TIN TỨC THẾ GIỚI HÀNG NGÀY

Xin cho biết tin từ đâu ra, phát xuất từ nước nào!!!
User avatar
nangchieu
Posts: 2094
Joined: Sun Apr 19, 2009 6:38 pm

Post by nangchieu »

30,000 người Áo Ðỏ biểu tình chống chính phủ ở Bangkok
Sunday, January 09, 2011

BANGKOK (AFP) - Có ít nhất 30,000 người phía “Áo Ðỏ” biểu tình chống chính phủ ở Bangkok hôm Chủ Nhật, theo nguồn tin cảnh sát,
trong nỗ lực biểu dương sức mạnh lớn nhất kể từ khi có cuộc đàn áp đẫm máu của quân đội hồi năm ngoái.

Image
Ðoàn biểu tình Áo Ðỏ tụ tập tại ngã tư Katchaprasong nơi có những khách sạn sang trọng và thương xá sầm uất. (Hình: Nicolas Asfouri/AFP/Getty Images)
Những người biểu tình, vỗ tay, ca hát trên đường phố làm gián đoạn lưu thông ở nhiều khu vực trong thủ đô Bangkok khi họ tuần hành đến một khu phố thương mại sang trọng để kêu gọi việc trả tự do cho thành phần lãnh đạo đang bị cầm tù.

Cảnh sát bố trí khoảng 1,000 người để theo dõi cuộc biểu tình này, lần đầu tiên xảy ra ở Bangkok kể từ khi tình trạng khẩn trương được hủy bỏ hồi tháng qua.

Thiếu tướng cảnh sát Piya Ulayo thuộc sở cảnh sát Ðô Thành, cho báo chí hay có khoảng 30,000 thành viên Áo Ðỏ tham dự biểu tình, trong khi nguồn tin từ cảnh sát đặc biệt sau đó cho hay có đến 40,000 người hiện diện ở vào giai đoạn cao điểm.

Cựu Thủ Tướng Thaksin Shinawatra, người hùng của phía Áo Ðỏ, vốn bị lật đổ trong cuộc đảo chánh của quân đội năm 2006 và hiện sống lưu vong, gọi điện thoại đến để nói chuyện trong khoảng 10 phút với những người biểu tình.

“Tôi rất ngưỡng mộ quý vị vì tinh thần tranh đấu cho dân chủ. Lời kêu gọi hòa giải của chính quyền hiện nay chỉ là rượt đuổi để bắt giữ người khác, để phía Áo Ðỏ không thể tồn tại,” ông Thaksin nói với đám đông.

Ông Thaksin, người có sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ thành phần dân nghèo và giới lao động nhưng bị giới thượng lưu thành phố ghét bỏ, nói rằng ông gọi đến họ khi đang “trong chiếc phi cơ bay trên lục địa Âu Châu.”

Phía Áo Ðỏ nói rằng họ sẽ tổ chức biểu tình mỗi tháng hai lần ở Bangkok để đòi trả tự do cho thành phần lãnh đạo đang bị giam cầm sau cuộc xuống đường nổi loạn hồi tháng 4 và tháng 5 năm ngoái với hơn 90 người bị giết trong các cuộc đàn áp của quân đội.

Cuộc xuống đường kéo dài hai tháng hồi năm ngoái của phía Áo Ðỏ, có lúc được khoảng 100,000 người tham dự, để đòi hỏi có cuộc bầu cử ngay lập tức để thay đổi chính phủ, chấm dứt sau cuộc đàn áp đẫm máu của quân đội hôm 19 tháng 5 khi thiết vận xa được đưa tới để ủi vào các khu vực tập trung của phía biểu tình. (V.Giang)

User avatar
lynhcao
Posts: 883
Joined: Sat Apr 30, 2005 10:46 pm

Post by lynhcao »

Quân đội áo đen Thái Lan bắn chết người dân Cambodia vượt biên
Sunday, January 09, 2011



PHNOM PENH (RFA) - Mặc dù chính phủ Hoàng gia Campuchia và Thái Lan từng thỏa thuận không dùng bạo lực đối với người dân vượt biên trái phép, nhưng đến nay người dân Campuchia vẫn bị quân đội áo đen của Thái Lan bắn chết trong khi họ vào đất Thái để tìm gỗ. Các tổ chức nhân quyền Cambodia cho rằng Thái Lan vi phạm nhân quyền một cách nghiêm trọng.

Bị bắn vì tìm gỗ trái phép

Quân đội áo đen của Thái Lan tại cột mốc số 27 thuộc huyện Lăk Hansai, tỉnh Borei Rom giáp xã Banteay Chhmar, huyện Thmor pouk, tỉnh Banteay Meanchey của Cambodia đã bắn chết một người Cambodia và một người khác bị thương vào ngày 6 Tháng Giêng vừa qua sau khi nhóm người này vào đất Thái Lan để tìm gỗ.

