Tin Trong Nước

Xin nhớ: tin cần có "nguồn", trích từ đâu ra!!!
User avatar
saohom
Posts: 2240
Joined: Wed Aug 26, 2009 11:30 pm

Re: Tin Trong Nước

Post by saohom »

Lương Cường sẽ lên chủ tịch nước thay Tô Lâm hôm 21 Tháng Mười?
October 20, 2024 : 3:40 PM

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Gần 10 ngày sau khi ông Lương Cường, thường trực Ban Bí Thư đảng CSVN, thăm Trung Quốc, Quốc Hội Việt Nam loan báo việc bỏ phiếu bầu chủ tịch nước vào ngày đầu tiên của kỳ họp khai mạc vào ngày 21 Tháng Mười.

Điều này đồng nghĩa với việc ông Tô Lâm bị “cưa” mất một ghế, và chỉ còn lại ghế tổng bí thư đảng sau khi làm chủ tịch nước vỏn vẹn năm tháng.
Image
Ông Lương Cường (bìa trái, hàng đầu), thường trực Ban Bí Thư CSVN, ngồi cách ông Tô Lâm, tổng bí thư kiêm chủ tịch nước Việt Nam, một ghế. (Hình: Chính Phủ)

Tờ Thanh Niên hôm 20 Tháng Mười dẫn lời bà Nguyễn Thanh Hải, trưởng ban Công Tác Đại Biểu của Quốc Hội, úp mở rằng trung ương đảng “đã biểu quyết giới thiệu nhân sự đủ điều kiện để bầu chủ tịch nước” và việc thực hiện quy trình bầu chủ tịch nước “là cụ thể hóa chủ trương của đảng tại Quốc Hội.”

Phát ngôn của bà Hải có thể khiến công luận hiểu ngầm rằng đảng chỉ định bầu chủ tịch nước và các đại biểu Quốc Hội chỉ có quyền tán thành người được chọn vào ghế này.

Lâu nay, việc bầu chủ tịch nước tại nghị trường chỉ là hoạt động mang tính thủ tục vì kết quả người được nhắm vào ghế này đã ngã ngũ từ trước giữa các phe phái trong nội bộ đảng.


Điều này được thể hiện qua việc chỉ có một ứng viên cho ghế chủ tịch nước và người này “được bầu” với đa số phiếu.

Trước đó, hôm 11 Tháng Mười, mạng xã hội dấy lên bàn tán khi ông Lương Cường bất ngờ qua Bắc Kinh gặp ông Tập Cận Bình, chủ tịch Trung Quốc.

Một số ý kiến cho rằng ông Cường thăm Trung Quốc để cậy nhờ ông Tập “chuẩn thuận” ghế chủ tịch nước Việt Nam cho mình.
Image
Ông Tô Lâm (bìa phải) và ông Lương Cường (thứ nhì, phải qua), tại một sự kiện của Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam. (Hình: Chính Phủ)

Từ vài tháng nay, trên mạng xã hội có nhiều ý kiến cho rằng ông Lương Cường, cựu chủ nhiệm Tổng Cục Chính Trị Quân Đội Việt Nam, là ứng viên sáng giá cho ghế chủ tịch nước, đại diện cho phe quân đội để “cân bằng quyền lực” trong hàng “tứ trụ” với phe công an của ông Tô Lâm.

Ba ngày trước phiên họp của Quốc Hội, Facebooker Hoàng Dũng, người có nguồn tin về đấu đá phe phái trong nội bộ đảng CSVN, bình luận trên trang cá nhân: “…Trong trường hợp Lương Cường vẫn cứ cố để đòi ghế [chủ tịch nước] thì nhất định thành công và chúng ta lại có một kỳ họp Quốc Hội bất thường mới vài tháng sau đó.”


Ông Hoàng Dũng ám chỉ ông Lương Cường sẽ không tại vị được lâu trên ghế chủ tịch nước và bị buộc phải ra đi theo kiểu “xin thôi chức vụ do chịu trách nhiệm của người đứng đầu,” tương tự hai người tiền nhiệm Nguyễn Xuân Phúc và Võ Văn Thưởng. (N.H.K) [kn]

User avatar
TheLang
Posts: 1977
Joined: Thu Oct 30, 2008 5:43 am

Re: Tin Trong Nước

Post by TheLang »

17 lần nhận hối lộ, Nguyễn Nhân Chiến, cựu bí thư Bắc Ninh, hầu tòa
October 29, 2024 : 11:32 AM

BẮC NINH, Việt Nam (NV) – Hôm 29 Tháng Mười, Tòa Án Tỉnh Bắc Ninh đã đưa ra xét xử 13 bị cáo trong vụ án gian lận sáu gói thầu cung cấp thiết bị y tế cho sáu bệnh viện tuyến huyện của tỉnh này.

Theo báo Thanh Niên, loạt cựu lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh bị truy tố trong vụ án này về tội “nhận hối lộ” gồm các bị cáo: Nguyễn Nhân Chiến, cựu bí thư Tỉnh Ủy; Nguyễn Tử Quỳnh, cựu chủ tịch tỉnh; Nguyễn Hạnh Chung, cựu phó chủ tịch Hội Đồng Nhân Dân tỉnh; Trần Văn Tuynh, cựu giám đốc Ban Quản Lý Dự Án Công Trình Xây Dựng Y Tế tỉnh.
Image
Các bị cáo là cựu quan chức tỉnh Bắc Ninh tại phiên tòa. (Hình: Phúc Bình/Thanh Niên)

Bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn, chủ tịch công ty AIC, tiếp tục bị đưa ra xét xử vắng mặt về tội “đưa hối lộ.”

Ngoài bị cáo Nhàn và cấp phó Nguyễn Hồng Sơn đang bỏ trốn, 11 bị cáo còn lại bị tạm giam.

Phiên tòa dự kiến kéo dài trong ba ngày.

Báo VNExpress cho hay vụ án khởi nguồn khi tỉnh Bắc Ninh cho sửa chữa, xây dựng mới sáu bệnh viện đa khoa của các huyện Gia Bình, Yên Phong, Thuận Thành, Lương Tài, Quế Võ, Tiên Du, do Ban Quản Lý Dự Án thuộc Sở Y Tế Tỉnh Bắc Ninh làm chủ đầu tư, với tổng vốn 497 tỷ đồng ($19.6 triệu) từ ngân sách nhà nước, tức tiền thuế của người dân.

Năm 2013, các bệnh viện đã xây xong nhưng phần lớn vốn đã dùng hết vào xây dựng nên thiếu tiền để mua sắm, lắp đặt trang thiết bị y tế.

Theo cáo trạng, khoảng giữa năm 2013, các ông Nguyễn Hạnh Chung, Trần Văn Tuynh cùng Lã Tuấn Hưng, phó tổng giám đốc tổng công ty Sông Hồng, cùng đến gặp ông Nguyễn Nhân Chiến, khi đó đang là chủ tịch tỉnh Bắc Ninh.

Tại cuộc gặp, ông Hưng đề nghị với ông Chiến được tiếp tục khai triển các dự án dở dang trên bằng cách xin vốn trái phiếu chính phủ bổ sung. Đổi lại, nhóm công ty Sông Hồng được trúng các gói thầu mua sắm thiết bị y tế của sáu bệnh viện đa khoa tuyến huyện. Ông Chiến đồng ý.


Sau đó, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn cũng liên lạc đề nghị ông Trần Văn Tuynh về việc hỗ trợ xin nguồn vốn bổ sung cho tỉnh Bắc Ninh. Điều kiện bà Nhàn đưa ra giống nhóm công ty Sông Hồng.

Cơ quan điều tra cáo buộc, từ năm 2013 đến năm 2020, ông Nguyễn Nhân Chiến vì “động cơ vụ lợi” đã 17 lần nhận hối lộ, quà “cảm ơn” từ ông Tuynh và bà Nhàn tổng cộng 14 tỷ đồng ($552,230). Số tiền hưởng lợi, ông Chiến dùng chi tiêu cá nhân.

Địa điểm giao nhận tiền hầu hết ở phòng làm việc của ông Chiến tại trụ sở ủy ban tỉnh và Tỉnh Ủy Bắc Ninh, dưới hình thức “quà biếu.”
Image
Hai bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn và Nguyễn Nhân Chiến. (Hình: VietNamNet)

Trong khi đó, theo báo VietNamNet, tuy bị cáo Trần Văn Tuynh thừa nhận toàn bộ nội dung cáo trạng truy tố, nhưng phủ nhận mình không nhận tiền hối lộ từ bà Nhàn.

“Chị Nhàn không cho tôi tiền, chỉ có tặng thuốc nhuộm tóc, mỹ phẩm…,” bị cáo Tuynh khai.

Theo cơ quan công tố, thiệt hại vụ án chính là số tiền ngân sách tỉnh phải chi trả gần 48.7 tỷ đồng ($1.9 triệu) cho phần giá trị bị nâng khống.


Tuy nhiên, quá trình điều tra các bị cáo đã nộp lại là 51.9 tỷ đồng ($2 triệu) để “khắc phục hậu quả.” Riêng bị cáo Chiến đã nộp lại 10 tỷ đồng ($394,450).

