TIN TỨC THẾ GIỚI HÀNG NGÀY

Xin cho biết tin từ đâu ra, phát xuất từ nước nào!!!
User avatar
dodom
Posts: 2729
Joined: Fri Nov 28, 2008 8:38 pm

Post by dodom »

Aung San Suu Kyi được thả sau khi hết hạn quản thúc tại gia
Saturday, November 13, 2010

‘Nguồn khích lệ’ tự do, dân chủ


YANGON, Myanmar (AP) - Nữ anh hùng tranh đấu cho dân chủ tại Myanmar, bà Aung San Suu Kyi, vừa được thả hôm Thứ Bảy,
chấm dứt tình trạng quản thúc tại gia kéo dài từ hơn 7 bảy năm.

Image
Lãnh tụ dân chủ Aung San Suu Kyi, từ bên trong cổng nhà, nói chuyện với những người ủng hộ bà hôm Thứ Bảy.
Nhà cầm quyền quân sự Myanmar thả bà Suu Kyi sau khi hết hạn quản thúc tại gia. (Hình: AP Photo/Khin Maung Win)



Những người ủng hộ bà cuồn cuộn kéo đến căn nhà bên bờ hồ từng là nơi giam giữ chỉ ít phút sau khi thành phần lãnh đạo hội đồng quân nhân cai trị quốc gia này chính thức ra lệnh thả.

Ngay sau khi tổng giám đốc cảnh sát quốc gia đọc quyết định chấm dứt tình trạng quản thúc, hàng ngàn người kéo đến trước cửa nhà bà Aung San Suu Kyi, hát quốc ca khi người nữ anh hùng này bước ra ngoài hàng rào.

Bà Suu Kyi với nụ cười tươi, mặc chiếc áo truyền thống của người Myanmar và cài hoa trên tóc, phải mất gần 10 phút để kêu gọi đám đông im lặng trước khi có vài lời phát biểu. Bà nhờ những người ở hàng trước lập lại những gì bà nói để những người đứng phía sau có thể nghe được.

“Nếu chúng ta cùng đoàn kết, chúng ta sẽ đạt được mục tiêu. Chúng ta còn có rất nhiều điều phải làm,” bà Suu Kyi nói với những người kéo đến chúc mừng mình, nhanh chóng lên tới con số khoảng 5,000 người. Bà cho hay sẽ gặp lại họ vào ngày Chủ Nhật tại trụ sở của đảng Liên Ðoàn Quốc Gia Dân Chủ (National League for Democracy - NLD) do bà lãnh đạo.

Tuy việc bà được thả tạo sự vui mừng khắp nơi, nhiều người, từ thường dân Myanmar đến các nhà lãnh đạo thế giới, nói rằng cuộc tranh đấu của bà chưa chấm dứt.

Tổ Chức Ân Xá Quốc Tế nói rằng hiện còn hơn 2,200 tù chính trị tại Myanmar.

“Tuy việc thả Daw Aung San Suu Kyi là điều đáng mừng, đây chỉ là kết cục của một bản án không công bằng, từng bị gia hạn một cách trái phép, và cũng không là sự nhân nhượng của nhà nước,” theo lời tổng thư ký Ân Xá Quốc Tế, Salil Shetty.

“Sự thật vẫn là nhà cầm quyền đáng lẽ ra không được bắt giữ bà hay nhiều tù nhân lương tâm khác ở Burma, gạt họ ra khỏi tiến trình chính trị trong nước.”

Việc thả một trong những tù nhân chính trị nổi tiếng nhất thế giới xảy ra chỉ một tuần sau khi có cuộc bầu cử được dàn dựng để đưa đảng chính trị, do thành phần tướng lãnh cai trị quốc gia này giựt dây, lên nắm chính quyền một cách danh chính ngôn thuận. Các quốc gia Tây phương lên án rằng đây chỉ là trò bịp để kéo dài tình trạng độc tài ở Myanmar (trước là Burma).

Những người ủng hộ bà Suu Kyi đã chờ cả ngày trước cửa nhà bà cũng như tại trụ sở đảng NLD. Khi lệnh thả ban hành, cảnh sát chống bạo động đóng trong khu vực rời khỏi nơi đây và hàng rào kẽm gai gần nhà bà được tháo gỡ cho phép đám đông ủng hộ bà tràn tới.

Mya Kyi, một người nội trợ, 65 tuổi, mặt đầm đìa nước mắt, nói rằng bà đã hồi hộp chờ đợi từ sáng sớm sau khi phải đi mất 40 km từ nhà ở phía Bắc Yangon đến nơi đây. “Nay tôi nhìn thấy mặt bà Suu Kyi rồi, nếu có chết cũng không sao,” bà nói.

Việc thả bà Suu Kyi ngay lập tức được các nhà lãnh đạo thế giới lên tiếng hoan nghênh.

Tổng Thống Barack Obama gọi là Suu Kyi là “anh hùng của tôi” và nói rằng “Hoa Kỳ chào đón việc thả bà, đáng lẽ phải xảy ra từ lâu.”

“Cho dù là Aung San Suu Kyi sống trong căn nhà chính là nhà giam bà, hay là nhà tù của đất nước bà, điều đó không thay đổi được sự thật là bà, và thành phần đối lập chính trị mà bà đại diện, từng bị đàn áp có hệ thống, bắt giam, và tước bỏ mọi cơ hội để có thể tham dự vào tiến trình chính trị trong nước,” ông Obama cho hay trong bản thông cáo.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, ông Ban Ki-moon ca ngợi bà Suu Kyi là “sự can đảm và phẩm cách của bà trước sự bất công là nguồn khích lệ đối với nhiều người trên toàn thế giới,” ông cho hay.

Thủ Tướng Anh David Cameron nói rằng việc thả bà đáng lẽ phải xảy ra từ lâu. “Aung San Suu Kyi là nguồn khích lệ cho tất cả chúng ta những người tin vào tự do phát biểu, dân chủ và nhân quyền,” ông cho biết trong bản thông cáo.

Ðài truyền hình nhà nước Myanmar cho hay tổng giám đốc cảnh sát quốc gia, Thiếu Tướng Khin Yee đến nhà của bà Suu Kyi vào lúc 5 giờ chiều để đọc lệnh thả.

Tướng Khin Yee nói ông vui mừng khi thấy bà Suu Kyi mạnh khỏe và giới hữu trách sẵn sàng trợ giúp những gì bà cần, theo đài truyền hình.