Chủ tịch xã Kok Romeat, ông Tuon Dol cho đài Á Châu Tự Do biết rằng, vào sáng ngày 6 Tháng Giêng vừa qua quân đội áo đen của Thái đã bắn 11 người dân Cambodia vượt biên tìm gỗ trái phép. Trong số 11 người này, 7 người cư ngụ tại ấp Boeung Tasrei, xã Kok Romeat và 4 người khác cư ngụ tại ấp Don Reak, xã Banteay Chhmar, huyện Thmor pouk. Những người này, họ vượt mốc biên giới số 27 và 28 vào đất Thái. Ông Tuon Dol cho biết thêm:

“Họ vào đất Thái để khai thác gỗ nhưng họ bị quân đội Thái bắn. Theo thông tin tôi nhận được, thì có một người bị giết, và một người bị thương. Người bị thương và những người khác chạy về nhà.”

Ông Tuon Dol nói một người bị bắn chết trên đất Thái có tên Lang Sambath, 34 tuổi, quê quán ở ấp Boeung Tasrei, xã Kok Romeat, huyện Thmor pouk; tuy nhiên đến nay chính quyền Thái Lan chưa cho phép chở xác về Cambodia.


Tố cáo Thái Lan vi phạm nhân quyền

Phát Ngôn Viên Bộ Ngoại Giao Cambodia Koy Kuong nói rằng, ông nhận được thông tin này; tuy nhiên ông phải chờ báo cáo chi tiết từ chính quyền địa phương và tổng lãnh sự quán Cambodia tại Thái Lan.

Ông nói rằng, Cambodia luôn tôn trọng thỏa thuận cũng như Hiến Pháp của Thái Lan. Có nghĩa là khi người dân Campuchia bị bắt vì lạc đường hay vượt biên sang Thái Lan trái phép, phía Cambodia thường đề nghị chính phủ Thái Lan thả người và công việc này hai bên đã từng thực hiện, đặc biệt là các chính quyền địa phương giáp các tỉnh biên giới. Tuy nhiên ông Koy Kuong cho biết thêm:

“Có trường hợp bên Thái Lan đồng ý, nhưng cũng có trường hợp họ không đồng ý. Thái Lan truy tố họ ra tòa, thì tổng lãnh sự quán Cambodia tại Thái Lan thường giúp tìm luật sư bào chữa để giúp họ tìm công bằng. Vậy, việc tổng lãnh sự quán giúp đỡ như vậy thì giống nhau, tuy nhiên tùy theo trường hợp và mức độ vụ việc.”

Cũng liên quan vấn đề này, lãnh đạo điều phối tổ chức nhân quyền ADHOC ông Chan Soveth cho rằng, hành động quân đội áo đen của Thái Lan giết công dân Cambodia thể hiện cho thấy nước này đang vi phạm nhân quyền nghiêm trọng. Thái Lan bắt được người vượt biên trái phép thì Thái Lan nên trục xuất họ về nước.

Ông Chan Soveth còn cho rằng chính quyền Cambodia tại khu vực biên giới không quan tâm đến dân, vì chính quyền nhận hối lộ từ dân thay cho dân vượt biên sang các nước láng giềng trái phép. Ông nói, “Chúng tôi thuộc tổ chức phi chính phủ, chúng tôi cũng cố gắng nhắc nhở công dân rằng việc vượt biên sang các nước láng giềng trái phép thì chúng tôi không thể chấp nhận, chính vì họ buộc phải có hộ chiếu, giấy thông hành cũng như có sự tham gia góp ý từ chính quyền. Còn nếu không, thì họ sẽ bị giết như trường hợp này...”

User avatar
VuPhong
Posts: 2923
Joined: Wed Dec 01, 2004 4:28 pm

Post by VuPhong »

Lính Trung Quốc tiến vào khu vực tranh chấp với Ấn Ðộ
Monday, January 10, 2011


NEW DELHI (AP) - Các binh sĩ có võ trang của Trung Quốc tiến vào khu vực đang có tranh chấp với Ấn Ðộ và đe dọa các công nhân xây cất đang làm việc ở đây hồi tháng 9, theo nguồn tin từ giới truyền thông Ấn Ðộ hôm Thứ Hai.

Sự xâm nhập của lính Trung Quốc xảy ra tại Kashmir trong vùng Hy Mã Lạp Sơn, theo hãng thông tấn Press Trust of India, nhưng không cho biết xuất xứ nguồn tin.