Theo Điều 354 Bộ Luật Hình Sự 2015, đối với người phạm tội nhận hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1 tỷ đồng ($39,445) trở lên; gây thiệt hại về tài sản 5 tỷ đồng ($197,225) trở lên sẽ bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. (Tr.N) [qd]

nhuvan
Posts: 373
Joined: Sun Mar 27, 2016 8:29 pm

Re: Tin Trong Nước

Post by nhuvan »

Mai Tiến Dũng khai Nguyễn Xuân Phúc là ‘trùm cuối’
Trần Anh Quân
4 tháng 11, 2024

Image
“Bộ sậu” Nguyễn Xuân Phúc thời còn đầy đủ. Nguyễn Xuân Phúc, Trương Hòa Bình, Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam, Trịnh Đình Dũng, Mai Tiến Dũng bỏ tiền ủng hộ các tỉnh miền Trung khắc phục hậu quả bão số 10 năm 2017.
(Hình: Cổng Thông tin điện Uỷ ban Dân tộc.)

Mai Tiến Dũng khai “đã thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo cấp trên,” tức là ông Nguyễn Xuân Phúc. Nhưng có thể ông Tô Lâm sẽ bắt vợ ông Phúc để giữ nguyên tắc không kỷ luật, khởi tố “tứ trụ triều đình.”

Tô Lâm triệt hạ toàn bộ thành viên chính phủ thời Nguyễn Xuân Phúc

Bộ Công An vừa công khai kết luận điều tra vụ ông Mai Tiến Dũng nhận hối lộ từ dự án Đại Ninh và Vạn Thịnh Phát. Theo đó, ông Nguyễn Cao Trí hối lộ cho Mai Tiến Dũng 200 triệu đồng “tiền cảm ơn.” Hành vi của ông Dũng gây thiệt hại nghiêm trọng tài sản của Nhà nước là giá trị toàn bộ dự án Đại Ninh, phạm vào tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, quy định tại khoản 3 Điều 356 BLHS. (1)


Một chi tiết rất đáng chú ý trong kết luận này là công an cho rằng với vai trò bộ trưởng, chủ nhiệm văn phòng Chính Phủ, ông Dũng không được phân công phụ trách lĩnh vực thanh tra, giải quyết đơn thư. Nhưng ông Dũng “thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo cấp trên” để nhận đơn kiến nghị của Công ty Sài Gòn Đại Ninh từ Nguyễn Cao Trí.

Cấp trên của ông Dũng tại thời điểm đó chính là ông Nguyễn Xuân Phúc, thủ tướng CSVN (2016-2021). Với kết luận điều tra vụ ông Dũng, rõ ràng Bộ Công An đang chĩa mũi dùi thẳng vào nhà ông Phúc.

Mai Tiến Dũng là người thứ 5 bị kỷ luật, phế truất trong chính phủ thời ông Nguyễn Xuân Phúc làm thủ tướng. Trước đó, Phó Thủ Tướng thường trực Phạm Bình Minh bị Trung Ương Đảng cho thôi hết chức vụ từ ngày 30 Tháng Mười Hai 2022. Cùng ngày với ông Minh, ông Vũ Đức Đam cũng bị cho “thôi chức.” Ông Đam là thủ tướng phụ trách văn hoá, xã hội, giáo dục, y tế, khoa học.

Ông Trịnh Đình Dũng, phó thủ tướng phụ trách Công nghiệp, Xây dựng, Năng lượng làm hết nhiệm kỳ 2016-2021 rồi… về vườn. Nhưng tới ngày 27Tháng Giêng, 2024, ông Dũng bị Bộ Chính Trị kỷ luật, khai trừ đảng. Ông Vương Đình Huệ, phó thủ tướng phụ trách Kinh tế Tổng hợp, được đưa lên làm chủ tịch Quốc Hội. Nhưng chỉ được 3 năm thì bị Trung Ương Đảng cho thôi chức do vi phạm những điều đảng viên không được làm.

Chỉ có một phó thủ tướng dưới thời ông Phúc không bị kỷ luật nhưng đã về vườn là Trương Hoà Bình. Có lẽ do ông Bình từng là trung tướng Bộ Công An nên được Tô Lâm cho hạ cánh an toàn làm người tử tế.

Ngoài các thành viên trong chính phủ thì hai bộ trưởng do ông Phúc quản lý là Nguyễn Thanh Long (bộ trưởng Y tế) và Chu Ngọc Anh (bộ trưởng Khoa học Công nghệ) cũng đang ngồi tù do liên quan tới đại án Kittest Việt Á.


Nguyễn Xuân Phúc chỉ còn cách đổ hết lỗi cho vợ thì mới thoát thân được.

Mai Tiến Dũng tuy không phải phó thủ tướng, nhưng có vị trí quan trọng trong Chính Phủ của ông Phúc. Ông Dũng là bộ trưởng, chủ nhiệm văn phòng Chính Phủ, có nhiệm vụ tổ chức các hoạt động chung của chính phủ và thủ tướng, tham mưu cho thủ tướng trong việc chỉ đạo, điều hành bộ máy hành chính…

Ông Dũng được đa số người dân biết tới từ 2017, qua vụ người dân thôn Hoành (Đồng Tâm, Hoài Đức, Hà Nội) bị cướp đất. Lúc đó, ông này có một câu nói lưu danh thiên cổ trong lịch sử CSVN: “Tinh thần của chúng ta rất minh bạch, rất công khai; nếu chúng ta sai chúng ta nhận lỗi trước dân, nếu sai dân chịu trách nhiệm trước pháp luật; chúng ta rất minh bạch, rất công bằng, rất sòng phẳng như vậy.”

Ngày 13 Tháng Giêng 2023 ông Dũng bị kỷ luật cảnh cáo do liên quan tới vụ “Chuyến bay giải cứu.” Cũng trong thời gian này, ông Phúc cũng phải viết đơn từ nhiệm chức chủ tịch nước. Và ngày 17 Tháng Giêng 2023, Trung Ương Đảng cho ông Phúc về thôi các chức vụ.

Ngày 04 Tháng Năm 2024, Mai Tiến Dũng bị Bộ Công An bắt giam trong đại án đưa và nhận hối lộ của Công ty Sài Gòn Đại Ninh và tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Từ giai đoạn này thì liên tục xuất hiện nhiều tin đồn bất lợi cho vợ chồng Nguyễn Xuân Phúc.

Có thông tin ông Phúc đã nhận của bà Trương Mỹ Lan (Vạn Thịnh Phát) $100 triệu, nên khi ông Dũng khai “đã thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo cấp trên” thì tương lai của ông Phúc sẽ rất ảm đạm. Ngoài ra, vợ ông Phúc là bà Trần Thị Nguyệt Thu cũng được cho là “trùm cuối” trong đại án Việt Á. Vợ chồng cựu chủ tịch nước này đã nhiều lần bị Bộ Công An mời lên làm việc nhưng vẫn đang chối cãi và tìm cách thoả hiệp.

Bây giờ, số mệnh ông Phúc đang nằm hoàn toàn trong tay Tô Lâm. Nhưng từ trước tới nay CSVN vốn có quy định ngầm là không bắt giam những người từng trong tứ trụ (tổng bí thư, chủ tịch nước, thủ tướng, chủ tịch quốc hội), vì thế khả năng ông Phúc bị bắt là rất thấp. Nhưng nếu Tô Lâm muốn khẳng định “chống tham nhũng không có vùng cấm” thì có thể ép ông Phúc đổ hết mọi tội danh cho vợ. Lúc đó bà Trần Thị Nguyệt Thu sẽ đi tù thay chồng. Tô Lâm vừa có thể chứng tỏ với người dân là chống tham nhũng giỏi hơn ông Trọng, vừa không phá vỡ nguyên tắc bảo vệ tứ trụ của CSVN.

User avatar
nangchieu
Posts: 2094
Joined: Sun Apr 19, 2009 6:38 pm

Re: Tin Trong Nước

Post by nangchieu »

Image

Giáo hoàng Francis mong sớm thăm Việt Nam
November 21, 20240197

(Chinhphu.vn) – Tại cuộc gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thủ tướng Vatican vui vẻ nhận lời mời sang thăm Việt Nam và cho biết Giáo hoàng Francis mong sớm thăm Việt Nam.


Ngày 19/11 (theo giờ địa phương), tiếp tục các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Brazil, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có 7 cuộc tiếp xúc song phương với lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế, gồm Tây Ban Nha, Paraguay, Canada, Singapore, UAE, Vatican, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Tại các cuộc gặp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trân trọng chuyển lời thăm hỏi của Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tới các nhà lãnh đạo. Thủ tướng Chính phủ cũng chuyển lời của Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường mời các nhà lãnh đạo tới thăm Việt Nam.

Tại cuộc tiếp xúc với Thủ tướng Vatican, Hồng y Pietro Parolin, hai bên bày tỏ vui mừng quan hệ Việt Nam – Tòa thánh thời gian qua có nhiều tiến triển tích cực, thể hiện qua các chuyến thăm, tiếp xúc của lãnh đạo cấp cao hai bên. Thủ tướng Chính phủ bày tỏ đánh giá cao và trân trọng những tình cảm tốt đẹp của Giáo hoàng Francis và Thủ tướng, Hồng y Pietro Parolin dành cho Việt Nam và trân trọng mời Thủ tướng Vatican sớm sang thăm Việt Nam.