Bản tin cho biết tiếp rằng Tướng Khin Yee nói giới hữu trách muốn bà “tuân hành luật pháp, giữ sự hòa bình, yên lành, ổn định trong nước.” (V.Giang)

User avatar
TheLang
Posts: 1977
Joined: Thu Oct 30, 2008 5:43 am

Post by TheLang »

Quân đội Hoa Kỳ
chấm dứt hành quân ở Afghanistan năm 2014

Monday, November 15, 2010



WASHINGTON (NY Times) - Trong lúc tổng thống Afghanistan đang đòi hỏi quân đội ngoại quốc giảm độ tác chiến tại quốc gia này, phía Hoa Kỳ hiện đang chuẩn bị một kế hoạch theo đó sẽ khởi sự chuyển giao trách nhiệm điều hành an ninh tại một số khu vực ở Afghanistan cho quân đội và cảnh sát chính phủ trong thời gian từ 18 đến 24 tháng tới, với dự trù chấm dứt các hoạt động chiến đấu vào năm 2014, theo giới chức thông thạo cho hay hôm Chủ Nhật.
Image
Binh sĩ Mỹ hành quân ban đêm trong tỉnh Kandahar, Afghanistan. Hoa Kỳ đang có kế hoạch ngưng hành quân tại quốc gia này trong năm 2014.
(Hình: AP Photo/Julie Jacobson, File)
Kế hoạch từng giai đoạn kéo dài bốn năm này dự trù sẽ giảm dần sự tham chiến của Hoa Kỳ và đồng minh tại Afghanistan và sẽ được đưa ra trong cuộc họp thượng đỉnh của khối NATO ở Lisbon, Bồ Ðào Nha trong tuần này. Ðây sẽ là kế hoạch được chuẩn bị chi tiết nhất cho việc chuyển tiếp ở Afghanistan do các giới chức dân sự và quốc phòng Mỹ cùng soạn thảo kể từ khi Tổng Thống Obama nhậm chức tới nay.

Trên một số phương diện, kế hoạch này cũng giống như những gì từng thực hiện tại Iraq trước đây. Ðúng theo kế hoạch soạn thảo từ thời Tổng Thống George W. Bush, Tổng Thống Barack Obama đã có thể rút hai phần ba lực lượng Mỹ khỏi Iraq hồi Mùa Hè vừa qua và tuyên bố rằng nhiệm vụ chiến đấu nay hoàn tất.

“Iraq là một mô hình rất tốt để theo đó soạn thảo việc chuyển tiếp ở Afghanistan,” một giới chức Hoa Kỳ cho hay hôm Chủ Nhật. “Nhưng vấn đề chính sẽ là phải thành lập được lực lượng chính phủ Afghanistan thật sự có khả năng nhận lãnh trách nhiệm.”

Cuộc thảo luận về kế hoạch chuyển tiếp được đưa ra trong khi kết quả của việc tăng quân hồi năm ngoái cũng như sửa đổi chiến lược chưa thấy rõ ràng. Quân số Mỹ tại Afghanistan tăng gấp ba dưới thời Tổng Thống Obama, và tư lệnh quân đội Mỹ ở chiến trường này, Tướng David H. Petraeus, bày tỏ sự lạc quan rằng họ đang đạt được thành quả. Tuy nhiên các đơn vị bổ sung sau cùng chỉ mới đến chiến trường gần đây và các giới chức ở Washington cũng cho rằng hiện còn quá sớm để biết là chiến lược này có hữu hiệu hay không.

Kế hoạch chuyển tiếp vừa soạn thảo cũng có thể tạo nguy hiểm nếu các đơn vị chiến đấu Afghanistan được coi là đủ khả năng trước khi họ thật sự sẵn sàng. Các giới chức chính phủ Mỹ hôm Chủ Nhật khẳng định rằng mọi chuyển tiếp sẽ dựa theo tình hình thực tế tại địa phương chứ không phải tùy thuộc vào tình hình chính trị ở Washington. (V.Giang)

User avatar
dodom
Posts: 2729
Joined: Fri Nov 28, 2008 8:38 pm

Post by dodom »

Hỏa tiễn Trung Quốc có thể tiêu diệt căn cứ Mỹ ở Á Châu
Tuesday, November 16, 2010


WASHINGTON (NV) - Trung Quốc có khả năng loại khỏi vòng chiến năm trong sáu căn cứ Hoa Kỳ trong vùng Á Châu với hàng loạt các đợt tấn công bằng hỏa tiễn trong trường hợp có cuộc đối đầu quân sự, theo một báo cáo của Quốc Hội Hoa Kỳ
Image
Hỏa tiễn CM-802 AKG do Trung Quốc chế tạo được trưng bày tại Triển Lãm Hàng Không và Vũ Trụ Quốc Tế
lần thứ 8 tại tỉnh Quảng Ðông hôm Thứ Ba, 16 tháng 11. (Hình: AP Photo/Kin Cheung)


Nguồn tin của tờ Washington Times, dựa trên một bản thảo mới nhất của ủy ban mang tên “US-China Economic and Security Review Commission” cho biết rằng ảnh hưởng rõ rệt nhất của việc Trung Quốc tăng cường khả năng không quân và hỏa tiễn là khả năng ngăn trở hoạt động của quân đội Mỹ trong vùng Á Châu.

Hoa Kỳ cũng có thể phải đối đầu với hỏa tiễn Trung Quốc đặt trên căn cứ trong đất liền cũng như trên các chiến hạm trong trường hợp có cuộc đụng độ để bảo vệ Ðài Loan.

Ngoài hỏa tiễn, quân đội Trung Quốc trong thời gian qua cũng gia tăng việc triển khai và canh tân các chiếc đấu cơ với tầm hoạt động xa hơn, võ khí tối tân hơn, cũng như hệ thống Phòng Không cải thiện hơn trước rất nhiều.

Bản báo cáo cho biết trong trường hợp có chiến tranh, chỉ riêng hỏa tiễn của Trung Quốc cũng đủ để tấn công và tiêu diệt năm trong số sáu căn cứ chính của Mỹ ở Á Châu. Ðảo Guam là nơi duy nhất không gặp sự đe dọa này vì cách các giàn hỏa tiễn của Trung Quốc khoảng 1,800 dặm (chừng 2,880 km).

Tuy nhiên, nay Trung Quốc cũng đang gia tăng con số các oanh tạc cơ tầm xa của mình và điều này có nghĩa là “đội oanh tạc cơ của Trung Quốc có thể tấn công Guam, là nơi đặt căn cứ Không Quân thứ sáu của Hoa Kỳ trong vùng Á Châu,” theo bản báo cáo.