Lính Trung Quốc đe dọa một nhà thầu Ấn Ðộ và nhân viên của ông ta lúc đó đang xây một trạm xe buýt gần Demchok thuộc vùng Leh của Ấn, nằm dọc theo lằn ranh phân cách Ấn Ðộ và Trung Quốc. Việc xây cất trạm xe buýt bị ngưng lại từ đó đến nay, theo bản tin.

Trung Quốc từng có các cuộc xâm nhập lãnh thổ Ấn trước đây, với lần trầm trọng nhất là vào năm 1962 khi hai bên có cuộc chiến biên giới ngắn ngủi. Vụ xâm nhập mới nhất cho thấy sự căng thẳng giữa hai cường quốc Á Châu bắt nguồn từ sự nhanh chóng phát triển kinh tế của Ấn Ðộ, trở thành một chướng ngại ngày càng lớn cho ảnh hưởng của Trung Quốc trên toàn khu vực.

Hôm Thứ Hai, tham mưu trưởng quân đội Ấn, Tướng V.K. Singh, tìm cách làm nhẹ vấn đề khi nói rằng điều này có thể xảy ra do “sự khác biệt về nhận thức” liên quan đến đường biên giới. Tướng Singh cho hay Ấn Ðộ và Trung Quốc có cái nhìn khác biệt về đường biên giới.

Bộ Ngoại Giao Ấn cho hay trong bản thông cáo đưa ra sau đó nói rằng nguồn tin trên là vô căn cứ và không đúng với sự thật.

Ấn Ðộ và Trung Quốc, hai láng giềng với hơn 1 tỉ dân mỗi bên, có mối quan hệ lạnh nhạt kể từ cuộc chiến 1962 đến nay.

New Delhi nói rằng Trung Quốc chiếm cứ bất hợp pháp khu vực rộng 15,000 dặm vuông (khoảng 38,000 km vuông) ở phía Tây Bắc, trong khi Bắc Kinh nói khu vực rộng 35,000 dặm vuông (90,000 km vuông) ở phía Ðông Bắc Ấn là của họ. Hai bên có 14 cuộc thương thảo từ trước đến nay nhưng không đạt được kết quả gì.

Trung Quốc là đồng minh lâu đời và là nguồn cung cấp võ khí chính yếu cho Pakistan, quốc gia đối nghịch với Ấn Ðộ. Sự kiện chính phủ lưu vong Tây Tạng đặt trụ sở trên đất Ấn cùng với khoảng 120,000 dân Tây Tạng sinh sống nơi đây từ lâu nay vẫn là một trong những lý do gây ra căng thẳng giữa New Delhi và Bắc Kinh.

Dù vậy, sự trao đổi thương mại giữa hai bên vẫn tiếp tục gia tăng mạnh mẽ, từ con số $60 tỉ năm 2010 sẽ dự trù lên đến khoảng $100 tỉ trong ba năm tới. (V.Giang)

User avatar
macco
Posts: 3555
Joined: Mon Jan 17, 2005 8:04 am

Post by macco »

Úc: Lụt tấn công thành phố Brisbane, 43 mất tích
Wednesday, January 12, 2011


BRISBANE, Australia (Reuters) - Nước lụt tràn vào khu trung tâm thành phố lớn thứ ba ở Úc hôm Thứ Tư, khiến hàng ngàn người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn và tạo ra sự hốt hoảng, chen nhau mua nhu yếu phẩm, trong khi nhân viên cấp cứu tìm kiếm khoảng 43 người bị coi là mất tích trong dòng nước lũ.
Image
“Phố bỗng là dòng sông uốn quanh.” Hình chụp một con đường tại Brisbane, Úc Châu, ngày 12 tháng 1, 2011.
(Hình: Torsten Blackwood/AFP/Getty Images)



Trận lụt lớn nhất nước Úc từ một thế kỷ, đến nay làm thiệt mạng ít nhất 16 người sau khi tràn vào tiểu bang Quensland, nơi có nhiều mỏ than, hồi tháng trước.

Cả kỹ nghệ khai thác than nơi đây bị đình trệ, hệ thống hạ tầng cơ sở bị thiệt hại nặng nề, ảnh hưởng trầm trọng đến nền kinh tế và khiến giá trị đồng đô la Úc giảm xuống mức thấp nhất từ bốn tuần nay.

Mực nước lụt ở Brisbane, thành phố với hai triệu dân nằm cạnh bờ sông, dự trù sẽ lên đến mức cao nhất trước lúc rạng đông ngày Thứ Năm và sẽ tiếp tục ngập trong nhiều ngày.