Thủ tướng Vatican vui vẻ nhận lời và cho biết Giáo hoàng Francis mong sớm thăm Việt Nam, góp phần thúc đẩy mối liên kết giữa Tòa thánh và Giáo hội Công giáo Việt Nam, tăng cường hơn nữa quan hệ Việt Nam – Tòa thánh Vatican.

nhuvan
Posts: 373
Joined: Sun Mar 27, 2016 8:29 pm

Re: Tin Trong Nước

Post by nhuvan »

Trung Quốc lắp đặt radar trên đảo Tri Tôn, thách thức VN ở Biển Đông
Hưng Mai


Image
Đảo Tri Tôn. (Hình minh họa: panoramio/Wikipedia.org)


Theo báo cáo của Chatham House, Trung Quốc có thể đã lắp đặt một hệ thống radar mới trên đảo Tri Tôn có vị trí chiến lược, chỉ cách bờ biển Việt Nam 130 hải lý (240km), thuộc quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp.

Hệ thống này được cho là có khả năng quét một vùng biển rộng lớn, từ đảo Hải Nam đến đá Subi khiến việc lắp đặt radar càng trở nên đáng lo ngại về mặt an ninh. Đây có thể được coi là một động thái có thể gây hạn chế các hoạt động của Việt Nam trong khu vực.

Việc triển khai hệ thống radar có thể mang lại cho Trung Quốc nhiều lợi thế. Đầu tiên, nó giúp Bắc Kinh giám sát chặt chẽ hơn vùng biển ven bờ miền Trung Việt Nam, nơi tập trung các căn cứ quân sự chiến lược của Việt Nam. Thứ hai, khả năng tác chiến điện tử và tình báo của Trung Quốc cũng được tăng cường đáng kể. Cuối cùng, việc giám sát các hoạt động thăm dò dầu khí của Việt Nam gần quần đảo Hoàng Sa cũng trở nên dễ dàng hơn.


Hơn nữa, khả năng phát hiện hoạt động của Việt Nam trong phạm vi radar bao phủ tạo ra một dạng “quyền kiểm soát trên thực tế” của Trung Quốc đối với vùng biển tranh chấp. Đây là một thách thức lớn đối với Việt Nam, buộc Hà Nội phải tìm cách cân bằng giữa việc khẳng định chủ quyền và tránh leo thang xung đột, đặc biệt khi Trung Quốc đã kiểm soát quần đảo Hoàng Sa từ năm 1974.

Trong bối cảnh rộng hơn, việc lắp đặt radar trên đảo Tri Tôn là một minh chứng cho sự mất cân bằng quân sự ngày càng tăng giữa Trung Quốc và các nước trong khu vực Biển Đông, đặc biệt là Việt Nam. Hệ thống này được dự báo sẽ củng cố đáng kể khả năng giám sát của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, bao gồm khả năng phát hiện, theo dõi và nhắm mục tiêu cho các cuộc tấn công tầm xa – một yếu tố quan trọng trong các kịch bản xung đột.

Hà Nội đang theo đuổi chính sách “ngoại giao cây tre” với Bắc Kinh trong việc xử lý căng thẳng trên biển, nhưng với những lo ngại an ninh ngày càng gia tăng, liệu Ba Đình sẽ tiếp tục duy trì chính sách “linh hoạt” với Bắc Kinh bằng cách tìm kiếm các biện pháp đối phó khác, hay cân nhắc một sự thay đổi chiến lược trong bối cảnh an ninh khu vực ngày càng phức tạp?

‘Bất đối xứng’ về khả năng quân sự

Dù chênh lệch về sức mạnh quân sự với Trung Quốc, Việt Nam đã từng thể hiện rõ quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo. Ví dụ như việc điều động tàu cá và tàu cảnh sát biển đối đầu trực tiếp với Trung Quốc tại sự kiện giàn khoan Hải Dương 981 năm 2014. Hay việc kiên trì duy trì sự hiện diện tại Bãi Tư Chính năm 2019 bất chấp chiến thuật “bắp cải” khi Trung Quốc sử dụng nhiều lớp tàu để vây ép và quấy rối nhằm ngăn chặn hoạt động của phía Việt Nam và dần dần chiếm quyền kiểm soát khu vực mà không cần đến xung đột quân sự quy mô lớn.

Những phản ứng cứng rắn này cho thấy Việt Nam sẵn sàng hành động để bảo vệ lợi ích trên Biển Đông, buộc Trung Quốc phải cân nhắc kỹ lưỡng hơn trong các hành động tiếp theo và tìm ra biện pháp đối phó với sự kiên quyết của Việt Nam.


Tuy nhiên, sự kiên quyết trong việc bảo vệ chủ quyền không đồng nghĩa với việc đóng băng quan hệ ngoại giao. Trên thực tế, Việt Nam vẫn theo đuổi mối quan hệ song phương ổn định với Trung Quốc, sử dụng các kênh liên lạc giữa lãnh đạo hai nước để giải quyết bất đồng một cách kín đáo. Việc ký kết 10 thỏa thuận hợp tác trong chuyến thăm của Thủ tướng Lý Cường tới Hà Nội gần đây, ngay cả khi Việt Nam công khai lên án hành động của lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc đối với ngư dân, chính là minh chứng rõ ràng nhất cho chính sách ngoại giao linh hoạt này.

Dù vậy, việc Trung Quốc lắp đặt hệ thống radar trên đảo Tri Tôn được dự báo sẽ thúc đẩy Việt Nam đẩy mạnh hiện đại hóa quân sự để đối phó với nguy cơ bị giám sát ngày càng cao. Việt Nam có thể sẽ tiếp tục các hoạt động bồi đắp đất ở Biển Đông, dựa vào sự “im lặng” từ phía Trung Quốc trước các hoạt động tương tự trước đây, đồng thời mở rộng hợp tác quốc phòng với các đối tác quan trọng như Mỹ, Nhật Bản, Úc và Philippines để tăng cường khả năng răn đe.

Sự việc lắp đặt radar trên đảo Tri Tôn khó lòng tạo ra một bước ngoặt trực diện và mạnh mẽ từ phía Việt Nam trong quan hệ song phương khi Hà Nội có khả năng vẫn sẽ tiếp tục duy trì cách tiếp cận linh hoạt, cân bằng giữa việc bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông và việc duy trì quan hệ kinh tế – chính trị ổn định với Trung Quốc. Nói cách khác, Việt Nam đang theo đuổi một chiến lược đa chiều: vừa hợp tác, vừa đấu tranh, vừa củng cố quốc phòng, vừa tìm kiếm sự ủng hộ quốc tế.

Tuy nhiên, bất lực để Trung Quốc xây dựng radar trên Đảo Tri Tôn có khiến Việt Nam duy trì được chiến lược đa chiều hay không khi bản thân hệ thống radar này không chỉ đơn thuần là một công trình riêng lẻ, mà còn là một mắt xích trong mạng lưới giám sát rộng lớn hơn của Trung Quốc, được thiết kế để đối phó với các phương tiện quân sự của Mỹ trong khu vực, đặc biệt là máy bay ném bom tàng hình Northrop B-2 Spirit.

Sự hiện diện của hệ thống radar này có thể tạo ra những rào cản đáng kể cho việc hợp tác an ninh giữa Việt Nam và các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ, trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung. Phi cơ chở Chủ Tịch Hạ Viện Nancy Pelosi tránh bay qua Biển Đông trong chuyến thăm Đài Loan năm 2022 cho thấy Mỹ hoàn toàn ý thức được khả năng giám sát ngày càng tăng của Trung Quốc – một yếu tố có thể khiến các đối tác an ninh của Việt Nam e ngại hơn trong việc triển khai các hoạt động quân sự chung.

nhuvan
Posts: 373
Joined: Sun Mar 27, 2016 8:29 pm

Re: Tin Trong Nước

Post by nhuvan »

Khi luật pháp thiếu công bằng và vội vàng
Đàm Chính Sự –
15 tháng 1, 2025



Image
Đường xá Việt Nam. (Hình: Báo Chính Phủ)

Trong xã hội hiện đại, pháp luật đóng vai trò then chốt trong việc duy trì trật tự và công bằng. Tuy nhiên, một văn bản pháp luật dù được xây dựng với mục đích tốt đẹp vẫn có thể gây ra những hệ quả tiêu cực nếu thiếu sự cân nhắc kỹ lưỡng về tính công bằng và phù hợp với thực tiễn xã hội.

Nghị định 168 về xử phạt hành chính giao thông tại Việt Nam là một ví dụ điển hình cho thấy sự bất cập khi áp dụng các quy định máy móc, không tính đến điều kiện kinh tế xã hội và hạ tầng giao thông của đất nước, dẫn đến những hệ lụy không mong muốn.

Bình đẳng, trong một xã hội pháp quyền, là việc cung cấp các điều kiện như nhau cho tất cả mọi người và được xem là quyền cơ bản của con người, thể hiện qua việc mọi cá nhân đều có tư cách pháp lý như nhau, không bị phân biệt đối xử và được pháp luật bảo vệ một cách công bằng.