Guam hiện là nơi Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ đang xây cất thêm các căn cứ quân sự để đưa bớt lực lượng trấn đóng trên đảo Okinawa về nơi này cũng như thêm các tàu ngầm, oanh tạc cơ và phi cơ do thám.

Các căn cứ Mỹ bị đe dọa của hỏa tiễn Trung Quốc bao gồm hai căn cứ Không Quân Osan và Kunsan ở Nam Hàn, theo bản báo cáo. Mỗi căn cứ có thể bị loại ra khỏi vòng chiến bởi các cuộc tấn công của 480 hỏa tiễn đạn đạo (ballistic missile) tầm ngắn và tầm trung cùng 350 hỏa tiễn bình phi (cruise missile). Các căn cứ này nằm cách Trung Quốc từ 240 dặm đến 400 dặm (384 km-640 km).

Mối đe dọa của Trung Quốc nhắm vào căn cứ quân sự Mỹ ở Nam Hàn trong thời gian gần đây được xem xét kỹ hơn vì khả năng có sự sụp đổ chính trị ở Bắc Hàn. Trung Quốc cho hay họ sẽ tiến vào Bắc Hàn để kiểm soát an ninh, duy trì sự ổn định. Nhưng Nam Hàn cho rằng chính họ phải tiến lên phía Bắc trong trường hợp điều này xảy ra.

Tại Nhật, các căn cứ Mỹ ở Kadena, Misawa và Yokota có thể bị tiêu diệt với khoảng 80 hỏa tiễn đạn đạo tầm trung và tầm ngắn, cùng 350 hỏa tiễn bình phi, theo bản báo cáo. Các căn cứ này chỉ cách Trung Quốc từ 525 dặm đến 680 dặm (840 km đến 1088 km).

Trong 20 năm qua, lực lượng Hải Quân và hỏa tiễn của Trung Quốc được canh tân từ tình trạng cổ lỗ để trở thành “lực lượng có các phi cơ chiến đấu và hệ thống phòng không tối tân, cùng là một số lượng lớn hỏa tiễn đạn đạo và hỏa tiễn bình phi,” theo bản báo cáo.

Một thí dụ điển hình là từ năm 2000, lực lượng hỏa tiễn tầm trung của Trung Quốc gia tăng từ lữ đoàn với 36 giàn phóng lên đến 252 giàn phóng ngày hôm nay, bản báo cáo cho biết.

Cạnh đó, Trung Quốc hiện có tới 500 hỏa tiễn bình phi DH-10 với tầm bắn xa 932 dặm (khoảng 1490 km). Một loại hỏa tiễn thứ nhì, mang tên YJ-63, cũng đang được triển khai với tầm bắn xa hơn 125 dặm (200 km).

Trung Quốc được ước tính là hiện có khoảng 1,150 hỏa tiễn tầm ngắn và 115 hỏa tiễn tầm trung với tầm hoạt động từ 1,600 km đến 2,880 km, theo bản báo cáo.

Ông Richard D. Fisher Jr., một chuyên gia về tình hình quân sự Trung Quốc tại Viện International Assessment and Strategy Center, nói rằng bản báo cáo của ủy ban quan trọng trong việc trình bày “sự thật” cho Quốc Hội và công chúng về việc tăng cường khả năng quân sự của Trung Quốc. (V.Giang)

User avatar
dauden
Posts: 575
Joined: Mon Aug 24, 2009 6:09 pm

Post by dauden »

Nobel Hòa Bình có thể không có lễ phát giải
Thursday, November 18, 2010

Áp lực Trung Quốc nặng nề ‘chưa từng thấy’
OSLO, Norway (AP) - Có thể sẽ không có lễ phát giải Nobel Hòa Bình năm nay vì chính quyền Trung Quốc không cho ai từ gia đình ông Lưu Hiểu Ba (Liu Xiaobo), người đang bị cầm tù, đến Na Uy để nhận giải thưởng.

Một viên chức trong ủy ban cho hay áp lực ngoại giao của Trung Quốc nhằm ngăn cản việc phát giải nặng nề chưa từng thấy.
Image
Cảnh sát Hong Kong canh chừng những người biểu tình cầm bảng đòi tự do cho khôi nguyên giải Nobel Hòa Bình Lưu Hiểu Ba.
(Hình: AFP/Getty Images)
Bày tỏ sự giận dữ trước việc ông Lưu Hiểu Ba được chọn để trao giải Nobel Hòa Bình, Bắc Kinh kềm cặp chặt chẽ các thân nhân của ông Lưu Hiểu Ba và áp lực các quốc gia khác không gửi đại diện đến buổi trao giải dự trù được tổ chức ngày 10 tháng 12 tới đây ở Oslo.

Các đại sứ Nga, Cuba, Kazakhstan, Morocco và Iraq đều từ chối lời mời đến tham dự buổi trao giải nhưng không cho biết lý do, theo ông Geir Lundestad, thư ký ủy ban giải Nobel Hòa Bình Na Uy.

“Việc một tòa đại sứ tích cực vận động để các tòa đại sứ khác không gửi người đến tham dự buổi lễ phát giải quả là một điều mới lạ,” Lundestad cho hay.

Giải thưởng cao quý trị giá 10 triệu kronos (khoảng $1.4 triệu) chỉ có thể được phát cho chính người trúng giải hoặc một thành viên thân cận trong gia đình.

Ông Lưu Hiểu Ba, một nhà tranh đấu cho dân chủ ở Trung Quốc, hiện đang lãnh án 11 năm tù về tội phản loạn sau khi cùng soạn thảo và ký vào một văn kiện kêu gọi cải tổ hệ thống chính trị độc đảng hiện nay. Vợ ông, bà Lưu Hà (Liu Xia), bị quản thúc tại gia và bị công an giám sát gắt gao.

Ông Lundestad nói không người thân nào của ông Lưu Hiểu Ba nói cho biết là sẽ đến Oslo nhận giải.

“Với tình hình hiện nay, có lẽ sẽ không ai trong số người thân thuộc trong gia đình ông Lưu Hiểu Ba sẽ đến tham dự lễ trao giải,” theo Lundestad. “Nếu như vậy thì chúng tôi sẽ không trao huy chương và văn bằng trong buổi lễ.”

