn vẹn - với ý nghĩa cao quý trong cuộc sống của thế hệ người lớn tuổi như chúng ta hiện đang định cư tại những quốc gia văn minh trên khắp thế giới ngày nay vậy.

Post Reply