Để đạt đến sự công bằng thực sự, cần xem xét thêm yếu tố khác biệt giữa các cá nhân. Công bằng chính là việc tạo cơ hội như nhau, có tính đến những khác biệt để đảm bảo mọi người đều có khả năng tiếp cận và thụ hưởng các quyền lợi một cách hợp lý. Vì vậy, pháp luật không chỉ cần thể hiện sự bình đẳng mà còn phải hướng tới sự công bằng. Ví dụ, sự khác biệt về giới tính được thể hiện qua việc phụ nữ ở Việt Nam có tuổi nghỉ hưu sớm hơn nam giới và có quyền nghỉ thai sản sáu tháng. Tương tự, ở Phần Lan và nhiều nước Châu Âu, việc mọi trẻ em đều được giáo dục chất lượng cao miễn phí đến lớp 12 thể hiện sự công bằng khi đảm bảo tất cả trẻ em đều có cơ hội tiếp cận tri thức, bất kể sự khác biệt.

Do đó, luật pháp cần áp dụng sự bình đẳng nhưng vẫn phải xem xét các quy định để đảm bảo sự công bằng cho xã hội, từ đó bảo vệ quyền lợi của cả cộng đồng và những người yếu thế trước nguy cơ bị lạm quyền.

Nghị định 168 về xử phạt hành chính giao thông ở Việt Nam là một văn bản pháp luật đang gây ra sự bất công bằng, bởi mức phạt quá cao so với thu nhập bình quân của người dân, tạo ra gánh nặng kinh tế không tương xứng cho người vi phạm, đặc biệt đối với những người có thu nhập thấp. Mức phạt nặng nề này có tác động không đồng đều lên các tầng lớp khác nhau trong xã hội; người có thu nhập cao dễ dàng nộp phạt mà không gặp khó khăn, trong khi người có thu nhập thấp phải đối mặt với gánh nặng tài chính rất lớn, tạo ra sự bất bình đẳng trong việc thực thi pháp luật. Mặc dù việc xử phạt nặng các lỗi giao thông không phải là hiếm trên thế giới, tuy nhiên, các quốc gia khác thường có mức phạt phù hợp hơn với mức sống và thu nhập của người dân, đảm bảo tính răn đe nhưng không gây khó khăn quá mức.

Mức phạt tối đa cho xe hơi vượt đèn đỏ tại Việt Nam theo nghị định 168 là 20 triệu VNĐ. Trong khi đó mức phạt cao nhất cho hành vi tương tự ở Nhật Bản chỉ khoảng 12,000 yên (tương đương 1.95 triệu VNĐ) và ở Đức là 388.50 Euro (tương đương khoảng 10.3 triệu VNĐ). So sánh với GDP bình quân đầu người năm 2023 của Việt Nam khoảng $4,600 một năm, thấp hơn nhiều so với Nhật Bản là $33,846 và Đức là $52,824, mức phạt 20 triệu đồng ở Việt Nam tương đương gần 218% thu nhập bình quân tháng của một người dân. Trong khi đó, ở Nhật Bản và Đức, mức phạt tương đương chỉ chiếm khoảng 2.93% và 9.6% thu nhập bình quân tháng. Sự chênh lệch này cho thấy rõ sự bất hợp lý và thiếu công bằng trong quy định xử phạt giao thông của Việt Nam.

Hệ quả từ việc áp dụng mức phạt giao thông quá cao theo Nghị định 168 đã tạo ra những tình huống trớ trêu. Một đoạn phim lan truyền trên mạng xã hội ghi lại cảnh xe cứu thương chở bệnh nhân đi cấp cứu không thể chạy khi gặp đèn đỏ, do toàn bộ các xe phía trước dừng đèn đò và không dám nhúc nhích, sợ bị phạt vượt đèn.


Trái ngược với điều này, ở Đức, việc vượt đèn đỏ để nhường đường cho xe cứu thương là hành động được pháp luật cho phép và không bị phạt. Luật giao thông Đức còn quy định các phương tiện phải tạo “Rettungs Gasse” (làn cứu hộ) để ưu tiên các xe cứu thương, cứu hỏa.

Ở một góc độ khác, Phần Lan áp dụng hệ thống “day-fine” (phạt theo ngày), trong đó mức phạt vi phạm giao thông được tính dựa trên thu nhập cá nhân nhằm bảo đảm tính công bằng, khi người có thu nhập cao sẽ chịu mức phạt tương xứng. Nếu xét về tính ‘hợp tình hợp lý’ đối với người Việt, hệ thống phạt theo ‘day-fine’ của Phần Lan là một giải pháp công bằng nhất. Tuy nhiên, việc áp dụng hệ thống này ở Việt Nam sẽ gặp nhiều thách thức.

Trước hết, để xác định được tổng thu nhập của tài xế, chính quyền cần thu thập và can thiệp sâu vào dữ liệu thu nhập của công dân. Điều này chỉ khả thi ở các quốc gia có tính minh bạch cao và phúc lợi xã hội tốt, nơi người dân tin rằng việc khai báo thu nhập trung thực và đóng phạt đầy đủ sẽ mang lại lợi ích cho họ. Ngược lại, ở một quốc gia mà tình trạng tham nhũng còn cao và phúc lợi xã hội chưa thực sự mang lại lợi ích rõ rệt cho người dân như Việt Nam, việc áp dụng hệ thống ‘day-fine’ có thể tạo điều kiện cho tham nhũng và sách nhiễu, đặc biệt là trong ngành cảnh sát giao thông.

Thực tế, báo cáo “Tham nhũng dưới góc nhìn của người dân, doanh nghiệp và cán bộ, công chức, viên chức” năm 2012 do Ngân Hàng Thế Giới hợp tác với Thanh Tra Chính Phủ VN thực hiện, chỉ ra rằng cảnh sát giao thông là một trong những ngành có tỷ lệ tham nhũng cao nhất ở Việt Nam.

Ngoài ra, Nghị định 168 còn bộc lộ sự vội vàng trong khâu ban hành (có hiệu lực chỉ sau 5 ngày ban hành) khi hạ tầng giao thông vẫn chưa hoàn thiện, khiến tình trạng kẹt xe trên đường phố Việt Nam trở nên trầm trọng hơn. Tình trạng đèn giao thông đang xanh đột ngột chuyển sang đỏ không phải là hiếm, gây ra các điểm ùn tắc giao thông. Mặc dù các biện pháp xử phạt thắt chặt đã giúp giảm bớt một phần các vi phạm, nhưng đồng thời cũng làm tình hình ùn tắc giao thông trở nên tồi tệ hơn.

Cục Cảnh Sát Giao Thông cho rằng hiện tượng ‘đang xanh bỗng nhảy đỏ’ là do đèn giao thông thế hệ cũ và sắp được thay thế. Nhưng bao giờ thay? Như vậy, có thể thấy Nghị định 168 chỉ đang giải quyết phần ngọn của vấn đề, tức là hậu quả của việc quản lý giao thông yếu kém. Còn những vấn đề gốc rễ như hạ tầng giao thông thiếu đồng bộ và quá tải, cùng các giải pháp về tổ chức giao thông và quy hoạch đô thị chưa được cải thiện đáng kể thì không mấy khi được đoái hoài tới.

Vì vậy, cũng không khó hiểu khi nhiều người cho rằng Nghị định 168 chỉ làm khổ dân và làm giàu cho cán bộ.

nhuvan
Posts: 373
Joined: Sun Mar 27, 2016 8:29 pm

Re: Tin Trong Nước

Post by nhuvan »

Quốc hội họp bất thường lần 9: Bàn về vấn đề gì?

Image
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES/BBC
11 tháng 2 2025

Kỳ họp bất thường thứ 9 của Quốc hội khóa 15 từ ngày 12-19/2 sẽ quyết định cơ cấu tổ chức bộ máy, nhân sự và nhiều nội dung then chốt khác, truyền thông trong nước đưa tin.

Tại kỳ họp bất thường lần này, Quốc hội sẽ xem xét và thông qua bốn luật, năm nghị quyết quan trọng nhằm sắp xếp, hoàn thiện thể chế và cơ chế hoạt động của hệ thống chính trị, đồng thời quyết định bốn nội dung khác thuộc thẩm quyền, theo dự kiến chương trình của kỳ họp đăng trên trang Quochoi.vn.

Trọng tâm của kỳ họp lần này là phục vụ việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy theo Nghị quyết 18 của Trung ương.

Trong số các tờ trình được trình Quốc hội xem xét, có 6 tờ trình liên quan đến việc sắp xếp và tổ chức bộ máy, bao gồm: dự Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi); dự Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); dự Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); tờ trình nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ; tờ trình nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu tổ chức Chính phủ; dự thảo nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.


Trước đó, vào hôm 10/2, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 27/NQ-CP phiên họp chính phủ thường kỳ tháng 1/2025.

Nghị quyết yêu cầu các bộ phận gấp rút hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành các nghị định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ theo tổ chức bộ máy mới trước ngày 15/2 và đảm bảo đi vào hoạt động từ ngày 1/3.

Sắp xếp, tinh gọn bộ máy
tinh gọn chính phủ

Image Ngày đầu tiên của kỳ họp bất thường lần thứ 9 Quốc hội khóa 15 sẽ có một số nội dung nổi bật tập trung vào tổ chức Quốc hội, tổ chức Chính phủ và tổ chức chính quyền địa phương.

Trung ương Đảng vào hôm 24/1 đã thống nhất bộ máy Chính phủ Việt Nam nhiệm kỳ 2021 - 2026 sẽ được tinh gọn còn 14 bộ, 3 cơ quan ngang bộ, 5 cơ quan thuộc Chính phủ.