“Thảm họa thiên tai vô cùng trầm trọng,” Thủ hiến Quensland, bà Anna Bligh, cho biết khoảng 20,000 căn nhà nơi đây có thể bị ngập nước.

“Dân chúng thành phố Brisbane đi ngủ tối nay và khi thức dậy sáng mai sẽ thấy cảnh tượng mà họ chưa từng thấy trong đời,” bà Bligh cho biết.

Tại thành phố Ipswich, ở về phía Tây Brisbane, mực nước lên cao điểm chiều Thứ Tư. Hơn 1,500 người nơi đây đến trú trong các trạm đón người di tản, nhưng nhiều người phải bỏ chạy ra khỏi nhà chỉ với bộ quần áo mặc trên người vì mực nước dâng lên nhanh chóng ở mọi nơi trong thành phố.

Thị trưởng Ipswich, Paul Pisasale, cho hay mực nước lụt lên đến 19.4 m, ít hơn mức dự trù khoảng 1 m, giúp khoảng 6,000 căn nhà không bị ngập.

Các kinh tế gia nay nâng cao hơn ước tính về thiệt hại kinh tế của trận lụt này. Một giới chức ngân hàng trung ương hôm Thứ Tư nói rằng thiên tai này có thể làm giảm mất 1% mức phát triển kinh tế - ngang với gần $13 tỉ, tăng gấp đôi so với mức ước tính cao nhất trước đó.

Úc xuất cảng hơn một nửa số lượng than dùng trong các nhà máy thép trên toàn thế giới, và cũng là quốc gia xuất cảng lớn thứ nhì loại than dùng trong các nhà máy điện của thế giới.

Bà Bligh cho hay, kỹ nghệ than ở Úc sẽ mất mấy tuần lễ, hoặc có thể vài tháng, mới trở lại được mức sản xuất bình thường.

Giá thực phẩm nội địa tăng cao vì trận lụt làm thiệt hại hoa màu ở tiểu bang Quensland cũng như hệ thống phân phối. Giá cà chua tăng tới 200% chỉ trong hai tuần, trong khi giá thịt bò tăng 11%.

Thủ tướng Úc, bà Julia Gillard, đến Brisbane thị sát tình hình tại chỗ, cho hay “rất quan tâm về ảnh hưởng của trận lụt” đối với công ăn việc làm và đời sống của người dân.

Trận lụt được coi là do hiện tượng thời tiết La Nina ở vùng Thái Bình Dương gây ra. (V.Giang)

User avatar
muanuadem
Posts: 461
Joined: Sun Apr 19, 2009 6:47 pm

Post by muanuadem »

Tương lai của phi cơ tàng hình Trung Quốc

Máy bay chiến đấu tàng hình J-20 do Trung Quốc sản xuất vừa bay thử gây chú ý của cả thế giới. Nếu J-20 thực sự là phiên bản mẫu của một thế hệ phi cơ chiến đấu mới,
Trung Quốc sẽ đủ khả năng sản xuất máy bay thế hệ thứ năm trong vòng 10 năm nữa.

Image
Máy bay chiến đấu tàng hình J-20 của Trung Quốc xuất hiện tại thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên hôm 7/1. Ảnh: People's Daily.
Đó là nhận định của nhiều chuyên gia, được RIA Novossti đưa. Giới phân tích nhận định phiên bản mẫu của J-20 sẽ là đối thủ của máy bay tàng hình Raptor F-22 của Mỹ và Sukhoi T-50 của Nga. Nhưng họ vẫn đặt ra nhiều câu hỏi, như: chẳng lẽ Trung Quốc đã sẵn sàng sản xuất J-20 với số lượng lớn? Chất lượng của J-20 thế nào?

Một số chuyên gia cho rằng J-20 là sự kết hợp giữa phi cơ chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 của cả Nga và Mỹ, song dường như họ đang đơn giản hóa vấn đề. Trong suốt 20 năm qua, Trung Quốc hợp tác chặt chẽ với Nga để chế tạo máy bay chiến đấu thế hệ mới nhất. Nhưng J-20 không phải là sản phẩm sao chép một mẫu máy bay nào đó của Nga. Thay vào đó, Trung Quốc cố gắng tạo ra một mẫu phi cơ hoàn toàn mới dựa trên công nghệ và tri thức mà nước này thu được trong quá trình hợp tác với Nga. Vì thế, tương lai của J-20 sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Động cơ

Chưa ai biết J-20 được trang bị loại động cơ nào. Một số người nói đó là động cơ WS-15 do Trung Quốc chế tạo với lực đẩy tối đa vượt 18.000 kg. Tuy nhiên, loại động cơ này vẫn đang trong quá trình nghiên cứu.

