Sau gần 1 tháng cầm quyền, ông Shinzo Abe đã phải đối đầu với một số khó khăn, nhất là anh "bạn" láng giềng Bắc Hàn - Xin cốp-pi gửi đến qu'y vị 1 bài viết về ông Tân Thủ tướng Nhật bản.
CNN
SHINZO ABE, diều hâu hậu chiến...
Sau khi được đảng Tự do – Dân chủ (LDP) đang cầm quyền tín nhiệm vào vai trò lãnh đạo đảng ngày 20.09.2006, ông Shinzo Abe đã chính thức được Quốc hội bầu vào chức vụ Thủ tướng thứ 57 của Nhật Bản đúng một tuần sau đó để kế nhiệm Junichiro Koizumi, người vừa kết thúc nhiệm kỳ 5 năm rưỡi hồi tuần qua. Với tuổi đời 51, Abe là nhà lãnh đạo trẻ nhất của cường quốc kinh tế mạnh thứ nhì thế giới này và là Thủ tướng đầu tiên ra đời sau khi cuộc Đệ nhị Thế chiến chấm dứt.
Dù không trải qua cuộc chiến khốc liệt đó nhưng Abe lại có khuynh hướng “diều hâu” hơn cả những người tiền nhiệm, nhất là trong chính sách đối ngoại với các quốc gia láng giềng như Trung Quốc và Bắc Hàn. Ông cũng là người có đầu óc bảo thủ đến mức cực đoan về vấn đề thừa kế vương quyền của Nhật khi tuyên bố không chấp nhận truyền ngôi cho Công chúa để trở thành Nữ hoàng. Tuy nhiên, Abe cũng được nhìn nhận như một người yêu nước, có trình độ và hậu thuẫn chính trị mạnh mẽ để thực hiện điều ông tin tưởng.

Shinzo Abe chào đời ngày 21.09.1954 tại Nagato, tỉnh Yamaguchi. Tốt nghiệp Cử nhân Khoa học Chính trị tại Đại học Seikei năm 1977, Abe tiếp tục theo học về ngành này tại Đại học Nam California, Hoa Kỳ. Đến tháng 4.1979, Abe làm việc với hãng sắt Kobe Steel nhưng đến 1982, ông rời công ty và bắt đầu lăn lưng vào con đường chính trị qua các chức vụ trung và cao cấp trong chính phủ như trợ lý cho Bộ trưởng Ngoại giao, bí thư của Chủ tịch Đại hội đồng LDP và thư ký riêng của Tổng bí thư đảng LDP.
Sinh ra trong một gia đình có ba đời làm chính trị, Abe hít thở không khí đó từ nhỏ. Ông nội Kan Abe, thân phụ Shintaro Abe đều là những chính trị gia nổi tiếng. Shintaro từng là thủ lãnh của một cánh rất có thế lực trong đảng LDP, giữ nhiều chức vụ quan trọng trong nội các và là ứng viên hàng đầu trong cuộc đua vào chiếc ghế Thủ tướng. Tuy nhiên, ông bị gán ghép có dinh líu trong một vụ xì-căng-đan và suy sụp sức khỏe trầm trọng trước khi qua đời năm 1991. Vợ của Shintaro (tức mẹ của Shinzo) là Yoko Kishi, ái nữ của Thủ tướng Nobusuke Kishi, em trai của Thủ tướng Eisaku Sato. Vì vậy, Shinzo là “con cái trong nhà” của các chính trị gia cao cấp nhất nước, bên cha lẫn bên mẹ.
Shinzo Abe bắt đầu bước chân vào chính trường sau khi giật được chiếc ghế dân biểu tại Quận I tỉnh Yamaguchi năm 1993 sau khi phụ thân qua đời năm 1991. Ông đắc cử với số phiếu cao nhất so với bất cứ cuộc bầu cử nào trong lịch sử của tỉnh này. Năm 1999, ông trở thành Giám đốc Tổng vụ Xã hội, Phó Bí thư trong hai Nội các của Thủ tướng Mori và Thủ tướng Koizumi từ năm 2000-03. Trong cuộc cải tổ nội các hồi tháng 10 năm ngoái, Abe được bổ nhiệm làm Chánh Bí thư Nội các, một chức vụ mà báo chí Nhật Bản vẫn thường gọi đùa là “vợ của Thủ tướng” vì cận kề gần gũi nhất với người cầm đầu chính phủ. Sau đó, ông được bổ nhiệm vào chức vụ Tổng bí thư của đảng Tự do – Dân chủ trước khi trở thành Chủ tịch của đảng này vào ngày 20.09 vừa qua.