Nếu điều đó xảy ra, đây sẽ là lần đầu tiên kể từ năm 1936, khi không có ai hiện diện để nhận huy chương và văn bằng cho nhà báo Ðức Carl von Ossietzky, người bị bệnh nặng và bị chế độ Ðức Quốc Xã cấm rời khỏi nước.

Bè bạn của vợ chồng ông Lưu Hiểu Ba cho hay tất cả những người ruột thịt thân cận nhất của ông đều bị công an Trung Quốc canh chừng chặt chẽ để ngăn không cho họ đến Na Uy tham dự lễ trao giải.

Ông Lundestad nói rằng có 36 đại sứ nhận lời mời tham dự và 16 đại sứ khác chưa trả lời, với một số cho biết cần có thêm thời giờ để quyết định. Ông cũng cho hay tòa Ðại Sứ Trung Quốc gửi trả lại mọi thư từ của ủy ban mà không mở ra. (V.Giang)

User avatar
nangchieu
Posts: 2094
Joined: Sun Apr 19, 2009 6:38 pm

Post by nangchieu »

Lạm phát ở Trung Quốc đến tình trạng trầm trọng
Thursday, November 18, 2010

Hà Tường Cát/Người Việt
Thống Ðốc Ngân Hàng Nhà Nước Trung Quốc Zhou Xiaochuan hôm 16 tháng 11 nhìn nhận rằng: “Nền kinh tế nói chung vẫn tiến triển tốt đẹp nhưng đang phải đương đầu với áp lực lạm phát.”

Ông giải thích là khả năng thanh toán tiền mặt dễ dãi từ lâu trên thế giới đã khiến cho nền kinh tế của những quốc gia đang phát triển gặp khó khăn. Theo ông sẽ cần phải áp dụng một chính sách tài chính uyển chuyển hơn, kiểm soát chặt chẽ thanh khoản, phát triển tín dụng một cách hợp lý, khuyến khích đầu tư tư nhân và tuần tự cải cách hệ thống hối đoái.

Mức lạm phát hàng năm ở Trung Quốc lên tới 4.4% trong tháng 10, cao nhất trong 25 tháng. Các phân tích gia cho là chính sách bơm thêm tiền vào nền kinh tế ở các quốc gia (quantitative easing) đã làm thanh khoản gia tăng quá mức độ và hậu quả là lưu lượng tiền tệ đi vào các nền kinh tế đang phát triển như Trung Quốc tạo ra khó khăn cho chính sách chống lạm phát. Ngân Hàng Trung Ương Trung Quốc, trong nỗ lực kiềm chế thanh khoản, đã cho tăng lãi suất và tuần trước chỉ thị cho các ngân hàng tăng thêm quỹ dự trữ.

Trong thuật ngữ kinh tế, lạm phát là sự gia tăng giá cả so sánh với khả năng mua của giới tiêu thụ. Trước kia danh từ này thường được dùng để chỉ sự gia tăng số lượng tiền tệ lưu hành, nhưng trong quan niệm kinh tế hiện nay thì lạm phát được xét theo sự tương tác giữa khối lượng tiền tệ với sản xuất và lãi suất.

Tình trạng lạm phát thể hiện ở Trung Quốc hiện nay qua sự gia tăng giá sinh hoạt. Ngay đến cả thực phẩm của các cửa hàng McDonald's ở đây cũng lên giá. Ảnh hưởng không tránh khỏi là các nhà đầu tư cảm thấy lo ngại, giá chứng khoán xuống gần 10% tại Thượng Hải.

Thủ Tướng Ôn Gia Bảo đã cho biết Hội Ðồng Bộ Trưởng sẽ có biện pháp ngăn chặn sự tăng vọt của giá cả. Ông cũng thúc đẩy giới cầm quyền địa phương bảo đảm việc cung ứng điều hòa lương thực và các nhu yếu phẩm khác để giữ cho thị trường được ổn định.

Ngày Thứ Tư, 17 tháng 11, Hội Ðồng Nhà Nước Trung Quốc đưa ra những huấn thị về kiểm soát giá cả và yêu cầu các địa phương cung ứng trợ cấp tạm thời cho những gia đình gặp khó khăn. Thông báo này cũng nói rằng chính phủ sẽ tiếp tục tài trợ sản xuất nông phẩm để bảo đảm sản lượng và cho lập kho dự trữ an toàn thực phẩm. Ngoài ra chính quyền sẽ tăng cường thanh tra và trừng trị việc đầu cơ tích trữ.

Một phát ngôn viên của Bộ Thương Mại cho biết từ cuối tháng 9, 62,400 tấn thịt heo và 210,000 tấn đường từ kho an toàn đã được bán ra nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường tiêu thụ. Phát ngôn viên này nói rằng: “Hầu hết nhu yếu phẩm đều được cung cấp đầu đủ ngoại trừ dầu diesel.” Theo dữ kiện của bộ này, trong 10 ngày đầu tháng 11, giá bán sỉ trung bình của 18 loại rau quả tại 36 thành phố đã tăng tới 62.4% so với một năm trước. Bộ Thương Mại Trung Quốc loan báo sẽ thi hành những biện pháp và phối hợp với các cơ quan nhà nước để làm giảm tác động của lạm phát.

Ma Xiaohe, phó thủ trưởng Viện Nghiên Cứu Kinh Tế Vĩ Mô thuộc Ủy Ban Phát Triển và Cải Cách Trung Quốc nói: “Những phương pháp kinh tế thị trường sẽ được ưu tiên áp dụng để làm giảm nhẹ giá lương thực, nhưng cũng cần có một số quy định đúng mức nếu giá cả lên quá nhanh.” Theo ông, sự tăng giá nông sản phẩm là điều tất yếu trong tình trạng kinh tế phát triển nhanh, dư thừa thanh khoản và giá sinh hoạt gia tăng,

Trung Quốc đã siết chặt việc quản lý đầu tư ngoại quốc để chặn bớt lượng tiền mặt đưa vào trong nước. Trong tháng 10, đầu tư trực tiếp của ngoại quốc chỉ gia tăng ở hàng đơn vị so với tháng trước. Các chuyên gia và quan sát viên kinh tế nhận định rằng sự giảm bớt nhịp đô tăng trưởng là phản ánh hiệu quả các biện pháp của chính quyền nhằm hạn chế dòng tư bản đổ vào mà một số được ngụy trang dưới hình thức đầu tư trực tiếp. Trong tháng 10, Trung Quốc thu hút $7.7 tỉ đầu tư trực tiếp của nước ngoài, tăng 7.9% so với năm trước.

