Tin Trong Nước

Xin nhớ: tin cần có "nguồn", trích từ đâu ra!!!
nguyenthanh
Posts: 859
Joined: Fri Jan 06, 2012 5:40 pm

Post by nguyenthanh »

Ðánh dân dã man, công an nói ‘làm đúng quy trình’
Monday, June 13, 2016 2:00:23 PM


LONG AN (NV) - Ðến để giải quyết vụ gây rối nhưng bị 3 bà chống cự, công an xã Ðông Thạnh, huyện Cần Giuộc
đã thẳng tay đánh đập và được công an huyện Cần Giuộc khẳng định “làm đúng quy trình.”

Báo Người Lao Ðộng dẫn tin, chiều 13 tháng 6, ông Phạm Thành Tâm, trưởng công an huyện Cần Giuộc xác nhận,
đang điều tra, xác minh làm rõ việc “có dấu hiệu chống người thi hành công vụ xảy ra tại xã Ðông Thạnh, huyện Cần Giuộc.”

Image
Bà Thùy Dương bị đánh bầm tay.

Tin cho biết, chiều 9 tháng 6, nghe có vụ gây rối giữa nhóm phụ nữ và một số thanh niên tại địa phương, công an xã cử 3 cán bộ tên Hiền, Ðông, Tú cùng trưởng công an xã Ðông Thạnh là ông Phạm Thế Lâm phối hợp với dân phòng đến giải quyết.

Ðến nơi, công an xã vào nhà của ông Nguyễn Văn Chuộng (38 tuổi), ngụ ấp Bắc, mời 3 bà là Phạm Thị Thùy Dương(34 tuổi); Phạm Thị Thùy Trang (40 tuổi) và bà Ðặng Thị Lệ Thủy (25 tuổi), ngụ xã Phước Lại, cùng anh Nguyễn Văn Út (40 tuổi), chồng bà Dương, ngụ xã Phước Vĩnh Tây về trụ sở làm việc.

Do không đồng ý vì cho rằng mình không có lỗi trong vụ gây rối, nhóm người này phản đối không đi theo thì liền bị 3 công an viên dùng roi điện đánh đập, khống chế. Hậu quả, cả 3 người phụ nữ đều phải nhập viện điều trị với nhiều vết thương ở tay, chân.

Bà Thùy Dương bất bình, kể: “Ðúng là chúng tôi có chống trả lại công an. Nhưng việc đề nghị đưa chúng tôi về xã làm việc có đúng quy trình hay không? Ngoài ra, 6 người là công an và dân phòng đã sử dụng roi điện, gậy ba trắc đánh lại 3 người phụ nữ thì liệu có cần thiết? Ngoài ra, sau vụ việc này, công an còn đưa chúng tôi về trụ sở xã để tạm giữ, từ chiều 9 đến chiều 10 tháng 6 mới cho về, làm 2 đứa nhỏ con tôi phải theo mẹ lên xã ngủ, bị muỗi chích sáng đêm.”

Trong khi đó, nói với phóng viên Người Lao Ðộng, ông Ðặng Minh Tín, đội phó Ðội Ðiều Tra Tổng Hợp Công An huyện Cần Giuộc, cho rằng: “Qua xác minh, đúng là bà Dương, Trang và Thủy có nhiều vết thương bầm tím trên cơ thể, nhưng công an xã có sử dụng công cụ hỗ trợ để đánh hay không thì đang làm rõ. Song, vụ việc này có dấu hiệu chống người thi hành công vụ, khi sử dụng ghế để đánh trả lại công an. Vì thế, công an xã đã buộc phải khống chế là đúng quy trình,” ông Tín nói.

Tối 13 tháng 6, Khoa Ngoại Chấn Thương bệnh viện đa khoa huyện Cần Giuộc, cho biết, 3 phụ nữ nhập viện vào 2 ngày 9 và 11 tháng 6 do đa chấn thương hiện đang được theo dõi điều trị. (Tr.N)

User avatar
VuPhong
Posts: 2923
Joined: Wed Dec 01, 2004 4:28 pm

Post by VuPhong »

Giới trẻ Việt Nam nghiện ma túy ngày càng tăng
Wednesday, June 15, 2016 3:08:19 PM


HÀ NỘI (NV) - Đó là thông tin được chia sẻ tại Hội Thảo “Nâng cao hiệu quả tuyên truyền
về đổi mới công tác cai nghiện ma túy ở Việt Nam” do Bộ Lao Động tổ chức ngày 14 Tháng Sáu, tại Hà Nội.

Image
Người bán và con nghiện ngang nhiên tiêm chích ma túy giữa phố như chốn không người. (Hình: Báo Đời Sống và Pháp Luật)

Sau ba năm thực hiện đề án “Đổi mới công tác cai nghiện ma túy ở Việt Nam đến năm 2020,” nhằm thay đổi toàn diện về mua bán ma túy, cai nghiện ở Việt Nam “hiệu quả hơn,” song tại hội thảo này, ông Nguyễn Xuân Lập, cục trưởng Cục Phòng Chống Tệ Nạn Xã Hội, cho biết đến cuối năm 2015, Việt Nam đã có 200,134 người nghiện ma túy.

Theo phúc trình, thống kê cho thấy người nghiện có xu hướng ngày càng trẻ hóa, với 76% người nghiện ở độ tuổi dưới 35; 60% số người sử dụng ma túy lần đầu dưới 25 tuổi, trong đó 8% sử dụng ma túy lần đầu ở độ tuổi dưới 18 tuổi.

Đáng chú ý, ngoài nghiện thuốc phiện, heroin, cần sa, nghiện ma túy tổng hợp, nhóm chất kích thích dạng Amphetamin (ATS), đặc biệt là ma túy đá đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều. Cụ thể, chỉ trong quý 1 năm 2016, số người sử dụng ATS lên đến 43%. Một số địa phương có tỉ lệ sử dụng ATS cao trong những năm gần đây như An Giang gần 70%; Hà Nội 26%, quý 1 năm 2016 số sử dụng ATS là 43%.

Theo Cục Phòng Chống Tệ Nạn Xã Hội, Bộ Lao Động, mặc dù hơn 20 năm qua, chính quyền CSVN đã triển khai nhiều biện pháp phòng chống, cai nghiện ma túy, song tỉ lệ tái nghiện không giảm, vẫn giữ ở mức hơn 90%.

Nguyên nhân, theo ông Nguyễn Trọng Đàm, thứ trưởng Bộ Lao Động, là do nhận thức của lãnh đạo chính quyền một số ngành, địa phương chưa thực sự đầy đủ về nghiện ma túy, chưa chủ động nghiên cứu và đưa ra mô hình chuyển đổi phù hợp. Bên cạnh đó, trong cộng đồng, xã hội còn nhiều quan niệm, ý kiến, mức độ khác nhau về việc điều trị cai nghiện ma túy. (Tr.N)

User avatar
saohom
Posts: 2240
Joined: Wed Aug 26, 2009 11:30 pm

Post by saohom »

Vỡ hồ chứa chất thải titan, bùn đỏ nhuộm khắp nơi
Thursday, June 16, 2016 1:44:19 PM

BÌNH THUẬN (NV) - Bờ hồ chứa chất thải titan ở huyện Hàm Thuận Nam bất ngờ bị vỡ,
khiến một lượng bùn đất khổng lồ trút xuống đường, cuốn trôi nhiều tài sản của người dân.