Trung Quốc chưa thể “tái sinh” AL-31F, loại động cơ đốt nhiên liệu cực kỳ hiệu quả và chịu được nhiệt cao do Nga thiết kế trong thập niên 80. Hiện nay AL-31F vẫn hiện diện trong phản lực cơ Su-27 và các phiên bản cải tiến của nó. Những động cơ dành cho máy bay Sukhoi được sản xuất tại Nga. Sau đó người ta đưa chúng cùng các bộ phận khac của phi cơ sang Trung Quốc để lắp ráp.

Máy bay chiến đấu J-10 của Trung Quốc cùng dùng động cơ AL-31F. Động cơ WS-10, phiên bản “nhái” của AL-31F, tỏ ra kém hiệu quả hơn so với AL-31F.

Vật liệu

Phi cơ chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm phải có khả năng tránh tín hiệu radar và phải được tạo nên từ những vật liệu tổng hợp tiên tiến nhất. Tuy nhiên, Trung Quốc không sản xuất được vật liệu tổng hợp với quy mô công nghiệp. Giới chuyên gia cũng nghi rằng Trung Quốc chưa thể chế tạo vật liệu tổng hợp siêu bền, siêu nhẹ và chịu nhiệt tốt dành cho máy bay.

Thiết bị điện tử

Chất lượng của các thiết bị điện tử trên phi cơ chiến đấu, đặc biệt là radar, của Trung Quốc cũng ở mức tương đương so với chất lượng động cơ. Những thiết bị điện tử do Trung Quốc thiết kế thua kém những sản phẩm cùng loại của Nga, châu Âu và Mỹ. Mặc dù Trung Quốc đang thu hẹp dần khoảng cách về chất lượng, họ vẫn phải nhập khẩu các thiết bị điện tử hiện đại dành cho máy bay quân sự của họ.

Hệ thống radar hoàn hảo nhất đang hiện diện trên các phản lực cơ Su-30MKK của Nga và khả năng Trung Quốc sẽ “bắt chước” mẫu thiết kế của hệ thống radar này là rất cao. Giới chuyên gia nhận định phiên bản radar của Trung Quốc chỉ khác phiên bản của Mỹ hoặc Nga về các thông số kỹ thuật.

Vũ khí

Những loại vũ khí được dẫn đường của không quân Trung Quốc là bản sao của những phiên bản do Nga, Mỹ, Israel sản xuất từ thập niên 60 tới thập niên 80. Trung Quốc sẽ còn phải đầu tư rất nhiều thời gian và công sức để tự thiết kế vũ khí của riêng họ, ngay cả khi họ mua bản thiết kế từ các nước khác. Tuy nhiên, các hãng sản xuất vũ khí nước ngoài ngày càng tỏ ra cẩn thận hơn trong việc chia sẻ công nghệ vũ khí mới nhất với Trung Quốc.
Image
Nếu J-20 thực sự là phiên bản mẫu của một thế hệ phi cơ chiến đấu mới, Trung Quốc sẽ đủ khả năng sản xuất máy bay thế hệ thứ năm
trong vòng 10 năm nữa. Ảnh: Christian Science Monitor.
Kết luận

Trung Quốc chậm hơn các nước có nền công nghiệp hàng đầu thế giới từ 15 tới 20 năm trong sản xuất máy bay. Điều này cũng đúng đối với thế hệ phi cơ chiến đấu thứ ba và thứ tư của họ (tương đương thế hệ thứ năm của Mỹ).

J-20 được sản xuất sau gần 20 năm so với YF-22 (phiên bản thử nghiệm của máy bay tàng hình F-22A) của Mỹ và 17 năm sau máy bay MiG-MFI của Nga.

Nếu J-20 thực sự là phiên bản mẫu của một thế hệ phi cơ chiến đấu mới, Trung Quốc sẽ đủ khả năng sản xuất máy bay thế hệ thứ năm trong vòng 10 năm nữa. Trong trường hợp J-20 chưa phải là phiên bản mẫu của thế hệ phi cơ chiến đấu mới, thời gian sẽ tăng lên từ 15 tới 20 năm.

Với chính sách truyền thống trong lĩnh vực sản xuất máy bay chiến đấu, rất có khả năng Trung Quốc sẽ sản xuất những phi cơ tàng hình có giá thấp hơn từ 50% tới 80% so với các phi cơ cùng loại của Mỹ và Nga. Bắc Kinh sẽ bán chúng cho các nước thuộc khu vực Trung Á, châu Phi, Trung Đông, châu Mỹ Latinh và Đông Nam Á.

Những mẫu J-20 dành cho hoạt động xuất khẩu sẽ được trang bị những thiết bị và vũ khí của nước ngoài. Trong vòng 20 hoặc 30 năm nữa, Trung Quốc sẽ vẫn phải tiếp tục nhập khẩu công nghệ sản xuất máy bay hiện đại.