Tuy nhiên, theo phân tích của nhiều chuyên gia, những biện pháp mà nhà cầm quyền Trung Quốc vừa đề ra chỉ có hiệu lực nhất thời, về lâu về dài quốc gia này sẽ còn gặp nhiều khó khăn do tình trạng phát triển quá mau lẹ và chưa tự điều chỉnh để có sự quân bình.

Kevin Lai, kinh tế gia của Daiwa Capital Markets, nói: “Tôi không tin rằng giới hữu trách Trung Quốc sẽ dừng lại ở đây. Chắc chắn phải có nhiều người trong số họ hiểu là kiểm soát giá cả chưa phải là đủ hiệu quả. Trung Quốc cần kiểm soát thanh khoản và lượng tiền tệ đưa vào nếu muốn giải quyết được lạm phát.”

Shi Chenyu, kinh tế gia của chi nhánh ngân hàng đầu tư thuộc Ngân hàng Công Thương Trung Quốc, cho rằng lời lẽ cứng rắn trong các chỉ thị đưa ra chứng tỏ lạm phát đã trở thành ưu tiên hàng đầu phải giải quyết của Bắc Kinh. Nhưng theo ông: “Chính quyền thường chọn lối dùng biện pháp hành chính với bàn tay sắt để kiểm soát giá cả khi tình hình lạm phát trở thành trầm trọng. Nhưng cách này có thể tác dụng ngược, với dự đoán là giá sinh hoạt còn có thể tăng cao thêm nữa.”

Trung Quốc là nước tiêu thụ nhiều nông sản phẩm, bao gồm đường, bắp và bông vải. Mặc dầu đã cho xuất kho dự trữ an toàn quốc gia, nhưng giá cả đã không hạ xuống. Sudakshina Unnikrishnan, phân tích gia của Barclays Capital ở London, nhận xét rằng Trung Quốc sẽ còn cần xuất kho dự trữ thêm nữa và như thế sẽ phải tăng nhu cầu nhập cảng. Bà giải thích: “Dù những biện pháp ấy có tạm thời làm nhẹ áp lực ở quốc nội, nhưng tương lai Trung Quốc cần bồi đắp trở lại kho an toàn và gia tăng dự trữ, nghĩa là phải lệ thuộc nhiều hơn vào các nguồn cung cấp nước ngoài, mà thị trường quốc tế thì không phải dễ dàng.” (HC)

User avatar
dodom
Posts: 2729
Joined: Fri Nov 28, 2008 8:38 pm

Post by dodom »

NATO-Hoa Kỳ bất đồng ý kiến thời hạn tác chiến Afghanistan
Saturday, November 20, 2010

LISBON, Bồ Ðào Nha (AP) - Các quốc gia trong khối NATO và Hoa Kỳ hôm Thứ Bảy chính thức đồng ý việc khởi sự chuyển giao trách nhiệm an ninh tại Afghanistan
cho quân đội nước này vào năm tới và để họ được hoàn toàn có trách nhiệm vào năm 2014.

Image
Tổng Thống Barack Obama họp với Tổng Thống Hamid Karzai của Afghanistan (thứ nhì bên trái)
bên lề cuộc họp thượng đỉnh NATO ở Lisbon, Bồ Ðào Nha, hôm Thứ Bảy. (Hình: AP Photo/Pablo Martinez Monsivais)
Tuy nhiên, Hoa Kỳ và đồng minh NATO có vẻ không đồng ý là đến khi nào thì nhiệm vụ tác chiến của NATO sẽ chấm dứt.

Tổng thư ký NATO, ông Anders Fogh Rasmussen, nói rằng ông không dự trù là lính NATO sẽ tiếp tục phải chiến đấu chống Taliban sau năm 2014.

“Tôi không trông đợi các binh sĩ thuộc lực lượng Quốc Tế Trợ Giúp An Ninh (International Security Assistance Force - ISAF) tiếp tục trong vai trò chiến đấu sau năm 2014, dĩ nhiên là cũng tùy thuộc vào tình hình an ninh để chúng tôi có thể giữ vai trò hỗ trợ,” ông Fogh tuyên bố với giới truyền thông.

Sau đó, một viên chức cao cấp trong chính phủ Obama nói rằng Hoa Kỳ chưa quyết định là sẽ chấm dứt nhiệm vụ tác chiến của mình tại Afghanistan vào cuối năm 2014 hay không.

Viên chức này cho hay một quyết định như vậy hiện chưa đạt được vì vẫn chưa rõ ràng về nhu cầu an ninh và nhân sự cần có sau khi cuộc chuyển tiếp năm 2014. Mỗi quốc gia thành viên NATO sẽ có sự quyết định của riêng mình là khi nào nhiệm vụ tác chiến của họ chấm dứt, viên chức này cho hay.

Quan điểm của Hoa Kỳ có thể cho thấy sự ngần ngại khi tiên đoán là khi nào nhiệm vụ chiến đấu chấm dứt, để không cho phía Taliban có hy vọng kéo dài thời gian. Ðiều này cũng có thể cho thấy phía Hoa Kỳ không chắc chắn là quân đội Afghanistan có thể hoàn toàn lãnh nhiệm vụ bảo vệ an ninh sau năm 2014.

Hôm Thứ Sáu, Ivo Daalder, đại sứ Hoa Kỳ tại NATO, cho báo chí hay mục tiêu 2014 và việc chấm dứt vai trò chiến đấu của NATO ở Afghanistan “không phải là một mục tiêu đồng nhất.” Nhưng nhiều quốc gia NATO cho hay sẽ rút hết quân của họ vào năm 2014, và Ngoại Trưởng Anh William Hague nhắc lại rằng quốc gia của ông sẽ chấm dứt vai trò chiến đấu vào năm 2015.

Tại Lisbon, 28 quốc gia NATO và Afghanistan cũng ký một thỏa thuận để liên quân quốc tế ở lại Afghanistan sau năm 2014 làm nhiệm vụ huấn luyện, cố vấn, tiếp vận, đồng thời giúp phát triển kinh tế và trợ giúp nhân đạo. (V.Giang)

User avatar
saohom
Posts: 2240
Joined: Wed Aug 26, 2009 11:30 pm

Post by saohom »

Mỹ lo ngại Bắc Hàn làm vũ khí hạt nhân
Sunday, November 21, 2010

Nhà máy hạt nhân mới được đem khoe với chuyên gia Ðại Học Stanford

SANTA CRUZ, Bolivia (AP) - Một nhà máy hạt nhân của Bắc Hàn, mới công bố,
có thể gia tăng khả năng của nước này thực hiện và phóng vũ khí hạt nhân, theo lời các lãnh đạo hàng đầu Ngũ Giác Ðài.