Image
Bùn thải titan tràn vào khu dân cư.

Truyền thông Việt Nam loan báo, rạng sáng 16 Tháng Sáu, bờ bao hồ chứa rộng khoảng 3,000 mét vuông chứa chất thải khai thác titan của công ty Tân Quang Cường ở xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam, bất ngờ bị vỡ.

Theo mô tả của phóng viên báo Tuổi Trẻ, do lượng bùn đỏ quá lớn, dòng nước vỡ ra mạnh nên đã xé thành một đường rãnh lớn trên đồi cát chạy dài xuống khu dân cư. Hàng trăm mét khối nước bùn đỏ theo các đường rãnh tràn vào nhà, vườn, ao cá của người dân.

Các quán ăn, khu du lịch nằm ven biển cũng bị bùn đỏ tràn vào. Cụ thể như khu du lịch Hiếu Nam, cát đọng lại dày khoảng 0.5 mét. Bùn đỏ còn băng qua tuyến đường nhựa ven biển Tân Thành-Thuận Quý chạy luôn ra biển, khiến tuyến đường DT 719 Phan Thiết-Hàm Thuận Nam giao thông bị ách tắc, gián đoạn.

Bà Trần Thị Nam, chủ khu du lịch Hiếu Nam, cho biết: “Từ Tết cho đến nay, hồ chứa nước đãi titan này đã hai lần bị rò rỉ nước, bùn, cát chảy vào và lần này, lại bị vỡ lớn.”

Ông Trần Quang Hải, phó giám đốc công ty Tân Quang Cường, cho rằng do ngày 15 Tháng Sáu trời mưa quá lớn, lượng nước mưa nhiều dẫn đến tình trạng vỡ bờ bao hồ chứa chất thải khai thác titan. Công ty sẽ tiến hành đền bù, hỗ trợ người dân và khu du lịch trong khu vực bị ảnh hưởng.


Tuy nhiên, nói với phóng viên Tuổi Trẻ, chiều 16 Tháng Sáu, ông Hồ Lâm, giám đốc Sở Tài Nguyên-Môi Trường tỉnh Bình Thuận, cho biết mỏ titan của công ty Tân Quang Cường được Bộ Tài Nguyên-Môi Trường cấp phép, nhưng vẫn chưa làm đủ các thủ tục để đủ điều kiện khai thác titan, thế nhưng công ty này vẫn tiến hành khai thác.

Ðây không phải là sự cố đầu tiên mà khu khai thác titan này gây ra. Trước đó, vào năm 2012, cũng tại địa bàn xã Thuận Quý đã xảy ra sự cố tương tự làm nhiều nhà cửa bị cuốn trôi.

Ngành chức năng huyện Hàm Thuận Nam và tỉnh Bình Thuận đang tiến hành thống kê thiệt hại và điều tra nguyên nhân của vụ việc. (Tr.N)

User avatar
saohom
Posts: 2240
Joined: Wed Aug 26, 2009 11:30 pm

Post by saohom »

‘Nước mắm cá cơm’ làm bằng hóa chất Trung Quốc
Friday, June 17, 2016 6:32:48 PM


SÀI GÒN (NV) - Dán nhãn là “nước mắm cá cơm” nhưng thành phần không có bất cứ một loại cá nào mà được sản xuất hoàn toàn bằng nước,
muối và hóa chất Trung Quốc mua ở chợ.

Image
Nơi sang chiết “nước mắm cá cơm” và hóa chất dùng để sản xuất nước mắm của vợ chồng ông Hùng.

Báo Thanh Niên dẫn tin, ngày 15 Tháng Sáu, phòng cảnh sát Phòng Chống Tội Phạm Về Môi Trường, Công An thành phố Sài Gòn cho biết, đang chờ kết quả xét nghiệm để có căn cứ xử lý cơ sở sản xuất nước mắm của ông Lý Văn Hùng (50 tuổi), quê Bình Định, đóng tại khu phố 5, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức.

Trước đó, trưa 13 Tháng Sáu, đoàn kiểm tra liên ngành gồm: Công an, chi cục bảo vệ nguồn lợi thủy sản Sài Gòn đến kiểm tra cơ sở nước nắm trên. Tại đây, đoàn đã bắt quả tang vợ chồng ông Hùng đang sang chiết nước mắm từ trong bồn chứa ra chai nhựa (loại một lít), đóng nắp, dán nhãn “nước mắm cá cơm” hiệu Tân Phú.

Đoàn kiểm tra phát hiện tại đây có 1,414 chai nước mắm hiệu Tân Phú (loại một lít) thành phẩm; 600 lít nước mắm chuẩn bị sang chiết, hàng ngàn nắp chai, chai nhựa chưa qua sử dụng và 130kg giấy nhãn. Bên cạnh đó còn có nhiều bột chua, phẩm màu, bột chống mốc, đường hóa học sodium cyclamate, bột ngọt, bên ngoài bao bì ghi toàn chữ Trung Quốc.

Bà Trần Thị Thanh Tâm (49 tuổi), vợ ông Hùng khai nhận, đã sản xuất nước mắm từ năm 2013 đến nay, trong khi cơ sở không có giấy phép kinh doanh, chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm...

Theo bà Tâm, để sản xuất 500 lít nước mắm, bà dùng 1 bồn nhựa loại 1,000 lít, bơm nước máy và đổ 200kg muối hột vào ngâm từ 7-10 ngày. Sau đó, rút nước muối này qua bồn chứa loại 500 lít rồi pha 200 gram bột chua, 100 gram màu thực phẩm, 200 gram bột chống mốc, 200 gram đường hóa học và 2kg bột ngọt rồi dùng cây tre khuấy đều.

Hỗn hợp này được bơm vào một bình chứa khác để lọc cặn rồi sang chiết ra các chai nhựa loại một lít rồi dán nhãn, hạn sử dụng, đóng nắp chai... thành nước mắm “cá cơm.” Mỗi lần cơ sở sản xuất ra hàng ngàn lít bán ra thị trường. Đặc biệt, muối, hóa chất cùng chai nhựa, nắp chai dùng để chế biến được vợ chồng ông Hùng mua tại chợ “thần chết” Kim Biên, quận 5. Mỗi chai “nước nắm cá cơm” Tân Phú được bỏ mối cho các tiệm tạp hóa với giá hơn 3,000 đồng/lít; các tiệm bán lại cho người tiêu dùng 10,000 đồng/lít.

Khai với đoàn kiểm tra, vợ chồng ông Hùng cũng thừa nhận đã từng bị phòng y tế, công an quận Thủ Đức và ủy ban phường Hiệp Bình Phước kiểm tra xử phạt. Nhưng theo người dân xung quanh, sau mỗi lần kiểm tra thì cơ sở nước mắm này hoạt động trở lại và sản xuất nhiều hơn trước.