Chính phủ Việt Nam trước khi tinh gọn bao gồm 18 bộ và 4 cơ quan ngang bộ. Ngoài ra, còn có 8 cơ quan khác trực thuộc Chính phủ, chẳng hạn như Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam...

Dự kiến, 10 bộ sau đây sẽ hợp nhất thành 5 bộ mới:


Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng) và Bộ Tài chính (Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng) thành Bộ Tài chính.
Bộ Xây dựng (Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị) và Bộ Giao thông Vận tải (Bộ trưởng Trần Hồng Minh) thành Bộ Xây dựng.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ trưởng Lê Minh Hoan) và Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ trưởng Đỗ Đức Duy) thành Bộ Nông nghiệp và Môi trường.
Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng) và Bộ Khoa học và Công nghệ (Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt) thành Bộ Khoa học và Công nghệ.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Bộ trưởng Đào Ngọc Dung) và Bộ Nội vụ (Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà) thành Bộ Nội vụ.
Như vậy, một khi sáp nhập, số bộ trưởng từ các bộ này dự kiến giảm từ 10 còn 5 người. Hiện vẫn chưa rõ ai ở, ai đi nhưng thẩm quyền phê chuẩn bổ nhiệm và bãi nhiệm chức vụ bộ trưởng là thuộc về Quốc hội.


Trong khi giảm số bộ bằng cách sáp nhập, Trung ương quyết định thành lập mới Bộ Dân tộc và Tôn giáo trên cơ sở Ủy ban Dân tộc tiếp nhận thêm chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về tôn giáo từ Bộ Nội vụ.

Ủy ban Dân tộc là một cơ quan ngang bộ còn Ban Tôn giáo Chính phủ là một cơ quan trực thuộc Bộ Nội vụ. Quốc hội rất có thể sẽ phê chuẩn bổ nhiệm một bộ trưởng mới khi mà Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (Hầu A Lềnh) mới đây đã được điều về Hà Giang giữ chức bí thư Tỉnh ủy.

Một nhân vật khác, ông Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Xây dựng, cũng đã rời Hà Nội về TP HCM giữ chức phó bí thư thường trực Thành ủy trong một quyết định được Đảng công bố sáng 25/1. BBC đã phân tích sự kiện này trong một bài viết đăng tải cùng ngày.

Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung từng bị Bộ Chính trị thi hành kỷ luật với hình thức khiển trách vào tháng 4/2024. Ông Dung bị cáo buộc liên quan tới "gói thầu do Công ty Cổ phần Tiến bộ quốc tế (AIC) và các doanh nghiệp trong hệ sinh thái AIC thực hiện".

Trong khi đó, riêng Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong nhiệm kỳ này chiếc ghế bộ trưởng đã có 3 người ngồi, gồm ông Trần Hồng Hà (người hiện là phó thủ tướng), ông Đặng Quốc Khánh (đã bị bãi nhiệm) và hiện tại là ông Đỗ Đức Duy.

Như vậy, với việc giảm 5 bộ và thành lập một bộ mới, sau tinh gọn, khối Chính phủ còn lại 17 bộ và cơ quan ngang bộ.

Không chỉ nội các Chính phủ, khối Quốc hội dự kiến cũng được sắp xếp lại. Theo đó, một số ủy ban được sáp nhập hoặc đổi tên, cụ thể như sau:

Ủy ban Đối ngoại giải thể, nhiệm vụ chuyển về Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Văn phòng Quốc hội và Bộ Ngoại giao.
Ủy ban Quốc phòng và An ninh đổi tên thành Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại.
Ủy ban Pháp luật và Ủy ban Tư pháp hợp nhất thành Ủy ban Pháp luật và Tư pháp.
Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Tài chính - Ngân sách hợp nhất thành Ủy ban Kinh tế và Tài chính.
Ủy ban Xã hội và Ủy ban Văn hóa - Giáo dục hợp nhất thành Ủy ban Văn hóa và Xã hội.
Ban Dân nguyện được nâng cấp thành Ủy ban Dân nguyện và Giám sát của Quốc hội.
Ban Công tác đại biểu trở thành Ủy ban Công tác đại biểu của Quốc hội.
Sau khi sắp xếp lại, khối Quốc hội giảm hai ủy ban so với trước đây.


Cuộc tinh gọn do Tổng Bí thư Tô Lâm khởi xướng đang được tiến hành rầm rộ và được truyền bá mạnh mẽ, ồ ạt khắp các phương tiện truyền thông trong nước những tháng vừa qua.

Ước tính khoảng 100.000 cán bộ công nhân viên chức nhà nước chịu ảnh hưởng từ việc này.

Người nghỉ hưu sớm theo Nghị định 178 sẽ nhận lương hưu và khoản hỗ trợ từ ngân sách. Nhà nước dự kiến chi 130.000 tỷ đồng cho đợt tinh giản biên chế.

Cũng trong hôm 12/2, Chính phủ trình bày Tờ trình về Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên.

Đây sẽ là một mục tiêu đầy thách thức khi trước đó Quốc hội đã giao chỉ tiêu tăng trưởng GDP cho Chính phủ năm nay là 6,5-7%.

Mục tiêu này đã được điều chỉnh sau khi ông Tô Lâm phát động phong trào "vươn mình vào kỷ nguyên mới" với tham vọng đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao.

Tổng Bí thư Tô Lâm vào hôm 4/2 tại trụ sở Trung ương Đảng đã yêu cầu các cấp, các ngành quyết tâm thực hiện các chủ trương, giải pháp để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8% vào năm 2025, tạo đà cho giai đoạn 2026-2030 tăng trưởng hai con số.

Trong những ngày họp còn lại (Quốc hội nghỉ họp vào ngày Chủ nhật 16/2), Quốc hội sẽ thảo luận một số nội dung quan trọng khác như dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh; thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; các cơ chế chính sách đặc thù để xây dựng các nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận;...

User avatar
TheLang
Posts: 1977
Joined: Thu Oct 30, 2008 5:43 am

Re: Tin Trong Nước

Post by TheLang »

Bóng tối dân chủ che phủ kỷ nguyên ‘Rạng rỡ Việt Nam’
Đàm Chính Sự

Image
Ông Tô Lâm. (Hình: Nam Trần Tuổi trẻ)


Thay vì kiến tạo một diễn đàn khai phóng để thảo luận về tương lai dân tộc, một bộ phận dư luận bị cuốn vào những tranh cãi chính trị xa lạ, mắc kẹt trong những câu chuyện giải trí phù phiếm.

Trong khi đó, luận điệu chính thống vẫn vọng vang rằng vận mệnh quốc gia đã có Đảng và Nhà nước dẫn dắt, định hình. Đảng CSVN, sau gần một thế kỷ kiến tạo mô hình xã hội chủ nghĩa chưa hoàn thiện, nay tiếp tục vẽ nên một viễn cảnh tươi sáng bởi Tổng Bí Thư Tô Lâm, với mỹ từ “Rạng rỡ Việt Nam.” Tuy nhiên, chính trong cái viễn cảnh được tô vẽ bởi hệ thống cầm quyền hiện tại, bóng tối của sự trấn áp dân chủ lại bao trùm, đe dọa phủ nhận mọi ánh sáng tiến bộ.

Từ góc nhìn người dân, thời kỳ mới này vẫn không thoát khỏi lối mòn “Đảng lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối,” một nguyên tắc cốt lõi của thể chế chính trị này. Tuyên bố của nhân vật được mệnh danh “nhà cải cách” Tô Lâm về “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, yêu cầu cấp bách của giai đoạn cách mạng mới” cùng khẩu hiệu “Đổi mới phương thức lãnh đạo, đảm bảo Đảng là ‘người cầm lái vĩ đại’” không khỏi gieo vào lòng dân sự hoài nghi sâu sắc về bất kỳ đổi thay thực chất nào về dân chủ.


Bài viết “Rạng rỡ Việt Nam” gần đây càng minh chứng cho sự cố thủ mô hình chính trị hiện hành chuyên chế độc đảng. Những kỳ vọng về một sự chuyển biến thể chế dân chủ, dù nhỏ bé đến đâu, dưới triều đại Tô Lâm và sự thống trị của cơ chế này, càng chìm vào bóng tối, bị cái tương lai xán lạn hứa hẹn che phủ bằng lớp sương mù tuyên truyền.

Như vậy, xu hướng tất yếu là Việt Nam tiếp tục bảo lưu hệ thống chính trị này, nơi lợi ích đảng được tôn thờ tối thượng, bất chấp nguyện vọng dân chủ của người dân. Quyền công dân vẫn chưa được kiến tạo thành hiện thực, mà ngược lại, ngày càng bị thu hẹp bởi sự kiểm soát độc đoán của nhà nước. Các quyền tự do nền tảng, vốn là yếu tố cốt lõi của xã hội dân chủ, như tự do biểu tình (bị đàn áp bằng vũ lực), ngôn luận (bị kiểm duyệt và trừng phạt), báo chí (bị nhà nước thao túng), tín ngưỡng (bị can thiệp và hạn chế), ứng cử và bầu cử (chỉ là hình thức dưới sự sắp đặt của chính quyền), vẫn bị tước đoạt hoặc kiểm soát nghiệt ngã. Hơn 100 triệu dân Việt Nam, do đó, vẫn chưa thể định vị một vai trò chủ thể dân chủ trong cái gọi là “kỷ nguyên rạng rỡ” được quảng bá bởi nhà nước, ngoài phận vị thụ động là nguồn lực lao động và đóng thuế cho bộ máy cai trị. Chính sự trấn áp dân chủ từ hệ thống này đang tạo nên bóng tối bao phủ lên mọi lời hoa mỹ về một giai đoạn phát triển huy hoàng.