Image
Bản ghép hai bức hình vệ tinh do công ty DigitalGlobe cho thấy, ở trên, khu vực nhà máy hạt nhân Yongbyon ở Bắc Hàn, chụp ngày 29 tháng 9, 2010,
mà viện Institute for Science and International Security ở Washington DC nói cho thấy có nhiều công cụ đào đất và xây cất và hai tòa nhà nhỏ đang xây.
Viện này công bố một bức ảnh mới, chụp ngày 4 tháng 11, 2010, ở phần dưới, cho thấy một tòa nhà mới, hình chữ nhật, đang xây, và có thể thấy rõ 2 cần cẩu.
Viện này ước lượng Bắc Hàn đang xây lò phản ứng công 25 tới 30 megawatt. (Hình: AP Photo/DigitalGlobe)
Bộ Trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates nói ông không tin cơ sở hạt nhân này nằm trong một chương trình năng lượng hạt nhân hòa bình.

“Tôi hoàn toàn không tin tưởng ở điều đó,” Bộ Trưởng Gates nói tại Bolivia, nơi ông đang dự một hội nghị khu vực về quốc phòng.

Cơ sở của Bắc Hàn dường như là một nhà máy làm giàu uranium, Gates nói, và nó có thể cho phép Bắc Hàn làm thêm “một số” thiết bị hạt nhân, ngoài con số họ được cho là đã làm sẵn rồi.

Ðô Ðốc Mike Mullen, tổng tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ Mike Mullen, gọi Bắc Hàn là “một nước rất nguy hiểm.”

“Tôi đã từng lo ngại về Bắc Hàn và tiềm năng hạt nhân của họ từ lâu này rồi,” Ðô Ðốc Mulle nói trên chương trình “This Week” của truyền hình ABC.

“(Cơ sở này) chắc chắn là đã tiếp thêm sức cho tiềm năng đó, một sức sống rất rõ ràng, và tất cả chúng ta cần phải tập trung theo dõi rất kỹ.”

Bắc Hàn đã từng thử nghiệm hai món vũ khí plutonium thuộc loại tương đối thô. Nhà máy mới này sử dụng uranium, và vừa có thể dùng cho điện năng vừa để làm bom.

Tới nay Bắc Hàn chưa chứng tỏ có kỹ thuật làm bom cao tới mức có thể gắn vũ khí hạt nhân vào hỏa tiễn. Ðó là điều kiện cần thiết nếu họ muốn dùng vũ khí hạt nhân ở xa bên ngoài lãnh thổ, thí dụ như tấn công Mỹ.

Tuy nhiên, Hoa Kỳ và các nước khác lo ngại rằng Bắc Hàn có thể bán những gì họ làm được, cho các tổ chức khủng bố hoặc các nước khác, và những nhóm này sẽ dùng vũ khí này để tấn công “bom bẩn” với quy mô nhỏ.

Bộ Trưởng Gates cảnh báo rằng Bắc Hàn đang phát triển hỏa tiễn mới có tầm xa, và có thể phát triển hỏa tiễn đạn đạo liên lục địa.

“Tất cả những chương trình này đều là mối quan ngại cho tất cả các quốc gia,” Gates nói.

Bắc Hàn gần đây đem khoe nhà máy mới cho một chuyên gia người Mỹ. Nhà khoa học này nói họ bảo ông, nhà máy làm giàu uranium, với quy mô công nghiệp nhỏ, có mục đích sản xuất uranium để chạy lò phản ứng điện.

Ông Robert Carlin, một chuyên gia Bắc Hàn tại Ðại Học Stanford University, nói ông cũng đi thăm cơ sở này và nói nó “lớn hơn những gì bất cứ ai đã từng nghĩ.”

Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình ABC, ông Carlin nói: “Ðiều đó làm tôi ngạc nhiên hết sức, và nó chứng minh cho tôi rằng chính sách mà chúng ta theo đuổi bấy lâu nay đã đụng vào ngõ kẹt.”

Ông Gates nói rằng tiết lộ này xác nhận một điều mà nhiều người từng nghi ngờ, là Bắc Hàn đang theo đuổi một giải pháp thứ nhì để dẫn đến khả năng làm vũ khí hạt nhân.

User avatar
VuPhong
Posts: 2923
Joined: Wed Dec 01, 2004 4:28 pm

Post by VuPhong »

Cambodia: Giẫm đạp nhau trong lễ hội nước, hơn 330 người chết
Monday, November 22, 2010


PHNOM PENH, Cambodia (AP) - Hàng ngàn người giẫm đạp lên nhau trong lễ hội nước ở thủ đô Phnom Penh tối Thứ Hai, khiến hơn 330 người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương. Thủ Tướng Hun Sen gọi đây là thảm kịch lớn nhất của đất nước này kể từ thời đại khủng bố của Khmer Ðỏ trong thập niên 70 tới nay.
Image
Ðám đông chen nhau lên một cây cầu, trong ngày chót của lễ hội nước ở Cambodia,
khi hàng ngàn người dự lễ hội trên một hòn đảo trong cơn hoảng loạn giẫm đạp lên nhau để lên cầu chạy về đất liền.
Hàng trăm người thiệt mạng. (Hình: AP Photo/Heng Sinith)

Một số người trong đám đông hỗn loạn, đang đón mừng ngày lễ đánh dấu cuối mùa mưa trên một cù lao giữa sông, bị giẫm đạp lên hay rớt xuống sông khi tìm cách chen nhau vượt qua cây cầu để vào đất liền.

Các xe cứu thương liên tục đưa các nạn nhân từ bờ sông vào bệnh viện liền trong mấy giờ đồng hồ sau khi xảy ra tình trạng hỗn loạn. Bệnh viện Calmette, bệnh viện chính ở thủ đô, chứa đầy xác chết cũng như những người bị thương trong vụ này với nhiều người phải nằm chờ điều trị ngoài hành lang. Nhiều người có vẻ bị thương trầm trọng, tạo sự lo ngại là số tử vong sẽ còn lên cao hơn nữa.

Mấy giờ sau khi xảy ra vụ giẫm đạp, các xác chết và người bị thương vẫn còn tiếp tục được chở đến bệnh viện trong khi nhân viên cấp cứu tìm kiếm xác những người bị rớt xuống sông. Một phóng viên AP nhìn thấy xác một người trôi trên sông và hàng trăm giày dép đủ loại để lại trên và chung quanh cây cầu.