Trả lời vấn đề này, bà Lê Thị Thúy An, phó chủ tịch phường Hiệp Bình Phước, thừa nhận chính quyền phường, quận đã biết và từng xử lý nhiều lần cơ sở nước mắm này. Tuy nhiên khi phóng viên Thanh Niên hỏi về các vấn đề hóa chất, điều kiện vệ sinh... tại cơ sở sản xuất nước mắm này thì bà An nói không có trách nhiệm trả lời.

Một cán bộ về hưu tại địa phương 5 đặt vấn đề: “Quận, phường biết mà không xử lý dứt điểm là vô lý! Xử phạt nhiều lần rồi mà cơ sở sản xuất nước mắm bằng hóa chất Trung Quốc vẫn ngang nhiên hoạt động là rất bất bình thường.”

Đoàn kiểm tra đã lập biên bản vi phạm hành chính và lấy mẫu nước mắm đóng chai, và 5 mẫu hóa chất, nguyên liệu dùng sản xuất nước mắm để phân tích chờ kết quả xử lý. Bên cạnh đó, đoàn kiểm tra niêm phong tất cả thành phẩm, các hóa chất, dụng cụ dùng sản xuất nước mắm của cơ sở ông Hùng để tiếp tục điều tra làm rõ. (Tr.N)

User avatar
saohom
Posts: 2240
Joined: Wed Aug 26, 2009 11:30 pm

Post by saohom »

Sài Gòn: Chỉ tiểu bậy nhưng bị công an biến thành 'cướp'
Tuesday, June 21, 2016 2:45:40 PM


SÀI GÒN (NV) - Viện trưởng Viện Kiểm Sát huyện Bình Chánh vừa quyết định “thay đổi biện pháp ngăn chặn”
đối với thanh niên Ong Văn Sệt, 25 tuổi. Theo đó, Sệt sẽ được tại ngoại sau 16 tháng bị tạm giam.

Sệt là bị can thứ ba trong vụ chỉ tiểu bậy nhưng bị công an biến thành cướp.

Cuối năm 2012, Trần Văn Uống và Khưu Khánh Sỹ bị công an xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh,
thành phố Sài Gòn “bắt quả tang” vì cướp tài sản của ông Phan Thanh Quyền.

Image
Thanh niên Ong Văn Sệt, một trong những người chỉ vì tiểu bậy ngoài đường rồi bị biến thành “cướp.” (Hình: Pháp Luật)


Cả công an lẫn Viện Kiểm Sát huyện Bình Chánh cùng xác định rằng, Uống và Sỹ đã cùng hai người khác đi nhậu. Nhậu xong, cả bốn bàn với nhau chặn xe để cướp, bán lấy tiền xài.

Uống, Ðen, Sệt dùng mỗi người một cây tầm vông dài khoảng 50 cm cùng Sỹ đi bộ ra đường Trần Ðại Nghĩa, chia làm hai nhóm đứng đợi hai bên đường. Sau đó thì một người đàn ông tên là Phan Thanh Quyền đi tới. Thấy cả bốn chờ sẵn như thế, ông Quyền quay xe bỏ chạy. Ðen cầm cây đánh ông Quyền nhưng không trúng. Cả nhóm đuổi theo và ném các cây tầm vông về phía ông Quyền nhằm làm ông Quyền ngã xe nhưng ông Quyền tránh được và chạy đến chốt dân phòng khu công nghiệp Lê Minh Xuân báo tin. Do Ðen và Sệt đã bỏ trốn nên công an Bình Chánh chỉ khởi tố Uống và Sĩ. Viện Kiểm Sát huyện Bình Chánh truy tố Uống và Sĩ “cướp tài sản”...

Tại tòa, Uống và Sỹ một mực kêu oan. Dù bị cách ly (không cho trao đổi hay nghe lời khai của nhau) nhưng cả Uống và Sỹ đều khai giống nhau. Theo đó, cả hai cùng là công nhân của một cơ sở sản xuất thức ăn gia súc, tọa lạc tại xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh.

Tối 5 tháng 12 năm 2012, cả hai đi nhậu cùng một số đồng nghiệp. Nhậu xong, trên đường về, cả nhóm dừng lại tiểu ở ven đường thì thấy một đám đông đổ đến đòi bắt. Cả nhóm bỏ chạy rồi Uống và Sỹ bị bắt, bị cáo buộc là cướp.

Tờ tường trình đầu tiên do “nạn nhân” của vụ cướp này viết ngay sau khi Uống và Sỹ bị bắt, kể rằng, khi còn cách nhóm thanh niên khoảng 30 mét thì ông thấy hai thanh niên cầm cây, đứng hai bên vệ đường nên ông “đoán là cướp” rồi quay đầu xe, báo cho dân phòng.

Ðến biên bản lấy lời khai được lập vào ngày hôm sau, “nạn nhân” khai thêm chi tiết, “hai thanh niên này xông về phía tôi, tôi quay đầu xe thì bị ném cây theo.”

Uống và Sỹ bị bắt từ đêm 5 tháng 12 năm 2012 nhưng trong hồ sơ của công an có một biên bản “bắt quả tang” được lập sau đó một ngày. Tuy “bắt quả tang” nhưng công an không thu được “ba cây tầm vông” được xác định là “hung khí nguy hiểm” - một tình tiết mà cả công an lẫn Viện Kiểm Sát đề nghị “tăng hình phạt” đối với Uống và Sỹ. Dù hồ sơ vụ án có nhiều điểm bất thường nhưng khi xử sơ thẩm lần thứ nhất, tòa án huyện Bình Chánh vẫn phạt Uống và Sỹ, mỗi người một năm bảy tháng và chín ngày tù, bằng với thời gian bị tạm giam để trả tự do cho cả hai ngay tại tòa.

Sau đó, bản án sơ thẩm này bị tòa án thành phố Sài Gòn hủy vì có nhiều uẩn khúc. Ðó là điều tra theo định hướng có tội. Lập biên bản phạm tội quả tang là để hợp thức hóa hành vi phạm tội theo lời khai của người bị hại. Ngoài lời khai có quá nhiều mâu thuẫn của người bị hại thì không có chứng cứ buộc tội khác. Cáo buộc hai bị cáo sử dụng gậy để cướp nhưng lại không thu giữ được cây nào. Ðặc biệt, chiếc xe của người bị hại không bị ai chiếm đoạt nhưng công an tự thu, tự định giá rồi tự trả làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi bị cáo...

Sau khi bị buộc phải điều tra lại, tháng 2 năm 2015, công an huyện Bình Chánh về huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng bắt Ong Văn Sệt. Sệt từng bị cáo buộc là đồng phạm của Uống và Sỹ nhưng không bị xem xét trách nhiệm hình sự vì đã “trốn.” Tuy nhiên lúc bắt, hệ thống tư pháp chỉ xác định Sệt phạm tội “không tố giác tội phạm.” Một tháng sau khi bị bắt, Sệt “tự thú” đã tham gia “cướp tài sản” cùng với Uống và Sĩ nên tội danh của Sệt mới bị đổi thành “cướp tài sản.”