Ngược lại, cấu trúc quyền lực nhà nước đang chuyển hóa sang hình thái “độc tài công an trị,” một hệ quả tất yếu của sự độc quyền chính trị. Vai trò của ông Tô Lâm, từ Bộ trưởng Công an nay nắm giữ vị trí tối cao trong Đảng, cơ quan lãnh đạo độc tôn, ngày càng phình trướng, đe dọa sự cân bằng mong manh với các thiết chế khác như Chính phủ và Quốc hội (vốn chỉ là công cụ của giới cầm quyền). Sự trỗi dậy của “công an trị,” công cụ trấn áp của hệ thống chuyên chế, gieo rắc bóng tối lên mọi khía cạnh của đời sống xã hội, phủ mờ cái bức tranh tươi đẹp hứa hẹn về một xã hội văn minh, dân chủ.

Xét về nhà lãnh đạo đương nhiệm, Tổng Bí thư Tô Lâm, dễ thấy đây là sản phẩm ưu tú của hệ thống an ninh của nhà nước. Sự nghiệp của ông gắn chặt với guồng máy trấn áp và kiểm soát bất đồng chính kiến, bảo vệ chế độ hiện hành. Tuy nhiên, thẩm định về trí tuệ khai phóng, tầm nhìn chiến lược vượt thoát khỏi hệ tư tưởng và tư duy đổi mới dân chủ, giới phân tích không khỏi hoài nghi về khả năng kiến tạo đột phá hệ thống hướng tới dân chủ hóa. Ngoài phong thái thực dụng hơn và giảm thiểu nhắc đến hệ tư tưởng kinh viện Mác-Lênin (vốn là nền tảng ý thức hệ của chính quyền), khó nhận diện khác biệt bản chất so với người tiền nhiệm trong việc thúc đẩy dân chủ. Tư duy và kinh nghiệm từ hệ thống an ninh, công cụ bảo vệ chế độ, dù được đặt vào vị trí lãnh đạo cao nhất, vẫn khó lòng khai mở một vận hội mới dân chủ mà có lẽ sẽ tạo thêm bóng tối của sự bảo thủ và trì trệ tiến bộ.

Quy luật tâm lý chỉ ra rằng, chuyển hóa tư duy sang tư duy dân chủ ở độ tuổi U70 là vô cùng khó khăn. Khi nắm giữ quyền lực tuyệt đối trong hệ thống này mà không gặp đối trọng đáng kể trong nước (do mọi đối lập đều bị trấn áp) hay áp lực quốc tế đủ mạnh, động lực cải cách dân chủ càng suy yếu. Bối cảnh địa chính trị hiện tại cũng thiếu vắng áp lực buộc Việt Nam phải cải cách chính trị thực chất hướng tới dân chủ hóa. Chính phủ Mỹ thời Donald Trump dường như không còn coi trọng nhân quyền và dân chủ trong ngoại giao với các chế độ chuyên chế, còn các nước phương Tây dân chủ cũng đang đối diện nhiều thách thức nội tại, giảm bớt sự quan tâm đến vấn đề dân chủ ở Việt Nam. Bối cảnh này càng làm gia tăng bóng tối của sự trì trệ dân chủ, phủ lên cái tương lai xán lạn một màu xám ảm đạm của thể chế hiện hành.

Trong bối cảnh đó, cái gọi là “kỷ nguyên rạng rỡ” của Việt Nam dưới sự lãnh đạo hiện tại có lẽ chỉ đạt được thành tựu kinh tế nhất định (nhằm duy trì tính chính danh), khó trông đợi đột phá về tự do chính trị và phát triển xã hội toàn diện theo hướng dân chủ. Sự trấn áp dân chủ từ hệ thống cầm quyền sẽ như bóng tối bao phủ, giới hạn cái viễn cảnh tươi sáng trong một vỏ bọc hào nhoáng bề ngoài, che giấu bản chất độc tài bên trong.

Có lẽ, một bộ phận dân chúng Việt Nam cũng chấp nhận thực tế thực dụng này, vì họ không có lựa chọn nào khác trong thể chế hiện tại. Với họ, kinh tế tăng trưởng (dù không đồng đều), mức sống cải thiện (cho một bộ phận), tự do tiêu dùng và du lịch, cùng cơ hội giáo dục ở nước ngoài cho con cái (cho giới tinh hoa), là ưu tiên hàng đầu, vì những điều đó thiết thực hơn so với những giá trị dân chủ xa vời trong chế độ chuyên chế. Trong khi đó, những vấn đề vĩ mô về cấu trúc thượng tầng chính trị – xã hội, những bất công và hạn chế quyền tự do nền tảng (do chính quyền gây ra), dường như bị gạt sang bên, nhường chỗ cho những câu chuyện thời sự quốc tế hoặc vấn đề xã hội ít nhạy cảm, không đe dọa đến sự thống trị của giới cầm quyền. Sự thờ ơ với các giá trị dân chủ (do bị tuyên truyền và đàn áp) cũng góp phần làm bóng tối thêm dày đặc, che khuất cái vận hội mới dân chủ mà lẽ ra phải thuộc về mọi người dân.

Thậm chí, việc chuyển hướng dư luận sang vấn đề thứ yếu cũng có thể là một phần chiến lược điều khiển truyền thông của nhà nước, nhằm phân tán sự tập trung vào vấn đề cốt lõi và thách thức hệ thống quốc gia đang đối diện. Chiến lược này, về bản chất, cũng là một hành động gieo bóng tối, che lấp cái tương lai xán lạn dân chủ bằng màn khói ngụy tạo và dối trá.

User avatar
mexanh
Posts: 508
Joined: Tue Nov 04, 2008 4:18 am

Re: Tin Trong Nước

Post by mexanh »

Vấn đề cải tổ hành chánh tại Việt Nam
Trần Bạch Thu – 19 tháng 4, 2025



Image
Trụ sở Quận Chợ Gạo. (Hình: tác giả cung cấp)

Công cuộc tinh giản bộ máy hành chánh tại Việt Nam hiện nay đang gây nhiều tranh cải trong dư luận nhân dân, kể cả một số giới chức trong chính quyền. Mặc dù cho tới nay sự minh bạch trong việc sáp nhập và bãi bỏ các đơn vị hành chánh địa phương chưa nêu rõ lý do và nội dung thảo luận trong các cơ quan đầu não như Bộ chính trị cũng như tại Quốc Hội, chưa giải thích tiêu chuẩn cũng như lợi ích của sự thay đổi nầy.

Chính quyền đã công bố danh sách các đơn vị tinh giản sẽ như sau:

– 11 đơn vị gồm 2 thành phố và 9 tỉnh được giữ nguyên hiện trạng.


– 23 đơn vị được sáp nhập và thay tên gồm 4 thành phố và 19 tỉnh.

Tất cả hình thành 34 đơn vị hành chánh trên toàn quốc.


1. Thành phố Hà Nội

2. Thành phố Huế

3. Tỉnh Lai Châu

4. Tỉnh Điện Biên

5. Tỉnh Sơn La

6. Tỉnh Lạng Sơn

7. Tỉnh Quảng Ninh

8. Tỉnh Thanh Hoá

9. Tỉnh Nghệ An

10. Tỉnh Hà Tĩnh

11. Tỉnh Cao Bằng



1. Tỉnh Tuyên Quang

2. Tỉnh Lào Cai.

3. Tỉnh Thái Nguyên.

4. Tỉnh Phú Thọ.

5. Tỉnh Bắc Ninh.

6. Tỉnh Hưng Yên.

7. Thành phố Hải Phòng.

8. Tỉnh Ninh Bình.

9. Tỉnh Quảng Trị

10. Thành phố Đà Nẵng

11. Tỉnh Quảng Ngãi.

12. Tỉnh Gia Lai



13. Tỉnh Khánh Hòa.

14. Tỉnh Lâm Đồng.

15. Tỉnh Đắk Lắk.

16. Thành phố Hồ Chí Minh.

17. Tỉnh Đồng Nai.

18. Tỉnh Tây Ninh

19. Thành phố Cần Thơ.

20. Tỉnh Vĩnh Long.

21. Tỉnh Đồng Tháp.

22. Tỉnh Cà Mau.

23. Tỉnh An Giang




Sơ lược hình thành các đơn vị hành chánh

Từ cuối năm 1831, vua Minh Mạng cho bỏ các dinh, trấn trước đây mà thành lập các tỉnh. Năm 1832 cả nước có 31 tỉnh, gồm:

– Bắc Kỳ (từ này đặt ra từ năm 1834) có 13 tỉnh: Hà Nội, Sơn Tây, Hưng Hóa, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Hưng Yên, Nam Định, Ninh Bình và Thái Nguyên.