So với các nhân vật tiền nhiệm khác, sự nghiệp chính trị của Abe khá ngắn ngủi và tiểu sử của ông không “hoa lá cành” gì cả nhưng hầu heat những công việc do ông đảm nhiệm đều được hoàn thành xuất sắc. Dân Nhật đặc biệt có cảm tình và ngưỡng phục Abe qua thái độ cứng rắn của ông trong các cuộc thương thuyết với Bắc Hàn. Với tư cách trưởng đoàn của Chính phủ đại diện cho các gia đình của những người Nhật bị Bắc Hàn bắt cóc, Abe đã đòi hỏi cho phép những người Nhật bị bắt cóc đó được phép ở lại Nhật khi họ viếng thăm Nhật sau mấy chục năm xa cách quê hương, dù Bắc Hàn kiên quyết bác bỏ. Nhưng ông đã thắng.
Abe cũng được dân Nhật ủng hộ nồng nhiệt khi ông cầm đầu cuộc điều tra về “chương trình giáo dục sinh lý quá mức trong nhà trường” gây ra nhiều trường hợp phản xã hội trong giới trẻ.
Abe được (hay bị?) coi như một chính trị gia bảo thủ về đối ngoại vì ông từng chứng tỏ lập trường đối đầu với các quốc gia Đông Á khác như Trung Quốc, Nam Hàn và đặc biệt là Bắc Hàn, nước cộng sản mà ông nhận xét là “không thể nói chuyện được bằng thiện chí”. Ông cũng từng tuyên bố sẽ tiếp tục viếng thăm Đền chiến sĩ trận vong Yasukuni sau khi trở thành Thủ tướng dù sự kiện này có thể bị một số chính phủ ngoại quốc phản đối: “Tôi không thấy có gì sai trái cả khi lãnh tụ của một nước đến đền chiến sĩ trận vong để tưởng nhớ những người đã bỏ mình vì tổ quốc.” Vào đầu tháng 8.2006, báo chí Nhật Bản loan tin rằng Abe đã đến Đền Yasukuni nhưng ông nói lần viếng thăm đó là với tư cách cá nhân.
Người tiền nhiệm của Abe, Thủ tướng Koizumi, đã bị Trung Quốc và Nam Hàn từ chối họp thượng đỉnh với ông vì ông đã viếng đền thờ Yasukuni. Trong số 2.5 triệu chiến sĩ được vinh danh trong ngôi đền thờ này có 14 người bị kết án tội phạm chiến tranh khi Nhật Bản chiếm đóng các nước Đông Á trong thời Đệ nhị Thế chiến. Cho đến nay, lịch sử Nhật Bản vẫn viết rằng cuộc xâm lăng của Nhật Bản ở Á châu là để giải phuong khu vực này khỏi chế độ thực dân và vì nghĩa vụ này, họ bị buộc vào thế phải giao chiến với Hoa Kỳ.
Abe cũng là một người rất “bảo hoàng” theo ý nghĩa chỉ có Thái tử mới được kế vị ngai vàng. Ông công khai tuyên bố chống lại dự định của Thủ tướng Koizumi về việc tu chính hiến pháp để cho phép phụ nữ thừa kế vương quyền. Quan điểm cực đoan của Abe đã gây căng thẳng không ít trong sinh hoạt chính trị của Nhật Bản trong vài tháng qua. Bây giờ, nó đã lắng dịu đôi phần sau khi thứ nam của Nhật hoàng là Akishino vừa hạ sinh một hoàng nam. Đây là lần đầu tiên trong 40 năm qua một thành viên nam trực hệ của Hoàng gia Nhật Bản ra đời, chấm dứt giai đoạn khủng hoảng thừa kế ngai vàng trên “đất nước mặt trời mọc” này.
Dù quan điểm của Abe mang tính chất “diều hâu” như thế nhưng nhiều nhà phân tích thời cuộc tin rằng mối bang giao giữa Nhật Bản với các nước láng giềng trong thời gian sắp tới sẽ được cải thiện. Chính Abe cũng đã nói rằng mối bang giao giữa Bắc Kinh và Đông Kinh “không nên được tiếp tục trên căn bản cảm tính” mà đôi bên cần nhìn ra quyền lợi chiến lược lâu dài của nhau.
Abe có lẽ cũng sẽ mở rộng thêm định nghĩa về “hiến pháp hòa bình hậu chiến” của Nhật Bản để cho phép đất nước này tham gia trong những công tác tự vệ tập thể hoặc góp sức trong các lực lượng bảo an Liên Hiệp Quốc. Ông cũng mạnh mẽ biện luận rằng “không có gì vi hiến cả” nếu Nhật Bản phải sử dụng vũ khí nguyên tử chiến thuật hạn chế để tự vệ. Đây là một quan điểm gây tranh cãi gắt gao trong đất nước duy nhất trên thế giới từng bị tấn công bằng bom nguyên tử.
Lưu Dân
Source:
VietAU