Thế nhưng dù Sệt tự thú, hệ thống tư pháp huyện Bình Chánh vẫn không đáp ứng được các yêu cầu của tòa án thành phố Sài Gòn, thành ra tòa án từ năm 2015 đến nay, tòa án huyện Bình Chánh liên tục đưa vụ án này ra xử sơ thẩm lần hai rồi hoãn nửa chừng. Mới đây, Viện Kiểm Sát huyện Bình Chánh xin tòa án huyện Bình Chánh cho rút hồ sơ về để xem lại và ngay sau đó cho Sệt tại ngoại.

Người ta tin rằng, không phải tự nhiên mà Viện Kiểm Sát huyện Bình Chánh làm như thế sau bốn năm nỗ lực buộc tội những thanh niên chỉ tiểu bậy ngoài đường rồi bị biến thành cướp.

Tháng trước, viên đại tá trưởng công an huyện Bình Chánh và viện phó Viện Kiểm Sát Bình Chánh vừa bị đình chỉ công tác sau khi dân chúng cũng như báo giới Việt Nam chỉ trích kịch liệt vì “thống nhất” khởi tố một người làm chòi nuôi vịt “vi phạm nghiêm trọng các qui định về xây dựng” và một người thuê đất của người làm chuồng gà mở quán cà phê tội “kinh doanh trái phép” dù đã có “giấy phép kinh doanh.” Tội thật của người làm chòi nuôi vịt là từ chối bán đất cho viên đại tá, trưởng công an huyện Bình Chánh và người kia là dám thuê thửa đất đó để mở quán cà phê. (G.Ð)

User avatar
macco
Posts: 3555
Joined: Mon Jan 17, 2005 8:04 am

Post by macco »

Liên Hiệp Châu Âu cần chú ý đến tự do lưu thông tại Biển Ðông
Thursday, June 23, 2016 4:34:28 PM


BRUXELLES (NV) - Ðó là ý chính trong một khuyến cáo mà Ủy Ban Châu Âu - cơ quan điều hành Liên Hiệp Châu Âu vừa phát hành.

Theo khuyến cáo vừa kể thì vì tất cả các quốc gia đều có quyền tự do lưu thông tại Biển Ðông và biển Hoa Ðông nên Liên Hiệp Châu Âu
cần “cổ vũ Trung Quốc” gìn giữ trật tự quốc tế bằng cách tuân thủ luật pháp quốc tế, bảo vệ sự ổn định ở khu vực Ðông Á.

Image
Hoạt động bồi đắp, xây dựng của Trung Quốc tại Biển Ðông khiến nhiều bên lo ngại và cảm thấy không thể đứng ngoài. (Hình: U.S Navy)



Ủy Ban Châu Âu giải thích, sở dĩ cơ quan này quan tâm đến việc bảo vệ quyền tự do lưu thông là vì tầm quan trọng đặc biệt của khối lượng hàng hóa lưu thông trên các hải lộ này đối với Liên Hiệp Châu Âu.

Ðây là lần đầu tiên, Ủy Ban Châu Âu bày tỏ sự lo ngại về quyền tự do lưu thông ở khu vực Ðông Á, đặc biệt là tại Biển Ðông.

Giống như Hoa Kỳ, Liên Hiệp Châu Âu từng khẳng định không đứng về phía nào trong số những quốc gia đang có tranh chấp về chủ quyền tại Biển Ðông. Tuy nhiên trước chuỗi hành động trong thời gian vừa qua của Trung Quốc ở Biển Ðông: Mở rộng các đảo tự nhiên, bồi đắp hàng loạt bãi đá thành đảo nhân tạo, xây dựng hàng loạt công trình, bài bố các thiết bị quân sự, cảnh cáo phi cơ và tàu của nhiều quốc gia di chuyển ngang hoặc trên Biển Ðông rằng họ đang xâm phạm lãnh thổ Trung Quốc,... thái độ của Liên Hiệp Châu Âu đã thay đổi.

Càng ngày, Liên Hiệp Châu Âu càng tỏ ra lo âu về các diễn biến tại Biển Ðông. Ý kiến của Liên Hiệp Châu Âu về Biển Ðông không còn là những khuyến cáo và đề nghị chung chung mà nhăm thẳng vào Trung Quốc.

Hồi cuối tháng trước, khi tham gia Hội Nghị Thượng Ðỉnh G7 (liên minh giữa bảy cường quốc công nghiệp: Hoa Kỳ, Canada, Anh, Pháp, Ðức, Ý và Nhật) để phát triển kinh tế, diễn ra ở Nhật, ông Donald Tusk, chủ tịch Hội Ðồng Châu Âu (cơ quan hoạch định đường hướng hoạt động của Liên Hiệp Châu Âu), khuyến cáo G7 nên có “lập trường cứng rắn” đối với vấn đề Biển Ðông, bởi tình hình tại đó càng ngày càng tồi tệ hơn do sự thái quá của Trung Quốc.

Cũng dịp đó, ông David Cameron, thủ tướng Anh, nhấn mạnh là Trung Quốc phải tôn trọng phán quyết của Tòa Trọng Tài Quốc tế Về Luật Biển trong vụ Philippines kiện yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền tại Biển Ðông. Ông Cameron bảo rằng, cần khuyến khích Trung Quốc trở thành một phần của thế giới có luật lệ.

Ðến đầu tháng 6, Ðại Tướng Petr Pavel, chủ tịch Ủy Ban Quân Sự NATO (Khối Minh Ước Bắc Ðại Tây Dương mà đa số thành viên là các quốc gia Châu Âu), tuyên bố, tuy sẽ không can thiệp vào những vấn đề của các khu vực khác nhưng NATO sẵn sàng hỗ trợ các quốc gia ven Biển Ðông phát triển khả năng quốc phòng, chia sẻ thông tin tình báo và thực hành bảo vệ an ninh hành hải.

Tướng Pavel còn nói thêm là NATO sẽ theo dõi các hành động của Trung Quốc ở Biển Ðông một cách cẩn trọng và ủng hộ việc giải quyết bất đồng dựa trên các giải pháp ngoại giao. Ðối với tranh chấp chủ quyền tại Biển Ðông, Tướng Pavel đề nghị các bên tuân thủ luật pháp quốc tế.

Kế đó, khi đến thăm Trung Quốc, bà Angela Merkel, thủ tướng Ðức lập lại sự lo ngại về các diễn biến tại Biển Ðông và cho rằng, cần phải sử dụng một loạt cơ chế, kể cả đàm phán đa phương.

Ông Jean-Yves Le Drian, bộ trưởng Quốc Phòng Pháp, không thích những lời kêu gọi chung chung, ông cho rằng Liên Hiệp Châu Âu nên tiến hành các cuộc tuần tra thường xuyên tại Biển Ðông.