– Trung Kỳ có 11 tỉnh và phủ Thừa Thiên, 11 tỉnh gồm: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và Bình Thuận.

– Nam Kỳ có 6 tỉnh: Phiên An (năm 1836 đổi tên thành Gia Định), Biên Hòa, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên.

Không kể các thay đổi tùy tiện của chánh quyền thời Pháp thuộc (1867-1945), sau Hiệp định Genève 1954, miền Bắc có 31 tỉnh và thành phố qua các đợt sáp nhập một số tỉnh đổi tên như sau: Bắc Thái, Hà Nam Ninh, Hà Sơn Bình, Cao Bắc Lạng, Vĩnh Phú, Nghệ Tĩnh..

Miền Nam từ vĩ tuyến 17 trở vào có 32 tỉnh. Số tỉnh sau đó được tăng lên khi chính quyền Đệ Nhất Cộng Hòa tìm cách kiểm soát chặt chẽ các đơn vị hành chánh nhưng kết quả không hữu hiệu.

Đến thời Việt Nam Cộng Hòa (Đệ Nhị) lãnh thổ được chia thành 44 tỉnh, 257 quận, 1 Đô thành (Sài Gòn) và 10 Thị xã (Vũng Tàu, Đà Lạt, Cam Ranh, Đà Nẵng, Huế, Quy Nhơn, Rạch Giá, Cần Thơ, Mỹ Tho và Nha Trang ).


Sau năm 1975 có nhiều đợt sáp nhập và chia tách, thay tên tỉnh và thành phố như sau: Miền Bắc vẫn giữ nguyên trạng, miền Nam sáp nhập hoặc đổi tên gồm: Bình Trị Thiên, Nghĩa Bình, Gia Lai-Kontum, Thuận Hải, Sông Bé, Đồng Nai, Đồng Tháp, Bến Tre, Châu Đốc, Gò Công, Tiền Giang, Hậu Giang, Kiên Giang, An Giang và Minh Hải.

Qua nhiều đợt thay đổi chia tách và nhập lại, tính đến cuối năm 2024, Việt Nam có tất cả 63 đơn vị hành chánh cấp tỉnh, bao gồm 6 thành phố trực thuộc trung ương và 57 tỉnh.

Image
Tòa Hành Chánh Định Tường, Mỹ Tho. (Hình: tác giả cung cấp)


Sự sáp nhập và thay đổi tỉnh, thành

Từ sau ngày thống nhất đất nước liền một dãy từ Lạng Sơn đến Cà Mau năm 1975 đã có nhiều thay đổi các đơn vị hành chánh mà chính yếu chỉ mang tính chính trị nhiều hơn thay vì nâng cao hiệu quả của guồng máy hành chánh địa phương.

Việt Nam trong giai đoạn chiến tranh cũng đã có những sự thay đổi mang tính độc đoán của các nhà lãnh đạo độc tài dù là cá nhân hay đảng trị. Cả hai miền đều loay quay không có tầm nhìn xa, như tại miền Bắc sáp nhập các tỉnh, thành nhằm co cụm các đơn vị hành chánh lại để dễ bề kiểm soát chặt chẽ nhân dân còn miền Nam thời Đệ Nhất Cộng Hòa đã thay đổi một loạt tên gọi các địa phương như Ba Xuyên (Sóc Trăng), An Xuyên (Cà Mau), Phong Dinh (Cần Thơ), Phú Bổn (Cheo Reo) … Khiêm Ích (Cai Lậy), Sùng Hiếu (Cái Bè), Sầm Giang (Vĩnh Kim), Lệ Trung, Lệ Nhơn ở Pleiku… mà không mang một chủ trương phát triển kinh tế hay văn minh tiến bộ nào cả.

Hiện nay với đà phát triển dân số ngày càng tăng hơn 100 triệu người việc phân chia lại lãnh thổ thành các đơn vị hành chánh hợp nhất là cần thiết và thực tế trong bối cảnh hội nhập toàn cầu về mọi mặt, nhất là về sự phát triển về kinh tế và du lịch, chính quyền cần phải cải tổ lại guồng máy hành chánh sao cho có hiệu năng phục vụ tốt cho nhu cầu phát triển đất nước.

Ngoài việc tinh giản bộ máy chính quyền tại các địa phương còn có sự phân bổ lại dân cư trên địa bàn ở các tỉnh và thành phố phía Nam.

Như chúng ta biết sự phân chia lãnh thổ ra thành các địa phương dù tên gọi là tỉnh, thành phố hay huyện, xã đều dựa trên ba yếu tố căn bản là diện tích đất đai, mật độ dân cư và môi trường sinh sống từng địa phương sao cho cân đối trên cả nước, tránh trường hợp đất quá rộng mà người thưa hay ngược lại. Đó là nói về “phần cứng” còn “phần mềm” là tùy thuộc vào cộng đồng các sắc dân và truyền thống văn hóa, phong tục của từng vùng miền hay địa phương.

Trước đây cũng có lúc chính quyền miền Nam (Đệ Nhất Cộng Hòa) dự tính thay đổi tên Việt Hóa các địa phương người thiểu số, nhất là ở miền cao nguyên trung phần (Tây nguyên) hay miền Tây Nam phần nhưng không thành công.


Thật ra, miền Nam là vùng đất mới nên tên gọi địa phương thường là theo thổ âm của cư dân bản địa lâu đời như Sài Gòn, Mỹ Tho, Sóc Trăng, Cà Mau …(tiếng Miên) qua thời gian trở thành tên gọi chính thức trong các tổ chức hành chánh địa phương. Cho nên nhu cầu thay đổi tên gọi xét ra cũng không cần thiết chỉ gây thêm phiền phức về phương diện giấy tờ và thủ tục hành chánh.

Vấn đề chính yếu hiện nay không phải là tên gọi mà là việc sáp nhập các địa phương lại với nhau thành một đơn vị hợp nhất vẫn gọi tên cũ mà dùng cho đơn vị mới vừa thiết lập có hợp lý hay không?

Điển hình như hai địa phương Gia Lai hợp với Bình Định và lấy tên là tỉnh Gia Lai (tỉnh lỵ) nghe thấy không ổn, chưa kể là hai tỉnh nầy địa lý khác biệt nhau, một là đồng bằng ven biển và một là rừng núi cao nguyên. Hơn nữa, thành phần dân cư ở hai tỉnh cũng khác biệt nhau: người Kinh và người sắc tộc thiểu số. Tương tự như vậy hai địa phương Quảng Ngãi và Kon Tum lấy tên là Quảng Ngãi (tỉnh lỵ) cũng cùng một trường hợp.

Trước đây ngay sau năm 1975 đã có lần sáp nhập hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum thành một tỉnh, nếu thấy tiện lợi thì lấy tên là tỉnh lỵ Gia Lai (hay Pleiku) cũng hợp tình, hợp lý hơn về mọi phương diện từ địa lý, dân cư, sự phát triển kinh tế cho đến truyền thống văn hóa của cộng đồng người sắc tộc.

Sự sáp nhập các địa phương Đăk Lăk với Phú Yên, Lâm Đồng với Bình Thuận, Ninh Thuận, Đăk Nông cũng nằm trong chiều hướng bất hợp lý vừa nêu trên. Phải chăng các nhà hoạch định chiến lược sáp nhập nhất quán nghiêng hẳn về hợp Hoành hơn hợp Tung (nhìn trên bản đồ địa giới) giống như các nhà chiến lược quân sự.

Riêng về đồng bằng sông Cửu Long, nếu nay đã thay đổi tư duy không lấy tên sông đặt cho tên tỉnh (như Đồng Nai, Tiền Giang, Hậu Giang nữa) khi sáp nhập vào cũng nên dựa theo “phần mềm” (văn hóa, truyền thống) như hai địa phương Đồng Tháp và Tiền Giang sao lại lấy tên tỉnh Đồng Tháp nghe thấy không hợp tình hợp lý, vì Đồng Tháp và Tiền Giang đều là tên mới đặt sau nầy (1975), nhưng Mỹ Tho hay Định Tường có bề dày truyền thống lâu đời và phổ biến hơn mà mọi người mọi thế hệ đều biết đến, cho nên chọn Mỹ Tho hay Định Tường (tỉnh lỵ) có từ thời nhà Nguyễn là lựa chọn thích hợp hơn. Mỹ Tho còn là địa điểm giao thương trung chuyển quan trọng vào bậc nhất ở miền Nam qua suốt các thời kỳ phát triển của đất nước.