Minh Long

User avatar
nangchieu
Posts: 2094
Joined: Sun Apr 19, 2009 6:38 pm

Post by nangchieu »

12 nghi can khủng bố giả cảnh sát để trốn tù
Friday, January 14, 2011

BAGHDAD (AP) - 12 nghi can khủng bố cải trang cảnh sát và trốn ra khỏi một nhà tù ở Iraq hôm thứ Sáu, khiến cả miền Nam Iraq đổ xô đi săn lùng.
Những nghi can này được xem là nhóm phiến quân chỉ huy nguy hiểm có liên hệ đến tổ chức al-Qaida.

Image
Cảnh sát Iraq ở Basra xét giấy tờ xe cộ đi về hướng Bắc, sau khi 12 nghi can khủng bố trốn khỏi nhà tù. (Hình: AP/Nabil al-Jurani)


Hai trong số này từng bị giam ở căn cứ Bucca, một nhà tù nằm ở biên giới phía Nam với Kuwait, nơi quân Mỹ từng giữ hằng chục ngàn tình nghi phiến quân, tất cả được chuyển giao cho Iraq sau khi đóng cửa hồi tháng 9, 2009.

Trước khi trời sáng, 12 nghi can đang chờ được đem ra xử đã lấy được đồng phục của cảnh sát và trốn ra khỏi trại tạm giam, nơi từng là một trong những dinh thự của Saddam Hussein nằm ở Basra, thành phố cảng phía Nam của Iraq.

Chính quyền Iraq lập tức lập nhiều trạm kiểm soát dọc theo hai xa lộ chính chạy về hướng Bắc, để chận xe cộ, đồng thời buộc mọi cảnh sát phải trình giấy tờ chứng minh.

Không rõ làm thế nào các nghi phạm này có được đồng phục của cảnh sát. Chính quyền Iraq đang điều tra họ có được sự giúp đỡ nào từ bên trong không. Tất cả viên chức an ninh ở đây đều bị nhốt lại để thẩm vấn.

Sĩ quan tình báo Iraq cho hay phân nửa các nghi phạm mới bị bắt gần đây về tội trộm xe ở Basra, và thú nhận đã từng liên hệ đến nhiều vụ nổ bom ở Basra, Amarah và Nasiriyah, kể từ năm 2004. Theo lời khai của họ, cảnh sát đã bắt được thêm sáu người khác. Nay tất cả đều tẩu thoát.

Sĩ quan tình báo Iraq nói rằng những người này đi lên Baghdad để kiếm giấy tờ giả hầu có thể trốn ra khỏi nước. (TP)

User avatar
TheLang
Posts: 1977
Joined: Thu Oct 30, 2008 5:43 am

Post by TheLang »

Tunisia chưa ổn định
Saturday, January 15, 2011

Chủ tịch Quốc Hội nắm quyền, muốn lập chính phủ liên hiệp

TUNIS (Reuters) - Hiện có tình trạng nổ súng bắn loạn từ các xe chạy trong thủ đô Tunis hôm Thứ Bảy và tù nhân mở cuộc vượt ngục lớn lao
trong khi giới lãnh đạo chính trị ở Tunisia tìm cách ổn định tình hình sau khi tổng thống bị dân chúng lật đổ.

Image
Xe tăng quân đội đứng gác trước cửa tòa nhà chính phủ Tunisian ở Tunis hôm Thứ Bảy.
Sau 23 năm chuyên chế, Tổng Thống Zine El Abidine Ben Ali bỏ chạy và chủ tịch Quốc Hội lên nắm quyền. (Hình: Fethi Belaid/AFP/Getty Images)



Chủ tịch Quốc Hội, ông Fouad Mebazza, tuyên thệ nhậm chức tổng thống lâm thời. Ông yêu cầu Thủ Tướng Mohammed Ghannouchi đứng ra thành lập một chính phủ liên hiệp và giới chức có thẩm quyền về hiến pháp nói rằng một cuộc bầu cử tổng thống phải được tổ chức trong vòng 60 ngày.

Hiện không rõ những kẻ nổ súng trong thủ đô là ai, nhưng một giới chức quân sự cao cấp cho phái viên Reuters hay rằng những người ủng hộ cựu Tổng Thống Zine al-Abidine Ben Ali đứng sau các hành động này.

Binh sĩ có chiến xa hỗ trợ được bố trí ở trung tâm thủ đô Tunis để tìm cách tái lập trật tự sau một đêm xảy ra các cuộc cướp bóc hôi của tiếp theo việc cựu Tổng Thống Ben Ali và gia đình bỏ trốn sang Saudi Arabia sau một tháng có các cuộc biểu tình bạo động chống chính phủ khiến nhiều chục người thiệt mạng.