Giống như nhiều viên chức ngoại giao khác của Trung Quốc, bà Yang Yan Yi, đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Châu Âu, mới khẳng định, giải quyết bất đồng về chủ quyền tại Biển Ðông là chuyện... nằm ngoài phạm vi chi phối của Công Ước về Luật Biển. Bởi tranh chấp về chủ quyền tại Biển Ðông liên quan đến lợi ích thiết yếu của Trung Quốc nên Trung Quốc đã quyết định đàm phàn trực tiếp với từng quốc gia đang có tranh chấp với Trung Quốc về chủ quyền tại Biển Ðông và không muốn có sự can dự của bên thứ ba. Ðại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Châu Âu, khuyên khối này nên tiếp tục giữ thái độ trung lập trong vấn đề Biển Ðông. (G.Ð)

User avatar
saohom
Posts: 2240
Joined: Wed Aug 26, 2009 11:30 pm

Post by saohom »

Kỷ luật quan chức giống như đùa
Friday, June 24, 2016 5:15:16 PM

Vụ cả sở đóng cửa đến nhà giám đốc ‘ăn giỗ’


SÀI GÒN (NV) - Một viên phó chủ tịch của thành phố Sài Gòn vừa loan báo rằng,
Ban Cán Sự Đảng của Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố này đã đề nghị... “khiển trách” ông Lê Minh Tấn!

Image
Công xa rời công sở đổ đến nhà ông Lê Minh Tấn. Sở Lao Động-Thương Binh-Xã Hội của thành phố Sài Gòn ngưng hoạt động vì ông Tấn tổ chức tiệc. (Hình: Tuổi Trẻ)

Hồi thượng tuần tháng này, ông Tấn, giám đốc Sở Lao Động-Thương Binh-Xã Hội của thành phố Sài Gòn tạo ra một scandal khiến dân chúng Sài Gòn nói riêng và dân chúng Việt Nam phẫn nộ.

Theo báo chí Việt Nam, chiều thứ sáu ngày 10 tháng 6, Sở Lao Động-Thương Binh-Xã Hội của thành phố Sài Gòn không hoạt động vì toàn bộ viên chức hữu trách lấy hết công xa trong sở đến tư gia của ông Tấn ở xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi dự tiệc.

Lúc đầu, ông Tấn, cựu bí thư huyện Củ Chi giải thích, vì mới được bổ nhiệm làm giám đốc Sở Lao Động-Thương Binh-Xã Hội của thành phố Sài Gòn nên ông mời thuộc cấp tới nhà dùng cơm để thắt chặt tình cảm.

Tuy nhiên chuyện cả một sở đóng cửa ngưng hoạt động, lấy hết công xa để đi dự tiệc ở nhà thượng cấp, trong bối cảnh ngân khố cạn kiệt vì nuôi hệ thống công chức đã được xác định là có tới 2/3 không đủ khả năng hoàn thành nhiệm vụ đã trở thành chuyện lớn.

Cũng vì vậy, chủ tịch thành phố Sài Gòn phải yêu cầu kiểm tra và xem xét trách nhiệm tất cả những người có liên quan. Thậm chí viên chủ tịch thành phố Sài Gòn còn thành lập một nhóm đảm nhận vai trò giống như “Ủy Ban Điều Tra” riêng về vụ này.

Ông Tấn - tất nhiên đã lên tiếng xin lỗi dân chúng! Ông xin thông cảm bởi bữa tiệc “thắt chặt tình cảm” mà ông tổ chức vào giờ hành chính vì muốn... kết hợp giỗ cha.

Ngay sau đó, hàng xóm của ông Tấn khẳng định, ngày giỗ cha ông Tấn luôn diễn ra trong Tháng Chín. Giám đốc Sở Lao Động-Thương Binh-Xã Hội của thành phố Sài Gòn đành phải xuất đầu lộ diện thêm một lần nữa để thề rằng, mỗi năm, ông tổ chức giỗ cha tới... hai, ba lần!

Cuối cùng, “Ủy Ban Điều Tra” gồm các thành viên trong Ban Cán Sự Đảng của Ủy Ban Nhân Dân thành phố Sài Gòn, kết luận, hành vi của ông Tấn rõ ràng là “thiếu gương mẫu, chưa quán triệt cho người đứng đầu các đơn vị trực thuộc trong việc sử dụng thời gian làm việc và xe công vào việc riêng, gây dư luận không tốt, ảnh hưởng đến uy tín của người đứng đầu cơ quan” nên cần phải... “khiển trách!”

Tuy đây mới chỉ là đề nghị nhưng gần như chắc chắn đề nghị này sẽ được chấp thuận và “sự nghiêm khắc” đó khiến công chúng thêm ngao ngán.

Chính quyền Việt Nam đã bốn lần tổ chức cải cách, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống công quyền nhưng càng cải cách thì càng nhiều chuyện giống như đùa. Một chuyện giống như đùa khác đối với tiến trình cải cách, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống công quyền cũng vừa xảy ra trong tuần qua.

Hồi giữa tuần qua, chính quyền huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang công bố quyết định điều động ông Đặng Văn Dũng, bí thư xã Vĩnh Thuận về nhận nhiệm vụ tại văn phòng Ủy Ban Nhân Dân huyện này. Quyết định vừa kể khiến nhiều người chưng hửng vì việc kỷ luật các viên chức tham nhũng giống hệt như đùa.

Hồi Tết vừa qua, chính quyền huyện Vĩnh Thuận đã chuyển cho chính quyền xã Vĩnh Thuận 43 triệu đồng để hỗ trợ 86 gia đình nghèo có cơm ăn trong dịp Tết. Sau đó, người ta phát giác, không có gia đình nghèo được phát tiền. Danh sách đại diện các gia đình nghèo ký nhận 500,000 đồng mà xã nộp lại cho huyện được xác định là ngụy tạo. Do áp lực của dư luận, ông Dũng thừa nhận ông chỉ đạo làm như thế.

Scandal đó khiến huyện ủy huyện Vĩnh Thuận phải ra một quyết định điều động ông Dũng về huyện ủy. Tuy nhiên khi áp lực từ dư luận giảm đi, huyện ủy huyện Vĩnh Thuận đã cho thu hồi quyết định vừa kể với lý do ông Dũng không đồng ý. Ông Dũng tiếp tục làm bí thư xã Vĩnh Thuận và đến giờ thì được điều động thêm một lần nữa. (G.Đ)

nhuvan
Posts: 373
Joined: Sun Mar 27, 2016 8:29 pm

Post by nhuvan »

Việt Nam chi $400 triệu mỗi năm để ‘tự đầu độc’
Sunday, June 26, 2016 2:52:04 PM

HÀ NỘI (NV) - Ba năm vừa qua, mỗi năm Việt Nam chi khoảng $400 triệu để nhập nguyên liệu và thuốc “bảo vệ thực vật” từ Trung Quốc.
Số lượng thuốc “bảo vệ thực vật” nhập cảng đã tăng mười lần.

Image
Phun thuốc “bảo vệ thực vật” nay là chuyện đương nhiên ở Việt Nam. (Hình: Đất Việt)
Thuốc “bảo vệ thực vật” là cách Việt Nam gọi các loại thuốc diệt trừ sâu bọ, côn trùng có hại cho cây cối. Tất cả những loại thuốc này đều là thuốc độc đối với con người và môi trường.