Nói chung miền Nam (khu vực đồng bằng sông Cửu Long) có chung điều kiện về đất đai, thổ nhưỡng, con người phóng khoáng nên cũng không có vấn đề gì trở ngại lớn lao khi sáp nhập. Hơn nữa với phương tiện giao thông đường xá mở rộng thuận tiện, cầu đường phát triển rộng khắp nên có đổi tên gọi mới các đơn vị hành chánh cũng không gây khó khăn phiền phức việc đi lại hay về các thủ tục, giấy tờ hành chánh. Duy chỉ có một điều là nên tránh áp đặt cục bộ, vùng miền và phải hợp tình hợp lý.
Image
Trụ sở Huyện Cẩm Thủy. (Hình: tác giả cung cấp)
Sự bãi bỏ cấp huyện và sáp nhập cấp xã

Cho đến cuối năm 2024 Việt Nam có tổng cộng 705 đơn vị hành chánh cấp huyện và 10.598 đơn vị hành chánh cấp xã (bao gồm 614 thị trấn, và 1.737 phường)


Về cải tổ guồng máy hành chánh xã, đây là một vấn đề hết sức phức tạp. Năm 1972 với đà phát triển dân số đổ xô về các địa điểm đông dân, chính quyền VNCH có đề ra một cuộc “cách mạng hành chánh” nhằm nâng cao hiệu quả phục vụ nhân dân nên đã biến cải tổ chức hành chánh xã, phân lọai không kể địa giới lớn nhỏ mà theo mật độ dân số, nếu xã có trên 30.000 dân sẽ trở thành “xã phát triển” (như ThỊ trấn hay Thị xã ngày nay) điển hình là xã Phú Nhuận tỉnh Gia Định, xã Tùng Nghĩa tỉnh Tuyên Đức, xã Châu Thành tỉnh Kontum … và hầu hết các xã ở tỉnh lỵ trên toàn quốc đều trở thành các xã phát triển có ngân sách tự quản rất cao cộng với thành phần nhân sự lãnh đạo (thí điểm) được đào tạo chính quy (tốt nghiệp Quốc Gia Hành Chánh). Chủ trương nầy đã bị các chuyên gia Liên Hợp Quốc chỉ trích là “nghiêng về thành thị”, tập trung quá nhiều phúc lợi, tiện ích xã hội hơn so với các xã vùng sâu vùng xa hay ít dân.

Lúc bấy giờ với dân số chỉ hơn 17 triệu người sinh sống trên 2.481 xã nên việc sáp nhập hay xóa bỏ một số xã không cần thiết, vẫn duy trì được như cũ, thậm chí có xã vẫn có tên trên giấy tờ nhưng không có hoạt động vì dân đã di cư đi nơi khác, nhất là các xã ở vùng sâu, vùng xa thuộc quyền kiểm soát của cộng sản.

Ngày nay đất nước thống nhất, lãnh thổ vẫn gần nguyên như cũ không thêm không bớt, nhưng với dân số trên 100 triệu người nên công việc quản trị hành chánh thật sự khó khăn hơn, trước hết là sự phát triển thiếu tính đồng bộ giữa các địa phương, nhất là ở cấp xã, từ đó gây ra tình trạng phân biệt giữa xã công nghiệp và xã nông nghiệp có thể ảnh hưởng đến đời sống xã hội như giàu và nghèo. Tình trạng khiếm dụng ở nông thôn đã xảy ra vì lực lượng lao động chính sẽ chuyển dần đến các khu vực công nghiệp đưa đến sự mất quân bình về dân số tại các địa phương.

Hiện nay chưa có công bố chính thức về cải cách nền hành chánh xã khi bãi bỏ cấp huyện. Thông thường thì sự phân chia các đơn vị hành chánh căn bản các cấp đều được ghi rõ trong Hiến pháp, nếu muốn hủy bỏ một hay nhiều cấp cần phải thay đổi một số điều khoản trong Hiến pháp vì sắc lệnh của chính phủ chưa đủ để thể hiện được ý chí của toàn dân.

Dù không có thay đổi lớn về địa giới nhiều nhưng chắc chắn là sẽ có sự sắp xếp lại và thay đổi danh xưng cũng là một vấn đề quan trọng sẽ khiến cho mọi người ở địa phương hoang mang. “Phép vua thua lệ làng” vẫn còn bàng bạc trong dân gian nên không dễ gì thay đổi hay sáp nhập, nói chi đến việc bãi bỏ.

Đặc biệt là cấp huyện, lâu đời nay từ khi có tổ chức chính quyền từ thời phong kiến xa xưa cho đến thời cận đại sự phân chia các đơn vị hành chánh luôn hiện diện cấp huyện, trung gian giữa hai đơn vị có tư cách pháp nhân là tỉnh và xã. Nay chính quyền dự tính bãi bỏ cấp huyện trên toàn quốc là điều cần nên nghiên cứu lại sâu sát hơn.

Thật ra hiện nay trên thế giới đa phần các nước tiên tiến đều duy trì đơn vị hành chánh cấp huyện (county) là cần thiết, chỉ có điều là cấp huyện có thực hành đúng chức năng của mình hay không mà thôi.

Thời VNCH hầu hết các quận (huyện) trên toàn quốc, văn phòng quận chỉ có 4 Ban: Hành chánh, Tư pháp, Nội an và Kinh tế, nhân sự chỉ tối đa chừng 20 người là tương đối đủ (so với hiện nay hằng trăm người ở Ủy Ban Nhân Dân Huyện), còn các chuyên ngành nào thì do Bộ sở quan đó quyết định tùy theo, có nên hoạt động ở địa bàn cấp huyện hay không. (như công chánh, giao thông, giáo dục v..v…) Tuy là đơn vị trung gian nhưng hoạt động cũng quy củ và có hiệu quả.


1- Huyện là cơ quan tài phán ở cấp thấp nhất (Tòa Hòa Giải Rộng Quyền) để giải quyết nhanh chóng các tranh tụng về dân sự ở địa phương, phù hợp với tập tục và truyền thống riêng (như sắc dân thiểu số) cũng như các khiếu nại về hộ tịch, giấy tờ thất lạc do chiến tranh, hỏa hoạn (giấy Thế vì Khai sanh, Giá thú …), không phải chờ đợi chuyển lên cơ quan tài phán cấp tỉnh.

2- Những sự việc xảy ra ở địa bàn thuộc diện rộng, nhiều xã như thiên tai, hỏa hoạn, động đất chỉ có cấp huyện là có thể huy động lực lượng cứu hộ nhanh nhất và có hiệu quả nhất.

3- Công việc kiểm tra dân số để lập danh sách thụ hưởng các quyền lợi ở các xã cần có huyện tổng kết để gởi về tỉnh vừa theo dõi vừa chia sẻ gánh nặng cho tỉnh, nếu mỗi xã đều gởi trực tiếp về tỉnh thì tỉnh sẽ không có cơ hội kiểm tra danh sách thực địa như huyện.

4- Quản lý các hoạt động kinh tế trong địa bàn huyện (bao gồm nhiều xã) như cấp giấy phép hoạt động cho các cơ sở kinh doanh, nhà máy, kiểm tra tình hình sản xuất ỏ địa phương với qui mô nhỏ. Đánh giá và báo cáo về tỉnh. Cấp giấy phép vận chuyển đi lại cho người dân hoặc các cơ sở sản xuất hàng hóa tại địa phương

5- Phối hợp với tỉnh tổ chức các cuộc bầu cử viên chức hành chánh xã ấp.

6- Được tỉnh ủy nhiệm làm phát ngân viên cấp phát tiền cứu trợ trực tiếp cho dân chúng trong các công tác xã hội tại địa phương.

7- Trung gian Ngân khố hay Bưu Điện có nhiệm vụ thu tiền do các xã giao nộp để chuyển về tỉnh. (vì xã không được quyền giữ tiền lưu hành quá mức quy định)

8- Chứng thực các giấy tờ cần kiểm tra độ tin cậy theo luật định.

9- Ban hành các văn kiện mới về tổ chức và điều hành cấp xã do tỉnh hay trung ương phổ biến.

10- Thâu nhận hồ sơ tài chánh, thuế vụ, kiểm toán ở các xã, tập trung chuyển về trung tâm Chuẩn Chi ở tỉnh.


11- Tổ chức huấn luyện định kỳ về quản lý hành chánh cho các viên chức xã, ấp.

12- Tham gia vào các Ủy Ban kiểm tra hay tiếp nhận các công trình xây dựng, trạm xá y tế, giao thông, cầu đường tại địa phương.

Dù có tinh giản và sáp nhập các đơn vị hành chánh cấp xã tối đa đến 70% cũng còn hơn 3,000 đơn vị hoạt động cho nên nếu bãi bỏ cấp huyện thì hoạt động hai chiều giữa tỉnh và xã sẽ rất lỏng lẻo có khi công việc ùn tắc mất nhiều thời gian. Hơn nữa về nhân sự cấp xã cũng chưa hoàn thiện để đáp ứng nhu cầu đổi mới.

Nếu mục đích tinh giản nhân sự để bội thu ngân sách từ việc bãi bỏ các cơ chế tốn nhiều ngân quỹ là một chủ trương chưa đúng lắm.

Kết luận, tinh giản và sáp nhập các đơn vị hành chánh tỉnh và thành phố là việc cần phải làm, nhưng cũng nên xem xét lại các yếu tố về địa lý, dân cư và văn hóa truyền thống từng địa phương sao cho phù hợp để người dân đồng tình và ủng hộ. Riêng về cấp huyện cũng nên tinh giản nhưng không nên bãi bỏ. Tất cả chỉ nhằm một mục đích là làm sao cho guồng máy hành chánh đỡ cồng kềnh, bớt quan liêu và tránh lãng phí trong hệ thống công quyền cho nên việc đào tạo và thay đổi tư duy đội ngũ nhân sự mới là yếu tố then chốt trong công cuộc cải cách.

Chỉ có quyết tâm thực hiện và tri thức cởi mở mới đưa đất nước Việt Nam tiến lên hàng ngũ các quốc gia tiên tiến trên thế giới. Thật mong lắm thay.

Post Reply