Trong một chỉ dấu cho thấy thời cai trị của Ben Ali đã chấm dứt, các công nhân tháo gỡ một bức hình chân dung lớn của ông ta bên ngoài trụ sở đảng RCD trên đại lộ Mohamed V ngay trung tâm Tunis.

“Chúng tôi rất vui mừng vì được tự do sau 23 năm ở trong nhà tù này,” theo lời Fahmi Bouraoui, khi uống cà phê tại tiệm Mozart, một trong số ít tiệm mở cửa vào sáng ngày Thứ Bảy.

Tuy nhiên sự lạc quan của ông có thể kéo dài không lây vì nhiều nơi trong quốc gia này đang rơi vào tình trạng hỗn loạn vô luật lệ.

Hàng chục tù nhân bị giết khi tìm cách vượt ngục Mahdia và nhà tù Monastir, cũng ở phía Nam thủ đô, bị đốt cháy trong một âm mưu phá ngục khác, theo các nhân chứng.

Có khoảng 42 người thiệt mạng trong vụ bạo động ở Monastir, theo nguồn tin của hãng thông tấn nhà nước Tunisia.

Tại khu ngoại ô Tunis, thương xá lớn có tên Geant bị đốt cháy.

Ðài truyền hình nhà nước chiếu cảnh hàng chục người bị bắt về tội hôi của và bạo động. Những người này võ trang bằng súng bắn đạn ghém (shotgun) và dao. Cảnh sát cũng tịch thu một chiếc xe vận tải nhỏ chứa đầy những món hàng cướp được gồm giầy dép, đồ điện và ngay cả một tượng người mẫu.

Ông Ghannouchi trước đó loan báo việc bắt giữ một số thành viên trong gia đình ông Ben Ali nhưng không nói là ai.

Ðài truyền hình Al Jazeer cho hay người chỉ huy lực lượng phòng vệ phủ tổng thống của Ben Ali cũng bị bắt.

Người biểu tình đe dọa sẽ tiếp tục các nỗ lực xuống đường phản đối của họ cho đến khi chế độ cũ hoàn toàn bị diệt trừ.

Tổng Thống Pháp Nicolas Sarkozy, người từ chối không cho Ben Ali tị nạn, kêu gọi sớm có các cuộc bầu cử tự do và cho hay đang có biện pháp để ngăn chặn việc tẩu tán tài sản của chính phủ Tunisia ở Pháp.

Khoảng 600,000 người Tunisia hiện sống ở Pháp và chừng 25,000 công dân Pháp sống ở quốc gia cựu thuộc địa Pháp này. Thủ Tướng Ðức Angela Merkel kêu gọi Tunisia sớm đưa ra “một nền dân chủ thật sự” và cho hay khối EU sẽ hỗ trợ họ. (V.Giang)

User avatar
dauden
Posts: 575
Joined: Mon Aug 24, 2009 6:09 pm

Post by dauden »

Triều Tiên lên án hội đàm Nhật - Hàn

Bình Nhưỡng hôm qua tỏ rõ sự tức giận trước việc Seoul và Tokyo tìm cách tăng cường hợp tác quân sự.

Image
Pháo tự hành của Hàn Quốc trong một cuộc tập trận. Ảnh: AP.
Tờ Rodong Sinmun của đảng Cộng sản Triều Tiên gọi cuộc hội đàm hôm 10/1 giữa Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc và Triều Tiên là "âm mưu quân sự mới" và cho rằng nó có thể làm tổn hại an ninh trong khu vực vì phá hủy quan hệ liên Triều.

"Với đôi mắt đỏ ngầu, Nhật đang ra sức tìm kiếm lý do hợp pháp để mở rộng quân sự ra nước ngoài", phần xã luận của tờ báo có đoạn.

Bình Nhưỡng cũng lên án Seoul vì "mở đường cho Nhật tái chiếm" bán đảo Triều Tiên. Lời bình luận ngụ ý việc Nhật chiếm đóng bán đảo này từ năm 1910-1945.

Bất chấp những vấn đề trong lịch sử, hai người đứng đầu các cơ quan quốc phòng của Nhật và Hàn Quốc đã cam kết thắt chặt hợp tác và thảo luận về việc chia sẻ bí mật quân sự.

"Các cuộc hội đàm gần đây giữa miền nam và Nhật sẽ tăng cường liên minh quân sự giữa Mỹ, Nhật và Hàn Quốc, và sẽ tạo trở ngại to lớn nữa trong đối thoại liên Triều cũng như cải thiện quan hệ", Rodong Sinmun viết.