Trong một cuộc trao đổi với tờ Người Lao Động, ông Nguyễn Thơ, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Bảo vệ thực vật Việt Nam, khẳng định, con số 100 tấn nguyên liệu, hóa chất để chế tạo thuốc “bảo vệ thực vật” mà Việt Nam nhập cảng hàng năm từ Trung Quốc chỉ là “phần nổi của tảng băng.” Trong thực tế, lượng nguyên liệu, hóa chất và thuốc “bảo vệ thực vật” đưa từ Trung Quốc vào Việt Nam qua con đường “cửu vạn” (lén lút chuyển vận qua biên giới) lớn hơn gấp nhiều lần.

Vài năm gần đây, các chuyên gia nông nghiệp, môi trường, y tế liên tục cảnh báo về tác hại của việc cho nhập cảng tràn lan nguyên liệu, hóa chất để chế tạo các loại thuốc “bảo vệ thực vật” cũng như thuốc “bảo vệ thực vật” từ Trung Quốc song những cảnh báo đó giống như các tiếng kêu trong hoang mạc.

Cho dù các quốc gia Châu Âu đã lắc đầu với các loại thuốc “bảo vệ thực vật” từ lâu, các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á giới hạn hoạt chất trong thuốc “bảo vệ thực vật” ở phạm vi từ 400 đến 600 loại thì tại Việt Nam, con số hoạt chất được phép sử dụng lên tới... 1,700 loại. Sự dễ dãi này khiến thuốc “bảo vệ thực vật” tại Việt Nam “cực kỳ hiệu quả” vì chúng... cực độc!

Việc cho phép nhập cảng tràn lan, hỗ trợ sản xuất - kinh doanh thuốc “bảo vệ thực vật” tại Việt Nam đã khiến nông dân Việt Nam xem việc mua - sử dụng thuốc “bảo vệ thực vật” là chuyện đương nhiên để bảo vệ mùa màng. Rất ít người nghĩ tới việc sử dụng thuốc “bảo vệ thực vật” sẽ dẫn tới tình trạng đất, nước và nông sản nhiễm độc, môi trường ô nhiễm, sức khỏe của mình và nhiều thế hệ bị hủy hoại.

Trong vài năm gần đây, các chuyên gia nông nghiệp, môi trường, y tế liên tục cảnh báo về tác hại của việc cho nhập cảng tràn lan nguyên liệu, hóa chất để chế tạo các loại thuốc “bảo vệ thực vật,” dũng như thuốc “bảo vệ thực vật” từ Trung Quốc, nhưng những cảnh báo đó giống như các tiếng kêu trong hoang mạc.

Các chuyên gia của Việt Nam và quốc tế từng thực hiện một số cuộc khảo sát và kết luận, tại Việt Nam có tới 80% thuốc “bảo vệ thực vật” được dùng không đúng cách, không cần thiết. Mỗi năm, có từ 150 đến 200 tấn thuốc “bảo vệ thực vật” dư thừa thẩm thấu vào đất, vào nguồn nước nhưng từ viên chức tới nông dân chẳng có mấy người bận tâm.

Ông Trần Tuấn, giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu-Đào Tạo Phát Triển Cộng Đồng vừa than với tờ Đất Việt rằng, “tam nông” ở Việt Nam hiện nay không phải là “nông nghiệp - nông thôn - nông dân” mà là “dân nghiện - đất nghiện - nước thoái hóa.” Ông Tuấn nhấn mạnh, nông dân Việt đã đánh mất sự tự chủ trong nghề nông, tự nguyện để bị sai khiến, bị bóc lột bởi ngành công nghiệp hóa chất của Trung Quốc. Họ không còn “xem trời, xem đất, xem mây” để đưa ra các quyết định liên quan tới canh tác mà trở thành phụ thuộc, để thiên hạ “bảo gì thì làm thế,” “cho gì thì dùng thế.” Nông dân trở thành “nghiện” vì bơ vơ giữa rừng thông tin bất định!

Theo ông Tuấn, chẳng riêng dân “nghiện” mà đất cũng “nghiện.” Đất không còn sự sống phong phú. Sau những nhát cuốc chẳng còn thấy giun! Khả năng sinh sôi, tái tạo tự nhiên cho đời sống giảm dần, đất đã chai và để có cây, có hoa, có trái thì phải có phân bón công nghiệp, thuốc “bảo vệ thực vật.” Đất đã mất đi khả năng thiên phú là bà đỡ cho cỏ cây, hoa lá, côn trùng,... chung sống.

“Dân nghiện” rồi “đất nghiện” nên thu hoạch được bao nhiêu thì nông dân lại bỏ ra bấy nhiêu mua sắm phân bón công nghiệp, thuốc “bảo vệ thực vật,” bởi ngưng bón, ngừng phun thì sẽ chẳng còn gì.

Ông Tuấn nhắc thêm là “nước đang thoái hóa.” Cá, tôm, cua, ốc, ếch... từng như giản đơn và đương nhiên đã mất dần.

Tuy ông Tuấn bảo rằng, xây dựng nông thôn mới là phải chấm dứt tình trạng lệ thuộc của ngành nông nghiệp, của nông thôn, nông dân vào ngành công nghiệp hóa chất của ngoại quốc và điều này đường như hữu lý nhưng ai sẽ làm? (G.Đ)

User avatar
nangchieu
Posts: 2094
Joined: Sun Apr 19, 2009 6:38 pm

Post by nangchieu »

Sông Hậu có thể sẽ như Vũng Áng
Sunday, June 26, 2016 3:07:27 PM

HÀ NỘI (NV) - Bộ Công Thương của chính phủ Việt Nam vừa yêu cầu chính quyền tỉnh Hậu Giang báo cáo về
dự án xây dựng nhà máy Giấy Lee & Man. Người ta đang sợ sông Hậu thành một Vũng Áng khác.

Image
Sông Hậu - con sông này có thể sẽ bị ô nhiễm trầm trọng vì hoạt động của nhà máy Giấy Lee & Man.

Nhà máy Giấy Lee & Man do tập đoàn Lee & Man Paper của Hồng Kông đầu tư. Dự án đã được chính quyền tỉnh Hậu Giang cấp giấp phép sử dụng khoảng 82 héc ta đất tại Cụm Công nghiệp Nam sông Hậu, tọa lại tại xã Phú Hữu A, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang. Đây là một dự án trị giá khoảng $628 triệu, bao gồm hai xưởng, một sản xuất bột giấy tẩy trắng, công suất khoảng 330,000 tấn/năm và một sản xuất giấy cứng để làm bao bì cao cấp, công suất khoảng 420,000 tấn/năm.

Tập đoàn Lee & Man Paper đã nhận giấy phép đầu tư cách nay khoảng mười năm. Lẽ ra nhà máy này đã hoạt động vào cuối năm 2008 nhưng vì nhiều lý do, đến nay, việc xây dựng nhà máy này mới sắp sửa hoàn tất.