Thủ Tướng Hun Sen, xuất hiện ba lần trên truyền hình trong đêm, nói rằng có 339 người thiệt mạng và 329 người bị thương. Ông ra lệnh mở cuộc điều tra nguyên nhân gây ra thảm kịch này và tuyên bố ngày Thứ Năm sẽ là ngày toàn quốc để tang các nạn nhân.
Image
Lễ hội nước, kéo dài 3 ngày, mỗi năm một lần, tưởng niệm những người hùng thủy quân xưa của xứ Khmer, năm nay trở thành tai họa.
Trong hình là cuộc đua thuyền trong lễ hội, hôm 20 tháng 11. (Hình: AP Photo/Heng Sinith)

Giới hữu trách trước đó ước lượng sẽ có 2 triệu người kéo về thủ đô Phnom Penh tham dự lễ hội nước kéo dài 3 ngày, đánh dấu mùa mưa chấm dứt với trò vui chính là các cuộc đua ghe truyền thống trên sông.

Cuộc đua sau cùng chấm dứt vào chiều tối ngày Thứ Hai, đêm cuối của lễ hội và tình trạng hỗn loạn xảy ra sau đó trên một cù lao có tên là Koh Pich, nơi có buổi trình diễn ca nhạc.

Các nhân chứng cho hay sự hỗn loạn xảy ra khi khoảng 10 người bị ngất xỉu khi bị đám đông dồn ép, điều này đưa đến việc hốt hoảng, giẫm đạp lên nhau.

Một số người trong đám đông tìm cách thoát ra khỏi cù lao này bằng cách chạy lên cầu, nơi nhanh chóng đầy nghẹt người gây ra tình trạng chen lấn xô đẩy khiến nhiều người bị đạp lên hoặc rớt xuống sông. (V.Giang)

User avatar
nangchieu
Posts: 2094
Joined: Sun Apr 19, 2009 6:38 pm

Post by nangchieu »

Triều Tiên bất ngờ nã pháo, Hàn Quốc báo động quân đội

Hôm nay Triều Tiên bất ngờ nã khoảng 200 quả đạn pháo sang một hòn đảo của Hàn Quốc nằm gần khu vực tranh chấp lãnh hải hai miền.
Đây là vụ việc nghiêm trọng nhất kể từ sau chiến tranh Triều Tiên hơn nửa thế kỷ trước.

Image
Những cột khói lớn bốc lên từ đảo Yeonpyeong. Ảnh: SBS.
CNN cho biết khoảng 200 viên đạn pháo được bắn sang đảo Yeonpyeong, gần đường ranh giới trên vùng biển tranh chấp giữa hai bên ở Hoàng Hải, phía tây bán đảo Triều Tiên. Còn theo một quan chức Hàn Quốc, phía Triều Tiên pháo kích "khiêu khích vào lúc 14h34 hôm nay (12h34 Hà Nội) và binh sĩ Hàn Quốc bắn trả ngay lập tức".

Vụ pháo kích bất ngờ khiến khoảng 60 ngôi nhà trên đảo Yeonpyeong bốc cháy và người dân địa phương tháo chạy trong hoảng loạn. Có một lính thủy đánh bộ thiệt mạng cùng 13 binh sĩ và hai thường dân Hàn Quốc bị thương. Miền nam lập tức yêu cầu người dân trên đảo xuống nơi trú ẩn và bắn trả miền bắc khoảng 80 quả đạn pháo.

Một nhân chứng trên đảo là Lee Jong-Sik kể: "Tôi không thể nhìn rõ mọi thứ vì khói bốc lên. Chúng tôi được thông báo rời khỏi nhà qua loa phóng thanh". Truyền hình Hàn Quốc thì phát đi hình ảnh những cột khói lớn bốc lên từ hòn đảo Yeonpyeong, nơi có khoảng 1.300 người sinh sống cùng các cơ sở quân sự của miền nam.

Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak ngay lập tức triệu tập cuộc họp khẩn với các quan chức an ninh trong hầm ngầm ở dinh tổng thống và ra lệnh áp dụng những biện pháp nhằm ngăn chặn căng thẳng leo thang. "Chúng ta cần kiểm soát một cách thận trọng tình hình để ngăn chặn xung đột leo thang", phát ngôn viên của ông Lee dẫn lời tổng thống cho biết.

Theo phát ngôn viên của phủ tổng thống, Seoul đang tìm hiểu động cơ của vụ việc. Trong khi đó, hải quân Hàn Quốc đang có cuộc tập trận ở vùng biển tây gần nơi xảy ra vụ tấn công của Triều Tiên. Trước đó Bình Nhưỡng đã gửi thư phản đối và yêu cầu miền nam dừng cuộc tập trận này nhưng không được đáp ứng. Giới chức Hàn Quốc đang tìm hiểu liệu có sự liên hệ giữa cuộc tập trận này với vụ đọ pháo hay không.

Ngoài việc bắn trả Triều Tiên bằng pháo, Hàn Quốc đã đặt quân đội trong tình trạng báo động cao nhất, sẵn sàng chiến đấu. Hãng tin YTN đưa tin rằng những chiếc máy bay chiến đấu hiện đại F-16 của không quân Hàn Quốc đã được lệnh xuất kích nhưng chưa có động thái tấn công nào.

Hiện Triều Tiên vẫn chưa có bình luận gì về vụ tấn công trên, trong khi vụ giao tranh đã lập tức ảnh hưởng tới thị trường tài chính trong khu vực Đông Á, với việc đồng won của Hàn Quốc và đồng yen của Nhật Bản đồng loạt mất giá.
Image
Một ngôi nhà bốc cháy sau vụ nã đạn. Ảnh: Yonhap.
Vụ nã pháo xảy ra chỉ ít ngày sau khi Triều Tiên lộ thông tin về một nhà máy làm giàu uranium, nguyên liệu có thể chế tạo bom hạt nhân.

Căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên lên cao kể từ hồi tháng 3 năm nay khi tàu hải quân của Hàn Quốc chìm ở vùng biển Hoàng Hải, khiến 46 thủy thủ thiệt mạng. Seoul buộc tội Bình Nhưỡng đã đánh chìm tàu của họ. Một ủy ban điều tra quốc tế cũng khẳng định điều này, song Triều Tiên một mực bác bỏ.