Những lời bình luận trên được Triều Tiên đưa ra sau hàng loạt động thái hòa giải. Trước đó, họ tuyên bố sẵn sàng đàm phán vô điều kiện với Hàn Quốc và nhấn mạnh rằng mọi vấn đề đều có thể giải quyết bằng thương lượng. Đáp lại sự nhún nhường đó, Hàn Quốc nói rằng Triều Tiên cần thể hiện rõ thái độ chân thành bằng hành động.

Ngọc Sơn

User avatar
khieulong
Posts: 6768
Joined: Wed Dec 01, 2004 9:09 pm
Been thanked: 1 time

Post by khieulong »

Các cường quốc từ chối lời mời đến thăm cơ sở hạt nhân của Iran

Image
Một cơ sở hạt nhân của Iran
Một số các vị đặc sứ quốc tế sẽ đi thăm các cơ sở hạt nhân của Iran, nhưng những cường quốc chính đã từ khước lời mời của Tehran.

Các nhà ngoại giao cho biết Trung Quốc, Nga và Liên hiệp Âu châu không tham gia chuyến tham quan ngày hôm qua và hôm nay. Hoa Kỳ không được mời.

Liên hiệp Âu châu đã từ chối và nói rằng các thanh sát viên của Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế là những người nên được tiếp cận các địa điểm hạt nhân của Iran.

Giới hữu trách nói rằng ít nhất 5 nước – Algeria, Cuba, Ai Cập, Syria và Venezuela, đã nhận lời mời.

Lời mời bất thường của Tehran được đưa ra trước một vòng đàm phán tại Thổ Nhĩ Kỳ vào tuần tới về chương trình hạt nhân của Iran. Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga, Hoa Kỳ và Đức sẽ họp với Iran tại Istanbul.

Các cường quốc Tây phương tin rằng Iran muốn dùng hoạt động tinh chế uranium để chế bom hạt nhân. Tehran phủ nhận tố cáo này và nói rằng chương trình của họ là một nỗ lực hòa bình để sản xuất điện hạt nhân.

VOA

User avatar
saohom
Posts: 2240
Joined: Wed Aug 26, 2009 11:30 pm

Post by saohom »

Chìm trong bạo loạn, Tunisia lập chính phủ mới

Thủ tướng Tunisia Mohammed Ghannouchi hôm qua thông báo ông sẽ thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc
với nhiều vị trí thuộc về phe đối lập, vài ngày sau khi Tổng thống Ben Ali bỏ chạy khỏi đất nước.

Image
Binh lính canh gác trước Văn phòng tổng thống Tunisia tại thủ đô Tunis hôm 17/1. Ảnh: AP.
Nhiều chính trị gia thuôc phe đối lập sẽ gia nhập chính phủ, BBC đưa tin. Thủ tướng Ghannouchi, Ngoại trưởng, Bộ trưởng Nội vụ và Bộ trưởng Quốc phòng sẽ giữ nguyên chức vụ trong nội các mới.

Ông Ghannouchi cam kết mở rộng hơn nữa quyền tự do chính trị và ngôn luận. Mọi đảng phái chính trị đều được phép hoạt động công khai tại Tunisia. Bộ Thông tin bị xóa sổ để giới truyền thông được hưởng quyền tư do ngôn luận tuyệt đối. Chính phủ sẽ phóng thích tất cả tù nhân chính trị.

“Chúng tôi quyết định trả tự do cho tất cả những người đang bị giam vì theo đuổi tư tưởng, niềm tin hay thể hiện những quan điểm chống lại chính phủ”, AFP dẫn lời Thủ tướng.

Quyết định thành lập chính phủ liên minh với phe đối lập của ông Ghannouchi diễn ra ba ngày sau khi Tổng thống Ben Ali tháo chạy bởi các cuộc biểu tình bạo loạn của người dân. Chủ tịch Quốc hội Foued Mebazaa đã nhậm chức tổng thống lâm thời Tunisia.

Các cuộc biểu tình vẫn tiếp diễn tại thủ đô Tunis sau khi ông Ghannouchi tuyên bố thành lập chính phủ mới. Những người biểu tình yêu cầu đảng cầm quyền từ bỏ quyền lực. Cảnh sát dùng vòi rồng, lựu đạn hơi cay để giải tán các đám đông. Chính phủ cũng thông báo 78 người đã thiệt mạng bởi tình trạng bạo loạn. Đây là con số lớn nhất mà giới chức từng công bố. Bạo lực cũng gây tổn thất trị giá 2,1 tỷ USD cho nền kinh tế.

Minh Long

Post Reply