Đức, Áo mở cửa biên giới đón di dân
Saturday, September 5, 2015 2:10:27 PM
MUNICH, Đức - Người dân Đức ở thành phố Munich chào đón khoảng 10,000 di dân sau khi đoàn người vượt qua chặng đường dài,
vượt qua Hungary và Áo. Theo tin của BBC.

Khoảng 800 di dân được chở bằng xe lửa từ Hungary đến Munich. Các di dân này vẫy tay chào người dân đang chào đón họ.
(Hình: Sean Gallup/Getty Images)
Người dân Đức đứng bên đường, vỗ tay chào đón khoảng 450 di dân vừa được đoàn xe lửa đặc biệt chở đến.
Vẫn theo bản tin, cơn khủng hoảng di dân tại Châu Âu hiện nay chủ yếu nằm ở vấn đề xin quy chế tị nạn. Hồi đầu tuần, hàng đoàn di dân, trong khi vượt qua Hungary, đã bị chặn lại. Nhiều di dân chống lại cảnh sát Hungary khi bị yêu cầu vào các trại tạm cư ghi danh xin quy chế tị nạn. Họ nói họ muốn tiếp tục cuộc hành trình để đến Đức và Áo.
Hàng ngàn di dân, đa số là nạn nhân của xung đột Syria, sau đó phá vòng vây của cảnh sát Hungary, tiếp tục đi bộ khoảng hơn 100 dặm để đến biên giới. Có nhiều trẻ em và phụ nữ trong số này. Chính quyền Hungary sau đó phải ra lệnh mở cửa biên giới. Nước Áo sẽ đón nhận khoảng 10,000 người trong cuối tuần này.

Cha và con trong chuyến tàu chở 800 người đến Munich.
(Hình: Sean Gallup/Getty Images)
Chính quyền Áo nói sẽ không giới hạn số di dân đi vào nước mình. Phát ngôn nhân Bộ Nội Vụ Áo nói với BBC là quốc gia này đang tìm giải pháp cho di dân đến từ “những vùng đang bị khủng hoảng” và người dân đang “ở hoàn cảnh tuyệt vọng.”
Nước Áo cũng nói di dân có thể nộp đơn xin quy chế tị nạn tại đây, hoặc nếu muốn, họ có thể tiếp tục đến Đức.
Thủ Tướng Đức, Angela Merkel, nói nước Đức đủ khả năng đón nhận làn sóng di dân mới đến mà không phải tăng thuế hoặc làm ảnh hưởng ngân sách quốc gia. Chính phủ Đức nói di dân đến từ Syria có thể ghi danh xin quy chế tị nạn.

“Selfie” ngay khi vừa đặt chân đến Đức. (Hình: Sean Gallup/Getty Images)
Phát ngôn nhân của bà Merkel nói quyết định mở cửa biên giới của Đức là một trường hợp ngoại lệ, vì lý do nhân đạo. Người này cũng nói, chính sách buộc di dân phải nộp đơn xin quy chế tị nạn tại quốc gia Châu Âu đầu tiên mà họ đặt chân đến vẫn còn giá trị.
Trong khi đó, hàng đoàn di dân vẫn lũ lượt kéo đến. Có người đến bằng các chuyến xe lửa địa phương từ Budapest. Có người đi từ các trại tị nạn. Và khi đến sát biên giới, mặc dầu đã mệt lử người, họ vẫn bước thật nhanh. Hành trình di dân có quá nhiều bất trắc, quá nhiều trở ngại.
Bản tin của BBC mô tả, khi màn đêm buông xuống, đoàn người vừa đến kịp Hegyeshalom. Một số vẫn mặc những chiếc áo t-shirt mong manh trong khi trời vào thu trở lạnh bất ngờ. Một số thì dùng mền quấn quanh người. Họ đã đi bộ nhiều ngày. Họ cương quyết phải đi, bất chấp mọi trở ngại, trông họ như những người bại trận. Nhưng ngay vào giây phút này, họ là người chiến thắng.
Chưa có dấu hiệu các thành viên khối EU phối hợp giải quyết triệt để làn sóng di dân. Chỉ riêng trong mấy tháng của năm 2015, đã có hơn 315 ngàn người vượt biên giới đi vào EU.

Một di dân ôm hình bà thủ tướng Đức, Angela Merkel.
(Hình: Sean Gallup/Getty Images)
Các quốc gia EU biết di dân “đến đây để ở lại,” nhưng việc giải quyết dứt khoát vẫn còn nhiều “khó khăn” sau các cuộc thảo luận của các ngoại trưởng.
Nước Đức được Ủy Hội Âu Châu ủng hộ, đưa ra sáng kiến phân phối di dân cho các quốc gia thành viên EU. Nhiều nước Đông Âu phản đối kế hoạch này.
Trong ngày Thứ Bảy, Hungary cho biết, trong lúc tạm nới lỏng các thủ tục chuyển tiếp đối với người xin quy chế tỵ nạn, nước này có kế hoạch siết chặt biên giới và có thể gởi quân đội đến biên giới ở phía Nam, nếu Quốc Hội cho phép. (Đ.B.)