Sau thảm họa cá chết trắng một đoạn bờ biển dài 250 cây số chạy dọc bốn tỉnh phía Bắc miền Trung (Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế) hồi đầu tháng 4 và đa số dân chúng Việt Nam tin rằng, đó là hậu quả từ hoạt động thử nghiệm của nhà máy Thép do tập đoàn Formosa của Đài Loan, xây dựng tại khu công nghiệp Vũng Áng.

Tuần trước, Hiệp Hội Chế Biến và Xuất Cảng Thủy Sản Việt Nam (VASEP) đã gửi một văn bản cho thủ tướng Việt Nam và Bộ Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn, đề nghị xem lại dự án nhà máy Giấy Lee & Man ở Hậu Giang. Đặc biệt là công nghệ xử lý nước thải và cơ chế giám sát môi trường.

Đề nghị của VASEP nhanh chóng được nhiều chuyên gia lên tiếng ủng hộ. Lý do là vì việc cho phép nhà máy Giấy Lee & Man xả nước thải ra sông Hậu có thể sẽ làm con sông này bị ô nhiễm trầm trọng, nguồn lợi thủy sản (tôm, cá) bị tận diệt và ảnh hưởng đến cả sản lượng của vựa lúa ở đồng bằng sông Cửu Long.

Theo ước tính của các chuyên gia, để đạt công suất thiết kế, mỗi ngày, nhà máy Giấy Lee & Man sẽ xả ra sông Hậu khoảng 226,000 khối nước thải. Để xử lý lượng nước thải khổng lồ này, nhà máy Giấy Lee & Man sẽ cần phải dùng đến 30 tấn xút/ngày. Chẳng có gì bảo đảm lượng nước thải và lượng xút như vậy không gây tác hại cho sông Hậu cũng như môi trường tự nhiên của con sông quan trọng này.

Các chuyên gia nhấn mạnh, sở dĩ những nhà máy sản xuất hóa chất, thép, giấy,... trên thế giới luôn được xếp vào diện phải quan tâm đặc biệt vì nước thải ra từ hoạt động của chúng luôn có đủ loại chất độc hại. Nếu hoạt động đúng công suất, nhà máy Giấy Lee & Man sẽ cần tới 600 héc ta rừng mới đủ nguyên liệu, do rừng hiện hữu tại Việt Nam chỉ đáp ứng chừng 20% nhu cầu về nguyên liệu, thành ra Nhà máy Giấy Lee & Man sẽ nhập giấy phế liệu để tái chế.

Đó cũng là lý do nhà máy Giấy Lee & Man phải dùng nhiều loại hóa chất tẩy rửa hơn, nguy cơ ô nhiễm trầm trọng sẽ lớn hơn. Ngoài khả năng gây ô nhiễm cho nguồn nước, bởi việc sản xuất bột giấy sẽ sản sinh ra dịch đen (black liquor) - cực kỳ nguy hại cho môi trường nên các nhà máy giấy có quy mô lớn thường phải xây dựng lò hơi đốt dịch đen, vừa giảm ô nhiễm, vừa nhằm thu hồi hóa chất. Lò hơi sẽ là tác nhân gây ô nhiễm không khí.

Trước những thông tin, phản ứng không có lợi cho mình, tập đoàn Lee & Man Paper của Hồng Kông vừa tổ chức một cuộc họp báo. Tập đoàn này cho rằng, do sử dụng công nghệ hiện đại, nên sẽ không dùng xút, không sợ xút gây ô nhiễm. Nhà máy Giấy Lee & Man ở Cụm Công nghiệp Nam sông Hậu đã được Bộ Tài Nguyên-Môi Trường của chính quyền Việt Nam cho cấp giấy phép xả sông Hậu 50,000 khối nước thải/ngày. Hệ thống xử lý chất thải của nhà máy này có thể xử lý 20,000 khối nước thải/ngày... Tại cuộc họp báo đó, nhiều câu hỏi khác của báo giới về tổng lượng nước thải, về các loại hóa chất sẽ dùng trong sản xuất, tẩy rửa vẫn chưa được trả lời vì hết giờ.

Đáng lưu ý là đại diện tập đoàn Lee & Man Paper của Hồng Kông nhấn mạnh, họ đã có giấy phép đầu tư, đã hoàn tất các thủ tục liên quan đến bảo vệ môi trường, chẳng hạn có “Bản cam kết bảo vệ môi trường” đã được chính quyền huyện Châu Thành xác nhận theo Luật Bảo Vệ Môi Trường năm 2005. Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được Bộ Tài Nguyên-Môi Trường và những bộ hữu trách khác thẩm định, chính quyền tỉnh Hậu Giang phê duyệt năm 2008.

Vì vào thời điểm vừa kể (2008), nhà máy Giấy Lee & Man ở cụm công nghiệp Nam sông Hậu chưa hoạt động nên tập đoàn Lee & Man Paper của Hồng Kông đã đưa các viên chức Việt Nam từ huyện đến trung ương đi “tham quan” các nhà máy của tập đoàn này tại Thâm Quyến và Quảng Châu, Trung Quốc.

Ông Võ Văn Thắng, phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang, lúc đó là phó chủ tịch huyện Châu Thành - một trong những viên chức được tập đoàn Lee & Man Paper của Hồng Kông mời đi “tham quan,” tiết lộ: Mẫu nước làm cơ sở cho việc thẩm định và phê duyệt của hàng loạt cơ quan hữu trách tại Việt Nam hồi 2008 được lấy ở... Quảng Châu!

Chưa rõ quyết định cuối cùng của chính quyền Việt Nam đối với dự án nhà máy Giấy Lee & Man ở cụm công nghiệp Nam sông Hậu sẽ là thế nào, chỉ có thể biết chắc đây là một quyết định không dễ dàng. Bối cảnh như hiện nay khiến chính quyền Việt Nam không thể thản nhiên hy sinh môi trường như trước nhưng làm ngược lại thì rõ ràng là khó ăn nói với tập đoàn Lee & Man Paper của Hồng Kông. Tập đoàn này chẳng thiếu loại giấy tờ nào và theo dự kiến, nhà máy Giấy Lee & Man ở cụm công nghiệp Nam sông Hậu sẽ hoạt động vào tháng tới! (G.Đ)

TuanAnh
Posts: 329
Joined: Sat Jan 30, 2010 3:44 am

Post by TuanAnh »

CSVN sợ 'bạo loạn' trước ngày công bố nguyên nhân cá chết
Tuesday, June 28, 2016 3:50:21 PM

HÀ NỘI (NV) - Ông Tô Lâm, thượng tướng, bộ trưởng Công An Việt Nam vừa yêu cầu thuộc cấp phải chú ý
“ngăn chặn kích động biểu tình trái pháp luật, gây rối trật tự, bạo loạn.”