Vùng biển phía tây bán đảo Triều Tiên từng là nơi diễn ra những khủng hoảng trước đây, và hiện vẫn là khu vực nguy hiểm nhất. Trước vụ tàu Cheonan chìm, đã có ba cuộc đụng độ giữa hải quân hai bên xung quanh đường ranh giới phân chia lãnh thổ hai bên. Đây là hải giới trên thực tế được lực lượng của LHQ do Mỹ dẫn đầu vạch ra năm 1953. Miền bắc Triều Tiên không công nhận và cho rằng hải giới cần lùi xuống phía nam.

Hai nước trên bán đảo Triều Tiên vẫn trong tình trạng chiến tranh bởi cuộc chiến 1950 - 1953 kết thúc bằng thỏa thuận ngừng bắn mà chưa có hiệp ước hòa bình nào được ký kết.
Image
Vị trí hòn đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc nơi bị Triều Tiên nã pháo.
Mai Trang

User avatar
nangchieu
Posts: 2094
Joined: Sun Apr 19, 2009 6:38 pm

Post by nangchieu »

Hàn Quốc sẽ đáp trả Triều Tiên bằng tên lửa Seoul tuyên bố sẽ dùng tên lửa đáp trả lại bất kỳ động thái khiêu khích nào nữa của Bình Nhưỡng sau vụ pháo kích khiến hai binh sĩ Hàn Quốc thiệt mạng hôm qua.
Image
Đạn pháo nã xuống nhà dân trên đảo Hàn Quốc. Ảnh chụp màn hình.
Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak đưa ra tuyên bố trên sau cuộc họp với giới chức an ninh nước này. Ông yêu cầu quân đội Hàn Quốc trừng phạt Triều Tiên "bằng hành động", chứ không chỉ lời nói và thêm rằng họ cần ngăn chặn Triều Tiên có những hành động khiêu khích tiếp theo.

"Hành động khiêu khích đó có thể nói là xâm lược lãnh thổ Hàn Quốc. Những vụ tấn công vào dân thường là vấn đề nghiêm trọng", BBC dẫn lời ông Lee cho biết.

Tổng thống Hàn Quốc dự kiến sẽ có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm nay. Trước đó, ông chủ Nhà Trắng gọi vụ pháo kích của Triều Tiên là "hành vi khiêu khích nghiêm trọng".

Hôm qua, truyền hình Hàn Quốc phát đi hình ảnh những cột khói đen bốc lên nghi ngút từ hòn đảo Yeonpyeong - nằm cách đường hải giới chia tách hai nước chỉ 3km. Hàn Quốc cho hay đạn pháo của Triều Tiên bắt đầu nã xuống vùng biển tranh chấp gần hòn đảo vào lúc 14h34 (12h34 Hà Nội). Ít nhất 50 quả rơi trúng đảo, phần lớn nhắm vào một căn cứ quân sự của Hàn Quốc. Ngoài hai người thiệt mạng, 16 binh sĩ Hàn Quốc và hai dân thường bị thương.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam về vụ bắn pháo trên Bán đảo Triều Tiên ngày 23/11, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Nga nói, Việt Nam mong các bên liên quan nỗ lực vì hòa bình, ổn định trên Bán đảo Triều Tiên, giải quyết các bất đồng thông qua thương lượng hòa bình.

Bà Nguyễn Phương Nga nhấn mạnh: “Việt Nam lo ngại sâu sắc về vụ bắn pháo xảy ra ngày 23/11/2010 trên Bán đảo Triều Tiên. Việt Nam phản đối mọi hành động sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế và mọi hành động quân sự gây thiệt hại cho thường dân vô tội".

Hàn Quốc đáp trả bằng 80 quả đạn pháo. Tuy nhiên, Triều Tiên không tiết lộ con số thương vong. Đây là vụ việc nghiêm trọng nhất kể từ khi chiến tranh liên Triều kết thúc 50 năm trước và nó diễn ra trong tình hình quan hệ hai bên căng thẳng.

Trước đó chỉ vài ngày, Bình Nhưỡng cũng tiết lộ một cơ sở tinh chế uranium, chất có thể giúp chế tạo bom nguyên tử, khiến Washington loại trừ khả năng nối lại vòng đàm phán 6 bên về hạt nhân của Triều Tiên, vốn bị bế tắc từ hai năm trước.

Phát ngôn viên Nhà Trắng Roberrt Gibbs kêu gọi Triều Tiên “chấm dứt hành động gây hấn” và tuyên bố Mỹ đứng về phía Hàn Quốc cũng như cam kết “duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực”. Một phát ngôn viên Lầu Năm Góc thì cho biết còn quá sớm để xét đến việc đáp trả Triều Tiên bằng hành động quân sự.

Trong khi đó, Triều Tiên đổ lỗi cho Hàn Quốc ra tay trước. “Mặc cho nhưng cảnh báo liên tục của chúng ta, Hàn Quốc vẫn liều lĩnh khiêu khích bằng việc bắn đạn pháo về phía vùng biển gần đảo Yeonpyeong từ lúc 13h (11h Hà Nội) hôm nay”, bài báo của hãng tin KCNA của Triều Tiên cho biết.

Quân đội Hàn Quốc thông báo đã tiến hành một cuộc tập trận gần đảo Yeonpyeong song bác thông tin rằng họ bắn về phía Triều Tiên.

Khu vực quanh đường biên giới phía tây chia tách hai nước - vốn được gọi là đường NLL - là nơi diễn ra nhiều vụ va chạm giữa quân đội hai bên. Hồi tháng 3, một chiến hạm của Hàn Quốc bị chìm gần khu vực này khiến 46 thủy thủ thiệt mạng. Một nhóm điều tra quốc tế khẳng định ngư lôi Triều Tiên là thủ phạm của vụ chìm tàu. Bình Nhưỡng liên tục tuyên bố họ không liên quan.

Trước vụ tàu Cheonan chìm, đã có ba cuộc đụng độ giữa hải quân hai tại đây. Đường này là hải giới trên thực tế được lực lượng của Liên Hợp Quốc do Mỹ dẫn đầu vạch ra năm 1953. Miền bắc Triều Tiên không công nhận và cho rằng hải giới cần lùi xuống phía nam.

Hai nước trên bán đảo Triều Tiên vẫn trong tình trạng chiến tranh bởi cuộc chiến 1950 - 1953 kết thúc bằng thỏa thuận ngừng bắn mà chưa có hiệp ước hòa bình nào được ký kết.

H. Ninh

Post Reply