Yêu cầu vừa kể được viên bộ trưởng Công An Việt Nam nhấn mạnh tại hội nghị sơ kết công tác sáu tháng đầu năm 2016 của Bộ Công An,
diễn ra tại Sài Gòn vào sáng 28 tháng 6. Công an Việt Nam còn được thượng cấp nhắc nhở phải chú ý “bảo đảm an ninh mạng Internet,
an toàn thông tin, đấu tranh-phản bác các quan điểm sai trái, thù địch” và “rà soát các phương án, kế hoạch bảo đảm an ninh,
trật tự tại các khu kinh tế, khu công nghiệp để bổ sung, chỉnh lý phù hợp với diễn biến của tình hình, đặc biệt là về môi trường.”

Image
Bãi biển Thiên Cầm, cách thành phố Hà Tĩnh 20 cây số trong mùa du lịch. Không chỉ ngư nghiệp chết mà du lịch cũng chết sau thảm họa cá chết.



Ông Nguyễn Xuân Phúc, thủ tướng Việt Nam cũng vào Sài Gòn tham dự hội nghị sơ kết công tác sáu tháng đầu năm của Bộ Công An Việt Nam. Viên thủ tướng Việt Nam nhận định: “Tình hình trong nước và thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó dự báo, đặt ra cho công tác bảo đảm an ninh trật tự nhiệm vụ rất nặng nề.” Cũng vì vậy, công an Việt Nam “cần nâng cao năng lực nắm, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình để kịp thời tham mưu với đảng, nhà nước các chủ trương, giải pháp bảo vệ an ninh trật tự.”

Sau ba lần tổ chức họp báo công bố nguyên nhân và thủ phạm gây ra thảm họa cá chết trắng một đoạn bờ biển dài chừng 250 cây số, chạy dọc bờ biển bốn tỉnh phía Bắc miền Trung là: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế, song cuối cùng chỉ xác nhận nguyên nhân dẫn tới thảm họa là do... nước biển bị nhiễm độc, chứ không xác định nước biển có những loại độc tố nào và từ đâu mà ra, hôm 27 tháng 6, một viên trung tướng là tổng cục phó, Tổng Cục Cảnh Sát của Bộ Công An Việt Nam cho biết, có thể là ngày 29 tháng 6, cơ quan điều tra của Bộ Công An Việt Nam sẽ công bố nguyên nhân dẫn tới thảm họa cá chết.

Ba lần trước, phía tổ chức họp báo “công bố nguyên nhân gây ra thảm họa cá chết” chỉ có Bộ Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn và Bộ Tài Nguyên-Môi Trường.

Thảm họa cá chết trắng biển bùng phát hồi đầu tháng 4. Từ đó đến nay, nhiều người tại Việt Nam vẫn tin rằng, thảm họa này là hậu quả từ độc tố trong nước do nhà máy thép của Formosa thải ra biển khi họ thử vận hành một lò sản xuất thép.

Formosa là một tập đoàn đa ngành của Ðài Loan. Năm 2008, Formosa đề nghị chính quyền Việt Nam cho phép đầu tư để xây dựng một nhà máy thép lớn tại khu công nghiệp Vũng Áng thuộc tỉnh Hà Tĩnh (bộ phận phụ trách dự án này được gọi là Formosa Hà Tĩnh).

Cũng kể từ đó, Formosa Hà Tĩnh liên tục nhận được những ưu ái khác thường về tiền thuê đất, tiền thuế... Thậm chí theo luật, chính quyền các tỉnh chỉ được phép cho doanh nghiệp ngoại quốc thuê đất trong 50 năm nhưng khi chính quyền tỉnh Hà Tĩnh ký hợp đồng cho Formosa sử dụng đất trong khu công nghiệp Vũng Áng đến 70 năm, dù nhiều người phản đối, ông Nguyễn Tấn Dũng - lúc đó là thủ tướng Việt Nam vẫn gật đầu.

Tính đến nay, thảm họa cá chết sắp tròn ba tháng nhưng hoạt động ngư nghiệp ở bốn tỉnh phía Bắc miền Trung Việt Nam vẫn còn tê liệt. Ðáng nói là không chỉ ngư dân, những cơ sở thương mại-dịch vụ liên quan đến ngư nghiệp điêu đứng mà diêm dân, các cơ sở thương mại-dịch vụ liên quan đến du lịch trong vùng cũng thiệt hại trầm trọng, nhiều quán ăn, nhà hàng, nhà trọ, khách sạn, khu du lịch đã đóng cửa, ngưng hoạt động vì không có khách. Dù không có thống kê chính thức song thiệt hại được ước đoán là cực kỳ lớn và đã đẩy hàng trăm ngàn gia đình, hàng triệu con người đến chỗ khốn cùng.

Hồi cuối tuần trước, thủ tướng Việt Nam đã quyết định tăng thời gian hỗ trợ nạn nhân thảm họa cá chết từ sáu tuần thành sáu tháng. Ngoài ngư dân, những gia đình kiếm sống bằng các dịch vụ hỗ trợ ngư nghiệp như mua bán hải sản, mua bán-sửa chữa ngư cụ, những gia đình làm muối ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế sẽ được cấp mỗi người 15 ký gạo một tháng.
Chủ các cơ sở kinh doanh hải sản sẽ được ưu tiên vay tiền với lãi suất thấp và chính quyền sẽ xuất công quỹ để trả thay 100% tiền lãi nếu họ dùng tiền vay để thu mua, tạm trữ hải sản.

Tầm vóc và tính chất nghiêm trọng của thảm họa đã vượt khỏi biên giới Việt Nam. Hồi trung tuần tháng này, nhiều giới tại Ðài Loan đã yêu cầu chính quyền Ðài Loan tổ chức điều tra xem Formosa có trách nhiệm liên đới đến thảm họa hay không.

Sự kiện mới nhất liên quan đến Formosa là tập đoàn này đã quyết định hoãn ngày khai trương lò số 1 của nhà máy thép Vũng Áng (dự kiến là 25 tháng 6) sang một ngày khác chưa được xác định.

Cần lưu ý rằng trước nay, Formosa vẫn khẳng định một cách mạnh mẽ rằng họ vô can trong thảm họa cá chết. Ngay cả khi có đầy đủ bằng chứng cho thấy thảm họa cá chết trắng biển là vì các độc tố trong nước mà Formosa thải ra biển thì việc quy trách cho Formosa cũng không dễ dàng vì tất cả các khâu (lựa chọn địa điểm, thiết kế, xây dựng, kể cả xả nước thải) mà Formosa đã thực hiện khi xây dựng nhà máy thép tại Vũng Áng đều được chính quyền Việt Nam... cho phép.

Thẳng tay với Formosa sẽ mở ra con đường dẫn chính quyền Việt Nam đến trước các tổ chức tài phán quốc tế và gần như cầm chắc trách nhiệm phải bồi thường vì vi phạm những cam kết khi mời gọi đầu tư và mâu thuẫn với những giấy phép đã cấp, kể cả giấy phép cho xả nước thải ra biển.

Hoa Kỳ và Ðài Loan đều đã từng đề nghị giúp đỡ Việt Nam xác định nguyên nhân và khắc phục hậu quả của thảm họa cá chết nhưng Việt Nam từ chối. (G.Ð)

Post Reply